BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THANH TIẾN
HỘI KÍN Ở NAM KỲ
CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2005
MỤC LỤC
MỤC LỤC ......................................................................................................................... 3
DẪN LUẬN ....................................................................................................................... 5
1. Lí do chọn đề tài ................................................................................................................... 5
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề: ................................................................................................. 6
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..................................................................................... 10
4.Phương pháp nghiên cứu ................................................................................................... 12
5.Bố cục luận văn................................................................................................................... 12
CHƯƠNG 1: HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA CÁC HỘI KÍN Ở NAM KỲ ................ 13
1.1.Phong trào dân tộc ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ...................................... 13
1.1.1.Các phong trào đấu tranh vũ trang ............................................................................ 13
1.1.1.1.Khởi nghĩa Trương Định .................................................................................... 13
1.1.1.2.Khởi nghĩa Võ Duy Dương ................................................................................ 14
1.1.1.3.Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ......................................................................... 14
1.1.1.4.Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân .......................................................................... 15
1.1.2.Phong trào đấu tranh của các giáo phái yêu nước ..................................................... 16
1.1.2.1.Bửu Sơn Kỳ Hương và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa ............................................ 16
1.1.2.2.Hoạt động chông Pháp của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa ................................. 17
1.1.3.Phong trào Minh tân đầu thế kỷ XX .......................................................................... 18
1.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ....................... 20
1.2.1.Sơ lược về lịch sử hội kín Thiên Địa hội ở Trung Quốc (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ
XIX) .................................................................................................................................... 20
1.2.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập các hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ. ............ 23
CHƯƠNG 2: HỘI KÍN Ở NAM KỲ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX ....... 27
3
2.1.Sự hình thành các hội kín của người Việt ...................................................................... 27
2.2.Thành phần tham gia, nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động ..................................... 33
2.2.1.Thành phần tham gia ................................................................................................. 33
2.2.2.Nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động ..................................................................... 37
2.3.Hoạt động chống Pháp của các hội kín .......................................................................... 44
CHƯƠNG 3: HỘI KÍN PHAN XÍCH LONG - MỘT ĐIỂN HÌNH CỦA HỘI KÍN
CHỐNG PHÁP Ở NAM KỲ.......................................................................................... 49
3.1.Sự ra đời và hoạt động của hội kín Phan Xích Long..................................................... 49
3.2.Cuộc khởi nghĩa năm 1913 ............................................................................................. 55
3.3.Các cuộc khởi nghĩa năm 1916 ....................................................................................... 63
KẾT LUẬN ..................................................................................................................... 71
CHÚ THÍCH ................................................................................................................... 77
PHỤ LỤC ........................................................................................................................ 80
PHỤ LỤC 2 ..................................................................................................................... 82
PHỤ LỤC 3 ..................................................................................................................... 83
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 88
TIẾNG VIỆT .......................................................................................................................... 88
TIẾNG ANH ........................................................................................................................... 89
TIẾNG PHÁP ........................................................................................................................ 89
TÀI LIỆU LƯU TRỮ - TRƯNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II - TP. HỒ CHÍ MINH. . 90
4
DẪN LUẬN
1. Lí do chọn đề tài
Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ là một nội dung cơ bản
trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nó phản ánh cuộc chiến đấu ngoan cường và đầy gian khổ của
nhân dân ta với một kẻ thù hùng mạnh đến từ phương Tây. Ngay từ khi Pháp nổ súng xâm
lược, phong trào đã bùng lên mạnh mẽ và kéo dài cho đến ngày đất nước giành lại nền độc lập,
tự chủ.
Trong lịch sử mấy mươi năm chống Pháp, cuộc đấu tranh của dân tộc ta đã trải qua nhiều
hình thức khác nhau. Bên cạnh đâu tranh vũ trang, phong trào yêu nước còn diễn ra dưới hình
thức tôn giáo, vận động duy tân, thành lập các hội kín, các đảng phái... Tuy hình thức không
giống nhau song mục đích cuối cùng của mọi phong trào đều nhằm đánh đuổi kẻ ngoại xâm,
giành lại độc lập cho dân tộc.
Nam Kỳ, vùng đất non trẻ của nước ta, là nơi sớm phất lên ngọn cờ chống Pháp xâm lược.
Tháng 2-1859, khi tàu chiến Pháp tấn công Gia Định, nhân dân ở đây đã sát cánh cùng với
quân triều đình trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành trì, thôn xóm. Sau đó, bất chấp việc triều
đình thỏa hiệp và cắt đất cho giặc, phong trào đấu tranh của nhân dân Lục tỉnh vẫn tiếp diễn.
Các cuộc đấu tranh ấy tập trung dưới sự lãnh đạo của những người anh hùng như Trương Định,
Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân... Tinh thần dũng cảm, quen mình vì
nước của những người "dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ" đã khiến cho giặc phải
lắm phen khốn đốn. Tuy nhiên, với ưu thế về vũ khí, lực lượng... quân Pháp đã lần lượt đàn áp
các cuộc khởi nghĩa. Nhiều vị thủ lĩnh bị chúng sát hại. Phong trào yêu nước tạm lắng xuống
một thời gian và dần dần chuyển sang những hình thức đấu tranh mới. Một trong những hình
thức đó là sự xuất hiện của các hội kín Thiên Địa hội vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XIX, khi phong trào cần vương diễn ra ở miền Bắc và Trung
thì ở Nam Kỳ, các hội kín cũng đã xuất hiện. Lúc đầu các hội kín Thiên Địa hội đều là của
người Hoa. Dần dần, một số người Việt cũng tham gia vào tổ chức này. Không những thế, họ
còn tiến đến thành lập các hội riêng - mô phỏng theo các Thiên Địa hội của người Hoa - để
5
hoạt động chống Pháp. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX, các hội kín của người dân Nam Kỳ
chưa xuất hiện nhiều và chưa có hoạt động gì nổi bật.
Bước sang đầu thế kỷ XX, các hội kín ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ và mang nội dung
dân tộc rõ rệt. Có thể nói, phong trào hội kín là sự tiếp nối tinh thần chống Pháp của nhân dân
Lục tỉnh hồi nửa sau thế kỷ XIX. Song, nó mang một hình thức hoàn toàn khác so với trước.
Trong hơn thập niên đầu thế kỷ XX, các hội kín đã đóng một vai trò nhất định trong phong trào
dân tộc ở nước ta.
Như vậy, khi nghiên cứu về lịch sử kháng Pháp của dân tộc ta, phong trào hội kín ở Nam
Kỳ là một vấn đề đáng được đi sâu tìm hiểu. Tại sao các hội kín xuất hiện chủ yếu ở Nam Kỳ,
nó có nguồn gốc từ đâu, tổ chức và hoạt động như thế nào, tư tưởng chủ đạo là gì, hoạt động
chống Pháp của các hội kín đưa đến kết quả ra sao... Việc giải quyết những vấn đề này sẽ góp
phần làm sáng tỏ thêm phần lịch sử kháng Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Đồng thời, nghiên cứu
hội kín Nam Kỳ giúp tôi thấy được sự chuyển biến của phong trào yêu nước qua từng giai đoạn
khác nhau, thấy được sự phong phú của các hình thức đấu tranh chống ngoại xâm. Đây chính là
ý nghĩa khoa học của đề tài.
Cùng với việc giải quyết các vấn đề khoa học của đề tài, tôi cũng lưu ý đến khía cạnh
thực tiễn. Hiện nay, lịch sử vùng đất Nam Bộ còn khá nhiều "mảng trống" chưa được các nhà
nghiến cứu đề cập đến. Với đề tài "Hội kín ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX", tôi
mong muốn góp sức vào việc bổ khuyết phần nào những mảng còn trống đó. Đồng thời, tôi hy
vọng mình nhận thức rõ hơn về các hoạt động chống Pháp của nhân ta. Điều này sẽ có ý nghĩa
thiết thực đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam cận đại trong nhà trường.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Phong trào hội kín ở Nam Kỳ là một vấn đề đáng được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên,
cho đến nay, các sách chuyến khảo về vấn đề này rất ít.
