MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngày nay trên thế giới, các tổ chức phi chính phủ (PCP) đã trở thành
một nhân tố quan trọng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực cứu trợ
nhân đạo và phát triển xã hội. Trong thời gian qua, các tổ chức PCP đã phát
triển rất mạnh mẽ, trở thành một hiện tượng có tính toàn cầu đến mức người
ta đã nói tới một “cộng đồng PCP” mà quan hệ đối ngoại của các quốc gia cần
phải tính đến. Trong quá trình phát triển xã hội bên cạnh nỗ lực của các chính
phủ và tổ chức quốc tế, các tổ chức PCP cũng đã góp một phần công sức đáng
kể nhằm cải thiện cuộc sống của những người nghèo và những người bị thiệt
thòi trong xã hội. Vai trò của các tổ chức PCP ngày càng được khẳng định, sự
tham gia của họ trên các diễn đàn về kinh tế, xã hội và phát triển ngày một
tăng. Tiếng nói của các tổ chức PCP đối với các vấn đề thuộc mối quan tâm
chung của cộng đồng quốc tế ngày càng được các nước và các tổ chức quốc tế
lớn như Liên hợp quốc (UN), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc
(UNDP) và đặc biệt các tổ chức ngân hàng, tài chính thế giới như Ngân hàng
thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) quan tâm. Chính phủ nhiều nước
ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và ảnh hưởng của các tổ chức
PCP, tăng cường thông qua các tổ chức PCP triển khai các dự án viện trợ
nhằm thực hiện chính sách đối ngoại của mình.
Việt Nam có quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
(PCPNN) từ khá lâu và trên nhiều lĩnh vực như cứu trợ thiên tai, y tế, giáo
dục đào tạo, trao đổi văn hóa và kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi
trường… Mức độ tham gia của các tổ chức này vào công cuộc phát triển kinh
tế - xã hội của Việt Nam ngày càng trở nên sâu rộng, điều này không chỉ thể
hiện qua số lượng các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam và giá trị
nguồn viện trợ ngày càng tăng; lĩnh vực và địa bàn hoạt động ngày càng mở
1
rộng mà còn thể hiện qua mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa chính phủ,
chính quyền các cấp của Việt Nam với các tổ chức PCPNN.
Hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam hiện nay diễn ra ở
nhiều ngành, cấp và địa phương. Các tổ chức PCPNN tuy có nhiều đóng góp
tích cực giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là đối tượng đặc
biệt nhạy cảm trong quan hệ đối ngoại bởi hoạt động của họ có liên quan
nhiều đến chính trị, đối ngoại, an ninh, xã hội của quốc gia. Do đó, việc quản
lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam là rất cần
thiết.
Đặc biệt, tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hiện nay có hơn 150 tổ
chức PCPNN được cấp giấy phép hoạt động trong đó số lượng thực tế các tổ
chức có dự án và hoạt động hiệu quả chỉ chiếm khoảng 60%. Hoạt động của
các tổ chức PCPNN tại thành phố Hồ Chí Minh đa dạng trên nhiều lĩnh vực
và ngày càng có nhiều tổ chức mới đến triển khai hoạt động tại thành phố.
Tuy nhiên về mặt lý luận cũng như thực tiễn còn tồn tại nhiều vấn đề cần
nghiên cứu, hoàn thiện như thể chế quản lý nhà nước chưa đầy đủ, chưa thống
nhất, đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước về
TCPCPNN tại thành phố; tổ chức bộ máy quản lý các TCPCPNN chưa được
kiện toàn; nhân sự chưa đảm bảo tính chuyên môn nghiệp vụ; cơ chế quản lý
chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là chưa có cơ chế
quản lý đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh nhằm quản lý các TCPCPNN tại
thành phố một cách hiệu quả nhất…
Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên, tác giả đã chọn đề tài:
“Quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh” làm luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ Quản lý
hành chính công.
2
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Cho đến nay, tại Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về công
tác PCPNN song mới chỉ nghiên cứu tập trung làm sáng tỏ những vấn đề như
vai trò, phương thức hoạt động, kinh nghiệm xây dựng dự án viện trợ, những
đóng góp tích cực và những vấn đề mặt trái của các tổ chức PCPNN tại Việt
Nam, hoàn thiện QLNN về công tác PCPNN tại Việt Nam…Tuy nhiên, chưa
có nhiều tài liệu nghiên cứu đầy đủ và chính thức về thực trạng hoạt động và
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN tại TPHCM. Đã có một số cơ
quan quản lý và một số nhà nghiên cứu đưa ra các bài tham luận đề cập tới
vấn đề QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN tại TPHCM song những
nghiên cứu đó chủ yếu phản ánh thực trạng quản lý của đơn vị cụ thể, chưa
phải là nghiên cứu ở tầm vĩ mô, chưa mang tính khái quát và tính lý luận cao.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Đề tài tập trung nghiên cứu lý luận và thực trạng QLNN về hoạt động
của các tổ chức PCPNN tại TPHCM hiện nay và đề xuất một số giải pháp để
hoàn thiện. Cụ thể, đề tài tập trung giải quyết những vấn đề sau:
-
Làm rõ cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức
phi chính phủ nước ngoài.
-
Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
-
Đề xuất những giải pháp và kiến nghị hoàn thiện quản lý nhà nước về
hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại TP.HCM.
4. Phạm vi & đối tượng nghiên cứu
Đề tài giới hạn thời gian nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2005 cho
đến nay.
Đề tài chỉ tập trung vào nội dung QLNN đối với các tổ chức PCPNN
được cấp phép hoặc có dự án đã được phê duyệt thực hiện trên địa bàn thành
phố Hồ Chí Minh.
3
Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu các tổ chức PCPNN hoạt động trong
những lĩnh vực được pháp luật nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho
phép, cụ thể là lĩnh vực viện trợ nhân đạo, từ thiện và phát triển chứ không
nghiên cứu các tổ chức PCPNN hoạt động trên các lĩnh vực khác như tôn
giáo, nhân quyền, môi giới con nuôi….
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Đề tài tiếp cận phương pháp luận của phép duy vật biện chứng, lấy các
kiến thức khoa học quản lý, quản lý nhà nước và các quan điểm của Đảng về
đối ngoại nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài làm cơ sở lý luận.
Các phương pháp nghiên cứu cơ bản được áp dụng trong quá trình
nghiên cứu đề tài này là: phương pháp nghiên cứu lý thuyết, phương pháp
tổng hợp, phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống hóa, phương pháp so
sánh và phương pháp thống kê.
