MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong xã hội, từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn là thiết chế cơ bản nhất
và gắn liền với đời sống của mỗi con người. Tùy theo cách nhìn nhận từ các
ngành khoa học mà có những định nghĩa về gia đình khác nhau, nhưng nhìn
chung, nói đến gia đình là nói đến một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ
tồn tại bên trong nó. Gia đình không chỉ là nơi bảo tồn nòi giống, duy trì sự
tồn tại của nhân loại, mà còn là môi trường giáo dục, môi trường văn hoá tốt
nhất cho các cá nhân trưởng thành; đó cũng là nơi cung cấp lực lượng lao
động, tái sản xuất sức lao động cho xã hội.
Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình mang tính ổn định và bền
vững nhưng cũng hết sức linh hoạt. Nó luôn vận động, để thích nghi với sự
thay đổi của xã hội. Sự vận động đó đã khiến cho những giá trị vốn được tích
hợp trong nó từ quá khứ bị nhìn nhận lại. Tuy nhiên, mọi sự vận động đều
không phải lúc nào cũng đồng nhất với tiến bộ, nên những biến đổi của gia
đình qua các giai đoạn phát triển của xã hội luôn đòi hỏi một sự định hướng
về tiêu chuẩn giá trị, để gia đình vừa có thể dung nạp xu hướng tiến bộ nhưng
cũng không bị chia cắt với những chuẩn mực đã định hình từ cơ tầng xã hội
trước đó.
Gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại có nhiều biến đổi. Sự
biến đổi đó là do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong.
Có thể thấy rõ ràng nhất là sự thay đổi về cơ cấu gia đình, trong đó bao gồm
quy mô gia đình và các quan hệ xã hội trong và ngoài gia đình. Quy mô gia
đình ngày nay tồn tại xu hướng thu nhỏ so với trước kia, số thành viên trong
gia đình trở nên ít đi. Nếu như gia đình truyền thống xưa có thể tồn tại đến ba
bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà thì hiện nay, quy mô gia đình
hiện đại đã ngày càng được thu nhỏ lại. Gia đình Việt Nam hiện đại chỉ có hai
1
thế hệ cùng sống chung: cha mẹ - con cái, số con trong gia đình cũng không
nhiều như trước, cá biệt còn có số ít gia đình đơn thân, nhưng phổ biến nhất
vẫn là loại hình gia đình hạt nhân quy mô nhỏ. Sự thay đổi đó, ngoài những
nguyên nhân khách quan như chính sách kế hoạch hóa gia đình hay đô thị
hóa... còn do nhiều nguyên nhân chủ quan khác.
Xu hướng hạt nhân hóa gia đình trở nên phổ biến ở Việt Nam hiện nay
là do những ưu điểm và lợi thế của nó, đặc biệt là tính phù hợp với thời đại
mới. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, nhiều chuyển biến lớn
lao đã xảy ra, tất yếu khiến quy mô gia đình truyền thống không còn thích
nghi được với hoàn cảnh xã hội mới. Nền kinh tế thị trường, sự du nhập của
các giá trị văn hóa nước ngoài đã làm cho xã hội đổi thay từng ngày. Sự đổi
thay ấy diễn ra cả trong quan niệm của con người, chẳng hạn, ngày nay sự
bình đẳng đã được đề cao hơn, những yếu tố lạc hậu cũng được loại bỏ nhằm
hướng tới một xã hội tiến bộ hơn.
Từ ngày Đổi mới (1986) đến nay, dưới sự tác động của nhiều sự kiện
kinh tế - chính trị - xã hội quan trọng, xã hội và văn hóa, Việt Nam đã và đang
trải qua những biến đổi cực kỳ sâu sắc, trong đó có sự biến đổi của gia đình
trên cả ba phương diện: cấu trúc, chức năng và các mối quan hệ giữa vợ và
chồng, cha mẹ và con cái… Trên bình diện khoa học, nhất là Xã hội học,
Nhân học, Tâm lý học…, nhiều tác giả đã cảm nhận được vấn đề này và cố
gắng, từ một số góc nhìn khác nhau, đã phản ánh sự biến đổi đó trong các
công trình nghiên cứu của mình, và thường giới hạn trong không gian đô thị
hoặc vùng đồng bằng.
Để có được cái nhìn toàn diện về sự biến đổi cấu trúc và chức năng của
gia đình (đặc biệt ở khu vực nông thôn vùng trung du) trong thời kỳ hiện nay
thì chưa có những công trình nào phản ánh đầy đủ sự biến đổi đó. Xuất phát
2
từ tình hình trên đây, trong nghiên cứu này, tôi chọn vấn đề “Biến đổi cấu
trúc - chức năng gia đình người Kinh ở nông thôn trung du đồng bằng Bắc
bộ trong giai đoạn hiện nay” (nghiên cứu trường hợp tại xã Bản Nguyên,
huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) làm đề tài Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành
Việt Nam học, với hy vọng góp thêm một vài nét chấm phá vào bức tranh gia
đình ở Việt Nam ở vùng trung du đồng bằng Bắc bộ qua nghiên cứu trường
hợp ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Những nghiên cứu ở nước ngoài:
Những nghiên cứu về gia đình ở nước ngoài, về cơ bản tập trung theo
các nhóm sau đây:
Thứ nhất, Lý luận chung về vai trò, cấu trúc, chức năng của gia đình:
Những người theo phái nữ quyền nhìn gia đình như là một kiến trúc có
bản chất xã hội. Những nhà kinh tế thì lập luận gia đình được kiến trúc theo
các lợi ích kinh tế. Những nhà nghiên cứu theo thuyết sinh học xã hội lại cho
rằng tổ chức gia đình bị quy định rất nhiều bởi việc sinh con và các khác biệt
sinh học giữa nam và nữ. Các nhà xã hội học cho rằng việc gán cho phụ nữ
những vai trò nội trợ là do đặc điểm có tính địa văn hóa. Các chuyên khảo
The future of marriage (Tương lai của hôn nhân) của Bernard (1982);
Rethingking the Family (Bàn thêm về gia đình) của Barrie Thorne và Marilyn
Yalom (1982); Family Studies (Nghiên cứu gia đình) của Bernades, J (1997)
đã đề cập tới những vấn đề này.
Thứ hai, xu hướng phát triển của gia đình trong mối quan hệ với kinh tế
và thể chế chính trị:
Ph. Ăngghen có tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu
và của nhà nước” (1884). Trong tác phẩm này Ăngghen đã đề cập đến nguồn
gốc của gia đình, các hình thức hôn nhân và hình thức gia đình. Gia đình là tế
3
bào của xã hội, gia đình tham gia vào mọi quá trình sản xuất và luôn chịu sự
tác động trở lại của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội,
Trong nhiều nghiên cứu thường nhấn mạnh sự phân biệt hai loại mô
hình gia đình: gia đình phương Đông và gia đình phương Tây trong lịch sử
phát triển của nó.
