MỤC LỤC
2.1. Vài nét về đối tượng khảo sát.............................................................................................44
2.1.1. Địa bàn nghiên cứu......................................................................................................44
2.1.2. Đối tượng khảo sát......................................................................................................45
2.2.1. Thực trạng nhận thức của giáo viên về tổ chức TCĐK nhằm phát triển lời nói mạch lạc
cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non....................................................................................46
2.2.2. Thực trạng biện pháp tổ chức TCĐK nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi
ở trường mầm non................................................................................................................52
2.3.1. Xây dựng tiêu chí và thang đánh giá............................................................................58
2.3.2. Thực trạng mức độ biểu hiện lời nói mạch lạc của trẻ 5 - 6 tuổi ở trường mầm non
Hoa Hồng và cơ sở mầm non Hoa Phượng - Thành phố Bắc Ninh.........................................61
DANH MỤC CÁC BẢNG
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc tới
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi
trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban chủ nhiệm khoa, các thầy, cô giáo trong
khoa Giáo dục mầm non, trường Đại học sư phạm Hà Nội đã giảng dạy, tạo
mọi điều kiện cho tôi học tập và nghiên cứu.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban giám hiệu các trường mầm
non Hoa Hồng, trường mầm non Hoa Phượng và các giáo viên đã cộng tác,
giúp đỡ tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình tiến hành điểu tra thực trạng
cũng như thực nghiệm thành công.
Tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã quan tâm, động viên
giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Hà Nội, tháng 09 năm 2015
Tác giả
Vũ Thị Ánh Ngọc
2
DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT
TPVH
: Tác phẩm văn học
TCĐK
: Trò chơi đóng kịch
ĐC
: Đối chứng
TN
: Thực nghiệm
MN
: Mầm non
GDMN
: Giáo dục mầm non
3
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ngôn ngữ là sự sáng tạo kì diệu của con người, sự tuyệt vời của ngôn
ngữ là do ngôn ngữ ngay từ khi hình thành đã trở thành phương tiện giao tiếp
cơ bản nhất, hữu hiệu nhất của cả loài người. Hơn thế nữa, ngôn ngữ là công
cụ để tư duy, là chìa khóa vạn năng thông minh nhất để chúng ta mở kho
tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.
Tiếng nói là một phần quan trọng của ngôn ngữ, nhờ tín hiệu nói mà
con người khái quát được tất cả những gì mình tiếp nhận được bởi các cơ
quan cảm giác. Tiếng nói cho ta khả năng tách rời khỏi sự vật và sự kiện,
hiện tượng cụ thể. Sự phát triển quá trình thông tin bằng tiếng nói cho ta khái
quát hóa và trừu tượng hóa thành những khái niệm. Về vai trò của tiếng nói
dân tộc, Bác Hồ đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô
cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, tôn trọng nó” (Ngôn
ngữ và lí luận văn học).
Mục tiêu giáo dục mầm non là phát triển ở trẻ một số giá trị, nét tính
cách, phẩm chất và năng lực như mạnh dạn, tự tin, tự lực, sáng tạo, linh hoạt,
dễ hòa nhập, dễ chia sẻ, dễ hợp tác... tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia
vào cuộc sống, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1 và các bậc học sau có kết
quả. Bởi vậy giáo dục ngôn ngữ cho trẻ là vô cùng cần thiết và phải bắt đầu
ngay từ rất sớm.
Bước vào học Tiểu học là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của
trẻ, vì trẻ phải trải qua một lối sống mới với sự thay thế của hoạt động chủ
đạo từ vui chơi sang học tập. Đồng thời trẻ cũng chuyển qua một vị trí xã hội
mới của một người học sinh thực thụ. Sự thay đổi đó đòi hỏi trẻ phải có
những điều kiện tâm lý cần thiết đủ để trẻ có thể thích nghi bước đầu với các
4
điều kiện học tập có hệ thống ở phổ thông. Một trong những điều kiện tâm lý
hết sức quan trọng thỏa mãn những đòi hỏi mới đó chính là ngôn ngữ.
Hiện nay ở các trường Mầm non, trẻ 5 – 6 tuổi còn nhiều trẻ nói
ngọng, nói lắp, không diễn đạt được bằng lời suy nghĩ của mình một cách
mạch lạc... điều này dẫn đến việc tiếp thu bài và tham gia các hoạt động khác
ở lớp 1 chậm chạp, khó khăn, trẻ nhút nhát, sợ sệt, không tự tin, khó gia nhập
vào các mối quan hệ mới với cô và các bạn. Chính vì vậy việc phát triển lời
nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là một nhiệm vụ
vô cùng quan trọng và cần thiết.
Trò chơi đóng kịch là trò chơi đóng vai theo tác phẩm văn học, nhờ trí
tưởng tượng sáng tạo và cảm xúc của mình trẻ tái hiện lại tính cách nhân vật
trong tác phẩm văn học. Trong khi chơi TCĐK, trẻ phải thể hiện cử chỉ, điệu
bộ, nét mặt đặc biệt là lời nói để làm nổi bật tính cách nhân vật. Để có một
“vở kịch” trẻ phải thuộc nhuần nhuyễn lời thoại của mình và của bạn diễn,
khi đó không những vốn từ và khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển mà nó
còn giúp khả năng nói lưu loát, mạch lạc của trẻ được nâng cao. Đây là một
phương tiện hiệu quả phát triển lời nói mạch lạc cũng như góp phần giáo dục
toàn diện nhân cách cho trẻ em.
Tìm hiểu một số trường MN trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, chúng
tôi nhận thấy GVMN đã quan tâm và thực hiện tốt việc tổ chức TCĐK trong
hoạt động cho trẻ làm quen tác phẩm văn học. Tuy nhiên việc sử dụng
TCĐK trong giờ hoạt động vui chơi và một số hoạt động giáo dục khác ở
trường MN nhằm phát triển lời nói mạc lạc cho trẻ chưa được quan tâm đúng
mức. Đặc biệt việc giáo dục ngữ âm trong quá trình luyện tập kịch hay phát
huy tính tích cực giao tiếp của cô và trẻ khi tham gia các hoạt động chuẩn bị
cho việc biểu diễn kịch… chưa được chú trọng.
5
Xuất phát từ những lí do trên, luận văn lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tổ
chức trò chơi đóng kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6
tuổi ở trường Mầm non”.
2. Mục đích nghiên cứu
Tìm kiếm, đề xuất một số biện pháp tổ chức TCĐK nhằm phát triển lời
nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi góp phần phát triển nhân cách nói chung và
chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
3.1. Khách thể nghiên cứu
Quá trình tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho
trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi ở trường Mầm non.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Biện pháp tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc
cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường Mầm non.