6. Bố cục đề tài
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, mục lục, phụ lục và danh mục tài
liệu tham khảo, đề tài được cấu trúc làm ba chương, cụ thể như sau:
-
Chương I: Cơ sở lý luận quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức
phi chính phủ nước ngoài.
-
Chương II: Thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức
phi chính phủ nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
-
Chương III: Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về hoạt động
của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.
7. Đóng góp mới của đề tài
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho
cán bộ tham gia trong lĩnh vực QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN
trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và cho việc học tập hoặc nghiên cứu trên
lĩnh vực có liên quan.
4
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT
ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
1.1. Một số vấn đề lý luận về tổ chức phi chính phủ nước ngoài
1.1.1. Khái niệm
1.1.1.1. Khái niệm tổ chức phi chính phủ
Thuật ngữ “tổ chức phi chính phủ”, theo tiếng Anh thường gọi là Non
Governmental Organization (viết tắt là NGO), theo tiếng Pháp là Organisation
Non Gouvernementale (viết tắt là ONG) chính thức xuất hiện lần đầu tiên tại
Châu Âu vào đầu thế kỷ XX. Cụm từ này sau đó đã được sử dụng phổ biến
hơn từ khi tổ chức Liên hiệp quốc được thành lập vào năm 1945.
Có khá nhiều khái niệm khác nhau về tổ chức phi chính phủ (PCP). Một
số nước coi tất cả các tổ chức không thuộc về chính phủ là tổ chức PCP; trong
khi đó ở một số nước khác các tổ chức PCP là những chủ thể có tư cách pháp
nhân, các tổ chức không thuộc chính phủ như các Viện, các tổ chức tư nhân,
công cộng hoặc các Quỹ....Dưới đây là một số định nghĩa về tổ chức PCP
được quan tâm và sử dụng trong thực tiễn nhiều nhất:
- Theo tổ chức Ngân hàng thế giới (World Bank) các tổ chức PCP
được xác định là những nhóm tổ chức tư nhân theo đuổi các hoạt động để
giảm bớt đau khổ, thúc đẩy các lợi ích của người nghèo, bảo vệ môi trường,
cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản hay đảm nhiệm việc phát triển cộng đồng.
Với cách sử dụng rộng rãi hơn thì thuật ngữ “tổ chức PCP” có thể áp dụng cho
các tổ chức phi lợi nhuận mà hoạt động của chúng hoàn toàn hoặc phần lớn
độc lập với chính phủ. Giá trị của các tổ chức PCP chủ yếu thể hiện qua hoạt
động viện trợ từ thiện và các dịch vụ tình nguyện. Cho dù trong hai thập kỷ trở
lại đây hoạt động PCP ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn nhưng các
nguyên tắc lòng vị tha và tự nguyện vẫn là đặc điểm chủ yếu của tổ chức phi
chính phủ.
5
- Còn theo định nghĩa đưa ra trong Hiến chương của Liên hiệp quốc,
là cách định nghĩa được nhiều quốc gia áp dụng hơn cả, thì “Tổ chức PCP là
thuật ngữ dùng để chỉ một tổ chức, hiệp hội, quỹ văn hóa xã hội, ủy hội từ
thiện, tập đoàn phi lợi nhuận hoặc các pháp nhân khác mà theo pháp luật
không thuộc khu vực Nhà nước và không hoạt động vì lợi nhuận. Nghĩa là
khoản lợi nhuận nếu có, không thể phân chia theo kiểu chia lợi nhuận. Tổ chức
này không bao gồm các nghiệp đoàn, đảng phái chính trị, hợp tác xã phân chia
lợi nhuận, hay nhà thờ hoặc chùa” [35].
Tóm lại, có thể thấy PCP theo cách hiểu một cách phổ quát chung nhất
là các tổ chức Hội, Quỹ văn hóa – xã hội, Hội từ thiện, các tổ chức phi vụ lợi
hoặc các pháp nhân khác theo luật pháp không thuộc khu vực nhà nước tham
gia vào các hoạt động hỗ trợ phát triển và hoạt động không vì lợi nhuận. Nghĩa
là, mọi khoản lợi nhuận (nếu có) thì không được và không thể phân phối theo
kiểu chia lợi nhuận.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước trên thế giới đều hoàn toàn thống
nhất với nhau về mặt định nghĩa pháp lý cũng như trong cách gọi về tổ chức
PCP. Tùy theo đặc thù và tính chất cần nhấn mạnh mà ở các nước khác nhau
lại sử dụng những thuật ngữ khác nhau để chỉ các tổ chức PCP. Chẳng hạn ở
Pháp, đó là Tổ chức kinh tế - xã hội (Économie Sociale); ở Mỹ thì gọi là Tổ
chức phi lợi nhuận hay Tổ chức tự nguyện cá thể (Private Voluntary
Organizations); Đối với Anh, đó là Hội từ thiện công (Public Charities); Đối
với Đức, chỉ đơn giản gọi là Hiệp hội (Verbände); trong khi đó Trung tâm
nghiên cứu toàn cầu thúc đẩy sự tham gia của công dân (The Center for Study
of Global Governance) lại thường sử dụng thuật ngữ Tổ chức xã hội dân sự
(Civil Society Organization).
Tại Việt Nam “Tổ chức phi chính phủ” cũng là một thuật ngữ mới. Cụm
từ này được nhắc đến một cách chính thức lần đầu tiên vào năm 1992 trong
Luật Tổ chức Chính phủ, sau đó là Luật Hợp tác xã năm 1996. Tuy nhiên,
6
chúng mới chỉ dừng lại ở mức đơn giản là được đề cập đến chứ không được
định nghĩa hay quy định cụ thể và cho tới nay ở Việt Nam chưa có một định
nghĩa pháp lý chính thức về tổ chức PCP. [11]
Trên cơ sở nhận định của các nhà khoa học, tại Việt Nam khái niệm tổ
chức PCP có thể được hiểu là “tổ chức tự nguyện của nhân dân, có tư cách
pháp nhân, cùng ngành, nghề, giới, nhu cầu… hoạt động một cách thường
xuyên để thực hiện mục tiêu chung, không vì mục tiêu phân chia lợi nhuận và
hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Theo đó các tổ chức nghề
nghiệp; các hội, hiệp hội, câu lạc bộ; các tổ chức bảo trợ xã hội, từ thiện; các
quỹ; các trung tâm… đều có thể được coi là các tổ chức phi chính phủ.
