MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Trong vốn từ tiếng Việt, từ Hán - Việt là lớp từ vựng có đặc điểm
riêng, không chỉ chiếm số lượng lớn nhất, chúng còn là lớp từ vay mượn mà
phần lớn các yếu tố trong từ phải hoạt động hạn chế, vì thế cảm nhận chung
của nhiều người là chúng khó hiểu. Mặt khác, nằm trong sự đối lập về nghĩa
với lớp từ thuần Việt, từ Hán - Việt mang phong cách trừu tượng cổ kính, do
vậy người Việt khó liên tưởng một cách cụ thể về đối tượng mà từ Hán - Việt
gọi tên. Cho nên nghiên cứu từ Hán -Việt về phương diện nào cũng cần thiết
đối với nghiên cứu vốn từ tiếng Việt.
2. Đối với người bản ngữ, việc tiếp nhận lớp từ Hán - Việt nói riêng,
vốn từ tiếng Việt nói chung chủ yếu là bằng hai con đường: giao tiếp tự nhiên
với gia đình, xã hội và học hành qua sách vở trong nhà trường. Việc hiểu biết
để sử dụng từ Hán - Việt một cách thành thạo là việc vô cùng khó khăn phức
tạp, nhất là đối với học sinh cấp đầu phổ thông. Cho nên nghiên cứu ngôn ngữ
trong nhà trường nói chung, tìm hiểu vốn từ Hán Việt trong sách Tiếng Việt
nói riêng là đối tượng quan tâm hàng đầu đối với người nghiên cứu cũng như
người dạy học.
3. Một trong những mục đích dạy tiếng Việt cho học sinh phổ thông là
cung cấp vốn từ. Trong các cấp học phổ thông, Tiểu học là cấp học mà mục
đích đó được xem là quan trọng nhất. Vì thế, trong chương trình sách Tiếng
Việt và sách Ngữ Văn phổ thông cải cách hiện nay, từ Hán - Việt chủ yếu
được dạy học ở cấp Tiểu học với số lượng từ rất lớn và đủ các dạng cấu tạo,
nội dung ngữ nghĩa phản ánh của từ trải rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống
khác nhau. Việc nắm được đặc điểm từ Hán - Việt trong sách Tiểu học là cơ
sở hiểu biết cần thiết cho giáo viên THCS và THPT thực hiện dạy tiếng Việt
theo yêu cầu tích hợp. Việc nghiên cứu lớp từ này không chỉ cần thiết đối với
công việc giảng dạy học tập tiếng Việt trong nhà trường mà còn hữu ích với
nghiên cứu tiếng Việt về lý thuyết cũng như thực tiễn sử dụng.
1
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn khảo sát: từ Hán - Việt
trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc Tiểu học làm đề tài luận văn của mình.
II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Trong lịch sử nghiên cứu từ Hán - Việt, từ lâu đã có nhiều công trình
khoa học đi sâu nghiên cứu lớp từ này theo những khuynh hướng khác nhau,
có thể khái quát thành mấy xu hướng chính như sau:
- Nghiên cứu từ Hán - Việt gắn với nguồn gốc, lịch sử tiếng Việt.
- Nghiên cứu từ Hán - Việt về một phương diện cụ thể: cấu tạo, đặc
điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa và phong cách.
- Xây dựng từ điển từ Hán - Việt.
- Nghiên cứu từ Hán - Việt gắn với dạy- học ở trường phổ thông.
Đối với khuynh hướng nghiên cứu từ Hán - Việt gắn với nguồn gốc,
lịch sử tiếng Việt: Nghiên cứu từ Hán - Việt dưới góc độ lịch sử hình thành
lớp từ Hán - Việt nói riêng và sự biến đổi phát triển biến đổi của tiếng Việt
nói chung là hướng nghiên cứu của nhiều tác giả, trong đó Nguyễn Tài Cẩn
và Nguyễn Ngọc San là hai nhà nghiên cứu có những công trình qui mô nhất.
Trong công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt
(Nguyễn Tài Cẩn, NXB ĐHQG Hà Nội, tái bản 2000), ông đã chỉ ra cơ sở và
nguyên nhân hình thành lớp từ Hán - Việt nói chung và cách đọc Hán- Việt
nói riêng một cách hệ thống khoa học nhất.
Ngoài ra, trong công trình Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và
văn hoá, (NXB ĐHQG Hà Nội, 2001) tác giả Nguyễn Tài Cẩn đã chỉ ra vai
trò của ngôn ngữ văn tự Hán khi chia lịch sử mười hai thế kỷ của tiếng Việt
thành sáu giai đoạn cụ thể. Trong sáu giai đoạn này, vai trò của ngôn ngữ và
văn tự Hán được đề cập một cách rõ ràng.
Nguyễn Ngọc San, trong công trình Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, (NXB
ĐHSP 2003), tác giả đã trình bày một số vấn đề cụ thể về ngữ âm lớp từ Hán
Việt đặt trong quan hệ với lịch sử phát triển của tiếng Việt.
Khuynh hướng nghiên cứu từ Hán - Việt về một phương diện cụ thể:
cấu tạo, đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa và phong cách: Có rất nhiều tác giả
2
đã lựa chọn khuynh hướng này khi nghiên cứu từ Hán - Việt. Trong các công
trình nghiên cứu tiêu biểu từ Hán - Việt theo hướng này, nhiều ccông trình đã
khái quát được những đặc điểm của từ Hán - Việt về các phương diện khác
nhau. Trước hết phải kể đến các giáo trình từ vựng học tiếng Việt, như Từ
vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt (1981) của Đỗ Hữu Châu, Từ vựng tiếng Việt
hiện đại (1968) của Nguyễn Văn Tu, Từ vựng học tiếng Việt (1985) của
Nguyễn Thiện Giáp,…Ngoài ra cần phải nhắc đến công trình Mẹo giải nghĩa
từ Hán - Việt (Phan Ngọc, NXB Đà Nẵng, 1984), ở công trình này ông đã tập
trung nghiên cứu các vấn đề cấu tạo và ngữ nghĩa của từ Hán - Việt, chỉ ra hai
loại yếu tố Hán - Việt xét về mặt hoạt động và khả năng sản sinh, giải thích
nguyên nhân tính khó hiểu về nghĩa và phong cách từ Hán - Việt. Đây là một
công trình khoa học nhưng được viết theo hình thức như kể chuyện, lối văn
phong mộc mạc, dung dị, vì thế người đọc có thể lĩnh hội tri thức về từ Hán Việt không mấy khó khăn.
Khuynh hướng xây dựng từ điển từ Hán -
Việt: Do vị trí, đặc điểm và vai trò của từ Hán - Việt trong tiếng Việt nên
nhiều tác giả đã bỏ nhiều công sức thu thập, giải thích từ ngữ Hán - Việt, kết
quả cho tới ngày nay đã có nhiều từ điển từ Hán - Việt qui mô khác nhau ra
đời. Đây là những cuốn sách công cụ giúp ích nhiều cho việc lĩnh hội, sử
dụng giảng dạy từ Hán - Việt. Có thể kể ra các cuốn từ điển Hán - Việt thông
dụng như:
- Từ điển Hán - Việt, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội, 2000.
- Từ điển từ Hán - Việt, Phan Văn Các, NXB Thành phố Hồ Chí Minh,
2001.
- Từ điển yếu tố Hán - Việt thông dụng, Viện Ngôn ngữ học, NXB
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
- Từ điển từ và ngữ Hán - Việt, Nguyễn Lân, NXB Văn học, H, 2002.
Trong những cuốn từ điển trên, hầu hết các tác giả đã thống kê và khảo
sát cụ thể những từ (hoặc yếu tố Hán - Việt) được sử dụng trong giao tiếp
hoặc cấu tạo từ với sự chú giải đầy đủ nghĩa gốc, nghĩa phái sinh.
