Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

đĩa phôi hai lá trong y học và cách phòng bệnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.02 MB, 12 trang )

Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Chương 4 Langman v.11
Tuần phát triển thứ hai: Đĩa phôi hai lá
Bài này mô tả các hiện tượng chính theo từng ngày phát triển trong tuần phát triển thứ hai.
Tuy nhiên, các phôi cùng tuổi không nhất thiết phát triển giống nhau. Trong thực tế, những
sự khác biệt đáng kể về tốc độ phát triển thậm chí đã được quan sát thấy ngay cả ở những
giai đoạn phát triển sớm này.
NGÀY 8
Vào ngày phát triển thứ 8, phôi nang (blastocyst) được vùi một phần trong chất nền nội
mạc tử cung. Tại vùng trên phôi bào (embryoblast), lá nuôi (trophoblast) biệt hóa thành
hai lớp: (1) lớp bên trong gồm các tế bào đơn nhân, gọi là lá nuôi tế bào (cytotrophoblast),
và (2) một vùng nhiều nhân tế bào không thấy rõ ranh giới giữa các tế bào, gọi là lá nuôi
hợp bào (syncytiotrophoblast) (hình 4.1 & 4.2). Các hình ảnh nguyên phân xuất hiện trong
lá nuôi tế bào nhưng không thấy ở lá nuôi hợp bào. Như vậy, các tế bào trong lá nuôi tế bào
phân chia và di chuyển vào lá nuôi hợp bào, nơi chúng hòa nhập với nhau và mất các màng
tế bào riêng biệt.
Các tế bào của khối tế bào bên trong hay còn gọi là embryoblast cũng biệt hóa thành 2 lớp:
(1) một lớp các tế bào vuông (lập phương) nhỏ ở ngay cạnh khoang phôi nang (blastocyst
cavity), gọi là lớp hạ bì phôi (hypoblast), và (2) một lớp các tế bào trụ cao nằm ngay cạnh
khoang ối, lớp thượng bì phôi (epiblast) (hình 4.1 & 4.2).

Hình 4.1 Một phôi nang người ở 7,5 ngày phát triển, vùi một phần trong chất nền nội mạc
tử cung. Lá nuôi gồm một lớp trong với các tế bào đơn nhân, lá nuôi tế bào, và một lớp
ngoài không có ranh giới tế bào riêng biệt, lá nuôi hợp bào. Phôi bào được hình thành bởi
hai lớp: thượng bì phôi và hạ bì phôi. Hình ảnh của khoang ối là một khe nhỏ.
Các lớp cùng nhau hợp thành một cấu trúc dạng đĩa phẳng. Đồng thời, một khoang nhỏ
xuất hiện bên trong thượng bì phôi. Khoang này to ra và trở thành khoang ối. Các tế bào
thượng bì phôi bên cạnh lá nuôi tế bào được gọi là các nguyên bào ối (amnioblasts); cùng
với phần còn lại của thượng bì phôi, chúng che phủ khoang ối (hình 4.1 & 4.3). Mô nền nội
mạc tử cung bên cạnh vị trí làm tổ sưng phù lên và phát triển nhiều mạch máu. Các tuyến


lớn, khúc khuỷu tiết nhiều glycogen và chất nhày.
1


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

NGÀY 9
Blastocyst vùi sâu hơn vào nội mạc tử cung, và chỗ trống để lại trên bề mặt biểu mô do sự
xuyên vùi này được che phủ bởi chất làm đông fibrin (Hình 4.3). Lá nuôi phát triển đáng
kể, nhất là ở cực phôi, nơi các khoang bào xuất hiện trong hợp bào. Khi các khoang bào
này hợp nhất, chúng tạo ra các hốc trống lớn, và giai đoạn phát triển lá nuôi này còn được
gọi là giai đoạn hốc (Hình 4.3).

