A-
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang
tính chỉ đạo, bao trùm, có giá trị bắt buộc chung, điều chỉnh những quan hệ giữa các
chủ thể của Luật quốc tế, hình thành hệ thống cấu trúc bên trong của Luật quốc tế.
Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, một nguyên tắc mang tính nền tảng
trong hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Về mặt lý luận, hiểu một
cách khái quát, mỗi quốc gia có chủ quyền tức là có quyền lực tối cao trong quan hệ
đối nội và quyền lực độc lập trong quan hệ đối ngoại. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo
sự công bằng cho các quốc gia trong việc hưởng quyền cũng như thực hiện nghĩa vụ
khi tham gia vào quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khả năng tham gia
vào quan hệ quốc tế của mỗi quốc gia là không giống nhau, do đó, các quy phạm
pháp luật quốc tế cũng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Bài
tiểu luận sẽ phân tích cụ thể về nội dung và thực tiễn nguyên tắc bình đẳng về chủ
quyền giữa các quốc gia, với hai phần chính:
-
Phần I: Nội dung nguyên tắc
Phần II: Đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc
B- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I.
Nội dung nguyên tắc :
1. Sự hình thành nguyên tắc
Xuất hiện từ rất sớm, khi loài người chuyển từ chế độ phong kiến sang tư bản chủ
nghĩa, đây được xem là nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế thời bấy giờ. Hiến pháp
tư sản cũng ghi nhận nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền dân tộc như một tôn chỉ
của mình. Tuy vây, trên thực tế trong thời kỳ đó, nguyên tắc này vẫn chưa được tôn
trọng và phạm vi điều chỉnh còn hạn chế. Các cuộc đấu tranh đầu thế kỷ 19, chiến
tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai...liên tiếp nổ ra nhằm phân chia lại thị trường
thế giới đều là những bằng chứng rõ ràng nhất cho sự vi phạm thô bạo nguyên tắc
của các nước tư bản thời kỳ đó.
1
Từ sự sụp đổ của Hội Quốc Liên và sự ra đời của tổ chức Liên hợp quốc năm
1945 với tôn chỉ, mục đích gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, Hiến chương Liên
hợp quốc đã ghi nhận "bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia" là nguyên tắc cơ bản
nhất trong hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và đồng thời cũng là
nguyên tắc cơ bản xuyên suốt quá trình hoạt động của tổ chức quốc tế rộng rãi này.
Điều 2, khoản 1 Hiến chương ghi rõ: Liên Hợp Quốc thành lập trên nguyên tắc bình
đẳng về chủ quyền giữa tất cả các nước thành viên.
Sở dĩ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia trở thành một
nguyên tắc cơ bản và quan trọng của Luật quốc tế cũng như trong hoạt động của
Liên Hợp Quốc bởi vì:
Thứ nhất, do nhu cầu thiết lập một trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ
hai. Với sự thất bại của Hội Quốc Liên trong việc ngăn chặn chiến tranh, Liên Hợp
Quốc ra đời với nhiều sửa đổi, đặc biệt là trong vấn đề tôn trọng nguyên tắc bình
đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
Thứ hai, bình đẳng về chủ quyền các quốc gia là nền tảng của quan hệ quốc tế hiện
đại. Trật tự quốc tế chỉ có thể được duy trì nếu các quyền bình đẳng của các quốc gia
tham gia trật tự đó hoàn toàn được đảm bảo. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, vấn đề
bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết
lập, xây dựng cũng như duy trì một trật tự quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia.
