Tải bản đầy đủ (.pdf) (141 trang)

đảng bộ tỉnh nam định lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ năm 1997 2010

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.02 MB, 141 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------

NGUYỄN NGỌC HẢI

ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH LÃNH ĐẠO
SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2010

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

Hà Nội, 2012
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI


TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------------------

NGUYỄN NGỌC HẢI

ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH LÃNH ĐẠO
SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2010

Chuyên ngành: LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Mã số: 602256

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS TRẦN KIM ĐỈNH

Hà Nội, 2012




MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................... 1
Chương 1: ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
PHỔ THÔNG SAU KHI TÁI LẬP TỈNH (1997 – 2001) .............................................. 14
1.1. Giáo dục phổ thông của tỉnh Nam Định trước năm 1997 .................................. 14

1.1.1. Đặc điểm tình hình ................................................................................14
1.1.2. Giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định trước năm 1997 .............................19
1.2. Giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định từ năm 1997 đến năm 2001....................... 26

1.2.1. Đảng bộ tỉnh Nam Định vận dụng chủ trương của Đảng lãnh đạo phát
triển giáo dục phổ thông .................................................................................26
1.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện ...................................................................37
Chương 2: ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH LÃNH ĐẠO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2010 ....................................... 51
2.1. Từ năm 2001 đến năm 2005 ................................................................................ 51

2.1.1. Nam Định vận dụng chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục
phổ thông ........................................................................................................51
2.1.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện ...................................................................59
2.2. Giáo dục phổ thông của tỉnh Nam Định từ năm 2006 đến năm 2010 ................ 73

2.2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh ................................................................73
2.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện ...................................................................79
Chương 3: NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM ............................................................... 91
3.1. Nhận xét chung .................................................................................................... 91

3.1.1. Thành tựu..............................................................................................91

3.1.2. Hạn chế ............................................................................................... 101
3.2. Một số kinh nghiệm ........................................................................................... 105
KẾT LUẬN ................................................................................................................... 116
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................ 119
PHỤ LỤC ..................................................................................................................... 129


DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Bảng 1.1: Số lượng học sinh phổ thông toàn tỉnh (1996 – 2000).
Bảng 1.2: Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực các bộ môn văn
hóa khối trung học phổ thông (1995 – 2000).
Bảng 2.1: Số lượng học sinh phổ thông của tỉnh (2000 - 2006).
Bảng 2.2: Kết quả xếp loại hạnh kiểm của học sinh tiểu học năm học 2005 2006.
Bảng 2.3: Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt chuẩn (2003 - 2006)
Bảng 2.4: Kết quả xây dựng cơ sở vật chất giáo dục phổ thông (2000 – 2005)
Bảng 2.5: Kết quả xếp loại học lực khối trung học (2006 - 2010)
Bảng 2.6: Trình độ đào tạo của giáo viên phổ thông (2007 – 2008)


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử Việt Nam từ xa xưa đã chứng minh rằng: dân tộc Việt Nam là
một dân tộc hiếu học, thông minh, nhạy cảm với cái mới bất kể từ đâu đến và
biến nó thành của mình, phù hợp với mình. Nhân tố này đã ảnh hưởng không
nhỏ đến tiến trình phát triển của lịch sử đất nước nói chung và lịch sử giáo
dục Việt Nam nói riêng.
Từ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, sự nghiệp
giáo dục và đào tạo đã được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong
phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày
03/9/1945, bàn về những nhiệm vụ cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra

nhiệm vụ “chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”. Nhân dịp
khai giảng năm học đầu tiên của chế độ mới, tháng 9/1945, trong bức thư gửi
cho học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ
vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai
cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở
công học tập của các cháu”. Trong hoàn cảnh miền Bắc vừa xây dựng, vừa
chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, chi viện cho tiền
tuyến lớn miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi cán bộ, giáo viên,
công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp năm học 1968, Người khẳng
định: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”.
Trong tình hình hiện nay, cả nước đang phấn đấu đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh thì vấn đề giáo dục và đào tạo càng có vai trò quan trọng
hơn bao giờ hết.


Xu hướng chung của kinh tế thế giới là toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế
khu vực và quốc tế, đa phương và đa dạng với những tác động rất nhiều mặt,
thì chúng ta lại càng phải coi trọng sự nghiệp giáo dục để giữ vững độc lập tự
chủ, phát huy nội lực, vững vàng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa. Đây là diệu kế để tránh nguy cơ bất cứ từ đâu đến, xây dựng xã
hội mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân
tộc, xây dựng con người, xây dựng cộng đồng dân tộc.
Trong chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo của Đảng, giáo dục phổ
thông (GDPT) là một bộ phận trọng yếu, cơ bản của nền giáo dục quốc dân,
bao gồm: giáo dục tiểu học và giáo dục trung học; ở bậc trung học có hai cấp
trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). “Ở đây có sự gặp
nhau hài hòa giữa 3 nhân tố: giáo dục phổ thông, tuổi trẻ và triển vọng nghề
nghiệp. Đó là quá trình chuẩn bị vào đời của mọi người”.
Nền giáo dục cách mạng tỉnh Nam Định kể từ sau Cách mạng tháng

