Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Tóm tắt luận văn thạc sĩ triết học thực chất và ý nghĩa của nhận thức luận phật giáo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (165.04 KB, 20 trang )

1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Lý luận nhận thức được coi là học thuyết về khả năng nhận
thức của con người, về sự xuất hiện và phát triển của nhận thức cũng
như về con đường, phương pháp nhận thức... Từ trước đến nay, nó
luôn là một chủ đề lớn của triết học.
Nhận thức luận hay lý luận nhận thức cũng là một trong những
nội dung cơ bản của nhiều hệ thống triết học lớn. Trong lịch sử triết
học, vấn đề về nhận thức luôn đóng vai trò chủ yếu và thậm chí, có
khi (thời cận đại ở Tây Âu) còn là vấn đề trung tâm của triết học. Vấn
đề này với tính cách là một nội dung quan trọng trong vấn đề cơ bản
của triết học, có thực chất là vấn đề về mối quan hệ giữa chủ thể và
khách thể trong quá trình nhận thức.
Mọi trào lưu triết học trong sự phát triển của mình không thể
không đề cập đến các vấn đề nhận thức luận. Triết học Phật giáo
cũng vậy, có một nội dung quan trọng là bàn về các vấn đề nhận thức
luận. Nhận thức luận Phật giáo không chỉ có tác dụng làm sáng tỏ
những tư tưởng triết học của bản thân trường phái này, mà còn có
những cống hiến nhất định cho sự phát triển của nhận thức luận nói
chung. Vì vậy, sẽ thật là thiếu sót khi chúng ta bàn về nhận thức luận
nói chung mà bỏ qua vấn đề nhận thức luận trong triết học Phật giáo,
bởi nếu không bàn về nhận thức luận Phật giáo thì không thể bàn đến
triết học Phật giáo - một trào lưu triết học đã từng có những ảnh
hưởng nhất định trong lịch sử tư tưởng của loài người ở quá khứ,
hiện tại và trong cả tương lai.
Có thể nhận định rằng, mảng nhận thức luận trong triết học
Phật giáo bên cạnh những hạn chế nhất định còn có những đóng góp
to lớn cho sự phát triển tư duy triết học Phật giáo nói riêng và cho
nền triết học của nhân loại nói chung. Vì thế, bàn về nhận thức luận
Phật giáo là một điều cần thiết đối với những người làm công tác


nghiên cứu, giảng dạy triết học. Xuất phát từ lý do đó, tác giả chọn
vấn đề: “Thực chất và ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo” làm
đề tài luận văn của mình.


2

2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Có thể nói, các vấn đề của nhận thức luận đã được bàn đến
ngay từ buổi ban đầu khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập ra Phật
giáo. Ngoài số lượng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo được tích lũy
hơn 2600 năm qua, còn có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến
đề tài này vào những năm của thế kỷ XX và hiện nay.
Trong tác phẩm “Tìm hiểu trung luận, Nhận thức và không
tánh”, tác giả Hồng Dương Nguyễn Văn Hai đã bàn luận lời Đức
Phật để giải thích và làm rõ các quan năng của nhận thức theo quan
điểm của triết học Phật giáo.
Khi đề cập đến nhận thức luận của triết học Phật giáo, trong
tác phẩm “Cốt tuỷ của đạo Phật”, tác giả Suzuki cho thấy rằng, chính
con người, chính chúng ta, với khả năng nhận thức của mình mới có
thể làm cho thế giới lớn lên, và như vậy là cả chúng ta cũng đang lớn
dần lên.
Tác giả Thích Tâm Phương trong tác phẩm: “Tìm hiểu lộ trình
tâm qua luận pháp thắng tập yếu” (Nhà xuất bản tôn giáo) cho rằng:
“Đức Phật đặt nặng sự chú ý vào tâm và những hiện tượng tâm linh,
vì đời sống nội tâm đóng một vai trò rất lớn làm phát khởi hành động
của con người. An lạc hay khổ tâm đều ở nơi tâm. Tâm lý học Phật
giáo hướng dẫn hành giả vào đường lối phân biệt và khảo sát nhằm
khuyến khích mỗi người tự phát triển năng lực nhận thức và phẩm
chất nội tâm”.

Trong “Luận thành duy thức” tác giả Thích Thiện Siêu có bàn
rằng: “Nói duy thức chính là đưa ra lời khai thị, thức tỉnh người ta hãy
tự giác, hãy quán tâm mình, nhìn lại các năng lực thiên biến vạn hoá ở
ngay trong mình để gạn lọc nó, trau dồi nó, sữa chữa nó, phải biến hoá
như thế nào để chỉ đem lại lợi lạc, chứ đừng gây ra đau khổ”.
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh với tác phẩm “Vấn đề nhận thức
trong duy thức học” đã đưa ra sự phân tích các hình thái nhận thức:
hiện lượng, tỉ lượng và phi lượng. Ông nhấn mạnh: “...điều hệ trọng
nhất là thức bao gồm trong nó cả phần chủ thể và đối tượng. Kiến


3
phần và Tướng phần là hai phần thiết yếu không thể không có của
thức, của nhận thức”.
Trong luận án tiến sĩ “Một số vấn đề lôgíc học Phật giáo”, tác
giả Phạm Quỳnh đã chỉ ra các cấp độ của nhận thức được thể hiện
trong thuyết Tam tự tính của triết học Phật giáo là: Biến kế sở chấp
tính, Y tha khởi tính và Viên thành thực tính.
Bên cạnh những công trình nói trên, khi bàn về nhận thức luận
Phật giáo còn có các tác phẩm như: “Lối vào nhân minh học” của
Thích Thiện Siêu, “Duy thức học nhập môn” của Thích Thiện Hoa;
“Tâm lý học Phật giáo” của Thích Tâm Thiện...
Các công trình trên đây đã bàn về Nhân minh luận, Duy thức
học, Lôgic học, Tâm lý học Phật giáo và có gián tiếp đề cập đến một
số khía cạnh nhất định của nhận thức luận có liên quan đến đề tài.
Những công trình đó là tài liệu tham khảo quý giá, đã có nhiều gợi ý
giúp chúng tôi hoàn thành luận văn của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài
Mục đích của đề tài là làm rõ thực chất và ý nghĩa của nhận
thức luận Phật giáo.