Hình 4.2 Lát cắt của một phôi người vào ngày 7,5 (X 100_. Lưu ý đặc điểm đa nhân của lá
nuôi hợp bào, các tế bào lớn của lá nuôi tế bào, và khoang ối dạng khe.
Ở cực không phôi, trong khi đó, các tế bào dẹt nhiều khả năng xuất nguồn từ hạ bì phôi tạo
thành một màng mỏng, gọi là màng khoang ngoài phôi (exocoelomic) hay màng Heuser)
che phủ bề mặt trong của lá nuôi tế bào (Hình 4.3). Màng này, cùng với hạ bì phôi, tạo ra
cấu trúc che phủ khoang ngoài phôi, hay túi noãn hoàng nguyên thủy.
NGÀY 11 và 12
Đến ngày phát triển thứ 11 – 12, phôi nang vùi hoàn toàn trong mô nền nội mạc tử cung, và
biểu mô bề mặt đã che phủ hầu như toàn bộ vùng khuyết trên vách tử cung (hình 4.4 &
4.5). Lúc này phôi nang hình thành nên một cấu trúc lồi nhẹ vào lòng tử cung. Lá nuôi đặc
trưng bởi các hốc trống trong hợp bào hình thành nên một mạng lưới thông nối nhau. Mạng
lưới này rất rõ ở cực phôi; ở cực không phôi, lá nuôi vẫn bao gồm chủ yếu là các tế bào
thuộc lá nuôi tế bào (Hình 4.4 & 4.5).

2



Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Hình 4.3 Một phôi nang người 9 ngày tuổi. Lá nuôi hợp bào có nhiều hốc. Các tế bào dẹt
tạo nên màng khoang ngoài phôi. Đĩa phôi hai lá gồm một lớp các tế bào thượng bì phôi
hình trụ và một lớp tế bào hạ bì phôi hình lập phương. Chỗ khuyết ban đầu trên bề mặt
được đậy lại bởi cục đông fibrin.
Cùng lúc, các tế bào của lá nuôi hợp bào xuyên sâu hơn vào mô nền và bào mòn lớp nội mô
các mao mạch của mẹ. Các mao mạch này, bị xung huyết và giãn rộng, gọi là các xoang
mao mạch. Các hốc trong hợp bào liên tục với các xoang mao mạch, và máu mẹ đi vào hệ
thống các hốc (hình 4.4). Do lá nuôi tiếp tục bào mòn ngày càng nhiều các xoang mao
mạch, máu mẹ bắt đầu chảy vào hệ thống lá nuôi, hình thành nên tuần hoàn tử cung - nhau.

3


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Hình 4.4 Phôi nang người lúc khoảng 12 ngày tuổi. Các hốc lá nuôi ở cực phôi thông nối
hở với các xoang mao mạch mẹ trong mô nền nội mạc tử cung. Trung bì ngòai phôi tăng
trưởng và lấp khoảng trống giữa màng khoang ngoài phôi và mặt trong lá nuôi.

4


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Hình 4.5 Phôi nang người 12 ngày tuổi làm tổ vùi hoàn toàn (x100). Lưu ý máu mẹ trong
các hốc, màng khoang ngoài phôi che phủ túi noãn hoàng nguyên phát, hạ bì phôi và
thượng bì phôi.
Song song đó, một quần thể tế bào mới xuất hiện giữa mặt trong của lá nuôi tế bào và mặt

