Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

Phân tích khái niệm quyết định hành chính và vai trò của quyết định hành chính trong quản lý hành chính nhà nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (140.85 KB, 12 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng quản lý hành chính nhà nước , các chủ
thể quản lý sử dụng nhiều hình thức hoạt động khác nhau, nhưng hình thức cơ bản và
quan trọng nhất là hoạt động xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước. Hoạt
động ban hành quyết định quản lý nhà nước chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động
quản lý, bởi vì hầu hết mọi hình thức hoạt động quản lý khác đều trực tiếp hoặc gián
tiếp phục vụ cho hoạt động xây dựng và ban hành các loại quyết định hành chính,
hoặc là để tổ chức thực hiện các quyết định đó. Quyết định hành chính là phương tiện
không thể thiếu và chủ yếu mà các chủ thể quản lý sử dụng để thực hiện hầu hết các
nhiệm vụ, chức năng quản lý. Vì vậy, nắm vững khái niệm quyết định hành chính, vai
trò của quyết định hành chính trong quản lý hành chính nhà nước là điều kiện cơ bản
để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Chính vì vậy, em xin chọn đề tài :”
Phân tích khái niệm quyết định hành chính và vai trò của quyết định hành chính
trong quản lý hành chính nhà nước”.
Do điều kiện thời gian cũng như sự hiểu biết về vấn đề này còn có hạn nên bài
viết không tránh khỏi những thiếu sót. Em kính mong nhận được những sự góp ý của
thầy, cô.

EM XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN!

NỘI DUNG
Phần I: Khái niệm quyết định hành chính.


Như chúng ta đã biết, quyết định hành chính là một loại quyết định pháp luật, nên
để hiểu rõ về quyết định hành chính, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm “ quyết định” và
“ quyết định pháp luật”.
Theo Từ điển tiếng Việt thì “quyết định” là định một cách chắc chắn, với ý nhất
định phải thực hiện(1) . Giáo trình Luật hành chính( Trường đại học Khoa học xã hội
và nhân văn, năm 1994) và rất nhiều tài liệu pháp lí nước ngoài cho rằng “quyết định”
được bắt nguồn từ thuật ngữ Latin - “Actus” nghĩa là hành động (2)- nhằm chỉ những


hành vi cụ thể. Bởi vậy, sách báo pháp lý nước ngoài thường gọi hành động, một hoạt
động dẫn đến hệ quả pháp lý là quyết định pháp luật - kết quả sự thể hiện ý chí quyền
lực nhà nước (tức là kết quả của hành động mang tính pháp lý- quyền lực).
Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học (Nhà xuất bản Công an nhân dân Hà
Nội,1999) thì “ quyết định hành chính” được hiểu là: “Kết quả sự thể hiện ý chí quyền
lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các
tổ chức và cá nhân được Nhà nước trao quyền, thực hiện trên cơ sở và để thi hành
pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện
quản lí hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách.” (3)
1

Các giáo trình Luật hành chính và sách báo pháp lý thường hay sử dụng các

thuật ngữ khác đồng nghĩa với thuật ngữ “ quyết định hành chính” như “ quyết định
quản lý nhà nước”, hoặc gần với thuật ngữ “ quyết định hành chính” như “ quyết định
quản lý của cơ quan hành chính”. Như vậy, các tác giả của khái niệm thứ hai này chỉ
xem xét một loại quyết định hành chính chủ yếu là quyết định hành chính do cơ quan
hành chính ban hành. Như vậy, ta có thể đưa ra định nghĩa về quyết định hành chính
như sau:

1(1) xem: Từ điển tiếng Việt, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
(2)xem:Giáo trình luật hành chính,1994, Khoa luật trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
(3)xem: Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học, nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999.