Trong số các tác phẩm viết về phong trào hội kín, trước tiên phải kể đến cuốn Les
Sociétés Secrètes en terre d'An Nam của G.Coulet - tiến sĩ Văn khoa người Pháp (Sài Gòn,
1926). Như tên gọi của nó, cuốn sách của Coulet là công trình biến khảo về các hội kín ở Việt
Nam nửa sau thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX. Cần nói thêm rằng, danh từ hội
6
kín (dịch từ chữ Pháp Sociétés Secrètes = các hội bí mật) của Coulet dùng để chỉ tất cả các tổ
chức chống Pháp hoạt động bí mật. Do vậy trong tác phẩm của mình, Coulet không chỉ khảo
cứu về các hội kín theo kiểu Thiên Địa hội ở Nam Kỳ mà còn đề cập đến nhiều tổ chức bí mật
khác. Riêng về phong trào hội kín ở Nam Kỳ, Coulet đã tỏ ra rất công phu trong việc biên soạn.
Ông cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý về cách tổ chức, lề lối hoạt động, thành phần
tham gia... của các hội kín trên vùng đất này. Các tác giả về sau như Sơn Nam, Nguyễn Văn
Kiệm... khi nghiên cứu về hội kín ở Nam Kỳ đều trích dẫn tác phẩm của Coulet. Có thể nói,
đây là nguồn tư liệu có giá trị tham khảo cao, rất có ích đối với người nghiên cứu. Tuy nhiên,
bên cạnh những ưu điểm vừa nêu, tài liệu của Coulet cũng có một số hạn chế. Xuất phát từ
cách nhìn của một học giả thực dân, Coulet đã quy cho các cuộc khởi nghĩa chống Pháp là các
"hoạt động nổi loạn". Mặt khác, dường như Coulet quá nhấn mạnh yếu tố tôn giáo, thần bí
trong các hội kín. Do đó, ông chưa đánh giá đúng mức khía cạnh dân tộc của phong trào.
Sau Coulet, nhà văn Sơn Nam là người thứ hai dụng công tìm hiểu về phong trào hội kín
ở Nam Kỳ. Bài biên khảo của ông được in trong tập sách Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa
hội và cuộc Minh tân (Nxb Phù Sa, 1971; Nxb Trẻ tái bản năm 2003). Dựa vào các nguồn tư
liệu như Thian Ti Hiuoi, Association de Hung en Société du Ciel et de la Terre (tác giả Gustave
Schlegel, in ở Nam Dương năm 1866); Les Sociétés Secrètes en terre d'An Nam (G.Coulet - đã
dẫn ở trên)... Sơn Nam đã dựng lại lịch sử Thiên Địa hội Trung Hoa và phong trào Thiên Địa
hội ở Nam Kỳ Lục tỉnh. Ở phần lịch sử Thiên Địa hội, đáng chú ý hơn cả là những ghi chép
của tác giả về luật lệ, nghi thức, lời thề... của các Thiên Địa hội do người Hoa sáng lập. Qua
những tư liệu này, chúng ta có cơ sở để xét xem các hội kín của người Việt trên đất Nam kì đã
mô phỏng theo Thiên Địa hội Trung Hoa ở mức độ nào.
về phong trào Thiên Địa hội ở Nam Kỳ, Sơn Nam chủ yếu nêu ra một số hoạt động của
các hội kín, cả Việt lẫn Hoa. Các đoạn ghi chép của ông đều căn cứ trên nguồn tư liệu của
Coulet và một số tác giả khác như Việt Cúc, Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Liên Phong... Ngoài
ra, ông còn đề cập đến một số nhân vật lãnh đạo các hội kín và những hành động đàn áp của
chính quyền thực dân. Qua bài biên khảo của mình, Sơn Nam đã nêu lên một số vấn đề cần tìm
hiểu thêm như: làm sao phân biệt Thiên Địa hội với các tổ chức đượm màu sắc tôn giáo khác?
Phải chăng hai giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là biến thể của Thiên Địa
hội? ở phần cuối, ông có đưa ra một vài nhận xét về phong trào hội kín ở Nam Kỳ.
7
Có thể nói, bài viết của Sơn Nam đã giúp những người không tiếp cận được với các sách
tiếng Pháp có những hiểu biết nhất định về phong trào hội kín. Bên cạnh đó, những ý kiến nhận
xét và cách đặt vấn đề của ông cũng đáng để người đọc tham khảo. Tuy nhiên, đây chưa phải là
một công trình nghiên cứu đầy đủ về các hội kín ở Nam Kỳ. Sơn Nam chủ yếu "thuật" lại các
sự kiện bằng cách trích dẫn các nguồn tư liệu. Tác giả chưa trình bày vấn đề một cách có hệ
thống; chưa đặt nó trong bối cảnh của phong trào dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế
kỷ XX. Các vấn đề về tư tưởng, thành phần tham gia, tính chất của phong trào hội kín... cũng
chưa được tác giả làm rõ.
Tác giả thứ ba nghiên cứu về phong trào hội kín là cố PGS Nguyễn Văn Kiệm. Ông là
người chuyên nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam cận đại. Bài "Phong trào chống
Pháp của các hội kín ở Nam Kỳ" của ông đã được xuất bản trong sách Lịch Sử Việt Nam (đầu
thế kỷ XX đến 1918) Nxb Giáo dục, HN, 1972, quyển 3 - tập 2 và được in lại trong các sách
Lịch Sử Việt Nam 1897 -1918 (Nxb KHXH, HN, 1999); Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch
sử cận đại Việt Nam (tác giả Nguyễn Văn Kiệm, Nxb Văn hóa - Thông tin, HN, 2003).
Khác với Sơn Nam, PGS Nguyễn Văn Kiệm hầu như chỉ dẫn theo tài liệu của G.Coulet
khi viết về hội kín ở Nam Kỳ. Bài viết được ông trình bày theo một bố cục rõ ràng: nguồn gốc
và quá trình phát triển, thành phần tham gia, tư tưởng chủ đạo, hệ thống tổ chức và hoạt động
chống Pháp của các hội kín. Trong bài viết, PGS Nguyễn Văn Kiệm cho rằng chính sự cùng
khổ của người nông dân Nam Kỳ dưới ách bóc lột của thực dân Pháp và tình trạng thiếu vắng
lãnh đạo ở đây đã khiến cho nhiều hội kín ra đời. Cần lưu ý, các hội kín mà PGS Nguyễn Văn
Kiệm quan tâm tìm hiểu là do người Việt lập nên nhằm mục đích chống Pháp. Ông không đề
cập đến các Thiên Địa hội của người Hoa.
Xuất phát từ nội dung dân tộc của các hội kín ở Nam Kỳ, PGS Nguyễn Văn Kiệm khẳng
định tư tưởng chủ đạo của những người tham gia là tư tưởng yêu nước. Tư tưởng yêu nước ấy
chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của ý thức hệ phong kiến và mang nhiều yếu tố dị đoan, thần bí.
Về thành phần tham gia, dựa theo thông kê của G.Coulet, PGS Nguyễn Văn Kiệm khẳng
định nông dân là thành phần đông đảo nhất trong các hội kín. Kế đến là những người vô nghề
nghiệp (người nông dân bị bần cùng hóa phải bỏ nông thôn đi lưu tán). Ngoài ra, tham gia các
8
hội kín còn có dân nghèo thành thị, những người làm nghề phương thuật như thầy phù thủy,
thầy bói...
Với thành phần và tư tưởng như vậy, PGS Nguyễn Văn Kiệm cho rằng các hội kín Nam
Kỳ "là những tổ chức yếu nước và tương tế của nông dân". Trong đó, yêu nước là tính chất nổi
bật. Còn tính chất tương tế, nó chỉ đóng vai trò thứ yếu, phụ thuộc vào nội dung dân tộc.
Nhìn chung, bài viết của PGS Nguyễn Văn Kiệm đã trình bày những nội dung chủ yếu
nhất về phong trào hội kín (nguồn gốc xuất hiện, thành phần tham gia, tư tưởng, các hoạt động
yếu nước...). Ông cũng nêu lên một số nhận xét, đánh giá khá xác đáng về phong trào. Điều đó
giúp cho người đọc nắm được những kiến thức căn bản về một hình thức chống Pháp ở Nam
Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tuy có những ưu điểm như vậy, nhưng bài viết của PGS Nguyễn Văn Kiệm vẫn chưa
thực sự là một công trình nghiên cứu có chiều sâu về hội kín Nam Kỳ. Người đọc chưa thấy có
sự phân tích, đối chiếu giữa các nguồn tư liệu, chưa thấy sự luận giải, so sánh giữa các quan
điểm khác nhau. Một số vấn đề như: các hội kín Nam Kỳ phải chăng là sự biến tướng từ Thiên
Địa hội của người Hoa, nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của phong trào hội kín, các hội kín có
thu hút được đại bộ phận nông dân Nam Kỳ tham gia hay không... cần được tìm hiểu thêm.