ngoài của khoang ngoài phôi. Những tế bào này, xuất nguồn từ các tế bào túi noãn hoàng,
hình thành nên một mô liên kết thưa, mịn, gọi là trung bì ngoài phôi, cuối cùng sẽ lấp đầy
khoang giữa lá nuôi về phía ngoài và màng ối cùng màng khoang ngoài phôi về phía trong
(hình 4.4 & 4.5). Sau đó, các khoang rộng phát triển trong trung bì ngoài phôi, và khi hợp
nhất lại, chúng hình thành nên một khoang mới gọi là khoang ngoài phôi (extraembryonic
coelom), hay khoang ối (Hình 4.4). Khoang này bao quanh túi noãn hoàng nguyên thủy và
khoang ối, trừ vị trí đĩa mầm liên kết vào lá nuôi bởi cuống liên kết (hình 4.6). Trung bì
ngoài phôi che phủ lá nuôi tế bào và khoang ối được gọi là lá thành trung bì ngoài phôi
(extraembryonic somatopleuric mesoderm); phần che phủ túi noãn hoàng gọi là lá tạng
trung bì ngoài phôi (extraembryonic splanchnopleuric mesoderm) (Hình 4.4).
Sự tăng trưởng của đĩa phôi hai lá tương đối chậm so với sự tăng trưởng lá nuôi; kết quả là,
đĩa phôi có kích thước nhỏ (0,1 đến 0,2 mm). Những tế bào nội mạc biến thành hình đa
diện và chứa nhiều glycogen và lipid; các khoảng gian bào chứa đầy dịch thoát mạch, còn
mô thì sưng phù. Những thay đổi đó, gọi là phản ứng màng rụng (decidua reaction), ban
đầu xảy ra tại khu vực trực tiếp bao quanh vị trí làm tổ và nhanh chóng diễn ra trong toàn
bộ nội mạc tử cung.
NGÀY 13
Đến ngày thứ 13, chỗ khuyết trên bề mặt nội mạc thường đã lành hẳn. Tuy nhiên, đôi khi
có thể có hiện tượng chảy máu ở vị trí làm tổ do kết quả của việc tăng lượng máu chảy vào
các hốc. Do hiện tượng chảy máu này diễn ra gần ngày thứ 28 của chu kỳ kinh, nó có thể bị
5


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

nhầm lẫn với sự chảy máu bình thường của chu kỳ kinh, do đó, có thể dẫn đến sai sót trong
việc xác định ngày dự sinh.

Hình 4.6
Một phôi nang người 13 ngày tuổi. Các hốc lá nuôi xuất hiện ở cực phôi và cực không

phôi, và tuần hoàn tử cung - nhau bắt đầu. Lưu ý các gai nhau nguyên thủy và khoang
ngoài phôi hay khoang màng đệm (chorionic cavity). Túi noãn hoàng chính thức
(secondary túi noãn hoàng) được che phủ hoàn toàn bởi nội bì.

6


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Hình 4.7 Lát cắt qua vị trí làm tổ của một phôi 13 ngày tuổi. Chú ý khoang ối, túi noãn
hoàng, và túi ngoài phôi trong khoang màng đệm. Hầu hết các hốc đều chứa đầy máu.
Lá nuôi đặc trưng bởi các cấu trúc gai (như nhung mao - villous structures). Các tế bào
thuộc lá nuôi tế bào sinh sản tại chỗ xuyên vào lá nuôi hợp bào, hình thành các cột tế bào
được hợp bào bao. Các cột tế bào cùng với phần hợp bào bao quanh gọi là các gai nhau
nguyên thủy (primary villi) (Hình 4.6 & 4.7).
Cùng lúc đó, hạ bì phôi tạo ra thêm các tế bào di chuyển ở phía trong màng khoang ngoài
phôi (Hình 4.4). Những tế bào này sinh sản và dần dần hình thành một khoang mới bên
trong khoang ngoài phôi. Khoang mới này gọi là túi noãn hoàng chính thức hay túi noãn
hoàng sau cùng (Hình 4.6 & 4.7). Túi noãn hoàng này nhỏ hơn nhiều so với khoang ngoài
phôi nguyên thủy, tức túi noãn hoàng nguyên thủy. Trong quá trình hình thành túi noãn
hoàng nguyên thủy, nhiều phần lớn của khoang ngoài phôi được tách rời ra. Những phần đó
tạo nên các nang ngoài phôi, thường thấy ở khoang ngoài phôi (extraembryonic coelom)
hay khoang màng đệm (chorionic cavity) (Hình 4.6 & 4.7).
Song song, khoang ngoài phôi mở rộng và hình thành một khoang lớn, khoang màng đệm.
Trung bì ngoài phôi che phủ mặt trong lá nuôi tế bào lúc này gọi là tấm màng đệm
(chorionic plate). Vị trí duy nhất nơi trung bì ngoài phôi đi ngang khoang màng đệm là
cuống liên kết (Hình 4.6). Với sự phát triển của các mạch máu, cuống này trở thành dây
rốn.
LIÊN HỆ LÂM SÀNG
Làm tổ bất thường