1.1.1.2 Khái niệm tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) là một thuật ngữ mới xuất
hiện gần đây tại Việt Nam. Cho đến nay chưa có nhiều khái niệm về thuật ngữ
này ngoài định nghĩa được đưa ra trong Quy chế hoạt động của các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài tại Việt Nam ban hành cùng Quyết định số 340/QĐ-TTg
ngày 24/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, “các tổ chức PCPNN bao
gồm các tổ chức PCP, các quỹ văn hóa xã hội, viện nghiên cứu, các trường đại
học, trung tâm giáo dục, quản thác và các hội hữu nghị được thành lập ở nước
ngoài (kể cả cá nhân là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước
ngoài) đến Việt Nam hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân
đạo, phi lợi nhuận hoặc không vì mục đích lợi nhuận hoặc các mục đích khác,
chỉ được phép hoạt động khi đã được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước
Việt Nam cấp giấy phép”.
Có thể nói, đây chính là định nghĩa mang tính pháp lý chính thức về tổ
chức PCPNN được sử dụng rộng rãi nhất tại Việt Nam hiện nay và là khái
niệm được cả cộng đồng PCPNN tại Việt Nam cũng như các cơ quan Việt
Nam công nhận.
7
Từ định nghĩa này có thể thấy tổ chức PCPNN chính là các tổ chức PCP
được thành lập ở ngoài Việt Nam nhưng có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, để hiểu về các tổ chức PCPNN một cách chính xác cũng cần phải phân
tích tìm hiểu cả về các tổ chức PCP.
1.1.2. Đặc trưng
1.1.2.1 Đặc trưng của các tổ chức PCP
Tùy theo tên gọi khác nhau các tổ chức PCP cũng có những đặc trưng
riêng của mình. Tuy nhiên, từ các khái niệm của mình có thể thấy hầu hết các
tổ chức PCP đều có cùng một số đặc trưng chính như:
- Tính xã hội. Tổ chức PCP chỉ xuất hiện từ khi con người có ý thức
được về sức mạnh tập thể, sức mạnh của sự hợp tác với nhau giữa các nhóm
người, giữa các cộng đồng người. Khi xã hội càng phát triển, dân chủ trong xã
hội càng được nâng cao thì tính năng động, tích cực của con người càng được
nâng cao, thúc đẩy nhu cầu gắn bó với nhau trong một tổ chức hòa hợp tâm lý,
hòa hợp lợi ích. Những tác động đó khiến tính xã hội của các tổ chức PCP
càng đậm nét hơn
- Tính tự nguyện. Hầu hết các tổ chức PCP được lập ra từ sự tự
nguyện của các thành viên và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện. Tính tự
nguyện được thể hiện qua việc các thành viên tự giác thực hiện các nhiệm vụ
của tổ chức mà thường không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào. Sự tự nguyện có
thể là hình thức đóng góp về thời gian, công sức hay về của cải vật chất. Tính
tự nguyện của các tổ chức PCP bền vững tới mức nó trở thành một trong
những nguyên tắc hoạt động nội bộ và quan hệ đối ngoại của các tổ chức PCP.
- Tính độc lập. Các tổ chức PCP thường được hình thành và hoạt
động mang tính độc lập tương đối với Chính phủ. Chúng tuy được cơ quan có
thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, nhưng lại không lệ thuộc vào
các cơ quan đó và hoạt động theo sự quản lý điều hành của những người sáng
8
lập; tự trang trải về kinh phí trên nguyên tắc độc lập với chính phủ và nằm
trong trong khuôn khổ chung của xã hội.
- Tính không vụ lợi bản thân. Mục tiêu hoạt động của các tổ chức
PCP hết sức đa dạng tùy theo loại tổ chức cụ thể. Tuy nhiên, đích hướng tới
của hầu hết các tổ chức PCP không phải là nâng cao giá trị bản thân của tổ
chức PCP mà hướng tới các giá trị khác như giúp đỡ mọi người, đem lại lợi
ích cho xã hội.
- Tính phi lợi nhuận. Mục đích của hoạt động PCP thường không
phải vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận và đây cũng là một đặc điểm nổi bật của
các tổ chức PCP so với các tổ chức khách. Mặc dù để tồn tại có một số tổ chức
PCP thực hiện các hoạt động kinh doanh có thu lợi nhuận, nhưng cần hiểu đó
là khoản lợi nhuận để duy trì và phát triển tổ chức theo mục đích tôn chỉ khi
thành lập và khoản lợi nhuận đó được dùng để thực hiện các mục tiêu tổ chức
đã đề ra chứ không phải để chia cho các thành viên hay để phục vụ cho tổ
chức.
- Tính linh hoạt. Trong khi bộ máy của các cơ quan nhà nước thường
rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc và theo quy định chặt chẽ thì các tổ chức PCP
lại thường có hình thức tổ chức bộ máy rất đa dạng, linh hoạt tùy theo đặc thù
riêng của mình. Ngoài ra, tổ chức bộ máy và hoạt động của các tổ chức PCP
thường nhỏ gọn, linh hoạt và ít mang tính quan liêu.
1.1.2.2. Đặc trưng của các tổ chức PCPNN
Các tổ chức PCPNN là các tổ chức PCP được thành lập ở ngoài lãnh thổ
Việt Nam nhưng có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ
phát triển và viện trợ nhân đạo phi lợi nhuận. Do đó, cũng không nằm ngoài
khái niệm chung nhất, các tổ chức PCPNN cũng mang những đặc trưng nêu
trên của các tổ chức PCP.
9
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi so sánh với các tổ chức PCP bên cạnh các
đặc trưng chung, các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam có thêm một số
đặc trưng khác như:
- Tính đa dạng về hình thức. Các tổ chức PCPNN ở Việt Nam
thường có nguồn gốc, cách thức hoạt động, cách huy động nguồn ngân sách
hoạt động rất đa dạng và không theo một khuôn mẫu chung nhất định nào. Có
thể thấy rõ điều này qua một số dẫn chứng như:
Một số tổ chức như các trường đại học, viện nghiên cứu, viện bảo
tàng, Hiệp hội doanh nghiệp...nếu theo quan điểm quốc tế thì không phải là tổ
chức PCP mà chỉ là tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, khi các tổ chức này vào
Việt Nam tiến hành hoạt động từ thiện nhân đạo thì vẫn được xem là tổ chức
PCPNN và được đối xử không phân biệt với những loại PCPNN khác. Ví dụ
các tổ chức Phòng Thương mại và công nghiệp Slovakia, Đơn vị nghiên cứu
lâm sàng trường Đại học Oxford…
Một số cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam mang quốc
tịch nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài với ngân sách tự
có khi vào hoạt động từ thiện nhân đạo ở Việt Nam với một quy mô nhất định
và cách thức tổ chức nhất định cũng có thể được coi là tổ chức PCPNN, dù
rằng nhiều thành viên trong tổ chức này vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Chẳng
hạn như các tổ chức Hiệp hội các tình nguyện viên đã nghỉ hưu vì sự phát triển
(AREBCO), Hội huynh đệ Á- Âu (FEA) …
- Tính đa dạng về nội dung hoạt động: nội dung hoạt động của các tổ
chức PCPNN triển khai thực hiện tại Việt Nam cũng rất đa dạng và phức tạp.