3
Khuynh hướng nghiên cứu từ Hán - Việt gắn với dạy - học ở trường
phổ thông: Đây là khuynh hướng nghiên cứu từ Hán - Việt hướng đến mục
đích phục vụ cho việc dạy học từ Hán - Việt nói riêng và và từ tiếng Việt nói
chung trong trường học. Vì vậy, đây cũng là lĩnh vực có nhiều người quan
tâm, có nhiều công trình nhất. Có thể dẫn ra các công trình tiêu biểu như: Dạy
và học từ Hán - Việt ở trường phổ thông (Đặng Đức Siêu, NXB Giáo dục,
2000); Những vấn đề Ngôn ngữ sách giáo khoa (Phan Văn Các, tập II, NXB
KHXH, 1983); Rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt và mở rộng vốn từ Hán
- Việt (Nguyễn Quang Ninh (chủ biên), Đào Ngọc, Đặng Đức Siêu, Lê Xuân
Thại, NXB GD, 2001); Những vấn đề Ngôn ngữ sách giáo khoa, tập IV
(Nguyễn Thị Tân, 1983), Từ Hán Việt và việc dạy học từ Hán Việt ở tiểu học
(Hoàng Trọng Canh, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009).…Bên cạnh những
công trình này, còn có các bài viết nghiên cứu từ Hán - Việt gắn liền với vấn
đề giảng dạy tiếng Việt, như các bài: Dạy từ Hán - Việt cho học sinh THPT
(Hoàng Trọng Canh, Tạp chí Thế Giới trong ta, PB10, 2007); Dạy và học từ
Hán - Việt ở trường phổ thông (Trương Chính, Tiếng Việt, số 7/1989); Từ
Hán - Việt và vấn đề dạy học từ Hán - Việt trong nhà trường Phổ thông
(Nguyễn Văn Khang, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/ 1994); Xung quanh vấn đề dạy
và học từ ngữ Hán - Việt ở trường Phổ thông (Lê Xuân Thại, Tạp chí Ngôn
ngữ, số 4/ 1990) ; Dạy cho học sinh các yếu tố và các kiểu quan hệ ngữ nghĩa
trong các đơn vị địa danh (Phan Thiều, Tiếng Việt, tập I, H, 1998),…. Trong
những bài viết này, các tác giả đều nhắc lại những đặc điểm của từ Hán - Việt,
nhận xét chương trình và sách giáo khoa, từ đó nêu lên những định hướng dạy
từ Hán - Việt theo phương pháp cụ thể mà tác giả đề xuất đối với các cấp học
trong nhà trường để đạt hiệu quả cao nhất,….
Tóm lại, trong lịch sử gần 100 năm nghiên cứu từ Hán Việt, lớp từ này
đã được nghiên cứu theo nhiều khuynh hướng, nhiều góc độ. Nhìn một cách
tổng quát, những công trình nghiên cứu này đã khái quát tương đối đầy đủ
những đặc điểm của lớp từ Hán Việt về các phương diện nguồn gốc, lịch sử,
cấu tạo hình thức và nội dung ngữ nghĩa cũng như những vấn đề về dạy học
4
từ Hán Việt trong nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề từ Hán Việt ở
tiểu học vẫn chưa được các tác giả quan tâm nghiên cứu như một đề tài độc
lập. Đó cũng chính là cơ sở quan trọng để chúng tôi mạnh dạn đi sâu tìm hiểu
vấn đề này.
III. MỤC ĐÍCH NHIỆM VỤ VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1. Mục đích
1.1. Qua khảo sát, thống kê để nắm được số lượng, tần số từ Hán - Việt
được các soạn giả sử dụng dạy cho học sinh trong sách Tiếng Việt các lớp và
toàn bộ cấp Tiểu học; thấy được các loại từ được dạy xét theo cấu tạo và ngữ
nghĩa, từ đó đi đến xây dựng bảng từ Hán - Việt trong chương trình sách Tiểu
học, hi vọng qua đó có thể giúp cho công tác dạy học từ Hán Việt ở Tiểu học
tốt hơn.
1.2. Qua khảo sát từ Hán - Việt trong sách Tiếng Việt có thể nắm được
đặc điểm lớp từ này được dạy cho học sinh từ đó góp thêm tiếng nói vào việc
biên soạn, chỉnh lý sách giáo khoa cũng như giảng dạy từ Hán - Việt phù hợp,
hiệu quả hơn.
2. Nhiệm vụ
2.1. Thống kê, phân loại và miêu tả vốn từ Hán - Việt xuất hiện trong
tất cả các bài học (tập đọc, chính tả, tập làm văn, luyện từ và câu) trong sách
Tiếng Việt Tiểu học về cấu tạo và ngữ nghĩa (có bảng từ).
2.2. Đối chiếu đặc điểm vốn từ trong sách Tiếng Việt thu được với vốn
từ Hán - Việt nói chung về cấu tạo, ngữ nghĩa, trên cơ sở nội dung và phương
pháp học mà sách giáo khoa áp dụng, nêu lên một vài đề xuất có liên quan.
3. Đối tượng
Đối tượng khảo sát của luận văn là từ Hán - Việt trong sách Tiếng Việt
tiểu học (từ lớp 1đến lớp 5).
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện những nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu đã nêu trên,
luận văn sử dụng các phương pháp sau:
5
1. Phương pháp thống kê, phân loại: Phương pháp này được dùng trong
khâu khảo sát, thống kê từ Hán - Việt xuất hiện trong tất cả các bài học sách
giáo khoa Tiếng Việt các lớp 1,2,3,4,5.
2. Phương pháp so sánh đối chiếu: Phương pháp này được dùng khi
phân tích, đối chiếu các loại từ Hán -Việt giữa các lớp, đối chiếu nghĩa được
dạy trong sách với nghĩa trong từ điển để rút ra những nhận xét, đề nghị.
3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp được vận
dụng trong khi miêu tả từ Hán - Việt về cấu tạo - ngữ nghĩa, khái quát các đặc
điểm của từ Hán - Việt theo những phương diện nhất định.
V. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
Lần đầu tiên luận văn cung cấp một bảng từ Hán - Việt trong sách
Tiếng Việt Tiểu học làm tài liệu tham khảo cho công tác dạy - học ở Tiểu học
nói riêng và các cấp học nói chung. Qua kết quả của luận văn, những người
quan tâm đến giảng dạy phổ thông sẽ thấy được diện mạo và đặc điểm từ Hán
- Việt trong sách Tiếng Việt Tiểu học. Luận văn sẽ có những đề xuất và định
hướng thuyết phục về cách nhận diện, dạy từ Hán - Việt theo cấu tạo và ngữ
nghĩa.
VI. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận văn sẽ
được trình bày trong ba chương:
Chương 1: Một số giới thuyết chung liên quan đến đề tài
Chương 2: Từ Hán - Việt trong sách Tiếng Việt các lớp Tiểu học, xét về
cấu tạo và từ loại
Chương 3: Từ Hán - Việt trong sách Tiếng Việt các lớp Tiểu học, xét về
ngữ nghĩa
6
Chương 1
MỘT SỐ GIỚI THUYẾT CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Quá trình và hệ quả của tiếp xúc ngôn ngữ Hán - Việt
Mỗi một sự vật, hiện tượng trong thế giới luôn vận động, phát triển
theo những quy luật chủ quan và khách quan của nó. Từ Hán Việt cũng vậy,
nó là sản phẩm của một quá trình tiếp xúc quy mô, sâu rộng trong một hoàn
cảnh lịch sử đặc biệt giũa hai dân tộc Hán và Việt trên nhiều phương diện.
1.1.1. Bối cảnh xã hội của sự tiếp xúc ngôn ngữ Hán - Việt
7
1.1.1.1. Về lịch sử
Trước khi phong kiến Phương Bắc đặt ách đô hộ gần một nghìn năm,
người Việt đã có tiếng nói riêng của mình. Nhưng để có ngôn ngữ riêng hoàn
thiện như ngày nay, tiếng Việt đã phải trải qua bao chặng đường phát triển
thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc. Đó là một sự tiếp xúc qui mô, sâu rộng,
kéo dài từ khi Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc (năm 179 TCN) đến năm
938 sau Công nguyên (khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán, giành lại chủ
quyền cho dân tộc). Lúc bấy giờ, Triệu Đà sát nhập Âu Lạc (nước Việt cổ)
vào Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Đông - Trung Quốc). Năm
111 (TCN), nhà Hán chiếm Nam Việt, và đổi Nam Việt thành Giao Chỉ bộ.