Một tác giả nữa quan tâm đến phong trào hội kín là GS Trần Văn Giàu. Trong tập một của
bộ sách ba tập Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, ông
đã dành một số trang đề cập đến vấn đề này. Theo GS Trần Văn Giàu, "... ở Việt Nam không
có Thiên Địa hội gốc Trung Quốc. Hội kín Nam Kỳ là một sản phẩm Việt Nam". Như vậy, khi
xem xét về nguồn gốc của hội kín, quan điểm của GS Trần Văn Giàu có phần khác với Sơn
Nam và PGS Nguyễn Văn Kiệm. Ở phần tư liệu, GS Trần Văn Giàu đã trích dẫn từ các sách:
Hội kín ở Trung Quốc và ở xứ An Nam của Dusson, La cité annamite của Briffaut, Les Sociétés
Secretès en terre d’Annam của Coulet. Trên cơ sở đó, ông đưa ra những nhận định về mục
đích, tư tưởng, thực lực... của các hội kín. Cách nhìn nhận của ông đối với phong trào hội kín
nhìn chung là tích cực. Song, do vấn đề chỉ được đề cập trong một số trang ít ỏi, tác giả chưa
thể làm sáng tỏ tất cả các mặt. Riêng nhận định của tác giả về nguồn gốc của các hội kín người
Việt, người viết cho rằng chưa thỏa đáng, cần được tìm hiểu kĩ hơn.
9
Ngoài các tài liệu nêu trên, phong trào hội kín Nam Kỳ còn ít nhiều được đề cập trong
một số sách khác. Có thể kể ra đây các tác phẩm như: Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng sến),
Biên Hòa sử lược (Lương Văn Lựu), Gò Công cảnh cũ người xưa (Việt Cúc), Tân Châu xưa
(Nguyễn Văn Kiểm), Sài Gòn vang bóng (Phan Thứ Lang). Vương Hồng Sển chỉ nói về sự
kiện Phan Xích Long; Việt Cúc, Lương Văn Lựu, Nguyễn Văn Kiểm nhắc đến hội kín ở địa
phương mà họ gắn bó. Riêng Phan Thứ Lang, phần viết về hội kín của ông có bao quát hơn.
Ông đề cập đến hội kín của cả người Hoa lẫn người Việt. Ông nhận định Thiên Địa hội của
người Việt thực chất là "hội kín chống Pháp giành độc lập cho dân tộc".
Qua các sách vừa nêu, có thể thấy đó không phải là các tài liệu chuyên khảo về phong
trào hội kín. Các tác giả chỉ nói đến hội kín như là một sự kiện bên cạnh nhiều sự kiện khác mà
thôi. Mặc dù vậy, phần ghi chép của các tác giả cũng giúp cho người nghiên cứu bổ sung thêm
một ít tư liệu về các hội kín ở các địa phương.
Bên trên là các tài liệu liên quan đến phong trào hội kín ở Nam Kỳ. Có tài liệu khảo cứu
khá chi tiết, có tài liệu chỉ nói đến một cách sơ lược. Song, tất cả đều có ích đối với người
nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà các tác giả chưa nghiến cứu, lý giải một cách
sâu sắc. Ví dụ như mối liên hộ giữa Thiên Địa hội của người Hoa và hội kín của người Việt,
vai trò của các hội kín trong phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Hoạt động
chống Pháp bằng hình thức hội kín của người dân Nam Kỳ có thực sự đem lại những kết quả
đáng ghi nhận? Đây là những vấn đề mà người viết sẽ cố gắng làm rõ thêm khi tìm hiểu về
phong trào hội kín.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Khi nghiên cứu về một vấn đề lịch sử, việc xác định rõ đối tượng nghiên cứu và không
gian, thời gian xảy ra các sự kiện là điều cần thiết. Nó giúp người nghiến cứu đi đúng vào trọng
tâm vấn đề và tránh được sự lan man, dàn trải. Trong đề tài này, người viết xác định đối tượng
nghiên cứu là phong trào hội kín ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ở đây có một
câu hỏi đặt ra là: thế nào là "hội kín"?
Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Giáo dục, Trung tâm từ điển học Hà
Nội, 1994, trang 444) thì "Hội kín (là) tổ chức chính trị bí mật". Các tác giả mở ngoặc giải
thích thêm đây là "từ chính quyền thực dân Pháp trước kia dùng để gọi những tổ chức cách
10
mạng bí mật". Từ điển Từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân (Nxb TP. Hồ Chí Minh,
2000, trang 870) giải thích: "Hội kín là tổ chức bí mật của những người chống đối chính
quyền".
Nếu hiểu hội kín là "các tổ chức cách mạng bí mật" hoặc "các tổ chức bí mật của những
người chống đối chính quyền" thì các hội, đảng như Duy Tân hội của Phan Bội Châu, hội Phục
Việt (tiền thân của Tân Việt Cách mạng đảng),Việt Nam Quốc dân đảng, Đảng cộng sản Đông
Dương (thời kỳ chưa hoạt động công khai)... đều là những hình thức hội kín.
Thực ra, hội kín (Sociétés Secrètes) là danh từ mà người Pháp cũng như các học giả
phương Tây dùng để gọi tất cả các hội đảng bí mật. Đây có thể là các hội đảng yêu nước của
người Việt Nam hoạt động chống chính quyền thực dân (trong đó có các hội kín ở Nam Kỳ).
Cũng có thể đây là các tổ chức vừa mang tính chất tương tế, vừa mang tính chất chính trị của
người Hoa (các Thiên Địa hội). Thậm chí, danh từ "Sociétés Secrètes" còn được họ dùng để chỉ
các tổ chức tội phạm nguy hiểm...
Đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam, danh từ hội kín thường được dùng để chỉ các "hội"
chống Pháp của người dân Nam Kỳ, được tổ chức phỏng theo Thiên Địa hội của Hoa kiều.
Ngoài ra, "hội kín" cũng được dùng để gọi các Thiên Địa hội do người Hoa thành lập với mục
đích và tôn chỉ khác với người Việt. Còn các tổ chức cách mạng khác, hầu như không có nhà
nghiên cứu nào gọi là "hội kín" cả.
Trong đề tài của mình, tôi cũng quan niệm "hội kín" là các hội chống Pháp bí mật của
người dân Nam Kỳ. Các hội này được tổ chức theo kiểu Thiến Địa hội của người Hoa. Đồng
thời, tôi cũng dùng từ "hội kín" để gọi các Thiên Địa hội do người Hoa thành lập và không có
mục đích chống chính quyền thực dân.
Cần nói thêm rằng, "hội kín" chỉ là danh từ gọi chung nhiều hội khác nhau. Còn bản thân
mỗi hội đều có tên gọi riêng (ví dụ: hội Thiên Địa, hội Phục Hưng, Nghĩa Hòa đường...).
Với quan niệm như trên, phạm vi nghiên cứu của đề tài này là các hội kín theo kiểu Thiên
Địa hội, được lập ra với mục đích chống Pháp của người dân Nam Kỳ. Bên cạnh đó người viết
cũng đề cập ở một mức độ nhất định đến các Thiên Địa hội của người Hoa. Việc làm này nhằm
thấy rõ phần nào mối tương quan (nếu có) giữa các hội kín của người Hoa và người Việt.
11
Ngoài hai hình thức tổ chức bí mật vừa nêu, các hội, đảng khác đều không thuộc phạm vi
nghiên cứu của đề tài.
Về mặt thời gian, các sự kiện được nghiên cứu đều diễn ra khoảng cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX. Ở đây, việc xác định mốc thời gian mở đầu và kết thúc chỉ mang tính tương đối. Vì
tính chất bí mật nên các hội kín hầu như không để lại tài liệu gì. Do đó rất khó xác định chính
xác thời điểm xuất hiện của chúng. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để khẳng định rằng vào khoảng
cuối thế kỷ XIX, nhiều hội kín đã ra đời trên đất Nam Kỳ. Vì vậy, người viết chọn khoảng thời
gian này để mở đầu việc nghiên cứu. Về sự tan rã của các hội kín, cũng không xác định được
mốc thời gian cụ thể. Thế nhưng, có thể nhận thấy rằng sau cuộc khởi nghĩa đầu năm 1916, các
hội kín Nam Kỳ không có hoạt động gì đáng ghi nhận. Do vậy, người viết chọn mốc thời gian
này để kết thúc quá trình nghiên cứu của mình.