Họ không chỉ hoạt động trên các lĩnh vực từ thiện nhân đạo mà còn tham gia
trong nhiều lĩnh vực khác như xây dựng thiết chế, bảo vệ môi trường, cố vấn
kỹ thuật…
10
- Tính phối hợp trong hoạt động. Các tổ chức PCPNN hoạt động tại
Việt Nam hầu hết đều không hoạt động độc lập mà thường phải hoạt động
thông qua chính quyền các cấp hoặc qua các tổ chức hội đoàn, quần chúng của
Việt Nam. Đây cũng là điểm khác biệt lớn trong cách làm việc của các tổ chức
PCP ở một số nước đang phát triển khác, khi hầu hết các tổ chức này thường
làm việc khá tách biệt với các cơ quan của chính phủ.
1.1.3. Vai trò của các tổ chức PCPNN
Rõ ràng là bên cạnh những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức quốc tế,
các tổ chức PCP cũng đóng góp một phần công sức đáng kể trong quá trình
phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của những người nghèo và
những người bị thiệt thòi trong xã hội.
Tại Việt Nam, các tổ chức PCPNN cũng ngày càng nhận được sự quan
tâm của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Vai trò đóng góp của các tổ chức
PCPNN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng
được khẳng định, Cụ thể như sau:
Một là, tạo ra nguồn lực góp phần ổn định và phát triển xã hội.
Muốn phát triển xã hội cần phải tìm mọi cách thức để huy động được mọi
nguồn lực trong xã hội. Đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế chưa phát triển,
nhà nước chưa có đủ điều kiện về mọi mặt, nhất là về tài chính thì vai trò của
các tổ chức PCPNN sẽ càng trở nên quan trọng. Giá trị nguồn viện trợ của các
tổ chức PCPNN tuy không lớn nếu so với các nguồn khác, nhưng cũng đã
phần nào hỗ trợ Việt Nam giải quyết một số vấn đề khó khăn như chương
trình xóa đói giảm nghèo, tăng cường kiến thức, chăm sóc sức khỏe, nâng cao
thu nhập của người dân…Nhiều dự án viện trợ của các tổ chức PCPNN không
chỉ giúp giải quyết các vấn đề khó khăn của dự án mà còn góp phần quan
trọng vào quá trình phát triển bền vững của địa phương. Ngoài ra, do hình
thức viện trợ của các tổ chức PCPNN thường là đưa trực tiếp đến đối tượng
11
thụ hưởng nên đã thực sự giúp được đối tượng cần sự hỗ trợ là những người
nghèo, thiệt thòi trong xã hội.
Hai là, giúp nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và các
thành viên. Bên cạnh những đóng góp về vật chất và hiện vật, các tổ chức
PCPNN cùng các tình nguyện viên của mình còn có các hỗ trợ khác như
hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao kinh nghiệm. Từ việc tham gia
quản lý và thực hiện các dự án các đối tác Việt Nam đã không chỉ tranh thủ
được nguồn vốn, kỹ thuật mà còn học hỏi được kinh nghiệm tổ chức, điều
hành hoạt động và quản lý của các tổ chức PCPNN, nâng cao kỹ năng chuyên
môn, trình độ hiểu biết và phương pháp làm việc của mình.
Các tổ chức PCPNN còn có vai trò tích cực trong việc phát huy tính
năng động, tăng cường kiến thức, khả năng tự quản lý của người dân. Có thể
nói, việc tham gia các dự án và hoạt động của các tổ chức PCPNN là một môi
trường xã hội rèn luyện tính chủ động, sáng tạo cho người dân.
Ba là, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Các tổ chức PCPNN
qua các hoạt động của mình cũng đã tạo điều kiện để người dân phản ánh
được những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của mình, qua đó giúp nhà nước có
những chủ trương, chính sách và biện pháp quản lý đúng và phù hợp với thực
tiễn xã hội.
Nhiều chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN đã có hỗ trợ tích
cực trong việc hoạch định các chính sách và hoàn thiện các văn bản QLNN
của Việt Nam trên lĩnh vực đó. Nhất là các chương trình dự án liên quan đến
vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em.
Bốn là, mở rộng quan hệ hợp tác và tham gia hội nhập khu vực và
thế giới. Các tổ chức PCPNN do đặc điểm, tính chất và mục tiêu hoạt động đã
tạo ra sự hợp tác đa phương và song phương giúp các nước có điều kiện mở
rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, nhiều Hội nghị
quan trọng của Liên hiệp quốc, Hội nghị khu vực hoặc liên khu vực hay các
12
diễn đàn quốc tế khi được tổ chức thì đều có các diễn đàn song hành của các
tổ chức PCP. Trong quá trình xây dựng chính sách, chính phủ các nước phát
triển đã hình thành cơ chế tham vấn và lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức
PCP. Do đó, nếu biết cách tranh thủ tốt thì thông qua các hoạt động của mình,
các tổ chức PCPNN sẽ góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ
hữu nghị của nhân dân các nước với Việt Nam, đấu tranh chống lại các luận
điệu sai trái, áp đặt chống Việt Nam. Đồng thời, giúp chúng ta tuyên truyền
một cách hiệu quả, làm cho nước ngoài hiểu đúng hơn về Việt Nam và
khuyến khích, mời gọi thêm nhiều tổ chức PCPNN khác có các chương trình
dự án hỗ trợ Việt Nam.
1.1.4. Lịch sử hình thành của các tổ chức PCPNN
1.1.4.1. Lịch sử hình thành của các tổ chức phi chính phủ
Ngay từ thời cổ đại, khi xây dựng quan niệm về “Nhà nước cộng hòa lý
tưởng” nhà triết học người Hy Lạp Platon đã đề cập đến việc thanh toán sự đói
rét, sự nghèo khổ. Do đó, có thể nói hoạt động từ thiện, nhân đạo đã tồn tại từ
rất lâu trong lịch sử, tuy nhiên, chúng chỉ mang tính tổ chức từ vài trăm năm
trở lại đây.
