ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ AN
TIỂU THUYẾT NGUYỄN TRỌNG OÁNH
TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
ĐỀ CƯƠNG LUẬN VĂN
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
HÀ NỘI - 2010
1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ AN
TIỂU THUYẾT NGUYỄN TRỌNG OÁNH
TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
Mã số:60 22 32
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PHẠM THÀNH HƯNG
HÀ NỘI - 2010
2
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành Luận văn Thạc sĩ của mình, tôi xin gửi lời
cảm ơn chân thành tới Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo, Khoa Sau
đại học, Khoa Văn học và các giảng viên trường Đại học Khoa
học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã nhiệt tình truyền đạt kiến thức
cho tôi suốt quá trình học tập và hoàn thành Luận văn Thạc sĩ.
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới PGS.TS. Phạm Thành Hưng Người trực tiếp chỉ bảo, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình
nghiên cứu và hoàn thành Luận văn Thạc sĩ.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình tôi, những
người đã động viên, đi bên tôi trong suốt quá trình học tập và
nghiên cứu.
Xin chân thành cảm ơn.
Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 2012
Tác giả
Nguyễn Thị An
3
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu
của riêng tôi. Nội dung luận văn có tham khảo và sử
dụng các tài liệu, thông tin được đăng tải trên các
tác phẩm, tạp chí và trang web theo dash mục tài
liệu của Luận văn.
Các phân tích, kết quả nêu trong luận văn là
trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất
kỳ công trình nào khác. Nếu sai, tôi xin chịu hoàn
toàn trách nhiệm.
Tác giả
Nguyễn Thị An
4
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Trọng Oánh (1929 – 1993) quê ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc,
tỉnh Nghệ An. Ông tham gia kháng chiến và văn nghệ từ khi còn là học sinh
trung học. Năm 1955, Nguyễn Trọng Oánh được điều về trại sáng tác viết truyện
anh hùng của Tổng cục Chính trị và là một trong những thành viên đầu tiên làm
nên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tháng 10/1966, Nguyễn Trọng Oánh nhận được
lệnh đi vào chiến trường B2, làm báo và tham gia chiến đấu. Trong hành trình
mười năm, ông đã đi đến nhiều chiến trường ác liệt ở miền Trung và miền Nam,
làm biên tập cho Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng và khi nhà văn Nguyễn Thi
hy sinh, ông làm Tổng biên tập Tạp chí.
Vừa tham gia chiến đấu, xây dựng căn cứ, Nguyễn Trọng Oánh vừa tích cực
hoàn thành nhiệm vụ của người nghệ sỹ trong chiến trường khi ông làm thơ, viết
văn, làm báo và đặc biệt là tổ chức các trại viết, đào tạo lực lượng viết. Nhiều cây
bút đã trưởng thành, trở thành những tên tuổi của nền văn học chống Mỹ như Văn
Lê, Trần Mạnh Hảo, Lê Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Mộc, Nguyễn Thái Sơn, Thái
Thăng Long... Khi thống nhất đất nước, Nguyễn Trọng Oánh ra Hà Nội tiếp tục
công việc sáng tác và được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ
Quân đội. Do bệnh hiểm nghèo, ông mất ngày 24.12.1993 tại Hà Nội.
Nguyễn Trọng Oánh là con người khá trầm lặng, kín đáo nhưng rất tận tụy
với công việc, đúng như nhận xét của nhà thơ Ngô Văn Phú: “Nguyễn Trọng
Oánh là người ít nói nhất trong những người ít nói. Nhưng dự giảng, tham gia
mọi sinh hoạt chuyên môn lại là người chăm chỉ nhất, lắng nghe nhất” [41]. Do
vậy, những năm tháng ở chiến trường, ông không chỉ hăng hái tham gia chiến
đấu mà còn luôn quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng cho đội ngũ nhà thơ,
nhà văn trẻ: “Có lẽ Nguyễn Trọng Oánh là người đắm đuối về việc chung nhiều
mà ít quan tâm đến việc riêng, việc gia đình. Con người nghiêm túc ấy, sống
cho những điều cao cả, những trách nhiệm với đất nước, hơn là để tâm lo đến
chuyện riêng tư của gia đình” [41]. Cũng chính sự kín đáo, giản dị đến thành
5
thực, tận tụy ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong các tác phẩm, và phong cách
viết văn của nhà văn.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trọng Oánh được bắt đầu với những tập thơ
khi công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong vai trò là người biên tập thơ,
Nguyễn Trọng Oánh được nhận xét là: “người biên tập thơ chu đáo, cẩn trọng”
(Ngô Văn Phú). Tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1961 có tựa đề: Thơm
hương bốn mùa (NXB Văn học); tiếp đó là các tập thơ Ngày đẹp nhất (thơ,
1974); Lời người cầm súng (thơ, 1977)… Những vần thơ không chỉ mang đậm
dấu ấn của thơ truyền thống “nền nã, chân chỉ” (Ngô Văn Phú) mà còn “in đậm
dấu ấn của một Nguyễn Trọng Oánh trầm tĩnh, gân guốc, với con mắt nhìn tinh
tế, một nhãn quan rộng lớn, trong một thứ ngôn ngữ tiết chế” [55].
Thời kỳ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Nguyễn Trọng Oánh
ít viết hơn và dồn mọi tâm huyết để đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Nhà văn Thanh
Giang, người đã gắn bó với Nguyễn Trọng Oánh trong những năm tháng chiến
trường, viết: “Nguyễn Trọng Oánh - bút danh chiến trường: Nguyễn Thành Vân,
cũng là cây cột trụ đến mút mùa thắng lợi! Anh hầu như không bận tâm: một cấp
quân hàm đại úy, “ăn chịu” 9 năm chiến trường gian khổ ác liệt!”. Và do vậy mà:
“Có lẽ bận bịu về xây dựng lực lượng văn nghệ quân đội ở phía Nam và bám sát
chiến trường, chuẩn bị cho những tác phẩm quan trọng của đời mình sau này,
nên thỉnh thoảng ông mới gửi thơ ra” [41].
Cùng với thơ, Nguyễn Trọng Oánh viết bút ký để gửi về hậu phương.
Những sáng tác của ông được chọn lọc và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt
Nam, truyền đi khắp cả nước. Trong đó, trường ca Khúc hát một dòng sông, với
những trải nghiệm của nhà văn nơi chiến trường đã được Hãng phim Giải phóng
lấy làm nền cho một bộ phim cùng tên và đạt giải Huy chương bạc cho thể loại
phim tư liệu. Tác phẩm này chính là những nguồn tư liệu sống chứa đầy suy
ngẫm của một người lính, một nhà văn, là nền tảng để Nguyễn Trọng Oánh viết
nên những cuốn tiểu thuyết sau này.
Với một ngòi bút cẩn trọng, sắc bén cùng vốn sống trải nghiệm, những năm
sau chiến tranh Nguyễn Trọng Oánh đã cho ra đời hàng loạt những tác phẩm văn
6
xuôi với: ký sự Nhật ký chiến dịch (1975) và bốn tập tiểu thuyết Con tốt sang
sông (1978), Đất trắng (1979 – 1983), Mây cuối chân trời (1985), Người thắng
cuộc (1987), cùng một bộ tiểu thuyết lớn về đường Trường Sơn đã hoàn thành
xong đề cương chi tiết. Sự ra đời của những tác phẩm này đánh dấu một bước
ngoặt mới trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trọng Oánh trong vai trò là nhà
văn: “Có thể nói sau chiến tranh, văn xuôi đã đem lại cho Nguyễn Trọng Oánh
một gương mặt mới” [22; 132].
