Tải bản đầy đủ (.pdf) (60 trang)

Câu hành ngôn trong truyện ngắn của nguyễn công hoan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (550.85 KB, 60 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

TRẦN THỊ KIỀU

CÂU HÀNH NGÔN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA
NGUYỄN CÔNG HOAN
Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: CHIM VĂN BÉ

Cần Thơ, 05/2011


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN I: MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN II: NỘI DUNG CHÍNH
Chương một
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT VỀ HÀNH ĐỘNG NGÔN TỪ
1.1. Giới thiệu sơ lược lí thuyết hành động ngôn từ
1.2. Các hành động ngôn từ
1.3. Vị từ miêu thuật và vị từ ngôn hành
1.4. Câu / phát ngôn miêu thuật và câu / phát ngôn hành ngôn


1.5. Điều kiện sử dụng hành động trong lời
1.6. Phân loại các hành động trong lời
Chương hai
CÂU HÀNH NGÔN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA
NGUYỄN CÔNG HOAN
2.1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan
2.2. Giới thiệu sơ lược về truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan
2.3. Câu ngôn hành trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan
2.3.1. Giới thiệu văn bản truyện ngắn và đối tượng khảo sát
2.3.2. Thống kê câu ngôn hành trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan
2.3.3. Bảng phân loại câu ngôn hành trong truyện ngắn của Nguyễn Công
Hoan
2.4. Phân tích câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan
2.4.1. Câu hành ngôn chứa một vị từ hành ngôn
2.4.2. Câu hành ngôn phối hợp nhiều vị từ hành ngôn


PHẦN III: KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC


PHẦN I: MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nói đến ngôn ngữ học, trước nay người ta thường chỉ nói đến một số địa hạt quen
thuộc, cổ điển của nó như ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng... Trong khoảng vài mươi năm
trở lại đây, các nhà nghiên cứu lí thuyết ngôn ngữ học đại cương đã xây dựng thêm
một ngành nghiên cứu mới, dịch sang tiếng Việt là Ngữ dụng học. Có thể nói, Ngữ
dụng học là một bộ môn ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ
trong giao tiếp (tức cách sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh cụ thể để đạt được những

mục tiêu cụ thể), sự tác động qua lại giữa hoạt động giao tiếp và ngôn ngữ.
Trong Ngữ dụng học, lí thuyết hành động ngôn từ là bộ phận được quan tâm
nhiều nhất, đặc biệt là hành động trong lời. Đi vào nghiên cứu mối quan hệ giữa câu và
việc dùng câu vào giao tiếp, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả đặc biệt của ngôn từ. Bằng
ngôn từ chúng ta có thể thực hiện hành động của mình bằng cách nói ra và ngay khi
nói ra câu mà không thể thực hiện được hành động đó thông qua con đường nào khác.
Vì muốn đi sâu vào nghiên cứu các hành động được thực hiện bằng lời, cho nên
người viết đã chọn “Câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan” làm
đề tài cho luận văn tốt nghiệp. Đề tài này giúp người viết hiểu biết thêm những kiến
thức về lí thuyết hành động ngôn từ trong Ngữ dụng học như các hành động ngôn từ,
phân biệt phát ngôn miêu thuật và phát ngôn hành ngôn, cuối cùng là nhận biết các
hành động trong lời được thực hiện trong các phát ngôn hành ngôn cụ thể. Đồng thời,
việc người viết vận dụng những kiến thức này vào khảo sát câu hành ngôn trong
truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan sẽ phát hiện thêm những đóng góp về mặt nghệ
thuật sử dụng ngôn từ của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn của ông. Qua việc
phân tích cái hay, cái tài tình, cái khéo léo của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong nghệ
thuật sử dụng ngôn từ, người viết hy vọng có thể học hỏi được những cái hay, cái độc
đáo của nhà văn để có thể sử dụng ngôn từ một cách có hiệu quả nhất trong cuộc sống.

2. Lịch sử vấn đề
2.1. Về câu hành ngôn
Là sản phẩm của hành động trong lời, câu hành ngôn (có tác giả gọi là câu ngôn
hành hay phát ngôn ngữ vi) là phương tiện biểu đạt hành động được thực hiện bằng
lời, nó được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, cũng như trong văn học. Vì thế, có thể
nói đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của không ít các nhà nghiên cứu.


Trong ngôn ngữ học, câu hành ngôn gắn với lí thuyết hành động ngôn từ của J. L.
Austin, đã được một số tác giả đề cập đến với nhiều mức độ.
Trong Lôgích và tiếng Việt, Nguyễn Đức Dân đã định nghĩa câu hành ngôn: “Một

phát ngôn được gọi là ngữ vi nếu nó được dùng để miêu tả một hành vi nào đó của
người nói. Trong một câu ngữ vi, khi phát ngôn xong động từ ngữ vi thì hành vi đó
cũng đã được thực hiện” [6; 222].
Trong Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển một - Câu trong tiếng Việt: Cấu
trúc, nghĩa, công dụng, các tác giả cho rằng: “Có một loại câu trần thuật mà giá trị
ngôn trung của nó rất đáng chú ý: câu ngôn hành. Câu ngôn hành là câu trần thuật tự
biểu thị.
Trong khi các câu trần thuật khác biểu thị một sự tình không trùng với hành động
ngôn trung và không được thực hiện bằng câu nói ấy thì câu ngôn hành biểu thị sự
tình trùng với hành động ngôn trung và được thực hiện bằng chính câu nói ấy khi nói
ra ” [11; 124].
Trong Dụng học Việt ngữ, Nguyễn Thiện Giáp đã nêu: “Những phát ngôn ngôn
hành tức những phát ngôn có sử dụng động từ ngôn hành rõ ràng được sử dụng để
thực hiện các hành động” [8; 42].
Trong Đại cương ngôn ngữ học, tập hai: Ngữ dụng học, Đỗ Hữu Châu đã giải
thích: “Phát ngôn ngữ vi – sản phẩm của một hành vi ở lời nào đó khi hành vi này
được thực hiện một cách trực tiếp, chân thực” [4; 91].
Nguyễn Văn Hiệp có cách diễn giải riêng: “Phát ngôn ngôn hành là loại phát
ngôn mà khi ta nói chúng, người nói đã làm một điều gì đấy chứ không phải nói về một
điều gì đấy. Đối với những phát ngôn ngôn hành, ta không thể đánh giá nó theo tiêu
chuẩn chân lí (đúng hay sai) được, mà chỉ có thể đánh giá về tính hợp thức hay điều
kiện thành công (felicity conditions) của chúng mà thôi” [12; 293].
Trong giáo trình ngữ pháp học chức năng tiếng Việt: Cú pháp học, Chim Văn Bé
định nghĩa câu hành ngôn: “Câu có động từ hành ngôn làm chính tố của ngữ vị từ
được nói ở ngôi thứ nhất, thời hiện tại là câu hành ngôn” [1; 24].

