PHỤ LỤC
I.
MỞ ĐẦU...................................................................................................2
II.
NỘI DUNG
1. Những quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều 669 Bộ luật dân
sự...........................................................................................................3
1.1.
Quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS............................................3
1.2.
Quy định tại Điều 669 BLDS..........................................................7
2. Mối liên hệ giữa những quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều 669
BLDS....................................................................................................9
3. Một số vấn đề thực tiễn khi áp dụng những quy định tại khoản 1
Điều 643 và Điều 669 BLDS..............................................................13
3.1. Những vấn đề thực tiễn ....................................................................13
3.2. Những hạn chế trong mối liên hệ giữa những quy định tại khoản 1
Điều 643 BLDS và Điều 669 BLDS........................................................18
III.
KẾT LUẬN..............................................................................................21
1
I.
MỞ ĐẦU
Pháp luật tôn trọng quyền của người lập di chúc trong việc định đoạt tài sản cho
những người còn sống. Xét dưới góc độ đạo lý và dưới góc độ pháp lí thì cá nhân
phải có những “ nghĩa vụ” nhất định đối với một số đối tượng theo xác định của
pháp luật, bởi vì có những trường hợp người lập di chúc không cho những người
mà mình có “ nghĩa vụ” đối với họ được hưởng di sản. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích
của một số người trong diện những người thừa kế theo pháp luật, phù hợp với
phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, pháp luật đã hạn chế
quyền lập di chúc được thể hiện ở Điều 669 BLDS. Những người sau đây vẫn được
hưởng phần di sản bằng ít nhất 2/3 suất của người thừa kế theo luật, nếu thừa kế
được chia theo luật, trừ khi họ từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di
sản theo quy định tại Điều 642 hoặc khoản 1 Điều 643 BLDS. Những người thừa
kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm:
a. “Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng
b. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”
Tuy nhiên, có thể thấy pháp luật cũng quy định khá chặt chẽ về vấn đề người
thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, những người được quy định tại
Điều 669 BLDS sẽ không được hưởng thừa kế nếu họ vi phạm khoản 1 Điều 643
BLDS.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cần tìm hiểu mối liên hệ giữa những quy định tại
khoản 1 Điều 643 BLDS về người không được quyền hưởng di sản và Điều 669
BLDS về người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
2
II.
NỘI DUNG
1. Những quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều 669 Bộ luật dân sự
1.1. Quy định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự
Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đều ghi nhận quyền hưởng
thừa kế của cá nhân. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, có một số trường hợp cá
biệt người thừa kế vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc đạo đức xã hội bị pháp
luật tước quyền hưởng di sản kể cả theo di chúc và theo pháp luật. Điều 643 BLDS
2005 đã quy định những người không được quyền hưởng di sản vì họ không còn
xứng đáng được quyền thừa kế. Điều 643 BLDS quy định:
“ Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi
ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng
danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm
hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong
việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một
phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản;”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS các trường hợp không được
hưởng quyền hưởng di sản như sau:
Điểm a khoản 1 Điều 643 BLDS: “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm
phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ
người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;”.
Hành vi cố ý giết người để lại di sản được hiểu là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng
người để lại di sản một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng là hành vi
3
có khả năng gây ra cái chết cho người để lại di sản, chấm dứt sự sống của người
đó. Hành vi tước đoạt tính mạng người để lại di sản là hành vi khách quan của tội
giết người phải là hành vi tước đoạt của người khác một cách trái pháp luật (phân
biệt với những hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trường hợp
phòng vệ chính đáng hay trong trường hợp thi hành án tử hình). Người có hành vi
cố ý giết người để lại di sản và đã bị kết án về hành vi cố ý đó thì không có quyền
thừa kế của người để lại di sản. Pháp luật luôn bảo vệ những quyền lợi chính đáng
của mọi công dân nhưng những công dân có những hành vi trái pháp luật thì tư
cách chủ thể của cá nhân trong một số quan hệ bị hạn chế hoặc bị đình chỉ theo luật
định.
Người có hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản và đã
bị kết án về một trong các hành vi đó thì bị tước quyền thừa kế di sản của người đã
bị ngược đãi, bị hành hạ sau khi chết.
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của
người để lại di sản đã biết hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện
hành vi để đạt được mục đích của mình.
Người bị kết án về hành vi làm nhục danh dự của người để lại di sản thì
không có quyền nhận di sản thừa kế của người đó để lại.
Tuy nhiên, trong trường hợp người thừa kế chỉ bị kết án về hành vi vô ý làm
chết người để lại di sản, người đó vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật nhận di
sản của người bị chính người được thừa kế đã vô ý gây ra cái chết cho người để lại
di sản.
Điểm b khoản 1 Điều 643 BLDS: “ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ
nuôi dưỡng người để lại di sản”. Quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ giữa người để lại
di sản với người thừa kế theo pháp luật khi người để lại di sản còn sống. Nghĩa vụ
nuôi dưỡng, chăm sóc nhau khi còn sống giữa cá nhân với cá nhân đã không những
theo thông lệ của xã hội mà còn được pháp luật quy định. Phổ biến nhất là các
4
quan hệ nuôi dưỡng nhau giữa cha – con, mẹ - con, anh, chị em ruột với nhau; ông
bà nội, ngoại với các cháu, vợ, chồng đối với nhau khi một bên cần được nuôi
dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng gắn liền với nhân thân của cá nhân, không thể chuyển
dịch cho người khác và cũng không thể phân chia như các nghĩa vụ khác. Vợ
chồng có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau khi một bên không có khả năng lao động và
còn cấp dưỡng cho nhau kể cả khi đã li hôn mà bên kia yêu cầu và được tòa án
thừa nhận.
Người thừa kế vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản bị tòa án kết
án về hành vi đó thì bị tước quyền thừa kế. Điều 152 Bộ luật hình sự quy định:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp
dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật
mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng
hoặc đã bị xử phạt hành chính về ành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo,
cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Người
vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản không những phải
chịu trách nhiệm hình sự mà còn bị tước quyền thừa kế do hành vi cố ý vi phạm
nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật.
Điểm c khoản 1 Điều 643 BLDS: “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm
phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản
mà người thừa kế đó có quyền hưởng;”. Do mưu đồ chiếm đoạt một phần hoặc
toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế khác có quyền hưởng, cho nên đã có hành
vi cố ý giết người thừa kế khác. Người thừa kế khác được hiểu là người thừa kế có
quyền hưởng di sản trong cùng một hàng với người có hành vi bị kết án là cố ý giết
người thừa kế cùng hàng đó. Tuy nhiên, người thừa kế khác có thể là người thừa kế
khác hàng nhưng người thừa kế bị giết chỉ có thể là người thừa kế ở hàng thừa kế
trên liền kề với hàng thừa kế của người có hành vi phạm tội nhưng phải giết toàn
bộ người thừa kế tại hàng trước đó hoặc từ hai người hoặc một người duy nhất và
5
trong trường hợp không có người thừa kế thế vị nào. Theo quy định trên thì một
người bị kết án về hành vi cố ý giết người thừa kế khác với mục đích chiếm đoạt
phần di sản của người đó có quyền hưởng thì bị tước quyền thừa kế. Ngược lại,
người chỉ bị kết án về hành vi cố ý giết người thừa kế khác mà không nhằm mục
đích chiếm đoạt phần di sản của người thừa kế đó được hưởng thì không bị tước
quyền thừa kế. Người thừa kế khác bị giết phổ biến nhất là người được hưởng di
sản thừa kế theo pháp luật, hiếm có trường hợp người bị giết là người được chỉ
định thừa kế theo di chúc trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Điểm d khoản 1 Điều 643 BLDS: “Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép
hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa
chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí
của người để lại di sản;”. Di chúc thể hiện ý chí của người có tài sản lập ra, định
đoạt tài sản của mình cho người thừa kế sau khi người lập di chúc qua đời. Di chúc
là giao dịch dân sự một bên, thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc. Ý
chí của người lập di chúc phải hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự định đoạt tài sản của
mình cho người thừa kế được chỉ định. Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của
cá nhân chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản
trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật, do vậy người có hành vi cản
trở sẽ bị tước quyền thừa kế của người để lại di sản.
- Người có hành vi giả mạo di chúc được hiểu là người có hành vi lập một di
chúc mạo danh người để lại di sản nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái
với ý chí của người để lại di sản.
Hành vi giả mạo di chúc là hành vi của người đã lập một di chúc theo ý chí
của mình nhằm thay thế di chúc của người để lại di sản hoặc để cho những người
khác tưởng lầm rằng người chết có để lại di chúc.
6
- Hành vi sửa chữa di chúc là hành vi làm thay đổi nội dung của di chúc do
người để lại di sản lập ra, trái với ý chí của người đó khi còn sống. Thông thường
việc sửa chữa di chúc nhằm có lợi cho chính người có hành vi đó.
- Hủy di chúc là hành vi của người đã làm tiêu hủy di chúc của người để lại
di sản và di chúc bị hủy đó đã không còn tồn tại dưới hình thức khách quan. Thông
thường người có hành vi hủy di chúc là người thừa kế theo pháp luật của người lập
di chúc nhưng trong di chúc đó họ không có tên trong số những người được hưởng
di sản theo di chúc. Vì vậy, họ hủy di chúc nhằm để việc thừa kế được giải quyết
theo pháp luật và họ sẽ được hưởng kỷ phần theo luật định. Ví dụ như ông A có ba
người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất là 3 người con B, C, D. Trước khi chết ông
A lập di chúc cho 2 người con C và D hưởng toàn bộ di sản mà ông để lại. Thấy
mình sẽ không được hưởng di sản nếu chia theo di chúc, B đã hủy di chúc đó.
Trong trường hợp này B sẽ bị tứơc quyền hưởng di sản theo pháp luật nghĩa là vụ
thừa kế trên vẫn được chia theo di chúc cho C và D hưởng toàn bộ di sản. Nếu có
phần di sản nào đó được chia theo pháp luật (chẳng hạn do C đã trước chết ông A
nên phần di sản đáng lẽ C được hưởng theo di chúc sẽ được chia theo pháp luật) thì
B vẫn không được hưởng đối với phần này và người được hưởng theo pháp luật
còn lại là D. Ngoài ra, người thừa kế theo di chúc chỉ thực hiện hành vi hủy di chúc
của người để lại di sản trong trường hợp họ đồng thời là người thừa kế theo luật
của người đó và nếu hưởng thừa kế theo di chúc thì họ sẽ được hưởng phần nhỏ
hơn so với phần di sản họ sẽ được hưởng theo pháp luật.
Như vậy, những người có những hành vi như đã được quy định tại khoản 1
Điều 643 BLDS sẽ không được hưởng di sản của người đã chết .
1.2. Quy định tại Điều 669 Bộ luật dân sự
Theo truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, trong gia đình các con phải kính
trọng, nuôi dưỡng cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ phải nuôi dưỡng các con chưa thành
niên hoặc con bị tàn phế không thể tự nuôi sống được bản thân; vợ, chồng phải
7
thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; giữa những người này ngoài nghĩa
vụ pháp lí họ còn có các nghĩa vụ về đạo đức đối với nhau. Do đó, pháp luật quy
định trong trường hợp, họ phải được hưởng một phần kỷ phần nhất định từ di sản
của người đã chết. Điều này phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân ta.
Theo đó, Điều 669 BLDS 2005 quy định:
“ Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất
của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong
trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc hưởng phần
di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản
theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản
theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, me, vợ, chồng
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Có thể thấy, Điều 669 Bộ luật dân sự đề cập đến vấn đề người thừa kế không
phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Những người thừa kế không phụ thuộc vào
nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 669 BLDS gồm cha, mẹ, vợ, chồng,
con dưới mười tám tuổi và con đã thành niên của người lập di chúc mà không có
khả năng lao động. Những người này được hưởng phần di sản bằng hai phần ba
suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật,
trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản bằng cách
truất quyền thừa kế hoặc di sản đã định đoạt hết cho những người khác hoặc chỉ
cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật, trừ trường
hợp họ từ chối nhận di sản hợp pháp. Những người thừa kế không phụ thuộc vào
nội dung của di chúc là những người thừa kế cần thiết, không thể bị người lập di
chúc truất quyền, phần của mỗi người trong số họ được hưởng được bảo đảm tối
thiểu bằng hai phần ba của một suất thừa kế nếu toàn bộ di sản được chia theo
pháp luật.
8
Nội dung của Điều 669 BLDS một mặt tôn trọng ý chí của người để lại di
sản nhưng mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để
lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng,
chăm sóc. Hay nói cách khác điều luật trên quy định một số người thừa kế luôn có
quyền hưởng một phần di sản nhất định mà không phụ thuộc vào việc người lập di
chúc có cho họ hưởng hay không? Vì thế có thể nói rằng sự quy định trên của pháp
luật là sự dung hòa giữa phương diện kinh tế và phương diện đạo đức. Nghĩa là sự
dịch chuyển tài sản dù là hệ luận của quyền sở hữu đi nữa thì pháp luật vẫn can
thiệp đến sự định đoạt của người lập di chúc để hạn chế quyền định đoạt của họ
nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng thiết thực của những người có quan hệ thân
thích với người đó. Trái lại nếu sự chuyển dịch di sản được coi là bổn phận của
người đã chết đối với gia đình họ thì pháp luật vẫn cho phép người đó được tự do
một phần nào, trong việc định đoạt tài sản miễn là phải làm tròn bổn phận tối thiểu
đối với gia đình.
2. Mối liên hệ giữa những quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều 669 Bộ luật
dân sự
Mặc dù, những quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS và Điều 669 BLDS đề
cập hai vấn đề khác nhau: một là về việc người không được quyền hưởng di sản,
hai là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nhưng những quy
định ở hai điều luật này lại có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau.
Xét thấy, Điều 669 BLDS quy định người được thừa kế không phụ thuộc
vào nội dung di chúc là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của
người để lại di sản tức là những người có quan hệ huyết thống trực hệ, quan hệ hôn
nhân và quan hệ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản khi còn sống. Tuy nhiên,
không phải tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản đều
là người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc; để được nhận
9
phần di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc những người này còn
phải thỏa mãn các điều kiện:
- Người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di
sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật (2/3 một suất theo
luật được xác định bằng cách giả định toàn bộ di sản chia theo pháp luật)
- Không thuộc trường hợp những người từ chối nhận di sản theo quy định tại
Điều 642 BLDS
- Không thuộc trường hợp những người không có quyền hưởng di sản theo
quy định tại Khoản 1 Điều 643 BLDS.
Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nói trên, thì những người này sẽ được
hưởng một phần di sản tối thiểu bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp
luật. Tuy nhiên, người để lại di sản lập di chúc sau khi đã biết được các hành vi của
người theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS nhưng vẫn thể hiện ý chí cho
hưởng thì người này chỉ được hưởng di sản theo di chúc. Nếu người có tài sản
không định đoạt cho người này được hưởng di sản thì người này cũng không được
quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, có thể thấy mối liên hệ giữa những quy định tại khoản 1 Điều 643
BLDS và Điều 669 BLDS:
Thứ nhất, những quy định tại khoản 1 Điều 643 là một trong ba điều kiện
không thể thiếu trong việc xác định người được hưởng 2/3 suất thừa kế mà không
phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 669 BLDS. Theo Điều
669 BLDS để được hưởng 2/3 suất thừa kế thì người thừa kế không phụ thuộc vào
nội dung của di chúc phải không thuộc trường hợp những người không có quyền
hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS. Bởi lẽ, những người
không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 là những
người có hành vi trái pháp luật và đã bị kết án cho nên bị tước quyền hưởng di sản
thừa kế kể cả trong trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
10
Thứ hai, những quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS là cơ sở khi xác định
suất thừa kế được chia theo pháp luật để tính phần được hưởng của những người
được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 669
BLDS thì họ không là tham số để xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật,
vì họ không có quyền thừa kế theo pháp luật. Tóm lại, những trường hợp thuộc quy
định tại khoản 1 Điều 643 BLDS không phải là trường hợp được hưởng di sản mà
không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Và như vậy quyền hưởng thừa kế
không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không áp dụng đối với người từ chối
nhận di sản hoặc với những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại
khoản 1 Điều 643 BLDS (người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng,
sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản,
xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; người vi phạm nghiêm
trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; người bị kết án về hành vi cố ý xâm
phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di
sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc
ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di
chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của
người để lại di sản).
Thứ ba, những quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS liên quan đến việc tính
suất 2/3 thừa kế theo luật tại Điều 669 BLDS. Theo quy định tại Điều 669 BLDS
thì cách tính 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Lấy tổng di sản gốc là phần di sản còn lại để chia thừa kế sau khi đã thanh
toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại theo thứ tự ưu tiên thanh toán
được quy định tại Điều 683 BLDS gồm mai táng phí cho người đó, các khoản cấp
dưỡng còn thiếu, các khỏan bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của
người khác, các khoản nợ của Nhà nước, của các chủ thể khác; chi phí quản lí, bảo
quản di sản... Phần di sản còn lại được hiểu là di sản để chia thừa kế và là phần di
11
sản gốc đem chia cho những người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất có quyền
hưởng, được bao nhiêu nhân với 2/3 của suất đó và người thừa kế không phụ thuộc
vào nội dung của di chúc được hưởng phần đã được xác định theo cách tính này.
- Những người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất được hiểu là người
thừa kế có tên trong hàng đó và có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất là những người thừa kế có quyền
hưởng di sản. Nếu người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều
676 BLDS nhưng đã từ chối quyền hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di
sản theo quy định tại Điều 643 BLDS thì bị loại khỏi hàng thừa kế. Những người
bị loại khỏi hàng thừa kế thứ nhất không phải là tham số để xác định một suất thừa
kế chia theo pháp luật. Trong đó, có những người không có quyền hưởng di sản
theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS. Những người không có quyền hưởng di
sản bao gồm cả những người thừa kế theo pháp luật và những người thừa kế theo
di chúc. Nhưng để được coi là một nhân suất để tính một suất theo luật thì ta chỉ
xem xét nếu họ là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Đây là
những người đáng lẽ được hưởng di sản nhưng do có những hành vi trái pháp luật,
trái đạo đức nên pháp luật không cho họ hưởng di sản. Theo Điều 643, những
người này bao gồm:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về
hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm
trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác
nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền
hưởng;
12
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản
trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng
một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Đây là những người mà đáng lẽ họ được hưởng di sản nhưng vì họ có hành
vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản. Vì vậy,
họ không phải người thừa kế của người để lại di sản nữa. Do đó khi cộng nhân suất
để xác định một suất thừa kế theo luật không công nhận những người này.
Qua đây, có thể thấy rằng giữa quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều 669
BLDS có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quy định tại khoản 1 Điều 643 là cơ sở
cho Điều 669 BLDS được thực hiện một cách khách quan.
Ý nghĩa: Pháp luật thừa kế Việt Nam hiện hành đã có những quy định kế
thừa luật cổ nhằm nâng cao đạo đức của người thừa kế với những điều kiện để
được hưởng quyền nhận di sản đồng thời làm triệt tiêu quyền của những người
thừa kế đã vi phạm pháp luật liên quan đến thừa kế di sản. Pháp luật luôn có những
quy định tôn trọng quyền tự định đoạt ý chí của người để lại di sản, tuy đã biết
được hành vi của người mà nếu theo quy định của pháp luật là bất xứng hưởng
nhưng vẫn thể hiện ý chí cho họ hưởng di sản thì họ được hưởng di sản theo di
chúc. Theo quy định này, pháp luật thừa kế Việt Nam hiện hành đã thể hiện rõ bản
chất nhân đạo và phù hợp với quan niệm trong nhân dân ta là tha thứ cho những
hành vi theo quy định của pháp luật là phạm pháp nhưng trên phương diện quan hệ
xã hội thông thường, người có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được những người
thân thích tha thứ. Quy định này đã là bài học mang đậm nét nhân văn cao cả giúp
những người có hành vi trái pháp luật thông qua hành động nhân ái của người để
lại di sản mà tự tu dưỡng, tự cải tạo để trở thành người hữu ích cho xã hội và gia
đình.
3. Một số vấn đề thực tiễn khi áp dụng những quy định tại khoản 1 Điều 643 và
Điều 669 BLDS.
13
3.1. Những vấn đề thực tiễn
Thực tế cho thấy vấn đề liên quan đến những người không có quyền được
hưởng di sản trong trường hợp người quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung
của di chúc diễn ra khá phổ biến. Trong thực tế khi áp dụng Điều 669 BLDS nước
ta để bảo đảm quyền lợi của những người thừa kế được quy định trong đó vấn đề
đầu tiên là phương pháp xác định được “ hai phần ba của một suất thừa kế theo
luật” . Đây là một vấn đề hết sức khó khăn trong quá trình giải quyết một vụ tranh
chấp về thừa kế. “ hai phần ba suất thừa kế theo luật” cụ thể là bao nhiêu? Theo
khuôn mẫu nào để xác định. Để giải quyết những vướng mắc khi áp dụng điều luật
này cần đề cập các khía cạnh sau:
Thứ nhất, người thừa kế theo Điều 669 BLDS có được hưởng di sản khi bị
người để lại di chúc truất quyền hưởng di sản hay không? Trước hết cần phải hiểu
rằng người thừa kế “không được người để lại di chúc cho hưởng di sản” bao gồm:
người không được người lập di chúc phân định cho một phần di sản nào, người bị
người lập di chúc truất quyền hưởng di sản. Như vậy, “người không được người để
lại di chúc cho hưởng di sản” có thể không phải là người bị truất quyền hưởng di
sản nhưng ngược lại người bị truất quyền hưởng di sản là “người không được
người để lại di chúc cho hưởng di sản”. Từ đó, cần xác định những người được quy
định trong Điều 669 BLDS luôn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo luật kể
cả trường hợp người lập di chúc truất quyền hưởng di sản.
Thứ hai, chia như thế nào để xác định một suât thừa kế theo luật. Về nguyên
tắc một suất thừa kế theo luật là kết quả của một phép chia trong đó số bị chia là
tổng giá trị di sản thừa kế mà như đã xác định thì di sản thừa kế là toàn bộ di sản
của người chết để lại sau khi trừ đi các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại và
các khoản chi phí liên quan. Số chia là tổng số những người thừa kế theo pháp luật
trong thực tế. Việc xác định được một suất thừa kế để từ đó xác định được hai phần
ba suất thừa kế của nó không đơn giản thuần túy như sự đơn giản của một phép
14
chia số học. Việc xem xét những ai được coi là nhân suất còn có nhiều quan điểm
khác nhau. Vì vậy khi xác định một suất thừa kế theo luật cần lưu ý những người
nào được coi là nhân suất.
Như vậy, những người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất nếu như có những
hành vi đã được quy định tại khoản1 Điều 643 BLDS thì sẽ không có quyền được
hưởng di sản thừa kế. Ví dụ như tình huống sau:
Ông A kết hôn với bà B vào năm 1952 có hai người con chung là anh C và
anh D. Anh C có vợ là Q, có hai người con chung là G và H.
Anh C và ông A, bà B trước đó có mâu thuẫn về việc đất cát. Tháng 1/2007
ông A bị kết án về hành vi gây thương tích cho anh C, do cha con tranh chấp nhau
về địa giới đất thổ cư.
Anh C qua đời vào tháng 4 năm 2007, có để lại di chúc cho chị Q ¼ di sản,
phần di sản còn lại chia đều cho hai con là G và H. Đồng thời, truất quyền thừa kế
của ông A và bà B. Qua sự kiện trên bà B kiện đến tòa án xin được chia di sản của
anh C. Tòa án xác định được: tài sản chung hợp nhất của anh C và chị Q là
900.000.000 đồng.
Trong tình huống trên ông A và bà B bị anh C truất quyền hưởng di sản
nhưng bà B vẫn được hưởng theo quy định tại Điều 669 BLDS còn ông A không
có quyền hưởng do bị tước quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS. Theo
điểm a khoản 1 Điều 643 BLDS: “ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính
mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di
sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó” sẽ không được
quyền hưởng di sản và trong tình huống này ông A đã gây thương tích cho anh C
và đã bị kết án về hành vi đó nên ông A sẽ không được hưởng di sản của anh C.
Khi xác định 2/3 suất thừa kế chia theo pháp luật, chỉ chia cho bốn suất để xác định
2/3 suất thừa kế theo pháp luật cho bà B. Vì ông A đã bị loại khỏi hàng thừa kế thứ
nhất riêng bà B vẫn là tham số trong nhân suất.
15
Ông A chỉ được hưởng di sản của anh C với điều kiện anh C đã biết ông có
hành vi xâm phạm sức khỏe của anh nhưng vẫn cho ông hưởng di sản theo di chúc.
Trong tình huống này, anh C đã lập di chúc truất quyền thừa kế của ông A do vậy
ông A không được hưởng di sản của anh C.
Như vậy, có thể thấy khoản 1 Điều 643 và Điều 669 có mối liên hệ hết sức
chặt chẽ, những trường hợp không được hưởng thừa kế theo quy định tại khoản 1
Điều 643 là cơ sở để tính suất hai phần ba theo quy định tại Điều 669 BLDS. Tuy
nhiên, ở mỗi hoàn cảnh, tình huống khác nhau thì việc xét xem đối tượng nào
thuộc trường hợp được hưởng hai phần ba suất thừa kế theo luật lại có sự khác
nhau. Có trường hợp người thừa kế có hành vi như đã được quy định tại khoản 1
Điều 643 BLDS nhưng chưa bị kết án về hành vi đó và người để lại di sản vẫn để
lại di sản cho người đó thì người đó vẫn được hưởng di sản. Vì vậy, khi xem xét
vấn đề này cần làm rõ hành vi của người đó theo quy định tại khoản 1 Điều 643
BLDS. Ví dụ như tình huống sau:
Vợ chồng ông A, bà B kết hôn vào năm 1960 có ba người con chung là anh
C, chị D và chị E. Do tính cách của hai vợ chồng không hợp nhau, ông A và bà B
thường xuyên to tiếng với nhau và đã nhiều lần bà B bị ông A hành hạ về thể xác.
Do bị bệnh hiểm nghèo, bà B đã qua đời vào tháng 5/2008 có để lại di chúc
truất quyền thừa kế của ông A và cho anh C hưởng ½ di sản, còn ½ di sản chia đều
chị D và chị E. Sau khi bà B qua đời, ông A kiện đến tòa án xin được chia di sản
của bà B. Tòa án xác định được tài sản chung hợp nhất của ông A, bà B có
1.000.000.000 đồng.
Theo tình huống trên, vợ chồng ông bà A và B có ba người con chung 1 trai,
2 gái. Khi sinh thời, ông A luôn hành hạ bà B nhưng chưa có bản án kết án ông A
về hành vi hành hạ vợ, do vậy chiếu theo quy định tại khỏan 1 Điều 643 BLDS thì
ông A không bị tước quyền hưởng di sản của bà B, cho dù bà B truất quyền hưởng
di sản của ông A. Theo quy định tại Điều 669 BLDS, ông A tuy bị bà B truất
16
quyền thừa kế nhưng ông là chồng của bà B cho đến thời điểm mở thừa kế của bà
cho nên ông A vẫn được hưởng phần tối thiểu bằng 2/3 suất thừa kế được chia theo
pháp luật.
Khi bà B còn sống, ông A thường hành hạ bà cho nên bà lập di chúc truất
quyền thừa kế của ông. Ông A tuy có hành vi hành hạ vợ nhưng ông không bị kết
án về hành vi đó cho nên ông vẫn có quyền hưởng thừa kế di sản của vợ khi bà qua
đời. Tuy rằng, bà B đã lập di chúc truất quyền thừa kế của ông A nhưng theo quy
định tại Điều 669 BLDS, ông A vẫn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế chia
theo pháp luật như đã được xác định. Ngược lại, nếu ông A có hành vi hành hạ bà
B và ông đã bị tòa án kết án về hành vi hành hạ đó bằng một bản án có hiệu lực
pháp luật thì cả trong trường hợp bà B không lập di chúc cho ai hưởng và cũng
không truất quyền hưởng di sản của ông A thì ông A cũng không có quyền hưởng
di sản của bà B theo pháp luật ( vì ông A đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 643
BLDS). Trong trường hợp này, nếu bà B truất quyền thừa kế của ông A thì ông
cũng không được hưởng di sản của bà B theo quy định tại Điều 669 BLDS, với tư
cách của người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Vì ông A
vừa bị tòa án kết án về hành vi hành hạ người để lại di sản, vừa bị người để lại di
sản truất quyền thừa kế theo di chúc. Nếu ông A bị tòa án kết án do có hành vi
hành hạ bà B bằng bản án có hiệu lực pháp luật, bà B tuy đã biết được hành vi của
ông A hành hạ mình nhưng vẫn lập di chúc cho ông A hưởng thì ông A được thừa
kế di sản của bà B theo di chúc. Trường hợp này không hẳn là hiếm trong cuộc
sống mà thường xảy ra do tình cảm và lòng vị tha của người chồng hoặc người vợ
tuy đã biết vợ hoặc chồng của mình đối xử với mình chưa bao giờ dựa trên tình vợ
chồng nhưng vẫn lập di chúc cho chồng hoặc vợ được hưởng. Nghĩa vợ, tình chồng
là yếu tố hóa giải mạnh mẽ những mâu thuẫn vợ chồng khi còn chung sống. Đây là
nét đẹp văn hóa của người Việt Nam cần được pháp luật bảo hộ bằng cơ chế điều
chỉnh của pháp luật, đặc biệt trong quan hệ thừa kế di sản.
17
Qua các tình huống cụ thể ở trên có thể thấy, việc xác định trường hợp nào
được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là hết
sức cần thiết. Trong từng trường hợp cụ thể để xác định đúng xem người đó có
được hưởng di sản hay không? Thì cần phải xét xem họ có các hành vi được quy
định tại khoản 1 Điều 643 BLDS hay không? Khi đó mới tiến hành chia di sản theo
quy định tại Điều 669 BLDS.
3.2. Những hạn chế trong mối liên hệ giữa những quy định tại khoản 1 Điều
643 BLDS và Điều 669 BLDS
Qua việc xét mối liên hệ giữa những quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều
669 BLDS có thể thấy còn có rất nhiều hạn chế trong vấn đề này:
Thứ nhất, nếu những người thuộc diện thừa kế có những hành vi như đã
được quy định tại khoản1 Điều 643 BLDS nhưng chưa bị kết án về hành vi đó thì
khi bị người để lại di sản truất quyền thừa kế thì họ có được hưởng di sản theo quy
định tại Điều 669 BLDS hay không? Nếu như người đó vẫn được nhận thì liệu có
phù hợp với thực tiễn hay không? Thông thường nếu như người được hưởng di sản
có hành vi hành hạ thể xác của người để lại di sản thì khi để lại di sản tất nhiên
người để lại di sản sẽ không để lại cho người đó và trong di chúc người để lại di
sản sẽ truất quyền thừa kế của người đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu như
người đó bị tòa án kết án về hành vi đó thì đương nhiên sẽ không được hưởng di
sản thừa kế. Và cho dù người để lại di sản không truất quyền thừa kế thì người đó
vẫn không được quyền hưởng di sản. Điều này phù hợp với tâm lí của người để lại
di sản. Nếu trong trường hợp người đó không bị kết án về hành vi đó mặc dù người
để lại di chúc đã truất quyền thừa kế của người đó trong di chúc nhưng theo quy
định tại Điều 669 BLDS người đó vẫn được hưởng hai phần ba suất thừa kế theo
luật. Điều này liệu có phù hợp với ý nguyện của người để lại di sản hay không?
Như vậy, trong trường hợp này quyền định đoạt của người lập di chúc đã bị hạn
chế.
18
Thứ hai, những người không được hưởng di sản thừa kế có được coi là nhân
suất khi xác định một suất theo luật hay không? Hiện nay còn tồn tại hai quan
điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là những người đáng lẽ được hưởng di sản
nhưng do có những hành vi trái đạo đức, trái pháp luật nên họ bị pháp luật tước đi
quyền hưởng di sản. Do đó, họ không còn là người thừa kế theo pháp luật của
người để lại di sản. Vì vậy không được tính họ vào nhân suất để xác định một suất
theo luật. Quan điểm thứ hai cho rằng, cho dù bị tước quyền hưởng di sản nhưng
những người này vẫn phải được coi là nhân suất để tính một suất theo luật vì nếu
không như vậy dễ dẫn đến trường hợp “kỷ phần bắt buộc” có thể ít hơn bằng hay
thậm chí lớn hơn một suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp
bình thường.
Nhưng có lẽ quan điểm thứ nhất hợp lý hơn, bởi cách tính 2/3 suất của một
người thừa kế theo pháp luật là giả định di sản được chia theo pháp luật. Nếu di sản
được chia theo pháp luật thì đương nhiên sẽ không thể chia cho những người bị
tước quyền hưởng di sản. Vì vậy, những người này không được coi là một nhân
suất để tính 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Thứ ba, việc quy định người không được quyền hưởng di sản tại khoản 1
Điều 643 BLDS còn chưa thực sự rõ ràng dẫn một số người đến hiểu sai vấn đề
đặc biệt là trong tranh chấp về thừa kế vì người thừa kế cho rằng có người thừa kế
không được quyền hưởng di sản. Rất nhiều trường hợp xảy ra trong thực tế là khi
chia di sản những người thừa kế tranh chấp nhau vì trong đó có người thừa kế có
một trong những hành vi đã được quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS nên những
người thừa kế không cho rằng người đó sẽ không được quyền hưởng thừa kế tuy
nhiên họ không hiểu các vấn đề được quy định trong điều luật trên một cách thấu
đáo. Chẳng hạn có người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng
người để lại di sản nhưng chưa nghiêm trọng đến mức bị tước quyền hưởng di sản
nhưng những người thừa kế cho rằng cứ không chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ là
19
không được hưởng di sản của cha mẹ để lại. Hoặc cứ giả mạo di chúc là mất quyền
thừa kế nhưng họ không hiểu là người giả mạo di chúc chỉ không được hưởng di
sản của người đã bị họ giả mạo di chúc còn đối với di sản của người khác họ vẫn
được hưởng.
Ví dụ: vụ án cụ thể được Tòa án nhân dân tỉnh An Giang giải quyết bằng bản
án phúc thẩm số 126 – DSPT ngày 3/4/1998. Cụ Nguyễn Văn Tam và vợ là cụ Dần
có 5 người con chung là Nguyền Hữu Hanh, Nguyễn Thị Tú, Nguyền Thị Dung,
Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Thị Chăm. Cụ Tam chết vào năm 1957 không để lại di
chúc. Cụ Dần chết vào năm 1983 cũng không để lại di chúc. Sau khi cụ Dần chết
bà Nguyễn Thị Chăm đã xuất trình một bản di chúc đứng tên cụ Dần có nội dung là
cho chị Chăm hưởng toàn bộ nhà và đất do cụ dần để lại. Tài sản chung của vợ
chồng cụ Tam và cụ Dần để lại gồm một căn nhà và đất trị giá 101.776.000 đồng
và một số tài sản khác. Trong vụ án trên 4 anh chị em còn lại đều cho rằng chị
Chăm đã có hành vi giả mạo di chúc nên không được quyền hưởng di sản của cha
mẹ để lại. Cách hiểu của những người đó là không chính xác vì chị Chăm chỉ giả
mạo di chúc của cụ Dần nên chỉ không được hưởng di sản của cụ Dần để lại còn di
sản của cụ Tam để lại thì chị Chăm vẫn được hưởng.
Như vậy, khi xem xét các trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào
nội dung của di chúc theo Điều 669 BLDS thì cần phải xem xét đánh giá đúng
những trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều
643 BLDS để tránh những hiểu lầm không đáng có.
20
III. KẾT LUẬN
Có thể thấy, những quy định tại khoản 1 Điều 643 và Điều 669 BLDS có mối
liên hệ chặt chẽ với nhau. Những trường hợp có hành vi được quy định tại khoản 1
Điều 643 BLDS sẽ không được áp dụng vào Điều 669 BLDS tức là những người
có hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS sẽ không được quyền hưởng
di sản theo Điều 669 BLDS về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di
chúc. Những quy định này góp phần nâng cao đạo đức của người thừa kế với
những điều kiện để được hưởng quyền nhận di sản đồng thời làm triệt tiêu quyền
của những người thừa kế đã vi phạm pháp luật liên quan đến thừa kế di sản. Tuy
nhiên, việc áp dụng những quy định này vào thực tế còn có rất nhiều hạn chế bởi
vậy cần bổ sung những điều luật cụ thể hơn và ban hành những văn bản hướng dẫn
thi hành cụ thể quy định về vấn đề này.
21
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật thừa kế Việt Nam, TS. Phùng Trung Tập, NXB. Hà Nội
2. Giáo trình luật Dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. Công an
nhân dân.
3. Bộ luật Dân sự, NXB. Tư Pháp.
4. Giáo trình luật Dân sự Việt Nam, TS. Lê Đình Nghị (chủ biên), NXB. Giáo dục
Việt Nam.
5. Thừa kế quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, TS. Phạm Văn Tuyết, Hà
Nội-2007, NXB. Chính trị quốc gia.
6. Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam những vấn đề lí luận và thực tiễn,
TS. Trần Thị Huệ, NXB. Tư pháp.
7. Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay, TS. Phùng
Trung Tập, NXB. Tư pháp.
8. Trang web
22