Ở phương Tây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hoá và hiện đại
hoá đã nhanh chóng xoá bỏ những nền nếp tốt đẹp của gia đình thời trung đại.
Xu hướng giải phóng cá nhân khỏi gia đình, thực sự là một động lực thúc đẩy
nền sản xuất, nhưng dần dần đã dẫn đến sự nghèo nàn trong đời sống tinh
thần, sự thiếu thốn về tình cảm, sự cô đơn, tẻ nhạt trong cuộc đời nhiều cá
nhân. Có thể gặp vấn đề này trong một số công trình như: The Development
of the family and marriage in Europe (Sự phát triển của hôn nhân và gia đình
ở châu Âu) của Goody, J (1983); Worl Revolution and Family Paterns (Cách
mạng thế giới và các dạng thức gia đình) của Goode W (1963).
Ở phương Đông, gia đình là một tổ chức cộng đồng huyết tộc chặt chẽ.
Thời phong kiến, có sự đồng nhất mối quan hệ trong gia đình với mối quan hệ
trong nước, chữ Hiếu luôn gắn với chữ Trung. Nhưng những thập kỷ gần đây,
trước tác động của rất nhiều yếu tố nên gia đình phương Đông có những biến
đổi sâu sắc. Nghiên cứu của Cho, Lee - Jay and Moto Yada (1994): Tradition
and change in the Asian Family (Truyền thống và sự thay đổi trong gia đình
châu Á) đã khẳng định điều này.
2.2. Những nghiên cứu trong nước:
Gia đình ở Việt Nam luôn là một đề tài được quan tâm, với những
hướng tiếp cận sau:
Thứ nhất, tập hợp lại những chuẩn mực truyền thống của văn hóa gia
đình người Việt. Tài liệu theo hướng này có 3 dạng:
4
- Tập hợp riêng lẻ những nghi thức ứng xử gia đình trong các lĩnh vực
như thờ cúng tổ tiên, cưới xin truyền thống, giao tiếp vợ chồng… Có thể kể
đến: Vũ Văn Khiếu: “Đất lề quê thói” (Phong tục Việt Nam), Nxb Văn hóa
thông tin, Hà Nội, 2001; Bùi Xuân Mỹ: “Lễ tục trong gia đình người Việt
Nam”, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
- Tập hợp tương đối đầy đủ về văn hóa gia đình truyền thống ở Việt
Nam trên tất cả các phương diện. Có thể kể đến: Toan Ánh: “Nếp cũ, con
người Việt Nam, Phong tục cổ truyền”, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1991;
Nhiều tác giả: “Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam”, Nxb Văn hóa dân
tộc, Hà Nội, 1999.
- Nghiên cứu về văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó có thành tố
văn hóa gia đình. Có thể kể đến: Vũ Khiêu: “Nho giáo xưa và nay”, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990; Trần Quốc Vượng: “Văn hóa Việt Nam, tìm
tòi và suy ngẫm”, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000… Nội dung nhìn nhận
văn hóa gia đình truyền thống dưới góc độ đề cao những chuẩn mực mà ngày
nay con người cần hướng tới.
Thứ hai, Nghiên cứu về thực trạng và xu hướng biến đổi của gia đình
truyền thống do tác động của kinh tế thị trường.
Đây là nhóm tài liệu có số lượng phong phú hơn cả. Cho dù hình thức
xuất hiện khá đa dạng: sách chuyên khảo độc lập, các bài viết trên tạp chí, báo
hay những đề tài nghiên cứu; cho dù nội dung đề cập là xu hướng biến đổi
của tất cả các thành tố trong gia đình hay chỉ là một phương diện cụ thể thì
những tài liệu này cũng không còn nhìn nhận những tập quán ứng xử trong
gia đình truyền thống của người Việt thuần tuý chỉ là ưu điểm. Những nhận
định trên quan điểm hiện đại về vấn đề gia đình đã tạo nên nhiều cuộc tranh
luận gay gắt, theo đó, những biến đổi của văn hoá gia đình truyền thống được
tiếp nhận và giải mã theo các góc độ không nhất quán. Các công trình tiêu
5
biểu như: Mai Huy Bích: “Xã hội học gia đình”, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội, 2011; Tương Lai (chủ biên): “Những nghiên cứu xã hội học về gia đình”,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996; Lê Thi: “Vai trò gia đình trong việc xây
dựng nhân cách con người Việt Nam”, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1997; Lê Thi:
“Gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới”, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội, 2002; Trung tâm nghiên cứu gia đình và phụ nữ: “Gia đình và vấn
đề giáo dục gia đình”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994; Trung tâm nghiên
cứu gia đình và phụ nữ: “Gia đình Việt Nam ngày nay”, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1998; Lê Ngọc Văn: “Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam”,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011…
Thứ ba, Hướng trao đổi về cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá
trong bối cảnh hiện nay:
Đây là những tài liệu mang tính chất nghiệp vụ văn hoá thông tin của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu như những tài liệu theo hai hướng trên
có khá nhiều thành tựu thì tài liệu thuộc nhóm này gần như còn chưa được xã
hội quan tâm bởi chính tính chất chưa hấp dẫn của nó. Trên thực tế, đây là
công việc mới được triển khai nên tính chất lý luận của vấn đề chưa thành hệ
thống, chủ yếu các tài liệu mang tính chất cổ vũ động viên phong trào, những
định hướng cụ thể về tiêu chí công nhận gia đình văn hoá mới…
Những công trình trên đã đạt được những thành công nhất định cả về tư
liệu và lý thuyết nghiên cứu, sẽ được tác giả kế thừa sử dụng làm nguồn tài
liệu tham khảo trực tiếp cho đề tài luận văn này.
3. Mục đích nghiên cứu
Thứ nhất, Luận văn được thực hiện để đạt Học vị Thạc sĩ chuyên ngành
Việt Nam học.
Thứ nhất, Luận văn nghiên cứu cấu trúc - chức năng của gia đình
truyền thống ở Bản Nguyên (trước đổi mới).
6
Thứ hai, Luận văn nghiên cứu về sự biến đổi cấu trúc - chức năng của
gia đình ở Bản Nguyên (sau đổi mới).
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điền dã dân tộc học: Đây là phương pháp nghiên cứu
chủ yếu của luận văn (quan sát trực tiếp, phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh…).
- Phương pháp điều tra xã hội học: Sử dụng bảng hỏi trực tiếp để thu
thập thông tin mang tính định lượng.
- Phương pháp chuyên gia: Trao đổi trực tiếp với các chuyên gia trong
lĩnh vực hôn nhân và gia đình; tổ chức tọa đàm với các vị cao tuổi, trưởng họ,
những người am hiểu về phong tục, tập quán, gia đình… để thu thập những ý
kiến đánh giá chuyên sâu và những ý kiến chân thực của họ đối với vấn đề
nghiên cứu.