Tám năm 1945 đã trải qua chặng đường gần 70 năm dưới sự lãnh đạo của
Đảng bộ tỉnh, vượt lên rất nhiều khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành
tích. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, tỉnh Nam Hà được chia
tách thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam vào giữa năm học 1996 – 1997. Vì
vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Hà cũng chia tách thành hai ngành giáo
dục – đào tạo Nam Định và Hà Nam, bắt đầu làm việc theo đơn vị hành chính
mới từ ngày 01/01/1997. Phát huy truyền thống “Đất học”, dưới sự lãnh đạo
của Đảng bộ tỉnh Nam Định, giáo dục phổ thông của tỉnh đã đạt được những
thành tựu to lớn, rất đáng khích lệ, có ý nghĩa vô cùng to lớn với sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định
cũng còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém và vướng mắc cần tháo gỡ.
Là một người con được sinh ra và lớn lên ở cái nôi của nền giáo dục
phổ thông Nam Định giàu truyền thống, xuất phát từ lòng yêu mến, tự hào và


biết ơn đối với mảnh đất hiếu học, với mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu sự
lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nam Định với sự nghiệp giáo dục phổ thông từ
năm 1997 đến năm 2010, nhằm mục đích tổng kết một chặng đường phát
triển giáo dục phổ thông của một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, góp
phần làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên mặt trận văn hóa –
giáo dục; đồng thời qua đó làm sáng tỏ hơn những thành tựu, hạn chế của
ngành giáo dục phổ thông Nam Định và rút ra một số bài học kinh nghiệm,
đề xuất một số ý kiến góp phần vào sự phát triển giáo dục phổ thông của tỉnh
trong giai đoạn mới, tôi đã chọn và giải quyết Đề tài: “Đảng bộ tỉnh Nam
Định lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ năm 1997 đến năm 2010”
làm Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
- Nhóm thứ nhất: Một số công trình nghiên cứu chuyên khảo viết về

giáo dục – đào tạo đã xuất bản như: “Những bài nói và viết về giáo dục” của
Nguyễn Văn Huyên (Nxb Giáo dục Hà Nội, xuất bản năm 1990), “Sơ thảo
lịch sử giáo dục Việt Nam” của Phạm Minh Hạc (Nxb Giáo dục Hà Nội, xuất
bản năm 1992), “35 năm phát triển giáo dục phổ thông” của Vũ Thuần Nho
(Nxb Giáo dục Hà Nội, 1990), “45 năm phát triển giáo dục Việt Nam” của
Phạm Minh Hạc (Nxb Giáo dục Hà Nội, 1990), “Giáo dục quốc sách hàng
đầu tương lai của dân tộc” của Phạm Văn Đồng (xuất bản năm 1999), “Về
phát triển toàn diện con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”
của Phạm Minh Hạc (xuất bản năm 2001), “Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng
cửa của thế kỷ XXI” của Phạm Minh Hạc (Nxb Chính trị Quốc gia, 1999),
“Giáo dục Việt Nam 1945 – 2005” của Nguyễn Quang Kính (Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, 2005)… Những tác phẩm này tổng kết quá trình phát triển,
đặc điểm, nhiệm vụ và những phương hướng để phát triển nền giáo dục Việt
Nam, trong đó có giáo dục phổ thông.


- Nhóm thứ hai: Đối với giáo dục và đào tạo Nam Định, trong đó có
giáo dục phổ thông đã có một số bài nghiên cứu, tác phẩm, tiêu biểu nhất là
cuốn sách “Giáo dục – Đào tạo Nam Định thành tựu và đổi mới” của Nxb
Thống kê (2004) giới thiệu toàn diện những thành tựu của giáo dục và đào tạo
Nam Định từ sau cách mạng tháng Tám/1945 đến nay, “Mười thế kỷ giáo dục
– đào tạo Việt Nam” (Nguyễn Minh San (Chủ biên), Nxb Dân trí, 2010) có
giới thiệu về thành tựu của giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định, Phát huy
truyền thống vẻ vang, Giáo dục – Đào tạo Nam Định vững bước đi lên, Báo
Nam Định.... Bên cạnh đó, còn một số Luận văn, Khóa luận Khoa Lịch sử,
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, như: Đảng bộ huyện
Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định lãnh đạo hoạt động giáo dục – đào tạo giai đoạn
1991 – 2001 (Khóa luận tốt nghiệp năm 2005) của Nguyễn Thị Hằng, Đảng
bộ thành phố Nam Định với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của Vũ
Xuân Đại, Đảng bộ huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định lãnh đạo phát triển giáo

dục – đào tạo thời kỳ 1991 – 2001 của Vũ Thị Huệ, Đảng bộ tỉnh Nam Định
lãnh đạo sự nghiệp giáo dục – đào tạo từ năm 1997 đến năm 2006 (Luận văn
Thạc sỹ - Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, 2011)
của Vũ Thị Huệ… Đây thực sự là nguồn tài liệu quý giá để chúng tôi tham
khảo. Tuy nhiên, nội dung mà các tác phẩm này đề cập đến còn mang tính
chất khái quát đối với toàn bộ sự nghiệp giáo dục của tỉnh, hoặc mới chỉ
nghiên cứu ở phạm vi hẹp là một huyện, thành phố, chưa đi sâu vào nghiên
cứu các chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh Nam Định trong quá trình
lãnh đạo hoạt động giáo dục đào tạo, đặc biệt trong khía cạnh cụ thể là giáo
dục phổ thông. Đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi tập trung làm rõ trong
Luận văn này.
- Nhóm thứ ba: những khóa luận tốt nghiệp, luận văn của sinh viên, học
viên chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu về sự lãnh
đạo của các Đảng bộ địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển


giáo dục và đào tạo. Một số luận văn thạc sỹ chuyên ngành Lịch sử Đảng
Cộng sản Việt Nam viết về lĩnh vực này: Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo sự
nghiệp giáo dục – đào tạo (Luận văn Thạc sĩ, 1998) của Lương Thị Hòe,
Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông thời kỳ
1986 – 2003 (Luận văn Thạc sĩ năm 2005) của Vũ Thị Kim Yến, Đảng bộ
tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông từ năm 1965 đến năm
1975 (Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, năm 2009) của Phạm Thị Giang, Đảng bộ
tỉnh Quảng Ninh lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông trong những năm
1996 – 2006 (Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, năm 2009) của Ngô Thị Thu Hà,
Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông trong
những năm 1996 – 2006 (Luận văn Thạc sĩ Lịch sử năm 2009) của Nguyễn
Thị Hồng Hạnh... Những luận văn này rất phong phú, đa dạng về nội dung và
phạm vi nghiên cứu, đều nhằm tìm phương hướng cho sự phát triển giáo dục
và đào tạo của từng địa phương cũng như cả nước, là nguồn tài liệu tham

khảo quan trọng của luận văn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích:
- Nghiên cứu quá trình Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo sự nghiệp
giáo dục phổ thông từ năm 1997 đến năm 2010.
- Qua đó, nêu lên những thành tựu, hạn chế, một số bài học kinh
nghiệm từ thực tiễn.
Nhiệm vụ:
- Trình bày, phân tích quá trình Đảng bộ tỉnh Nam Định vận dụng
đường lối, chủ trương của Đảng lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông từ
năm 1997 đến năm 2010.
- Đánh giá, nhận xét khách quan những thành tựu, hạn chế trong việc
lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục phổ thông của Đảng bộ tỉnh Nam Định
từ năm 1997 đến năm 2010.


- Rút ra những kinh nghiệm và đề xuất một số khuyến nghị trong việc
lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh để đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông
ở Nam Định hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu về nội dung của Luận văn là: sự lãnh đạo phát
triển giáo dục phổ thông ở Nam Định từ năm 1997 đến năm 2010, chủ yếu
thông qua các văn kiện của Đảng bộ và chính quyền tỉnh về giáo dục phổ
thông trong giai đoạn này.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài về không gian và thời gian là: sự lãnh
đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian
từ năm 1997 đến năm 2010.
5. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu chính
Luận văn được tiến hành trên cơ sở những quan điểm của chủ nghĩa
Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt

Nam về giáo dục – đào tạo.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chính trong Luận văn là
phương pháp lịch sử, phương pháp logíc, và một số phương pháp khác như:
phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp…
Nguồn tư liệu chủ yếu được sử dụng là: các văn kiện của Đảng; văn
kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định, các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy
Nam Định về phát triển giáo dục phổ thông; các văn bản tài liệu của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, các báo cáo
tổng kết năm học của các trường phổ thông, các huyện trong tỉnh; các
sách tham khảo, tạp chí, khóa luận, luận văn có liên quan…
6. Đóng góp của Luận văn
Hệ thống hóa lại quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển giáo dục
phổ thông của Đảng bộ tỉnh Nam Định từ năm 1997 đến năm 2010.


Nêu lên những nhận xét, đánh giá khách quan về giáo dục phổ thông
tỉnh Nam Định những năm từ 1997 đến 2010.
Luận văn được sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho công tác
nghiên cứu và giảng dạy.
7. Bố cục
Luận văn bao gồm phần mở đầu, kết luận, phụ lục, danh mục tài liệu
tham khảo và 3 chương:
Chương 1: Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo phát triển giáo dục phổ
thông sau khi tái lập tỉnh (1997 – 2001)
Chương 2: Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo sự nghiệp phát triển
giáo dục phổ thông từ năm 2001 đến năm 2010
Chương 3: Nhận xét và kinh nghiệm


Chương 1:

ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG SAU KHI TÁI LẬP TỈNH (1997 – 2001)
1.1. Giáo dục phổ thông của tỉnh Nam Định trước năm 1997
1.1.1. Đặc điểm tình hình
Nam Định là tỉnh duyên hải phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, phía Đông
Nam giáp biển Đông, phía Đông Bắc giáp tỉnh Thái Bình, phía Bắc và Tây
Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình. Nam Định có diện tích
tự nhiên là 1.671,5 km2, bằng 6,52 % diện tích toàn quốc. Toàn tỉnh hiện nay
có 10 đơn vị hành chính bao gồm thành phố Nam Định và 9 huyện, tính từ
bắc xuống nam là Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân
Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, với 225 xã, phường, thị trấn.
Nam Định là vùng đất nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn của đồng bằng
Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy. Nam Định có bờ biển dài 72 km, từ cửa
Ba Lạt đến cửa Đáy. Đây là vùng biển có tiềm năng kinh tế, là một trong
những cửa ngõ của quốc gia, một phên dậu của đất nước và là vị trí tiền tiêu,
khu vực biên phòng bờ biển của địa phương. Không những bờ biển dài, tỉnh
Nam Định còn có hệ thống giao thông đa dạng và thuận lợi: 6.898 km đường
bộ, 417 km đường sông và biển, 42 km đường sắt chạy qua (từ ga Bình Lục
về Nam Định qua Trình Xuyên, Gôi, Cát Đằng đi Ninh Bình), rất thuận tiện
cho giao lưu và giao thương hai miền Nam - Bắc của đất nước và khu vực.
Địa hình Nam Định chia thành hai vùng tự nhiên. Phía Bắc là vùng bị
bào mòn, bồi tụ phù sa cổ, đất thấp, có những dải võng tạo thành địa hình ô
trũng (Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc). Đất đai ở đây do bị ngập nước lâu ngày nên
độ phì kém, độ PH cao, dần dần về sau được tiếp nhận phù sa của sông Hồng
và sông Đáy nên màu đất thường nâu tươi, độ phì cao. Ở phía Nam tỉnh kiến
tạo địa hình khác hẳn với phía Bắc, đất ở đây đều do phù sa sông Hồng và