2, Khái niệm "Bình đẳng chủ quyền":
Chủ quyền là thuộc tính chính trị-pháp lý vốn có của quốc gia, thể hiện
quyền lực tối cao của quốc gia trong lãnh thổ của mình và quyền lực độc lập của
quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong phạm vi lãnh thổ, mỗi quốc gia có quyền tối
thượng về lập pháp, hành pháp và tư pháp mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ
bên ngoài, đồng thời quốc gia được tự do lựa chọn cho mình phương thức thích hợp
nhất để thực thi quyền lực trong phạm vi lãnh thổ. Trong quan hệ quốc tế, mỗi quốc
gia có quyền tự quyết định chính sách đối ngoại của mình mà không có sự áp đặt từ
chủ thể khác trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mọi quốc Điều này có nghĩa là các
quốc gia dù lớn hay nhỏ, gia trong cộng đồng quốc tế dù giàu hay nghèo đều có
quyền độc lập như nhau trong quan hệ quốc tế.
2
Bình đẳng được đề cập đến trong nguyên tắc này không được hiểu theo
nghĩa "ngang bằng nhau" về tất cả các quyền và nghĩa vụ, mà là bình đẳng trong
quyền tự quyết mọi vấn đề liên quan đến đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia.
Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy, khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế của
các quốc gia không giống nhau, do đó Luật quốc tế trong một số trường hợp đã có
những quy phạm nhằm trao cho một số quốc gia nhất định những quyền đặc biệt mà
các quốc gia khác không có (Ví dụ: quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc). Tuy nhiên, việc được hưởng các quyền đặc biệt
này bao giờ cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia này phải gánh vác thêm những
nghĩa vụ đặc biệt khác.
3, Nội dung pháp lý:
Bình đẳng về chủ quyền của quốc gia bao gồm:
- Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý
- Mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ;
- Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các quốc gia khác;
- Sự toàn vẹn lãnh thổ và tính độc lập về chính trị là bất di bất dịch;
- Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế
và văn hóa của mình;
- Mỗi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ và tận tâm các nghĩa vụ quốc tế của
mình và tồn tại hoà bình cùng các quốc gia khác.
* Theo nguyên tắc này mỗi quốc gia đều có các quyền bình đẳng sau:
- Được tôn trọng về quốc thể, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị,
kinh tế, xã hội và văn hóa;
- Được tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của mình;
- Được tham gia các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế với các lá phiếu có giá trị
ngang nhau;
- Được ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan;
3
- Được tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế bình đẳng với các quốc
gia khác;
- Được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ và gánh vác các nghĩa vụ như các
quốc gia khác.
II, Thực tiễn thực hiện nguyên tắc
1, Áp dụng nguyên tắc trong xây dựng, tuân thủ và thực thi pháp luật
quốc tế
a. Trong quá trình xây dựng luật quốc tế
Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia là nền tảng của quan hệ
quốc tế hiện đại, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã lấy nguyên tắc này làm cơ sở cho
hoạt động của mình: “. Liên Hiệp Quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng
chủ quyền của tất cả các thành viên” (Khoản 1, Điều 2). Nguyên tắc còn được ghi
nhận trong điều lệ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, của tuyệt đại đa số
các tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức khu vực, trong nhiều điều ước quốc tế song
phương và đa phương và trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng của các hội nghị và
tổ chức quốc tế. Chính vì lẽ đó, các quy định của Luật quốc tế đều được xây dựng
dựa trên nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Việc thực hiện chủ
quyền quốc gia vô cùng quan trọng. Nó nhằm khẳng định địa vị quốc tế của quốc gia
và được thể hiện qua quyền tự quyết về đối nội cũng như đối ngoại của quốc gia.