Lá nuôi hợp bào sản xuất hormone, kể cả human chorionic gonadotropin (hCG). Đến cuối
tuần thứ hai, nồng độ hormone đủ để phát hiện được bằng xét nghiệm miễn dịch phóng xạ
(radioimmunoassays), đây là nền tảng cho xét nghiệm thử thai.
Do 50% bộ gen (genome) của phôi đang làm tổ có nguồn gốc từ cha, phôi là một cơ thể lạ
có tiềm năng bị loại thải bởi cơ thể mẹ. Bằng chứng gần đây gợi ý rằng tổng hợp nhiều yếu
7


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

tố giúp bảo vệ phôi & cấu trúc phụ thuộc, kể cả việc sản xuất các cytokine và protein ức
chế miễn dịch và biểu hiện một phân tử MHC lớp IB ít gặp (HLA-G) ngăn chặn sự nhận
diện phôi như là mô lạ. Nếu mẹ bị bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ hệ
thống, các kháng thể do bệnh tạo ra có thể tấn công và đào thải thai.
Các vị trí làm tổ bình thường là ở trong tử cung. Bình thường, phôi nang người làm tổ dọc
theo thành trước hoặc thành sau của thân tử cung. Thỉnh thoảng, phôi nang làm tổ gần lỗ
trong của cổ tử cung, dẫn đến trong quá trình phát triển về sau, nhau bít lỗ cổ tử cung (nhau
tiền đạo) và gây chảy máu nặng, thậm chí đe dọa tính mạng trong nửa sau của thai kỳ và
khi chuyển dạ.

Hình 4.8 Các vị trí làm tổ bất thường của phôi nang. 1, làm tổ trong ổ bụng (nơi thường
gặp nhất trong ổ bụng là túi cùng tử cung – trực tràng [túi cùng Douglas; Hình 4.10]
nhưng cũng có thể làm tổ ở bất kỳ vị trí nào được phúc mạc che phủ; 2, làm tổ trong đoạn
bóng của vòi tử cung; 3, làm tổ trong vòi; 4, làm tổ trong mô kẽ (thí dụ, trong đoạn eo của
vòi tử cung); 5, làm tổ ở lỗ trong cổ tử cung, thường gây ra nhau tiền đạo; và 6, làm tổ
trong buồng trứng.
Đôi khi, sự làm tổ xảy ra bên ngoài tử cung, dẫn đến thai ngoài tử cung, hay thai lạc chỗ.
Thai ngoài tử cung có thể ở bất cứ vị trí nào trong ổ bụng, buồng trứng, hay vòi tử cung
(Hình 4.8). Chín mươi lăm phần trăm (95%) các trường hợp thai ngoài tử cung là trong vòi
tử cung, và hầu hết là trong đoạn bóng (Hình 4.9). Trong ổ bụng, thường gặp nhất là phôi

nang bám vào phúc mạc của túi cùng trực tràng – tử cung, tức túi cung Douglas (Hình
4.10). Phôi nang cũng có thể bám vào phúc mạc phủ ống tiêu hóa hoặc mạc treo. Đôi khi,
phôi nang phát triển ngay trong buồng trứng, gây nên thai trong buồng trứng nguyên phát.
Trong hầu hết các trường hợp thai ngoài tử cung, phôi chết vào khoảng tháng thứ hai, gây
xuất huyết nặng và đau bụng mẹ.
8


