MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, giáo lý của Phật giáo
đề cao bình đẳng, bác ái, cứu khổ, cứu nạn… rất gần gũi với tín ngưỡng, văn
hóa truyền thống của cư dân Việt Nam nên dễ dàng được cư dân Việt Nam
chấp nhận.
Trải qua quá trình lịch sử gần 20 thế kỷ, Phật giáo đóng vai trò tích cực
trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Các Phật tử luôn ý thức được
"trước khi trở thành người con Phật, Phật tử là người dân của một nước".
Cho nên, việc bảo vệ và xây dựng đất nước phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ
khi nào đất nước được hòa bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc thì Phật
giáo mới phát triển được con đường thực nghiệm tâm linh, phát huy chánh
đạo. Muốn vậy Phật giáo phải "tồn tại trong lòng dân tộc", cùng dân tộc đi
qua bao khúc quanh của lịch sử, chịu đựng bao nỗi thăng trầm của thời cuộc.
Phật giáo phải tồn tại như "một thực thể đồng cam cộng khổ với dân tộc chứ
không thể chỉ là chiếc bóng tuy có mặt trên quê hương nhưng thiếu hẳn hình
tượng trong lòng dân tộc" [8].
Trong phong trào cách mạng miền Nam (1954 - 1975), chính quyền
Ngô Đình Diệm (CQNĐD) đã dựa vào Mỹ và Công giáo để xây dựng bộ máy
thống trị, kìm kẹp nhân dân miền Nam, đàn áp Phật giáo. Nhiều phong trào
Phật giáo đã nổ ra ở Miền Nam, chống chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp
Phật giáo của Mỹ - Diệm; phát động phong trào yêu nước, chống đế quốc
xâm lược.
Cho đến nay, các phong trào Phật giáo vẫn chưa được giới sử học Việt
Nam nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện. Do đó việc tiến hành nghiên
cứu phong trào Phật giáo là một việc làm có ý nghĩa khoa học sâu sắc, giúp
hiểu được bản chất của phong trào; góp phần hiểu rõ hơn về lịch sử cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Mặt khác, ở nước ta hiện nay tôn giáo đang là vấn đề lớn liên quan đến
chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thu hút sự quan tâm của
nhiều ngành, nhiều cấp. Việc nghiên cứu phong trào Phật giáo càng có tính
chất cấp thiết, góp thêm những cứ liệu giúp vào việc hoạch định chiến lược
đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới của
đất nước. Với những lý do trên, chúng tôi đã chọn đề tài "Bước đầu tìm hiểu
vai trò của phong trào Phật giáo đối với cách mạng miền Nam Việt Nam thời
kỳ 1954 - 1975" làm đề tài nghiên cứu.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Nghiên cứu vai trò của phong trào Phật giáo đối với cách mạng miền
Nam Việt Nam, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu ở những mức
độ, khía cạnh khác nhau.
Ở miền Nam, trước ngày giải phóng, nhất là vào thời điểm ngay sau khi
CQNĐD vừa sụp đổ, nhiều công trình về Phật giáo được biên soạn như: "Sự
thật công cuộc đấu tranh Phật giáo Việt Nam" của Nguyễn Thanh (Sài Gòn,
1964); "Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam" của Nam Thanh
(Sài Gòn, 1964). Cả hai công trình này đã mô tả cuộc đấu tranh của Phật giáo
năm 1963 và đã chú ý đến việc phân kỳ phong trào. Nổi bật hơn cả là "Việt
Nam Phật giáo tranh đấu sử" của Tuệ Giác (Sài Gòn, 1963) và "Công cuộc
tranh đấu của Phật giáo Việt Nam" của Quốc Tuệ (Sài Gòn, 1964), đã cung
cấp nhiều sử liệu quý giá, ở một mức độ nhất định đã làm rõ quá trình phát
triển của phong trào. Tuy nhiên, các công trình trên đây còn nhiều mặt hạn
chế. Ngoài một số quan điểm, nhận định thiếu chính xác, các công trình chưa
trình bày một cách thuyết phục về nguyên nhân sâu xa của phong trào; chưa
làm nổi bật được mối quan hệ biện chứng giữa phong trào Phật giáo với
phong trào cách mạng miền Nam. Mặt khác, được biên soạn ngay sau ngày
CQNĐD sụp đổ nên các công trình còn mang nặng tính thời sự, các nguồn tư
liệu chưa được phối kiểm, nhiều nguồn tư liệu chưa được khai thác.
Ở miền Bắc, trước năm 1975, tuy chưa nhiều song một số nhà nghiên
cứu cũng đã chú ý đến việc nghiên cứu phong trào Phật giáo như: "Đồng bào
theo đạo Phật ở miền Nam đang tiếp tục truyền thống anh dũng, bất khuất
của dân tộc" của Dương Minh, Nghiên cứu lịch sử, số 53, 1963; "Theo quan
điểm lịch sử nhìn vào cuộc đảo chánh vừa qua ở miền Nam Việt Nam và số
kiếp Ngô Đình Diệm" của Trần Huy Liệu, Nghiên cứu lịch sử, số 58, 1964.
Các công trình trên đây, đã phân tích những mâu thuẫn của nhân dân miền
Nam với CQNĐD, mâu thuẫn giữa Mỹ với Diệm, bước đầu đã phác họa bức
tranh tổng quát và nêu lên được một số nhận định đánh giá về phong trào Phật
giáo. Tuy nhiên, nguồn sử liệu còn nghèo nàn nên chưa giải quyết một cách
thoả đáng, đúng mức với vị trí của phong trào Phật giáo.
Từ sau năm 1975 đến nay, phong trào Phật giáo Việt Nam vẫn chưa
được giới sử học Việt Nam chú ý nhiều, chỉ có số ít công trình được công bố
như: "Việt Nam Phật giáo sử luận" của Nguyễn Lang, Nxb Văn học, Hà Nội,
1994, có đề cập đến những thủ đoạn của CQNĐD đối với Phật giáo và những
phong trào Phật giáo nổ ra năm 1963. "Phong trào Phật giáo miền Nam Việt
Nam năm 1963" của Lê Cung, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2003, đã phân tích sâu
sắc nguyên nhân dẫn đến phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm
1963 và trình bày khá chi tiết về diễn biến của phong trào. Tuy nhiên, hai
công trình trên mới chỉ dừng lại nghiên cứu về phong trào Phật giáo miền
Nam Việt Nam năm 1963, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách
đầy đủ về phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975 và các
công trình chưa làm nổi bật được vai trò của phong trào Phật giáo đối với
cách mạng miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích
Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến bùng nổ phong
trào đấu tranh của Phật giáo, chúng ta làm nổi bật được vai trò to lớn của
phong trào Phật giáo đối với cách mạng miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 1975.
