1
PHỤ LỤC 1: NHỮNG QUI ĐỊNH CỦA WTO VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
Trong hệ thống các Hiệp định của WTO có nhiều quy định liên quan trực tiếp tới
vấn đề thương mại và môi trường. Nhiều quy định của Hiệp định GATT 1994 có liên quan
tới vấn đề này, ví dụ: Điều I và Điều III (qui định về nghĩa vụ không phân biệt đối xử),
Điều XI (về các biện pháp hạn chế định lượng) và các qui định về ngoại lệ chung tại Điều
XX. Vấn đề thương mại - môi trường được đề cập ngay trong Lời mở đầu (Preamble) của
Hiệp định thành lập WTO và trong nhiều Hiệp định khác của WTO, cụ thể là:
o
Hiệp định về Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại;
o
Hiệp định về Kiểm dịch động thực vật;
o
Hiệp định về Quyền sở hữu trí tuệ;
o
Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng;
o
Hiệp định về Nông nghiệp;
o
Hiệp định về Thương mại Dịch vụ.
1.1. Hiệp định thành lập WTO
Lời mở đầu của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO thừa nhận sự cần thiết của
việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:
“Các bên ký kết Hiệp định này thừa nhận rằng các quan hệ kinh tế thương mại của
họ cần phải đảm bảo mục tiêu nâng cao mức sống, tạo việc làm, tăng thu nhập đáng kể và
ổn định,..., đồng thời sử dụng tối ưu các nguồn lực của thế giới vì mục tiêu phát triển
bền vững, bảo vệ và bảo tồn môi trường...”.
Đây là cơ sở cho việc diễn giải các quy định cụ thể có liên quan tới môi trường
trong các Hiệp định của WTO và áp dụng trên thực tế các biện pháp hạn chế thương mại
với mục đích “bảo vệ môi trường”.
Trong vụ kiện Tôm và Rùa, Cơ quan Xét xử Phúc thẩm (Appeallate Body) cho rằng
Lời mở đầu của Hiệp định Marrakesh thể hiện quan điểm chung của WTO trong việc giải
thích các quy định cụ thể trong các Hiệp định của WTO. Lời mở đầu cho thấy các bên
tham gia các Hiệp định của WTO đều nhận thức được tầm quan trọng và sự hợp lý của
việc bảo vệ môi trường, và coi đó là mục tiêu chính sách ở cấp độ quốc gia cũng như trên
bình diện quốc tế. Cơ quan Xét xử Phúc thẩm trong vụ này nhận xét rằng: “ngôn ngữ được
sử dụng trong Lời mở đầu cho thấy các nhà đàm phán WTO thừa nhận cần phải sử dụng
các nguồn lực của thế giới một cách tối ưu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Vì
2
ngôn ngữ của Lời mở đầu thể hiện ý chí của các nhà đàm phán nên có thể hiểu rằng đó
chính là tinh thần chung để giải thích các Hiệp định khác của WTO”.
1.2. Nguyên tắc "không phân biệt đối xử" trong Hiệp định GATT 1994
Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong WTO bao gồm hai nguyên tắc: Đãi ngộ
tối huệ quốc (MFN) qui định tại Điều I và Đãi ngộ quốc gia (NT) qui định tại Điều III của
GATT. Theo nguyên tắc MFN, các Thành viên WTO có nghĩa vụ dành cho các sản phẩm
của các Thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sản phẩm tương tự của
bất kỳ nước Thành viên nào. Nói cách khác, các Thành viên WTO không được phép dành
cho một Thành viên khác ưu đãi thương mại đặc biệt hơn hoặc áp dụng chính sách phân
biệt đối xử đối với bất kỳ Thành viên thứ ba nào. Còn theo nguyên tắc NT, một khi hàng
hoá đã xâm nhập vào một thị trường thì hàng hoá đó phải được đãi ngộ một cách không
kém thuận lợi hơn các hàng hoá tương tự sản xuất trong nước.
Một vấn đề đáng lưu ý liên quan tới việc diễn giải và áp dụng nguyên tắc “không
phân biệt đối xử”, là xác định “sản phẩm tương tự”. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi và
phát sinh các tranh chấp thương mại. Tuỳ từng trường hợp, khái niệm “sản phẩm tương tự”
được xác định theo những tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí cơ bản về “sản phẩm tương tự”
bao gồm: đặc điểm, bản chất và chất lượng của sản phẩm, phân loại sản phẩm theo mã số
thuế, thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng, và công dụng cuối cùng của sản phẩm...