Trong suốt thời gian gần mười thế kỷ dưới ách đô hộ của phong kiến Trung
Hoa, với tinh thần quật khởi và lòng yêu nước của dân tộc, đã có rất nhiều
cuộc khởi nghĩa anh dũng của nhân dân ta đã diễn ra, nhưng cho mãi đến năm
938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán thì mới mở ra thời kì tự chủ cho
nước nhà. Dưới sự cai trị của nhà Hán, lúc đầu chính quyền đô hộ Phương
Bắc mới tập trung quyền lực ở cấp trung ương, nhưng càng về sau, chúng
càng thâm nhập, đi sâu xuống tận cơ sở, với chính sách "Hán hoá" để bóp
nghẹt tinh thần quật khởi của người Việt. Đặc biệt là từ khi Mã Viện dập tắt
được cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì bộ máy cai trị ngoại bang đã siết chặt
hoàn toàn xuống tận quận huyện. Đến thời nhà Đường, bộ máy đô hộ xuống
tận làng xã.
1.1.1.2. Về xã hội
Bên cạnh sự đô hộ của bộ máy chính quyền người Hán, trong gần một
nghìn năm Bắc thuộc, các bộ phận, các lực lượng xã hội khác cũng kéo vào
nước ta bằng nhiều con đường khác nhau. Sự thâm nhập của người Hán đã
ảnh hưởng và chi phối rất nhiều đến mọi hoạt động quan trọng của xã hội Việt
Nam ta lúc bấy giờ. Đó là những "Kiều nhân" sang sinh sống ở Việt Nam với
nhiều tầng lớp xã hội và mục đích, lí do khác nhau (tránh nạn, làm ăn, đi theo
người nhà, tội phạm, quan chức ở lại làm ăn, di dân theo chủ trương,..).
Những cư dân người Hán này ở lẫn lộn với cư dân người Việt. Vì thế, chính
8
sách "Hán hoá" dân tộc Việt ngày càng có tác động sâu sắc đến xã hội nước
ta. Đó còn là sự tác động mang tính chất qua lại hai chiều khi các binh lính là
cư dân người Việt bị bắt phải đi lính cho chính quyền nhà Hán nên cùng sinh
sống với người Hán. Tất cả những tình hình xã hội đó đã dẫn đến một cuộc
tiếp xúc sâu đậm, chặt chẽ, lâu dài giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt.
1.1.1.3. Về văn hoá, ngôn ngữ
Bối cảnh của sự tiếp xúc ngôn ngữ Hán - Việt diễn ra lúc bấy giờ luôn
song hành với các nhân tố văn hoá và ngôn ngữ của xã hội đương thời. Đó là
chính sách truyền bá văn hoá Hán mạnh mẽ trong toàn vùng.
Khi Triệu Đà xâm lược cũng chính là lúc Âu Lạc đang bước vào thời
kì phân hoá xã hội, đã có sự hình thành của một cơ cấu nhà nước đầu tiên.
Cùng với những điều kiện nội tại, những ảnh hưởng văn hoá, xã hội từ Trung
Hoa đã khiến Âu Lạc chuyển biến dần và đi vào một quá trình phong kiến hoá
lâu dài. Chính kiến trúc thượng tầng còn non trẻ này đã tạo điều kiện thuận lợi
cho việc dễ dàng tiếp thu nền văn hoá Hán, làm cho nền văn hoá Hán ngày
càng thấm sâu vào xã hội Việt Nam.
Nhà Hán vừa mở trường dạy con em lớp sĩ phu người Hán, vừa kìm
hãm, hạn chế việc học hành cũng như tuyển dụng con em người Việt. Mãi đến
đời Đông Hán, Tam Quốc thì việc học hành ở Giao Chỉ mới được chú ý.
Ngôn ngữ để truyền dạy và giao tiếp ở nước ta lúc này là chữ Hán, điều
đó cũng có nghĩa là Nho giáo đã được phổ biến. Việc phổ biến chữ Hán luôn
gắn với sự truyền bá Đạo giáo và Phật giáo, rồi chính những tư tưởng kinh
điển và tôn giáo đó lại trở thành tác nhân không ngừng thúc đẩy, làm cho chữ
Hán ngày càng phổ biến sâu rộng ở Giao Châu.
Đến thời Tuỳ - Đường, tầng lớp phong kiến Việt Nam cũng tương đối
có thế lực. Chế độ khoa cử đã được dùng để thay thế cho chế độ sĩ tộc ngày
trước, do vậy con cái của những gia đình có thế lực nhiều người đã học hành
đỗ đạt. Trình độ Hán học của Nho sĩ Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Như vậy, nền văn hoá Hán nói chung và văn tự Hán nói riêng đã có ảnh
hưởng rất lớn đến nước ta, nhất là những nơi trung tâm của chính quyền đô
9
hộ. Trong giai cấp phong kiến Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp khá đông
đảo, am hiểu Hán học và thông qua đó, họ nắm được các học thuyết Nho giáo,
Đạo giáo và Phật giáo. Họ cũng đóng vai trò là những lực lượng mà sau khi
nước nhà giành độc lập, đã ra sức bảo vệ duy trì và phát triển những giá trị
văn hoá, ngôn ngữ tiếp thu trước đó, góp phần đắc lực trong việc củng cố,
tuyên truyền cho vai trò văn ngôn và chữ Hán, nên ảnh hưởng của tiếng Hán
thời kì này càng lớn, vay mượn từ ngữ tiếng Hán giai đoạn này và về sau ngày
càng nhiều. Cũng vì chữ Hán được phổ biến rộng khắp ở Việt Nam vào thời
nhà Đường (Trung Quốc) và để đọc chữ Hán, người Việt đã dùng hệ thống
ngữ âm tiếng Việt đọc chữ Hán theo Đường âm cho nên đã hình thành cách
đọc chữ Hán riêng của người Việt, đó là cách đọc Hán - Việt.
1.1.2. Hệ quả của quá trình tiếp xúc Hán - Việt và các lớp từ gốc
Hán trong tiếng Việt
1.1.2.1. Hệ quả về mặt ngôn ngữ
Do những ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử xã hội, văn hoá, ngôn ngữ
của nước ta trong thời kì bị phong kiến Trung Hoa đô hộ nên tiếng Hán giữ vị
trí là phương tiện giao tiếp chính thống trong mọi lĩnh vực hoạt động (hành
chính, giáo dục, văn hoá,…) của đời sống người Việt. Ngôn ngữ dân tộc đã
gắn liền với với tình hình quốc gia, dân
tộc Việt bị thống trị, với chính sách "Hán hoá" trong mọi mặt liên tục, xuyên
suốt, lâu dài của các triều đại phong kiến Phương Bắc thì tiếng Việt đã không
còn được coi trọng. Điều đó tạo nên cuộc tiếp tiếp xúc ngôn ngữ diễn ta trong
quá trình kéo dài hàng nghìn năm. Sự tiếp xúc ngôn ngữ Hán - Việt đã làm
cho vốn từ tiếng Việt phong phú hơn rất nhiều do có sự bổ sung một số lượmg
rất lớn các lớp từ gốc Hán.
