Tải bản đầy đủ (.pdf) (139 trang)

YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (922.58 KB, 139 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Thị Mai Lan

YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TIỂU
THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT VỀ
CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN SAU 1975

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRẦN THỊ MAI LAN

YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT,
TRUYỆN NGẮN VIẾT VỀ CHIẾN TRANH GIAI
ĐOẠN SAU 1975

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Người hướng dẫn khoa học

TS. Hoàng Thị Văn


Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và
kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả cho
phép sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kì một công trình nào khác.

Tác giả luận văn
TRẦN THỊ MAI LAN


LỜI CÁM ƠN

Tôi xin chân thành cám ơn TS. Hoàng Thị Văn – giảng viên khoa ngữ văn
trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ,
và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn.
Tôi xin chân thành cám ơn các thầy cô trong khoa ngữ văn đã tận tình giảng
dạy, giúp đỡ tôi trong suốt những năm tôi học tập tại nhà trường.
Tôi xin chân thành cám ơn các cán bộ, công nhân viên trong thư viện trường
đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi có được những tài liệu phục vụ cho quá trình học
tập và tìm hiểu nghiên cứu để hoàn thành tốt luận văn này.
Cuối cùng tôi xin chân thành cám ơn các bạn bè trong lớp Cao học chuyên
ngành Văn học Việt Nam, khóa 19, đã cùng tôi học tập trong suốt những năm qua.
Với những năm tháng đó, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quí báu từ các bạn.

Tác giả luận văn
TRẦN THỊ MAI LAN



MỤC LỤC
Phần mở đầu ..................................................................................................................... 7
1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................................. 7
2. Lịch sử vấn đề...................................................................................................................... 9
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...................................................................................... 13
3.1. Đối tượng nghiên cứu ............................................................................................................................ 13
3.2. Phạm vi nghiên cứu ............................................................................................................................... 13

4. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................................... 14
4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê ............................................................................................................ 14
4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp .......................................................................................................... 14
4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu ............................................................................................................ 14

5. Mục đích của luận văn ....................................................................................................... 14
6. Đóng góp của luận văn ....................................................................................................... 15
7. Cấu trúc của luận văn ........................................................................................................ 15

Phần nội dung................................................................................................................. 17
Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 ............................................................... 17
1.1. Khái niệm về yếu tố kì ảo ...................................................................................................................... 17
1.2. Các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau
1975 .............................................................................................................................................................. 19
1.2.1. Mô-tip giấc mơ ............................................................................................................................... 19
1.2.2. Hồn người chết trở về .................................................................................................................... 24
1.2.3. Những sự việc kinh dị, kì lạ ........................................................................................................... 28
1.2.4. Lời nói, hành động kì lạ của nhân vật ............................................................................................ 31

Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết,

truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 ............................................................... 34
2.1. Vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm ................................................................... 34
2.1.1. Yếu tố kì ảo và tình huống truyện .................................................................................................. 34
2.1.2. Yếu tố kì ảo và cốt truyện .............................................................................................................. 42
2.2. Yếu tố kì ảo và thế giới hình tượng ....................................................................................................... 53
2.2.1. Yếu tố kì ảo và nhân vật ................................................................................................................. 53
2.2.1.1. Nhân vật là những hồn ma ...................................................................................................... 53
2.2.1.2. Loại nhân vật dị thường, kì lạ ................................................................................................. 58
2.2.1.3. Loại nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích .................................................................. 61
2.2.2. Yếu tố kì ảo và không gian - thời gian nghệ thuật ......................................................................... 63
2.2.2.1. Không gian nghệ thuật ............................................................................................................ 63
2.2.2.2. Thời gian nghệ thuật ............................................................................................................... 70
2.3. Yếu tố kì ảo và việc biểu đạt các lớp ý nghĩa trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau
1975 .............................................................................................................................................................. 75
2.3.1. Chiến tranh – sự mất mát không gì bù đắp..................................................................................... 75


2.3.2. Chiến tranh – nỗi cô đơn và niềm khát khao hạnh phúc ................................................................ 80
2.3.3. Người lính và sự tha hóa, biến chất ................................................................................................ 88

Chương 3: Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái thẩm mỹ ............... 91
3.1. Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn ....................................................................... 91
3.1.1. Đặc điểm thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn ....................................................................................... 91
3.1.2. Yếu tố kì ảo - Sự giống và khác nhau trong thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh
sau 1975. .................................................................................................................................................. 92
3.2. Yếu tố kì ảo từ góc nhìn văn hóa tâm linh ........................................................................................... 104
3.2.1. Thuật ngữ tâm linh ....................................................................................................................... 104
3.2.2. Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 từ góc nhìn văn hóa
tâm linh .................................................................................................................................................. 105
3.3. Yếu tố kì ảo từ sắc thái thẩm mỹ ......................................................................................................... 118


KẾT LUẬN ................................................................................................................... 127