4. Giả thuyết khoa học
Nếu đề xuất được một số biện pháp tổ chức TCĐK như: Lựa chọn kịch
bản hấp dẫn để tích cực hóa vốn từ cho trẻ, tăng cường rèn luyện khả năng
nhập vai chơi giúp trẻ thể hiện chính xác, biểu cảm tính cách nhân vật bằng
lời nói kết hợp với điệu bộ, cử chỉ, tạo điều kiện cho trẻ được trao đổi, bàn
bạc ý tưởng trang trí sân khấu, hóa trang để trẻ được giao tiếp với cô cùng
các bạn... thì sẽ phát triển tốt lời nói mạch lạc của trẻ.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Xây dựng cơ sở lí luận của biện pháp tổ chức trò chơi đóng kịch
nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi.
5.2. Khảo sát thực trạng thực hiện các biện pháp tổ chức trò chơi đóng
kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở các trường Mầm
non Bắc Ninh.
5.3. Đề xuất một số biện pháp tổ chức trò chơi đóng
kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi
6
ở trường mầm non và thực nghiệm.
6. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu
6.1. Nội dung nghiên cứu: Biện pháp tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát
triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non.
6.2. Địa bàn nghiên cứu: Một số trường mầm non ở thành phố Bắc Ninh,
tỉnh Bắc Ninh.
6.3. Khách thể nghiên cứu: 40 giáo viên và 60 trẻ 5 – 6 tuổi ở một số
trường MN trên địa bàn thành phố Bắc Ninh
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp nghiên cứu lí luận
Sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa các tài
liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu
7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
7.2.1. Phương pháp quan sát sư phạm
- Mục đích: Tìm hiểu biện pháp tổ chức TCĐK nhằm phát triển lời nói
mạch lạc của trẻ 5 – 6 tuổi trong các hoạt động học và hoạt động vui chơi
của trẻ ở trường mầm non.
- Cách thức thực hiện: Dự giờ, quan sát, lấy thông tin thu thập được
qua quan sát kết hợp ghi chép, đàm thoại, ghi âm, quay băng hình.
7.2.2. Phương pháp đàm thoại
- Mục đích: Để nắm được thực trạng biện pháp tổ chức TCĐK của
giáo viên và biểu hiện lời nói mạch lạc của trẻ.
- Cách thức thực hiện: Trao đổi với giáo viên về cách thực thực hiện
các biện pháp tổ chức TCĐK cho trẻ ở trường mầm non, nhằm phát hiện
thực trạng và biểu hiện lời nói mạch lạc của trẻ để làm rõ các thông tin thu
được từ phiếu hỏi.
7.2.3. Phương pháp điều tra bằng phiếu
- Mục đích: Tìm hiểu thực trạng biện pháp tổ chức TCĐK nhằm phát triển
lời nói mạch lạc cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non.
- Cách thức thực hiện: Xây dựng phiếu hỏi và phát phiếu cho các giáo
7
viên đang dạy lớp mẫu giáo 5-6 tuổi.
7.2.4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm
Phân tích, tổng hợp các bài viết, bài báo, các đề tài trên các tập san, kỷ
yếu... có liên quan đến đề tài.
7.2.5. Phương pháp trắc nghiệm
- Mục đích: Đo biểu hiện lời nói mạch lạc của trẻ trước và sau thực
nghiệm nhằm khẳng định hiệu quả của thực nghiệm.
- Cách thức thực hiện: Cho trẻ thực hiện lần lượt các bài tập đã xây
dựng trong điều kiện môi trường tâm lí và vật chất như nhau. Áp dụng bài
tập đo biểu hiện lời nói mạch lạc để điều tra thực trạng, “đo đầu” và “đo
cuối” thực nghiệm.
7.2.6. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
- Mục đích: Nhằm kiểm chứng hiệu quả của các biện pháp đề xuất.
- Cách thức thực hiện: Tiến hành TN một số biện pháp tổ chức TCĐK
đã đề xuất đối với nhóm trẻ TN. Còn nhóm ĐC giữ nguyên không tác động,
sau đó so sánh kết quả của nhóm TN với nhóm ĐC và rút ra kết luận.
7.3. Phương pháp xử lí số liệu
Luận văn sử dụng một số các công thức toán thống kê: tín tỉ lệ %, tính giá
trị trị trung bình, độ lệch chuẩn ... để lượng hoá kết quả nghiên cứu.
8. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo, phụ lục,
luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận của việc tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát
triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non.
Chương 2: Thực trạng biện pháp tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát
triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở một số trường mầm non thành phố
Bắc Ninh
Chương 3: Đề xuất và thực nghiệm một số biện pháp tổ chức trò chơi đóng
kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non
8
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC TỔ CHỨC TRÒ CHƠI ĐÓNG KỊCH
NHẰM PHÁT TRIỂN LỜI NÓI MẠCH LẠC CHO TRẺ 5 – 6 TUỔI
Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Nghiên cứu về tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát triển lời nói
mạch lạc của trẻ ở nước ngoài
Lời nói giúp con người thực hiện chức năng giao tiếp, biểu hiện cảm xúc,
tình cảm của mình với người khác. Lời nói mạch lạc là lời nói đạt được hiệu
quả giao tiếp cao, khẳng định một con người có văn hóa. Đã có rất nhiều nhà
giáo dục trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra những phương pháp phát triển
lời nói mạch lạc cho trẻ mầm non trong đó có trò chơi đóng kịch.
Tác giả M.K.Bogoliupxkaia, V.V.Septsenkô đã bàn về nghệ thuật đọc diễn
cảm những TPVH trên sân khấu góp phần giáo dục chính trị và văn hóa cho
quần chúng. Nghệ thuật này rất gần với nghệ thuật đóng kịch nhờ có những
phương tiện hòa nhạc, phát thanh, truyền hình... mà lời nói đi sâu vào tâm
hồn khán giả và vang xa đi khắp mọi miền đất nước. Cũng trong cuốn “Kể
chuyện văn học ở vườn trẻ” tác giả đã khẳng định ý nghĩa của TCĐK như là
một phương tiện giáo dục nhiều mặt. Từ đó tác giả đã đưa ra các bước tổ
chức, hướng dẫn trẻ chơi đóng kịch nhằm giúp trẻ đến với TCĐK một cách
hứng thú, tự nhiên, thúc đẩy ở trẻ niềm đam mê, yêu thích văn học, phát triển
lời nói.[28]
Nhà giáo dục người Nga N.A. Lêônchiép đã coi “trò chơi đóng kịch là
một hình thức quá độ sang hoạt động thẩm mĩ, hoạt động nghệ thuật”. Như
vậy, ở trường mầm non, nhiệm vụ làm cho trẻ yêu kịch, ham thích tham gia
đóng kịch là quan trọng.[5]
Tác giả A.I.Xôrôkina trong tác phẩm “Giáo dục học mẫu giáo” cũng đã
đưa ra một số biện pháp hướng dẫn trẻ chơi TCĐK như: Giáo viên lựa chọn
9
TPVH có ý nghĩa giáo dục, giúp trẻ nhớ nội dung câu chuyện, cô cho nhiều
trẻ tham gia và tổ chức một vài nhóm chơi cùng một lúc, sử dụng trang phục
phù hợp.[43]
Ph.A.Sôkhin cho rằng, phát triển lời nói mạch lạc của trẻ mẫu giáo bao
gồm việc giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt của giáo dục tiếng mẹ đẻ, đó là:
Phát triển vốn từ và đặc biệt là kĩ năng sử dụng từ ngữ để diễn đạt ý nghĩ một
cách rõ ràng, ngắn gọn và chính xác; Hình thành cấu trúc ngữ pháp; Giáo
dục ngữ âm. Từ đó, tác giả cũng đưa ra các biện pháp khác nhau để thực hiện
nhiệm vụ như: “Kể lại chuyện theo TPVH”, “kể chuyện theo tranh”, “kể
chuyện theo đồ chơi”, “kể chuyện theo kinh nghiệm”, “dựng chuyện”. [26]
E.I.Tikheeva đã nghiên cứu và đưa ra các biện pháp phát triển ngôn ngữ nói
cho trẻ mẫu giáo, đó là: “Nói chuyện với các em, “giao nhiệm vụ cho các
em”,”đàm thoại”, “kể chuyện”, “đọc truyện”, “thư từ”, “học thuộc lòng thơ ca”.