2.2. Về ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan, là một trong số những nhà văn đặt nền móng cho nền văn
học hiện thực phê phán. Là cây bút tiêu biểu, đã đóng góp một khối lượng lớn vào kho
tàng truyện ngắn của dân tộc, Nguyễn Công Hoan đã thu hút không ít các nhà nghiên



cứu cũng như các nhà phê bình viết về ông, về tác phẩm của ông nói chung và truyện
ngắn của ông nói riêng. Trong công trình của mình, mỗi tác giả có cách nhìn nhận,
đánh giá khác nhau về các phương diện trong sáng tác của nhà văn. Nhưng nhìn
chung, các bài viết đều tập trung xoay quanh tìm hiểu về nội dung phản ánh, đặc điểm
ngôn từ và phong cách nghệ thuật trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan. Xét
riêng về ngôn từ nghệ thuật, đáng chú ý là ý kiến của một số nhà nghiên cứu như:
Lê Thị Đức Hạnh đã nhận định: “Ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ
của quần chúng được chọn lọc và nâng cao, đậm hương vị của ca dao, tục ngữ, có khi
tác giả đưa ca dao, tục ngữ vào truyện một cách rất tự nhiên, thoải mái. Những chữ
dùng của ông thường giản dị, giàu hình ảnh, cụ thể, hay so sánh, ví von làm cho người
đọc dễ có những liên tưởng thú vị” [16; 347]. Trong bài viết này, tác giả cũng nêu lên:
“Ngôn ngữ của các loại nhân vật trong truyện Nguyễn Công Hoan cũng mang sắc thái
riêng, bộc lộ được tâm lý xã hội của từng nhân vật, trộn cũng không lẫn” [16; 348].
Trong tạp chí ngôn ngữ số 1, năm 1995, Nguyễn Thanh Tú đã nêu nhận xét:
“Ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan là thứ ngôn ngữ suồng sã để lật ngửa, lộn trái,
nhòm ngó từ dưới và từ trên, đập vỡ vỏ ngoài để nhìn vào bên trong” [18; 400]. “Câu
văn của Nguyễn Công Hoan thường ngắn gọn. Đó là cách cần thiết để tạo nên kịch
tính cho câu chuyện” [18; 403].
Qua những ý kiến nhận xét, đánh giá trên, ta thấy văn của Nguyễn Công Hoan rất
bình dị, dễ hiểu nhờ vào ngôn từ mộc mạc, gần gũi với người dân.
Tóm lại, câu hành ngôn gắn với lí thuyết hành động ngôn từ của J. L. Austin, mới
được du nhập vào Việt Nam trong vài thập niên. Vì thế, chưa có công trình nghiên
cứu, xem xét vấn đề này trong sáng tác Nguyễn Công Hoan cũng như của nhiều tác giả
khác. Chính vì vậy, với đề tài “Câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công
Hoan” người viết hy vọng có thể củng cố kiến thức và qua đó được đóng góp một
phần nào những hiểu biết của mình về nghệ thuật sử dụng ngôn từ, cụ thể là nghệ thuật
sử dụng câu hành ngôn của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn của ông.


3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài “Câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan”, người
viết sẽ trình bày những kiến thức về lí thuyết hành động ngôn từ trong Ngữ dụng học.
Đồng thời, vận dụng những hiểu biết này vào khảo sát câu hành ngôn trong truyện
ngắn của Nguyễn Công Hoan nhằm phát hiện thêm một khía cạnh khác trong những


thành tựu về nghệ thuật của tác giả ở lĩnh vực truyện ngắn. Qua đề tài này, người viết
hy vọng sẽ học hỏi được những cái hay, cái mới của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong
nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong truyện ngắn.

4. Phạm vi nghiên cứu
Thực hiện đề tài “Câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan”,
trước tiên, người viết tìm hiểu những vấn đề lý thuyết về hành động ngôn từ được trình
bày trong một số chuyên luận. Tiếp đó, người viết tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Công
Hoan và truyện ngắn của ông. Trên cơ sở đó, người viết bước đầu khảo sát, thống kê,
phân loại câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Cuối cùng, người
viết tiến hành phân tích giá trị, tác dụng của câu hành ngôn để thấy được nét độc đáo
của nhà văn Nguyễn Công Hoan khi sử dụng câu hành ngôn trong truyện ngắn.
Do xuất phát từ yêu cầu của đề tài, cũng như sự giới hạn về kiến thức và thời gian
thực hiện, người viết xin trình bày luận văn của mình gồm hai chương. Cụ thể:
Chương 1: Những vấn đề lí thuyết về hành động ngôn từ.
Chương 2: Câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.

5. Phương pháp nghiên cứu
Ứng với mỗi lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, chúng ta sẽ có phương pháp tìm
hiểu, tiếp cận khác nhau. Vì vậy, với đề tài “Câu hành ngôn trong truyện ngắn của
Nguyễn Công Hoan” người viết sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
Trước hết, bằng phương pháp hệ thống, người viết hệ thống một số vấn đề về lí
thuyết hành động ngôn từ trong ngữ dụng học, để làm nền tảng cho việc khảo sát câu

hành ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.
Sau đó, người viết vận dụng phương pháp thống kê, phân loại để thống kê xem có
bao nhiêu câu hành ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan? Đó là những loại
nào?
Cuối cùng, dựa trên số liệu thống kê, phân loại, người viết sử dụng phương pháp
phân tích kết hợp với phương pháp tổng hợp để làm nổi bật yêu cầu của luận văn.


PHẦN II: NỘI DUNG CHÍNH
Chương một
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT VỀ HÀNH ĐỘNG NGÔN TỪ
1.1. Giới thiệu sơ lược lí thuyết hành động ngôn từ
Trong cuộc sống, người ta thường hay đối lập nói và làm, coi nói và làm như
những phạm trù khác hẳn nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu:
Ăn như rồng cuốn
Nói như rồng leo
Làm như mèo mửa
Làm là hành động thực tế, còn nói chỉ là dùng ngôn ngữ để biểu hiện, diễn tả, để
thông báo cái gì đó. Thực tế cho thấy nói cũng là hành động. Hành động lời nói là một
phần, một dạng trong toàn bộ các hoạt động sống của con người. Tư tưởng này đã
được Hegel nói tới từ lâu. Ông viết: “lời nói thật chất là những hành động diễn ra
giữa những con người, cho nên nó không phải là trống rỗng”.
Mãi đến những năm đầu thập niên 50 của thế kỉ XX, trong ngôn ngữ học truyền
thống, đối tượng nghiên cứu của ngữ pháp học chủ yếu vẫn là phân tích cấu trúc cú
pháp dựa trên những khái niệm về chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ... Do tuyệt đối
hóa quan hệ nội tại, loại trừ quan hệ ngoại tại nên ngữ pháp cấu trúc cổ điển nghiên
cứu câu tách rời với ngữ cảnh, biệt lập với người nói.
Đến thập niên 60 của thế kỉ XX, trong ngôn ngữ học truyền thống, đối tượng
nghiên cứu của ngữ nghĩa học chủ yếu vẫn chỉ là những câu có thể đánh giá được là
đúng hay sai về ngữ nghĩa xét theo tiêu chuẩn logic. Đó là những câu miêu tả, trần

thuật, khẳng định, phủ định… Còn những câu về hình thức giống với các câu trần
thuật, nhưng lại không thể đánh giá được theo tiêu chuẩn đúng - sai về mặt logic thì
hầu như không được nhắc đến, như các câu chào, câu chúc, câu hứa, câu thề…
Trong Đại cương ngôn ngữ học, tập hai: Ngữ dụng học, Đỗ Hữu Châu đã trình
bày về sự ra đời của lí thuyết hành động ngôn từ như sau: “Năm 1955, ở trường đại
học tổng hợp Harvard (Mĩ) J. L. Austin, một nhà triết học Anh trình bày 12 chuyên đề.
Những chuyên đề này, năm 1962, hai năm sau ngày ông mất, được tập hợp lại xuất
bản thành sách với nhan đề How to do thing with word (Hành động như thế nào bằng
lời nói). Cuốn sách này năm 1970 được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề Quand dire,
c’est faire (Khi nói tức là làm)” [4; 87].


