Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Quy định của pháp luật về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (172.73 KB, 16 trang )

A.

LỜI NÓI ĐẦU

Trong cuộc sống hàng ngày, lúc này hay lúc khác, dù không hề mong muốn
và dù khoa học kỹ thuật có tiến bộ đến đâu, người ta vẫn có thể phải gánh chịu
những rủi ro tổn thất bất ngờ. Bảo hiểm có vai trò như một công cụ an toàn thực
hiện chức năng bảo vệ con người, bảo vệ tài sản cho xã hội, góp phần ổn định
và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Sự có mặt của các công ty bảo
hiểm thời gian qua đã góp phần tạo nên một thị trường cạnh tranh sống động
giàu tiềm năng, hoạt động bảo hiểm đã đi vào đời sống xã hội khá sâu rộng,
song cũng từ đây, những tranh chấp phát sinh cũng khiến dư luận có cái nhìn
khác nhau về hoạt động bảo hiểm. Mối quan hệ giữa công ty bảo hiểm và khách
hàng được thể hiện thông qua bản hợp đồng. Khi phát sinh tranh chấp, hợp đồng
là cơ sở pháp lý quan trọng nhất. Tuy nhiên, không ít nội dung, chi tiết trong
hợp đồng đã đẩy khách hàng vào thế bại. Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được
ban hành từ 9/12/2000 và đã phát huy tác dụng tích cực của nó. Tuy nhiên,
trong thực tế thi hành, các doanh nghiệp và những cá nhân, tổ chức tham gia thị
trường bảo hiểm còn chưa thật sự nắm vững các quy định của pháp luật trong
lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đã có nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
xảy ra mà các bên không thể tìm ra cách giải quyết thoả đáng.

B. NỘI DUNG
I. Khái niệm chung
1. Khái niệm hợp đồng bảo hiểm
Theo điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận
giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm
phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho
người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện
bảo hiểm
2. Chủ thể và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm


2.1. Các chủ thể có liên quan
- Doanh nghiệp bảo hiểm: Tổ chức, cá nhân có đầy đủ tư cách pháp nhân
được nhà nước cho phép tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm
- Người tham gia bảo hiểm: là tổ chức hoặc cá nhân ký kết hợp đồng bảo
hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm
- Người được bảo hiểm: tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính
mạng hoặc tình trạng sức khỏe được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm
1


- Người thụ hưởng: tổ chức, cá nhân được người tham gia bảo hiểm chỉ định
trong hợp đồng bảo hiểm sẽ nhận sự tài trợ và bồi thường từ doanh nghiệp bảo
hiểm
2.2 Trách nhiệm của các bên
Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ, hợp đồng có điều kiện bởi các bên
đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, người mua bảo hiểm phải trả phí bảo
hiểm thì mới được đảm bảo về quyền lợi, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ
trả tiền hoặc bồi thường bảo hiểm cho khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm
3. Một số hình thức liên quan đên hợp đồng bảo hiểm
Hình thức của hợp đồng bảo hiểm được quy định tại điều 574 bộ luật dân sự
năm 2005, luật kinh doanh bảo hiểm tại điều 14 cũng đã khẳng định lại hình
thức duy nhất để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là văn bản, bằng chứng giao
kết hợp đồng là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm.
- Đơn bảo hiểm là bằng chứng hợp pháp của một hợp đồng bảo hiểm, trong
đơn thường bao gồm các phần: tiêu đề, phần mở đầu, điều khoản chữ ký, điều
khoản chính, các khoản loại trừ, thời hạn bảo hiểm, các điều kiện, phụ lục. Khi
đơn bảo hiểm được bên bảo hiểm chấp nhận, người tham gia bảo hiểm đóng
phí thì cam kết bảo hiểm phát sinh hiệu lực.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm: Là hình thức thay thế đơn bảo hiểm để chứng
minh rằng việc đảm bảo hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và tuân thủ các

quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm tra của các cơ quan
hành pháp.
Ngoài ra luật kinh doanh bảo hiểm quy định thêm các hình thức như điện
báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định. Quy định này đó đã
góp phần đa dạng hóa các loại hợp đồng bảo hiểm được ký kết qua các phương
tiện ngày càng hiện đại. Tuy nhiên luật kinh doanh bảo hiểm đã không quy định
rõ các hình thức như điện báo, telex, fax và các hình thức do pháp luật quy định
có là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm như đơn bảo hiểm, giấy chứng
nhận bảo hiểm. Nên chăng luật kinh doanh bảo hiểm cũng cần khẳng định rõ
các hình thức như điện báo, telex, fax và các hình thức khác chỉ là hình thức thể
hiện của giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm, còn bằng chứng giao
kết hợp đồng bảo hiểm vẫn là giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm.
Ngoài ra trên thực tế một số doanh nghiệp bảo hiểm có cung cấp cho khách
hàng giấy chứng nhận bảo hiểm tạm thời sử dụng ở thời điểm khách hàng đã
đồng ý giao kết hợp đồng, doanh nghiệp đang trong quá trình thẩm định hồ sơ.
2


Tác dụng của giấy chứng nhận bảo hiềm tạm thời là công ty bảo hiểm tạm thời
bảo hiểm cho khách hàng ở một phạm vi nhất định (thường nhở hơn phạm vi
bảo hiểm theo hợp đồng) trong thời gian thẩm định hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Xu
hướng sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm tạm thời sẽ ra tăng nhất là trong lĩnh
vực bảo hiểm nhân thọ bởi công ty luôn mong muốn khách hàng của mình có
cảm giác được bảo vệ ngay từ khi đồng ý giao kết hợp đồng và đóng phí bảo
hiểm lần đầu. Vì vậy pháp luật nên quy định rõ về giá trị pháp lý cũng như
phạm vi sử dụng giấy tờ này.
II.Quy định của pháp luật về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
của doanh nghiệp bảo hiểm
Việc xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của DNBH đóng vai
trò hết sức quan trọng. Đây chính là mốc thời gian mà DNBH phải thực hiện

nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm nếu có rủi ro xảy ra
Theo điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Trách nhiệm bảo
hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có
bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua
bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác
trong hợp đồng bảo hiểm”
Như vậy điều 15 Luật KDBH năm 2000 đã quy định về thời điểm phát sinh
trách nhiệm bảo hiểm, nhưng lại cho phép các bên có thoả thuận khác. Từ đó,
có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau về quy định này nhằm trục lợi bảo
hiểm. Luật KDBH sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các trường hợp
phát sinh trách nhiệm bảo hiểm:
“Điều 15. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí
bảo hiểm;
2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh
nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo
hiểm;
3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo
hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.”
1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm
3


Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo
hiểm sẽ phát sinh khi thỏa mãn đồng thời các yêu cầu sau:
Thứ nhất, Bên mua bảo hiểm phải đóng phí cho DNBH (trừ trường hợp các
bên có thỏa thuận về nợ phí đóng phí). Tức là bên mua bảo hiểm phải thực hiện
nghĩa vụ đóng phí trước mới được quyền nhận tiền bồi thường. Dù hợp đồng
bảo hiểm đã được ký kết nhưng người tham gia chưa nộp phí thì không phát

sinh trách nhiệm bảo hiểm trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp
đồng. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà người tham gia nộp cho công ty bảo hiểm
để bảo hiểm cho những rủi ro mà họ tham gia. Quy định trên của LKDBH là
hoàn toàn phù hợp xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, về phương diện kinh tế, để thực hiện được hoạt động kinh doanh
bảo hiểm, DNBH phải bỏ ra những chi phí nhất định. Các chi phí này bao gồm
hai phần cơ bản đó là khoản tiền mà DNBH phải chi trả cho bên mua bảo hiểm
khi họ thuộc trường hợp bảo hiểm và khoản tiền mà DNBH phải bỏ ra để thực
hiện hoạt động kinh doanh như chi phí ký kết hợp đồng, chi phí quản lý, thuế
nộp cho ngân sách nhà nước... Để bù đắp những chi phí mà mình bỏ ra cũng
như đảm bảo yếu tố lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của mình, khi tiến
hành cấp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, DNBH được quyền yêu cầu bên
mua bảo hiểm nộp cho họ phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm chính là khoản tiền mà
bên mua bảo hiểm phải trả cho việc nhận cung ứng dịch vụ bảo hiểm từ DNBH,
hay nói một cách khác, phí bảo hiểm là giá cả của sản phẩm bảo hiểm.
Về nguyên tắc, phí bảo hiểm phải đủ để:
+ DNBH thực hiện cam kết bồi thường cho các khiếu nại dự kiến phát sinh
trong thời gian bảo hiểm. DNBH chỉ có thể ước tính số tiền khiếu nại trong kỳ,
chứ không thể tính toán được chính xác số tiền sẽ phải bồi thường. Tuy nhiên,
bởi vì có nhiều người tham gia bảo hiểm nên DNBH có thể dự kiến được số
tiền có thể phải bồi thường dựa vào xác suất rủi ro đối với từng nghiệp vụ bảo
hiểm.
+ Dự trữ một khoản tiền nhất định để thanh toán các khiếu nại còn tồn đọng (là
những khiếu nại đã phát sinh nhưng chưa giải quyết). Sở dĩ, DNBH phải tính
toán đến điều này vì không phải tất cả các khiếu nại đều có thể được thanh toán
dứt điểm ngay, vì vậy, phí bảo hiểm cũng phải tính toán đến yếu tố này.
+ Trích lập quỹ dự phòng tổn thất lớn, là những tổn thất nghiêm trọng vượt quá
khả năng kiểm soát của DNBH, chẳng hạn như các tổn thất do thiên tai, dịch
bệnh...
4



+ Trang trải các chi phí quản lý như tiền lương, tiền thuê trụ sở, tiền văn phòng
phẩm, chi phí quảng cáo, hoa hồng và các khoản chi phí khác.
+ Thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như nộp thuế, phí, lệ phí...
+ Đảm bảo mức lãi hợp lý.[1]
Như vậy, xét về phương diện kinh tế, việc DNBH thu phí bảo hiểm để đảm bảo
cung ứng dịch vụ bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm là hoàn toàn hợp lý. Phí bảo
hiểm mà bên mua bảo hiểm đóng không những được sử dụng để chi trả bảo
hiểm mà còn giúp cho DNBH duy trì được hoạt động kinh doanh của mình,
đảm bảo cung ứng sản phẩm bảo hiểm cho xã hội.
Thứ hai, về phương diện pháp lý, khi tham gia vào một giao dịch dân sự,
các bên đều hướng đến những lợi ích nhất định. Để được hưởng lợi ích, các bên
phải thực hiện nghĩa vụ. Nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật dân sự được hiểu là
một bộ phận không tách rời trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự.
Nghĩa vụ là những hành vi mà một bên chủ thể phải thực hiện vì lợi ích của bên
kia. Việc bên mua bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm cho DNBH trong quan hệ
bảo hiểm tài sản phát sinh từ nghĩa vụ dân sự trong giao dịch dân sự. Cụ thể, để
nhận được cam kết chi trả từ phía DNBH trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua
bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Hay nói một cách khác,
để được hưởng lợi ích bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ.
Nghĩa vụ này phát sinh từ việc, bên mua bảo hiểm được quyền nhận tiền bồi
thường từ DNBH khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Hơn nữa, nghĩa vụ đóng phí
bảo hiểm còn gắn liền với lợi ích của DNBH. Cụ thể, từ khoản phí bảo hiểm
thu được, DNBH sử dụng để trang trải chi phí kinh doanh và đảm bảo lợi nhuận
cho mình. Ngoài ra, còn phải kể đến, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm,
trách nhiệm bảo hiểm của DNBH phụ thuộc vào mức phí bảo hiểm mà bên mua
bảo hiểm đóng. Vì vậy, pháp luật phải có những quy định cụ thể về trách nhiệm
và quyền lợi của các bên trong từng trường hợp.
Thứ hai, Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc có bằng chứng về việc hợp

đồng bảo hiểm đã được giao kết
Theo quy định tại điều 14 luật kinh doanh bảo hiểm quy định: Hợp đồng bảo
hiểm phải được lập thành văn bản.Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là
giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức
khác do pháp luật quy định.”
Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý bảo
hiểm (thể hiện qua việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm). Nhưng
5


đồng ý bảo hiểm khác hoàn toàn với việc phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Cụ
thể, đồng ý bảo hiểm trong bảo hiểm thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm có đủ
điều kiện để cấp bảo hiểm, tuy nhiên nếu doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý bảo
hiểm nhưng bên mua bảo hiểm chưa đóng phí thì không thể phát sinh trách
nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm được. Bởi vì, hợp đồng bảo hiểm chỉ được
coi là có hiệu lực pháp lý khi nó thể hiện ý chí tham gia vào hợp đồng của cả
hai bên. Nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí thì điều đó có nghĩa là bên mua
bảo hiểm chưa thể hiện ý chí tham gia hợp đồng. Hơn nữa, bản chất kinh tế của
phí bảo hiểm là khoản tiền mà người mua bảo hiểm đóng góp vào quỹ bảo hiểm
để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bảo hiểm, do vậy, nếu người mua bảo hiểm
chưa đóng phí, thì không có cơ sở kinh tế để doanh nghiệp bảo hiểm bồi
thường. Còn xét ở góc độ pháp lý, khi người mua bảo hiểm chưa thực hiện
nghĩa vụ thì cũng không thể được hưởng quyền. Như vậy, có thể khẳng định,
thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm
chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự nói chung được Bộ luật dân sự
2005 quy định tại Điều 405 như sau: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu
lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có
quy định khác.” Theo quy định này thì thời điểm có hiệu lực của một hợp đồng
dân sự được xác định theo một trong ba căn cứ: Theo thời điểm giao kết của

hợp đồng, theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, theo quy định khác của
pháp luật. Nguyên tắc để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phải theo
thứ tự: Căn cứ vào thỏa thuận, trong trường hợp không có thoả thuận nhưng có
quy định riêng của pháp luật thì căn cứ vào quy định riêng của pháp luật sau
cùng, nếu không có thỏa thuận và cũng không có quy định riêng thì căn cứ vào
thời điểm giao kết để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Hiện chưa có quy định riêng của pháp luật về việc xác định thời điểm có hiệu
lực của hợp đồng bảo hiểm nên đối với các hợp đồng bảo hiểm mà các bên
không có thoả thuận khác về thời điểm có hiệu lực của nó thì thời điểm có hiệu
lực của hợp đồng bảo hiểm đó được xác định theo thời điểm giao kết của hợp
đồng. Đối với hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản theo trình tự
thông thường (không phải tuân theo trình tự mà pháp luật đã quy định) thì thời
điểm giao kết của hợp đồng đó là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.
Hành vi giao kết hợp đồng mới chỉ thể hiện sự đồng thuận về mặt hình thức, tức
là thể hiện việc bên mua bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận
6


bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý chấp nhận bảo hiểm. Tuy nhiên,
trong bảo hiểm, không thể cho rằng, khi hai bên đã ký vào hợp đồng thì đương
nhiên phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được vì lý do,
yếu tố mà cả hai bên hướng đến để giao kết hợp đồng là rủi ro. Bảo hiểm là sự
chia sẻ rủi ro mang tính cộng đồng. Để gánh chịu rủi ro thay cho người mua bảo
hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạo lập quỹ bảo hiểm từ phí bảo hiểm của
những người tham gia bảo hiểm. Về nguyên tắc, bên mua bảo hiểm chỉ được bồi
thường bảo hiểm khi họ đã phải đóng phí, tức họ đã phải đóng góp tài chính vào
quỹ bảo hiểm thì mới được hưởng sự chia sẻ này. Chính vì vậy, thời điểm hợp
đồng bảo hiểm được giao kết là thời điểm các bên ghi nhận sẽ tham gia hợp
đồng, tuy nhiên hợp đồng phải thể hiện ý chí của đôi bên nên nếu doanh nghiệp
bảo hiểm đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng bên mua bảo hiểm chưa tiến

hành đóng phí thì cũng chưa thể hiện ý chí tham gia hợp đồng của bên mua bảo
hiểm (nếu không có thỏa thuận về gia hạn đóng phí) do vậy chưa thể coi đây là
thời điểm phát sinh hiệu lực pháp lý của hợp đồng.
2. Thời hạn bảo hiểm
Thời hạn bảo hiểm là khoảng thời gian được xác định theo hợp đồng bảo
hiểm bằng điều khoản quy định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thức hiệu lực
bảo hiểm, mà trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm
chi trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm nếu
xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm có thể được tính theo ngày hoặc có
thể được tính theo sự kiện. Nếu tính theo ngày thì thời điểm bắt đầu của thời
hạn bảo hiểm được tính từ 0 giờ của ngày bảo hiểm đầu tiên theo dương lịch
(ngày tiếp theo ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực). Nếu được tính theo sự
kiện thì thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm chính là thời điểm bắt đầu của
sự kiện. Thông thường, thời hạn bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản
là một năm. Thời hạn bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 5 năm,
10 năm, 20 năm hoặc suốt đời. Thời hạn bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm
thiệt hại khác như bảo hiểm công trình xây dựng, bảo hiểm hàng hoá vận
chuyển, bảo hiểm hành khách thường được xác định theo lộ trình công việc đó
Nếu thời hạn của hợp đồng bảo hiểm là căn cứ để xác định mối liên hệ pháp lý
về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thì thời hạn bảo hiểm là căn
cứ để xác định một rủi ro, thiệt hại được coi là một sự kiện được bảo hiểm.
Thông thường, một rủi ro xảy ra trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo
hiểm sẽ là sự kiện được bảo hiểm nhưng cũng có rất nhiều trường hợp không
7


phải là sự kiện bảo hiểm nếu xem xét trong mối liên hệ nói trên. Vì thế, việc xác
định chính xác thời hạn bảo hiểm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định
quyền được hưởng bảo hiểm hay không của người được bảo hiểm đồng thời
cũng là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

3. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt
Hợp đồng bảo hiểm được chấm theo các trường hợp được quy định tại Điều
424 của Bộ luật dân sự 2005 và Điều 23 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao
gồm:
+ Hợp đồng được hoàn thành
trong hợp đồng bảo hiểm, sau khi đã nhận phí bảo hiểm, bên bảo hiểm phải chịu
rủi ro cho đến khi hết hạn của hợp đồng nên việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
theo được xác định như sau: Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản có mức bảo
hiểm là 100% giá trị của tài sản bảo hiểm thì dù sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và
bên bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại nhưng số tiền bồi thường chưa bằng 80%
giá trị của tài sản được bảo hiểm thì vẫn phải bảo hiểm cho đến khi hết hạn hợp
đồng, nếu số tiền bồi thường đã bằng 80% trở lên so với giá trị của tài sản được
bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm đó được coi là chấm dứt kể từ khi bên bảo
hiểm đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm. Đối với
hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì hợp đồng được coi là chấm dứt khi xảy ra sự
kiện bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm.
+ Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện
hợp đồng.
Khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì hợp đồng bảo hiểm
đó được coi là chấm dứt tại thời điểm bên kia nhận được thông báo đơn phương
chấm dứt thực hiện hợp đồng của bên này. Theo quy định của pháp luật về bảo
hiểm thì các bên trong hợp đồng bảo hiểm được đơn phương chấm dứt thực
hiện hợp đồng trong nhưng trường hợp sau đây:
Bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi
bên mua bảo hiểm có một trong các hành vi:
* Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được
trả tiền bảo hiểm hoặc để được bồi thường;
* Không thông báo cho bên bảo hiểm những trường hợp có thể làm tăng rủi ro
hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của bên bảo hiểm trong quá trình thực hiện
hợp đồng bảo hiểm dù bên bảo hiểm đã yêu cầu;

8


* Không chấp nhận việc tăng phí bảo hiểm khi bên bảo hiểm tính lại phí bảo
hiểm trên do có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn
đến tăng các rủi ro được bảo hiểm.
* Bên tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không tiếp tục đóng phí bảo hiểm
sau 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí thì hợp đồng bảo hiểm này đương
nhiên bị coi là chấm dứt kể từ thời điểm hết thời hạn của gia hạn đóng phí.
(Trong trường hợp thời gian đã đóng phí bảo hiểm chưa đủ hai năm).
* Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp an toàn cho đối tượng
bảo hiểm và bên bảo hiểm đã ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm
thực hiện các biện pháp đó nhưng hết thời hạn mà các biện pháp đó vẫn không
được thực hiện thì hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm bên
tham gia bảo hiểm đã nhận được thông báo bằng văn bản của bên bảo hiểm về
việc chấm dứt hợp đồng.
- Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi hợp đồng bị huỷ bỏ.
+ Bên tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã đóng phí bảo hiểm được từ hai
năm trở lên và không tiếp tục đóng phí bảo hiểm sau 60 ngày kể từ ngày gia hạn
đóng phí thì hợp đồng bảo hiểm này chấm dứt kể từ khi bên bảo hiểm thực hiện
việc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, bên bảo hiểm phải trả cho bên mua giá trị
hoàn lại của hợp đồng (giá trị giải ước). Ta nói rằng trường hợp này chính là
huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.
+ Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi đối tượng được bảo hiểm không còn.
Khi tài sản được bảo hiểm bị mất hoặc bị huỷ hoại toàn bộ. Tài sản bị mất hoặc
bị huỷ hoại có thể chính là sự kiện bảo hiểm, có thể không thuộc sự kiện bảo
hiểm trong một hợp đồng. Chẳng hạn, trong các hợp đồng bảo hiểm trộm cắp,
nếu tài sản bị mất do trộm cắp là sự kiện bảo hiểm, nhưng nếu tài sản bị huỷ
hoại thì không thuộc sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung thì
hợp đồng được coi là chấm dứt tại thời điểm tài sản được bảo hiểm không còn.

Trong đó, nếu sự “không còn” của tài sản thuộc sự kiện bảo hiểm thì bên bảo
hiểm phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường; Khi người được bảo hiểm bị chết thì
hợp đồng đó được coi là chấm dứt tại thời điểm người đó chết và đương nhiên
nếu sự kiện chết của người đó thuộc sự kiện bảo hiểm thì bên bảo hiểm phải
thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng; Bên mua bảo
hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Như vậy, thời hạn của hợp đồng bảo hiểm là một khoảng thời gian nhất định
được xác định từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực đến thời điểm chấm dứt hiệu lực
9


của hợp đồng bảo hiểm, trong đó tồn tại mối liên hệ pháp lý về quyền và nghĩa
vụ giữa các bên trong hợp đồng.
4. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
- Vào thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền lợi
có thể được bảo hiểm
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không còn tồn tại
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng bên mua bảo hiểm đã biết sự kiện bảo
hiểm đã xảy ra
- Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi
giao kết hợp đồng bảo hiểm
- Doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm không có giấy phép, bị thu
hồi giấy phép hoặc kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép
- Hợp đồng bảo hiểm thiếu một trong những điều khoản chủ yếu của hợp
đồng được pháp luật quy định
- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết trái với quy định của pháp luật và trật
tự công cộng
Khoản 2 điều 22 Luật KDBH quy định việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp

luật có liên quan.
Theo quy định tại điều 137 Bộ luật dân sự 2005 thì giao dịch dân sự vô hiệu
không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các
bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi
phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận… và bên có lỗi
gây thiệt hại phải bồi thường.
III. Thực tế về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm liên quan đến vấn đề xác
định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ tranh chấp bồi thường bảo
hiểm giữa các công ty bảo hiểm và khách hàng, vì lý do khách hàng chậm nộp
phí bảo hiểm. Đây không phải là vấn đề mới phát sinh, mà thực tế nhiều công
ty bảo hiểm đã từng rơi vào trường hợp tương tự.
ĐTCK từng có nhiều bài viết phản ánh về những vụ tranh chấp này như vụ
Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất kiện Bảo Minh hay gần đây là Công
ty Nishu Nam Hà kiện Bảo hiểm Hàng không (VNI) ra tòa vì không chịu bồi
thường . Vấn đề cũng phát sinh từ việc chậm đóng phí bảo hiểm .
10


Tình huống 1. Công ty CP Bảo hiểm Hàng Không (VNI) đang phải đối mặt
với một vụ “đáo tụng đình” do từ chối bồi thường tổn thất cháy nhà xưởng
sản xuất sơn của Công ty Cổ phần NISHU Nam Hà, xảy ra đêm ngày
03/01/2011 tại Khu Công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam.
Ngày 18/8/2009 NISHU Nam Hà đã ký các Hợp đồng bảo hiểm hoả hoạn và
các rủi ro đặc biệt số 040900277 cho cùng tài sản là: nhà xưởng, máy móc thiết
bị và nguyên vật liệu sản xuất với Công ty CP Bảo hiểm Hàng Không (VNI).
Ngày 18/8/2010, hợp đồng số 040900277 hết hạn,VNI đề nghị NISHU Nam Hà
ký hợp đồng tái tục và làm các thủ tục để ký tiếp hợp đồng. Do NISHU Nam Hà
có một số tài sản đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn, do đó ngân hàng yêu
cầu tách các hợp đồng bảo hiểm để ngân hàng là đơn vị thụ hưởng đối với

những tài sản mà NISHU Nam Hà đã thế chấp.
Sau khi làm các thủ tục cần thiết, NISHU Nam Hà đã ký với VNI các hợp đồng:
Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số số 081000587, Giấy
chứng nhận Bảo hiểm số 081000587 có thời hạn bảo hiểm từ 16h00 ngày
18/8/2010 đến 16h00 ngày 18/8/2011 với số tiền bảo hiểm là: 5.000.000.000
đồng. Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 081000670, Giấy
chứng nhận Bảo hiểm số 081000670, sửa đổi bổ sung số 081000670.E01 có
thời hạn bảo hiểm từ 16h00 ngày 07/10/2010 đến 16h00 ngày 07/10/2011 với số
tiền bảo hiểm là: 6.500.000.000 đồng.
Sau khi ký hợp đồng, VNI đã phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm số 0012570
với số tiền: 6.000.000 đồng và số 0012571 với số tiền: 7.800.000 đồng vào ngày
11/11/2010 và gửi cho NISHU Nam Hà đề nghị thanh toán phí cùng với một số
hóa đơn thu phí bảo hiểm phương tiện cơ giới đã phát hành. Do cán bộ thu phí
của VNI không đến thu phí tại chỗ như các lần trước nên đến ngày 14/12/2010,
NISHU Nam Hà đã nộp phí bằng ủy nhiệm chi qua ngân hàng và VNI đã nhận
khoản phí này.
Vào lúc 23h55 ngày 03/01/2011 tại Khu Công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà
Nam xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất của công ty CP Nishu Nam Hà.
Công ty CP NISHU Nam Hà đã tiến hành yêu cầu VNI giải quyết bồi thường
theo đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Tuy nhiên, đến ngày 05/04/2011, VNI lại có văn bản số 377/CV-VPKV5 thông
báo từ chối bồi thường tổn thất do cháy nhà xưởng sản xuất sơn của Công ty Cổ
phần NISHU Nam Hà. Lý do từ chối là “do các hợp đồng bảo hiểm trên trong
tình trạng nộp phí chậm nên không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.”
11


Trong tình huống này ta thấy, VNI không bồi thường cho NISHU Nam Hà với
lý do là hợp đồng bảo hiểm nộp chậm phí bảo hiểm, theo đúng quy định của
pháp luật thì đã không còn hiệu lực từ ngày 18/8/2010 (đối với HĐ số

081000587) và ngày 22/10/2010 (đối với HĐ số 081000670) vậy mà ngày
11/11/2010 VNI vẫn phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm số 0012570 và
0012571 đề nghị Nishu Nam Hà thanh toán phí bảo hiểm.
NISHU Nam Hà đã đóng phí bảo hiểm ngày 14/12/2010 trước ngày xảy ra sự
kiện bảo hiểm, Trong hồ sơ gửi tòa án Thành phố Hà Nội, có công văn số 03
của VNI được ký bởi ông Vũ Mạnh Hà –Phó trưởng VPKV5 của VNI ngày
20/12/2011 và chỉ rõ, bằng công văn này, VNI thông báo về việc các HĐ đã
chấm dứt hiệu lực và bị hủy bỏ. Thế nhưng trên thực tế ( căn cứ dấu bưu điện)
thì Nishu nhận được công văn này vào ngày 31/1/2011 ( sau khi xảy ra vụ cháy
tại xưởng của Nishu Nam Hà ngày 4/1/2011). Sau đó, ngày 5/4/2011 VPKV5
của VNI cũng đã có công văn 377 từ chối bồi thường bảo hiểm.
Trong trường hợp này, các hợp đồng bảo hiểm NISHU Nam Hà ký với VNI đã
có hiệu lực đầy đủ vào thời điểm VNI phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm và
nhận phí bảo hiểm. Thiệt hại thực tế xảy ra đối với tài sản (nhà xưởng sản xuất,
máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất sơn) do hậu quả của vụ cháy thuộc
phạm vi bảo hiểm theo các Hợp đồng bảo hiểm đã ký. Vụ cháy thuộc rủi ro
được bảo hiểm và không thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm. Do vậy, theo điều
15 luật kinh doanh bảo hiểm thì VNI phải có trách nhiệm bồi thường cho
NISHU Nam Hà, việc VNI đưa ra lý do chậm nộp phí (căn cứ vào ngày ký hợp
đồng, không căn cứ vào giao dịch hợp đồng thực tế) trong khi vẫn nhận tiền,
phát hành hóa đơn cho đơn vị mua bảo hiểm (mà không đề nghị ký lại hợp đồng
hay làm thêm phụ lục) là không công bằng, không đúng tinh thần Luật kinh
doanh bảo hiểm
Tình huống
Tháng 3.2009, VFC ký hợp đồng mua tour du lịch Thái Lan với Công ty
TNHH dịch vụ du lịch Lễ hội (CT.A ). Theo hợp đồng, CT.A bán tour cho 26
nhân viên của VFC (Trong đó có anh P) đi du lịch Thái Lan (5 ngày, 4 đêm, từ
26 - 30.3.2009), giá trọn gói là 273 USD/khách, bao gồm bảo hiểm du lịch quốc
tế do Công ty bảo hiểm B (BHVĐ) cấp.
Ngày 24.3.2009 BHVĐ đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho đoàn khách của

VFC, trong đó có anh P.
12


Ngày 26.3, đoàn khởi hành đi Thái Lan như lịch trình đã định. Đến tối 27.3,
sức khỏe của anh P có biểu hiện xấu nên mọi người trong đoàn chuyển anh từ
khách sạn đến Bệnh viện Pattaya Hospital (Thái Lan). Đại diện VFC cho biết
sự việc được thông báo ngay với CT.A cùng BHVĐ và nhận được phản hồi là
BHVĐ không có văn phòng đặt tại Thái Lan, do đó chi phí anh P điều trị ở
bệnh viện Thái Lan sẽ được thanh toán lại
Ngày 28.3, anh P được chuyển đến Bệnh viện Piyavat Hospital (Bangkok Thái
Lan) và đến 6.4.2009 thì qua đời tại bệnh viện.
Ngày 5.4.2009 BHVĐ gửi cho CT.A danh sách thanh toán phí bảo hiểm, trong
đó có đoàn 26 khách nói trên và tên du khách P, tổng cộng 202,5 USD
Ngày 5.6.2009, CT.A thanh toán hơn 34 triệu đồng tiền bảo hiểm, trong đó có
tiền bảo hiểm của nhóm 26 khách nói trên, cho BHVĐ.
Trong hợp đồng còn có một điều khoản quan trọng khác là hằng tháng BHVĐ
và CT.A đối chiếu, xác nhận phí bảo hiểm phát sinh trong tháng, việc thanh
toán phí bảo hiểm được thực hiện theo quý “từ ngày 1 đến 5 của quý sau”.
Mặc dù đã nhận phí bảo hiểm và chứng nhận bảo hiểm cũng đã cấp cho khách
hàng, nhưng trong văn bản gửi CT.A và VFC, BHVĐ lại cho rằng: “Do CT.A
không thanh toán phí bảo hiểm đúng thời hạn theo thỏa thuận cho hợp đồng
bảo hiểm (đóng phí bảo hiểm trễ hơn 2 tháng kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo
hiểm), điều này dẫn đến hợp đồng bảo hiểm không phát sinh hiệu lực”. Trong
khi đó, Giám đốc CT.A, cho rằng: “BHB đã cấp chứng nhận bảo hiểm, đã ra
phiếu thu tiền và thu tiền của A, tức là đã thực hiện thỏa thuận nên phải bồi
thường cho gia đình nạn nhân”.
Trong vụ việc này, có khả năng BHB và CT.A không thỏa thuận rõ hoặc giải
thích rõ điều khoản về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cho trường hợp này.
Phía CT.A có thể đã hiểu sai điều khoản thanh toán phí bảo hiểm theo quý

(theo cách hiểu của họ là cứ mỗi 3 tháng một lần) chứ không phải tính theo quý
như được hiểu trong cách tính lịch thông thường (tháng 1 đến tháng 3 là hết
quý 1,…) nên thay vì thanh toán phí vào ngày 5.04.2009 ( theo tinh thần thoả
thuận là thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện theo quý “từ ngày 1 đến 5 của
quý sau”) thì lại đợi đến tháng 05.06.2009 mới thanh toán (sau gần 3 tháng (1
quý) kể từ 24/03/2009 - thời điểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm ). BHB đã
cho rằng bên B vi phạm nghĩa vụ thanh toán đúng hạn nên không chấp nhận
bồi thường.
13


Theo quy định tại khoản 2, điều 23 và khoản 2, điều 24, hợp đồng bảo hiểm
chấm dứt hiệu lực nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán và thời
điểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán cũng chính là thời điềm chấm dứt hiệu lực
hợp đồng BH. Bên mua bảo hiểm phải có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm
cho đến thời điềm hợp bảo hiểm chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp hai bên có
thỏa thuận khác. Tuy nhiên việc BHB vẫn nhận phí bảo hiểm trọn gói cho toàn
bộ chuyến đi và không hoàn lại số phí BH “dư” tính từ thời điểm hợp đồng
chấm dứt hiệu lực trở về sau là không hợp lý.
Đây là tour du lịch ngắn hạn (26 – 30.03.2009) nhưng hai bên lại thỏa thuận
phương thức thanh toán bằng cách: hằng tháng BHVĐ và CT.A đối chiếu, xác
nhận phí bảo hiểm phát sinh trong tháng …và thanh toán theo quý. Với quy
định này, áp dụng cho chuyến du lịch ngắn hạn sẽ không hợp lý ở chỗ: phí bảo
hiểm cho 5 ngày du lịch không thể đối chiếu, xác nhận theo tháng và thanh toán
theo quý được. Tuy nhiên nếu hợp đồng không thể hiện nội dung thỏa thuận,
chú thích các trường hợp riêng áp dụng cho tour của anh P thì trách nhiệm giải
thích hợp đồng của BHVĐ phải được xem xét theo quy định và mọi giải thích
nội dung hợp đồng đều phải thực hiện theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm
(Điều 21 luật kinh doanh bảo hiểm).
Tóm lại: dù sự việc diễn biến theo chiều hướng nào thì người bị bất lợi đầu tiên

không ai hết chính là các du khách. Công ty tổ chức du lịch dù sao cũng là đơn
vị trung gian thực hiện toàn bộ giao dịch bảo hiểm với công ty bảo hiểm và
quyền lợi của du khách phụ thuộc rất nhiều vào các cam kết, nghĩa vụ của các
công ty này trước các công ty bảo hiểm.

C. KẾT LUẬN
Bảo hiểm là một lĩnh vực rất quan trọng đối với các quốc gia nói chung và
với Việt Nam nói riêng. Không chỉ là một biện pháp di chuyển rủi ro, bảo hiểm
ngày nay đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả cho nền
kinh tế. Thực tế hoạt động kinh doanh bảo hiểm thời gian qua đã cho thấy sự
lớn mạnh không ngừng của các loại hình bảo hiểm ở nước ta, nghành bảo hiểm
có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên thị trường bảo hiểm
Việt nam đang được đa dạng hóa với tốc độ cao, sức ép mở cửa thị trường và
thách thức hội nhập ngày càng lớn. Vì vậy bảo hiểm Việt nam sẽ phải hoàn
thiện và phát triển hơn nữa, khắc phục những hạn chế còn tồn tại để đáp ứng kịp
thời yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và yêu cầu tiến trình hội
nhập
14


D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 ; Luật sửa đổi, bổ sung luật kinh doanh
bảo hiểm năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Bộ Luật dân sự năm 2005
3. Nguyễn Anh Tú “Một số vấn đề pháp luật về hợp đồng bảo hiểm” Trường
Đại học Luật Hà nội, Luận án tiến sĩ luật học, Hà nội 2001.
4. Một số trang website: thongtinphapluatdansu.wordpress.com
www.tailieu.vn,
www.hcmulaw.edu.vn,
www.giaothongvantai.com.vn,

www.phapluatvn.vn

15


MỤC LỤC
A. LỜI NÓI ĐẦU
B. NỘI DUNG
I. Khái niệm chung
1. Khái niệm hợp đồng bảo hiểm
2. Chủ thể và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm
3. Một số hình thức liên quan đên hợp đồng bảo hiểm
II.Quy định của pháp luật về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
của doanh nghiệp bảo hiểm
1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm
2. Thời hạn bảo hiểm
3. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt
4. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
III. Thực tế về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm liên quan đến vấn đề xác
định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

C. KẾT LUẬN
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
ĐỀ BÀI SỐ 7. Tìm hiểu về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của
doanh nghiệp bảo hiểm. Phân tích một tình huống thực tế về tranh chấp hợp
đồng bảo hiểm liên quan đến vấn đề xác định thời điểm phát sinh trách
nhiệm bảo hiểm
Bài Làm

16




×