Những biện pháp phát triển lời nói mạch lạc mà hai tác sử dụng rất gần với
trò chơi đóng vai theo TPVH cụ thể là TCĐK của trẻ ở trường mầm non.[34]
Bên cạnh những công trình nghiên cứu của tác giả người Nga, nghiên
cứu về TCĐK của các tác giả Anh gồm: Elanna S.Yalow và Judith Harries
đã nhấn mạnh đến vai trò của TCĐK đối với sự phát triển toàn diện của trẻ
nhỏ. Đặc biệt, Judith Harries cho rằng: “TCĐK và kĩ năng cho phép trẻ em
“diễn đạt và giao tiếp” ý tưởng của mình một cách giàu trí tưởng tượng và
sáng tạo thú vị. Thế giới của kịch và trò chơi nhập vai có thể cung cấp một
phương thức quan trọng cho sự phát triển trí tưởng tượng và trò chơi có tính
tưởng tượng”. “Diễn đạt và giao tiếp” là những tiêu chí quan trọng trong lời
nói mạch lạc của trẻ.
1.1.2. Nghiên cứu về tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát triển lời nói
mạch lạc của trẻ ở ở Việt Nam
Kế thừa những công trình nghiên cứu về TCĐK nhằm phát triển lời nói
mạch lạc cho trẻ của các tác giả nước ngoài, hầu hết các tác giả Việt Nam
10
đều thống nhất và khẳng định vai trò của TCĐK trong việc phát triển ngôn
ngữ nói chung và lời nói mạch lạc cho trẻ mẫu giáo nói riêng.
Tác giả Nguyễn Thị Hòa trong cuốn giáo trình “Giáo dục học mầm non”
cũng khẳng định TCĐK góp phần thúc đẩy sự phát triển tư duy và đem lại
giá trị thẩm mĩ cao đẹp cho trẻ. Tác giả viết: Bằng ngôn ngữ của nhân vật
trong tác phẩm, khi chơi TCĐK giúp trẻ nắm được ngôn ngữ dân gian có nội
dung phong phú và đầy sức diễn cảm. Từ đó giúp trẻ cảm thụ được sự giàu
có của ngôn ngữ, nắm được phương tiện thể hiện ngôn ngữ, lĩnh hội được sự
phong phú của tiếng mẹ đẻ. Thông qua trò chơi còn giúp trẻ hiểu được chân,
thiện, mĩ, từ đó bồi dưỡng cho trẻ có tâm hồn thanh cao, có lòng nhân ái, bao
dung. Từ ý nghĩa to lớn đó tác giả đã đưa ra các điều kiện và cách hướng dẫn
trẻ chơi đóng kịch. Tác giả đặc biệt chú ý nhắc nhở giáo viên khi tổ chức cho
trẻ chơi TCĐK cần duy trì ở trẻ cảm xúc tốt đẹp, và thái độ đúng đắn với tác
phẩm cũng như bạn chơi... để tạo cho trẻ tâm trạng vui vẻ, mang theo dư âm
tốt lành về trò chơi vừa chơi xong.[8]
Trong cuốn “Giáo dục học mầm non” của tác giả Phạm Thị Châu đã đưa
ra yêu cầu khi hướng dẫn trẻ mẫu giáo chơi TCĐK như cô hướng dẫn trẻ
chọn chủ đề chơi, phân vai chơi, giúp trẻ nhớ lại nội dung câu chuyện, dựng
sân khấu, cô giáo không cần tham gia vào trò chơi mà cần chú ý quan sát,
giúp đỡ trẻ khi cần thiết.[2]
Tác giả Lương Kim Nga, Phùng Hữu Kiếm trong cuốn “Trò chơi đóng
vai theo TPVH trong trường mẫu giáo – nhà trẻ”khẳng định vai trò giáo dục
to lớn của trò chơi đóng vai theo TPVH đối với trẻ mầm non, trong đó có
giáo dục phát triển ngôn ngữ. Từ đó nhóm tác giả đưa ra các bước tiến hành
TCĐK rất tường minh và rõ ràng gồm 3 bước: chuẩn bị, luyện tập và tổ chức
biểu diễn. Đồng thời tác giả cũng giới thiệu một số kịch bản được chuyển thể
từ TPVH. Đây là tài liệu rất bổ ích và thiết thực cho giáo viên mầm non
11
trong quá trình giáo dục giúp trẻ làm quen với TPVH.[20]
Tác giả Hà Nguyễn Kim Giang trong cuốn “Phương pháp cho trẻ làm
quen với TPVH” và cuốn “Phương pháp kể sáng tạo truyện cổ tích thần kì
cho trẻ mẫu giáo” đã nghiên cứu và đưa ra một quy trình tổ chức TCĐK, đề
cập đến vai trò của TCĐK trong giáo dục toàn diện cho trẻ đặc biệt là trong
lĩnh vực lời nói và thẩm mĩ, tác giả viết: chính những yêu cầu đặt ra trong
suốt quá trình chơi đòi hỏi trẻ phải phát huy cao độ sự hoạt động của các
chức năng tâm lí như lời nói, tưởng tượng, trí nhớ, tư duy... Nó giúp trẻ tích
lũy kinh nghiệm sống qua trải nghiệm các nhân vật trong tác phẩm, nó ảnh
hưởng trực tiếp tới sự phát triển lời nói và sự phát triển xúc cảm, tình cảm
thẩm mĩ ở trẻ. Qua TCĐK trẻ lĩnh hội được lời nói giàu hình ảnh, học được
giọng nói diễn cảm, rõ ràng...[4], [5]
Tác giả Đinh Văn Vang trong cuốn giáo trình “Tổ chức hoạt động vui
chơi cho trẻ mầm non” đã nghiên cứu kĩ lưỡng về TCĐK từ khái niệm – đặc
điểm ý nghĩa, từ đó đưa ra các bước tiến hành tổ chức TCĐK rất cụ thể. Tác
giả khẳng định trong suốt quá trình chơi TCĐK trẻ phải huy động các chức
năng tâm lí như ngôn ngữ, trí nhớ, óc tưởng tượng, tư duy, xúc cảm..để thể
hiện tính cách nhân vật. Do vậy mà các chức năng tâm lí cũng như ngôn ngữ
của trẻ cũng được phát triển. Cũng trong cuốn giáo trình, tác giả đưa ra một
số kịch bản được chuyển thể từ những câu chuyện rất gần gũi và thân thuộc
với trẻ trong chương trình giáo dục mầm non.[40]
Giáo trình “Phương pháp cho trẻ mầm non làm quen với TPVH” của Lã
Thị Bắc Lý – Lê Thị Ánh Tuyết đề cập đến TCĐK trên phương diện đưa ra
các tiêu chí lựa chọn TPVH đề chuyển thể sang TCĐK cho trẻ và các bước
tiến hành tổ chức TCĐK theo TPVH. Trong cuốn này tác giả cũng khẳng
định TCĐK là một trong những hình thức giúp trẻ tiếp nhận tác phẩm một
cách hiệu quả, đồng thời giúp trẻ phát triển nhân cách về nhiều mặt, nhất là
12
phát triển lời nói.[17]
Luận án Tiến sĩ “Các biện pháp phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ mẫu
giáo lớn (5 – 6 tuổi)” của tác giả Nguyễn Thị Oanh đã nghiên cứu kĩ lưỡng
về lời nói mạch lạc của trẻ mẫu giáo, từ đó đề xuất 9 biện pháp tác động
nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi. Cũng trong luận án, tác
giả khẳng định trò chơi diễn kịch là phương tiện để phát triển ngữ âm rất tốt
cho trẻ 5 – 6 tuổi. Trong quá trình chơi đóng kịch, để thực hiện được vai chơi
của mình, trẻ chủ động sử dụng lời nói để diễn đạt những sắc thái tình cảm
khác nhau như: vui sướng, tự hào, lo lắng, buồn rầu, dịu dàng, giận dữ...