Ví dụ: Khi xây dựng Công ước luật biền 1982, các quốc gia đã thảo luận trên
cơ sở nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và nhất trí ghi nhận điều 87 :
Biển cả được bỏ ngỏ cho tất cả quốc gia có biển hay không có biển đều bình
đẳng và tự do trong việc sử dụng biển. Quyền tự do trên biển cả bao gồm: tự do hàng
hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ
phần VII công ước Viên quy định về thềm lục địa, tự do đánh bắt hải sản, tự do
nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên các quốc gia khi thực hiện quyền tự do này phải
tính dến lợi ích của việc thực hiện tự do trên biển cả của các quốc gia khác, cũng
như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quan đến các hoạt động trong
vùng
4
.b. Trong việc thực thi pháp luật quốc tế
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của luật quốc tế thì vấn đề thực thi
luật quốc tế cũng là một yêu cầu tất yếu. Hiểu đơn giản, thực thi luật quốc tế là quá
trình hiện thực hóa các quy định của luật quốc tế vào đời sống sinh hoạt quốc tế. Do
bản chất của luật quốc tế là tự thỏa thuận, tự cưỡng chế nên trong hệ thống pháp luật
quốc tế không có các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp như pháp luật quốc gia
mọi hoạt động liên quan đến việc xây dựng và thực thi luật quốc tế trong đời sống
sinh hoạt quốc tế đều do các chủ thể luật quốc tế tự thỏa thuận theo nguyên tắc bình
đẳng về chủ quyền của các quốc gia. Các chủ thể căn cứ vào nguyên tắc cơ bản đó
để xác định, thực thi các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quốc tế quy định, tiến hành
các hoạt động mà luật quốc tế cho phép.
Ví dụ: WTO thừa nhận 3 hình thức của các biện pháp chống bán phá giá, đó
là: biện pháp tạm thời, cam kết về giá và thuế chống bán phá giá chính thức. Ba biện
pháp đó được điều chỉnh bởi Hiệp định Chống bán phá giá. Theo các quy định của
WTO, phá giá không bị cấm, nhưngcác thành viên WTO có quyền áp dụng các biện
pháp bảo hộ nền công nghiệp nội địa khỏi các tác động xấu từ phá giá. Ở đây thể
hiện sự tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của tất cả các quốc gia thành viên.
Nguyên tắc còn là công cụ hữu hiệu, là căn cứ để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Ví dụ: trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, khi mà các bên tranh chấp đều
đưa ra lý lẽ của mình trong việc giải thích, áp dụng Công ước về biển thì nguyên tắc
bình đẳng về chủ quyền đóng vai trò vô cùng quan trong trong việc xác định chủ
quyền, đảm bảo tính công bằng cho quốc gia có chủ quyền bị xâm phạm
c. Trong việc tuân thủ pháp luật quốc tế
Tuân thủ luật quốc tế là một hình thức thực hiện pháp luật quốc tế, trong đó
các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật quốc tế kiềm chế không thực hiện những
hành vi mà pháp luật cấm. Những hành vi không tuân thủ pháp luật quốc tế dẫn đến
hậu quả bị áp dụng chế tài bất lợi cho người vi phạm. Nguyên tắc bình đẳng về chủ
quyền trên thực tế đã phát huy vai trò là một trong những phương tiện thiết yếu để
duy trì trật tự pháp lý quốc tế với đặc trưng quan trọng của nguyên tắc là tính mệnh
lệnh bắt buộc chung. Tất cả các chủ thể đều phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc
cơ bản của luật quốc tế, bất kì vi phạm nào cũng sẽ tất yếu tác động đến lợi ích của
5
các chủ thể khác của quan hệ quốc tế. Bất kỳ hành vi đơn phương nào không tuẩn
thủ triệt để nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đều bị coi là sự vi phạm nghiêm trọng
pháp luật quốc tế.
Ví dụ pháp luật quốc tế thừa nhận nguyên tắc “Bình đẳng chủ quyền giữa các
quốc gia” trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên nước A do có tiểm lực kinh tế, chính trị
mạnh đã dùng ảnh hưởng của mình để tạo áp lực, buộc quốc gia B – là nước đang
phát triển phải tiến hành ký kết điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề kinh tế, trong
đó ghi nhận lợi ích quốc gia A nhiều hơn so với B. Điều ước này không hợp pháp do
vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Các quy phạm điều ước và tập quán quốc tế có nội dung trái với các nguyên
tắc cơ bản của luật quốc tế đều không có giá trị pháp lý.
