Tải bản đầy đủ (.pdf) (144 trang)

giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.9 MB, 144 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Lê Thị Bé Hằng

GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT – KHMER Ở
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
(1975 – 2000)

LUẬN VĂN THẠC SĨ SỬ HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Lê Thị Bé Hằng

GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT – KHMER Ở
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
(1975 – 2000)
Chuyên ngành: Lịch Sử Việt Nam
Mã số: 60 22 03 13

LUẬN VĂN THẠC SĨ SỬ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. VÕ XUÂN ĐÀN

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu được
trích dẫn trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả cho phép sử dụng. Công
trình nghiên cứu này chưa từng công bố trong bất kỳ một công trình nào khác.
Tác giả luận văn

Lê Thị Bé Hằng

1


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Võ Xuân Đàn – người Thầy đã
tận tình hướng dẫn, khuyến khích tôi trong quá trình thực hiện luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn Quí Thầy, Cô ở Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư
Phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã dạy bảo tôi trong quá trình đào tạo Cao học để tôi
có được những kiến thức như ngày hôm nay, cụ thể là qua kết quả luận văn này.
Bên cạnh đó, tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban Giám Hiệu và Phòng sau Đại
học Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban giám đốc bảo tàng Văn
hóa dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh, Ban quản lý Thư viện Tổng hợp đã tạo điều kiện
thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập và làm luận văn.
Và tôi không quên gửi lời cảm ơn trước sự động viên từ phía gia đình, người thân,
bạn bè và đồng nghiệp.
Dù đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành luận văn nhưng chắc chắn không tránh
khỏi những thiếu sót, tôi kính mong Quí Thầy Cô và bạn bè góp ý.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2013
Tác giả


Lê Thị Bé Hằng

2


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

STT CHỮ VIẾT TẮT

CHỮ ĐẦY ĐỦ

1

PGS.TS

Phó Giáo sư Tiến sĩ

2

LTBH

Lê Thị Bé Hằng

3

Nxb

Nhà xuất bản

4


BTVH

Bảo tàng văn hóa

5

VHTTDL

Văn hóa thể thao – du lịch

6

TTXVN

Thông tấn Xã Việt Nam

7

VHNT

Văn hóa Nghệ Thuật

Luận văn đã sử dụng 26 ảnh để minh họa cho công trình; trong đó có 03 ảnh của tác
giả khác, 11 ảnh sưu tầm từ một số báo và nguồn Internet.

3


MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 2
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT ............................................................................ 3
MỤC LỤC .................................................................................................................... 4
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 6
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................. 6
2. Tình hình nghiên cứu đề tài ......................................................................................... 10
3. Mục đích, đối tượng nghiên cứu của đề tài ................................................................ 12
4. Phạm vi nghiên cứu ...................................................................................................... 13
5. Các phương pháp tiến hành nghiên cứu..................................................................... 13
6. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài ....................................................... 14
7. Bố cục của đề tài............................................................................................................ 15

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ ĐẶC ĐIỂM TỤ
CƯ, CỘNG CƯ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI KHMER Ở VÙNG ĐỒNG
BẰNG SÔNG CỬU LONG THẾ KỈ XVII ĐẾN NAY .......................................... 16
1.1. Khái quát vài nét về yếu tố địa – lịch sử vùng đồng bằng sông Cửu Long thế kỉ
XVII đến nay .................................................................................................................... 16
1.2. Khái quát về người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ............................ 18
1.2.1. Lịch sử tụ cư và sự hình thành tộc người .............................................................. 18
1.2.2. Đặc điểm cư trú, sản xuất và xã hội ...................................................................... 21
1.3. Khái quát về người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ................................. 24
1.3.1. Lịch sử tụ cư .......................................................................................................... 25
1.3.2. Đặc điểm cư trú và cơ sở kinh tế của người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu
Long nói riêng và cả vùng Nam Bộ nói chung ............................................................... 27
1.4. Đặc điểm của quá trình tụ cư và cộng cư của người Việtt và người Khmer ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long ...................................................................................... 30

CHƯƠNG 2: QUÁ TRÌNH GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT – KHMER Ở VÙNG
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (1975 – 2000) ................................................. 34

2.1. Khái niệm “văn hóa” và “giao lưu văn hóa” ........................................................... 34
2.1.1. Khái niệm về “Văn hóa” ....................................................................................... 34
2.1.2. Khái niệm về “Giao lưu văn hóa” ......................................................................... 36
2.2. Quá trình giao lưu văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
(1975 – 2000) ...................................................................................................................... 37
4


2.2.1. Những giá trị văn hóa Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ........................ 37
2.2.2. Những giá trị văn hóa Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ............................ 44
2.2.3. Những biểu hiện giao lưu của văn hóa vật chất Việt – Khmer ở vùng đồng bằng
sông Cửu Long (1975 – 2000) ........................................................................................ 50
2.2.4. Những biểu hiện giao lưu của văn hóa tinh thần Việt – Khmer ở vùng đồng bằng
sông Cửu Long (1975 – 2000) ........................................................................................ 59
2.2.5. Yếu tố dẫn đến giao lưu văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
(1975 – 2000) .................................................................................................................. 65

CHƯƠNG 3:VAI TRÒ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT
– KHMER Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐỐI VỚI LỊCH SỬ
VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM ......................................................................... 81
3.1. Vai trò của cộng đồng người Khmer và người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu
Long.................................................................................................................................... 81
3.2. Giá trị của văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với lịch
sử văn hóa dân tộc Việt Nam ........................................................................................... 83
3.3. Phương hướng và giải pháp phát huy giá trị văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng
bằng sông Cửu Long giai đoạn hiện nay ........................................................................ 88
3.3.1. Thực trạng việc phát huy giá trị văn hóa Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu
Long từ sau năm 1975 đến nay ....................................................................................... 88
3.3.2. Phương hướng và giải pháp phát huy giá trị văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng
bằng sông Cửu Long giai đoạn hiện nay ......................................................................... 93


KẾT LUẬN .............................................................................................................. 102
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 115
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 125

