Phòng GD&ĐT Vĩnh Tờng
Trờng thcs thợng trng
Chuyên đề bồi bồi dỡng học sinh giỏi THCS
Môn: Ngữ văn
Rèn kĩ năng viết kiểu bài nghị
luận văn học cho học sinh giỏi lớp
9
GV : Lê Thị Minh Huệ
Năm học: 2015 - 2016
==================
A.
1
Chuyên đề “Rèn kĩ năng viết kiểu bài nghị luận văn học cho học sinh
giỏi lớp 9”
Người viết: Lê Thị Minh Huệ - giáo viên trường THCS Thượng Trưng
Đối tượng bồi dưỡng: học sinh giỏi lớp 9
Số tiết bồi dưỡng: 20 tiết
Cấu trúc chuyên đề
A. Đặt vấn đề
B.Nội dung chuyên đề
Phần I: Những vấn đề chung
1. Đặc trưng của bài nghị luận văn học.
2. Các dạng đề nghị luận văn học thường gặp trong đề thi HSG
3. Yêu cầu đối với học sinh giỏi khi viết bài nghị luận văn học
Phần II. Rèn kĩ năng viết kiểu bài nghị luận văn học cho học sinh giỏi lớp
9.
1. Kĩ năng chung cho các dạng đề học sinh giỏi thường gặp.
2. Kĩ năng viết bài cụ thể.
Phần III. Một số đề luyện và đáp án gợi ý
C. Kết luận
A. PHẦN MỞ ĐẦU
2
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề
cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Đặc biệt người giáo viên dạy Văn
càng thấm thía hơn sự “cao quý” ấy. Được mang tri thức, mang niềm vui, được
dạy “lễ”, dạy “văn”, được khơi gợi trí tuệ, niềm yêu thích say mê…ở mỗi thế hệ
học sinh thì còn gì cao quý, hạnh phúc hơn đối với người thầy.
Quả thực, chẳng gì có thể diễn tả hết niềm vui sướng và tự hào của
người giáo viên khi thành quả lao động của mình đạt kết quả cao, nhất là chất
lượng mũi nhọn. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy học sinh nói chung, bồi
dưỡng học sinh giỏi nói riêng, giáo viên luôn dày công, dốc sức tìm tòi sáng tạo
không ngừng để có phương pháp và cách thức ôn luyện hiệu quả nhất. Sự gian
nan ấy được khẳng định bằng kết quả của mỗi kì thi, mỗi điểm cao, giải cao mà
các em đạt được.
Những năm gần đây, hoà cùng dòng chảy đổi mới giáo dục, đổi mới kiểm
tra, đánh giá nhằm phát triển toàn diện ở học sinh về kiến thức, kĩ năng, đề thi
môn Văn lớp 9 nói chung, thi học sinh giỏi nói riêng có nhiều đổi mới. Kiểu bài
nghị luận xã hội và nghị luận văn học thường chiếm ưu thế lớn( năm 2013 2014 chỉ có 2 câu dạng này). Với đặc điểm đề văn như vậy, giáo viên bồi dưỡng
và nhất là học sinh gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ đây là 2 kiểu bài đòi hỏi cao sự
hiểu biết về kiến thức, kĩ năng cả về văn học và xã hội trong một bài thi. Thực tế
ấy đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở đối với giáo viên đứng đội tuyển.
Trong nhà trường phổ thông, nghị luận văn học luôn chiếm vị trí quan
trọng nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với vai trò, vị trí môn học. Kĩ năng viết
các kiểu bài nghị luận văn học đã được bàn luận đến rất nhiều trong các hội
thảo, trên nhiều diễn đàn. Hơn nữa bồi dưỡng học sinh giỏi không có một giáo
án, một mô típ chung nào mà hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, sự nỗ lực tìm tòi
không ngừng của thầy cô. Hiểu được điều ấy cá nhân tôi rất phân vân khi đi sâu
vào vấn đề này. Song qua thực tế trải nghiêm tôi thấy trong khi viết bài nghị
luận văn học trong mỗi kì thi học sinh giỏi các em còn nhiều hạn chế. Vì vậy
3
trong chuyên đề, tôi muốn trao đổi cùng đồng nghiệp vấn đề “Rèn kĩ năng viết
kiểu bài nghị luận văn học cho học sinh giỏi lớp 9” để mong tìm được giải pháp
chung giúp học sinh viết bài tốt nhất, hiệu quả nhất trong mỗi kì thi.
B. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
4
Phần I. Những vấn đề chung.
1. Đặc trưng của bài nghị luận văn học.
- Văn nghị luận là dùng ý kiến lý lẽ, dẫn chứng và cách lập luận để bàn
bạc, phân tích, đánh giá một vấn đề nào đó. Vấn đề đó có thể là xã hội hoặc văn
học.
- Nghị luận văn học là một dạng nghị luận mà các vấn đề đưa ra bàn luận
là các vấn đề về văn học: tác phẩm, tác giả, thời đại văn học,…
- Yêu cầu bài văn nghị luận: Phải đúng hướng, phải trật tự, phải mạch
lạc, phải trong sáng, phải sinh động, hấp dẫn, sáng tạo.
- Những thao tác chính của văn nghị luận văn học: giải thích, chứng minh,
phân tích, bình luận, bình giảng, so sánh,…
- Khi hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận văn học cần chú ý các
yêu cầu sau đây:
+ Củng cố kiến thức cơ bản ở mỗi tác phẩm văn học như: tác giả, hoàn
cảnh sáng tác, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, …
+ Củng cố cho học sinh nắm chắc các thao tác nghị luận về đoạn thơ, bài
thơ, đoạn trích, tác phẩm văn xuôi.
+ Đối với thơ, cần chú ý đến hình thức thể hiện (hình ảnh, nhịp điệu, cấu
trúc, biện pháp tu từ,..).
