Tải bản đầy đủ (.doc) (13 trang)

VĂN BẢN NGHỊ LUẬN TRUNG ĐẠI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (160.23 KB, 13 trang )

PHÒNG GD &ĐT
…………….. @ ……………..

CHUYÊN ĐỀ: “ HƯỚNG DẪN HỌC SINH
TIẾP CẬN CÁC VĂN BẢN NGHỊ LUẬN
TRUNG ĐẠI VIỆT NAM NGỮ VĂN 8”
Người thực hiện:

Tháng 4 năm 2015


PHẦN I: MỞ ĐẦU
I- LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI.

1. Cơ sở khoa học.
Xuất phát từ mục đích đưa bộ môn Ngữ Văn về gần với cuộc sống tăng tính
thực tiễn của bộ môn này chương trình Ngữ Văn THCS đã có rất nhiều đổi mới.
Trong đó phải kể đến là sự xuất hiện của những văn bản nghị luận. Nếu văn bản
nghệ thuật là sản phẩm của lối tư duy hình tượng thì văn bản nghị luận là sản phẩm
lối tư duy logic. Trong chương trình Ngữ Văn THPT nói chung và chương trình
Ngữ Văn 8 nói riêng, các văn bản nghị luận có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là
những văn bản nghị luận trung đại. Các văn bản này không những nhằm cung cấp
cho học sinh kiến thức về những sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước quá khứ,
những vấn đề thiết yếu trong đời sống mà còn tiếp tục cung cấp cho học sinh những
kiến thức về thẻ loại của văn học trung đại Việt Nam. Từ đó các em có cái nhìn đầy
đủ hơn về thành tựu của văn học trung đại (vấn đề này học sinh sẽ được cung cấp
hoàn chỉnh trong chương trình Ngữ văn 9).
Mặt khác cụm bài nghị luận còn giúp các em học sinh thấy được trí tuệ sáng
suốt, lối tư duy sắc sảo của ông cha ta trước đây. Từ đó các em học sinh được cách
tập luận chặt chẽ, sắc sảo trong lối tư duy logic có sự kết hợp hài hòa giữa lý lẽ và
tình cảm để áp dụng vào việc học kiểu bài văn nghị luận trong phân môn Tập làm


văn. Đồng thời việc tiếp cận với cụm bài này cũng rèn khả năng tư duy logic cho
các em vì đây là một thao tác tư duy rất cần thiết trong đời sống.
2. Cơ sở thực tiễn.
Trong chương trình Ngữ văn THCS học sinh đã được làm quen với kiểu văn
bản nghị luận từ lớp 7 ở phần Đọc – Hiểu văn bản với các tác phẩm: Tiếng Việt ta
rất giàu và đẹp; Đức tính giản dị của Bác Hồ; Ý nghĩa của văn chương, để tích hợp
với phần Tập làm văn khi các em bước đầu được làm quen kiểu bài nghị luận. Sang
lớp 8, số lượng văn bản nghị luận trong chương trình Ngữ văn được tăng lên và độ
khó cũng cao hơn. Các văn bản nghị luận các em được học: Chiếu dời đô; Hịch
tướng sỹ, Nước Đại Việt ta; Bàn luận về phép học; Thuế máu. Trong đó đại đa số là
văn bản nghị luận trung đại. Trong thực tế dạy – học cụm bài nghị luận trung đại,
giáo viên và học sinh đều gặp những khó khăn nhất định. Trước hết đối với học
sinh, những văn bản nghị luận trung đại đều là sản phẩm trí tuệ uyên bác của các
bậc vua chúa, tướng lĩnh, học giả thời phong kiến. Nó đề cập đến những sự kiện
chính trị - xã hội mang tính trọng đại của quốc gia dân tộc trong quá khứ. Người
viết sử dụng quá nhiều điển tích điển cốtrong bài viết khiến cho học sinh đọc – nhớ

