Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CHỦ ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (154.9 KB, 11 trang )

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CHỦ ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG
DẠY HỌC ĐỊA LÍ
Ngoại khoá là hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp, không quy định bắt buộc
trong chương trình, là hình thức tổ chức dựa trên sự tự nguyện tham gia của những
học sinh (HS) có hứng thú, yêu thích bộ môn và ham muốn tìm tòi, sáng tạo các nội
dung học tập, dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV) nhằm bổ sung, củng cố, mở
rộng và nâng cao những kiến thức - kĩ năng bộ môn đã được học trong chương trình
nội khoá, đồng thời góp phần giáo dục HS một cách toàn diện. Chính vì vậy hoạt
động ngoại khoá được xem là một hình thức dạy học quan trọng, mang lại hiệu quả
cao, là một trong những con đường để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo
hướng “phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học,
bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập
và ý chí vươn lên” (theo điều 5, khoản 2, chương 1 Luật Giáo dục Việt Nam - 2005).
Hoạt động ngoại khoá được phân biệt với các hình thức tổ chức dạy học khác
bởi những đặc điểm chủ yếu sau :
- Là hoạt động ngoài giờ lên lớp, không được quy định trong chương trình nội
khoá.
- Là hoạt động tự nguyện của cá nhân hay một nhóm HS có cùng hứng thú, sở
thích và mối quan tâm về một hay nhiều vấn đề nào đó trong nội dung học tập.
- GV không trực tiếp hoạt động cùng HS nhưng là người hướng dẫn tổ chức,
tư vấn và có thể trong những trường hợp cần thiết còn là người chỉ đạo, điều khiển
các hoạt động ngoại khoá của HS.
- Nội dung ngoại khoá thường liên quan với nội dung học tập trong chương
trình, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương và đặc điểm của các đối tượng tham
gia hoạt động.
- Không bị khống chế về thời gian như trong các bài học chính khoá


- Hoạt động dưới các hình thức phong trào tập thể có sự ủng hộ và giúp đỡ
của cộng đồng, nhà trường, GV, tổ chức Đoàn - Đội…
- Hình thức hoạt động tổ chức theo phương thức lựa chọn.


- Không tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả của các hoạt động ngoại khoá
bằng các hình thức như trong giờ học nội khoá (như cho điểm) mà nên dựa vào các
yếu tố sau:
+ Sản phẩm của buổi ngoại khoá.
+ Tính tích cực và tự lực sáng tạo của HS.
+ Kết quả được đánh giá công khai.
+ Không cho điểm nhưng phải có hình thức động viên, khích lệ kịp thời như
biểu dương, khen thưởng.
Ngoại khoá là một hình thức dạy học đặc thù, dựa trên tinh thần tự nguyện
chứ không bắt buộc. Do vậy, để hoạt động ngoại khoá thực sự phát huy được vai
trò to lớn trước hết phụ thuộc vào hứng thú, sự say mê của HS, sự nhiệt tình và
lòng yêu nghề cũng như năng lực tổ chức sáng tạo của người thầy.
Trong số các môn học, môn Địa lí là một trong những môn học có thể tổ chức
được nhiều hoạt động ngoại khóa với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết
thực. Trong các nội dung có thể tổ chức ngoại khóa thì nội dung về Môi trường
được quan tâm nhiều nhất. Đây là một nội dung không mới, nhưng không bao giờ
là cũ đối với người học. Trước những vấn đề nóng về Môi trường hiện nay, việc
hình thành cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cần thiết, đặc biệt là thái độ ứng
xử và hành vi của học sinh là hết sức cần thiết. Chúng tôi xin gợi ý một số hình
thức tổ chức hoạt động ngoại khóa và ví dụ minh họa về hoạt động ngoại khóa chủ
đề môi trường trong dạy học địa lí mà GV có thể tham khảo.
Hình thức thứ nhất: Báo cáo ngoại khoá về vấn đề Môi trường
- Mục tiêu:


Giúp cho HS:
+ Mở rộng hiểu biết về môi trường (tài nguyên thiên nhiên, sự thay đổi
của khí hậu, phát triển nông thôn, đô thị hoá bền vững).
+ Rèn luyện cho HS phương pháp thu thập tài liệu, khả năng diễn đạt
bằng lời nói.

