BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
----------
PHẠM THỊ THU HƯƠNG
THỜI XA VẮNG – TỪ VĂN HỌC ĐẾN ĐIỆN ẢNH
(DƯỚI GÓC NHÌN TỰ SỰ HỌC)
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
HÀ NỘI, NĂM 2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
----------
PHẠM THỊ THU HƯƠNG
THỜI XA VẮNG – TỪ VĂN HỌC ĐẾN ĐIỆN ẢNH
(DƯỚI GÓC NHÌN TỰ SỰ HỌC)
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60.22.01.20
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: TS. Đỗ Văn Hiểu
HÀ NỘI, NĂM 2014
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS. Đỗ Văn Hiểu,
người thầy đã tận tình hướng dẫn, khích lệ, động viên và cho tôi nhiều ý kiến
quý báu trong suốt quá trình thực hiện đề tài này.
Xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các thầy, cô giáo bộ môn
Lí luận văn học, Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn, phòng sau đại học, phòng
khoa học, Trung tâm thư viện – Trường Đại học sư phạm Hà Nội, giúp đỡ và
tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thiện công
trình nghiên cứu của mình.
Xin trân trọng cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đã ở bên cạnh động
viên, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành khóa học và luận văn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2014
Tác giả
Phạm thị Thu Hương
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Tự sự học (Narratology) là một ngành nghiên cứu được hình thành từ
những năm 60-70 ở phương Tây nhưng nó đã nhanh chóng vượt ra khỏi phạm
vi khu vực trở thành mối quan tâm chung của những người làm lí luận. Ở Việt
Nam trong những năm gần đây Tự sự học đã trở thành lĩnh vực thu hút được sự
chú ý của giới nghiên cứu nhờ vào vai trò quan trọng của nó trong việc tìm hiểu
văn chương dưới một hệ hình mới. Nghiên cứu văn học từ phương diện tự sự
cũng là một hướng tiếp cận cần thiết nhằm khám phá sâu hơn “đặc điểm nghệ
thuật trần thuật của văn bản tự sự nhằm tìm ra một cách đọc” [65;11]. Ngay từ
khi mới ra đời, người ta chủ yếu quan tâm đến Tự sự học văn học, và trong một
thời kì rất dài, ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước, khi nhắc đến Tự sự học
là nghiễm nhiên mặc định nó là Tự sự học văn học. Trên thực tế, Tự sự học văn
học chỉ là một bộ phận phát triển tương đối sớm của Tự sự học nói chung.
Không chỉ cần thiết mở rộng nghiên cứu tự sự trong điện ảnh, mà còn nghiên cứ
tự sự trong nhiều loại hình nghệ thuật khác. Trên thế giới, nghiên cứu tự sự điện
ảnh gần như diễn ra đồng thời với nghiên cứu tự sự văn học, nhưng ở Việt Nam,
tự sự điện ảnh đến nay chưa được quan tâm đúng mức.
Điện ảnh tuy là một bộ môn nghệ thuật sinh sau đẻ muộn nhưng đã
nhanh chóng bước lên đài cao của một bà hoàng nghệ thuật do nó có khả năng
tổng hợp những tinh hoa của các nghệ thuật khác và tự tạo cho mình những
phương tiện diễn đạt riêng với một phong cách riêng. Tuy nhiên trên thực tế
không có một loại hình nào tồn tại một cách độc lập riêng lẻ mà chúng luôn
có sự tương tác, ảnh hưởng qua lại với nhau. Trong mối quan hệ qua lại ấy thì
văn học và điện ảnh luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt đúng như nhà văn, nhà
5
làm phim Cao Hành Kiện (Trung Quốc) đã khẳng định “Điện ảnh cũng là văn
học”.Vì vậy kể từ khi nghệ thuật điện ảnh ra đời đến nay việc chuyển thể
những tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh, cho nó tồn tại ở một đời
sống mới đã trở thành phổ biến, trong đó có nhiều bộ phim đã trở thành kinh
điển. Tuy nhiên phim chuyển thể không bao giờ là “bản sao” của tác phẩm
văn học gốc. Tác phẩm văn học khi đi vào môi trường điện ảnh luôn có những
biến đổi nhất định để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh, phù hợp với phương
thức tự sự của điện ảnh.Chính vì vậy, dưới góc độ Tự sự học nghiên cứu sự
biến đổi tự sự từ văn học tới điện ảnh thông qua hiện tượng phim chuyển thể
sẽ góp phần làm sáng tỏ quan hệ giữa văn học và điện ảnh, quy tắc chuyển
thể, cũng như đặc trưng của tự sự văn học và tự sự điện ảnh.
Thời xa vắng của Lê Lựu ngay từ khi ra đời đã được bạn đọc nồng nhiệt
đón nhận và giới phê bình chú ý không phải chỉ vì nó có giá trị nhân đạo sâu sắc,
tính thời sự nóng bỏng mà nó còn mang trong mình chất điện ảnh ngồn ngộn. Đó
cũng là lí do khiến đạo diễn Hồ Quang Minh chú ý tới cuốn tiểu thuyết này và
sau 16 năm thai nghén trải qua biết bao thăng trầm, năm 2003 bộ phim truyện
nhựa chuyển thể đã đưa vào công chiếu đáp ứng lòng mong đợi của triệu triệu
khán giả. Bộ phim được Hội điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều bạc năm
2005 (không có giải cánh diều vàng).Cho nên, tác văn học và tác phẩm điện ảnh
Thời xa vắng là một cơ sở tốt để thể nghiệm những vấn đề lí thuyết trên.
Từ những lí do trên chúng tôi nhận thấy việc vận dụng lý thuyết Tự sự
học để nghiên cứu vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh
là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề Tự sự học trong văn học và trong điện ảnh rất rộng
và sâu mà chúng tôi chỉ là những người đang học hỏi, dò dẫm những bước đi
đầu tiên cho nên chỉ xin tập trung vào một vài khía cạnh đặc trưng nhất cho cả
Tự sự học văn và Tự sự học điện ảnh.Vì thế chúng tôi quyết định chọn đề tài “
6
Thời xa vắng” – từ văn học đến điện ảnh ( dưới góc nhìn Tự sự học) với hi
vọng sẽ góp được một phần nhỏ vào hướng tiếp cận liên ngành này.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
2.1. Tự sự học ở Việt Nam
Trên thế giới, Tự sự học từ lâu đã không còn là thuật ngữ xa lạ, những vấn
đề về lý thuyết đã được định hình thành hệ thống và Tự sự học ngày càng được
mở rộng và phát triển. Với những ưu điểm của mình Tự sự học ngày càng khẳng
định vai trò quan trọng trong việc khám phá lí giải thế giới nghệ thuật ngôn từ.