+ Đối với tác phẩm văn xuôi: chú ý đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, các
dẫn chứng chính xác, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện,…
2. Các dạng đề nghị luận văn học thường gặp trong đề thi HSG.
Thông thường, nghị luận văn học có dạng cơ bản: nghị luận về một đoạn
thơ, bài thơ và nghị luận về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích). Tuy nhiên, đối
với học sinh giỏi đề không chỉ dừng lại ở đó mà thường gắn với các vấn đề sau:
a. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
- Nghị luận về một giai đoạn văn học.
5
- Nghị luận về một vần đề mang tính lý luận được đặt ra trong tác phẩm
văn học.
- Nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học
b. Nghị luận về một vấn đề mang tính chất so sánh đối chiếu trong văn
học.
3. Yêu cầu đối với học sinh giỏi khi viết bài nghị luận văn học.
Bên cạnh những yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản về viết bài văn nghị
luận văn học đối với bất kì một học sinh nào thì học sinh giỏi cần thêm những
yếu tố sau:
a. Về kiến thức
- Nắm chắc, hiểu sâu, thấu đáo và toàn diện kiến thức tác phẩm: kiến
thức văn học sử, tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung, nghệ thuật… Điều này
tưởng như đơn giản và thừa đối với học sinh giỏi. Song đôi khi do sự chủ quan
cũng có học sinh nắm chưa chắc kiến thức nên dễ hiểu sai, hiểu chưa đúng
những nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật mà tác giả thể hiện nên dễ suy
diễn lệch lạc.
- Tích luỹ kiến thức về lý luận văn học trong những buổi bồi dưỡng của
thầy cô. Đối với đối tượng là học sinh giỏi, được trang bị kiến thức lý luận văn
học giúp học sinh có những bình luận, đáng giá, nhận xét chuẩn xác hơn về một
hiện tượng văn học nào đó, bài viết của các em trở nên sâu sắc hơn về ý tưởng,
chặt chẽ hơn về lập luận, thuyết phục hơn khi đưa ra luận cứ.
Thực tế các kỳ thi học sinh giỏi cho thấy đề thi có liên quan đến kiến thức
lý luận văn học chiếm một tỉ lệ khá lớn, dù với những dạng khác nhau.
Có những đề thi yêu cầu trực tiếp kiến thức lý luận để giải quyết vấn đề,
giải quyết một hiện tượng văn học. Có những đề thi yêu cầu vận dụng một tỉ lệ
kiến thức lý luận nhất định… Vì vậy trong quá trình giải quyết vấn đề cần có
kiến thức này để cho bài văn thêm vững vàng về luận điểm, chặt chẽ trong lập
luận, từ đó sẽ có sức thuyết phục hơn.
6
- Biết so sánh đối chiếu nét tương đồng và khác biệt giữa hai tác giả, tác
phẩm ở cùng thời đại hoặc khác thời đại… Đây là kĩ năng khó. Vì vậy người
viết không chỉ cần hiểu kĩ, hiểu sâu mà cần cả độ cảm nhận sâu sắc, tinh ý để
thấy được điểm gặp gỡ tương đồng hay khác biệt ở các tác giả, tác phẩm.
b. Về kĩ năng
- Tổng hợp các kĩ năng nghị luận để lập luận chặt chẽ thuyết phục.
- Xác định đúng vấn đề nghị luận (luận đề) và hệ thống luận điểm, luận cứ
để có kết cấu bài rõ ràng, khoa học. Biết phân tích và đưa dẫn chứng tiêu biểu
phù hợp với hệ thống luận điểm để nổi bật trọng tâm bài viết, tránh trùng lặp.
(Có đề thì phân tích bổ dọc tác phẩm, có đề phân tích bổ ngang tác phẩm, hoặc
có đề chỉ lựa chọn một số chi tiết, hình ảnh, câu thơ câu văn tiêu biểu).
- Kết hợp các phương pháp lập luận giải thích, chứng minh (chủ yếu) với
đánh giá tổng hợp vấn đề, khả năng cảm thụ, khám phá các giá trị của tác phẩm.
- Bài viết mạch lạc, lập luận thuyết phục, lời văn trong sáng, giàu hình
ảnh, giàu cảm xúc.
c. Về tâm lý
Trong mỗi kì thi, học sinh gặp bao khó khăn: một khoảng thời gian
không nhiều (150 phút cho một đề thi học sinh giói với nhiều phần kiến thức, kĩ
năng tổng hợp), một không gian căng thẳng của phòng thi, hơn nữa đề thi
hằng năm lại luôn thay đổi và biến hoá không ngừng. Đặc biệt hơn đốí với bài
văn học sinh giỏi yếu tố biểu cảm - tình cảm, cảm xúc người viết rất quan
trọng. Bởi lẽ là những rung cảm chân thành, tha thiết, những xúc động tinh tế
của học sinh khi cảm nhận được tư tưởng, tình cảm đẹp được tác giả gửi gắm
trong tác phẩm sẽ làm bài viết sâu sắc hơn, tác động mạnh mẽ hơn tới người
đọc. Nếu không có bản lĩnh, sự tự tin thì sẽ không làm chủ được tư duy và cảm
xúc của mình. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bài thi. Vì vậy ngoài việc
trang bị kiến thức, kĩ năng thì việc rèn bản lĩnh và lòng tự tin để học sinh có tâm
lí ổn định khi làm bài thi là rất cần thiết.
7
Phần II. Rèn kĩ năng viết kiểu bài nghị luận văn học cho học sinh giỏi lớp 9.
1. Kĩ năng chung cho các dạng đề học sinh giỏi thường gặp.
a. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
Ý kiến bàn về văn học có thể là một nhận định về văn học, một danh ngôn
về vấn đề trong văn học. Vấn đề đó có thể thuộc lý luận văn học, về văn học sử,
về tác phẩm, phong cách tác giả.
Để làm tốt được kiểu bài này giáo viên hướng dẫn học sinh như sau:
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh phải nắm được kiến thức về lý luận văn
học, về văn học sử, về tác phẩm, về phong cách tác giả, quan điểm sáng tác…
Kiến thức có được là nhờ vào cả một quá trình tích luỹ, tổng hợp trong cả
quá trình học tập, từ sách giáo khoa, từ các bài giảng của thầy cô…
Yêu cầu về phương pháp: Phải hiểu đúng toàn diện nội dung, tinh thần
của ý kiến, nhận định để xác định đề bài đề cập đến vấn đề gì, bản chất của vấn
đề là gì?