Phần mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
Kể từ sau chiến thắng mùa xuân 1975, lịch sử dân tộc mở sang một trang mới,
dẫn đến nền văn học nước nhà cũng bước vào một chặng đường mới. Tuy vẫn tiếp
nối nền văn học Cách mạng trước đó với đề tài chủ yếu là chiến tranh và người
lính, song thông qua các trang viết, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách thể
hiện của các tác giả về cuộc chiến đã qua. Mặc dù vẫn còn mang âm hưởng sử thi
và cảm hứng ngợi ca, tuy nhiên bức tranh đời sống lúc này không chỉ đơn điệu là
một màu hồng. Các tác phẩm giai đoạn này không còn là một dàn đồng ca ca ngợi
hùng hồn về sự vẻ vang của chiến thắng, sự anh dũng của người chiến sĩ trên mặt
trận nữa mà mỗi tác phẩm là một mảng khác nhau về chiến tranh với nhiều góc
khuất sáng tối, về cuộc sống của những người lính đã từng sống trong chiến tranh
ác liệt. Số phận của họ sẽ ra sao khi hòa bình lập lại? Họ sẽ vui mừng trong niềm
vui chiến thắng, sẽ hãnh diện với những chiến công mà mình lập được và hạnh
phúc khi được về với mái ấm gia đình mà một thời họ đã bị chia cắt bởi chiến
tranh,… Hay sẽ là một điều gì đó? Họ, những người chiến sĩ anh dũng một thời, trở
về thời bình làm thế nào để hòa nhập với cuộc sống khi mà một phần tuổi trẻ của
họ đã để lại nơi chiến trường ác liệt năm nào. Tất cả những điều này là những gì mà
các nhà văn giai đoạn sau chiến tranh quan tâm, trăn trở và tìm cách lý giải trong
các tác phẩm của mình.
Những đổi mới mạnh mẽ về mặt nội dung đã dẫn đến sự chuyển biến rõ rệt về
mặt nghệ thuật mà một trong những thay đổi đáng kể đó là yếu tố kì ảo được đưa
vào sử dụng một cách dày đặc trong các tác phẩm. Yếu tố kì ảo trở thành một công
cụ đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần vốn đầy bí ẩn của con
người mà cụ thể là người lính với những ám ảnh về một quá khứ không thể lãng
quên và những ẩn ức bị kìm nén bên trong tâm hồn. Với vai trò là một thủ pháp

nghệ thuật, yếu tố kì ảo đã góp phần không nhỏ giúp nhà văn chuyển tải đến người


đọc những suy nghĩ, trăn trở của mình về cuộc chiến đã qua. Sự hiện diện của yếu
tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh một mặt chi phối đến các
thành tố khác của tác phẩm như cốt truyện, tình huống, nhân vật, không gian, thời
gian,... mặt khác, sự xuất hiện của nó đã góp phần không nhỏ trong việc thể hiện
chủ đề, nội dung tư tưởng của các tác phẩm. Có thể thấy các tác phẩm văn xuôi viết
về chiến tranh mang yếu tố kì ảo đã giành được một vị trí riêng, tương đối vững
vàng trong lòng độc giả. Góp phần làm mới diện mạo văn xuôi Việt Nam sau 1975.
Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, yếu tố kì ảo đã thu hút nhiều sự
quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nước ta. Nhiều hiện tượng văn
học kì ảo được giải mã trong các các bài nghiên cứu (Yếu tố kì ảo trong truyện
ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 đến nay – Phùng Hữu Hải, Vai trò
của yếu tố kì ảo trong truyện Việt Nam sau 1975 – Nguyễn Văn Kha, Cái kì ảomột phương tiện hữu hiệu trong việc thể hiện đời sống tâm linh, vô thức của con
người trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 – Nguyễn Thị Hải Phương,… ) hoặc
các sách chuyên luận, luận văn, đề tài khoa học (Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết
Nguyễn Bình Phương– Nguyễn Thị Ngọc Anh, Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị
Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc
lúc nửa đêm – Cao Thị Thu Hoài, Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt
Nam sau 1975 – Hoàng Thị Văn,….) đã đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị
và bổ ích, giúp người đọc hiểu rõ hơn những đóng góp to lớn về mặt nghệ thuật của
yếu tố kì ảo khi có mặt trong tác phẩm văn học.
Trên hành trình khám phá sự bí ẩn của yếu tố kì ảo trong văn xuôi Việt Nam
hiện đại nói chung, việc tìm hiểu yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh
là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong nghiên cứu văn học. Vấn đề tìm nhận
vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh có xuất hiện trong
một số bài nghiên cứu tuy nhiên chưa đạt đến mức độ toàn diện, chuyên sâu. Vì
vậy, việc nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện hơn về yếu tố kì ảo trong văn
xuôi viết về chiến tranh sau 1975 là điều cần thiết. Việc nghiên cứu này nhằm đánh



giá đúng những giá trị đóng góp của các tác phẩm đề tài chiến tranh đối với nền
văn xuôi hiện đại Việt Nam, thấy được những điểm khác biệt giữa các sáng tác viết
về chiến tranh sau 1975 với các tác phẩm văn xuôi hiện đại có sử dụng yếu tố kì ảo
cũng như với những tác phẩm có cùng đề tài chiến tranh trước đây.
Khi tìm hiểu về vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh
giai đoạn sau 1975, chúng tôi tập trung vào mảng tiểu thuyết, truyện ngắn bởi đây
là hai thể loại tiêu biểu có khả năng giúp người đọc tìm hiểu thấu đáo vấn đề nhìn
thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật. Ngoài ra, các yếu tố kì ảo chủ yếu xuất
hiện nhiều trong các tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi thực hiện đề tài,
chúng tôi sẽ đi vào trình bày những dạng thức kì ảo tiêu biểu trong tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh. Xác nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc
chỉnh thể tác phẩm, từ đó thấy được hiệu quả nghệ thuật mà yếu tố kì ảo đem lại
trong việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tìm nhận
yếu tố kì ảo từ những góc nhìn khác nhau. Với những nghiên cứu này, chúng tôi
mong muốn góp phần nhận diện những nét đặc sắc của những tác phẩm viết về
chiến tranh sau 1975 có sử dụng yếu tố kì ảo. Từ đó góp phần khẳng định tác dụng
của thủ pháp nghệ thuật sử dụng yếu tố kì ảo trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng
của tác phẩm.