2


hiểu văn bản gặp nhiều khó khăn. Ngôn ngữ trong các văn bản chủ yếu là ngôn ngữ
dịch, tư liệu tham khảo cho cụm bài này cũng không dễ kiếm tìm. Đây là những khó
khăn nhất định đối với đối tượng tiếp nhận cụm văn bản này.
Còn đối với giáo viên, dạy văn bản nghị luận trung đại không phải là vấn đề
mới hoàn toàn. Trong chương trình môn Văn cải cách trước đây, văn bản nghị luận
đã được đưa vào, song đối tượng tiếp nhận loại văn bản này là học sinh lớp 9 (trình
độ tư duy của các em ở mức cao hơn) . Mặt khác số lượng văn bản nghị luận trung
đại phải dạy cũng ít hơn về số lượng và phạm vi thể loại cũng hẹp hơn (Lớp 9 cũ
chỉ có thể loại Hịch và Cáo, lớp 8 mới có thêm Chiếu, Tấu). Với những văn bản
mới được đưa vào trong chương trình Ngữ văn 8, giáo viên cũng thực sự chưa có độ

nhuần nhuyễn về kiến thức cũng như về phương pháp giảng dạy. Vì vậy rất dễ sa
vào diễn xuôi nội dung văn bản. Sách và tài liệu tham khảo để dạy cụm bài này
cũng chưa nhiều và vốn Hán tự của giáo viên cũng ít. Đó là khó khăn mà chúng tôi
gặ phải trong quá trình giảng dạy cụm bài này.
II. PHẠM VI – MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ TÀI

1. Phạm vi.
Áp dụng đối với việc giảng dạy cụm bài “ Nghị luận trung đại Việt Nam ”
trong chương trình ngữ văn lớp 8.
2. Mục đích.
Nhằm tháo gỡ phần nào những lúng túng của GV khi giảng dạy kiểu bài này
và nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Ngữ văn nói chung.
III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU.

HS Trường THCS.
IV- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

- Phương pháp quan sát.
- Phương pháp so sánh.
- Tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến các văn bản nghị luận trung đại và
khảo sát thực tế học sinh qua mỗi tiết dạy.
- Tài liệu tham khảo: Từ điển Văn học Việt Nam; Tài liệu bồi dưỡng giáo viên
– Đổi mới phương pháp dạy môn Ngữ Văn 8 ở trường THCS; Sách giáo khoa, sách
giáo viên Ngữ Văn 8.

3


PHẦN II: NỘI DUNG
I. KHÁI NIỆM.


- Văn nghị luận là kiểu văn bản nêu ra những luận điểm rồi bằng những luận
cứ, luận chứng làm sáng tỏ những luận điểm ấy một cách thuyết phục. Cốt lõi của
văn nghị luận là ý kiến – luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng, lập luận ( Sách GV Ngữ văn
8)
- Văn nghị luận trung đại là những văn bản nghị luận ra đời trong thời kì
trung đại ( thời kì nhà nước phong kiến ).
- So sánh nghị luận trung đại với nghị luận hiện đại.
Nghị luận trung đại.
- Văn – sử - triết bất phân.
- Khuôn vào những thể loại
riêng: chiếu, tấu, hịch, cáo…với
kết cấu, bố cục riêng.
- Mang đậm thế giới quan của
con người trung đại: tư tưởng
thiên mệnh,nhân nghĩa, thần –
chủ, tâm lí sùng cổ…
- Từ ngữ cổ: cách xưng hô trẫm
– khanh…

Nghị luận hiện đại.
- Không phân chia thành các
thể lọai rạch ròi, sử dụng trong
các thể laọi văn xuôi hiện đại:
Tiểu thuyết luận đề, phóng sự
chính luận, tuyên ngôn…
- Cách viết giản dị, câu văn
gần với lời nói thường ngày,
gắn với đời sống hơn.


- Dùng nhiều điển tích, điển cố,

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI HƯỚNG DẪN HS TIẾP CẬN VĂN NGHỊ
LUẬN TRUNG ĐẠI.

1. Cần nắm bối cảnh lịch sử - tác giả - tác phẩm.
Có thể nói đây là những đặc điểm bên ngoài, gián cách với văn bản song lại là
những tiền đề hết sức quan trọng để học sinh tìm hiểu tác phẩm. Đặc biệt với các
tác phẩm nghị luận trung đại là những tác phẩm có ý nghĩa lịch sử gắn liền với các
sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước và các tác giả là những vị vua, vị tướng sĩ –
những người đã gắn cuộc đời mình với vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ. Vì vậy
chính việc nắm vững các khía cạnh bối cảnh lịch sử - tác giả - tác phẩm sẽ gợi lên
không khí thời đại, tính lịch sử và góp phần soi sáng nội dung tác phẩm.
* Với bối cảnh lịch sử: HS cần vận dụng những kiến thức trong phân môn lịch
sử để hiểu rõ tình hình đất nước trong hoàn cảnh văn bản ra đời.
* Với tác giả: ngoài những gợi ý SGK, HS có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời,
sự nghiệp, tư tưởng của tác giả.
4