Khi phân tích, chứng minh nhận định, học sinh phải biết nhìn nhận xem ý
kiến, nhận định đó xác đáng chưa, sâu sắc chưa, có khía cạnh nào phải bàn thêm
không, nếu có chúng ta cũng có thể sử dụng thao tác bình luận để làm sáng rõ
quan điểm của mình.
Kĩ năng cho từng kiểu bài:
- Nghị luận về một giai đoạn văn học( thường là dạng đề tổng hợp)
Nghị luận về một giai đoạn văn học: thường là các ý kiến bàn bạc, nhận
định, khái quát chung về văn học Việt Nam, về các giai đoạn văn học, về các tác
giả văn học,… Để lập ý và viết tốt bài văn thuộc dạng đề này, học sinh cần nắm
được các yếu tố về hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn văn học hoặc đặc điểm thời
đại và hoàn cảnh sống của tác giả, lý giải được tại sao có những đặc điểm đó,
nêu những biểu hiện của đặc điểm đó trong các tác phẩm, thấy đóng góp của vấn
đề trong tiến trình phát triển của văn học. Với kiểu bài này học sinh phải có kiến
8
thức tổng hợp về văn học, về lịch sử…Tuy nhiên, vài trở lại đây, đề học sinh
giỏi ít ra dạng đề này.
Ví dụ:
Đề: Đánh giá về thành tựu của văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng
Tám - 1945 có ý kiến cho rằng:
“ Về nội dung tư tưởng, văn học thời kì này đã phát huy được những nét lớn
trong truyền thống tinh thần của dân tộc cũng là nét nổi bật trong phẩm chất của
con người Việt Nam thời đại ấy, đó là chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng nhân đạo”
Qua một số tác phẩm đã học và đọc thêm của văn học từ sau cách mạng
tháng Tám -1945 đến nay, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Với đề trên, học sinh cần huy động và thể hiện được kiến thức, hiểu biết
tổng hợp để thể hiện được những nội dung cơ bản:
+ Lịch sử đất nước từ sau cách mạng tháng Tám -1945 đến nay gắn liền
với những biến động lớn:
Nhân dân ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp(1946 - 1954) và
kháng chiến chống Mĩ(1955 - 1975) trường kì với bao khó khăn gian khổ(…).
Bước ra khỏi chiến tranh(từ 1975 đến nay), đất nước, nhân dân lại đối mặt với
muôn vàn những thử thách trong
công cuộc khôi phục và dựng xây đất
nước(…).
+ Tình hình lịch sử đó đã phát huy những nét lớn trong truyền thống tinh
thần dân tộc, nét nổi bật trong phẩm chất con người Việt Nam là yêu nước và
nhân đạo. Văn học đã bám sát và thể hiện được những nội dung lớn ấy…
Từ hiểu biết về hoàn cảnh lịch sử đất nước, về sự chi phối của hoàn cảnh
đó đến nội dung tư tưởng của văn học thời đại học sinh sẽ bàn bạc, đánh giá về
vấn đề nghị luận qua hệ thống luận điểm chặt chẽ, rõ ràng.
- Nghị luận về một vấn đề mang tính lý luận được đạt ra trong tác phẩm
văn học
9
Đây là kiểu bài đưa ra các ý kiến bàn về những đặc trưng cơ bản của văn
học, các thể loại tiêu biểu như truyện, thơ, kịch,… các vấn đề thuộc phạm vi lý
luận văn học như tiếp nhận văn học, phong cách nghệ thuật,… Để viết được bài
văn hay và đúng cho kiểu bài này, học sinh cần có kiến thức lí luận sâu sắc để
giải thích, cắt nghĩa và làm nổi bật vấn đề nghị luận. Đồng thời khi lập ý cho bài
viết, học sinh cần xác định rõ vấn đề nghị luận, bàn đến vấn đề gì, thuộc phạm
vi nào? Tại sao lại nói như thế? Nội dung ấy được biểu hiện như thế nào qua tác
phẩm văn học tiêu biểu?
Ví dụ:
Đề: Trong văn bản ” Tiếng nói của văn nghệ”, Nguyễn Đình Thi viết:
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn
ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói
một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh
muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”.
( Ngữ Văn 9, Tập II, Tr 12,13- NXB GD 2005)
Qua “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, em hãy làm sáng tỏ “ điều mới
mẻ”, “lời nhắn nhủ” mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn đem “góp vào đời
sống”.
Với đề trên, học sinh cần huy động kiến thức lí luận văn học về tác phẩm văn
học để giải thích sơ lược tinh thần đoạn văn của Nguyễn Đình Thi từ đó rút ra
vấn đề nghị luận. Đồng thời qua quá trình lập luận người viết dùng kiến thức lí
luận để làm sáng tỏ vấn đề trong “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
+ Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những
khám phá, phát hiện riêng của người nghệ sĩ.
+ Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan
trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang theo thông điệp của
người nghệ sĩ.
10
Giải thích được như vậy học sinh sẽ làm sáng tỏ “ điều mới mẻ”, “lời
nhắn nhủ” mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn đem “góp vào đời sống” trong
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
- Nghị luận về vấn đề trong tác phẩm văn học:
Nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học thường là các ý kiến
đánh giá, nhận xét về một khía cạnh nào đó của tác phẩm như những giá trị nội
dung, những đặc sắc nghệ thuật, những quy luật, khám phá, chiêm nghiệm về
đời sống toát lên từ tác phẩm, những nhận xét về các nhân vật,… Để lập ý, để
viết bài học sinh cần hiểu kĩ, hiểu sâu về tác phẩm, biết cách huy động kiến
thức để làm sáng tỏ vấn đề. Cụ thể như: nêu xuất xứ của vấn đề (Xuất hiện ở
phần nào của tác phẩm? Ai nói? Nói trong hoàn cảnh nào?,…), phân tích những
biểu hiện cụ thể của vấn đề (Được biểu hiện như thế nào? Những dẫn chứng cụ
thể để chứng minh,…). Từ đó đánh giá ý nghĩa của vấn đề trong việc tạo nên giá
trị của tác phẩm văn học.
