Tải bản đầy đủ (.docx) (75 trang)

Lễ hội thờ phạm tử nghi ở quận lê chân, thành phố hải phòng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (448.93 KB, 75 trang )

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn “Lễ hội thờ Phạm Tử Nghi ở quận Lê Chân,
thành phố Hải Phòng” là công trình sưu tầm, nghiên cứu được thực hiện
nghiêm túc của riêng cá nhân tôi. Các tư liệu được sử dụng trong luận văn đều có
nội dung, nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Nếu có sai sót tôi xin hoàn toàn chịu
trách nhiệm.
Tác giả luận văn

Trần Thị Mai Phương

1


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hội nhập để phát triển là một trong những xu hướng tất yếu trên thế giới hiện
nay. Không nằm ngoài quy luật đó, từ lâu, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều sân chơi
chung như ASEAN, WTO, Liên Hợp quốc…Trong quá trình hội nhập, chúng ta được
tiếp nhận những thành tựu văn minh, khoa học - kĩ thuật, công nghệ, y học hiện đại…
của nhân loại để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình. Kể từ Đổi
mới – 1986 đến nay đời sống vật chất, tinh thần người Việt Nam ngày càng cải thiện.
Tuy nhiên, hội nhập hướng tới các giá trị chung của nhân loại nhưng chúng ta không
thể bỏ quên các giá trị cốt lõi, truyền thống – cái làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc.

2


Truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử gắn liền với công
cuộc dựng nước, giữ nước. Truyền thống ấy được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau
biểu hiện thông qua hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn tồn tại đến ngày


nay trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu về di sản văn hóa là một nội dung
quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc như nước ta hiện nay. Việc nghiên cứu
sẽ đem cho chúng ta cái nhìn chân xác hơn về các giá trị văn hóa dân tộc, bồi đắp thêm
lòng yêu quê hương đất nước, làm tăng sức mạnh nội lực cho quá trình hội nhập.
Nghiên cứu về di tích và lễ hội là một chủ đề không mới, tuy nhiên, mỗi nghiên
cứu sẽ bổ sung thêm nguồn tài liệu về vốn hiểu biết văn hóa dân tộc. Vì vậy, trong
khuôn khổ một luận văn tốt nghiệp Cao học ngành Văn hóa học, tác giả lựa chọn
nghiên cứu đề tài Lễ hội thờ Phạm Tử Nghi ở quận Lê Chân thành phố Hải Phòng.
Tại Hải Phòng nói chung và quận Lê Chân nói riêng có rất nhiều di tích tôn thờ
vị thần người địa phương này. Trong đó những di tích quan trọng nhất nằm ở quận Lê
Chân, bởi đây là quê hương của Phạm Tử Nghi. Hàng năm, xuân thu nhị kì nhân dân
Lê Chân lại tổ chức lễ hội mừng ngày thánh đản và thánh hóa. Di tích Từ Nghĩa Xá, là
ngôi nhà xưa nơi mà Phạm Tử Nghi sống cùng thân mẫu, được coi là Chính Từ - nơi
thờ chính của vị thần này. Lễ hội Từ Nghĩa Xá diễn ra từ xưa đến nay là một lễ hội
truyền thống được nhân dân địa phương tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những công
lao của Phạm Tử Nghi với quê hương đất nước.
Trải qua thời gian, lễ hội thờ Phạm Tử Nghi vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa
độc đáo của cộng đồng cư dân địa phương, là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân thành
phố Hải Phòng. Là một người con của Hải Phòng, tác giả rất mong muốn có những
đóng góp trong việc nghiên cứu về văn hóa trên mảnh đất quê hương. Do vậy, tôi lựa
chọn đề tài này làm luận văn tốt nghiệp Cao học với mong muốn thu được những tri
thức mới về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, phục vụ quá trình học tập,
công tác của mình.

3


2. Tình hình nghiên cứu
Trong những năm gần đây, hiện tượng các lễ hội truyền thống được phục dựng,
tổ chức lại đã thu hút giới nghiên cứu văn hóa. Có những nghiên cứu đi sâu vào vấn đề