Liên quan tới các vấn đề thương mại - môi trường, nguyên tắc "không phân biệt đối
xử" của GATT đảm bảo rằng các chính sách bảo vệ môi trường quốc gia sẽ không được áp
dụng một cách phân biệt đối xử giữa các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm tương tự sản
xuất trong nước, hoặc phân biệt đối xử giữa các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ các đối
tác thương mại khác nhau. Tóm lại, nguyên tắc “không phân biệt đối xử” giúp ngăn chặn
việc lạm dụng các chính sách môi trường cũng như việc sử dụng chúng như những công cụ
hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.
1.3. Yêu cầu về việc bãi bỏ các hạn chế định lượng
Điều XI của GATT quy định rằng các Thành viên không được cấm hoặc áp dụng
các biện pháp hạn chế nào ngoài thuế và các loại phí khác đối với hàng xuất khẩu và nhập
khẩu, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như trong trường hợp khan hiếm lương
thực trầm trọng. Mục đích của Điều XI là khuyến khích các Thành viên chuyển từ các biện
pháp hạn chế định lượng sang thuế quan, một công cụ minh bạch và ít bóp méo thương mại
hơn.
3
Trong thương mại quốc tế, nhiều tranh chấp về vấn đề bảo vệ môi trường đã dẫn tới
việc áp dụng các biện pháp hạn chế định lượng, đặc biệt là việc cấm xuất nhập khẩu.
Những quy định của MEAs liên quan tới cấm hoặc hạn chế xuất nhập khẩu có thể vi phạm
quy định của Điều XI. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng, Điều XI thường được xem xét
cùng với Điều XX về các điều khoản về ngoại lệ chung. Ví dụ, theo Nghị định thư
Montreal, Điều 4, các quốc gia thành viên có thể cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhằm thực
hiện yêu cầu hạn chế tiêu thụ hoặc sản xuất trong nước. Việc cấm xuất khẩu, cấm nhập
khẩu trong trường hợp này có thể không phù hợp với Điều XI nhưng lại có thể giải thích
được theo Điều XX của GATT.
1.4. Qui định về các Ngoại lệ chung của GATT (General Exceptions)
a. Các quy định liên quan
Điều XX của GATT qui định những trường hợp mà các bên ký kết GATT có thể
được miễn trừ nghĩa vụ tuân thủ các qui định của GATT. Trong số các ngoại lệ được đề
cập tại Điều XX, hai đoạn (b) và (g) đưa ra các tiêu chí liên quan tới mục tiêu bảo vệ môi
trường:
"Với bảo lưu rằng các biện pháp được đề cập ở đây sẽ không được áp dụng
nhằm tạo ra một công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều
kiện như nhau, hay tạo ra một sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, không có
qui định nào trong Hiệp định này được hiểu là nhằm ngăn cản bất kỳ bên ký kết nào thi
hành hay áp dụng các biện pháp:
...(b) cần thiết để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của con người và động vật,
thực vật;
...(g) liên quan tới việc bảo vệ nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt nếu các biện
pháp đó cũng được áp dụng hạn chế đối với cả sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Điều XX phần (b) và (g) cho phép các thành viên WTO áp dụng các biện pháp
chính sách không phù hợp với GATT trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ cuộc sống
nói chung cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng. Tuy nhiên, Điều XX
cũng qui định rõ các nước thành viên không được sử dụng những ngoại lệ này để tạo ra sự
phân biệt đối xử một cách độc đoán hoặc hạn chế trá hình đối với các sản phẩm của các
thành viên khác.
4
b. Áp dụng ngoại lệ về môi trường theo Điều XX
Trong các tranh chấp thương mại có liên quan, bên bị kiện có nghĩa vụ chứng minh
rằng biện pháp được áp dụng là nhằm thực hiện các mục tiêu thuộc phạm vi các ngoại lệ
(b) hoặc (g) của Điều XX. Sau đó, bên bị kiện phải chứng minh rằng biện pháp được áp
dụng đáp ứng yêu cầu của các ngoại lệ này.
