Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Quyền nhân thân và phương hướng hoàn thiện pháp luật về quyền nhân thân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (174.24 KB, 20 trang )

MỞ ĐẦU
Nhân quyền hay quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và
không bị tước bỏ bởi ai hay bất cứ chính thể nào. Nhân quyền là một giá trị văn
hoá quan trọng của cuộc sống con người Việt Nam. Nhân quyền được thực thi cụ
thể trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, được
luật hoá trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ
thể là điều 50 của Hiến pháp năm 1992 xác định: "Ở nước cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã
hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến
pháp và luật". Điều đó thể hiện Nhà nước ta luôn coi trọng nhân quyền hay quyền
con người trong đó có quyền nhân thân là một phần vô cùng quan trọng. Cùng với
sự đi lên, tiến bộ của đất nước, nền tự do dân chủ ngày càng được mở rộng bao
nhiêu thì con người ngày càng được tôn trọng hơn bấy nhiêu do đó quyền nhân
thân cũng ngày càng được quan tâm, chú ý nhiều hơn.
Do tầm quan trọng đó, trong khuôn khổ bài viết, em xin đi sâu phân tích về đề
tài: “Quyền nhân thân và phương hướng hoàn thiện pháp luật về quyền nhân
thân”.

NỘI DUNG
1. Khái quát về quyền nhân thân
1.1. Định nghĩa quyền nhân thân
Quyền nhân thân (personality rights) là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền
gắn liền với bản thân mỗi con người, gắn liền với đời sống riêng tư của mỗi cá
nhân. Từ xưa đến nay, nói đến quyền nhân thân người ta thường liên tưởng đến
ngay những quyền có liên quan mật thiết đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá
nhân. Một xã hội càng tiến bộ bao nhiêu, nền tự do dân chủ càng được mở rộng
bao nhiêu thì con người càng được tôn trọng bấy nhiêu. Do đó, các quyền nhân
thân cũng được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng hơn.
BLDS năm 2005 quy định về quyền nhân thân tại điều 24: “Quyền nhân thân
được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không
thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.



1


Điều 24 BLDS năm 2005 đưa ra những quy định chung nhất về quyền nhân
thân, qua quy định này, có thể định nghĩa về quyền nhân thân như sau:
+ Theo nghĩa khách quan, quyền nhân thân được hiểu là tổng hợp các quy
phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, trong đó có nội dung quy định rõ cho các
cá nhân có các quyền nhân thân gắn liền với bản thân mình và đây là cơ sở để cá
nhân thực hiện quyền của mình.
+ Theo nghĩa chủ quan, quyền nhân thân là quyền dân sự chủ quan gắn liền
với cá nhân do Nhà nước quy định cho mỗi cá nhân và cá nhân không thể chuyển
giao quyền này cho người khác.
Theo quy định của BLDS năm 2005, các quyền nhân thân bao gồm các quyền
được quy định từ điều 26 đến điều 50 của Luật này.
1.2. Đặc điểm quyền nhân thân
Theo điều 24 BLDS 2005: Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này
là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác,
trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quyền nhân thân có các đặc điểm sau
đây:
- Thứ nhất: Quyền nhân thân là một quyền dân sự và là quyền dân sự đặc biệt.
Con người là nhân vật trung tâm của xã hội và là đối tượng hướng tới của các
cuộc cách mạng tiến bộ trong lịch sử xã hội loài người. Dưới góc độ pháp luật dân
sự thì cá nhân là chủ thể chủ yếu, thường xuyên quan trọng và phổ biến của quan
hệ dân sự. Các quyền mà pháp luật quy định cho cá nhân là vì con người và
hướng tới con người, trong đó có các quyền nhân thân. Sở dĩ nói quyền nhân thân
là quyền dân sự đặc biệt và các quyền này chỉ thuộc về cá nhân, trong khi đó các
quyền khác (quyền tài sản) có thể thuộc về chủ thể khác (pháp nhân, hộ gia đình).
- Thứ hai: Mọi cá nhân đều có sự bình đẳng về quyền nhân thân.
Mọi người đều có quyền nhân thân kể từ khi họ được sinh ra, không phân biệt

giới tính, tôn giáo, giai cấp… Chúng ta thấy quyền nhân thân có một sự khác biệt
cơ bản với quyền tài sản vì quyền bình đẳng về mặt dân sự không quy định tất cả
mọi người đều có khả năng hưởng những quyền như nhau. Nguyên tắc bình đẳng
về mặt dân sự có nghĩa là mọi cá nhân đều có những quyền như nhau, đó không
phải là một khả năng trừu tượng mà là một thực tế. Lợi ích của quyền nhân thân là

2


được quy định như một thực tế chứ không phải là sự quy định mang tính hình
thức.
- Thứ ba: Quyền nhân thân có tính chất phi tài sản.
Quyền nhân thân không bao giờ là tài sản, chỉ có quyền nhân thân gắn với tài
sản hay không gắn với tài sản mà thôi. Vì không phải là tài sản nên quyền nhân
thân không bao giờ trị giá được thành tiền. Về mặt pháp lí, chúng ta cần phân
định rõ tính chất phi tài sản của quyền nhân thân. Ví dụ: Một người sáng tạo ra
một sáng chế hay giải pháp hữu ích. Sáng chế hay giải pháp hữu ích do con người
sáng tạo nên mang giá trị kinh tế, chứ bản thân “Quyền tự do sáng tạo” (Điều 47
BLDS) không phải là tài sản, không mang giá trị kinh tế.
- Thứ tư: Quyền nhân thân luôn gắn liền với cá nhân, không thể chuyển giao cho
chủ thể khác.
Pháp luật dân sự thừa nhận quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi
cá nhân mà không thể chuyển dịch cho chủ thể khác, trừ trường hợp do pháp luật
qui định. Điều 24 BLDS qui định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật
này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người
khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Các quyền dân sự nói chung,
quyền nhân thân nói riêng là do Nhà nước quy định cho các chủ thể dựa trên điều
kiện kinh tế – xã hội nhất định. Do vậy, về mặt nguyên tắc, cá nhân không thể
chuyển dịch quyền nhân thân cho chủ thể khác, nói cách khác thì quyền nhân thân
không thể là đối tượng trong các giao dịch dân sự giữa các cá nhân. Ví dụ, người

