TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG
CÁCH ĐẶT CÂU TIÊU ĐỀ VÀ GIÁ TRỊ CỦA
CÂU TIÊU ĐỀ TRONG CÁC TRUYỆN NGẮN CỦA
NAM CAO
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ
HÀ NỘI - 2009
1
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành, sâu sắc của mình tới Thạc sĩ
Đinh Thị Lan, người đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi hoàn thành khóa luận
này.
Tôi xin chân thành cảm ơn thầy cô trong tổ Ngôn ngữ khoa Ngữ văn
trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá
trình nghiên cứu.
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2009
Người thực hiện
Đỗ Thị Thanh Hương
2
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan những nội dung mà tôi đã trình bày trong khóa luận
này là kết quả của quá trình nghiên cứu của bản thân dưới sự hướng dẫn của
các thầy cô. Những nội dung này không hề trùng với kết quả nghiên cứu của
các tác giả khác.
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2009
Người thực hiện
Đỗ Thị Thanh Hương
3
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Cơ sở lý luận
Để tồn tại và phát triển trong cuộc sống, con người cần phải giao tiếp
với nhau. Người ta sử dụng rất nhiều phương tiện khác nhau để giao tiếp,
nhưng phương tiện giao tiếp quan trọng nhất là ngôn ngữ. Trong giao tiếp,
ngôn ngữ giúp con người diễn đạt những tư tưởng, tình cảm của mình với
hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, tất cả những tư tưởng, tình cảm ấy sẽ được truyền
đạt thông qua đơn vị ngôn ngữ cụ thể là câu.
Câu được sử dụng rất sinh động khi phản ánh cuộc sống đa dạng, muôn
màu muôn vẻ. Câu là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có chức năng thông báo. Vì
vậy, câu là một trong những nội dung cơ bản của Ngôn ngữ học. Việc nghiên
cứu về câu và các loại câu trong tiếng Việt giúp chúng ta nắm vững được quy
luật sử dụng cũng như kiến thức cơ bản về câu trong tiếng Việt. Trong tiếng
Việt, mỗi loại câu đều có cấu trúc, tác dụng và hiệu quả nghệ thuật riêng khi
tồn tại trong văn bản. Câu tiêu đề là một loại câu như vậy. Câu tiêu đề có thể
được cấu tạo từ nhiều loại câu khác nhau và có tác dụng tạo nên nhan đề cho
mỗi văn bản nghệ thuật. Câu tiêu đề có vai trò quan trọng trong văn bản nghệ
thuật mà thông qua nó, mỗi tác giả đã gửi gắm những dụng ý nghệ thuật sâu
sắc, hàm súc. Vì vậy, khi nghiên cứu cách đặt câu tiêu đề và giá trị của câu
tiêu đề trong tác phẩm văn chương, chúng ta sẽ thấy được cách sử dụng câu
tạo nên tính hàm súc, tạo hình, biểu cảm trong ngôn ngữ văn chương nghệ
thuật. Từ đó, ta có thể bồi dưỡng về phương pháp phân tích để khám phá nội
dung tư tưởng của tác phẩm văn học từ góc nhìn của Ngôn ngữ học. Đồng
thời, nghiên cứu vấn đề này góp phần khẳng định nét đặc sắc nghệ thuật của
tác phẩm văn học và phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi tác gia văn học.
4
1.2. Cơ sở thực tiễn
Trong nền văn học Việt Nam, Nam Cao là một tác gia lớn có nhiều
đóng góp quan trọng cho nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Trên văn đàn Việt
Nam thời kỳ 1930 – 1945, Nam Cao là cây bút xuất sắc của dòng văn học
hiện thực phê phán. Ông là người kết thúc vẻ vang và trở thành một trong
những đỉnh cao của dòng văn học hiện thực đầu thế kỷ XX.
Những sáng tác của Nam Cao qua dòng chảy của thời gian không hề bị
mai một mà trái lại, luôn trở thành đối tượng nghiên cứu cho các nhà văn, nhà
lý luận phê bình văn học và các thế hệ giáo viên, học sinh tìm tòi nghiên cứu.
Sở dĩ, những tác phẩm của Nam Cao có sức sống bền bỉ qua thời gian là do
các sáng tác ấy chứa đựng nhiều giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật
to lớn, đã để lại trong lòng người đọc những nỗi ám ảnh, sự trăn trở nghĩ suy.
Các tác phẩm của Nam Cao là những bức tranh phản ánh một cách chân thực,
sinh động cuộc sống và để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.
Vì vậy, nghiên cứu “ Cách đặt câu tiêu đề và giá trị của câu tiêu đề trong các
tác phẩm truyện ngắn của Nam Cao ” giúp ta hiểu rõ hơn về giá trị các tác
phẩm của ông cũng như tài năng xuất sắc và phong cách nghệ thuật độc đáo
của tác gia Nam Cao.
Việc tìm hiểu cách đặt câu tiêu đề và giá trị nghệ thuật của câu tiêu đề
trong truyện ngắn Nam Cao có ý nghĩa rất lớn đối với tôi trong việc học tập,
trau dồi kiến thức Ngữ văn khi còn là sinh viên trong trường đại học. Bên
cạnh đó, nó còn có ý nghĩa thiết thực và bổ ích cho công việc giảng dạy của
một giáo viên Ngữ văn trong tương lai.
Từ những lý do trên, tôi quyết định lựa chọn nghiên cứu đề tài “ Cách
đặt câu tiêu đề và giá trị của câu tiêu đề trong các tác phẩm truyện ngắn của
Nam Cao ”.