Mặc dù thế giới đã đi qua hai giai đoạn của Tự sự học: Tự sự học kinh
điển và Tự sự học hậu kinh điển nhưng ở Việt Nam Tự sự học vẫn còn là một
hướng nghiên cứu hết sức mới mẻ. Các vấn đề về dịch thuật, các khái niệm
trong cấu trúc truyện kể như điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, phối cảnh trần
thuật …vẫn còn phức tạp chồng chéo gây nhiều tranh cãi đặc biệt là các công
trình quan trọng của ba nhà Tự sự học lớn R.Barthes, G.Genette, T.Todorov
vẫn chưa được dịch thuật một cách hệ thống. Hội thảo Tự sự học đầu tiên do
khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức vào năm 2001 (với 76
bản tham luận của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều trường đại học và cơ
quan nghiên cứu văn học trên cả nước tham gia) và tiếp đó là việc xuất bản
công trình: Tự sự học –một số vấn đề lí luận và lịch sử (Nxb Đại học sư phạm
Hà Nội, 2003) đã đánh dấu mốc son chính thức ghi nhận sự xuất hiện của Tự
sự học ở nước ta. Sau bảy năm, xuất phát từ nhu cầu lí luận, thực tiễn năm
2008 khoa Ngữ văn tiếp tục tổ chức hội thảo Tự sự học lần thứ với 62 bản
tham luận. Bên cạnh các bài viết giới thiệu lí thuyết Tự sự học ở nhiều
phương diện còn có các bài viết mang tính ứng dụng cao. Hai cuộc hội thảo
đã cho thấy tình hình nghiên cứu Tự sự học ở nước ngoài cũng như ở Việt
Nam. Có thể coi đây là một hoạt động khoa học quan trọng trong việc xây
dựng tiền đề cho ngành Tự sự học ở nước ta.
7
Năm 2010 ban Văn học nước ngoài của Viện văn học đã triển khai thực
hiện đề tài Tự sự học, lí luận và ứng dụng. Công trình khoa học này tập trung
nghiên cứu tự sự từ những vấn đề lịch sử, lí thuyết đến ứng dựng ở một số
nền văn học như Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và chủ
yếu là ở Việt Nam. Một phần các kết quả nghiên cứu đó (Với 10 mục bài
được lựa chọn bao gồm cả hai phần lí thuyết và ứng dụng ) đã được tuyển tập
trong chuyên đề Tự sự học in trong tạp chí Nghiên cứu văn học số 9 năm
2010. Có thể khẳng định rằng công trình khoa học của Viện văn học đã góp
phần to lớn tạo nên sự phát triển của ngành khoa học còn khá mới mẻ này.
Hiện nay GS Trần Đình Sử chủ nhiệm một đề tài lớn, đầy đủ và toàn
diện về Tự sự học mang tên Nafosted tuy nhiên đề tài vẫn đang trong quá
trình hoàn thiện. Cho nên xét trên những tài liệu đã được công bố thì có thể
thấy tuy đến Việt Nam khá muộn nhưng Tự sự học đã được các nhà khoa học
nước ta đón nhận và hưởng ứng rộng rãi với một tâm thế chủ động và bước
đầu đã gặt hái được những thành công đáng trân trọng.
Trước hết các nhà nghiên cứu của ta đã nỗ lực dịch và giới thiệu những
vấn đề lý thuyết Tự sự học trên các phương diện như lịch sử phát triển, các xu
hướng, các khái niệm Tự sự học đương đại…Có thể kể đến các công trình
dịch thuật như Độ không của lối viết của R.Barthes do Nguyên Ngọc dịch; Cơ
sở của kí hiệu học của R.Barthes do Trịnh Bá Đĩnh trích dịch; Thi pháp văn
xuôi của T.Todorov do Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm dịch; Dẫn luận về Tự
sự học của Susanna Onega và J.A.Garcia Landa do Lê Lưu Oanh và Nguyễn
Đức Nga dịch; Diễn ngôn mới của truyện kể của G.Genette do Lê Phong
Tuyết trích dịch; Hai nguyên tắc của truyện kể của T.Todorov do Phùng Ngọc
Kiên dịch; Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể của Roland Barthes do Tôn
Quang Cường dịch; Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên
cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX của nhóm những nhà nhiên cứu Nga
8
do Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân và Lại Nguyên Ân dịch...Những nghiên cứu
trên mang ý nghĩa chủ yếu là giới thiệu lí thuyết Tự sự học dù bước đầu còn mới
mẻ và ở các cấp độ khác nhau nhưng nhìn chung khá chi tiết và chuyên sâu.Vấn
đề mà các nhà nghiên cứu quan tâm tập trung vào một số điểm cơ bản sau đây:
1/Lịch sử quá trình phát triển và mục đích của Tự sự học khi xác định văn học
như là đối tượng nghiên cứu cơ bản và chủ yếu, xác định thuật ngữ, chọn dùng
khái niệm Tự sự học; 2/ Giới thiệu những vấn đề cơ bản của lí thuyết Tự sự học
hiện đại đặc biệt là những phương diện về trần thuật.
Song song với việc biên dịch, giới thiệu, việc vận dụng lí thuyết Tự sự
học vào nghiên cứu văn học ở Việt Nam ngày càng được quan tâm và triển
khai một cách sâu rộng. Trước hết phải kể đến công trình nghiên cứu công
phu 20 năm (1981-2001) của GS Trần Đình Sử mang tên Thi pháp truyện
Kiều. Công trình Những vấn đề thi pháp của truyện của tác giả Nguyễn Thái
Hòa xuất bản năm 2000. Năm 2008, tác giả Đào Duy Hiệp cho ra mắt tác
phẩm Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại.