Yêu cầu cụ thể của các ngoại lệ này như sau:
- Đoạn (b) - Điều XX yêu cầu một biện pháp muốn được coi là ngoại lệ phải là biện
pháp cần thiết để bảo vệ con người và động thực vật. Trên thực tế, cơ quan giải quyết tranh
chấp phải cân nhắc nhiều yếu tố có liên quan để đảm bảo rằng không có biện pháp nào phù
hợp với WTO, hoặc vi phạm ít hơn, có thể thay thế được;
- Theo đoạn (g) - Điều XX, một biện pháp được coi là “liên quan tới việc bảo vệ
các nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt” nếu biện pháp đó được chứng minh là có mối
quan hệ “đáng kể” và có mục tiêu rõ ràng là “bảo vệ các nguồn tài nguyên có thể bị cạn
kiệt”. Ngoài ra, biện pháp này phải được áp dụng song song với các biện hạn chế sản xuất
và tiêu dùng trong nước.
Trong vụ kiện về chính sách đối với xăng dầu nhập khẩu của Hoa Kỳ
25
, Hoa Kỳ đã
phải chứng minh rằng việc cấm nhập khẩu xăng pha chì là phù hợp với phạm vi điều chỉnh
và yêu cầu của đoạn (g), Điều XX của GATT.
Ngoài ra, để ngăn chặn sự lạm dụng các trường hợp ngoại lệ vì mục đích bảo vệ
môi trường theo Điều XX (b) và (g), các biện pháp này phải phù hợp với điều kiện chung
của Điều XX. Biện pháp được áp dụng không được phân biệt đối xử một cách “độc đoán”
hoặc “bất hợp lý” hoặc tạo ra một sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế. Để đảm
bảo sự “hợp lý”, bên bị kiện phải chứng minh rằng biện pháp đó chỉ được áp dụng sau
những nỗ lực thảo luận hoặc đàm phán nghiêm túc.
1.5. Hiệp định về Các Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại (Hiệp định TBT)
a. Các quy định của Hiệp định TBT liên quan tới vấn đề thương mại - môi
trường
Hiệp định TBT điều chỉnh việc xây dựng, thông qua và áp dụng các yêu cầu kỹ
thuật đối với sản phẩm cũng như các thủ tục liên quan tới việc đánh giá sự phù hợp của sản
phẩm đó với các yêu cầu kỹ thuật. Mục tiêu của Hiệp định là đảm bảo rằng các quy định và
tiêu chuẩn kỹ thuật (gọi chung là yêu cầu kỹ thuật) cũng như các thủ tục kiểm tra, đánh giá
không tạo nên những rào cản không cần thiết đối với thương mại.
5
Lời mở đầu và Điều 2.2 của Hiệp định này thừa nhận các Thành viên WTO có
quyền áp dụng những biện pháp cần thiết để theo đuổi một số mục tiêu chính đáng, trong
đó có mục tiêu bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của con người, sức khoẻ và cuộc sống của
các loài động thực vật, và bảo vệ môi trường. Để thực hiện những mục tiêu này, các Thành
viên có quyền áp dụng một mức bảo hộ mà họ cho là hợp lý.
Tuy nhiên, các nước Thành viên có nghĩa vụ áp dụng các yêu cầu kỹ thuật một cách
không phân biệt đối xử (tuân thủ các nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia),
đồng thời đảm bảo rằng các yêu cầu này không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối
với thương mại. Các quy định kỹ thuật (bắt buộc) không được hạn chế thương mại quá
mức cần thiết để thực hiện các mục tiêu chính đáng như bảo vệ môi trường. Còn đối với
các tiêu chuẩn kỹ thuật (không bắt buộc), Hiệp định này khuyến khích các Thành viên áp
dụng các tiêu chuẩn quốc tế để hạn chế sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Hiệp định TBT cũng quy định nghĩa vụ thông báo các yêu cầu kỹ thuật, các quy
trình đánh giá sự phù hợp thông qua các “điểm hỏi đáp” quốc gia. Quy định về nghĩa vụ
thông báo nhằm mục đích minh bạch hoá các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu và
hạn chế tối đa sự bóp méo thương mại mà các yêu cầu kỹ thuật, trong đó bao gồm cả các
quy định và tiêu chuẩn môi trường, có thể gây ra. Trên thực tế đã có nhiều các biện pháp
môi trường có liên quan đến thương mại đã được các Thành viên thông báo theo Hiệp định
TBT. Kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, có khoảng 2300 thông báo đã được gửi
cho Ban Thư ký WTO, trong đó có khoảng 11 % có liên quan tới môi trường. Các biện
pháp môi trường được thông báo gồm có: các biện pháp hạn chế ô nhiễm, quản lý rác thải,
bảo tồn năng lượng, các biện pháp bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các biện pháp
thực hiện các Hiệp định đa phương về môi trường.