4.Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài "Hội kín Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX", tôi
chủ yếu sử dụng hai phương pháp chính của ngành học là phương pháp lịch sử và phương pháp
lôgic. Các sự kiện trong phong trào hội kín được tái hiện theo trình tự thời gian và gắn liền với
một không gian cụ thể. Đồng thời, các sự kiện ấy cũng được đặt trong bối cảnh chung của
phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Trên cơ sở đó, tôi rút ra những nét đặc trưng cũng như
bản chất của phong trào chống Pháp dưới hình thức hội kín trên đất Nam Kỳ.
Ngoài hai phương pháp nêu trên, tôi cũng ít nhiều sử dụng phương pháp so sánh lịch sử
trong quá trình nghiên cứu. Việc vận dụng phương pháp này nhằm tìm ra mối tương quan và
những dị biệt của phong trào hội kín với các phong trào yêu nước khác.
5.Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, chú thích và tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn gồm có 88 trang, chia thành ba chương:
Chương 1: Hoàn cảnh ra đời của các hội kín ở Nam Kỳ
Chương 2: Hội kín ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Chương 3: Hội kín Phan Xích Long - một điển hình của hội kín chống Pháp ở Nam Kỳ
12
CHƯƠNG 1: HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA CÁC HỘI KÍN Ở NAM KỲ
1.1.Phong trào dân tộc ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
1.1.1.Các phong trào đấu tranh vũ trang
Vùng đất Nam Kỳ là nơi sớm nổ ra phong trào kháng Pháp của nhân dân ta. Ngay từ
những ngày đầu thực dân Pháp nổ súng vào thành Gia Định (2-1859), người dân nơi đây đã
đứng lên phối hợp với quân triều đình đánh trả kẻ xâm lược. Sau khi quân triều đình thất bại và
vua tôi nhà Nguyễn kí hòa ước với giặc (05-06-1862), phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục dưới
sự lãnh đạo của các thủ lĩnh như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn
Hữu Huân... Tuy không giành được thắng lợi, nhưng các phong trào này đã gây cho giặc Pháp
không ít khó khăn, tổn thất. Đồng thời, nó thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh thân bất khuất của
nhân dân Lục tỉnh trước kẻ xâm lược.
1.1.1.1.Khởi nghĩa Trương Định
Trương Định xuất thân trong một gia đình võ quan, quế gốc ở Bình Sơn - Quảng Ngãi.
Thời Thiệu Trị (1841-1847), ông theo cha vào Nam, cư ngụ ở Gia Định. Sang thời Tự Đức, do
có công chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền nên Trương Định được triều đình phong làm phó
quản cơ (từ giữa 1861 ông được phong làm Quản cơ). Tháng 2-1859, khi quân Pháp từ Đà
Nang kéo vào đánh Gia Định, ông đã mang cơ binh đồn điền của mình đến phối hợp với quân
triều đình chống giặc. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (2-1861), Trương Định đem quân về
Tân Hòa (Gò Công). Tại đây, ông tích cực chiêu tập lực lượng và xây dựng căn cứ kháng
chiến.
Sau hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), triều đình Huế ra lệnh bãi binh và điều Trương
Định đi làm lãnh binh An Giang. Trước hai con đường phải lựa chọn: tuân lệnh triều đình hay
tiếp tục ở lại lãnh đạo phong trào kháng Pháp, ông đã lựa chọn con đường thứ hai. Thể theo
nguyện vọng của nhân dân và nghĩa quân, ông xưng là "Bình Tây đại nguyên soái". Dưới sự
chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân đã chiến đấu rất ngoan cường với kẻ thù. Các trận đánh ở
đồn Rạch Tra, đồn Phước Hòa, Thuộc Nhiêu... đã khiến cho giặc Pháp phải vất vả đối phó. Tuy
nhiên, xét về tương quan lực lượng, nghĩa quân vẫn yếu hơn so với kẻ thù. Vì vậy, trước các
13
đợt tấn công của giặc, nghĩa quân ngày càng gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Tháng 8-1864, trong
một trận vây quét của Pháp, Trương Định trúng đạn và hi sinh.
1.1.1.2.Khởi nghĩa Võ Duy Dương
Từ năm 1861, khi nghĩa quân Trương Định hoạt động mạnh ở Gò Công thì trên vùng Ba
Giồng, lực lượng của Võ Duy Dương cũng tích cực chiến đấu.
Võ Duy Dương quê ở An Nhơn (Bình Định), sinh năm 1827. Theo sử nhà Nguyễn,
khoảng tháng 5-1861, Võ Duy Dương (Chánh bát phẩm thiên hộ) cùng một số người khác được
phái vào Nam chiêu mộ nghĩa quân ở các tỉnh Long - Tường - An - Hà.
Năm 1861, ông lập căn cứ chống Pháp ở Bình Cách (nay thuộc Chợ Gạo - Tiền Giang).
Trong thời gian này, ông đã liên hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh nghĩa quân khác, đặc biệt là
Trương Định.
Từ năm 1864, Võ Duy Dương tập trung xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp
Mười. Sau cái chết của Trương Định (8-1864), Đồng Tháp Mười trở thành trung tâm kháng
chiến mới, thay thế căn cứ Gò Công. Bản thân Võ Duy Dương cũng trở thành người lãnh đạo
chủ yếu của phong trào kháng Pháp ở vùng Tiền Giang. Trong hơn hai năm (1864-1866) hoạt
động của nghĩa quân Võ Duy Dương ở vùng Đồng Tháp Mười đã khiến cho giặc Pháp phải lo
ngại. Vì vậy, chúng quyết định đánh một đòn mạnh để tiêu diệt trung tâm kháng chiến này.
Ngày 14-4-1866, quân giặc gồm khoảng 1.000 tên, có tàu chiến và đại bác yểm trợ, đồng
loạt tấn công Đồng Tháp Mười từ ba hướng. Sau những trận đấu ác liệt, đến ngày 18-4-1866,
Võ Duy Dương và nghĩa quân của ông đành để Đồng Tháp Mười lọt vào tay Pháp. Cuộc khởi
nghĩa thất bại. Tháng 10-1866, Võ Duy Dương lâm nạn và qua đời.
1.1.1.3.Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực (còn có tên là Nguyễn Văn Lịch) vốn là một ngư dân ở Tân An (Định
Tường). Ngay buổi đầu của phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ, ông đã đứng lên ứng nghĩa và
lập được nhiều chiến công. Trong đó, vang dội nhất là trận tấn công và đốt tàu Esperance của
Pháp trên sông Nhật Tảo, diễn ra vào ngày 10-12-1861. Đây là một chiến công lớn, làm nức
lòng người dân Lục tỉnh. Sau trận này, Nguyễn Trung Trực về Huế nhận chức Quản cơ do triều
đình phong tặng. Nhận chức xong, ông được cử về trấn thủ ở Hà Tiên. Khi Pháp chiếm ba tỉnh
14
Miền Tây (1867) Nguyễn Trung Trực vẫn ở lại Hà Tiên, lập căn cứ Hòn Chông để tiếp tục
kháng chiến.
Ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân tấn công đồn Rạch Giá, gây
thiệt hại nặng cho giặc Pháp. Sau đó, khi Pháp kéo quân từ Vĩnh Long xuống chi viện cho Rạch
Giá, ông phải rút lực lượng ra Hòn Chông rồi rút ra Phú Quốc. Tháng 9-1868, Pháp kéo quân ra
Phú Quốc truy lùng nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân cố gắng kháng cự nhưng
vô hiệu. Cuối cùng, Nguyễn Trung Trực sa vào tay giặc. Chúng đưa ông về Sài Gòn để hỏi
cung. Ngày 27-10-1868, chúng đưa ông về xử tử tại Rạch Giá.