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn – Con tốt sang sông phản ánh chân
thực hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc, và đặc biệt là cuộc sống của
người lính trở về sau chiến tranh. Đặc biệt bộ tiểu thuyết Đất trắng đã trở thành
một bản anh hùng ca đầy bi tráng mà cũng đầy đau thương về số phận của những
người lính trong cuộc chiến chống Mỹ đầy khốc liệt và hào hùng của dân tộc.
Cũng bởi vậy, tập I của tiểu thuyết Đất trắng khi ra mắt bạn đọc đã bị kiểm
duyệt, Nguyễn Trọng Oánh bị coi là nhà văn có tư tưởng xét lại và bị kiểm điểm.
Sau bốn năm, nhà văn mới tiếp tục viết tiếp phần II của tiểu thuyết. Mặc dù vậy,
tiểu thuyết Đất trắng vẫn được bạn đọc đón nhận và sau này, giới phê bình đã
phải nhìn nhận lại vị trí của tác phẩm. Theo đánh giá chung, cùng với một số tác
phẩm khác viết về đề tài chiến tranh, Đất trắng là một trong những tác phẩm đầu
tiên đánh dấu sự đổi mới của văn xuôi – tiểu thuyết Việt Nam sau 1975: “Ngay
từ lúc mới ra đời, Đất trắng đã được coi là một trong những tác phẩm mở đầu
cho một khuynh hướng tiếp cận hiện thực mới sau chiến tranh… mở đầu cho một
cảm hứng mới viết về chiến tranh, cảm hứng sự thật” [22]. Tiếp đó, vẫn với đề
tài chiến tranh tiểu thuyết Mây cuối chân trời (viết năm 1985 và xuất bản năm
2004). Sự hấp dẫn của Mây cuối chân trời không chỉ ở tính chân thực về cuộc
đấu tranh đầy khốc liệt và đau thương của những con người ở hai chiến tuyến
trong cuộc chiến tranh miền Nam mà còn ở sự đấu tranh của hai hệ tư tưởng. Hai
năm sau, ông viết tiếp Người thắng cuộc phản ánh chân thực đời sống cán bộ
công chức trong hàng ngũ Đảng trong những năm đầu đất nước đi lên xây dựng
chủ nghĩa xã hội.
7
Nổi danh là một nhà thơ, nhưng độ chín về nghiệp viết của Nguyễn Trọng
Oánh có lẽ dành cho tiểu thuyết. Đó là tâm huyết một đời của nhà văn, thể hiện
sự trưởng thành trong ngòi bút với sự vận động của tư duy tiểu thuyết, góp phần
phát triển vào sự đổi mới văn xuôi, tiểu thuyết sau 1975. Nhờ vậy, với những nỗ
lực không ngừng của Nguyễn Trọng Oánh đã mang về cho ông các giải thưởng
của Hội Nhà văn Việt Nam (1977); Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1984)
với bộ tiểu thuyết Đất Trắng.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trọng Oánh là sự đóng góp âm thầm
không ngừng nghỉ cho sự nghiệp Cách mạng và nền văn học Cách mạng của dân
tộc. Vừa là người có công đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ, ông vừa
là nhà văn nhà thơ, mang đến cho nền văn học Cách mạng những tập thơ, tập bút
ký, những cuốn tiểu thuyết có giá trị. Viết về điều này, nhà văn Thanh Giang đã
so sánh: “Nếu Nguyễn Ngọc Tấn tài hoa nổi tiếng với tác phẩm Giải thưởng Hồ
Chí Minh, thì Nguyễn Trọng Oánh ngoài tác phẩm khiêm nhường Giải thưởng
Nhà nước, đặc biệt còn góp công phát hiện và đào tạo một đội ngũ nhà văn trẻ”
[15]. Với sức viết bền bỉ, và sự sáng tạo riêng, Nguyễn Trọng Oánh đã viết nên
những tác phẩm không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân mà còn góp phần thể hiện
sự vận động, chuyển mình của văn học trong một thời kỳ mới của văn học dân
tộc – văn học hiện đại Việt Nam sau 1975.
Từ những vấn đề trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: “Tiểu thuyết
Nguyễn Trọng Oánh trong tiến trình đổi mới văn xuôi Việt Nam sau 1975” với
các lý do sau đây:
Thứ nhất: Một vấn đề được đặt ra là tại sao từ sau năm 1975, Nguyễn
Trọng Oánh lại không tiếp tục với vai trò là một nhà thơ – lĩnh vực vốn rất sở
trường với ông mà lại thử sức ở tiểu thuyết? Điều đáng ngạc nhiên hơn khi mới
thử nghiệm với lĩnh vực này, ông đã cho ra đời liên tiếp bốn tập tiểu thuyết gồm:
Con tốt sang sông, Đất trắng, Mây cuối chân trời, Người thắng cuộc chỉ trong
thời gian hơn chục năm. Điều đó chứng tỏ ở nhà văn là cây bút có sức viết bền bỉ
với nỗ lực không ngừng để làm mới ngòi bút của mình. Và có phải chăng, kết
quả này là sự ấp ủ về những dự báo đổi mới, phát triển của nền văn học mà
8
Nguyễn Trọng Oánh đã nhận thức được từ những ngày ở chiến trường?. Hơn
nữa, sự thay đổi trong tư duy của nhà văn để cho ra đời bốn tiểu thuyết cũng gắn
liền với thời kỳ văn xuôi, tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 bắt đầu có những bước
đổi mới. Do vậy, dù ít nhiều các tác phẩm này cũng sẽ mang những đặc trưng
cho tư duy tiểu thuyết mới.
Thứ hai: Mặc dù Nguyễn Trọng Oánh không có một ghi chép cụ thể nào
về quan niệm viết văn xuôi, tiểu thuyết nhưng từ những ý kiến nhỏ mà ông đưa
ra trong các hội thảo về đổi mới văn học đến các tiểu thuyết mà nhà văn đã viết,
từ tiểu thuyết đầu tiên - Con tốt sang sông, được viết vào năm 1978 đến tác phẩm
Người thắng cuộc – viết năm 1987, Nguyễn Trọng Oánh đã thể hiện được ít
nhiều quan điểm đổi mới trong hướng tiếp cận đề tài, nội dung và cách viết. Vấn
đề nhìn nhận hiện thực, lịch sử, con người và số phận được nhà văn đặt ra một
cách nghiêm túc với cái nhìn chân thực: “Lần đầu tiên, dòng văn học hiện thực
xã hội chủ nghĩa, có một nhà văn đã viết về hiện thực như nó vốn có, không tô
hồng, không dựng nó theo ý chí, và sự áp đặt của nhà văn hay bất cứ ai” [55]. Do
vậy, việc nghiên cứu vị trí văn học sử của bốn tập tiểu thuyết không chỉ giúp
người nghiên cứu xác định rõ hơn những đóng góp của nhà văn mà còn hiểu rõ
hơn bản chất và quy luật vận động, phát triển của văn xuôi Việt Nam những năm
đầu đổi mới.