2. Lịch sử vấn đề
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu yếu tố kì ảo trong văn học thu
hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nước ta. Có rất
nhiều những bài viết, các công trình nghiên cứu có giá trị đã đi vào phân tích, xem
xét yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam hiện đại một cách công phu, tỉ mỉ. Các
công trình nghiên cứu ấy thật sự mang đến cho người đọc một cái nhìn khá toàn
diện về diện mạo của văn học Việt Nam sau 1975 với sự đổi mới mạnh mẽ, hiểu
thêm về những giá trị và ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam hiện đại



sau 1975. Mỗi nhà nghiên cứu khác nhau có sự lý giải khác nhau về vấn đề này. Có
thể kể đến những công trình nghiên cứu sau:
Ở bài viết Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau
1975 đến nay, tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: sau khi chiến tranh kết thúc,
những tình cảm lớn một thời đã dần nhường chỗ cho những vấn đề số phận cá
nhân. Và do đó, đề tài văn học chuyển dần sang địa hạt tâm linh với những trăn trở,
uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người, đặc biệt là những số
phận vừa đi qua cuộc chiến. Theo tác giả, những diễn biến tâm linh rất khó nắm
bắt, và đó là lý do khiến các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kì ảo bởi “yếu tố kỳ
ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết
sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu” con người ở phần
nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy”[27]. Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam
hiện đại thể hiện ở một số phương diện như: Quan niệm của con người về thế giới
đa chiều và con người tâm linh; quan niệm về sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về
những giá trị chân thiện mỹ; cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý.
Bài viết Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Phạm Thị Thanh
Nga) tập trung trình bày mối quan hệ giữa yếu tố kì ảo với tình huống truyện. Tác
giả chỉ ra ba loại tình huống tiêu biểu trong các truyện có yếu tố kì ảo: Tình huống
kì lạ, ma quái; tình huống mang tính chất ngẫu nhiên, đột biến và tình huống căng
thẳng, kịch tính. Theo tác giả nhận định: trong các truyện ngắn, cái kì ảo đóng vai
trò như một tình huống quan trọng đối với sự chuyển biến của cốt truyện. Nó gắn
kết các nhân vật cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó, góp phần
bộc lộ quan hệ và tính cách nhân vật hoặc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác
phẩm.[10]
Đi tìm nguyên nhân Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại
Việt Nam, tác giả Bùi Thanh Truyền cho rằng: từ những thay đổi trong đời sống xã
hội – văn học, những đổi thay trong giao lưu văn học, từ sự mở rộng quan niệm về



hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học, từ sự mở rộng quan niệm về phương
pháp sáng tác tiếp cận hiện thực và xuất phát từ truyền thống văn hóa, văn học dân
tộc là những lý do khiến yếu tố kì ảo hồi sinh trở lại trong văn xuôi Việt Nam
đương đại.[12]
Trong bài nghiên cứu Cái kì ảo - một phương tiện hữu hiệu trong việc thể
hiện đời sống tâm linh, vô thức của con người trong truyện ngắn Việt Nam sau
1975. Tác giả Nguyễn Thị Hải Phương cho rằng “các cây bút truyện ngắn đã tìm
đến cái kì ảo, đã sử dụng nó như một phương tiện hữu hiệu để hữu hình hóa thế
giới tâm linh vô thức đầy bí ẩn, mù mờ và trừu tượng” bởi con người không chỉ có
phần đời sống ý thức rõ ràng mà còn có phần trượt ra ngoài ý thức, rất khó nắm bắt.
Con người không chỉ có những hành động tuân theo quy luật tất yếu mà còn có
những hành động tuân theo sự mách bảo của bản năng, tiềm thức, của linh cảm, của
điềm báo, mộng triệu,… Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra các dạng thức biểu hiện
của yếu tố kì ảo trong tác phẩm văn học như: Yếu tố kì ảo thể hiện ở những lời nói,
hành động kì lạ của nhân vật, Yếu tố kì ảo thể hiện qua sự hiện hồn của người chết,
hay như yếu tố kì ảo thể hiện ở hình thức hóa thân của nhân vật.
Chuyên luận Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau năm
1975 (Hoàng Thị Văn) đã đi vào trình bày những dạng thức biểu hiện của yếu tố
huyền ảo trong các tác phẩm văn xuôi sau 1975 như: những lời nói, hành động kì lạ
của con người; sự hiện hồn của người chết; hình thức biến dạng, hóa thân của nhân
vật và những việc, những sự kiện lạ, phi lý, kinh dị. Bên cạnh đó, chuyên luận cũng
nêu lên vai trò của yếu tố huyền ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm. Từ đó, tác
giả hướng đến tìm nhận hiệu quả nghệ thuật của yếu tố huyền ảo trong việc thể hiện
nội dung tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
Ngoài những bài nghiên cứu nêu lên những nhận định mang tính khái quát
về yếu tố kì ảo trong truyện Việt Nam hiện đại, có nhiều bài nghiên cứu đi sâu tìm
hiểu yếu tố kì ảo trong những truyện, những chùm truyện của những tác giả cụ thể