1.1.2.2. Các lớp từ gốc Hán trong tiếng Việt
Lớp từ gốc Hán trong tiếng Việt là những từ vay mượn tiếng Hán khi
có sự giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ Hán và Việt cho đến ngày nay. So với
những từ vay mượn gốc Ấn - Âu thì từ Hán - Việt có một số lượng rất lớn,
chiếm hơn 60% vốn từ tiếng Việt. Trong tiếng Việt, lớp từ gốc Hán được du
10
nhập vào tiếng Việt bằng nhiều con đường khác nhau, thời gian và cách đọc
khác nhau. Có lớp từ được vay mượn sớm, bằng hình thức trực tiếp. Có một
số ít bộ phận được mượn theo cách phát âm địa phương của người Trung
Quốc, như: mì chính, mằn thắn, lẩu, quẩy, sá xìu, xì dầu, xủi cảo,…. Trong
các lớp từ gốc Hán, lớp từ được vay mượn nhiều nhất là lớp từ Hán Việt. Bởi
vậy, các lớp từ gốc Hán trong tiếng Việt được chia ra thành hai bộ phận: các
lớp từ đọc theo âm Hán - Việt (lớp từ Hán - Việt) và lớp từ không đọc theo
âm Hán - Việt (gồm: lớp từ tiền Hán - Việt (từ Hán cổ), từ Hán - Việt Việt
hoá và lớp từ mượn qua khẩu ngữ - qua cách phát âm của tiếng Hán hiện đại).
a. Lớp từ đọc theo âm Hán - Việt: lớp từ Hán - Việt
Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, lớp từ tiếp nhận của tiếng Hán có
cách đọc theo âm Hán - Việt là bộ phận chủ yếu trong vốn từ gốc Hán.
Âm Hán - Việt bắt đầu được hình thành kể từ khi người Hán mở nhiều
trường học ở Giao Châu (vào khoảng cuối đời nhà Đường) và dạy chữ Hán
theo âm đời Đường (khác với ngữ âm tiếng Hán ở giai đoạn trước đó), các thư
tịch Hán thuộc các loại kinh, sử, tử, tập được truyền bá rộng rãi. Một hướng
khác góp phần tạo nên cách đọc Hán Việt là qua con đường chùa, qua tầng
lớp sư tăng, qua việc truyền giảng, kinh Phật giáo. Các tác phẩm kinh phật đó
đã được dịch, ghi bằng chữ Hán và âm đọc chữ Hán cũng có tác động đến
tiếng Việt. Trên cơ sở Đường âm được dạy ở Giao Châu, dưới tác động của
hệ thống ngữ âm tiếng Việt, người Việt đã đọc chữ Hán thời kì này theo cách
riêng, cách đọc đó ngày càng xa dần cách đọc Đường âm của người Hán, trở
thành cách đọc mang tính hệ thống mà các nhà ngôn ngữ gọi là cách đọc Hán
- Việt. Những từ vay mượn tiếng Hán từ đời Đường về sau, đọc theo âm Hán
- Việt gọi là từ Hán Việt.
Đến thời kì đất nước tự chủ (sau thế kỉ X), các triều đại phong kiến
Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng tiếng Hán để xây dựng thể chế chính trị, văn
hoá. Nhưng từ khi ngữ âm Hán - Việt đã đi vào hoạt động ổn định, mang tính
hệ thống thì từ tiếng Hán càng có điều kiện chuyển sang tiếng Việt, lớp từ
Hán - Việt cũng vì thế mà ngày càng phong phú và đa dạng. Càng về sau, do
11
sự phát triển của xã hội, hàng loạt từ song tiết Hán - Việt chỉ các hiện tượng
thuộc các lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, quân
sự, tư pháp,…gia nhập vốn từ tiếng Việt với số lượng ngày càng nhiều. Có
những từ Hán - Việt mới được vay mượn sau năm 1945 như: cử toạ, cử tri,
đấu tranh, cải cách, hoạt động, hợp tác xã, xã viên, qui tắc, hiến pháp, lao
động, nhân dân, nhân lực, độc quyền, chuyên viên, thương mại, nội thương,
giá trị, lợi nhuận, manh động, minh tinh, ngoại diên, ngôn luận, ngữ cảnh,
tham số, thạc sĩ, uỷ ban,…
Điều đó cho thấy lớp từ Hán - Việt là bộ phận từ vựng quan trọng trong
tiếng Việt, chiếm số lượng lớn, có cách đọc riêng, tạo thành hệ thống, gồm
những từ loại khác nhau, có nghĩa chỉ các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã
hội.
b. Lớp từ không đọc theo âm Hán - Việt
Lớp từ này chỉ chiếm số lượng ít, lẻ tẻ, không tạo thành hệ thống.
Những từ không đọc theo âm Hán - Việt có thể chia làm ba loại: lớp từ Tiền
Hán - Việt (từ Hán cổ), những từ Hán - Việt Việt hoá, lớp từ mượn qua khẩu
ngữ - qua cách phát âm địa phương của tiếng Hán hiện đại.
- Lớp từ tiền Hán - Việt (từ Hán cổ)
Đây là lớp từ gốc Hán được tiếng Việt tiếp nhận trước lớp từ Hán - Việt
(trước đời nhà Đường, Tống), đọc theo ngữ âm đời Hán (nên thường được gọi
là từ Hán cổ). Lớp từ này khi vay mượn không liên quan đến âm Hán - Việt,
không đọc theo âm Hán-Việt nên có thể gọi là từ tiền Hán - Việt.
Âm tiền Hán - Việt ở Việt Nam phần lớn là cách đọc mô phỏng âm
Hán thượng cổ, được người Việt mượn trực tiếp khi tiếp xúc với ngôn ngữ
văn tự Hán qua lớp người di cư sang đất Việt và qua các đạo quân xâm lược
Hán. Ngữ âm tiếng Hán trước Đường biến đổi rất mạnh, khác nhiều ngữ âm
đời Đường, cho nên khi người Việt học, đọc chữ Hán theo Đường âm, trên cơ
sở đó mà hình thành cách đọc Hán - Việt thì những từ gốc Hán mượn từ đời
Đường về sau khác xa các từ mượn tiếng Hán đọc theo âm tiền Hán - Việt. Vì
âm đọc khác nhau, cho nên đến đời Đường, một số từ Hán cổ được Việt hoá
12
hoàn toàn và được chúng ta sử dụng như những từ thuần Việt. Những từ này
lại được tiếp nhận vào tiếng Việt một lần nữa và được đọc theo âm đời
Đường, theo cách đọc Hán - Việt. Cũng vì vậy mà ở Việt Nam tồn tại những
cặp từ cùng gốc, nhưng có cách đọc khác nhau, gọi là hiện tượng song thức
(hai hình thức ngữ âm của một từ).
Ví dụ:
bùa (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "phù")
bay (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "phi")
buồm (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "phàm")
mùi (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "vị")
buồng (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "phòng")
bụt (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "phật")
goá (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "quả")
bụa (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "phụ")
xe (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "xa")
múa (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "vũ")
chè (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "trà")
chém (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "trảm")
chữa (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "trữ")
mây (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "vân")
mùa (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "vụ")
muộn (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "vãn")
mong (có cách đọc Hán - Việt tương đương là "vọng")
Bởi thế mà theo tâm thức tự nhiên, người Việt không cảm nhận lớp từ
tiền Hán-Việt là từ vay mượn. Chúng là những từ du nhập vào tiếng Việt từ
rất sớm, đại bộ phận là từ đơn tiết nên đã được Việt hoá một cách triệt để về
ngữ âm, ngữ nghĩa cũng như hoạt động ngữ pháp, ngẫu nhiên nó trở thành
quen thuộc và dễ hiểu với mọi người. Trong thực tế giao tiếp, người Việt xem
các từ này là các từ thuần Việt như các từ cùng gốc Môn - Khơme, Tày Thái
khác. Nhưng xét theo nguồn gốc ngôn ngữ và lí thuyết, chúng ta vẫn phải
xem từ tiền Hán - Việt là thuộc lớp từ vay mượn.