Dựa trên nguyên văn về lí thuyết hành động ngôn từ mà J. L. Austin đã viết,
Chim Văn Bé giới thiệu về sự ra đời của lí thuyết hành động ngôn từ: “lí thuyết hành
động ngôn từ do J. L. Austin, một nhà triết học người Anh, đưa ra. Năm 1955, J. L.
Austin sang đại học Harvard (Mĩ), trình bày một chuyên đề về triết học ngôn ngữ, thể
hiện qua 12 bài giảng. Sau khi ông qua đời (1960), 12 bài giảng này được tập hợp lại
và in thành sách với nhan đề How to Do Things with Words” [1; 18]. (Chứ không phải
là 12 chuyên đề được tập hợp lại xuất bản thành sách như Đỗ Hữu Châu đã trình bày ở
trên). Cuốn sách này năm 1970 được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề Quand dire,
c’est faire (Nói tức là hành động). Chỉ qua tên gọi này chúng ta có thể hình dung thấy
lí thuyết hành động ngôn từ là lí thuyết về sự hoạt động ngôn ngữ. Quyển sách này đặc
biệt quan tâm đến những phát ngôn không thể đánh giá nội dung theo tiêu chuẩn đúng
– sai về mặt logic, những phát ngôn mà khi ta nói thì chúng ta đồng thời thực hiện cái
hành động được biểu thị ngay trong phát ngôn.
Thí dụ khi nói: “Tôi van cậu, để nội trong ba ngày Tết, hôm nào tôi đi cũng
được”, thì người nói đồng thời thực hiện hành động “van” ngay khi phát ngôn.
Hay khi nói: “Nhờ cậu vào bẩm với ông bà rằng có người bán con đương ở
cổng”, thì người nói thực hiện hành động “nhờ” ngay khi phát ngôn.
Austin gọi những phát ngôn như vậy là những phát ngôn hành ngôn. Nhờ phát

hiện ra được những phát ngôn hành ngôn, phân biệt phát ngôn hành ngôn và phát ngôn
miêu thuật, Austin đã chỉ ra được bản chất hành động của ngôn từ, từ đó ông đã bước
đầu xây dựng được lí thuyết hành động ngôn từ. Với công trình này, J. L. Austin đã
điều chỉnh lại một cách sâu sắc mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói, theo quan niệm
và sự phân biệt của F. de Saussure. Ranh giới giữa ngôn ngữ và lời nói trở nên mờ
nhạt hẳn đi.

1.2. Các hành động ngôn từ
“Con người nói năng cũng là hành động như bao hành động khác trong hoạt
động thực tiễn, đó là hành động ngôn từ (speech act)” [1; 18].
Khái niệm “speech act” và những khái niệm có liên quan mà J. L. Austin đưa ra
khi được du nhập vào Việt Nam, đã được các tác giả dịch khác nhau: hành động ngôn
từ được dịch thành khái niệm hành vi ngôn ngữ (theo Nguyễn Đức Dân và Đỗ Hữu
Châu), hành động ngôn từ (Chim Văn Bé). Ở đây, chúng tôi chấp nhận cách chuyển
thuật ngữ “hành động ngôn từ” của Chim Văn Bé.


Theo J. L. Austin, hành động ngôn từ bao gồm: hành động tạo lời, hành động
trong lời và hành động qua lời.

1.2.1. Hành động tạo lời (locutionary act, locution)
Thuật ngữ locutionary act hay locution được các tác giả chuyển thành: hành vi
tạo lời (Đỗ Hữu Châu và Nguyễn Đức Dân), hành động tại lời (Nguyễn Thiện Giáp),
hành động tạo lời (Chim Văn Bé). Ở đây, chúng tôi thống nhất cách dùng thuật ngữ
“hành động tạo lời”.
Theo Chim Văn Bé, hành động tạo lời được J. L. Austin chia thành ba phương
diện. Đó là: hành động phát âm, hành động kiểm giao và hành động tạo nghĩa - chiếu
vật. Ba phương diện này được ông giải thích như sau:
(1) Hành động phát âm (Phonetic act): Hành động phát âm chỉ là hành động
phát ra vài âm thanh nào đó.

(2) Hành động kiểm giao (Phatic act): Là hành động phát ra âm hay từ, tổ hợp
từ, nghĩa là những âm thanh thuộc loại nào đó, thuộc kiểu từ vựng nào đó, phù hợp với
lớp ngữ pháp nào đó để người nghe chuẩn bị tiếp nhận thông tin, hay để duy trì quan
hệ giao tiếp. Trong các câu: “Kìa! Anh ấy gọi kìa.”, “Ê! Định đi đâu đó?” thì các từ:
kìa, ê… đều thực hiện chức năng kiểm giao.
(3) Hành động tạo nghĩa – chiếu vật (rhetic act): Là hành động sử dụng âm
thanh với ý nghĩa và sự quy chiếu ít nhiều xác định.
Như vậy, về đại thể, “hành động tạo lời là hành động sử dụng các phương tiện
ngữ âm, từ vựng (và các quy tắc kết hợp có sẵn trong ngôn ngữ) để tạo ra câu / phát
ngôn với nội dung ngữ nghĩa và chiếu vật ít nhiều xác định” [1; 18].

1.2.2. Hành động trong lời (illocutionary act, illocution)
Có một số tác giả chuyển thuật ngữ illocutionary act hay illocution sang tiếng
Việt thành các khái niệm khác nhau như: hành vi ở lời (Đỗ Hữu Châu), hành vi tại lời
(Nguyễn Đức Dân), hành động ngoài lời (Nguyễn Thiện Giáp), hành động ngôn trung
(Cao Xuân Hạo), hành động trong lời (Chim Văn Bé). Ở đây, chúng tôi thống nhất
cách chuyển thuật ngữ “hành động trong lời”.
“Hành động trong lời là hành động được người nói thực hiện bằng cách nói ra
và khi nói ra điều gì đó (by saying and in saying something). Chẳng hạn như chúc
mừng, cảm ơn, mời, hứa, van, xin, ra lệnh, kết tội, đánh cược, phản bác, đề nghị, gợi
ý, v.v…” [1; 19].


Chẳng hạn khi nói: “Thưa các quan, cảm ơn các quan, cụ bà chúng tôi ở trong
nhà quê ạ.”, thì người nói thực hiện hành động trong lời “cảm ơn” ngay khi nói ra câu
này.
Hay: “Thôi, xin lỗi ông, tôi bận quá mà.”, khi nói ra câu này, thì người nói đồng
thời thực hiện luôn hành động trong lời “xin lỗi” ngay khi nói.
Hoặc: “Thôi, lạy ông, ông thương phận nào, con nhờ phận ấy.”, khi nói ra câu
này, thì người nói đồng thời thực hiện hành động trong lời “lạy” và “nhờ” ngay khi

nói.
Hành động trong lời là hành động có chủ đích (intentional), mang tính quy ước
(conventional) và tính định chế (constitutional), mặc dù những quy ước và định chế về
việc sử dụng hành động trong lời là bất thành văn và được mọi người trong một cộng
đồng ngôn ngữ tuân thủ một cách không tự giác.
Hành động trong lời tạo ra hiệu lực trong lời, chủ yếu là tác động đến nhận thức,
gây ra một hiệu quả nào đó, hay đòi hỏi sự đáp ứng bằng lời của người nghe. Như khi
chúng ta hỏi ai về một cái gì đó, thì người được hỏi có nhiệm vụ phải trả lời chúng ta,
cho dù trả lời không biết. Không trả lời, không đáp lại câu hỏi, người nghe bị xem là
không lịch sự.
Về sau, hành động trong lời mà J. L. Austin đưa ra đã được một số nhà nghiên
cứu giải thích rõ hơn, toàn diện hơn. Điển hình là nhà nghiên cứu O. Ducrot. Trong
Đại cương ngôn ngữ học, tập hai: Ngữ dụng học, Đỗ Hữu Châu đã giới thiệu cách hiểu
các hành động trong lời của O. Ducrot:
“Theo O. Ducrot, hành vi ở lời khác với hành vi tạo lời và hành vi mượn lời ở
chỗ chúng thay đổi tư cách pháp nhân của người đối thoại. Chúng đặt người nói và
người nghe vào những nghĩa vụ và quyền lợi mới so với tình trạng của họ trước khi
thực hiện hành vi ở lời đó” [4; 90].
Ví dụ, nói lời cảm ơn ai đó, thì người nói đã tự nhận mình là người chịu ơn, còn
người nghe trở thành người ban ơn. Hứa với ai một điều gì đó, ngay lúc hứa, ta đã tự
nhận trách nhiệm thực hiện lời hứa và người nghe trở thành người được hưởng điều ta
đã hứa. Ra lệnh cho ai thực hiện một công việc nào đó, chúng ta phải có trách nhiệm
về cái lệnh của mình và đặt ngay người nghe vào tình trạng phải thực hiện (hay không
thực hiện, nếu không thực hiện thì ít ra là cảm thấy “áy náy”) lệnh của chúng ta. Dù