sông Đáy bồi đắp, hàng năm thường lấn ra biển hàng chục mét. Đất vùng này
tương đối bằng phẳng, màu mỡ. Song, để có thể nuôi sống con người, người

dân ở đây đã tiến hành các cuộc khai khẩn lấn biển qua nhiều thế hệ, đắp đê
ngăn mặn, đào ngòi tiêu nước, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng ruộng. “Làm
như Nam Hạ bốc đất”, câu ngạn ngữ ấy đã khái quát được phần nào hình ảnh
người dân nơi đây và tình hình khẩn hoang ở vùng biển Nam Định xa xưa.
Cuộc chiến đấu chinh phục và chiến thắng thiên nhiên ở vùng đất này là bản
anh hùng ca của nhiều thế hệ. Vùng đất này ngày càng mở rộng bao nhiêu thì
càng thu hút người nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp bấy nhiêu. Họ đã hình
thành một cộng đồng đoàn kết, gắn bó keo sơn, hợp sức nhau giành giật với
đất đai, trời biển, làm ra những sản phẩm để nuôi sống mình, để tồn tại và
phát triển. Sự đoàn kết này còn làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống văn
hóa làng xã bình dị nhưng giàu tính nhân văn.
Với những đặc điểm tự nhiên, lịch sử trên, vùng đất Nam Định thường
xuyên chứa đựng cả những yếu tố thuận lợi và khó khăn. Đứng ở thế giao hòa
giữa đất liền và biển cả, cư dân lại gồm những con người đi mở cõi, đã tạo ra
khí phách riêng của người Nam Định - rất quả cảm, thông minh, hiếu học và
ham học hỏi; cần cù và sáng tạo trong lao động; giàu nghị lực, giỏi nghề sông
nước và thạo thủy chiến. Trong cuộc chinh phục thiên nhiên, chống giặc
ngoại xâm kiên cường qua nghìn đời của cư dân đất Việt, người dân Nam
Định đã góp phần vẻ vang tạo dựng nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ.
Không phải ngẫu nhiên mà phủ Thiên Trường là nơi phát tích của vương triều
Trần tồn tại 175 năm oanh liệt, nơi sinh thành, nuôi dưỡng và tôi luyện của
Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, những tài danh lớn,
những trạng nguyên xuất chúng như Khiếu Năng Tĩnh, Nguyễn Hiền, Lương
Thế Vinh, nhà thơ Tú Xương… Đây cũng là vùng đất sinh ra những chiến sĩ


cộng sản tiêu biểu của Đảng ta như Trường Chinh, Lê Đức Thọ… Nhân tố
này đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của giáo dục tỉnh Nam Định nói
chung và giáo dục phổ thông nói riêng. Từ xa xưa, người dân Nam Định đã
rất hiếu học, coi trọng việc học hành, đầu tư thích đáng cho giáo dục và coi

giáo dục là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh nhà.
Trong quá trình hình thành vùng đất này, người dân Nam Định thường
xuyên phải vật lộn với thiên tai, biển dữ, từ bao đời nay nông nghiệp vẫn là
ngành kinh tế chủ yếu ở Nam Định. Trên địa hình không bằng phẳng, nơi
trũng quá, nơi vùng cao hạn hán kéo dài, nơi phù sa ngập mặn… người dân
Nam Định bằng sức lao động cần cù, bền bỉ và sáng tạo đã ngăn đập, đắp đê,
cải tạo đất canh tác phục vụ tích cực cho trồng trọt, nhất là cây lúa. Cho đến
nay, Nam Định vẫn là vùng nông nghiệp đầy tiềm năng phát triển, là một
trong những vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ.
Nam Định có bờ biển dài hơn 70 km nên cư dân đã sớm khai thác lợi
thế về hải sản biển, nghề làm muối và phát triển du lịch. Những cánh đồng
muối ở Giao Thủy và Hải Hậu đã cung cấp hàng chục vạn tấn muối mỗi năm;
nghề đánh bắt thủy hải sản thu hút hàng ngàn lao động, hằng năm cung cấp
cho thị trường hàng ngàn tấn tôm cá. Ngoài ra, vùng ven biển có nhiều cánh
rừng ngập mặn thu hút nhiều loài chim, tạo ra cảnh quan thiên nhiên vừa
phong phú, vừa hấp dẫn, vừa đầy tiềm năng phát triển kinh tế.
Bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi và khai thác hải sản biển, người
dân Nam Định còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống. Vùng Mỹ
Lộc xưa còn có nghề đóng thuyền, đánh bắt cá. Sau này, do nhu cầu, nghề
đóng thuyền chuyên phục vụ cho công việc thông thương bằng đường thủy và
còn phục vụ cho quân sự cũng như cho công việc đi lại của các vua Trần mỗi
khi từ Thăng Long về Tức Mặc. Nhiều làng nghề đã ra đời từ thế kỷ thứ X


như La Xuyên, Cát Đằng, Tống Xá (Ý Yên), Quần Phương (Hải Hậu),
Phương Để (Trực Ninh), Vân Tràng (Nam Trực)…
Do kinh tế phát triển, việc giao lưu hàng hóa ngày càng mở rộng, thành
Nam xưa trở thành một thương cảng sầm uất, các thuyền bè từ Nam Ngãi,
Thanh Nghệ ra, từ Móng Cái - Quảng Yên xuống và cả ngoại quốc thường

