Tải bản đầy đủ (.pdf) (222 trang)

Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.35 MB, 222 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-----000-----

NGUYỄN THỊ THÙY DUYÊN

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
THỜI TRẦN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

TP. HỒ CHÍ MINH - 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-----000----NGUYỄN THỊ THÙY DUYÊN

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
THỜI TRẦN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Chuyên ngành: LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
Mã số: 62.22.80.01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
PGS, TS. NGUYỄN THẾ NGHĨA
Phản biện:


1. PGS, TS. NGUYỄN THANH BÌNH
2. PGS, TS. NGUYỄN XUÂN TẾ
3. PGS, TS. ĐINH NGỌC THẠCH
Phản biện độc lập:
1. PGS, TS. NGUYỄN THANH BÌNH
2. PGS, TS. TRƯƠNG QUỐC CHÍNH

TP. HỒ CHÍ MINH - 2015


LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi dưới sự
hướng dẫn khoa học của PGS, TS. Nguyễn Thế Nghĩa. Tôi xin hoàn
toàn chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của công trình này.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2015
Người thực hiện

Nguyễn Thị Thùy Duyên


MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU ........................................................................................ 01
PHẦN NỘI DUNG .................................................................................... 15
Chương 1: CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH
THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN................................... 15
1.1. Cơ sở và nhu cầu xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời
Trần ................................................................................................... 15
1.1.1. Bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội Việt Nam thế kỷ

XIII-XIV - cơ sở xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời Trần .......... 16
1.1.2. Nhu cầu xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời Trần ............... 33
1.2. Tiền đề lý luận hình thành tư tưởng chính trị thời Trần ......... 41
1.2.1. Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với việc hình thành
tư tưởng chính trị thời Trần ...................................................................... 42
1.2.2. Tư tưởng của “Tam giáo” với việc hình thành tư tưởng
chính trị thời Trần ...................................................................................... 48
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 ........................................................................... 62
Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
THỜI TRẦN .............................................................................................. 65
2.1. Tư tưởng về thể chế chính trị và tổ chức xã hội trong tư
tưởng chính trị thời Trần ....................................................................... 66
2.1.1. Tư tưởng về cơ cấu xã hội và quan hệ giai cấp xã hội trong tư
tưởng chính trị thời Trần ............................................................................. 67
2.1.2. Tư tưởng về quyền lực chính trị và thể chế chính trị trong tư
tưởng chính trị thời Trần ............................................................................. 77
2.1.3. Tư tưởng về tổ chức và quản lý xã hội trong tư tưởng chính trị
thời Trần ...................................................................................................... 82


2.2. Tư tưởng đối nội và đối ngoại trong tư tưởng chính trị thời
Trần ............................................................................................................ 99
2.2.1. Chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự chủ, tinh thần đoàn kết dân
tộc và tư tưởng vương quyền, thần quyền trong hoạt động đối nội
của thời Trần .............................................................................................. 99
2.2.2. Tư tưởng về chính sách và cách thức tổ chức quân sự của
thời Trần ................................................................................................... 106
2.2.3. Tư tưởng về chính sách và đường lối ngoại giao của thời
Trần ........................................................................................................... 115
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 ......................................................................... 119

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ
TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN ..................................................... 122
3.1. Những đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần ......... 122
3.1.1. Tính tiếp biến trong tư tưởng chính trị thời Trần ................... 122
3.1.2. Tính thực tiễn trong tư tưởng chính trị thời Trần ................... 142
3.1.3. Tính nhân bản sâu sắc trong tư tưởng chính trị thời Trần ..... 154
3.2. Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị thời Trần ......................... 163
3.2.1. Ý nghĩa lý luận của tư tưởng chính trị thời Trần ............................ 164
3.2.2. Ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng chính trị thời Trần ......................... 175
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 ......................................................................... 197
KẾT LUẬN CHUNG .............................................................................. 200
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................. 204


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Con người với hoạt động sống ngày càng đa dạng, phức tạp và tiến
bộ, do đó trong cộng đồng con người có tổ chức, để cho mọi hoạt động có
thể thực hiện được đều phải nhờ tới sự chỉ huy và phục tùng. Chính trị do
vậy là công việc cai trị, quản lý xã hội, duy trì sự tồn tại xã hội trong vòng
trật tự và phát triển bằng nhà nước và pháp luật. Chính trị, mà biểu hiện
đặc biệt của nó là quyền lực nhà nước, đã trực tiếp can thiệp và chi phối
các lĩnh vực khác nhau trong hình thái xã hội, do đó, trong xã hội có giai
cấp, tư tưởng chính trị là nền tảng, là căn cứ lý luận, là nguyên tắc chủ đạo
để giai cấp thống trị xây dựng nên hệ thống quyền lực nhà nước của mình,
vì lợi ích giai cấp và lợi ích của dân tộc. Đứng trên quan điểm đó nhìn
nhận ở Việt Nam, song hành với phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa,
phát triển khoa học công nghệ thì ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết

để tiến hành các hoạt động khác nhau trong xã hội.
Sau gần 30 năm đổi mới đất nước, trong bối cảnh yêu cầu hội nhập
với nền kinh tế khu vực và thế giới ngày càng khẩn trương và sâu rộng
hơn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tiếp thu những bài học
kinh nghiệm quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại của những yếu kém,
khuyết điểm. Bên cạnh những cơ hội phát triển mà quá trình toàn cầu hóa,
hội nhập quốc tế đem lại thì quá trình này cũng dẫn đến những tranh chấp
quyền lực, những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội ở một số quốc gia
trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Điển hình là các
hoạt động tranh chấp, xung đột cục bộ, hoạt động khủng bố quốc tế đang
gây mất ổn định chính trị ở khu vực và nhiều nơi trên thế giới, như khủng
bố ở Mỹ và các nước phương Tây, khủng hoảng chính trị ở Ukcraina,
tranh chấp quyền lợi kinh tế và chính trị giữa các nước khu vực biển