Trên cơ sở mục đích đó, tác giả đặt ra nhiệm vụ là:
- Phân tích thực chất của nhận thức luận Phật giáo.
- Phân tích ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo đối với sự
phát triển của bản thân triết học Phật giáo nói riêng và đối với sự phát
triển của tư tưởng triết học nói chung.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đề tài
Cơ sở lý luận của đề tài là các nguyên lý duy vật biện chứng của
triết học Mác - Lênin; đặc biệt là các nguyên lý duy vật biện chứng về
nhận thức.
Phương pháp luận nghiên cứu của đề tài là các nguyên tắc
của phép biện chứng. Để vận dụng các nguyên tắc này vào việc giải
quyết các nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi kết hợp sử dụng các phương
pháp chung như phân tích và tổng hợp, trừu tượng hóa và khái quát
hóa, thống kê và chú giải các tài liệu.


4
5. Đóng góp của luận văn
Với luận văn này, tác giả cố gắng trình bày một cách cơ bản,
có tính hệ thống về nhận thức luận Phật giáo trong sự so sánh với
nhận thức luận của các hệ thống triết học khác, nhất là với nhận thức
luận mácxít; từ đó đánh giá ý nghĩa của bộ phận này trong triết học
Phật giáo.
Nếu thực hiện được mục đích này, luận văn có thể làm tài liệu
tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy môn triết học
Phương đông, mà đặc biệt là môn triết học Phật giáo ở các trường đại
học, cao đẳng.
Luận văn này cũng có thể làm tài liệu tham khảo hữu ích cho
các tăng ni sinh theo học các hệ đào tạo Phật giáo.
6. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo,
Luận văn có hai chương (5 tiết).
Chương 1
THỰC CHẤT CỦA NHẬN THỨC LUẬN PHẬT GIÁO
1.1. Những vấn đề của nhận thức luận Phật giáo
Mỗi khi bàn về vấn đề nhận thức, các câu hỏi sau đây thường
được đặt ra. Thứ nhất, làm sao biết rõ tiến trình nhận thức? Thứ hai,
nếu phân loại những gì mình nhận thức được thì có bao nhiêu đối
tượng được lượng biết tất cả? Thứ ba, bằng cách nào mình lượng biết
được những đối tượng ấy (các hình thái của nhận thức)? Những câu
hỏi cứ lần lượt đặt ra song không phải trường phái triết học nào cũng
có thể trả lời và trả lời thấu đáo được. Vậy, triết học Phật giáo thì sao?
Trước hết, chúng ta tìm hiểu những quan niệm khái quát trong
nhận thức luận Phật giáo qua giáo lý Tám thức.
Nhãn căn lấy sắc trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Nhãn
thức. Nhĩ căn lấy thính trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Nhĩ
thức. Tỷ căn lấy hương trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Tỷ thức.
Thiệt căn lấy vị trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Thiệt thức.
Thân căn lấy xúc trần làm đối tượng, có thể phát sinh ra Thân thức.


5
Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi..., tác dụng thấy, nghe, ngửi ấy là
Thức. Mỗi thức có một tác dụng riêng, thức là một tác dụng vô hình,
vô tướng. Thức ở đâu cũng có và ở đâu có căn và có cảnh thì tác
dụng ấy có thể được biểu hiện. Phân biệt thuần tuý của năm thức ấy
là một phân biệt bằng trực giác, nên không phải là một phân biệt có
tính cách suy tầm, đắn đo.
Phân biệt suy tầm đắn đo là phân biệt của thức thứ sáu tức ý
thức rộng lớn vô cùng. Đối tượng của ý thức là Pháp trần sinh ra các

tư tưởng. Khi thức này hợp tác cùng năm thức trước thì đối tượng
tổng hợp của nó là ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc).
Thức thứ bảy là Mạt na. Mat na có tác dụng chấp ngã, tức chấp có.
Cái mà thức thứ bảy (Mạt na) chấp làm bản ngã là một phần
của thức Alaya. Thức này là tất cả, là chổ chứa đựng tất cả các hình
ảnh do bảy thức trước khảm nhập vào, do đó dường như không để
mất đi một hình ảnh nào.
Trong triết học Phật giáo, khách thể (đối tượng) nhận thức
được chia thành ba nhóm, gọi là Tam cảnh gồm: Tánh cảnh, Đới chất
cảnh và Độc ảnh cảnh. Ba cảnh này còn được gọi là Tướng phần,
trong tương quan với chủ thể nhận thức thì được gọi là Kiến phần.
Tánh cảnh là bản chất của đối tượng hay là bản chất của thực
tại khách quan. Thế giới Tánh cảnh là thế giới của tự nó chứ chưa
xuyên qua bởi bất kỳ nhận thức nào của con người; đó là thực tại siêu
ngôn ngữ, không thể diễn đạt thành lời
Loại thực tại thứ hai là thực tại gián tiếp, loại thực tại này
trong triết học Phật giáo gọi là Đới chất cảnh. Đây là thực tại vay
mượn, thực tại có dự phần của tưởng tượng, dự phần của tư duy kiến
tạo, tức là có phần tham dự và tạo dựng của con người. Nói theo
ngôn ngữ ngày nay, nó là thực tại nhận được trong hình ảnh chủ
quan, trong khái niệm, trong các bản sao tinh thần.
Cảnh thứ ba là Độc ảnh cảnh, đây là thế giới ảnh tượng do ý
thức tái thiết lại khi vắng mặt cảm giác trực tiếp, nghĩa là khi nó hoạt
động vượt qua ảnh hưởng cộng tác của năm thức đầu.
Như vậy, với nhận thức luận Phật giáo, thực tại khách quan
phải là thế giới tự thân, thế giới Tánh cảnh, thế giới của tự nó chứ