5


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Tổ Quốc Việt Nam được thống nhất về mặt
lãnh thổ. Nguyện vọng của nhân dân cả nước là sớm có một nhà nước chung, một cơ
quan quyền lực chung nhằm tạo cơ sở để hoàn thành thống nhất đất nước trên các
lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội sau khi trải qua hai cuộc chiến
tranh lớn trong lịch sử chống ngoại xâm đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với
những khó khăn trong giai đoạn của năm 1975, bằng những công cuộc thực hiện
đường lối đổi mới toàn diện đến năm 2000, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, giải
quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề xã hội, tạo điều kiện cho sư giao lưu, hợp tác
trong tất cả các lĩnh vực nhất là về lĩnh vực văn hóa (sự giao lưu đó đã được thể hiện
ngay từ thời kì sơ khai, hay kể cả thời kì chiến tranh và trong thời hòa bình sẽ càng
diễn ra mạnh mẽ hơn) giữa các vùng, miền trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như giữa
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc ở nước ta đều có những giá trị
văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam vừa thống nhất, vừa đa
dạng. Trong quá trình khai phá vùng đất mới – vùng đất màu mỡ ở đồng bằng sông
Cửu Long, chắc chắn có công sức của nhiều tộc người thuộc các ngữ hệ Nam Á, Nam
Đảo. Chính họ đã tạo nền tảng văn hóa cho chúng ta ngày nay, nhưng phải nói rằng
từ thế kỉ XVII trở lại đây, khi người Việt, người Khmer đoàn tụ trong một đại gia
đình Việt Nam thì việc phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa ở đồng bằng sông Cửu
Long mới được đẩy mạnh. Một đặc điểm nổi bật ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

xưa và nay là sự hỗn dung văn hóa với cơ cấu đa thành phần, tuy có ít nhiều tách biệt,
nhiều lớp lang, nhưng cuối cùng vẫn vươn tới sự thống nhất. Chính nhân dân các dân
tộc nơi đây đã đưa nền văn hóa truyền thống của người Việt hội nhập với văn hóa địa
phương, đồng thời cũng đã góp được nhiều thành tựu vào văn hóa chung của cả nước.
Lý do thứ nhất, các nhà khảo cổ học đã chứng minh vùng đồng bằng sông Cửu
Long và Đông Nam Bộ cách đây 2-3 nghìn năm đã có nền văn hóa Óc Eo cùng thời
6


với văn hóa Sa Huỳnh (Trung Bộ) và Đông Sơn (Bắc Bộ). Cư dân Óc Eo đã sáng tạo
ra một nền văn hóa rực rỡ nhất vào thế kỉ I đến thế kỉ VII tại đồng bằng sông Tiền,
sông Hậu. Người Khmer đến đồng bằng sông Cửu Long sớm nhất cũng chỉ từ thế kỉ
thứ VIII. Tiếp sau đó người Chăm, người Hoa, người Việt tiếp tục khai thác vùng đất
này. Như ở Đông Nam Bộ, vùng này chỉ thực sự được thuần hóa và thịnh vượng khi
người Việt tới, chung sức cùng với các dân tộc anh em khai khẩn và tạo dựng cuộc
sống mới. Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu được khắc họa bởi sắc thái
văn hóa các tộc người đến đây mở đất như Chăm, Khmer, Việt, Hoa. Trong đó văn
hóa Việt đóng vai trò chủ đạo đối với quá trình thuần hóa và tạo nên sự phong hóa, sự
kết nối, giao lưu và tiếp biến văn hóa, cũng như điều kiện tự nhiên – sinh thái, đã và
đang định hình các tiểu vùng văn hóa ở khu vực này.
Lý do thứ hai, tìm hiểu về những giá trị văn hóa ở vùng sông nước – mà điển
hình là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là vùng đất mới, là đồng bằng rộng lớn
nhất ở Việt Nam, cũng là một trong số các đồng bằng rộng lớn trên thế giới. Đồng
bằng sông Cửu Long vốn là vùng sản xuất lương thực, nông sản hàng hóa, nông sản
xuất khẩu quan trọng nhất của nước ta. Theo dòng lịch sử và chiều dài đất nước Việt
Nam, đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ, nơi dừng chân của những dòng chảy
văn hóa, cùng với đó là những giá trị văn hóa cũng được kết tinh, lắng đọng. Đóng
góp vào các tầng văn hóa vùng đồng bằng “sông nước miệt vườn” này không thể
không nói tới lát cắt văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của người Việt cũng
như cộng đồng người Khmer nơi đây.

Lý do thứ ba, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên vùng đất mới Nam Bộ
nói chung cũng như sự giao lưu giá trị văn hóa của người Khmer và người Việt
(người Kinh) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, có thể diễn ra ở mọi khía
cạnh đời sống văn hóa – xã hội, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức…và đều đi
liền với quan hệ tình cảm cộng đồng. Một điều mà chúng ta đã nhìn nhận rõ, trong
không gian văn hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long là phần mở rộng của không gian
văn hoá Nam Bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, ở vùng đất mới này ngoài
7


sự chung tay khai phá với người Việt còn có các tộc người bản địa và các tộc người
di dân. Vì vậy, trên vùng đất này, ngay từ đầu văn hoá của cư dân Việt, mà trong đó
đã có sẵn yếu tố Chăm, đã giao lưu mật thiết với văn hoá của các cư dân Khmer,
Hoa...
Lý do thứ tư, trong thời cận đại và hiện đại, suốt một thời gian dài vùng đất này
lại chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp rồi tiếp đó là văn hoá Mỹ. Vì vậy, Nam Bộ nói
chung cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là một vùng đất mà giao
lưu, tiếp biến văn hoá đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hệ quả là hầu như
không có hiện tượng văn hoá nào ở nơi đây còn nguyên chất thuần Việt mà luôn có
bóng dáng của những nền văn hoá khác. Cho nên, có thể nói, giao lưu văn hoá chính
là một trong những bản sắc của văn hoá đồng bằng sông Cửu Long. Nó khiến cho văn
hoá Nam Bộ vừa tương đồng, lại vừa khác biệt với cội nguồn của nó là văn hoá Việt
ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hoá, cư
dân Việt hay cộng đồng Khmer nơi đây đã không tiếp thu trọn gói các nền văn hoá
khác mà chỉ những yếu tố đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần để bổ sung vào
hành trang văn hoá mang theo. Vì vậy, các yếu tố văn hoá nơi đây không tự đánh mất
mình mà chỉ tái tạo các giá trị văn hoá mà vùng đất này thu nạp được theo hướng làm
cho nó thích ứng với nhu cầu của cộng đồng người Việt cũng như người Khmer, sự
tái tạo các giá trị văn hoá đó cũng là một bản sắc của văn hoá nơi đây. Bên cạnh sự
tiếp biến văn hoá đó đã làm cho Nam Bộ mang rõ đặc trưng văn hóa của vùng đồng

