MỤC LỤC
A – ĐẶT VẤN ĐỀ......................................................................................................................................2
B – NỘI DUNG.........................................................................................................................................2
1. Một số vấn đề lí luận về hôn nhân một vợ một chồng....................................................................2
1.1 Thế nào là hôn nhân một vợ một chồng...................................................................................2
1.2 Nguyên nhân của việc quy định chế độ hôn nhân một vợ một chồng......................................3
1.3 Ý nghĩa của việc quy định nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.........................................4
2. Thực trạng vi phạm hôn nhân một vợ một chồng..........................................................................5
2.1 Các trường hợp vi phạm trong thực tế.....................................................................................5
3. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục..............................................................................................9
C – KẾT LUẬN........................................................................................................................................14
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................................................15
1
A – ĐẶT VẤN ĐỀ
Cha ông ta có câu: Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Tình
cảm vợ chồng là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý. Vợ chồng sống hòa
thuận, yêu thương, có thủy có chung với nhau là một trong những đặc trưng
phản ánh giá trị của hôn nhân và gia đình. Có thể nói, hôn nhân gia đình theo
nguyên tắc một vợ một chồng vừa có ý nghĩa quan trọng về mặt lí luận pháp lí,
vừa có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội nhân văn, thể hiện sự tiến bộ trong tư
duy và nhận thức. Tuy nhiên hiện nay, khi xã hội càng phát triển thì dường như
hiện tượng vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng cũng ngày càng trở
phổ biến và trở thành một vấn đề đáng quan tâm trong xã hội. Vậy thì, nguyên
nhân là do đâu? Cần làm gì để tháo bỏ những nút thắt tiêu cực trên? Xuất phát từ
mục đích đó mà nhóm chúng tôi đã tập trung khai thác đề tài: Vi phạm nguyên
tắc hôn nhân một vợ một chồng - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp.
B – NỘI DUNG
1. Một số vấn đề lí luận về hôn nhân một vợ một chồng
1.1 Thế nào là hôn nhân một vợ một chồng
Điều 64 Hiến pháp 1992 quy định: ...Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia
đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng bình
đẳng. Trên tinh thần đó, Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2000 khẳng định hôn nhân
phải dựa trên nguyên tắc một vợ một chồng.
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là tư tưởng chủ đạo quán triệt
toàn bộ các quy phạm pháp luật hôn nhân gia đình, quy định người đang có vợ ,
có chồng không được phép kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người
khác và ngược lại, bất cứ một người nào khác cũng không được phép kết hôn
hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng; đồng thời thể
hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các trường hợp vi
phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
2
Về bản chất, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng có nghĩa là trong
thời kì hôn nhân chỉ tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp và là quan hệ hôn
nhân duy nhất. Theo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng thì chỉ những
người chưa có vợ hoặc chưa có chồng hoặc đã kết hôn nhưng hôn nhân đó đã
chấm dứt (vợ hoặc chồng họ đã chết hoặc vợ chồng đã ly hôn) thì mới có quyền
kết hôn với người khác. Việc kết hôn của họ phải với những người đang không
có vợ hoặc chồng, đó là những người không thuộc trường hợp nêu tại mục 1
điểm c.1 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.
Nguyên tắc này còn nhằm điều chỉnh hành vi chung sống như vợ chồng.
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ không có đăng kí kết hôn nhưng về
chung sống với nhau. Minh chứng cho việc chung sống như vợ chồng là việc hai
người có con chung với nhau, được hàng xóm và những người xung quanh coi
như vợ chồng và có tài sản chung. Trường hợp nam, nữ lén lút quan hệ với nhau
mà không chung sống công khai không được coi là chung sống như vợ chồng.
Theo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng thì hành vi chung sống như vợ
chồng giữa những người đang có vợ hoặc có chồng với người khác hoặc ngược
lại, những người đang không có vợ, có chồng mà chung sống với người đang có
vợ hoặc có chồng là chung sống trái pháp luật vì đã vi phạm nguyên tắc hôn
nhân một vợ một chồng.