Quyết định hành chính là một dạng của quyết đinh pháp luật, nó là kết quả sự thể
hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực
hiện quyền hành pháp trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một
trình tự dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm đưa ra
những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó

giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản
lí hành chính nhà nước.
Như đã nói, quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, vì vậy
mà nó luôn mang tính quyền lực nhà nước. Việc thực hiện quyền lực nhà nước thường
thể hiện dưới hình thức là những quyết định bằng văn bản, trong số những quyết định
thành văn đó thì những quyết định do chủ thể quản lí hành chính ban hành rất nhiều.
Tính quyền lực nhà nước trước hết thể hiện ở ngay hình thức của những quyết định,
bởi theo quy định của pháp luật thì chỉ có cơ quan nhà nước mới được đơn phương ra
quyết định pháp luật xuất phát từ những lợi ích chung (theo quy định của Luật ban
hành Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2008 thì các tổ chức xã hội
chỉ được phép kết hợp với cơ quan nhà nước để ra một số quyết định cần thiết). Tính
quyền lực, đơn phương của quyết định hành chính còn thể hiện rõ ở nội dung và mục
đích của quyết định. Để thực thi quyền hành pháp trên cơ sở luật và đẻ thi hành luật,
quyết định hành chính luôn thể hiện tính mệnh lệnh rất cao, chính vì vậy tính quyền
lực nhà nước còn thể hiện ở tính đảm bảo thi hành của quyết định. Về nguyên tắc, mọi
quyết định đều phải được thi hành, kể cả những quyết định có sự phản kháng từ đối
tượng quản lí. Như vậy có nghĩa là quyết định sẽ được đảm bảo thi hành bằng biện
pháp cưỡng chế Nhà nước khi cần thiết.
Quyết định hành chính như trên đã trình bày là kết quả của sự thể hiện ý chí nhà
nước. Do đó, các quyết định hành chính ban hành đều có giá trị về mặt pháp lí hay nói
cách khác là đều mang tính pháp lí. Quyết định hành chính xuất hiện đã tác động ngay
đến cơ chế điều chỉnh pháp luật, quyết định hành chính có thể đưa ra những biện pháp
hoặc những chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lí hành chính. Tính pháp lí của quyết


định hành chính còn thể hiện ở việc làm xuất hiện, thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm
pháp luật hoặc làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể. Ví
dụ: Điều 30, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định “ Người điều khiển, người
ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có
cài quai đúng quy cách”. Như vậy, nếu như cá nhân tham gia giao thông không thực

hiện đúng quy định trên sẽ phải chịu một hình thức xử phạt vi phạm hành chính thông
qua một văn bản hành chính cá biệt.
Ngoài những đặc điểm chung nêu trên, quyết định hành chính còn có những đặc
điểm riêng sau:
Thứ nhất, đó là tính dưới luật: Đặc điểm này xuất phát từ nguyên tắc pháp chế
trong quản lí nhà nước, thể hiện ở chỗ các quyết định hành chính được xây dựng và
ban hành phải có nội dung phù hợp và để thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và mọi
quyết định pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và cơ quan quyền lực cùng cấp.
Bên cạnh đó, tính dưới luật thể hiện ở chỗ, mọi quyết định hành chính phải được ban
hành theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục do luật quy định. Nếu không đảm bảo yêu
cầu này, quyết định hành chính hoặc sẽ bị coi là không có hiệu lực, hoặc sẽ phải chỉnh
lí, sửa đổi.
Thứ hai, quyết định hành chính là những quyết định do nhiều chủ thể trong hệ
thống cơ quan hành chính nhà nước ban hành, đó là những chủ thể ở trung ương, địa
phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như những chủ thể có thẩm quyền
chuyên môn…
Thứ ba, quyết định hành chính có những mục đích và nội dung rất phong phú,
xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Ngoài ra,
quyết định hành chính là những quyết định mà về mặt hình thức có những tên gọi
khác nhau theo quy định của pháp luật như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị,
thông tư.


Phần II: Vai trò của quyết định trong quản lí hành chính nhà nước.
1. Quyết đinh hành chính đưa ra chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lí hành
chính.
Quyết định hành chính có vai trò quan trọng trong quản lí hành chính nhà nước.
Thông qua quyết định hành chính, cơ quan hành chính nhà nước để ra chủ trương,
đường lối, nhiệm vụ, biện pháp lớn để quản lý hành chính nhà nước. Nhiều quyết đinh
hành chính quan trọng của chính phủ đã được đưa vào đời sống và có tác động tích

