Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết cúa hồ anh thái (LV00920)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (656.57 KB, 87 trang )

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ............................................................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài..................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề ......................................................................................................2
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu ........................................................................5
4. Phương pháp nghiên cứu .....................................................................................6
5. Dự kiến đóng góp mới .........................................................................................6
6. Kết cấu của luận văn ...........................................................................................6
Chương 1:KHÁI LƯỢC VỀ NHÂN VẬT VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC
CỦA HỒ ANH THÁI ...................................................................................................... 8
1.1. Khái lược về nhân vật .......................................................................................8
1.1.1.Nhân vật văn học .........................................................................................8
1.1.2. Nhân vật trong thể loại tiểu thuyết ...........................................................11
1.2 Hành trình sáng tác của Hồ Anh Thái..............................................................13
1.2.1. Cuộc đời ...................................................................................................13
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác ...................................................................................14
1.2.3. Quan niệm sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái .......................................18
Chương 2: CÁC LOẠI HÌNH NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT HỒ
ANH THÁI........................................................................................................................ 25
2.1. Nhân vật bản năng, tự nhiên. ..........................................................................25
2.2. Nhân vật trống rỗng, lạc loài...........................................................................32
2.3. Nhân vật tha hóa. ............................................................................................37
2.4. Nhân vật hướng thiện. .....................................................................................45
Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT .......................................... 56
3.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và tên gọi của nhân vật ..............57
3.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình .............................................57
3.1.2. Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên ........................................................59
3.2. Xây dựng nhân vật qua hành động .................................................................65
3.3. Xây dựng nhân vật qua biểu hiện nội tâm ......................................................71
3.4. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật ....................................................73


3.4.1. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái ............74
3.4.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật trong tiểu thuyết....................76
KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 82
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 84


1

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Văn học Việt Nam sau năm 1975 có sự chuyển đổi mạnh mẽ và thu
được nhiều thành tựu quan trọng. Đánh giá về giai đoạn văn học sôi động này,
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 khẳng định: “Đời sống văn học đang có
nhiều hứa hẹn đồng thời cũng đang nảy lên những vấn đề mới, những bước
phát triển đáng mừng, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả”. Văn
học đổi mới phát triển mạnh mẽ với phương châm dân chủ hóa, mới mẽ về tư
duy nghệ thuật để nhận thức lại con người. Các nhà văn trong khi cố gắng
khám phá cái thế giới bí ẩn, khuất lấp, đầy bất trắc và bất thường bên trong
mỗi con người, bên trong bản - thể - người, đều đang tìm một hướng đi riêng
để khẳng định mình. Trong số đó có những người đã trở thành hiện tượng nổi
bật của văn học đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị
Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… Mặc dù không nổi bật ngay từ đầu nhưng
Hồ Anh Thái đã bền bỉ tạo cho mình một phong cách vô cùng độc đáo, tinh tế
và mang đậm những đặc sắc riêng biệt.
Bằng tài năng, nhiệt huyết, trái tim giàu yêu thương của mình, nhà văn
Hồ Anh Thái đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị với
một cách viết mới mẻ, một văn phong mang dấu ấn cá nhân sâu sắc. Ông sáng
tác nhiều thể loại trong đó tiêu biểu là tiểu thuyết. Đến với Hồ Anh Thái ta bắt
gặp một giọng điệu tươi mới, trẻ trung, tinh nghịch, hiện đại khi văn chương

Việt Nam vẫn chưa qua khỏi sự ám ảnh và nỗi buồn của chiến tranh
Hồ Anh Thái là một trong số không nhiều những cây bút xuất hiện sớm
và để lại dấu ấn trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Tác phẩm của ông tái
hiện nhiều kiếp người, cảnh người trong nhiều thời điểm, nhiều tình huống để
qua đó nói lên cảm nhận về nhân sinh. Hơn nữa, tác phẩm của Hồ Anh Thái


2

thường đề xuất thể nghiệm những nhận thức mới về xã hội, những cách nhìn
mới về nghệ thuật nhằm tạo sự phù hợp, hiệu quả trong việc thể hiện con
người theo cảm quan của mình. Với gần 30 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản
hơn 20 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Hồ Anh Thái đã từng đạt giải thưởng
văn xuôi 1983 – 1984 của báo Văn nghệ với truyện ngắn Chàng trai ở bến
đợi xe, nhận giải văn xuôi 1986 – 1990 của Hội nhà văn Việt Nam với tiểu
thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng. Nhiều cuốn sách của ông đã được
chọn dịch, giới thiệu ở nước ngoài và tạo được dư luận tốt.
Chọn đề tài : Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái- một
tác giả ngày càng được dư luận chú ý nhưng chưa được đánh giá toàn diện,
chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp một cái nhìn mới mẻ về thế giới nhân vật
phong phú và đa dạng của tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Mặt khác, qua thế giới
nhân vật chúng ta sẽ tìm hiểu được những tìm tòi cách tân nghệ thuật của
cây bút này để thấy sự phù hợp với dòng chảy của những cách tân trong văn
xuôi Việt Nam hiện nay.
Việc thực hiện đề tài còn là dịp cho chúng tôi bước đầu làm quen, tập
nghiên cứu độc lập một vấn đề văn học, từ đó giúp chúng tôi nâng cao kiến
thức cũng như kinh nghiệm cho việc học tập và nghiên cứu sau này.
2. Lịch sử vấn đề
Hồ Anh Thái là nhà văn ngày càng có nhiều công chúng, các tác phẩm
của ông ngày càng gây được nhiều sự chú ý của dư luận và bạn đọc.

Để có cơ sở cho một cái nhìn sâu sắc, bao quát đối với tiểu thuyết, vừa
không dẫm dấu chân người đi trước, vừa đảm bảo tính khách quan khoa học,
chúng tôi xin lược khảo những nghiên cứu, đánh giá về những quan niệm
sáng tác của Hồ Anh Thái.
Hồ Anh Thái với những sáng tác của mình đã thực sự thu hút và tạo
được những ấn tượng tốt cả trong và ngoài nước. Hiếm có tác giả nào có sức