Ví dụ: Nếu trong các văn bản pháp luật quốc tế như Công ước về hàng không
dân dụng có quy định đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền thì quy định
đó không có giá trị pháp lý
Đối với các lĩnh vực có nguyên tắc chuyên biệt như Luật biển quốc tế, Luật
hàng không dân dụng quốc tế… bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của
luật quốc tế, các bên còn phải chấp hành các nguyên tắc chuyên biệt trong từng lĩnh
vực cụ thể.
Ví dụ : trong luật biển quốc tế có ghi nhận một loạt các nguyên tắc chuyên
ngành như: nguyên tắc tự do biển cả, nguyên tắc đất thống trị biển… các quốc gia
khi tham gia quan hệ quốc tế liên quan đến biển song song với việc thực hiện
nghiêm chỉnh các nguyên tắc chuyên ngành, họ cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ
bản “ bình đẳng về chủ quyến” của luật quốc tế.
2, Các trường hợp đặc biệt
Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, các chủ thể của luật quốc tế đã thừa nhận một số
ngoại lệ của nguyên tắc này. Những ngoại lệ này không hề tạo ra sự bất bình đẳng
chủ quyền giữa các quốc gia mà hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và được
cộng đồng quốc tế thừa nhận. Và hiện nay, tồn tại hai trường hợp ngoại lệ như sau:
a.
Quốc gia bị hạn chế chủ quyền.
6
Trường hợp này đặt ra đối với chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật
quốc tế và việc bị hạn chế chủ quyền là các biện pháp chế tài hoặc sự trừng phạt của
cộng đồng quốc tế đối với hành vi của họ.
Ví dụ như: Ngày 6 tháng 8, 1990, sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Hội đồng Bảo
an Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết 661 áp đặt trừng phạt kinh tế lên Iraq,
chuẩn bị cấm vận kinh tế toàn diện, chỉ trừ cung cấp y tế, thực phẩm và các nhu yếu
phẩm khác của con người, những biện pháp này được Uỷ ban trừng phạt của Hội
đồng Bảo an đưa ra. Sau khi kết thúc chiến tranh và sau khi quân Iraq rút khỏi
Kuwait, các biện pháp trừng phạt này được ràng buộc với việc giải trừ Các vũ khí
huỷ diệt hàng loạt theo Nghị quyết 687 của Liên hiệp quốc.
Hay với việc xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân, Liên hợp quốc đã thi hành sự
trừng phạt kinh tế thương mại với Triều Tiên vào năm 2006 và 2009. Nghị quyết
1874 đã ngăn cản các dịch vụ tài chính có thể phục vụ cho chương trình hạt nhân
hoặc tên lửa đạn đạo, cấm tất cả việc xuất khẩu vũ khí từ quốc gia này và phần lớn
sự nhập khẩu vào quốc gia này, ngoại trừ vũ khí bộ binh, vũ khí hạng nhẹ và các
thiết bị lien quan. Việc bị hạn chế chủ quyền này là biện pháp trừng phạt của cộng
đồng quốc tế nhằm đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh giữa các quốc gia. Bởi vì,
nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia chỉ được tôn trọng khi quốc gia đạt được lợi
ích của mình mà không xâm hại tới lợi ích của các quốc gia khác và phải gắn với
những giới hạn cần thiết mà luật quốc tế cho phép.
b. Trường hợp quốc gia tự hạn chế quyền hạn của mình:
Đây là trường hợp các quốc gia tự lựa chọn vì lợi ích của chính mình hoặc họ
tự hạn chế chủ quyền của mình bằng cách trao quyền cho 1 thể chế khác (như tổ
chức quốc tế, quốc gia khác...) được thay mặt mình trong các hoạt động liên quan
đến lợi ích của quốc gia; hoặc một số quốc gia đã tự hạn chế quyền tham gia vào các
tổ chức quốc tế của mình. Trong các trường hợp này, quốc gia đã tự nguyện hạn chế
quyền chủ quyền của mình và không vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa
các quốc gia.