Ở quy mô nhỏ hơn lí thuyết Tự sự học đã được các tác giả vận dụng khi
tìm hiểu các tác phẩm trong và ngoài nước in trên các báo, tạp chí và đặc biệt
là in chung trong hai cuốn sách Tự sự học, một số vấn đề lí luận và lịch sử do
nhà xuất bản Đại học Sư phạm phát hành. Ngoài ra lý thuyết Tự sự học cũng
trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều luận án tiến sĩ đã cho thấy Tự sự
học ngày càng thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu nước nhà.Tự sự
học là môn khoa học rất phức tạp bao gồm nhiều vấn đề do đó dẫn tới sự
phong phú trong các đề tài nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu có thể chọn nhiều
cách thức khác nhau như chọn một vấn đề trong cấu trúc tự sự (người kể
chuyện, cốt truyện, kết cấu, không gian, thời gian…) hoặc có thể tổng hợp
nhiều vấn đề (nghệ thuật tự sự, thế giới nghệ thuật…).
9
Tuy nhiên nghiên cứu Tự sự học ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở Tự sự
học văn học rất ít đề tài mở rộng nghiên cứu Tự sự học trong các lĩnh vực
khác đặc biệt là Tự sự học điện ảnh. Vì vậy Tự sự học điện ảnh chưa được ý
thức rõ là một môn khoa học riêng biệt, nó chỉ được coi như sự mở rộng của
Tự sự học văn học mà thôi.
2.2. Điện ảnh xuất hiện khi các loại hình nghệ thuật khác như văn
chương, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, sân khấu đã phát triển đến độ chín.
Vì vậy điện ảnh có cơ hội kế thừa, tiếp thu những phương tiện nghệ thuật sẵn
có đồng thời tự tạo cho mình những kỹ thuật và phương pháp biểu hiện mới,
hiện đại và phong phú. Thành công của tác phẩm điện ảnh là thành công của
sự kết hợp nhuần nhuyễn và tuyệt vời giữa các loại hình nghệ thuật cùng với
các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ. Trong các loại hình nghệ thuật thì
văn học và điện ảnh có mối quan hệ đặc biệt ngay từ những ngày đầu điện
ảnh mới hình thành.
Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh thể hiện rõ nhất qua hiện tượng
phim chuyển thể. Chưa ai có thể thống kê nổi con số khổng lồ về những tác
phẩm văn học được chuyển thể thành phim. Chỉ biết rằng hầu hết các tác
phẩm văn chương ưu tú của các dân tộc khác nhau, các thời đại khác nhau đều
đã một lần hoặc hơn một lần được sống đời sống thứ hai trong ngôi nhà của
nàng Muydơ thứ 7. Mặc dù phim chuyển thể xuất hiện từ sớm cùng với sự
phát triển của điện ảnh nhưng lí thuyết về nó thì chưa nhiều chủ yếu là xuất
hiện rải rác trên các báo, tạp chí.
Nói về hiện tượng chuyển thể trước hết phải kể đến công trình “Bàn về
cải biên tiểu thuyết thành phim” của Hạ Diễn, Mao Thuẫn và Dương Thiên
Hỷ. Trong tác phẩm đó các tác giả đã bàn về các vấn đề montage, âm thanh
trong điện ảnh đặc biệt là sự chuyển thể từ tiểu thuyết sang kịch bản điện ảnh.
10
Tác phẩm đã cung cấp những hiểu biết cơ bản để chuyển thể một cuốn tiểu
thuyết thành phim.
Tác giả Nguyễn Mai Loan có bài “Các cấp độ chuyển thể” in trên Tạp
chí Điện ảnh ngày nay số 124 năm 2005. Trong bài, người viết đã thể hiện
những hiểu biết sâu sắc về hiện tượng chuyển thể và khẳng định xu hướng
chuyển thể sát nguyên bản vẫn được số đông các nhà điện ảnh Việt Nam ưa
chuộng từ xưa tới nay.
Đi vào cụ thể hơn của hiện tượng chuyển thể trong một bài viết khác
mang tiêu đề“Phim chuyển thể tiểu thuyết” đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ
thuật số 6 năm 2005 tác giả Nguyễn Mai Loan đã đi tới khẳng định “khi chuyển
thể các nhà làm phim phải nỗ lực tìm sự tương đương từ các từ ngữ đến hình
ảnh…phải nắm được phong cách của tiểu thuyết, nhà làm phim phải đưa được
hơi thở của cuộc sống ẩn sâu trong văn bản tự sự lên màn ảnh lớn” [40; 76]
Nhìn từ lí thuyết liên văn bản tác giả Lê Thị Dương có bài “Vấn đề
chuyển thể văn học – điện ảnh từ góc độ liên văn bản” (Tạp chí Nghiên cứu
văn học số 1/1012). Đây là bài viết thể hiện cái nhìn bao quát sâu rộng về
hiện tượng chuyển thể. Cung cấp cho người đọc những hiểu biết căn bản về
hiện tượng chuyển thể là gì, các cấp độ của chuyển thể, montage – thủ pháp
đặc trưng trong điện ảnh.