3

sáng tạo dồi dào và có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau như Hồ Anh Thái.
Nhìn chung, các đánh giá dừng lại ở dạng bài viết cho từng tiểu thuyết trước
vấn đề mà Hồ Anh Thái đặt ra trong tác phẩm của mình, chẳng hạn như nhà
báo Lê Hồng Lâm nhận xét: “ Ngay từ khi xuất hiện, anh đã “phả” vào văn
học một giọng điệu tươi mới, trẻ trung, hiện đại khi văn chương Việt Nam vẫn
chưa đi qua khỏi sự ám ảnh và nỗi buồn của chiến tranh” [20, tr.2]
Nguyễn Đăng Điệp khi khảo sát các sáng tác của Hồ Anh Thái đã nhận
định: “Rõ ràng, xuất phát từ quan niệm coi cuộc đời như những mảnh vỡ, bản
thân mỗi một con người lại mang những mảnh vỡ, những xung lực khác nhau
trong trăm ngàn mảnh vỡ kia đã trở thành nét chính trong quan niệm về cuộc
sống của Hồ Anh Thái. Chính quan niệm này sẽ tao nên tính đa cấu trúc
trong các tác phẩm của anh”[6]
Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Văn viết lạ…có lẽ không chỉ ở sự
tinh tế ở văn phong, lối biểu đạt độc đáo, nhuần nhuyễn trong cấu tứ; mà
chính ở chỗ anh đã cho thấy những giao nhịp phức điệu giữa con người cá
thể và nhân loại” [20,tr.3]
Anh Chi đã nhận xét: “Bây giờ nhìn nhận lại hiện tượng Hồ Anh Thái,
chúng tôi thấy, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, anh đã thể hiện tính chuyên
nghiệp trong việc viết văn. Điều này, sang đầu thế kỷ XXI hầu hết các nhà văn
nước ta còn chưa ý thức được” [4]

Nhà văn Lê Minh Khuê có nhận xét về tác phẩm Người và xe chạy dưới
ánh trăng Hồ Anh Thái viết từ 1986: “Có lẽ ngay từ ngày ấy, tác giả này đã ý thức
rằng tác phẩm văn học muốn hòa nhập được với dòng văn học chảy ào ạt ngoài kia
của thế giới thì đừng có quá lệ thuộc vào hiện thực giản đơn” [17]
Nhà văn lớn Ma Văn Kháng như thốt lên khi nhận xét về tiểu thuyết Hồ
Anh Thái: “Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế vừa có tính đại
chúng, gần gũi vừa uyên bác, trí tuệ. Dễ ai đã làm được điều này!”[20, tr.3]


4

Bản thân tác giả cũng từng nói về thế giới nhân vật của mình: “Các
nhân vật của tôi không có người hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Ngay cả
khi giễu nhại thì tôi cũng thấy trong đối tượng có cả hình bóng của chính
mình và người thân của mình. Không thể có chuyện vô can theo kiểu: "Chắc
là nó trừ mình ra!". Một số độc giả phản ứng có lẽ vì họ chỉ thấy tôi phê phán
người đời mà không đọc ra được cái chất tự giễu nhại của chính tôi. Dù sao
đi nữa, nếu để cho độc giả hiểu nhầm thì lỗi đầu tiên vẫn là của tác giả” [26]
Hồ Anh Thái khẳng định rằng: “Tôi không đặt văn chương vào tháp
ngà mà để nó chung sống với những vấn đề nhạy cảm của xã hội” [26]. Thiết
nghĩ đây cũng là quan niệm của bất cứ nhà văn nào được xem là “cấp tiến” về
mặt tư tưởng. Nó mở đường cho những khám phá về hiện thực mang màu sắc
nhân văn của tác giả.
Không dừng lại ở đó những sáng tác của Hồ Anh Thái cũng đã thực sự
thu hút và tạo được ấn tượng trong lòng các tác giả nước ngoài qua những
nhận xét chủ yếu tập trung chỉ ra cái nhìn dũng cảm của nhà văn về “hiện thực
khi thế giới thảm hại đi qua chiến tranh và sử dụng thay đổi văn hóa, cùng
với văn phong vừa hài hòa vừa sâu sắc của tác giả” [5]
Tiến sĩ văn học Ấn Độ K.Pandey đã từng nhận xét truyện ngắn viết về
Ấn Độ của Hồ Anh Thái trên báo The Hindustan là: “Những dòng chữ của Hồ

Anh Thái là những mũi kim châm cứu Á Đông đã điểm đúng huyệt tính cách
Ấn Độ”[ 4 ]
Nhà văn Wayne Karlin (Mỹ) viết: “Với lòng kính trọng và tình yêu, anh
chấp nhận điểm xuất phát của mình trong lịch sử và văn học nước nhà, nhưng
cùng mở hướng ra cho những ảnh hưởng khác – nổi bật là chủ nghĩa hiện
thực huyền ảo Mỹ la tinh và tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Czech Milan
Kundera và anh đã để cho tác phẩm của mình đưa văn học Việt Nam đương
đại đi theo những hướng mới” [5]


5

Tạp chí phê bình sách ForeWord (Mỹ) có lời bình luận: “Tiểu thuyết
của Hồ Anh Thái vẽ lên một bức tranh cảm động về xã hội Việt Nam thời hậu
chiến. Bàn tay tác giả xử lý những đề tài nặng nề có đủ độ tinh tế để khiến
người đọc nhầm tưởng rằng nó thật giản dị” [5].
Còn rất nhiều bài viết về văn xuôi Hồ Anh Thái, trên đây chỉ là những
bài viết về tác phẩm tiêu biểu. Có nhiều bài viết cần bàn luận thêm nhưng hầu
hết các ý kiến đều khẳng định Hồ AnhThái là cây bút triển vọng, có phong
cách đa dạng, có cái nhìn đa chiều về hiện thực, có những cách tân về nghệ
thuật. Qua những tài liệu chúng tôi nhận thấy: chưa có nhiều công trình
nghiên cứu về thế giới nhân vật trong các sáng tác của Hồ Anh Thái đặc biệt
là mảng tiểu thuyết. Xuất phát từ thực tế đó, việc nghiên cứu thế giới nhân vật
trong sáng tác thuộc thể loại tiểu thuyết của Hồ Anh Thái có thể xem là một
hướng nghiên cứu hợp lý, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn. Từ đó thấy
được ý nghĩa thẩm mỹ đậm chất nhân văn, những nét độc đáo trong nghệ
thuật văn xuôi, cũng như những đóng góp của Hồ Anh Thái cho văn xuôi
đương đại Việt Nam.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chọn đề tài Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh

Thái nhằm làm nổi bật những thành công của nhà văn Hồ Anh Thái trong
việc xây dựng nhân vật tiểu thuyết. Từ đó, chúng tôi muốn khẳng định tài
năng, phong cách và những đóng góp của Hồ Anh Thái đối với nền tiểu
thuyết Việt Nam đương đại.
Đối với đề tài này, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là: Thế giới
nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái
Để thực hiện và hoàn thành đề tài này, chúng tôi xác định phạm vi
nghiên cứu là những tiểu thuyết: Mười lẻ một đêm, Đức phật, nàng Savitri


6

và tôi, SBC là Săn bắt chuột, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh
Thái.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu, căn cứ vào nội dung, yêu cầu của đề tài chúng
tôi đã sử dụng các phương pháp sau:
Phương pháp thống kê:
Thống kê các tác phẩm của Hồ Anh Thái, cũng như những tác phẩm của
các tác giả khác trong văn xuôi Việt Nam sau 1975,các công trình nghiên cứu
đi trước và nhiêu đánh giá, nhận xét. Trên cơ sở đó để ta có một cái nhìn
khách quan, tổng thể hơn về vấn đề.
Phương pháp phân tích, tổng hợp:
Cùng với việc thống kê cần phải có một óc phân tích, tổng hợp một cách
logic, hợp lý. Vừa tổng hợp vừa đưa ra những dẫn chứng để phân tích, mổ xẻ
vấn đề.
Phương pháp so sánh, đối chiếu:
Nhằm phân biệt sự giống và khác nhau trong phong cách sáng tác nói
chung và quan niệm về nhân vật qua các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, đồng
thời so sánh với các nhà văn khác.