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Phôi nang bất thường cũng hay gặp. Thí dụ, trong một loạt 26 phôi nang làm tổ có tuổi từ
7,5 đến 17 ngày từ những thai phụ có khả năng thụ thai bình thường, 9 phôi (34.6%) bất
thường. Một số chỉ có hợp bào; số khác biểu hiện thiểu sản lá nuôi với mức độ khác nhau.
Trong hai trường hợp, không có phôi bào, và trong vài trường hợp, đĩa mầm có hướng bất
thường.
Theo lý thuyết, hầu hết các phôi nang bất thường sẽ không gây ra bất cứ dấu hiệu có thai
nào, vì lá nuôi của chúng quá kém, không đủ để duy trì hoàng thể. Các phôi này thường sẩy
và trôi ra ngoài theo chu kỳ kinh kế tiếp, do đó, không thể biết được là đã có thụ tinh.
Trong vài trường hợp, lá nuôi phát triển và tạo nên màng ối, tuy mô phôi không có hoặc rất
ít. Tình trạng như vậy gọi là thai trứng (hydatidiform mole). Thai trứng tiết ra hCG nồng độ
cao và có thể gây ra các u lành hay ác tính (thai trứng xâm lấn, ung thư tế bào nuôi).
Phân tích di truyền các thai trứng cho thấy tuy tiền nhân đực và tiền nhân cái có thể tương
đương về mặt di truyền, nhưng về hoạt động có thể khác nhau. Bằng chứng này được rút ra
từ thực tế là tuy các tế bào của mô thai trứng có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội, toàn bộ bộ gen
của chúng đều có nguồn gốc từ cha. Do đó, hầu hết các thai trứng đều xuất phát từ sự thụ
tinh giữa một noãn không kèm theo sự nhân đôi của các nhiễm sắc thể từ tinh trùng để khôi
phục số lượng nhiễm sắc thể lưỡng bội. Các kết quả này cũng gợi ý rằng các gene của cha
điều hòa hầu hết sự phát triển của lá nuôi, bởi vì trong trường hợp thai trứng, loại mô này
vẫn biệt hóa ngay cả khi không có tiền nhân cái.


Hình 4.9 Thai trong vòi tử cung. Phôi khoảng 2 tháng tuổi và sắp thoát khỏi vòi trứng qua
một chỗ vỡ trên thành vòi tử cung.
Các thí dụ khác của sự khác biệt về chức năng của các gen mẹ và cha được cung cấp từ
quan sát thấy một số bệnh di truyền tùy thuộc vào gen hư hỏng hay thiếu mất có nguồn gốc
từ cha hay từ mẹ. Thí dụ, thừa hưởng một mất đoạn nhỏ (microdeletion) trên NST 15 từ
cha dẫn đến hội chứng Prader-Willi, trong khi nếu nhận khiếm khuyết tương tự từ mẹ sẽ
gây ra hội chứng Angelman. Hiện tượng sự biểu hiện và/hoặc biến đổi khác biệt của allele
tương đồng hoặc vùng trên NST phụ thuộc vào nguồn gốc cha hay mẹ của vật chất di
9


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

truyền được gọi là genomic imprinting. Imprinting bao gồm NST thường và NST giới tính
(ở tất cả các cá thể giống cái động vật có vú, một NST X bị bất hoạt trong tế bào sinh
dưỡng và tạo ra một thể chứa chất nhiễm sắc [thể Barr]) và được điều hòa bởi sự methyl
hóa DNA. Một số bệnh, như bệnh múa vờn Huntington, bệnh xơ sợi thần kinh
neurofibromatosis, ung thư gia đình (bướu Wilms, u võng mạc gia đình), và loạn dưỡng cơ,
đều liên quan đến imprinting. Hội chứng X dễ gãy, nguyên nhân hàng đầu của chậm phát
triển tâm thần do di truyền, cũng có thể giải thích được bằng cơ chế imprinting.