Trên phương diện lịch sử, có thể nói loại hình hoạt động PCP được
chính thức thừa nhận khi Hiến pháp của Cộng hòa Pháp chấp thuận quyền
được lập hội nhằm mục đích cứu trợ trẻ em bơ vơ, người tàn tật và người già
không nơi nương tựa. Ban đầu hoạt động của các tổ chức này được coi là PCP
với hàm ý là hoạt động không vụ lợi vì mục đích từ thiện, nhân đạo và không
dính líu gì đến quyền lực cũng như công quỹ của nhà nước chứ không phải là
hoạt động nằm ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước. [13]
Nhân tố mang tính quốc tế đầu tiên xuất hiện trong hoạt động PCP là sự
thành lập của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vào năm 1864 tại Thụy Sỹ để giúp đỡ
các nạn nhân của chiến tranh. Tuy chưa phải là một tổ chức đa quốc gia hay
biểu hiện như một tập đoàn tầm cỡ, nhưng tính chất tương thân tương ái và bất
13
vụ lợi của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của chính
phủ nhiều nước và nhanh chóng lan tỏa phát triển hệ thống chi nhánh của
mình tại nhiều quốc gia khác. Sau đó, các tổ chức Caritas Switzland được
thành lập ở Thụy Sỹ năm 1901 hay “Quỹ cứu trợ nhi đồng Anh” (Save the
Children Fund) được thành lập ở Anh Quốc vào năm 1919.... có thể được xem
là các tổ chức PCP lớn đầu tiên ra đời với mục đích giúp đỡ, cứu trợ các nạn
nhân trong chiến tranh, thiên tai ở nước sở tại.
Tuy nhiên, càng về sau hoạt động của các tổ chức PCP ngày càng mở
rộng đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ II. Không còn đơn thuần là những
hoạt động tương thân tương ái như nguồn gốc ban đầu, hoạt động của các tổ
chức PCP ngày càng được thực hiện một cách có tổ chức hơn, tính xã hội ngày
càng cao và hình thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Tồn tại
dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, các tổ chức PCP có mặt ở khắp
mọi nơi trên thế giới. Số lượng các tổ chức PCP ngày càng gia tăng, nhiều
người cho rằng ước tính số tổ chức PCP quốc tế đang hoạt động có thể có
không ít hơn 5 vạn tổ chức. Số lượng các PCP tại các quốc gia còn cao hơn
nhiều chẳng hạn như Ấn Độ có khoảng 3.3 triệu tổ chức, Nga có 277.000 tổ
chức, Indonesia có tới gần 20.000 tổ chức. Tại Việt Nam hiện nay chưa thể
xác định cụ thể số lượng các tổ chức PCP, nhưng ước tính có không dưới vài
chục ngàn tổ chức PCP ở cấp cơ sở.[28]
Ngày nay, các tổ chức PCP đã nổi lên như một lực lượng xã hội rộng
khắp. Hoạt động của các tổ chức PCP không chỉ tại các nước công nghiệp phát
triển mà còn vươn sang cả các nước thuộc thế giới thứ ba. Ngày càng có nhiều
tổ chức PCP đến triển khai hoạt động hỗ trợ các nước kém và đang phát triển,
trong đó có Việt Nam. Tính đến nay theo số liệu thống kê được thì có khoảng
gần 1000 tổ chức PCP của các nước trên thế giới (gọi là các tổ chức PCPNN)
hiện có hoạt động tại Việt Nam.
14
1.1.4.2. Lịch sử hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam
Quá trình hoạt động của các tổ chức PCPNN ở Việt Nam có thể nói
được chính thức bắt đầu từ năm 1945 với khoảng 4 tổ chức vào giúp đỡ nước
Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Khi chính phủ Mỹ đổ quân vào Việt Nam hoạt động viện trợ PCPNN
đã tăng mạnh. Tính đến cuối năm 1974 có khoảng trên 60 tổ chức PCPNN có
hoạt động tại Việt Nam và chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975 nhiều tổ chức
PCPNN ở miền Nam đóng cửa văn phòng và chuyển sang hoạt động tại nước
khác. Sau đó, các tổ chức PCPNN đã dần dần trở lại Việt Nam và đến năm
1978 có khoảng 70 tổ chức đặt quan hệ với Việt Nam. Hình thức hoạt động
chủ yếu của các tổ chức PCPNN này là viện trợ nhân đạo (như viện trợ lương
thực, thuốc men…) và giúp khắc phục hậu quả chiến tranh.
Giai đoạn từ năm 1979 – 1988, do tác động của việc Mỹ áp đặt cấm
vận, đa số các tổ chức PCPNN đều hoạt động cầm chừng và giá trị viện trợ
giảm nhiều so với trước. Phần lớn nguồn viện trợ Việt Nam nhận được trong
giai đoạn này là viện trợ của các tổ chức quốc tế và tổ chức đa phương như Tổ
chức Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Chương trình phát triển Liên
hiệp quốc (UNDP) chứ không phải của các tổ chức PCPNN.[8]
Kể từ năm 1989, từ khi Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới và chủ
trương hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại số lượng các tổ chức
PCPNN có quan hệ với Việt Nam và giá trị viện trợ ngày càng tăng lên. Số
lượng các tổ chức PCPNN đến Việt Nam gia tăng theo từng năm. Nếu năm
1994 chỉ có khoảng 210 tổ chức hoạt động thì đến năm 2006 đã tăng lên
khoảng 650 và đến năm 2010 có hơn 900 tổ chức xin giấy phép hoạt động tại
Việt Nam, trong đó có trên 500 tổ chức có dự án và hoạt động thường xuyên.
Giá trị viện trợ cũng tăng nhanh từ 40 triệu đôla Mỹ vào năm 1993 lên 85
triệu đô la Mỹ vào năm 2002, 175 triệu đôla Mỹ (năm 2005) và 280 triệu đôla
15
Mỹ trong năm 2010. Chương trình viện trợ của các tổ chức PCPNN được
triển khai ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tập trung vào những
vùng còn nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngày càng tập trung hơn vào các lĩnh
vực phù hợp với các ưu tiên và theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của
đất nước ta, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững. [30]
1.1.5. Phân loại các tổ chức PCPNN
Như đã giới thiệu ở trên, các tổ chức PCP thường rất đa dạng và có thể
phân loại theo nhiều cách khác nhau tùy theo các tiêu chí khác nhau. Dưới
đây là một số hình thức chính phân loại các tổ chức PCPNN đang hoạt động
tại Việt Nam thường được sử dụng nhất.