Phương pháp tiếp cận thi pháp học:
Vận dụng các khái niệm, các phương pháp và các tri thức trong thi pháp
học để làm rõ hơn khái niệm về nhân vật, các kiểu nhân vật, nghệ thuật xây
dựng nhân vật… trong một số tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.
5. Dự kiến đóng góp mới
Luận văn là một công trình nghiên cứu có hệ thống về thế giới nhân vật
trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Từ đó, chúng ta thấy được vai trò của
nhân vật trong tiểu thuyết và quan niệm, tư tưởng của tác giả.
Luận văn góp phần chỉ ra phong cách tiểu thuyết Hồ Anh Thái, khẳng


7

định vị trí, sự đóng góp của nhà văn đối với nền văn học Việt Nam đương đại.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Khái lược về nhân vật và hành trình sáng tác của Hồ Anh Thái
Chương 2: Các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật


8

Chương 1
KHÁI LƯỢC VỀ NHÂN VẬT VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC
CỦA HỒ ANH THÁI

1.1. Khái lược về nhân vật
1.1.1.Nhân vật văn học
1.1.1.1.Khái niệm

"Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm
văn học, chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm” [25,tr.277]
“ Nhân vật văn học là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, là
tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng chủ đề và đến lượt mình nó lại được các
yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa. Nhân vật do
đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm văn học”
[1,tr165]
.

“Nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước

lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người
mà chỉ thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề
nghiệp, tính cách v.v…” [8, tr.126]
Nói cách khác, nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người,
có ý nghĩa con người. Nhân vật là con đẻ của nhà văn, là sản phẩm của của tư
duy nghệ thuật, sự sáng tạo của nhà văn, nhằm thể hiện một tư tưởng cụ thể.
1.1.1.2.Đặc điểm nhân vật văn học
Nhân vật văn học có thể là những con người giống như thật hoặc có
nguyên mẫu ở ngoài đời như Mẹ La, ông Dâng, cụ Cam, mẹ Nghĩa, Đơ
Vanhxi, ThySan, Giáng Hương trong Cửa biển của Nguyên Hồng; là Quang
Trung – Nguyễn Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn
phái; là chị Dậu, Nghị Quế ... trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố ...


9

Nhân vật văn học còn có thể là các sự vật, hiện tượng như biển trong
bài thơ Biển của Xuân Diệu; sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, trăng
trong thơ Hàn Mạc Tử ...

Nhân vật văn học có khi hiện ra với đầy đủ ngoại hình, tính cách, hành
động, suy nghĩ như các nhân vật trong tác phẩm tự sự; có khi lại chỉ tồn tại
dưới dạng những cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm như những nhân vật trong thơ
trữ tình, có lúc là những tưởng tượng hư cấu kỳ lạ như trường hợp Sọ Dừa,
Tôn Ngộ Không ... nhưng tất cả đều mang dáng dấp, tâm hồn những con
người được miêu tả cụ thể hoặc khái quát và rất sinh động như những con
người có thật ngoài cuộc đời.
Nhân vật văn học không chỉ là con người, những con người có tên hoặc
không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác
phẩm, mà còn có thể là những sự vật, loai vật khác ít nhiều mang bóng dáng,
tính cách của con người, được dùng như những phương thức khác nhau để
biểu hiện con người. Đó là nhân vật Dế Mèn, võ sĩ Bọ Ngựa, con mèo lười
trong truyện thiếu nhi của Tô Hoài, là vầng trăng, bông hoa hồng trong thơ
Bác v.v…Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể, mà
chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan tới con người, được thể
hiện nổi bật trong tác phẩm, chẳng hạn nói nhân dân là nhân vật chính của
Chiến tranh và hòa bình, thời gian là nhân vật chính trong sáng tác của Sê
Khốp v.v…
Nhân vật là yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm, thể hiện những quan
niệm nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người, cuộc đời.
Nhà văn xây dựng nhân vật không chỉ để phản ánh hiện thực mà để phản ánh
tư tưởng, ý đồ nghệ thuật, sự sáng tạo của mình về đời sống, con người. Vì
thế, ở một khía cạnh khác, nhân vật chính là cách nêu vấn đề và khêu gợi
người đọc đồng sáng tạo. Ví dụ, khi xây dựng nhân vật Quan Công, Lưu Bị,


10

Tào Tháo ... trong Tam Quốc diễn nghĩa là La Quán Trung muốn gửi gắm
quan niệm nghệ thuật của mình về hình ảnh những con người ngay thẳng,

cương quyết (Quan Công), anh hùng chính trực (Lưu Bị), con người gian
giảo, mưu kế (Tào Tháo) ...
Nhân vật là hình thức nghệ thuật ước lệ để qua đó văn học miêu tả thế
giới một cách hình tượng. Vì thế, ta không nên đồng nhất nhân vật văn học
với con người thật ngoài đời, cũng không nên đồng nhất nó với nguyên mẫu,
mà chỉ coi nhân vật trong văn học như là một yếu tố hình thức mang tính nội
dung: đó là những ước lệ nghệ thuật có những quy ước chung và sáng tạo
riêng của tác giả. Chính điều này tạo nên sự đa dạng của nhân vật trong văn
học.
1.1.1.3. Vị trí, ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm văn học
Nhân vật là hình thức hạt nhân của tác phẩm nghệ thuật. Nó là yếu tố
không thể thiếu trong tác phẩm văn học. Nhân vật là căn cứ rõ nhất để ta nắm
bắt tư tưởng nghệ thuật của nhà văn cũng như điều người nghệ sỹ muốn gửi
gắm tới độc giả. Thông qua thế giới hình tượng trong tác phẩm, cụ thể là
thông qua thế giới nhân vật, ta có thể dễ dàng tiếp cận nội dung ý nghĩa của
một tác phẩm văn học.
Nhân vật là phương tiện khái quát hiện thực, "chức năng của nhân vật
là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu
biết, ước ao, kỳ vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện
những cá nhân nhất định và quan niệm về các nhân vật đó" [8,tr.278].Thông
qua các nhân vật, nhà văn có thể khái quát các tính cách, số phận con người
và các quan niệm về chúng. Chức năng khái quát của nhân vật cũng mang
tính lịch sử. Tức là, mỗi nhân vật thường mang ý nghĩa tiêu biểu cho một thời
đại nhất định. Ví dụ những nhân vật Kiều, Đạm Tiên trong Truyện Kiều của
Nguyễn Du là hiện thân cho nỗi bất hạnh của người phụ nữ dưới thời phong