[26]. Phát triển ngữ âm là một trong những nhiệm vụ phát triển lời nói mạch
lạc cho trẻ, đây là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi triển khai đề tài này.
Kế thừa và phát huy những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước các
tác giả: Hoàng Thị Trà Mi với “Một số biện pháp hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5
– 6 tuổi nhập vai sáng tạo trong TCĐK”, Nguyễn Thị Thu Huyền với “Một
số biện pháp giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua tổ chức luyện
tập nhập vai chơi đóng kịch dựa theo TPVH”, Hoàng Thị Phương với “Một
số biện pháp hướng dẫn trò chơi đóng kịch nhằm phát triển lời nói mạch lạc
cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi” ,đã đóng góp và làm phong phú thêm về cơ sở lí
luận và thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ thông qua TCĐK ở các
trường mầm non hiện nay.
Tóm lại, qua nghiên cứu các công trình của các tác giả trong và ngoài
nước chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển lời nói mạch lạc
và vai trò to lớn của TCĐK đối với trẻ mẫu giáo trong giáo dục nói chung và
trong phát triển lời nói mạch lạc nói riêng. Những nghiên cứu này tạo một
nền tảng vững chắc cho chúng tôi nghiên cứu việc tổ chức trò chơi đóng kịch
nhằm phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non.
13
1.2. Lý luận về tổ chức TCĐK cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường Mầm non
1.2.1. Khái niệm, bản chất, đặc điểm của trò chơi đóng kịch
1.2.1.1.Khái niệm TCĐK
- Theo tác giả Xorokina, M.K.Bogoliupxkaia thì: TCĐK là trò chơi trong
đó các em chỉ biểu diễn những chủ đề có sẵn. Đặc điểm của trò chơi này là ở
chỗ dựa vào chủ đề của một câu chuyện cổ tích hoặc của một truyện ngắn
các em đóng những vai nhất định nào đó và tái hiện lại mọi sự kiện theo
trình tự của chúng.
- Tác giả Lương Kim Nga, Phùng Hữu Kiếm định nghĩa: Trò chơi đóng
vai theo TPVH (còn được gọi là TCĐK) là một nội dung của hoạt động vui
chơi trong trường mẫu giáo. Tuy vậy, nó không đơn thuần là trò chơi mà còn
là hoạt động mang tính chất nghệ thuật. Ngược lại nó không chỉ là hoạt động
nghệ thuật mà còn là trò chơi. Hai yếu tố này kết hợp chặt chẽ trong nội
dung cũng như trong quá trình tổ chức vui chơi, kích thích trẻ hoạt động tích
cực trong suốt cuộc chơi.
- Tác giả Đinh Văn Vang trong cuốn giáo trình “Tổ chức hoạt động vui
chơi cho trẻ mầm non” nêu khái niệm TCĐK như sau: TCĐK là trò chơi
đóng vai theo TPVH (truyện ngụ ngôn, cổ tích, thần thoại...) nhờ trí tưởng
tượng sáng tạo và cảm xúc của mình trẻ tái hiện lại tính cách nhân vật trong
TPVH. Để tham gia trò chơi này trước hết trẻ phải cảm thụ được TPVH, nắm
được cốt truyện, tính cách nhân vật. Trên cơ sở đó tái hiện lại tính cách nhân
vật theo một kịch bản. Do vậy trò chơi này phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo,
khi mà vốn sống, lời nói của trẻ đã khá phát triển.
Từ những khái niệm trên chúng ta có thể hiểu: TCĐK là trò chơi đóng vai
theo TPVH của trẻ mẫu giáo ở trường mầm non. TCĐK mang tính nghệ
thuật cao nhưng vẫn là trò chơi của trẻ nên nó mang đầy đủ những tính chất
của trò chơi là trẻ được vui vẻ, thoải mái thể hiện cảm xúc chân thực mà trẻ
14
cảm nhận được trong TPVH được thỏa thuận vai chơi, được sáng tạo theo ý
thích của mình.
1.2.1.2.Bản chất của TCĐK
Bản chất của TCĐK của trẻ ở trường mầm non là trẻ tái tạo, mô phỏng lại
các nhân vật theo một tác phẩm văn học có sẵn. [8;tr182]
Nội dung của TPVH sẽ xác định thành phần trẻ tham gia trò chơi, lời nói
của các nhân vật và trình tự diễn ra câu chuyện đó. Điều này một mặt giúp
trẻ dễ dàng hơn khi chơi, nội dung chơi có sẵn, quan hệ giữa các nhân vật
trong trò chơi đã được định trước và xác định những hành động của nhân vật
trong khi chơi. Mặt khác, điều quan trọng trong trò chơi này là các nhân vật
được miêu tả, phản ánh y hệt như chúng vốn có trong tác phẩm cũng với tất
cả những nét đặc trưng của họ trong hành vi, lời nói. Nếu làm khác đi thì
TCĐK sẽ không còn nữa.