1.1.1.4.Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân
Cũng như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực... Nguyễn Hữu Huân là một
tên tuổi lớn trong phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX. Ông quê ở phủ Kiến
An, tỉnh Định Tường (nay thuộc Chợ Gạo - Tiền Giang). Năm 1852, ông đỗ đầu khoa thi
Hương tại Gia Định và ra làm quan cho nhà Nguyễn, về sau, ông được bổ chức giáo thụ phủ
Kiến An. Năm 1859, khi Pháp tấn công Gia Định, Nguyễn Hữu Huân đã mộ nghĩa dũng tham
gia chiến đấu bên cạnh quân đội triều đình. Sau hòa ước 1862, ông vẫn tiếp tục hoạt động
chống Pháp bên cạnh các thủ lĩnh Trương Định, Võ Duy Dương...
Tháng 7-1864, khi đang chiêu mộ lực lượng tại ba tỉnh Miền Tây, Nguyễn Hữu Huân bị
quan tỉnh An Giang bắt nộp cho Pháp. Ông bị giặc đày đi Cayenne (Nam Mỹ). Đến năm 1869,
ông được thả về nhưng phải chịu sự quản thúc của tên Việt gian Đỗ Hữu Phương. Mãi đến năm
1872, Nguyễn Hữu Huân mới trốn thoát và trở về vùng Mỹ Tho, Tân An. Tại đây, ông cùng Âu
Dương Lân và một số nhân sĩ Minh Hương tiếp tục khởi binh chống Pháp. Phong trào do ông
lãnh đạo lan ra khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn và được nhiều người hưởng ứng.
Tuy nhiên, tình hình lúc này rất bất lợi cho hoạt động của nghĩa quân (Lục tỉnh đã nằm
gọn trong tay Pháp, các phong trào kháng chiến lần lượt bị đàn áp...). Thêm vào đó, nghĩa quân
thiếu thốn khí giới, đạn dược... nên ngày càng suy yếu. Vì vậy, cuối năm 1874, khi Pháp tấn
công vào Bình Cách, nghĩa quân đã tan vỡ nhanh chóng. Sang năm 1875, thủ lĩnh Nguyễn Hữu
Huân bị giặc bắt và xử tử tại Mỹ Tho (19-5-1875). Cuộc khởi nghĩa thất bại hoàn toàn.
15
Mặc dù các phong trào vũ trang đều thất bại, nhưng không vì thế mà ngọn lửa đấu tranh
của nhân dân lụi tắt. Nó vẫn tiếp diễn dưới một hình thức khác, một hình thức mang đậm màu
sắc tôn giáo, thần bí. Lãnh đạo cuộc đấu tranh này là những nhà yêu nước thuộc các giáo phái
ra đời ở Nam Kỳ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa...
1.1.2.Phong trào đấu tranh của các giáo phái yêu nước
1.1.2.1.Bửu Sơn Kỳ Hương và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa
Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời ở Nam Kỳ vào giữa thế kỷ XIX. Người sáng lập và
truyền đạo là ông Đoàn Văn Huyên (1807-1856), quê ở làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng,
Sa Đéc, Đồng Tháp. Năm 1849, Đoàn Văn Huyên đến làng Kiến Thạnh (miền Thất Sơn - An
Giang) giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành. Ông đã chữa bệnh cho người dân nơi đây bằng
pháp thuật và bùa chú [5, tr 47]. Đồng thời, ông bắt đầu khai mở một tôn giáo mới - một tôn
giáo mang những yếu tố Phật, Nho, Đạo kết hợp với việc dùng phương thuật. Đoàn Văn Huyên
gọi đạo của ông là Bửu Sơn Kỳ Hương. Nguyên lý căn bản của Bửu Sơn Kỳ Hương là Tu thân
học Phật và thực hiện đền đáp Tứ đại trọng ân gồm ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo
(Phật, Pháp, Tăng), ân đồng bào nhân loại [5, tr 52-53].
Chỉ sau một thời gian ngắn truyền đạo, Đoàn Văn Huyên đã thu được một số lượng tín đồ
khá lớn. Ông được các tín đồ tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An. Những người nhập đạo đều
được đức Phật Thầy phát cho một Lòng phái bằng giấy màu vàng trên có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ
Hương in bằng dấu triện son [5, tr 54].
Trong quá trình hành đạo, ngoài việc dạy cho tín đồ tu học và chữa bệnh cho mọi người,
Phật Thầy còn chú ý đến việc khẩn hoang. Sau khi Phật Thầy Tây An mất, các đệ tử đã tiếp nối
sự nghiệp truyền đạo cứu đời của ông. Không những thế, họ còn đứng lên gánh vác nhiệm vụ
đánh Pháp, giải phóng dân tộc. Hành động này hoàn toàn phù hợp với một trong những nguyên
lý căn bản của Bửu Sơn Kỳ Hương, đó là bổn phận đền đáp "ân đất nước". Đồng thời nó thể
hiện tinh thần yêu nước của các tín đồ trong giáo phái. Phong trào chống Pháp của Bửu Sơn Kỳ
Hương vào nửa cuối thế kỷ XIX được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Lãnh đạo của
cuộc khởi nghĩa này là Trần Văn Thành, một đệ tử thân tín của Phật Thầy Tây An. Trần Văn
Thành quê ở làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay
thuộc Châu Phú - An Giang). Dưới triều Thiệu Trị và Tự Đức, Ông đã từng giữ chức Chánh
16
quản cơ. Năm 1867, ông tổ chức lực lượng để khởi nghĩa chống Pháp. Những hoạt động đầu
tiên của nghĩa quân Trần Văn Thành là phá hoại bộ máy thống trị của thực dân ở An Giang"
[12, tr 87]. Đầu năm 1868, ông cùng nghĩa quân rút sâu vào cánh đồng Láng Linh hoang vu,
xây dựng tại rừng Bảy Thưa một hệ thống đồn lũy, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí để sống
mái với quân thù. Đến năm 1872, Pháp phát hiện các hoạt động của nghĩa quân và chuẩn bị
đánh phá. Tháng 3-1873, Pháp đã mở một cuộc tấn công quy mô vào căn cứ Bảy Thưa. Trần
Văn Thành chỉ huy nghĩa binh kháng cự quyết liệt. Song, do hỏa lực của giặc quá mạnh, nghĩa
quân đành thúc thủ. Căn cứ Bảy Thưa bị Pháp phá tan, Trần Văn Thành mất tích.
Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, chính quyền thực dân ra nghị định
nghiêm cấm mọi người theo Đạo Lành (tức Bửu Sơn Kỳ Hương). Trước sự truy bức, khủng bố
của thực dân Pháp, tầm ảnh hưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương thu hẹp dần [5, tr 57-58].
Mặc dù vậy, phong trào kháng Pháp dưới hình thức tôn giáo vẫn tiếp diễn. Trong đó đáng
chú ý nhất là hoạt động của tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa -một giáo phái có nhiều nét tương
đồng với Bửu Sơn Kỳ Hương.
1.1.2.2.Hoạt động chông Pháp của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời vào khoảng năm 1867. Người lập đạo là Ngô Lợi (còn gọi là
Ngô Tự Lợi, Ngô Văn Lợi, ông Năm Thiếp). Ông sinh năm 1831 tại Kiến Hòa, Mỏ Cày, Bến
Tre và mất năm 1890 tại làng An Hòa (nay thuộc An Giang) [5, tr 58].
Tháng 05 năm 1867, Ngô Lợi chính thức truyền đạo và dạy nghi thức hành đạo cho dân
chúng. Cũng như Đức Phật Thầy Tây An trước kia, quá trình truyền đạo của Ngô Lợi gắn liền
với việc chữa bệnh cho mọi người bằng bùa chú. Ngoài ra, ông còn dẫn tín đồ đi khai hoang ở
núi Tượng (vùng Thất Sơn). Năm 1870, Ngô Lợi chính thức nhận danh hiệu Đức Bổn Sư và
thực hiện phát "Lòng phái" khi thu nhận tín đồ. Đạo của ông phát triển mạnh ở các tỉnh An
Giang, Kiên Giang, nhất là miền Thất Sơn (An Giang).
Cùng với việc truyền đạo, thu nhận tín đồ, Ngô Lợi còn tích cực chuẩn bị lực lượng để
chống Pháp. Năm 1878, Ngô Lợi đã tổ chức cuộc khởi nghĩa ở vùng Thuộc Nhiêu, Cai Lậy,
tỉnh Mỹ Tho. Hai người được ông phân công làm chánh, phó tướng trực tiếp chỉ huy cuộc khởi
nghĩa là Ong và Khả (không rõ họ). Theo ước đoán, lực lượng, khởi nghĩa lên đến sáu, bảy
17
trăm người... Vì kế hoạch sớm bại lộ, cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp đàn áp nhanh chóng.