11

kiến - những số phận "tài hoa mà bạc mệnh"; nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn

của Ngô Tất Tố là tiêu biểu cho nỗi khổ của người phụ nữ nông dân Việt Nam
trước cách mạng ...
Nhân vật có ý nghĩa quyết định nội dung tư tưởng tác phẩm, thể hiện sự
sáng tạo của nhà văn và là nhân tố rất quan trọng làm nên sự thành công của
tác phẩm văn học. Nhiều nhà văn và nhà lí luận đều khẳng định không có
nhân vật sẽ không có tác phẩm văn chương.
1.1.2. Nhân vật trong thể loại tiểu thuyết
1.1.2.1. Khái niệm
Nhân vật tiểu thuyết thuộc loại hình nhân vật tự sự. Đó là những nhân
vật được khắc hoạ đầy đặn, rõ nét, nhiều mặt, rất sinh động và đa dạng.
Nhân vật tiểu thuyết là kết quả năng động của quá trình sáng tạo mang
tính cá nhân của nhà văn. Nhân vật tiểu thuyết có thể được hư cấu hoàn toàn,
có thể bắt nguồn từ một nguyên mẫu ngoài cuộc đời, nhưng nó đều là những
“nhân vật sống”. Nó không chỉ có các yếu tố ngoại hình, ngôn ngữ, hành
động… mà còn có đời sống nội tâm phong phú và bản thân nhân vật luôn có
sự phát triển nội tại. Ở nhân vật tiểu thuyết có thể chứa đựng cả nhân vật kịch,
nhân vật trữ tình ở những phần nhất định. Có thể nói nhân vật tiểu thuyết bao
hàm rất nhiều kiểu, loại nhân vật văn học khác nhau.
Trong tiểu thuyết, số lượng nhân vật nhiều. Trong một chỉnh thể thế giới
nghệ thuật tác phẩm, tiểu thuyết có khả năng kể về nhiều số phận, nhiều con
người, đặt ra nhiều vấn đề nhân sinh.
Thế giới nhân vật tiểu thuyết có thể rất đồ sộ. Các nhân vật tiểu thuyết
tạo nên một xã hội vô cùng phong phú, phức tạp với nhiều quan hệ, hành
động, ý nghĩ, tư tưởng, giọng điệu… Nó phong phú như chính cuộc sống.
1.1.2.2. Đặc điểm nhân vật tiểu thuyết


12

Thứ nhất, nhân vật tiểu thuyết thường được khai thác qua nhiều mối

quan hệ để làm bộc lộ tính cách. Hay nói cách khác, tính cách có quan hệ với
hoàn cảnh. Tính cách nhân vật tiểu thuyết có sự phát triển tự thân như trong
cuộc đời thật. Tính cách là mấu chốt đối với nhân vật tiểu thuyết. Trong tiểu
thuyết thường xây dựng được rất nhiều những nhân vật tính cách sắc nét như:
tính cách gian hùng của Tào Tháo, tính cách nóng nảy của Quan Công, tính
cách mềm mỏng và nhu nhược của Lưu Bị…
Thứ hai, khác với các nhân vật sử thi, nhân vật kịch, nhân vật truyện
Trung cổ… (là những con người hành động), nhân vật tiểu thuyết là những
con người nếm trải, tư duy, chịu nhiều đau khổ dằn vặt của đời. Nhân vật tiểu
thuyết được đặt trong những hoàn cảnh cụ thể và được miêu tả như một con
người đang trưởng thành, biến đổi và do đời dạy bảo. Nhân vật phải đi qua
nhiều hoàn cảnh, nhiều quan hệ và đặc biệt không chỉ tích hợp về lượng mà
phải thay đổi về chất và nó phải khác biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác
và trong chính nhân vật. Tức là, nhân vật luôn có sự phát triển tạo nên những
tính cách đa dạng, sống động, lôi cuốn người đọc. Ví dụ, các nhân vật trong
tiểu thuyết của Nguyên Hồng là như thế: các nhân vật luôn phải đối mặt và
trải qua nhiều hoàn cảnh, quá trình để hoàn thiện nhân cách.
Thứ ba, nhân vật tiểu thuyết là những con người có ý thức về sự sống
của mình, có thể tích cực, chủ động cũng có thể thụ động, trì trệ. Bản chất
của nhân vật khi tích cực là không bao giờ bằng lòng với bản thân, là những
con người tự ý thức, luôn tiến lên, thay đổi. Nhân vật Đôn-ki-hô-tê trong tiểu
thuyết cùng tên của nhà văn Xéc-van-tét là nhân vật tiêu biểu số một cho loại
nhân vật này. Còn khi trì trệ, thụ động thì nhân vật như những con người thừa,
ê trề như Pliuskin trong Những linh hồn chết của Gôgôn, Cố Hồng trong Số
đỏ của Vũ Trọng Phụng.


13

Thứ tư, do tiểu thuyết là thể loại nhìn đời sống từ góc độ đời tư, cho nên

nhân vật tiểu thuyết thường là những con người cá nhân. Đó là những con
người tự do trong suy nghĩ, cử chỉ, hành động…(đối lập với con người sử thi:
là những con người được nhìn với thái độ kính cẩn, con người như những
công cụ lịch sử, xã hội; sống như cái bóng; thể hiện ý chí, tư tưởng tập thể,
thời đại; có cái đầu lớn hơn trái tim; nếu có trái tim thì là trái tim dành cho
một người nào đấy…), thể hiện góc nhìn của người phản ánh và mang quan
điểm sáng tạo cá nhân của chủ thể phản ánh. Nhân vật gần gũi với tác giả,
không có khoảng cách sử thi. Tác giả đối với nó (nhân vật) có thể suồng sã,
bỡn cợt, thân mật… Ví dụ như Nguyễn Khải với các nhân vật trong tiểu
thuyết của ông.
1.1.2.3. Vị trí, ý nghĩa của nhân vật tiểu thuyết
Trong tiểu thuyết, nhân vật không phải là nơi duy nhất nhưng lại là nơi
thể hiện một cách tập trung nhất, sâu đậm nhất quan niệm về con người của
tác giả. "Tiểu thuyết thường được ví là máy cái của văn học" [9,tr.98], là
mảnh đất lưu giữ bóng hình cuộc đời con người, vì thế nhân vật luôn được
xem là sức nổ, là sự sống của tiểu thuyết từ xưa đến nay. Nhân vật tiểu thuyết
làm nên sức sống của mỗi cuốn tiểu thuyết.
Qua nhân vật, ta thấy được cả tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm và ý đồ
sáng tạo của nhà văn. Những nhân vật như Giăng văn giăng, Phăng tin…
trong Những người khốn khổ của V. Huygô; Anđrây, Pie… trong Chiến
tranh và hoà bình của LepTônxtôi; Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm… trong Thuỷ hử
của Thi Nại Am là những linh hồn của tác phẩm, làm nên sức sống của mỗi
cuốn tiểu thuyết.
1.2 Hành trình sáng tác của Hồ Anh Thái
1.2.1. Cuộc đời nhà văn