Ngoài ra chuyển thể văn học sang điện ảnh đã trở thành đối tượng nghiên
cứu của nhiều công trình khoa học, trong các luận án, luận văn, khóa luận tốt
nghiệp tiêu biểu như: luận án “Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh” của
Phan Bích Thủy, ĐHSP thành phố HCM; luận văn thạc sĩ “Vấn đề chuyển thể
tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự) của Đỗ Thị Ngọc
Diệp, ĐH KHXH&NV; Trong khóa luận tốt nghiệp“Bước đầu tìm hiểu hoạt
động chuyển thể tác phẩm văn học trong sáng tạo điện ảnh (Khảo sát qua một
số bộ phim Việt Nam đương đại) của Nguyễn Thu Hồng, ĐHSPHN…
11
2. 3. Tác phẩm “Thời xa vắng” và phim chuyển thể cùng tên
Lê Lựu viết Thời xa vắng từ 1984 nhưng đến 1986 tác phẩm mới ra mắt
độc giả. Từ khi ra đời đến nay tác phẩm đã được tái bản nhiều lần. Ban đầu nó
là đối tượng tranh luận sôi nổi của giới phê bình sau đã trở thành đối tượng
nghiên cứu của khoa học chuyên sâu. Theo dõi qúa trình nghiên cứu nhìn
chung Thời xa vắng được giới chuyên môn đánh giá cao. Họ đều khẳng định
những đóng góp lớn lao của Lê Lựu và vị trí quan trọng của tác phẩm trong
tiến trình vận động và phát triển của văn xuôi nước nhà thời kì đổi mới. Tiêu
biểu là các bài viết: Nhu cầu nhận thức lại thực tại qua một “Thời xa vắng”
của Nguyễn Văn Lưu; Mỗi người phải chịu trách nhiệm về nhân cách của
mình của Đỗ Tất Thắng; Đọc Thời xa vắng của Lê Lựu của Hoàng Ngọc
Hiến; Suy tư từ một “Thời xa vắng” của Nguyễn Hòa; Một đóng góp vào việc
nhận diện con người Việt Nam hôm nay của Vương Trí Nhàn; Lê Lựu thời xa
vắng của Đinh Quang Tốn; Thời xa vắng - một tâm sự nóng bỏng của Lê
Thành Nghị…Các nhà phê bình đã nhận thấy trong tác phẩm này có “cách
nhìn hiện thực mới”, vấn đề đặt ra trong tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc đó là
nhu cầu nhận thức lại thực tại. Tác phẩm đã thẳng thắn đề cập đến những mặt
trái, mặt xấu của xã hội, điều mà trước năm 1975 văn xuôi của ta không dám
nói, chưa được nói do nhu cầu của lịch sử cũng như sự vận động của thực tại
đời sống. Lê Lựu cũng như các nhà văn cùng thời đã chú ý lắng nghe những
âm thanh của cuộc đời để thể hiện sinh động hơn, tập trung hơn trong tác
phẩm của mình. Đánh giá về tác phẩm này nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lưu
đã nhận định: “Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu phản ánh sinh động và
chân thực quá trình chuyển biến trong cách nhìn nhận và đánh giá lại thực tại”
[42; 588]. Tác phẩm đã “khoan thủng các tấm màn vô hình che giấu nhiều
điều lâu nay chúng ta không nói tới” [20; 604]. Nói về cuốn tiểu thuyết của
12
mình Lê Lựu đã từng bộc bạch: “Cả một thời kỳ dài từ những năm đầu chiến
tranh cho đến những năm đầu 80 người ta không nói đến cái bi kịch riêng. Tôi
muốn viết về một cá nhân, một cuộc đời cụ thể với niềm hạnh phúc và nỗi
đau khổ, có cái được và cái mất”.
Tuy nhiên để làm nên tiếng vang cho Thời xa vắng không thể không kể
đến những đóng góp nổi bật trên khía cạnh nghệ thuật. Tác giả Hoàng Ngọc
Hiến đặc biệt chú ý đến cách sử dụng các câu văn “lùa thùa có khi mềm và rối
như bún nhưng lại rất được” [17; 603] của Lê Lựu; PGS La Khắc Hòa lại quan
tâm đến vấn đề người trần thuật của cuốn tiểu thuyết:“…lúc nào nó cũng lắm lời,
lời kể của nó đã lùa thùa, dài dòng mà cái luận đề lộ rất rõ…” [34; 66].
Bên cạnh đó giọng văn trần thuật cũng được các nhà nghiên cứu quan
tâm. Tác giả Thiếu Mai cho rằng “cách nhìn thấu đáo của anh, tấm lòng thiết
tha của anh đã thể hiện đầy đủ ở giọng văn, giọng văn trầm tĩnh vừa giữ được
vẻ đầm ấm chân tình, vừa khách quan không thêm bớt tô vẽ đặc biệt là không
cay cú, chính giọng văn như vậy đã góp phần đáng kể vào sức thuyết phục
hấp dẫn của tác phẩm” [51;344]. Cũng nhận xét về giọng văn PGS La Khắc
Hòa lại tìm thấy ở tác phẩm chính là giọng giễu nhại rất độc đáo. Ông viết
như sau: “Nó không cần sử dụng những thủ pháp lạ hóa quen thuộc như
phóng đại hay vật hóa hình ảnh con người để làm nổ ra tiếng cười. Nó chỉ đơn
giản thuật lại những chuyện “thật như đùa” mà đã có thể tạo ra được một hình
tượng giễu nhại. Nhờ thế lời văn của Thời xa vắng khi thì như bông đùa lúc
lại xót xa, chì chiết nhưng giễu nhại bao giờ cũng là giọng chủ đạo của nó”
[34;67]. Mặc dù các ý kiến khác nhau nhưng tựu chung lại đều thống nhất cho
rằng Thời xa vắng là một tác phẩm “đi tìm lại những giá trị từng bị đánh mất,
từng bị lãng quên” là sự khái quát lịch sử bằng số phận của một cá nhân. Tác
phẩm xứng đáng đưa Lê Lựu trở thành người tiên phong trong quá trình đổi
mới nền văn học dân tộc.
13
Gần đây một số báo cáo khoa học, luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu các khía
cạnh của cuốn tiểu thuyết như: Thời xa vắng của Lê Lựu và tiến trình đổi mới văn
xuôi Việt Nam sau 1975 (Thái Thị Mỹ Bình, ĐHSPHN), Đối thoại trong ba tiểu
thuyết: Thời xa vắng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng) và Nỗi buồn
chiến tranh (Bảo Ninh) của Phạm Thị Thúy Vinh, ĐHSPHP…
Nhận ra được ý nghĩa sâu sắc ấy của tác phẩm đạo diễn Hồ Quang
Minh đã quyết tâm chuyển thể cho nó sống đời sống thứ hai ở lĩnh vực điện
ảnh. Đồng thời cũng là để hoàn thiện bộ ba phim nói về chủ đề thân phận con
người trong và sau chiến tranh ở Việt Nam qua ba miền đất nước như mong
muốn của ông:Con thú tật nguyền, Bụi hồng và Thời xa vắng.