5
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Lịch sử nghiên cứu câu tiêu đề
Trong lĩnh vực nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, câu tiêu đề không phải
là một loại câu mới được nghiên cứu mà nó là vấn đề đã có lịch sử nghiên cứu
từ trước đây. Trong Việt ngữ học, một số công trình nghiên cứu ngữ pháp học
đã có quan tâm đến vấn đề này. Câu tiêu đề cũng như các vấn đề về câu tiếng
Việt nói chung được các nhà nghiên cứu nhìn nhận, xem xét một cách khách
quan dưới góc độ chung của ngữ pháp học. Tuy nhiên, trong các công trình
nghiên cứu đó mỗi tác giả lại đề cập về câu tiêu đề ở những góc độ khác nhau
tùy theo nội dung và nhiệm vụ nghiên cứu riêng. Dưới đây là một vài công
trình nghiên cứu bàn về câu tiêu đề trong tiếng Việt:
Bùi Minh Toán: Ngữ pháp văn bản tiếng Việt.
Diệp Quang Ban: Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết đoạn văn.
Diệp Quang Ban: Văn bản và liên kết trong tiếng Việt.
Phan Mậu Cảnh: Lý thuyết và thực hành văn bản trong tiếng Việt.
Trần Ngọc Thêm: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt.
Qua đây, ta thấy việc nghiên cứu câu tiêu đề là vần đề không hoàn toàn
mới lạ mà có sự kế thừa, phát triển qua thời gian. Đó cũng là vấn đề mở thu
hút sự quan tâm, tìm tòi nghiên cứu của nhiều thế hệ người làm khoa học.
2.2. Nghiên cứu câu tiêu đề trong các tác phẩm truyện ngắn của Nam
Cao
Nam Cao là một nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Trong dòng văn học hiện thực phê phán, ông là một trong những cây bút tiêu
biểu nhất. Các tác phẩm của ông cùng với thời gian đã chứng tỏ một tài năng
nghệ thuật bậc thầy và một phong cách độc đáo. Điều này đã được rất nhiều
bài viết, nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm của Nam Cao đề cập tới.
6
Tác phẩm của ông được nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như: lý luận văn học,
ngôn ngữ, văn chương nghệ thuật…
Trong lĩnh vực ngôn ngữ, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm tự sự của
Nam Cao cũng được nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau.
Nghiên cứu ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự của Nam Cao ở cấp độ ngữ
âm, tác giả Bích Thu trong bài “ Sức sống của một sự nghiệp văn chương” đã
viết: “… trong văn Nam Cao, một thứ văn xuôi tự nhiên như lời ăn tiếng nói
hằng ngày mà soi kỹ lại thấy chữ nghĩa rất chỉnh, tiếng nói nhân vật và tiếng
nói tác giả hòa quyện, đan xen tạo nên một thế giới đa thanh, phức điệu mà
chỉ văn xuôi hiện đại mới có” (1).
Ở cấp độ từ ngữ đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật
dùng từ trong tác phẩm tự sự của Nam Cao.
Tác giả Hà Minh Đức đánh giá: “Văn Nam Cao mang nhiều tính chất
hiện đại mới mẻ. Anh không tả theo ước lệ và công thức sáo mòn. Nam Cao
sử dụng nhiều từ mới, nhiều so sánh liên tưởng khá độc đáo để diễn tả cho
đúng trạng thái của đối tượng ” (2).
Tác giả Bích Thu khẳng định tài năng của Nam Cao trong “ cách sử
dụng đại từ nhân xưng: nó, hắn, y, thị, gã…”
(3)
. Hơn thế, tác giả Bích Thu
còn đặc biệt chú ý đến “ Sự thành thạo trong sử dụng ngôn ngữ của Nam Cao
còn được thể hiện ở ngôn ngữ đối thoại mang đầy tính chất văn xuôi đời
thường ” (4).
1, 3, 4. Bích Thu,(1999 ), Sức sống của một sự nghiệp văn chương, Nam Cao về tác gia và tác
phẩm, nxb GD.
2. Hà Minh Đức, ( 1976 ), Lời giới thiệu – Nam Cao tác phẩm tập 1, nxb GD.
7
Cũng viết về nghệ thuật dùng từ trong tác phẩm của Nam Cao, Bùi
Công Thuấn đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ nông dân Bắc bộ chi phối đến
truyện ngắn Nam Cao: “Đọc truyện ngắn Nam Cao, chúng ta gặp rất nhiều từ
ngữ đặc biệt của nông dân Bắc bộ. Những từ ngữ sinh hoạt hàng ngày, những
cách so sánh ví von, những cách suy nghĩ nói năng” (1).
Ở cấp độ câu, tác giả Hà Minh Đức viết: “Văn Nam Cao thường có cấu
trúc gọn, đanh và khỏe’’(2). Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả Bùi
Công Thuấn cũng đánh giá: “Câu văn Nam Cao dường như không chuyển tải
tình cảm, không diễn đạt tình cảm, nó có vẻ cộc và khô gần như bốp chát.
Chính những câu văn ngắn này làm nên chất giọng riêng của Nam Cao ” (3).
Ở cấp độ văn bản, nhiều tác giả đã làm sáng tỏ sức hấp dẫn của truyện
ngắn Nam Cao về mặt kết cấu văn bản và cấu trúc truyện ngắn. Tác giả Hà
Minh Đức nhận định: “Truyện ngắn của Nam Cao nhiều màu vẻ. Có những
truyện ngắn chỉ qua vài trang mà dựng được một tính cách, một cuộc đời với
nhiều đổi thay… có những sáng tác mà cốt truyện đơn sơ mà lại gây được
nhiều xúc động ” (4).
Trên đây là những nhận xét quý giá để chúng tôi tiếp tục đi sâu tìm hiểu
phong cách nghệ thuật trong văn Nam Cao đặc biệt là nghệ thuật sử dụng
ngôn ngữ.