Ví dụ: Đề hiểu “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn phải hiểu rõ ý nghĩa lịch
sử to lớn của việc dời đô ra Thăng Long và vai trò không những mở đầu cho vương
triều họ Lý mà còn như mở ra kỷ nguyên quốc gia Đại Việt độc lập. Vương Triều
Tiền - Lê vào đầu thế kỷ XI lâm vào khủng hoảng cực điểm “Cả một xã hội hỗn
loạn, đau khổ, đang cần có người giải thoát. Người đó đối lập với tàn bạo phải có
cái “Nhân”, cái “Đức”, đối lập với ăn tiêu xa xỉ phải có cái “Giản”, đối lập với cái u
muội, ươn hèn phải có cái “Trí”. Ở Lý Công Uẩn đã hội tụ những phẩm chất đó.
Chính vì vậy mà sau khi Lê Long Đĩnh mất, Lý Công Uẩn được triều đình và đội
ngũ sư tăng ủng hộ tôn lên làm vua. Sau khi lên ngôi ông nhận thấy đất Hoa Lư
chật hẹp không thể mở mang làm chỗ đô hội được. Ông đã đưa ra một quyết định

vô cùng quan trọng là dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Việc Lí Công Uẩn dời đô từ
Hoa Lư ra thành Đại La thể hiện đất nước Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Cái tên
“Thăng Long” của kinh đô mới với ý nghĩa hình ảnh con rồng “bay lên” đã phản
ánh niềm tin tưởng và tự hào của dân tộc.
Hay với Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng vậy. Nếu không gắn với con
người tác giả - danh tướng hàng đầu của lịch sử dân tộc và lịch sử quân sự nhân
loại; không gắn với hào khí Đông A cùng cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên
Mông thần kỳ thì khó cảm nhận hết ý nghĩa và cái hay của bài hịch; không cảm
nhận hết được tấm lòng tận trung với nước của Trần Quốc Tuấn. Vì vậy khi dạy bài
này, GV cần cho học sinh nắm được những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp và
những đóng góp của Trần Quốc Tuấn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên
Mông cũng như tình hình đất nước lúc bấy giờ để hiểu được nội dung cũng như
mục đích của văn bản Hịch tướng sĩ.
Tất nhiên nắm vững bối cảnh lịch sử - tác giả - tác phẩm là một vấn đề hoàn
toàn không mới, đã được SGK đặt ra, song vẫn rất cần nhấn mạnh để giúp học sinh
tiếp nhận bài giảng thuận lợi và sâu sắc hơn, nhất là đối với những tác phẩm văn
học cổ đã ra đời cách chúng ta tới cả ngàn năm.
2- Cần hiểu đầy đủ hệ thống từ vựng, điển cố:
Trong các tác phẩm trung đại các tác giả sử dụng một hệ thống từ vựng, điển
cố mang đặc điểm của thi pháp trung đại. Trước mỗi bài học, nếu chưa hiểu hết
được hệ thống từ vựng, điển cố thì chưa thể giải mã được từ ngữ, nội dung cũng
như nghệ thuật của tác phẩm.
Ở đây SGK Ngữ văn chú thích khá đầy đủ những từ khó trong mỗi văn bản,
giáo viên cần phải hướng dẫn, yêu cầu học sinh nắm được ý nghĩa của những từ

5


ngữ, điển cổ đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó người giáo viên cần phải vận dụng sự hiểu
biết, vốn văn hóa của mình để giúp học sinh hiểu thêm.