bằng sông nước. Hai đặc trưng văn hoá chủ đạo này của vùng đất Nam Bộ đã buộc tất
cả các nền văn hoá sinh tụ nơi đây đều phải tự cấu trúc lại, lược bỏ những giá trị
không còn phù hợp với môi trường mới, phát triển hoặc sáng tạo những giá trị mới
giúp con người có thể tồn tại và phát triển, đan xen những tộc người khác biệt nhau
về văn hoá.
Lý do thứ năm, những giá trị văn hóa phản ánh sức sống và khả năng sáng tạo,
tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển văn hóa dân tộc Khmer, dân tộc Việt cũng như
8


những dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời là yếu tố để đồng bào có thể
thích ứng, đi lên trong sự giao thoa với các dân tộc khác trong vùng và cộng đồng các
dân tộc Việt Nam. Văn hóa một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia với tư cách là
một bộ phận của văn hóa thế giới phải tự hoàn thiện trên nền tảng bản sắc riêng. Tất
cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã cùng đóng góp vào vốn văn hóa truyền
thống của mình, phát triển thêm vào truyền thống văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy,
việc nghiên cứu tìm hiểu tác động sự giao thoa của các giá trị văn hóa là thiết thực và
quan trọng trong xu thế giao lưu, ngoại giao văn hóa của dân tộc hay văn hóa của thế
giới hiện nay, nhất là trong thời kì đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế. Mặc khác
việc phát triển, tôn tạo giữ gìn những bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc là vô
cùng cần thiết. Bởi từ những nét văn hóa riêng của các cộng đồng sẽ tạo thành những
bản sắc văn hóa chung của đất nước Việt Nam. Sự giao lưu văn hóa để tạo ra những
nền văn hóa mới tiến bộ hơn, hòa hợp hơn giúp gắn kết các cộng đồng dân tộc lại với
nhau nhiều hơn thúc đẩy tinh thần đoàn kết sâu rộng hơn.
Lý do thứ sáu, do tính chất và tầm quan trọng của vấn đề tộc người thiểu số ở Việt
Nam, nên đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trong những năm qua. Các
công trình nghiên cứu đã đề cập đến tất cả các khía cạnh có liên quan đến các tộc người
thiểu số đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta (từ lịch sử tộc người, những đặc trưng văn
hóa, những phong tục tập quán đến những đóng góp của các tộc người vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như xu hướng phát triển của các tộc người

thiểu số trong điều kiện cụ thể hiện nay). Đồng thời, các công trình nghiên cứu cũng chỉ
ra những khó khăn, những hạn chế cần được khắc phục để các tộc người thiểu số có thể
xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.
Vấn đề phát triển và phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội
nhập quốc tế là một trong những vấn đề nóng bỏng, mà các nhà hoạch định chính sách,
các nhà khoa học đang tìm lời giải. Các nước, nhất là những nước đang phát triển có
xuất phát điểm thấp như Việt Nam, tuy có kinh nghiệm của các nước đi trước, nhưng
không phải mô hình nào cũng có thể vận dụng được. Trên bình diện cả nước, vấn đề
phát triển và phát triển bền vững như là những thách đố, mà dân tộc Việt Nam đang nỗ
9


lực để có thể vượt qua. Còn các tộc người thiểu số, ngoài những đặc điểm chung của
một nước đang phát triển như Việt Nam, liệu còn có vấn đề gì mang tính đặc thù cần
được quan tâm nghiên cứu, để các tộc người thiểu số có thể phát triển và phát triển bền
vững trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Càng nghiên cứu sâu vào những giá trị văn hóa của cộng đồng người Việt và
người Khmer trên vùng đất mới – đồng bằng sông Cửu Long, cũng như sự tiếp biến
giao lưu văn hóa của hai tộc người này, càng cho ta thấy được những nét riêng biệt về
bản sắc văn hóa “sông nước miệt vườn” so với các vùng văn hóa khác, ít nhiều đã
góp phần làm phong phú thêm nền lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, vừa mang
tính nhân văn vừa mang tính xã hội sâu sắc và đó cũng là một trong những hướng
phát triển du lịch Việt Nam đưa văn hoá Việt Nam ra bên ngoài mà ta đã thấy. Và với
những lý do trên, nên tác giả chọn và muốn đi sâu tìm hiểu về “Giao lưu văn hóa
Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (1975 - 2000)” làm đề tài luận văn
tốt nghiệp Thạc sĩ.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Cho đến nay, có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu có liên đến vùng đất
mới Nam Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng như: “Gia Định
thành thông chí” (của Trịnh Hoài Đức, 1972); “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ”

(NXB Tp. HCM, 1987) trình bày tiến trình nhân dân ta khai khẩn và mở mang vùng
đất Nam Bộ từ đầu thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XX.
Đồng thời cũng có nhiều công trình chuyên khảo, nghiên cứu về đặc trưng văn
hóa của các tộc người ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có liên quan đến đề tài như:
“Mấy vấn đề văn hóa đồng bằng sông Cửu Long” của Viện Văn hóa (1984), tác phẩm
tổng hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu về vấn đề dân cư và dân tộc của tác
giả Mạc Đường, thực tế ngôn ngữ tại đồng bằng sông Cửu Long – một đặc trưng văn
hóa của vùng của tác giả Hồ Lê, ngoài ra còn có bài viết của Nguyễn Phúc về hướng
tiếp cận con người và vốn văn hóa - văn nghệ truyền thống của nhân dân đồng bằng
sông Cửu Long, trong đó tác giả Ros KuLap có bài viết về văn hóa – văn nghệ truyền
10