Thứ ba: Nguyễn Trọng Oánh luôn được đánh giá là một nhà văn có tâm
huyết, trách nhiệm với những sáng tác của mình và bạn bè. Thế nhưng, có một
vấn đề thực tế đặt ra là những tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Oánh chưa
thực sự được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm, đánh giá. Trong bốn tập tiểu
thuyết, chỉ có bộ tiểu thuyết Đất trắng được bạn đọc và giới nghiên cứu, phê
bình văn học biết đến và quan tâm. Thực tế, theo khảo sát của chúng tôi, hiện chỉ
có một vài bài viết đánh giá sơ lược về giá trị các tiểu thuyết của Nguyễn Trọng
Oánh và chưa có một công trình nghiên cứu nào về tiểu thuyết của nhà văn. Do
vậy, cần có một sự đánh giá lại tổng thể vai trò, vị trí của nhà văn Nguyễn Trọng
Oánh trong tiến trình đổi mới văn xuôi – tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, đặc biệt
9
trong thời kỳ đầu đổi mới là một nhiệm vụ cần thiết với người làm nghiên cứu lý
luận phê bình và lịch sử văn học.
Luận văn này được hoàn thành với mong muốn những tiểu thuyết của
Nguyễn Trọng Oánh sẽ được quan tâm nhiều hơn trong nghiên cứu phê bình và
lý luận văn học – văn xuôi sau 1975, là nền tảng đưa những tác phẩm của ông
đến gần hơn với bạn đọc.
II. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay, trong vai trò là một nhà văn Nguyễn Trọng Oánh được biết
đến với bốn tiểu thuyết Con tốt sang sông, Đất trắng, Mây cuối chân trời và
Người thắng cuộc. Thế nhưng, bạn đọc và các nhà phê bình dường như chỉ biết
đến tác phẩm duy nhất gây được tiếng vang lớn, đánh dấu tên tuổi Nguyễn Trọng
Oánh trên lĩnh vực tiểu thuyết chính là Đất trắng. Cũng bởi vậy, mọi bài viết,
công trình nghiên cứu, phê bình lý luận tiểu thuyết Nguyễn Trọng Oánh phần lớn
đều tập trung ở tác phẩm này.
Ngay từ khi ra đời, Đất trắng đã gây được tiếng vang lớn, trở thành một đề
tài được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn văn học. Cũng bởi, ngay sau khi ra
mắt công chúng, tác phẩm này bị đình bản, thu hồi và Nguyễn Trọng Oánh bị coi
là nhà văn có tư tưởng xét lại, bị kiểm điểm trong nhiều cuộc họp. Và vì vậy, sau
khi tiểu thuyết Đất trắng được xuất bản trở lại và nhận được giải thưởng của Hội
Nhà văn Việt Nam (1977) và giải thưởng của Bộ Quốc phòng (1984), tác phẩm
này đã trở thành một đề tài bình luận sôi nổi của giới nghiên cứu phê bình lúc
bấy giờ. Trên nhiều diễn đàn văn học, Đất trắng được nói đến như một “hiện
tượng” bởi không chỉ số phận “long đong” mà còn bởi người ta đã bắt đầu nhìn
nhận lại nội dung và giá trị của nó. Trong bài viết Tiểu thuyết Đất trắng, nhà
nghiên cứu Trần Duy Thanh, nhận xét: “Đất trắng nằm trong số tiểu thuyết viết
về chiến tranh xuất hiện sau chiến tranh đã có chặng đường dài một thập kỷ. Một
thử thách với tác giả cũng như nhiều cây bút khác là: yêu cầu của bạn đọc khắt
khe hơn; không thể miêu tả chiến tranh một cách dễ dãi, toàn những chuyện ngọt
ngào, suôn sẻ. Và ai cũng thấy là tiểu thuyết với đề tài chiến tranh sau 1975 đã
có những khởi sắc” [45]. Trên cơ sở chỉ ra thời điểm ra đời của tác phẩm, nhà
10
thơ Trần Đăng Khoa đưa ra những đánh giá về vị trí của tiểu thuyết Đất trắng
trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau 1975: “Thời điểm ra đời của nó
cũng khá “nhạy cảm”, vào trước thềm khai mạc Đại hội lần thứ 5 của Đảng. Làn
sóng Đổi mới đã bắt đầu xuất hiện trong văn học qua tiểu thuyết Đất trắng của
Nguyễn Trọng Oánh và Thời xa vắng của Lê Lựu”.
Cũng từ đây, Đất trắng đã trở thành một tác phẩm thực thụ có giá trị.
Không chỉ được bạn đọc quan tâm mà những người làm nghiên cứu phê bình văn
học Việt Nam sau 1975, đặc biệt là với đề tài chiến tranh, các nhà nghiên cứu
luôn nhắc đến tác phẩm này như một ví dụ điển hình trong thời kỳ đầu đổi mới
của văn xuôi. Mặc dù vậy, Đất trắng chưa thực sự được xem là một đối tượng
nghiên cứu riêng biệt, độc lập mà chỉ là một phần của đối tượng nghiên cứu
trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Một số công trình nghiên cứu là những
luận văn thạc sỹ cũng ít nhiều đưa ra ý kiến đánh giá về Nguyễn Trọng Oánh và
tiểu thuyết Đất trắng. Trong Chiến tranh và người lính trong tiểu thuyết Việt
Nam sau 1975 của tác giả Nguyễn Thị Kim Liên đưa ra ý kiến đánh giá về sự
chuyển biến trong ý thức nghệ thuật của nhà văn thông qua tính hiện thực: “Cũng
là hiện thực chiến tranh, nhưng sở dĩ Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh mô tả
được cái khốc liệt, đau thương là xuất phát từ thái độ trung thực, nhu cầu giãi
bày những nếm trải cá nhân về cuộc chiến, nhu cầu được thành thực, tóm lại
cũng là sự chuyển biến về ý thức nghệ thuật” [23]; Ở một phương diện khác, tác
giả Trần Xuân Ngọc khi so sánh nghệ thuật khắc họa chiến tranh trong tiểu
thuyết Chuông nguyện hồn ai và Đất trắng đã đưa ra những đánh giá thiết thực
về sự đổi mới của tiểu thuyết này không chỉ trên phương diện tư tưởng mà còn ở
bút pháp xây dựng nhân vật: “Trong tiểu thuyết Đất trắng của Nguyễn Trọng
Oánh, tác giả đã bổ sung những gì trước đây chưa đề cập đến hoặc còn dè dặt và
sơ lược trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại như việc phản ánh những mặt tiêu
cực trong nội bộ quân đội cách mạng, những tổn thất nặng nề trong chiến tranh,
cái đau buồn hay cái bi của đời sống, những chuyện đời tư, đời thường, chuyện
tình yêu… Đồng thời, tác giả cũng đề cập đến những mặt tích cực, mặt mạnh của
con người, nhưng không thể hiện một cách dễ dãi, xuôi chiều, mà đặt nhân vật
trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ khó khăn với chủ nghĩa đế quốc, cụ thể là bọn
11
xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai; trong đó lực lượng chính nghĩa không phải bao giờ
cũng thắng, trên thực tế đã gặp nhiều tổn thất to lớn. Đời sống của các nhân vật
trong tác phẩm cũng được phản ánh từ nhiều phía, nhiều chiều. So với tiểu thuyết
Việt Nam thời kỳ trước 1980 thì đây là những nét rất mới mẻ, sâu sắc” [32; 3536]. Bàn luận về nghệ thuật xây dựng nhân vật, Đỗ Quang Minh đã chỉ ra mối
quan hệ giữa hoàn cảnh và việc hình thành tính cách nhân vật: “Nguyễn Trọng
Oánh đã đưa hầu hết các nhân vật của mình vào hoàn cảnh bi kịch để khắc họa
tính cách nhân vật một cách khách quan” [26;42].