- Phương pháp nghiên cứu, phân tích tư liệu: dựa trên cơ sở thu thập
những tài liệu dưới dạng số liệu, các báo cáo, các văn bản, các quy định và
các nguồn tài liệu trung ương và địa phương, tôi đi sâu phân tích để làm cơ sở
nghiên cứu về sự biến đổi cấu trúc và chức năng của gia đình.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là biến đổi cấu trúc và chức năng
gia đình trong quá trình Đổi mới. Là các hộ gia đình hiện đang làm ăn, sinh
sống ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
5.2. Phạm vi nghiên cứu:
Để tập trung nghiên cứu, tác giả đã lựa chọn xã Bản Nguyên, huyện
Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nội dung nghiên cứu đi sâu làm rõ những biến đổi
về cấu trúc gia đình (quy mô, thế hệ, loại hình) và chức năng gia đình (chức
năng sinh đẻ, chức năng kinh tế, chức năng xã hội - văn hóa - giáo dục) trước
và sau đổi mới.
7
6. Đóng góp của luận văn
Một là, tái hiện lại một cách chân thực về mô hình gia đình nông thôn
truyền thống trước đổi mới của người Kinh ở khu vực Trung du đồng bằng
Bắc bộ nói chung và cụ thể là ở xã Bản Nguyên.
Hai là, làm rõ khuynh hướng biến đổi của gia đình nông thôn sau đổi
mới về phương diện cấu trúc và chức năng cùng những nguyên nhân của nó.
Từ đó góp phần vào việc đề ra các giải pháp phát triển gia đình ở địa bàn xã
Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn gồm
ba chương.
Chương 1: Tổng quan về vấn đề và địa bàn nghiên cứu.
Chương 2: Biến đổi của cấu trúc gia đình.
Chương 3: Biến đổi của chức năng gia đình.
8
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tiếp cận khái niệm
1.1.1. Khái niệm Gia đình và Hộ
1.1.1.1. Gia đình
Trong các công trình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam vấn đề gia
đình đã được đề cập nhiều, nhưng để làm rõ khái niệm thế nào là gia đình thì
còn có nhiều tranh cãi. Cho đến nay gia đình được định nghĩa theo nhiều cách
khác nhau. Theo nhà xã hội học Tương Lai, thuật ngữ gia đình vẫn được định
nghĩa lỏng lẻo nhất trong từ vựng của nhà xã hội học.
Gia đình vốn là một cụm từ quen thuộc xuất hiện nhiều trong cuộc sống
thường ngày, tuy nhiên nó lại là một nhóm xã hội đặc thù với đầy đủ những
yếu tố tâm sinh lý, văn hóa và cả kinh tế. Hơn nữa gia đình lại luôn biến đổi
cùng với xã hội. Với những lý do trên đã khiến cho việc định nghĩa gia đình
gặp rất nhiều khó khăn.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của
nhà nước”, Ph. Ăngghen đã đề cập đến khái niệm gia đình của Morgan: “Gia
đình là một yếu tố năng động, nó không bao giờ đứng yên tại chỗ mà nó
chuyển động từ hình thức thấp lên hình thức cao khi xã hội phát triển từ giai
đoạn thấp lên giai đoạn cao”. Định nghĩa này nhấn mạnh đến yếu tố “động”
của gia đình, sự biến đổi của gia đình gắn liền với sự vận động biến đổi của
xã hội. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác đã đưa ra định nghĩa về
gia đình: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người còn tạo
ra những con người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ,
cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [2, tr 41]. Với quan điểm này, gia đình
được nhấn mạnh trên các khía cạnh quan hệ trong gia đình đó là quan hệ hôn
nhân và quan hệ huyết thống.
Ở Việt Nam, khi bàn tới khái niệm gia đình, các tác giả dưới những góc
độ chuyên môn và cách thức tiếp cận khác nhau cũng đưa ra các định nghĩa
9
khác nhau. Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Gia đình là tập hợp những người có
quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống sống chung trong một nhà” [56, tr
719]. Tác giả Ngô Công Hoàn trong cuốn “Tâm lý học gia đình” đưa ra định
nghĩa: “Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội, có quan hệ gắn bó về hôn nhân
hoặc huyết thống, tâm sinh lí, có chung giá trị vật chất tinh thần, ổn định
trong các thời điểm lịch sử nhất định” [20, tr 9]. Tác giả Lê Ngọc Văn trong
chuyên khảo “Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam” định nghĩa: “Gia
đình là một nhóm người, có quan hệ với nhau bởi hôn nhân, huyết thống hoặc
quan hệ nghĩa dưỡng, có đặc trưng giới tính qua quan hệ hôn nhân, cùng
chung sống, có ngân sách chung” [53, tr 38].
Qua các khái niệm trên cho thấy, sẽ không có một định nghĩa duy nhất
cho gia đình trong mọi nền văn hóa, mọi chế độ xã hội và mọi thời kì lịch sử
khác nhau. Mặc dù còn có các tiêu chí riêng để nhận diện gia đình nhưng
cũng có những tiêu chí chung cơ bản để xác định: Là một nhóm người (có từ
hai người trở lên); có quan hệ với nhau bởi hôn nhân, huyết thống; cùng
chung sống.
Tuy nhiên, ngoài những định nghĩa đã nêu trên, từ một cái nhìn khái
quát hơn cho tất cả các loại hình gia đình đã đang và sẽ tồn tại ở Việt Nam và
trên thế giới. Ta có thể đưa ra định nghĩa như sau: Gia đình là sự chung sống
của các cá nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm, tâm lý, tình dục,…và các
nhu cầu sinh hoạt cá nhân khác.
Trong luận văn này, chúng tôi thống nhất sử dụng định nghĩa mang tính
pháp lý về gia đình được ghi trong Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội
Việt Nam thông qua năm 2008 như sau: “Gia đình là tập hợp những người
gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, hoặc do quan hệ
nuôi dưỡng, làm phát sinh những nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo
luật định”.
1.1.1.2. Hộ
10
Hiện nay phân biệt giữa khái niệm “gia đình” và “hộ” vẫn còn nhiều
tranh cãi. Không ít người đã cho rằng khái niệm gia đình đồng nghĩa với khái
niệm hộ. Theo Thông cáo về gia đình của Liên Hợp Quốc cho rằng: “Hộ là
những người cùng chung sống dưới một mái nhà, có chung ngân quỹ”. Theo
quan niệm này, hộ gia đình có thể là một người (độc thân), có thể là 2,3…
người cùng giới và khác giới chung sống với nhau.
Còn theo định nghĩa mà Tổng cục thống kê sử dụng để tiến hành cuộc
Tổng điều tra dân số năm 1989: “Hộ gồm những người có quan hệ hôn nhân
hoặc ruột thịt hoặc nuôi dưỡng, có quỹ thu chi chung và cùng chung sống lâu
dài”. Theo quan niệm này, khái niệm hộ cũng tích hợp 3 yếu tố: tính huyết
tộc, cư trú và cơ sở kinh tế của hộ. Mỗi hộ gia đình có sổ đăng kí nhân khẩu
gồm chủ hộ và các thành viên quan hệ với chủ hộ. Khái niệm “Hộ” thường
tồn tại trong hệ thống hành chính - pháp lý. Vì khái niệm hộ có ít tiêu chí hơn
nên không phải lúc nào hộ cũng là gia đình.