thống của người Khmer; Dân ca nhạc cổ của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long
của Thụy Loan. “Văn hóa Khmer Nam Bộ - Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt
Nam” (NXB Chính trị quốc gia - Sự Thật, 2011), giới thiệu về những nét văn hóa đặc
trưng của người Khmer Nam Bộ (gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần);
“Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ” (NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1988),
gồm một số bản báo cáo, tham luận chọn lọc của Hội nghị Khoa học về văn hóa
truyền thống và dân gian đồng bằng sông Cửu Long năm 1983 đề cập đến đặc điểm
văn hóa Khmer và một số bài viết khác có liên quan đến lịch sử tụ cư, cơ sở kinh tế xã hội, cũng như sự giao lưu văn hóa và một số loại hình văn hóa - văn nghệ; “Các
tộc người ở Việt Nam” (NXB Thời đại, 2012) đã nêu ra những yếu tố văn hóa vật thể
và văn hóa tinh thần chủ yếu của các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam một cách khái
quát, riêng ở vùng Nam Bộ tập trung vào bốn tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm;
“Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam (từ thế kỉ XVII – 1975)
(NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000) đã góp phần tìm hiểu tiến trình phát triển của
lịch sử Phật giáo tại vùng đất mới, vai trò của đạo Phật trong đời sống văn hóa – xã
hội của người Việt tại nơi đây; “Văn hóa vật chất của người Việt” (NXB Hà Nội,
2011); “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ” (NXB KHXH, Hà Nội, 1992); Lễ
hội văn hóa dân gian của người Việt ở Nam Bộ” (NXB VHTT, 2003); Đạo Tứ ân

hiếu nghĩa của người Việt ở Nam Bộ (1867 – 1975) (NXB Trẻ Tp. HCM, 1999)…
Nhiều công trình về mặt lý luận và phương pháp luận giúp nghiên cứu giao lưu
văn hóa như: “Giao thoa văn hóa và chính sách ngoại giao văn hóa Việt Nam” (NXB
Chính trị Quốc Gia Hà Nội, 2012); “Mấy vấn đề văn hóa cần nghiên cứu” của Trần
Đệ; “Văn hóa, truyền thống và cách tân” của Đinh Gia Khánh; “ Giao tiếp văn hóa và
vai trò của nó đối với qui luật đổi mới cái “truyền thống” trong văn hóa các dân tộc ở
Việt Nam và Đông Nam Á” của Ngô Đức Thịnh; “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của
Trần Ngọc Thêm v.v…
Tóm lại, hầu hết các công trình nghiên cứu văn hóa đồng bằng sông Cửu Long trong
giai đoạn từ thế kỉ XVII đến nay khá phong phú và có thể kế thừa trong việc nghiên
cứu. Nhìn chung giá trị khoa học của các tài liệu có mức độ khác nhau về mặt tư liệu
11


cũng như phương pháp. Tác giả luận văn có kế thừa những kết quả nghiên cứu trên
sự phân tích, thẩm định của bản thân qua nghiên cứu thực tiễn. Phần lớn tài liệu được
sử dụng trong luận văn này là kết quả thu thập, nghiên cứu của tác giả sau các đợt
điền giã ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà một phần đã được công bố trong các
công trình nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long.
3. Mục đích, đối tượng nghiên cứu của đề tài
Đề tài chủ yếu tìm hiểu trong phạm vi vùng đồng bằng sông Cửu Long, giới
hạn trong khoảng thời gian từ 1975 đến năm 2000. Vì vùng này là nơi tụ cư lâu đời
của đông đảo cộng đồng người Việt cũng như người Khmer, bên cạnh đó với việc tìm
hiểu văn hóa Việt – Khmer từ năm 1975 - 2000, đây là giai đoạn có những dấu ấn
cũng như những biểu hiện rất rõ nét trong sự giao lưu văn hóa, góp phần làm phong
phú thêm lịch sử văn hóa Việt Nam.
Đề tài luận văn tìm hiểu một số vấn đề lý luận về giao lưu văn hóa, trong phần
này tác giả sẽ nêu một số khái niệm liên quan về giao lưu văn hóa như: khái niệm văn
hóa, giao lưu văn hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa. Để thấy được, giao lưu văn hóa
luôn có tính qui luật, là một tất yếu trong sự phát triển văn hóa dân tộc, là hiện tượng

phổ biến của lịch sử văn hóa nhân loại.
Đề tài nghiên cứu vào các khía cạnh về những biểu hiện của sự giao lưu văn
hóa từ lịch sử tụ cư và cộng cư cũng như đặc điểm cư trú, cơ sở kinh tế - xã hội của
hai tộc người Việt và Khmer, đồng thời đi sâu tìm hiểu và làm sáng tỏ về nét văn hóa
vật chất và văn hóa tinh thần của hai tộc người này. Qua đó, so sánh, đối chiếu những
đặc trưng văn hóa tìm ra những nét tương đồng về giao lưu văn hóa người Việt –
Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, việc phát huy tính thống nhất và tính đa dạng là hai yêu cầu bắt buộc
trong sự phát triển của nền văn hóa nước ta. Tính đa dạng yêu cầu phải bảo tồn, khai
thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tôn trọng những
sắc thái riêng trong văn hóa các dân tộc. Nhưng tính đa dạng phải được đặt trong mối
quan hệ với tính thống nhất, tính thống nhất được thể hiện ở những giá trị chung giữa
12


các dân tộc trong cả nước cũng như khu vực, những giá trị đó được hình thành từ
hoạt động giao lưu văn hóa trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của cộng
đồng các dân tộc, phản ánh truyền thống đoàn kết và có vai trò quan trọng tạo nên sự
gắn bó, “kết dính” giữa các cộng đồng dân tộc thành một khối thống nhất trong toàn
lãnh thổ. Vì vậy, đề tài cũng nêu ra những vai trò của văn hóa Việt và văn hóa Khmer
đối với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, qua đó đưa ra những phương hướng, giải
pháp cũng như những kiến nghị để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc, nhất là việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt
Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
4. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu về không gian: giới hạn nghiên cứu trong phạm vi văn hóa
các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đôi khi tác giả cũng nghiên cứu một số nơi khác
ở Nam Bộ để so sánh.
Phạm vi nghiên cứu về thời gian: giới hạn nghiên cứu trong phạm vi văn hóa
thời gian từ năm 1975 đến năm 2000. Tuy nhiên, tác giả cũng nghiên cứu thời gian

trước năm 1975 và giai đoạn hiện nay để so sánh.
5. Các phương pháp tiến hành nghiên cứu
Nhận thức được những điều trên và để giải quyết các vấn đề đặt ra, luận văn sử
dụng những phương pháp sau: phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phương pháp
thống kê, phương pháp quan sát. Ngoài ra trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu tác
giả còn vận dụng nhiều phương pháp khác như: phương pháp thu thập và xử lý dữ
liệu, phương pháp so sánh, đối chiếu… các nội dung tham khảo với các tài liệu có
liên quan đến đề tài. Bên cạnh đó, với nội dung trình bày trong đề tài, ít nhiều cũng
sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành như văn hóa học liên ngành với nhân
học, xã hội học, dân tộc học…đồng thời, tác giả cũng đã tìm hiểu và vận dụng khai
thác đối chiếu trong một số khái niệm để làm rõ nội dung đề tài.