Bộ phim Thời xa vắng ngay từ khi khởi quay đã gặp rất nhiều khó khăn
về kinh phí, về tuyển chọn diễn viên, về xây dựng bối cảnh…trong quá trình
quay phim. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực hết mình của đạo diễn, sự giúp đỡ tận
tình của nhà văn Lê Lựu, sự cố gắng của cả đoàn làm phim cuối cùng bộ phim
cũng hoàn thành và đưa vào công chiếu gây được tiếng vang trong lòng khán
giả và sự quan tâm của giới báo chí. Hàng loạt các bài viết về bộ phim như:
Lận đận Thời xa vắng (Thanh Tân); Thời xa vắng –“mối nhân duyên”giữa
nhà văn Lê Lựu và đạo diễn Hồ Quang Minh của Bùi Huyền Dung; Một
thoáng với đoàn làm phim Thời xa vắng của Bùi Thị Huyền; Nhà văn Lê Lựu
với phim Thời xa vắng của Phan Thúy Thảo; Gặp tác giả Thời xa vắng của Lê
Lương Giang, Thời xa vắng – bộ phim chắp cánh cho văn học thăng hoa của
Phan Bích Thủy…Tuy nhiên các bài viết chỉ mang tính chất như các bài
phỏng vấn hay bài nghiên cứu nhỏ lẻ chứ chưa có một công trình nào nghiên
cứu nghiêm túc về bộ phim dưới khía cạnh của khoa học chuyên sâu. Mặc dù
vậy có một điểm chung đó là giới chuyên môn có đánh giá cao về bộ phim,
một trong số đó là nhà phê bình Ngô Minh Nguyệt,tác giả đã từng khẳng định
như sau: “Thời xa vắng làm sống dậy bức tranh quê hồn hậu với những con
14
người bình dị đã sống cách chúng ta nửa thế kỷ, những phong tục, lối sống…
Thời xa vắng trau chuốt trong từng cảnh quay với những khuôn hình đẹp.
Thời xa vắng cũng làm người xem day dứt, se lòng trước những đau thương
của nhân vật truyện”. “Thông qua tấn bi kịch của cuộc đời Sài từ khi mới lên
mười đến lúc về già là cả bức tranh xã hội hiện lên chân thực. Đây là chủ
kiến của đạo diễn khi ông nói rằng với bộ phim Thời xa vắng ông coi trọng
yếu tố chân rồi mới đến thiện và mỹ. Cái không khí thời đại ẩn vào trong từng
nếp nghĩ, chi phối đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất”[55;4].
3. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Thời xa vắng – Từ văn học đến điện ảnh (Dưới
góc nhìn Tự sự học), chúng tôi nhằm hướng đến mục đích sau:
Trước hết chúng tôi muốn làm sáng rõ khả năng vận dụng Tự sự học
vào nghiên cứu hiện tượng phim chuyển thể nói riêng và nghiên cứu điện ảnh
nói chung, sơ bộ giới thiệu Tự sự học điện ảnh.
Bên cạnh đó chúng tôi hướng đến chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa văn
học và điện ảnh thông qua khảo sát hiện tượng phim chuyển thể.
Không những chỉ ra sự tương đồng, khác biệt trên phương diện tự sự
của tiểu thuyết Thời xa vắng và phim chuyển thể cùng tên mà còn thấy được
quy tắc chuyển đổi cấu trúc, phương thức tự sự từ tiểu thuyết sang điện ảnh.
Từ đó lí giải sơ bộ sự thành công của Thời xa vắng ở cả phương diện tiểu
thuyết lẫn điện ảnh.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là sự chuyển biến trên phương diện
tự sự từ văn học sang điện ảnh của Thời xa vắng.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
15
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn
Lê Lựu (xuất bản năm 1986, Nxb Tác phẩm mới) và bộ phim Thời xa vắng
của đạo diễn Hồ Quang Minh (sản xuất năm 2005).
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện đề tài này chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp
nghiên cứu sau đây:
4.1. Phương pháp nghiên cứu Tự sự học
Để tìm hiểu sự chuyển biến phương thức tự sự của Thời xa vắng từ tiểu
thuyết sang điện ảnh, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu của Tự sự
học, tập trung vào các phạm trù cơ bản mà Tự sự học chú trọng nghiên cứu
như: Người trần thuật, tổ chức không gian, thời gian trần thuật…. Cách triển
khai nghiên cứu mà Tự sự học sử dụng đối với từng vấn đề cũng được chúng
tôi sử dụng để tìm hiểu đối tượng nghiên cứu của mình.
4.1. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Do đối tượng nghiên cứu đặc thù: sự chuyển đổi tự sự trong Thời xa vắng
từ tiểu thuyết đến điện ảnh, cho nên, ngoài phương pháp nghiên cứu Tự sự học,
chúng tôi còn sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành. Điện ảnh và văn học
vừa có chỗ giao thoa vừa có điểm khác biệt, bản thân Tự sự học học văn học và
Tự sự học điện ảnh cũng có một mối dây ràng buộc không thể tách rời. Tự sự
học điện ảnh vừa sử dụng các thuật ngữ đã được sử dụng trong nghiên cứu Tự sự
học văn học, lại vừa có những yếu tố rất riêng, những yếu tố này bị chi phối bởi
đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Sử dụng phương pháp liên ngành sẽ làm nổi
bật mối quan hệ khăng khít giữa văn học và điện ảnh, đồng thời cũng thấy được
những nét độc đáo của hai loại hình nghệ thuật này.
Hai phương pháp trên kết hợp bổ sung cho nhau sẽ giúp cho việc
nghiên cứu trở nên toàn diện hơn. Bên cạnh đó luận văn cũng sẽ vẫn sử dụng
các thao tác nghiên cứu cơ bản là phân tích, so sánh, tổng hợp.
5. ĐÓNG GÓP MỚI VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN KHI
THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
16
5.1. Những đóng góp mới của luận văn
Tìm hiểu hiện tượng chuyển thể trên phương diện Tự sự học bước đầu chúng
tôi làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa Tự sự học văn học và Tự sự học điện ảnh.
Từ đó chỉ ra mối quan hệ sâu sắc giữa văn học và điện ảnh trên phương
diện tự sự. Trên thực tế rất nhiều thành quả nghiên cứu của Tự sự học văn học
đã được vận dụng vào nghiên cứu Tự sự học điện ảnh.