Hình 4.10 Lát cắt dọc giữa qua bàng quang, tử cung, và trực tràng cho thấy thai ở vị trí
bất thường trong ổ bụng tại túi cùng trực tràng – tử cung (Douglas).
Bất thường sinh sản trước và sau làm tổ cũng thường xảy ra. Thậm chí ở cả một số phụ nữ
có khả năng thụ thai bình thường với những điều kiện tối ưu để mang thai, 15% số noãn
không được thụ tinh, và 10% đến 15% bắt đầu phân cắt nhưng không thể làm tổ. Trong số
70% 75% có khả năng làm tổ, chỉ 58% sống được đến tuần thứ hai, và 16% số này bị bất
thường. Do đó, khi một mất một kỳ kinh đầu tiên, chỉ có 42% trứng tiếp xúc với tinh trùng
còn tồn tại. Trong số này, một số sẽ bị sẩy trong các tuần tiếp theo, và một số sẽ bất thường
khi sinh ra.

TÓM TẮT
Đầu tuần thứ hai, phôi nang vùi một phần trong mô nền nội mạc tử cung. Lá nuôi biệt hóa
thành (1) một lá trong, tăng trưởng mạnh, tức lá nuôi tế bào, và (2) một lá ngoài, lá nuôi
hợp bào, đào vào các mô mẹ. Đến ngày 9, các hốc phát triển trong lá nuôi hợp bào. Sau đó,
các xoang mao mạch của mẹ bị lá nuôi hợp bào bào mòn, máu mẹ vào mạng lưới các hốc,
và đến cuối tuần thứ hai, tuần hoàn tử cung - nhau nguyên thủy bắt đầu (Hình 4.6). Trong
khi đó, lá nuôi tế bào hình thành các cột tế bào xuyên vào và được bao quanh bởi hợp bào.
10


Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

Các cột này là các gai nhau nguyên thủy. Đến cuối tuần thứ hai, phôi nang vùi hoàn toàn,
và lỗ vào trên niêm mạc cũng lành lại (Hình 4.6).
Khối tế bào bên trong hay phôi bào biệt hóa thành (1) thượng bì phôi và (2) hạ bì phôi,
cùng nhau tạo ra đĩa phôi hai lá (Hình 4.6). Các tế bào của thượng bì phôi phát sinh ra các
nguyên bào ối lợp khoang ối ở trên lớp thượng bì phôi. Các tế bào hạ bì phôi liên tục với
màng khoang ngoài phôi, và cùng nhau bao quanh túi noãn hoàng nguyên thủy (Hình 4.4).
Vào cuối tuần thứ hai, trung bì ngoài phôi lấp đầy khoảng cách giữa lá nuôi và màng ối và
màng khoang ngoài phôi về phía trong. Khi các khoang hình thành trong mô này, khoang
ngoài phôi hay khoang đệm được hình thành (Hình 4.6). Trung bì ngoài phôi cheo phủ lá
nuôi tế bào và màng ối là trung bì lá thành ngoài phôi; cấu trúc che phủ quanh túi noãn
hoàng trung bì lá tạng ngoài phôi (Hình 4.6).
Tuần phát triển thứ hai còn được gọi là tuần của những số hai: lá nuôi biệt hóa thành hai
lớp, lá nuôi tế bào và lá nuôi hợp bào. Phôi bào hình thành hai lớp, thượng bì phôi và hạ bì
phôi. Trung bì ngoài phôi tách thành hai lớp, lá thành và lá tạng. Hai khoang, khoang ối và
túi noãn hoàng hình thành. Sự làm tổ diễn ra vào cuối tuần thứ nhất. Các tế bào nuôi xâm
nhập biểu mô và mô đệm dưới biểu mô nhờ các enzyme hủy protein. Sự làm tổ có thể xảy
ra bên ngoài tử cung, như túi cùng trực tràng – tử cung, trên mạc treo, trong vòi tử cung,
hoặc tại buồng trứng (thai ngoài tử cung).