6
chưa xuyên qua bởi bất kỳ nhận thức nào của con người; đó là thực

tại siêu ngôn ngữ, không thể diễn đạt thành lời. Và với triết học Phật
giáo, đối tượng của nhận thức không chỉ là thế giới tự thân ấy mà còn
là thế giới của Đới chất cảnh, thế giới được mang theo từ thực tại
khách quan được nhận thức qua lăng kính chủ quan của con người.
Đối tượng nhận thức ấy còn có cả sự hồi tưởng lại và có cả những
hình ảnh, những ý tưởng tưởng tượng của con người.
Trong triết học Phật giáo, các hình thái của quá trình nhận thức
được trình bày trong thuyết Tam lượng.
Hiện lượng được xem là hình thái đầu tiên của quá trình nhận
thức. Hiện lượng nghĩa là hiểu biết trực tiếp những cảnh vật, đối
tượng đã được hiện bày đầu tiên và sự hiểu biết hiện lượng hoàn toàn
không có ý niệm diễn dịch và suy luận.
Hình thái nhận thức thứ hai là Tỷ lượng. Tỷ lượng là nhận thức
thông qua sự so sánh. Tỷ lượng cũng là xét đoán, tính toán theo sự so
sánh đúng sai, cân nhắc lợi hại, lựa chọn hơn kém... của tâm thức để
hiểu biết.
Hình thái nhận thức thứ ba trong triết học Phật giáo gọi là Phi
lượng, tức là sự nhận thức sai lầm của Hiện lượng và Tỷ lượng.
Các hình thái nhận thức được trình bày như trên trong nhận
thức luận Phật giáo có phần giống và cũng có phần khác với việc
phân chia các giai đoạn, các hình thức của quá trình nhận thức trong
nhận thức luận mácxít. Với nhận thức luận mácxít, nhận thức cảm
tính là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, có được là nhờ sự
hoạt động của các giác quan nhận biết của con người, giai đoạn này
được tiến hành trong ba hình thức như: cảm giác, tri giác và biểu
tượng. Tương tự, nhận thức luận Phật giáo cũng xem cảm giác, tri
giác là những hình thái nhận thức cảm tính. Riêng biểu tượng, nhận
thức luận Phật giáo coi là hình thức của nhận thức Tỷ lượng.
Trong nhận thức luận mácxít, nhận thức cảm tính chỉ cung cấp
những hiểu biết ban đầu và đó thường là về những vẻ bề ngoài của

đối tượng, trong khi nhiệm vụ của nhận thức là phải nắm bắt được
bản chất, tính tất yếu và tính quy luật của đối tượng. Nhận thức luận


7
mácxít cho rằng, để thực hiện được nhiệm vụ đó, quá trình nhận thức
phải chuyển lên giai đoạn cao hơn, nhận thức lý tính.
Coi hình thái nhận thức đầu tiên - Hiện lượng có đối tượng nhận
thức là cái riêng, cái đặc thù nên đích mà các nhà triết học Phật giáo
hướng tới cho Hiện lượng là chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối ở đây
có thể đến với chủ thể bằng nhiều con đường khác nhau như: trực quan
cảm tính, trực quan siêu nghiệm, bằng trực giác tâm linh. Nếu chuyển
sang hình thái nhận thức Tỷ lượng thì con người sẽ không làm được
điều đó. Rõ ràng, đây là một điểm khác với nhận thức luận mácxít. Bởi
về giai đoạn nhận thức thứ hai, nhận thức luận mácxít cho rằng, nhận
thức lý tính có được là hoạt động của tư duy trừu tượng. Tư duy có
tính năng động, sáng tạo nên nó có thể phản ánh được những mối liên
hệ bản chất, tất nhiên, bên trong của sự vật, do đó phản ánh sự vật sâu
sắc hơn, đầy đủ hơn. Muốn có tư duy, con người phải sử dụng các
phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa và trừu tượng
hóa... Khác với điều này, ở hình thái nhận thức thứ hai - Tỷ lượng, theo
nhận thức luận Phật giáo, là sự nhận thức có xét đoán, tính toán... của
Tâm thức. Sự so sánh, nhớ lại, hồi tưởng lại của ý thức so với hình ảnh
của những hạt giống lấy từ thể thức Alaya đưa lên trình diện cho ý
thức là những hình ảnh nhiều phần không thực chất và không đúng thật
về các sự vật hiện tượng của thế gian. Do đó, quá trình nhận thức này
thường dẫn con người đến với nhiều sai biệt. Như vậy, Tỷ lượng có
làm sâu sắc thêm nhận thức nhưng cũng làm cho nó càng xa thực tại
hơn. Chân lý do Tỷ lượng đem lại chỉ là chân lý tương đối, do tư duy
kiến tạo mà có. Trong khi nhận thức luận mácxít xem chân lý là những

tri thức phù hợp với hiện thực khách quan và được thực tiễn kiểm
nghiệm. Sự phù hợp ấy không phải có ngay lập tức từ ban đầu, mà đó
là một quá trình lâu dài, chứ không phải chỉ đơn thuần như sự cảm giác
một cách trực tiếp, vô phân biệt, phi kiến tạo, phi ảo giác...và cộng
thêm vào đó là bằng trực giác siêu nghiệm, tâm linh như nhận thức
luận Phật giáo.
1.2. Nội dung của nhận thức luận Phật giáo
Khi khởi đầu thuyết trình về Nhân minh học, để minh định
mục đích và phạm vi của khoa nhận thức và luận lý do mình chủ


8
trương, ngài Thiên Chủ (Dharmakìrti) nói: “Mọi hành động thành
công là nhờ trước đó nhận thức đúng, vì vậy chúng ta bắt đầu khảo
sát điều đó”.
Con người qua sự khảo sát của triết học Phật giáo được chia
thành hai phần khác nhau để tìm hiểu. Hai phần khác nhau ấy là phần
vật chất và phần tâm thức. Thân thể con người mà ai cũng biết là
thuộc về vật chất. Ngoài phần vật chất đó ra, con người còn có tám
loại hiểu biết thuộc về Tâm thức. Tám loại hiểu biết này, Phật giáo
gọi là tám Tâm Thức. Tâm thức mỗi khi sinh hoạt liền phát sinh ra
hiểu biết (Thức). Theo quan điểm của triết học Phật giáo, tri thức
(Thức) chủ yếu là kết quả của sự hòa hợp, ăn nhập giữa lục căn và
lục trần (thuộc về cảnh). Sự hiểu biết (Thức) trong con người mỗi khi
sinh hoạt được minh định thành tám loại khác nhau.
Với năm thức đầu, chúng ta biết rõ, khoa học ngày nay gọi là
Ngũ giác. Đó là các phạm vi thấy biết qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân
thể. Khi mắt chúng ta nhìn, cái mà mắt thấy gọi là Trần hay Cảnh.
Chẳng hạn như khi mắt chúng ta nhìn lọ mực thì mắt chúng ta gọi là
Căn, tức là cơ quan hoạt động để thu hình ảnh. Lọ mực là Trần hay

Cảnh. Cái biết lọ mực là thức của con mắt cùng bộ máy thần kinh
não, hay là Nhãn thức.
Câu đầu trong tác phẩm Bát thức quy củ tụng của Huyền Trang
có ghi: “Tam cảnh hiện lượng thông tam tánh”. Có nghĩa là đối tượng
nhận thức của năm thức này là Tánh cảnh - tức là thấy biết như thật,
hiện hữu như là chính nó; hình thái nhận thức của năm thức này là
Hiện lượng. Trong quá trình nhận thức, năm thức này dựa vào Tàng
thức (Alaya), hay nói chung là Tâm thức (bao gồm cả ý thức) mà
hiện hữu và vận hành. Như vậy, phân biệt của năm thức chỉ là phân
biệt có tính chất trực giác. Tuy nhiên, với nhận thức luận Phật giáo,
chỉ bằng khả năng nhận thức của năm thức thì con người chưa đạt
đến Chân hiện lượng được mà phải có sự kết hợp với trực giác tâm
linh nữa.
Còn thức thứ sáu là Ý thức, là tư tưởng, so sánh, phân biệt và
suy luận...Ý thức kết hợp với năm thức trên, bao quát cả sự vật, tổng
quát các điều tai nghe, mắt thấy... để hiểu rõ sự vật.