Hai tướng Khả, Ong lần lượt bị bắt [5, tr 242]. Chính quyền thực dân ra lệnh truy nã Ngô Lợi.
Đồng thời chúng nhiều lần huy động lức lượng tấn công vào vùng núi Tượng - nơi được xem là
"thánh địa" của Tứ Ân Hiếu Nghĩa (trong khoảng thời gian 1881 -1888). Sự đàn áp của chính
quyền thực dân đã làm cho hoạt động của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa dần suy yếu. Sau cái
chết của Đức Bổn Sư Ngô Lợi (1890), phong trào kháng Pháp của giáo phái này xem như chấm
dứt.
Ngoài các phong trào đấu tranh mang màu sắc tôn giáo nêu trên, ở Nam Kỳ còn có các
cuộc khởi nghĩa của Lê Tấn Kế, Trần Bình ở Bà Động (Trà Vinh), Phan Công Hớn ở Hóc Môn
(Gia Định), các hoạt động chống Pháp dưới danh nghĩa cần Vương của Lê Công Chánh, Đào
Công Bửu...
Nhìn chung, các phong trào dân tộc ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đều thất bại. Cùng
lúc, ở miền Bắc và miền Trung, ngọn cờ cần vương cũng bị Pháp bẻ gãy. Điều đó cho thấy
đường lối cứu nước theo khuôn mẫu phong kiến không còn phù hợp nữa. Sự lạc hậu về chính
trị, kinh tế, quân sự của đất nước đã khiến cho cuộc đấu tranh giải phóng giải phóng dân tộc
lâm vào bế tắc. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đổi mới trên tất cả các mặt để đưa phong
trào yêu nước đi lên. Đầu thế kỷ XX, một số si phu tiến bộ đã nhận thức được tình hình này.
Họ đứng lên phát động phong trào duy tân trên khắp Bắc - Trung - Nam. Mục đích của phong
trào ngoài việc mở mang dân trí, chấn hưng thực nghiệp... còn nhằm vào việc hướng cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc đi theo tư tưởng mới - tư tưởng dân chủ tư sản.
1.1.3.Phong trào Minh tân đầu thế kỷ XX
Vào đầu thế kỷ XX, cũng như ở Bắc và Trung, phong trào duy tân ở Nam Kỳ đã diễn ra
khá sôi nổi. Phong trào ở đây gắn liền với vai trò của các nhân vật như Trần Chánh Chiếu
(Gilbert Chiếu), Nguyễn An Khương... Trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về Trần Chánh
Chiếu. Ông là người tích cực ủng hộ phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Đồng thời, ông
cũng là người đi đầu trong cuộc vận động duy tân ở miền Nam.
Trong quá trình vận động duy tân, Trần Chánh Chiếu đã kêu gọi mọi người hãy chú trọng
đến việc phát triển kỹ nghệ, mở mang thương mãi... Không dừng lại ở việc hô hào, cổ súy, ông
còn bắt tay vào hành động. Tháng 6 năm 1908, cùng với Nguyễn Thành Út, Trần Chánh Chiếu
18
đã thành lập Nam Kỳ Minh tân công nghệ xã. Đây là một công ty cổ phần, đặt trụ sở ở Mỹ
Tho. Công ty nêu rõ kế hoạch hoạt động là lập lò chỉ (máy kéo sợi bông vải), lò dệt, làm xà
phòng, thuộc da và làm đồ pha lê. Đồng thời, điều lệ của công ty cho biết sẽ dạy học sinh làm
nghề này. Ngoài Nam Kỳ Minh tân công nghệ, Trần Chánh Chiếu còn đứng ra quản lý Nam
trung khách sạn (tại Sài Gòn) và Minh tân khách sạn (tại Mỹ Tho).
Một nhân vật khác cũng có nhiều đóng góp cho phong trào Minh tân Nam Kỳ, đó là
Nguyễn An Khương. Ông đã lập ra Chiêu Nam lầu ở Sài Gòn, vừa làm tiệm bán cơm, vừa làm
khách sạn. Qua hành động này, ông kêu gọi đồng bào hãy mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh, đừng
để các nguồn lợi rơi hết vào tay Hoa kiêu và An kiểu.
Ngoài các hoạt động mở mang công thương nghiệp, những người khởi xướng phong trào
Minh tân cũng rất chú trọng đến lĩnh vực báo chí. Để cổ động cho phong trào, một tờ báo tiếng
Việt đã ra đời, lấy tên là Lục Tỉnh Tân Văn. Báo ra số đầu tiên vào ngày 14-11-1907, chủ bút là
Trần Chánh Chiếu (bút danh Trần Nhựt Thăng). Trong giai đoạn đầu (Ì 1-1907 đến 11-1908) tờ
báo công khai cổ súy cho hoạt động Minh tân.
Cũng như các cuộc đấu tranh hồi cuối thế kỷ XIX, phong trào Minh tân đã thể hiện rõ tinh
thần yêu nước của những người tham gia. Bản thân Trần Chánh Chiếu - yếu nhân của phong
trào - là người chủ trương "đánh đổ thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến" [14, tr
179]. Trụ sở của một số tổ chức công nghệ và thương mãi do những người khởi xướng cuộc
Minh tân lập ra là nơi hội họp với mục đích chính trị. Tờ Lục Tỉnh Tân Văn - cơ quan ngôn
luận của phong trào (từ số 1 đến số 50) thể hiện lập trường chống thực dân rõ rệt và cổ vũ
mạnh mẽ tinh thần dân tộc.
Tuy có mục tiếu hoạt động tích cực như vậy, nhưng phong trào Minh tân Nam Kỳ chỉ lôi
cuốn được tầng lớp trên của xã hội (địa chủ, thân hào, nhân sĩ...). Đối với giới nông dân và các
tầng lớp dân nghèo khác, phong trào chưa thu hút được họ. Do đó, phong trào thiếu đi sự ủng
hộ của một lực lượng xã hội đông đảo, có tinh thần chống Pháp cao.
Trong khi cuộc vận động Minh tân đang diễn ra sôi nổi thì tháng 10-1908, Gilbert Chiếu
bị chính quyền thực dân bắt. Sau sự kiện này, phong trào Minh tân ở Nam Kỳ lắng xuống dần
và không bao lâu thì kết thúc.
19
Ngoài các phong trào yêu nước nêu trên, người dân Nam Kỳ còn có một hình thức hoạt
động khác gây không ít khó khăn cho chính quyền thực dân: hoạt động của các hội kín. Đây là
các hội kín chống Pháp được tổ chức theo kiểu Thiên Địa hội của người Trung Hoa. Các hội
kín này bắt đầu hình thành trong những thập niên cuối thế kỷ XIX và hoạt động mạnh vào đầu
thế kỷ XX. So với phong trào Minh tân, phong trào hội kín Thiên Địa hội có sức hút mạnh mẽ
hơn đối với người nông dân.
1.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ
1.2.1.Sơ lược về lịch sử hội kín Thiên Địa hội ở Trung Quốc (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ
XIX)
Các bang hội bí mật ở Trung Quốc (các nhà nghiên cứu phương Tây thường gọi là Hội
kín - Secret Society) có một lịch sử lâu đời. Đây là tổ chức của những người có xu hướng
chống lại sự kiểm soát, ràng buộc của chính quyền phong kiến. Hoạt động của các tổ chức này
rất đa dạng, tùy thuộc mục đích, tôn chỉ mà những người thành lập đề ra. Đối với các bang hội
mang tính chất chính ưị, việc lật đổ chính quyền hiện tại luôn là mục tiêu hàng đầu. Ở một số
bang hội khác, hoạt động của họ chỉ nhằm chống lại tình trạng bất công trong xã hội. Những
bang hội này thường làm những việc nghĩa hiệp như trừng trị bọn quan lại, địa chủ tàn ác, giúp
đỡ dân nghèo cô thế... Bên cạnh đó, cũng có những bang hội chuyên cướp bóc và tranh giành
địa vị cao thấp trong chốn giang hồ.
So với các hội kín khác trên đất Trung Quốc, Thiên Địa hội ra đời muộn hơn rất nhiều.
Phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng tổ chức này được thành lập vào năm 1674 (năm
Khang Hy thứ 13 - nhà Thanh). Những người lập hội là các Tăng binh (militant Buddhist
monks) của Thiền viện Thiếu Lâm ở huyện Phổ Thiến, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến [25, tr
5](1).