* Ví dụ: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, học sinh có thể đặt vấn đề ngay:
Tại sao đánh thắng giặc Minh mà Nguyễn Trãi lại viết là “Bình Ngô”. Vậy chữ
“Bình” là gì? chữ “Ngô” là gì? Chúng ta cần giải thích rõ “Bình” là dẹp yên, là
chiến thắng, là sự thể hiện bản lĩnh và chủ quyền dân tộc trước giặc ngoại xâm. Còn
chữ “Ngô” đâu phải nôm na chỉ là giặc Minh, mà chữ đó nằm trong danh xưng Ngô
vương Chu Nguyên Chương- ông tổ nhà Minh. Vậy Nguyễn Trãi viết là Bình Ngô
chính là cách nói thâm thúy, gọi đích danh đến ông thủy tổ nhà Minh. Hoặc vẫn
trong bài Cáo ấy GV cũng cần giải thích nguyên lý “nhân nghĩa” được mở đầu
đoạn trích Nước Đại ta: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo
trừ bạo” và được triển khai suốt tác phẩm. “Nhân nghĩa” là khái niệm xuất hiện
trước thời Khổng Tử. Sau đó Khổng Tử và Mạnh Tử đem dùng lại và ấn định cho
nó một số nội dung. Nội dung đó khá phức tạp nhưng tựu chung lại chỉ có trong
tầng lớp thống trị. Còn tư tưởng của Nguyễn Trãi Thì nhân nghĩa là “Yên dân”,
“Trừ bạo”. “Yên dân” là làm cho dân được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Muốn
“Yên dân” thì phải trừ diệt được các thế lực tàn bạo. Đặt trong hoàn cảnh Nguyễn
Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo thì người dân Đại Việt đang bị nô lệ, còn kẻ bạo tàn
chính là bọn giặc Minh cướp nước. Vậy người dân ở đây không chỉ là “dân đen con
đỏ” nói chung mà là những người dân lao động, là toàn thể nhân dân Đại Viêt. Như
vậy với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược, nhân
nghĩa không chỉ trong quan hệ giữa người với người mà còn trong quan hệ giữa dân
tộc với dân tộc. Đây là nội dung mới, là sự phát triển của tư tưởng nhân nghĩa ở
Nguyễn Trãi so với Nho giáo.
3- Cần nắm vững đặc điểm của thể loại:
Trước tiên, chúng ta cần nắm rõ đặc điểm của văn bản nghị luận nói chung và
văn bản nghị luận trung đại Việt Nam nói riêng.
Văn bản nghị luận là một thể văn viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều
lĩnh vực đời sống khác nhau: Chính trị, kinh tế, triết học, văn hóa. Mục đích của thể
văn này là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một
quan điểm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp cho lợi ích một tầng lớp, một giai cấp
nhất định. Chính vì thế, tác phẩm chính luận bao giờ cũng thể hiện khuynh hướng

tư tưởng, lập trường công dân rõ ràng. Tình cảm sục sôi, luận chiến quyết liệt và
công khai là những dấu hiệu quan trọng của phong cách chính luận. Văn chính luận
trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận và lý lẽ.

6


Tuy nhiên, văn nghị luận trung đại Việt Nam (chiếu, hịch, cáo, tấu) lại mang những
đặc điểm thi pháp riêng. Trước hết GV chúng ta phải hướng dẫn học sinh nắm vững
khái niệm của từng thể loại. Nội dung này được SGK trình bày đầy đủ, giáo viên
chỉ cần nhấn mạnh thêm: Đây là nhóm các thể loại văn kiện hành chính mà người
viết, người nhận đều có cương vị xã hội rõ rệt. Ở các thể Hịch, Chiếu, Cáo chủ thể
phải là thiên tử hoặc chủ tướng, còn thể Tấu chủ thể là thần tử trình bày với thiên
tử. Chiếu dùng để ban bố mệnh lênh, Hịch dùng để kêu gọi, cổ vũ; Cáo dùng để
công bố kết quả một sự nghiệp còn Tấu dùng để trình bày sự việc, ý kiến, đề nghị.
Trong mỗi giờ học chúng ta nên so sánh điểm giống và khác nhau về đặc điểm và
chức năng của các văn bản để học sinh nắm vững khái niệm thể loại.
Chúng ta cần lưu ý là văn nghị luận trung đại mang đặc điểm chung của thi
pháp văn học thời phong kiến, tức là thể hiện thế giới, tư tưởng qua một hệ thống
ước lệ chặt chẽ, có tính uyên bác, cách điệu hóa, sùng cổ và phi ngã, quan niệm về
con người và trời đất “nhất thể”. Đặc biệt do tư duy nguyên hợp không phân biệt
văn học thuật và văn nghệ thuật nên có quan niệm văn sử bất phân, vì thế một số
thể như chiếu, cáo, hịch…., tuy mang nội dung chức năng hành chính nhưng vẫn
được coi là văn. Vì vậy khi tìm hiểu giá trị của các văn bản này phải phân tích được
chất lượng chính luận (vấn đề được để cập phải là quan trọng, thiết yếu, thật sự có ý
nghĩa, khuynh hướng rõ ràng, quan điểm đúng đắn tiền bộ, lập luận chặt chẽ, logic,
chứng cứ hùng hồn) và chất lượng thẩm mỹ, đây là yêu cầu quy luật của nghệ thuật.
* Chất lượng chính luận của 4 văn bản nghị luận trung đại trong chương trình Ngữ
văn 8 đều đạt đến trình độ mẫu mực. Các văn bản này đều đề cập đến những vấn đề
trọng đại mang ý nghĩa lịch sử của nước nhà: Chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, xây dựng