- Nội dung báo cáo:
+ Các vấn đề về môi trường trên thế giới, của Việt Nam và ở địa phương.
+ Các biện pháp bảo vệ môi trường như bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai, bảo vệ
nguồn nước sạch, xử lí và phân loại rác thải.
- Cách thức tiến hành:
Người báo cáo có thể là các nhà văn hoá, môi trường hoặc các nhà kinh tế;
các thầy cô giáo hoặc giao cho HS tự chuẩn bị. Nếu HS báo cáo, GV có thể hướng
dẫn các em thu thập tư liệu từ báo chí, ti vi, mạng Internet, từ thực tế địa phương.
Khi tiến hành báo cáo, để hấp dẫn người nghe, báo cáo viên nên chuẩn bị
tranh ảnh, băng hình, máy tính, màn chiếu để hỗ trợ cho bài nói.
Sau khi nghe báo cáo, GV nên tổ chức cho HS viết thu hoạch về nhận thức
cũng như cảm xúc của mình đối với vấn đề được nghe.
Hình thức thứ hai: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu môi trường của địa
phương, đất nước
- Mục tiêu:
Giúp cho HS:
+ Quan tâm đến những vấn đề môi trường, phát triển các ngành nghề ở địa
phương.
+ Phát triển năng lực tiềm ẩn trong các em như khả năng viết, vẽ, sáng tác, tổ
chức các hoạt động tập thể.
- Nội dung thi:
Tìm hiểu thực trạng môi trường và việc phát triển kinh tế ở địa phương. Đây
là một hình thức giúp HS thể hiện xúc cảm, thái độ trước những vấn đề môi trường
của địa phương.
- Thành phần dự thi: Cá nhân, nhóm, đơn vị lớp.


- Sản phẩm thi: Thơ ca, nhạc, kịch, tiểu phẩm, tranh vẽ, bài viết…
- Thời gian tổ chức thi: Ngày thành lập Đoàn (26/3), Tuần lễ vệ sinh nước
sạch và môi trường( 29/4 – 6/5), ngày môi trường thế giới (5/6)…

- Lập ban giám khảo đánh giá cuộc thi gồm GV và đại diện các lớp (các
chi đoàn).
Hình thức thứ ba: Tổ chức nghiên cứu môi trường của địa phương
- Mục tiêu:
+ Rèn luyện cho HS kĩ năng nghiên cứu, điều tra về vấn đề môi trường và bảo
vệ môi trường.
- Nội dung nghiên cứu:
Tuỳ theo tình hình thực tế của từng địa phương, GV có thể chọn vấn đề và tổ
chức cho HS nghiên cứu. Việc nghiên cứu có thể tiến hành theo nhóm trên tinh
thần tự nguyện. Mỗi nhóm nghiên cứu một vấn đề và được tiến hành trong suốt
năm hoặc theo học kì. Đối với HS miền núi có thể tổ chức cho các em quan sát,
điều tra về:
+ Tình hình xói mòn đất ở địa phương (xác định những nơi gây xói mòn, xác
định nguyên nhân và biện pháp phòng chống).
+ Tình hình cháy rừng: Diện tích rừng bị cháy, thời gian rừng bị cháy, các
nguyên nhân gây cháy rừng, biện pháp phòng chống.
+ Các hệ sinh thái tự nhiên ở vùng đồi - núi: Diện tích, các loài thực vật, các
loài động vật, các loại côn trùng và quan hệ giữa chúng với nhau trong hệ sinh thái.
Đối với HS đồng bằng, miền núi có thể tổ chức cho các em tìm hiểu, điều tra:
+ Tình hình lũ lụt: Ghi chép, theo dõi hàng tuần mực nước của một con sông
sau cơn mưa to hay bão, vẽ lược đồ các kênh thoát nước.
+ Ô nhiễm các sông, hồ:
Quan sát tình trạng sông ngòi, hồ về màu sắc, độ đục, mức độ xuyên thấu của
ánh sáng, các chất thải từ 2 bờ sông đổ vào sông.
Phân tích các mẫu nước theo các chỉ số đơn giản (chỉ số vô cơ như độ pH, độ
đục, chỉ số hữu cơ như vi sinh vật, tảo).


Tìm hiểu xem họ có tắm giặt ở đây không? Có đánh bắt được nhiều cá không?
Có đất canh tác ven sông, có các nhà máy xí nghiệp ở gần sông không?