này không thể đổi họ tên cho người khác và ngược lại hoặc một người không thể
uỷ quyền cho người khác thực hiện quyền tự do đi lại của mình và mình nhận
quyền tự do kết hôn của người khác. Điều này có nghĩa rằng bản thân chủ thể
hưởng quyền nhân thân chứ họ không thể chuyển giao quyền này cho người khác
và cũng không ai có thể đại diện cho họ để thực hiện quyền này. Tuy nhiên, tính
chất không thể chuyển giao của quyền nhân thân chỉ mang tính chất tương đối.
Bởi trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật thì quyền nhân
thân có thể chuyển giao cho chủ thể khác. Ví dụ: Quyền công bố, phổ biến tác
phẩm của tác giả, khi tác giả chết đi thì quyền này có thể chuyển giao cho chủ thể
khác (người thừa kế của tác giả). Mặc dù vậy thì có những yếu tố luôn gắn liền

3


với chủ thể mà không thể thay đổi được, ví dụ: Quyền đứng tên tác giả, quyền bảo
vệ sự toàn vệ của tác phẩm.
- Thứ năm: Quyền nhân thân là một quyền dân sự do luật định.
Quyền nhân thân là một quyền nằm trong nội dung năng lực pháp luật dân sự
của cá nhân. Pháp luật dân sự quy định cho các cá nhân có các quyền nhân thân là
một sự tuyên bố chính thức về các quyền con người cụ thể được pháp luật thừa
nhận. Việc pháp luật quy định cho các cá nhân có các quyền nhân thân khác nhau
là dựa vào các điều kiện kinh tế xã hội. Do vậy, ở mỗi giai đoạn khác nhau của
lịch sử xã hội loài người, phụ thuộc vào bản chất giai cấp, chế độ chính trị xã
hội… mà quyền nhân thân của cá nhân được quy định một cách khác nhau.
Quyền nhân thân là do Nhà nước “trang bị” cho cá nhân, Nhà nước không cho
phép bất cứ cá nhân nào làm thay đổi hay chấm dứt quyền đó.
1.3. Phân loại quyền nhân thân
Các quyền nhân thân có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, mỗi
tiêu chí thể hiện một khía cạnh pháp lý đặc thù..
Thứ nhất, dựa vào căn cứ phát sinh mà các quyền nhân thân có thể phân

thành nhóm các quyền nhân thân không gắn với tài sản và nhóm các quyền nhân
thân gắn với tài sản. Phân loại này được thể hiện tại khoản 1 Điều 15 BLDS 2005.
Các quyền nhân thân không gắn với tài sản được quy định từ Điều 26 đến Điều 51
BLDS 2005. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản này được công nhận đối
với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc vào bất cứ
hoàn cảnh kinh tế, địa vị hay mức độ tài sản của người đó. Các quyền nhân thân
này thể hiện giá trị tinh thần của chủ thể đối với chính bản thân mình, luôn gắn
với chính bản thân người đó và không dịch chuyển được sang chủ thể khác.
Ngược lại, các quyền nhân thân gắn với tài sản chỉ được xác lập cùng với sự hình
thành của một tài sản vô hình (như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sáng
chế, kiểu dáng, , giống cây trồng, …). Đây là quyền nhân thân của chủ thể đối với
tài sản vô hình mà người đó sáng tạo ra. Các quyền nhân thân này được quy định
tại khoản 2 Điều 738 và mục a khoản 1 Điều 751 BLDS 2005. Trong số các
quyền này có một quyền có thể chuyển giao được sang cho chủ thể khác – đó là
quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (theo quy định tại
Khoản 1 Điều 742 BLDS 2005).
4


Việc phân loại này giúp chúng ta định hình rõ căn cứ và thời điểm xác lập các
quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể đều được công nhận một cách vô điều kiện các
quyền nhân thân không gắn với tài sản. Tuy nhiên, để được thừa nhận các quyền
nhân thân gắn với tài sản thì chủ thể đó phải chứng minh đươc sự tồn tại của loại
tài sản vô hình do chính mình sáng tạo ra. Nếu không có tài sản đó thì không phát
sinh các quyền nhân thân của chủ thể có liên quan.
Thứ hai, dựa vào thời hạn bảo hộ mà các quyền nhân thân được phân loại
thành hai nhóm: Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn và nhóm các
quyền nhân thân được bảo hộ có thời hạn.
Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn bao gồm: quyền đối với
họ tên; quyền đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí mật

đời tư; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc
bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác
phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ có thời hạn bao gồm: quyền thay đổi
họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền được đảm
bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm;
quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại
giới tính; quyền kết hôn, quyền bình đẳng vợ chồng; quyền được hưởng sự chăm
sóc giữa các thành viên trong gia đình; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận
cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi; quyền
đối với quốc tịch; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh;
quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền công bố
hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
Việc phân loại này có ý nghĩa đối với việc bảo vệ quyền nhân thân khỏi sự
xâm phạm. Các quyền nhân thân thuộc nhóm vô thời hạn được pháp luật bảo hộ
vĩnh viễn. Khi chủ thể không còn nữa thì những người có liên quan được quyền
yêu cầu bảo vệ khi có hành vi xâm phạm. Ví dụ: nếu có người tung tin thất thiệt
làm tổn hại đến danh dự của một người đã khuất thì những người thân thích của
người đó vẫn có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại.
Ngược lại, các quyền nhân thân thuộc nhóm có thời hạn thì chỉ được pháp luật
5


bảo hộ khi chủ thể đó còn sống. Bởi lẽ, khi cá nhân chết đi thì các quyền nhân
thân thuộc nhóm này hoặc không thể thực hiện được nữa, hoặc không thể bị xâm
phạm nữa.
Thứ ba, dựa vào đặc điểm của hành vi xâm phạm mà chúng ta phân loại các
quyền nhân thân thành ba nhóm:
1) Nhóm các quyền mà hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền;

2) Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào các chủ thể khác (không phải là
chủ thể quyền);
3) Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào vật phẩm liên quan đến quyền.
Nhóm các quyền mà hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền bao
gồm: quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền hiến
bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính;
quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử;
quyền được bảo vệ nhân phẩm, các quyền nhân thân liên quan đến quan hệ hôn
nhân và gia đình; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư
trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo.
Đối với các quyền thuộc nhóm thứ nhất thì chính chủ thể quyền là người bị
hành vi xâm phạm tác động tới. Hậu quả mà hành vi này mang lại là những tổn
thất trực tiếp gây ra đối với chủ thể quyền (tính mạng, sức khoẻ, thân thể, …)
hoặc những khó khăn ngăn cản chủ thể quyền thực hiện hành vi liên quan đến
quyền nhân thân của mình (đi lại, lao động, sáng tạo, kết hôn, ly hôn, …). Quá
trình khắc phục thiệt hại chủ yếu được thực hiện đối với chính chủ thể quyền như
chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ, xin lỗi, chấm dứt hành vi cản trở,…
Riêng đối với trường hợp xâm phạm tính mạng thì việc khôi phục tính mạng là
không thực hiện được, trách nhiệm bồi thường khi đó được thực hiện cho những
người thân thích của chủ thể quyền.
Đối với các quyền thuộc nhóm thứ hai thì hành vi xâm hại lại không tác động
vào chính chủ thể quyền, mà tác động vào các chủ thể khác làm ảnh hưởng đến sự
nhìn nhận, đánh giá của các chủ thể khác về cá nhân chủ thể mang quyền (tung tin
thất thiệt xúc phạm danh dự, giảm uy tín của chủ thể quyền, công bố trái phép tác
phẩm của tác giả trước công chúng, …). Những thiệt hại mà chủ thể quyền phải
gánh chịu có thể được xoá bỏ bằng việc cải chính, xin lỗi công khai trên các
6


phương tiên thông tin đại chúng để xoá đi sự nhìn nhận tiêu cực của các chủ thể

khác đối với chủ thể quyền do hành vi xâm hại gây ra.
Đối với các quyền thuộc nhóm thứ ba thì hành vi lại không tác động vào các
chủ thể nói chung, mà lại tác động vào vật phẩm có liên quan đến quyền của chủ
thể quyền (thư tín, chỗ ở, sách báo và các ấn phẩm mang tác phẩm, ….). Những
thiệt hại do hành vi này gây ra có thể được khắc phục phần nào thông qua tác
động đến các vật phẩm đó như việc thu hồi ấn phẩm, trả lại thư tín, sửa chữa
thông tin trong lý lịch, …
Thứ tư, dựa vào phương thức bảo vệ mà các quyền nhân thân được phân
thành hai nhóm: Nhóm các quyền được bảo vệ khi có yêu cầu và nhóm được bảo
vệ không phụ thuộc vào yêu cầu.
Nhóm các quyền được bảo vệ khi có yêu cầu bao gồm: quyền đối với họ tên;
quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử;
quyền đối với hình ảnh; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể
người; quyền xác định lại giới tính; quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí
mật đời tư; quyền kết hôn; quyền bình đẳng vợ chồng; quyền ly hôn; quyền nhận,
không nhận cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con
nuôi; quyền đối với quốc tịch; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do
kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền
đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi
tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền công bố hoặc cho phép người khác công
bố tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa
chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Nhóm được bảo vệ không phụ thuộc vào yêu cầu bao gồm: quyền được đảm
bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm;
quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình.

2. Quy định pháp luật về quyền nhân thân
2.1. Cơ sở pháp lý quy định quyền nhân thân
- Tại các bản Hiến pháp

Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt
Nam dân chủ Cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thừa nhận quyền con người cơ
7


bản, qua đó thể hiện tư tưởng nhân quyền và dân quyền của Nhà nước ta. Tư
tưởng áy xuyên suốt lịch sử lập hiến và lập pháp.
Trong bản hiến pháp đầu tiên của nước ta (Hiến pháp năm 1946), việc đảm
bảo các quyền tự do dân chủ của công dân đã trở thành một trong ba nguyên tác
cơ bản. Với bản Hiến pháp này, lần đẩu tiên trong lịch sử Việt Nam, những người
dân nô lệ trước đây thực sự trở thành người chủ đất nước, được đảm bảo các
quyền tự do, dân chủ. Trong 26 quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp 1946
quy định, các quyền dân sự chiếm đa số (12 quyền). Những quyền nhân thân của
cá nhân lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp bao gồm: Quyền tự do ngôn
luận; quyền tự do xuất bản; quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do cư trú trong
nước; quyền tự do đi lại trong nước; quyền tự do ra nước ngoài; quyền bất khả
xâm phạm về thân thể; quyền bất khae xâm phạm nhà ở; quyền bất khả xâm phạm
về thư tín.
Hiến phám năm 1959 là bước phát triển mới trong việc ghi nhân quyền con
người, trong đó có những quyền nhân thân của cá nhân và những bảo đảm pháp lý
cho chúng. Hiến pháp năm 1959 ra đời trong hoàn cảnh đất nước có những thay
đổi lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, theo xu hướng ngày càng mở
rộng các quyền con người. Hiến pháp năm 1959 đã xác định quyền nhân thân mới
là quyền tự do biểu tình (Điều 17), đồng thời quy định rõ ràng hơn quyền tự do cư
trú, quyền tự do đi lại không phân biệt trong nước và ngoài nước như Hiến pháp
năm 1946.
Hiến pháp năm 1980 ra đời trong điều kiện đất nước thống nhất, cả nước cùng
đi lên chủ nghĩa xã hội, các quyền dân sự của cá nhân được bổ sung và phát triển;
đặc việt riêng đối với quyền nhân thân của cá nhân, đã có những quyền xuất hiện:
Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng (Điều 70), quyền được pháp luật bảo