mở mang đất nước. Các văn bản đó có kết cấu chặt chẽ, cách lập luận giàu sức
thuyết phục.
* Về chất lượng thẩm mỹ, các văn bản trung đại này đều đáp ứng được yêu cầu
quy luật của nghệ thuật. Tính thẩm mỹ ở đây chủ yếu thể hiện ở 2 phương diện:
cảm hứng của chủ thể sáng tạo và tính hình tượng của văn bản. Các văn bản chính
luận trung đại Việt Nam thường được viết với một nhiệt huyết nồng nàn. Tuy thuộc
loại văn bản chính trị, hành chính nhưng các tác phẩm: Chiếu dời đô, Hịch tướng
sỹ, Cáo Bình Ngô, Bàn luận về phép học không hề có giọng khô khan, chỉ chú trọng
sự lập luận khúc triết lôgic và văn phong chặt chẽ mà còn tràn đầy cảm xúc.
* Ví dụ: Hịch tướng sĩ sau khi tố cáo tội ác của kẻ thù để tô đậm nỗi đau xót
chung của đất nước, để khơi gợi lòng căm thù, danh dự người làm tướng của các tì
tướng Trần Quốc Tuấn đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình. Đó là nỗi đau xót “Ta

7


thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ
căm tức rằng chưa được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù, dẫu cho trăm
thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.
Đó là những lời cởi mở tâm tình sâu kín nhất, nồng đượm nhất của Trần QuốcTuấn.
Những hình ảnh “tới bữa quên ăn”, “nửa đêm vỗ gối”, “ruột đau như cắt”….có
giá trị khắc họa lòng căm thù cao độ, quyết không đội trời chung với kẻ thù. Qua đó
ta thấy hiện lên sinh động hình tượng người anh hùng yêu nước đến quặn lòng trước
cảnh tình đất nước, căm thù giặc đến bầm gan tím ruột, mong rửa nhục đến mất ngủ
quên ăn, vì nghĩa lớn mà coi thường xương tan thịt nát.
Vì vậy khi giảng cụm bài này, người giáo viên phái hết sức lưu ý đến tính biểu
cảm, sắc thái trữ tình trong các văn bản đó là cái gốc làm nên sức truyền cảm, sức
thuyết phục mạnh mẽ của bài văn. Bên cạnh đó tính hình tượng được coi là đặc
trưng của văn chương thẩm mỹ, giàu tính hình tượng là đặc điểm phổ biến của văn
nghị luận Trung đại thời kỳ “Văn - sử - triết bất phân”. Các tác giả dùng hình tượng

để diễn đạt cảm xúc. Chúng ta cần lưu ý thêm rằng tính hình tượng trong văn học
nghị luận trung đại không ở cấp độ chỉnh thể “như trong văn chương thẩm mỹ” mà
chỉ ở cấp độ ngôn từ, ở cách diễn đạt tu từ, ở các cứ liệu được dẫn ra sinh động
phục vụ cho lập luận.
4- Hướng vận dụng quan điểm tích hợp khi dạy cụm bài văn học nghị luận
trung đại:
Trước tiên cần nhắc lại thế nào là tích hợp: Trên thế giới có nhiều tác phẩm viết
về tích hợp, có nhiều định nghĩa về tích hợp. Sau đây là một trong những định
nghĩa đó: “Tích hợp là sự phối hợp các tri thức thuộc số môn học có những nét
tương đồng vào để xây dựng chương trình giáo dục.” Nguyên tắc tích hợp cần thể
hiện trong quá trình tổ chức dạy học ở giờ văn thường được vận dụng theo một số
kiểu sau:
- Tích hợp ngang: Tích hợp theo từng thời điểm, từng vấn đề, khai thác triệt để
mối liên hệ mật thiết giữa văn bản văn học đang học với vấn đề đang học ở phần
Tiếng Việt và Tập làm văn.
- Tích hợp dọc: nội dung đang học ở phân môn này có thể liên hệ với nội dung đã
dạy sẽ ở chính phân môn đó hoặc ở 2 phân môn Tiếng Việt và Tập làm văn.- Tích
hợp liên thông: nội dung đang học có liên quan với nhiều môn học khác như địa lý,
lịch sử, nhạc, họa…. kiến thức của môn học này giúp học sinh hiểu sâu hơn tác
phẩm văn học và ngược lại qua văn học cũng có thể kết hợp giáo dục và hỗ trợ cho
những môn học trên.

