Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

nghị luận xã hội về tình cảm gia đình

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.55 KB, 5 trang )

Gia đình - điểm tựa của mỗi con người
Từ xa xưa, nền tảng gia đình Việt Nam đã được hình thành và phát triển với những giá trị chuẩn
mực tốt đẹp. Bất cứ thời đại nào, gia đình cũng luôn là điểm tựa thiêng liêng cho mỗi con người.

Gia đình là tế bào của xã hội, là tổng hợp các mối quan hệ, ứng xử, giá trị nhân cách, tình cảm,
đạo đức, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng, dân tộc. Theo quan niệm truyền thống Việt
Nam xưa, xây dựng văn hóa gia đình trên nền tảng đạo đức bao gồm đạo hiếu, đạo nghĩa như đạo
mẫu tử, cha con, chồng vợ, anh em…; cư xử với ông bà, cha mẹ, với xóm làng. Ngay từ khi còn
nằm trong nôi, qua lời ru ngọt ngào của mẹ, mỗi đứa trẻ đã được nghe những lời dạy bảo yêu
thương: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Lớn hơn một
chút, bài học làm người đầu tiên các thế hệ Việt Nam giáo dục con cháu cũng là dạy cách ứng xử:
"kính trên, nhường dưới", "chị ngã, em nâng", "môi hở, răng lạnh", "lá lành đùm lá rách", "bầu
ơi thương lấy bí cùng". Những lời dạy ấy đã thấm sâu trong mỗi người con đất Việt, góp phần
hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, đó là lòng nhân hậu, thủy chung, sống có nghĩa có tình; sự
chia sẻ, đoàn kết gắn bó từ trong gia đình đến cộng đồng, làng, nước. Chính vì hiểu giá trị thiêng
liêng của gia đình, khi đất nước có giặc ngoại xâm, bao thanh niên trai gái đã lên đường đánh
giặc, bảo vệ gia đình, quê hương, đất nước bình yên. Mái ấm gia đình là yếu tố quan trọng giúp
con người có thêm ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn thử thách, đi tới những thành công. Tại
tỉnh Bắc Giang nói riêng cũng như các địa phương trong cả nước đã xuất hiện nhiều tấm gương
những người cha, người mẹ tảo tần nuôi con ăn học; những người con hiếu thảo, vượt khó học
giỏi, làm rạng rỡ cho dòng họ, quê hương. Điểm tựa gia đình còn giúp nhiều người vượt qua cám
dỗ, không sa ngã vào tệ nạn xã hội và những hành vi tội lỗi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Gia
đình tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn; hạt nhân của xã hội là gia đình".


Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập của xu thế toàn cầu hóa, bên cạnh những tác động tích cực, ảnh
hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin,
báo chí, Internet…, cũng đã đặt chúng ta trước một thử thách đó là nền tảng gia đình Việt Nam
truyền thống phần nào bị mai một. Nhiều người trong lớp trẻ đã chạy theo lối sống thực dụng ích
kỷ, đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, không coi trọng gia đình, không thích sống
trong một gia đình có nhiều thế hệ; bữa cơm gia đình đoàn tụ không còn được chú trọng. Tình


trạng ly hôn, môi giới hôn nhân bất hợp pháp với người nước ngoài, buôn bán phụ nữ và trẻ em,
đặc biệt là các vụ bạo lực gia đình xảy ra trong thời gian gần đây đã gây nhức nhối dư luận, mà
đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.
Để củng cố, nâng cao vị trí, vai trò của gia đình Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xác định chú
trọng công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ngày 16-5-2005, Thủ tướng
Chính phủ đã có Quyết định số 106/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam
giai đoạn 2005-2010, trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể của công tác gia đình: Củng cố, ổn định gia
đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp
thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện quy mô gia đình
ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con); thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của
các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi…
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 38 vạn hộ gia đình. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã tập trung cao
cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho người dân.
Các phong trào "gia đình hiếu học", "ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền, anh em hòa
thuận, sống có trách nhiệm", "gia đình nông dân hạnh phúc"… đã được triển khai sâu rộng và
được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa" ngày càng đi vào nền nếp, có chuyển biến tích cực. Năm 2009, toàn tỉnh đã có 303.275 hộ


được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 79,7%, tăng 17.472 hộ so với năm 2008). Tuy nhiên,
bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập. Công tác gia đình
chưa được thực sự quan tâm, đầu tư nguồn nhân lực, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ
thống chính trị; còn có sự chênh lệch cao trong mức sống gia đình giữa miền núi và miền xuôi;
nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh
hưởng đến cuộc sống bình yên của nhiều gia đình. Ngoài ra, một số gia đình trẻ ở nông thôn có
vợ hay chồng, hoặc cả hai vợ chồng thường xuyên đi làm ăn xa đã xảy ra những bất ổn trong duy
trì tổ ấm gia đình, nhất là việc giáo dục, chăm sóc con cái.
Ngày Gia đình Việt Nam năm 2010 với chủ đề "Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá gia
đình Việt Nam" chính là một dịp để các cấp, các ngành, đoàn thể nhìn lại, đánh giá lại công tác
gia đình trong thời gian qua, có biện pháp thiết thực hơn trong thời gian tới. Đây cũng là thông