Trên cơ sở quan sát, phân tích và tìm hiểu, rút ra nguyên nhân gây ô nhiễm và các
biện pháp phòng chống, các hoạt động của HS tham gia vào việc bảo vệ nguồn nước.
Đối với HS thành phố có thể nghiên cứu các chủ đề sau:
+ Rác thải: Khảo sát các hộ gia đình về việc đổ rác, các loại rác thải, biện
pháp giảm thiểu rác thải và tái chế rác thải.
+ Khói ở các nhà máy: Quan sát độ cao cột khói, hướng gió, mùi liên quan tới
sản phẩm của nhà máy.
Hình thức thứ tư: Tổ chức tham quan về môi trường
- Mục tiêu: Giúp cho HS:
+ Hiểu biết về thiên nhiên, mở rộng tầm nhìn về môi trường tự nhiên và môi
trường xã hội của một nơi nào đó.
+ Giáo dục cho HS tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước
+ Giáo dục cho HS bảo vệ các thành quả về môi trường do con người xây
dựng và phát triển.
- Nội dung tham quan:
+ Các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực ô nhiễm môi trường, cải thiện môi
trường tốt.
+ Qua các đợt tham quan, dã ngoại này, HS có dịp hiểu biết thêm về con
người. Nhà GD người Nga K.Đ Usinxki đã rất có lí khi đưa ra nhận xét sau: “Cảnh
đẹp có tác dụng lớn lao đối với tâm hồn trẻ em và lời nói của nhà GD khó có thể
cạnh tranh được với những cảnh đẹp đó, rằng: Một ngày trẻ em được băng qua
những khu rừng và những cánh đồng có giá trị bằng nhiều tuần lễ ngồi trên ghế
nhà trường”.
- Cách tiến hành:
+ GV phải lựa chọn địa điểm tham quan cẩn thận.
+ Thông báo cho HS trước để HS chuẩn bị tư trang.
+ Trong khi tham quan, hướng dẫn HS chú ý đến đối tượng tham quan như
phát hiện xấu phá hoại môi trường (đốn chặt rừng bừa bãi…). GV cần nhắc nhở



HS không thải rác ra nơi tham quan, đốt lửa trại trong rừng, gây huyên náo, ảnh
hưởng đến động vật rừng.
+ Sau khi tham quan, GV yêu cầu HS viết báo cáo theo dàn ý cho sẵn:
• Đặc điểm môi trường nơi tham quan.
• Những vấn đề cần chú ý phòng chống, bảo vệ.
Hình thức thứ năm: Tổ chức cho HS tham gia các hoạt động bảo vệ môi
trường ở nhà trường và địa phương
- Mục tiêu:
Giúp cho HS vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tế, tạo cho
các em tình cảm, thái độ đối với môi trường.
- Nội dung:
Tổ chức trồng cây xanh, phân loại rác thải trước khi đưa vào nơi qui định,
tham gia phong trào tuần lễ “Vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm sạch thế
giới”, lập các dự án bảo vệ môi trường ở trường học. Thông qua lập dự án tạo cho
HS một thói quen đặt mình vào vị trí của những người luôn quan tâm và có hành
động tích cực đối với môi trường. Nó tạo cảm xúc, óc tưởng tượng, phát huy khả
năng, kinh nghiệm của HS. Nếu dự án được thực hiện nó sẽ tạo sự thay đổi trong
môi trường trường học, địa phương của HS. Qui trình thiết kế một dự án như sau:
+ Bước 1: Phân tích hiện tượng, bối cảnh của dự án. Tính cấp thiết của dự án.
+ Bước 2: Mục tiêu của dự án.
+ Bước 3: Các sản phẩm dự kiến cần đạt được.
+ Bước 4: Phương thức tiến hành.
• Chuẩn bị phương tiện, tài liệu.
• Chuẩn bị nguồn lực.
• Bố trí thời gian, địa điểm.
+ Bước 5: Thực hiện dự án.
+ Bước 6: Đánh giá dự án (Đối chiếu với mục tiêu đặt ra).
Hình thức thứ sau: Tổ chức câu lạc bộ môi trường, câu lạc bộ phát triển
bền vững