3.2. Nhiệm vụ
Nghiên cứu đề tài “Vai trò của phong trào Phật giáo đối với cách
mạng miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975”, chúng tôi phải tìm hiểu:
Thứ nhất, con đường du nhập và quá trình phát triển của đạo Phật trong
cộng đồng người Việt ở Nam Bộ.
Thứ hai, phải nêu được những đặc điểm của Phật giáo Nam Bộ trong
đời sống chính trị - xã hội có gì khác so với Phật giáo Bắc Bộ.
Thứ ba, phải chứng minh được trong phong trào cách mạng miền Nam
Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, Phật giáo đã đóng vai trò to lớn góp phần làm
nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thứ tư, nghiên cứu phải rút ra được những bài học kinh nghiệm quý
báu có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt là bài học về sử dụng phương pháp đấu tranh,
bài học về sự gắn bó giữa “Đạo Pháp - Dân tộc” với Chính quyền cách mạng,
bài học về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
3.3. Về phạm vi nghiên cứu của đề tài
Về không gian, khoá luận chỉ nghiên cứu phong trào Phật giáo ở miền
Nam. Miền Nam ở đây được hiểu theo nghĩa hai miền Nam - Bắc (1954 1975), nhưng chỉ tập trung ở một số địa bàn tiêu biểu như Huế và Sài Gòn, và
tập trung vào phong trào Phật giáo chứ không phải vai trò của Phật giáo nói
chung.
Về thời gian, giới hạn từ năm 1954 đến năm 1975.
4. Tài liệu nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài, chúng tôi sử dụng một số sách báo tiếng Việt viết về
phong trào Phật giáo, đặc biệt là tập trung khai thác các bài viết về phong trào
Phật giáo được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, tạp chí Nghiên cứu
Phật học, Nguyệt san Giác Ngộ,… Ngoài ra, khóa luận còn sử dụng một số tư
liệu gốc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp luận, dựa trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa
Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Tôn giáo và vai trò của Tôn
giáo.
Về phương pháp nghiên cứu, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã
sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic, phương pháp đối chiếu
và so sánh nhằm rút ra những nhận định đánh giá chính xác.
5. Đóng góp của đề tài
Một là, đề tài làm rõ được con đường du nhập và quá trình phát triển
của Phật giáo ở Nam Bộ. Trên cơ sở đó thấy được những đặc điểm riêng biệt
của Phật giáo Nam Bộ so với Phật giáo Bắc Bộ.
Hai là, đề tài làm rõ được sự tác động của phong trào yêu nước tới cuộc
đấu tranh của Tăng ni, Phật tử. Đặc biệt là làm rõ được chính sách chia rẽ tôn
giáo của CQNĐD trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội,
văn hoá - giáo dục, quân sự. Đây là một chính sách cực kỳ phản động mà
CQNĐD xem như là một công cụ có hiệu quả để đẩy lùi phong trào cách
mạng Việt Nam nhằm cột chặt miền Nam nước ta trong quỹ đạo của Chủ
nghĩa thực dân mới. Nhưng với chính sách kỳ thị tôn giáo này, phong trào
Phật giáo miền Nam thực sự bùng nổ vào năm 1963, tạo điều kiện thúc đẩy
cách mạng Việt Nam phát triển.
Ba là, trên cơ sở tìm hiểu về phong trào Phật giáo từ 1954 đến 1975, đề
tài làm rõ được vai trò của phong trào Phật giáo trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Bốn là, trong quá trình nghiên cứu đề tài, nhiều bài học kinh nghiệm
quý báu được rút ra, đặc biệt là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn
dân, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Là “con rồng cháu tiên” thì
phải biết cùng nhau đoàn kết lại, tạo nên sức mạnh phi thường đánh bại mọi
kẻ thù xâm lăng. Trong thời đại ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết
được biểu hiện trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, hiện
đại, có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
6. Bố cục của khoá luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phần nội dung chính của khoá luận bao
gồm hai chương.
Chương 1: Sự du nhập và quá trình phát triển của Phật giáo trong người
Việt ở Nam Bộ.
Chương 2: Vai trò của phong trào Phật giáo đối với cách mạng miền
Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975.
NỘI DUNG
Chương 1
SỰ DU NHẬP VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO
TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ
1.1. Sự du nhập Phật giáo vào Nam Bộ
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ lúc nào và bằng con đường nào?
Đó là những câu hỏi cho đến nay vẫn còn được các nhà nghiên cứu sử Phật
giáo tiếp tục đào sâu. Tuy nhiên, những năm gần đây, với các sách về Phật
giáo sử được công bố, câu hỏi trên đã phần nào được sáng tỏ hơn.
Câu chuyện huyền thoại liên quan đến sự có mặt sớm nhất của Phật
giáo ở nước ta là “Truyện nhất dạ trạch” trong “Lĩnh Nam trích quái” của
Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Truyện kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 3 (vào
khoảng năm 512 TCN) ở ngoài biển có núi Quỳnh Viên, trên đó có một cái
am nhỏ và có một tiểu tăng tên là Ngưỡng Quang (có bản gọi là Phật Quang)
truyền phép cho Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử trở về, giảng lại đạo Phật, Tiên
Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học
đạo. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết.
Cho đến nay, có nhiều học giả cho rằng Phật giáo vào nước ta vào
khoảng thế kỷ I, khi nước ta nội thuộc nhà Hán.