13


6. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài
Dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 54 dân tộc ở
nước ta, có nền văn hóa đặc sắc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt văn hóa
Khmer hòa quyện chặt chẽ với tôn giáo (Phật giáo tiểu thừa) và chính điều đó làm
ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ đời sống (cả vật chất lẫn tinh thần). Người Khmer ở
đồng bằng sông Cửu Long đã có những đóng góp nhất định vào kho tàng văn hóa
chung của người Việt – Nam Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói
riêng, những sắc thái được tiếp nhận làm phong phú thêm nét bản sắc văn hóa người
Việt. Đồng thời, người Khmer cũng tự tiếp nhận vào nền văn hóa truyền thống của
mình không ít yếu tố văn hóa của người Việt, từ cung cách ăn mặc, nhà ở đến tập
quán, lối sống…để tạo nên sự khác biệt giữa đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với
người Khmer ở Campuchia, là dân tộc đã có mối quan hệ chủng tộc với họ, vốn sẵn
có những nét văn hóa chung lâu đời từ quan hệ chủng tộc.
Những giá trị văn hóa do dân tộc Khmer cũng như những giá trị văn hóa của
người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã sáng tạo ra trong quá trình lịch sử vô

cùng đa dạng và phong phú, bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đã thể
hiện những bản sắc riêng trong mỗi nền văn hóa của mỗi dân tộc, những bản sắc văn
hóa riêng ấy được hòa quyện vào nhau tạo nên sư giao lưu, tiếp biến và giao lưu trên
cơ sở tiếp thu có chọn lọc, đã làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Những
giá trị văn hóa của người Việt và người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long này
đã thể hiện được đặc điểm nền văn hóa của cư dân nông nghiệp, canh tác lúa nước cổ
truyền, in đậm nét riêng về dấu ấn Phật giáo trong mỗi cộng đồng dân tộc của mình,
thể hiện sự hòa nhập với nhau, vừa mang tính độc đáo riêng biệt vừa mang tính
phong phú đa dạng. Có thể nói, tính quần chúng rộng rãi, quyện chặt với tín ngưỡng
tôn giáo là giá trị văn hóa nổi bật của văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu
Long, phản ánh sâu sắc đại đoàn kết của đồng bào.
Nghiên cứu về giao lưu văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu
Long từ năm 1975 đến năm 2000, ngoài việc có ý thức giữ gìn những truyền thống
14


văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bản thân còn có thêm nhiều nhận thức mới về những nét
mới trong văn hóa của các dân tộc Việt Nam mà điển hình là ở vùng đồng bằng sông
Cửu Long. Qua việc tìm hiểu nghiên cứu đề tài cũng giúp tôi có được vốn kiến thức
bao quát, bổ ích về lĩnh vực văn hóa dân tộc và ít nhiều giúp cho công tác giảng dạy ở
trường Phổ thông.
7. Bố cục của đề tài
Ngoài lời nói đầu và kết luận, đề tài gồm có 3 chương.
Chương 1: Khái quát về lịch sử hình thành và đặc điểm tụ cư – cộng cư của
người Việt và người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thế kỉ XVII đến nay.
Chương 2: Quá trình giao lưu văn hóa Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông
Cửu Long (1975 – 2000)
Chương 3: Vai trò và giải pháp phát huy giá trị văn hóa Việt – Khmer ở vùng
đồng bằng sông Cửu Long đối với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam


15


CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ ĐẶC
ĐIỂM TỤ CƯ, CỘNG CƯ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI KHMER
Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THẾ KỈ XVII ĐẾN NAY
1.1. Khái quát vài nét về yếu tố địa – lịch sử vùng đồng bằng sông Cửu Long thế
kỉ XVII đến nay
Về mặt địa lý – tự nhiên, đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê
Công, phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp sông Vàm Cỏ, phía Nam giáp biển
Đông và phía Tây giáp vịnh Thái Lan.
Trong lịch sử hành chính trước thế kỉ XIX, đồng bằng sông Cửu Long được gọi là
“Nam Kì lục tỉnh” hoặc “các tỉnh miền Tây Nam Bộ”. Hiện nay, khu vực đồng bằng
sông Cửu Long bao gồm địa phận của một thành phố (Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An,
Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên
Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
Nam Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, là vùng đất
mới đối với lịch sử lâu đời của đất nước. Đó là vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ, thiên
tai, hạn hán, lụt lội ở vùng nhiệt đới gió mùa, lại có nhiều cá sấu,…gây không ít khó
khăn cho cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh mặt hoang vu, thú dữ và sự khắc nghiệt của
thiên nhiên, vùng đất Nam Bộ lại là vùng đất “cò bay thẳng cánh”, bát ngát ruộng
đồng màu mỡ, phì nhiêu. “Đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống
kinh rạch chằng chịt được bồi đắp bởi phù sa sông Tiền, sông Hậu và phù sa của biển,
một vùng khí hậu ổn định, trong năm phân ra hai mùa mưa nắng rõ rệt, cảnh vật thơ
mộng lại vừa mang vẻ kỳ bí, hấp dẫn, lôi cuốn tâm hồn con người muốn khai phá, tìm
tòi, “mời gọi” cư dân từ các nơi đến sinh sống” [89, 12].
Tài nguyên thiên nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú. Ngoài tài
nguyên về đất và nước, đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều tài nguyên khoáng sản
như nguyên liệu hóa chất, phân bón, đá voi làm vật liệu xây dựng. Đáng chú ý là rừng
tự nhiên còn khoảng 260.000 ha, chiếm 6,8% diện tích đồng bằng sông Cửu Long,

trong đó chủ yếu là rừng ngập mặn khoảng 120.000 ha và rừng tràm khoảng 100.000
16