Từ lí thuyết chung chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu một tác phẩm cụ thể là
Thời xa vắng. Lí giải được thành công của Thời xa vắng trên cả phương diện
văn học lẫn điện ảnh.
5.2. Những khó khăn khi thực hiện đề tài
Lí thuyết Tự sự học vô cùng phức tạp, có Tự sự học kinh điển và Tự sự
học hậu kinh điển. Vận dụng lí thuyết Tự sự học vào tìm hiểu một tác phẩm
cụ thể đòi hỏi phải có thao tác khoa học tương đối tỉ mỉ, nhiều khi yêu cầu
lượng hóa thành một số thông số.
Tự sự học điện ảnh là một vấn đề còn rất xa lạ với người Việt Nam, cho
nên người viết thiếu lí thuyết và ứng dụng dẫn đường, đây là trở ngại lớn
trong quá trình thực hiện đề tài.
Nghiên cứu liên ngành là hoạt động vốn không quen với người viết,
hơn nữa khả năng về ngoại ngữ cũng rất hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn
khi thực hiện đề tài.
6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN:
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, thư mục tham khảo luận văn triển
khai trên các chương sau:
Chương 1: Khái quát về Tự sự học văn học và Tự sự học điện ảnh (26 trang)
Chương 2: Người trần thuật trong Thời xa vắng (từ văn học đến phim
chuyển thể) (38 trang)
Chương 3: Thời gian – không gian trong Thời xa vắng (từ văn học đến
phim chuyển thể) (43 trang)
17
18
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỰ SỰ HỌC VĂN HỌC
VÀ TỰ SỰ HỌC ĐIỆN ẢNH
1.1.Tự sự và Tự sự học
1.1.1.Tự sự
Từ xưa tới nay tự sự vốn được hiểu là một phương thức tái hiện đời
sống bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch. Aristote là người sớm
nhất đề xuất cách phân chia này. Cơ sở của sự phân chia ấy là dựa trên
phương thức phản ánh. Theo ông tác phẩm tự sự là phương thức thuật lại sự
kiện như kể về một điều gì đấy tách biệt khỏi bản thân mình trong khi đó tác
phẩm trữ tình là phương thức trực tiếp nói lên cảm xúc của người viết và tác
phẩm kịch là phương thức trực tiếp đưa nhân vật ra hoạt động với những cử
chỉ, lời ăn tiếng nói ngoài đời. Sau này Bielinski căn cứ vào yêu cầu miêu tả
tính cách và thể hiện tư tưởng tình cảm nhà văn mà phân loại ra: tác phẩm tự
sự tái hiện đời sống thông qua việc miêu tả sự kiện. Và “nhà thơ (tức nhà vănTĐS) chỉ có một việc là kể lại các sự kiện tự vận động và tự kết thúc” [67;
236]. Tác phẩm trữ tình là những tác phẩm thông qua sự bộc lộ tình cảm của
tác giả mà phản ánh hiện thực “ở loại này tác giả trực tiếp bộc bạch những
cảm xúc và tình cảm yêu ghét của mình trước hiện thực đời sống” [67;
236].Còn “tác phẩm kịch gồm các tác phẩm đem nhân vật lên sân khấu để
chúng tự biểu hiện qua hành động của chúng[67; 236]. Dù là dựa trên tiêu chí
nào để phân chia thì điểm thống nhất của các nhà nghiên cứu vẫn là trong số
các loại hình nghệ thuật thì tự sự được coi là một loại hình có khả năng nắm
bắt và phản ánh cuộc sống tự do và sâu rộng nhất.
Nếu như tác phẩm trữ tình phản ánh hiên thực trong sự cảm nhận chủ
quan về nó qua những cung bậc cảm xúc, tâm trạng thì tác phẩm tự sự lại tái
19
hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan. Tuy nhiên nói như vậy không có
nghĩa tác phẩm tự sự chỉ đơn thuần là sự mô phỏng hiện thực khách quan của
đời sống mà hiện thực ấy đã được cảm nhận qua lăng kính chủ quan của tác
giả do đó tư tưởng, tình cảm của nhà văn trong tác phẩm tự sự được thể hiện
qua các sự kiện và biến cố. Vì vậy người đọc có cảm giác rằng hiện thực được
phản ánh trong tác phẩm tự sự là tất cả những gì tồn tại xảy ra bên ngoài nhà
văn, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà văn. Nguyên tắc phản
ánh hiện thực trong tính khách quan đã đem đến cho tác phẩm tự sự khả năng
bao quát, chiếm lĩnh hiện thực trong không gian và thời gian một cách linh
hoạt.Thời gian đó có thể kéo dài cả đời người nhưng cũng có thể được co lại
trong vài ngày, vài tháng hay vài năm của nhân vật. Không gian của tác phẩm
cũng có thể hạn hẹp hoặc mở rộng tới vô cùng từ Đông sang Tây, từ đồng
bằng tới miền ngược, từ địa ngục tới thiên đàng. Bức tranh hiện thực toàn
cảnh mà tác phẩm tự sự mang lại cũng bộn bề, phức tạp, đa dạng như chính
bản thân sự tồn tại của đời sống con người.Từ những vấn đề khuôn vàng
thước ngọc của triết học, đạo đức đến những lĩnh vực bao la rộng mở của
khoa học nghệ thuật; từ những cuộc giao tranh đẫm máu của lịch sử đến
những hình ảnh rực rỡ sắc màu của thiên nhiên; từ những vinh quang chói lọi
của bậc đế vương đến kết cục bi thảm của một thân phận thấp hèn…tất cả đều
được ngòi bút của các tác giả tái hiện lại vô cùng sinh động trên trang giấy.
Phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi
của con người làm cho tác phẩm tự sự “trở thành câu chuyện về ai đó hay về
một cái gì đó”[23;358]. Cho nên tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện và
gắn liền với cốt truyện là hệ thống nhân vật được khắc họa sinh động hơn hẳn
nhân vật trong tác phẩm kịch và tác phẩm trữ tình. Cốt truyện đó được thêu
dệt nên bởi “hệ thống chi tiết nghệ thuật phong phú, đa dạng bao gồm chi tiết
sự kiện, xung đột, chi tiết nội tâm, ngoại hình của nhân vật, chi tiết tính cách,
20
chi tiết nội thất, ngoại cảnh, phong tục, đời sống, văn hóa, lịch sử, lại còn có
cả những chi tiết liên tưởng, tưởng tượng, hoang đường mà không nghệ thuật
nào tái hiện được”[23;385].