14

Hồ Anh Thái là một nhà văn đã và đang gây xôn xao trong văn học

những năm gần đây. Ông sinh ngày 18 tháng 10 năm 1960 tại Hà Nội, quê
gốc ở Nghệ An, tuổi nhỏ sống cùng gia đình tại Nam Định. Tốt nghiệp phổ
thông năm 1977 rồi học Đại học Ngoại giao và nhận được bằng cử nhân năm
1983. Trong khi làm việc ở Bộ Ngoại giao, Hồ Anh Thái được cử đi làm
nghiên cứu sinh ở Ấn Độ. Tại xứ sở được ví là Thiên đường của các thần linh
ấy, ông đã học hỏi và rất nhanh chóng thông thạo tiếng Hinđi. Nhờ vậy, ông
đã có thể đi khắp Ấn Độ, vào các chùa chiền để nghiên cứu văn hóa và tôn
giáo, đồng thời khám phá những bí ẩn sâu kín của đất nước rộng lớn này. Sau
khi nhận bằng tiến sĩ Đông phương học, ông được giữ lại làm ở đại sứ của
Việt Nam tại Ấn Độ. Với cương vị mới, ông lại có thêm điều kiện thâm nhập
đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người Ấn Độ. Hồ Anh Thái còn đi
xa hơn nữa tới cả những miền đất nơi Phật giáo Ấn Đô lan tỏa tới. Những trải
nghiệm và hấp thu một cách tự nhiên đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần
phong phú ở Ấn Độ đã tạo ra cái chất “thiền” đặc sắc trong các sáng tác của
nhà văn. Từ Ấn Độ trở về, ông vẫn là một công chức ngoại giao, nhưng ông
nói công việc thực sự của mình là viết văn.
Không chỉ nhiều năm học tập và công tác ở Ấn Độ mà Tây Tạng cũng
là nơi đem lại nhiều kinh nghiệm, kiến thức quí báu cho Hồ Anh Thái và hiện
ông đang đảm trách chức vụ tham tán, phó Đại sứ nước Việt Nam tại Cộng
hòa Hồi giáo Iran. Là tiến sĩ ngành văn hóa Phương Đông; từng là chủ tịch
Hội Nhà văn Hà Nội, ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác
Mặc dù công tác đối ngoại chiếm khá nhiều thời gian và trí lực, nhưng
Hồ Anh Thái vẫn luôn dành tâm huyết cho văn chương. Từ tác phẩm đầu tay
viết năm tác giả 18 tuổi, đến nay ông đã có trên 30 đầu sách – bình quân mỗi
năm 1 cuốn, trong đó có nhiều cuốn đã được dịch ra tiếng nước ngoài (Anh,


15


Pháp, Thụy Điển…). Hồ Anh Thái là tác giả sớm bộc lộ năng khiếu văn
chương và sớm xác định chỗ đứng của mình trên văn đàn. Đúng như Hoài
Nam đã viết về ông: Hồ Anh Thái- người lúc nào cũng viết [19]
Khởi nghiệp viết văn, Hồ Anh Thái nổi lên như một hiện tượng, với
giọng văn trẻ trung, tươi mới về đời sống thanh niên, sinh viên với những
cuộc phiêu lưu, những khát khao khám phá đời sống. Ông là một trong số
không nhiều các cây bút xuất hiện sớm và thành danh cũng rất sớm. Hồ Anh
Thái đã từng đạt giải thưởng của văn xuôi 1983-1984 của Báo Văn nghệ với
truyện ngắn Chàng trai ở bến đợi xe, nhận giải văn xuôi 1986-1990 của Hội
nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng. Giải
thưởng văn học năm 1995 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
với tập truyện ngắn Người đứng một chân. Ông là một nhà văn trưởng thành
nhanh chóng và để lại dấu ấn khó phai trong văn xuôi Việt Nam kể từ đổi mới
(1986) đến nay.
Sáng tác của Hồ Anh Thái bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn, ở thể loại
nào ông cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Tác phẩm của ông tạo được
sự chú ý và gây ấn tượng với người đọc về tư tưởng, chủ đề, nội dung và
những thủ pháp nghệ thuật. Bằng tài năng của mình, Hồ Anh Thái đã mang
đến cho văn học nước nhà sự mới mẻ độc đáo của một phong cách đang định
hình và ngày càng có nhiều công chúng đón nhận.
Trong thời gian làm việc ở Bộ Ngoại giao, Hồ Anh Thái đi nghĩa vụ
quân sự. Cũng dịp này, tập truyện ngắn Chàng trai ở bến đợi xe được xuất
bản. Và tại đây, vào tháng 11 năm 1985, Hồ Anh Thái đã viết cuốn tiểu thuyết
Người đàn bà trên đảo, đề cập đến những chấn thương về thể chất và tinh
thần của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh, trở thành quá lứa lỡ thì.
Sau chiến tranh, những nữ cựu chiến binh đó đến làm việc trong một lâm trường
trên đảo Cát Bạc. Đây là câu chuyện về cuộc chiến đấu tiếp tục của họ, hoặc là đau