Thứ nhất là phân loại theo phạm vi hoạt động. Hiện có ba loại hình
PCPNN hoạt động tại Việt Nam là
- Các tổ chức PCPNN mang tính chất quốc gia là tổ chức mà các
thành viên đều mang một quốc tịch. Các tổ chức này xuất hiện trên thế giới
rất sớm. Phạm vi hoạt động chủ yếu phục vụ cho từng cộng đồng, hoạt động
trong phạm vi một nước. Tại Việt Nam các tổ chức dạng này chiếm số lượng
đa số tuyệt đối.
- Các tổ chức PCPNN mang tính chất quốc tế là tổ chức mà các thành
viên của nó mang nhiều quốc tịch khác nhau sáng lập ra. Về số lượng, các tổ
chức dạng này ít hơn nhiều so với các tổ chức PCP quốc gia, tuy nhiên, phạm
vi hoạt động của họ rộng khắp trên thế giới, và họ phải tuân theo luật pháp
của nước nhận sự hợp tác. Tính chất hoạt động của các tổ chức dạng này
thường rất chuyên nghiệp, có trụ sở làm việc, biên chế bộ máy, đội ngũ nhân
viên đông đảo và làm việc rất chuyên nghiệp. Ví dụ các tổ chức Care Quốc tế,
OXFAM quốc tế…
16
- Các tổ chức PCPNN mang tính chất chính phủ là các tổ chức do
chính phủ lập ra hoặc một tổ chức PCP nào đó hoàn toàn phụ thuộc vào ngân
sách của chính phủ. Ví dụ các tổ chức Viện Giáo dục Quốc tế (IIE); cơ quan
phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) ….
Thứ hai là phân loại theo hình thức tổ chức. Có các dạng PCPNN
chính sau
- Các Quỹ văn hóa – xã hội: Các tổ chức dạng này thường không trực
tiếp triển khai các dự án viện trợ nhân đạo hoặc dự án phát triển mà chủ yếu
hoạt động trong các lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng như văn hóa, giáo
dục, cải cách về thể chế, đào tạo phát triển con người … hoặc tài trợ cho các
tổ chức PCPNN khác tiến hành các dự án phù hợp với tôn chỉ, mục đích của
họ. Các quỹ văn hóa – xã hội nói chung có ngân sách lớn, hoạt động ở nhiều
nước và có ảnh hưởng khá lớn đối với chính phủ nước họ. Tại Việt Nam số
lượng các tổ chức dạng này chiếm tỷ lệ không nhiều như Ford Foundation,
Viện giáo dục quốc tế (IIE)...
- Các tổ chức phi chính phủ có nguồn gốc tôn giáo. Các tổ chức này
do các tổ chức tôn giáo lập ra hoặc phần lớn nguồn viện trợ của các tổ chức
này do các tổ chức tôn giáo, các giáo dân đóng góp. Tại Việt Nam số lượng
các tổ chức PCPNN có nguồn gốc tôn giáo cũng chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng
30%). Ví dụ như các tổ chức Tầm nhìn thế giới (WVI), tổ chức Dịch vụ cứu
trợ công giáo (CRS)…
- Các tổ chức phi chính phủ do Việt kiều thành lập hoặc đóng góp, tài
trợ. Ngày càng có nhiều tổ chức do bà con kiều bào (chủ yếu là ở Mỹ và
Pháp) thành lập và trở về giúp đỡ quê hương. Ngân sách chủ yếu của các tổ
chức này phần lớn do các cá nhân Việt kiều đóng góp hoặc đi vận động thông
qua các mối quan hệ của mình. Ví dụ tổ chức Giúp đỡ người khuyết tật Việt
Nam (VNAH)…
17
- Các tổ chức PCPNN do các doanh nghiệp, công ty thành lập. Người
sáng lập tổ chức thường có công ty và vẫn thực hiện các hoạt động kinh
doanh. Tuy nhiên họ sẽ đóng góp một phần lợi nhuận để làm các công việc từ
thiện như chia sẻ đóng góp trách nhiệm xã hội. Đây là xu hướng mà hiện nay
nhiều công ty đang hướng tới. Ví dụ như Qũy phòng chống thương vong châu
Á (AIPF), Qũy Vina Capital…
- Các tổ chức PCPNN không trực tiếp viện trợ. Các tổ chức dạng này
thường đứng ra thực hiện dự án nhưng nguồn ngân sách hoạt động không phải
của tổ chức mà do tổ chức đó vận động, quyên góp từ chính phủ hoặc các tổ
chức PCPNN khác. Các tổ chức dạng này thường có bộ máy làm việc chuyên
nghiệp, có kinh nghiệm điều hành dự án hoặc có đội ngũ tình nguyện viên
lớn. Ví dụ tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI) nhận nguồn tài trợ từ
USAIDS.
- Phần còn lại và chiếm đa số là các tổ chức dạng nhỏ hoặc trung
bình. Các tổ chức dạng này thường có bộ máy nhỏ gọn, ít nhân viên chuyên
nghiệp mà đa phần là tình nguyện viên. Đây là lực lượng chủ yếu đang hoạt
động trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy không có nguồn ngân sách và
tầm ảnh hưởng lớn nhưng các hiệu quả đem lại của các tổ chức PCPNN dạng
này là khá thiết thực.
Thứ ba là hình thức phân loại theo lĩnh vực hoạt động của các tổ
chức PCPNN, thường có các nhóm chính sau
- Các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực y tế. Các tổ chức này thường
thực hiện các hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho
một số đối tượng cụ thể; khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe; hỗ trợ
nghiên cứu các bệnh, phương pháp phòng ngừa, chữa trị bệnh; hỗ trợ giúp
nâng cao năng lực, điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị y tế của các đối tác thụ
hưởng…Ví dụ các tổ chức Phẫu thuật nụ cười (OS), Orbis.
18
- Các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực HIV/AIDS thường là hỗ trợ
chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi
HIV/AIDS và các lĩnh vực liên quan đến HIVAIDS. Ngày càng có nhiều tổ
chức hoạt động trên lĩnh vực này như tổ chức Bác sỹ thế giới (MdM), tổ chức
Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI).
- Nhóm tổ chức hoạt động trên lĩnh vực trẻ em. Các tổ chức này
thường thực hiện các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em (nhất là trẻ em khuyết
tật, trẻ mồ côi, trẻ em đường phố và trẻ có hoàn cảnh khó khăn) bằng nhiều
hình thức như hỗ trợ kinh phí nuôi dạy trẻ, giúp trẻ có điều kiện học văn hóa;
tổ chức dạy nghề cho trẻ giúp trẻ hội nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động
chính sách và hỗ trợ thành lập dịch vụ xã hội nhằm giúp các nhóm trẻ cần sự
bảo vệ. Ví dụ các tổ chức Đất lành (TDHL), tổ chức Bảo vệ trẻ em (SC).