xuyên lui tới qua đường biển vào cửa sông Đáy, sông Hồng tới sông Vị. Thế
kỷ XIX, cảng Nam Định là một cảng vào loại lớn nhất Bắc Kỳ, khi mà Phố
Hiến nằm sâu trong nội địa và cảng Hải Phòng chưa định hình.
Người Nam Định rất coi trọng thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ, các anh
hùng dân tộc, những người tài cao học rộng, những ông tổ nghề nghiệp,
những vị thần có công với nước. Những ngày giỗ, lễ tết đều được tổ chức rất
long trọng, trang nghiêm. Hai nơi có lễ hội lớn là đền Trần ở Tức Mặc, Bảo
Lộc (Mỹ Phúc) thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (tháng tám) và hội
Phủ Giầy ở Kim Thái (Vụ Bản) thờ Mẫu Liễu Hạnh (tháng ba). Hầu như làng
nào ở Nam Định cũng có ngôi đình, đền, miếu, phủ, từ đường để suy tôn,
tưởng nhớ những người có nhiều công đức. Nhiều tôn giáo cũng phát triển ở
Nam Định, sớm nhất là đạo Phật, đến đạo Thiên Chúa và Tin Lành.
Nam Định từ xa xưa vẫn được coi là vùng đất văn hiến mặc dù không
cổ kính lâu đời như các xứ Bắc, xứ Đông, xứ Đoài. Đặc biệt, nhà Trần là một
hiện tượng độc đáo trong các triều đại phong kiến Việt Nam, ngoài những
chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách, lừng lẫy trong lịch sử, thì các đời
vua đều là nhà thơ, nhiều vị uyên thâm Phật học, tiêu biểu như Trần Nhân
Tông. Thái sư Trần Thủ Độ tuy không được học hành nhiều, song khi nắm
trọng trách điều hành đất nước luôn luôn là mẫu mực cho đạo đức “cần, kiệm
liêm, chính, chí, công, vô, tư”. Các vị tướng lĩnh, công hầu trong ba lần chiến
thắng quân Mông – Nguyên hầu hết là tôn thất nhà Trần, không những giỏi


chinh chiến và còn là tác giả của những áng “thiên cổ hùng văn”, có võ tướng
thông thạo âm luật, biết nhiều ngoại ngữ…
Nam Định là vùng đất học, có trường thi lập ra từ thời Lê (kỳ thi đầu
tiên vào năm 1441) đến năm 1845 được xây trên đất làng Năng Tĩnh. Sau khi
lập vương triều, nhà Nguyễn đã tổ chức thi cử để chọn nhân tài bổ sung cho
bộ máy cai trị. Nhà Nguyễn không lấy đỗ trạng nguyên, Nam Định có Trần
Bích San (người thành phố Nam Định) đỗ Tam Nguyên (trong số ba người

của cả nước). Đặc biệt, tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (Ý Yên) được cử giữ chức Tế
tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng trường đại học duy nhất cả nước lúc bấy giờ).
Nói đến vùng đất văn hiến không thể không nói đến số lượng người đỗ
đạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn 800 cử nghiệp Nam Định có 87 vị
đại khoa, trong đó học vị trạng nguyên có 5 vị, bảng nhãn 3 vị, thám hoa 3 vị,
hoàng giáp 14 vị, tiến sĩ và phó bảng 62 vị.
Nhiều dòng họ, nhiều gia đình ở Nam Định có truyền thống hiếu học.
Tiêu biểu như làng Cổ Lễ (Trực Ninh), làng Tam Đăng (Ý Yên),…, trong đó
nổi trội nhất là làng văn hiến Hành Thiện. Thế kỷ thứ XIX, làng Hành Thiện
có nhiều người đỗ đạt nhất nước, với 81 cử nhân và 145 tú tài, gấp đôi làng
xếp thứ hai là làng Đông Ngạc (Hà Nội). Tính riêng các vị đại khoa, Hành
Thiện còn hơn cả tổng số ở Nam Kỳ cộng lại (7/5 vị), trong đó có tiến sĩ Đặng
Xuân Bảng (ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh) vừa là nhà khảo cứu
uyên thâm, vừa là người có tư tưởng cách tân.
Nền nông nghiệp mang nặng dấu ấn của vùng đồng bằng ven biển,
cùng với truyền thống văn hiến lâu đời, đã tạo nên tính cách riêng của người
dân Nam Định: chăm chỉ, cần cù, hiếu học và ham học hỏi, sáng tạo trong lao
động, kiên cường bất khuất trong đấu tranh, có tinh thần tự lực, tự cường và ý
thức cộng đồng sâu sắc, luôn kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha


ông để bảo vệ và xây dựng quê hương, Tổ quốc. Đây là nhân tố quan trọng
tác động không nhỏ đến giáo dục tỉnh Nam Định.
1.1.2. Giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định trước năm 1997
Năm 1920, ở vùng phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, trường Pháp - Việt
đầu tiên được thành lập là trường Thành Chung tại thành phố Nam Định, với
mục đích đào tạo công chức phục vụ cho bộ máy thống trị. Trường Thành
Chung Nam Định được thành lập bởi Nghị định số 2455 do Toàn quyền Đông
Dương ký ngày 24/8/1920. Năm học đầu tiên có 45 học trò và thầy giáo đầu
tiên là thầy Nguyễn Văn Hiếu. Cho tới năm 1933, ở Nam Định cứ 100 người