b. Các vấn đề thương mại - môi trường liên quan tới thực tế áp dụng các quy
định của Hiệp định TBT
Mặc dù quy định tương đối chi tiết nhưng việc áp dụng các quy định của Hiệp định
TBT trong thực tiễn thương mại quốc tế lại hết sức phức tạp. Diễn biến nổi bật nhất là sự
mâu thuẫn giữa việc áp dụng các biện pháp, yêu cầu kỹ thuật vì mục đích bảo vệ môi
trường với quyền lợi xuất khẩu của các nước đang và kém phát triển. Do hạn chế về năng
lực tài chính và kỹ thuật, các nước đang và kém phát triển gặp khó khăn trong việc đảm
bảo rằng hàng xuất khẩu của mình có đủ khả năng tiếp cận tới thị trường “khó tính” của
các nước phát triển. Mặt khác, một số nước phát triển lại có xu hướng lạm dụng những yêu
6
cầu kỹ thuật khắt khe và phức tạp như một công cụ bảo hộ thương mại trá hình. Đối tượng
chịu thiệt thòi nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ
(SMEs) ở các nước đang và kém phát triển.
Các vấn đề thương mại - môi trường chủ yếu liên quan tới việc áp dụng các yêu cầu
kỹ thuật trong thương mại quốc tế theo Hiệp định TBT bao gồm:
- Nhãn sinh thái: Việc sử dụng các nhãn sinh thái ngày càng trở nên phổ biến và
phức tạp có thể gây trở ngại cho xuất khẩu của các nước đang và kém phát triển. Vấn đề là
các chương trình dán nhãn sinh thái thường chỉ dựa vào việc phân tích một số khía cạnh có
liên quan tới vòng đời sản phẩm và do đó các nước nhập khẩu thường đưa ra những tiêu
chí khác nhau về nhãn sinh thái. Ngoài ra, các nước nhập khẩu có xu hướng xây dựng các
tiêu chí này dựa vào nhu cầu trong nước mà không tính đến điều kiện của nhà cung cấp ở
nước xuất khẩu;
- Vấn đề PPMs: Việc đưa ra các biện pháp kiểm soát nhập khẩu dựa trên các tiêu
chí về phương pháp và quy trình sản xuất gây ra tranh cãi giữa các Thành viên WTO. Các
nước Thành viên nhất trí rằng các biện pháp nhập khẩu có thể dựa trên phương pháp và
quy trình sản xuất nếu phương pháp hoặc quy trình sản xuất đó tạo nên một đặc tính của
sản phẩm: ví dụ như trường hợp cây bông được phun thuốc trừ sâu dẫn tới có dư lượng
thuốc trừ sâu trong bông. Tuy nhiên, các nước đang phát triển phản đối việc áp dụng các
biện pháp nhập khẩu dựa trên phương pháp và quy trình sản xuất không liên quan tới sản
phẩm cũng như việc sử dụng các tiêu chí một cách “phân biệt đối xử” giữa hai loại PPM
này;
- Các yêu cầu về bao gói: Một số nước đưa ra yêu cầu về bao gói đối với hàng nhập
khẩu, ví dụ: chủng loại bao gói, khả năng sử dụng lại, khả năng tái chế hoặc phân huỷ. Các
yêu cầu này tạo thêm chi phí cho các nhà xuất khẩu và có nguy cơ cản trở hàng xuất khẩu
tiếp cận thị trường. Trên thực tế, các yêu cầu này có thể được áp dụng một cách “phân biệt
đối xử” hoặc bị thao túng bởi các tập đoàn trong nước yêu cầu sự bảo hộ.
1.6. Hiệp định về Kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS)
Hiệp định SPS trong WTO được đàm phán và ký kết tại Vòng Uruguay để điều
chỉnh việc áp dụng các qui định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và sức khoẻ của
động thực vật. Trước khi Hiệp định này ra đời, các biện pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ
sức khoẻ các loài động thực vật có ảnh hưởng tới thương mại được điều chỉnh bởi các quy
định của GATT (ví dụ như các quy định về không phân biệt đối xử (Điều I, III) và về các
7
ngoại lệ chung (Điều XX)). Hiệp định về các Rào cản kỹ thuật đối với thương mại năm
1979 bao quát cả những yêu cầu kỹ thuật liên quan tới những biện pháp này. Tuy nhiên,
các nước Thành viên dần dần cho rằng các quy định nêu trên chưa giải quyết thoả đáng
những vấn đề liên quan tới các biện pháp kiểm dịch động thực vật (các biện pháp SPS).