Ví dụ:
Đề: Có ý kiến cho rằng: "Từ một câu chuyện riêng, bài thơ Ánh trăng
của Nguyễn Duy cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm của con
người đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên
nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu"
Hãy phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy (SGK Ngữ Văn 9) để
làm rõ ý kiến trên.
Với đề văn, trên học sinh cần giải thích được ý kiến nhận xét về bài thơ để
thấy được vấn đề nghị luận.
Một câu chuyện riêng: câu chuyện có thật của cuộc đời tác giả- người đã
từng gắn bó với vầng trăng từ thuở nhỏ qua thời đi bộ đội; đến khi về sống ở
thành phố "quen ánh điện cửa gương" thì " vầng trăng đi qua ngõ - ngỡ người
dưng qua đường". Rồi một lần " Thình linh đèn điện tắt", trong phòng " tối om"
nhà thơ "bật tunng cửa sổ" vầng trăng tròn" từ đó, bao cảm xúc và suy ngẫm của
11
tác giả về những năm tháng gian lao, tình nghĩa đối với thiên nhiên, đất nước
bình dị, hiền hậu,..chợt ùa đến.
Câu chuyện riêng của Nguyễn Duy nhưng nó cũng là câu chuyện của
nhiều người thời kì đó đã nhắc nhở, đã đánh thức trong mỗi người lẽ sống cao
đẹp ân tình thủy chung, uống nước nhớ nguồn.
Từ việc giải thích và xác định vấn đề nghị luận học sinh sẽ phân tích bài
thơ theo hệ thống luận điểm để làm sáng tỏ nhận định.
b. Nghị luận về một vấn đề văn học mang tính chất so sánh, đối chiếu
Đây là dạng đề yêu cầu học sinh phải biết tổng hợp, khái quát so sánh, đối
chiếu những vấn đề trong các tác phẩm văn học.
Kiểu bài so sánh văn học yêu cầu thực hiện cách thức so sánh trên nhiều
bình diện: đề tài, nhân vật, tình huống, cốt truyện, cái tôi trữ tình, chi tiết nghệ
thuật, nghệ thuật trần thuật… Quá trình so sánh có thể chỉ diễn ra ở các tác
phẩm của cùng một tác giả, nhưng cũng có thể diễn ra ở những tác phẩm của các
tác giả cùng hoặc không cùng một thời đại, giữa các tác phẩm của những trào
lưu, trường phái khác nhau của một nền văn học. Mục đích cuối cùng của kiểu
bài này là yêu cầu học sinh chỉ ra được chỗ giống và khác nhau giữa hai tác
phẩm, hai tác giả, từ đó thấy được những mặt kế thừa, những điểm cách tân của
từng tác giả, từng tác phẩm; thấy được vẻ đẹp riêng của từng tác phẩm; sự đa
dạng muôn màu của phong cách nhà văn. Đây là một kiểu bài khó đối với học
sinh giỏi THCS.
Để làm tốt được kiểu bài này giáo viên phải hướng dẫn học sinh như sau:
Yêu cầu về kiến thức: Nhóm các văn bản về cùng một đề tài, một xu
hướng, một trào lưu văn học.
Yêu cầu về phương pháp: Xác định được vấn đề cần phải làm sáng tỏ là
gì? Giải thích cho người đọc hiểu khái niệm của vấn đề đó; biểu hiện của vấn đề
đó trong từng tác phẩm cụ thể; so sánh để chỉ ra sự giống nhau, khác nhau của
12
vấn đề đó trong từng tác phẩm; lý giải nguyên nhân vì sao có sự giống nhau và
khác nhau đó.
Ví dụ:
Đề : Nét tương đồng và khác biệt trong cảm hứng trữ tình của Bằng Việt
và Nguyễn Duy qua hai bài thơ “Bếp lửa” và “Ánh trăng”.
Với đề trên cần giúp học sinh:
- Giải thích được trữ tình và cảm hứng trữ tình
- Chỉ ra và phân tích được tương đồng và khác biệt trong cảm xúc của
Nguyễn Duy và Bằng Việt được thể hiện trong hai bài thơ.
- Đánh giá được sự tương đồng, khác biệt ấy thể hiện tài năng, cá tính và
sự sáng tạo của các tác giả…
( Minh họa cụ thể ở phần III, đề 2)
2. Kĩ năng viết bài cụ thể.
a. Tìm hiểu đề và tìm ý
Đây là một thao tác quan trọng và việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh là
điều vô cùng cần thiết để giúp học sinh không lạc đề, xa đề và làm chủ được vấn
đề nghị luận. Thực ra đây là một thao tác mà các bài lý thuyết văn nghị luận đã
đề cập tới nhưng sự quan tâm của học sinh chưa nhiều và các em chưa có ý thức
rèn nó thành một kĩ năng.
Hơn nữa đề học sinh giỏi bao giờ cũng gắn với một nhận định(nhận định
về tác phẩm, nhận định lý luận văn học… ). Vì vậy vấn đề nghị luận( luận đề)
nằm trong nhận định ấy. Nếu không tìm hiểu, phân tích kĩ đề học sinh sẽ không
xác định đúng vấn đề nghị luận.
Việc đầu tiên là giáo viên yêu cầu học sinh đọc thật kĩ đề, gạch dưới
những từ ngữ quan trọng để “hiểu ý người ra đề”.
Ví dụ - đề: “Một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc
chính là xây dựng thành công tình huống truyện và nghệ thuật miêu tả nội
tâm nhân vật”.
13
Bằng những hiểu biết của em về văn bản Làng của nhà văn Kim Lân, hãy
làm sáng tỏ nhận định trên.
Vậy vấn đề nghị luận của đề trên sẽ dễ dàng được xác định: Chứng minh sự
thành công Tình huống truyện và Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong tác
phẩm Làng.