Câu lạc bộ môi trường, câu lạc bộ phát triển bền vững với các hoạt động đa
dạng: thảo luận, tranh luận các vấn đề văn hoá, môi trường và phát triển kinh tế;
văn nghệ (đố vui, chuyện kể, dạ hội với các chủ đề khác nhau) như hoà bình và an
ninh, sức khoẻ; sự thay đổi của khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; giảm
nghèo, kinh tế thị trường. Tuỳ theo lứa tuổi của HS, tương ứng với nội dung học
tập của HS, mỗi nhóm HS tham gia phải chuẩn bị tư liệu để thuyết minh về những
vấn đề đó, chẳng hạn vấn đề này xảy ra ở đâu? Nguyên nhân xảy ra? Xảy ra vào
thời điểm nào? Nội dung của vấn đề đó. Những ai có trách nhiệm giải quyết vấn đề
này? Các biện pháp giải quyết chúng?
Tuy có nhiều hình thức ngoại khóa GDPTBV như trên nhưng sự phân chia
này chỉ mang tính chất tương đối. Mỗi một hình thức ngoại khóa có nội dung riêng
được đặc trưng bởi phương pháp tiến hành và cách thức tổ chức thích hợp, song
giữa các hình thức ngoại khóa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều
trường hợp, hình thức ngoại khóa này có thể thực hiện trong hình thức tổ chức
khác hoặc được dùng ngay cả trong dạy học nội khóa.
Ví dụ minh họa:
BÁO CÁO NGOẠI KHOÁ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ MANG TÍNH TOÀN CẦU

I. Tên Hoạt động ngoại khóa
- Báo cáo ngoại khóa với chủ đề: “Thế giới hôm nay và sự bền vững cho mai
sau”.
- Đối tượng tham gia: HS lớp 11 – THPT.
II. Mục tiêu
- Giúp cho HS hiểu rõ hơn về các vấn đề mang tính toàn cầu sau khi học
xong bài “Một số vấn đề mang tính toàn cầu” (Địa lí 11), những thách thức,
nguy cơ đối với thế giới hiện đại và vai trò của mỗi cá nhân, của cộng đồng
trong việc giải quyết các vấn đề đó vì một tương lai bền vững.



- Cung cấp cho HS những kiến thức, các biện pháp và kĩ năng tham gia giải
quyết các vấn đề toàn cầu, có thái độ đúng đắn khi đứng trước các vấn đề đó của
đất nước, của địa phương.
III. Nội dung, hình thức và thời gian thực hiện
1. Nội dung
- Đề cập đến những vấn đề toàn cầu của thế giới hiện đại, nguyên nhân, hậu
quả và những giải pháp của cộng đồng quốc tế trước những vấn đề đó.
- Vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là của mỗi HS trong việc
giải quyết các vấn đề của địa phương, đất nước.
2. Hình thức tổ chức
- HS nghe báo cáo về những nội dung trên, nêu những thắc mắc và sẽ được
giải quyết ngay trong buổi thuyết trình. Sau đó mỗi HS sẽ viết một bài thu hoạch
kết quả qua buổi nghe báo cáo đó.
3. Thời gian
- Tiến hành 45 – 60 phút.
IV. Các bước tiến hành
1.Chuẩn bị
- Trước hết GV bộ môn cần trình bày với ban giám hiệu nhà trường về kế
hoạch làm việc của mình để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về mặt tổ chức cũng
như cơ sở vật chất.
- Đối với HS: GV thông báo kế hoạch và hướng dẫn HS tìm hiểu trước nội
dung có liên quan để thuận lợi cho việc tiếp thu vấn đề một cách nhanh chóng và
có hiệu quả.
- Lựa chọn người báo cáo chuyên đề: người báo cáo có thể là GV hoặc giao
cho HS thu thập tài liệu và báo cáo.


- Lựa chọn nội dung báo cáo: căn cứ vào trình độ nhận thức của HS và yêu
cầu của chương trình học, thực tế nhà trường, tính cấp thiết của vấn đề để lựa chọn
nội dung báo cáo cho phù hợp.