1. Hà Minh Đức, ( 1976 ), Lời giới thiệu – Nam Cao tác phẩm tập 1, nxb GD.
2. Bùi Công Thuấn – Phong cách truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng, nxb GD.
3. Bùi Công Thuấn – Nam Cao về tác gia và tác phẩm, nxb GD.
4. Hà Minh Đức, (1976 ), Lời giới thiệu – Nam Cao tác phẩm tập 1, nxb GD.
8
Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà lý luận phê bình,
các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự của Nam Cao ở các cấp độ
khác nhau song chưa có tác phẩm nào đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống
toàn diện về hiệu quả nghệ thuật của cách đặt câu tiêu đề trong truyện ngắn
Nam Cao. Đây là một vấn đề rất đáng được quan tâm và có nhiều ý nghĩa đối
với những người làm khoa học.
Qua khảo sát thực tế, tiếp thu và kế thừa kết quả nghiên cứu của những
người đi trước, trong đề tài này chúng tôi đi tìm hiểu cách đặt câu tiêu đề và
giá trị của câu tiêu đề trong tác phẩm truyện ngắn của Nam Cao.
3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Với đề tài: “ Cách đặt câu tiêu đề và giá trị của câu tiêu đề trong
tác phẩm truyện ngắn của Nam Cao ”, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bổ sung
và khẳng định rõ hơn về vấn đề lý luận của ngôn ngữ học. Cụ thể đó là củng
cố và hệ thống hóa những kiến thức về ngôn ngữ nói chung và về ngữ pháp
tiếng Việt, câu tiếng Việt nói riêng.
3.2. Thực hiện đề tài này, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần bồi dưỡng
khả năng lĩnh hội tác phẩm văn chương từ phương diện hình thức. Xuất phát
từ việc tìm hiểu hình thức của tác phẩm văn chương, người đọc có thể tiếp
cận, lĩnh hội chúng một cách đúng đắn, khoa học và dễ dàng hơn.
3.3. Chúng tôi hi vọng những tư liệu và kết quả nghiên cứu có được
qua đề tài này sẽ là hành trang tri thức phục vụ cho nhiệm vụ học tập hiện nay
cũng như trong công việc giảng dạy sau này của chúng tôi.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Nắm vững các kiến thức lý luận về ngữ pháp tiếng Việt, đặc biệt là
những hiểu biết về câu tiêu đề (các dạng câu tiêu đề, tác dụng, hiệu quả của
chúng…). Từ đó hệ thống hóa kiến thức này thành cơ sơ lý luận làm chỗ dựa
cho đề tài.
9
4.2. Khảo sát và phân loại các dạng câu tiêu đề trong các tác phẩm
truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.
4.3. Phân tích kết quả thu được để rút ra những nhận xét cơ bản về hiệu
quả nghệ thuật của việc sử dụng các kiểu câu làm tiêu đề trong văn xuôi nghệ
thuật của Nam Cao. Qua đó, khẳng định tài năng nghệ thuật của Nam Cao đối
với văn chương nói chung và với thể loại truyện ngắn nói riêng.
5. Đối tượng phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu: các dạng câu làm tiêu đề và hiệu quả nghệ
thuật của nó.
5.2. Phạm vi nghiên cứu: những tác phẩm truyện ngắn của Nam Cao
được thống kê từ “Tuyển tập Nam Cao”, NXB Văn học, 2006.
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp hệ thống hóa, khái quát hóa
Phương pháp này được dùng trong khóa luận để đặt câu tiêu đề vào
trong mối quan hệ với các câu văn khác của văn bản để thấy rõ dụng ý nghệ
thuật của nhà văn. Đồng thời phương pháp này được sử dụng để rút ra những
nhận xét, kết luận tổng quát nhằm thể hiện rõ những mục đích cần hướng tới
của đề tài.
6.2. Phương pháp thống kê, phân loại
Phương pháp thống kê, phân loại được thực hiện để có nguồn tư liệu về
câu tiêu đề nhằm phục vụ cho việc khảo sát, phân tích, tìm hiểu đối tượng
nghiên cứu.
6.3. Phương pháp phân tích ngôn ngữ
Đây là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong khóa luận. Phương
pháp này được vận dụng để tìm hiểu đặc điểm cấu trúc câu, xác định giá trị
ngữ nghĩa, ngữ dụng của câu tiêu đề trong các tác phẩm truyện ngắn của Nam
Cao.
10
6.4. Phương pháp so sánh đối chiếu
Phương pháp nói trên được thực hiện để tìm ra những điểm khác biệt
giữa những kiểu câu cấu tạo nên câu tiêu đề với những kiểu câu được sử dụng
trong tác phẩm.
7. Đóng góp của khóa luận
- Về mặt lí luận: tìm hiểu về câu tiêu đề và góp phần làm sáng tỏ hiệu
quả nghệ thuật của cách đặt câu tiêu đề trong tác phẩm văn chương.
- Về mặt thực tiễn: nhằm cung cấp, bổ sung các kiến thức trong việc
giảng dạy các tác phẩm của Nam Cao ở trường phổ thông.
8. Bố cục của khóa luận
Khóa luận được bố cục gồm ba phần như sau:
- Mở đầu: 8 trang.
- Nội dung:
+ Chương 1: Cơ sở lí thuyết chung: 22 trang.
+ Chương 2: Phân tích kết quả thống kê: 18 trang.
- Kết luận: 2 trang.
- Tài liệu tham khảo: 1 trang.
11
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ THUYẾT CHUNG
A. Khái quát chung về văn bản và ngữ pháp học văn bản
1.1. Khái niệm văn bản
Việc đưa văn bản vào đối tượng nghiên cứu là một bước tiến của ngôn
ngữ, mặc dù để có được kết quả ấy, hành trình của nó thật lắm gập ghềnh, lâu
dài và phức tạp. Cũng như các đơn vị khác trong ngôn ngữ, văn bản là một
trong những đơn vị rất phức tạp, có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau.