di tích và lễ hội như cuốn Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam – các tỉnh phía
Bắc của PSG.TS. Hoàng Lương. Trong cuốn sách này nhà nghiên cứu đã đưa ra khung
lý thuyết chung về lễ hội, mối quan hệ giữa lễ và hội, phân loại lễ hội, đặc biệt tác giả
cũng liệt kê một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Năm 2014, Học
viện Khoa học xã hội xuất bản cuốn giáo trình sau đại học – Lễ hội dân gian của nhóm
các nhà nghiên cứu PSG.TS. Lê Trung Vũ, GS.TS. Lê Hồng Lý, PSG.TS. Nguyễn Thị
Phương Châm biên soạn. Ngoài việc trình bày các lý thuyết chung về lễ hội, cuốn sách
còn đưa ra cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu lễ hội dân gian, chỉ ra các tính chất,
đặc điểm, chức năng, giá trị của lễ hội dân gian và thực trạng hiện nay của lễ hội dân
gian trong đời sống đương đại…Đây sẽ là nguồn tài liệu cần thiết phục vụ cho cơ sở lý
thuyết của đề tài mà tác giả lựa chọn.
Bên cạnh khung lý thuyết về di tích và lễ hội nói chung, phải kể đến các nghiên
cứu trước đó gần với đối tượng nghiên cứu của đề tài. Năm 2008, tại Viện nghiên cứu
văn hóa, luận văn Di tích và lễ hội đình làng Đôn Nghĩa (phường Vĩnh Niệm – Lê
Chân – Hải Phòng) của Trần Quốc Tuấn đã được hội đồng khoa học thông qua. Đề tài
là một nghiên cứu trường hợp về một trong số các di tích thờ Phạm Tử Nghi trên địa
bàn quận Lê Chân, Hải Phòng. Vào năm 2013, UBND quận Lê Chân phối hợp với Hội
khoa học lịch sử thành phố tổ chức Hội thảo Danh tướng Phạm Tử Nghi thời nhà Mạc.
Các báo cáo tham luận trong hội thảo tập trung vào việc phân tích, đánh giá về thân thế
sự nghiệp và những đóng góp của danh tướng Phạm Tử Nghi dưới thời nhà Mạc tại
Hải Phòng. Hội thảo cũng giới thiệu các địa chỉ tín ngưỡng tín ngưỡng thờ danh tướng
Phạm Tử Nghi tại Hải Phòng và các địa phương khác. Như vậy các nghiên cứu đi trước
đã có những các tiếp cận khác nhau về đối tượng nghiên cứu. Đây sẽ là nguồn tài liệu

4


tham khảo quý báu bổ sung cho cách tiếp cận của luận văn Lễ hội thờ Phạm Tử Nghi ở
quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn đi vào khảo tả về nguồn gốc, thân thế sự nghiệp, di tích và lễ hội thờ
Phạm Tử Nghi tại Từ Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng. Trong đó tập trung vào việc mô
tả lễ hội. Từ đó, chỉ ra những biến đổi của lễ hội thờ Phạm Tử Nghi trong thời đại ngày
nay. Đồng thời, lí giải nguyên nhân từ đâu có những thay đổi đó.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: di tích và lễ hội thờ Phạm Tử Nghi tại Từ Nghĩa Xá,
phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
- Phạm vi nghiên cứu:
+ Không gian nghiên cứu bao gồm toàn bộ không gian tự nhiên, đời sống kinh
tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng tại phường Nghĩa Xá, quận
Lê Chân, thành phố Hải Phòng - là nơi có di tích và lễ hội thờ Phạm Tử Nghi.
+ Thời gian nghiên cứu: điều tra lịch đại đến năm 2016.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điền dã dân tộc học
- Phương pháp phỏng vấn
- Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp
- Phương pháp hệ thống, so sánh, phân tích, đối chiếu…
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Luận văn không chỉ khái quát về lễ hội truyền thống tại một địa phương mà còn
đưa ra bàn luận, lí giải về những biến đổi của nó trong đời sống người dân. Công trình
nghiên cứu này sẽ là nguồn bổ sung tư liệu tham khảo cho những nghiên cứu tiếp theo
về lễ hội nói chung và lễ hội thờ Phạm Tử Nghi ở Hải Phòng nói riêng.
7. Bố cục của luận văn
Không kể phần mở đầu và phần kết luận, luận văn gồm ba chương:
5


Chương 1 Tổng quan về quận Lê Chân và việc thờ Phạm Tử Nghi ở đây
Chương 2 Di tích và lễ hội thờ Phạm Tử Nghi ở Từ Nghĩa Xá, phường Nghĩa
Xá, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng

Chương 3 Một số vấn đề trong lễ hội thờ Phạm Tử Nghi ở quận Lê Chân, thành
phố Hải Phòng