mới có 1 người được đi học, hơn 90% dân số mù chữ. “Lúc đó có một nghìn
năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có một
trường học cho bấy nhiêu làng” [2, tr. 54]. Sự thống trị của thực dân Pháp,
đặc biệt là từ sau khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã làm cho xã hội Việt Nam
nói chung và xã hội Nam Định nói riêng nhanh chóng chuyển từ xã hội phong
kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến với những biến động lớn cả về kinh
tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của
Đảng bộ tỉnh, phong trào học chữ quốc ngữ được dấy lên rộng khắp từ thành
thị đến nông thôn. Các lớp học được mở ra ngay trong nhà dân, ở đình, đền,
chùa. Với sự nỗ lực thi đua “người người đi học, nhà nhà đi học”, chỉ trong
thời gian ngắn toàn tỉnh đã thanh toán mù chữ cho hàng chục vạn người. Đến
cuối năm 1949, toàn tỉnh đã có 250.908 người thoát nạn mù chữ. Các huyện Ý
Yên, Vụ Bản, Hải Hậu đã thanh toán được 80% số người mù chữ [2, tr. 274].
Sự nghiệp giáo dục phổ thông cũng được Đảng bộ tỉnh hết sức quan tâm chỉ
đạo xây dựng hệ thống giáo dục từ tỉnh đến xã. Mỗi xã hoặc liên xã đều lập
trường cấp I và huyện nào cũng có từ một đến hai trường cấp II. Phong trào


toàn dân đi học là một trong những nét tiêu biểu của một dân tộc đang vươn
lên làm chủ đời mình.
Ở một số nơi sát đồn bốt địch, có khó khăn, phức tạp hơn về mở trường
lớp, nhưng chính quyền vẫn tìm mọi cách khắc phục để thực hiện chương
trình học tập cho học sinh. Sau khai giảng năm học mới (9/1951), các trường
phổ thông quốc lập đã có: 1 trường phổ thông cấp II (ở Ninh Cường) và 125
trường cấp I. Các trường dân lập và tư thục gồm có 2 trường cấp II và 213
trường cấp I. Các trường phổ thông có 712 giáo viên và 24.379 học sinh
[2, tr. 349]. Trường cấp II Ninh Cường là trường phổ thông cấp II đầu tiên do
tỉnh mở. Trường thu hút cả học sinh thành phố Nam Định về học. Nhiều
thanh niên, học sinh trong vùng bị địch chiếm đã ra theo học ở khu căn cứ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù còn
nhiều khó khăn về đời sống, cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên, nhưng
Đảng bộ và nhân dân Nam Định vẫn quan tâm tới việc học tập của con em.
Thời kỳ này, hệ thống giáo dục phổ thông phát triển đều ở các nơi. Trường
công lập có ở hầu khắp các huyện và thành phố Nam Định. Riêng các huyện
Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường có thêm
trường cấp II dân lập, thành phố Nam Định có thêm 3 trường tư thục. Chất
lượng học tập của học sinh thi cuối khóa năm học 1957 – 1958 đạt từ
85 – 90 %. Có 4.766 em được tuyển từ lớp 4 lên cấp II (đạt 87%), có 33 lớp
số học sinh trúng tuyển vào cấp II đạt 100 % [2, tr. 421]. Nam Định là tỉnh có
số lượng học sinh trúng tuyển vào cấp II cao nhất trong toàn Liên khu. Trong
ba năm (1958 – 1960), toàn tỉnh đã căn bản xóa nạn mù chữ trong nhân dân
(đạt 93,8%).
Sau một năm hòa bình, từ năm học 1973 – 1974, phong trào thi đua dạy
tốt học tốt được đặc biệt đẩy mạnh. Số học sinh sự kỳ thi cuối khóa ở các cấp
tăng hơn các năm trước: 86.379 học sinh phổ thông và 5.063 học viên bổ túc


văn hóa. Đến năm học 1974 – 1975, trường lớp sớm được ổn định, có
454.711 học sinh phổ thông, 61.314 học sinh vỡ lòng, 44.448 học sinh mẫu
giáo đến trường và 18.085 thầy cô giáo, đưa tỷ lệ học sinh đến trường tăng lên
32,51 % dân số. Tuy nhiên, tình trạng thiếu bàn ghế, sách giáo khoa vẫn còn
phổ biến, còn 13,3 % số em dưới 7 tuổi, 6,6 % số em dưới 8 tuổi và 2,5 % số
em từ 9 – 10 tuổi chưa được tới trường [2, tr. 639].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch
Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Nam Định, qua hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ oanh liệt, ngành giáo dục của tỉnh nói
chung và giáo dục phổ thông nói riêng đã ghi được nhiều thành tựu to lớn, có
ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở và tiền đề để phát triển sự nghiệp giáo dục của
tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo khi đất nước đã hòa bình và thống nhất.

Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng trên mọi
lĩnh vực, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, của địa phương
đạt được những thành tựu rất đáng phấn khởi, đời sống nhân dân được cải
thiện, nhu cầu về học tập cao hơn. Đến năm học 1994 – 1995, lần đầu tiên
giáo dục đào tạo Nam Định là đơn vị duy nhất dẫn đầu toàn quốc về các chỉ
tiêu thi đua, lá cờ đầu của toàn ngành. Giáo dục phổ thông có bước chuyển
biến mới, tăng trưởng mạnh cả về quy mô và chất lượng giáo dục:
Quy mô giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển. Số học sinh tăng ở tất cả
các bậc học. Học sinh tiểu học đến trường ngày càng đúng độ tuổi (82,07 %
năm học 1995 – 1996), các chỉ tiêu kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học của
tỉnh được hoàn thành vượt mức, kết quả phổ cập giáo dục tiểu học ngày càng
vững chắc, ổn định, chất lượng ngày càng tốt hơn. Nhiệm vụ chống mù chữ
được đẩy mạnh, tiếp tục chú trọng việc thực hiện đúng độ tuổi xóa mù chữ.
Việc đa dạng hóa các loại hình và sắp xếp mạng lưới trường lớp tiếp tục có
chuyển biến mới. Ở các bậc phổ thông đã chú trọng củng cố, mở rộng nhiều