như: Thế giới kì ảo trong Mảnh đất lắm người nhiều ma từ cái nhìn văn hóa (Lê

Nguyên Cẩn), Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Thị
Ngọc Anh), Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và
tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm (Cao Thị Thu Hoài),…
Luận văn Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương của tác giả
Nguyễn Thị Ngọc Anh chủ yếu tập trung khảo sát, phân tích và miêu tả các dạng
thức biểu hiện của yếu tố kỳ ảo, tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc
chỉnh thể tác phẩm như: không gian và thời gian kì ảo; nhân vật kì ảo và những
phương thức tạo dựng các yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Qua
đó khám phá giá trị nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương
Bài viết Thế giới nhân vật trong truyện ngắn kỳ ảo của Võ Thị Hảo, tác giả
Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho rằng: Thế giới nhân vật của truyện ngắn kỳ ảo hết
sức phong phú, đa dạng. Đó là thế giới của ma quỷ, thần tiên, con người khác
thường…cùng đan xen tạo thành bức tranh đa diện về hiện thực cuộc đời. Bên cạnh
các kiểu nhân vật truyền thống, trong truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay
với sự tham gia của yếu tố kỳ ảo vào cấu trúc tác phẩm đã tạo nên nhiều kiểu nhân
vật mới lạ. Từ đó tác giả đi đến khẳng định: với nhà văn Võ Thị Hảo, việc xây
dựng thế giới nhân vật kỳ ảo đa dạng không nằm ngoài mục đích phản ánh sự đa
chiều, sinh động của cuộc sống hiện tại. Theo tác giả thế giới nhân vật trong truyện
ngắn Võ Thị Hảo rất đa dạng, bao gồm: những ma quỷ với đủ hình dạng quái đản,
kì dị. Những nhân vật này tượng trưng cho cái ác, cái xấu, là sự huyền thoại hóa cái
ác trong bản chất cuộc sống. Bên cạnh thế giới ma quỷ hình dạng quái đản, kì dị là
thế giới đông đảo các hồn ma, linh hồn của người chết. Thế giới này sinh động,
giàu màu sắc và ẩn chứa mọi trạng thái cung bậc cảm xúc của con người. Ngoài
nhân vật hồn ma, truyện Võ Thị Hảo còn xuất hiện dạng nhân vật hóa thân và sự
hóa thân này giống như hành động giải tỏa những xót xa đau đớn mong tìm được
sự tĩnh tại trong tâm hồn.


Nhìn chung, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dành khá nhiều thời gian và

tâm huyết để làm sáng tỏ sự biểu hiện và vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác
phẩm văn xuôi sau 1975. Việc tìm hiểu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn
viết về chiến tranh giai đoạn này chưa được đề cập nhiều trong các bài viết. Vì vậy
cần có một đề tài nghiên cứu mang tính hệ thống và toàn diện hơn về vấn đề này.
Trên cơ sở kế thừa những bài viết, khi thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát
những biểu hiện của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm để từ đó thấy được vị trí, vai
trò và hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về
chiến tranh giai đoạn sau 1975 có sử dụng yếu tố kì ảo. Gồm 5 tiểu thuyết: Nỗi
buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Tàn đen đốm đỏ (Phạm
Ngọc Tiến), Bến không chồng (Dương Hướng), Hồn trúc (Nguyễn Văn Thông) và
khoảng gần 50 truyện ngắn của nhiều tác giả khác nhau.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là những dạng thức biểu hiện của yếu tố kì
ảo, vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm để từ đó làm rõ tác
dụng của nó trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng tác phẩm. Bên cạnh đó luận văn
sẽ đi sâu tìm nhận biểu hiện của yếu tố từ nhiều góc nhìn, cụ thể là góc nhìn thể tài,
góc nhìn văn hóa tâm linh và góc nhìn thẩm mỹ.


4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê
Để thực hiện đề tài này chúng tôi khảo sát toàn bộ các tác phẩm nằm trong
phạm vi đã giới hạn nhằm nhận biết những đặc điểm của yếu tố kì ảo trong các tác
phẩm từ đó hệ thống hóa thành những nhận xét, nhận định có tính khái quát, khoa
học.

4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
Nhằm tìm nhận những dạng thức biểu hiện và hiệu quả nghệ thuật của yếu tố
kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.
4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu nhằm thấy được nét mới mẻ, khác
biệt riêng của các tác phẩm viết về chiến tranh có dùng yếu tố kì ảo với những tác
phẩm có cùng đề tài trước đây và những tác phẩm văn xuôi kì ảo sau 1975.

5. Mục đích của luận văn
-

Khảo sát sự xuất hiện của yếu tố kì ảo, các dạng thức biểu hiện chủ yếu của
yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau
1975.

-

Xác định vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, trên cơ
sở đó luận văn làm rõ hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo
trong thể hiện chủ đề tác phẩm.

-

Khảo sát yếu tố kì ảo từ nhiều góc nhìn khác nhau, cụ thể trong đề tài này là
khảo sát yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, góc nhìn văn hóa tâm linh và góc
nhìn thẩm mỹ.


6. Đóng góp của luận văn
- Có được những kết luận khoa học về yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện

ngắn viết về chiến tranh.
- Thấy được những đóng góp về mặt nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong các
tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh giai đoạn sau chiến tranh.
- Bên cạnh đó luận văn cũng sẽ đi sâu khảo sát yếu tố kì ảo từ nhiều góc
nhìn khác nhau, cụ thể là góc nhìn thể tài, góc nhìn đời sống tâm linh và sắc thái
thẩm mỹ, để thấy được sự khác biệt của yếu tố kì ảo khi tham dự vào thể tài tiểu
thuyết, truyện ngắn, sự hữu hiệu của yếu tố kì ảo trong việc biểu đạt đời sống tâm
linh và những sắc thái thẩm mỹ được tạo ra bởi yếu tố kì ảo. Qua đó thấy được
những nét đặc sắc riêng của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.
- Phần nào bổ sung tư liệu tham khảo cho việc học tập và giảng dạy văn học
Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn sau 1975.

7. Cấu trúc của luận văn
Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu
thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975
Trong chương này, bên cạnh việc giải thích rõ khái niệm yếu tố kì ảo, chúng
tôi sẽ tập trung khảo sát các dạng thức kì ảo xuất hiện trong tiểu thuyết, truyện ngắn
viết về chiến tranh sau 1975.
Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong
cấu trúc chỉnh thể của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn
sau 1975
Ở chương hai, chúng tôi sẽ thực hiện những vấn đề sau:


-

Tìm nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm:
Trong phần này chúng tôi sẽ khảo sát những tình huống thường xuất hiện
trong các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975 có yếu tố kì ảo,
đồng thời tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo khi tham dự vào cốt truyện.


-

Tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo với thế giới hình tượng:
Ở phần này, chúng tôi đi vào tìm hiểu thế giới nhân vật cũng như những
không gian, thời gian thường thấy trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về
chiến tranh sau 1975.