Hiệp định thừa nhận các nước Thành viên có quyền áp dụng các biện pháp SPS vì
các mục đích sau đây (trong đó bao gồm cả những mục đích bảo vệ môi trường):
o
Đảm bảo rằng thực phẩm không chịu những rủi ro phát sinh từ các chất gây
nghiện, các chất nhiễm bẩn, các chất độc hoặc các loài sinh vật gây bệnh;
o
Ngăn chặn sự lan rộng của sinh vật gây bệnh;
o
Ngăn chặn hoặc kiểm soát các loài sâu bệnh.
Tuy nhiên, cũng giống như Hiệp định TBT, các Thành viên WTO phải đảm bảo
rằng những biện pháp mà họ áp dụng không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với
thương mại quốc tế.
Hiệp định SPS cũng khuyến khích các nước Thành viên hài hoá các yêu cầu SPS
riêng của nước mình như thông qua các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn do các tổ chức quốc tế
xây dựng, ví dụ như thông qua các tiêu chuẩn của Uỷ ban Dinh Dưỡng Quốc tế (Codex
Alimentarius). Các Thành viên có thể áp dụng những tiêu chuẩn quốc gia cao hơn trong
trường hợp các tiêu chuẩn quốc tế chưa đủ mạnh. Tuy nhiên các biện pháp SPS phải được
dựa trên cơ sở khoa học hoặc dựa trên việc đánh giá những rủi ro có thể xảy ra đối với sức
khoẻ và cuộc sống của con người và các loài động thực vật. Các thủ tục và quyết định liên
quan đến việc đánh giá rủi ro phải được cung cấp khi nước Thành viên khác yêu cầu. Điểm
đặc biệt của Hiệp định này là nó cho phép các nước áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, tức là
mặc dù chưa có đủ bằng chứng khoa học nhưng nước Thành viên vẫn được quyền áp dụng
các biện pháp tạm thời để phòng ngừa trong thời gian tìm kiếm thêm thông tin.
Ngoài ra, Hiệp định này cũng quy định những nghĩa vụ chung như: không áp dụng
các biện pháp SPS một cách phân biệt đối xử, minh bạch hoá các biện pháp và chính sách
SPS thông qua các “điểm hỏi đáp thông tin” quốc gia. Đây cũng là những quy định nhằm
giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp SPS đối với thương mại quốc tế.
1.7. Hiệp định Nông nghiệp
Được đàm phán và ký kết tại Vòng đàm phán Uruguay, Hiệp định Nông nghiệp đưa
ra các qui định nhằm cải cách thương mại nông sản và cung cấp cơ sở cho việc xây dựng
8
các chính sách theo định hướng thị trường. Nội dung chính của Hiệp định tập trung vào các
vấn đề tiếp cận thị trường, trợ cấp trong nước và trợ cấp xuất khẩu.
Bảo vệ môi trường là vấn đề được đề cập nhiều trong Hiệp định này. Đoạn thứ 6
của phần mở đầu nêu rõ rằng các cam kết theo các chương trình cải cách chính sách cần
phải tính đến vấn đề môi trường. Điều 20 của Hiệp định cũng quy định các cuộc đàm phán
về việc tiếp tục các chương trình cải cách cần phải tính đến các vấn đề phi thương mại,
trong đó có vấn đề môi trường. Cụ thể hơn, Phụ lục 2 của Hiệp định liệt kê các loại biện
pháp trợ cấp khác nhau không thuộc diện phải cam kết cắt giảm, trong đó có nhiều biện
pháp trợ cấp liên quan tới môi trường. Trong số các biện pháp này phải kể đến biện pháp
cung cấp tài chính trực tiếp cho nhà sản xuất và các chương trình hỗ trợ của chính phủ
trong lĩnh vực nghiên cứu và xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ các chương trình
môi trường. Tiêu chuẩn để được trợ cấp tài chính trực tiếp được xác định căn cứ vào nội
dung của các chương trình bảo tồn hoặc bảo vệ môi trường. Giá trị trợ cấp giới hạn trong
khoảng các chi phí phụ trội hoặc khoản thu nhập bị bỏ lỡ để tuân thủ các nghĩa vụ theo các
chương trình môi trường.