Rõ ràng, điều quan trọng của phân tích đề là phải tìm ra được vấn đề nghị
luận. Nếu học sinh đoán đề sai thì toàn bộ những lập luận sẽ hướng vào vấn đề
sai đó. Cũng có trường hợp mở bài không nêu được vấn đề nghị luận nhưng thân
bài lại làm rõ ý nêu ở đề bài. Vì vậy bài văn đó không đạt yêu cầu.
Về nguyên tắc phần mở bài người viết phải giới thiệu được vấn đề nghị
luận và toàn bộ những nội dung ở phần thân bài là làm rõ vấn đề người viết nêu
ra. Vậy nên phân tích đề và mở bài có quan hệ mật thiết với nhau.
Hơn nữa, phân tích đề đúng mới giải thích đúng nhưng từ ngữ quan trọng
và xác định đúng hệ thống luận điểm, luận cứ của bài viết.
Ví dụ: với đề trên khi đã xác định được vấn đề nghị luận, người viết sẽ
xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ của bài viết như sau:
- Giải thích khái niệm:
+ Tình huống truyện là sự kiện, sự việc, hoàn cảnh xảy ra hết sức bất ngờ,
gay cấn. Tác giả đặt nhân vật vào sự kiện đó nhằm bộc lộ mối quan hệ, bộc lộ
khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách nhân vật, đưa câu chuyện lên
cao trào và thể hiện chủ đề, nội dung tư tưởng tác phẩm.
+ Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật: là thủ pháp tái hiện những ý nghĩ,
cảm xúc diễn biến tâm trạng, tâm lý của nhân vật. Thủ pháp này là yếu tố quan
trọng để tạo nên một nhân vật sống động, hấp dẫn.
- Chứng minh:
+ Tình huống bất ngờ khi ông Hai nghe tin cả làng theo giặc giữa lúc tâm
trạng phơi phới nghe tin thắng trận, giữa lúc ông đang ngóng vọng, tự hào về làng.
14
+ Tâm trạng đau xót, tủi hổ dằn vặt, day dứt, lo lắng, bế tắc, tuyệt vọng.
Từ chỗ yêu làng trở nên thù làng. Từ chỗ không muốn xa làng đến chỗ không
muốn về làng… Đặt nhân vật vào tình huống đầy căng thẳng, thử thách ấy nhà
văn muốn bộc lộ các mối quan hệ riêng chung trong con người của nhân vật.
Đưa nhân vật lên cao trào để nhân vật tự bộc lộ cách ứng xử, phẩm chất, tính
cách, lòng yêu làng, yêu nước thiết tha…
+ Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhiều chiều, những cảm xúc, những diễn
biến tâm trạng qua các mối quan hệ, qua các sự việc, tình huống nhỏ, qua trạng
thái cảm xúc trực tiếp, qua đối thoại và độc thoại nội tâm…
- Đánh giá:
Nhận xét trên đã khẳng định tài năng nghệ thuật viết truyện ngắn của nhà
văn Kim Lân trong dòng văn học hiện đại…
b. Cách lập dàn ý
Tuỳ theo đối tượng và phạm vi các vấn đề được đưa ra bàn bạc mà có thể
có các cách triển khai khác nhau. Tuy vậy, mục đích của bài học vẫn phải là
hướng đến việc rèn luyện các kĩ năng tạo dựng một bài văn bản nghị luận nên
nội dung có thể hết sức phong phú nhưng người viết vẫn phải tuân theo những
thao tác và các bước cơ bản của văn nghị luận. Có thể khái quát mô hình chung
để triển khai bài viết như sau:
• Mở bài:
- Dẫn dắt và khái quát vấn đề nghị luận.
- Nêu xuất xứ và trích dẫn ý kiến.
- Giới hạn phạm vi dẫn chứng.
• Thân bài:
- Giải thích, làm rõ nhận định để rút ra vấn đề nghị luận:
- Chứng minh nhận định bằng một tác phẩm hoặc một nhóm tác phẩm với
hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng.
+ Nêu luận điểm 1 – luận cứ 1 – luận cứ 2,….
15
+ Nêu luận điểm 2 – luận cứ 1 – luận cứ 2,…
- Đánh giá chung :
+ Đánh giá về tác phẩm
+ Đánh giá về vấn đề nghị luận
• Kết bài:
+ Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
+ Phát biểu cảm nghĩ hoặc liên hệ bản thân từ vấn đề nghị luận.
c. Cách viết bài văn nghị luận văn học
*. Viết mở bài:
- Nhiệm vụ:
Mở bài phải giới thiệu được vấn đề nghị luận của bài viết.
- Cách viết:
Đây là kĩ năng quen thuộc học sinh đã được rèn nhiều từ những bài học của
thầy cô. Với học sinh giỏi thường mở bài gián tiếp qua những cách : diễn dịch, quy
nạp, tương đồng, tương phản. Dù bằng cách nào, mở bài cần đảm bảo được:
+ Dung lượng của phần mở bài phải tương ứng với khuôn khổ của bài viết
và phải cân đối với phần kết bài.
+ Có sự liền mạch với bài viết về cả nội dung lẫn phong cách giới thiệu,
diễn đạt. Đây là phần phải tạo được âm hưởng chung, định hướng chung cho cả
bài viết và cuốn hút, thuyết phục được người đọc. Muốn vậy mở bài cần đảm
bảo được các yếu tố: ngắn gọn, đầy đủ, độc đáo và tự nhiên.
Tuy nhiên, các dạng đề trong đề thi học sinh giỏi rất đa dạng( đã trình bày
ở phần 1.II) nên trong quá trình luyện viết cần chú ý học sinh cách mở bài từng
dạng đề cho phù hợp.
Mở bài cho đề nghị luận về một giai đoạn văn học:
- Dẫn dắt từ hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn, của thời đại
- Khái quát vấn đề nghị luận
- Trích dẫn nhận định
16
- Nêu phạm vi dẫn chứng
Mở bài cho đề nghị luận về một vấn đề lý luận đặt ra trong tác phẩm
văn học:
- Dẫn dắt từ kiến thức lí luận văn học(về truyện, thơ, ...)