7
Ví dụ:Thụy sỹ khi tuyến bố mình là quốc gia trung lập vĩnh viễn. Điều này đồng
nghĩa với việc họ không được tham gia vào bất kỳ tổ chức quốc tế nào nhằm theo
đuổi mục đích quân sự hay các liên minh kinh tế, chính trị trên thế giới.
Thụy Sỹ đã tự hạn chế quyền của mình để theo đuổi chính sách đối ngoại
trung lập nhằm giữ độc lập và bảo vệ lợi ích của mình. Mục tiêu của chính sách đối
ngoại là bảo vệ, tăng cường vị thế chính trị và kinh tế của Thụy Sỹ trên thế giới.
Chính sách đối ngoại trung lập là công cụ quan trọng, xuyên suốt và là nội dung chủ
yếu của nền ngoại giao Thụy Sỹ từ 1815 tới nay. Đây là một chính sách đối ngoại vô
cùng khôn khéo giúp Thụy Sỹ tránh được hai cuộc chiến tranh thế giới.
Quốc gia hạn chế quyền bằng cách trao quyền cho 1 thế chế khác:
Ví dụ: Công quốc Mô-na-cô cho phép Pháp thay mặt họ trong mọi quan hệ đối
ngoại, dù nó là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Mô-na-cô theo chế độ quân chủ
cha truyền con nối; Bộ trưởng nhà nước do Công tước bổ nhiệm từ danh sách 3 ứng
cử viên người Pháp do Chính phủ Pháp đề cử.
Mô-na-cô là một nước nhỏ ở châu Âu, từ thế kỷ XIII đã phụ thuộc vào các
vương triều ở Pháp và Bắc I-ta-lia. Từ năm 1918, theo thoả thuận ký với Pháp, Môna-cô trao cho Pháp quyền đại diện ngoại giao; Pháp bảo hộ nền kinh tế - tài chính,
quốc phòng, an ninh. Việc công quốc Mônacô đã tự hạn chế quyền hạn chủ quyền
của mình khi ủy quyền ngoại giao cho Pháp và cho Pháp can thiệp vào chế độ chính
trị của mình nhằm lấy được sự bảo hộ của Pháp, tránh sự can thiệp hay xâm lược từ
các quốc gia lớn khách.
c. Trường hợp quyền phủ quyết của Hội đồng bảo an
Quyền phủ quyết (veto): Là việc một nước thành viên thường trực Hội đồng
Bảo an có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến
thủ tục bằng một phiếu chống của mình kể cả khi tất cả các nước thành viên khác,
8
thường trực và không thường trực, bỏ phiếu tán thành. Nói cách khác, đây là việc
thực hiện nguyên tắc nhất trí giữa năm nước ủy viên thường trực. Trong suốt quá
trình hoạt động của mình với tư cách ủy viên thường trực, tất cả năm nước này đều
đã áp dụng quyền phủ quyết của mình trong đó hai nước Mỹ và Liên Xô (cũ) là
những nước sử dụng nhiều nhất. Kể tử năm 1945, thời điểm Liên Hợp Quốc được
thành lập, Liên Xô cũ và Nga sử dụng 120 lần quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo
an, Mỹ sử dụng 76 lần, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc mới sử dụng 5 lần.
Để một nghị quyết được thông qua, nó phải thu hút được 9 phiếu thuận từ
tổng cộng 15 nước thành viên của HĐBA, trong đó có 5 thành viên thường trực và
10 thành viên không thường trực. Trong số 9 phiếu thuận đó tính cả số phiếu tán
thành của các thành viên thường trực. Quyền phủ quyết của các thành viên thường
trực đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thông qua một nghị quyết.