cực. Ví dụ như Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo là một
chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về
kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống của người dân ở các huyện nghèo nhất của cả nước,
thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng , miền, tiếp tục thực hiện công
cuộc xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững; Nghị quyết 31/2010/NQ-CP của Chính
phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ giai đoạn 2010-2015 thực hiện Kết
luận số 44-KL/TW ngày 01/04/2009 của Bộ chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị
quyết 477/NQ-TW ngày 22/03/2005 của Bộ chính trị ( khóa IX) về “Tiếp tục đẩy
mạnh thực hiện chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình”…
2. Quyết định hành chính hướng dẫn thi hành Luật, cụ thể hóa, chi tiết hóa Luật,
thể chế đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động quản lí của nhà nước, quyết định hành
chính là phương tiện không thể thiếu của cơ quan quản lí của nhà nước nhằm thực
hiện chức năng quản lí. Quyết định hành chính được cơ quan hành chính ban hành để
thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật, chuyển tải Luật vào cuộc sống, góp phần tạo
nên giá trị thực tiễn của Luật. Ví dụ như Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày
27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản
hay Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 về thi hành Luật bảo vệ và phát triển
rừng là hai văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực mội trường. Hai văn bản này được
ban hành theo hướng thông thường hơn, minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho


các chủ thể trong lĩnh vực khoáng sản cũng như bảo vệ và phát triển rừng. Việc quy
định này tạo cơ sở cho việc thực hiện Luật dễ dàng hơn làm cho các quy đinh của
Luật đi vào cuộc sống.
Quyết định hành chính có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương,
chính sách lãnh đạo của Đảng vào quản lí hành chính nhà nước. Với tính cách là công
cụ điều chình trực tiếp, chi tiết các quá trình xã hội, quyết định hành chính thể chế hóa
các quan điểm, chính sách của nhà nước, các chủ trương, đường lối chính sách của

Đảng, một mặt bảo đảm sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác tích
cực mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền công dân.
Thông thường, Đảng ít khi can thiệp vào những công việc cụ thể thuộc thẩm quyền
của nhà nước nhưng về những vấn đề quan trọng và khi cấp ủy Đảng có thẩm quyền
đã có ý kiến chỉ đạo thì các chủ thể quản lí hành chính nhà nước luôn cân nhắc, tôn
trọng các ý kiến đó trong việc hình thành nội dung văn bản. Nhờ đó, đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi có hiệu quả, tạo ra sự biến
đổi lớn lao và tích cực cho đời sống xã hội, đạt được thành tựu to lớn và quan trọng.
Luật là loại văn bản phy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản,
quan trọng. Chúng chỉ thực sự đi vào đời sống, phát huy hiệu lực khi được cụ thể hóa,
chi tiết hóa bằng các quyết định hành chính. Luật không được cụ thể hóa, chi tiết hóa
thì không chỉ làm chậm quá trình đưa luật vào đời sống mà còn có thể gây ra những
hậu quả tai hại do các quan hệ xã hội cơ bản quan trọng không được điều chỉnh đúng
đắn, kịp thời.
3. Quyết đinh hành chính góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo cơ hội quản lí tốt
và phát triển xã hội.
Mỗi một quan hệ pháp luật đều chịu sự chi phối và điều chỉnh bởi các quy phạm
pháp luật. Trong số các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ đó, ta phải kể đến
quyết định hành chính. Cũng như quy phạm pháp luật, một trong những đặc điểm của
quyết định hành chính là tính cưỡng chế nhà nước cho nên so với các quy phạm khác,
dường như nó mang một sức mạnh to lớn hơn, có sức ảnh hưởng rộng không chỉ tới


một vụ việc, một chủ thể, một địa bàn nhỏ hẹp mà còn trong nhiều trường hợp với
nhiều chủ thể khác nhau trong một khu vực hành chính hay trong cả nước. Nhờ đó mà
việc quản lý xã hội đạt được hiệu quả to lớn. Trong thực tế, những quyết định này
mang tính bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức cho nên trong những hoàn cảnh nhất
định họ phải làm theo nhằm đưa ra các chuẩn mực ứng xử và điều chỉnh các hành vi
xử sự theo mong muốn thiết lập trật tự xã hội ổn định. Mặt khác, các biện pháp chế tài
của Luật hành chính không chỉ mang tính chất trừng trị người vi phạm mà quan trọng