- Khái quát vấn đề nghị luận
- Trích dẫn nhận định
- Nêu phạm vi dẫn chứng
Mở bài cho đề nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm( phong cách sáng tác, chủ đề, đề tài…)
- Khái quát vấn đề nghị luận
- Trích dẫn nhận định
Nói chung, mỗi bài, mỗi dạng đề có những đặc điểm riêng, nên khi viết
cần chú ý dẫn dắt cho khéo léo để vừa đúng vừa cuốn hút được người đọc hướng
vào vấn đề nghị luận.
Ví dụ : (Đề thi HSG Vĩnh Phúc 2013 -2014)
Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng:“Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả
bài”.
Qua thi phẩm Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải, anh (chị) hãy
làm sáng tỏ nhận định trên.
Có thể viết mở bài cho đề trên như sau:
Thơ ca là tiếng nói tình cảm của thi nhân, là kết quả của sự thăng hoa
cảm xúc, là sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Mỗi bài thơ là sự kết tinh vốn văn
hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của
người sáng tác. Một bài thơ hay là bài thơ vừa có nội dung sâu sắc, vừa có hình
thức diễn đạt hài hòa, độc đáo.Vì thế nhà thơ Xuân Diệu cho rằng:“Thơ hay là
hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Đến với bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà
thơ Thanh Hải ta sẽ thấy rất rõ điều đó.
17
*. Viết thân bài:
Khi viết phần thân bài, với đặc trưng của đề thi học sinh giỏi: vấn đề nghị
luận được thể hiện trong một nhận định nên hệ thống luận điểm, luận cứ phải
bám sát từ ngữ, câu chữ của nhận định để làm nổi bật vấn đề nghị luận đó.
Không những thế, trong quá trình viết bài bên cạnh sự sắc bén, chặt chẽ
trong lập luận, người viết cần thể hiện những xúc động chân thành, tha thiết của
bản thân trước những hình ảnh thơ đẹp, những ý văn hay để lời văn giàu cảm
xúc. Bởi như đã nói ở trên, yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận tạo nên sức
ngân vang rất lớn trong lòng người đọc.
Cần đảm bảo được kết cấu của thân bài:
- Giải thích nhận định:
+ Giải thích, cắt nghĩa các từ, cụm từ có nghĩa khái quát hoặc hàm ẩn
trong đề bài có nhận định. Để tạo chất văn, gây hứng thú cho người viết, những
đề văn thường có cách diễn đạt ấn tượng, làm lạ hoá những vấn đề quen thuộc.
Nhiệm vụ của người làm bài là phải tường minh, cụ thể hoá những vấn đề ấy để
từ đó triển khai bài viết.
+ Sau khi cắt nghĩa các từ ngữ cần thiết cần phải giải thích, làm rõ nội
dung của vấn đề cần bàn luận. Thường trả lời các câu hỏi: Ý kiến trên đề cập
đến vấn đề gì? Câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào?
- Chứng minh nhận định bằng một tác phẩm hoặc một nhóm tác phẩm
với hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng.
- Đánh giá, nâng cao vấn đề nghị luận
Ví dụ : (Đề thi HSG Vĩnh Phúc 2013 -2014, trích ở phần mở bài)
1. Giải thích ý kiến của Xuân Diệu
- Có nhiều cách định nghĩa về thơ, có thể nói khái quát: thơ là một hình
thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua cách tổ chức ngôn
từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm…
18
- Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài. Hồn: Tức là nội dung, ý nghĩa
của bài thơ. Xác: Tức là nói đến hình thức nghệ thuật của bài thơ thể hiện ở thể
loại, việc tổ chức ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, cấu tứ…
- Như vậy, theo Xuân Diệu thơ hay là có sự sáng tạo độc đáo về nội dung
cũng như hình thức nghệ thuật, khơi gợi tình cảm cao đẹp và tạo được ấn tượng
sâu sắc đối với người đọc. Chỉ khi đó thơ mới đạt đến vẻ đẹp hoàn mĩ của một
chỉnh thể nghệ thuật.
- Ý kiến của Xuân Diệu hoàn toàn xác đáng bởi nó xuất phát từ đặc thù
sáng tạo của văn chương nghệ thuật. Cái hay của một tác phẩm văn học được tạo
nên từ sự kết hợp hài hoà giữa nội dung và hình thức. Một nội dung mới mẻ có ý
nghĩa sâu sắc phải được truyền tải bằng một hình thức phù hợp thì người đọc
mới dễ cảm nhận, tác phẩm mới có sức hấp dẫn bền lâu.
2. Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là bài thơ hay cả hồn lẫn xác, hay
cả bài.
a. Về nội dung
- Bài thơ là cảm xúc mãnh liệt, chân thành của tác giả trước mùa xuân của
thiên nhiên, đất nước.
+ Chỉ bằng vài nét vẽ đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh thân quen,
bình dị, nhà thơ đã gợi lên một phong cảnh mùa xuân tươi tắn, thơ mộng, đậm
phong vị xứ Huế: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, chim chiền chiện hót vang
trời. Bức tranh xuân có không gian thoáng đãng, có màu sắc tươi tắn hài hoà, có
âm thanh rộn rã tươi vui, cảnh vật tràn đầy sức sống. Nhà thơ có cái nhìn trìu mến
với cảnh vật. Đặc biệt, cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân được thể hiện trong
một động tác trữ tình đón nhận, vừa trân trọng vừa tha thiết trìu mến: “Từng
giọt…tôi hứng”. Hình ảnh thơ trở nên lung linh đa nghĩa, vừa là thơ vừa là nhạc,
vừa là hoạ, thể hiện được cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất
trời xứ Huế vào xuân. Phải có một tình yêu tha thiết, một tâm hồn lạc quan với
cuộc sống mới có thể đón nhận mùa xuân và viết về mùa xuân như vậy.