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ QUẬN LÊ CHÂN VÀ VIỆC
THỜ PHẠM TỬ NGHI Ở ĐÂY
1.1 Tổng quan về quận Lê Chân
1.1.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Lê Chân là một trong những quận nội thành của thành phố Hải Phòng, với vị trí
tiếp giáp quận Ngô Quyền, một phần quận Dương Kinh về phía đông; huyện An
Dương, quận Kiến An về phía tây; quận Dương Kinh ở phía nam và quận Hồng Bàng ở
phía bắc [19]. Xưa kia vùng đất này được bao bọc bởi sình lầy và hoang hóa, nay đã
trở thành đô thị có tổng diện tích tự nhiên lên đến 12 km2 sau nhiều lần thay đổi địa
6


giới hành chính. Việc tiếp giáp với dòng sông Lạch Tray đã tạo cho cảnh quan quận Lê
Chân thêm thoáng đãng. Ở đây cũng có nhiều ao, hồ, đầm, mương nước. Hồ Sen nằm
phía trước mặt trụ sở Uỷ ban nhân dânBND quận Lê Chân là hồ điều hòa của quận.
Trước đây trong hồ trồng sen và một số loại rau trên mặt nước như rau muống, rau
giút… đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người dân sống xung quanh. Tuy nhiên
sau này cây sen chết đi dẫn đến sự ô nhiễm nước trong hồ, gây ra mùi khó chịu, ảnh
hưởng đến môi trường sống của người dân. Thành phố đã cho nạo vét, cải tạo lại lòng
hồ, kè đá khang trang, biến nơi đây thành một trong những địa điểm cảnh quan đẹp của
quận Lê Chân.
1.1.2 Lịch sử hình thành và thành phần dân cư
Quận được vinh dự mang tên vị nữ tướng Lê Chân anh hùng, người đã có công
lập nên nền móng của vùng đất Hải Phòng ngày nay. Cái tên Lê Chân đã in dấu trong
tâm trí người Hải Phòng từ khá lâu. Chưa có tài liệu nào nói tới những di tích khảo cổ
được phát hiện ở vùng này, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử đã nói nhiều về nữ tướng

Lê Chân với nhân dân làng cổ An Biên (làng Vẻn) và những di tích còn để lại: chùa
Vẻn, đền Nghè…Làng cổ An Biên trước năm 1872 theo hồ sơ hiện còn lưu giữ, bao
gồm phần lớn quận Lê Chân ngày nay, một phần nhỏ ở địa phận quận Hồng Bàng và
Ngô Quyền, phía bắc giáp sông Cấm, tây giáp sông Tam Bạc, nam giáp làng An Dương
và Hàng Kênh, đông giáp làng Gia Viên và Lạc Viên [6,tr.168].
Cho đến thời kì cận và hiện đại, vùng đất Lê Chân cũng để lại nhiều di tích ghi
dấu cách mạng. Đó là những cơ sở cách mạng dưới hình thức các tiệm báo, hiệu sách,
những ngôi nhà gắn với thời gian hoạt động cách mạng tại Hải Phòng của những đồng
chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự…Đặc biệt phải kể đến sự kiện
Hải Phòng được đón Bác Hồ về thăm lần đầu tiên vào ngày 20/11/1946. Thời điểm đó
để đảm bảo sự an toàn và bí mật, trụ sở Ủy ban hành chính thành phố phải tạm đóng
tại trường Minh Khai. Trường nằm trên con phố Lê Chân nhỏ bé, lúc đó phố được gọi
là Rue Nam Sinh, do vậy trường còn được gọi là trường Nam Sinh, chỉ dành cho con
7


gái theo học. Chính tại ngôi trường này, Bác Hồ đã về nghỉ ngơi và nói chuyện với đại
biểu nhân dân Hải Phòng. Sau chuyến thăm Pháp dài ngày, Hải Phòng chính là nơi đâu
tiên của Tổ quốc được Bác đặt chân lên. Ngày nay, trường nữ sinh Minh Khai đã thành
trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, vẫn trên con phố cũ. Phố Lê Chân thuộc
phường An Biên mãi là niềm tự hào của người dân Lê Chân nói riêng và người dân Hải
Phòng nói chung, là nơi ghi dấu ấn lần đầu tiên đón Bác về thăm thành phố Cảng. Để
sau này, người Hải Phòng còn có thêm tám dịp nữa vinh dự được gặp Người.
Về dân cư, Lê Chân là quận có nhiều khu dân cư lao động. Thành phần dân tộc
ở đây chủ yếu là người Kinh và một số ít người Hoa. Dân bản địa chiếm tỷ lệ thấp, chủ
yếu sống trong các làng xã cũ như An Biên, Dư Hàng, An Dương, Hàng Kênh…với
nhiều dòng họ như Lê, Vương, Trần, Ân, Nguyễn, Vũ, Phạm…Phần lớn là người từ
các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương đến đây làm ăn từ hồi đầu thế kỷ XX. Khi
thực dân Pháp chiếm được Hải Phòng, việc mở mang cảng và các công sở càng thu hút
nhiều lao động ở các nơi về đây sinh sống. Dân số phát triển mạnh trong thời kì 1930 –