Trên thực tế, không nhất thiết nghị quyết có mang tính thực chất (có liên quan đến
thủ tục) nào được thông qua cũng cần phải có đủ năm phiếu thuận của năm ủy viên
thường trực. Nếu như một nước ủy viên thường trực không ủng hộ hoặc không muốn
biểu thị sự ủng hộ của mình đối với một nghị quyết, đồng thời cũng không muốn
ngăn cản việc thông qua nghị quyết, nước đó có thể bỏ phiếu trắng hoặc không tham
gia bỏ phiếu, hành động này không bị coi là phủ quyết và nghị quyết vẫn được thông
qua. Thông thường, các nước ủy viên Hội đồng Bảo an cố tìm cách dàn xếp trước để
nghị quyết có thể được thông qua. Tuy nhiên, nhiều nước, cho dù biết trước dự thảo
nghị quyết của mình sẽ bị phủ quyết nhưng vẫn đưa ra bỏ phiếu nhằm gây sức ép
chính trị.
Quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực hội đồng bảo an không đi
ngược lại với nguyên tắc bình đẳng của Liên Hợp Quốc. Bởi lẽ quyền phủ quyết
được tạo ra với mục đích đảm bảo tính pháp chế. Đồng thời các nước thành viên
tham gia cũng tự nguyện công nhận điều đó nên quyền phủ quyết không đi ngược lại
với nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, có trường hợp các quốc gia lợi dụng quyền
9
phủ quyết với mục đích riêng như để bảo vệ cho một số chính phủ có tội ác nghiêm
trọng. Đây chính là hạn chế lớn nhất trong việc thực hiện quyền phủ quyết. Từ đó
dẫn tới những tranh cãi xung quanh vấn đề này trong khóa họp Đại Hội Đồng Liên
Hợp Quốc nhân kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức quốc tế này. Nổi bật với hai ý
kiến về vấn đề quyền phủ quyết: một là loại bỏ hoàn toàn quyền phủ quyết, hai là
hạn chế quyền phủ quyết trong một số những quy định cụ thể.
Ví dụ: nhằm gia tăng sức ép với Nga, Mỹ đã soạn một dự thảo Nghị quyết
yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc trưng cầu ý dân vào ngày
16/3/2014 tại nước Cộng hòa tự trị Crimea về kế hoạch sáp nhập vào Nga, đồng
thời kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu
này. Bản dự thảo Nghị quyết của Mỹ nhận được sự ủng hộ của 13 nước thành viên
của Hội đồng Bảo an, tuy nhiên Nga đã phủ quyết dự thảo, trong khi Trung Quốc bỏ
phiếu trắng. Nga đã sử dụng quyền phủ quyết vì cho rằng Nghị quyết này đi ngược
với nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc được ghi trong Điều 1
của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
3. Một số ví dụ về hành vi thiếu trách nhiệm trong quan hệ quốc tế
Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy quốc gia theo đuổi những lợi ích vị kỉ, có
thái độ và hành động thiếu cân nhắc về hậu quả, làm phương hại đến lợi ích chung
của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác. Có thể kể đến
một số hành động thiếu trách nhiệm sau:
a. Không tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực, thể chế quốc tế
Hai nhiệm kì cầm quyền của Tổng thống G. W. Bush làm cho uy tín của Mỹ bị giảm
sút nghiêm trọng trên trường quốc tế. Lý do cơ bản bởi chính quyền của Tổng thống
Bush theo đuổi một loạt các hành động theo đuổi lợi ích quốc gia vị kỉ, ưu tiên các
biện pháp đơn phương, và coi trọng sử dụng sức mạnh trong chính sách đối ngoại.
Cụ thể, chính quyền Mỹ từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải
gây hiệu ứng nhà kính, không phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn
10
diện (CTBT), và rút ra khỏi Hiệp ước Phòng thủ tên lửa ABM (kí năm 1972 với Liên
Xô) hòng tìm kiếm lợi thế về vũ khí chiến lược trong bối cảnh nước Nga gặp nhiều
khó khăn. Đỉnh cao của sự thiếu trách nhiệm là Mỹ quyết định sử dụng vũ lực xâm
lược I-rắc năm 2003 mà không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc. Sự can thiệp của
Mỹ dù với lý do gì “can thiệp nhân đạo”, “truyền bá dân chủ” hay “đánh đòn phủ
đầu để đảm bảo an ninh” tạo ra sự lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Uy tín
của Mỹ vì thế mà giảm sút nghiêm trọng. Chính vì lý do đó, John Bolton kêu gọi
chính quyền Obama cần có những thay đổi mạnh mẽ trong CSĐN của nước này, đưa
Mỹ trở thành một quốc gia “có chủ quyền có trách nhiệm” với các nỗ lực cụ thể để
thiết lập một trật tự toàn cầu trên cơ sở luật pháp, đề cao ngoại giao, và chủ nghĩa đa
phương.