19
+ Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, tác giả cảm nhận về mùa xuân
của đất nước. Hình ảnh lộc xuân theo người ra trận, theo người ra đồng làm đẹp
ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ - hai nhiệm vụ
không thể tách rời. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa
xuân thiên nhiên, đất nước. Sức sống của đất nước, của dân tộc cũng được tạo
nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng. Nhà thơ bộc lộ
niềm tự hào về một đất nước anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn,
vĩnh cửu cùng vũ trụ, sẽ toả sáng như những vì sao trong hành trình đi đến
tương lai rực rỡ, đi đến bến bờ hạnh phúc. Đó là ý chí quyết tâm, niềm tin sắt đá,
niềm tự hào lạc quan của cả dân tộc.
- Trước mùa xuân lớn của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng
của mỗi cuộc đời và dạt dào khát vọng hiến dâng.
+ Nhà thơ nguyện ước làm con chim hót dâng cho đời tiếng ca vui, làm
bông hoa trong hương sắc của muôn hoa, làm nốt trầm xao xuyến trong bản hoà
tấu muôn điệu, muôn lời ca, làm một mùa xuân nho nhỏ để hoà góp chung vào
mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống
của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung.
Đây là một quan niệm sống đẹp và đầy trách nhiệm. Làm một mùa xuân là sống
đẹp, giữ mãi sức xuân để cống hiến, cống hiến khi ở tuổi thanh xuân – khi tóc
bạc, bất chấp thời gian, tuổi tác: “Một mùa xuân…tóc bạc”. Đây không chỉ là
khát vọng của mỗi con người mà là khát vọng của mọi lớp người, mọi lứa tuổi,
tất cả đều phấn đấu không mệt mỏi cho đất nước.
+ Những câu thơ này không chỉ là lời tự nhắn nhủ bản thân mình mà còn
như một sự tổng kết, đánh giá của tác giả về cuộc đời. Vượt lên đớn đau của
bệnh tật, Thanh Hải vẫn sáng lên một bản lĩnh, một tình yêu cuộc sống mãnh
liệt, một khát vọng mạnh mẽ được cống hiến cả cuộc đời mình, được hoá thân
vào mùa xuân đất nước.
b. Về hình thức
20
- Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà rất hợp
lý, chứa đựng chiều sâu chủ đề tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm qua thi phẩm.
- Mạch cảm xúc, mạch ý tạo thành tứ thơ tự nhiên mà chặt chẽ, lôgíc, dựa trên
sự phát triển của hình ảnh mùa xuân. Từ mùa xuân của đất trời sang mùa xuân
của đất nước và mùa xuân của mỗi người góp vào mùa xuân lớn của cuộc đời
chung.
- Bài thơ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn không ngắt nhịp trong từng
câu, nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca miền Trung, xứ Huế. Sử
dụng cách gieo vần liền giữa các khổ thơ tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.
- Hình ảnh thơ: Kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị với những hình
ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát. Điều đáng chú ý là những hình ảnh biểu
trưng này thường được phát triển từ những hình ảnh thực, tạo nên sự lặp lại mà
nâng cao, đổi mới của hệ thống hình ảnh (cành hoa, con chim, mùa xuân).4
- Ngôn ngữ thơ hàm súc, gợi hình, gợi cảm. Có những câu thơ cứ như câu
nói tự nhiên, không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Cách sử
dụng nghệ thuật đảo cấu trúc ngữ pháp, câu hỏi tu từ, ẩn dụ chuyển đổi cảm
giác, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc ngữ pháp độc đáo, giàu ý nghĩa. Cách sử
dụng đại từ nhân xưng: “tôi – ta”…
- Giọng điệu bài thơ thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Giọng
điệu có sự biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn: Vui tươi, say sưa ở đoạn
đầu; trầm lắng, thiết tha ở đoạn bộc bạch những tâm niệm; sôi nổi và tha thiết ở
đoạn kết.
3. Đánh giá, nâng cao
- Sức hấp dẫn từ nội dung và nghệ thuật của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
đã tác động sâu sắc đến người đọc bao thế hệ, khơi gợi từ tình yêu thiên nhiên
đến tình yêu quê hương, đất nước, từ khát vọng nhỏ bé, khiêm nhường của một
cá nhân nâng lên thành lẽ sống cao đẹp giàu giá trị nhân văn. Vì thế với Mùa
21
xuân nho nhỏ ta không thể chỉ đọc một lần, không chỉ đọc bằng lý trí hay tình
cảm mà phải đọc bằng cả tâm hồn.
- Bài học cho người nghệ sĩ: Những bài thơ hay góp phần làm phong phú
thêm cho thơ ca nhân loại. Vì vậy, bằng tài năng và tâm huyết của mình, nhà thơ
hãy sáng tạo nên những thi phẩm hay và giàu sức hấp dẫn từ nội dung đến hình
thức. Điều đó vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm của nhà thơ, là yêu cầu thiết
yếu, sống còn của sáng tạo nghệ thuật.
- Sự tiếp nhận ở người đọc thơ: Cần thấy thơ hay là hay cả hồn lẫn xác.
Từ đó có sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ để có thể sẻ chia
những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, thơ sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người
đọc nhiều thế hệ.
*. Viết kết bài:
- Nhiệm vụ:
+ Khẳng lại vấn đề nghị luận.
+ Phát biểu cảm nghĩ hoặc liên hệ bản thân từ vấn đề nghị luận.
- Cách viết:
+ Cân xứng với mở bài
+ Tạo được dư âm sâu lắng bằng cảm xúc, suy nghĩ chân thành tha thiết.
Ví dụ: ( Với đề trên)
Bài thơ hay là bài thơ có khả năng mang đến cho người đọc những rung
động tinh tế và chân thành. Có được điều ấy bởi thơ “hay” cả hồn “lẫn xác,
hay cả bài”. Khi đọc bài thơ hay, người đọc có thể tìm thấy ở đó những cảm
xúc, suy tư, trăn trở của chính mình. Thơ không chỉ là một loại hình nghệ thuật
giải trí, đọc để vui, để thư giãn, thơ phải là tấm gương để con người nhìn thấy
tâm hồn mình. Đến với bài thơ hay nghĩa là tìm đến nơi ta có thể lắng nghe trái
tim mình nói. Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải đã làm được điều kì diệu đó.