Như vậy, gia đình và hộ gia đình là hai khái niệm khác nhau. Một gia
đình có thể là một hộ nhưng cũng có thể hơn một hộ. Ở Việt Nam, khi nói đến
gia đình, thường được hiểu đó là hộ và như vậy nhiều khi khái niệm gia đình
được hiểu đó là khái niệm hộ.
1.1.2. Cấu trúc của gia đình
Cấu trúc gia đình là số lượng, thành phần và mối quan hệ giữa các
thành viên và các thế hệ trong gia đình. Thành phần gia đình bao gồm: cha
mẹ, con cái, người họ hàng khác... Mối quan hệ gia đình chỉ mối quan hệ vợ chồng (quan hệ hôn nhân hay mối quan hệ theo chiều ngang), quan hệ cha mẹ
- con cái (quan hệ huyết thống hay mối quan hệ theo chiều dọc).
Cấu trúc gia đình luôn biến đổi cùng với thời gian, theo sự phát triển
của nền kinh tế xã hội, hình thái xã hội đã tạo nên những biến đổi gia đình.
Trong truyền thống, cấu trúc gia đình tương đối có sự đồng nhất bởi đặc trưng
phương thức sản xuất của xã hội truyền thống là nông nghiệp. Hai cấu trúc
gia đình phổ biến trong xã hội truyền thống là gia đình hạt nhân và gia đình
11
mở rộng. Xã hội càng phát triển thì cấu trúc gia đình càng mang tính nhiều vẻ.
Nó bao gồm gia đình đơn thân, gia đình không đầy đủ, hiện tượng chung sống
như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, quan hệ đồng tính,…
Từ góc nhìn xã hội học, chúng ta có thể tìm hiểu và nghiên cứu cấu trúc
gia đình trên nhiều phương diện khác nhau như: cấu trúc hôn nhân, cấu trúc
theo quy mô, số thế hệ, loại hình, giới tính, nghề nghiệp, học vấn, lứa tuổi,…
Tuy nhiên, trong khuôn khổ luận văn này, tác giả chỉ phân tích ở 4 phương
diện là: Cấu trúc (quan hệ) hôn nhân, cấu trúc gia đình theo quy mô (tức số
khẩu), cấu trúc gia đình theo số thế hệ, cấu trúc gia đình theo loại hình gia
đình.
1.1.3. Chức năng của gia đình
Chức năng gia đình là một trong những khái niệm then chốt, một phạm
trù quan trọng trong xã hội học gia đình. Gia đình được hình thành, tồn tại và
phát triển do nhu cầu của xã hội và cũng xuất phát từ nhu cầu của chính bản
thân gia đình. Vì thế, gia đình thực hiện những chức năng nhất định trong xã
hội để đảm bảo sự phát triển toàn diện của mỗi thành viên gia đình và đảm
bảo sự phát triển ổn định xã hội.
Chức năng của gia đình chỉ phương thức biểu hiện hoạt động sống của
gia đình gắn liền với những nhu cầu của xã hội đối với gia đình và những nhu
cầu của cá nhân đối với gia đình. Từ cách tiếp cận xã hội học, xét về mặt bản
chất, gia đình có bốn chức năng cơ bản (sinh sản, giáo dục, kinh tế và tâm lý tình cảm).
Các chức năng của gia đình có liên quan đến những hoạt động sống của
gia đình nhưng những hoạt động này thay đổi theo những thời kỳ lịch sử khác
nhau. Sự biến đổi chức năng gia đình biểu hiện ở hai khuynh hướng: một là
thay thế các chức năng, hai là thay đổi tính chất và nội dung của cùng một
chức năng. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, gia đình hiện đại
không còn nhiều chức năng như các gia đình truyền thống trước đây. Giai
12
đoạn hiện nay phần lớn các chức năng của gia đình lại chuyển giao cho các tổ
chức xã hội.
Tuy nhiên, ở Việt Nam gia đình vẫn đang thực hiện các chức năng cơ
bản sau:
Chức năng sinh sản (tái sản xuất ra con người): Đó là việc sinh đẻ, tái
sản xuất ra thế hệ sau vừa để đáp ứng nhu cầu xã hội vừa thỏa mãn nhu cầu
của gia đình, của các bậc làm cha mẹ.
Chức năng kinh tế: Nhằm đảo bảo nhu cầu ăn, mặc, ở,…của các thành
viên trong gia đình. Mỗi gia đình giữ vai trò là một đơn vị kinh tế, tự sản xuất,
cung cấp và phân phối sản phẩm cho xã hội.
Chức năng giáo dục: Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng và cung cấp
vật chất cho các thành viên, mà còn có chức năng rất lớn trong việc giáo dục và
hoàn thiện nhân cách của trẻ em, đào tạo ra những con người có ích cho xã hội.
Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm: Đảm bảo sự cân bằng
tâm lý, thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên. Giúp cho các thành
viên trong gia đình gắn kết với nhau nhằm đảm bảo sự bền vững của hôn
nhân, ổn định xã hội.
1.1.4. Biến đổi gia đình
Gia đình là một thiết chế xã hội và đương nhiên là một phần không thể
thiếu của xã hội. Do đó, biến đổi gia đình cũng là một phần của những biến
đổi về mặt xã hội. Biến đổi gia đình là một quá trình chuyển biến của gia đình
từ trạng thái này sang trạng thái khác trên một trục thời gian. Trong luận văn
này, tôi chỉ đi sâu xem xét sự biến đổi của gia đình trên hai phương diện: cấu
trúc và chức năng của gia đình trong truyền thống và hiện đại.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Tiếp cận lý thuyết Mác xít
Luận văn áp dụng nguyên lý và nguyên tắc phương pháp luận của Chủ
nghĩa duy vật biện chứng, Chủ nghĩa duy vật lịch sử, cụ thể là:
- Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan. Nguyên tắc này chỉ ra rằng, cần
nghiên cứu sự vật, hiện tượng như chúng đang tồn tại thực tế, các kết luận
phải xuất phát từ thực tế, không phán đoán chủ quan; để có hiểu biết đúng đắn
13
về sự vật, hiện tượng, phải hướng tới cái bản chất, không hướng tới cái ngẫu
nhiên, không ổn định.
- Nghiên cứu sự vật, hiện tượng trong sự phát triển. Mỗi sự vật, hiện
tượng đều có quá trình nảy sinh, vận động (biến đổi) và phát triển; đều tồn tại
trong một không gian và thời gian xác định.
1.2.2. Tiếp cận theo lý thuyết chức năng - cấu trúc
Lý thuyết chức năng - cấu trúc là một lý thuyết rất quan trọng trong các
ngành xã hội học, nhân học… Lý thuyết này cho rằng:
- Xã hội tồn tại như một hệ thống, trong đó bao gồm các yếu tố có quan
hệ với nhau và mạng lưới các mối quan hệ đó tạo thành cấu trúc của hệ thống.