Trong nhiều bài viết, nghiên cứu và phê bình văn học nhà văn Nguyễn
Trọng Oánh và các tiểu thuyết của ông cũng được nhắc đến như một đối tượng
nghiên cứu chính. Tuy nhiên, những bài viết này chỉ tập trung ở hai tác phẩm
Đất trắng và Mây cuối chân trời – với đề tài chiến tranh. Còn với Con tốt sang
sông và Người thắng cuộc, thực tế cho thấy đến nay chưa có một công trình hay
bài viết nào đưa ra một đánh giá, nhận định về vị trí và giá trị của các tác phẩm
trên. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê bình luận về tính hiện thực, trong đó đặc biệt
nhấn mạnh đến việc xây dựng những hình tượng nhân vật mang tính phản diện
trong tiểu thuyết: “Đất trắng là một tiểu thuyết viết về vùng đất chiến tranh khắc
nghiệt ở Quảng Trị, cũng có những anh hùng chiến đấu kiên cường nhưng cũng
có những mẫu nhân vật hèn nhát, đào ngũ như một chính ủy thuộc thành phần
trung kiên của Đảng”. Còn với nhà văn Ngô Văn Phú, ông đưa ra những đánh giá
cụ thể hơn về ý nghĩa ra đời và những giá trị đổi mới của tiểu thuyết: “Đất trắng
ra mắt bạn đọc năm 1979, lập tức được dư luận đón nhận, bởi lối viết trần trụi,
khắc nghiệt, mô tả cuộc chiến đấu ác liệt, đề cập đến những khó khăn vô bờ bến
và những mất mát, hy sinh… Hiện thực trong tác phẩm đa chiều, chân xác và
toàn diện hơn những cuốn tiểu thuyết về chiến tranh viết trước đó… là tiểu
thuyết chiến tranh lần đầu tiên dám đưa một nhân vật có hạng, một sỹ quan cao
cấp, đầu hàng giặc, điều mà các nhà tiểu thuyết trước Nguyễn Trọng Oánh chưa
dám mạnh tay đến thế… Đất trắng mở đầu cho lối viết mới, suy nghĩ mới cho
tiểu thuyết về chiến tranh, sau ngày toàn thắng” [41].
12
Tôn Phương Lan, một nhà nghiên cứu rất quan tâm đến các sáng tác của
Nguyễn Trọng Oánh cũng có một bài viết khái quát về các tiểu thuyết của
Nguyễn Trọng Oánh: “Văn nghiệp của Nguyễn Trọng Oánh sáng lên từ Đất
trắng – bộ tiểu thuyết hai tập từng được nhận giải thưởng của Hội nhà văn và Bộ
Quốc phòng... Có thể nói, sau chiến tranh văn xuôi đã đem lại cho Nguyễn Trọng
Oánh một gương mặt mới” [22]. Ngoài ra, nhà nghiên cứu này còn đưa ra ý kiến
đánh giá về tiểu thuyết Mây cuối chân trời trên phương diện thể tài và khắc họa
nhân vật: “Sự tìm tòi của Nguyễn Trọng Oánh ở Mây cuối chân trời là ở chỗ ông
triển khai vấn đề trên cơ sở của sự đối kháng ý thức hệ, lòng ham muốn, đố kỵ
trong tình cảm con người và coi đó như là một trong những nguyên nhân cơ bản
tạo nên sự tàn ác một cách quyết liệt của nhân vật kẻ địch” [22]. Trong một bài
viết khác, Tôn Phương Lan lại chỉ ra những mâu thuẫn cơ bản trong Mây cuối
chân trời đã được nhà văn triển khai với thủ pháp dòng ý thức: “Bộ mặt khác của
chiến tranh trong Mây cuối chân trời của Nguyễn Trọng Oánh không phải được
thể hiện qua cuộc đối đầu bằng vũ khí như trong Đất trắng mà bằng cuộc đấu
tranh quyết liệt mang tính chất ý thức hệ một mất một còn giữa hai gia đình cộng
sản gốc và cộng sản nòi. Ông bắt đầu từ cuộc trở về sau khi ra khỏi nhà tù của
một sỹ quan ác ôn ngụy mà ngược về quá khứ. Nguyễn Trọng Oánh đã sử dụng
thủ pháp dòng ý thức khiến cho hình tượng kẻ địch hiện ra không chỉ bằng hành
động mà còn bằng hồi ức, suy nghĩ, không chỉ trong mối quan hệ với Cách mạng
mà còn trong mối quan hệ tình cảm với gia đình” [20]. Tác giả Nguyễn Thanh
Tú trong bài viết “Tiểu thuyết sử thi hôm nay - Những nét tìm tòi đổi mới” đã
đánh giá về bút pháp xây dựng nhân vật của nhà văn trong hai tiểu thuyết Đất
trắng và Mây cuối chân trời: “Tiểu thuyết sử thi 1945 - 1975 thường miêu tả
nhân vật kẻ thù theo bút pháp "hiện thực tàn nhẫn", điển hình cho một vài nét
tính cách như tàn ác, hiểm độc... Nhân vật hiện lên theo một khuôn mẫu chung,
đơn giản sơ lược, chưa có cá tính. Sau 1975 các nhà tiểu thuyết đã cố gắng khắc
phục điểm yếu này mà tiêu biểu là Nguyễn Trọng Oánh với các bộ tiểu thuyết
Đất trắng và Mây cuối chân trời. Ở tiểu thuyết hôm nay, nhờ sự đổi mới trong
việc cải tạo lại cấu trúc bên trong với một quan niệm nghệ thuật toàn diện hơn,
13
miêu tả theo bút pháp "hiện thực tỉnh táo" nên nhân vật kẻ thù hiện ra có sức
sống đa chiều phức tạp và có một đời sống riêng” [53].
Như vậy, sơ lược các công trình nghiên cứu và bài viết ở trên đã cho thấy:
Các nhà nghiên cứu đã ít nhiều chỉ ra vị trí, vai trò của nhà văn Nguyễn Trọng
Oánh trong tiến trình đổi mới văn xuôi sau 1975 thông qua sự chuyển biến về
nhận thức của nhà văn cùng những đổi mới trên phương diện nội dung và nghệ
thuật. Tuy nhiên, những ý kiến đưa ra có tính chất minh họa, mới chỉ tập trung
vào tiểu thuyết được xem là dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn là Đất
trắng cùng một vài ý kiến nhỏ giành cho Mây cuối chân trời mà chưa hoặc thậm
chí là không có nghiên cứu hay đánh giá nào về hai tác phẩm còn lại. Do vậy,
trên cơ sở tiếp thu những thành quả nghiên cứu cùng những ý kiến đánh giá của
những người đi trước, chúng tôi đặt ra vấn đề tìm hiểu “Tiểu thuyết Nguyễn
Trọng Oánh trong tiến trình đổi mới văn xuôi Việt Nam sau 1975” với bốn bộ
tiểu thuyết của nhà văn trên cả phương diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Đây sẽ là nhiệm vụ rất cần thiết để xác định lại vị trí, vai trò và ý nghĩa của tiểu
thuyết Nguyễn Trọng Oánh trên hành trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau
1975.
III. Đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu
1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng cơ bản của luận văn này là bốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn
Trọng Oánh bao gồm: Con tốt sang sông, Đất trắng, Mây cuối chân trời và Người
thắng cuộc. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đặt những tác phẩm
này trong mối liên hệ với tiến trình đổi mới văn xuôi – tiểu thuyết Việt Nam sau
1975. Vì vậy, luận văn này đồng thời tìm hiểu về khuynh hướng vận động của văn
xuôi Việt Nam sau 1975 trong mối quan hệ với sự phát triển tư tưởng và quá trình
sáng tác của nhà văn, vừa chỉ ra những giá trị có ý nghĩa đổi mới mang tính lý luận
của các tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh trên các phương
diện cụ thể sau: Nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật thẩm mỹ.
2. Phạm vi nghiên cứu
14
- Bốn tập tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Oánh: Đất trắng, Con tốt sang
sông, Mây cuối chân trời, Người thắng cuộc.
- Những vấn đề liên quan đến tiểu thuyết và văn xuôi Việt Nam sau 1975.
3. Mục đích nghiên cứu
- Trên cơ sở nghiên cứu về sự vận động của văn xuôi, tiểu thuyết sau 1975
với những nhân tố tác động đến tiến trình đổi mới văn xuôi và từng nhà văn để
chỉ ra những chuyển biến trong quan niệm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn
Trọng Oánh. Đồng thời, phân tích ý nghĩa của thời điểm ra đời ở từng tiểu thuyết
trong mối quan hệ với tiến trình đổi mới văn xuôi để từ đó, bước đầu khẳng định
những đóng góp của nhà văn trong việc đổi mới văn xuôi sau 1975.
- Nghiên cứu những đặc điểm về giá trị tư tưởng trên hai phương diện: cái
nhìn hiện thực và vấn đề số phận con người.
- Nghiên cứu những đổi mới trên phương diện nghệ thuật, thẩm mỹ: nghệ
thuật trong bốn tập tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Oánh
- Đưa ra những kết luận mang tính lý luận, từ đó định hướng cho việc
nghiên cứu về phong cách của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh.
IV. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra, người viết sử dụng những
phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp lịch sử - xã hội: Là phương pháp nghiên cứu chính trong
đó, chúng tôi đặt tác phẩm vào bối cảnh văn hóa – xã hội, lịch sử của những năm
sau chiến tranh để từ đó xác định vị trí, ý nghĩa của nhà văn và bốn tập tiểu
thuyết với những cách tân trên phương diện tư tưởng và nghệ thuật.
- Tiếp cận từ góc độ thi pháp thể loại: Cùng với phương pháp lịch sử - xã
hội, quá trình nghiên cứu trên cơ sở tiếp cận tác phẩm từ góc độ thể loại là một
trong những phương pháp chính. Phương pháp này nhấn mạnh đến việc vận dụng
các thao tác phân tích thi pháp học để nghiên cứu và phát hiện ra những cách tân
trên phương diện nội dung và nghệ thuật của bốn tập tiểu thuyết.
15
- Phương pháp hệ thống: Phương pháp này giúp người nghiên cứu định
hướng được việc nghiên cứu tác phẩm sẽ như là một chỉnh thể bao gồm các yếu
tố nội dung và nghệ thuật.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu đề tài này, người nghiên cứu còn vận dụng
một số phương pháp thông dụng là so sánh, đối chiếu và tổng hợp trong đánh giá
tác phẩm và tác giả văn học.
V. Bố cục luận văn
Trên cơ sở đưa ra nhiệm vụ nghiên cứu, luận văn của chúng tôi có cấu trúc
ba phần. Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung của luận văn sẽ
được triển khai theo ba chương chính là:
Chương 1: Văn xuôi Việt Nam sau 1975 và tiểu thuyết Nguyễn Trọng Oánh
Chương 2: Những đổi mới của tiểu thuyết Nguyễn Trọng Oánh trên phương
diện tư tưởng.
Chương 3: Những đổi mới trên phương diện nghệ thuật.
16
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975 VÀ TIỂU THUYẾT
NGUYỄN TRỌNG OÁNH
1.1 Từ tính tất yếu của đổi mới văn học Việt Nam sau 1975
1.1.1. Những nhân tố nền tảng: Điều kiện lịch sử - xã hội
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc năm 1975 đã mở ra thời kỳ mới cho
dân tộc Việt Nam: Đất nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện
thực cuộc sống chuyển từ thời chiến sang thời bình, khắc phục hậu quả của chiến
tranh và đi lên xây dựng đất nước. Những con người một thời đã sống và chiến
đấu trong bom đạn của chiến tranh, giờ trở về với cuộc sống thường nhật, với gia
đình và công việc. Cũng từ đây, những giá trị thẩm mỹ mới cũng được hình
thành trong mối quan hệ với các giá trị cũ.
Trước những thử thách của hoàn cảnh mới đã đặt ra yêu cầu đổi mới đất
nước trong mọi phương diện, từ kinh tế, chính trị, xã hội đến văn hóa, nghệ
thuật… Và yêu cầu đó không chỉ của toàn dân tộc, mà còn đặt ra cho mỗi cá
nhân, gắn với sự nhận thức lại những hệ giá trị cũ và sáng tạo cho phù hợp với
tình hình thực tiễn. Do vậy, từ sau khi chiến tranh kết thúc, các kỳ Đại hội Đảng
diễn ra dưới sự điều hành của Đảng là sự định hướng và hoạch định đường lối
cho một giai đoạn phát triển mới trên mọi phương diện của đất nước.
Trong đó, văn học – nghệ thuật cũng là một trong những nhân tố cơ bản của
đổi mới. Những năm kháng chiến, văn học đã hoàn thành vai trò và sứ mệnh là
tiếng nói của Cách mạng, của quần chúng, trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho
cuộc chiến đấu của dân tộc. Những nhà văn, nhà thơ hăng hái vào chiến trường,
vừa tham gia chiến đấu và sáng tác với những tác phẩm phản ánh sức mạnh đấu
tranh của cả dân tộc, mang đậm dấu ấn sử thi và những con người quần chúng
mang tầm vóc dân tộc. Thế nhưng, trong một bối cảnh mới, khi cả đất nước đang
nỗ lực đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, với định hướng nền kinh tế thị trường
đã tác động không nhỏ đến nhận thức và suy nghĩ của con người về mọi giá trị.
Những thước đo giá trị mới bắt đầu được hình thành, những chuẩn mực mới
17
cũng được đặt ra trên mọi phương diện. Con người cũng trở về với cuộc sống
thường nhật, với những lo toan đời thường, với những suy nghĩ mang tính cá
nhân, với cái tốt và cái xấu cùng hiện hữu trong đời sống.