1.2.1.3. Đặc điểm của TCĐK
TCĐK là loại trò chơi có chủ đề, có vai chơi, nội dung chơi, nhưng nội
dung chơi, vai chơi, hành động chơi được xác định trước trong TPVH (chứ
không phải do trẻ tự nghĩ ra). Có thể nói đây là một biến thể của trò chơi
đóng vai theo chủ đề. Tính sáng tạo của trẻ được thể hiện ở cử chỉ, điệu bộ,
nét mặt, lời nói... làm nổi bật tính cách nhân vật của TPVH chứ không làm
sai lệch tính cách nhân vật (nhân vật tốt, đáng yêu trở nên tốt hơn, đáng yêu
hơn; nhân vật xấu xa, đáng ghét trở nên xâu xa hơn, đáng ghét hơn)
TCĐK là một loại trò chơi mang tính nghệ thuật. Tuy nhiên nó không
phải là một hoạt động nghệ thuật mà chỉ là trò chơi. Tính nghệ thuật và tính
chất chơi là hai yếu tố kết hợp chặt chẽ với nhau trong nội dung chơi cũng
như quá trình tổ chức trò chơi.
Yếu tố nghệ thuật trong TCĐK được thực hiện trước tiên là ở kịch
bản, đó là yếu tố trung tâm, giữ vai trò nòng cốt trong nghệ thuật kịch. Có
15
thể nói, thành công của vở diễn phải bắt đầu từ kịch bản (kịch bản chuyển
thể có hấp dẫn hay không, có làm nổi bật tính cách nhân vật hay không, có
phù hợp với khả năng của trẻ hay không...). Kịch bản vừa đề xuất nội dung
vở kịch vừa là phản ánh, vừa là chương trình kế hoạch sẽ được thực hiện
biểu diễn trên sân khấu. Vì vậy, việc chuẩn bị kịch bản có ý nghĩa nhất định
đối với thành công của các cuộc biểu diễn nghệ thuật và cả những cuộc chơi
đóng vai theo TPVH.
Hình tượng nghệ thuật kịch hiện ra trước mắt người xem và tác động
đến họ dưới hình thức một mảng cuộc sống với những con người, những
cảnh vật cụ thể sinh động. Tính chất sinh động như đời thực của hình tượng
kịch là kết quả tổng hợp nhiều hoạt động của tác giả kịch bản, diễn viên, họa
sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa... đó là sự hòa trộn phối hợp
của nhiều loại hình nghệ thuật mà đối với trẻ em điều đó là rất cần thiết.
Trong TCĐK tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật như tạo hình, âm
nhạc, múa... càng phải yêu cầu cao hơn vì khi chơi TCĐK nếu chỉ thực hiện
các vai bằng lời nói và hành động thì vở kịch sẽ bị nhạt và giảm bớt đi nhiều
hiệu quả truyền cảm, lúc đó đóng kịch cũng chỉ là một cách kể chuyện kèm
theo động tác và có đối thoại mà thôi. Bởi vậy, ngoài việc tìm kiếm một kịch
bản văn học hay còn cần phải hỗ trợ thêm bằng những bài hát, điệu múa,
cảnh vật được trang trí, hóa trang, đạo cụ... do các loại hình nghệ thuật khác
tạo nên. Đặc biệt, múa hát là yếu tố hết sức cần thiết không thể thiếu được.
Đối với trẻ mẫu giáo, việc sử dụng các ca cảnh vào TCĐK rất phù hợp với
đặc điểm tâm lý của trẻ. Những bài hát, điệu múa trong ca cảnh thường có
sức lôi cuốn mạnh mẽ vào vở diễn, làm cho trẻ dễ dàng bộc lộ nội tâm của
nhân vật, giúp trẻ nhập tâm và nhớ lâu nội dung của kịch bản lại là dịp để trẻ
thể hiện sự đồng cảm của mình với nhân vật trong kịch cũng như sự đồng
cảm thân thiết với nhau giữa người diễn và người xem.
16
Nhân vật trong TCĐK có thể là người, có thể là con vật, cảnh vật được
nhân cách hóa với những phẩm chất tính cách nổi bật như hiền hoặc ác,
nhanh hay chậm, khiêm tốn hoặc kiêu căng, nhút nhát hay dũng cảm, tham
lam hay tốt bụng... Để làm nổi bật tính cách nhân vật trẻ phải sử dụng lời
nói, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt... nhằm “hóa thân” vào nhân vật để truyền cảm
tới “khán giả”, gợi nên ở “khán giả” những suy nghĩ, thái độ phù hợp. Việc
nhập vai trong TCĐK không diễn ra một cách tự nhiên tùy thuộc vào tình
huống chơi mà phải tuân thủ một kịch bản văn học nhất định. Do vậy để
nhập được vai trẻ phải trải qua một quá trình “lao động nghệ thuật”: tập
luyện trước khi biểu diễn giống như một nghệ sĩ.
Yếu tố nghệ thuật đã làm cho TCĐK trở thành một hoạt động mang
tính nghệ thuật của trẻ. Những TCĐK đối với trẻ mẫu giáo, dù có mang tính
nghệ thuật đến đâu thì nó cũng chỉ là một trò chơi, yếu tố chơi trong đó phải
được thể hiện rõ ràng. Không nên biến trò chơi này thành một hoạt động
nghệ thuật thuần túy, lại càng không nên biến trẻ trở thành những diễn viên
chuyên nghiệp cho dù những trẻ đó tỏ ra có năng khiếu đến đâu.
Yếu tố chơi được thể hiện trước tiên ở chỗ trong khi chơi trẻ phải
được vui thích tự nguyện, thoải mái do sức hấp dẫn của chính trò chơi.
Trong thực tế phần lớn trẻ chỉ thích đóng vai nhân vật tốt, trẻ trung, giỏi
giang chứ không thích đóng vai xấu xí, độc ác, kém cỏi. Do vậy cô giáo cần
động viên khích lệ trẻ không chỉ đóng vai người tốt, việc tốt mà cần phải
đóng cả vai xấu xí, độc ác, kém cỏi nữa thì mới vui được. Dù trong trường
hợp nào đi nữa thì cũng không nên cưỡng ép trẻ phải đóng vai nào đó mà trẻ
không thích. Việc nhập vai diễn, cộng với việc ca hát nhảy múa khiến trẻ rất
vui thích và hứng thú khi tham gia trò chơi. Tuy nhiên để duy trì được sự vui
thích và thoải mái đó đòi hỏi người lớn (giáo viên) cần tổ chức và hướng dẫn
một cách khéo léo để lôi cuốn trẻ vào cuộc chơi một cách hứng thú. Trong
nhiều trường hợp, cô cần nhận vai mà trẻ không thích để thể hiện đúng yêu
17
cầu của kịch bản. Khi ấy cô cần thể hiện vai diễn thật ấn tượng để khích lên
trẻ tự nguyện nhập vai trong những lần chơi tiếp theo. Việc người lớn vào
vai cùng trẻ trong các TCĐK đem lại hiệu quả rất cao, gây cho trẻ nhiều điều
thú vị và càng làm nổi rõ tính chất chơi hơn. Vì người lớn lúc này giống như
trẻ em, mà trong khi chơi thì quan hệ giữa các thành viên là bình đẳng. Ở
đây không có người “lãnh đạo” và người “bị lãnh đạo”. Tất nhiên việc người
lớn vẫn đóng vai trò là người hướng dẫn và tổ chức nhưng làm sao cho khéo
léo, kín đáo để giữ được không khí vui tươi, thoải mái trong cuộc chơi. Việc
nhập vai cùng với trẻ lại là điều kiện thuận lợi để người lớn hướng dẫn trẻ
chơi một cách dễ dàng.