13
- Những từ Hán - Việt Việt hoá
Các từ Hán - Việt Việt hoá tuy có nguồn gốc là từ gốc Hán vay mượn
từ đời Đường nhưng khi trở thành một bộ phận của từ vựng tiếng Việt thì
luôn chịu sự tác động của qui luật biến đổi hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Chính
vì vậy đã có một số từ Hán - Việt, nhất là những từ thường dùng hàng ngày đã
thay đổi ngữ âm, không giống với dạng ngữ âm Hán - Việt ban đầu nữa nên ta
thường gọi những từ này là từ Hán - Việt Việt hoá. Vì thế, trong tiếng Việt
tồn tại hiện tượng một từ có hai hình thức ngữ âm, đó là những từ Hán - Việt
vừa bảo lưu cách đọc Hán - Việt vừa có thêm dạng ngữ âm Hán - Việt Việt
hoá. Ví dụ:
Các từ Hán - Việt Việt hoá này được tạo ra trong hoạt động ngôn ngữ
Từ Hán Việt
Từ Hán Việt
Từ Hán Việt
Từ Hán Việt
Việt hoá
Việt hoá
can
gan
ấn
in
khốc
khóc
kế
kề
bản
vốn
kiều
cầu
các
gác
bảo
báu
bái
vái
các
gác
bản
vốn
kí
viết
kí
gửi
cận
gần
đao
dao
của người Việt, lúc đầu sự khác biệt chỉ là ngữ âm, dần dần qua sử dụng có sự
phân biệt ít nhiều về nghĩa so với đơn vị gốc. Nhưng lớp từ biến âm gốc Hán
vẫn có điểm khác biệt các từ thuần Việt là giữa đơn vị gốc Hán (Hán - Việt)
và từ Hán - Việt Việt hoá, khả năng hoạt động và phong cách của chúng
thường khác nhau khá rõ, do vậy chúng ta có đầy đủ lí do để tách các từ này
thành một lớp từ riêng.
- Lớp từ mượn qua khẩu ngữ - qua cách phát âm địa phương của tiếng
Hán hiện đại
Nói đến tiếng Hán hiện đại là nói đến là nói đến sự phát âm sai lệch rất
lớn giữa các phương ngữ. Qua những cuộc tiếp xúc lẻ tẻ với người Hán mà
chủ yếu là ở vùng biên giới Việt - Trung hoặc với người Hoa kiều ở Việt
Nam, đồng thời người Việt cũng đã tiếp nhận một số lượng những từ gốc Hán
14
bằng khẩu ngữ (cách phát âm địa phương của tiếng Hán hiện đại), có ngữ âm
xa lạ với tiếng Bắc Kinh hiện đại và không liên hệ gì với âm Hán - Việt. Số
lượng từ gốc Hán loại này chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong các từ gốc Hán. Phần
lớn, các lớp từ loại này thường là tên gọi các món ăn hoặc các sản phẩm liên
quan đến sinh hoạt, như: mì chính, mằn thắn, xì dầu, ca la thầu, lẩu, lú bú, sá
xíu, xủi cảo,….
1.2. Từ Hán - việt
1.2.1. Khái niệm từ Hán - Việt
Xung quanh khái niệm từ Hán - Việt, cho đến nay trong giới Việt ngữ
học tồn tại hai quan niệm và cách nhìn nhận khác nhau như sau:
- Quan niệm dựa vào khái niệm “từ vay mượn”(cho rằng từ vay mượn
là những từ xét về nội dung ngữ nghĩa và hình thức đều có nguồn gốc là từ
nước ngoài), từ đó phân biệt hai hiện tượng: vay mượn từ và vay mượn yếu
tố. Cho nên, từ Hán - Việt phải được xem là loại từ vay mượn, đó là những từ
xét về hình thức cũng như nội dung đều có nguồn gốc là từ tiếng Hán. Ví dụ
các từ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín , ngoại, lương, tự, nhãn quan, nhân phẩm,
quốc gia, khởi hành, khổ tâm, lí sự, lao động, học tập, vinh quang,…Những từ
người Việt mượn các yếu tố của tiếng Hán để cấu tạo ra các từ trong tiếng
Việt thì những từ này chỉ được xem là từ vay mượn yếu tố chứ không phải là
từ Hán Việt. Ví dụ như: an trí (câu cấm), bác sĩ (đại phu), bệnh viện (y viện),
y tá (hộ sĩ), thiếu tá (thiếu hiệu), náo động (tao động),…
- Quan niệm thứ hai không phân biệt hiện tượng vay mượn từ và hiện
tượng vay mượn yếu tố. Họ cho rằng, từ Hán - Việt bao gồm những từ do
người Việt mượn từ của tiếng Hán và cả những từ do người Việt mượn yếu tố
Hán - Việt cấu tạo nên trong tiếng Việt (không có trong tiếng Hán). Theo
quan niệm này từ Hán - Việt bao gồm cả hai loại từ như ví dụ trên.
Từ những cách nhìn nhận khác nhau đó, phần lớn các nhà nghiên cứu
tiếng Việt đã đi đến quan niệm chung về nội dung khái niệm từ Hán - Việt là:
+ Từ Hán - Việt là một trong các lớp từ gốc Hán (vay mượn tiếng Hán).
15
+ Từ Hán Việt là lớp từ vay mượn được người việt đọc theo cách đọc
Hán - Việt (cách đọc chữ Hán của người Việt Nam trên cơ sở Đường âm).
Như vậy, chúng ta có thể phát biểu một cách khái quát về khái niệm từ
Hán - Việt như sau:
Từ Hán - Việt là những từ người Việt vay mượn của tiếng Hán và đọc
theo dạng ngữ âm của đời Đường, theo cách đọc Hán - Việt.
1.2.2. Đặc điểm từ Hán - Việt
Do nguồn gốc, lịch sử của từ Hán - Việt là gốc Hán, được người Việt
tiếp nhận và vay mượn trong cả một quá trình rất lâu dài nên nó có những đặc
điểm về cấu tạo, ngữ nghĩa và phong cách như sau:
1.2.2.1. Cấu tạo từ Hán - Việt
Từ Hán - Việt cũng như từ thuần Việt đều có những đặc điểm cấu tạo
giống nhau về số lượng yếu tố cấu tạo và phương thức tạo từ. Sự khác nhau
chỉ là trật tự của các yếu tố trong kiểu loại từ ghép phân nghĩa. Dựa theo số
lượng tiếng (âm tiết), từ Hán Việt cũng được chia làm hai: từ đơn tiết (từ
được cấu tạo một tiếng) và từ đa tiết (từ được cấu tạo gồm hai tiếng trở lên).
Bên cạnh đó cũng có hai hiện tượng liên quan đến từ Hán - Việt, đó là:
-Trong tiếng Việt hiện nay, có một số từ Hán - Việt được cấu tạo do xu
thế rút gọn, nói tắt như văn học -> văn, hoá học -> hoá, mĩ nghệ phẩm -> mĩ
nghệ, ngôn ngữ học -> ngôn ngữ, bạch huyết cầu -> bạch cầu, ....
-Trong lớp từ đa tiết Hán - Việt, có một số từ không xác định được nghĩa
các yếu tố, do chúng vốn là từ Hán phiên âm từ của ngôn ngữ khác, như: bồ
tát, la hán, hoà thượng, bồ đào, tì bà, thạch lựu,….
a. Cấu tạo từ đơn tiết Hán - Việt
Đây là từ cấu tạo chỉ một tiếng được dùng tự do trong tiếng Việt. Các
từ đơn tiết tiếng Hán khi vào tiếng Việt giữ được khả năng hoạt động tự do là
vì những từ này có nghĩa từ vựng gọi tên những sự vật, đặc điểm, tính chất
mà tiếng Việt chưa có từ để gọi. Hơn nữa, đại bộ phận các từ đó lại không
đồng âm với từ thuần Việt có sẵn. Những từ đơn tiết tiếng Hán vào tiếng Việt
tuy gặp phải những xung đột đồng nghĩa và đồng âm với từ tiếng Việt nhưng
16
vẫn trở thành từ hoạt động tự do bên cạnh từ tiếng Việt là không nhiều, và
phần lớn một trong hai đơn vị đó đã có sự phân công hoặc thay đổi ít nhiều về
nghĩa để tạo ra giá trị riêng.