9
Căn của Ý thức gọi là Ý, tức là cả thần kinh hệ có liên quan đến
cái biết, đến trí thông minh. Trần của Ý thức gọi là Pháp, tức là sự vật.
Loài người chúng ta ngày nay dựa vào Ý thức để tìm hiểu sự vật, để
làm chủ thế giới và phục vụ cho đời sống con người. Tuy nhiên, hình
thái nhận thức của ý thức không phải chỉ là Hiện lượng như trong
trường hợp của năm thức đầu và đối tượng của nó cũng không phải
chỉ là Tánh cảnh mà là “Tam tánh tam lượng thông tam cảnh”. Nghĩa
là hình thái nhận thức của Ý thức gồm cả ba lượng (hiện lượng, tỷ
lượng và phi lượng) và đối tượng nhận thức của của nó cũng gồm cả
ba cảnh: Tánh cảnh, Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Như vậy, đối
tượng và công dụng nhận thức của Ý thức vô cùng rộng.

Thức thứ bảy là Mạt na thức. Thức này chuyên về Chấp ngã. Ví
như con ốc cứ bo bo bám lấy vỏ óc của mình và cho đó là cả cuộc đời,
cả vũ trụ của nó mà không dám rời ra bao giờ. Mạt na cố hữu hay so
sánh, keo kiệt, tư lợi, tư hữu, ích kỷ. Vì thế, cái gốc khổ não, tội lỗi, mê
lầm chính là do thức thứ bảy này. Bát thức quy củ tụng viết: “Đới chất
hữu phú thông tình bản. Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi”.
Như vậy, đối tượng của Mạt na thức là đới chất cảnh. Mạt na
liên hệ một đằng với Tình thức (Ý thức) và một đằng với Bổn thức
(Alaya). Nó theo sát Alaya, lấy đó làm đối tượng chấp ngã và do đó,
hình thái nhận thức của nó là phi lượng. Sự nhận thức phân biệt của
Mạt na chủ yếu thuộc về trực giác hơn là tưởng tượng. Do vậy, sự
nhận thức phân biệt này có một phạm vi rất hẹp, chỉ so đo nghĩ ngợi
chấp kiến phần Alaya làm ngã, ngoài ra ít có tác dụng nghĩ ngợi so
đo nào khác.
Thức thứ Tám là Alaya. Thức này chuyên về chứa nhóm, tức là
nó gồm các hạt giống của tất cả các sự vật trong ba cõi. Các hạt giống
này do Huân - Tập mà phát triển. Cảnh ngoài và các thức trước có
huân tập cái gì thì nó giữ cái đó. Nếu được hoàn cảnh tốt, cộng thêm
vào đó có hạt giống phát triển tốt thì nó sẽ phát triển mãi, và một
ngày kia, phật tử sẽ hoàn toàn hiện thành Phật. Về thức này, trong
Bát thức quy củ tụng có viết: “Thọ huân trì chủng căn thân khí. Khứ
hậu lai tiên tác chủ công”.


10
Nghĩa là “tiếp nhận sự huân tập, duy trì các chủng tử, thân thể,
giác quan và môi trường vật lý, Alaya là vị chủ nhân tới trước hết và
bỏ đi sau hết”. Như vậy, Alaya làm nền tảng của mọi thức khác những thức chỉ hiện phát được sau khi Alaya đã được an tập. Hai tác
dụng của Alaya là năng trì và năng biến. Trong đó, năng trì là khả
năng duy trì căn thân và khí giới (thế giới vật lý); còn năng biến là

khả năng phát hiện hiện tượng từ chủng tử hiện hành. Sự phát hiện
này được tuân theo nguyên tắc nhân duyên và nghiệp báo. Có thể
thấy rằng, nếu không có Alaya thì không có vạn hữu, không có sự
sống của sinh mệnh và cũng không có được sự liên lạc giữa giai đoạn
sinh mệnh trong hoạt động của Tâm thức.
Lý luận nhận thức luận vừa trình bày ở trên của triết học Phật
giáo được tựu trung lại trong lý thuyết Tam tự tính.
Với tự tính Biến kế sở chấp, triết học Phật giáo cho rằng, vạn
pháp không hiện hữu theo cách thức mà chúng ta khái niệm về
chúng, thế giới khái niệm không phải là thế giới thực thật. Các pháp
không có thể chất chân thật, từ những sự vật thực tại cho đến những
sự vật thuộc khái niệm đều do Ý Thức thứ sáu tưởng tượng xây dựng
dưới sự chỉ đạo của Thức Mạt na thứ bảy so đo chấp trước.
Nhận thức luận Phật giáo còn chỉ ra rằng, vạn pháp trong vũ
trụ vốn không có pháp nào hiện diện một cách độc lập mà không liên
hệ với các vật khác, cũng như không có pháp nào không nương tựa
vào Thức Alaya mà có thể sanh khởi, lớn lên và tồn tại được. Với đặc
tính là tương liên, tương sinh và tương thành của vạn vật, triết học
Phật giáo chỉ ra rằng, nhận thức về thực tại cần được xây dựng trên
nguyên tắc vô thường vô ngã, nếu như chúng sinh không muốn quay
lưng lại với thực tại. Đây chính là cấp độ nhận thức Y tha khởi tính.
Viên thành thật tính có nghĩa là tự tính của tất cả các pháp về
mặt chân lý chính là thể tính chân thật đã được thành tựu một cách
viên mãn tròn sáng. Con người muốn hiểu biết tự tính này thì phải có
trí tuệ để quán sát trực tiếp, đó là trí tuệ được chuyển từ ý Thức thứ
sáu sau nhiều năm tu tập. Trí diệu quan sát vạn pháp một cách mầu
nhiệm, một cách độc lập để hiểu biết.