Do vậy, những biến đổi trong đời sống đã trở thành nhân tố cơ bản tác động
đến sự phát triển của văn học. Nhà nghiên cứu văn học Nguyên Ngọc đã nhìn
nhận rất sắc bén về tình hình văn học – văn xuôi sau 1975: “Sau 1975, trong ào
ạt tưng bừng hồ hởi đại thắng, bỗng dưng xuất hiện một tình trạng rất kỳ: xuất
hiện sự lạnh nhạt hẳn đi trong quan hệ giữa công chúng và sáng tác. Trong khi
các nhà văn chúng ta say sưa: bây giờ hòa bình, vốn sống tích lũy bao nhiêu năm
ăm ắp như ‘cá tức trứng’ muốn đẻ lắm rồi, thì giờ thì thừa mứa ra đó, bom đạn
căng thẳng hết rồi, vật chất cũng đỡ khốn khó hơn nhiều, tha hồ mà viết, viết cho
hết, cho đã… thì bỗng dưng cái mối quan hệ vốn rất thắm thiết máu thịt giữa văn
học và công chúng, giữa sáng tác và người đọc đột nhiên lạnh nhạt hẳn đi, hụt
hẫng hẳn đi… Tình trạng của nhiều nhà văn chúng ta bây giờ đúng là cái “tình
trạng ngày càng khôi hài… anh ta cứ tiếp tục nói, lảm nhảm nói, nhưng là nói
vào chỗ trống không” [30;9-10]. Nhà nghiên cứu tiếp tục ví thời kỳ văn học sau
1975 như một “khoảng chân không văn học” mà “âm không truyền đi được”.
Cái hiện tượng mà Nguyên Ngọc đã gọi là “khoảng chân không văn học”
ấy chính là một hệ quả tất yếu của những thay đổi căn bản trong đời sống xã hội.
Khi hoàn cảnh lịch sử bước sang một trang mới, cuộc sống của mỗi con người
cũng bị tác động với những thay đổi phù hợp. Một hiện thực mới được hình
thành, không còn chiến tranh, bom đạn và những nỗ lực của cả cộng đồng cho
mục tiêu lớn của dân tộc được thay thế bằng cuộc sống của thời bình, với những
lo lắng cho đời sống thường nhật, cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Hiện thực ấy
tạo nên nguồn chất liệu mới cho nhà văn sáng tạo nghệ thuật, là “mảnh đất mầu
mỡ” để nhà văn khai thác và thể nghiệm. Đồng thời, như một sự tất yếu, khi
nguồn chất liệu sáng tạo của nghệ thuật thay đổi cũng đặt ra những yêu cầu mới
cho nhà văn. Đó chính là yêu cầu của một sự thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhà
văn không phải chỉ say sưa với sự ca ngợi, hay viết lại những điều đã cũ về cuộc
chiến tranh, về nhân dân, dân tộc và cả cộng đồng. Thực tế đòi hỏi nhà văn
18
không chỉ phải biết sáng tạo nên những cái mới từ những điều đã cũ mà cần biết
tìm tòi, sáng tạo từ hiện thực mới. Văn học đặt ra một thách thức, người cầm bút
cần phải có sự nhận thức lại với chính mình, cần sự thay đổi trong tư duy, trong
cách nhìn nhận hiện thực, con người và sự sáng tạo trong cách viết: “Rõ ràng,
văn học đang cần một sinh khí, một sức mạnh có khả năng khai phóng” [6;14].
Hơn lúc nào hết, nhu cầu nhận thức lại như được chắp thêm đôi cánh từ sự định
hướng đúng đắn của Đảng. Các kỳ đại hội Đảng diễn ra, đặc biệt là Đại hội Đảng
lần thứ VI đã thực sự tạo nên một “làn gió mới dân chủ và cởi mở của Đảng”
[6;15]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh ví nền văn học Việt Nam sau 1975
là một cuộc “nhận đường mới” với “khó khăn, phức tạp hơn nhiều”.
Mặc dù quá trình đổi mới văn học không hoàn toàn gắn liền với công cuộc
đồi mới của đất nước. Bởi đó là một chặng đường mà sự đổi mới đã có những
bước “manh nha” từ trước đó, với một quá trình phát triển có sự kết hợp của
những nhân tố cũ và mới của văn học. Thế nhưng, với những đường lối đổi mới
được đưa ra từ các kỳ Đại hội Đảng và đặc biệt là Đại hội Đảng lần VI (1986),
đã thực sự có những tác động lớn với những ý nghĩa sâu sắc đến công cuộc đổi
mới của văn học: “Sự sáng suốt trong lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tập
trung biểu hiện ở khả năng nhạy bén phát hiện ra những vấn đề của đời sống,
phản ánh kịp thời trong các nghị quyết, chỉ thị về văn hóa, văn nghệ, để chỉ đạo
có hiệu quả thực tiễn sáng tạo đặc thù của nghệ thuật” (Nguyễn Văn Long).
Từ Đại hội Đảng lần thứ V (1982), những yêu cầu sáng tạo đã bước đầu
được đặt ra: “Đảng khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, khuyến khích sự phát
triển của phong cách và tài năng nghệ thuật” [31]. Mặc dù vậy, nền văn học giai
đoạn này vẫn chưa có nhiều khởi sắc, đúng như nhận xét của cố Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh: “Tôi có cảm giác trong hơn 10 năm qua, so với cuộc kháng
chiến trước đó, thành tựu của văn học chúng ta còn nghèo”. Quá trình đổi mới
chỉ thực sự có những bước chuyển biến từ sau Đại hội Đảng lần VI (1986), với
định hướng: “văn hóa văn nghệ nước ta càng phải đổi mới, đổi mới tư duy, đổi
mới cách nghĩ, cách làm”. Trong đó, nghị quyết của Bộ Chính trị đặc biệt nhấn
mạnh: “Đảng khuyến khích văn nghệ sỹ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu
19
cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật và phát
triển các loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện” [6;15]. Tiếp
theo đó, tại Đại hội Đảng lần VII (1991) tiếp tục khẳng định quan điểm: “Văn
học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa, gắn bó với đời sống
nhân dân và sự nghiệp Cách mạng của Đảng lao động, khuyến khích tự do sáng
tạo văn học nghệ thuật vì sự hoàn thiện con người, đồng thời bồi dưỡng tâm hồn,
tình cảm cao đẹp, đề cao tư tưởng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phấn đấu
làm cho dân giàu, nước mạnh, phê phán thói hư, tật xấu, thói độc ác, cái thấp
hèn…” [31].
Những kỳ Đại hội với đường lối văn nghệ đúng đắn đã xác định rõ vị trí,
vai trò nhiệm vụ của văn nghệ - văn học trong đời sống xã hội và chỉ ra những
đối tượng mà văn học cần phản ánh cùng đối tượng phục vụ. Đường lối ấy đã tác
động đến sự phát triển của văn học nói chung mà trực tiếp là chính những người
làm văn học, hình thành nên những quan điểm, tư tưởng và thái độ mới trong
sáng tạo nghệ thuật. Văn học nghệ thuật đã thực sự được “cởi trói”, nhà văn
được “lột xác” với những thể nghiệm mới, đời sống văn học trở nên sôi động hơn
bao giờ hết, đúng như đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình: “Lớp
người viết xuất hiện từ sau Đại hội Đảng VI đã tạo nên ấn tượng rõ rệt về một
tinh thần thẩm mỹ mới. Văn chương của họ đúng là tiếng nói của ý thức cá nhân
ở một thời đại mà kinh nghiệm nghệ thuật cùng kinh nghiệm về chân lý khác
nhiều so với lớp cha anh. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy
Anh, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái… đem lại cho văn xuôi nước ta cả cái
“mới” lẫn cái “lạ” [6;17].