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa
học đề cập đến định nghĩa về văn bản. Khi định nghĩa về văn bản, các tác giả
đưa ra ý kiến của mình theo từng góc độ khác nhau như: hướng định nghĩa
thiên về nhấn mạnh mặt hình thức, hướng định nghĩa thiên về nhấn mạnh mặt
nội dung, hướng định nghĩa tổng hợp hay hướng phân biệt văn bản và diễn
ngôn… Tựu trung lại, thuật ngữ “văn bản” được nhìn nhận như sau:
Với nghĩa thông thường, “văn bản” là tên gọi chỉ những tài liệu, bài
viết được in ấn và lưu hành trong giao tiếp (chẳng hạn: một bản báo cáo, một
công văn, quyết định, một tập tài liệu…).
Với nghĩa thuật ngữ thuộc đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học,
“văn bản” được dùng với hai nghĩa:
Văn bản chỉ những sản phẩm lời nói hoàn chỉnh (văn bản theo nghĩa
rộng, văn bản lớn), chẳng hạn như: một bài viết hoàn chỉnh, một cuốn sách,
một truyện ngắn…
Văn bản chỉ những thể thống nhất trên câu (còn gọi là chỉnh thể cú
pháp phức hợp, tức văn bản được dùng theo nghĩa hẹp, văn bản con), chẳng
hạn: một chương, phần hay một đoạn văn tương đối hoàn chỉnh, độc lập trong
văn bản.
12
Cho đến nay, ta có thể thấy khái niệm văn bản, phạm vi văn bản đang
còn có nhiều quan niệm, định nghĩa khác nhau. Để tiện cho việc tìm hiểu
trong bài viết của mình chúng tôi xin nêu ra khái niệm văn bản của nhà
nghiên cứu Phan Mậu Cảnh: “Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp
bằng ngôn ngữ, được tạo lập bởi sự liên kết các câu, các đoạn văn… tạo thành
một đơn vị hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, và có tính độc lập”(1).
Cách hiểu trên đây đã nêu được các điểm đặc trưng của văn bản:
Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ trong nói
hay viết hàng ngày.
Văn bản có tính hoàn chỉnh về nội dung và hình thức (văn bản phải
biểu thị một chủ đề thống nhất, hoàn chỉnh và được xây dựng tổ chức theo
một kết cấu nhất định). Đây là điểm quan trọng nhất của khái niệm văn bản.
Văn bản (văn bản ở đây nói về loại văn bản thông dụng, bình thường,
điển hình) phải là sự liên kết của nhiều câu và (có thể) nhiều đoạn văn.
Văn bản có tính độc lập, tức là việc tồn tại và nhận hiểu văn bản có thể
hoàn toàn không lệ thuộc ngữ cảnh.
1.2. Đặc trưng của văn bản
1.2.1. Tính hoàn chỉnh
1.2.1.1. Khái niệm hoàn chỉnh
“Hoàn chỉnh” là một thuật ngữ đồng nghĩa với những từ như: trọn vẹn,
đầy đủ, hoàn thiện, hoàn hảo… Hoàn chỉnh là yêu cầu và mục đích của mọi
hoạt động của con người trong xã hội. Văn bản là sản phẩm của hoạt động
giao tiếp bằng ngôn ngữ, do vậy nó chính là một thể thống nhất về nội dung
và hình thức. Cũng như khi xem xét các đơn vị khác trong ngôn ngữ, để làm
rõ đặc điểm hoàn chỉnh của văn bản, ta có thể dựa trên các bình diện nội
dung, hình thức giao tiếp của chúng.
1. Phan Mậu Cảnh, Lý thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt, 2008, tr 29, 30.
13
1.2.1.2. Tính hoàn chỉnh về nội dung của văn bản
Một văn bản hoàn chỉnh khi mà ý đồ của người viết đã được thể hiện
trong toàn bộ văn bản, thể hiện qua cách nêu vấn đề, trình bày – giải quyết
vấn đề và qua kết luận rút ra từ những vấn đề đã trình bày trong văn bản.
Quan trọng hơn, một văn bản hoàn chỉnh là một văn bản phải diễn đạt trọn
vẹn chủ đề nhất định. Chủ đề chính là nội dung cô đọng, khái quát bao trùm
toàn bộ nội dung của văn bản. Văn bản dù có quy mô và phức tạp đến mấy
cũng phải nêu được chủ đề, có sự thống nhất về chủ đề.
Trong các văn bản, có những câu, những đoạn đóng vai trò quan trọng
thể hiện chủ đề của văn bản như: tiêu đề, câu chốt, câu kết… Trong đó, câu
tiêu đề chính là một trong những biểu hiện tính hoàn chỉnh của văn bản vì nó
thường gắn liền với nội dung, chủ đề của toàn văn bản.
1.2.1.3. Tính hoàn chỉnh về hình thức của văn bản
Bên cạnh mặt nội dung, văn bản còn có mặt hình thức. Có thể nhận ra
mặt hình thức của văn bản dựa vào những dấu hiệu có thể quan sát được bằng
trực quan: độ dài ngắn của văn bản, các đoạn, phần, chương, các tiêu đề, mục
đề, kí hiệu đánh số, dấu… Tất cả những hình thức quan sát được như trên đều
góp phần biểu hiện nội dung, thể hiện tính hoàn chỉnh của nội dung. Những
biểu hiện hoàn chỉnh ấy cụ thể như sau:
a. Kết cấu, bố cục của văn bản
Một văn bản được xem là hoàn chỉnh khi các phần được sắp xếp theo
một trình tự nhất định, mang tính hợp lý, lôgic, phản ánh các bộ phận nội
dung, chủ đề của toàn văn bản.
Kết cấu của văn bản chính là sự tổ chức, sắp xếp các phần của nội dung
theo một sơ đồ nhất định ở dạng toàn cục (kết cấu vĩ mô) và ở dạng cục bộ
(kết cấu vi mô).