Để TCĐK mang tính chất chơi thực sự, việc hướng dẫn tổ chức cho
trẻ chơi cần giữ được tính hồn nhiên, ngộ nghĩnh của trẻ thơ. Tính hồn nhiên
ngộ nghĩnh đó phải được thể hiện ở cả lời nói, điệu bộ, trang phục, hóa trang,
sân khấu, âm nhạc, bài hát... TCĐK được trẻ em quan niệm như “một màn
biểu diễn” làm trẻ rất thích thú. Trong khi chơi trẻ cố gắng tái hiện lại hình
tượng của truyện cổ tích đáng yêu và các nhân vật trong truyện trẻ em, trẻ
cảm thấy vui mừng, xúc động. Do vậy, không nên biến trẻ thành diễn viên
thực sự mà coi trẻ khác chỉ là người xem thụ động, như vậy sẽ mất đi tính
chất của trò chơi.
Với cách hiểu TCĐK vừa là trò chơi, vừa là nghệ thuật kịch, vừa
mang tính chất thực, vừa mang tính chất chơi đặc điểm đó hoàn toàn phù hợp
với trẻ mẫu giáo. Do đó TCĐK được trẻ tiếp nhận một cách tích cực và đầy
hứng thú. Loại trò chơi này cần được chú ý tổ chức thường xuyên và khích lệ
nhiều trẻ tham gia.
1.2.2. Ý nghĩa – vai trò của TCĐK đối với sự phát triển lời nói mạch lạc
của trẻ 5 – 6 tuổi
TCĐK có ý nghĩa rất quan trọng đối với trẻ mẫu giáo và đặc biệt là trẻ 5 –
6 tuổi. Khi chơi TCĐK trẻ được đóng vai các nhân vật trong tác phẩm, trẻ
18
được trải nghiệm những xúc cảm, thấm thía hơn những điều xảy ra với các
nhân vật trong tác phẩm, trẻ dễ dàng nắm được nội dung, ý nghĩa của tác
phẩm, nắm được tính lôgic, tính liên tục và phát triển, ước chế của các sự
kiện... tất cả những điều đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển tư duy,
khả năng cảm thụ TPVH một cách sâu sắc.
Khi chơi đóng kịch, trẻ thể hiện bằng lời nói của nhân vật trong tác phẩm
(đặc biệt là các nhân vật trong truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, thần thoại...)
giúp trẻ nắm được ngôn ngữ dân gian có nội dung phong phú và đầy sức
biểu cảm từ đó giúp trẻ cảm thụ được sự giàu có của lời nói , nắm được
phương tiện để thể hiện lời nói, lĩnh hội được cái hay, cái đẹp, sự phong phú
của tiếng mẹ đẻ. Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển
lời nói của trẻ.
TCĐK giúp trẻ rèn luyện và phát triển ngôn ngữ rất hiệu quả đặc biệt là
lời nói mạch lạc và ngôn ngữ nghệ thuật. Để tham gia vào TCĐK đòi hỏi trẻ
phải có một khả năng ngôn ngữ nhất định, trẻ phải biết lắng nghe và cùng
tham gia vào thảo luận với giáo viên và các bạn để lên kể hoạch tổ chức trò
chơi, phân vai chơi, dựng bối cảnh, luyện tập lời thoại... từ đó khả năng ngôn
ngữ của trẻ được bồi dưỡng và phát triển. Khi chơi đóng kịch ngoài việc phải
nói bằng lời nói của nhân vật trẻ còn phải biểu cảm qua nét mặt, cử chỉ điệu
bộ... để tạo được thành một thể thống nhất đòi hỏi tư duy của trẻ phải tốt,
cộng với khả nói lưu loát, mạch lạc... qua đó trẻ làm giàu thêm vốn ngôn ngữ
dân gian cho bản thân mình, cảm nhận được sự giàu có của ngôn ngữ, lĩnh
hội sự phong phú của tiếng mẹ đẻ.
TCĐK có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, là phương tiện
giáo dục toàn diện hiệu quả, tốt nhất về mặt đạo đức, trí tuệ, lời nói, thẩm
mĩ... đặc biệt trò chơi còn phát triển ở trẻ tính độc lập, sáng tạo, trí tưởng
tượng, tính tích cực cá nhân. Trò chơi mang đến cho trẻ niềm vui, sự thích
19
thú, lòng say mê và để lại những dấu ấn tuyệt vời lắng sâu trong tâm hồn và
trở thành những kí ức đẹp đẽ trong tuổi thơ của trẻ.
Maxim Gooki đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của trò chơi với trẻ em:
“trò chơi là con đường dẫn trẻ em đến chỗ nhận thức được cái thế giới ở
trong đó các em đang sống, cái thế giới mà các em có sứ mệnh phải cải
tạo”. Trong các loại trò chơi thì TCĐK có vai trò quan trọng với sự phát
triển lời nói mạch lạc của trẻ 5 – 6 tuổi.
Khi chơi đóng kịch, trẻ nói bằng ngôn ngữ của nhân vật trong tác
phẩm (đặc biệt các nhân vật của truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại) giúp trẻ
nắm được ngôn ngữ dân gian có nội dung phong phú và đầy sức diễn cảm, từ
đó giúp trẻ cảm nhận được sự giàu có của ngôn ngữ, nắm được phương tiện
thể hiện ngôn ngữ, lĩnh hội được sự phong phú của tiếng mẹ đẻ. Tất cả
những điều này ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển lời nói (vốn từ vựng, kĩ
năng sử dụng từ ngữ, ngữ âm,...) của trẻ.