Sự kiện này bắt nguồn từ việc triều đình nhà Thanh thẳng tay đàn áp các nhà sư ở Thiền
viện Thiếu Lâm. Trước đó, do có công giúp triều đình đánh giặc, các nhà sư đã được vua
Khang Hy ban thưởng một số bảo vật và một cái ấn. Với cái ấn này, xem như họ đã được vua
trao cho một quyền lực không nhỏ. Trong khi đó, tại triều đình, có hai viên quan đang nuôi âm
mưu phản loạn. Chúng tỏ ra ghen tức khi thấy các nhà sư được trao nhiều quyền hành và e ngại
trước khả năng chiến đấu của họ. Vì vậy, hai tên rắp tâm lập kế hãm hại. Chúng sàm tấu với
20
nhà vua rằng các nhà sư đang âm mưu tạo phản. Lời tâu của chúng khiến Khang Hy vô cùng lo
lắng. Nhà vua phái ngay một đạo quân - do hai tên quan này chỉ huy - đến tấn công Thiền viện
Thiếu Lâm.
Nhờ sự giúp đỡ của một nhà sư (người này bị đuổi khỏi chùa vì không giữ giới luật, đã
phản bội lại sư môn) quân triều đình đã bí mật tiếp cận ngôi chùa. Lợi dụng lúc trời tối, họ phát
động tấn công. Ngôi chùa bị phóng hỏa và chỉ trong một thời gian ngắn, nó chìm trong ngọn
lửa ngút trời. Chỉ có mười tám nhà sư thoát khỏi ngọn lửa. Trong số này, có mười ba người
chết sau khi chiến đấu ác liệt với quân triều đình, chỉ năm người sống sót.
Năm vị sư sống sót đã bôn tẩu qua các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc để tránh sự truy quét của
quân Mãn Thanh. Một thời gian sau, họ tình cờ gặp một người tên là Trần Kim Nam. Đây là
một viên quan của triều đình, bị biếm chức vì đã chỉ trích cuộc tấn công lật lọng vào Thiền viện
Thiếu Lâm. Sau khi rời khỏi quan trường, ông đã sống như một nhà ẩn dật và dụng tâm nghiên
cứu những khía cạnh khó hiểu của đạo giáo. Tuy nhiên, ông vẫn ấp ủ tư tưởng chống lại nhà
Thanh và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để nổi lên. Trần Kim Nam đã mời các nhà sư ở lại với ông
tại một ngôi miếu nhỏ tên là Hồng Hoa Đường. Từ đây, họ tích cực tập hợp lực lượng để chống
lại nhà Thanh. Trong số người đến tham gia, có một thanh niên xưng danh là Chu Hồng Chu,
cháu nội của vua Sùng Trinh (vua cuối cùng của nhà Minh). Sự xuất hiện của Hồng Chu làm
mọi người thêm hăng hái và muốn khởi sự ngay.
Ngày 25 tháng 7 năm 1674, Trần Kim Nam và năm nhà sư đã tập hợp mọi người để thành
lập một hội bí mật với tôn chỉ "Phản Thanh phục Minh". Tất cả các thành viên trong hội thề kết
làm anh em, sinh tử có nhau. Tổ chức của họ có tên gọi là Thiên Địa hội. Ngoài ra, nó còn có
một số tên gọi khác như: Hồng hội, Tam Hoàng hội, Tam Hợp hội...[25, tr 1](2).
Sau khi thành lập, Thiên Địa hội đã có một vài trận đụng độ với quân lính của triều đình
nhưng không thành công. Trước tình hình đó, Trần Kim Nam đã triệu tập một cuộc họp bí mật
của hội để bàn định kế hoạch hoạt động trong thời gian kế tiếp. Ông khuyên mọi người hãy
kiên nhẫn và chỉ ra rằng thời cơ lật đổ nhà Thanh chưa chín muồi. Công việc trước mắt là phải
mở rộng cơ sở của hội ra khắp Trung Quốc. Qua đó, hội sẽ thu nạp thêm những người có tư
tưởng "Phản Thanh phục Minh". Trước khi phân tán lực lượng đi khắp nơi, năm phân đàn của
21
Thiên Địa hội được thành lập. Mỗi phân đàn do một trong năm vị sư chùa Thiếu Lâm phụ trách
[25, tr 8] (3).
Mặc dù ra đời từ thời Khang Hy, nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XVIII, Thiên Địa hội
mới có những hoạt động gây được ảnh hưởng lớn. Vào năm 1787, người cầm đầu tổ chức
Thiên Địa hội ở Đài Loan là Lâm Sương Văn đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại nhà
Thanh. Cuộc nổi dậy đã bị nhà Thanh đàn áp. Lâm Sương Văn bị bắt đem về Bắc Kinh và bị
xử tử. Tuy không thành công nhưng hoạt động của Lâm Sương Văn có tiếng vang khá xa.
Sang thế kỷ XIX, Thiên Địa hội vẫn tiếp tục là một tổ chức chống đối mạnh mẽ chính
quyền Mãn Thanh. Đáng chú ý là, vào năm 1900, tổ chức Thiên Địa hội do Cheng Pi Ch'en (?)
lãnh đạo đã tham gia Hưng Trung hội của Tôn Trung Sơn. Trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm
1911 do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, Thiên Địa hội đã có đóng góp tích cực. Ngoài ra, tổ chức này
cũng hưởng ứng cuộc đấu tranh của quần chúng chống các nước đế quốc can thiệp vào nội tình
Trung Hoa.
Có thể nói, sự ra đời và phát triển của các hội kín Thiên Địa hội là một hiện tượng nổi bật
của xã hội Trung Quốc trong các thế kỷ XVII - XIX. Với khẩu hiệu "Phản Thanh phục Minh",
nó đã thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là dân nghèo. Tổ chức của
hội rất chặt chẽ. Các hội viên phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bí mật và kỷ luật mà người chỉ
huy đặt ra. Theo tài liệu do Schlelgel sưu tầm về hội kín Thiên Địa hội ở Indonesia thì tổ chức
này có 72 điều luật và 36 lời thề (4). Nội dung chủ yếu 72 điều luật và 36 lời thề bao gồm: các
hội viên phải trung thành với lý tưởng của hội; phải bảo vệ bí mật và không làm phương hại
đến hội; các thành viên phải bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau, không được lấn hiếp, hãm hại nhau;
không để cho quan quân xen vào chuyện của hội...
Ngoài các điều luật ra, hội kín Thiên Địa hội còn quy định một loạt các mật hiệu, tiếng
lóng mà các hội viên phải học thuộc. Mục đích của các quy định này là giúp cho các thành viên
nhận biết nhau và bảo vê bí mật của hội (5).
Về các nghi lễ thờ cúng, hội kín Thiên Địa hội chịu ảnh hưởng đậm nét từ Phật giáo, Đạo
giáo và các loại hình tín ngưỡng dân gian khác. Hội thường sử dụng bùa chú, phương thuật và
các lễ nghi mang tính thần bí trong quá trình hoạt động.
22
Bên cạnh các yếu tố Phật, Đạo, hội kín Thiên Địa hội còn mang ít nhiều tư tưởng Nho
giáo. Tư tưởng trung quân (trung thành với nhà Minh), hiếu nghĩa với cha mẹ, giữ chữ tín với
anh em... luôn được đề cao. về sau, khi biến tướng thành các tổ chức chuyên hoạt động phi
pháp, các hội kín đã từ bỏ hầu hết những lý tưởng tốt đẹp buổi ban đầu.
Trong quá trình phát triển, Thiên Địa hội đã dân mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi lãnh
thổ Trung Quốc. Vào các thế kỷ XVIII, XIX, tổ chức này đã theo chân lưu dân người Hoa du
nhập vào các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Philippin, Mã Lai... Trên vùng đất mới, khẩu
hiệu "Phản Thanh phục Minh" vẫn được Thiến Địa hội sử dụng nhưng bị mai một dần. Phần
lớn các hội chỉ hoạt động với mục đích tương tế. Thậm chí, có hội còn biến tướng thành các tổ
chức tội phạm và gây cho chính quyền sở tại mối lo ngại thường xuyên.
1.2.2.Lưu dân người Hoa và sự du nhập các hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ.