trường trọng điểm chất lượng cao, giáo dục tiểu học mở rộng số trường nhập
công nghệ giáo dục, hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu được chăm
lo tốt hơn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại.
Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng cao:
Giáo dục tiểu học có chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện theo hướng đổi
mới bậc học. 100% số trường dạy đủ các môn bắt buộc; đại bộ phận giáo viên
có ý thức đổi mới phương pháp dạy học; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
được chăm lo tốt hơn, chất lượng giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và
quốc gia được nâng lên. Để nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường đã
tích cực triển khai thực hiện tổ chức học 2 buổi trên ngày. Hoạt động ngoài
giờ lên lớp, hoạt động đội sôi nổi có tác dụng giáo dục tốt.
Giáo dục trung học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình và tích
cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; 100% số trường trung học phổ

thông tổ chức dạy ngoại ngữ và 28% số trường dạy tin. Công tác bồi dưỡng
học sinh giỏi được chú trọng, Nam Định vẫn là một trong số các tỉnh được
nhiều giải và nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; đặc biệt
năm học 1995 – 1996, Nam Định có một học sinh được tham gia đội tuyển
toán quốc gia đi thi quốc tế, đây là một tín hiệu đáng phấn khởi, tạo niềm tin
làm tiền đề cho các năm học tiếp theo. Năm học 1995 – 1996 là năm đầu tiên
thực hiện đổi mới tổ chức thi tốt nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, từ Sở đến các trường đã tiến hành nghiêm túc các công đoạn của kỳ
thi, bước đầu đánh giá được thực chất của chất lượng dạy và học. Ở kỳ thi tốt
nghiệp trung học cơ sở có 31.301 học sinh đỗ, đạt 96,3%; kỳ thi tốt nghiệp
trung học phổ thông có 8.745 học sinh đỗ, đạt 83,8% [50, tr. 5].
Chất lượng giáo dục đào tạo đã tiếp cận theo hướng nâng cao phẩm
chất chính trị, bồi dưỡng năng lực, tư duy tổng hợp, chuẩn bị cho học sinh


hành trang vào đời, biết sống và làm việc trong thời đại mới, trong bối cảnh
đất nước hòa nhập với khu vực và thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc
dân tộc.
Công tác xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được
chú trọng. Sở đã phối hợp với các Phòng Giáo dục và Đào tạo mở nhiều lớp
bồi dưỡng, đào tạo, trong đó có việc mở các lớp cao đẳng sư phạm Anh văn
tại chức ở các huyện cho giáo viên là giải pháp tích cực để mở rộng học ngoại
ngữ trong các nhà trường. Công tác bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ cho
giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được tổ chức có kế
hoạch, thu được kết quả tốt.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học
tiếp tục có những chuyển biến mới. Bằng nhiều nguồn vốn, nhất là huy động
từ dân, cơ sở vật chất trường học được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo hướng
xây dựng trường kiên cố cao tầng và từng bước đáp ứng đủ, hiện đại các trang
thiết bị dạy và học. Đảm bảo đủ sách giáo khoa, sách hướng dẫn cho học sinh,

giáo viên và thư viện trường học. Đặc biệt Sở Giáo dục và Đào tạo đã chú
trọng trang bị tủ sách giáo khoa dùng chung cho các trường ở những vùng khó
khăn để học sinh nghèo có điều kiện mượn sách giáo khoa học tập. Tuy nhiên,
cơ sở vật chất ở nhiều trường tiểu học chưa thoát khỏi tình trạng xuống cấp,
việc bảo quản, sử dụng trang thiết bị dạy học ở một số trường chưa tốt, thiết
bị thí nghiệm còn thiếu dẫn đến tình trạng “dạy chay, học chay”.
Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh vừa có diện rộng, vừa có
chiều sâu. Nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở các
địa phương ngày càng đầy đủ và đúng đắn hơn, nên việc chăm lo cho các nhà
trường ngày càng toàn diện và thiết thực. Ở các nhà trường cùng có nhận thức
đầy đủ và sâu sắc hơn về tác dụng và ý nghĩa của công tác xã hội hóa giáo dục.


Từ đó phát huy nội lực mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả
giáo dục, đáp ứng với yêu cầu của xã hội.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Các
cấp quản lý giáo dục đã chủ động, tích cực tham mưu, đóng góp ý kiến cho
các cấp ủy, chính quyền về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt kết quả tốt. Mối
quan hệ giữa ngành và địa phương ngày càng gắn bó vì sự nghiệp trồng người
và phát triển giáo dục. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp nhìn chung năng động
trong việc quản lý giáo dục và trường học. Ở các nhà trường, cán bộ quản lý
đã chú trọng đến mặt giáo dục đạo đức và nâng cao chất lượng văn hóa, đặc
biệt chăm lo đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giáo viên – yếu tố quan trọng
quyết định đến chất lượng giáo dục.
Công tác thanh tra giáo dục được coi trọng hơn. Đội ngũ làm công tác
thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ nên được củng cố và tăng cường. Hoạt
động thanh tra thực sự chuyển trọng tâm sang thanh tra chuyên môn, thanh tra
quản lý. Bộ máy thanh tra giáo dục các cấp đã thanh tra toàn diện, thanh tra
chuyên đề trường học, giáo viên vượt chỉ tiêu quy định. Tuy nhiên, việc tổ
chức thanh tra ở quy mô lớn phải huy động nhiều thanh tra viên ở nhiều địa

bàn đôi khi còn khó khăn, chế độ bồi dưỡng trách nhiệm cho thanh tra viên ở
các Phòng Giáo dục và Đào tạo có nơi chưa đầy đủ và kịp thời.
Công tác xây dựng Đảng luôn luôn được coi trọng, đảm bảo sự lãnh
đạo các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Tổ chức Đoàn, Đội ở các nhà
trường tích cực hoạt động góp phần đáng kể vào thành tích chung của đơn vị.
Hoạt động của tổ chức công đoàn có chuyển biến mới, nhất là phong trào
hưởng ứng cuộc vận động “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Ở các
nhà trường, nhất là trường trung học phổ thông dưới sự lãnh đạo của chi bộ
Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng đã phối kết hợp khá chặt chẽ
trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.