16


đớn chống lại những ham muốn nhục dục thường tình, hoặc là nhẫn nhục thèm khát
có một chút con làm nơi nương tựa lúc cuối đời. Dù là nhà văn rất trẻ, nhưng ông đã
đặt vấn đề về tình dục, về bản năng con người và nhu cầu làm tròn thiên chức người
phụ nữ. Đặc biệt, đề tài của tiểu thuyết thực sự táo bạo, là cái giá mà những nữ cựu
chiến binh phải trả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ thật ghê gớm. Năm 1986, Hồ
Anh Thái lại xuất bản tiểu thuyết Vẫn chưa tới mùa đông. Và năm này ông cũng
viết xong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng. Sức viết của ông thật dồi
dào, rất hiếm thấy trong số các nhà văn Việt Nam thời ấy và cả hiện nay. Bây giờ
nhìn nhận lại hiện tượng Hồ Anh Thái, chúng tôi thấy, ngay từ khi bắt đầu sáng tác,
ông đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc viết văn.
Năm 1987, tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng được xuất bản.
Trong những truyện ngắn đầu tay, Hồ Anh Thái viết về đời sống tinh thần của
những thanh niên, sinh viên cùng trang lứa với những khao khát về cái đẹp,
vươn tới cái lương thiện. Nhưng rồi càng đi càng phải giữ mình trong sạch,
mà đời cứ luôn muốn nhấn người ta vào sắc dục, vào những chỗ không được
lương thiện lắm. Cuộc sống xã hội thời gian đó có những xô dập ghê gớm.
Các nhân vật trong tiểu thuyết đều còn trẻ, Toàn, Hiệp, Trang, Minh... mỗi
người một số phận, bị cuộc sống xô dạt về những nẻo khác nhau và họ phải
vật lộn với số phận trên con đường của đời mình. Với Người và xe chạy dưới
ánh trăng, Hồ Anh Thái đã khẳng định được một vị trí trong đời sống văn
chương Việt Nam. Năm 1989, ông lại viết tiểu thuyết Trong sương hồng
hiện ra, Hồ Anh Thái kể lại những câu chuyện chiến tranh nhằm đặt ra những
vấn đề bức thiết của cuộc sống những năm tám mươi, thế kỷ XX.
Đầu những năm 1990, sau nhiều năm nghiên cứu và làm việc ở nhiều
nước Âu – Mỹ, đặc biệt là 6 năm tại Ấn Độ, ông trở lại trên văn đàn với
những chùm truyện ngắn độc đáo, hài hước mà thâm trầm về Ấn Độ: Người


17


đứng một chân, Người Ấn, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Cuộc đổi
chác…
Từ năm 2000, ông có những tác phẩm được đánh giá cao và gây tranh
luận như: Cõi người rung chuông tận thế, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà
cười, Mười lẻ một đêm… Cũng trong năm 2000, ông được bầu là chủ tịch
Hội Nhà văn Hà Nội.
Năm 2007, ông trở lại với đề tài Ấn Độ bằng tiểu thuyết Đức Phật, nàng
Savitri và tôi. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam tái hiện
chân dung Đức Phật thông qua một cốt truyện hấp dẫn, một văn phong giản
dị, một đa cấu trúc có hiệu quả mở rộng chiều kích không gian và thời gian.
Sách của ông thường được phát hành với số lượng lớn và đã được dịch ra hơn
10 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thụy Điển…
Với sự miệt mài không ngừng nghỉ, Hồ Anh Thái đã góp phần làm phong
phú thêm cho nền văn học Việt Nam bằng những tác phẩm gây dấu ấn mạnh
mẽ trong lòng công chúng nước nhà và trên thế giới:
·

Chàng trai ở bến đợi xe (1985)

·

Phía sau vòm trời (1986)

·

Vẫn chưa tới mùa đông (1986)

·


Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987)

·

Người đàn bà trên đảo (1988)

·

Những cuộc kiếm tìm (1988)

·

Mai phục trong đêm hè (1989)

·

Trong sương hồng hiện ra (1990)

·

Mảnh vỡ của đàn ông (1993)

·

Người đứng một chân (1995)

·

Lũ con hoang (1995)



18

·

Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1998)

·

Họ trở thành nhân vật của tôi (2000)

·

Tự sự 265 ngày (2001)

·

Cõi người rung chuông tận thế (2002)

·

Bốn lối vào nhà cười (2005)

·

Đức Phật, nàng Sivitri và tôi

·

Mười lẻ một đêm (2006)


·

Namaskar! Xin chào Ấn Độ (2008)

·

Hướng nào Hà Nội cũng sông (2009)

·

SBC là săn bắt chuột (2010)

1.2.3. Quan niệm sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái
Trong sáng tạo nghệ thuật, cách nhìn cuộc đời của nhà văn đóng vai trò
rất quan trọng. Cách nhìn thể hiện cách cảm thụ, tư duy, quan niệm về thế
giới con người của nhà văn. Cách nhìn nghệ thuật luôn cố gắng nắm bắt phần
cốt lõi, bản chất của hiện thực. Từ đó hướng tới việc khai thác, khám phá bản
chất thẩm mỹ của đời sống, phát hiện ra những cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái
hài… và thể hiện chúng bằng những hình tượng nghệ thuật gợi cảm, sống
động.
Cách nhìn nghệ thuật được coi là một hiện tượng khách quan, nó là
một thể thống nhất giữa hai mặt, cái được nhìn thấy và cách nhìn, cách cảm
thụ, lý giải của chủ thể sáng tạo hiện thực được phản ánh. Mỗi nhà văn có một
cách nhìn riêng về cuộc đời và con người. Chính cách nhìn đó đã tạo nên
phong cách của nhà văn. Nó không chỉ thể hiện lập trường đối với cuộc sống
mà hơn nữa là thể hiện sự hiểu biết và tình cảm đối với con người và cuộc
đời. Cách nhìn chi phối cảm hứng sáng tác và thể hiện cá tính sáng tạo độc
đáo của nhà văn.



19

Chính vì thế, Hồ Anh Thái cũng muốn một cách nhìn thế giới khác lạ
trên những sự kiện xác thực, với niềm tin sâu sắc rằng, cái nhìn của mình,
cách mình nghĩ, cách diễn đạt của mình mới là quan trọng nhất trong cuốn
tiểu thuyết của mình.
Với một quan niệm đúng mực về lao động và văn chương, Hồ Anh
Thái nhiệt tình với nghề và luôn có ý thức trách nhiệm đối với ngòi bút của
mình. Sáng tạo, đổi mới không lặp lại mình và không lặp lại phong cách của
người khác. Chính ông đã từng khẳng định ông có thể viết bằng hoặc hay hơn
những tiểu thuyết và truyện ngắn mà ông đã đọc. Ông quyết định không bắt
chước mà tạo ra con đường riêng. Chính điều này đã đưa ông trở thành một
trong những nhà văn nổi tiếng của thời hậu chiến, một trường hợp hiếm hoi
trong nền văn học Việt Nam đương đại.
Đại diện cho thế hệ nhà văn đổi mới thời hậu chiến, ông cho rằng thế hệ
của mình quá nhỏ để tham gia cuộc chiến, nhưng lại lớn lên với những âm
thanh cuồng nộ của chúng, vì vậy phải tiếp nhận và cũng cần phê phán quá
khứ.
Hồ Anh Thái không chỉ gây chú ý bởi những sáng tác với phong cách
độc đáo, mà ngay cả với cái cách ông ứng xử trong làng văn. Trong lịch sử
văn học hiện đại Việt Nam chưa từng có một hội viên Hội Nhà văn nào lại từ
chối tặng thưởng của Hội. Nhưng Hồ Anh Thái thực sự là một con người có
cá tính và cũng rất đúng mực khi ông thẳng thắn nói rằng: “Nhà văn đích thực
phải là người tử tế, cũng giống như nghề văn là một nghề cao quý…còn
những cái mác, những danh hiệu thì hãy coi chừng! Không khéo chỉ vì những
thứ ấy mà bệnh ảo tưởng của nhà văn càng nặng đấy”[18]
Từng quan niệm viết tiểu thuyết là một giấc mơ dài, với những điều mà
đời thực không có, Hồ Anh Thái, trong một thập kỷ qua, đã đạt được những
thành tựu đáng kể trong lao động viết tiểu thuyết nhọc nhằn của một nhà văn