- Nhóm tổ chức hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, dạy nghề. Các tổ
chức dạng này thường tài trợ các hoạt động đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ trang bị
kiến thức về một nghề nghiệp nhất định nào đó như sửa chữa xe máy, sửa
chữa điện tử, nghề may, nghề mộc, nấu ăn… nhằm giúp những người có hoàn
cảnh khó khăn, người khuyết tật và thất nghiệp có điều kiện học nghề, tìm
việc làm để tăng thu nhập. Hiện có một số tổ chức hoạt động trên lĩnh vực này
như tổ chức Tam giác nhân loại thế hệ mới (TGH), tổ chức Quỹ phúc lợi xã
hội Eden.
- Nhóm các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực tín dụng hỗ trợ vốn. Hình
thức chính thường là tổ chức tập huấn cách sử dụng và quản lý nguồn vốn,
cho vay vốn nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo tăng thu nhập.
Nguyên tắc chung là các tổ chức PCPNN sẽ không thu hồi lại vốn mà chuyển
nó cho đối tác Việt Nam sau khi kết thúc dự án để tiếp tục cho các đối tượng
khác vay hoặc dùng vốn đó để thực hiện một hoạt động khác trong địa
phương.
19
- Các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực hỗ trợ nâng cao năng lực. Đây
là lĩnh vực hoạt động khá mới mẻ bên cạnh việc viện trợ về vật chất. Các tổ
chức PCPNN sẽ giúp các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tăng cường khả năng
tổ chức, quản lý hoạt động. Hình thức hoạt động chính của dạng này là
chuyển giao kỹ thuật, tổ chức tập huấn, tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm
qua đó giúp nâng cao năng lực của đối tác.
- Các tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, bảo
vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển cộng đồng, phụ nữ…
Ngoài ra còn có một số hình thức phân loại khác như phân loại theo
quốc tịch, theo tính chất và quy mô nguồn vốn hay theo khu vực hoạt động
cũng thường được sử dụng khi sắp xếp, phân loại các tổ chức PCPNN.
1.2. Quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ
nước ngoài
1.2.1. Khái niệm quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài
Để nghiên cứu chuyên sâu và làm rõ hơn khái niệm quản lý nhà nước về
hoạt động của các tổ chức PCPNN, trước hết cần phải nghiên cứu làm rõ thuật
ngữ “Quản lý nhà nước”.
Quản lý nhà nước (QLNN) là sự tác động có chủ đích của nhà nước vào
các quan hệ xã hội nhằm làm cho các quan hệ đó diễn ra theo chiều hướng tốt
nhất cho sự phát triển đất nước và mỗi con người. Nói cách khác QLNN là việc
thực thi các loại quyền lực nhà nước nhằm tác động và điều chỉnh mọi quan hệ
xã hội nhằm làm cho quốc gia phát triển ổn định và bền vững.
QLNN là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà
nước và chứa đựng trong nó nhiều kỹ năng thuộc về quản lý. Có thể thấy
QLNN là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước của
các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm thực hiện các chức năng đối nội và
20
đối ngoại của nhà nước trên cơ sở các quy luật phát triển xã hội nhằm mục đích
ổn định và phát triển đất nước.[9]
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN là một bộ phận trong tổng
thể hoạt động quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế - xã hội của nước ta.
Cụ thể hơn, đó là một bộ phận của QLNN trên lĩnh vực đối ngoại.
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN là một dạng quản lý xã hội
mang tính chất nhà nước, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức PCPNN tại
Việt Nam bằng quyền lực nhà nước. Nói cách khác QLNN về hoạt động của
các tổ chức PCPNN là quá trình Nhà nước sử dụng các phương thức quản lý
để tác động, điều chỉnh các hoạt động của các tổ chức PCPNN diễn ra theo
quy định.
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN để một mặt, bảo đảm hoạt
động của các tổ chức này theo đúng mục đích nhân đạo từ thiện, phù hợp với
luật pháp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mặt khác, bảo
vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức PCPNN trong quá trình hoạt động trên
lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm cho mối quan hệ giữa các tổ chức này với các bên
đối tác Việt Nam được hài hòa.
Tóm lại, có thể thấy QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN là tất
cả các hoạt động quản lý của nhà nước liên quan đến các tổ chức PCPNN tại
Việt Nam từ việc quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN đến con người
làm việc tại các tổ chức này.
1.2.2. Đặc điểm của QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN là một bộ phận trong tổng
thể hoạt động QLNN về đối ngoại nhân dân, vì vậy nó cũng mang những đặc
điểm chung của hoạt động QLNN về đối ngoại và đối ngoại nhân dân.
Có thể thấy QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN có một số đặc
điểm chính như :
21
- Tính lệ thuộc vào chính trị và hệ thống chính trị. Việc quản lý hoạt
động của các tổ chức PCPNN trước hết phải đảm bảo đúng đường lối, chính
sách chỉ đạo của Đảng về đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng;
phải đảm bảo sự quản lý thống nhất, tăng cường sự tham gia của nhân dân
trong công tác quản lý, phát huy cơ chế hợp tác 3 bên: chính quyền – nhân dân
vùng hưởng lợi – tổ chức PCPNN. Do vậy, quản lý nhà nước đối với các
TCPCPNN phải luôn song hành với hệ thống chính trị, phù hợp với các quyết
sách chính trị của Đảng và Nhà nước.
- Tính pháp quyền. Mọi hoạt động QLNN phải đảm bảo nằm trong
khuôn khổ quy định của pháp luật. Việc quản lý hoạt động của các tổ chức
PCPNN phải dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước và pháp luật được sử
dụng làm công cụ chủ yếu để quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN.
- Tính thống nhất và linh hoạt. QLNN về hoạt động của các tổ chức
PCPNN phải dựa trên cơ sở quy định chung của pháp luật; không cho phép
các cơ quan quản lý của Nhà nước thực hiện việc quản lý một cách tùy tiện,
theo cảm tính hay theo ý muốn chủ quan. Do tính chất đa dạng, hoạt động của
các tổ chức PCPNN liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như
chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng, ngoại giao nên QLNN trên
lĩnh vực này cần có sự thống nhất trong quản lý. Bên cạnh đó, trong quá trình
quản lý cũng cần có sự linh hoạt, giao một số quyền hạn và trách nhiệm qua
đó tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương có thể chủ động, linh hoạt
giải quyết một số vấn đề cụ thể nào đó. Qua đó, phát huy tính sáng tạo, chủ
động và quyền làm chủ của các cấp, các ngành.