- Mỗi yếu tố của hệ thống, đến lượt mình, đều có thể là một hệ thống
con lại có những hệ thống con nhỏ hơn nữa.
- Mọi hệ thống đều có quan hệ mật thiết với môi trường, kể cả môi
trường tự nhiên và môi trường xã hội bao quanh.
Vận dụng lý thuyết này để nghiên cứu “Biến đổi cấu trúc và chức năng
gia đình” thì cấu trúc là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thấy rằng cấu trúc
gia đình là một hệ thống, bao gồm các yếu tố quan trọng như: quy mô, số thế
hệ, loại hình và sự phân cấp bên trong các yếu tố này lại bao gồm những yếu
tố nhỏ hơn nữa. Cũng tương tự như vậy, chức năng của gia đình cũng bao
gồm một số yếu tố tạo thành một hệ thống như: Tái sinh sản, kinh tế, giáo
dục, tâm lý… Bên trong những hệ thống con này cũng bao gồm những hệ
thống con nhỏ hơn nữa.
Như vậy, lý thuyết cấu trúc - chức năng giúp cho người nghiên cứu
từng bước tiếp cận với đối tượng nghiên cứu ở các cấp độ ngày càng cụ thể
hơn, chứ không dừng lại ở sự biến đổi chung chung, trừu tượng. Lý thuyết
cấu trúc - chức năng cũng chỉ ra một điều để lý giải nguyên nhân hiện tượng
nào đó cần nắm rõ “mọi hệ thống đều có quan hệ mật thiết với môi trường” và
điều này nhắc nhở người nghiên cứu phải tìm ra các nguyên nhân từ môi
trường tự nhiên và xã hội xung quanh.
14
Lý thuyết chức năng - cấu trúc còn cho rằng, mỗi hệ thống xã hội, cũng
như mỗi bộ phận thuộc hệ thống, đều đảm bảo một hoặc nhiều chức năng.
Khi các chức năng hoạt động bình thường thì toàn bộ hệ thống sẽ vận hành
một cách ổn định và bền vững. Ngược lại, khi các chức năng của hệ thống
hoặc của một bộ phận nào đó bị rối loạn sẽ dẫn đến sự mất ổn định của hệ
thống, thậm chí có thể phá vỡ cấu trúc của toàn hệ thống. Đặc điểm này cũng
gợi ý giúp tác giả có các câu hỏi mang tính định hướng triển khai vấn đề
nghiên cứu, như: Cấu trúc gia đình ở Bản Nguyên là gì? Chức năng của gia
đình ở Bản Nguyên là gì? Các chức năng này có sự biến đổi giữa hai thời kì
trước và sau Đổi mới không? Nếu có, thì điều gì dẫn đến sự biến đổi đó và
ảnh hưởng của nó đến đời sống của các thành viên trong gia đình ở Bản
Nguyên nói riêng và của xã hội nói chung như thế nào? Những câu hỏi gợi
mở vấn đề như vậy rất quan trọng để người nghiên cứu không chỉ xác định
đúng đối tượng nghiên cứu mà còn cung cấp cơ sở cho việc kiến giải sự tồn
tại, vận hành và biến đổi của đối tượng đó.
Lý thuyết chức năng - cấu trúc lại là một lý thuyết luôn coi xã hội như
một hệ thống mang tính thống nhất và ổn định qua thời gian, qua đó giúp
nhận dạng các xã hội trong sự vận động cân bằng với tất cả các yếu tố cấu
thành nên nó. Chính vì vậy, việc lựa chọn phương pháp này sẽ giúp tác giả có
cái nhìn đánh giá đúng đắn.
1.2.3. Tiếp cận lý thuyết biến đổi văn hóa
Biến đổi văn hóa (theo nghĩa rộng bao gồm cả biến đổi xã hội) là một
quá trình diễn ra trong tất cả các xã hội và là một lĩnh vực nghiên cứu quan
trọng của nhân học. Liên quan đến biến đổi văn hóa, có nhiều lý thuyết giải
thích về vấn đề này như giải thích sự biến đổi văn hóa theo quá trình tiến hóa
(theo thời gian); giải thích sự biến đổi văn hóa theo “tán xạ” hay phát tán văn
hóa (theo không gian) giải thích biến đổi văn hóa theo đặc thù lịch sử; giải
15
thích biến đổi văn hóa theo chức năng; giải thích biến đổi văn hóa theo nhân
học tâm lý…
Trong nhiều lý thuyết giải thích về sự biến đổi văn hóa, chúng tôi đặc
biệt quan tâm đến lý thuyết tiếp biến văn hóa.
Tiếp biến văn hóa dung để chỉ sự tiếp xúc giữa các hệ thống văn hóa
với nhau dẫn đến sự biến đổi, hội nhập một số yếu tố văn hóa lẫn nhau giữa
các hệ thống văn hóa đó. Sự tiếp xúc này làm tăng đặc tính của nền văn hóa
này trong nền văn hóa kia. Tiếp biến văn hóa gồm nhiều quá trình khác nhau
như truyền bá, thích nghi, phản ứng lại…và “tan rã văn hóa”.
Giao lưu và tiếp biến văn hóa là sự vận động thường xuyên của xã hội,
của văn hóa, gắn bó với tiến hóa xã hội và cũng gắn bó với sự phát triển của
văn hóa. Giao lưu và tiếp biến văn hóa vừa là kết quả của sự trao đổi văn hóa,
vừa là chính bản thân của sự trao đổi ấy, do đó sự giao lưu tiếp biến văn hóa
có một tầm quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Tiếp biến văn hóa là quy luật tồn tại và phát triển của mọi nền văn hóa
và mọi xã hội từ xưa đến nay. Xét về thực chất, tiếp biến văn hóa chính là sự
tác động qua lại biện chứng giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh của quá
trình phát triển. Trong đó, các yếu tố nội sinh, mà trung tâm là con người giữ
vai trò chủ thể có ý nghĩa quyết định trong việc định hướng mối quan hệ của
chúng với các yếu tố ngoại sinh.
Lý thuyết tiếp biến văn hóa được vận dụng trong luận văn này nhằm lý
giải sự biến đổi của các giá trị văn hóa trong gia đình: các quan niệm, nhận
thức mới về xã hội.