ha. Tài nguyên thủy sản cũng là thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long, được phân
bố theo ba vùng sinh tụ: vùng sông rạch và các khu vực ngập nước trong mùa mưa,
vùng cửa sông và vùng ven biển. Tài nguyên thủy sản dồi dào nhất ở đồng bằng sông
Cửu Long nằm ở vùng đặc quyền kinh tế biển. Đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển
dài 743km, chiếm 22,5% chiều dài bờ biển cả nước, chạy từ biển Đông sang Vịnh
Thái Lan. Trữ lượng hải sản toàn vùng chiếm khoảng 40 - 50% trữ lượng hải sản của
cả nước. Tiềm năng mặt nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng nửa triệu hecta. Ở đây
còn có nhiều loại nông sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới
với nhiều chủng loại và sản lượng lớn.
Cư dân chủ yếu là người Việt (Kinh), Khmer, Hoa, Chăm, trong các dân tộc cư
trú ở đây, người Khmer là cư dân có mặt ở vùng đất này từ rất sớm. Và một điều
đáng quan tâm ở đây, từ sau những năm của thế kỉ XVII khi bộ phận người Việt,
người Hoa và tiếp đến là người Chăm đến vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đoàn
kết với người Khmer, cùng nhau cải tạo vùng đất sình lầy, đầy thú dữ này dần dần trở
thành vùng đất đồng bằng màu mỡ, trù phú.
Trong quá trình đoàn kết cải tạo thiên nhiên ở vùng đồng bằng này từ lúc còn
hoang sơ đến khi trở thành một địa bàn sinh tụ hấp dẫn, các dân tộc nơi đây đã đồng
cảm với nhau và vun đắp một tình cảm chân thành ruột thịt không thể chia cắt, bởi
các dân tộc có chung một vận mệnh lịch sử, cùng chịu ảnh hưởng một môi trường
thiên nhiên và xã hội, hình thành nên một diện mạo văn hóa vùng cùng với các giá trị
truyền thống, mà nổi trội hơn cả là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức cố kết cộng
đồng, ý chí tự lập, tự cường, cần cù, sáng tạo. Đó là những nét đẹp, giá trị văn hóa
của đồng bào các dân tộc đồng bằng sông Cửu Long nói chung, của dân tộc Việt cũng
như dân tộc Khmer nói riêng cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa trong hiện tại và
tương lai.
Vốn là vùng đất giàu đẹp của Tổ Quốc Việt Nam, in đậm những dấu vết văn hóa

có từ lâu đời, liên tục từ thời tiền sử cho đến nay, nơi đã từng diễn ra những sự tiếp
xúc của nhiều lớp, nhiều tầng văn hóa vùng Đông Nam Á, nhưng với lịch sử nước ta
thì đó là vùng đất mới khai phá, vùng ngoại biên đã bị các thế lực phản động phong
17


kiến và đế quốc chia cắt nhiều lần. Và chỉ đến năm 1975, sau Đại thắng mùa Xuân,
khi chúng ta giải phóng miền Nam, vùng đất đồng bằng sông Cửu Long này mới thật
sự được sống lại trong độc lập và thống nhất, và một vận hội mới đã đến với đồng
bào dân tộc Việt, Khmer…nơi đây. Trong bối cảnh đất nước hòa bình, độc lập và
đang trên con đường giao lưu, hội nhập về văn hóa khi đất nước bước vào thế kỉ XXI
không chỉ dân tộc trong vùng mà còn giao lưu với các dân tộc anh em khác cũng như
trên thế giới để khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp mà nhân dân sáng tạo,
làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc, để đi vào con đường đổi mới
trong nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, triệt để khắc phục những hậu quả của chủ nghĩa
thực dân cũ và mới trên tất cả các lĩnh vực, mà trước hết là trên lĩnh vực tư tưởng,
văn hóa.
1.2. Khái quát về người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tụ cư đông đảo của của người Khmer Việt
Nam, theo số liệu điều tra từ nguồn tuyên giáo tỉnh Sóc Trăng vào năm 1999 dân số
người Khmer có hơn một triệu người, chiếm tỷ lệ 6,4% dân số toàn vùng. Người
Khmer có mặt khá sớm ở Nam Bộ, nhiều ngôi chùa của người Khmer ở Trà Vinh,
Sóc Trăng được xây dựng từ bốn, năm thế kỷ về trước. Người Khmer là cư dân nông
nghiệp, hoạt động chủ yếu là trồng lúa nước và một ít loại hoa màu. Buổi đầu người
Khmer sống thành các phum, sóc (như các xóm, ấp của người Việt) trên các giồng
đất cao. Đó là các gò phù sa cổ, có nguồn nước ngọt, cao ráo, khí hậu thoáng mát,
tránh được nước ngập vào mùa lũ của sông Cửu Long. Người Khmer ở đồng bằng
sông Cửu Long có mối quan hệ về mặt lịch sử và văn hóa dân tộc khá mật thiết với
người Khmer ở Campuchia. Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là một dân
tộc ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt, là công dân của nước Cộng Hòa Xã

Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
1.2.1. Lịch sử tụ cư và sự hình thành tộc người

Theo các tài liệu lịch sử đã được công bố, vào khoảng đầu công nguyên, vùng
đất Nam Bộ Việt Nam đã hình thành quốc gia có tên gọi Phù Nam. “Phù Nam là một
18


quốc gia ven biển mà trung tâm là vùng Nam Bộ Việt Nam ngày nay, cư dân chủ thể
là người Mã Lai – Đa Đảo có truyền thống hàng hải và thương nghiệp khá phát triển.
Trong thời kì hưng thịnh (từ thế kỉ I), Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng, chi phối toàn
bộ vùng vịnh Thái Lan và kiểm soát con đường giao thông huyết mạch từ nam Đông
Dương sang Ấn Độ qua eo Kra” [29, 13].
Thời kì hưng thịnh của Phù Nam, nơi đây đã hình thành và phát triển nền văn
hóa Óc Eo rực rỡ (từ thế kỉ II đến thế kỉ VIII), đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa
lịch sử trong công cuộc chinh phục đồng bằng sông Cửu Long. Sau thời kì phát triển
rực rỡ, đến thế kỉ VI, Phù Nam suy tàn. Vào đầu thế kỉ VII, Chân Lạp, vốn là một
thuộc quốc của Phù Nam đã đánh chiếm một phần lãnh thổ của Phù Nam (phần lãnh
thổ này tương ứng với Nam Bộ Việt Nam ngày nay).
Nước Chân Lạp do người Khmer xây dựng, lại nằm ở phía đông bắc Phù Nam,
nên có thể những nhóm tộc người Môn – Khmer cổ đã có mặt trên vùng đất giáp ranh
và sống xen kẽ với người Mã Lai – Đa Đảo. Lúc này “trong một số sách của Trung
Quốc đã xuất hiện tên gọi “Thủy Chân Lạp” để chỉ phần lãnh thổ của Phù Nam bị
Chân Lạp chiếm nhằm phân biệt với vùng đất “Lục Chân Lạp”, tức vùng đất gốc của
Chân Lạp” [29, 13]. Trong giai đoạn này, có nhiều vương quốc nhỏ vốn là thuộc quốc
của Phù Nam nổi lên thành những nước mạnh, tấn công vào những nước lân cận.
Trong số đó có Srivijaya của người Java, vào nửa sau thế kỉ VIII, quân đội nước
này đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thủy
Chân Lạp bị quân Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào
Srivijaya. Cục diện này mãi đến năm 802 mới kết thúc. Trong vòng gần một thế kỉ,