CÂU HỎI
1. Tuần phát triển thứ hai còn được gọi là tuần của số hai. Sự hình thành những cấu trúc gì
hỗ trợ cho phát biểu này?
Trả lời: Tuần thứ hai được gọi là tuần của số hai bởi vì lá nuôi biệt hóa thành hai lớp, lá
nuôi hợp bào và lá nuôi tế bào, phôi bào biệt hóa thành hai lớp, thượng bì phôi và hạ bì
phôi; trung bì ngoài phôi tách thành hai lớp, lá tạng và lá thành; và hai khoang được hình
thành, gồm khoang ối và túi noãn hoàng.
2. Trong quá trình làm tổ, lá nuôi xâm nhập mô mẹ, và do nó chứa khoảng 50% số gene từ
cha, nó là một cơ thể lạ. Tại sao khối phôi không bị thải ghép do đáp ứng miễn dịch của
mẹ?
Trả lời: Cơ chế vì sao khối phôi không bị thải ghép vẫn chưa được biết tường tận. Các dữ
liệu gần đây gợi ý rằng các chất ức chế miễn dịch như một số cytokine và protein, cũng như
sự biểu hiện một số kháng nguyên không thể nhận diện thuộc phức hợp tương thích mô
chính (MHC) bảo vệ khối phôi khỏi sự thải ghép. Trong một số trường hợp, các đáp ứng
miễn dịch của mẹ có ảnh hưởng hại đến thai kỳ, như trong trường hợp các bệnh tự miễn.
Do đó, những bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống sẽ có bị ảnh hưởng chức năng sinh sản
biểu hiện bằng sảy thai tự phát nhiều lần. Chưa thể kết luận rằng kháng thể của mẹ có thể
gây nên dị tật bẩm sinh của con.
3. Một phụ nữ nghĩ rằng mình có thai, bị phù và xuất huyết âm đạo. Xét nghiệm cho thấy
nồng độ hCG huyết tương cao và có mô nhau, nhưng không thấy phôi. Trường hợp này giải
thích như thế nào?
Trả lời: Trong một số trường hợp, mô lá nuôi là loại mô duy nhất trong tử cung, và các tế
bào có nguồn gốc phôi có rất ít hoặc không có. Trường hợp như vậy gọi là thai trứng, và do
nó có nguồn gốc lá nuôi, nó tiết human chorionic gonadotropin (hCG) và gây ra triệu
chứng giống với giai đoạn sớm của thai kỳ. Hầu hết thai trứng sẩy sớm, nhưng những
trường hợp có chứa tàn tích của phôi sẽ tồn tại được đến 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu các
mảnh lá nuôi còn sót lại sau khi sẩy hoặc sau phẫu thuật, tế bào có thể tăng sinh và hình
11



Đĩa phôi 2 lá (chương 4 Phôi thai Y học Langman v11) – Y2010

thành các khối u gọi là thai trứng xâm lấn, hay ung thư nguyên bào đệm (choriocarcinoma).
Vì giai đoạn phát triển sớm của lá nuôi được điều khiển bởi các gen của cha, người ta nghĩ
rằng nguồn gốc của thai trứng là do tinh trùng thụ tinh với một trứng không nhân.
4. Một phụ nữ trẻ đã trễ hai kỳ kinh và bị đau bụng dữ dội. Chẩn đoán có thể là gì, và làm
gì để khẳng định chẩn đoán đó?
Trả lời: Chẩn đoán số một trong trường hợp này là thai ngoài tử cung tại vòi tử cung, có
thể xác định bằng siêu âm. Sự làm tổ trong vòi tử cung do hợp tử khó vận chuyển và có thể
do sẹo trong vòi tử cung. Cũng như hội chứng Down, tần suất thai ngoài tử cung tăng lên
khi tuổi mẹ trên 35.

12



×