Chẳng hạn, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập một
viết: “Đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu
chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một
trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã
du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên” [14, 19]. Theo Nguyễn
Lang, trong ba trung tâm Phật giáo đời Hán (Luy Lâu, Bành Thành, Lạc
Dương) thì có nhiều dữ kiện khiến chúng ta nghĩ trung tâm Luy Lâu tại Giao
Chỉ được thành lập sớm nhất, trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập
các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa. Ông còn chứng minh
trung tâm Lạc Dương được thành lập từ trung tâm Bành Thành, trung tâm
Bành Thành được thành lập do sự thăm viếng của các tăng sĩ xuất phát từ
trung tâm Luy Lâu. Theo ông, trung tâm Luy Lâu được hình thành vào
thượng bán thế kỷ thứ nhất Tây lịch.
Mặt khác, có nhiều nguồn sử liệu nói đến tình hình Phật giáo ở nước ta
vào nửa cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên, lúc bấy giờ trung tâm Phật giáo ở
Luy Lâu (vùng Dâu - Thuận Thành, Hà Bắc) đã khá thịnh đạt. Điều đó khiến
ta có thể suy đoán rằng Phật giáo từ phía Nam Ấn Độ qua đường biển được
truyền bá vào miền Bắc Việt Nam khoảng thế kỷ I sau công nguyên. Các vị
sư đầu tiên có lẽ là người Ấn Độ, nhưng từ cuối thế kỷ thứ II, đầu thế kỷ III
trở đi đã thấy sử chép tên nhiều vị sư người Trung Á và Trung Hoa. Như vậy,
Phật giáo truyền vào nước ta ngoài đường biển nối Giao Châu với Thiên Trúc,
đường biển và đường bộ nối liền trung tâm Luy Lâu với các trung tâm Phật
giáo Trung Hoa ở Bành Thành (Hoa Nam) và Lạc Dương (Hoa Bắc), cũng có
ý kiến cho rằng Phật giáo vào Việt Nam bằng con đường bộ dọc lưu vực sông
Hồng nối liền Giao Châu với miền Vân Nam và qua đó tới Tây Tạng, Trung
Á.
Như vậy, có thể nói rằng ngay từ thời rất xưa, Việt Nam đã được các
cao tăng Ấn Độ đến truyền giáo trực tiếp. Thời điểm đó có thể là xưa hơn thời
điểm Phật giáo vào miền Nam Trung Hoa khá nhiều.
Gần đây, căn cứ vào sử liệu các nước Đông Nam Á, các nhà nghiên
cứu cho rằng có thể từ Ấn Độ, Phật giáo truyền vào Việt Nam theo con đường
“từ Tây Trúc đến nước Phù Nam, rồi dọc bờ biển, đến Giao Châu và Quảng
Châu”.
Ngoài ra, sử liệu Phật giáo Miến Điện còn cho rằng hai vị cao tăng là
Sona và Uttara, vào thế kỷ thứ III trước công nguyên từ Ấn Độ, dưới thời vua
Asoka, họ đã sang Suvannabhumi (xứ của vàng) truyền đạo, và đã ghé Miến
Điện, rồi đến Giao Châu và xây bảo tháp kỷ niệm ở thành Nêlê (có thể là Đồ
Sơn hiện nay)…
Như vậy, có rất nhiều quan niệm khác nhau về sự du nhập Phật giáo
vào Việt Nam, nhìn chung thống nhất Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất
sớm, khoảng những thế kỷ đầu công nguyên.
Từ thế kỷ XVI, với sự phân chia đàng Trong và Đàng Ngoài giữa hai
họ Trịnh và họ Nguyễn, lấy sông Gianh làm ranh giới, đây là một mốc quan
trọng có ảnh hưởng đến lịch sử Phật giáo, làm cho Phật giáo mỗi miền có
những nét riêng
Tại đàng Trong, cùng với những đợt di dân dần dần vào khai phá vùng
đất mới, đạo Phật đã du nhập vào đây theo 4 hướng chính.
Hướng thứ nhất, trong số đoàn di dân từ miền Thuận - Quảng vào khai
phá vùng đất mới, có cả những nhà sư người Việt và người Hoa. Sử liệu còn
ghi lại một số chùa cổ như Đại Giác, Long Thiền (Đồng Nai), Kim Chương,
Khải Tường, Từ Ân (Gia Định)… đều do các thiền sư từ miền Trung vào,
theo đường bộ và đường thủy đến Đồng Nai xuống Gia Định vào những thế
kỷ XVII, XVIII, XIX.
Hướng thứ hai, từ Trung Quốc, các thiền sư đã theo chân đoàn người
“Bài Thanh, phục Minh” sang Việt Nam bằng đường thủy đến định cư tại
Đồng Nai, Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho thế kỷ XVII (1679). Những ngôi
chùa cổ ở Mỹ Tho, Cai Lậy và các Phật đường sau này xuất phát từ các nhà
sư Trung Quốc này.
Hướng thứ ba, đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu người Quảng Đông, từ
Chân Lạp sang vùng đất mới, đặt tên là Hà Tiên (1708 - 1725), dựng chùa
Tam Bảo. Ngôi chùa này cho đến nay vẫn còn nổi tiếng. Đây là một trong
những hướng du nhập của Phật giáo Trung Hoa vào Nam Bộ theo hướng
ngược lại với cuộc di dân.
Hướng thứ tư, từ Campuchia, Phật giáo Nam Tông được Hộ Tông
truyền vào Nam Bộ từ năm 1938, đem lại cho Phật giáo Nam Bộ một nét mới
mẻ.
1.2. Quá trình phát triển của đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam
Bộ
1.2.1. Đạo Phật trong người Việt ở Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn và
triều Nguyễn
Nam Bộ là vùng đất mới đối với lịch sử lâu đời của đất nước. Đó là
vùng hoang vu, nhiều thú dữ, thiên tai, hạn hán, lụt lội ở vùng nhiệt đới gió
mùa. Tuy nhiên, bên cạnh mặt hoang vu, thú dữ và sự khắc nghiệt của thiên
nhiên, vùng đất Nam Bộ lại là vùng đất “cò bay thẳng cánh”, bát ngát ruộng
đồng màu mỡ, phì nhiêu, cảnh vật vừa thơ mộng lại vừa mang vẻ kỳ bí, hấp
dẫn lôi cuốn con người muốn khai phá, tìm tòi, “mời gọi” cư dân từ các nơi
đến sinh sống.