Đặc biệt trong các tác phẩm tự sự ngoài khả năng tái hiện bức tranh
mang tính tổng thể của đời sống xã hội còn có khả năng khám phá số phận
của những cá nhân. Đối tượng của văn học nói chung và tác phẩm tự sự nói
riêng là con người với những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng bên trong và cử
chỉ, hành động bên ngoài. Nguyễn Đình Thi từng cho rằng : “vấn đề trung
tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết là miêu tả những con người và tìm hiểu
con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mỗi vấn đề đều
phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là từ sự việc…sự việc
luôn quyện lấy con người không thể tách con người ra khỏi sự việc nhưng
người viết tiểu thuyết luôn luôn nhìn sự việc qua con người và đứng về phía
cuộc đời của con người mà xem xét đánh giá mà miêu tả những sự việc trong
xã hội…Người viết tiểu thuyết cần phải biết rất rõ các sự việc song không
phải hễ nắm được sự việc, dựng lên được một cái khung sự việc là đã xây
dựng được cốt truyện. Chỉ khi nào nhà văn tìm ra được ý nghĩa của sự việc
đối với vận mệnh những con người và nhìn rõ được sự diễn biến của những
con người tham gia vào sự việc ấy thì bấy giờ mới thực có cốt truyện để viết
thành tiểu thuyết”[70;123]. Như vậy có thể khẳng định rằng trong tác phẩm tự
sự nhân vật chính là tâm điểm, là điểm tựa vững chắc để tác giả phản ánh hiện
thực khách quan đồng thời là nơi thể hiện tập trung tư tưởng và tình cảm của
tác giả. Nhân vật có thể được xây dựng từ những nguyên mẫu của đời sống
kết hợp với năng lực hư cấu sáng tạo của riêng nhà văn. So với kí rõ ràng tác
phẩm tự sự đã dành một đường biên không giới hạn cho khả năng tưởng
tượng và sáng tạo của nhà văn đặc biệt là trong thể loại tiểu thuyết. Nếu kí
được hình thành trên cơ sở từ một con người có thực, một bối cảnh có thực để
21
xây dựng nên một hình tượng điển hình thì tác phẩm tự sự có thể xây dựng
nên một điển hình nghệ thuật từ nhiều con người, nhiều bối cảnh thực khác
nhau. Trong vô vàn những gương mặt của cuộc sống đời thường, giữa muôn
ngàn những biến cố của lịch sử tác giả chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo để tái
hiện lại bức tranh đời sống. Nói về điều này L.Tônxtôi đã chỉ ra rằng “cần
phải quan sát nhiều người cùng loại với nhau để xây dựng nên một kiểu người
nhất định…nếu miêu tả một con người mà chỉ lấy một người thật làm mẫu thì
kết quả sẽ là một cái gì đơn nhất, ngoại lệ và không thú vị”[14;194]. Đọc các
sáng tác của Nam Cao hẳn chúng ta không thể quên một Chí Phèo lưu manh,
một Lão Hạc nhân hậu, một giáo Thứ phải chịu cảnh “sống mòn”…Mỗi
người một tính cách riêng, một số phận riêng nhưng họ đều là những điển
hình của văn học từ trang sách bước ra ngoài đời. Và điều đặc biệt là những
con người đó được nhà văn xây dựng nên từ những nguyên mẫu trong cuộc
đời. Họ là hình ảnh của những người dân làng Đại Hoàng nghèo khổ quê
hương ông hay chính bản thân tác giả.
Không chỉ là một phương thức tái hiện đời sống,tự sự còn được hiểu là
cách kể, cách trần thuật trong văn học.Trong tác phẩm tự sự trần thuật có vai
trò đặc biệt quan trọng, nó trở thành nhân tố tổ chức, tạo dựng nên thế giới
nghệ thuật.Trần thuật tự sự được dẫn dắt bởi một ngôi gọi là người trần thuật.
Sự tồn tại này là một ước lệ nghệ thuật cho bất cứ một hình thức tự sự nào.
Đây là loại người chứng kiến và giải thích về những gì đã xảy ra, là cầu nối
để tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa nhân vật - người kể chuyện - độc giả.
Muốn hiểu một sự vật nào đó người ta thường kể chuyện về sự vật đó. Bản
chất của tự sự được hiểu là một sự truyền đạt thông tin, là quá trình phát ra
đơn phương trong quá trình giao tiếp. Văn bản tự sự là cụm thông tin được
phát ra và tự sự có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như
hội họa, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh…Tự sự nằm trong bản chất của con
22
người bởi con người là động vật biết tự sự. Tự sự là nhu cầu thiết yếu để con
người nhận thức, lí giải và khám phá thế giới. Nói về điều này Roland Barthes
đã khẳng định: “đã có bản thân lịch sử loài người thì đã có tự sự”, Jonathan
Culler cũng cho rằng: “tự sự là phương thức chủ yếu để con người hiểu biết
sự vật”. Nhưng theo GS Trần Đình Sử ngày nay tự sự không còn giản đơn là
việc kể chuyện mà là một phương pháp không thể thiếu để giải thích, lý giải
quá khứ, có nguyên lí riêng. Do đó tự sự không chỉ được thể hiện trong tác
phẩm văn học mà còn được sử dụng rộng rãi trong các bộ môn nghệ thuật
khác. Tuy nhiên trong các hình thức tự sự đa dạng của con người thì chỉ có tự
sự văn học là phức tạp hơn cả làm thành đối tượng chủ yếu của Tự sự
học.Thực tế đã cho thấy từ chủ nghĩa hình thức Nga, ngôn ngữ học F.de
Saussure, trường phái Praha, trường phái tân Aristote, triết học phân tích, kí
hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc không trường phái nào không quan tâm tới vấn
đề tự sự văn học mà ở đây cụ thể là vấn đề trần thuật trong tiểu thuyết. Bộ
môn Tự sự học ra đời như một lẽ tất yếu, nó trở thành “một bộ phận cấu thành
của hệ hình lí luận hiện đại”, một phần không thể thiếu của hành trang nghiên
cứu văn học hiện đại.