Tác phẩm xứng đáng là một bài thơ hay!
22
PHẦN III. Một số đề nghị luận văn học và đáp án gợi ý.
Đề 1: (Đề thi HSG tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014-2015)
Nguyễn Đình Thi từng quan niệm:
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những chất liệu mượn
ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một
điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh
muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”.
(Trích Tiếng nói của văn nghệ, SGK Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục,
2011, tr.12 -13).
Em hiểu thế nào là điều mới mẻ, lời nhắn nhủ trong quan niệm của
Nguyễn Đình Thi? Qua bài thơ Ánh trăng, em hãy làm rõ điều mới mẻ và lời
nhắn nhủ mà nhà thơ Nguyễn Duy muốn góp vào đời sống.
Đáp án:
- Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, lập
luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc lỗi diễn
đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
- Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng bài viết cần
đáp ứng các yêu cầu sau:
I. Mở bài
- Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực qua lăng kính chủ quan của
các tác giả. Cho nên đến với mỗi tác phẩm văn học người đọc không chỉ thấy
được bức tranh hiện thực mà còn thấy tâm tư, tình cảm, thấy những điều nhà văn
muốn nói, muốn gửi tới bạn đọc.
- Vì thế nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: “ Tác phẩm…chung quanh”
Với nhận định này nhà văn muốn khẳng định vai trò của chức năng giáo
dục và cải tạo xã hội của văn học nghệ thuật.
23
- Soi vào Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy ta thấy nhận định ấy thật
đúng.
II. Thân bài
1. Giải thích
- Điều mới mẻ: là cách cảm nhận và thể hiện độc đáo của người nghệ sĩ
về hiện thực đời sống.
- Lời nhắn nhủ: Là tư tưởng, tình cảm, thông điệp thẩm mỹ mà người
nghệ sĩ muốn gửi đến bạn đọc thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình.
Thông điệp ấy gắn với chức năng giáo dục và cải tạo xã hội của văn học
nghệ thuật
2. Phân tích, chứng minh: Điều mới mẻ và lời nhắn nhủ của Nguyễn
Duy qua Ánh trăng (4,0 điểm)
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm (0,25 điểm)
+ Nguyễn Duy là nhà thơ – chiến sĩ, gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà
thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Ông cũng là cây bút có sức sáng tạo bền bỉ sau
năm 1975.
+ Ánh trăng được viết năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ
vừa mang đến điều mới mẻ, vừa là lời nhắn nhủ sâu sắc của Nguyễn Duy về thái
độ sống của con người.
- Điều mới mẻ mà Nguyễn Duy thể hiện qua Ánh trăng (2,0 điểm)
Trăng là đề tài quen thuộc của thơ ca xưa nay, nhưng Nguyễn Duy vẫn có
những cảm nhận và cách thể hiện riêng.
+ Bài thơ Ánh trăng mới mẻ ở nội dung:
Trăng được thể hiện như là biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị mà vĩnh hằng
của thiên nhiên, theo nhân vật trữ tình từ thời thơ ấu bình yên đến những ngày
chiến tranh ở rừng. Vì thế, trăng còn là biểu tượng của quá khứ gian khó mà tươi
đẹp, của nghĩa tình thắm thiết, đằm sâu với quê hương, đồng đội, bạn bè.
24
Trăng còn được Nguyễn Duy đặt vào trong mối quan hệ đa chiều với
nhân vật trữ tình: Nếu quá khứ trăng là tri kỉ thì hiện tại trăng bị biến thành
người dưng. Từ tình huống Thình lình đèn điện tắt, nhà thơ phát hiện thêm một
vẻ đẹp khác đáng trân trọng của trăng: thuỷ chung, bao dung mà nghiêm khắc,
có khả năng thức tỉnh con người.
+ Bài thơ Ánh trăng mới mẻ ở nghệ thuật: Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc
mà vẫn chứa chất triết lý sâu xa; hình ảnh thơ đa nghĩa, có tính biểu tượng cao;
kết hợp giữa chất tự sự với tính trữ tình; kết cấu bài thơ theo mạch thời gian; tạo
được tình huống bất ngờ; hầu như không sử dụng dấu chấm câu và chỉ viết hoa
chữ đầu tiên của mỗi khổ thơ...
- Lời nhắn nhủ của tác giả qua bài thơ (1,5 điểm):
+ Bài thơ có ý nghĩa như một lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở chúng ta đừng
quên đi những gì đẹp đẽ đã gắn bó với con người trong quá khứ, cần phải sống
tình nghĩa, thuỷ chung. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã được gửi gắm kín đáo
và tinh tế.
+ Trong cuộc sống, con người cũng cần những phút “giật mình”, nghĩa là
trạng thái thức tỉnh của lương tâm, soi lại bản thân để nhận ra sự thiếu sót, vị kỉ,
chưa hoàn thiện. Nếu không có những phút giật mình như thế, con người ta rất
dễ đánh mất chính mình, phản bội lại quá khứ ân tình, ân nghĩa.
3. Đánh giá (0,5 điểm)
- Chính những khám phá mới mẻ về nội dung nghệ thuật, chính thông
điệp giàu tính nhân văn đã làm nên sức sống của bài thơ và phong cách nghệ
thuật của nhà thơ Nguyễn Duy. Đó đồng thời là bản chất của sáng tạo nghệ
thuật, là yêu cầu đối với mỗi người nghệ sĩ (bài học về sáng tạo).
- Bài thơ không phải là một sản phẩm của triết lý khô khan, lời nhắn nhủ
phải được thể hiện với tính nghệ thuật mới có khả năng lay động. Điều đó cũng
đòi hỏi độc giả phải là người đồng sáng tạo để cảm nhận được những thông điệp
mà người nghệ sĩ muốn gửi tới (bài học về tiếp nhận).
25