Dưới thời các chúa Nguyễn, nhiều thành phần cư dân đã đến đây sinh
sống. Họ thuộc đủ các thành phần dân tộc khác nhau và theo các hình thức
tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng Phật giáo vẫn là tôn giáo chủ đạo.
Để đáp ứng nhu cầu của lưu dân vào đây cần có chùa, có thầy cầu an,
giúp đỡ khi hoạn nạn, đau ốm ở xứ lạ hoặc cầu siêu khi mất. Nhu cầu được an
ủi về tinh thần và có lễ cúng cầu siêu, an tang, làm tuần, mãn tang… đã trở
thành bức bách và chính đáng. Cho nên, có thể nói lưu dân đi đến đâu, có
xóm làng cư trú là có chùa, am đến đó.
Mặt khác, khi du nhập vào vùng đất mới, đạo Phật đã có những tiền đề
lịch sử - xã hội cho sự phát triển của mình. Đàng Trong, với khu vực Gia
Định - Tân Bình, cùng với sự nhập cư của người Việt, đã sớm trở thành một
trung tâm thương mại, là đầu mối giao thông qua các cửa sông Sài Gòn, kếo
theo sự tụ cư của nhiều dân tộc các nước. Từ sự phát triển về kinh tế kéo theo
sự phát triển về văn hoá, trong đó có các tôn giáo, nhưng Phật giáo vẫn là
hình thức tín ngưỡng - tôn giáo quan trọng nhất vì là tôn giáo chính của người
Việt. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng và trùng tu lại. Đại Nam nhất thống
chí ghi lại có 34 ngôi chùa trong phạm vi Nam Kỳ Lục Tỉnh. Con số đó, trên
thực tế có lẽ còn lớn hơn nhiều, nhưng do các ngôi chùa được xây cất không
kiên cố, chất liệu kiến trúc thô sơ, dễ hư hỏng nên chùa, am đa số bị hư hại.
Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí chỉ còn ghi lại một số
“đại bửu sát” (danh thắng) ở Gia Định thời các chúa Nguyễn như chùa Giác
Lâm, chùa Kim Chương, chùa Từ Ân, chùa Khải Tường… Ngoài ra còn một
số chùa cổ nữa như Sắc Tứ Long Huê (Gia Định), Sắc Tứ Tập Phước (Gia
Định)…
Nét nổi bật của Phật giáo thời kỳ này là có sự xuất hiện những chi phái
hay hệ phái. Đạo Phật khi truyền vào Việt Nam có hai chi phái lớn là Lâm Tế
và Tào Động. Chi phái Lâm Tế qua các giai đoạn phát triển cũng chia thành
nhiều dòng phái đó là dòng Lâm Tế Tổ Đạo, dòng đạo Bổn Ngươn, dòng Liễu
Quán và dòng Chúc Thánh. Trong bốn dòng chính thuộc chi phái Lâm Tế, có
ba dòng do người Trung Hoa trực tiếp truyền bá như Lâm Tế Tổ Đạo, dòng
Đạo Bổn Ngươn, dòng Chúc Thánh và một dòng do Thiệt Diệu - Liễu Quán
là người Việt sáng lập.
Như vậy, có thể thấy vào giai đoạn của cuộc khẩn hoang ở miền Nam,
trong chừng mực nhất định, đạo Phật đã tạo được thế đứng trong nhân dân.
Tuy là buổi đầu ở vùng đất mới, đạo Phật cũng đã thể hiện được một số đặc
điểm của mình qua thờ cúng, qua sinh hoạt Phật giáo, dù rằng các yếu tố này
còn khá mờ nhạt, nhưng cũng đã có những nét mới phong phú, đa dạng và là
tiền đề cho việc hình thành những đặc điểm mang nét đặc trưng của Phật giáo
Nam Bộ.
1.2.2. Đạo Phật trong người Việt ở Nam Bộ dưới thời thuộc Pháp
1.2.2.1. Đạo Phật trước thời chấn hưng
Khi người Pháp bắt đầu đặt gót chân xâm lược vào Nam Bộ thì đây là
giai đoạn Phật giáo trong người Việt ở Nam Bộ có sự chuyển biến lớn - Phật
giáo đi vào suy thoái.
Ở giai đoạn này, các mặt sinh hoạt tín ngưỡng có phần nào bị phá vỡ do
sự xâm nhập của Pháp vào Việt Nam. Từ 1860 đến 1865, một mặt thực dân
Pháp tăng cường bắt sư đi lính, xâm chiếm, đập phá nhiều ngôi chùa để sử
dụng làm phòng tuyến và làm đồn bốt. Suốt từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, 4 ngôi
chùa, đền cổ đã bị quân đội viễn chinh chiếm đóng là chùa Khải Tường, đền
Hiển Trung, chùa Kiểng Phước, chùa Cây Mai và đặt tên là “phòng tuyến các
chùa”.
Ngoài ra, Pháp còn chiếm và triệt hạ hàng loạt các chùa như: chùa Kim
Chương, chùa Phật Lớn (ông Phúc) bị dỡ vào năm 1865 gần thành Ô Ma
(đường Nguyễn Trãi ngày nay); chùa Pháp Võ (Chợ Quán) bị dỡ năm 1863;
chùa Phước Hải trong bệnh viện Chợ Rẫy bị dỡ năm 1865; chùa Phước Hưng
(đường An Dương Vương ngày nay) bị dỡ năm 1864; chùa Kim Tiên (Chợ
Quán) bị dỡ năm 1863; chùa Gia Điền (Chợ Quán) bị dỡ năm 1865. Điều đó
đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều ngôi chùa lớn bị triệt hạ, nhiều kinh sách
quý bị thất lạc, chỉ còn những ngôi chùa nhỏ trong hẻm mới tồn tại được.