b. Xác định và thực hiện lợi ích quốc gia một cách vị kỉ, làm ảnh hưởng
đến lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác
Gần đây, uy tín của Trung Quốc trên toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng do
nhiều hành vi được coi là thiếu tinh thần hợp tác và vị kỉ, không quan tâm thỏa đáng
đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác. Trước hết ở khu vực, việc Trung Quốc
từ chối tham gia Ủy hội Sông Mê-kông, và quyết định xây nhiều con đập trên
thượng nguồn con sông mà không qua tham vấn ý kiến của các quốc gia sử dụng
chung dòng sông. Thái độ và cách thức khai thác vùng thượng nguồn sông Mê-kông
của Trung Quốc, dù trong lãnh thổ của quốc gia này, có tác động mạnh mẽ đến môi
trường sinh thái ở khu vực và cuộc sống của hàng triệu người dân sống trong lưu
vực của con sông ở Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia, Myanmar và Việt Nam. Trung
Quốc cũng bị phê phán trên toàn cầu vì thực hiện chính sách khai thác tài nguyên ở
các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, bất chấp những hậu quả xã hội và môi
trường nghiêm trọng cho các cộng đồng sở tại.
11
c.Có các hành vi làm tổn hại đến hòa bình, an ninh khu vực và không
thực lòng, không thiện chí muốn giải quyết các tranh chấp quốc tế
Duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và toàn cầu luôn là nhu
cầu cấp thiết. Để duy trì môi trường hòa bình và ổn định, cần thiết phải xây dựng các
cơ chế giải quyết xung đột hiệu quả, đồng thời các quốc gia liên quan cần có trách
nhiệm kiềm chế, không có các hành động khiêu khích, đe dọa sử dụng vũ lực làm
phức tạp thêm tình hình. Một ví dụ điển hình của hành vi thiếu trách nhiệm của cả
Thái Lan và Cam-pu-chia trong việc giải quyết tranh chấp ngôi đền Praeh Vihear.
Hai nước này đã để xảy ra các xung đột vũ trang nhỏ liên tiếp, đồng thời tạo ra nhiều
xáo trộn với các hành vi làm gia tăng căng thẳng. Đặc biệt là việc Cam-pu-chia mời
cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người đang bị chính quyền Thủ tướng
Abisit Vejjajiva truy tố, về làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Phnôm Pênh. Những
hành động như vậy đi ngược lại tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác
ASEAN (TAC).
Một trường hợp khác là Ấn Độ tố cáo Pa-kít-xtan là quốc gia thiếu trách
nhiệm trong việc bao che, tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố tấn công vào lãnh
thổ Ấn Độ, đặc biệt là cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố Mumbai cuối năm
2008. Nhà nước Taliban ở Áp-ga-ni-xtan cũng đã từng bị tố cáo che chở và nuôi
dưỡng mạng lưới khủng bố Al Qeada, những kẻ chủ mưu và thực hiện vụ tấn công
đẫm máu 11/9 tại Mỹ năm 2001.
d. Không thiện chí đóng góp, hoặc đóng góp không tương xứng với khả
năng vào các nỗ lực quốc tế để giải quyết các hiểm họa toàn cầu
Thế giới ngày hôm nay đối mặt với nhiều mối đe dọa trên quy mô khu vực
và toàn cầu, ví dụ như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo, thiên
tai, sự lan truyền của các dịch bệnh hiểm nghèo, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt,
thiếu hụt nguồn nước… Chưa bao giờ, khái niệm an ninh con người được chú ý
12
nhiều đến như vậy. Nạn đói ở châu Phi, các thảm họa tự nhiên như sóng thần, động
đất cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra hiện nay. Các
vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, các nguy cơ khủng hoảng kinh tế –
tài chính đe dọa sự ổn định chính trị và thành tích phát triển kinh tế của tất cả các
quốc gia.