không làm cái điều mà một hành động trong lời nào đó đưa ra, người nghe cũng không
còn vô tư, thản nhiên như trước khi có cái hành động đó.
Như vậy, tác động mà hành động trong lời tạo ra thể hiện ở chỗ nó làm thay đổi
tư cách của người nghe hay người nói so với trước đó. Tác động mà hành động trong

lời tạo ra được trong thực tế theo ý định của người nói là hiệu lực trong lời
(illocutionary force). Hiệu lực trong lời chính là đối tượng nghiên cứu của Ngữ dụng
học.

1.2.3. Hành động qua lời (perlocutionary act, perlocution)
Trong một vài chuyên luận ngôn ngữ học, ngữ dụng học tiếng Việt,
perlocutionary act hay perlocution được dịch thành: hành động xuyên ngôn (Cao Xuân
Hạo), hành vi mượn lời (Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân), hành động sau lời (Nguyễn
Thiện Giáp), hành vi dụng lời (Hoàng Phê), hành động qua lời (Chim Văn Bé). Cùng
một thuật ngữ, nhưng cách dịch của các tác giả lại không thống nhất. Ở đây, chúng tôi
thống nhất dùng khái niệm “hành động qua lời”.
“Hành động qua lời là hành động mà người nói thực hiện thông qua hành động
trong lời, nhằm gây ra những hiệu quả nào đó đối với cảm xúc, suy nghĩ và hành động
của người nghe, của chính người nói hay người khác một cách có chủ định, có mục
đích” [1; 22].
Chẳng hạn trong Răng con chó của nhà tư sản, khi thấy ông chủ và khách ra sân,
mãi mê chơi với chó, người ăn mày cố gào lên để xin. Nhưng cái tiếng hết hơi của hắn
đập đến màng tai ông chủ, thì ông chủ trợn mắt hầm hầm quát:
- “Làm gì mà nheo nhéo lên thế? Làm ác cả câu chuyện của người ta! Bước
ngay! Không ông đá cho một cái thì chết bây giờ.”
Hành động trong lời của câu nói ấy là hỏi, trách móc, ra lệnh kết hợp với đe dọa.
Nhưng thông qua câu nói ấy, ông chủ nhà còn muốn người ăn mày im lặng, sợ hãi và
bỏ đi để ông không phải nghe những lời ăn xin của người này nữa. Đó chính là điều
mà ông chủ nhà muốn thực hiện thông qua hành động trong lời. Câu tiếp theo miêu tả
hành động của người ăn mày và điều này chứng minh hành động qua lời mà ông chủ
nhà đã thực hiện thông qua hành động trong lời: “Thằng khốn nạn im thin thít”.
Hành động qua lời luôn có dự tính, có chủ định và có mục đích như hành động
trong lời nhưng không có quy ước và chế định của xã hội.



Hiệu quả mà hành động qua lời tạo ra gọi là hiệu lực qua lời. Hiệu lực qua lời
không thuộc ngôn ngữ.
Các hành động trong lời và qua lời đem lại cho phát ngôn những hiệu lực nhất
định. Lời nói đọi máu, câu tục ngữ này cho thấy người Việt Nam ta đã ý thức được
một cách cụ thể, bằng sinh mạng của mình hiệu lực của các phát ngôn. Ở đây, chúng ta
chỉ quan tâm tới các hiệu lực của hành động trong lời.

1.3. Vị từ miêu thuật và vị từ hành ngôn
J. L. Austin là người đầu tiên đã phát hiện ra sự khác biệt giữa hai lớp vị từ (động
từ): vị từ miêu thuật và vị từ hành ngôn.

1.3.1. Vị từ miêu thuật (constative verbs)
“Vị từ miêu thuật là vị từ biểu đạt hành động, quá trình, trạng thái, tính chất,…
diễn ra ở thế giới bên ngoài câu, được thực hiện không phải bằng lời nói” [1; 24]. Đó
là các vị từ như đánh, rửa, làm, níu,…
Chẳng hạn, trong truyện ngắn Răng con chó của nhà tư sản: “À, mày đánh gẫy
răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi rồi ông đền mạng.”, thì đánh và kẹp trong
câu này là vị từ miêu thuật, biểu đạt hành động “đánh” của người ăn mày đã làm gẫy
răng con chó và hành động “kẹp” cho người ăn mày chết tươi của ông chủ nhà.
Hay trong Người thứ ba: “Chị gò lưng, cố níu cỗ ván lại.”, thì níu ở đây là vị từ
miêu thuật, biểu đạt hành động “níu” cỗ quan tài của chị Cu khi đem mẹ chồng chị đi
chôn.

1.3.2. Vị từ hành ngôn (performative verbs)
Thuật ngữ performative verbs được các tác giả dịch thành các khái niệm khác
nhau: động từ ngữ vi (theo Đỗ Hữu Châu và Nguyễn Đức Dân), vị từ ngôn hành (Cao
Xuân Hạo), vị từ hành ngôn (Chim Văn Bé). Ở đây, chúng tôi thống nhất dùng khái
niệm “vị từ hành ngôn”.
Vị từ hành ngôn là những vị từ có thể trực tiếp biểu đạt hành động trong lời khi
hành động trong lời được thực hiện như cảm ơn, hứa, xin lỗi, chúc, tuyên bố, cho

phép,… Nói như vậy có nghĩa là không phải bao giờ vị từ hành ngôn cũng được dùng
trong chức năng hành ngôn.
Theo Cao Xuân Hạo trong Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, “một vị từ
được gọi là ngôn hành chỉ có tính chất ngôn hành trong những điều kiện nhất định,
khá ngặt nghèo:


- Chủ ngữ của nó phải là ngôi thứ nhất (chủ ngữ ấy có thể ẩn); nếu đó là ngôi
thứ hai hay thứ ba, câu nói có được chỉ là trần thuật, vì trong khi một người nói “nó
hứa”, hay “mày hứa”, thì người đó tuyệt nhiên không hề hứa gì cả, mà “nó” hay
“mày” cũng không;
- Vị từ ấy phải được dùng ở thì hiện tại của thức chỉ định trong mệnh đề chính
của câu, vì chỉ có như thế thì câu nói mới có thể đồng thời là cái hành động được nó
biểu hiện; nếu vị từ ấy được dùng trong mệnh đề phụ (trạng ngữ, hay bổ ngữ) hoặc ở
một thì không phải là hiện tại (hoặc trong ngữ cảnh có cái gì cho thấy nó không có ý
nghĩa “thì hiện tại” thì câu nói không thể có tính ngôn hành được nữa;
- Ý nghĩa ngôn hành chỉ thật minh bạch khi nào vị từ hữu quan có một bổ ngữ chỉ
đối tượng tiếp nhận cái hành động ngôn hành được biểu thị, và đối tượng đó thường
thường phải là ngôi thứ hai. So sánh: “tôi hứa”, “tôi hứa với anh”, “tôi hứa với nó”;
câu thứ nhất có được tính ngôn hành hay không là hoàn toàn tùy ở tình huống và ngữ
cảnh; câu thứ hai gần như chắc chắn là ngôn hành; câu thứ ba chỉ có thể là trần
thuật” [10; 422].
Những điều kiện để một vị từ được gọi là hành ngôn, có tính chất hành ngôn, cho
thấy không phải vị từ nào cũng thường xuyên mang tính hành ngôn, mà chỉ có những
phát ngôn có được tính hành ngôn trong những điều kiện nhất định. Đó là, khi trong
phát ngôn, vị từ hành ngôn làm chính tố của ngữ vị từ, được nói ở ngôi thứ nhất, thì
hiện tại.