Chương 3: Yếu tố kì ảo từ những góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh, sắc thái
thẩm mỹ
Ở chương 3, nhiệm vụ của chúng tôi là sẽ đi vào tìm hiểu yếu tố kì ảo từ
những góc nhìn khác nhau, cụ thể là: góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái
thẩm mỹ để thấy được sự khác biệt của yếu tố kì ảo khi tham dự vào mỗi thể tài; sự
hữu hiệu của yếu tố kì ảo trong việc biểu đạt đời sống tâm linh và những sắc thái
thẩm mỹ được tạo ra bởi yếu tố kì ảo.


Phần nội dung
Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì
ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn
sau 1975
1.1. Khái niệm về yếu tố kì ảo
Theo từ điển ngôn ngữ Pháp, “fantastique” có nghĩa là tưởng tượng, hư ảo,
quái dị, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “phantastikos” và tiếng Latinh “phantasticus” để
chỉ những cái thuộc về trí tưởng tượng chứ không tồn tại trong thực tế cuộc sống.
Trong tiếng Việt, kì ảo là từ Hán Việt. Trong đó kỳ có nghĩa là lạ lùng, ảo là không
có thực, kì ảo có nghĩa là chuyện lạ lùng, không có thực, chuyện không thể xảy ra
trong đời thực.
Trên thế giới, người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “cái kì ảo” là một học giả
người Anh tên là Joseph Addison (1672-1719). Theo ông, những sáng tác kì ảo

“tạo ra một khoái cảm về nỗi sợ hãi trong tâm trí độc giả và làm thỏa mãn trí
tưởng tượng của độc giả bởi những cái lạ lùng và tính chất khác thường của những
con người được miêu tả trong đó. Chúng nuôi dưỡng trong trí nhớ của chúng ta
những câu chuyện ma mà chúng ta nghe từ thuở ấu thơ và thích thú với những nỗi
khiếp sợ bí mật, những nỗi sợ hãi mà trí óc con người phải lệ thuộc vào nó một
cách tự nhiên” [8, 43]. Khi bàn về thuật ngữ kì ảo, H.Banec chủ yếu nhấn mạnh
đến tính xung đột, nửa tin nửa ngờ. Theo ông: tính chất tự nhiên và sự lạ thường
đan xen lẫn nhau sẽ gây ra cảm giác lo lắng, hồi hộp khiến người đọc do dự giữa
một sự giải thích hợp lý và một giải thích siêu nhiên về các sự kiện. Như vậy sự do
dự, hoài nghi chính là đặc trưng của yếu tố kì ảo. Trong “Từ vựng các thuật ngữ
văn chương”, M.Jarrety cho rằng: “Cái kỳ ảo đưa những sự kiện huyền bí vào
trong cuộc đời hoàn toàn hiện thực”.[14, 51]


Ở Việt Nam, bàn về thuật ngữ kì ảo trong văn học, Lê Nguyên Cẩn cho rằng
“Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng
và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo… Nó có
mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực
- ảo, và tồn tại độc lập, không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng”
[43, 16]. Còn theo Phùng Văn Tửu trong bài nghiên cứu Những đổi mới trong văn
học kỳ ảo thế kỷ XX thì “kỳ ảo là cái lạ lùng, không có thật, không thể bắt gặp trên
thế gian này, nói chung là những yếu tố siêu nhiên, nếu ta hiểu siêu nhiên là những
cái gì không tồn tại trên đời” [14, 47]. Tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: “yếu tố
kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là phương thức tư duy nghệ thuật được biểu
hiện bằng những năng lực, yếu tố có tính siêu nhiên, nằm ngoài tư duy lý tính của
con người. Nó tham gia vào sự phát triển của cốt truyện và tạo nên những phản
ánh nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ, hay nói cách khác nó tạo
nên những cú “sốc” về tâm lý, nhận thức, làm xuất hiện những dấu hỏi về nguồn
gốc xuất hiện. Yếu tố kỳ ảo không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng
tượng, không bao gồm biện pháp nhân hóa”. [27]

Nhìn chung, những tài liệu nghiên cứu về yếu tố kì ảo đều hướng đến làm rõ
những quan niệm sau:
-

Yếu tố kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là cái không có thật, chỉ tồn tại
trong thế giới tinh thần của con người.

-

Yếu tố kì ảo là những cái khác thường, phi lý, kì lạ, độc đáo.

-

Trong văn học, yếu tố kì ảo là phương tiện nghệ thuật để nhà văn bộc lộ
quan niệm, tư tưởng của mình về đời sống, về con người.

-

Hiệu quả nghệ thuật: yếu tố kì ảo đem đến cho người đọc sự hồi hộp, lo
lắng, dẫn đến sự phân vân, do dự giữa sự giải thích hợp lý và sự giải thích
siêu nhiên về các sự kiện. Chính điều này đã gây sự hưng phấn, thu hút, lôi
cuốn người đọc.


Hiệu quả đặc trưng của truyện kì ảo mang đến sự hồi hộp, lo lắng dẫn đến sự
phân vân, do dự giữa sự giải thích hợp lý và sự giải thích siêu nhiên chưa nổi bật
trong các truyện viết về chiến tranh sau 1975. Những yếu tố kì ảo trong các truyện
này vẫn còn mang đậm tính chất “hồn nhiên” phương Đông nói chung. Trạng thái
ám ảnh của con người trước một thế giới phi lý trong các truyện kì ảo phương Tây
hầu như không thấy xuất hiện. Ở những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh,

người đọc phân biệt rạch ròi đâu là thế giới của sự hư huyễn, đâu là sự thật của
cuộc sống, tuy nhiên, cả người đọc lẫn người sáng tác đều mong muốn những điều
huyền bí sẽ phần nào xoa dịu được những vết thương mà chiến tranh để lại.
1.2. Các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn
viết về chiến tranh sau 1975
Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, yếu tố kì ảo
được biểu hiện ở một số dạng thức tiêu biểu sau:

1.2.1. Mô-tip giấc mơ
Đây là dạng thức quen thuộc được sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm viết
về chiến tranh với tần số xuất hiện 14 truyện (35 lần)/ 50 truyện. Giấc mơ là vấn đề
thuộc về thế giới tâm linh, nó nằm trong vùng sâu của vô thức con người, chất chứa
những khát khao thầm kín, những điều bí ẩn mà con người luôn vươn đến khám
phá “Giấc mơ là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm
khảm... Chiêm mộng hiện ra với chúng ta như một điều bí ẩn của chính mình”
[60;17]. Nếu phân loại dựa vào tiêu chí hoàn cảnh xuất hiện, có thể phân thành hai
dạng giấc mơ. Giấc mơ của người đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh (10/ 35
lần), và giấc mơ của người sống trong hòa bình (25/35 lần). Nếu dựa vào tiêu chí
trạng thái cảm xúc khi mơ, có thể phân thành các dạng: giấc mơ chất chứa nỗi khát
khao hạnh phúc (9/35 lần), giấc mơ mang trạng thái bấn loạn, bất an (15/35 lần),
giấc mơ mang mặc cảm tội lỗi (3/35 lần), giấc mơ thanh thản, tươi vui (3/35 lần),
cảm xúc khác (5/35 lần).


Trước hết phải kể đến đó là tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Đây là cuốn tiểu
thuyết mà mô-tip giấc mơ xuất hiện nhiều nhất với tổng số 16/35 lần. Trong đó,
những giấc mơ của Kiên là nhiều hơn hẳn. Do đây là một tiểu thuyết tương đối dài,
để thuận tiện cho việc theo dõi, chúng tôi tạm thống kê tần số xuất hiện và nội dung
những giấc mơ chính trong truyện. Sự thống kê mang tính chất tương đối.
STT NỘI DUNG GIẤC MƠ


HOÀN CẢNH XUẤT HIỆN

TRANG

Sau chiến tranh

11

1

Kiên mơ về những con bài

2

Kiên mơ về Hà Nội, và thấy Trong chiến tranh (khi trong trạng 14

3

Phương đang cùng trên thuyền

thái mụ mị bởi khói hồng ma)

Can mộng thấy mình chết

Trong chiến tranh (nói với Kiên 22
trước lúc đào ngũ)

4


5

Kiên mơ thấy toàn bộ quãng Sau chiến tranh (trong chuyến thu Tr27
đời chiến đấu của mình

gom hài cốt)

đến tr44

Kiên mơ về Phương

Trong chiến tranh (trong những 32
giấc ngủ về đêm)

6

Mơ trở lại Truông Gọi Hồn

Sau chiến tranh

48

7

Mơ thấy Truông Gọi Hồn và Sau chiến tranh

49

cô giao liên Hòa
8


Mơ thấy đang đi qua đồi “Xáo Sau chiến tranh (khi đang đi trên 50
Thịt” la liệt người chết

9

10

vỉa hè)

Giật mình vì nghe tiếng rú rít Sau chiến tranh (tỉnh dậy khi nghe 50
của trực thăng

tiếng quạt trần)

Kiên mơ thấy Hà Nội

Trong chiến tranh (khi nghe tiếng 74
mưa sa trên vòm lá ở chiến trường)

11

Choàng tỉnh sau cơn mơ và Sau chiến tranh

76

thấy đang ở dưới sàn nhà
12

Nhìn thấy mùa mưa Cánh Bắc, Sau chiến tranh (mơ trong lúc đang 92

Ngọc Bơ Rẫy, truông Gọi Hồn

đứng bên cửa sổ ngắm mưa)


13

Mơ thấy mình suýt chết

Sau chiến tranh

Tr135
và tr288

14

Kiên mơ thấy Phương

Trong chiến tranh (khi những đồng 161
đội giấu anh bí mật đến với người
tình)

15

Kiên mơ thấy Phương

Trong chiến tranh (khi đang mơ 162
màng vì bị thương)

16


Kiên mơ về Phương dù bên Sau chiến tranh (khi Phương đã bỏ 190
cạnh có cô gái khác

đi)

Qua sự thống kê, có thể thấy rằng những giấc mơ sau chiến tranh chiếm số
lượng nhiều hơn cả với tổng số 10/16 lần. Trong những giấc mơ khi đang ở chiến
trường, ngoài giấc mơ duy nhất mà Can kể cho Kiên nghe, tất cả những giấc mơ
còn lại đều là của Kiên. Trong thế giới mộng mị, Kiên chỉ mơ về Phương và Hà
Nội thân yêu của anh. Những cơn mơ chỉ xuất hiện trong những trường hợp Kiên
chìm vào cõi vô thức như: đang trong trạng thái mụ mị bởi khói hồng ma, bị mê
man bởi vết thương, hoặc vào những giấc ngủ chập chờn khi ở trung đội trinh sát.
Khoảng thời gian sau chiến tranh, những giấc mơ đến với Kiên nhiều hơn. Đó
không phải là những giấc mơ ngọt ngào, êm đềm về Phương và về Hà Nội mà là
những cơn mơ mang đầy nỗi bấn loạn, bất an. Không chỉ trong giấc ngủ, cả lúc
đang tỉnh táo, Kiên vẫn có thể bị cuốn trôi vào trong giấc mơ một cách vô thức
không thể cưỡng lại. Những giấc mơ về chiến tranh, về cái chết, về đạn bom không
ngừng ám ảnh Kiên. Kiên thường mơ thấy mình trở lại truông Gọi Hồn, nơi ghi dấu
những kỉ niệm đau thương, khốc liệt của anh và những đồng đội trong chiến tranh.
Có khi, đang đi trên vỉa hè, Kiên lại thấy mình đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người
chết, vỉa hè nồng nặc mùi tử khí. Như một người phát rồ, anh đưa tay lên bịt mũi
giữa phố xá đông người. Hoặc nhiều lúc, giữa đêm khuya, Kiên giật mình bởi
tưởng tiếng quạt trần là tiếng rú rít của trực thăng vũ trang. Sự khốc liệt của chiến
tranh đã ám ảnh, ăn sâu vào tiềm thức Kiên. Vì vậy mà không chỉ khi ngủ, cả lúc