hộ về danh dự; quyền được pháp luật bảo hộ về nhân phẩm; quyền được đảm bảo
bí mật về điện thoại; quyền được đảm bảo bí mật về điện tín; quyền tác giả; quyền
sở hữu công nghiệp (Điều 72)
Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của quyền nhân thân là sự ra đời của Hiến
pháp năm 1992. Bên cạnh việc kế thừa những quyền nhân thân của Hiến pháp
năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung những quyền nhân thân hoàn toàn
mới, đó là: Quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏa (Điều 13); quyền được đi ra
8


nước ngoài theo quy định của pháp luật (Điều 25); Quyền được từ nước ngoài trở
về theo quy định của pháp luật (Điều 29); quyền được Nhà nước bảo hộ quyền tác
giả (Điều 36); quyền được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điểu 38).
- Tại các Bộ luật dân sự
Có thể nói, Bộ luật dân sự là văn bản pháp lý chuyên biệt có giá trị pháp lý
cao nhất quy định một cách có hệ thống về quyền nhân thân. Lần đầu tiên, vấn đề
quyền nhân thân được đề cập một cách rõ rang, chi tiết và có hệ thống trong
BLDS năm 1995. BLDS năm 1995 đã danh 22 điều luật quy định về quyền nhân
thân, và đã xác định rằng: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là
quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác,
trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Không ai được lạm dụng quyền nhân
thân của mình xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng,quyền, lợi
ích hợp pháp của người khác. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân
của người khác”(Điều 26). Bên cạnh đó, lần đầu tiên cá nhân có cơ sở pháp lý để
bảo vệ quyền nhân thân của mình khi bị người khác vi phạm (Điều 27); lần đầu
tiên quyền nhân thân được quy định thành một hệ thống các quyền, được quy định
chi tiết trong 20 điều luật.
BLDS năm 1995 đã phát huy vai trò to lớn trong việc ghi nhận và bảo vệ các
quyền dân sự của chủ thể, trong đó có quyền nhân thân. Tuy nhiên, qua một thời
gian áp dụng các quy định của BLDS năm 1995, bên cạnh những ưu điểm thì

BLDS năm 1995 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Xuất phát từ lí do đó, BLDS sửa đổi
đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01/01/2006 (BLDS năm 2005). So với các quy định về quyền nhân thân trong
BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 có một số sửa đổi, bổ sung, cụ thể, đó là bổ
sung thêm 6 quyền nhân thân mới: Quyền được khai sinh ( Điều 29), Quyền được
khai tử (Điều 30); Quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33); Quyền hiến xác, bộ phận
cơ thể sau khi chết (Điều 34); Quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35);
Quyền xác định lại giới tính (Điều 36). Ngoài việc bổ sung quy định mới về một
số quyền nhân thân, hầu hết các quyền nhân thân được quy định trong BLDS năm
1995 cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như quyền thay đổi họ tên (Điều
27), quyền xác định dân tộc (Điều 28), quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều
31), quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 32),
9


quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37), quyền bí mật đời tư
(Điều 38)…
- Tại các văn bản pháp lý khác
Mặc dù đến khi BLDS 1995 được thông qua, khái niệm về quyền nhân thân
mới được hình thành nhưng trước đó, những quyền nhân thân cụ thể đã được thừa
nhân trong một số văn bản pháp lý khác. Cụ thể là trong Luật Bảo đảm quyền tự
do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân
dân 24/1/1957. Ngay tại điều 1 Luật này đã quy định: “Quyền tự do thân thể và
quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân được tôn
trọng và bảo đảm. Không ai được phép xâm phạm các quyền ấy”.
Quyền nhân thân cũng được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm
2000. Thông qua việc quy định quyền bình đẳng giữa vợ chồng (Điều 19); tôn
trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ chồng; cấm vợ chồng có hành vi ngược
đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau (Điều 21).
2.2. Các phương thức bảo vệ quyền nhân thân

Việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân là một khâu trong cơ chế bảo đảm
việc thực hiện quyền nhân thân của cá nhân. Tuy vậy, việc bảo vệ quyền nhân
thân của cá nhân một cách tùy tiện cũng có thể xâm phạm, gây thiệt hại đến
quyền, lợi ích hợp pháp của người khác vì vậy pháp luật đã phải quy định các
phương thức, biện pháp bảo vệ quyền nhân thân trong trường hợp bị xâm phạm.
Theo đó, trong trường hợp quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm cá nhân có
quyền nhân thân bị xâm phạm chỉ được bảo vệ quyền nhân thân của mình theo
những phương thức và biện pháp do pháp luật quy định.
Quyền nhân thân là một đối tượng được bảo đảm không chỉ bằng biện pháp
mang tính pháp lí mà trước hết bằng những cơ sở, cơ chế của nhà nước, tạo điều
kiện kinh tế, xã hội cho con người ngày càng phát triển về mọi mặt, vươn lên làm
chủ xã hội, làm chủ bản thân. Đối với các biện pháp mang tính pháp lí thì bảo vệ
quyền nhân thân cũng thuộc về nhiệm vụ của nhiều ngành luật: Hình sự, hành
chính, lao động, hôn nhân và gia đình… phù hợp với phương pháp điều chỉnh
quan hệ xã hội của pháp luật dân sự, bộ luật dân sự quy định các biện pháp bảo vệ
quyền nhân thân theo quy định tại Điều 25 – BLDS 2005 bao gồm:
Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền:
10