1.1.2. Tự sự học
1.1.2.1. Cơ sở hình thành Tự sự học
Tự sự học có nguồn gốc và quá trình phát triển lâu đời, từ xa xưa thời
Platon, Aristote người ta đã biết phân biệt các loại tự sự: tự sự lịch sử khác tự
sự nghệ thuật,tự sự mô phỏng, tự sự giải thích, tự sự hỗn hợp…tuy vậy phạm
vi quan tâm của nó không ngoài tu từ học. Tự sự học với tư cách là bộ môn
khoa học đã ra đời vào khoảng năm 1966 được đánh dấu bằng bài viết Phân
tích cấu trúc của truyện kể in trên tờ báo Communications (Sự liên kết) của
Pháp. Nhưng phải đến năm 1969 qua công trình Ngữ pháp câu chuyện mười
ngày của T.Todorov (nhà nghiên cứu người Pháp gốc Bungari) mới giúp cho
23
ngành nghiên cứu tự sự từ trước tới nay có được cái tên chính thức và trở
thành ngành khoa học nghiên cứu có tính độc lập vì nội hàm văn hóa của
nó.Cũng từ đó lí luận tự sự đã trở thành vấn đề chủ yếu của nghiên cứu văn
học. Đồng thời “nó trở thành một bộ môn nghiên cứu liên ngành có tính chất
quốc tế và có vị trí ngày càng quan trọng trong khoa văn học và các khoa học
nhân văn”[65;12]. Lí thuyết Tự sự học ngày nay đã cung cấp bộ công cụ cơ
bản, ưu việt giúp cho chúng ta đi sâu vào nghiên cứu tất cả các lĩnh vực của
đời sống như giao tiếp, truyền thông, văn hóa. Do đó nó trở thành bộ phận cấu
thành hệ hình lí luận hiện đại.
Đặt nền móng cho những cơ sở lí thuyết ban đầu của Tự sự học là
trường phái hình thức Nga với một số tên tuổi tiêu biểu như V.Shklovski
(1893-1984), B.Eikhembaum (1886-1959), B.Tomachevski (1890-1957)…
Mặc dù không có chủ đích tìm hiểu riêng về nghệ thuật trần thuật song trong
khi chú ý đến “thủ pháp” nghệ thuật các nhà hình thức Nga bước đầu đề cập
đến nhiều phương diện cơ bản của lí thuyết tự sự, cụ thể là về các thành phần
và chức năng của tự sự.
Về kết cấu tác phẩm V.Shklovski lưu ý đến thủ pháp đóng khung và
thủ pháp xâu chuỗi trong văn tự sự. Nhìn từ góc độ hình thức trần thuật
B.Eikhenbaum làm rõ sự khác biệt giữa cấu trúc truyện ngắn và cấu trúc tiểu
thuyết. Với tiểu luận mang tên Hệ chủ đề B.Tomachevski là một trong những
người đầu tiên đi sâu nghiên cứu các thủ pháp của cốt truyện. Ông đã phân
biệt khái niệm truyện kể (fabula) và cốt truyện (sujet) trong tác phẩm tự sự.
Khi nói đến thời gian trần thuật tác giả phân biệt thời gian của truyện kể
(khoảng thời gian diễn ra các biến cố) và thời gian trần thuật (khoảng thời
gian cần thiết để cảm nhận tác phẩm). Ngoài ra nhiều thủ pháp trong nghệ
thuật tổ chức thời gian giả (chữ dùng của G. Genette sau này) cũng được tác
giả đề cập như trì hoãn, lặp lại, đảo ngược thời gian…V.Propp nghiên cứu cấu
24
trúc và chức năng tự sự trong truyện cổ tích. Bakhtin đã nghiên cứu mối quan
hệ giữa tác giả và nhân vật, ngôn từ trần thuật và tính đối thoại của nó…
Nếu chủ nghĩa hình thức Nga đặt những viên gạch đầu tiên cho lí
thuyết Tự sự học thì chủ nghĩa cấu trúc đã góp phần hình thành bộ môn Tự sự
học với những tên tuổi tiêu biểu như R.Barthes, Tz.Todorov, A.J.Greimas,
G.Genette…
Trong tác phẩm Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể (1966)
R.Barthes đã đề cập cụ thể tới những phương diện trọng yếu của nghệ thuật
trần thuật trong mối quan hệ với tác phẩm văn chương. Tác giả cho rằng để
nhận ra yếu tố giữa người kể và người nghe cần thông qua việc miêu tả “mã”
trong văn bản. Đặc biệt R.Barthes quan tâm đến người kể chuyện và xem đây
là một “sinh thể giấy”.
Tz.Todorov là một trong những người đầu tiên đề xuất thuật ngữ Tự sự
học (Narratology). Dẫu những lí thuyết về truyện kể, về nghệ thuật trần thuật
không phải đến bây giờ mới xuất hiện, song với đề xuất của Todorov ngành
Tự sự học mới thực sự trở thành một khoa nghiên cứu có tính độc lập và có
tên gọi chính thức. Tuy không trực tiếp đề cập đến các lí thuyết Tự sự học
song Thi pháp văn xuôi của Todorov được xem là một trong những chuyên
luận sớm quan tâm đến vấn đề Tự sự học từ góc nhìn lí thuyết ứng dụng.
G.Genette nhà lí luận, nhà phê bình lớn của Pháp đã có những đóng
góp quan trọng đối với bộ môn Tự sự học. Ông là một chuyên gia hàng đầu
về lí thuyết tự sự, là người đề xuất nhiều thuật ngữ quan trọng của lĩnh vực
Tự sự học. Genette được biết đến chủ yếu trong các công trình Những hình
thái và Diễn ngôn mới của truyện kể. Đặc biệt trong Diễn ngôn mới của
truyện kể tác giả đã làm sáng rõ các phạm trù về ngôi, về trật tự. Có thể khẳng
định rằng các vấn đề về tự sự như trật tự, tốc độ, tần xuất, ngôi, giọng điệu,
tác giả, người kể chuyện, người nghe chuyện…mà Genette đã đề xuất thật sự
25