14
Bố cục là một phương diện của kết cấu, được nhìn nhận ở góc độ khái
quát (kết cấu vĩ mô). Có nhiều kiểu bố cục, nhưng về đại thể, trong những văn
bản bình thường, thường có bố cục ba phần, phần mở đầu, phần nội dung
chính và phần kết luận. Bố cục ba phần sở dĩ được dùng phổ biến và định
hình trong hầu hết các loại văn bản là vì nó phù hợp với quy luật khách quan,
quy trình của tư duy và thể hiện rõ tính hoàn chỉnh của văn bản.
b. Trật tự, vị trí các phần trong văn bản
Văn bản được tạo lập dựa trên sự tổ chức, sắp xếp (qua bố cục, kết cấu)
của các mảnh đoạn. Mỗi phần ấy có một giá trị nhất định đồng thời được bố
trí theo một trật tự, vị trí nhất định dưới sự dẫn dắt nội dung qua sự điều phối
của tác giả. Chính sự sắp xếp những phần đó trong văn bản làm cho văn bản
mạch lạc, lôgic về nội dung và hoàn chỉnh trọn vẹn về hình thức. Sự hoàn
chỉnh về hình thức được biểu thị qua vị trí các phần, sự liên kết giữa các câu,
các đoạn văn với nhau tạo thành một chỉnh thể.
1.2.2. Tính liên kết
1.2.2.1. Khái niệm liên kết
Trong đời sống, liên kết là một hiện tượng phổ biến có mặt ở khắp mọi
quan hệ trong tự nhiên cũng như đời sống xã hội. Bởi vì các hiện tượng tự
nhiên và xã hội không tồn tại một cách tách biệt, riêng rẽ, độc lập mà có quan
hệ với nhau, ràng buộc, chi phối nhau ở những mức độ khác biệt.
Ngôn ngữ là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố có mối quan hệ qua
lại, chi phối lẫn nhau nên ngôn ngữ mang tính liên kết. Nhờ có tính liên kết
mà các yếu tố ngôn ngữ tập hợp lại thành các đơn vị từ thấp đến cao. Những
đơn vị mà trong đó nó bao chứa các thành tố (các yếu tố, đơn vị nhỏ hơn nó)
đều là kết quả của liên kết mang tính liên kết.
Hiện nay đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những cách lý giải về tính
liên kết trong văn bản. Một số ý kiến tiêu biểu có thể kể đến như sau:
15
Tác giả Diệp Quang Ban định nghĩa: “Liên kết là thứ quan hệ nghĩa
giữa hai yếu tố ngôn ngữ nằm trong hai câu theo quan hệ giải thích nghĩa cho
nhau. Nói chi tiết hơn, liên kết là thứ quan hệ nghĩa giữa hai yếu tố ngôn ngữ
mà muốn hiểu nghĩa cụ thể của yếu tố này thì phải tham khảo nghĩa của yếu
tố kia, và trên cơ sở đó hai câu chứa chúng liên kết được với nhau… ”(1).
Tác giả Trần Ngọc Thêm là người trình bày khái niệm liên kết trong
tiếng Việt một cách hệ thống và tập trung hơn cả trong cuốn “Hệ thống liên
kết văn bản tiếng Việt”. Khái niệm liên kết của ông đưa ra có thể tóm tắt
thành những điểm chính như sau:
Liên kết là mạng lưới các mối liên hệ giữa các câu trong một văn bản.
Liên kết là nhân tố quan trọng nhất có tác dụng biến một chuỗi câu trở
thành văn bản.
Liên kết có hai mặt: liên kết nội dung và liên kết hình thức.
Như vậy khái niệm tính liên kết đã được nhiều tác giả bàn tới như một
trong những đặc trưng quan trọng của văn bản. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn ra
khái niệm về tính liên kết một cách chung nhất của tác giả Phan Mậu Cảnh
như sau:
“Liên kết là mạng lưới các mối quan hệ về nội dung giữa các thành tố
trong văn bản được thể hiện qua những hình thức liên kết nhất định, đồng thời
là mối quan hệ giữa văn bản và những nhân tố ngoài văn bản được thể hiện
qua những dấu hiệu nhất định”(2).
1. Diệp Quang Ban, Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết, đoạn văn, 1a; tr. 211.
2. Phan Mậu Cảnh, lý thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt, tr. 35.
16
Theo tác giả Phan Mậu Cảnh, khái niệm liên kết ở đây được hiểu theo
nghĩa rộng, bao gồm hai phương diện:
Liên kết nội hướng: quan hệ về nội dung giữa các thành tố trong văn
bản.
Liên kết ngoại hướng: quan hệ giữa văn bản với các nhân tố ngoài văn
bản.
Khái niệm liên kết nói trên chỉ nói đến loại văn bản bình thường (không
thuộc loại văn bản đặc biệt, chỉ có một câu).
1.2.2.2. Liên kết nội hướng và ngoại hướng
a. Liên kết nội hướng
Liên kết nội hướng là mạng lưới các mối quan hệ về nội dung giữa các
thành tố trong văn bản được thể hiện qua những hình thức liên kết nhất định.
Các mặt liên kết nội hướng thể hiện như sau:
Liên kết là một đặc trưng cơ bản của văn bản. Trước hết, tính liên kết là
sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các phần (bao gồm các đơn vị: câu, đoạn văn,
phần…) trong văn bản, làm cho các phần trong văn bản hướng về một nội
dung – chủ đề thống nhất. Thứ hai, khi các câu có mối liên kết về nội dung –
hình thức thì chính tính liên kết có tác dụng làm cho các câu – phần tử của
văn bản hòa vào một “mạng” chung. Nếu tách câu (hay đoạn văn) ra khỏi
mạng đó, nó sẽ mất đi giá trị đích thực của nó, thậm chí khó hiểu, vô nghĩa
hoặc mơ hồ về nghĩa. Thứ ba, tính liên kết còn có tác dụng biến những chuỗi
câu có nội dung khác nhau trở thành một thể thống nhất. Thứ tư, mạng lưới
liên kết còn có tác dụng làm cho những câu nếu đứng độc lập là vô lý, mơ hồ,
sai ngữ pháp nhưng khi nằm trong mạch liên kết lại là những câu bình
thường, có thể giải thích được. Cuối cùng, tính liên kết là cơ sở quan trọng để
nhận diện một văn bản chân chính với những tổ hợp giả văn bản (chuỗi câu
hỗn độn).