2

Đông, sự nổi dậy của những phe phái tôn giáo cực đoan... Do đó, để công
nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, Đảng ta luôn khẳng định nhiệm vụ
phát triển kinh tế là trọng tâm, còn nhiệm vụ ổn định chính trị là then chốt.
Để giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội trên một mảnh đất luôn bị đe dọa
bởi sự xâm lăng và nguy cơ đồng hóa như đất nước ta trong lịch sử, trong
suốt tiến trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã biết dựa vào sức
mạnh tổng hợp toàn dân tộc để thực hiện chủ quyền độc lập, tự do của
mình. Một trong những sức mạnh tổng hợp đó chính là bản sắc văn hóa
truyền thống, những giá trị tinh thần dân tộc, hình thành nên nội lực mạnh
mẽ của toàn thể dân tộc ta. Nội lực đó đã và đang phát huy sức ảnh hưởng
mạnh mẽ đến công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước, đồng thời góp phần
tạo dựng cho dân tộc ta một nghệ thuật chính trị độc đáo, bởi lẽ “trong
điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt giữ

gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống
đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các
dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam” [24, 111].
Vì vậy, tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc
ta, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh của những giá trị đó trong việc xây
dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời đại hiện
nay là việc làm có ý nghĩa lý luận lâu dài và cấp bách.
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, thời đại nhà Trần được xem là mốc
son chói lọi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển diện mạo văn hóa, tư
tưởng của một quốc gia phong kiến độc lập, đánh dấu bước ngoặt căn bản
trong tư duy, nhận thức của dân tộc ta về lòng yêu nước và tinh thần độc
lập tự cường. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ không chỉ
trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa mà cả trong lĩnh vực chính trị, biểu hiện rõ
nét trong công cuộc xây dựng một quốc gia thống nhất, độc lập, có chủ


3

quyền và toàn vẹn lãnh thổ; trong phát triển mọi mặt về kinh tế và văn
hóa; trong tổ chức quản lý xã hội quy củ và thống nhất từ trung ương đến
địa phương; trong việc thống nhất tư tưởng, cố kết lòng dân, tạo sức mạnh
đoàn kết toàn dân tộc chiến thắng giặc ngoại xâm… Những thành tựu ấy
là minh chứng hùng hồn cho những giá trị lý luận và tư tưởng được thời
đại nhà Trần vận dụng trong tổ chức và quản lý xã hội, nhất là tư tưởng
chính trị. Những vấn đề chính trị như: tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng
hệ thống pháp luật, quản lí và vận dụng sức mạnh của các tầng lớp, giai
cấp trong xã hội, khoan thư sức dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc,
tổ chức quân sự và thực hiện các chính sách ngoại giao trong xây dựng và
bảo vệ tổ quốc được vận dụng trong tư tưởng chính trị thời Trần đến nay
vẫn hiện diện trong đời sống chính trị đương đại. Trên bước đường xây

dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ
chức và quản lý các quá trình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta, thực tế
vẫn tồn tại nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần tập trung giải quyết
như: những bất cập tồn tại trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước
thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và
hoàn thiện, dẫn đến chưa theo kịp sự phát triển của đời sống, vấn đề
quyền lực thuộc về nhân dân còn mang tính hình thức,... Để hoàn thiện và
phát huy hiệu quả vai trò của chính trị và hệ thống chính trị trong quá
trình phát triển đất nước hiện nay, việc tiếp thu, kế thừa tư tưởng chính trị
của cha ông ta trong lịch sử, đặc biệt là tư tưởng chính trị thời Trần là hết
sức cần thiết và bổ ích. Do vậy, tác giả chọn đề tài “Tư tưởng chính trị
thời Trần - nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử” làm đề tài luận án của
mình với mong muốn góp phần làm sáng tỏ những điều kiện, tiền đề dẫn
đến sự hình thành và phát triển của tư tưởng chính trị thời Trần, những nội
dung cơ bản và những đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị


4

thời Trần, góp phần không chỉ làm rõ quy luật kế thừa của tư tưởng, mà
còn thông qua đó gợi nên nhiều vấn đề và bài học quý báu đối với chúng
ta hiện nay.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Tư tưởng chính trị thời Trần với tính cách là một hình thái ý thức xã
hội, một mặt phản ánh và bị chi phối bởi đặc điểm, nhu cầu của xã hội
Việt Nam thời kỳ nhà Trần; mặt khác, là sự kế thừa những tiền đề tư
tưởng, tôn giáo trước đó. Do vậy, để tìm hiểu tư tưởng chính trị thời Trần,
đã có nhiều công trình nghiên cứu, những bài viết dưới các phương diện,
hình thức và mức độ khác nhau. Có thể khái quát các công trình nghiên
cứu đó theo các hướng nghiên cứu sau:

Hướng thứ nhất, đó là các công trình nghiên cứu tư tưởng chính trị
thời Trần dưới góc độ lịch sử - xã hội, trước hết là những bộ sách sử lớn,
nguyên bản, có uy tín như: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 và tập 2 (Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008); Khâm định Việt sử thông giám cương
mục, tập 1 và tập 2 (Nxb. Giáo dục, Đà Nẵng, 2007); Lịch triều hiến
chương loại chí của Phan Huy Chú, tập 1 và tập 2 (Nxb. Giáo dục, Thanh
Hóa, 2007); Việt sử lược của Trần Quốc Vượng (Nxb. Văn Sử Địa, Hà
Nội, 1960); Đại cương lịch sử Việt Nam do Trương Hữu Quýnh, Đinh
Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009); Tìm
hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần của Viện Sử học (Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1980); Nước Đại Việt thời Lý - Trần của Nguyễn Khắc
Thuần (Nxb. Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh, 2002); Tìm hiểu về kết
cấu xã hội thời Trần của Trương Thị Yến (Nxb. Quân đội nhân dân, Hà
Nội, 2000); Vương triều Trần trước những biến động xã hội ở thế kỉ XIII
của Trần Thị Vinh (Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000);… Những
công trình khoa học nêu trên đã trình bày và phân tích khá sâu sắc những


5

sự kiện lịch sử xuyên suốt thời đại nhà Trần, trong đó làm nổi bật những
vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của xã hội Đại Việt từ đầu thế kỷ
X đến cuối thế kỷ XIV.
Tiêu biểu là công trình Đại Việt sử kí toàn thư tập 1 và tập 2 được
biên soạn qua nhiều đời, gắn liền với tên tuổi của những nhà sử học như
Lê Văn Hưu thế kỷ XIII, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỉ XV... Đây là
bộ sử biên niên chép lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng trong truyền
thuyết cho đến năm 1675, thu thập và trình bày một cách có hệ thống
những tư liệu gốc về lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đến thế kỷ
XVII. Tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội... là nguồn tư

liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử đất nước, xã hội, văn hóa, con
người Việt Nam thời cổ đại và trung đại. Điều đặc biệt của công trình này
là được biên soạn từ cuối thế kỉ XIII đến cuối thế kỉ XVII qua sự đóng
góp của Quốc sử viện nhiều đời từ thời Trần đến thời Lê Trung hưng, do
vậy, như nhận xét của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn “đối với thời
kỳ lừng danh như thời Đại Việt, nó là cả một bản anh hùng ca, cái gì có
liên quan đến nó, dẫu là một câu, một dòng chữ tự tay nhân vật đã sống
hoặc đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng viết ra, mà ta được đọc hay
được nghe, đều là tiếng nói thân thiết từ ngàn xưa vọng lại...” [120, 7-8].
Đó là nguồn tư liệu nguyên bản, đáng tin cậy nhất mà tác giả luận án sử
dụng để trích dẫn cho những nội dung nghiên cứu, những nhận định đánh
giá trong luận án của mình.
Bên cạnh bộ Đại Việt Sử ký toàn thư kể trên, lịch sử các triều đại
phong kiến Việt Nam còn được ghi chép trong bộ Khâm định Việt sử
thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn ra vào thế kỷ
XIX. Tuy nhiên, hai công trình trên chủ yếu tập trung vào các tài liệu lịch
sử, còn các tài liệu về chính trị kinh tế học, địa lý học, luật học, văn học,


6

ngoại giao, quân sự, chế độ quan liêu... lại được trình bày trong các thư
tịch Việt Nam, tiêu biểu là bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan
Huy Chú do Viện Sử học dịch và chú giải. Công trình này nghiên cứu tập
trung 10 bộ môn: Dư địa chí (tình hình địa lý và lịch sử địa lý của nước
Việt Nam), Nhân vật chí (tiểu sử các vua chúa, các quan lại, các nho sĩ,
các tướng sĩ, các người có tiết nghĩa, có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam),
Quan chức chí (lịch sử chế độ quan liêu Việt Nam trong lịch sử), Lễ nghi
chí (nghi lễ, phẩm phục vua chúa, quan lại, các lễ của triều đình), Khoa
mục chí (chế độ khoa cử và những người thi đỗ từ tiến sĩ trở lên từ triều

Lê trở về trước), Quốc dụng chí (chế độ thuế khóa và chế độ tài chính của
các triều đại trong lịch sử), Hình luật chí (tình hình pháp luật của các triều
đại), Binh chế chí (tổ chức quân sự), Văn tịch chí (sách bằng chữ Nôm
hay chữ Hán từ triều Lê trở về trước) và Bang giao chí (chính sách ngoại
giao, nghi lễ ngoại giao, lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc)
được phân loại và hệ thống hóa khá rành mạch với độ chính xác cao, chứa
đựng nhiều đánh giá tiến bộ của tác giả. Đó là nguồn tư liệu phong phú
cho tác giả luận án tìm tòi, đối chiếu với các bộ sách sử lớn để chọn lọc
trích dẫn và phân tích các nội dung trong luận án của mình.
Cuốn sách Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần là công trình
nghiên cứu của Viện Sử học. Công trình này đã nghiên cứu toàn diện xã
hội Việt Nam thời Lý - Trần, , trong đó tập trung phân tích 3 vấn đề chính:
1. Hình thái kinh tế thời Lý - Trần, trong phần này tác giả tập trung nghiên
cứu chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu ruộng đất thời Lý - Trần, kết
cấu kinh tế của xã hội Việt Nam thời Lý - Trần cũng như tình hình phát
triển thủ công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp, công tác trị thủy và
thủy lợi thời Lý - Trần; 2. Nghiên cứu về thể chế chính trị và kết cấu đẳng
cấp thời Lý -Trần, trong đó tập trung làm rõ cấu trúc xã hội thời Lý - Trần,


7

chế độ chiếm hữu nô lệ, tình hình pháp luật, đó là những vấn đề có liên
quan trực tiếp đến đề tài luận án. 3. Nghiên cứu về văn hóa và tư tưởng
của thời kì này, trong đó nêu bật tư tưởng chính trị - xã hội thời Lý - Trần
cùng với tư tưởng giáo dục, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, nhất là tư tưởng
Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo được thể hiện sinh động trong đời sống tư
tưởng và văn hóa thời Lý - Trần. Ba chủ đề được phân tích trong tác phẩm
này là nguồn tư liệu lịch sử quý báu cho tác giả tham khảo trong luận án
của mình.