đang tỉnh táo, giấc mơ về thời đại đã qua vẫn tồn tại và không ngừng chi phối cuộc
đời thực của anh sau ngày chiến thắng.
Đến với Những giấc mơ có thực - Vũ Thị Hồng, người đọc khó xác định

rạch ròi ranh giới giữa giấc mơ và đời thực. Sau khi mẩu tin nhắn “tìm những
người bạn cũ ở Trường Sơn” đăng trên báo, cuộc sống thực tại của Tuân bị xáo
trộn. Lần lượt những người năm xưa đã tìm đến chị. Tuy nhiên, những cuộc hội
ngộ ấy không phải diễn ra trong cuộc sống thực mà nó chỉ là những giấc mơ. Đến
với những giấc mơ, Tuân mới có dịp sống thực với bản thân, hiểu được những khát
khao, những mong muốn mà từ lâu chị đã chôn chặt nơi đáy lòng.
Giấc mơ cũng có mặt trong tác phẩm Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn
Quang Thiều). Đến hơn ba lần, tác giả nhắc đến những giấc mơ giống nhau ở hai
nhân vật Ân và Mật. Ân cứ mơ đi mơ lại giấc mơ có vẻ kì lạ “con gà trống tía với
cái mào đỏ rực, cái ức rộng và đôi cựa bóng như ngà mổ mổ vào ngón tay của
mình”, còn Mật cô vẫn mơ những cơn mơ vừa hạnh phúc vừa lo sợ “Mật thấy
người lính trở về và ngay đêm đó Mật có mang. Và cứ tỉnh giấc, Mật mơ hồ lo lắng
khi cảm thấy bụng mình khang khác”. Những giấc mơ kì lạ của Ân và Mật chở đầy
những hi vọng về một ngày đoàn tụ với người chồng thân yêu.
Những cơn mơ cũng luôn thường trực trong giấc ngủ của Thảo (Người sót
lại của rừng cười - Võ Thị Hảo) mỗi khi đêm về. Trở về sau chiến tranh, Thảo chỉ
có hai giấc mơ duy nhất: Giấc mơ thời bé và giấc mơ tuổi thanh xuân. Nếu giấc mơ
thời bé là khoảng thời gian thanh thản, tươi vui của cô với những trò trẻ thơ nhặt
cặp ba lá, hoặc nhặt trứng vịt đẻ rơi thì trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy
tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của người đồng đội. Từ đám
tóc ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo, rắn như thủy tinh không gì đập vỡ.
Ông Tuyển (Trừng phạt – Đỗ Nhật Minh) đêm nào cũng nằm mơ thấy toàn
những chuyện hãi hùng. Trong giấc mơ, ông thấy Thung – người bạn thân trong


những năm kháng chiến trở về để tìm ông hỏi tội. Những ngày sau đó, Tuyển luôn
sống trong trạng thái bất an bởi giấc mơ đó vẫn không ngừng ám ảnh ông.
Khôi (Con đò và người khách lạ - Thái Sinh) đã mơ thấy Đông, người đồng
đội cùng chiến đấu với mình trong chiến tranh. Khôi đã biện hộ về hành động hèn
nhát của mình đã gây ra cái chết cho bạn trong giấc mơ “Ta có lỗi gì? Ừ lúc đó tao

đã sợ chết nên tao không dám nổ súng vào bọn lính đi tuần, nhưng sau đó tao đã
bò vào tìm mày, mày đã bị chúng nó kéo đi rồi. Mày có biết tao đã khóc bao nhiêu
ngày? Sự hi sinh của mày đã thức tỉnh tao, tao đã chiến đấu, đi suốt cuộc chiến
tranh cho tới ngày miền Nam được giải phóng”. Lời biện hộ đó cũng là sự dằn vặt,
ăn năn mà Khôi luôn giấu kín trong suốt nhiều năm.
Giấc mơ đến với hai cô gái trong Đốm lửa - Nguyễn Thị Minh Thúy thật kì
lạ. Cả hai cùng có một giấc mơ giống nhau. Ngọc thấy Thanh nheo mắt chọc cô, và
dành cho cô những cử chỉ âu yếm dịu dàng. Khi Thanh cương quyết nhấc bổng cô
lên bờ cũng là lúc cô bừng tỉnh dậy. Vừa khi đó Mỹ cũng choàng tỉnh. Cả hai cùng
kể cho nhau nghe về giấc mơ của mình. Cuối truyện, người đọc bất ngờ bởi Thanh
đã chết và xác anh nằm cạnh họ, cách nhau chỉ một tấm ván.
Người cha đáng thương (Mai-Thanh Quế) đã thấy con gái mình về báo
mộng nơi chôn cất thi hài của cô. Còn Biền (Đồng đội-Hồ Tĩnh Tâm) mơ thấy đồng
đội trở về nhắc lại lời hứa mà người còn sống chưa thực hiện. Bên cạnh đó, mô-tip
giấc mơ cũng xuất hiện trong các truyện như Truyền thuyết về quán tiên (Xuân
Thiều), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiễn), Anh lính To-ny D (Lê Minh
Khuê), Giấc mộng cuối cùng (Triệu Huấn),… Thế giới bên trong của con người là
một thế giới mang đầy bí mật, những giấc mơ khác nhau đem đến cho người đọc
những khám phá khác nhau về thế giới ấy, giúp người đọc chạm sâu vào những góc
khuất ẩn kín trong tâm hồn người lính. Bên cạnh đó, giấc mơ còn là cầu nối giữa
người còn sống và người đã khuất, để người còn sống thực hiện những nguyện ước
mà người chết còn trăn trở.