1.8. Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng (Hiệp định Trợ cấp)
Hiệp định Trợ cấp của WTO được áp dụng đối với các sản phẩm không phải là
nông sản. Trong khuôn khổ của Hiệp định có một số chương trình trợ cấp được gọi là trợ
cấp không bị đánh thuế đối kháng (non- actionable) được qui định tại Điều 8 và một trong
những hình thức trợ cấp đó có liên quan tới bảo vệ môi trường. Những chương trình trợ
cấp này được sử dụng "nhằm thúc đẩy việc nâng cấp các máy móc thiết bị phù hợp với yêu
cầu mới về môi trường do luật pháp quy định, làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về
tài chính". Kèm theo một số điều kiện khác, trợ cấp liên quan tới môi trường nêu trên có
thể được phép chiếm tới 20% chi phí nâng cấp máy móc thiết bị.
Trợ cấp có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến môi trường. Trợ cấp mang tính
tích cực khi chúng hỗ trợ bảo vệ môi trường và mang tính tiêu cực khi chúng tạo ra những
căng thẳng về môi trường (chẳng hạn như thông qua việc khuyến khích sử dụng quá mức
các nguồn tài nguyên thiên nhiên...). Trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, trợ cấp
được xem như là một nhân tố bóp méo thương mại, đồng thời trong một chừng mực nào
đó, nó gây ra sự xuống cấp về môi trường.
Tại Vòng Uruguay, các bên đàm phán đã xem xét những đóng góp tích cực và tiêu
cực của trợ cấp đối với môi trường cũng như một loạt các qui tắc mới và ngoại lệ áp dụng
9
trong các Hiệp định về Nông nghiệp và Hiệp định Trợ cấp. Cả hai hiệp định này đều qui
định những ngoại lệ nhất định về trợ cấp môi trường. Theo Hiệp định Nông nghiệp, trợ cấp
môi trường có thể được coi là một ngoại lệ miễn trừ khỏi nghĩa vụ cắt giảm hỗ trợ trong
nước khi đáp ứng một số điều kiện nhất định; còn trong Hiệp định Trợ cấp, trợ cấp môi
trường có thể được coi là một ngoại lệ miễn trừ khỏi nghĩa vụ chịu thuế đối kháng cũng
như đưa ra xét xử tranh chấp miễn là các điều kiện liên quan đến hình thức trợ cấp đó được
đáp ứng.
Trong các cuộc thảo luận của Uỷ ban về Thương mại và Môi trường, trợ cấp năng
lượng cũng được đề cập tới. Trong đó, các bên liên quan đã tập trung vào việc rà soát các
qui tắc áp dụng cho trợ cấp xuất khẩu được qui định tại Hiệp định Trợ cấp. Theo quy định
tại Phụ lục 1 và 2 của Hiệp định, thuế đánh vào loại năng lượng được sử dụng để sản xuất
hàng xuất khẩu sẽ có thể được hoàn lại mà không bị coi là một hình thức trợ cấp xuất khẩu.
Nhiều nước cho rằng qui định này khuyến khích việc tăng cường sử dụng các công nghệ
tiêu thụ nhiều năng lượng để sản xuất hàng xuất khẩu. Mặt khác, các nước cũng tỏ ra lo
ngại về việc các qui định liên quan đến môi trường có thể bị lạm dụng hoặc bóp méo các
cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ WTO. Tuy nhiên cho đến nay vấn đề này vẫn
chưa có cách giải quyết và hiện đang tiếp tục được thảo luận và phân tích trong nội bộ Uỷ
về Thương mại và Môi trường của WTO.
1.9. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ
(Hiệp định TRIPS)
Hiệp định TRIPS đóng một vai trò quan trọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho
việc tiếp cận và chuyển giao các công nghệ và sản phẩm lành mạnh đối với môi trường.
Điều 27 (2) và (3) của phần 5 (Văn bằng bảo hộ sáng chế) hiệp định TRIPS qui
định rằng các thành viên WTO có thể không cấp văn bằng bảo hộ cho việc khai thác
thương mại các sáng chế trong lãnh thổ của mình vì lý do bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ của
con người và động hoặc thực vật hoặc để tránh gây tổn hại nghiệm trọng cho môi trường
với điều kiện việc cấm khai thác không chỉ xuất phát từ chỗ luật của các thành viên đó cấm
khai thác thương mại. Các thành viên cũng có thể không cấp văn bằng sáng chế cho thực
vật và động vật không phải là các chủng vi sinh cũng như các qui trình sinh học sản xuất
động vật và thực vật. Tuy nhiên, các thành viên phải qui định việc bảo hộ giống cây thông
qua văn bằng sáng chế hoặc một hệ thống di truyền riêng thực tế, hoặc sự kết hợp giữa hai
hệ thống này dưới mọi hình thức.