Hướng thứ hai, đó là các công trình nghiên cứu tư tưởng chính trị
thời Trần dưới góc độ văn hóa, tôn giáo. Thời đại nhà Trần đã để lại
những dấu ấn sâu sắc, nổi bật trong lịch sử, do vậy mà đã có khá nhiều
công trình văn hóa, tôn giáo nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này. Để tìm
hiểu những điều kiện, tiền đề hình thành tư tưởng chính trị thời Trần,
những nội dung cơ bản và đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị
thời Trần, tác giả đã kế thừa các công trình có liên quan đến chủ đề này
như: trọn 3 tập “Thơ văn Lý - Trần” do Viện Văn học biên soạn (Nxb.
Khoa học xã hội, tập 1 xuất bản năm 1977, tập 2 xuất bản năm 1989 và
tập 3 xuất bản năm 1978). Đây là một công trình khá đồ sộ, được thực
hiện công phu và trình bày nguyên bản các tác phẩm, bản văn, thơ, kèm
theo những lời giới thiệu, đánh giá khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của
các vị vua và quan lại, tướng lĩnh thời Trần. Theo đó, những quan điểm
chính trị, những nhìn nhận về vai trò của nhân dân, về công cuộc cai trị
đất nước, về đạo, về đời của các Vua và tướng lĩnh thời Trần được thể
hiện rõ nét qua các các tác phẩm như thơ và các bài viết răn dạy của Trần
Thái Tông, Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn,...
Đó là cơ sở đáng tin cậy cho tác giả luận án trong việc trích dẫn cũng như
đưa ra những nhận định, đánh giá của mình. Ngoài ra, phải kể đến những


8

công trình bàn về văn hóa chính trị, tôn giáo như: Lịch sử các định chế
chính trị và pháp quyền Việt Nam, tập 1, của Phan Đăng Thanh, Trương
Thị Hoa (Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995); Sự phát triển tư tưởng
Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám (ý thức phong
kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử), tập 1, của Trần
Văn Giàu (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993); Tổng tập văn học Phật
giáo Việt Nam, tập 1, của Lê Mạnh Thát (Nxb. Văn hóa Huế, 1999); Đại

cương triết học Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến thế kỷ XVI), của
Nguyễn Hùng Hậu (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002); Việt Nam phật
giáo sử luận, tập 1, của Nguyễn Lang (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1994)...
Liên quan đến hướng nghiên cứu này còn có các bài báo khoa học đăng
trên các tạp chí chuyên ngành như: Vũ Văn Vinh, Một số quan niệm về
dân thời Lý - Trần, tạp chí Triết học, số 1 (101), tháng 2-1998; Nguyễn
Tài Thư, Về nguồn gốc của chế độ phong kiến Việt Nam và đạo đức
phong kiến Việt Nam, tạp chí Triết học số 6 (112), tháng 10-1999, Văn
Đức Thanh, Về các nhà nước phong kiến pháp quyền và đời sống xã hội
Việt Nam thời tự chủ, tạp chí Triết học số 8 (147), tháng 8-2003…Ngoài
ra, trong quá trình tìm tư liệu, tác giả luận án cũng tham khảo các công
trình luận án bàn về vấn đề này như: Triết học Phật giáo thời Trần, Luận
án tiến sĩ triết học của Đỗ Hương Giang, Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ, 2010; Một số nội dung cơ bản của tư tưởng Nho giáo Việt Nam thời
Trần, Luận án tiến sĩ triết học của Vũ Văn Vinh,Viện Triết học, Hà Nội,
1999. Nhìn chung, các công trình và bài báo viết về thời đại nhà Trần ở
góc độ này đã có những đóng góp rất quý báu, chân thực vào kho tàng văn
học, văn hóa tư tưởng và tôn giáo của Việt Nam. Đó là nguồn tài liệu
phong phú mà tác giả có thể tham khảo để trích dẫn và nghiên cứu.


9

Hướng thứ ba, đó là các công trình nghiên cứu về tư tưởng chính trị
thời Trần dưới góc độ tư tưởng, triết học. Tác giả tham khảo và kế thừa
các công trình nghiên cứu các vấn đề về thế giới quan, nhận thức luận,
nhân sinh quan, các quan điểm triết học của các vị vua, tướng lĩnh, đồng
thời là những nhà tư tưởng kiệt xuất dưới triều đại nhà Trần, cùng với các
dòng chảy khác nhau của lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ X - XIV. Cụ
thể là các công trình: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, của Nguyễn Tài