17
Bên cạnh đó, sự thể hiện tính liên kết trong văn bản cũng là một mặt
quan trọng. Sự thể hiện tính liên kết được cụ thể bởi các đơn vị liên kết văn
bản và các mặt liên kết.
Các đơn vị liên kết văn bản gồm câu và đoạn văn.
Câu (hay còn gọi là phát ngôn) là đơn vị thông báo đầu tiên, cơ sở của
văn bản. Xét từ hướng phân tích, tiếp nhận thì câu là đơn vị thông báo nhỏ
nhất, là bậc cuối cùng trong phân chia nội dung ý nghĩa.
Đoạn văn: là đơn vị cơ bản của văn bản, được tạo thành bởi sự liên kết
các câu, có tính chỉnh thể, có hình thức rõ ràng, biểu thị một nôi dung tương
đối đầy đủ.
Các mặt liên kết gồm liên kết nội dung và liên kết hình thức trong văn
bản.
Liên kết nội dung trong văn bản:
Nội dung của văn bản là một khái niệm rộng bao gồm nhiều thành tố
cấu thành. Liên kết nội dung trong văn bản được thể hiện rõ nhất ở hai
phương diện cơ bản là liên kết chủ đề và liên kết lôgic.
Liên kết chủ đề chính là cách thức làm cho các phần trong văn bản
hướng về chủ đề, xoay quanh chủ đề chung. Các câu trong văn bản được xem
là có liên kết chủ đề khi chúng đề cập đến một đối tượng chung hoặc các đối
tượng có quan hệ mật thiết với nhau, tất cả đều nhằm vào thể hiện một chủ đề.
Có hai cách thức liên kết chủ đề:
Một là, duy trì chủ đề: là các câu có những vật, việc nào đó và đều xoay
quanh một ý chung. Duy trì chủ đề thường được thể hiện ở việc lặp lại tên gọi
nhiều lần trong nhiều phần để làm rõ chủ đề hoặc dùng những cách nói khác
cùng đề cập đến một nội dung. Các phương tiện hình thức thể hiện duy trì chủ
đề gồm: lặp, thế, tỉnh lược.
18
Hai là, phát triển chủ đề : là các câu có những vật, việc nào đó đưa vào
văn bản nhưng chúng có liên quan đến những vật, việc đã có. Phát triển các ý
mới nhằm mở rộng nội dung theo hai hướng: hoặc là sâu hơn, hoặc là rộng
hơn.
Liên kết lôgic là sự tổ chức sắp xếp nội dung các thành tố sao cho
chúng phù hợp với nhau, phù hợp với thực tế khách quan và nhận thức của
con người. Liên kết lôgic trong văn bản được biểu hiện ở hai khía cạnh:
Trước hết là sự tổ chức các câu, các đoạn văn… sao cho giữa chúng có
sự phù hợp về nội dung ngữ nghĩa và ngữ pháp với nhau, không tạo nên mâu
thuẫn, loại trừ nhau.
Thứ hai là sự tổ chức, sắp xếp các phần trong văn bản theo một trình tự
hợp lý. Điều này thể hiện ở sự tương hợp nhau giữa câu đầu, đoạn đầu cho
đến câu cuối cùng, đoạn cuối cùng: tương hợp giữa điều được đề cập với hiện
thực khách quan và nhận thức của con người, tương hợp giữa các phần kế tiếp
và phần phía trước.
Cùng với liên kết nội dung, liên kết hình thức là một phương diện quan
trọng của liên kết nhằm thể hiện nội dung, chủ đề của văn bản. Nhờ có liên
kết hình thức mà quan hệ nối kết giữa các phần (các chương, các đoạn, các
câu) mới có sự gắn bó chặt chẽ, bảo đảm tính mạch lạc, lôgic trong văn bản.
Liên kết hình thức được biểu hiện cụ thể qua các phép liên kết hình thức trong
văn bản.
Phép liên kết là cách thức sử dụng các yếu tố hình thức để thể hiện liên
kết nội dung trong văn bản. Nói cách khác, phép liên kết là sự thể hiện liên
kết nội dung thông qua hệ thống phương tiện hình thức.
Hiện nay trong giới nghiên cứu ngôn ngữ còn có nhiều ý kiến khác
nhau về hướng xác định liên kết hình thức. Dựa vào ý kiến của tác giả Phan
19
Mậu Cảnh trong công trình “Lý thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt”,
chúng tôi sẽ trình bày các phép liên kết văn bản sau đây:
Phép nối: là việc dùng các từ ngữ nối có chức năng liên kết các câu
trong văn bản. Phép nối có hai loại:
Phép nối lỏng: là phương thức liên kết thể hiện ở sự có mặt trong kết
ngôn những phương tiện từ vựng (từ, cụm từ) không làm biến đổi cấu trúc của
nó và diễn đạt một quan hệ ngữ nghĩa hai ngôi mà ngôi còn lại là chủ ngôn
(câu gốc làm cơ sở liên kết).
Phép nối chặt: là phương thức liên kết của ngữ trực thuộc thể hiện bằng
sự có mặt của từ nối (liên từ, giới từ) ở chỗ bắt đầu (liên kết hồi quy) hoặc chỗ
kết thúc (liên kết dự báo) của nó, tạo thành một quan hệ ngữ nghĩa giữa hai
ngôi hoặc giữa ngữ trực thuộc với chủ ngôn.
Phép lặp: là việc dùng lại (giữ nguyên) ở các câu kết ngôn các yếu tố đã
xuất hiện ở câu chủ ngôn. Trong liên kết văn bản, phép lặp có các kiểu sau:
Lặp từ vựng: lặp từ ngữ ở câu chủ ngôn và kết ngôn.