1. Tự mình cải chính;
2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan , tổ chức có thẩm quyền buộc
người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;
3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan , tổ chức có thẩm quyền buộc
người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Việc pháp luật quy định cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể bảo
vệ quyền nhân thân của mình theo các phương thức khác nhau là cần thiết, tạo
điều kiện cho việc bảo vệ quyền nhân thân có hiệu quả. Hơn nữa, các quyền nhân
thân của cá nhân bao gồm nhiều quyền khác nhau và các hành vi xâm phạm đến
quyền nhân thân cũng rất đa dạng nên việc pháp luật quy định đa dạng hóa các

phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân là rất cần thiết. Thông thường,
trong trường hợp quyền nhân thân của mình bị xâm phạm thì trước hết cá nhân tự
tiến hành các hành vi bảo vệ cần thiết, tương xứng với hành vi xâm phạm để
chống lại hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của mình, ngăn chặn không cho
các hành vi đó tiếp tục xảy ra như trực tiếp cải chính, yêu cầu người vi phạm
chấm dứt hành vi vi phạm.
Việc pháp luật quy định cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm tự bảo vệ
quyền nhân thân của mình bảo đảm việc bảo vệ quyền nhân thân được tiến hành
kịp thời, ngăn chặn được hậu quả xấu có thể xảy ra và có thể không khoét sâu
thêm mâu thuẫn giữa các đương sự, giữ gìn được mối quan hệ bình thường giữa
các đương sự. Tuy vậy, việc tự bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thường chỉ có
hiệu quả khi người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của
cá nhân nhận thức được trách nhiệm của họ.
Đối với những trường hợp người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến
quyền nhân thân của cá nhân không nhận thức được trách nhiệm của họ thì việc
bảo vệ quyền nhân thân theo phương thức này nhiều khi không có hiệu quả.
Trong trường hợp này việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân cần phải có sự hỗ
trợ bảo vệ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo đó, cá nhân có quyền
nhân thân bị xâm phạm có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo
quy định của pháp luật bảo vệ như yêu cầu tổ hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân
các cấp, Tòa án, Viện kiểm sát v.v.. bảo vệ. Các cơ quan, tổ chức này căn cứ vào
yêu cầu của đương sự, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được pháp luật quy định
11


tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền
nhân thân của cá nhân bị xâm phạm như xử lý người có hành vi xâm phạm quyền
nhân thân của cá nhân, buộc họ phải chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc bồi thường
thiệt hại. Đặc biệt, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thông qua việc yêu
cầu các cơ quan nhà nước như Tòa án, Viện kiểm sát bảo vệ là rất cần thiết bởi

các cơ quan này là các cơ quan nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ quyền
hạn bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, trong đó có quyền nhân
thân của cá nhân. Hơn nữa, các quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát còn được
bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước do đó các quyết định liên quan đến
việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân của các cơ quan này sẽ được bảo đảm
thực hiện trên thực tế. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì có nhiều phương
thức bảo vệ quyền nhân thân, tùy quyền nhân thân nào của cá nhân bị xâm phạm,
tùy mức độ xâm phạm và thái độ của người có hành vi trái pháp luật mà cá nhân
có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể lựa chọn thực hiện phương thức pháp lý
cần thiết, phù hợp để bảo vệ quyền nhân thân của mình.
Quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của pháp luật khá đa dạng nên
hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân cũng khá đa dạng dưới những hình thức,
mức độ khác nhau. Để bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có hiệu quả ngoài việc
sử dụng nhiều phương thức bảo vệ khác nhau còn phải áp dụng các biện pháp bảo
vệ khác nhau như biện pháp xử lý hành chính, biện pháp xử lý hình sự, biện pháp
dân sự, biện pháp xử lý kỷ luật. Trong các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân đó
thì biện pháp dân sự là một trong các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân có hiệu
quả và được áp dụng phổ biến nhất.
Các biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân trong trường hợp bị xâm phạm
được quy định trong pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 25 BLDS thì cá
nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm được áp dụng các biện pháp dân sự sau để
bảo vệ quyền nhân thân của mình như tự cải chính; yêu cầu người vi phạm chấm
dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi
phạm chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc
yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Tự mình cải chính là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân bị xâm
phạm được áp dụng trong trường hợp người có hành vi trái pháp luật đưa ra
12



những tin tức không đúng xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đây là
biện pháp cho phép người có quyền nhân thân bị xâm phạm kịp thời bảo vệ quyền
nhân thân của mình, hạn chế được hậu quả thiệt hại cả về vật chất và tinh thần do
những tin tức không đúng ra gây ra.
Yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm là biện pháp bảo vệ
quyền nhân thân của cá nhân có thể áp dụng trong mọi trường hợp quyền nhân
thân bị xâm phạm. So với biện pháp tự cải chính thì biện pháp này được áp dụng
trong một phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này thông thường
chỉ có hiệu quả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền nhân thân
sớm nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ. Nếu người có hành vi xâm
phạm quyền nhân thân không nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ thì
người có quyền nhân thân bị xâm phạm phải áp dụng biện pháp bảo vệ khác mới
bảo vệ được quyền nhân thân của mình.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành
vi vi phạm cũng là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có thể áp dụng
trong mọi trường hợp quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm. Đây là biện
pháp bảo vệ quyền nhân thân có hiệu quả vì sau khi nhận được yêu cầu thì cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp đủ mạnh do pháp luật quy
định buộc người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân chấm
dứt hành vi đó. Trên thực tế, biện pháp này thường được người có quyền nhân
thân bị xâm phạm áp dụng trong trường hợp đã yêu cầu chấm dứt hành vi trái
pháp luật nhưng không được đáp ứng. Trong các cơ quan Nhà nước áp dụng biện
pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thì Tòa án là cơ quan có nhiệm
vụ, quyền hạn bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân chủ yếu và trong việc áp dụng
biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thì Tòa án áp dụng có hiệu
quả nhất. Tuy nhiên, bảo vệ quyền nhân thông qua việc yêu cầu Tòa án bảo vệ
được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đòi hỏi người có quyền nhân thân
bị xâm phạm yêu cầu Tòa án bảo vệ phải chứng minh được quyền nhân thân của
mình, hành vi xâm phạm quyền nhân thân của họ là trái pháp luật.
Yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có

thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại là biện pháp bảo vệ quyền
nhân thân được thực hiện khi người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến
13


quyền nhân thân của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho họ.
Nếu có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân gây ra
thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm hại có
quyền yêu cầu người có hành vi trái pháp luật bồi thường thiệt hại. Nếu người có
hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân không chịu bồi
thường thì người có quyền nhân thân bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án hoặc
cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân có quyền nhân thân
bị xâm phạm được thực hiện các biện pháp bảo vệ trên để bảo vệ quyền nhân thân
của mình. Việc áp dụng một hay nhiều biện pháp bảo vệ quyền nhân thân hoặc áp
dụng biện pháp bảo vệ quyền nhân thân nào là tùy vào trường hợp cụ thể quyền
nhân thân bị xâm phạm và do người có quyền nhân thân bị xâm phạm tự lựa chọn
quyết định. Tuy nhiên, việc lựa chọn được biện pháp bảo vệ phù hợp sẽ giúp cho
việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có hiệu quả.

3. Một số vấn đề thực tiễn về quyền nhân thân
3.1. Thực trạng về một số quyền nhân thân và sự cần thiết hoàn thiện pháp
luật về quyền nhân thân
- Quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33); Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau
khi chết (Điều 34):
Hiện nay, xuất phát từ sự thay đổi trong nhận thức, số lượng người có mong
muốn hiến môt, bộ phận cơ thể, hiến xác ngày càng tăng. Ví dụ như trường hợp tự
nguyện hiến xác cho khoa học như trường hợp của bác Quỳnh ở Hà Nội, hay Đại
đước Thích Đức Tiến, trụ trì chùa Thọ Cầu (Hà Nội). Bên cạnh đó, cũng có nhiều
người muốn hiến mô, hiến tạng mà không biết hiến ở đâu, như thế nào. Ví dụ

trong trường hợp của Nguyễn Lê Minh Anh, sinh năm 1980, quê ở Nha Trang và
hiện đang làm nghề bốc xếp ở cảng Khánh Hội thành phố Hồ Chí Minh. Trong
mail gửi đến báo điện tử Vietnamnet ngày 5/7/2006 Nguyễn Lê Minh Anh viết:
“Tôi đã nghe và đọc được rất nhiều thông tin về mỗi khổ của những người đang
phải chạy thận nhân tạo. Không biết ở Việt Nam chúng ta đã ghép thận được hay
chưa? Tôi thiết nghĩ, đã có hiến máu nhân đạo thì cũng nên có chương trình hiến
thận cho những người đang vật lộn từng ngày từng giờ với căn bệnh đó. Tôi có
ước nguyện muốn được hiến thân của mình cho những người đang phải chống
14


chọi từng ngày, từng giời với căn bệnh đau khổ đó. Thế nhưng tôi không biết làm
cách nào để làm được việc tôi suy nghĩ”
Thực tế đã cho thấy, để có được ngân hang mô, tạng không phải là điều quá
khó khăn. Số lượng người ủng hộ và hiến mô tạng đang ngày càng gia tăng xuất
phát từ cách nhìn nhận cũng như việc thấy được ý nghĩa lơn lao trong việc hiến
mô, tạng cứu người.
- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36).
Xác định lại giới tính là một quyền nhân thân được quy định tại Điều 36 Bộ
luật Dân sự năm 2005. Để cụ thể hóa quyền này, ngày 5-8-2008, Chính phủ đã
ban hành Nghị định số 88/NĐ- CP về xác định lại giới tính, áp dụng đối với các tổ
chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, theo đó chỉ áp dụng việc
xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới
tính chưa được định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được
sống theo đúng giới tính của mình. Trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới
tính, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích
hợp, bảo đảm nguyên tắc khi ở giới tính đó, người này có thể hòa nhập cuộc sống
về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng,
ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh giới tính là 1/10.000- 12.000 người, tức là nước
ta có khoảng trên 7.000 người có cấu tạo bất thường hoặc giới tính không rõ ràng.

Như vậy, Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ về xác định lại giới tính là một
sự kiện cho thấy pháp luật công nhận sự hợp lý trong nhu cầu chuyển đổi giới tính
của một nhóm người khá lớn trong xã hội.
Tuy vậy, chúng ta cũng thấy rằng sẽ có cản trở từ phía xã hội trong quá trình
thực hiện Nghị định này bởi nhận thức xã hội về vấn đề chuyển đổi giới tính trong
nhiều trường hợp còn chưa đúng. Nhiều người có khuyết tật về giới tính vẫn chưa
được đối xử như những người bệnh. Sự khó khăn là ở chỗ, trong xã hội còn tồn
tại một nhóm người “không phải trai mà cũng chẳng phải gái” với nguyên nhân
không bắt nguồn từ sự không hợp lý trong cấu tạo cơ thể mà lại bắt nguồn từ phía
xã hội. Do môi trường sống, hoàn cảnh sống, tiểu sử bản thân ...có sự “lệch lạc”
khiến cho một số người có phương pháp giao tiếp, hành động “khác người”. Bởi
vậy, nhiều người trong xã hội khi chứng kiến các hành động “bất bình thường”