1.2.4. Tiếp cận từ góc độ lịch sử - so sánh
Tiếp cận lịch sử - so sánh là cách tiếp cận nghiên cứu coi việc nhìn
nhận một sự vật, hiện tượng trong các xã hội hay các nền văn hóa diễn ra theo
một quá trình, trong đó có nhiều giai đoạn lịch sử cụ thể khác nhau. Trong
mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, do chịu sự chế định của những điều kiện khách
quan và chủ quan khác nhau, nên các sự vật, hiện tượng - với tư cách đối
16
tượng cần quan sát của nhà nghiên cứu - cũng tồn tại dưới những trạng thái
khác nhau. Nếu đem so sánh các trạng thái khác nhau này, chúng ta sẽ dễ
dàng nhận thấy được sự biến đổi của sự vật hiện tượng từ giai đoạn này sang
giai đoạn khác. Quan điểm lịch sử - so sánh có một ý nghĩa phương pháp luận
rất lớn, nó không chỉ giúp cho nhà khoa học xác định rõ đối tượng nghiên cứu
trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, mà còn tránh được lỗi logic thông thường
là lấy cái nhìn chủ quan để phán xét sự vật, hiện tượng.
Vận dụng cách tiếp cận lịch sử - so sánh vào việc thực hiện đề tài “Biến
đổi cấu trúc - chức năng gia đình người Kinh ở nông thôn trung du đồng
bằng Bắc Bộ trong giai đoạn hiện nay”, chúng ta dễ dàng nhận ra sự biến đổi
này cũng diễn ra trong một quá trình kinh tế - xã hội, mà để có cái nhìn sâu
sắc cần phải đối chiếu qua hai thời kì trước và sau Đổi mới (1986). Hai giai
đoạn lịch sử trước và sau Đổi mới (1986) là hai giai đoạn rất khác nhau không
chỉ ở phương diện kinh tế, mà còn cả ở phương diện chính trị, xã hội và văn
hóa. Sự khác biệt này cố nhiên có tác động không nhỏ đến cấu trúc và chức
năng gia đình. Như vậy, cách tiếp cận lịch sử - so sánh không chỉ giúp người
nghiên cứu thấy được sự biến đổi, mà cả những nguyên nhân dẫn đến sự biến
đổi ấy.
1.3. Địa bàn nghiên cứu
1.3.1. Điều kiện địa lý tự nhiên
1.3.1.1. Vị trí địa lý
Bản Nguyên là xã thuộc vùng đồng bằng nằm ở phía Tây Nam của
huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; cách thành phố Việt Trì - trung tâm kinh tế,
chính trị, văn hóa của tỉnh khoảng 13 km; cách trung tâm huyện Lâm Thao
khoảng 6 km. Xã có diện tích tự nhiên là 736,09 ha, trong đó đất nông nghiệp
có 389,74 ha, chiếm 48,9%; đất phi nông nghiệp có 389,74 ha, chiếm
51,073%. Bản Nguyên có ranh giới phía Bắc giáp với xã Tứ Xã; phía Nam là
sông Hồng, bên kia sông là thị trấn Hưng Hóa của huyện Tam Nông; phía
17
Đông giáp với xã Vĩnh Lại; phía Tây giáp với xã Kinh Kệ. Xã Bản Nguyên
cách khu di tích lịch sử Đền Hùng khoảng 15 km, gắn liền với các nền văn
hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun… Điều đó chứng minh rằng
xã Bản Nguyên là một trong những “cái nôi” của người Việt cổ.
1.3.1.2. Đặc điểm địa hình và khí hậu
Địa hình: Bản Nguyên trải dài sát với sông Hồng, địa hình đất đai bằng
phẳng, vùng đất bãi ven sông Hồng hàng năm được bồi đắp phù sa, đất ít bị
xói mòn.
Về khí hậu: Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.200 mm đến 1.500
mm. Mưa thường tập trung từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Độ ẩm trung
bình hàng năm từ 80% - 85%, độ ẩm cao nhất trong năm là 96% và độ ẩm
thấp nhất là 60%.
Về gió mùa: hoàn lưu bão ít bị ảnh hưởng trực tiếp.
1.3.2. Lịch sử hình thành đơn vị hành chính
1.3.2.1. Trước cách mạng tháng Tám 1945
Trải qua nhiều thời kì lịch sử, địa danh, địa giới xã Bản Nguyên có
nhiều thay đổi. Dưới thời Hùng Vương dựng nước, Bản Nguyên thuộc đất của
Bộ Văn Lang - Bộ trung tâm của nước Văn Lang. Qua các triều đại phong
kiến Việt Nam, đến triều Nguyễn, xã có tên là Bãi Á và Quỳnh Lâm nằm
trong Tổng Vĩnh Lại. Đến đời vua Minh Mệnh thứ II năm 1821 làng Bãi Á
được đổi tên là làng Á Nguyên, sau lại đổi là Bản Nguyên.
Năm 1919, huyện Sơn Vi đổi thành Phủ Lâm Thao, xã Bản Nguyên
thuộc tổng Vĩnh Lại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tính đến năm 1927,
huyện Lâm Thao có 7 tổng, 56 làng trong đó có thêm làng Thành Chu.
1.3.2.2. Sau cách mạng tháng Tám 1945
Sau cách mạng tháng Tám thành công, năm 1946, các làng của huyện
Lâm Thao là Thành Chu, Văn Điển, Vĩnh Lại, Trình Xá, hợp nhất lại thành xã
mới lấy tên là làng Hùng Tiến.
18
Do phạm vi của xã rộng, sự lãnh đạo, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn nên
chỉ một năm sau; theo đề nghị của chính quyền địa phương, tháng 2 năm
1948, xã Hùng Tiến có sự điều chỉnh chia tách thành hai xã: thôn Vĩnh Lại,
Văn Điển, Trình Xá tách ra từ xã Hùng Tiến gọi là xã Lê Tính. Các thôn còn
lại: Bản Nguyên, Thành Chu, Quỳnh Lâm vẫn giữ nguyên tên cũ là xã Hùng
Tiến. Ngày 6 tháng 11 năm 1964, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 292/QĐ-NV về
sửa đổi tên một số xã của tỉnh Phú Thọ, theo quyết định này, xã Hùng Tiến
đổi tên là xã Bản Nguyên cho đến ngày nay.
Đầu năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh
Vĩnh Phú. Xã Bản Nguyên thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 5
tháng 7 năm 1977, hợp nhất và thành lập một số huyện mới trong tỉnh, theo
quyết định này, hai huyện Phù Ninh và Lâm Thao hợp nhất thành huyện
Phong Châu, xã Bản Nguyên thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày
26 tháng 11 năm 1996, theo nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh
Vĩnh Phú chia tách thành hai tỉnh là Vĩnh Phúc và Phú Thọ, xã Bản Nguyên
thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Thực hiện Nghị định 59-NĐ/CP ngày
24/7/1999 của Chính phủ, huyện Phong Châu chia tách thành hai huyện: Lâm
Thao và Phù Ninh, xã Bản Nguyên thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
1.3.3. Dân số và nguồn nhân lực
1.3.3.1. Dân số
Trước cách mạng tháng tám năm 1945, xã Bản Nguyên có khoảng 500
hộ, 2.500 khẩu sống rải rác trong đê và ngoài bãi. Về sau, dân số ngày càng
phát triển nên số người đã tăng lên. Theo thống kê, dân số những năm gần
đây ở xã Bản Nguyên tăng ổn định, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,8%/năm.