Nhìn chung, với sự ổn định chính trị, xã hội và tăng trưởng kinh tế, sự
nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng
tiếp tục có bước chuyển biến đi lên rất đáng tự hào. Quy mô giáo dục ở tất cả
các bậc học phát triển; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; công tác
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có bước tiến bộ mới; cơ sở vật chất phục vụ dạy
học được chăm lo tốt hơn; xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng, đem lại
hiệu quả đáng kể cho ngành; công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới
theo hướng chất lượng - hiệu quả.
Nguyên nhân cơ bản của những chuyển biến trên là do tình hình chính
trị - xã hội ổn định, kinh tế có bước tăng trưởng; các cấp ủy Đảng, chính
quyền từ tỉnh đến cơ sở và toàn xã hội chăm lo tích cực hơn đến giáo dục phổ
thông; nhân dân quan tâm hơn đến việc học hành của con em để lập thân, lập
nghiệp trong thời kỳ mới của đất nước. Đặc biệt là sự nỗ lực, năng động
vượt khó của đội ngũ cán bộ quản lý và đông đảo giáo viên bước đầu được
khơi dậy.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, yếu kém: việc đa dạng hóa loại hình,
nhất là ở cấp trung học phổ thông chậm chuyển biến; đội ngũ giáo viên chưa
thoát khỏi tình trạng thiếu thốn và không đồng bộ, trình độ năng lực còn thấp

so với yêu cầu ngày càng cao của chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất chưa
đáp ứng được với tình hình học sinh tăng nhanh, một số trường còn phòng
học xuống cấp, gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng. Nguyên nhân
bao trùm của những tồn tại này là: nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp
giáo dục đào tạo có nơi, có lúc chưa sâu sắc, do đó nguồn lực đầu tư cho giáo
dục đào tạo trong đó có giáo dục phổ thông còn hạn hẹp, chưa tương ứng với
quy mô phát triển và yêu cầu cao trong giai đoạn mới; học sinh tăng nhanh
với số lượng lớn, các địa phương và ngành chưa đủ lực để kịp thời chuẩn bị
điều kiện cho mức tăng trưởng đó.


Với truyền thống của quê hương tuy còn khó khăn về kinh tế nhưng rất
hiếu học, toàn ngành giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục phổ thông nói
riêng phát huy mạnh mẽ nội lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm giáo dục, khai
thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, của ngành, năng động, sáng tạo, khắc phục
những khó khăn để phát triển, thực hiện những ý tưởng tốt đẹp vì sự nghiệp
trồng người cho quê hương, đất nước.
1.2.

Giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định từ năm 1997 đến năm 2001

1.2.1. Đảng bộ tỉnh Nam Định vận dụng chủ trương của Đảng lãnh đạo phát
triển giáo dục phổ thông
Giai đoạn 1997 – 2001 là giai đoạn toàn ngành Giáo dục và Đào tạo
quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng “Tiếp tục sự
nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa
xã hội”. Trong đó “lấy việc phát triển nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản
cho sự phát triển nhanh và bền vững” [19, tr. 471].
Nhận thức tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục – đào tạo, Đại hội

VIII của Đảng đã xác định: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và
đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực,
bồi dưỡng nhân tài. Coi trọng cả ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất
lượng và phát huy hiệu quả. Phương hướng chung của lĩnh vực giáo dục phổ
thông trong 5 năm tới là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên
có việc làm; khắc phục những tiêu cực, yếu kém trong giáo dục và đào tạo”
[19, tr. 490 - 491].
Để thực hiện mục tiêu tổng quát trên, Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ
chủ yếu đối với giáo dục phổ thông, trong đó chú trọng đến việc thanh toán
nạn mù chữ ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 35, thu hẹp diện người mù


chữ ở độ tuổi khác; cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trong cả
nước, trước hết là đối với trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14; phổ cập trung học
cơ sở ở những thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung và những nơi mà
điều kiện cho phép.
Các giải pháp được nhấn mạnh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giáo
dục phổ thông của cả nước:
- Xây dựng hệ thống trường chuyên, trường trọng điểm, trung tâm chất
lượng cao ở các bậc học. Coi trọng việc dạy ngoại ngữ và tin học phổ thông.
Mở thêm các trường phổ thông nội trú ở những vùng khó khăn, vùng đồng
bào thiểu số.
- Xác định rõ hơn mục tiêu giáo dục, xây dựng nội dung, chương trình,
đổi mới phương pháp giáo dục, lựa chọn những nội dung có tính hiện đại, coi
trọng giáo dục chính trị, đạo đức. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những tiêu cực
trong dạy, học tập, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ.
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ
quản lý giáo dục. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách
của Nhà nước đối với các loại hình trường lớp giáo dục và đào tạo.

- Nâng dần tỷ trọng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo, phát huy
trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể đối với sự
nghiệp giáo dục – đào tạo. Động viên đúng mức sức đóng góp của mỗi nhà,
mỗi người, đồng thời thu hút vốn đầu tư từ cộng đồng, ở trong và ngoài nước
cho giáo dục – đào tạo.
Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua
Nghị quyết số 02-NQ/HNTW “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục
– đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm
2000”. Hội nghị đã phân tích và đánh giá thực trạng giáo dục của nước ta
trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng VII, những thành tựu, hạn


×