Thư (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993); Lịch sử tư tưởng Việt Nam
của Nguyễn Đăng Thục (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998); Tư tưởng
triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần của Trương Văn Chung (Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998); Đại cương lịch sử tư tưởng triết học
Việt Nam, tập 1, do Nguyễn Hùng Hậu chủ biên (Nxb. Khoa học xã hội,
Hà Nội, 2002); Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, của Nguyễn Trọng
Chuẩn (chủ biên) (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006); Tư tưởng Việt
Nam thời Lý - Trần, do Doãn Chính và Trương Văn Chung chủ biên (Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008); Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt
Nam từ Bắc thuộc đến thời kỳ Lý - Trần, của Lê Văn Quán (Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2008); Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, từ thời kỳ
dựng nước đến đầu thế kỷ XX do Doãn Chính chủ biên (Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2013)...
Công trình Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1 của Viện Triết
học do Nguyễn Tài Thư chủ biên, trình bày tư tưởng triết học Việt Nam từ
thời Tiền sử và Sơ sử đến thế kỷ XVIII, thông qua các chủ đề tương ứng
với 6 thời kỳ lịch sử. Qua đó, tập thể tác giả trình bày khái quát các điều
kiện xã hội, các quan điểm, tư tưởng của mỗi thời kỳ tương ứng với các
nhiệm vụ của dân tộc ta, mà tựu trung lại, nổi bật nhất là tư tưởng về độc
lập dân tộc, chủ quyền đất nước, ý thức đạo đức, quan điểm nhân sinh, tư


10

tưởng chính trị - xã hội và văn hóa tư tưởng... Trong đó, phần thứ 3, “Tư
tưởng thời kỳ phục hồi và xây dựng quốc gia độc lập thế kỷ X đến thế kỷ
XIV” là phần có liên quan trực tiếp đến chủ đề luận án, chỉ ra sự phát triển
của tư tưởng chính trị - xã hội, những quan điểm quân sự của Trần Quốc
Tuấn, sự ảnh hưởng Phật giáo và Nho giáo đến văn hóa tư tưởng của thời
Lý - Trần.

Công trình Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, từ thời kỳ dựng nước
đến đầu thế kỷ XX do Doãn Chính chủ biên là một công trình lớn, trình
bày khái quát, hệ thống quá trình hình thành, phát triển và những nội dung
của tư tưởng triết học Việt Nam trên các mặt: bản thể luận, nhận thức
luận, nhân sinh quan, chính trị - xã hội và đạo đức luân lý, qua các giai
đoạn, qua các thiền phái và qua từng nhà tư tưởng trong suốt chiều dài
lịch sử của dân tộc Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đến thời đại Hồ Chí
Minh. Điểm nổi bật của tác phẩm mà tác giả kế thừa trong luận án trước
hết là những quan điểm chính trị - xã hội trước và sau thời Trần, để từ cái
nhìn so sánh, tác giả luận án đưa ra những nhận định, đánh giá điểm nổi
bật, hạn chế, bài học lịch sử được rút ra từ tư tưởng chính trị thời Trần. Kế
tiếp là triết lý về đạo làm người, vai trò của chủ thể con người trong tiến
trình lịch sử, tinh thần và ý chí độc lập dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn,
tinh thần đoàn kết, tính khoan dung trong hoạt động văn hóa, hoạt động
chính trị... tạo nên cốt cách tinh thần, bản sắc của con người Việt Nam qua
các thời kì cũng được tác giả tham khảo từ công trình này trong nghiên
cứu đề tài luận án của mình.
Tác giả Lê Văn Quán với công trình Lịch sử tư tưởng chính trị - xã
hội Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến thời kỳ Lý - Trần (Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2008) là công trình nghiên cứu phần tiếp theo trong bộ sách
về Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam mà tác giả đã xuất bản


11

phần 1 (Tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ tiền sử đến thời dựng
nước) trước đó. Với những phân tích dựa trên các cứ liệu lịch sử phong
phú, công trình này đem đến cái nhìn bao quát về sự phát triển của tư
tưởng chính trị - xã hội nước ta từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập,
chống Hán hóa đến thời đại Lý - Trần. Trong đó, tác giả công trình đã

phân tích tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam qua các triều đại Ngô,
Đinh, Tiền Lê, Lý, đó là nguồn tài liệu cho tác giả luận án tham chiếu
trong việc phân tích đặc điểm tiếp biến của tư tưởng chính trị thời Trần.
Từ trang 165 đến trang 218 của công trình này, tác giả Lê Văn Quán đã
phân tích “tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam triều Trần” với những nội
dung như: tổ chức chính quyền và quan chế, tổ chức quân sự, pháp luật,
chính sách phục hồi kinh tế, phát triển đất nước; từ đó tác giả rút ra đặc
điểm tư tưởng chính trị - xã hội thời kì này như: tư tưởng yêu nước, quyết
tâm giành độc lập dân tộc, tư tưởng trọng dân, tư tưởng quân quyền, tư
tưởng thần quyền. Mặc dù những nội dung này chỉ được trình bày khái
quát với hàm lượng không nhiều, nhưng đó thật sự là những gợi mở hữu
ích cho tác giả trong quá trình thực hiện luận án của mình.
Kết quả của những công trình nghiên cứu kể trên thật sự là tài liệu
khoa học bổ ích cho chúng tôi trong việc học tập, kế thừa, phát triển
những nội dung được trình bày trong đề tài luận án. Tuy nhiên, trong các
công trình kể trên, các tác giả chủ yếu tập trung phân tích khái quát các
khía cạnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo, triết lý tư tưởng của các nhà tư tưởng
qua các triều đại theo tiến trình lịch sử. Tiếp thu thành quả của các công
trình trên, tác giả luận án cố gắng đi sâu vào nghiên cứu, trình bày những
điều kiện, tiền đề dẫn đến sự hình thành tư tưởng chính trị thời Trần cùng
những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị thời
Trần một cách chuyên sâu và hệ thống.