Năm 2013 có 9.110 người, ứng với 2.225 hộ với hầu hết là dân tộc Kinh sinh
sống.
1.3.3.2. Nguồn nhân lực
19
Đa số dân cư làm nghề nông nghiệp, với kinh nghiệm và kỹ năng lâu
đời đã trở nên thuần thục, mang đậm yếu tố văn hóa của nền văn minh lúa
nước. Đây là nguồn nhân lực dồi dào cho sản xuất nông nghiệp trước đổi mới.
Sau đổi mới chất lượng nguồn nhân lực có thay đổi rõ rệt với 4.799
người trong độ tuổi có khả năng lao động (2013). Bản Nguyên không chỉ có
lao động nông nghiệp đơn thuần mà còn có lao động qua đào tạo. Lao động
trẻ đã được đào tạo nghề là 354/700. Ngày nay trên địa bàn xã lao động làm
công nhân trong khu công nghiệp chiếm đa số, một số khác đi làm ăn xa, có
516 lao động đang tham gia sản xuất trong các khu công nghiệp ở ngoài địa
bàn xã, lao động trong ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - xây dựng là 510
người. Lao động nông nghiệp ngày càng ít, chỉ còn người trung tuổi không
thích nghi được với môi trường công nghiệp nên vẫn làm ruộng.
Như vậy cơ cấu nguồn nhân lực thời kỳ hiện đại đã phong phú, đồng
đều về mặt chất lượng, ngành nghề đa dạng. Người lao động được trang bị
nhiều kỹ năng, kiến thức hiện đại tiếp xúc với nền công nghiệp (may, dệt, làm
gạch men,...). Số lượng lao động thuần nông giảm đáng kể.
1.3.4. Tài nguyên thiên nhiên
1.3.4.1. Tài nguyên đất
Bản Nguyên là xã thuộc vùng đồng bằng, đất đai bằng phẳng, màu mỡ
do được phù sa sông Hồng bồi đắp. Đây là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Phú
Thọ, cũng thích hợp với nhiều loại cây ăn quả như: bưởi, nhãn, hồng, xoài,
na…các loại cây ngắn ngày như: chuối, bí, bắp cải, xu hào, cà chua…
Bản Nguyên có nguồn cát dưới sông Hồng là nguồn tài nguyên dồi dào
để nhân dân khai thác phục vụ cho ngành xây dựng.
1.3.4.2. Tài nguyên nước
Tài nguyên nước xã Bản Nguyên có 3 nguồn nước tự nhiên:
20
Nguồn nước mặt: Đây là nguồn nước dự trữ lớn trong mùa mưa cũng
như mùa khô và là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và
hoạt động kinh tế khác của nhân dân, tập trung ở các ao hồ, đầm, ngòi,…
Nguồn nước ngầm: xã Bản Nguyên chủ yếu sử dụng giếng khơi và một
số giếng khoan. Khả năng nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu nước sinh
hoạt cho nhân dân địa phương, nguồn nước ít bị ô nhiễm môi trường.
Nguồn nước tự nhiên: Là nguồn nước cung cấp bổ sung cho nông nghiệp.
Bản Nguyên nằm bên cạnh dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, với nguồn nước dồi
dào quanh năm thuận lợi cho việc tưới tiêu trong nông nghiệp.
1.3.5. Tiềm năng kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng
* Về sản xuất nông nghiệp:
Bản Nguyên là một xã thuần nông chủ yếu phát triển ngành nông
nghiệp, trồng trọt. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và công nghiệp
ngắn ngày như: cây ngô vụ đông trên đất hai lúa, đậu tương, lạc, bí đỏ,…
Cây lúa là cây trồng chủ đạo trong nông nghiệp, với diện tích 469,4 ha,
trong đó chủ yếu trồng giống lúa lai với năng suất bình quân đạt 59,63 tạ/ha,
sản lượng đạt 2.799 tấn.
Bên canh cây lúa, câu vụ đông cũng được chú trọng phát triển, đặc biệt
chú trọng việc trồng cây ngô đồng. Tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt
33.152,3 tỉ đồng (số liệu năm 2013)
* Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản, dịch vụ
ngành nghề:
Lao động trong lĩnh vực công nghiệp ngày càng phát triển, hiện nay có
516 lao động đang hoạt động tham gia sản xuất ở các khu công nghiệp ngoài
địa bàn xã; hoạt động sản xuất kinh doanh ở Công ty cổ phần Quỳnh Lâm
được duy trì tạo việc làm tại chỗ cho 30 công nhân với mức lương 3 triệu đến
4 triệu đồng/tháng. Tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, các ngành sản xuất đồ
mộc gia dụng, thợ cơ khí nhỏ, làm đậu, nấu rượu… có 510 lao động.
* Về sự nghiệp giáo dục:
21
Các trường thực hiện tốt kế hoạch năm học mới, chất lượng giáo dục
đại trà, giáo dục mũi nhọn được duy trì; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ
cho việc dạy và học ngày càng được quan tâm đầu tư. Hoạt động xã hội hóa
tiếp tục được đẩy mạnh; các cuộc vận động của ngành được thực hiện nghiêm
túc. Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ
cập giáo dục Trung học cơ sở, duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5
tuổi, duy trì chuẩn quốc gia trường tiểu học Bản Nguyên, đảm bảo 100% học
sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở. Đội ngũ giáo viên đảm bảo trình độ chuyên
môn, các trường đều đạt trường tiên tiến cấp huyện.
* Về y tế:
Đầu tư xây dựng trạm y tế, qua tìm hiểu thống kê hiện nay trạm y tế đã
được đầu tư 6 phòng bệnh, 1 nhà hộ sinh, 1 phòng khám bệnh cho nhân dân.
Đội ngũ cán bộ y tế xã Bản Nguyên hiện nay đã được tăng cường 1 bác sĩ, 4
y sĩ, 1 y tá, 1 dược tá. Đội ngũ cán bộ y tế ổn định và yên tâm công tác, cơ sở
vật chất phục vụ cho khám chữa bệnh đã được đầu tư đảm bảo.
Triển khai thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe
ban đầu cho nhân dân. Các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, phòng
chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng,
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện rộng rãi. Trong năm 2013
đã khám và điều trị cho 7056 lượt người, giữ vững tiêu chí chuẩn quốc gia
mức 1 về y tế.
* Về hệ thống đường giao thông:
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, chỉ có con đường chạy dọc
theo đê sông Hồng từ Việt Trì lên Phú Thọ, qua địa bàn của xã là tuyến chính,
giao lưu với bên ngoài, còn lại đường trong làng hầu hết là những lối mòn nhỏ
hẹp, dọc theo chân đê, bờ sông hoặc đi theo bờ ruộng, bờ mương quanh co,
khúc khuỷu, mùa nước ngập lụt có xóm phải bơi bằng thuyền. Việc vận
chuyển hàng hóa đi lại hết sức khó khăn.