vùng đất Nam Bộ đã nằm dưới quyền kiểm soát của người Java. Đến cuối thế kỉ VIII,
văn hóa Óc Eo cũng bắt đầu suy tàn và trong nhiều thế kỉ tiếp theo, vùng đồng bằng
sông Cửu Long trở nên hoang vu.
“Từ thế kỉ X trở đi do biển rút dần, những vùng ven biển nổi lên những giồng
đất, giồng cát màu mỡ, thu hút cư dân đến cư trú. Từ thế kỉ XII, những người nông
dân Khmer nghèo, trốn chạy sự bốc lột hà khắc, nạn lao dịch nặng nề của giai cấp
phong kiến và các triều đại Ăngco, đã tìm cách di cư đến vùng đồng bằng sông Cửu
19


Long. Từ thế kỉ XV, khi đế chế Ăngco sụp đổ, người dân thuộc đế chế này càng rơi
vào cảnh đói nghèo và bị đàn áp nặng nề bởi bọn phong kiến ngoại tộc, người Khmer
(kể cả quan lại, sư sãi và trí thức Khmer đương thời) đã tìm đến đồng bằng sông Cửu
Long này ngày một đông” [81, 12].
Về sự hình thành tộc người: Có nhiều người nói người Khmer là người có mặt
rất sớm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng người Khmer từ đâu đến và đến từ
bao giờ thì lại chưa được giải thích một cách khoa học. Và đó cũng là một trong
những vấn đề quan trọng cần được quan tâm, nghiên cứu, giải đáp.
Một thành tựu khoa học đã công bố trên tạp chí “Science et Vie” xuất bản ở Pháp
vào tháng 10 năm 1974, số 685, trang 84 – 87, để xác định nguồn gốc của tộc người
Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Trong bài viết của mình, ông Pierre Rossion đã
giới thiệu thành tựu của khoa huyết chủng học, nghiên cứu về tính chất di truyền của
máu huyết. Nhờ đó mà giáo sư Ruffié đã khám phá ra lịch sử của những sắc dân còn
nằm trong nghi vấn phức tạp bởi thiếu cứ liệu, chứng tích lịch sử. Từ đó, ông thành
lập bản đồ chủng loại máu này. Bằng cách xác định sự phân phối và tỷ lệ của nó,
người ta đã tìm lại được những biên giới của đế quốc xa xưa để chiếm cứ Lào ở thế kỉ
XII, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai và hạ Miến Điện. Người ta ghi nhận rằng huyết cầu
này đã hiện diện ở miền Nam Việt Nam nhiều hơn ở miền Bắc Việt Nam. Chứng
minh khoa học này cho phép ta xác định “tộc người Khmer ở vùng đồng bằng sông
Cửu Long gốc vốn là tộc người Văh Năh (Phù Nam) mà từ cuối thế kỉ VI trở đi đã bị

tộc người Chenla (Kampuchia hoặc Chân Lạp) thống trị và đồng hóa dần dần trong
vòng 12 thế kỉ (từ thế kỉ VII đến thế kỉ XVIII), và giờ đây, đương nhiên đã trở thành
một thành viên quan trọng trong cộng đồng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”
[105, 20].
Đặc trưng chủng tộc dễ nhận biết ở người Khmer Nam Bộ là da có màu đen
xám. Tỷ lệ người có tóc quăn nhiều hơn người Kinh. Trong dòng tộc Khmer, có
những họ lớn như: Sơn, Kim, Thạch, Châu, Danh, Lâm…
Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ) là nơi có đồng bào Khmer sinh
sống, họ cư trú tập trung tại các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh,
20


Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ..; ngoài ra còn một số ở các tỉnh Tây Ninh, Vĩnh
Long, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh. “Theo kết quả dân số năm 1979, thì tộc
người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long gồm khoảng 700.000 thành viên” [105,
14]. “Theo số liệu của cơ quan Đặc trách công tác dân tộc Nam Bộ, tính đến năm
1997, cả nước có khoảng 200.000 hộ, với tổng số dân là 1.066.250 người, riêng đồng
bằng sông Cửu Long có 1.046.368 người chiếm tỷ lệ 98%. Theo số liệu của Vụ địa
phương III - Ủy ban dân tộc, năm 2009, tổng số dân Khmer ở đồng bằng sông Cửu
Long là 1.162.695 người” [66, 7-8].
Trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, người Khmer định cư chủ yếu
trên 20 huyện, thị của 9 tỉnh, thành: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc
Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, người
Khmer sinh sống tập trung đông nhất (trên dưới 30% tổng số dân trên địa bàn) chủ
yếu là ở bốn khu vực: Sóc Trăng (Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, thị xã Sóc Trăng
(nay là thành phố Sóc Trăng), Long Phú), Trà Vinh (Trà Cú, Châu Thành, Cầu Kè),
An Giang (vùng biên giới hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên), Kiên Giang (Giồng Riềng,
Gò Quao). Vì vậy nói về người Khmer trong khái niệm dân tộc còn gắn thêm địa
danh vùng đất cư trú, thành một phổ niệm rộng “Người Khmer Nam Bộ”. “Khái niệm
“Người Khmer Nam Bộ” nói lên hai điều cơ bản: Một là, xét trong cộng đồng dân tộc