8


Với ý nghĩa đó quan điểm tích hợp cần được vận dụng linh hoạt trong mỗi giờ
Đọc - Hiểu văn bản nghị luận trung đại Việt Nam.Trước tiên chúng ta thấy rằng
cụm bài Nghị luận trung đại được sắp xếp sau khi ở vòng 1 HS đã được học cụm
văn bản trữ tình trung đại. Mặc dù khác về kiểu văn bản, khác về phương thức biểu
đạt nhưng các văn bản này đều mang nội dung tư tưởng yêu nước sâu sắc. Đây là

một trong những nguồn cảm hứng cơ bản của VHVN nói chung và VHTĐ nói
riêng. Giá trị tinh thần ấy đã được thể hiện phong phú trong các văn bản trữ tình
trung đại (Ngữ văn 7), ý thức độc lập tự chủ dân tộc (Nam quốc sơn hà – Lí Thường
Kiệt), tinh thần tự cường tự tôn dân tộc (Tụng giá hoàn kinh sư – TQK), niềm vui
giao hòa với thiên nhiên (Côn Sơn ca – NT)…. Vì vậy khi dạy Chiếu dời đô không
thể không nhắc đến Nam quốc sơn hà, dạy Hịch tướng sĩ không thể không gắn với
Tụng giá hoàn kinh sư.
Hoặc khi dạy cụm bài nghị luận trung đại này, quan điểm tích hợp còn được
vận dụng bằng việc chúng ta phải chỉ rõ cho HS nhận thức được bước phát triển về
tư tưởng yêu nước của dân tộc qua 3 văn bản Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình
Ngô đại cáo. Cụ thể là: nếu ở Nam quốc sơn hà quan niệm nước nhà của Lí Thường
Kiệt là “Nam đế”, là “thiên thư”, ở Trần Quốc Tuấn là vua chúa, triều đình, tông
miếu, thái ấp, tướng sỹ và bổng lộc…. thì đến với Nguyễn Trãi quan niệm nước nhà
phong phú, đầy đủ hơn. Không dựa vào trời, vào thần, vào vua mà Nguyễn Trãi dựa
vào nền văn hiến, cương vị lãnh thổ, phong tục tập quán, chính trị, lịch sử nước nhà,
…. để định nghĩa nước nhà. Để từ đó chỉ ra bước phát triển lớn nhất trong tư tưởng
yêu nước là ở Nguyễn Trãi, là ở tư tưởng “thân dân”. Tư tưởng ấy được nêu cao ngay ở
những câu mở đầu trong Bình Ngô đại cáo:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Tiếp theo chúng ta thấy rằng các văn bản NLTĐ trong SGK Ngữ Văn 8 được
sắp xếp sau khi ở vòng 1 HS đã được học kiểu văn bản nghị luận trong phân môn
TLV và các văn bản nghị luận hiện đại (Đức tính giản dị của Bác, Ý nghĩa văn
chương, Sự giàu đẹp của tiếng việt…) trong các giờ đọc - hiểu. Vì vậy chúng
ta để HS vận dụng những kiến thức đã học để phân tích các băn bản NLTĐ lớp 8
theo nguyên tắc tích hợp dọc. Chẳng hạn khi vận dụng kiến thức về các yếu tố luận
điểm, luận cứ, lập luận trong văn nghị luận để HS nhanh chóng xác định được luận
điểm (quan điểm tư tưởng trong bài), nghệ thuật lập luận của các văn bản, tư duy
sáng suốt của các tác giả.
* Ví dụ: Trong văn bản Bàn về phép học, trước khi hướng dẫn HS phân tích văn