1.4. Câu / phát ngôn miêu thuật và câu / phát ngôn hành ngôn
1.4.1. Câu / phát ngôn miêu thuật

Câu / phát ngôn miêu thuật là câu được dùng để biểu thị hành động, quá trình,
trạng thái hay tính chất… diễn ra ở thế giới bên ngoài. Chẳng hạn, câu: “Bẩm ông,
thầy u con đã nhắn ra rằng đến ra Giêng, mồng sáu, thì xin cưới cho con”, khi nói ra
câu này, thì người nói đã miêu tả hành động “nhắn ra” của thầy, u ở quê.
Giá trị đúng hay sai của các câu miêu thuật được xác định qua việc đối chiếu với
thực tế.

1.4.2. Câu / phát ngôn hành ngôn
“Câu / phát ngôn hành ngôn là câu có vị từ hành ngôn làm chính tố của ngữ vị từ
được nói ở ngôi thứ nhất, thời hiện tại” [1; 24]. Câu hành ngôn khác với câu miêu
thuật chính danh ở chỗ: nó không biểu thị sự tình diễn ra ở thế giới bên ngoài, mà bản


thân câu hành ngôn là một hành động. Chẳng hạn: “Anh thề rằng sẽ chu toàn danh tiết
cho Nguyệt”, khi nói ra câu này, thì người nói đồng thời thực hiện luôn hành động
trong lời “thề” bằng vị từ hành ngôn thề ngay khi phát ngôn.
Đối với câu hành ngôn, ta không thể đánh giá nó theo tiêu chuẩn chân lí (đúng
hay sai) như câu miêu thuật, mà chỉ có thể đánh giá là ổn hay bất ổn, khi xem xét tư
cách của người nói trong mối quan hệ với hành động trong lời. Chẳng hạn, muốn ra
lệnh, người ra lệnh phải ở vị thế cao hơn người nhận lệnh vì chỉ ở vị thế cao hơn thì
người nói mới có quyền ra lệnh. Khi hứa, người nói có thật sự chân thành với lời hứa
không hay chỉ là “hứa hão”. Hay khi khuyên ai thực hiện một điều gì đó, người nói có
chân thành với lời khuyên hay không hay chỉ là khuyên cho có, tỏ ra mình là người
biết quan tâm người khác.
Theo Cao Xuân Hạo, “Câu ngôn hành là một loại câu trần thuật tự biểu thị. Nói
như vậy có nghĩa là trong khi các câu trần thuật khác biểu thị (chỉ) những sự tình diễn
ra trong thế giới (hiện thực hay tưởng tượng) ở bên ngoài cái câu đang được nói ra
(kể cả tâm trạng của người nói, cả những hành động ngôn từ của người khác hay của
chính người đang nói nhưng được thực hiện vào một lúc khác), thì một câu ngôn hành
lại biểu thị chính cái hành động được thực hiện trong khi nói nó ra và chính bằng cách

nói nó ra” [10; 416].
Trong câu hành ngôn, khi nói xong đoạn chứa vị từ hành ngôn thì hành động
trong lời đã được thực hiện, đoạn còn lại là nội dung của hành động. Cũng chính từ
nhận xét này, nên câu hành ngôn khi được nói ra, người ta không thể phủ định vị từ
hành ngôn mà chỉ có thể phủ định nội dung của nó. Chẳng hạn, câu: “Hôm nay phiên
chợ Đồng Xuân, mời ông lên chơi chợ”, khi nói xong đoạn chứa vị từ hành ngôn mời
thì hành động trong lời “mời” được thực hiện ngay. Cho nên, người ta không thể phủ
định hành động trong lời “mời” mà chỉ có thể phủ định nội dung “mời”.
Nhưng đối với câu tường thuật thì người ta có thể phủ định hành động, quá
trình… do vị từ tường thuật biểu đạt. Chẳng hạn, câu: “Chính con trông thấy ông mở
khăn gói của con”, khi câu này được nói ra, người nghe có thể phủ định hành động
khẳng định: “Không đúng, mày không trông thấy tao mở khăn gói của mày”.
Trong một câu hành ngôn, khi nói xong đoạn chứa vị từ hành ngôn là người ta đã
thực hiện xong hành động trong lời đó. Đoạn còn lại là nội dung của hành động trong
lời. Cũng chính điều này cho phép đảo ngược nội dung một hành động trong lời lên


đầu câu. Trong khi đó ở một số loại câu tường thuật tương tự lại không thể thực hiện
được điều này.

1.5. Điều kiện sử dụng các hành động trong lời
Hành động trong lời cũng như các hành động sinh lí, vật lí, không thể tiến hành
một cách tùy tiện.
“Hành vi ở lời như đã biết, về cơ bản là hành vi xã hội. Điều kiện sử dụng các
hành vi ở là những điều kiện mà một hành vi ở lời phải đáp ứng để nó có thể diễn ra
thích hợp với ngữ cảnh của sự phát ngôn ra nó” [4; 111]. Cần lưu ý: ở đây ta chỉ nói
đến điều kiện sử dụng của các hành động trong lời chân thực. Có nghĩa là, chúng ta nói
đến thí dụ như hành động “hứa” chân thực, trong đó người hứa có ý định thực sự thực
hiện lời hứa của mình, chứ không nói đến những hành động hứa để lừa dối; hứa để tỏ
ra ta đây có quyền lực hay để tỏ ra ta đây lo lắng đến người khác chứ không hề có ý

định giữ lời hứa.
Để hành động trong lời (chân thực) được tiến hành một cách bình thường, hiệu
quả, theo Searle, cần phải thỏa mãn bốn điều kiện cần và đủ sau: điều kiện nội dung
mệnh đề, điều kiện chuẩn bị, điều kiện chân thành và điều kiện căn bản.