Mặt khác, thực dân Pháp ra sức phát triển nhà thờ ở đô thị. Thực dân
Pháp quan niệm Phật giáo gắn với dân tộc Việt Nam, theo Phật giáo và hành
tín ngưỡng Phật giáo là hồn dân tộc còn. Do vậy, phải thay thế đức tin mới
bằng Thiên Chúa giáo, bằng những nhà thờ tráng lệ. Một phần nào đó, trong
sâu xa, Pháp muốn xóa đi các vết hằn về dân tộc tính đã ăn sâu trong những
người theo đạo phật ở Nam Bộ. Sự kiện buộc các sư tăng đi lính, đóng thuế
thân, muốn tổ chức lễ trường hương và trường kỳ phải xin phép… không
ngoài mục đích kiểm soát chặt chẽ, tạo khó khăn trong hành đạo, đồng thời
cũng muốn qua đó loại bỏ dần sinh hoạt tín ngưỡng này. Việc bắt sư tăng đi
lính điều đó cũng có nghĩa là hoàn tục.
Tình trạng suy thoái toàn diện của Phật giáo ở Nam Bộ kéo dài cho đến
những năm 20 của thế kỷ XX. Từ đó đòi hỏi bức bách trong bản thân Phật
giáo, trong tâm tư các tăng sĩ hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, phải đi đến sự
thay đổi, phải bắt tay xây dựng lại một nền Phật giáo mới, mang màu sắc dân
tộc, và điều đó trước hết đã tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở
Nam Bộ, nơi xuất phát phong trào đầu tiên trong cả nước.
1.2.2.2. Đạo Phật thời chấn hưng
Vị tổ mở đầu phong trào chấn hưng Phật giáo trong người Việt ở Nam
Bộ là tổ sư Khánh Hoà (Như Trí). Hoà thượng là người am hiểu cả Việt văn
lẫn Hán văn. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, nhà sư Khánh Hoà đã thao
thức về sự suy yếu của hoạt động Phật pháp, nên ngay sau khi về trụ trì tại
chùa Tuyên Linh (Bến Tre), hoà thượng đã lập trường giảng dạy chư tăng các
nơi về tu học (1906). Đây là ngôi trường gia giáo đầu tiên ở miền Nam trong
phong trào chấn hưng Phật giáo. Sau đó các trường ở các nơi khác liên tiếp
được thành lập như tại chùa Phi Lai (Chợ Voi, Châu Đốc) do hoà thượng Chí
Thiền trụ trì; chùa Giác Hoa (Bạc Liêu)...
Năm 1920, hoà thượng đứng ra thành lập tổ chức "Lục Hoà Liên xã"
nhằm mục đích tạo điều kiện cho "chư sơn thiền đức" gặp nhau trong những
ngày kỵ tổ để bàn về nội bộ tăng đồ, đoàn kết lại và vận động phong trào chấn
hưng Phật giáo. Tháng Giêng năm Kỷ Tỵ 1929, hoà thượng Khánh Hoà đích
thân đi vận động hầu hết các chùa lớn ở miền Nam tham gia phong trào chấn
hưng Phật giáo. Năm Canh Ngọ 1930, các lớp học luân chuyển do hoà thượng
Khánh Hoà khai mở lấy tên là “Phật học Liên Xã" do Lục Hoà Tăng Nam
Việt đảm nhiệm việc học lẫn tiền học tại chùa Long Phước (Trà Ôn), sau đó
đến chùa Long Phước (Trà Vinh), chùa Viên Giác (Bến Tre)... mỗi khoá du
học từ 80 đến 100 học tăng.
Cùng với hoà thượng Khánh Hoà, tại miền Nam còn có giáo thọ Thiện
Chiếu - là một trong những vị tăng trẻ tuổi có tiếng thời bấy giờ. Từ 1926 đến
1929 tại chùa Linh Sơn - nơi nhà sư trụ trì, nhiều hoạt động Phật giáo đã được
thực hiện, nhằm khơi dậy và làm sống lại một Phật giáo chánh tín, mang âm
hưởng dân tộc và hơn hết là phát huy tinh thần yêu nước, cho tăng sĩ, Phật tử
trong giai đoạn có thực dân Pháp xâm lược.
Ngoài hai tăng sĩ được xem là linh hồn của phong trào chấn hưng Phật
giáo ở Nam Bộ, thời kỳ phát động phong trào còn có sự giúp sức của hoà
thượng Từ Phong (chùa Giác Hải). Với nỗ lực phi thường và lòng quyết tâm
khôi phục lại bộ mặt mới cho Phật giáo Việt Nam của các tăng sĩ, đã góp
phần làm cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ có được kết quả đáng
kể.
Đặc biệt, từ 1925 đến 1926, tình hình chính trị - xã hội ở Gia Định có
những chuyển biến mạnh mẽ đã tạo tiền đề tích cực cho công cuộc chấn hưng.
Đó là giai đoạn cao trào dân tộc - dân chủ nổi lên và hoạt động mạnh mẽ.
Đạo Cao Đài ra đời vào cuôi năm 1925 đầu 1926, hoạt động rầm rộ, thu hút
đông đảo người dân ở Nam Bộ. Làn sóng ảnh hưởng đó đã thúc đẩy những
người theo đạo Phật thấy cần thiết phải chấn hưng, phải canh tân nhằm đưa
Phật giáo đi vào cuộc sống.
Tóm lại, trong giai đoạn Pháp, Nhật xâm lược nước ta, đặc biệt là ở
Nam Bộ, Phật giáo đã có những chuyển biến sâu sắc. Từ sự khủng hoảng về
tổ chức, giáo lý, kinh sách,... nhiều hội Phật giáo đã ra đời; các Phật học
đường cũng được cố gắng duy trì và phát triển; một hệ thống kinh sách quan
trọng cũng được phiên dịch như kinh Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Pháp Hoa, Đại
Bát Nhã... Phật giáo trong người Việt ở Nam Bộ, với một số danh tăng tài
đức, đầy dũng cảm, đã đứng lên khởi xướng, xây dựng phong trào chấn hưng
Phật giáo, đem lại cho Phật giáo Nam Bộ một bộ mặt mới. Phật giáo Nam Bộ
đã thể hiện một tinh thần nhập thế năng động, thể hiện sự gắn bó giữa đạo và
đời, thể hiện mạnh mẽ tinh thần "bi, trí, dũng" của Phật giáo. Đặc biệt, Phật
giáo đã tham gia kháng chiến chống xâm lăng và không ít nhà sư đã âm thầm
ngã xuống vì sự nghiệp cao cả: đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
1.2.3. Đạo phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ trước ngày giải
phóng (1954 - 1975)
Sau thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp
định Giơnevơ và cuốn cờ về nước. Thay chân Pháp nhảy vào Việt Nam, đế
quốc Mỹ càng thấy rõ Phật giáo ở miền Nam là một lực lượng cần tranh thủ,
bởi chúng đã tìm thấy ở đây không chỉ là một thực lực tôn giáo mà còn là một
thực lực kinh tế và chính trị quan trọng.