Trong hoạt động này, tuỳ thuộc vào từng trường cụ thể mà GV có thể chọn
nội dung báo cáo cho phù hợp. Ví dụ: ở các trường nông thôn có thể chọn vấn đề
bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường,... các trường miền núi có thể chọn vấn đề
nghèo đói, suy giảm đa dạng sinh học,... các trường ở thành thị có thể chọn vấn đề
biến đổi khí hậu toàn cầu và suy giảm tầng ôzôn, ô nhiễm môi trường...
- Chuẩn bị thu thập thông tin, số liệu, tài liệu liên quan đến chuyên đề thông
qua sách vở, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng (ti vi, Internet...). Lưu ý:
thông tin phải có sự chọn lọc, tránh dài dòng, lan man sang các vấn đề khác.
- Chuẩn bị đề cương báo cáo.
- Chọn địa điểm, thời gian báo cáo.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất và phương tiện báo cáo (máy chiếu, hình ảnh, âm
thanh, video...).
- Nên chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ để biểu diễn đan xen trong buổi báo cáo.
2. Triển khai
- Người báo cáo tự giới thiệu, nêu mục đích của buổi thuyết trình, nêu bố cục
phần trình bày và một số yêu cầu khi nghe báo cáo.
- Bắt đầu trình bày (theo đề cương mà người báo cáo đã chuẩn bị).
- Xen kẽ các tiết mục văn nghệ để tạo không khí bớt căng thẳng kết hợp cho
các em thảo luận và giải đáp câu hỏi, thắc mắc về những vấn đề mà báo cáo viên
vừa trình bày.
V. Củng cố, đánh giá
1. Củng cố


- Sau buổi báo cáo, GV cho HS viết bài thu hoạch tổng kết những nội dung đã
được tiếp thu. Nhận xét, rút kinh nghiệm định hướng cho những buổi báo cáo
chuyên đề tiếp theo.
2. Đánh giá
Đánh giá mức độ thành công của buổi báo cáo dựa vào các tiêu chí sau
đây:

- Cung cấp đầy đủ nội dung của chủ đề báo cáo.
- Đạt được mục đích tuyên truyền.
- Nhận thức, thái độ và hành vi của HS sau khi tham gia buổi báo cáo.
VI. Gợi ý cho người sử dụng
- Có thể tổ chức cho tất cả HS trong toàn trường và những ai quan tâm đến
các vấn đề toàn cầu.
- Nếu tổ chức hình thức này cho nhiều lớp thì nên cho mỗi lớp viết báo cáo về
một vấn đề.
- Thời điểm tổ chức nên tiến hành vào các dịp kỉ niệm như ngày Môi trường
thế giới, ngày dân số thế giới,... trước toàn trường hoặc đối với HS lớp 11 sau khi
học xong bài “Một số vấn đề mang tính toàn cầu”.
- Có thể tiến hành theo định kì, tuỳ từng nội dung phục vụ cho các học phần
chính khoá.
- Cần tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành ở địa phương, ban giám
hiệu, đoàn thể giúp đỡ về mặt vật chất, kinh phí chi buổi báo cáo.
- Có thể giao cho HS chuẩn bị báo cáo. Việc làm này sẽ giúp HS tích cực hơn
thông qua việc thu thập, tổ chức hoạt động.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.

Đổi mới giáo dục Địa lí theo định hướng của giáo dục vì sự phát triển bền
vững. Trần Đức Tuấn. Hội nghị “Nghiên cứu khoa học và đổi mới nội dung,
phương pháp giảng dạy Địa lí”, Hà Nội 2006.

2.

Giáo án và tư liệu điện tử giảng dạy Địa lí lớp 11. Vũ Đình Hoà, Kiều Văn

Hoan, Nguyễn Thanh Xuân, Ngô Thị Hải Yến. NXB ĐHSP, Hà Nội 2007

3.

Giáo dục môi trường qua môn Địa lí ở trường phổ thông. Nguyễn Phi
Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hằng. NXB ĐHSP, Hà Nội 2004.

4.

Giáo dục vì sự phát triển bền vững qua môn Địa lí. Đặng Văn Đức,
Nguyễn Thị Thu Hằng, Trần Đức Tuấn. Tài liệu dạy học dành cho sinh viên
khoa Địa lí - trường ĐHSP Hà Nội, Hà Nội 2008.

5.

Hoạt động ngoại khoá Địa lí ở trường phổ thông. Nguyễn Đức Vũ.

6.

Phương pháp dạy học Địa lí theo hướng tích cực. Đặng Văn Đức, Nguyễn
Thị Thu Hằng. NXB ĐHSP, Hà Nội 2004.

7.

Thiết kế mẫu mô đun GD môi trường ở trường phổ thông ngoài giờ lên
lớp. Dự án VIE/98/018.

8.

Tìm hiểu kiến thức Địa lí 11. Nguyễn Đức Vũ, Nguyễn Đăng Chúng. NXB

GD, Hà Nội 2007.
Tác giả: Dương Thị Sáng – TTGDTX&DN Yên Lạc



×