20

thực sự coi viết là một nghề. Giấc mơ dài này hiển thị bằng mấy cuốn tiểu
thuyết gây được sự chú ý trên văn đàn, đặc biệt là Cõi người rung chuông
tận thế.
Đã có người so sánh rằng: cuốn tiểu thuyết này mới đến mức giống hệt
sự ở lì của thằng-bé- bào-thai trong tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ
Duy Anh, đến tháng đến ngày vẫn không muốn chào đời, vì nghe thấy cuộc
đời thật lắm phiền phức, sách nhiễu, phức tạp..., thà nằm im trong bụng mẹ,
sướng hơn. Song thực ra, Cõi người rung chuông tận thế, do một lối viết
mới khiến biên tập viên không dễ ứng xử, đã bị nằm yên trong cõi mê riêng
của tác giả lâu đến mức ngoài ý muốn, sáu năm trời. Nó đã lênh đênh qua
dăm sáu nhà xuất bản, và chỉ nhờ duyên may mới được chào đời ở NXB Đà
Nẵng, tận miền Trung xa ngái. Có lẽ vì nó gây hấn người đọc quá chừng, bởi
cách viết “đa thanh” trong giọng kể nhiều biến điệu của chủ thể tiểu thuyết
Hồ Anh Thái, lại được dồn nén trong chưa đầy 300 trang, nhưng lại khiến
người đọc phải ngẫm nghĩ rất lâu sau đó về cõi người ta. Chẳng phải ngẫu
nhiên mà cuốn tiểu thuyết này liên tiếp được tái bản và gây ra được những
tranh luận nhiều chiều từ người đọc.
Thực ra, cái viết trong mấy chục năm cầm bút của Hồ Anh Thái, nhìn từ
cái đọc của người đọc tiểu thuyết, có thể nói, đã được tạo lập, không chỉ một
giấc mơ dài, mà là một chuỗi giấc mơ tiểu thuyết, với mỗi tác phẩm ra đời là
một-giấc-mộng-con độc đáo.
Điều đó chứng tỏ, quan niệm viết tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã được
kiến trúc trên sự tự ý thức triết học về cái viết, đồng thời với quá trình vận
động nhằm đổi mới tư duy, giọng điệu và cách ứng xử với tiếng Việt. Với Hồ
Anh Thái, viết văn là một nghề hẳn hoi, chứ không phải thứ lao động tài tử,
nghiệp dư, như khá nhiều người lầm tưởng. Hồ Anh Thái từng so sánh, khi

được hỏi về kinh nghiệm sống và viết, rằng, cái viết trong nghề văn cũng “có


21

chút gì đó giống như tình yêu. Cần một chút mê đắm, một chút thành thực là
có tình yêu. Nhưng để nuôi dưỡng tình yêu ấy lâu bền thì cần có hiểu biết, cần
sự từng trải nữa. Hiểu biết không nhất thiết chỉ từ sách vở, sự từng trải không
nhất thiết là chỉ đắm chìm trong cái đời thường” [18]
Cho nên, Hồ Anh Thái tự đặt lịch: “mỗi ngày tôi phải đều đặn viết ít
nhất hai tiếng. Người viết chuyên nghiệp phải thế, ngồi vào bàn là phải đủ kĩ
năng để huy động cảm hứng. Chờ cảm hứng dẫn thân tới là một thái độ lao
động nghiệp dư và có chút thần bí hóa nghề văn” [17]
Chính cái ý thức đó, cái sự tự mình thách thức cái viết của chính mình
đó mà năm nào người đọc cũng được tiếp nhận tác phẩm mới của Hồ Anh
Thái. Năm 2006, một tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh
Thái chào đời, thêm một giấc mơ làm đầy đặn thêm chuỗi giấc mơ dài về tiểu
thuyết của nhà văn không hề muốn ngưng làm mới mình này.Và tất nhiên,
một tiểu thuyết mới như thế, tự thân nó yêu cầu một cách đọc mới.
Trong nhiều lần tranh luận về văn chương, Hồ Anh Thái có bộc lộ quan
điểm của ông: “Nếu sử dụng phương pháp truyền thống thì quan niệm phải có
nhân vật là thỏa đáng. Gần đây người đọc hay nhắc đến một số nhân vật của
tôi như cô Ôsin, cô "cá sấu", anh xe ôm... Nhưng nhiều kiệt tác của văn xuôi
hiện đại bói cũng không ra nhân vật. Hãy nhìn vào Con đường xứ Flandres
của Claude Simon, Linh Sơn của Cao Hành Kiện... đâu còn "nhân vật đáng
nhớ" theo kiểu cổ điển nữa. Xem một truyện ngắn , một tiểu thuyết hay, có thể
người đọc chỉ lưu lại một cảm giác thăng hoa, một hiện trạng tinh thần viên
mãn, chứ không nhất thiết là một nhân vật. Nhưng nói ra điều này ở ta vẫn
chưa được chia sẻ " [26]
Ngay cả khi trả lời trên báo chí, nhà văn cũng đã thể hiện quan niệm

riêng về văn chương của mình. Ông cho rằng: “Văn chương không cao quý
hơn cũng không tầm thường hơn giá trị tự thân nó vốn có. Còn nói chuyện sứ