11

Chương 2
Ý NGHĨA CỦA NHẬN THỨC LUẬN PHẬT GIÁO
2.1. Lập trường triết học của nhận thức luận Phật giáo
Mặc dù đứng trên lập trường khác nhau và sử dụng các phương
pháp khác nhau, nhưng trong lịch sử triết học, hầu như không có
trường phái hay nhà tư tưởng nào không bàn về khả năng nhận thức
thế giới của con người. Triết học Phật giáo cũng đã bàn nhiều đến khả
năng nhận thức của con người về thế giới. Ở đây, đứng trên lập trường
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chúng tôi muốn có một số nhận
định, đánh về lập trường triết học của nhận thức luận Phật giáo.
Qua sự phân tích nội dung nhận thức luận Phật giáo trên đây,
chúng ta nhận thấy, lập trường xuyên suốt mà trường phái triết học
này thể hiện là khuynh hướng duy tâm chủ quan và có nhiều quan
điểm chứa đựng tinh thần biện chứng; hẳn nhiên, chúng ta cũng thấy
một số quan điểm duy vật ẩn chứa trong nội dung của hệ thống triết
học Phật giáo.
Nếu xét trên quan điểm nhận thức luận, những đại diện của các
tông phái Phật giáo là những nhà duy tâm - tâm lý hay những nhà
duy tâm hiện tượng luận. Tất cả họ nhất trí rằng, thế giới kinh
nghiệm, thế giới bên ngoài cũng như "cái tôi" chỉ là ảo ảnh, không
chỉ vạn vật mà thậm chí cả những con người quanh ta đều như những
con rối - những bóng ma lừa phỉnh chủ thể. Nhận thức luận Phật giáo
chỉ ra rằng, vạn pháp trong vũ trụ đều không có thể chất chân thật, từ
những sự vật thực tại cho đến những khái niệm đều do ý thức tưởng
tượng tạo dựng dưới sự điều khiển của Mạt na thức.
Trước hết, nhận thức luận Phật giáo phân chia đối tượng nhận
thức ra làm ba loại và các cấp độ của quá trình nhận thức tương
ứng. Quan điểm này khác với quan điểm của nhận thức luận
mácxít, nhưng ta thấy ở đây cũng thể hiện một số yếu tố duy vật và
cũng phần nào đó có tính bất khả tri, và có cả những nét của sự

phân chia các cấp độ nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính như
trong nhận thức luận mácxít.


12
Với triết học Phật giáo, vạn pháp trong vũ trụ vốn không có cái
nào hiện diện một cách độc lập mà không liên hệ với cái khác, cũng
như không có pháp nào không nương tựa vào thức Alaya mà có thể
sinh khởi, có thể lớn lên và có thể tồn tại được. Sự tương duyên,
tương sinh ấy được thể hiện rõ trong quan điểm Vô thường và Vô
ngã của nhận thức luận Phật giáo. Như vậy, nhận thức luận Phật giáo
nhìn nhận vạn vật trong liên hệ, biến đổi. Rõ ràng, có yếu tố hợp lý
trong cách nhìn biến thiên vận động này của nhận thức luận Phật
giáo. Tuy nhiên, thuyết "Vô thường", "Vô ngã" của nhận thức luận
Phật giáo chỉ thấy vạn vật biến đổi, đã tuyệt đối hóa sự biến đổi ấy,
coi đó là nguyên nhân của nỗi khổ con người vì thế đã thể hiện lập
trường duy tâm chủ quan. Vì vậy, quan điểm "Vô ngã", "Vô thường
có nhiều điểm hợp lí, song nó chưa thật sự là công cụ để nghiêm cứu
vạn vật biến hóa.
Nếu triết học Phương Tây từng xem con người là một bộ phận
của vũ trụ thì triết học Phật giáo coi con người là một tiểu vũ trụ. Vì
đứng trên phương diện chủ quan cho nên Phật giáo bao giờ cũng thấy
con người đối với vũ trụ là bị động. Cái "Tâm" không phải bao giờ
cũng như cái gương để soi rọi bao nhiêu mâu thuẫn đau khổ của cảnh
ngoài. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thức của mỗi con người không phải
chỉ để giúp cho cái bóng của cảnh ngoài rọi vào một cách rõ rệt. "Sáu
căn" ấy cũng là khí cụ để cho con người thắng lại vũ trụ, bởi con người
chúng ta luôn vừa là chủ thể vừa là khách thể của chính chúng ta.
Với việc đưa ra thuyết Tám thức và phân định chức năng hoạt
động của từng thức, nhận thức luận Phật giáo đã chi tiết hóa trong lập

luận của mình về các phương diện trong nhận thức của con người.
Tuy nhiên, ở đây, nhận thức luận Phật giáo lại chứng tỏ có sự dao
động giữa lập trường duy vật và duy tâm. Hạn chế lớn nhất của nhận
thức luận Phật giáo là đưa con người đến niềm tin về kiếp luân hồi và
có phần trái với thuyết tiến hóa sinh học cũng như vũ trụ.
Có thể nói, Đạo Phật là một triết lý về con người hướng nội.
Đạo Phật quan niệm đời người là bể khổ nhưng đó là nỗi khổ nội tâm


13
của những cá nhân riêng rẽ. Bởi vậy, điểm mạnh nhất của triết lý này
là con người nội tâm, vô thần, bình đẳng về sinh hoạt tinh thần đạo
đức. Con người của đạo Phật là con người nhẫn nhục, tránh xa những
mâu thuẫn và xung đột thực tế của xã hội. Đạo Phật ít bàn tới nguồn
gốc xã hội của nỗi khổ như sự nghèo nàn, áp bức bóc lột, chiến tranh
phi nghĩa... Chính phạm vi và cách tiếp cận hướng nội này đã làm cho
nhận thức luận Phật giáo cũng mang khuynh hướng duy tâm chủ quan.
Nhìn lại thời điểm mà Phật giáo ra đời - khi mà trình độ nhận thức
xã hội còn thấp kém thì nhận thức luận Phật giáo cũng mắc vào lập
trường duy tâm là một điều không tránh khỏi. Quan trọng là nhận thức
luận Phật giáo tuy duy tâm nhưng trong ở đó vẫn ẩn chứa nhiều luận giải
hợp lí, nhất là những tư tưởng có tinh thần biện chứng sâu sắc.
2.2. Ý nghĩa của nhận thức luận đối với sự phát triển của triết
học Phật giáo
Có thể nói rằng, quá trình hình thành lý luận nhận thức trong
các học thuyết triết học thường diễn ra thông qua việc giải quyết mối
quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Vì vậy, trong triết học Phật giáo, bản
thể luận, nhận thức luận và nhân sinh quan cũng thống nhất với nhau.
Điều đó biểu hiện ở chỗ: vấn đề “Tính không” hay “Vô ngã, vô
thường” của bản thể được triết học Phật giáo giải quyết trong quan hệ