Lặp ngữ âm: các bộ phận ngữ âm trong tiếng được lặp lại ở những câu
khác nhau trong đoạn hay trong văn bản.
Lặp ngữ pháp: là lặp lại cấu trúc (mô hình) của câu chủ ngôn ở các câu
kế cận.
Phép thế: là phép dùng những từ ngữ khác nhau ở trong các câu kết
ngôn nhưng có cùng nghĩa với yếu tố trong câu chủ ngôn. Có nhiều loại thế
khác nhau như:
Thế đại từ: là cách dùng đại từ để thay thế cho một yếu tố (từ, ngữ đã
được nói đến ở câu chủ ngôn).
Thế đồng nghĩa: là việc dùng những từ ngữ có cùng nghĩa ở những câu
khác nhau trong văn bản.
20
Phép tỉnh lược: được xem là một phương tiện liên kết văn bản khi việc
rút gọn một bộ phận nào đó trong câu kết ngôn có thể dễ dàng tìm thấy ở câu
chủ ngôn. Căn cứ vào thành phần tỉnh lược, người ta chia ra làm hai loại câu
sau:
Tỉnh lược mạnh: là hiện tượng loại bỏ những thành phần nòng cốt.
(C - V) đã xuất hiện trong câu chủ ngôn, bao gồm tỉnh lược chủ ngữ và tỉnh
lược vị ngữ.
Tỉnh lược yếu: là biện pháp lược bỏ những thành phần phụ ở ngoài
nòng cốt trong những câu kết ngôn, bao gồm tỉnh lược bổ ngữ và tỉnh lược
phần phụ định ngữ.
Phép liên tưởng: là việc sử dụng từ ngữ ở câu chủ ngôn sẽ làm tiền đề
kéo theo sự xuất hiện các từ ngữ ở câu kết ngôn. Quan hệ ngữ nghĩa là cơ sở
để tạo nên sự liên tưởng. Có thể chia phép liên tưởng thành các loại:
Liên tưởng đồng chất: là các yếu tố liên kết có quan hệ ngữ nghĩa với
nhau thuộc cùng loại, cùng hoạt động, tính chất, cùng thuộc một từ loại.
Trong đó có các loại: liên tưởng bao hàm, liên tưởng định lượng.
Liên tưởng không đồng chất: là những yếu tố liên kết có quan hệ ngữ
nghĩa với nhau nhưng không nhất thiết thuộc cùng một loại (có thể khác loại,
khác từ loại) nhưng có quan hệ với nhau trong một trường nghĩa. Nhóm này
gồm có: liên tưởng định vị, liên tưởng định chức, liên tưởng đặc trưng, liên
tưởng nhân quả.
Liên tưởng đối lập: là phương thức liên kết văn bản khi sử dụng từ ngữ
ở câu chủ ngôn sẽ kéo theo những từ ngữ đối lập ở câu kết ngôn. Các kiểu
liên tưởng đối lập bao gồm: liên tưởng trái nghĩa từ điển, liên tưởng trái nghĩa
phủ định, đối miêu tả, đối lâm thời.
21
Phép tuyến tính:
Các yếu tố trong chuỗi lời nói được thể hiện theo trật tự trước sau, gọi
là trật tự hình tuyến. Trật tự này giúp cho người nói thể hiện rõ ý và người
đọc có thể lĩnh hội được nội dung mà người nói phát ra. Các câu, các phần
trong văn bản cũng được tổ chức theo nguyên lí như vậy.
Như vậy, phép tuyến tính là cách thức liên kết dựa vào trật tự sắp xếp
các câu để tạo thành mạch nội dung – ngữ nghĩa gắn bó các câu với nhau. Căn
cứ vào mối quan hệ giữa các câu, có thể chia thành hai kiểu:
Liên kết tuyến tính theo thời gian: các nội dung kế tiếp nhau theo thời
gian, bao gồm: quan hệ thời gian tiếp nối và quan hệ thời gian nhân quả.
Liên kết tuyến tính phi thời gian: các câu đặt kế cận nhau có nội dung
gần gũi, đồng thời, giải thích, thuyết minh…
Tóm lại các phương tiện liên kết văn bản rất đa dạng, phong phú.
Chúng luôn gắn chặt với phạm trù nội dung của văn bản. Quan hệ gắn bó chặt
chẽ này tạo lên tình liên kết, tính hoàn chỉnh của văn bản.
b. Liên kết ngoại hướng
Liên kết ngoại hướng là mối quan hệ giữa văn bản và những nhân tố
ngoài văn bản được thể hiện qua những dấu hiệu nhất định.
Liên kết ngoại hướng được thể hiện khá đa dạng. Các mặt liên kết
ngoại hướng được biểu hiện cụ thể như sau:
Văn bản và tác giả: tác giả đóng vai trò chủ thể, quyết định việc tạo lập
văn bản; Văn bản là sản phẩm của chủ thể phản ánh trung thành tư tưởng, tình
cảm của chủ thể.
Văn bản và đối tượng tiếp nhận: dù có mặt hay không có mặt trong văn
bản, đối tượng tiếp nhận cũng là một nhân tố có tác động, ảnh hưởng lớn đến
nội dung cách thức tạo lập văn bản ở những mức độ khác nhau.
22
Văn bản và hoàn cảnh: hoàn cảnh ở đây được hiểu là không gian, thời
gian, có thể là hoàn cảnh rộng (không gian xã hội, thời đại, bối cảnh quốc
tế…), có thể là hoàn cảnh hẹp (tình huống giao tiếp: không gian, thời gian cụ
thể khi giao tiếp). Mối quan hệ giữa hoàn cảnh và văn bản thể hiện ở:
Về phía tác giả: hoàn cảnh thông qua nhận thức cá nhân của người viết
ít nhiều đều để lại những dấu vết nhất định trong văn bản. Hoàn cảnh rộng
thường tạo thành thế giới quan, nhân sinh quan của người cầm bút; Hoàn cảnh
hẹp thường tác động đến tâm lí, tâm trạng cảm xúc của người viết.