12

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích của luận án:
Mục đích của luận án là tập trung phân tích, làm rõ những nội dung
cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần, từ đó chỉ ra những đặc điểm và ý

nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị thời Trần.
Nhiệm vụ của luận án:
Để đạt được mục đích nêu trên, luận án đã thực hiện các nhiệm vụ
sau:
- Thứ nhất, trình bày, phân tích cơ sở xã hội và những tiền đề lý luận
hình thành tư tưởng chính trị thời Trần.
- Thứ hai, trình bày và phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng
chính trị thời Trần thông qua các hoạt động đối nội, đối ngoại.
- Thứ ba, rút ra những đặc điểm và ý nghĩa lịch sử mà tư tưởng chính
trị thời Trần đóng góp vào sự phát triển của lý luận chính trị và thực tiễn
chính trị của dân tộc ta dưới thời Trần trị vì và hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục đích và nhiệm vụ trên, tác giả luận án dựa trên cơ
sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng
và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đồng thời, tác giả còn sử dụng hệ thống các
phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp nghiên cứu sử học,
phương pháp hệ thống cấu trúc, phương pháp phân tích và tổng hợp,
lôgích và lịch sử, diễn dịch và qui nạp, đối chiếu và so sánh,… để nghiên
cứu và trình bày luận án.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ thống tư tưởng thời Trần.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận án, tác giả chỉ tập trung đi sâu, làm
rõ những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị thời


13

Trần được thể hiện tập trung thông qua đường lối, chính sách chính trị của
nhà Trần. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về những đặc điểm và giá trị lịch
sử của tư tưởng chính trị thời Trần, tác giả cũng so sánh và tham chiếu các

cứ liệu về niên đại, sự kiện, những nhận xét của người đương thời, cũng
như của những người nghiên cứu sau này, về những nhà chính trị, nhà tư
tưởng thời Trần, nhằm không sa vào thiên kiến chủ quan trong nhận định,
đánh giá về tư tưởng chính trị thời Trần.
6. Cái mới của luận án
Một là, luận giải một cách sâu sắc, có hệ thống lý do và cơ sở ra đời
của tư tưởng chính trị thời Trần.
Hai là, hệ thống hóa những nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị
thời Trần.
Ba là, khái quát những đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng
chính trị thời Trần đối với lý luận và thực tiễn chính trị thời Trần, đồng
thời liên hệ với những vấn đề chính trị của nước ta hiện nay.
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Về ý nghĩa khoa học, luận án góp phần làm rõ nội dung và đặc điểm
cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần, từ đó giúp người đọc tìm hiểu một
cách có hệ thống và sâu sắc về những quan điểm và thể chế chính trị được
vận dụng, thực hiện dưới thời Trần.
Về ý nghĩa thực tiễn, nghiên cứu nội dung tư tưởng chính trị thời
Trần, từ đó rút ra những đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của nó là góp phần
xây dựng và hoàn thiện tư duy chính trị của nước ta, gìn giữ và phát huy
những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc trong công cuộc đổi mới,
hội nhập hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng
làm tài liệu tham khảo cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy và học tập
Lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, Lịch sử tư tưởng Việt Nam.


14

8. Kết cấu của luận án
Với mục đích và nhiệm vụ trên, ngoài phần mở đầu, phần kết luận

và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được kết cấu thành 3 chương, 6
tiết, 15 tiểu tiết.


15

PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN
HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN
Là một hình thái ý thức xã hội, quá trình hình thành tư tưởng của
một dân tộc nói chung và tư tưởng chính trị nói riêng luôn gắn liền với
các điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội, và văn hóa của dân tộc
đó. Ứng với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, các tiền đề này qui định nội
dung, tính chất các hình thái tư tưởng khác nhau. Đúng như C. Mác và
Ph. Ăngghen đã nói: “Không phải ý thức của con người quyết định tồn
tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ” [6,
15] và “không thể nhận định được về một thời đại đảo lộn như thế chỉ
căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy
bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có
giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội”
[6, 15]. Sự hình thành và phát triển của tư tưởng chính trị thời Trần
cũng không nằm ngoài tính quy định đó. Thông qua điều kiện kinh tế,
xã hội, văn hóa, tư tưởng, khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc Đại
Việt thời đó mà tư tưởng chính trị thời Trần được biểu hiện cụ thể với
tính cách là hệ thống triết lý tư tưởng nằm trong kiến trúc thượng tầng
xã hội, một mặt nó chi phối các lĩnh vực của đời sống xã hội Đại Việt
dưới thời nhà Trần; mặt khác, nó phản ánh nhu cầu và lợi ích của tầng
lớp quí tộc dòng họ nhà Trần, đó là duy trì, củng cố quyền lực và địa vị
thống trị toàn xã hội trên cơ sở một quốc gia thống nhất, một chính

quyền trung ương tập quyền vững mạnh.
1.1. CƠ SỞ VÀ NHU CẦU XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG
CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN


16

Lịch sử tồn tại và phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam đã
chứng kiến sự thay thế triều đại này bằng một triều đại khác diễn ra như
một quá trình tất yếu, mang tính khách quan. Triều đại đang thống trị một
khi đi vào khủng hoảng, tỏ ra bất lực trong việc điều hành quốc gia, gây
mất ổn định xã hội thì một bước ngoặt chuyển giao quyền lực sẽ được
thực hiện. Bước chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần cũng
không nằm ngoài tính tất yếu đó. Vào những năm cuối thế kỷ XII, đầu thế
kỷ XIII, những vị vua cuối cùng của nhà Lý như Lý Cao Tông, Lý Huệ
Tông trên thực tế đã không còn đại diện cho lợi ích quốc gia lẫn lợi ích
của tầng lớp quý tộc phong kiến. Sự quan liêu, lũng đoạn của những kẻ
gian thần vây quanh triều đình bạc nhược và thiển cận dẫn đến sự suy yếu
của bộ máy quyền lực nhà Lý. Trong bối cảnh đó, việc phế bỏ nhà Lý suy
yếu đang cản trở con đường phát triển của dân tộc là một động thái chính
trị không thể trì hoãn. Bước chuyển giao quyền lực chính trị êm thắm từ
nhà Lý sang nhà Trần đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đại Việt kế tục nhiều
thành tựu trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội có được từ thời Lý.
Xã hội Đại Việt dưới thời Trần được xem là giai đoạn phát triển rực rỡ
của chế độ phong kiến Việt Nam.
1.1.1. Bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội Việt Nam thế
kỷ XIII-XIV - cơ sở xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời Trần
Về kinh tế và các hoạt động kinh tế thời kì nhà Trần, dựa trên các
tài liệu lịch sử, các nhà sử học đều thống nhất rằng, “cơ sở kinh tế của xã
hội thời Lý - Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII) về cơ bản là chế độ sở

hữu nhà nước về đất đai thông qua công xã nông thôn” [14, 14]. Dưới thời
nhà Trần, kinh tế nông nghiệp nông thôn giữ vai trò chủ đạo, nổi bật là sự
phát triển mạnh mẽ của chế độ tư hữu về ruộng đất, dẫn đến sự xuất hiện
tầng lớp địa chủ, quí tộc nhà Trần. Do yêu cầu tăng cường sức mạnh của


17

quốc gia và ổn định những thu nhập hằng năm mà nhân dân và nhà nước
thời kỳ này đều chăm lo phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, sự phát
triển của nông nghiệp cũng làm cho các hoạt động mua bán, trao đổi hàng
hóa ngày càng phát triển, tiền tệ giữ vai trò quan trọng trong xã hội và
việc mua bán ruộng đất cũng dần phổ biến hơn trong xã hội. Tất cả điều
đó đã làm cho chế độ ruộng đất nói chung và chế độ sở hữu nhà nước, sở
hữu tư nhân về ruộng đất nói riêng dưới thời Trần rất phát triển. Đồng
thời, sự phát triển của nền kinh tế cũng làm bộc lộ mầm mống của những
mâu thuẫn mới trong quan hệ giai cấp của chế độ phong kiến nhà Trần
trên bình diện xã hội.
Phân tích chế độ ruộng đất dưới thời Trần, có thể thấy, hình thức sở
hữu ruộng đất gồm có ruộng đất sở hữu thuộc nhà nước và ruộng đất sở
hữu tư nhân. Về hình thức ruộng đất sở hữu thuộc nhà nước được cấu
thành bởi hai bộ phận: ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý và ruộng
đất công làng xã (ruộng đất công do làng xã trực tiếp quản lý). Chế độ sở
hữu nhà nước về ruộng đất thực chất là quyền sở hữu tối cao về ruộng đất
của nhà vua - người đứng đầu nhà nước chuyên chế. Loại ruộng đất này
tồn tại như tài sản của bản thân nhà vua và hoàng cung. Quyền sở hữu
được biểu hiện ở quyền được hưởng những hoa lợi bóc lột, quyền thu địa
tô do thần dân cống nạp cho riêng hoàng đế. Bộ phận ruộng đất này bao
gồm sơn lăng, tịch điền và quốc khố, chiếm diện tích không lớn, nhưng
cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho triều đình. Sử cũ cho biết: “mùa

đông, tháng 11 năm Bính Thìn (1316), sai tể thần, tôn thất cùng các quan
gặt ruộng tịch điền” [133, 101]. Ngoài ra, ruộng quốc khố còn do những
người bị tù tội, thân phận thấp hèn cày cấy, năm 1230, những người bị tội
đồ “thì thích vào mặt 6 chữ, cho ở Cảo xã (nay là xã Nhật Cảo), cày ruộng
công, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc” [133, 12]. Tuy


18

nhiên, ruộng đất công thuộc về danh nghĩa của vua, nhưng thực chất là
công điền, công thổ của làng xã, do công xã quản lý và phân phối cho các
thành viên công xã cày cấy; nông dân nộp lại tô thuế, nô dịch cho nhà
nước. Ruộng công làng xã dưới thời nhà Trần đã thực sự trở thành một
cơ sở kinh tế của nhà nước. Như vậy, quyền sở hữu nhà nước được thiết
lập trên các công xã nông thôn, nghĩa là vua nắm quyền sở hữu tối cao
về ruộng đất, còn các công xã được nắm quyền chiếm dụng và phân phối
lại ruộng đất cho các thành viên công xã. Đây là mối quan hệ sở hữu kép
mang đậm màu sắc của chế độ phong kiến phương Đông. Tuy nhiên, sự
chi phối của nhà nước và ý thức bảo vệ bộ phận ruộng đất công này còn
chưa chặt chẽ, biểu hiện ra là các làng xã được phân công ruộng đất công
không bằng nhau và không phải nhân đinh nào cũng được chia đều ruộng
đất như nhau, “nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có
ruộng đất thì miễn cả” [133, 19]. Quan hệ sở hữu kép này cộng hưởng
với chính sách ban cấp ruộng đất cho công thần của các vua Trần đã góp
phần làm lộ diện mạnh mẽ hình thức sở hữu tư nhân về ruộng đất dưới
thời Trần.
Trên bước đường xây dựng một nhà nước ngày càng hoàn chỉnh,
đến thời Trần, nhà nước định lệ cấp bổng cho các quan văn võ trong
ngoài, sử dụng ruộng đất công làng xã vào việc phong cấp cho quan lại,
họ hàng, cận thần và công thần của mình. Chính sách ban cấp ruộng đất và