TCĐK trước hết phải có kịch bản mà kịch bản cho trò chơi đóng kịch
là TPVH đã được chuyển thể sang kịch bản. Một kịch bản bao giờ cũng có
cốt truyện kịch, nhân vật kịch, ngôn ngữ kịch, hành động kịch và xung đột
kịch. Kịch bản này là một văn bản hoàn chỉnh nó thể hiện đầy đủ các yếu tố
của tính mạch lạc: Chủ đề tập trung, triển khai chủ đề logic, biết sử dụng các
hình thức liên kết, lời nói có sắc thái biểu cảm. Đối với trẻ mẫu giáo thông
qua TCĐK trẻ học được cách giao tiếp tốt, rèn luyện lời nói mạch lạc qua
hình thức lời nói đối thoại nhất vì trò chơi này đã đáp ứng đầy đủ các nguyên
tắc hội thoại như: nguyên tắc luân phiên lượt lời, nguyên tắc liên kết hội
thoại, nguyên tắc cộng tác, nguyên tắc thể diện, nguyên tắc khiêm tốn. Khi
tham gia trò chơi không phải trẻ thích nói gì thì nói, thích nói giờ nào thì nói
mà trẻ phải tuân thủ theo kịch bản, khi nào thì lắng nghe người khác khi nào
thì mình được nói và khi nói thì thái độ nét mặt, cử chỉ của mình phải phù
20
hợp với hoàn cảnh, nhân vật mà mình đang đảm nhiệm. TCĐK đã giúp trẻ
rèn luyện khả năng hội thoại có hiệu quả cao nhất. Có thể những quy tắc hội
thoại cô giáo vẫn thường nhắc nhở hằng ngày như: Khi bạn nói thì trẻ phải
nghe bạn nói, bạn nói xong mình mới được nói không được chen ngang,
cướp lời bạn nhưng trẻ có thể không chú ý lắm. Nhưng khi tham gia trò chơi
trẻ phải thực hiện các luật chơi một cách tự giác. Những quy định này giúp
trẻ biết tôn trọng và lắng nghe bạn nói cũng như biết diễn đạt cho bạn hiểu
lời nói của mình. Trong khi đảm nhận một vai nào đó trẻ phải “hóa thân” vào
vai đó từ hành động đến lời ăn tiếng nói, lúc này trẻ thực sự tư duy xem cần
thể hiện nhân vật đó như thế nào cho có hồn. Trẻ đóng vai các nhân vật trong
truyện và thông qua đó trẻ thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình. Như vậy,
TCĐK có thể được tiến hành như một hoạt động sáng tạo tự lực. Trẻ có thể
chơi đóng kịch theo truyện đã biết và trong khi chơi có thể thêm tình tiết mới
cho phù hợp với nội dung (không được làm khác hẳn nội dung).
Ngôn ngữ trong trò chơi đóng kịch dành cho trẻ mẫu giáo chủ yếu dựa
vào ngôn ngữ của chính TPVH ấy. Nhưng khi chuyển thể TPVH sang kịch
bản cần chú ý ngôn ngữ TPVH là viết ngôn ngữ viết, ngôn ngữ gián tiếp còn
ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nói, ngôn ngữ trực tiếp, ngôn ngữ hành động. Vì
vậy cần có sự dung hợp hài hòa giữa ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ hội
thoại, khẩu ngữ tự nhiên. Nói chung ngôn ngữ kịch phải có tính hành động,
tính khẩu ngữ, tính hàm xúc, tính tổng hợp, và đặc biệt là phải phù hợp với
thể loại tác phẩm và tính cách nhân vật. Với ngôn ngữ nhân vật, nhân vật nào
phải theo đúng lời ăn tiếng nói của nhân vật ấy, nói cách khác ngôn ngữ phải
được tính cách hóa. Khi biên soạn, nên chọn ra giọng điệu, cách nói riêng
cho từng nhân vật. Khi viết lời thoại cho các nhân vật trong kịch cho trẻ mẫu
giáo cũng cần chú ý đến tính phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ, phải
sử dụng tiếng mẹ đẻ, từ ngữ ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, những từ
21
mang tính hình tượng giàu sắc biểu cảm, gần gũi với đời sống tình cảm và tư
duy của trẻ, tránh dùng những từ có ý khái quát hóa tư tưởng cao, những từ triết
lí khô khan, ... mà tư duy trẻ không nắm bắt được. Có thể xây dựng ngôn ngữ
của kịch (trong toàn vở hay một số đoạn) dưới hình thức những câu thơ, những
câu văn vần, hay những điệu hát dí dỏm, ngộ nghĩnh được nhắc đi nhắc loại
nhiều lần, gây hứng thú cho trẻ và để trẻ dễ nhớ, dễ thuộc. Chú ý phát triển vốn
từ và cơ cấu ngữ pháp, ngôn ngữ ngữ cảnh, ngôn ngữ diễn cảm. Ở mức độ đơn
giản có thể hòa trộn, phối hợp sử dụng tất cả các hình thức ngôn ngữ của nghệ
thuật sân khấu như: ngôn ngữ động tác, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc
thoại... Như vậy, TCĐK chính là phương tiện phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ
5 – 6 tuổi.
1.2.3. Tổ chức trò chơi đóng kịch cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường Mầm non
Quá trình tổ chức TCĐK cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non cần tuân
theo đúng quy trình, trình tự nhất định. Quy trình đó được diễn ra như sau:
- Lựa chọn TPVH: Cô giáo lựa chọn TPVH phù hợp với đặc điểm tâm –
sinh lí, hứng thú của trẻ và được trẻ chấp nhận. Kết quả của TCĐK phụ
thuộc vào việc lựa chọn TPVH. Ở đây, cần lưu ý đến ý nghĩa của TPVH và
đặc điểm lứa tuổi của trẻ. tác phẩm phải có ý nghĩa giáo dục nhân cách trẻ,
giàu xúc cảm và lời nói giàu hình ảnh, chú ý đến những truyện có tình tiết
hấp dẫn với trẻ em, có hình thức đối thoại là chủ yếu. Hình tượng nhân vật
cần được lột tả qua hành động và mối quan hệ qua lại của chúng. Trong lĩnh
vực này những truyện dân gian có rất nhiều giá trị đặc biệt là truyện cổ tích.
Khi lựa chọn được TPVH, cô giáo cần tổ chức cho trẻ làm quen với
tác phẩm mà trẻ sẽ đóng kịch bằng cách đọc và kể tác phẩm cho trẻ nghe
dưới nhiều hình thức khác nhau: xem tranh minh họa, kể chuyện trên máy
chiếu có hình ảnh động, sử dụng rối, mô hình... kết hợp với trò chuyện, phân
tích tác phẩm để giúp trẻ cảm nhận, hiểu được nội dung, tư tưởng của tác
22
phẩm, phẩm chất, tính cách của nhân vật. Trẻ càng hiểu và trải nghiệm sâu
sắc tác phẩm thì càng phản ánh đúng đắn, chính xác vào vai diễn của mình
trong trò chơi. Tác giả Lã Thị Bắc Lí có đưa ra các tiêu chí lựa chọn TPVH
để chuyển thể sang TCĐK. Tiêu chí 1: TPVH được lựa chọn chuyển thể cần
có một cốt truyện mạch lạc, các tình tiết hấp dẫn mang kịch tính, thu hút
được sự chú ý của trẻ thơ; Tiêu chí 2: Những tác phẩm được lựa chọn phải
chứa nhiều mâu thuẫn. Những mâu thuẫn, những xung đột của truyện phải
được tập trung giải quyết; Tiêu chí 3: Các tác phẩm được lựa chọn phải có
tuyến nhân vật rõ ràng, không nên chọn những câu chuyện có nhân vật là
những con vật hoang tưởng (con rồng, yêu quái, ma quỷ...); Tiêu chí 4: Các
tác phẩm được lựa chọn phải có hệ thống lời nói giản dị, dễ hiểu, phù hợp
với trẻ thơ.[17;tr71]
- Chuyển thể TPVH sang kịch bản: Đây là một trong những yếu tố có tính
quyết định đến thành công của TCĐK. Kịch bản trò chơi đóng vai cần ngắn
gọn, có cốt truyện phát triển mạch lạc, có những nhân vật giàu màu sắc thẩm
mĩ về tính cách, hành động, ngôn ngữ.