1.5.1. Điều kiện nội dung mệnh đề (propositional content condition)
Điều kiện nội dung mệnh đề là điều kiện có liên quan tới nội dung của hành động
trong lời. Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện một hành động trong lời. Không thể
thực hiện được một hành động trong lời nếu không có một nội dung nào rõ ràng, cụ
thể. Chẳng hạn, đối với hành động nhờ: “Nhờ cậu vào bẩm quan cho tôi vào hầu”, thì
nội dung của phát ngôn phải nói về một hành động nào đó của người nghe trong tương
lai. Đối với hành động xin phép: “Bẩm quan lớn, xin phép quan lớn cho chúng con
được hầu canh tổ tôm”, thì nội dung của phát ngôn phải nói về một hành động nào đó
của người nghe trong tương lai. Đối với hành động cảm ơn: “Thôi được, có lòng
thành, ta cảm ơn”, thì nội dung của phát ngôn nói về một hành động trong quá khứ do
người nghe thực hiện…

1.5.2. Điều kiện chuẩn bị (preparatory condition)
“Điều kiện chuẩn bị bao gồm những hiểu biết của người phát ngôn về năng lực,
lợi ích, ý định của người nói và người nghe, về các quan hệ giữa người nói và người
nghe. Đây là điều kiện cần thiết để hành động ngôn ngữ được thực hiện” [15; 40].
Chẳng hạn, khi ra lệnh, người nói phải tin rằng người nhận lệnh có khả năng thực hiện


hành động quy định trong lệnh, đồng thời biết rằng giữa người nói và người nhận lệnh
có vị thế xã hội có lợi cho người nói, tức là người nói phải xác định được rằng đang ở
vị thế cao hơn và có quyền buộc người nghe phải thực hiện nội dung mệnh lệnh. Khi
hứa, người hứa phải xác định được rằng người nghe có thực sự mong muốn mình thực
hiện lời hứa ấy không. Khi cảnh báo, người nói phải nghĩ rằng người nghe có thể chưa
biết sự việc có khả năng xảy ra và nếu sự việc xảy ra thì sẽ đem lại kết quả không tốt

cho họ. Khi xác tín, không những đòi hỏi người nói nói một điều gì đó đúng mà còn
đòi hỏi người nói phải có những bằng chứng thực sự…

1.5.3. Điều kiện chân thành (sincerity condition)
“Điều kiện này chỉ ra trạng thái tâm lí tương ứng của người nói được thể hiện
qua phát ngôn” [12; 299]. Điều kiện chân thành quy định người nói phải chân thành
đối với nội dung mệnh đề. Cụ thể, khi khẳng định, người nói phải có niềm tin vào điều
được mình nói ra. Khi thực hiện mệnh lệnh, hay cầu khiến, người nói phải có lòng
mong muốn nội dung mệnh đề được thực hiện. Khi hứa, người hứa phải có ý định thực
hiện lời hứa. Khi xin lỗi, người nói phải thật sự tin rằng điều mình xin lỗi là một điều
sai trái và có ý định xin lỗi thật sự…
Lưu ý rằng, điều kiện chân thành là điều kiện cần thiết để hành động trong lời
được thực hiện một cách chân thành. Nếu thiếu điều kiện này, hành động trong lời nào
đó vẫn có thể được thực hiện, nhưng không chân thành. Chẳng hạn, một người có thể
xin lỗi mà không nghĩ điều xin lỗi là sai, tức người đó xin lỗi có thể chỉ vì ai bắt ép,
hay vì lí do nào đó. Trong trường hợp này, hành động xin lỗi vẫn được thực hiện, mặc
dù không chân thành.

1.5.4. Điều kiện căn bản (essential condition)
“Điều kiện căn bản là điều kiện có liên quan tới mục đích thực hiện hành động
trong lời của người nói. Điều kiện căn bản chỉ ra kiểu trách nhiệm ràng buộc người
nói hoặc người nghe khi phát ngôn nào đó được hiện thực hóa” [12; 300]. Chẳng hạn,
khi hứa, người nói gắn mình vào trách nhiệm thực hiện lời hứa. Còn khi ra lệnh, trách
nhiệm và sự ràng buộc lại gắn vào phía người nghe. Khi xác tín, người nói phải chịu
trách nhiệm về tính đúng đắn của điều mình nói ra.


1.6. Phân loại các hành động trong lời
Có hai hướng phân loại chính: một của Austin và một của Searle.


1.6.1. Sự phân loại của Austin
Trong công trình của Austin (1962), ở bài giảng thứ XII ông đã phân loại các
hành động trong lời thành năm lớp lớn:
(1) Phán xét (verdictive)
Lớp này gồm những phán xét mà về cơ bản là những điều đánh giá về một sự
kiện hoặc một giá trị dựa trên những chứng cớ hoặc lí lẽ xác đáng: coi là, định giá trị,
ước lượng, trù tính, lên án, hủy bỏ, định là, phân loại…
(2) Hành xử (exercitive)
Lớp này gồm những hình thức thể hiện hoạt động quyền lực, luật lệ hay thế lực:
chỉ định, miễn trừ, rút phép thông công, bổ nhiệm, ra lệnh, đặt tên, kết án, truyền lại,
di chúc…
(3) Cam kết (commissive)
Lớp này gồm những hành động ràng buộc người nói vào những trách nhiệm,
nghĩa vụ nhất định: hứa hẹn, kí kết, giao kèo, thỏa thuận, giao ước, thề bồi, cá cược…
(4) Ứng xử (behabitive)
Lớp này gồm những hành động phản ứng lại cách xử sự của người khác, những
hành vi đáp ứng những sự kiện hữu quan có liên quan đến thân phận và thái độ của
người khác: xin lỗi, cảm ơn, ca ngợi, chúc mừng, chia buồn, phê phán, quở phạt, chê
trách, thách thức, ngờ vực…
(5) Bày tỏ (expositive)
Lớp này gồm những hành động dùng để trình bày các quan niệm, dẫn dắt các lập
luận, giải thích từ ngữ, đảm bảo sự quy dẫn: khẳng định, phủ định, bác bỏ, trả lời, đưa
ví dụ, giải thích, minh họa, báo cáo luận điểm…
Sự phân loại trên, chính Austin cũng còn nhận thấy những điều không thỏa đáng,
“có chỗ chồng chéo, có chỗ còn mơ hồ không xác định được một cách rõ ràng” [7;
24]. Chẳng hạn, hành động kết án được xếp vào hai lớp. Vào lớp phán xét, vì đó là ý
kiến phán xét của tòa án. Thuộc lớp hành xử, khi quan tòa kết án theo quyền lực của
mình.



1.6.2. Sự phân loại của Searle
Theo Nguyễn Đức Dân, trong Ngữ dụng học: “Searle là người đầu tiên vạch ra
hạn chế trong cách phân loại các hành động trong lời của Austin. Năm 1977 trong bài
“Sự phân loại các hành vi tại lời” (có in lại trong Searle, 1982), Searle cho rằng
Austin đã phân loại trên những tiêu chí chồng chéo và không rõ ràng nên đã có những
yếu tố không tương hợp được xếp trong một lớp, lại có những hành vi được xếp vào
những lớp khác nhau” [7; 24 – 25]. Chẳng hạn, hành động describe được Austin xếp
vào hai lớp phán xét và bày tỏ. Thuộc lớp phán xét vì đó là một sự đánh giá, chính
thức hoặc không. Thuộc lớp bày tỏ vì đó là sự trình bày một vấn đề gì đó. Nhưng điều
chủ yếu mà Searle không tán thành là Austin đã không thấy có sự khác biệt giữa hành
động trong lời và vị từ thể hiện hành động trong lời.
Searle thấy rằng có nhiều nguyên lí khác nhau để phân loại các hành động trong
lời. Cần dựa trên những nguyên lí rõ ràng và có liên kết với nhau.
Searle nêu ra 12 phương diện mà các hành động trong lời có thể khác nhau.
Trong số này, ông chọn ra 3 tiêu chí cơ bản để phân loại các hành động trong lời.

1.6.2.1. Đích trong lời (illocutionary point)
Nếu chúng ta hỏi đích của một mệnh lệnh ban ra là gì thì câu trả lời đại loại sẽ là
“để một ai đó làm một việc gì” hoặc “để một ai đó không làm một việc gì” hay “dừng
một công việc gì lại”. Đó là “đích trong lời” của hành động ra lệnh. Đích trong lời của
hành động miêu tả là trình bày một sự tình nào đó ở thế giới bên ngoài.
Đích trong lời của một hành động trong lời là mục đích của hành động đó. Đích
trong lời của hành động hứa là tự gắn trách nhiệm tinh thần về sự thực hiện việc gì. Đó
là điều kiện thiết yếu của hành động hứa. Đích trong lời không trùng với hiệu lực trong
lời. Nó chỉ là một bộ phận của hiệu lực trong lời. Hai hành động khác nhau có thể có
cùng một đích trong lời nhưng hiệu lực trong lời khác nhau. Chẳng hạn, hai hành động
ra lệnh và thỉnh cầu đều cùng một đích trong lời. Nhưng hiệu lực trong lời thì khác
nhau: ra lệnh thì bắt buộc người nghe thực hiện hành động, còn thỉnh cầu thì kêu gọi
thiện chí của người nghe.