1.1.2. Sự sôi động của các hoạt động văn học nghệ thuật sau 1975
Những đường lối của Đảng nhằm khuyến khích sự phát triển văn học theo
xu hướng dân chủ, cởi mở đã mở ra thời kỳ mới cho văn học Việt Nam. Trên
mọi diễn đàn văn học nghệ thuật, từ các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu, các
dịch giả đến công chúng yêu văn học đều tham gia tích cực với những tác phẩm,
bài viết, bài bình luận, các công trình nghiên cứu và dịch thuật. Thêm vào đó, sự
tác động của cơ chế thị trường càng tạo thêm nhiều điều kiện cho văn học phát
20
triển: “Việc in ấn và giới thiệu ấn phẩm chưa bao giờ rộng rãi, dễ dàng, thuận
tiện” [25;97]. Không khí “tự do dân chủ” trong đời sống văn học đã phát huy
hiệu quả tích cực: “nếu nhà văn tự do sáng tạo thì nhà phê bình và công chúng
cũng có quyền tự do phê bình, tiếp nhận” [25;97]. Các tờ báo văn học nghệ thuật
đã tạo ra những diễn đàn để những người yêu văn chương được tham gia, thể
hiện quan điểm, nhận xét đánh giá và giới thiệu tác phẩm mới. Nhiều cuộc thi
sáng tác hay các chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới trên nhiều tờ báo văn hóa,
văn nghệ đưa nhà văn đến gần hơn với độc giả. Với tinh thần “tự do sáng tác đã
trở thành sức mạnh kích thích sự sáng tạo của nhà văn… Tinh thần dân chủ đã
tạo ra một tư thế, tâm thế mới cho nhà văn. Nhà văn là người phát ngôn của ý
thức xã hội, nhưng bằng tiếng nói của mình. Do đó, nhà văn chủ động tạo ra bức
tranh hiện thực mang đậm dấu vết của kinh nghiệm và thể nghiệm cá nhân”
[2;16], lực lượng sáng tác trở nên đông đảo với thế hệ nhà văn lớp trước như Tô
Hoài, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải… và lớp tác giả trẻ mới xuất hiện như
Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… Ngoài ra là
những tác phẩm của các dịch giả lớn, có tên tuổi trong nước như Thúy Toàn,
Dương Tường, Đỗ Đức Dục, Phạm Viêm Phương, Cao Việt Dũng…Thêm vào
đó, các chuyên mục trao đổi, bình luận trên các diễn đàn mở ra những cơ hội để
các nhà nghiên cứu, phê bình và công chúng yêu văn học được bình luận, đưa ra
ý kiến đánh giá về tác phẩm. Đời sống văn học trở nên sôi động hơn bao giờ hết:
“Trong một bối cảnh xã hội được dân chủ hóa, đời sống văn học mang một sắc
diện mới. Có thể nói đến một sự phát triển sôi nổi, ồ ạt đến xô bồ của văn học.
Chỉ nhìn vào khối lượng tác phẩm được xuất bản, sự phong phú đa dạng của mọi
thể tài, chủng loại sách của cả văn học trong nước và nước ngoài, ta cũng nhận ra
được rằng tinh thần dân chủ đã có tác động đến đời sống văn học như thế nào”
[2;16]. Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể một số nhân tố cơ bản tác động
đến sự phát triển sôi động của đời sống văn học sau 1975:
* Dịch thuật “nở rộ”
Đường lối văn nghệ của Đảng sau 1975 định hướng sự phát triển văn học
nghệ thuật luôn đặt trong mối quan hệ với mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp thu các
21
giá trị và tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Với tinh thần ấy, từ sau năm
1975, khi đất nước có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận nền văn hóa – văn
học thế giới, phong trào dịch thuật phát triển. Hội đồng dịch văn học được thành
lập bởi Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức các hội thảo về văn học dịch với sự
tham gia của nhiều các nhà văn, dịch giả, đưa ra những tham luận có ý nghĩa về
tính cấp thiết của việc dịch và tổ chức lực lượng dịch. Các giải thưởng về văn
học dịch đã khuyến khích các dịch giả tích cực tham gia. Trên các diễn đàn văn
hóa, văn nghệ đều có một chuyên mục nhỏ để các dịch giả giới thiệu các tác
phẩm và công trình dịch. Các dịch giả văn học không chỉ tích cực trong công tác
dịch mà còn tự đổi mới về tư tưởng, quan điểm trong việc lựa chọn sách dịch và
dịch sách. Dịch thuật đã thực sự mang lại nhiều ý nghĩa to lớn: “Trong bối cảnh
toàn cầu hóa văn hóa văn học, việc định hướng dịch thuật, giới thiệu những tác
phẩm văn học nước ngoài vừa phù hợp với tâm thức văn hóa của dân tộc, vừa
góp phần gợi những đường hướng sáng tác mới lại càng cần thiết hơn bao giờ
hết” (Nguyễn Văn Hiệu).
Như một quy luật tất yếu của nền văn học, văn học dịch luôn có những tác
động đến sự phát triển của văn học dân tộc. Nếu như trước năm 1975, nền văn
học của chúng ta chủ yếu chỉ được tiếp cận những tác phẩm của văn học cổ điển
châu Âu và văn học Xô viết cùng một số nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, thì từ
sau khi cuộc chiến tranh đi qua, với sự khuyến khích mở rộng giao lưu văn hóa
văn học của Đảng đã tạo tiền đề tích cực cho văn học dịch phát triển. Văn học
dịch thực sự có bước tiến lớn, giới văn học và cả công chúng không chỉ được biết
đến với những tác phẩm văn học đương đại Âu Mỹ, của phe Xã hội chủ nghĩa
trước kia bị cấm mà còn cả những công trình lý luận, phê bình văn học lớn của
phương Đông và phương Tây: “Chưa bao giờ như hiện nay, tủ sách của những
người yêu sách chúng ta có điều kiện có một số lượng lớn đến như vậy các tác
phẩm văn học nước ngoài, trong đó thậm chí có thể có cả những tác phẩm rất
mới… Đời sống tinh thần của người đọc chúng ta được cung cấp nhiều món ăn
mới, lạ, trong đó thật sự có không ít những giá trị đặc sắc”.
22
Trong bối cảnh toàn cầu, mở rộng và giao lưu văn hóa, dịch thuật phát triển
thực sự đã mang lại nhiều ý nghĩa to lớn trên mọi lĩnh vực. Nguyên Ngọc đã có
đánh giá chính xác về vai trò của dịch thuật trong đời sống: “Chúng tôi có thể nói
không sai rằng một số tác phẩm văn học dịch đặc sắc và được in ra kịp thời đã
thực sự trực tiếp tham gia vào đời sống xã hội ta, trực tiếp có tác động đến sự vận
động của xã hội ta, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang trăn trở tìm đường đổi
mới đi lên nhiều khó khăn, nhiều vất vả và cũng giàu triển vọng hiện nay”
[29;2]. Với riêng văn học, văn học dịch đã có những tác động tích cực, góp phần
làm thay đổi tư duy không chỉ của nhà văn, một nhân tố quan trọng trong đổi mới
mà còn là các nhà nghiên cứu, phê bình văn học và giúp nâng cao năng lực tiếp
nhận của độc giả. Cũng bởi nền văn học và lý luận hiện đại thế giới đã có một
quá trình phát triển trước chúng ta hàng chục năm với rất nhiều “kinh nghiệm đa
dạng” được tích lũy. Do vậy, “những kinh nghiệm đa dạng này dĩ nhiên tác động
trước hết đến nhà văn, giúp mở rộng, làm phong phú và sâu sắc thêm tư duy xã
hội và tư duy nghệ thuật của họ, làm phát triển thêm những tìm tòi về nội dung
và hình thức tư duy nghệ thuật của họ, làm biến đổi theo hướng tích cực nghệ
thuật của họ. Thật sự điều đó đã và đang diễn ra trong văn học ta, trong từng thể
loại, trong từng tác giả, có lẽ sôi nổi và phong phú hơn nhiều thời kỳ trước đây”
[29;3].