1931[6,tr.164].
1.1.3 Đời sống kinh tế
Những năm đầu sau giải phóng, hoạt động kinh tế - kỹ thuật trên vùng đất quận
Lê Chân xưa còn khá nghèo nàn, chậm chuyển biến do gặp phải vô vàn khó khăn.
Nguyên nhân của vấn đề này là do hạ tầng cơ sở cũ kĩ, lạc hậu, lỗi thời, như đường xá
xuống cấp trầm trọng, nhà xưởng thì ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất…Về
sản xuất tiểu thủ công nghiêp, quận thu hút được 5000 lao động vào các hợp tác xã, với
nhiều ngành nghề trở thành mũi nhọn như giày vải, thêu ren xuất khẩu, phụ tùng xe
đạp…Từ năm 1965 trở lại đây, đan len và thêu ren đã thu hút hàng ngàn chị em có việc
làm. Năm 1979 – 1980, mặc dù có những khó khăn về nguyên liệu, ngành tiểu thủ
công nghiệp quận Lê Chân vẫn chủ động khai thác được 2500 tấn phế liệu sản xuất
nhiều mặt hàng tiêu dùng đạt giá trị 8 triệu đồng [6,tr.164].

8


Thời kì khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa (1955 - 1960), trên địa bàn
quận Lê Chân không có một cơ sở công nghiệp quốc doanh, mà chỉ có một số xưởng
nhỏ của tư nhân như cơ khí Mê Linh, xưởng gỗ Đại Đồng. Đến năm 1985, đã có 19 xí
nghiệp quốc doanh thu hút 11.563 cán bộ công nhân viên. Công ty cầu đường, xí
nghiệp xe khách, nhà máy cơ khí chế tạo, cơ khí 1 – 5, cơ khí An Biên, thảm len Hàng
Kênh… là những cơ sở công nghiệp [6,tr.164].
Cùng với việc phát triển các cơ sở sản xuất thì hoạt động trao đổi, buôn bán
cũng sớm hình thành ở quận Lê Chân. Văn bia “Hưng công trụ tạo ngõa bi ký”, tạo
năm Chính Hòa 22 (1701) dựng ở chợ Hàng Kênh cho biết những người ở đây đã đóng
góp để xây dựng quán ba gian lợp ngói, tiện cho việc buôn bán. Điều đó phản ánh chợ
Hàng Kênh ít ra cũng có từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế ký XVIII. Theo “Đại Nam thực
lục” năm 1876 tổng đốc Hải Dương là Phạm Phú Thứ xin nhà vua cho đặt trường mua
gạo ở chợ An Biên. Trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1884, triều đình Huế
cũng cho xây dựng một số nhà cửa, mở mang phố xá ở khu vực làng An Biên, chiêu

tập một số thương nhân người Hoa và Việt Nam đến sinh cơ lập nghiệp ở đó [6,tr.165].
Ngày nay, quận Lê Chân có khá nhiều chợ, như chợ An Dương với nhiều mặt
hàng: công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp…Ngoài ra còn có chợ Con,
chợ Cột Đèn, chợ Hàng vốn có từ lâu và nổi tiếng với nhiều hàng nông sản có giá trị.
Một đặc điểm dễ nhận thấy của các chợ ở quận Lê Chân là sự giao lưu hài hòa giữa các
sản phẩm từ ngoại thành với các sản phẩm của một quận đô thị [6,tr.165]. Chợ Hàng
hiện nay là chợ phiên duy nhất còn họp ở Hải Phòng. Trước kia vào thời Pháp thuộc
chợ họp vào các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng. Ngày nay chợ chỉ họp vào ngày
chủ nhật hàng tuần. Các mặt hàng buôn bán trong chợ vẫn còn cho thấy dáng dấp một
chợ quê truyền thống, như những hạt giống rau, giống cây ăn quả, giống vật nuôi như
chó, mèo, thỏ, chim cảnh, các loại dụng cụ, phân bón, thức ăn dùng để chăm sóc cây
trồng vật nuôi... Đi chợ Hàng đối với nhiều người Hải Phòng không hẳn là để mua bán,
trao đổi, mà đơn giản chỉ là cái thú được đi chơi, hòa vào dòng người tấp nập trong
9


chợ. Có lẽ khó có nơi đâu còn tìm thấy một chợ phiên ngay giữa lòng thành phố như
chợ Hàng ở Hải Phòng [18].
Về giao thông vận tải, qua một số văn bia ở quận Lê Chân đã có phản ánh hoạt
động này: Xây trụ cầu bằng đá để tiện việc đi lại ở Dư Hàng (1773)…Trên tạp chí Bắc
Kỳ năm 1925 có bài: “Những con đường bị bