THIẾT KẾ DẠY HỌC NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM BẰNG HỌC TẬP DỰA TRÊN
KINH NGHIỆM
Instructional Design Pedagogical Skills based on Experiential Learning
ThS. Nguyễn Văn Hạnh (tác giả chính), ThS. Nguyễn Hữu Hợp, ThS. Phan Thị Thanh Cảnh
Khoa Sư phạm Kĩ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Department of Technical Pedagogy, Hung Yen University of Technology and Education
Địa chỉ: Dân Tiến – Khoái Châu – Hưng Yên
Email: , sđt: 0975.300.198
Tóm tắt: Mục đích chính của dạy học nghiệp vụ sư phạm chính là việc hình thành và
phát triển kĩ năng dạy học cho sinh viên. Bài viết này đề xuất mô hình, chiến lược, và
kĩ thuật thiết kế dạy học nghiệp vụ sư phạm bằng học tập dựa trên kinh nghiệm nhằm
giải quyết vấn đề nêu trên.
Summany: The main purpose of teach pedagogical skills is formation and
development of teaching skills for students. This article proposed models, strategies,
and techniques designed to teach pedagogical skills by experiential learning in order to
solve the above problem.
Từ khóa: Học tập dựa trên kinh nghiệm, Nghiệp vụ sư phạm
Keywords: Experiential Learning, Pedagogical Skills
1. Mở đầu
Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của
ngành giáo dục bởi vì giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Theo đó, Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản, thông tư quy định chuẩn nghiệp vụ sư
phạm (NVSP) của giáo viên như: Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 quy
định chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sơ, giáo viên trung học phổ thông; Thông
tư 08/2012/TT-BGDĐT ngày 5/3/2012 quy định chuẩn NVSP giáo viên trung cấp chuyên
nghiệp, … làm cơ sở để các trường/khoa sư phạm tổ chức đào tạo NVSP đáp ứng chuẩn.
Theo các chuẩn đó thì giáo viên cần đạt được hàng loạt các kĩ năng dạy học để thực hiện
tác nghiệp, hoàn thành các công việc dạy học tại các cơ sở giáo dục.
Theo Đặng Thành Hưng (2013), để thực hiện thành công các hoạt động nghề
nghiệp thì giáo viên cần đạt được 4 nhóm kĩ năng dạy học cơ bản (gồm 20 kĩ năng cụ
thể) bao gồm: 1- Những kĩ năng nghiên cứu người học và việc học (gồm: 1.1- Kĩ năng
quan sát người học và hành vi học tập; 1.2- Kĩ năng đo lường các đặc điểm tâm sinh lí
của người học; 1.3- Kĩ năng điều tra bằng các kĩ thuật thông thường; 1.4- Kĩ năng tiến
1
hành thực nghiệp khoa học; 1.5- Kĩ năng thu thập và phân tích dữ liệu học tập); 2- Những
kĩ năng lãnh đạo và quản lí người học, việc học (gồm: 2.1- Kĩ năng thuyết phục và hợp
tác với người học; 2.2- Kĩ năng phát biểu và giải thích ý tưởng cho người học; 2.3- Kĩ
năng khuyến khích, động viên người học; 2.4- Kĩ năng tổ chức lớp và nhóm học tập; 2.5Kĩ năng quản lí thời gian và nguồn lực học tập); 3- Những kĩ năng thiết kế dạy học và
hoạt động giáo dục (gồm: 3.1- Kĩ năng thiết kế giáo trình, học liệu, bài học; 3.2- Kĩ năng
thiết kế hoạt động của người học; 3.3- Kĩ năng thiết kế phương pháp và kĩ thuật dạy học;
3.4- Kĩ năng thiết kế học liệu, phương tiện E-learning; 3.5- Kĩ năng thiết kế môi trường
hợp tập); 4- Những kĩ năng dạy học trực tiếp (gồm: 4.1- Kĩ năng giao tiếp và ứng xử trên
lớp; 4.2- Kĩ năng hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh hành vi học tập; 4.3- Kĩ năng quan
sát, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập; 4.4- Kĩ năng sử dụng phương tiện và
công nghệ dạy học; 4.5- Kĩ năng thực hiện các biện pháp và kĩ thuật dạy học cụ thể) [2].
Vấn đề tìm kiếm con đường dạy học NVSP cho sinh viên nhằm hình thành và phát triển
các kĩ năng dạy học trên là vấn đề rất cần được quan tâm nghiên cứu cụ thể.
Từ các vấn đề trên cho thấy, dạy học nghiệp vụ sư phạm là một nhiệm vụ vô cùng
quan trọng trong quá trình đào tạo giáo viên của các trường/khoa sư phạm nhằm đáp ứng
chuẩn nghề nghiệp đã ban hành và đáp ứng thực tiễn giáo dục. Mục đích chính của dạy
học NVSP chính là việc hình thành và phát triển kĩ năng dạy học cho sinh viên. Do đó,
giảng viên cần tìm kiếm các giải pháp thiết kế dạy học hiệu quả cho phép hỗ trợ tốt nhất
cho quá trình đồng hóa và điều ứng các tri thức sư phạm nhằm hình thành và phát triển kĩ
năng dạy học cho sinh viên, trong môi trường đó, giảng viên sẽ đóng vai trò là người
thiết lập các mục tiêu, người hỗ trợ, hướng dẫn và tư vấn, hơn là người cung cấp thông
tin và chuyển tải kiến thức. Dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm chính là
con đường, phương pháp hữu hiệu cho việc giải quyết vấn đề nêu trên.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phương pháp luận tiếp cận dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm
Học tập dựa trên kinh nghiệm là một tư tưởng, lí thuyết giáo dục hiện đại, nổi bật
trong thế kỉ 20 được đặt nền móng bằng các nhà khoa học giáo dục hàng đầu trên thế giới
như Lev Vygotsky, John Dewey, Kurt Lewin, Jean Piaget, David A Kolb, và những nhà
giáo dục khác. Trong các nghiên cứu đó, đáng chú ý nhất là nghiên cứu của D.A.Kolb về
lý thuyết học tập dựa trên kinh nghiệm xuất bản trong năm 1984. Theo Kolb (Kolb,
1984), lý thuyết học tập dựa trên kinh nghiệm định nghĩa “học tập là một quá trình,
2
trong đó kiến thức được tạo ra thông qua việc chuyển đổi, xử lý kinh nghiệm. Kiến thức
là kết quả từ sự kết hợp của việc nhận thức và chuyển đổi, xử lí kinh nghiệm” [4].
Hình 1: Mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm của Kolb [4]
Bản chất của mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm của Kolb là một vòng xoắn ốc
mô tả quá trình học tập gồm bốn giai đoạn cơ bản, phù hợp với bốn phong cách học tập
bao gồm: 1/ Kinh nghiệm cụ thể (Concrete Experience), 2/ Quan sát phản ánh (Reflective
Observation), 3/ Khái niêm trừu tượng (Abstract Conceptualisation), 4/ Thử nghiệm
(Active Experimentation).
Học tập sẽ xuất phát từ một mâu thuẫn giữa Kinh nghiệm cụ thể và Khái niệm
trừu tượng. Khi giải quyết mâu thuẫn này, người học nào thích sự bao quát, nhận thức
vấn đề sẽ ưa thích “Suy nghĩ - Thinking”, trong khi người nào thích sự rõ ràng, hiểu rõ
vấn đề sẽ ưa thích “Cảm xúc - Feeling” khi bày tỏ, trình diễn một kinh nghiệm trong học
tập. Hai cách thức chuyển đổi ý nghĩa đúc rút từ kinh nghiệm là Thử nghiệm và Quan sát
phản ánh, người học nào thích sự mở rộng, hiểu ngoại diên vấn đề sẽ ưa thích “Làm Doing”, trong khi người nào thích nội hàm, nội dung vấn đề sẽ ưa thích “XemWatching” khi cố gắng để áp dụng ý nghĩa của kinh nghiệm. Quá trình học tập lí tưởng
thì người học phải đi qua tất cả bốn giai đoạn này nhằm giải quyết vấn đề trong tình
huống học tập thì sẽ đạt hiệu quả học tập cao nhất. Bản thân mỗi cá nhân sẽ nỗ lực, cố
gắng sử dụng, tiếp cận cả bốn giai đoạn này, tuy nhiên, họ thường có xu hướng phát triển,
chiến ưu thế về một phong cách học tập. Do vậy, giáo viên cần áp dụng các phương pháp
dạy học đa dạng và có ảnh hưởng tương tác với nhau nhằm đáp ứng việc học tập không
giống nhau của người học.
3
Mục đích cuối cùng của việc dạy học NVSP chính là hình thành và phát triển kĩ
năng dạy học cho sinh viên sư phạm nhưng cũng không xem nhẹ các yếu tố khác như tri
thức, tình cảm nghề nghiệp, sức khỏe,… Lấy mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm của
Kolb làm nền tảng và kế thừa mô hình của Thomas Olsson (2010), chúng tôi đã phát triển
và đề xuất mô hình dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm như hình 2:
Hình 2: Mô hình dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm [1]
Mô hình này được thực hiện theo hình xoắn ốc để hình thành kĩ năng dạy học cho
sinh viên, liên tục phát triển kĩ năng dạy học qua mỗi một chu trình học tập. Sinh viên sẽ
thực hiện các hoạt động học tập dưới sự tổ chức, hỗ trợ, chia sẻ của giảng viên, có thể bắt
đầu hoạt động học tập thông qua các kinh nghiệm cụ thể về việc thực hành dạy học, qua
đó liên tục quan sát và phản ánh hoạt động dạy học của chính mình và ảnh hưởng của nó
trên người học. Thực hiện phân tích dựa trên tri thức dạy học, đi đến việc lập kế hoạch,
thiết kế dạy học và thực hiện cho lần sau. Như vậy, sau mỗi một chu trình, người học đã
củng cố và phát triển kĩ năng dạy học cho chính bản thân mình.
Mô hình dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm được phân thành 2
miền tương ứng với 2 phương thức hoạt động của người học bao gồm: 1) Hoạt động cá
nhân hóa kinh nghiệm xã hội (hay còn gọi là chuyển vào trong – interiorization) là thực
hành dạy học, và quan sát phản ánh; 2) Hoạt động xã hội hóa cá nhân bằng kinh nghiệm
4
xã hội (hay còn gọi là chuyển ra ngoài – Exteriorization) là lí thuyết dạy học, và thiết kế
dạy học. Trong khu vực hoạt động cá nhân hóa kinh nghiệm xã hội, việc đánh giá về kiến
thức và kĩ năng của người học là rất khó khăn vì kinh nghiệm cá nhân của họ về các mặt
của vấn đề là rất rộng, cộng thêm nét sáng tạo trong phong cách học tập phân kì có được.
Đối với khu vực hoạt động xã hội hóa cá nhân bằng kinh nghiệm xã hội, sự hội tụ kiến
thức, ý tưởng trong dạy học sẽ đưa đến một nguyên tắc, phương án lập kế hoạch, thiết kế
dạy học duy nhất, do vậy, hầu hết các kĩ năng đánh giá người học sẽ tập trung vào giai
đoạn hội tụ trong vùng hoạt động xã hội hóa cá nhân bằng kinh nghiệm xã hội sẽ phản
ánh đầy đủ nhất về kĩ năng dạy học của sinh viên.
2.2. Một số chiến lược dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm
Có thể hiểu chiến lược dạy học là chương trình, kế hoạch hành động được thiết kế
để giúp người học đạt được một mục tiêu học tập cụ thể, là các biện pháp, các cách thức,
con đường đạt đến các mục tiêu đó. Một số chiến lược dạy học NVSP phù hợp trong học
tập dựa trên kinh nghiệm bao gồm: 1) Học tập dựa trên nghiên cứu trường hợp; 2) Học
tập theo dự án; 3) Học tập dựa trên vấn đề; 4) Học tập qua thảo luận, các câu hỏi của sinh
viên. Khi sử dụng các chiến lược dạy học cần chú ý hai thuộc tính quan trọng nhất của nó
là tổ chức, và thời gian để làm cơ sở cho việc lựa chọn và thiết kế dạy học (hình 3).
Hình 3: Các thuộc tính của chiến lược dạy học
Theo Đặng Thành Hưng (2013), kĩ năng nói chung và kĩ năng dạy học nói riêng
luôn có cấu trúc gồm 4 thành phần cơ bản là: 1- Hệ thống thao tác tối thiểu của hành
động; 2- Logic tiến hành thao tác; 3- Nhịp độ và thời gian thực hiện; 4- Các quá trình
điều chỉnh hành động. Trong đó, hệ thống thao tác tối thiểu có ý nghĩa trung tâm, là
thành phần quan trọng nhất. Trong dạy học NVSP thì cần căn cứ vào 4 thành phần cơ bản
tạo nên một kĩ năng dạy học để xác định các mức độ tổ chức đơn giản hay phức tạp, thời
5
gian dài hay ngắn nhằm hình thành và phát triển kĩ năng dạy học đó để định hướng cho
việc lựa chọn chiến lược dạy học phù hợp.
1. Học tập dựa trên nghiên cứu trường hợp: Học tập là quá trình kiến tạo tri
thức thông qua làm, xử lí các trường hợp đại diện, tiêu biểu
Giảng viên kiến tạo môi trường chứa đựng vấn đề học tập có tính thách thức
nhưng “an toàn” cho người học bằng cách thiết kế và ủy thác cho họ giải quyết các tình
huống, nhiệm vụ cụ thể. Còn người học tiếp nhận tình huống, tự lực sáng tạo giải quyết
nhiệm vụ thông qua quá trình đồng hóa và điều ứng nhằm bộc lộ, chiếm lĩnh tri thức, kĩ
năng, qua đó thích nghi với môi trường và phát triển bản thân.
Học tập dựa trên nghiên cứu trường hợp cần mức độ tổ chức cao, thời gian thực
hiện dài nên phù hợp trong việc hình thành các kĩ năng dạy học dạy gồm: 1- Kĩ năng
quan sát người học và hành vi học tập; 2- Kĩ năng thuyết phục và hợp tác với người học;
3- Kĩ năng phát biểu, giải thích ý tưởng cho người học; 4- Kĩ năng khuyến khích, động
viên người học; 5- Kĩ năng quản lí thời gian và nguồn lực học tập; 6- Kĩ năng tổ chức lớp
và nhóm học tập. Những kĩ năng đó rất cần thiết phải được rèn luyện thông qua các trải
nghiệm học tập theo nghiên cứu trường hợp thông qua những tình huống, câu chuyện có
thật hoặc hư cấu về những vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy học, giáo dục sẽ trở thành
những nhiệm vụ được thảo luận đưa ra các đánh giá, phán xét, lập luận, kiến giải của
nhau để cuối cùng đi tới giải pháp cụ thể cho vấn đề.
2. Học tập theo dự án: Học tập là quá trình tích hợp tri thức liên ngành, có tính
chất lâu dài
Sinh viên thực hiện những hoạt động học tập phức tạp dựa trên những câu hỏi, vấn
đề thách thức, các nhiệm vụ mang tính nghiên cứu mà giúp sinh viên tham gia vào quá
trình giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định với sự hỗ trợ của giáo viên chứ không phải chỉ
đạo trực tiếp. Các hoạt động học tập theo dự án cho phép tích hợp giữa kiến thức và kĩ
năng chuyên môn; giữa lí luận và thực tiễn, giữa các môn học/ngành học, … nhằm thiết
kế và thực hiện các công việc trên cơ sở sự cam kết với giảng viên. Học tập theo dự án
cần mức độ tổ chức thấp nhưng thời gian có tính chất lâu dài.
Trong dạy học NVSP, những kĩ năng có thể hình thành thông qua học tập theo dự
án gồm: 1- Kĩ năng điều tra bằng các kĩ thuật thông thường; 2- Kĩ năng tiến hành thực
nghiệm khoa học; 3- Kĩ năng thiết kế giáo trình, học liệu, bài học; 4- Kĩ năng thiết kế
6
giáo trình, học liệu và phương tiện E-learning; 5- Kĩ năng thiết kế hoạt động của người
học.
3. Học tập dựa trên vấn đề: Học tập là quá trình kiến tạo tri thức qua việc giải
quyết các vấn đề có chiều sâu trong chủ đề học tập
Trước một vấn đề học tập được giảng viên giao phó, sinh viên phải tìm kiếm được
các kiến thức mới, xác định chiến lược giải quyết vấn đề theo bối cảnh hiện tại, qua đó,
sinh có được phương pháp lĩnh hội kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo, thích ứng, phát
hiện và xử lí kịp thời các vấn đề này sinh trong nghề nghiệp. Học tập dựa trên vấn đề cần
mức độ tổ chức thấp, thời gian tương đối ngắn.
Những kĩ năng dạy học gồm: 1- Kĩ năng đo lường những đặc điểm tâm sinh lí của
người học; 2- Kĩ năng thu thập và phân tích dữ liệu học tập; 3- Kĩ năng thiết kế phương
pháp và kĩ thuật dạy học; 4- Kĩ năng thiết kế môi trường học tập; 5- Kĩ năng quan sát,
kiển tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập, có thể hình thành thông qua học tập dựa
trên vấn đề.
4. Học tập qua tìm tòi khám phá: Học tập là quá trình kiến tạo tri thức thông
qua quá trình tìm tòi khám phá các vấn đề, câu hỏi về chủ đề học tập
Quá trình học tập thường được bắt đầu với những câu hỏi, vấn đề cần tìm tòi khám
phá được giáo viên xác định theo chủ đề học tập. Sinh viên xây dựng giả thuyết, sau đó
xác định các cách thức để kiểm tra hay khám phá những giả thuyết đó. Phương pháp tiến
hành có thể là thử nghiệm, thực hành, mô phỏng, đóng vai, thông qua việc đọc, … Các
kết quả học tập sẽ phụ thuộc vào những điều mà các hoạt động tìm tòi khám phá ra. Kiến
thức có được thông qua quá trình tìm tòi khám phá, là những kiến thức thù được từ kinh
nghiệm và có mối liên hệ với những vấn đề thực tế.
Học tập qua tìm tòi khám phá là quá trình học tập có tính chất mở, cần mức độ tổ
chức cao, nhưng thời gian ngắn. Do đó, những kĩ năng có thể được hình thành bằng học
tập qua tìm tòi khám phá trong dạy học NVSP gồm: 1- Kĩ năng giao tiếp và ứng xử trên
lớp; 2- Kĩ năng hướng dẫn, điều chỉnh, điều khiển hành vi học tập; 3- Kĩ năng sử dụng
phương tiện và công nghệ dạy học; 4- Kĩ năng thực hiện các biện pháp và kĩ thuật dạy
học cụ thể.
2.3. Kĩ thuật thiết kế dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm
Khi thiết kế dạy học cho bất kì lĩnh vực, đối tượng người học nào thì nhất thiết cần
phải quan tâm đến các yếu tố gồm: phương pháp luận, chiến lược, tổ chức, kĩ thuật của
7
việc dạy học dựa trên một triết lí, tư tưởng giáo dục nhất định. Kĩ thuật thiết kế dạy học
NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm được mô tả trong hình 4.
2.3.1. Về phương pháp luận
Đặng Thành Hưng (2012) cho rằng, nguyên tắc của việc học này là sự tham gia
của cá nhân và nhóm người học vào các quan hệ, các tình huống, và sự hợp tác, chia sẻ
với nhau các giá trị, kinh nghiệm trong công việc, trong quá trình lựa chọn, đánh giá, ra
quyết định… Nội dung chủ yếu của quá trình học tập lúc này chính là những trải nghiệm
thực tế, trực tiếp của người học, những cảm nhận và đánh giá mấp mé giữa tình cảm và lí
trí, giữa cân nhắc và quyết đoán, giữa trừu tượng và cụ thể, giữa thực chứng và suy luận,
giữa logic và phi logic… diễn ra trong các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa người và
người, giữa người và công việc, giữa cá nhân và nhóm.
Dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm nhấn mạnh sự hợp tác học tập
của sinh viên sư phạm, cho phép họ phát triển các ý tưởng dạy học thông qua chia sẻ và
trao đổi, thảo luận các ý kiến khác nhau, đồng thời cho phép sinh viên giải quyết các vấn
đề với sự hợp tác của các bạn trong lớp. Thông qua hợp tác, sự hiểu biết của sinh viên
được mở rộng, đưa tới trình độ mới cao hơn nhờ việc cùng chia sẻ, và xây dựng những ý
tưởng giữa các sinh viên trong việc giải quyết các vấn đề dạy học. Như vậy, phương pháp
luận dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm là dựa trên sự hợp tác học tập
giữa các sinh viên theo nguyên tắc cùng trao đổi, cùng chia sẻ, và cùng phát triển. Để vận
dụng phương pháp luận này có hiệu quả thì giảng viên cần khéo léo xử lí các tình huống
khi các sinh viên có năng lực học tập tốt hơn buộc các sinh viên khác làm theo sự dẫn
dắt, ý tưởng của mình mà không hề có sự chia sẻ, thảo luận hoặc các tình huống sinh viên
vẫn làm việc độc lập mặc dù đã được tổ chức theo hợp tác học tập.
8
Hình 4: Thiết kế dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm
2.3.2. Về chiến lược dạy học
Lev Vygotsky cho rằng, giữa tri thức đã biết (kinh nghiệm đã có) và tri thức mới
(cái chưa biết, cần lĩnh hội) hoàn toàn có một cây cầu nối giữa hai vùng này và nó được
xây dựng bằng chính kinh nghiệm cá nhân của người học. Từ quan niệm này, Lev
Vygotsky đã đề xướng khái niệm “Vùng cận phát triển (Zone of Proximal
Development)” là nguyên tắc trung tâm trong lí thuyết học tập của mình. Vùng cận phát
triển được định nghĩa là khu vực giữa mức độ phát triển năng lực thực tế (năng lực giải
quyết vấn đề độc lập) và mức độ phát triển có thể đạt được (năng lực giải quyết các vấn
đề khi có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người lớn hoặc cộng tác với người có kinh nghiệm
nhiều hơn).
Khái niệm “nâng đỡ vừa sức” xuất hiện cùng, và có liên qua chặt chẽ tới vùng cận
phát triển. Nâng đỡ vừa sức là quá trình, trong đó giảng viên hoặc một người bạn có kinh
nghiệm tốt hơn hỗ trợ sinh viên trong “vùng cận phát triển” khi đối với những nhiệm vụ
khó và trước đó họ chưa thực hiện thành công và ngừng hỗ trợ khi người học có đủ khả
năng để tự mình thực hành thành công nhiệm vụ, nó chẳng khác gì một giàn giáo được
dỡ khỏi tòa nhà trong quá trình xây dựng.
Trong dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm, chiến lược dạy học hiệu
quả sẽ cho phép sinh viên từng bước tự mình chủ động tham gia vào quá trình học tập,
nhưng tất nhiên cần phải có sự giám sát chặt sẽ của giảng viên, giảng viên đóng vai trò
tương tự như những trụ “nâng đỡ vừa sức” của Vygotsky đã đưa ra. Giảng viên vẫn ở vị
9
trí điều hành quá trình dạy học nhưng đóng nhiều vai trò là người thiết lập các mục tiêu,
người hỗ trợ, hướng dẫn và tư vấn, hơn là người cung cấp thông tin và chuyển tải kiến
thức. trong học tập NVSP, khi sinh viên gặp phải những nhiệm vụ, công việc mới thì
giảng viên sẽ giúp đỡ trên cơ sở kiến thức hiện có của người học để hỗ trợ các hoạt động
ban đầu theo cách tiếp cận có tổ chức, có định hướng trong phạm vi vùng cận phát triển.
Sự hỗ trợ khi tiếp cận các hoạt động học tập có thể qua giải thích, minh họa, đặt câu hỏi
liên quan đến nhiệm vụ, công việc cần hoàn thành.
2.3.3. Về tổ chức dạy học
Giảng viên cần căn cứ vào kĩ năng dạy học cần hình thành, kinh nghiệm của sinh
viên về kĩ năng đó để tổ chức dạy học hợp lí sẽ có tác động, hỗ trợ rất tích cực và hiệu
quả đến vùng cận phát triển thông qua các hình thức tổ chức theo lớp, làm việc nhóm,
hoạt động đôi bạn, bài tập cá nhân, giao việc riêng, … Để tăng cường sự hợp tác của
người học, giảng viên có thể tổ chức người học thành các nhóm với kì vọng người có
năng lực học tốt sẽ hỗ trợ người cho năng lực học yếu nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm nhằm
đạt đến khả năng ngang bằng, cùng phối hợp trong một nhiệm vụ, công việc sao cho mỗi
người học có thể đóng góp thực chất vào công việc. Cũng sẽ có những thời điểm cần tăng
cường các hoạt động học tập theo cá nhân để hỗ trợ các vùng cận phát triển khác nhau
nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi người học.
Tóm lại, khi ứng dụng các chiến lược học tập trong dạy học thì việc tổ chức lớp
học, môi trường học tập là vấn đề cần được cân nhắc, do không phải tất cả các hoạt động
học tập đều được tiến hành trong lớp học. Tùy thuộc vào bối cảnh thực tế, giảng viên cần
cân nhắc giữa các hoạt động làm việc cá nhân, theo nhóm, hay cả lớp để quyết định lập
kế hoạch dạy học.
2.3.4. Về kĩ thuật dạy học theo các hoạt động học tập dựa trên kinh nghiệm
Vấn đề lựa chọn các hoạt động dạy học phù hợp với các hoạt động học tập dựa
trên kinh nghiệm của sinh viên thì cần tạo cơ hội hợp tác, chia sẽ giữa các người học, và
giúp đỡ sinh viên phát triển các kĩ năng dạy cần thiết để trở thành các nhà giáo trong
tương lai thì những hoạt động để phát triển các kĩ năng dạy học cũng cần được lựa chọn
cẩn thận. Những hoạt động này cần đáp ứng được các giai đoạn học tập khác nhau cùng
với sự khác biệt giữa các sinh viên về sở thích và phong cách học tập. Các hoạt động này
cần tạo điều kiện cho sinh viên tự mình và cùng với các bạn học tham gia vào việc giải
10
quyết vấn đề một cách có ý nghĩa, khuyến khích họ tự chịu trách nhiệm cho các hoạt
động học tập của chính mình.
Trong dạy học NVSP, giảng viên cần căn cứ vào kĩ năng dạy học cần hình thành
và phát triển để lựa chọn các hoạt động học tập, dạy học phù hợp với 4 giai đoạn học tập
bao gồm: 1- thực hành dạy học; 2- quan sát, phản ánh; 3- lí thuyết dạy học; 4- lập kế
hoạch thiết kế, thử nghiệm dạy học. Định hướng một số hoạt động có thể áp dụng như
sau:
1. Để nâng cao việc đúc kết, hình thành và phát triển kĩ năng dạy học, giảng viên có
thể sử dụng: Ví dụ bài giảng, phim ảnh/băng hình, mô phỏng, tái hiện kinh
nghiệm, trải nghiệm trực tiếp, …
2. Để trở lại kinh nghiệm về kĩ năng dạy học đã có trước đó và suy ngẫm về nó,
giảng viên có thể áp dụng: Câu hỏi tự luận, thảo luận động não, chia sẻ theo cặp,
nhật kí học tập, …
3. Đối với việc cung cấp một tri thức dạy học mới, giảng viên có thể sử dụng : Mô tả/suy
luận bài giảng, đọc tài liệu/bài giảng, phân tích chủ đề/đối tượng, đề xuất/xây
dựng ý tưởng, phán xét kiến thức, …
4. Đối với việc lập kế hoạch dạy học, giảng viên có thể sử dụng: Ví dụ bài giảng, nghiên
cứu mô phỏng, bài tập dự án, đóng vai, thử nghiệm, …
3. Kết luận
1. Nội dung bài báo bàn đến các vấn đề lí luận về việc thiết kế dạy học NVSP
bằng học tập dựa trên kinh nghiệm làm cơ sở quan trọng trong việc thiết kế các bài học
cụ thể.
2. Mô hình học tập NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm chính là con đường
hữu hiệu trong việc hình thành và phát triển kĩ năng dạy học cho sinh viên, bởi vì kĩ năng
dạy học là yếu tố cốt lõi trong dạy học NVSP.
3. Các chiến lược dạy học đều thể hiện sự hiệu quả nhất định nào đó trong việc
hình thành và phát triển các kĩ năng dạy học cụ thể cho sinh viên bằng học tập dựa trên
kinh nghiệm.
4. Khi thiết kế dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm thì cần phải thực
các nhiệm vụ là: 1- Phương pháp luận dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm;
2- Chiến lược dạy học NVSP hiệu quả nhằm mở rộng vùng cận phát triển; 3- Tổ chức
11
dạy học NVSP theo hướng tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh
viên; 4- Lựa chọn các hoạt động dạy học phù hợp với phong cách học tập của sinh viên
các giai đoạn của học tập dựa trên kinh nghiệm.
4. Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Văn Hạnh (2014), Phát triển năng lực dạy học cho sinh viên thông qua học
tập dựa trên kinh nghiệm, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường sư phạm
toàn quốc lần thứ 4, Tr 691-696, Đại học Hải Phòng, Hải Phòng.
[2] Đặng Thành Hưng, Trịnh Thị Hồng Hà, Nguyễn Khải Hoàn, Trần Vũ Khánh (2012),
Lí thuyết phương pháp dạy học, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, Thái Nguyên.
[3] Đỗ Thế Hưng, Nguyễn Văn Hạnh (2013), Học tập trải nghiệm trong đào tạo giáo
viên kỹ thuật đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tạp chí Khoa học Giáo dục, số 95, viện
Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr 28-31.
[4] Kolb, D (1984), Experiential learning: Experience as the source of learning and
development. Englewood Cliffs, N.J: Prentice-Hall.
[5] Giertz (2003), Pedagogical Competence – A key to Pedagogical development and Quality in
Higher education, A Swedish perspective on Pedagogical competence, p 25-40, Swedish.
Nguồn: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Hữu Hợp, Phan Thị Thanh Cảnh (2014), Kĩ thuật
thiết kế dạy học NVSP bằng học tập dựa trên kinh nghiệm, tạp chí khoa học – chuyên
san Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 30, số 1S/2014, tr 82-90.
12