với “Tâm”. Quan hệ này cũng giống với quan hệ giữa bản thể và thế
giới hiện tượng. Thành thử, nếu trong sự phân tích của triết học Phật
giáo có việc tách rời nhận thức luận với bản thể luận và nhân sinh
quan thì cũng chỉ có tính tương đối và nhằm cố gắng rạch ròi hơn
những khía cạnh được bàn đến mà thôi. Việc nghiên cứu về nhận
thức trong triết học Phật giáo, do đó không chỉ có tác dụng làm rõ các
vấn đề nhận thức luận chuyên biệt mà còn góp phần quan trọng làm
sáng tỏ, bổ sung phát triển kinh bổn và giáo lý của cả hệ thống triết lý
của cả trường phái này.
Con người là chủ thể nhận thức, nhưng cái đảm nhiệm vai trò
nhận thức lại chính là Tâm, và hoạt động nhận thức của tâm là Tâm
thức. Thế giới Tâm thức được triết học Phật giáo trình bày trong


14
thuyết Tám thức. Với nhận thức luận Phật giáo, thế giới này không
sinh cũng không diệt, không có cái gì xuất hiện hoàn toàn mới mẻ
cũng không có cái gì biến mất đi hoàn toàn, chỉ là sự biến đổi từ
trạng thái này sang trạng thái khác. Chính cách tiếp cận trên của nhận
thức luận Phật giáo đã quy định tính chất, lập trường và phương pháp
của bản thể luận và nhân sinh quan trong toàn bộ triết lý của nền triết
học này.
Trong bản thể luận, triết học Phật giáo căn cứ vào tính chất
tương liên, tương sinh của vạn vật mà cũng đi đến kết luận rằng, vũ trụ
là tự nó, không sinh và không thể tiêu diệt, không có một thế lực nào
có thể dùng ý muốn của mình mà chi phối sự vận hành của nó. Trong
vũ trụ, vạn Pháp không có tự tính (không có bản tính riêng của mình)
mà chỉ là sự hoà hợp của nhân duyên.
Với triết học Phật giáo, không có Pháp nào là tồn tại vĩnh cữu
mà tất cả tuân theo luật sinh, trụ, dị, diệt (thành, trụ, hoại, không).

Con người và sự vật trong đời này luôn thay đổi, biến dịch từng giờ,
từng phút, từng sát na. Mọi Pháp là vô thường nhưng không có vật gì
là hoại diệt tuyệt đối, chỉ có hình thái thay đổi. Vô ngã là không có
cái Ta, không có bản thế vĩnh hằng, bất biến. Sở dĩ không có cái Ta,
không có bản thể vĩnh hằng, bất biến vì vạn Pháp chỉ do nhân duyên
phù hợp và trong trạng thái vô thường bất định.
Những quan điểm về bản thể luận ở trên cùng với nhận thức
luận tiếp tục trở thành cơ sở giải thích cho triết lý nhân sinh và con
đường giải thoát của đạo Phật. Mục đích cuối cùng của Phật là tìm ra
con đường giải thoát, đưa chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi bất tận đó.
Với thuyết “luân hồi”, “nghiệp báo”, Phật giáo cho rằng, con
người trong quá trình tồn tại do duyên hợp, ngũ uẩn đã làm những
việc thiện, ác, tạo ra “nghiệp”. Theo luật nhân quả, những việc làm
thiện, ác hay “nghiệp” sẽ là động lực, là nhân tố để tạo ra sự kết hợp
ngủ uẩn tiếp theo... cứ như vậy kéo con người vào vòng luân hồi
sinh tử không ngừng từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, nội dung
cơ bản của giáo lý đạo Phật khi lý giải về cuộc đời con người là học


15
thuyết về “khổ” và con đường “cứu khổ”. Bởi vì con người không
nhận thức được cái biến ảo, vô thường, vô định của vạn vật là thường
hằng, chân thực và cũng không nhận thức được rằng, cái Ta có mà
không, không mà có, cho nên con người luôn nhầm tưởng Ta tồn tại
mãi. Nhằm loại trừ vô minh, dứt bỏ dục vọng để đạt tới chân lý, triết
học phật giáo đã đề ra bốn chân lý mà mọi người phải thấm nhuần để
thực hiện. Đó là Tứ diệu đế. Tứ diệu đế bao gồm, Khổ đế, tập đến,
diệt đế, đạo đế. Ngoài ra, triết học Phật giáo xây dựng thuyết Tam
học hay Bát chính đạo... với tư cách là những phương pháp nhận thức
hướng tới giác ngộ và giải thoát cùng với những yêu cầu cụ thể cho

mỗi phương pháp ấy.
Nhận thức luận Phật giáo như một sợi dây vô hình liên kết bản
thể luận và nhân sinh quan, tạo nên tính thống nhất và toàn vẹn về
nội dung, tư tưởng và hình thức của trường phái triết học này. Chính
do sự mới mẻ, biện chứng và phần nào mang tính khoa học trong tư
tưởng, nên, mặc dù cho triết học Phật giáo ra đời cách đây hàng mấy
mươi thế kỷ nhưng vẫn có được một chỗ đứng và đã có nhiều đóng
góp cho sự phát triển tư tưởng loài người.
2.3. Ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo đối với sự phát triển
của lý luận nhận thức
Bất kỳ trường phái triết học nào cũng đều hướng đến một mục
tiêu đầu tiên và trực tiếp là sự nhận thức thế giới, nhưng nhận thức của
con người không phải chỉ để nhận thức, mà để nâng cao thực tiễn, cải
tạo thế giới, biến các ý tưởng phi vật chất trong đầu óc thành hiện thực
trực tiếp bên ngoài ý thức. Việc nhận thức hay cải tạo thế giới ấy đều là
phục vụ cho cuộc sống của con người. Đây là một yêu cầu chung của
mọi lý luận về nhận thức. Nhận thức luận Phật giáo cũng đã làm như
thế. Dù cách thức và phương pháp có khác với các trường phái khác
trong lịch sử triết học nhưng nhận thức luận Phật giáo đã làm được cái
công việc giúp con người nhận thức được thế giới, mà quan trọng hơn
là nhận thức và cải tạo chính bản thân mỗi người.