Việc người Hoa di cư và định cư ở Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Từ những năm đầu
công nguyên, cùng với chính sách mở rộng lãnh thổ xuống phía nam của phong kiến Trung
Quốc, người Hoa đã bắt đầu di cư sang Việt Nam. Quá trình này diễn ra trong suốt nhiều thế
kỷ, khi ít khi nhiều, tuy vào tình hình Trung Hoa biến động hay ổn định. Trong những đớt di cư
của người Hoa sang nước ta, đợt di cư vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX là đáng kể nhất.
Vào thế kỷ XVII, khi Trung Quốc bị người Mãn Thanh thống trị, một số đông dân chúng
và các cựu thần nhà Minh đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống. Nơi họ tìm đến nhiều
nhất là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cũng trong thời gian này, người Việt bắt
đầu đẩy mạnh các hoạt động khai phá vùng đất phương Nam (Nam Bộ ngày nay). Công cuộc
khai phá được chinh quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong khuyến khích và bảo trợ. Đối với
những lưu dân người Hoa, các Chúa Nguyễn cũng dung nạp và đưa họ vào mở mang vùng đất
mới. Sử nhà Nguyễn đã ghi lại trường hợp hai cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần
Thượng Xuyên đem theo 3.000 người đến thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần (năm 1679). Chúa
Nguyễn đã thu nhận và cho họ vào khai phá vùng đất tương ứng với Mỹ Tho và Biên Hoa ngày
nay.
Sang thế kỷ XVIII, khi công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ được đẩy mạnh, các nhóm
người Hoa cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trên vùng đất còn hoang vu, người Hoa đã góp sức
với người Việt bạt rừng vỡ đất, tạo lập xóm làng. Không chỉ vậy, họ còn bắt tay vào hoạt động
23
thương mãi và lập nên các phố chợ nổi tiếng một thời như Cù Lao Phố, Mỹ Tho đại phố... Do
điều kiện sống trên vùng đất mới khai phá tương đối thuận lợi, phần lớn di dân người Hoa đã
chọn nơi đây làm chốn định cư. Họ quần tụ thành những cộng đồng đông đảo và ổn định. Hầu
như khắp vùng đất Nam Bộ, nơi nào cũng có người Hoa cư trú. Song, nơi họ tập trung đông
nhất là Sài Gòn, Chợ Lớn. Điều đáng chú ý là người Hoa ở Việt Nam (trừ người Minh Hương)
đều liên kết với nhau theo hình thức bang hội một cách chặt chẽ.
Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, làn sóng di cư của người Hoa sang nước ta vẫn tiếp tục. Các
vua nhà Nguyễn như Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức đều có những chính sách mềm mỏng đối
với Hoa kiều. Thể theo nguyện vọng của những người Hoa có công trạng với triều đình, vua
Gia Long đã cải tổ lại các bang hội và cho thành lập bảy bang là Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều
Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu, và Hải Nam. Khi Lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp,
các bang hội của Hoa Kiều có một số thay đổi. Tuy nhiên, không có xáo trộn gì lớn trong các tổ
chức này [21, tr 21].
Trong quá trình nhập cư vào Việt Nam, người Hoa đã đem theo những yếu tố văn hoa, tín
ngưỡng của dân tộc họ. Ở đâu có cộng đồng Hoa kiều là ở đó mọc lên chùa miếu, hội quán với
những nét rất riêng. Họ luôn có ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của riêng mình, không để nó hòa
tan vào nền văn hoa bản địa. Ngoài văn hóa, tín ngưỡng, di dân người Hoa còn du nhập vào
nước ta các tổ chức mang tính chất tôn giáo hoặc chính trị. Trong đó, đáng kể nhất là các hội
kín Thiến Địa hội. Đây là tổ chức có ảnh hưởng khá đậm nét đối với hoạt động chống Pháp của
người dân Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Như đã trình bày, Việt Nam là nơi di dân người Hoa đến định cư từ rất sớm. Trong các
thế kỷ XVIII, XIX, họ chủ yếu đến làm ăn sinh sống tại vùng đất Nam Kỳ. Phần đông trong số
này là những người có tư tưởng "Phản Thanh phục Minh". Vì vậy, hội kín Thiên Địa hội - một
tổ chức phản Thanh có quy mô nhất miền Hoa Nam - có mặt ở Nam Kỳ là điều dễ hiểu. Các
thành viên của Thiên Địa hội đã hòa vào dòng người di cư để đến miền Nam nước ta vào
khoảng nửa sau thế kỷ XIX. Theo ý kiến và tài liệu của Emile Puech (Chủ tỉnh Hà Tiên, người
từng ở Long Xuyên đàn áp cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa) thì Thiên Địa hội đã có từ trước khi
Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây [15, tr 94]. Nếu thông tin này chính xác thì có thể khẳng định
rằng, Thiên Địa hội của người Hoa đã xuất hiện ở Nam Kỳ trước năm 1867. Đến năm 1875,
24
thực dân Pháp đã bắt được vài nhóm Thiên Địa hội, trước tiên là vụ Trương Đế Điển. Nhân vật
này là người Triều Châu, ở tại Biên Hòa, thuộc nhóm Nghĩa Hòa công ty [15, tr 92]. Trong báo
cáo gởi Giám đốc nội vụ ngày 21-4-1875, viên Chủ tỉnh Chợ Lớn cho biết có hai ông bang
(thuộc bang Triều Châu) đã tố cáo một lãnh tụ Thiên Địa hội tên Tsiao Sen(?) đang hoạt động
tại Chợ Lớn, cưỡng bách giới Hoa kiều ở địa phương phải gia nhập [15, tr 93-94]. Ở Sóc
Trăng, từ năm 1877 chính quyền cũng nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội. Từ những năm
80 của thế kỷ XIX trở đi, các hội kín Thiên Địa hội xuất hiện ngày càng nhiều ở Nam Kỳ. Hoạt
động của các hội kín này khiến chính quyền thực dân lo ngại. Vì vậy, chúng đã đưa ra nhiều
biện pháp đối phó. Ngày 1-9-1882, Bộ Thuộc địa Pháp đã ra một công văn "Chuẩn y các biện
pháp nghiêm khắc đối với hội kín có tên Thiên Địa hội" [17, tr 120]. Tuy nhiên các hội kín vẫn
tiếp tục hoạt động mạnh và không ngừng thu nạp thêm thành viên mới. Báo cáo của các viên
chức người Việt ở địa phương gởi cho các Chủ tỉnh, rồi báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gởi
Toàn quyền Đông Dương... đã xác thực điều này. Xin được dẫn ra đây một vài trường hợp cụ
thể.
Ngày 26-7-1894, ở Gò Công, viên phó quản Phạm Văn Ký đã có tờ bẩm gởi Chủ tỉnh về
việc một số Hoa kiều đến địa phương này để "xúi giục" mọi người vào hội kín. Dựa vào tin tức
do Chung Lộc và Châu Nhữ (bang trưởng và bang phó bang Quảng Đông ở Gò Công) cung
cấp, Phạm Văn Ký cho biết: có ba người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn là Lý Quế, Lê Hớn và Long
Phi đã đến trú tại nhà Trần Chiêu (cũng là một người Hoa). Một hôm, ba người này đến nhà
các người Hoa là Thái Tường, Quản Đăng và Diệp Hữu để xúi giục việc thu nạp họ vào hội kín
Thiên Địa hội. Tuy nhiên, Thái, Quản, Diệp đều từ chối và đi báo cho bang trưởng và bang phó
biết. Sau đó, Lý Quế, Lê Hớn, Long Phi và Diệp Hữu đã bị bắt.
Ngày 15-11-1894, trong báo cáo gởi Toàn quyền Đông Dương về vụ Lý Quế, Lê Hớn,
Thống đốc Nam Kỳ nêu ý kiến "Tôi nghĩ rằng trước khi trục xuất hai tên này ra khởi thuộc địa,
nên đày chúng ra nhà tù Côn Đảo để cách ly chúng trong thời hạn năm năm. Nếu trục xuất
ngay về Trung Hoa thì chúng có thể bắt mối để trở lại Nam Kỳ " [32].
Cũng trong năm này, một nhóm người Hoa đã đến Rạch Giá để lập hội kín tên là "Đệ
huynh". Báo cáo của Xã trưởng xã Vĩnh Thanh Vân cho biết nhóm này có năm người Quảng
Đông là Phùng Trác, Mạc Táo, Trần Nhâm, Thôi Hiền và Trương Hương. Họ đến nhà một
25