- Tính công khai, minh bạch. Các chính sách, quy định của Nhà nước
về quản lý liên quan đến hoạt động của các tổ chức PCPNN cần phải được
công khai, minh bạch. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng bởi QLNN về
hoạt động của các tổ chức PCPNN có liên quan rất nhiều đến quản lý nguồn
tiền, hàng viện trợ và một số quyền lợi kinh tế.
22
1.2.3. Vai trò của QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN đóng vai trò rất quan trọng
trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vai trò đó thể hiện ở
các điểm sau:
Một là, quản lý nhà nước nhằm đảm bảo các tổ chức PCPNN hoạt
động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Cùng với việc thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương và đa
dạng hóa các mối quan hệ số lượng các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt
Nam ngày càng tăng lên. Có thể thấy quan hệ với cộng đồng PCPNN đang trở
thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể quan hệ đối ngoại của nước ta.
Các tổ chức PCPNN đã và đang góp phần không nhỏ cùng nhà nước khắc
phục các tác động tiêu cực của quá trình phát triển. Chính vì lẽ đó, cũng như
các lĩnh vực khác, nó tất yếu cần có sự quản lý của nhà nước. Có thể nói
QLNN đối với hoạt động của các tổ chức PCPNN là điều hết sức cần thiết,
hướng hoạt động của các tổ chức này vào mục tiêu phát triển của đất nước.
Mục đích của QLNN đối với hoạt động của các tổ chức PCPNN là
nhằm hướng dẫn các tổ chức này hoạt động phù hợp với định hướng của Việt
Nam, phù hợp với những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của
công cuộc đổi mới và phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt
Nam. QLNN cũng là để đảm bảo cho các tổ chức PCPNN hoạt động trong
khuôn khổ pháp luật và những chính sách hiện hành của Việt Nam, đồng thời
không trái với pháp luật quốc tế.
Hai là, quản lý nhà nước để phát huy mặt tích cực của các tổ chức
PCPNN.
Không chỉ nhằm mục đích quản lý, QLNN còn nhằm mục đích tạo điều
kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN hoạt động và phát huy những tác dụng
tích cực của mình và qua đó thu hút tối đa mọi nguồn lực đóng góp cho sự
phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
23
Là một nước nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua nhiều năm bị chiến tranh
tàn phá, thường xuyên bị thiên tai đe doạ, cuộc sống của người dân còn gặp
nhiều khó khăn thiếu thốn, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ
lực đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để đạt được
mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trong
sự nghiệp to lớn và nặng nề này, chúng ta luôn cần huy động và tranh thủ sự
giúp đỡ quí báu, có hiệu quả của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế
trong đó có cả các tổ chức PCPNN.
QLNN còn nhằm mục đích khai thác có hiệu quả nguồn viện trợ của các
tổ chức PCPNN. Sự hỗ trợ của các tổ chức PCPNN tuy không lớn so với các
nguồn viện trợ khác như viện trợ phát triển chính thức (ODA), song cũng là
một nguồn lực quan trọng giúp nhà nước tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn
khôi phục, xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhìn chung nguồn viện trợ
này có tác dụng thiết thực đối với nhiều ngành, địa phương và cơ sở, nhất là
những cơ sở nghèo và là một nguồn bổ sung đáng kể cho ngân sách quốc gia.
Do đó nó có một ý nghĩa nhất định đối với nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt
là khi nguồn viện trợ này được tập trung cho các vùng sâu, vùng xa, vùng bị
thiên tai.
Bên cạnh đó, ngoài hình thức viện trợ hàng hóa và trang thiết bị trực
tiếp (thường là trong những trường hợp cứu trợ khẩn cấp) các tổ chức PCPNN
còn hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau như
giúp đỡ người khuyết tật, giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục đào tạo, viện
trợ y tế; phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường... Không
chỉ viện trợ về vật chất mà các tổ chức PCPNN còn tài trợ qua nhiều hình thức
khác như hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao dân
trí, chăm sóc y tế, phổ cập giáo dục… Do đó cần phải quản lý hoạt động của
các tổ chức PCPNN để đảm bảo nguồn viện trợ đó tới được những nơi, những
đối tượng cần nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
24
QLNN còn nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức PCPNN trong
công tác đối ngoại nhân dân. Trên thế giới hiện nay các tổ chức PCP ngày
càng có vị trí và vai trò quan trọng. Các tổ chức PCP được xem như cầu nối
trong quan hệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Chính phủ
nhiều nước trong số các quốc gia tài trợ ngày càng quan tâm, sử dụng các cơ
chế tham vấn, lấy ý kiến của các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng,
hoạch định chính sách, tăng cường sử dụng họ vào việc triển khai viện trợ
cũng như trong thực hiện chính sách đối ngọai của mình. Trong bối cảnh ngày
càng có nhiều tổ chức PCPNN, trong đó có nhiều tổ chức PCP quốc tế có sức
mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng lớn, vào hoạt động tại Việt Nam thì lại càng
cần phải có sự QLNN để từ đó tranh thủ, tác động để các tổ chức PCPNN này
sẽ có đóng góp tích cực trong việc làm cho nhân dân thế giới hiểu biết hơn về
Việt Nam; ủng hộ Việt Nam nhiều hơn cả về về kinh tế, chính trị lẫn đối ngoại
và chống lại những luận điệu sai lệch bên ngoài về các vấn đề như nhân
quyền, dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Qua đó, ngày càng nâng cao vị trí
của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế
Ba là, quản lý nhà nước để hạn chế mặt tiêu cực của các tổ chức
PCPNN.
Do những đặc thù riêng, hoạt động của các tổ chức PCPNN cũng rất cần
có sự quan tâm đặc biệt và quản lý sâu sát của nhà nước và chính quyền các
cấp bởi đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan nhiều đến ổn định chính
trị, an ninh, quốc phòng của quốc gia. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ
không loại trừ những tác động xấu cũng như không thể phát huy được hiệu
quả của hoạt động này.
QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN nhằm bảo vệ lợi ích dân
tộc, độc lập chủ quyền, bí mật quốc gia; ngăn ngừa rò rỉ thông tin và ngăn
ngừa phòng chống sự xâm nhập của các yếu tố độc hại từ bên ngoài.
25