16
Vào thời kỳ triết học Phật giáo ra đời, lịch sử Ấn Độ có sự
chuyển biến mạnh mẽ. Chính vào thời điểm ấy, triết học Phật giáo đã
gióng lên tiếng chuông tiên phong đả phá xiềng xích nô lệ và bức
tường phi lý của sự phân chia đẳng cấp, đả phá sự thống trị về tinh
thần của đạo Bàlamôn và cả những thầy tu của đạo này. Triết học Phật
giáo chỉ ra rằng, mọi chúng sinh đều bình đẳng với nhau từ khi lọt lòng

mẹ, bởi họ đều mang trong mình dòng máu đỏ như nhau và nước mắt
của họ có vị mặn như nhau, họ chỉ khác nhau ở vỏ bên ngoài, ở quần
áo, ở quan niệm. Chính cái tính tham, sân, si là ngọn nguồn của mọi
sai lầm và cũng là của sự bất bình đẳng, của mọi đau khổ và sai biệt.
Các nhà luận sư Phật giáo đã xếp trực giác tâm linh, trực giác
siêu nghiệm vào hình thái Hiện lượng và đặt chúng cao hơn Tỷ lượng,
bởi theo họ, thực tại chỉ có thể nhận thức toàn vẹn bằng con đường
trực giác siêu lý tính. Không ai có thể phủ nhận được vai trò của tư duy
khái niệm và những tri thức suy diễn, bởi nhờ có chúng, nhân loại mới
có những bước tiến dài, vững chắc như ngày hôm nay. Tuy nhiên,
cũng cần phải thừa nhận rằng, ở một góc độ nào đó, trực giác đóng một
vai trò không nhỏ trong các phát minh khoa học. "Thấy" (kiến/ trực
giác) đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo, vì nó
là cơ sở của "biết" Như vậy, triết học Phật giáo cuối cùng cũng dạy ta
thấy thực tại đúng như nó là, cái thấy ấy chính là chứng ngộ.
Nhận thức luận Phật giáo cũng có một số điểm tương đồng với
tri thức luận của I.Kant. Nếu nhận thức luận phân đôi thực tại thành
hai thế giới Vô vi và thế giới Hữu vi, thì tương tự, I.Kant cũng chia
thế giới thành “vật tự nó” và “hiện tượng”. Nhưng với Kant, thế giới
vật tự nó là bất khả tri đối với con người, còn theo nhận thức luận
Phật giáo thì thế giới Tánh cảnh (Vô vi) có khả năng đạt tới được
bằng con đường trực giác, thể nghiệm tâm linh. Ở đây, nhận thức
luận Phật giáo thật sự không có khuynh hướng bất khả tri.
Nếu so sánh Hiện lượng và Tỷ lượng trong nhận thức luận
Phật giáo với nhận thức luận của triết học Mác – Lênin, chúng ta
như thấy có một sự tương quan ngược chiều. Với nhận thức luận Phật


17
giáo, chân lý chỉ có thể đạt được ở giai đoạn nhận thức cảm tính, trực

giác - sự nhận thức mà ở giai đoạn lý tính không thể làm được. Nhận
thức luận mácxít xét nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai
giai đoạn của một quá trình biện chứng, giữa chúng có sự tác động
qua lại, bổ sung và làm tiền đề cho nhau chứ không đề cao thái quá
giai đoạn nào. Tuy còn mang tính siêu hình trong việc phân chia các
hình thái nhận thức nhưng nhận thức luận Phật giáo đã có một cống
hiến to lớn là chỉ ra các cấp độ của quá trình nhận thức.
Khái thác chiều sâu nội tâm để hiểu chính mình và rồi cũng
dùng cái nội tâm ấy để điều chỉnh cuộc sống của con người, đó là
thực chất của nhận thức luận Phật giáo. Đạo Phật khuyên con người
tu tâm dưỡng tính, phải học và thực hành theo những pháp môn Phật
dạy làm cho thân, khẩu, ý... thanh tịnh, để diệt tâm sân hận. Trong
thời đại ngày nay, tham vọng của nhân loại đang khống chế con
người, chiến tranh, khủng bố liên tục xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Chính lúc này, tinh thần từ bi, xuất phát từ cái Tâm từ bi của triết học
Phật giáo là chất liệu cần thiết cho cuộc đời.
Theo nhận thức thông thường, chúng ta tưởng chừng như mọi
sự vật đang thực sự hiện hữu và cố định, kỳ thực, tất cả đang chuyển
động mà ta khó nhận rõ được. Nó đã tạo thành một ngộ nhận căn bản
về sự hiện hữu và giá trị của một con người, từ đó tính chấp nhặt, ích
kỷ hình thành, là đầu mối của tình trạng chiến tranh, hận thù lẫn
nhau. Như vậy, ở một mức độ nhất định, nhận thức luận Phật giáo đã
chỉ ra nguồn gốc nỗi khổ của nhân loại. Ta đau khổ không phải vì
vạn vật biến đổi vô thường, mà đau khổ vì chủ quan ta tham đắm.
Thật vậy, với lẽ Vô thường, Vô ngã của cuộc đời con người đã giáo
dục ta nắm bắt được quy luật vận động tất yếu của cuộc sống, thấu
hiểu vị thế của mình để từ đó có phương thức hành xử đúng đắn.
Thế giới chúng ta sống đang sôi sục chiến tranh, mọi bảng giá
trị dường như được con người quy chiếu bằng thước đo đồng tiền.
Thái độ "chấp ngã", "chấp thủ" của từng cá nhân ngày càng tăng lên;