Việt Nam, người Khmer Nam Bộ là dân tộc thiểu số, danh tộc “Khmer”, thuộc nhóm
chủng tộc “Môn - Khmer”, cùng nhóm chủng tộc với người Campuchia; Hai là, xét
trong cộng đồng miền của người Việt Nam, họ là người Nam Bộ” [66, 9].
1.2.2. Đặc điểm cư trú, sản xuất và xã hội

Địa bàn cư trú của đồng bào Khmer thường là vùng có điều kiện sinh thái khắc
nghiệt, vùng nông thôn nghèo và chậm phát triển. Trên những địa bàn cư trú của
người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long dọc theo miền duyên hải ở hai tỉnh Sóc
Trăng, Trà Vinh và trên tuyến đường biển, vùng cận biên giới thuộc các tỉnh biên giới
phía tây nam, vốn là những khu căn cứ địa cách mạng của Đảng ta trong hai cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
21


Theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử biết được, từ 200 – 300 năm trước Công
nguyên, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long đã sống tập trung thành phum,
không còn du canh du cư. Họ đã có tiếng nói, sống trong những ngôi nhà nhỏ, lợp
bằng lá dừa nước, dùng búa để đốn gỗ, dùng đá mài cọ lửa, dùng hũ đựng lúa, dùng
chậu đựng nước và rượu.
Phum, sóc là những đơn vị cư trú trong tổ chức xã hội cổ truyền của đồng bào
dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt nhà nước, xã, ấp là những
đơn vị quản lý hành chính ở cơ sở, còn phum, sóc là những đơn vị xã hội cổ truyền,
ràng buộc nhau bởi các phong tục, lễ nghi mà ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn
hóa.
“Trong đời sống của các dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, phum
là đơn vị cư trú, bao gồm một số gia đình Khmer sống quây quần trong một khoảnh
đất nhất định, trên những dải đất cao (được gọi là những “giồng đất, giồng cát”).
Phum có từ thời Vương quốc Phù Nam còn lưu truyền cho đến bây giờ. Khi lập
phum, người dân thường chọn nơi đất tốt, cao ráo. Xung quanh phum thường trồng
tre gai (loài tre có gai) bao quanh thay cho việc làm tường bao để bảo vệ các gia đình

trong phum. Phum rộng còn dành một ít đất phía sau để cho mỗi hộ có thể trồng trọt
như rau, đậu… Ở Campuchia không có dạng phum như vậy, người ta cất nhà ở rải rác
khắp nơi. Nếu nơi nào có dạng phum như trên, chắc chắn là do người Khmer gốc
đồng bằng sông Cửu Long lên làm ăn sinh sống lập ra và dù cho ở đến bao nhiêu đời
thì họ vẫn giữ nề nếp tổ chức phum như thế” [80, 22]. “Việc quản lý phum do một
người lớn tuổi có uy tín trong đồng bào đảm nhận, bất kể là đàn ông hay đàn bà và
thường được gọi là “Mê Phum”. “Mê Phum” có trách nhiệm chăm lo công việc nội
bộ của phum và quan hệ với bên ngoài phum” [29, 20]. Quan hệ huyết thống và quan
hệ láng giềng là hai mối quan hệ cơ bản trong phum của người Khmer vùng đồng
bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, sóc của đồng bào Khmer cũng là một đơn vị cư trú, lớn hơn phum,
tương tự như các làng của người Việt. Các sóc thường trải dọc theo các giồng đất, có
khi mỗi giồng đất là một sóc, hoặc hai, ba sóc cùng nằm trên một giồng đất. Mỗi sóc
22


gồm nhiều phum với hơn hàng trăm nóc nhà và ít nhiều xen kẽ với gia đình người
Việt hay người Hoa. Và thông thường, mỗi sóc có một ngôi chùa hoặc những sóc lớn
có thể có hai ngôi chùa. Ngôi chùa là bộ mặt của phum, sóc nên được xây dựng rất
công phu, khang trang và thoáng mát. Việc quản lý sóc được giao cho ban quản trị
sóc, mà người đứng đầu được gọi là “Mê Sóc”.
Kể từ khi bước vào những năm đầu của thế kỉ XXI và cho đến hiện nay, cơ cấu
tổ chức quản lý hành chính của Nhà nước đã thay thế hệ thống quản lý xã hội cổ
truyền vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, nên các “Mê Sóc” và ban quản trị
sóc đã dần dần giảm đi, thậm chí mất hết vai trò hoặc trở thành những cán bộ của xã,
ấp vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thiết chế xã hội cổ truyền
vẫn chi phối cuộc sống hàng ngày của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long,
ngoài việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân bình thường, còn phải
thực hiện theo đúng các lễ nghi, phong tục, tập quán của dân tộc ở trong từng phum,
sóc.

Về căn bản, sinh hoạt sinh tế của người Khmer sống chủ yếu là sản xuất nông
nghiệp. “Cùng với nghề làm ruộng rẫy trên những giồng đất cao mà từ lâu họ đã chọn
làm địa bàn cư trú, người Khmer còn biết khai thác những vùng trũng bao quanh để
trồng lúa nước từ rất sớm. Ngoài việc trồng lúa, trồng rẫy, người Khmer còn trồng
cây ăn trái như: dừa, chuối, …; nuôi thêm gia súc như: trâu, bò, ngựa để kéo cày, kéo
xe. Nếu ở gần sông rạch, người Khmer lợi dụng thủy triều lên mà đưa nước vào
ruộng, rồi đắp đập nhỏ giữ nước để rửa phèn cho ruộng. Đến kỳ hạn, khi sắp lên dòng
thì phá đập ra, xổ phèn, lại nhân thủy triều lên mà đặp lại một lần nữa để chứa nước
sông ăm ắp phù sa. Ở xa sông rạch, người Khmer đắp bờ thành ô để giữ nước mưa,
khi cần thì tát nước vào ô bằng gầu dai, gầu sông. Khi người Việt mới từ miền Trung
đặt chân đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, họ chưa có sẵn trong tay những biện
pháp thủy lợi kể trên, đặc biệt là ý thức lợi dụng thủy triều để rửa phèn và đưa nước
vào ruộng. Đây là phát minh độc đáo của người Khmer xưa dựa trên cơ sở những
điều kiện địa lý cụ thể của đồng bằng sông Cửu Long. Người Khmer sống ven sông
hay ven biển còn làm nghề đánh cá, bắt tôm, gần rừng thì đốn củi, đốt than; một số
23


×