1.6.2.2. Hướng trùng khớp giữa lời nói với hiện thực (direction of fit)
Sự trùng khớp giữa lời nói với hiện thực có thể diễn ra theo hai chiều: từ lời nói
tới hiện thực và từ hiện thực tới lời nói.


Chiều từ lời nói tới hiện thực phản ánh các loại hành động mà lời nói diễn ra
trước rồi hiện thực diễn ra sau đúng với lời. Ví dụ: “Tòa tuyên án ông Nguyễn Văn A
lãnh án mười năm tù giam”, thì sau lời tuyên án của tòa, ông Nguyễn Văn A phải lãnh
án mười năm tù giam. Các hành động hứa, ra lệnh, yêu cầu… thuộc loại này.
Chiều từ hiện thực tới lời nói phản ánh các loại hành động mà hiện thực diễn ra
trước rồi lời nói mới diễn ra sau đúng với hiện thực. Ví dụ: “Tôi đã sửa xe giúp ông
ấy”, thì việc sửa xe đã được thực hiện trước khi nói ra câu này. Các hành động trần
thuật, miêu tả, khẳng định… thuộc loại này.
Điều cần lưu ý là có khi hai hành động trong lời giống nhau về sự trùng khớp
nhưng khác nhau về đối tượng hành động. Chẳng hạn “hứa” và “sai” giống nhau về sự
trùng khớp (cả hai đều đòi hỏi hiện thực diễn ra phù hợp với lời – tức có hướng trùng
khớp từ lời nói tới hiện thực) nhưng “hứa” hướng hành động vào người nói, còn “sai”
lại hướng hành động vào người nghe.

1.6.2.3. Trạng thái tâm lí được thể hiện (expressed psychological states)
Trạng thái tâm lí được thể hiện tương ứng với điều kiện chân thành. Chẳng hạn,
khi trần thuật, người nói phải tin tưởng vào điều mình nói. Khi hứa, người nói có ý
định thực hiện một hành động nào đó. Khi thỉnh cầu, người nói mong muốn người
nghe thực hiện một hành động nào đó.
Với ba tiêu chí cơ bản trên, cộng thêm tiêu chí về nội dung, Searle phân loại các
hành động trong lời thành 5 lớp lớn.
(1) Lớp biểu hiện (representative): là hành động có đích trong lời là nêu trách
nhiệm của người nói về sự tồn tại của một trạng thái sự vật. Hướng trùng khớp là từ
hiện thực tới lời. Trạng thái tâm lí được thể hiện là lòng tin vào điều mình xác tín. Nội
dung mệnh đề là một mệnh đề có thể đánh giá theo tiêu chuẩn đúng – sai về mặt logic.

Các hành động trong lời của lớp biểu hiện bao gồm: khẳng định, tường thuật,
miêu tả, thông tin, giải thích, tranh cãi…
(2) Lớp chi phối (directive): là hành động có đích trong lời đặt người nghe trong
mối quan hệ thực hiện một hành động nào đó. Hướng trùng khớp là từ lời nói tới hiện
thực. Trạng thái tâm lí được thể hiện là sự mong muốn của người nói đối với người
nghe. Nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nghe.
Các hành động trong lời của lớp chi phối bao gồm: ra lệnh, thách, hỏi, yêu cầu,
đề nghị, …


(3) Lớp cam kết (commissive): là hành động có đích trong lời là gắn người nói
vào trách nhiệm thực hiện một hành động nào đó. Hướng trùng khớp là từ lời nói tới
hiện thực. Trạng thái tâm lí được biểu hiện là sự mong muốn của người nói. Nội dung
mệnh đề là hành động tương lai của người nói.
Các hành động trong lời của lớp cam kết bao gồm: cam đoan, thề, hứa, …
(4) Lớp biểu cảm (expressive): là hành động có đích trong lời là bày tỏ trạng thái
tâm lí của người nói đối với sự tình trong mệnh đề, trạng thái tâm lí thay đổi theo từng
loại hành động. Hướng trùng khớp không có tiêu chí thỏa đáng, tức là zero. Trạng thái
tâm lí phụ thuộc vào đích của hành động trong lời. Nội dung mệnh đề có thể là một
hành động hay một tính chất nào đó của người nói hay người nghe.
Các hành động trong lời của lớp biểu cảm bao gồm: xin lỗi, chúc mừng, tán
thưởng, cảm ơn, mong muốn, ruồng rẫy, …
(5) Lớp tuyên bố (declaration): là hành động có đích trong lời là gây ra một sự
thay đổi bởi lời tuyên bố. Hướng trùng khớp là từ lời nói tới hiện thực và từ hiện thực
tới lời nói. Nội dung mệnh đề là một mệnh đề.
Các hành động trong lời của lớp tuyên bố bao gồm: tuyên bố, kết tội, từ chức,
khai trừ, rút phép thông công…
Sau khi trình bày sự phân loại của Searle về các hành động trong lời, chúng tôi
thiết nghĩ nên phân các hành động trong lời thành tám lớp. Mục đích có thể phân loại
chính xác các hành động trong lời tương ứng với từng lớp cụ thể. Đó là các lớp sau:

(1) Lớp thông báo (tương đương lớp biểu hiện của Searle): là hành động có
đích trong lời nêu trách nhiệm của người nói về tính chân thực của sự tình diễn ra ở thế
giới bên ngoài lời. Hướng trùng khít là từ hiện thực tới lời. Trạng thái tâm lí được thể
hiện là lòng tin vào điều mình xác tín. Nội dung mệnh đề là một mệnh đề có thể đánh
giá theo tiêu chuẩn đúng – sai về mặt logic.
Các hành động trong lời của lớp thông báo bao gồm: nói, kể, báo, bảo, thông báo,
tường thuật,…
(2) Lớp biểu lộ (thuộc lớp biểu cảm của Searle): là hành động có đích trong lời
bày tỏ tâm trạng, ý chí, ý muốn của người nói đối với sự tình trong mệnh đề. Hướng
trùng khít từ hiện thực tới lời. Trạng thái tâm lí được thể hiện phụ thuộc vào nội dung
mệnh. Nội dung mệnh đề có thể là một hành động hay một tính chất nào đó của người
nói.