Để thực hiện mục tiêu này, trên cơ sở chính quyền Diệm được thành
lập, mặc dù Thiên Chúa giáo vẫn được thừa nhận là giữ vai trò nòng cốt ở
Nam Bộ, nhưng hoạt động Phật giáo vẫn được triển khai. Chúng đã đầu tư
khá nhiều vào việc củng cố lại lực lượng Phật giáo tại đây.
Trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, Mỹ đã sử dụng cả hai hình thức công
khai và bí mật nhằm thu hút tổ chức văn hóa tư nhân vào hoạt động phản cách
mạng về mặt tư tưởng. Âm mưu của Mỹ lợi dụng Phật giáo vào quỹ đạo “đấu
tranh ý thức hệ” của Mỹ. Chúng muốn xây dựng “chủ nghĩa quốc gia” chiếm
khối óc và con tim tuổi trẻ miền Nam, đào tạo lớp người phục vụ cho tư bản
Mỹ.
Về biện pháp, Mỹ đã thông qua cơ quan văn hóa Á Châu tài trợ cho
Viện Đại học Vạn Hạnh (thành lập ngày 17-10-1964). Bên cạnh đó, một hệ
thống trường Bồ Đề và một hệ thống Phật học viện được phát triển rộng khắp,
không chỉ dành riêng cho con em Phật tử, mà đây còn là nơi đào tạo tăng ni
sinh về đạo đức và văn hóa.
Trên thực tế, dù có nhiều nỗ lực của Mỹ đầu tư vào lĩnh vực này, cũng
như bàn tay của CIA, thông qua cơ quan văn hóa Á Châu, đã tài trợ cùng với
việc đào tạo nhanh chóng một đội ngũ trí thức Phật giáo ở nước ngoài (Nhật,
Mỹ, Anh), nhưng trong nhiều năm ảnh hưởng và tác động của Mỹ đến các tổ
chức giáo dục nói chung và Phật giáo nói riêng chưa đạt những thành quả như
Mỹ mong muốn. Lý do chủ yếu nhất đưa đến sự thất bại này chính là phản
ứng của giới trí thức thành thị đối với cuộc chiến và sự gia tăng ảnh hưởng
của Mỹ vào xã hội miền Nam nói chung.
Bên cạnh chủ trương “hiện đại hóa” Phật giáo, người ta còn thấy song
song với kế hoạch này, trong Phật giáo còn được cổ xúy bởi tư tưởng “Hòa
bình”, “Hóa giải”, “Về nguồn”, “Cách mạng xã hội chủ nghĩa không cộng
sản”, “chủ nghĩa xã hội Phật giáo”, “chủ nghĩa nhân bản”… thực chất, tất cả
các luồng tư tưởng đó được khơi dậy sau năm 1963 và cũng chỉ gây được một
ảnh hưởng nhỏ bé trong vài năm, bởi vì sau phong trào Đồng Khởi, cách
mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam bước vào giai đoạn mới. Mặt khác,
công tác từ thiện - xã hội mà trường “Thanh niên Phụng sự xã hội” đã đề ra,
với các làng “Tình thương”, “Hoa tiêu”… thu hút một số thanh niên trẻ thời
ấy, cũng bị bế tắc, vì người chủ xướng ra nó cũng đã ở nước ngoài và “chỉ
đạo từ xa” cho một kế hoạch mà như GS.Trần Văn Giàu nhận định “chắc hẳn
là sau này Nhất Hạnh có thời giờ kiểm lại để thấy rằng “tình thương”, “chí
nguyện” và “học thức” của những đoàn Thanh niên Phụng sự xã hội của ông
đào tạo bằng giáo lý cải cách của “Đạo Phật hiện đại hóa” cũng không làm
được gì nhiều hơn cái đội bình định vũ trang bằng sung đạn tâm lý chiến và
kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi của Mỹ. Các màu sắc ấp chiến lược đều bị phá
sản, kể cả màu sắc “làng tình thương”, “làng tự nguyện” của Nhất Hạnh [11,
241].
Như vậy, có thể thấy rằng, trên mặt trận văn hóa - tư tưởng Mỹ bằng
nhiều cách khác nhau, cố gắng đem lại cho Phật giáo một bộ mặt mới. Nhưng
Mỹ đã không thành công vì gặp sức phản kháng mạnh mẽ của dân tộc Việt
Nam, đã ý thức được sự sống còn của quốc gia dân tộc, đã vùng lên đấu tranh
chống ngoại xâm. Trong quá trình đó, không ít người đã đứng vào đội ngũ
những người cách mạng, và cũng không ít người đã âm thầm ngã xuống cho
nền độc lập hiện nay.
1.3. Đặc điểm của Phật giáo ở Nam Bộ
1.3.1. Phật giáo Nam Bộ không thuần nhất
Sự hòa nhập trong một thời gian dài của Phật giáo với tín ngưỡng bản
địa và ngược lại, đã đem lại một hệ quả là Phật giáo ở Việt Nam nói chung và
Nam Bộ nói riêng, một minh chứng về sự “tùy thuận” của Phật giáo vào vùng
đất mình cư trú, thể hiện qua cấu trúc, kiến trúc ngôi chùa. Với ngôi miếu nhỏ
thờ thần ở góc sân chùa hoặc bàn thờ thần linh ở trong chùa. Các thần nữ
được thờ tự phổ biến ở Nam Bộ như Cửu Thiên, Ngũ Hành, Linh Sơn, Chúa
Xứ… đều thấy hiện diện trong ngôi chùa Phật giáo, bên cạnh tín ngưỡng của
người Khmer với ông Lực, ông Tà… tín ngưỡng của người Hoa với Quan
Thánh, Trấn Vũ, Thiên Hậu… và một phần nào đó cũng được chuyển hóa
thành Phật giáo như hình ảnh Già Lam, Thánh Chúng. Tàn dư của Lão giáo
nặng màu sắc mê tín, bùa chú, ma thuật, đức thánh Trần qua hình ảnh của
Phạm Nhan… đều có mặt trong ngôi chùa Phật giáo của người Việt ở Nam
Bộ.
Phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian xâm nhập vào các ngôi chùa
Phật giáo còn được thể hiện qua việc cúng cô hồn, cúng sao hạn, cúng tam
tai… chùa cổ nào cũng có bài vị cúng sao hạn bên cạnh bài vị hành binh, hành
khiến, hoặc được khắc chung một bài vị. Chùa còn là nơi khắc bản gỗ hình
bát quái cho Phật tử mang về treo trước của nhà hoặc dán vào cây nêu ngày
Tết.
Một trong những đặc trưng của Phật giáo trong người Việt ở Nam Bộ
qua sinh hoạt tín ngưỡng là môn ứng phú. Buổi đầu cư dân đến vùng đất mới
cần có thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi qua đời nên từ rất sớm một
tầng lớp tăng sĩ đã thường xuyên đến nhà Phật tử cúng bái, phục vụ cho nhu
cầu tinh thần này. Các thầy cúng đám hay các ứng phú sư, một mặt đã đưa
Phật giáo dần dần đi vào con đường xa rời với chánh pháp, nhưng mặt khác
nó thể hiện tính thực tiễn của cư dân vùng đất mới. Ứng phú đã trở thành một
hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian Phật giáo, đã đi vào lịch sử, là một trong
những dấu ấn sâu đậm về đặc điểm của Phật giáo trong người Việt ở Nam Bộ.
Đặc biệt, ở Nam Bộ xuất hiện nhiều giáo phái được hình thành từ yêu
cầu giữ vững tổ chức Phật giáo để đấu tranh chống ngoại xâm như Đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương, Lục Hòa Tăng Nam Việt, Thiên Thai Thiền Giáo Tông, Phật
Giáo Cửu Quốc… Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã đặt ơn Tổ quốc trở thành một
trong bốn trọng ân mà người theo đạo phải thực hiện và đền đáp. Chính
truyền thống yêu nước thương dân là sợi chỉ xuyên suốt, là hạt nhân chỉ đạo
mọi hoạt động bởi vì: “đất nước còn, dân tộc còn, đạo pháp còn”. Sự vay
mượn các hình thức đồng bóng, chữa bệnh đầy màu sắc huyền bí và mê tín
của Bửu Sơn Kỳ Hương, của đạo Lành… xét cho cùng, ngoài mục đích
truyền bá tín ngưỡng thì còn có một dụng ý nữa là nhằm vào việc vận động,
tập hợp những người yêu nước đứng vào tổ chức kháng chiến có quy mô to
lớn hơn, chặt chẽ hơn.
Tóm lại, trong suốt quá trình phát triển của mình Phật giáo trong người
Việt ở Nam Bộ mang những đặc trưng riêng, thể hiện tính đa dạng phong phú.
Đó là một minh chứng về sự “tùy thuận” của Phật giáo vào vùng đất mình cư
trú.
1.3.2. Phật giáo Nam Bộ thể hiện một tinh thần nhập thế năng động
Do đặc thù về lịch sử, Nam Bộ cùng với miền Nam là nơi trực tiếp
“đụng đầu” với chủ nghĩa thực dân, với sự xâm lược của đế quốc. Điều đó
buộc người dân Việt Nam và nói riêng là cư dân Nam Bộ đã phải thể hiện hết
bản lĩnh và bản sắc của mình trong cuộc đối đầu hàng trăm năm ấy. Từ hệ quả
trên trong Phật giáo đã hình thành trong dòng phát triển lịch sử quá nhiều các
hội phật học, các giáo phái, hệ phái… Mỗi giáo phái có yêu cầu, đường
hướng, mục tiêu khác nhau. Có giáo phái hình thành từ sự chuyển hướng của
các yếu tố nội sinh, từ sự phân nhánh do khác biệt trong quan niệm về giáo lý,
nhưng cũng có giáo phái hình thành từ những yêu cầu củng cố tổ chức để hoạt
động cách mạng tốt hơn. Một số ít hình thành từ ý đồ của ngoại bang, cuối
cùng cũng đã loại bỏ vì không phù hợp lòng dân, không được sự ủng hộ,
không có được sức mạnh tinh thần của nhân dân làm hậu thuẫn. Tuy nhiên, xu
hướng “đi với dân tộc và đứng về phía dân tộc” vẫn là xu hướng chủ đạo.
Phật giáo không đứng ngoài dân tộc mà hoà cùng dân tộc, thể hiện một tinh
thần nhập thế năng động.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tinh thần nhập thế tham
gia chống xâm lăng của Phật giáo được phát huy mạnh mẽ.
Tại thành phố, trung tâm đầu não của chính quyền Nguỵ, nhiều chùa đã
trở thành cơ sở cách mạng, là nơi hội họp, nuôi chứa cán bộ. Ở một số chùa
đã dùng việc học tập kinh điển để lồng các bài chính trị thường thức, trao đổi
kinh nghiệm công tác lãnh đạo đấu tranh chống Mỹ - Nguỵ, chùa Đức Lâm
(quận Tân Bình) còn có hầm dấu chứa cán bộ, do đồng chí Lê Quốc Sử trực
tiếp điều hành chi bộ tại đây với hai chùa sát nhau làm địa bàn hoạt động là
Giác Lâm và Đức Lâm.
Tại các căn cứ địa phương như Mỹ Tho, hội nghị cũng được khai mở
để phổ biến nội dung, yêu cầu, mục đích các chiến dịch và các chỉ thị của
Thành uỷ cho cán bộ đầu mối gồm các thượng tọa, đại đức và một số Phật tử.