9


bản phải cho HS vận dụng kiến thức đã học về luận điểm để xác định luận điểm
chính của bài viết là gì? Đó là ý kiến thể hiện quan điểm tư tưởng về “mục đích học
chân chính” của Nguyễn Thiếp. Tiếp theo là HS phải xác định được bằng những lí
lẽ và dẫn chứng xác thực tác giả đã lập luận như thế nào để tạo sự thuyết phục? Đó
là tác giả đã phê phán những quan điểm học tập tiêu cực, thực trạng học sai trái rồi
đưa ra và khẳng định quan điểm, phương pháp học đúng đắn, cuối cùng là thuyết
phục cho sự đúng đắn ấy bằng việc chỉ ra tác dụng của nó. Cách lập luận của tác giả
ở đây là vô cùng chặt chẽ. Như vậy là HS vừa vận dụng, vừa củng cố được kiến
thức đã học.
Tích hợp dọc ở đây không có nghĩa chỉ vận dụng những kiến thức ở vòng 1 mà
còn có ý nghĩa đặt nền móng cho những vấn đề được đề cập đến ở lớp 9 như kiểu
bài nghị luận văn học, tổng kết các thể loại văn học trung đại…. Như vậy vận dụng
có hiệu quả quan điểm tích hợp sẽ tạo nền kiến thức vững chắc cho HS.
Bên cạnh đó chúng ta cần lưu ý tích hợp ngang. Tức là sử dụng các kiến thức
Tiếng Việt như Hành động nói, kiến thức TLV như vai trò của yếu tố biểu cảm
trong văn nghị luận…. khi phân tích các văn bản NLTĐ.
Như chúng ta đã biết theo quan điểm của GD hiện đại thì liên hệ chặt chẽ kiến
thức với đời sống cũng là một mặt của quan điểm tích hợp. Cả 4 văn bản NLTĐ đều
có chủ đề gắn bó với xã hội hiện đại: tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với Tổ
quốc…. Vì vậy chúng ta cũng nên hướng HS nhận thức vai trò trách nhiệm công
dân của mình đối với đất nước. Đặc biệt ở văn bản bàn luận về phép học quan điểm
tích hợp nếu được vận dụng khéo léo sẽ rất hiệu quả. Bởi văn bản này đã đề cập đến
những vấn đề hết sức thiết thân với bản thân HS, cũng như
với gia đình, xã hội.
Ví dụ: Nguyễn Thiếp bàn về phép học “Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo
điều học mà làm” GV có thể yêu cầu học sinh thảo luận rút ra bài học về phương

pháp học tập tốt nhất cho mình: phải học rộng, học nhiều nhưng cần nắm vững cái
cốt lõi của kiến thức và biến gắn kiến thức học với thực tế cuộc sống, học đi đôi
với hành. Hoặc như từ việc nhận thức tác dụng của việc học chân chính mà Nguyễn
Thiếp đã nêu ra “Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình
ngay ngắn thiên hạ thịnh trị” HS phải nhận thức được mục đích chân chính trong
học tập ngày nay cũng chính là sau này trở thành người công dân có đủ đức và tài
để xây dựng đất nước.
Bên cạnh việc giáo dục HS kĩ năng sống, qua các văn bản Nghị luận trung đại
GV cần xây dựng cho HS phương pháp tự nghiên cứu. Ngoài những câu hỏi, gợi

10


ý trong SGK, GV có thể xây dựng những câu hỏi, bài tập, yêu cầu HS tự tìm hiểu
thêm những thông tin về tác giả, bối cảnh lịch sử… ( qua các tài liệu SGK, các câu
chuyện lịch sử hoặc các phương tiện thông tin ) góp phần vừa kích thích,phát huy
sự ham học hỏi, khám phá của HS vừa bổ sung, làm sinh động thêm nội dung kiến
thức SGK.
Nói tóm lại việc vận dụng quan điểm tích hợp vào quá trình dạy học là yêu cầu
nhất thiết. Tất nhiên việc vận dụng nó, nhất là khi dạy cụm bài NLTĐ thì không
phải là dễ. Chúng ta cần xây dựng các tình huống tích hợp trong các khâu của quá
trình dạy học. Nhưng cũng cần tránh lối tích hợp một cách khiên cưỡng hoặc tích
hợp tràn lan, không xoáy sâu vào bào giảng mà chỉ huy động kiến thức khi chúng
thực sự cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề trước mắt.
5- Khi giảng dạy cụm bài nghị luận trung đại Việt Nam cần chú ý đến
thiết bị, phương tiện dạy học.
Đứng trước một thực tế cộng nghệ thông tin trong đời sống phát triển mạnh
mẽ. Học sinh ngày nay có khả năng cập nhật thông tin rất nhanh chóng và thuận
tiện thông qua các phương tiện thông tin nghe nhìn. Làm thế nào để cho học sinh
không quay lại với các môn khoa học xã hội và nhân văn đặc biệt là bộ môn Văn –