vì vậy, họ đã tự trói mình bằng gông cùm trong hiện hữu. Con người


18
hiện đại ít nhiều đã đánh mất phẩm chất cao quý của mình để chạy
theo lợi nhuận. Thế nhưng, đạo Phật đã dạy chúng ta rằng, một đời
sống đẹp không chỉ được tạo dựng bằng thức ăn ngon, áo mặc đẹp,
mái nhà xinh xắn mà còn sinh động bởi ý định trong sạch, một lòng
từ bi không giáo điều, cũng không giáo lý bác học, mà đó là lòng
kính trọng phẩm giá của mọi người. Một hạnh phúc vĩnh cữu chỉ
sống mạnh trong một tâm hồn giải thoát và một tâm hồn giải thoát
chỉ có thể thực hiện một khi cá nhân chịu nhường bước. Một bản ngã
đứng tách riêng ra ngoài là không thể tồn tại mạnh khỏe được. Đó là
nội dung giáo dục con người hoàn thiện cả về tài lẫn đức trong một
xã hội văn minh. Phật giáo khuyên mọi người hãy thử đôi lần buông
bỏ để thấy thế giới này xanh hơn, bầu trời trong trẻo hơn, vạn vật
đáng yêu hơn và lòng mình hòa điệu với than nhân, vũ trụ trong một
niềm hạnh phúc tuyệt vời.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu và đánh giá nội dung cơ bản của nhận thức
luận Phật giáo, chúng ta có thể rút ra một số kết luận như sau:
Thứ nhất, các luận sư của triết học Phật giáo quan niệm rằng,
nhận thức đúng đắn là tiền đề cho hành động đúng đắn. Trong Bát
chánh đạo, Phật giáo đã đặt chính kiến (nhìn nhận đúng đắn/ chân
Hiện lượng) và chính tư duy (chân tỷ lượng) trước cả chính nghiệp,
chính định, chính tinh tiến, chính niệm và chính mệnh. Với triết học
Phật giáo, nhận thức đúng đắn cũng chính là một con đường giác ngộ
giúp cho con người tự tu dưỡng và tự giải thoát.
Thứ hai, với thuyết Tám thức, trong đó chú trọng đến Tâm thức,
nhận thức luận Phật giáo đã đề cập và giải quyết theo lập trường của

mình tất cả những vấn đề nhận thức luận; xuất phát từ Tâm thức để tìm
ra đối tượng của sự nhận thức, chỉ ra các hình thái, cấp độ và tiến trình
của sự nhận thức. Mọi nhận thức chung quy lại ở Tâm, chính vì vậy
mà triết học Phật giáo trở thành một triết học hướng nội, tức là một sự


19
nghiên cứu hướng vào chủ thể để khám phá những năng lực và thiên
hướng sinh hoạt của con người.
Thứ ba, đối tượng nhận thức trong nhận thức luận Phật giáo
được chia thành Tánh cảnh, Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Mặc dù
đối tượng nhận thức được phân thành ba nhưng chỉ thuộc một trong
hai, hoặc thế giới Hữu vi hoặc thế giới Vô vi. Thế giới đối tượng về
thực chất là chỉ có một, song trước con người nó phân thành hai bởi
tư duy kiến tạo của họ.
Thứ tư, tương ứng với đối tượng nhận thức, các hình thái nhận
thức trong triết học Phật giáo cũng được chia làm ba, Hiện lượng, Tỷ
lượng và Phi lượng. Ở đây, phải nhìn nhận một cách khách quan
rằng, nhận thức luận Phật giáo đã có công chỉ ra và làm sáng tỏ các
cấp độ của nhận thức. Nhận thức luận Phật giáo đề cao nhận thức
Hiện lượng, đặc biệt là Chân hiện lượng và xem đây là cái đích cuối
cùng, cao nhất mà chủ thể cần đạt đến. Tuy nhiên, nhận thức luận
Phật giáo cũng cho thấy bản chất và vai trò của nhận thức Tỷ lượng.
Chính những phân tích của nhận thức luận Phật giáo về Tỷ lượng đã
góp phần mở rộng và phát triển nhận thức luận nói chung.
Thứ năm, với việc chỉ ra thuyết Tam tự tính - tức các cấp độ
của quá trình nhận thức (dựa trên cơ sở ba đối tượng và ba hình thái
nhận thức), nhận thức luận Phật giáo đã cho thấy tính thống nhất
trong sự phát triển của triết học Phật giáo. Với cấp độ Biến kế sở
chấp, nhận thức luận Phật giáo chỉ ra rằng, tri thức mà con người có

được không phải là “mặt mũi” chân thực của vạn pháp, đó chỉ là sự
vọng tưởng phân biệt về vạn pháp mà thôi; với nhận thức Y tha khởi,
chủ thể mới nắm được bản chất chân thật của thực tại, điều chỉnh dần
nhận thức, phá dỡ Biến kế sở chấp mà chính nó (chủ thể) đã khoác
lên cho thực tại; với nhận thức Viên thành thật do Ý thức sau nhiều
năm tu tập mà chuyển thành trí tuệ (còn gọi là trí huệ) hay Trí diệu
quán sát vạn pháp một cách màu nhiệm, một cách độc lập để đạt tới
hiểu biết Chân hiện lượng và giải thoát.


20
Thứ sáu, nhận thức luận Phật giáo có đóng góp quan trọng cho
sự phát triển của bản thân triết học Phật giáo nói riêng, cho lý luận
nhận thức nói chung. Việc làm sáng tỏ những tư tưởng Vô ngã, Vô
thường, nhân quả nghiệp báo, Từ bi hỷ xả, chấp ngã hay vị tha, làm
sáng tỏ các phương pháp và con đường tu tập để giác ngộ, diệt trừ vô
minh, tham, sân, si bằng nhận thức luận, triết học Phật giáo góp phần
đem lại sự bình yên, tình yêu thương giữa những con người, đưa tới
sự bừng sáng, thanh cao về trí tuệ, sự bình đẳng và bình quyền giữa
những con người trong xã hội.
Trải qua hơn 2500 năm ra đời và luôn được bổ sung để phát
triển, triết học Phật giáo nói chung và nhận thức luận Phật giáo nói
riêng đã để lại cho lịch sử văn minh nhân loại một hệ thống giáo lý
cao siêu, sâu rộng, được xây dựng từ các bộ phận, các phạm trù đan
xen với nhau rất chặt chẽ và lung linh với phép biện chứng phương
Đông. Tất cả hệ thống ấy nhằm giải thoát cả thân, khẩu, ý cho con
người. Trên cơ sở đó, nhận thức luận Phật giáo cũng để lại cho nền
văn minh nhân loại một nền đạo đức nhân bản cao đẹp, thích hợp với
từng tầng lớp, mọi hoàn cảnh và mọi lứa tuổi. Nhận thức luận Phật
giáo đã cung cấp cho con người những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể, mà

chuẩn mực nào cũng hàm chứa tinh thần đại bi, đại trí, mang sinh khí
của hòa bình, tự do và bình đẳng cùng với hoài bão giải phóng cho
con người và chúng sinh.



×