15


kiểu “ái nam ái nữ” của một người nào đó, họ nghĩ ngay tới sự “bệnh hoạn” với
thái độ kỳ thị rõ.
- Về quy định bảo vệ quyền nhân thân
Quyền nhân thân của cá nhân tuy đã được pháp luật bảo hộ và quy định khá
cụ thể trong BLDS 2005 và nhiều văn bản pháp luật khác tạo thuận lợi cho việc
thực hiện trên thực tế. Tuy vậy, do những nguyên nhân khác nhau trong những
năm gần đây các hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá
nhân vẫn xảy ra nhiều, khá đa dạng, xâm phạm đến nhiều lĩnh vực của quyền
nhân thân như quyền của cá nhân đối với tên họ, hình ảnh; quyền được bảo đảm
an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm,
uy tín, quyền bí mật đời tư… Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể của một cơ
quan,tổ chức nào về tất cả các trường hợp xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân
nhưng theo báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao hàng
năm và theo việc đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng thì trong những

năm gần đây dường như các trường hợp xâm phạm đến quyền nhân thân của cá
nhân ngày một nhiều, có chiều hướng đa dạng và phức tạp. Trong đó, có vụ với
những hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân rất nghiêm trọng
không chỉ phải xử lý về dân sự mà còn phải xử lý về hình sự như vụ vợ chồng
Chu Văn Đức – Trịnh Thị Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội
trong hơn 10 năm đã hành hạ cô gái Nguyễn Thị Bình để lại trên người tới 424
vết thương; vụ Đào Văn Tuyến ở huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang do đam mê cờ
bạc thua cờ bạc về ngược đãi vợ là chị Lý Thị Nghi với hành vi lột quần áo nhốt
vào chuồng chó, vụ Phạm Thị Mai ở huyện Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh
đánh chết con là cháu Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi..v.v..
Căn cứ vào các quy định của BLDS 2005, những người có quyền nhân thân bị
xâm phạm đã thực hiện được các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền nhân thân
của mình như tự cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của
họ, yêu cầu người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của
họ chấm dứt hành vi đó, yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ,
trong đó có việc yêu cầu Tòa án bảo vệ. So với các phương thức bảo vệ quyền
nhân thân khác, phương thức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền nhân thân được các
chủ thể thực hiện tương đối phổ biến. Các vụ việc dân sự về quyền nhân thân Tòa
16


án đã thụ lý giải quyết ngày một nhiều. Trong đó, có những vụ việc khá phức tạp,
nhạy cảm, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau và lần đầu Tòa án thụ lý giải
quyết nên không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc cả về mặt xem xét, đánh
giá các tình tiết của vụ việc và cả về mặt áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc,
do vậy sau khi Tòa án xét xử các đương sự vẫn không đồng ý với quyết định của
Tòa án mà còn kháng cáo hoặc khiếu nại qua nhiều cấp Tòa án. Trong các vụ việc
này phải kể đến vụ ông Trần Thanh Minh (Chủ tịch Ủy ban nhân phường Phú
Hải, thành phố Phan Thiết) khởi kiện ông Đồng Văn Thanh (Bí thư Đảng ủy
phường này) tới Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận yêu cầu

xin lỗi và bồi thường thiệt hại vì cho rằng tháng 4/2006 ông Thanh “dựng
chuyện” cán bộ, nhân dân phường phản ánh về “mối quan hệ không lành mạnh”
giữa ông và bà cựu phó chủ tịch HĐND phường, cùng việc hai người hùn vốn
kinh doanh Internet để chỉ đạo kiểm tra nhằm mục đích hạ uy tín, xúc phạm danh
dự, nhân phẩm và phá hoại hạnh phúc của gia đình ông; vụ ca sĩ Phương Thanh
khởi kiện bà Lê Nguyễn Hương Trà (chủ nhân của blog Cogaidolong) đến Tòa án
nhân quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải xin lỗi công khai vì cho
rằng bà Lê Nguyễn Hương Trà đã có hai bài viết trong blog của mình về cô với
nội dung sai sự thật, xúc phạm tới danh dự, hạ uy tín của cô.
Qua nghiên cứu các quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền nhân thân
của cá nhân và khảo sát thực tiễn áp dụng chúng cho thấy về cơ bản các quy định
của Bộ luật Dân sự đã quy định đủ các phương thức, biện pháp mà người có
quyền nhân thân bị xâm phạm được thực hiện để bảo vệ quyền nhân thân của họ
trong trường hợp bị xâm phạm. Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy các quy định của
Bộ luật dân sự năm 2005 còn chung chung, mới chỉ mang tính định hướng trong
khi đó các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này lại không hướng dẫn cụ thể
nên việc thực hiện chúng trên thực tế đã gặp nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là
trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cụ thể.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLDS, khi quyền nhân thân của cá nhân bị
xâm phạm thì người có quyền đó được bảo vệ bằng cách tự mình cải chính những
tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của họ mà không nhất thiết phải chờ
người có hành vi xâm phạm thực hiện việc cải chính. Việc Bộ luật Dân sự quy
định người có quyền nhân thân bị xâm phạm được tự cải chính có tác dụng giúp
17


họ ngăn chặn và khắc phục kịp thời được hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm
phạm đến quyền nhân thân của họ. Để người có quyền nhân thân bị xâm phạm
thực hiện được việc tự cải chính thì pháp luật phải quy định cụ thể về trình tự, thủ
tục thực hiện việc tự cải chính của người họ nhưng do các văn bản pháp luật liên

quan không có quy định, hướng dẫn cụ thể nên việc tự cải chính những tin tức xúc
phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên thực tế hầu như không thể thực
hiện được hoặc có thực hiện thì cũng không hiệu quả. Hơn nữa, về tâm lý thì cũng
không mấy ai tin việc cải chính của chính người có quyền nhân thân bị xâm
phạm.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 BLDS quy định khi quyền nhân thân của cá
nhân bị xâm phạm thì người có quyền đó được yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền bảo vệ thông qua việc buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin
lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Theo quy định này, thì người có
quyền nhân thân bị xâm phạm được yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo
vệ nhưng cơ quan, tổ chức nào là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lại chưa được
Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này cũng như các văn
bản pháp luật có liên quan chỉ rõ. Vì thế trên thực tế đã xảy ra không ít các trường
hợp đương sự không xác định được cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền bảo vệ
quyền nhân thân của họ. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự
thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con
trong trường hợp có tranh chấp, đối với trường hợp yêu cầu xin xác định lại cha
mẹ cho con mà không có tranh chấp thì Tòa án không có thẩm quyền giải quyết.
Tuy vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật
liên quan lại không quy định, hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền giải quyết trường
hợp này nên yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con mà không có tranh chấp của
đương sự không có cơ quan nào giải quyết.
Hơn nữa, trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về việc
bảo vệ quyền nhân thân của người có quyền nhân thân bị xâm phạm trong trường
hợp họ đã chết. Tuy họ đã chết nhưng việc bảo vệ quyền nhân thân của họ vẫn
phải đặt ra vì trong nhiều trường hợp việc xâm phạm đến các quyền nhân thân của
họ cũng có những ảnh hưởng xấu nhất định tới những người thân và những người
liên quan đến họ. Từ việc pháp luật không quy định cụ thể về thẩm quyền của cơ
18



quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, các loại vụ việc Tòa
án có thẩm quyền giải quyết nên trong thực tiễn xét xử của Tòa án có việc được
Tòa án thụ lý giải quyết, có việc Tòa án không thụ lý giải quyết và quan điểm về
thẩm quyền về giải quyết các vụ việc về quyền nhân thân giữa Tòa án cũng rất
khác nhau dẫn đến cùng loại vụ việc Tòa án này thì thụ lý giải quyết nhưng Tòa
án khác lại không thụ lý giải quyết.
3.2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về quyền nhân thân
Luật Dân sự là ngành luật độc lập điều chỉnh hai nhóm quan hệ xã hội là quan
hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Quan hệ nhân thân “là quan hệ giữa người với
người về một giá trị nhân thân của cá nhân hay tổ chức”. Điều đó có nghĩa là
quyền nhân thân là cơ sở hình thành nên quan hệ nhân thân. Tại điều 24 BLDS
2005 quy định về quyền nhân thân “là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân,
không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác”. Trong toàn bộ Chương IV quy định về Pháp nhân, BLDS cũng không có
điều khoản nào quy định về quyền nhân thân của pháp nhân. Như vây, BLDS có
điều chỉnh quan hệ nhân thân được phát sinh trên cơ sở giá trị nhân thân của tổ
chức, nhưng chưa thấy có quy định riêng nào quy định một pháp nhân, tổ chức có
những quyền nhân thân cụ thể gì. Sự thiếu hụt này cần được bổ sung trong BLDS,
bởi lẽ, sự tồn tại của một pháp nhân hay một tổ chức bao giờ cùng gắn liền với uy
tín và danh dự của pháp nhân hay tổ chức đó. Việc chủ thề xâm phạm đến uy tín
và danh dự của pháp nhân hay tổ chức là căn cứ áp dụng trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta thừa nhận uy tín,
danh dự của pháp nhân được pháp luật bảo vệ. Do đó, cần xây dựng những điều
khoản quy định cụ thể về quyền nhân thân của pháp nhân, tổ chức.
Pháp luật dân sự quy định nội dung và cách thức bảo vệ quyền nhân thân của
cá nhân khi quyền nhân thân bị xâm phạm, nhưng không có quy định về thời hiệu
khởi kiện. Vậy trong khoảng thời gian bao lâu cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan
có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân của mình? Bởi có những quyền thời hạn
khởi kiện sẽ là vô hạn như quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền

đối với họ tên,… nhưng có nhũng quyền nhân thân không thể áp dụng thời hiệu
khởi kiện vĩnh viễn được như quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, bộ phận

19


cơ thể sau khi chết,… Vấn đề về thời hiệu khởi kiện để bảo vệ quyền nhân thân
cũng cần được quy định rõ trong BLDS.
Như đã phân tích một số thực trạng về bảo vệ quyền nhân thân ở ý 1, vậy để
bảo đảm việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của BLDS cần
sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLDS liên quan đến việc bảo vệ quyền
nhân thân của cá nhân. Đối với các quy định của BLDS, cần sửa đổi, bổ sung
Điều 25 BLDS theo hướng quy định không chỉ người có quyền nhân thân bị xâm
phạm có quyền yêu cầu bảo vệ mà cả người đại diện của họ cũng có quyền yêu
cầu bảo vệ và việc yêu cầu bảo vệ được đặt ra trong cả trường hợp người có
quyền nhân thân bị xâm phạm đã chết vì như đã nêu trên việc xâm phạm đến
quyền nhân thân của cá nhân trong nhiều trường hợp không chỉ gây thiệt hại, ảnh
hưởng tới quyền lợi của họ mà còn gây thiệt hại, ảnh hưởng xấu tới cả quyền lợi
của người thân và người liên quan đến họ. Ngoài ra, có thể sửa đổi, bổ sung
khoản 2 Điều 25 BLDS theo hướng quy định rõ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân để tạo thuận lợi cho cá nhân có
quyền nhân thân bị xâm phạm kịp thời thực hiện được việc bảo vệ quyền nhân
thân của mình.

KẾT LUẬN
Con người luôn là trung tâm, là tâm điểm hướng tới của mọi cuộc cách mạng
xã hội. Việc ghi nhận các quyền của con người là một trong những yếu tố đánh
giá sự tiến bộ của từng giai đoạn lịch sử, của từng nhà nước khác nhau. Nhà nước
Việt Nam luôn coi trọng các quyền của con người – trong đó có quyền nhân thân.
Với việc ghi nhận về các quyền nhân thân trong BLDS năm 2005 có thể thấy rằng

pháp luật dân sự Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong việc ghi nhận và
bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Các quyền nhân thân của cá nhân được ghi
nhận trong BLDS năm 2005 thể hiện sự tôn vinh của pháp luật đối với các giá trị
đích thực của con người, điều này đúng với bản chất của Nhà nước ta: Nhà nước
của dân, do dân, vì dân, đó cũng là sự thể hiện mục đích của pháp luật nói chung,
pháp luật dân sự nói riêng: Vì con người, lấy con người là trung tâm.

20



×