Khác với nghệ thuật kịch, trong TCĐK dành cho trẻ mẫu giáo, ngoài các
nhân vật chuyển từ TPVH, cần có nhân vật người dẫn truyện, có chức năng
xâu chuỗi các sự kiện làm cho câu chuyện kịch vốn có thể bị lược bớt các chi
tiết phụ vẫn có đầu có cuối, diễn biến mạch lạc, trở nên dễ hiểu đối với trẻ.
Ngôn ngữ của nhân vật người dẫn truyện vừa dẫn dắt nhân vật xuất hiện,
phát triển câu chuyện kịch vừa có tác dụng định hướng quá trình tiếp xúc và
cảm thụ tác phẩm cho trẻ. Như vậy, khi tiến hành chuyển thể sang kịch bản
ngoài hình tượng con người, có thể biến cả cảnh vật thiên nhiên, cả cây cỏ,
trời mây...trong TPVH thành nhân vật tham gia vào câu chuyện, có thể đóng
vai cảnh vật, đồ vật, làm cho chúng cũng trở nên biết nói năng, suy nghĩ, trò
chuyện, hát ca cùng với các nhân vật người, tạo ra những hình tượng sinh
23
động, gần gũi với trẻ, làm bộc lộ và tăng thêm chất thẩm mĩ và sức hấp dẫn
của tác phẩm, giúp trẻ cảm nhận tác phẩm và cảm nhận cuộc sống tinh tế
hơn, sâu sắc hơn.
Cần chú ý đến đặc điểm ngôn ngữ của kịch bản văn học dành cho trẻ.
Người ta có thể hòa trộn, phối hợp sử dụng tất cả các hình thức ngôn ngữ của
nghệ thuật sân khấu để đạt tới mục đích nhiều mặt khi tiến hành trò chơi
đóng vai: đó là ngôn ngữ động tác hình thể của sân khấu kịch câm, ngôn ngữ
đối thoại, độc thoại, bàng thoại của kịch nói, lối nói bằng thơ, đọc thơ trong
kịch thơ, những ca khúc, điệu múa trong nhạc kịch... Với cách hiểu trò chơi
đóng vai theo TPVH là một phương tiện giáo dục trẻ em, một hình thức hoạt
động mô phỏng nghệ thuật sân khấu, hoàn toàn có thể vận dụng các hình
thức ngôn ngữ, cũng như mọi đặc điểm và khả năng khác của nghệ thuật sân
khấu vào việc chuẩn bị và tiến hành cuộc chơi.[5; tr214,215]
- Cho trẻ tiếp xúc với TPVH và kịch bản: Kể hoặc đọc cho trẻ nghe toàn
bộ TPVH bằng nghệ thuật đọc và kể diễn cảm. Trò chuyện với trẻ về TPVH,
gợi mở, giúp trẻ cảm thụ được tác phẩm: nhớ được cốt truyện, nhớ tên các
nhân vật trong truyện, nhớ hành động của nhân vật, nhận ra tính cách của
nhân vật, biết đánh giá hành động của nhân vật (ở mức độ tốt, xấu, đúng,
sai...).[40; tr119]
Quá trình cho trẻ tiếp xúc với TPVH không thể bỏ qua việc xem chi tiết
những tranh minh họa. Việc này giúp hình thành ở trẻ những biểu tượng
chính xác hơn về các nhân vật trong tác phẩm. Hình dáng, tính cách, quan hệ
của các nhân vật được phản ánh trong tư thế, nét mặt, hành động có trong
mỗi bức tranh minh họa truyện. Khi cho trẻ xem tranh cần đưa ra những câu
hỏi như: Bức tranh này vẽ ai? Các nhân vật đang làm gì? Nét mặt của họ ra
sao? Vì sao họ có nét mặt như vậy? Tư thế họ như thế nào? Vì sao họ nhìn
nhau? Sự việc xảy ra ở đâu, trong hoàn cảnh nào?... Hệ thống câu hỏi này
24
giúp phát triển tính chính xác và đúng đắn của biểu tượng, tạo ra mối quan
hệ chặt chẽ giữ biểu tượng và nội dung.[28; tr147,148]
Đọc kịch bản cho trẻ nghe giúp trẻ phân biệt được sắc thái, giọng điệu, lời
nói của các nhân vật khác nhau, qua đó mà khắc họa rõ thêm tính cách nhân
vật. Bên cạnh đó cần chọn các bài hát, dựng các điệu múa cho phù hợp với
kịch bản.
- Phân vai chơi và luyện tập đóng vai: Phân vai cho từng trẻ (có thể phân
cho nhiều trẻ đóng cùng một vai, số lượng tùy thuộc vào số trẻ trong nhóm),
vai chơi của trẻ phải có nhiều cảm xúc hấp dẫn từ đó người lớn khơi gợi,
giúp trẻ hiểu sâu hơn nhân vật mình sẽ đóng vai.
Nhập vai trong TCĐK là giai đoạn trẻ bước vào thực hành, biến nội dung
kịch bản thành hành động kịch, ngôn ngữ kịch. Lúc này cô giáo cần quan
tâm tới quá trình hướng dẫn trẻ nhập vai chơi. Muốn cho trẻ trong lúc biểu
diễn trình bày được các nhân vật trong truyện một cách diễn cảm, giáo viên
phải cố gắng khơi dậy trí tưởng tượng của tuổi thơ, hướng sự suy nghĩ của
trẻ vào việc tìm kiếm những phương tiện thể hiện cảm xúc của các nhân vật
trong tác phẩm. Bằng cách nhận xét và đặt câu hỏi cô giáo xác định hành
động của trẻ khi thủ vai, huấn luyện trẻ biết dùng động tác làm sống lại trạng
thái nội tâm của nhân vật, gây dựng mối liên hệ giữa các nhân vật với các
tình huống trong cuộc sống mà trẻ đã gặp. Giúp trẻ biết nhìn, biết lắng nghe
các vai bạn khi trả lời họ hoặc làm động tác đáp trả họ.[28; tr151]
- Trang trí sân khấu, hóa trang, làm đạo cụ: Đối với TCĐK việc trang trí
có ý nghĩa to lớn. Trang trí góp phần tạo ra ấn tượng về một vở kịch thật sự. Có
thể sử dụng những thứ có sẵn trong lớp để trang trí: bàn, ghế, vật liệu xây dựng,
lẵng hoa, chậu cảnh...Trong TCĐK có thể sử dụng một số kiểu trang phục và
phụ kiện như: khăn đỏ, tạp dề, lẵng hoa (truyện Cô bé quàng khăn đỏ), tai thỏ,
đuôi cáo, mũ gà, mặt nạ chó, mặt nạ gấu (truyện Cáo, Thỏ và Gà trống)...
25