Sự “mở cửa” của nền văn học đã thực sự mang đến những làn gió mới để
văn học được tiếp thu thêm những giá trị tinh hoa của văn học nhân loại. Tuy
nhiên, chính sự mở rộng giao lưu văn hóa này cũng đặt ra những thách thức mới
cho nhà văn. Bởi trong một bối cảnh “thả nổi” của thị trường, những công trình
dịch thuật của văn học không chỉ là những tác phẩm có giá trị của nhân loại mà
là một hệ thống sách dịch với rất nhiều thể loại, có chất lượng và giá trị khác
nhau. Nguyên Ngọc đã miêu tả tình hình văn học dịch những năm đổi mới là
“quá nhiều và hỗ loạn”, với cả những sách “văn học đại chúng” và “văn học đích
thực” với những báo động khi văn học đại chúng “tràn lan đến mức lấn át và có
thể nói không quá đáng, đến mức giết chết những sách dịch văn học đích thực”
[29;4]. Do vậy, bên cạnh việc tiếp thu giá trị tinh hoa từ những tác phẩm văn học
dịch, nhà văn phải tự đổi mới chính mình và ngòi bút để viết nên những tác phẩm
23
có sức thu hút với độc giả, có khả năng cạnh tranh với hệ thống văn học dịch khá
phong phú trên thị trường. Bên cạnh đó, nhà văn cần phải tự biết “thanh lọc” với
những luồng tư tưởng khác nhau đã tiếp nhận từ văn học dịch để đưa những giá
trị đích thực vào các sáng tác.
* Phê bình và nghiên cứu văn học phát triển
Cùng với sự nở rộ của dịch thuật, hoạt động phê bình, lý luận và nghiên
cứu văn học cũng luôn được khuyến khích tổ chức trên nhiều diễn đàn văn học
nghệ thuật trên cả nước. Trên cơ sở chỉ ra những thiếu sót và hạn chế của nghiên
cứu, lý luận văn học trong những năm trước đổi mới, Đảng định hướng phát triển
phê bình lý luận văn học gắn với thực tiễn và đời sống văn học, có những đánh
giá mang tích khách quan và tôn trọng sự thật. Do vậy từ sau 1975, văn học bắt
đầu có những dấu hiệu khởi sắc khi các nhà văn với những trăn trở đổi mới trong
tư duy nghệ thuật đã bắt đầu mang đến cho bạn đọc những “hương vị mới”, thể
hiện nhu cầu được “nói thật”. Hoạt động phê bình, lý luận và nghiên cứu văn học
được diễn ra sôi nổi trên các tờ báo văn hóa, văn nghệ lớn của Đảng và tại các cơ
quan văn học nghệ thuật của cả nước, mang đến với những bài viết, công trình
nghiên cứu có nội dung và chất lượng cao.
Từ sau khi chiến tranh kết thúc, hoạt động nghiên cứu văn học tại các cơ
quan văn hóa, văn học đã có những bước chuyển với những bài viết, công trình
nghiên cứu, lý luận tiêu biểu của các tác giả như Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà,
Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh… bàn luận về các vấn đề mang tính thời
sự của văn học lúc bấy giờ như mối quan hệ giữa văn học và chính trị, văn học
và hiện thực, vấn đề con người trong văn học, phương pháp sáng tác, phương
pháp luận nghiên cứu văn học, chức năng văn học… Tiếp theo đó, trong giai
đoạn mở rộng hội nhập, hoạt động phê bình, lý luận và nghiên cứu văn học có
những bước chuyển đổi có tính chiều sâu. Trong bối cảnh những người làm văn
học được tiếp thu nhiều luồng tư tưởng của văn học nhân loại: “Các lý thuyết văn
học phương Tây được giới thiệu ngày càng nhiều, trong đó có những lý thuyết
khác với lý luận văn nghệ Macxit” (Trịnh Bá Dĩnh). Điển hình là các khuynh
hướng ngôn ngữ học của phương Tây với các nhà nghiên cứu Phan Ngọc, Đỗ
24
Đức Hiểu, Trịnh Bá Dĩnh…; khuynh hướng tiếp nhận văn học, tiêu biểu với nhà
nghiên cứu Trương Đăng Dung…; khuynh hướng tâm lý học với Đỗ Lai Thúy…
Còn trên các tờ báo văn hóa văn nghệ, hoạt động phê bình diễn ra sôi nổi.
Từ tháng 7/1985, tuần báo Văn nghệ xuất hiện chuyên mục mới để mở rộng trao
đổi ý kiến trên lĩnh vực sáng tác và phê bình, về những vấn đề lý luận và thực
tiễn văn học, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ người viết và người đọc,
người viết với nhau, nhằm phát hiện những dấu hiệu đổi mới, nhằm định hướng
và thúc đẩy văn học phát triển. Các tờ báo nghiên cứu văn học, Văn nghệ Quân
đội,… thường xuyên đưa ra các chuyên đề về đổi mới văn học để giới thiệu các
bài viết tham luận, đánh giá đến với người đọc: “Những vấn đề hiện tượng văn
học được bàn luận, tranh luận ở nhiều mức độ khác nhau, nếu nhà văn tự do sáng
tạo thì nhà phê bình và công chúng cũng có quyền tự do phê bình, tiếp nhận”
[25;97].
Cùng với đó, từ cuối những năm 80 nhiều hội thảo, hội nghị về đổi mới lý
luận phê bình, đổi mới văn xuôi sau 1975 cũng được tổ chức tại các cơ quan văn
hóa, văn học, các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước. Với nhiệm vụ
đưa công tác lý luận lên một bình diện mới, góp phần giải phóng và phát huy sức
sáng tạo của văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của công chúng và của thời
đại. Những cuộc hội thảo lớn bàn luận về các vấn đề như mối quan hệ giữa văn
nghệ và chính trị, giữa văn học và hiện thực, về tác giả, tác phẩm… đã phân tích
vị trí, vai trò của văn học với chính trị; những phương thức phản ánh hiện thực
đa chiều; bàn luận về tư tưởng đổi mới của nhà văn cùng giá trị của các tác phẩm
có tính đổi mới. Đặc biệt, tháng 2/2004 Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ
thuật trung ương, cơ quan tư vấn tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong lĩnh
vực văn học nghệ thuật, ra đời đã đưa hoạt động phê bình lý luận văn học của
nước ta đi vào giai đoạn phát triển mới.
Phê bình, lý luận và nghiên cứu văn học bước vào một quỹ đạo mới, không
còn là người “lính gác” để văn học khỏi rơi vào những lệch lạc tư tưởng mà hoạt
động này đã thực sự có nhứng đóng góp tích cực thúc đẩy cho tiến trình đổi mới
văn học. Phê bình, nghiên cứu văn học trở nên nhập cuộc và gắn bó với sáng tác
25