22

mệnh, nghe to tát quá. Cuộc đời cần nhà văn như cần mọi người làm nghề
khác, không thể thiếu một nghề một người nào. Tuy nhiên, ở một xã hội đang
vươn tới văn minh, nhiều khi không có văn chương cũng chẳng ai thấy thiếu
đâu” [19]
Đồng thời, Hồ Anh Thái đề cập đến vấn đề nhiều người cầm bút
thường bị ám ảnh vì những ảo tưởng văn học: “Ở một mức độ nào đó, thế
gian này là cả một hình ảnh huyễn tưởng trong vũ trụ. Văn chương nghệ thuật
là hình bóng, là bản sao của cõi huyễn tưởng đó. Cả ở những nghề khác, cả
trong khoa học kỹ thuật, người ta cũng đầy ảo tưởng về mình, về môi trường
của mình. Đó là một thứ thuốc giảm đau, nhờ nó người ta quên được thực tế
nghiệt ngã về bản thân. Người ít ảo tưởng giống như không chịu dùng thuốc
giảm đau. Hình như tôi thuộc loại người này. Còn “ảo tưởng” hiểu theo
nghĩa bị nhân vật và cuộc sống trong tác phẩm đang viết bắt mất hồn vía, thì
nhà văn nào mà chẳng có lúc như trong "cõi mộng”[17]
Hồ Anh Thái đã luôn thay đổi, tự làm mới mình qua đề tài, cảm hứng
và phương pháp sáng tác. Nhà văn cho rằng: “Hiện thực và không gian nghệ
thuật của mỗi cuốn sách đòi hỏi một cách xử lý riêng, một giọng điệu riêng,
một văn phong riêng… có phong cách là phải đa giọng điệu”[26]. Trí tưởng
tượng phong phú và năng lực cảm nhận sâu sắc cuộc sống đã giúp cho nhà
văn chiếm lĩnh được hiện thực rộng lớn, đa chiều.
Hồ Anh Thái muốn thông qua hiện thực đầy biến hóa kì ảo để tìm một
lối đi riêng, cách nhìn riêng, cách lý giải riêng, cắt nghĩa riêng về cuộc sống
đem lại cho văn học hiện đại một phong cách mới lạ. Hồ Anh Thái còn nhìn
hiện thực cuộc sống như những mảnh vỡ, xen cài giữa cái ác và cái thiện, cái

cao cả và cái thấp hèn, cái trang trọng và cái nhếch nhác, … Thông qua cái
nhìn suồng sã của tư duy nghệ thuật hiện đại, nhà văn đối thoại với nhân vật,
với độc giả về những giá trị của cuộc sống, về những vấn đề nảy sinh trong xã


23

hội hiện đại. Vì vậy, đọc sáng tác của nhà văn giai đoạn gần đây, người đọc
bắt gặp nhiều chất giọng giễu nhại ẩn chứa trong giọng điệu ấy là nụ cười
chua chát về cõi nhân sinh. Tác giả lật tẩy những trớ trêu nghịch cảnh trong
cuộc sống để rồi từ đó nêu ra những triết lý, triết luận về đời sống, về kiếp
người. Hồ Anh Thái khẳng định: “Tôi đã nhại giọng chua cay của người này
người khác theo lối tỉnh táo mà thấy rằng cả thực tại ấy, cả cái giọng chua
cay ấy đều đi đén một kết cục tất yếu, hư vô và tức cười của kiếp người [26]
Hồ Anh Thái phát hiện cuộc đời như một nhà cười một khi bước chân
vào hình như ai cũng thấy có một khía cạnh nào đó là mình: méo mó, dị dạng,
tức cười một khi đã phóng đại, tô đậm nhưng không thấy cụ thể. Người đọc
giật mình trước một hiện thực cuộc sống nhốn nháo, lộn xộn, nhố nhăng.
Khác với Vũ Trọng Phụng viết để giết chết đối tượng, Hồ Anh Thái viết để tái
sinh đối tượng. Mặc dù không hi vọng nhiều, nhưng Hồ Anh Thái không mất
niềm tin ở con người.
Hồ Anh Thái đã có một cái nhìn hiện thực nhiều chiều, không chỉ là cái
được thấy mà còn là cái cảm thấy. Vì đây chính là hiện thực bên trong khó
nắm bắt. Ông không ảo tưởng về cuộc sống, về con người và thậm chí có lẽ
cũng ít hi vọng, đôi lúc còn thất vọng. Nhà văn nói: “Một cách biện chứng,
người dễ thất vọng chính là kẻ đã đặt quá nhiều hi vọng vào con người [26].
Ông tỉnh táo, lý trí và có độ sắc khi phê phán cái xấu đầy rẫy trong con người,
cái hạn chế của con người.
Trong xu hướng đổi mới dân chủ, khi văn học bắt đầu đi vào khám phá
con người ở muôn mặt của cuộc sống đời thường, thì những giá trị tinh thần,

khát vọng cá nhân được đề cao. Con người cá nhân ở đây không phải là con
người của chủ nghĩa cá nhân, của cái tôi cực đoan, mà là những số phận nằm
trong mối quan hệ với xã hội. Đằng sau mỗi con người, mỗi thân phận đó


24

luôn là những vấn đề có ý nghĩa thời đại. Vấn đề số phận cá nhân đã khơi
nguồn cho một cảm hứng nhân văn mới mẻ.
Hồ Anh Thái đã có một cái nhìn mới, rất riêng và cảm hứng nhân văn ở
ông thấm đẫm cái nhìn yêu thương đối với con người. Chính những giá trị
nhân văn, nhân bản đời thường đã tạo nên chất men say, khơi nguồn cho cảm
hứng sáng tác của ông. Các sáng tác thời kì đầu của Hồ Anh Thái là sự khúc
xạ từ chính môi trường cuộc sống học sinh, sinh viên của ông. Trong đó
người đọc bắt gặp những cảm xúc ngại ngùng, e ấp, rụt rè nhưng rất chân
thành của tình yêu đầu đời (Những cuộc kiếm tìm, Chàng trai ở bến đợi xe,
Người và xe chạy dưới ánh trăng, Trong sương hồng hiện ra…), những trăn
trở băn khoăn và sự ân hận, hối lỗi của những tâm hồn mới lớn, đã xác định
cho mình con đường đúng đắn( Nằm ngủ trên ghế băng, Chàng trai ở bến
đợi xe…). Người đọc còn bắt gặp những tình cảm yêu thương cảm thông với
bạn bè với người thân và mọi người xung quanh (Cánh võng không người,
Mảnh vỡ của đàn ông…). Và cả nỗi xót xa thương cảm cho nhưng đứa trẻ bị
bỏ rơi giữa cuộc đời (Lũ con hoang).
Ông coi “tiểu thuyết như là một giấc mơ ẩn chứa những điều không có
thực ở ngoài xã hội. Thực chất tiểu thuyết là một câu chuyện bịa đặt nhưng
nó còn thật hơn cả sự thực" [26].Với số lượng tác phẩm tương đối, Hồ Anh
Thái đã chứng tỏ là người nắm bắt rất tinh tế nhịp sống thời đại cả trên bề nổi
cũng như chiều sâu mạch ngầm. Tác phẩm của ông đã tái hiện nhiều kiếp
người, cảnh người ở nhiều thời điểm khác nhau, qua đó thể hiện những cảm
nhận sâu sắc của mình về nhân sinh. Với những quan niệm trên, Hồ Anh Thái

đã đem đến cho người đọc những cách cảm nhận riêng về cuộc sống, về con
người.


×