bộ môn giáo dục nhân cách và tâm hồn học sinh qua các bài giảng. Đây là môn học
có tính đặc thù riêng vì vậy việc chuẩn bị và sử dụng thiết bị, phương tiện dạy học
là khó khăn đối với mỗi giáo viên chúng ta. Đứng trước thực tế đó, điều đầu tiên là
chúng ta phải sử dụng tốt các kênh hình trong SGK. Chỉ có điều sử dụng các kênh
hình đó như thế nào cho hợp lý để góp phần làm nổi bật nội dung văn bản.
* Ví dụ: Trong văn bản Chiếu dời đô có hình ảnh Chùa Một Cột – công trình
kiến trúc nổi tiếng của thủ đô Hà Nội được xây dựng từ thời Lý. Giáo viên cho học
sinh quan sát rồi từ đó giới thiệu cho HS những thành tựu văn hóa nhà Lý khẳng
định tầm nhìn xa, sự đóng góp lớn lao của một vị minh quân đầy tinh thần trách
nhiệm với đất nước. Hay cho HS quan sát bản đồ khu di tích kinh đô Hoa Lư và
thành Đại La để thấy được sự sáng suốt của Lí Công Uẩn trong việc dời đô.
Bên cạnh đấy chúng tôi nhận thấy dạy học văn, đặc biệt là dạy – học cụm bài
Nghị luận trung đại theo hướng công nghệ có khả năng hấp dẫn thu hút học sinh,
đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Bởi đây là cụm
tác phẩm ra đời cách chúng ta tới cả nghìn năm hoặc vài trăm năm nếu chúng ta
sử dụng tốt các thông tin do khoa học công nghệ đem lại sẽ làm cho học sinh học
tập hào hứng, lượng thông tin truyền tải tới học sinh nhiều hơn, hào hứng hơn. Vì
vậy mỗi GV chúng ta phải nắm được kỹ thuật thiết kế bài giảng và tổ chức dạy học
theo hướng công nghệ.
11


PHẦN III: KẾT LUẬN
Tóm lại, cụm văn bản nghị luận trung đại Việt Nam đưa vào SGK Ngữ văn 8 là
những thành tựu xuất sắc của nền văn học VN nói chung, của VHTĐVN nói riêng.
Qua các băn bản này HS không chỉ được nhận thức những giá trị lịch sử, giá trị tư
tưởng, giá trị nghệ thuật... mà còn được bồi dưỡng về tâm hồn, khả năng thẩm mĩ.
Đặc biệt là phải hình thành ở HS năng lực lập luận sắc bén, lý lẽ chặt chẽ thuyết
phục để có thể tạo lập ra một vài vấn đề lưu ý khi giảng dạy cụm bài NLTĐVN.
Song với khả năng tư duy của HS bậc THCS đây là một kiểu bài tương đói khó. Vì

vậy vấn đề đặt ra cho người giáo viên dạy Ngữ văn là làm cách nào để HS có thể
tiếp nhận cụm văn bản này một cách dễ dàng, hiệu quả.
Trên đây là một số bước mà tôi đã và đang thực hiện trong việc hướng dẫn HS tiếp
cận văn bản nghị luận trung đại Việt Nam và bước đầu đã đạt được kết quả tương đối khả
quan. Tuy nhiên vì điều kiện, thời gian chuẩn bị cho chuyên đề này chưa nhiều cho nên có
thể còn nhiều thiếu sót. Tôi rất mong sẽ nhận được những đóng góp ý kiến của các đồng
chí đồng nghiệp để chuyên đề của tôi hoàn thiện hơn, kết quả giờ dạy các văn bản nghị
luận trung đại Việt Nam đạt kết quả cao hơn.
Xin chân thành cảm ơn!
, Ngày 19 tháng 4 năm 2015.
Người thực hiện.

12


13



×