Về phía người tiếp nhận: hoàn cảnh có tác động rất rõ đến việc đọc hiểu
văn bản bởi con người là sản phẩm của hoàn cảnh, hoàn cảnh tác động, ảnh
hưởng đến tư tưởng, tình cảm của cá nhân và xã hội.
Văn bản và các văn bản khác (quan hệ liên văn bản): mối quan hệ này
được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Đối với loại văn bản cùng một người viết: trong đời mỗi người, người
ta có thể viết nhiều văn bản. Khi viết, người viết luôn có sự so sánh, đối chiếu
với những công trình, tác phẩm của mình đã viết với văn bản đang viết. Đối
với người tiếp nhận, người ta rất chú ý so sánh văn bản đang tiếp xúc với
những văn bản khác cùng một tác giả để cho việc phân tích, đánh giá được
toàn diện hơn.
Đối với loại văn bản cùng đề tài: người viết cũng chú ý để tránh lặp về
chủ đề, người đọc qua đó có thể đối chiếu để tìm hiểu chủ đề, đặc trưng
phong cách… của các văn bản.
Như vậy, qua phân tích nói trên ta thấy tính liên kết là một đặc trưng
quan trọng của văn bản. Tính liên kết được thể hiện tập trung ở liên kết nội
hướng và liên kết ngoại hướng của văn bản.
23
1.2.3. Tính mạch lạc
Với nghĩa thông dụng, mạch lạc là một thuật ngữ thường gặp khi nói
đến việc diễn đạt nội dung nào đó có tính lôgic, hợp lí, trôi chảy, rõ ràng…
Trong ngôn ngữ học, khái niệm tính mạch lạc trong văn bản còn có
nhiều cách hiểu khác nhau.
Tác giả Trần Ngọc Thêm trong tác phẩm “Hệ thống liên kết văn bản
tiếng Việt” đã nhắc đến thuật ngữ “mạch lạc” ở phần tổng kết các ý kiến bàn
về liên kết. Như vậy, khái niệm “liên kết” của tác giả đã có nội dung mạch
lạc.
Tác giả Diệp Quang Ban trong “Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết,
đoạn văn” là người đã tổng kết, phân tích khá đầy đủ về tình hình nghiên cứu
mạch lạc: “… Nhìn chung, cách hiểu mạch lạc hiện nay là tách nó ra khỏi liên
kết. Khái niệm liên kết được quy về với những phương tiện hình thức của
ngôn ngữ dùng chỉ ra sự nối kết nghĩa của câu này với câu kia, phần văn bản
này với phần văn bản nọ. Còn mạch lạc hiểu rộng thì bao gồm những cách
thức tạo ra sự nối kết các ý nghĩa mà có thể dùng hoặc không nhất thiết phải
dùng đến các hình thức ngôn ngữ chỉ ra sự nối kết đó”. Ở đây, tác giả đã đưa
ra ý kiến coi mạch lạc và liên kết là những đặc trưng của văn bản.
Như vậy, các đặc trưng của văn bản là một nội dung quan trọng để xác
định rõ khái niệm văn bản. Các đặc trưng của một văn bản là tính hoàn chỉnh,
tính liên kết và tính mạch lạc.
B. Khái quát chung về câu tiếng Việt
1.1. Khái niệm câu
Từ trước đến nay đã có rất nhiều nhà nghiên cứu trực tiếp hoặc gián
tiếp bàn về câu trong tiếng Việt. Hiện nay, xung quanh khái niệm về câu còn
tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Một cách khái quát ta có thể hiểu khái
niệm về câu như sau:
24
Câu là đơn vị của nghiên cứu ngôn ngữ có cấu tạo ngữ pháp (bên trong
và bên ngoài) tự lập và ngữ điệu kết thúc mang một ý nghĩa tương đối trọn
vẹn hay thái độ, sự đánh giá của người nói hoặc có thể kèm theo thái độ, sự
đánh giá của người nói giúp hình thành và biểu hiện, truyền đạt tư tưởng tình
cảm. Câu đồng thời là đơn vị thông báo nhỏ nhất bằng ngôn ngữ.
Thông qua định nghĩa về câu, ta có thể thấy một số đặc điểm cơ bản
của câu như sau:
Về mặt cấu tạo ngữ pháp: câu gồm hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ.
Về mặt nội dung: câu diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn.
Về mặt chức năng: câu có chức năng biểu đạt các hành vi ngôn ngữ
(hỏi, chào, mời, thề…).
Về mặt hình thức: câu bắt đầu bằng một chữ cái viết hoa và kết thúc
bằng một dấu câu.
Về ngữ điệu: câu có một ngữ điệu kết thúc. Ngữ điệu này báo hiệu cho
người nghe câu đã kết thúc, người nghe không chờ đợi phần tiếp theo của nó.
Về mặt bản thể: câu là đơn vị không có sẵn của ngôn ngữ mà một đơn
vị được tạo ra trong quá trình tư duy và giao tiếp nhờ sự kết hợp những đơn vị
có sẵn.
1.2. Phân loại câu
Căn cứ vào cấu tạo ngữ pháp và mục đích sử dụng câu, người ta chia
làm hai loại là câu phân loại theo cấu tạo ngữ pháp và phân loại theo mục
đích nói.
1.2.1. Câu phân loại cấu tạo ngữ pháp
Dựa vào cấu tạo ngữ pháp, tác giả Diệp Quan Ban chia câu làm ba loại
chính là câu đơn, câu phức, câu ghép.
1.2.1.1. Câu đơn
Câu đơn: là câu được cấu tạo từ một cụm chủ - vị làm nòng cốt.
25