Đặc biệt, trong phong trào đấu tranh chống Mỹ, giáo hội ni giới Khất Sĩ
đã đóng góp đáng kể. Mở đầu cho cao trào này là ni sư Huỳnh Liên, với tịnh
xá Ngọc Phương trung tâm đấu tranh, là hội sở Trung ương của Giáo hội, đã
đứng lên đòi hoà bình, đòi quyền sống, đòi công bằng xã hội, chống bắt lính,
đòi thả tù chính trị phạm…
Một trong những hành động đưa phong trào đấu tranh của Tăng Ni,
Phật tử Nam Bộ lên đỉnh cao giai đoạn 1954 - 1975 là tháng 6-1963, Hoà
thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn
Duyệt (tức Cách mạng tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu hiện nay) với lời
đại nguyện cầu mong cho “Phật giáo Việt Nam được trường tồn và đất nước
được thanh bình, chúng sanh được an lạc” [16, 218]. Giáo sư Trần Văn Giàu
đã dánh giá cao về hành động tự thiêu này và cho rằng: “Đó là một hành động
chống chiến tranh, là hành động bảo vệ hòa bình, vì hòa bình mà hi sinh (…)
nhà sư là một người yêu nước, Quảng Đức yêu nước theo phong cách một
nhà sư [12, 30].
Tiếp nối gương hi sinh này, nhiều cái chết tiếp theo sau đó của các
Tăng ni, Phật tử đã góp phần lớn trong việc giành lại nền độc lập của đất
nước.
Có thể nói, hoà nhập và cùng với nhân dân Nam Bộ đứng lên chống
ngoại xâm, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và một tinh thần nhập thế
năng động, là một điểm nổi bật của Phật giáo Nam Bộ. Tinh thần ấy xuất phát
từ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam mà đội ngũ Tăng ni là một bộ
phận.
Tiểu kết
Du nhập vào Việt Nam khoảng đầu công nguyên, trải qua các triều đại,
Phật giáo đã có những nét riêng, thể hiện sự thích ứng theo phong tục tập
quán và tín ngưỡng bản địa. Từ thế kỷ thứ XVI, với sự phân chia đàng Trong
và đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới, đây là mốc quan trọng có ảnh
hưởng đến lịch sử Phật giáo, làm cho Phật giáo mỗi miền mang những đặc
điểm khác nhau. Phật giáo từ nhiều hướng khác nhau, nhưng chủ yếu là từ 4
hướng chính được truyền vào Nam Bộ, góp phần tạo nên một diện mạo mới
cho Phật giáo Nam Bộ - Phật giáo Nam Bộ không thuần nhất mà mang tính
đa dạng, phong phú. Mặt khác, do đặc thù về lịch sử, Nam Bộ là nơi trực tiếp
“đụng đầu” với chủ nghĩa thực dân, với sự xâm lược của đế quốc, Phật giáo
Nam Bộ đã hòa cùng dân tộc, tích cực tham gia kháng chiến chống xâm lăng,
thể hiện một tinh thần nhập thế năng động.
Chương 2
VAI TRÒ CỦA PHONG TRÀO PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI
CÁCH MẠNG MIỀN NAM THỜI KỲ 1954 - 1975
2.1. Những nhân tố tác động đến phong trào Phật giáo Miền Nam
2.2.1. Phong trào yêu nước
Trước nguy cơ thất bại của Pháp ở Đông Dương, Mỹ ngày càng can
thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngày 7-5-1954, Pháp thất
bại ở Điện Biên Phủ, Mỹ tăng cường thế lực thay chân Pháp ở Đông Dương.
Nhân vật mà Mỹ chọn làm tay sai là Ngô Đình Diệm.
Thực hiện chủ trương của Mỹ, ngay sau khi được Mỹ đưa về làm thủ
tướng bù nhìn ở miền Nam, Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương tổng tuyển
cử, từ chối việc tái lập quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc, tổ chức
tổng tuyển cử riêng rẽ, bầu cử Quốc hội lập hiến, ban hành hiến pháp ( 26-101956 ), lập đảng Cần Lao nhân vị, Phong trào cách mạng quốc gia, Thanh
niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới… Mặt khác, chính quyền Ngô Đình Diệm ra
sức khủng bố những người tán thành hòa bình, những người tham gia kháng
chiến và những người đấu tranh đòi thi hành hiệp định Gionevo (1954). Dưới
chiêu bài “chống cộng” coi “chống cộng là quốc sách” chính quyền Ngô
Đình Diệm đã kiện toàn bộ máy đàn áp. Tổng ủy “Công dân vụ” thành lập từ
tháng 3-1955 và ngày càng được tăng cường chuyên lo việc đàn áp chính trị.
Các luật lệ phát xít được ban hành, trong đó có Dự số 6 ( 11-1-1956 ) về việc
thành lập các trại tập trung để giam giữ những người gọi là "nguy hiểm cho
quốc phòng và an ninh”; Dụ số 13 (20-2-1956) nhằm bóp nghẹt quyền tự do
báo chí; Luật 10 / 59 (5-1959) về việc thành lập các tòa án quân sự đặc biệt,
đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Cùng với những chính
sách trên là các chương trình “Cải cách điền địa”, “Khu dinh điền”, “Khu trù
mật”, “ấp chiến lược”…
Tất cả những chính sách và biện pháp trên, về thực chất là chống lại
khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam. Đó
chính là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào đấu tranh cách mạng
của nhân dân miền Nam.
Tháng 8-1954 “Phong trào hòa bình” của trí thức và các tầng lớp nhân
dân miền Nam ra đời tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Phong trào tổ chức nhiều cuộc
mit tinh, hội họp đưa yêu sách đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành
nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ. Phong trào lan rộng từ thành thị đến nông
thôn, tiêu biểu là ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.
Liên tiếp trong những năm 1956 - 1958, nhiều cuộc đấu tranh của công
nhân đã diễn ra trên khắp các thành phố, thị xã miền Nam, nhất là vào dịp kỷ
niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 hàng năm. Đặc biệt, ngày 1-5-1958, gần 50
vạn công nhân Sài Gòn xuống đường biểu tình với những khẩu hiệu đấu tranh
phù hợp với quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, như đòi tăng lương, giải
quyết nạn thất nghiệp, hạn chế nhập cảng hàng hóa mà trong nước sản xuất
được, triệt để giảm tô đúng mức, thực hiện đầy đủ khẩu hiệu “người cày có
ruộng, thống nhất đất nước”.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng, tháng 1-1959
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 họp, xác định con đường phát triển cơ
bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân
dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ
trang của nhân dân.
Sau cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Trà Bồng, miền tây Quảng Ngãi (1959),