Ngày nay, nhất là thời kỳ đổi mới, xã Bản Nguyên đã có hệ thống
đường giao thông khá thuận lợi, đường tỉnh lộ 324 được trải nhựa nối từ bờ
22
đê đầu xã qua Tứ Xã về Cao Xá, xuôi Việt Trì, hoặc ngược lên thị trấn Phong
Châu (huyện Phù Ninh). Đường đê sông Hồng được trải nhựa từ thành phố
Việt Trì qua Bản Nguyên lên thị xã Phú Thọ, đoạn qua xã dài khoảng 5 km
dưới sông là đường thủy, tàu thuyền liên tục ngược xuôi, đó là những con
đường huyết mạch nối liền sự giao lưu giữa các vùng miền với nhau. Trên địa
bàn xã còn có nhiều con đường đã được bê tông hóa, giúp cho người dân và
các phương tiện vận tải có thể đi đến từng ngõ xóm rất thuận tiện.
* Lĩnh vực thông tin truyền thông: xã Bản Nguyên đã có hệ thống đài
truyền thanh phát sóng FM, đã phát huy được hiệu quả trong công tác thông
tin tuyên truyền.
* Phương tiện thông tin nghe nhìn: có 309 máy điện thoại/9110 nhân
khẩu, bình quân 29,5 người/máy; số hộ có tivi là 2113 hộ/2225 hộ bằng 94,96%.
1.3.6. Tiềm năng văn hóa
Qua tìm hiểu lĩnh vực đời sống tinh thần: cũng như nhiều làng quê Việt
Nam khác, người dân xã Bản Nguyên có một số tục lệ truyền thống như thờ
thần linh, cúng tổ tiên, ăn tết nguyên đán, tết trung thu,…Ngoài ra còn có các
tục rước cỗ chay, chọi gà, kéo co, đánh cờ, hát xoan,… Xã Bản Nguyên có ba
khu di tích đó là: đình Á Nguyên, chùa Khánh Nghiêm, đền Quỳnh Lâm.
Những di tích trên đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Về tôn giáo, tín ngưỡng: Có khoảng 15% dân số Bản Nguyên có đời
sống tâm linh hướng Đạo Phật; khoảng 5% dân số theo đạo Công giáo. Hiện
nay trên địa bàn xã có 1 đình; 1 đền; 2 chùa; 1 ngôi miếu và 1 nhà nguyện.
Công tác văn hóa văn nghệ - Thông tin thể thao: Thực hiện tốt cuộc vận
động “toàn dân đàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Việc thực
hiện Quy ước văn hóa xã, Hương ước văn hóa khu dân cư, thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới xin, tang ma, mừng thọ và lễ hội được đa số nhân
dân thực hiện. Hiện địa bàn xã có 5/14 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư
văn hóa, trong đó: cấp huyện 3 khu, cấp xã 2 khu. Tổ chức quản lý hoạt động
các hoạt động tôn giáo và chỉ tạo tu tạo các khu di tích đảm bảo đúng quy
23
định của pháp luật. Toàn xã thực hiện tốt phong trào “toàn dân rèn luyện thân
thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các hoạt động văn nghệ kỷ niệm được duy trì,
toàn xã có hai câu lạc bộ thơ người cao tuổi hoạt động tốt, hai câu lạc bộ cầu
lông, một câu lạc bộ bóng chuyền… hoạt động lễ hội tại các khu di tích được
tổ chức tốt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiểu kết chương 1
Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam là một mảng đề tài rộng lớn,
thu hút nhiều cây bút của nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, tìm hiểu về biến đổi gia
đình của người Kinh khu vực trung du đồng bằng Bắc bộ thì vẫn là một vấn
đề mới. Khi tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã sử dụng phương
pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác xít để nhìn
nhận và phân tích đánh giá một cách khách quan, khoa học nhất. Luận văn
cũng lựa chọn cách tiếp cận của lý thuyết chức năng, lý thuyết tiếp biến văn
hóa và tiếp cận từ góc nhìn lịch sử - so sánh. Tuy nhiên trong luận văn chúng
tôi cũng chỉ tập trung đi sâu làm rõ một số khía cạnh nhất định. Ngoài ra luận
văn cũng làm rõ một số thuật ngữ, khái niệm về: gia đình, hộ gia đình, biến
đổi văn hóa,…để có thể triển khai đề tài chính xác, thiết thực nhất.
Bên cạnh đó, chương 1 cũng cung cấp một số thông tin giới thiệu địa
bàn nghiên cứu cụ thể - xã Bản Nguyên về các phương diện tổng thể: vị trí địa
lý, khí hậu, địa hình, nguồn tài nguyên, nhân lực, văn hóa xã hội,… nhằm đưa
ra cái nhìn toàn diện về địa bàn nghiên cứu được đề cập liên quan đến các vấn
đề được triển khai cụ thể ở những chương sau.
24
Chương 2
BIẾN ĐỔI CỦA CẤU TRÚC GIA ĐÌNH
2.1. Cấu trúc (quan hệ) hôn nhân
Hôn nhân là sự cam kết chung sống của hai người khác giới đã trưởng
thành. Bản chất của hôn nhân cũng là một loại cấu trúc (thiết chế) bổ sung
cho cấu trúc của gia đình. Có thể nói hôn nhân chính là sự khởi đầu, hình
thành nên gia đình.
Đối với người Việt Nam, hôn nhân là một sự kiện trọng đại nhất trong
cuộc đời mỗi con người. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mỗi cá
nhân mà còn có ý nghĩa đối với gia đình dòng họ.
Quan hệ hôn nhân được nghiên cứu và xem xét trên nhiều phương diện
khác nhau. Nhưng trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chủ yếu tập trung
đánh giá một số nội dung như: không gian địa lý của sự kết hôn, tuổi kết hôn,
sự quyết định trong hôn nhân và nơi ở sau kết hôn.
2.1.1. Biến đổi quan hệ hôn nhân
2.1.1.1. Không gian địa lý của sự kết hôn
Không gian địa lý của sự kết hôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: môi
trường xã hội, nghề nghiệp, quan niệm, khả năng giao lưu cá nhân,…Đối với
đồng bào người Kinh ở Bản Nguyên nói riêng và vùng trung du trong thời kỳ
trước Đổi mới, do địa bàn sinh sống tập trung trong các đơn vị làng xã nên ít
di chuyển ra bên ngoài. Đơn vị làng xóm mà đặc trưng của nó là tính tự trị,
người nông dân ít ra khỏi lũy tre làng. Có lẽ bị chi phối bởi điều đó nên việc
hôn nhân của nam nữ đa số cũng là kết hôn trong phạm vi làng xã, chủ yếu
trong cùng tộc người Kinh với người Kinh. Họ có những quan niệm rất
nghiêm ngặt buộc mọi người phải tuân thủ theo như:
“Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Con nào sứt mũi thì cho ra ngoài”
(Ca dao Việt Nam)
“Có con thì gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho”
(ca dao Việt Nam)
25