1.2.2. Hồn người chết trở về
Hồn người chết trở về cũng là một dạng thức kì ảo tiêu biểu trong các tiểu
thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Thế giới kì ảo về những hồn ma
bóng quế luôn mang đến nơi người đọc sự tò mò hưng phấn, chính vì vậy, những
truyền thuyết về các hồn ma đã xuất hiện từ lâu trong các tác phẩm văn học Cổ,
Trung đại. Tiếp nối những nhà văn đi trước, thế hệ các văn nghệ sĩ trẻ sau này vẫn

tiếp tục gây hứng thú cho người đọc khi đào sâu nguồn cảm hứng với loại mô-tip kì
ảo này. Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh tần số xuất hiện
của dạng thức này khá nhiều(17/50 truyện khảo sát). Các truyện tiêu biểu như Cặp
bồ với ma - Ngô Văn Phú, Bến trần gian- Lưu Sơn Minh, Bướm trắng - Thái Bá
Tân, Anh lính Tony D- Lê Minh Khuê, Hồn trinh nữ - Võ Thị Hảo, Đàn sẻ ri bay
ngang rừng -Võ Thị Xuân Hà, Mắt ma, Vùng sáng của kí ức - Y Ban, Vĩnh biệt
mười tám con gà trống - Nguyễn Quang Lập, Đồng đội - Hồ Tĩnh Tâm, Đốm lửa Nguyễn Thị Minh Thúy, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Tàn đen đốm đỏ- Phạm
Ngọc Tiến, Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai, Ám ảnh có thật – Trần Huy Quang…
Trong các truyện, thế giới hồn ma tồn tại song song với thế giới cõi dương,
linh hồn người chết vẫn thường hiện về, quanh quẩn bên cạnh người còn sống.
Trong Cặp bồ với ma, hồn ma của cô văn công Huệ đêm đêm thường hiện ra làm
bạn với anh chàng canh nghĩa trang. Giữa người và ma nảy sinh mối quan hệ gắn
bó sâu sắc với nhau. Nhờ Huệ mà chàng trai cảm thấy bớt cô độc giữa nghĩa trang
toàn mồ mả người chết. Và chàng trai chính là chỗ dựa để Huệ tâm sự, trút những
phiền muộn của cuộc sống trước kia.
Linh hồn người lính trong Bến trần gian dù hi sinh đã nhiều năm vẫn còn
quanh quẩn trong rừng. Được ông già cho chiếc lá, anh gài vào vành tai – chiếc lá
như bùa hộ mệnh giữ cho linh hồn anh không bị tan ra khi trở về. Ngay trong đêm
đó anh bắt đầu cuộc hành trình về lại quê nhà gặp lại những người thân yêu. Cuối
cùng anh đã đến được bến sông – nơi giao nhau giữa người còn sống và người đã


chết. Chỉ cần vượt qua trở ngại này, anh sẽ về được nhà. Nhưng ai sẽ là người đưa
anh qua sông? Chính Thùy- người yêu của anh ngày xưa. Hai người cùng ngồi
chung trên một con thuyền, cùng đối mặt nhau nhưng họ đã không nhận ra nhau.
Sau chiến thắng, Xuân Sinh (Bướm trắng) trở lại Cổng Trời thăm mộ Bạch
Điệp - người con gái anh yêu đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Tại đây, anh đã
gặp lại linh hồn của nàng. Do bị trúng rốc-két nên người Bạch Điệp bị xé thành
nhiều mảnh nhỏ. Bằng tình yêu của mình, Xuân Sinh đã dùng máu trong tim chàng
vá lại những mẩu thi thể bị chiến tranh xé nát. Mất đúng một năm, chàng đã truyền

đủ sự sống cho Bạch Điệp và vá hết những mẩu thi thể nàng. Hai người sống với
nhau hạnh phúc như những đôi vợ chồng bình thường khác. Nhưng có điều họ chỉ
sinh toàn bướm và bướm.
Đọc Đàn sẻ ri bay ngang rừng, người đọc không khỏi xúc động bởi sự thông
linh giữa người còn sống và người đã khuất. Sống giữa gia đình nhà chồng, Diễm
cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Diễm thù ghét tất cả những người ở nhà chồng duy chỉ có
một người cô yêu thương và ao ước được gặp, đó là Nẫm – người anh chồng đã hi
sinh trong chiến tranh. Diễm mơ hồ cảm nhận được sự có mặt của anh trong nhà
cũng mơ hồ cảm nhận được có một sợi dây tình cảm đặc biệt giữa hai người.
Những dự cảm của cô, lúc đầu Thản cho bậy bạ, tuy nhiên cuối cùng anh đã tin và
đã nhờ Diễm khấn tìm hài cốt của Nẫm bởi “con người khi chết thịt da trả cốt nhục
chỉ có tâm linh thuộc về tiền duyên”.
Trong Vùng sáng của kí ức, chị Bưởi và anh Tính sắp lấy nhau thì anh phải
đi bộ đội và đã hi sinh. Bao năm, chị vẫn luôn yêu anh và theo lời chị kể thì “đêm
nào anh ấy cũng về với chị. Chị vui anh ấy cũng biết, chị buồn anh ấy cũng biết…
Chị chẳng đi lấy chồng đâu. Chị trọn đời, trọn kiếp với anh ấy”.
Chết không có nghĩa là hoàn toàn biến mất. Đôi khi vì một lý do nào đó,
người chết vẫn có thể trở về đi lại, nói chuyện với những người còn sống. Khi đã là
hồn ma, họ có thể làm những việc mà người còn sống không thể thực hiện. Hồn ma


×