hơn nó có tác dụng giáo dục răn đe người vi phạm không lặp lại vi phạm đó đồng thời
ngăn chặn những hành vi mới xảy ra. Chính nhờ đó mà trật tự an toàn xã hội được
đảm bảo.
4. Quyết định hành chính dặt ra các quy tắc xử sự để điều chỉnh các mối quan hệ
xã hội phát sinh trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước.
Xã hội thường được ví như một cơ thể sống để nói đến sự vận động không ngừng
của đời sống xã hội mà ở đó có rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Để duy trì trật tự xã
hội đòi hỏi phải có quyết định hành chính để điều chỉnh các mối quan hệ đó trong
những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Nhìn một cách khái quất có thể thấy số lượng
các quyết định hành chính ngày càng nhiều và chiếm tỉ trọng rất lớn trong số các
quyết định pháp luật. Các quyết định hành chính đã bao quát được một phạm vi rộng
lớn các quan hệ xã hội vần điều chỉnh. Quy trình xây dựng được thực hiện đúng luật
và dân chủ hơn. Chất lượng của các quyết định hành chính ngày càng được nâng cao.
Đa phần các quyết định hành chính được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của thực
tiễn quản lí, góp phần tích cực vào việc tăng cường pháp chế, ổn định, phát triển xã
hội. Chẳng hạn như Nghị định 130/2005 ngày 17/10/2005 quy định chế độ tự chủ, tự
chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lí đối với cơ quan nhà nước.
Nghị định này đặt ra cho các cơ quan nhà nước chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm
trong quản lí và thông qua đó tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động trong việc sử
dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính một cách hợp lí nhất để hoàn thành tốt
chức năng, nhiệm vụ được giao, thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng lao động, kinh phí quản lí hành chính và


nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí quản lí hành chính, tăng thu
nhập cho cán bộ, công chức.
5. Quyết định hành chính được dùng để giải quyết một công việc cụ thể trong đời
sống xã hội nhằm thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước (quyết
định áp dụng pháp luật).
Để giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh trong hoạt động quản lý, số lượng và

nhu cầu ban hành các quyết định hành chính của các chủ thể có thẩm quyền ngày càng
nhiều. Chẳng hạn như Quyết định số 94/2007/QĐ-UBND ngày 16/01/2007 về việc
thành lập khu công nghiệp Bình Long; Quyết định số 1183/2009/QĐ-UBND ngày
09/06/2009 về việc thành lập Khu công nghiệp Bình Hòa; Quyết định 187/QĐ-UBND
về phê duyệt kế hoạch công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Bình năm 2011.. Đây là
những quyết định rất cần thiết đối với quản lý hành chính nhà nước, góp phần thúc
đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng thành công công cuộc công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phần III: Một số hạn chế về việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện quyết
định hành chính hiện nay và giải pháp khắc phục.
Có thể nói, ý nghĩa mà quyết định hành chính đem lại cho lĩnh vực quản lý hành
chính là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, trong quản lý hành chính nhà nước vẫn tồn tại một
số quyết định được ban hành nhưng không mang lại hiệu quả quản lý mà ngược lại nó
còn gây bất lợi cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Ví dụ như những quyết
định hành chính được ban hành trái pháp luật, trái thẩm quyền, không đáp ứng được
yêu cầu của thực tiễn quản lí, gây tổn hại cho xã hội, có hiệu quả quản lí thấp. Trên
thực tế hiện nay, các quyết định hành chính có thể nói đang trong tình trạng vừa thừa
vừa thiếu, nhiều quyết định hành chính còn thiếu hệ thống, thiếu sự tập trung, thống
nhất và cụ thể về nội dung gây khó khăn cho việc nắm vững và áp dụng một cách
thống nhất. Bên cạnh đó, tình trạng chồng chéo, trùng lặp của các quyết định hành
chính cũng diễn ra khá phổ biến; nhiều quy định còn mâu thuẫn với nhau hoặc không
còn phù hợp với thực tế cuộc sống, chậm được sửa đổi, bổ sung. Ngược lại, nhiều vấn
đề cần phải ổn định thì lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung khiến cho tính ổn định của


nhiều quyết định chưa cao, có những quyết định mới ban hành chưa có văn bản hướng
dẫn thi hành đã phải sửa, gây khó khăn trong việc hiểu, giải thích, áp dụng một cách
thống nhất và đầy đủ. Ví dụ như như Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/09/2007
của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông
đường bộ khi mới ban hành đã bộc lộ nhiều bất cập, khiếm khuyết khiến việc xử lý

gặp nhiều khó khăn, vừa ban hành đã cần sửa đổi. Các quy định liên tục bị sửa đổi, bổ
sung sẽ tạo tâm lý không yên tâm trong quản lý. Ngoài ra, một số quyết định hành
chính được ban hành còn trái pháp luật, ví dụ Thông tư 02/2003/TT-BCA ngày
13/01/2003 của Bộ công an về việc hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký biển số phương
tiện giao thông cơ giới, quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô hoặc xe
gắn máy. Đây là quyết định trái với Hiến Pháp, Bộ Luật dân sự về quyền sở hữu tài
sản của người dân nhưng vẫn được thực hiện trên thực tế trong một thời gian khá
dài…
Để khắc phục được những mặt hạn chế trên, cũng như nâng cao vai trò của quyết
định hành chính trong quản lý hành chính nhà nước, ta cần phải dựa trên thực tiễn
quản lý hành chính nhà nước để xây dựng, ban hành các quyết định hành chính; phải
có quy trình báo cáo đánh giá toàn bộ các quy định có liên quan trước khi xây dựng
văn bản mới; khi xây dựng quyết định hành chính cần phải kết hợp hài hòa giữa chi
tiết và khái quát trong mỗi văn bản; nâng cao năng lực của các chuyên gia trong việc
xây dựng các quyết định hành chính để nâng cao chất lượng quyết định; cần có cơ chế
nâng cao trách nhiệm của các cơ quan được lấy ý kiến để những ý kiến có đóng góp
thực sự vào việc xây dựng các quyết định hành chính; tăng cường sự chỉ đạo, phối
hợp hoạt động giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước
trong hoạt động thực thi các quyết định hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền về nội dung của các quyết định hành chính trên các phương tiện thông tin
đại chúng để cán bộ, công chức và người dân hiểu rõ ý nghĩa và nội dung của quyết
định hành chính; hoàn thiện cơ chế và bảo đảm cho việc thi hành các quyết định hành
chính…
KẾT LUẬN


Quyết định hành chính có vai trò to lớn trong quản lý hành chính nhà nước. Thông
qua quyết định hành chính, những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước được
đưa vào cuộc sống và có những tác động tích cực. Bên cạnh đó, quyết định hành chính
còn phát huy được vai trò chuyển tải Luật vào cuộc sống, tạo nên giá trị thực tiễn của

Luật. Các mối quan hệ xã hội phức tạp trong lĩnh vực quản lý hành chính cũng được
các quyết định hành chính kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được
thì vẫn có những bất cập tồn tại cần phải tháo gỡ, giải quyết. Nhiều quyết định hành
chính mang tính hình thức, không có tính khả thi, ban hành trái pháp luật, trái thẩm
quyền…vẫn tồn tại với số lượng không nhỏ, có tác động tiêu cực đối với hoạt động
quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, cần phải tìm ra biện pháp thiết thực nhất để
quyết định hành chính có thể phát huy tối đa vai trò trong quản lý hành chính nhà
nước. Từ đó nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước, tạo lòng tin của người dân với
nhà nước và pháp luật.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Giáo trình Luật hành chính Việt Nam 2013, Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công anh
nhân dân.
2, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Khoa luật- đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
3, “Quyết định hành chính’ ,Khoa luật, Bùi Thúy Chinh, Luận văn thạc sỹ ngành:
Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, 2011.
4, Luật giao thông đường bộ năm 2008.
5, Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2008.
6, “Giáo trình Luật hành chính Việt Nam” , PGS.TS Nguyễn Cửu Việt , Nxb. Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2005.
7, “Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam” , Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí
Minh 2013, Nxb Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam.


MỤC LỤC




×