Việc đối phó và giải quyết tận gốc các vấn đề này cần có sự chia sẻ trách
nhiệm giữa các quốc gia. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, các quốc gia vẫn bị
bó buộc bởi chính trị nội bộ, hoặc chưa nhận thức đầy đủ, hoặc dành quá ít nguồn
lực cho các nỗ lực tập thể. Sự thất bại của Hội nghị Co-pen-ha-gen tháng 12/2009
cho thấy vẫn chưa có sự đồng thuận toàn cầu để đối phó với nguy cơ biến đổi khí
hậu. Các nước đang phát triển và Trung Quốc (nhóm G77 – Trung Quốc) tố cáo các
nước công nghiệp phát triển tìm cách bảo vệ lợi ích của họ gây thiệt hại cho các
nước nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn.[8] Có quan điểm khác lại phê phán Trung
Quốc, coi nước này là một người chơi xấu, là nguyên nhân cho thất bại của Hội nghị
Co-pen-ha-gen nhằm làm xấu đi hình ảnh và uy tín của nước Mỹ và Tổng thống
Obama.
Các vấn đề khác như nghèo đói, sự lan truyền của bệnh tật hiểm nghèo tuy
hoành hành ở một số khu vực địa lý nhất định, nhưng có các hậu quả chính trị, kinh
tế và nhân đạo ở quy mô toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự nghiêm túc
và quyết liệt của các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy nỗ lực và
đóng góp của các nước này chưa đủ. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển
kinh tế (OECD) hỗ trợ cho nông dân của họ tổng số 280 tỉ USD hàng năm, trong khi
viện trợ phát triển của các nước OECD cho các nước đang phát triển chỉ có 80 tỉ
USD trong năm 2004. Hỗ trợ phát triển song phương từ các nước OECD cho những
người nông dân ở các nước đang phát triển chỉ có 3 tỉ USD trong năm 2001. Trong
khi đó, hầu hết các nước này đều áp dụng mức thuế đối với hàng nông nghiệp nhập
khẩu vượt quá giá trị của hàng hóa nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp của họ.
13
Có nhiều nguyên nhân khiến các chính quyền có xu hướng xác định các lợi ích quốc
gia vị kỉ và ngắn hạn, không quan tâm đầy đủ hoặc cố tình lờ đi các trách nhiệm
quốc tế của họ. Thứ nhất, thế giới hiện đại được phân chia thành các quốc gia, những
thực thể chính trị độc lập, có chủ quyền tuyệt đối trong phạm vi lãnh thổ của họ. Các
quốc gia bình đẳng về chủ quyền, và không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào
quá trình hoạch định chính sách của quốc gia khác. Do không có một cơ quan quyền
lực nào giám sát đánh giá và kiềm chế hành vi của các quốc gia, các quốc gia luôn
có xu hướng vụ lợi. Thứ hai, các nhà lãnh đạo quốc gia, dù đạt được quyền lực bằng
bất kì phương pháp nào vẫn chịu sức ép chủ yếu từ những người dân mà họ cai trị. Ở
quốc gia càng dân chủ, các chính trị gia càng bị chi phối bởi ý chí chung của người
dân. Để được bầu hoặc tái bầu, các chính trị gia chỉ tìm cách làm hài lòng cử tri
trong khu vực bầu cử của họ, dẫn đến các quyết định và hành động có thể làm
phương hại đến lợi ích của cộng đồng khác. Thứ ba, do tính chất nhiệm kỳ của bộ
máy chính trị, các chính trị gia có xu hướng bận tâm nhiều hơn đến lợi ích hữu hình,
ngắn hạn hơn là các lợi ích dài hạn, vô hình.
14