Các hành động trong lời của lớp thông báo bao gồm: lo, e, sợ, ngại, mong, muốn,
thích,…
(3) Lớp điều khiển (thuộc lớp chi phối của Searle): là hành động có đích trong
lời đặt người nghe vào việc thực hiện một hành động nào đó. Hướng trùng khít là từ
lời nói tới hiện thực. Trạng thái tâm lí được thể hiện là sự bắt buộc của người nói đối
với người nghe. Nội dung mệnh đề là hành động của người nghe trong tương lai.
Các hành động trong lời của lớp điều khiển bao gồm: ra lệnh, yêu cầu, cấm,…
(4) Lớp ủy thác (thuộc lớp chi phối của Searle): là hành động có đích trong lời
là đặt người nghe trong mối quan hệ thực hiện một hành động nào đó. Hướng trùng
khít là từ lời nói tới hiện thực. Trạng thái tâm lí được thể hiện là sự mong muốn, nhún
nhường của người nói đối với người nghe. Nội dung mệnh đề là hành động của người
nghe trong tương lai.
Các hành động trong lời của lớp ủy thác bao gồm: lạy, cầu, van, xin, nhờ,…
(5) Lớp cam kết: là hành động có đích trong lời gắn người nói vào trách nhiệm
thực hiện một hành động nào đó. Hướng trùng khít là từ lời nói tới hiện thực. Trạng
thái tâm lí được thể hiện là sự mong muốn của người nói. Nội dung mệnh đề là hành

động tương lai của người nói.
Các hành động trong lời của lớp cam kết bao gồm: cam đoan, thề, hứa, hẹn,…
(6) Lớp phán quyết (tương đương với lớp tuyên bố của Searle): là hành động có
đích trong lời là gây ra sự thay đổi bởi lời phán quyết. Hướng trùng khít là từ lời nói
tới hiện thực và từ hiện thực tới lời. Nội dung mệnh đề là một mệnh đề.
Các hành động trong lời của lớp phán quyết bao gồm: kết tội, khai trừ,…
(7) Lớp ứng xử: là hành động có đích trong lời là phản ứng với cách xử sự của
người khác. Hướng trùng khít là từ hiện thực tới lời nói. Trạng thái tâm lí được thể
hiện là sự mong muốn hay không mong muốn của người nói (do bị ép buộc). Nội dung
mệnh đề là hành động nào đó của người nói.
Các hành động trong lời của lớp ứng xử bao gồm: chào, xin lỗi, cảm ơn, chúc
mừng, chia vui, chia buồn,…
(8) Lớp thẩm định (hay còn gọi là lớp đánh giá): là hành động có đích trong lời
là nêu nhận định của người nói đối với nội dung mệnh đề. Hướng trùng khít là từ hiện
thực tới lời nói. Trạng thái tâm lí được thể hiện là thái độ tin tưởng của người nói vào


những điều mình nhận xét. Nội dung mệnh đề là sự việc, sự kiện nào đó trong hiện
thực khách quan.
Các hành động trong lời của lớp thẩm định bao gồm: khen, chê, nhận định,…


Chương hai
CÂU HÀNH NGÔN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA
NGUYỄN CÔNG HOAN
2.1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan
2.1.1. Cuộc đời
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 - 3 - 1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang,
tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Nghĩa Trụ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình nho học.
Vì nhà nghèo lại đông anh em, nên từ khi bốn tuổi, Nguyễn Công Hoan đã được

người bác là Nguyễn Đạo Quán nuôi cho ăn học. Năm lên 6 tuổi, Nguyễn Công Hoan
học chữ Nho, rồi chuyển sang học chữ Pháp. Khi 9 tuổi, ông bắt đầu lên Hà Nội học
trường Bưởi. Năm 1922, ông thi đỗ vào trường Nam sư phạm và đến năm 1926 thì đi
dạy học.
Ông bắt đầu viết văn từ năm 1920, lúc đang học ở trường Bưởi. Do viết văn có
đụng chạm đến bộ máy cai trị của thực dân, lại có một thời gian tham gia Quốc dân
đảng của Nguyễn Thái Học,… nên Nguyễn Công Hoan luôn bị mật thám theo dõi.
Ông đã mấy lần bị bắt, và lần cuối cùng bị giam cho đến ngày khởi nghĩa tháng Tám.
Ông được chính quyền cách mạng giao cho làm Giám đốc Sở kiểm duyệt báo chí Bắc
Bộ, kiêm Giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia
nhập quân đội, làm công tác văn hóa: Chủ nhiệm tờ Quân nhân học báo, Chủ bút báo
Vệ quốc quân (tiền thân của tờ Quân đội nhân dân ngày nay). Năm 1948, ông được kết
nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1949, ông làm Giám đốc Trường văn hóa
Quân nhân Lý Thường Kiệt. Năm 1952, ông làm ở Ban tu thư Bộ Giáo dục, soạn sách
giáo khoa về lịch sử. Đến năm 1957, khi Hội nhà văn Việt Nam được thành lập, ông
được bầu làm Chủ tịch Hội khóa đầu tiên và tiếp tục làm Uỷ viên thường vụ trong các
khóa tiếp theo.
Sau gần 60 năm cầm bút, ngày 6-6-1977, ông đã từ trần tại bệnh viện Hữu nghị
Hà Nội, thọ 74 tuổi.

2.1.2. Sự nghiệp sáng tác
Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn đặt nền móng cho sự phát triển
của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ông sáng tác từ rất sớm, mười bảy tuổi đã
có truyện ngắn đầu tay Quyết chí phiêu lưu; tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan


(1923); những truyện ngắn đăng thường xuyên trong Xã Hội Ba Đào Ký và tiểu thuyết
Những cảnh khốn nạn (tập 1). Tuy nhiên, những tác phẩm này không được độc giả
đánh giá cao. Đến năm 1935, khi tập truyện ngắn Kép Tư Bền ra đời, đã đưa tên tuổi
Nguyễn Công Hoan vào vị trí những nhà văn tiêu biểu hàng đầu của văn học Việt Nam

giai đoạn 1930 – 1945.
Nguyễn Công Hoan đã viết 20 cuốn tiểu thuyết. Trong đó, Bước đường cùng
được đánh giá cao nhất. Ngoài ra, ông còn là tác giả của rất nhiều truyện ngắn. Mặc dù
viết nhiều thể loại, nhưng Nguyễn Công Hoan lại đặc biệt thành công ở truyện ngắn. Ở
thể loại này, ông chứng tỏ được sự quan sát nhạy bén đối với hiện thực khách quan và
năng lực tuyệt vời của ngòi bút châm biếm. Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đã
tái hiện một cách sinh động hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

2.2. Giới thiệu sơ lược về truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan là một trong số không nhiều nhà văn đã có thể in rõ dấu ấn
bản sắc của riêng mình lên bối cảnh văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là văn học
giai đoạn 1930 – 1945. Ông có cái vinh dự là người đi tiên phong của trào lưu văn học
hiện thực phê phán.
Bước vào làng văn từ những năm 20 của thế kỉ trước, Nguyễn Công Hoan đã
sáng tác nhiều tác phẩm văn xuôi thuộc mọi thể loại, nhưng trong đó truyện ngắn là
phần đặc sắc hơn cả, đã vượt qua sự sàng lọc, thử thách của thời gian.
Không cần phải là người nghiên cứu sâu sắc cũng có thể thấy rõ chính nhờ sự
từng trải và kinh nghiệm sống dồi dào, mà bộ mặt xã hội trong sáng tác của Nguyễn
Công Hoan hết sức phong phú, nhiều vẻ hơn một số nhà văn tiến bộ khác cùng thời.
Đó là cả một xã hội gồm đủ mặt các loại người: nông dân, địa chủ, lý dịch, cường hào,
nghị viên, quan lại (huyện, phủ, án, tuần…), công nhân, phu phen, thợ thuyền, con
buôn, tư sản, thầu khoán, các loại tiểu tư sản trí thức, người làm nghề tự do, thầy
thuốc, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nghệ sĩ, học trò, công chức, cô đầu, gái điếm, phu
xe, con sen, đứa ở, kẻ cắp, hát xẩm, bồi bếp, lính tráng, hàng rong, tây trắng, tây đen,
me tây, kép hát, lính cơ, thầy quyền, phán, tham, chủ báo… Tất cả họp lại, làm thành
một bức tranh đời khá nhiều màu sắc, một tấn trò đời với nhiều cung bậc khác nhau
của tình cảm: hài hước, đau xót, thương tâm, uất ức, khinh bỉ, căm giận…
Nếu như truyện ngắn của Thạch Lam tác động chủ yếu vào tình cảm và cảm giác
người đọc, truyện của Nam Cao đi sâu vào tâm lý bên trong của nhân vật, thì truyện



×