Đại bộ phận từ đơn tiết trong tiếng Việt là danh từ. Ví dụ như các từ:
chỉ bộ phận cơ thể: đầu, não, tuỷ, thân, thận,…chỉ người: quan, dân, ông, bà,
…chỉ đơn vị hành chính liên quan đến đời sống cộng đồng: thôn, xã, ấp,
huyện, thị, tỉnh, thành,…chỉ động vật: long, li, qui, phượng, lân, hổ, báo,…chỉ
thực vật, cây cối: tùng, trúc, cúc, mai, bách, táo, lê, hoa,…chỉ đồ vật: áo,
quần, sách, bút, phấn,…chỉ kết quả của hoạt động tinh thần: nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín, tâm, đức, tài, tính, tình,… Những động từ, tính từ đơn tiết loại này
trong tiếng Việt có khả năng hoạt động tự do là không nhiều (chỉ khoảng trên
hai trăm từ), ví dụ: ẩn (kín), ban (thưởng), biên (thư), cải (lại), cấp (cho), cầu
(mong), châm (kim), chế (được), chúc (mừng), (thuốc) độc, bị (oan), (nói)
thực,… Các từ đơn tiết tiếng Hán trở thành từ đơn tiết Hán - Việt hoạt động tự
do trong tiếng Việt như đã nêu, nhìn chung chúng đã trở nên rất quen thuộc,
dễ hiểu với người Việt, vì vậy, cảm thức tự nhiên của người Việt thường cho
các từ đó là từ thuần Việt.
b. Cấu tạo từ đa tiết Hán - Việt (từ phức)
Trong lớp từ Hán - Việt, xét về mặt số lượng các yếu tố cấu tạo, từ đa
tiết chiếm số lượng nhiều hơn hẳn so với từ đơn tiết, mà phần lớn là từ song
tiết. Dựa vào phương thức cấu tạo, từ đa tiết (từ phức) Hán - Việt cũng như từ
thuần Việt được chia thành hai loại: từ ghép và từ láy.
b1. Từ ghép Hán - Việt
Có hai cách cấu tạo từ ghép Hán - Việt, đó là: ghép phân nghĩa (ghép
chính phụ) và ghép hợp nghĩa (ghép đẳng lập).
- Từ ghép phân nghĩa (từ ghép chính phụ).
Đây là loại từ ghép mà nghĩa của thành tố này qui định, hạn chế, bổ
sung nghĩa cho thành tố kia để tạo nên một nghĩa hoàn chỉnh. Các nét nghĩa
của hai thành tố gắn bó hữu cơ với nhau. Từ ghép chính phụ gồm hai loại: từ
17
ghép có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau và từ ghép có yếu tố
chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau.
+ Từ ghép có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau
Yếu tố chính đứng sau của loại từ ghép kiểu này có thể có đặc tính từ
loại khác nhau:
.Yếu tố chính là danh từ như: học sinh, thanh niên, nhân loại, tác
phẩm, đại dương, không quân, cổ thụ, lễ đường, tiền sảnh, quảng trường,
quốc kì…
. Yếu tố chính là động từ như: ưu đãi, ám thị, tốc kí, cao hứng, hậu tạ,
hoan nghênh,…
. Yếu tố chính là tính từ như: tối tân, cực đại, tương phản, thậm tệ, bạo
ngược, ác nghiệt,…
+ Từ ghép có yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau
Loại từ ghép này có số lượng ít hơn, yếu tố chính đứng trước có tính
chất từ loại khác nhau.
.Yếu tố chính là yếu tố động như: cách mạng, xuất bản, vệ sinh,
thương tâm, nhập ngũ, tốt nghiệp, lưu tâm, đả đảo, phóng đại, thuyết minh,
đề cao,tận tâm, khai bút, khai giảng, thưởng nguyệt, du ngoạn,…
. Yếu tố chính là yếu tố chỉ tính chất, như: nhiệt tình, lợi tiểu, yên vị,
yên chí, bổ huyết, đoản mệnh, tinh ý, mãn ý,…
Ngoài ra, có một số lượng từ đáng kể trong thành phần cấu tạo của từ
có yếu tố bị hư hoá về nghĩa nhưng yếu tố đó lại có khẳ năng cấu tạo từ rất
lớn; vai trò, chức năng của chúng tựa như phụ tố trong ngôn ngữ Ấn –Âu.
Cho nên có một số người không xem nó là từ ghép phân nghĩa mà gọi những
từ có yếu tố đó là từ ghép tựa phụ tố (phụ gia). Ví dụ: vô: vô luân, vô đạo, vô
thường, vô danh, vô nghĩa; bất : bất tan, bất động, bất hạnh, bất hiếu, bất hoà;
phản: phản động, phản nghịch, phản phong, phản tặc; sở: sở trường, sở đoản,
sở thị, sở thích; đệ: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam; tính: nhân tính, thú tính, lí tính;
sĩ: viện sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhân sĩ; viên: giáo viên, nhân viên, học viên,
18
xã viên; giả: học giả, tác giả, khán giả, hiền giả; hoá: Việt hoá, lão hoá, tự
động hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá,…
Ngoài các từ được vay mượn mà cả hình thức (ngữ âm, cấu tạo) và nội
dung đều có nguồn gốc là từ nước ngoài thì hiện nay cũng có thể xem các từ
được tiếng Việt cấu tạo từ các yếu tố gốc Hán sau đây là từ Hán Việt như
hình vị, tiền tố, căn tố, y sĩ, phi công, trung đội, tiểu đội, tiểu đoàn, tiểu liên,
bộc phá, phát thanh, truyền hình, chuẩn hoá, phản biện....
-Từ ghép hợp nghĩa (từ ghép đẳng lập)
Từ ghép hợp nghĩa (từ ghép đẳng lập) Hán -Việt có cấu tạo giống như
từ ghép hợp nghĩa thuần Việt. Ở đó các yếu tố cấu tạo từ có vai trò ngữ pháp
ngang nhau, cùng chỉ một phạm trù, có quan hệ đồng nghĩa hay liên quan với
nhau trong một trường nghĩa, hoặc trái nghĩa, vì vậy mà nó tạo cho từ có
nghĩa khái quát, tổng hợp.Ví dụ:
Các từ có các yếu tố đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc cùng trường nghĩa:
bại vong, bằng hữu, cơ hàn, diễm lệ, đế vương, độc ác,, hoa lệ, hoan hỉ, hưng
thịnh, kì dị, lương thiện, nhân hậu, nhân nghĩa, nhân từ, náo loạn, mĩ nghệ,
gian ác, gian xảo, gian phi, gian tà, gian trá, tệ bạc, tử vong, viên mãn, vĩ
đại, huynh đệ,…
Các từ có các yếu tố trái nghĩa, như: sinh tử, động tĩnh, lợi hại, tả hữu,
nam nữ, bi hoan, chiến bại, chung thuỷ, gia giảm, hưng phế, hưng vong, lai
vãng, thịnh suy, tồn vong, thiện ác,…
Trật tự của các yếu trong từ ghép đẳng lập thường là cố định nhưng
cũng có một số từ có thể đảo trật tự các yếu tố mà nghĩa vẫn không thay đổi
như chung thuỷ = thuỷ chung; Tình nghĩa = nghĩa tình; biệt li = li biệt; tổn
thương = thương tổn; tổn phí = phí tổn; tranh đấu = đấu tranh; giản đơn =
đơn giản; tàn bạo = bạo tàn....
Bên cạnh đó còn có một số từ mượn nguyên khối từ tiếng Hán cả về
mô hình cấu tạo lẫn yếu tố cấu tạo, nhưng khi đi vào tiếng Việt, trật tự các
yếu tố đó lại có sự thay đổi so với nguyên ngữ. Ví dụ:
thuỷ chung -> chung thuỷ
19
thương tang -> tang thương
thích phóng -> phóng thích
cáo tố
-> tố cáo
nhiệt náo
-> náo nhiệt
Trong từ ghép đẳng lập Hán - Việt còn có loại từ ghép trùng lặp, đó là
những từ được cấu tạo bởi hai đơn vị có kết cấu âm tiết và ý nghĩa nội hàm
hoàn toàn giống nhau, sau khi được lắp ghép thành một chỉnh thể trở thành
một từ ghép song âm (được ghi lại bằng hai chữ “ô vuông” giống nhau về cả
ba mặt: hình thức, ý nghĩa và ngữ âm). Những từ được cấu tạo theo kiểu này
thường được dùng để biểu thị sự toàn thể, toàn bộ, khắp lượt, liên tục, lặp đi
lặp lại.