Như vậy, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng mang tính bắt buộc hai
chiều đối với cả hai bên chủ thể tham gia quan hệ. Nguyên tắc này không chỉ đặt
ra với những người đang có vợ, có chồng mà còn yêu cầu cả những người chưa
có vợ, có chồng phải tuân thủ. Có như vậy thì mới đảm bảo nguyên tắc này được
thực hiện một cách triệt để và có hiệu quả trong thực tế.
1.2 Nguyên nhân của việc quy định chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Thứ nhất, hôn nhân một vợ một chồng lấy tình yêu giữa nam và nữ làm cơ
sở xác lập hôn nhân; và tình yêu giữa vợ và chồng là cơ sở duy trì quan hệ hôn
nhân nên đây cũng là quy định nhằm hướng hôn nhân đi tới sự bền vững, ổn
định, hạnh phúc của gia đình. Ăngghen đã từng khẳng định: Vì bản chất của
3
tình yêu là không thể chia sẻ...cho nên hôn nhân dựa trên tình yêu giữa nam và
nữ do ngay bản chất của nó, là hôn nhân một vợ một chồng.
Thứ hai, quy định nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng và coi đó là
nguyên tắc hiến định của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam cũng thể hiện
được bản chất tiến bộ của hôn nhân XHCN. Trước đây, pháp luật phong kiến
Việt Nam duy trì chế độ đa thê. Bộ dân luật Bắc Kì quy định người đàn ông có
quyền lấy nhiều vợ (Điều 79, 80). Pháp luật của nhà nước tư sản về hình thức
cũng quy định hôn nhân theo nguyên tắc một vợ một chồng, nhưng trong thực
tế, nguyên tắc đó đã bị phá vỡ do tệ ngoại tình và nạn mãi dâm công khai. Như
vậy, khi xét về bản chất, hôn nhân của giai cấp tư sản thật ra là chế độ cộng
thê.
Thứ ba, đây là một trong những nguyên tắc thể hiện quan điểm tiến bộ
của các nhà lập pháp trên thế giới và là xu hướng tất yếu của thế giới. Hiện nay,
trên thế giới, ở một số nước khu vực Trung Đông, Trung Á, và một số nước ở
khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia,...) do ảnh hưởng của hồi giáo vẫn
thừa nhận chế độ đa thê. Tuy nhiên, đa số các nước đều quy định hôn nhân phải
được xây dựng trên nguyên tắc một vợ một chồng. BLDS Nhật Bản quy định:
Một người đang có vợ, chồng không thể tiếp tục kết hôn (Điều 731); hay điều
1452 BLDS&TM Thái Lan quy định: Việc kết hôn không thể được thực hiện
nếu người đàn ông hoặc người đàn bà đã là chồng hay vợ của người khác. Như
vậy, các nước đều quy định cấm kết hôn đối với trường hợp người đang có vợ
hoặc có chồng và đó là nội dung cơ bản của nguyên tắc hôn nhân một vợ một
chồng.
1.3 Ý nghĩa của việc quy định nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Với việc quy định nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc
hiến định của Luật Hôn nhân và gia đình và được pháp luật bảo vệ đã mang lại
cho gia đình và xã hội nhiều điều tốt đẹp.
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được xác lập là tiền đề, điều kiện
ghi nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng. Việc bảo đảm
4
quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng có ý nghĩa xây dựng một xã
hội tự do, bình đẳng, dân chủ bởi nếu không có tự do, bình đẳng trong gia đình
thì sẽ không có tự do, bình đẳng trong xã hội.
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là cơ sở duy trì tình yêu giữa vợ
và chồng; củng cố cuộc sống chung vợ chồng lâu dài, đảm bảo xây dựng gia
đình hạnh phúc, bền vững. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng đảm bảo mối
quan hệ tốt đẹp, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, tạo điều kiện
giúp đỡ nhau phát triển và cùng tiến bộ. Hơn nữa, gia đình là nền tảng của xã
hội, gia đình có hạnh phúc, phát triển lành mạnh thì xã hội mới thịnh vượng.
Xây dựng chế độ hôn nhân một vợ một chồng tiến bộ đã thay thế chế độ
đa thê trong xã hội phong kiến trước đây và xóa bỏ gần như hoàn toàn những
hủ tục, tôn giáo lạc hậu như: trai tài năm bảy vợ,... vẫn còn tồn tại trong xã hội,
đặc biệt là trong đời sống của đồng bào dân tộc miền núi lạc hậu và ở những
vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, việc quy định hôn nhân phải theo nguyên tắc một vợ một
chồng cũng góp phần giải phóng người phụ nữ khỏi ách thống trị của chế độ gia
trưởng và những hủ tục lạc hậu, giúp cho việc giải quyết một cách triệt để các
tranh chấp về nhân thân và tài sản trong các tranh chấp vê hôn nhân,...
2. Thực trạng vi phạm hôn nhân một vợ một chồng
2.1 Các trường hợp vi phạm trong thực tế
Hôn nhân một vợ một chồng đã được xây dựng thành một trong những
nội dung của nguyên tắc hiến định về hôn nhân và gia đình và được Luật hôn
nhân và gia đình 2000 khẳng định là nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và
gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng vi phạm nguyên tắc hôn nhân một
vợ một chồng vẫn xảy ra, biểu hiện ở các trường hợp ngoại tình, ở hiện tượng
những người đã có vợ, có chồng chưa ly hôn nhưng đã chung sống với người
khác như vợ chồng. Những hiện tượng này không phải là hiếm gặp mà ngày
càng trở nên phổ biến ở nhiều địa phương và ngoại tình đã trở thành nguyên
nhân chính của nhiều cuộc li hôn. Trong công tác xét xử của Toà Án Nhân Dân
5
thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh năm 2009 cho thấy số vụ ly hôn vì ngoại
tình là 36 vụ trên tổng số 323 vụ ly hôn, chiếm 11%.
Theo số liệu tìm hiểu được, năm 2000 ở Hà Nội có 152 trường hợp vi
phạm nguyên tắc hôn nhân 1 vợ 1 chồng; Kiên Giang là 1.450 trường hợp
và ở Thành Phố Hồ Chí Minh con số này lên tới 4.418 trường hợp. Đặc biệt
tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có dân trí thấp thì tình
trạng đa thê đa thiếp vẫn còn tồn tại ở thế kỷ 21.
Ví dụ: vụ án đang gây nhiều tranh cãi một ông ba bà. Ông N quê ở xã Tân
Bửu - Bến Lức - Long An cưới người vợ đầu tiên năm 1994 (có đăng ký kết
hôn), sau một thời gian, đường ai nấy đi. Năm 1996, khi chưa ly hôn, ông N đã
làm đám cưới rồi chung sống không hôn thú với bà vợ hai. Một năm sau, họ sinh
được một con chung. Rồi do mâu thuẫn, họ xin ly hôn. Lẽ ra phải xác định đây
là hôn nhân trái pháp luật thì năm 1999, TAND huyện Bến Lức lại cho ông N ly
hôn bà vợ hai và giải quyết các yêu cầu về tài sản chung, quyền nuôi con, cấp
dưỡng. Năm 2000, ông N lại tổ chức đám cưới và sống chung với bà vợ ba, có
một con chung, đến năm 2004 thì được chính xã Tân Bửu cho đăng ký kết hôn.
Theo nội dung của nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, những người
vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng có thể có hai trường hợp sau:
Thứ nhất, người đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp vi phạm nguyên tắc
hôn nhân một vợ một chồng.
Người đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp là người đã kết hôn với người
khác theo đúng quy định của pháp luật về HN&GĐ và chưa ly hôn. Người đó
đang trong tình trạng là đang có vợ hoặc có chồng nghĩa là hôn nhân của họ
chưa bị chấm dứt do ly hôn hoặc do một trong hai bên chết hoặc bị tòa án tuyên
bố là đã chết. Cơ sở pháp lý để xác định người đang có vợ, có chồng là dựa vào
giấy chứng nhận đăng kí kết hôn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp vẫn
còn có hiệu lực.
Theo Luật HN&GĐ, người đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp vi phạm
nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng xảy ra trong hai trường hợp:
6
- Người đang có vợ, có chồng mà lại kết hôn với người khác.
Việc kết hôn của người đang có vợ, có chồng với người khác mặc dù có
đăng kí kết hôn tại cơ quan đăng kí kết hôn nhưng đã vi phạm điều kiện kết hôn
(Khoản 3 – Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000) và thuộc một trong những trường
hợp cấm kết hôn tại điều 10 Luật HN&GĐ. Do đó, việc kết hôn giữa những
người đang có vợ hoặc đang có chồng với người khác là vi phạm nguyên tắc hôn
nhân một vợ một chồng.
- Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ, chồng với người
khác.
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ không có đăng kí kết hôn
nhưng về chung sống với nhau như vợ, chồng. Việc chung sống với nhâu như vợ
chồng với người đang có vợ, có chồng trong trường hợp này bao gồm: những
người đang có vợ, có chồng cùng chung sống với nhau như vợ, chồng (cả hai
bên đều trong tình trạng đang có vợ, có chồng); người đang có vợ, có chồng,
chung sống với người chưa có vợ, có chồng (chỉ một bên chung sống là người
đang có vợ, có chồng). Việc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ
hoặc có chồng bất kể là công khai hay không công khai thì đều là vi phạm
nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
Thứ hai, nam nữ chung sống như vợ chồng, được coi là có quan hệ vợ
chồng nhưng vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
Việc nam nữ chung sống như vợ chồng được công nhận là có quan hệ vợ
chồng khi mà cả hai bên nam, nữ chung sống dựa trên cở sở tình yêu thương,
muốn chăm sóc, giúp đỡ nhau và thực sự mong muốn thành vợ chồng, cùng
nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; đồng thời họ đã chung sống công
khai, cùng nhau thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhau như vợ chồng và
được họ hàng, xã hội sung quanh thừa nhận là vợ chồng.
Theo quy định của luật HN&GĐ, người đang chung sống như vợ chồng
được coi là có quan hệ vợ chồng vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một
chồng khi họ kết hôn hoặc lại chung sống như vợ, chồng với người thứ ba. Bởi
7
vì, mặc dù trong quan hệ đầu tiên, giữa nam và nữ chỉ chung sống như vợ chồng
và không có đăng kí kết hôn nhưng nó đã thỏa mãn các yếu tố của một cuộc hôn
nhân, được pháp luật công nhận và bảo hộ như các quan hệ vợ chồng hợp pháp
khác. Vì thế, giữa nam và nữ chung sống như vợ chồng cũng nảy sinh quyền và
nghĩa vụ đối với nhau nên phải tuân thủ nguyên tắc một vợ một chồng. Do đó,
khi họ kết hôn thì lần kết hôn đó là vi phạm nguyên tắc này và được coi là trái
pháp luật.
Một số trường hợp đặc biệt: hiện nay, vẫn tồn tại một số trường hợp một
chồng hai vợ hoặc một vợ hai chồng. Đó là các trường hợp của cán bộ, bộ đội
miền Nam đã có vợ hoặc chồng ở miền Nam, tập kết ra Bắc lại xây dựng gia
đình. Theo hướng dẫn của thông tư 60/DS ngày 22/2/1978 của tòa án nhân dân
tối cao thì đây là trường hợp đặc biệt, là hậu quả chiến tranh, một vấn đề phức
tạp. Do vậy, mặc dù là vi phạm nhưng những trường hợp này không phải do ảnh
hưởng của chế độ hôn nhân phong kiến mà là do ảnh hưởng của chiến tranh.
2.2 Thực trạng giải quyết các trường hợp vi phạm
Từ thực tế giải quyết các vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, ta
thấy hiện nay xử lý vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các vụ việc vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng trên thực tế
xảy ra với số lượng không hề nhỏ, xong số vụ được đưa ra xét xử còn rất hạn
chế, thông thường được giải quyết bằng sự thoả thuận giữa các bên hoặc bỏ qua
hành vi vi phạm, hai bên vẫn tiếp tục chung sống…
Theo thống kê giải quyết và thụ lý các vụ án về Hôn nhân và Gia đình của
Toà Án nhân dân thành phố Hạ Long năm 2009, Toà án chỉ giải quyết không
công nhận quan hệ vợ chồng là 9 vụ trong tổng số 761 vụ việc toà đã giải quyết,
chiếm 1.8% và không có trường hợp nào toà án ra quyết định huỷ kết hôn trái
pháp luật. Con số này chưa thể phản ánh đúng tình hình trên thực tế các vụ án vi
phạm.
8
Thứ hai, khi người có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định huỷ kết hôn trái
pháp luật hoặc không công nhận quan hệ vợ chồng đối với quan hệ nam nữ, toà
án sẽ không ra quyết định ngay mà sẽ tiến hành công tác điều tra xem quan hệ
đó có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng hay không? Tuy nhiên
quá trình điều tra, xác minh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Do tính chất
của việc vi phạm là quan hệ riêng tư, mang tính tình cảm, cá nhân nên các quan
hệ này thường ít bộc lộ ra bên ngoài. Bên cạnh đó, các đương sự thường có tâm
lý muốn che giấu, e ngại phần vì sợ dư luận xã hội, muốn giữ cho gia đình yên
ấm, con cái hoà thuận, phần vì xấu chàng thì hổ ai.
Thứ ba, trong công tác xét xử còn mềm dẻo, không mang tính răn đe đối
với các trường hợp vi phạm. Điều 147 – Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung
năm 2009 quy định mức hình phạt cao nhất đối với các trường hợp vi phạm chế
độ hôn nhân một vợ một chồng có thể lên đến ba năm tù. Tuy nhiên, trong thực
tế thì hầu như không có trường hợp nào bị xử phạt tù, các hình phạt chỉ dừng lại
ở mức phạt tiền và buộc chấm dứt quan hệ phạm pháp đó.
3. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
3.1 Nguyên nhân
Việc vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng xuất phát từ nhiều
nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng không phải vì tình yêu mà là vì
một mục đích khác. Hiện nay, có nhiều trường hợp các đôi nam nữ kết hôn hoặc
chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không phải vì tình yêu mà là vì một
mục đích khác như: do cha mẹ, họ hàng hai bên ép buộc; vì tài sản; vì muốn có
một cuộc sống vật chất đầy đủ... Có những cô gái do muốn tìm một cuộc sống
đầy đủ hơn mà đã chấp nhận là vợ hờ của các đại gia. Do không xuất phát từ
tình yêu thương thực sự và mong muốn được cùng nhau xây dựng gia đình nên
khi chung sống, hai bên dễ gặp phải những mâu thuẫn và do vậy, họ tự tìm đến
với những người khác.
9
Do ngoại tình. Trong cuộc sống giữa vợ và chồng, mâu thuẫn là không
thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giải quyết các mâu thuẫn
đó và trong trường hợp đó đã dẫn đến hiện tượng ngoại tình. Cũng có những khi
người ta ngoại tình khi cuộc sống hôn nhân trở nên quá nhàm chán và đơn điệu,
khi gặp những cái mới họ dễ dàng bị hấp dẫn và không thể chối từ. Tuy nhiên,
ngọn lửa tình yêu đó cũng tàn lụi rất nhanh như khi nó đến. Có thể bản chất họ
không phải như thế nhưng chỉ một phút sai lầm đã dẫn đến hậu quả nghiêm
trọng và một khi đã có lần đầu thì sẽ có tiếp lần hai, lần ba,... Điều này cũng
phần nào có thể giải thích được bởi lối sống hiện đại, nhịp độ sôi động khiến con
người cũng bị cuốn theo dòng chảy đó, khiến họ đánh mất đi chính mình.
Do tư tưởng phong kiến còn nặng nề, trình độ văn hóa còn thấp. Trong
thời kì hiện nay, vẫn còn có một số gia đình còn mang nặng tư tưởng phong kiến
trọng nam khinh nữ, muốn có con trai và phải có bằng được con trai để nối dõi
tông đường. Do vậy, khi người vợ không thể làm được điều đó, người chồng có
thể tìm đến người phụ nữ khác để giúp họ thực hiện ước nguyện này. Hiện
tượng này diễn ra rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Còn ở một số vùn núi,
vùng đồng bào dân tộc ít người, do trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết pháp
luật nên dẫn đến tình trạng vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng còn
khá phổ biến.
Do các trường hợp vi phạm chưa được xử lý nghiêm và chưa có tính răn
đe. Trên thực tế, vẫn còn có trường hợp các cơ quan chức năng quản lí, giải
quyết vấn đề về hôn nhân gia đình một cách máy móc, tắc trách, để lọt những
trường hợp vi phạm. Khi xử lý vi phạm thì còn quá mềm dẻo nên không có tính
răn đe. Hiện tượng này đã cản trở việc thực hiện và xây dựng chế độ hôn nhân
và gia đình xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
3.2 Giải pháp khắc phục
Giải pháp về mặt xã hội
10
Thứ nhất, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục Luật hôn nhân và gia đình một
cách sâu rộng đối với mọi đối tượng, đặc biệt là các vùng nông thôn và vùng
núi.
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng chỉ có thể phát huy được hiệu
quả điều chỉnh khi được tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi
người dân tuân thủ một cách triệt để. Muốn vậy, việc phổ biến, tuyên truyền,
giáo dục Luật hôn nhân và gia đình phải được tiến hành nghiêm túc tới mọi đối
tượng. Luật hôn nhân và gia đình cần sớm được đưa vào trong chương trình giáo
dục ở phổ thông. Tuy nhiên cần chú ý việc giáo dục pháp luật đối với những đối
tượng này phải đồng thời với việc giáo dục đạo đức, truyền thống trong gia đình.
Việc tuyên truyền, phổ biến Luật hôn nhân và gia đình cần được tiến hành song
song với việc vận động nhân dân đấu tranh chống lại những tàn dư của chế độ
hôn nhân và gia đình phong kiến, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, tự
giác chấp hành những quy định của Luật.
Thứ hai, bên cạnh những quy phạm pháp luật, sử dụng những chuẩn mực
đạo đức và dư luận xã hội cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn hiện
tượng này của xã hội.
Từ xưa đến nay, xã hội luôn lên án gay gắt tình trạng vi phạm hôn nhân
một vợ một chồng và cho đó là hiện tượng cần bài trừ trong xã hội. Do vậy, có
thể sử dụng dư luận xã hội như một kênh thông tin để có thể vận động, tuyên
truyền chống vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, đồng thời qua đó
phát hiện được các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lí.
Giải pháp về mặt pháp lí
Để có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng vi phạm nguyên tắc hôn nhân
một vợ một chồng, không chỉ cần có các biện pháp về mặt xã hội như vận động,
tuyên truyền,... mà còn cần phải sử dụng cả những biện pháp cưỡng chế. Do vậy,
hoàn thiện những quy định của pháp luật về nội dung này cũng là một trong
những giải pháp góp phần giải quyết tình trạng vi phạm hiện nay.
11
Thứ nhất, về mặt pháp lý cần tăng cường hoàn thiện các quy định pháp lý
về việc giải quyết các trường hợp vi phạm thực sự mang lại hiệu quả cao cụ thể
như sau:
Đối với trường hợp ngoại lệ, người đang có vợ, có chồng kết hôn với
người khác và lần kết hôn sau được công nhận là hợp pháp theo nghị quyết số
02/2000/NQ – HĐTP cần có hướng dẫn cụ thể quan hệ vợ chồng đầu tiên thế
nào là đang trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân
không đạt được. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan xét xử áp dụng pháp
luật để giải quyết các trường hợp vi phạm trong thực tế, đồng thời tránh việc các
đương sự lợi dụng quyết định này để hợp pháp các quan hệ trái pháp luật.
Pháp luật cần phân định rõ: Trường hợp nam, nữ chung sống như vợ,
chồng trước ngày 3/1/1987 theo nghị quyết 35/2000/NQ – QH 10 mà vi phạm
một trong các điều kiện hôn nhân như giữa người có quan hệ cùng dòng máu
trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, người đang có vợ, đang
có chồng sống với người khác… Thì không thể công nhận là có quan hệ vợ
chồng.
Thứ hai, cải tiến trong công tác đăng ký hộ tịch và đổi mới về tổ chức và
hoạt động của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các án tranh chấp hôn
nhân và gia đình.
Trong công tác đăng ký hộ tịch, việc xem xét các yêu cầu của nhân dân
phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác. Một số tờ khai đăng ký hộ tịch cần
được thay đổi lại cho phù hợp để hạn chế những sai sót có thể xảy ra. Trong
công tác giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, nên thành lập Tòa
chuyên trách về hôn nhân và gia đình. Do quan hệ hôn nhân và gia đình có
những đặc thù riêng nên đòi hỏi những người giải quyết các tranh chấp về loại
này phải có những phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm cần thiết.
Thứ ba, việc xử lý đối với những hành vi vi phạm nguyên tắc chế độ hôn
nhân một vợ một chồng cần được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm
12
túc, kịp thời và đúng pháp luật để phát huy tác dụng giáo dục ý thức tuân thủ
pháp luật hôn nhân và gia đình.
Mục đích của những biện pháp xử lý không phải là trừng phạt, bắt người
vi phạm phải chịu chế tài của pháp luật mà nhằm giáo dục đối với người có hành
vi phạm tội hay vi phạm pháp luật để họ không tiếp tục vi phạm pháp luật, đồng
thời giáo dục những cá nhân khác có ý thức tôn trọng pháp luật, từ đó không
phạm tội hay không vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình. Có như vậy, pháp
luật mới phát huy hết tác dụng và chức năng của mình đó là răn đe, ngăn chặn
các hành vi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng trong tương lai. Từ
đó nâng cao ý thức của người dân trong việc tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc
hôn nhân một vợ, một chồng.
Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng một đội ngũ cán bộ
tư pháp, Thẩm phán có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp
thời, chính xác các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Hoạt động của các cán bộ tư pháp và Thẩm phán là những khâu rất quan
trong việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Họ vừa là
người thay mặt Nhà nước kiểm soát việc thực hiện các quan hệ hôn nhân và gia
đình trong xã hội, vừa là người tuân thủ nguyên tắc đó trong quá trình kiểm soát.
Trong tình hình hiện nay, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp
ở cấp xã và Thẩm phán ở tòa án nhân dân cấp huyện là việc làm cần phải được
chú trọng. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân, bởi họ là người đại diện của nhân dân
tham gia vào hoạt động xét xử tại Tòa án, có quyền ngang với Thẩm phán.
Thứ năm, cần sửa đổi các quy định về hình phạt đối với các trường hợp vi
phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
Theo Điều 8 nghị định 87/2001/NĐ – CP của chính phủ, mức xử phạt
hành chính đối với các trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
là từ 100.000 đồng – 500.000 đồng. Với điều kiện kinh tế ngày nay, mức xử
phạt đó còn nhẹ và hầu như không có ý nghĩa ngăn đe đối với vi phạm.
13
C – KẾT LUẬN
Hôn nhân một vợ một chồng là một hôn nhân không vượt quá sự cố gắng
của con người. Nó cũng không phải là gánh nặng mà Thiên Chúa đã vô tình đặt
trên vai con người. Nhưng chỉ nói lên đó là một hồng phúc (Trần Mỹ Duyệt).
Sống trong cuộc sống cũng vậy, tất cả mọi thứ đều có cặp và có đôi; Hôn nhân
chỉ vững chắc khi hai nửa tình yêu hòa quyện và gắn bó làm một. Nguyên tắc
hôn nhân một vợ một chồng là một trong những điều kiện cơ bản và quan trọng
để xây dựng hạnh phúc gia đình. Cần có những chế tài nghiêm khắc hơn nữa để
hạn chế hiện trạng vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
14
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt
Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
2. Luật hôn nhân và gia đình 1959, 1986, 2000
3. Các nghị định, thông tư, nghị quyết:
- Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.
- Thông tư 60/DS ngày 22/2/1978.
- Nghị quyết 35/2000/NQ – QH 10.
- Nghị định 87/2001/NĐ – CP.
4. Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2010, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
5. Khóa Luận tốt nghiệp: Các trường hợp cấm kết hôn – cơ sở lý luận và thực
tiễn áp dụng pháp luật, Tô Thị Thu Trang, Người hướng dẫn TS.Nguyễn Văn
Cừ, Hà Nội 2011.
6. Khóa luận tốt nghiệp: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc giải quyết
các trường hợp vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, Trần Thị Thu
Huyền, Người hướng dẫn TS.Nguyễn Phương Lan, Hà Nội 2010.
7. Các website:
www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com
www.diendansinhvienluat.vn
15