điệp muốn gửi đến các gia đình Việt Nam: hãy trân trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt
đẹp mà ông cha ta để lại - đó chính là ngọn lửa để duy trì hạnh phúc!
* Bài 2: Vai trò của gia đình trong sự hình thành nhân cách con người.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi
dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống
lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự hình thành và phát triển nhân cách con người không chỉ là thể hiện tình cảm đạo đức, đạo lý
của dân tộc đối với nguồn nhân lực của đất nước, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã
hội, của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, gia đình và mỗi cá nhân. Trong đó, gia đình
có vai trò hết sức quan trọng, bởi lẽ “Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường
quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ


quốc”. Trong bối cảnh đất nước và quốc tế đang có những thay đổi diện mạo về mọi mặt, đặc
biệt từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, thực hiện CNH-HĐH đất
nước, gia đình Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng cơ bản
của mình, trong đó đề cao và nhấn mạnh chức năng xã hội hóa cá nhân hình thành nhân cách con
người. Chức năng này được gia đình thực hiện ngay từ khi con người ở thời kỳ mới lọt lòng, còn
là đứa trẻ. Chức năng này kéo dài trong suốt cuộc đời mỗi con người, và chia thành 03 giai đoan
như: Từ 0-3 tuổi; Từ 03-05 tuổi; Từ 06-18 tuổi. Cả 03 giai đoạn cá nhân lớn lên đều dưới sự
chăm sóc, chỉ bảo từng bước, giai đoạn dạy dỗ, hướng dẫn, rèn luyện mỗi cá nhân, giúp cá nhân
làm quen và thực hiện các chuẩn mực trong gia đình và ngoài xã hội; điều chỉnh nhận thức để có
khả năng giao tiếp phù hợp trong các quan hệ xã hội, dần bước vào đời sống của một cá thể trong
đời sống xã hội. Việc gia đình giáo dục các cá nhân thông qua các mối quan hệ đặc biệt giữa vai
trò của những thành viên trong gia đình. Đó là quan hệ ruột thịt giữa mẹ, con, quan hệ huyết
thống giữa cha, con, tình cảm của anh chị em ruột, của bố mẹ, ông bà. Quá trình xã hội hóa cá
nhân bắt đầu từ khi cá nhân có sự xác định vị trí, vai trò của từng cá nhân trong mối quan hệ ấy.
Gia đình thông qua thái độ, tâm lý, tình cảm và mối liên hệ thường xuyên, bền bỉ, khéo léo truyền
thụ cho mỗi cá nhân những mẫu mực, hành vi xã hội để ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội.

Qua mối quan hệ đặc biệt, thái độ, tình cảm tâm lý gia đình từng bước uốn nắn những lệch lạc
hành vi, ngăn chặn những hành vi trái với chuẩn mực xã hội ở từng cá nhân. Việc giáo dục và
hình thành nhân cách con người trong gia đình có tính chất đặt nền móng, mang tính truyền thống
gia phong, thực hiện bước đi đầu tiên. Là trung tâm xuất phát điểm của giáo dục con người, là cơ
sở của những nền tảng giáo dục con người, là trường học đầu tiên của con người, gia đình có vai
trò đặc biệt trong việc xã hội hóa giáo dục con người. Do vậy, tầm quan trọng của gia đình trong
việc hình thành nhân cách con người mang nét đặc trưng của con người Việt Nam đối với thực tế


xã hội đang trong công cuộc CNH-HĐH đất nước, hội nhập quốc tế nhằm xây dựng và củng cố
thiết chế gia đình Việt Nam là hết sức cần thiết.
Như vậy gia đình trở thành môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và quá
trình phát triển, liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình.
Gia đình truyền thụ cho các cá nhân những giá trị văn hóa truyền thống, cũng như những giá trị
văn hóa hiện đại tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người. Trong nền kinh
tế thị trường, phát triển xã hội theo hướng CNH-HĐH, hội nhập quốc tế cần phải phát huy tốt
những truyền thống tốt đẹp của giáo dục gia đình góp phần hình thành nên nhân cách con người
Việt Nam hoàn thiện và đúng chuẩn. Gia đình truyền thống Việt Nam nhất thiết phải hòa nhập
vào xu thế hiện đại, hiện đại hóa, nhưng vẫn phải giữ được sắc thái riêng không bị trộn lẫn vào
cái chung và kế thừa, tiếp thu có chọn lọc. Tuy nhiên để có thể làm được điều đó, cần phải củng
cố thiết chế gia đình, điều kiện khách quan để xã hội hóa cá nhân trong gia đình, thiết lập mạng
lưới giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc hình thành nhân cách cho cá nhân./.
………………………………………………………………



×