Ví dụ:
gia gia
: mọi nhà.
xứ xứ
: khắp chốn, muôn nơi
nhân nhân : mọi người, tất cả mọi người.
Loại từ ghép này thường đi vào tiếng Việt bằng hình thức sao phỏng,
như kiểu kết hợp: người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, nơi nơi
làm việc thiện,…
b2. Cấu tạo từ láy Hán - Việt
Từ láy trong vốn từ tiếng Việt chủ yếu là từ thuần Việt.Trong lớp từ đa
tiết Hán-Việt, có một số từ mà giữa các âm tiết có hình thức âm thanh được
láy lại, nhưng các yếu tố trong từ đều không có nghĩa thực nên các từ đó được
xem là từ láy. Ví dụ: phảng phất, do dự, xán lạn, bàng hoàng, hồ đồ,…
Một số từ song tiết Hán - Việt khác tuy có hình thức ngữ âm giống từ
láy nhưng vì các yếu tố trong từ đều có nghĩa, chúng kết hợp với nhau theo
qui tắc ghép nghĩa, vì vậy không nên xếp chúng vào loại từ láy như một số
sách hiện nay. Đó là các từ, như: quyến luyến, lưu luyến, linh tinh, liên luỵ,
liên miên, lẫm liệt, lâm li, lưu lạc, liên lạc, lưỡng lự,…
1.2.2.2. Ngữ nghĩa từ Hán - Việt
Các yếu tố hay từ Hán việt khi được mượn vào tiếng việt trở thành
một bộ phận của từ vựng tiếng Việt, vì thế, chúng hoạt động theo quy luật
20
tiếng Việt. Do đó, ngữ nghĩa của các đơn vị gốc Hán có thể thay đổi so với
trong tiếng Hán. Sự thay đổi đó gọi là hiện tượng Việt hoá về nghĩa.
Có ba kiểu Việt hoá về nghĩa của các yếu tố (hoặc từ Hán - Việt.
a. Hoạt động thu hẹp nghĩa
Một số bộ phận khá lớn các yếu tố gốc Hán khi đi vào tiếng Việt thì
tiếng Việt không tiếp nhận tất cả các nghĩa vốn có của nó mà chỉ tiếp nhận
phần nào một số nghĩa.
Ví dụ: Từ nhất trong Từ điển Từ Hải có mười hai nghĩa: 1) tên chữ số;
2) tất cả; 3) thống nhất; 4) đều; 5) cùng; 6) một mình; 7) hoặc; 8) lên; 9) thanh
dã, thực dã, thật; 10) tên của một loại nhạc phổ; 11) biểu thị thanh điệu; 12)
trợ từ. Thế nhưng từ nhất trong tiếng Việt lại chỉ được dùng với hai nghĩa: 1)
chỉ số thứ tự (thứ nhất, thứ hai), 2) vị trí cao nhất về danh dự (học nhất lớp,
thi nhất bảng).
Tương tự, từ thu trong Hán ngữ có 10 nghĩa nhưng vào tiếng Việt chỉ
có 6 nghĩa được dùng là: 1) lấy vào (tiếp thu, thu nạp, thu nhặt tất cả đồ đạc
vào va li); 2) lấy những vật thuộc quyền (trưng thu, thu nợ, tịch thu); 4) ghi lại
hình ảnh, âm thanh (thu hình, thu băng); cất dấu - tiếng địa phương (thu rất
kín đáo); 5) mùa thu (thu qua đông tới, lập thu); 6) năm (thiên thu).
b. Hoạt động mở rộng nghĩa, phát triển thêm nghĩa mới
Đây là một xu hướng phát triển mạnh trong tiếng Việt. Một số yếu tố
khi đi vào hoạt động hành chức, bên cạnh nghĩa gốc như trong tiếng Hán còn
phát triển thêm nghĩa mới.
Ví dụ: bì có nghĩa là da, vỏ, vào tiếng Việt có thêm nghĩa chỉ cái bao
để
đựng (bì gạo, bì đựng lúa).
Tâm có nghĩa chỉ trái tim, sang tiếng Việt có thêm nghĩa: lòng dạ con
người (người có tâm, tâm sáng), điểm giữa (tâm đường tròn).
Hàng loạt yếu tố Hán – Việt với nghĩa gốc đi vào tiếng Việt chúng
phải hoạt động hạn chế (vì có sự xung đột đồng nghĩa với từ thuần Việt),
21
nhưng với nghĩa mới được tạo trong tiếng Việt thì nó lại hoạt động tự do với
tư cách là từ. Sự chuyển nghĩa này có tính chất đồng loạt.
- Đối với yếu tố Hán - Việt là danh từ nghĩa gốc chỉ loại sự vật (hoạt
động hạn chế) nhưng với nghĩa phái sinh mới được phát triển mang tính chất
chuyên môn hoá, (vốn không có trong nghĩa gốc của tiếng Hán) thì các yếu tố
Hán - Việt này lại được hoạt động tự do với cương vị là từ . Ví dụ:
Mộc vốn có nghĩa là “cây”, có thêm nghĩa mới là “vật dụng có chất liệu
bằng gỗ, hoặc nghề liên quan đến gỗ” (đồ mộc, đồ nghề).
Địa vốn vốn có nghĩa là “đất”, có thêm nghĩa mới chỉ môn học về đất
(môn Địa lý).
- Đối với yếu tố Hán - Việt là tính từ có nghĩa gốc chỉ tính, trạng thái sự
vật (như trong tiếng Hán) phải hoạt động hạn chế, nhưng chúng có thể phát
triển thêm nghĩa mới (không có trong tiếng Hán) theo hướng chỉ trạng thái,
tinh thần. Ví dụ:
Hồng vốn có nghĩa là “đỏ”, có thêm nghĩa mới là “màu đỏ nhạt” (dưa
hồng, đỏ hồng)
Khinh vốn có nghĩa là “nhẹ” có thêm nghĩa mới là “coi thường, không
tôn trọng” (khinh thường)
Trọng vốn có nghĩa là “nặng”,có thêm nghĩa mới là “tôn quí, đề cao”
(trọng chữ tín)
- Đối với yếu tố Hán – Việt là động từ, chúng có thể phát triển thêm
nghĩa mới theo một trong hai hướng như danh từ (thêm nghĩa chuyên môn
hoá), hoặc như tính từ (thêm nghĩa chỉ tinh thần). Ví dụ:
Phi vốn có nghĩa là “bay”, có thêm nghĩa mới là “động tác chạy
nhanh của ngựa, chạy hoặc ném đi với vận tốc nhanh” (ngựa phi, nó phi về
rồi, phi đao).
Tống, vốn có nghĩa là “tiễn đưa”, có thêm nghĩa mới là
“đuổi (tống khứ).
c. Hoạt động chuyển, biến đổi nghĩa
Một số từ tiếng Hán khi trở thành yếu tố hoặc từ Hán - Việt, nghĩa của
chúng chuyển nghĩa rất xa hoặc thay đổi hẳn so với nghĩa trong tiếng Hán. Ví
22
dụ: Đáo để (Hán) vốn có nghĩa là “cuối cùng, đến cùng, đến tận cùng”, vào
tiếng Việt lại có nghĩa là: 1) “đanh đá, quá quắt” (tính tình đanh đá); 2) “mức
độ cao, hơn hẳn bình thường” (người đáo để, đẹp đáo để). Khôi ngô vốn có
nghĩa là người “to lớn, cao lớn”, vào tiếng Việt lại có nghĩa là “chỉ nam giới
có khuôn mặt sáng sủa, thông minh, đẹp” (cậu bé khôi ngô). Khốn nạn vốn có
nghĩa là “khó khăn”, vào tiếng Việt lại có nghĩa là nhân cách hèn mạt, tồi tệ”
(lũ khốn nạn)....
Như vậy, các từ Hán - Việt sau khi được Việt hoá về mặt ngữ âm và
ngữ nghĩa để trở thành đơn vị của hệ thống từ vựng tiếng Việt thì chúng có
khả năng hoạt động như bất kì một từ tiếng Việt nào khác. Về ngữ nghĩa, khả
năng hoạt động của lớp từ này là đa dạng.