bổng lộc của nhà Trần được thể hiện tiêu biểu nhất là thái ấp. Việc ban
cấp thái ấp chính là chính sách kinh tế quan trọng nhằm tạo ra cơ sở xã hội
cho chính quyền nhà Trần. Sử thần Ngô Sỹ Liên chép: “theo qui chế nhà
Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở
Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả” [133, 32]. Vua Trần Thái
Tông khi đỡ tội làm phản cho Trần Liễu, đã “lấy đất Yên Phụ, Yên


19

Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc”
[133,16]. Thái ấp là tài sản riêng, thuộc sở hữu tư nhân của quí tộc, do đó
sự tồn tại của nó gắn chặt với triều đình, với dòng họ nhà Trần. Mặt khác,
do nhu cầu mở rộng diện tích canh tác và thực hiện chủ trương xây dựng,
củng cố thế lực của quí tộc Trần, nhà nước chủ trương khai hoang, lập đồn
điền ở nơi đất hoang nhiều, dân cư thưa thớt. Năm 1266, nhà vua “xuống
chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người
dân phiêu tán, không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ
hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy”
[133, 36]. Như vậy, người lao động chủ yếu trong các điền trang, thái ấp
là các nông nô, nô tỳ. Họ có thân phận khác nhau, có người là nô tỳ, có
người là nông dân bị lệ thuộc, hoặc là những người nô tỳ sau khi khẩn
thành ruộng thì cho lấy nhau mà ở ngay đấy. Điều lệ lập điền trang đã đẩy
mạnh sự phát triển sở hữu lớn của quí tộc nhà Trần, làm phát triển mạnh
mẽ việc chiếm hữu tư nhân về ruộng đất, tạo thêm một bước chuyển biến
mở rộng cho hình thái kinh tế phong kiến. Điền trang và thái ấp là hai bộ
phận quan trọng có ý nghĩa quyết định tính chất, loại hình sở hữu ruộng
đất phong kiến quí tộc thời bấy giờ.
Cùng với đó, việc nhà Trần cho bán công điền thành tư điền thì chế
độ sở hữu về ruộng đất đã có thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ, rộng

khắp và trở thành một nhân tố kinh tế mới. Năm 1254, triều đình ra lệnh
“bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền (bấy giờ gọi mẫu là diện), cho
phép nhân dân mua làm ruộng tư” [133, 25]. Tiền tệ cũng đã xâm nhập
mạnh mẽ vào ruộng đất. Ruộng đất trở thành hàng hóa mua bán trao đổi,
chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân được mở rộng và phát triển mạnh. Khi
việc mua bán ruộng đất tương đối phổ biến, ruộng đất của dân nghèo được
chuyển vào tay địa chủ ngày càng nhiều sẽ gây ra những năm mất mùa đói


20

kém. Tháng 4 năm 1290 “đói to, 3 thăng gạo giá 1 quan tiền, dân nhiều
người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi
người giá 1 quan tiền” [133, 67]. Đến khi việc mua bán ruộng đất dồn dập
hơn, triều đình phải ra lệnh qui định thể thức làm văn tự bán hay đợ ruộng
đất, xuống chiếu “những người mua dân lương thiện làm nô tỳ thì cho
chuộc lại, ruộng đất và nhà ở không theo luật này” [133, 68]; “phát thóc
công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế dân đinh” [133, 67]. Như vậy,
ruộng đất đã thực sự biến thành hàng hóa, kích thích tầng lớp quí tộc xúc
tiến mạnh mẽ việc khai khẩn đất hoang lập điền trang, mua bán ruộng đất,
kinh doanh làm giàu. Do đó, diện tích đất của nông dân ngày càng bị thu
hẹp. Hệ quả của nó là sự phân hóa sâu sắc trong xã hội, sự bóc lột của giai
cấp thống trị tất yếu làm bùng nổ những cuộc khởi nghĩa của nông nô, nô
tỳ, tạo ra vết nứt trên bình diện chung của nền kinh tế xã hội thời Trần.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp với đặc trưng là
chế độ sở hữu về ruộng đất, thời Trần, triều đình cũng chú trọng xây dựng
các công trình thủy lợi, trị thủy, xây dựng hệ thống đê dọc sông Hồng và
các sông đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Năm 1255, “sai Lưu Miễn bồi
đắp đê sông các xứ ở Thanh Hóa” [133, 25], đồng thời cho nạo vét kênh
ngòi tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, bảo vệ mùa màng, tránh thiên tai,

phát triển nông nghiệp. Sử cũ chép rằng: “Mùa xuân, tháng giêng, sai Nội
minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào
vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn
Châu” [133,13], năm 1248 “vét sông Tô Lịch” [133, 27] nhằm đảm bảo
giao thông và tưới tiêu cho các vùng xung quanh kinh thành. Năm 1256,
Nhân Tông lại cho đào sông Mã, sông Lễ và đục núi Chiếu Bạch ở Thanh
Hóa. Như vậy, bên cạnh chính quyền nhà Trần có biện pháp nhanh chóng
phục hồi sản xuất nông nghiệp, mở rộng thêm diện tích canh tác thì một


×