1.2.2.3. Phong cách từ Hán - Việt
Khi nói đến phong cách của lớp từ Hán - Việt là nói đến những đặc
điểm trang trọng, tao nhã, trừu tượng, cổ kính.. Đó là những cảm nhận về mặt
ngữ nghĩa từ Hán Việt trong sự đối lập đồng nghĩa với lớp từ thuần Việt. Giá
trị phong cách này luôn luôn chi phối cách nói, cách viết cũng như cách
thưởng thức nghệ thuật văn chương của chúng ta.
a. Từ Hán - Việt tạo ra sắc thái tao nhã, tránh tục, hoặc tránh ghê rợn
Khi đối lập nghĩa của từ Hán - Việt với từ thuần Việt đồng nghĩa với
nhau, ta sẽ thấy nghĩa của từ thuần Việt rất cụ thể, hình ảnh của sự vật được
gọi tên hiện lên một cách trực tiếp, có đường nét, gần gũi; ngược lại, các yếu
tố Hán Việt phần lớn có nghĩa thực nhưng chúng nằm trong kết cấu của các
từ, vì thế, chúng tạo nên liên tưởng nhiều chiều. Hình ảnh về sự vật mà yếu tố
Hán - Việt gọi tên thường hiện lên với tính chất ý niệm, thấp thoáng. Đó là cơ
sở tạo nên sắc thái tao nhã cho từ Hán - Việt. Tính đa hưởng cũng là cơ sở
cho biện pháp uyển ngữ trong tiếng Việt. Vì vậy mà trong những trường hợp
cần thiết, để giảm nhẹ một ấn tượng nặng nề, tránh thô tục, tránh liên tưởng
ghê rợn, người ta có thể thay thế từ thuần Việt bằng từ Hán - Việt. Ví dụ: Ta
thường nói khoa sản chứ không nói khoa đẻ, nói bức tranh khoả thân chứ
không nói bức tranh cởi truồng, nói hoả táng thay cho nói đốt xác,…
23
b. Từ Hán - Việt tạo ra sắc thái, phong cách trang trọng
So sánh với lớp từ thuần Việt, nhờ tính đa hưởng về ngữ nghĩa mà các
yếu tố Hán - Việt tạo ra được sắc thái, phong cách trang trọng khác hẳn với từ
thuần Việt (mộc mạc, thân mật). Nhờ vậy mà từ Hán - Việt đặc biệt phù hợp
với những cuộc giao tiếp quan trọng mang tính chất lễ nghi, cũng như trong
việc đặt tên các cơ quan tổ chức đoàn thể. Cho nên, trong những trường hợp
này người ta thường dùng từ Hán - Việt chứ không dùng các từ thuần Việt có
ngữ nghĩa tương ứng. Ví dụ: nói “Hội Nông dân Việt Nam” chứ ta không nói
“Hội Dân cày Việt Nam"; "Hội phụ nữ" chứ không nói " Hội đàn bà"....
Cũng bởi thế mà người Việt thường dùng từ Hán - Việt để đặt tên
người, tên đất, tên phố, tên thương hiệu,…để có sắc thái trang trọng, sang
trọng hơn tên thuần Việt cùng nghĩa. Ví dụ: Tên người thường được đặt tên
Nguyệt, Trường, Giang, Hoàng, Thảo, Thuỷ, Sơn, Lâm,…chứ có ai lại đặt tên
người là: Trăng, Dài, Sông,Vàng, Cỏ, Nước, Núi, Rừng,…
Đa số tên các làng bản Việt Nam là tên nôm - thuần Việt nhưng về sau
đã được đổi sang tên Hán - Việt Kẻ Đười đổi thành Mẫu Đức, Chòm Bỏi đổi
thành Thống Nhất, Kẻ Mọc đổi thành Nhân Mục,Kẻ Lũ đổi thành Cổ Loa, Kẻ
Hấp đổi thành Xuân Sơn, Kẻ Nguôi đổi thành Đa Phúc, Kẻ Vùn đổi thành
Thịnh Lộc,…
Các hiệu vàng cũng vậy mà thường đặt tên Hán - Việt để tạo cảm giác
uy tín, tin tưởng cho khách hàng, như: Bảo Tín, Minh Châu, Phú Nguyên,
Kim Nguyên, Kim Thành Huy, Duy Tín,….
c. Từ Hán - Việt tạo ra sắc thái phong cách trừu tượng, cổ kính
Như đã nói, yếu tố Hán - Việt hoạt động hạn chế và chúng nằm trong
những kết cấu nhất định của một số từ hoặc ngữ cố định, cho nên khi nhắc
đến yếu tố Hán - Việt nào đó khiến chúng ta sẽ liên tưởng nhiều chiều tới
những yếu tố kết hợp với nó. Điều đó làm cho nghĩa của yếu tố Hán - Việt rất
mờ, ít nhiều bị nhoè đi, hình ảnh mà nó gọi tên cứ thấp thoáng, không rõ nét
như từ thuần Việt. Đó là cảm giác về sự tĩnh tại, trừu tượng, cổ kính, khó
hiểu, đối lập với từ thuần Việt đồng nghĩa là tạo hình ảnh rất sống động, rất cụ
24
thể, gần gũi. So sánh nguyệt và trăng ta sẽ cảm nhận rất rõ, khi nói đến trăng
(từ thuần Việt) là ta tưởng tượng ra ngay trước mắt một sự vật thân thuộc, có
thể tái hiện bằng cách dùng các gam màu để vẽ hoặc mô tả bằng ngôn ngữ,
như: “ánh trăng sáng vằng vặc, trăng lưỡi liềm, vầng trăng khuyết, trăng tròn
vành vạnh, lễ đón trăng, trăng rằm Trung Thu, phá cỗ trông trăng…mà cả
các em nhỏ cũng có thể hiểu được hình ảnh đó của trăng là rất cụ thể, thực tế .
Còn nói đến nguyệt (từ Hán - Việt) cùng chỉ một sự vật như trăng, nhưng ta
không thấy một hình ảnh cụ thể nào cả mà lại mang một sắc thái phong cách
trừu tượng, cảm giác xa xôi, bãng lãng. Tương tự, khi nói đến yếu tố Hán Việt “thiện”, người ta lại thấy nghĩa của nó trừu tượng, khó hiểu hơn là từ
thuần Việt tốt, lành bởi: thiện là một yếu tố Hán - Việt tuy có nghĩa là “tốt,
lành” nhưng chủ yếu lại hoạt động hạn chế, do vậy, thiện nằm trong quan hệ
cố định về kết cấu với yếu tố khác, và không chỉ trong kết cấu của một từ mà
của hàng loạt từ khác nhau. Nằm trong quan hệ cố định về kết cấu nên nghĩa
của thiện bị chi phối bởi nghĩa của hàng loạt yếu tố khác trong các từ Hán Việt như: thiện tâm, thiện cảm, thiện căn, thiện chí, thiện nhân, thiện ý, lương
thiện, từ thiện,… Bên cạnh nghĩa “tốt, lành”, thiện còn có nghĩa “giỏi, thành
thạo” như trong các kết hợp: thiện chiến, thiện xạ, thiện nghệ,… Vì thế, khi
nhắc tới thiện người ta lập tức liên tưởng nhiều chiều, sẽ thấy nghĩa của nó bị
nhoè đi, trừu tượng, khó hiểu. Ngược lại, tốt, lành là từ thuần Việt hoạt động
tự do, không bị ràng buộc về nghĩa với bất cứ yếu tố nào khác, nên nhắc tới
chúng là lập tức người ta liên tưởng một cách cụ thể về tính chất mà nó gọi
tên.
Giữa lớp từ Hán - Việt và từ thuần Việt còn có sự đối lập giữa tính chất
tĩnh (của từ Hán - Việt) và tính chất động (của từ thuần Việt) trong loạt đồng
nghĩa thể hiện rất rõ, như là:
đắc ý
- mừng rỡ, hí hứng hớn, hớn hở,...
ưu tư
- băn khoăn, lo lắng, thấp thỏm,…
đoạn trường - đứt ruột, quằn quại, quay quắt,.
25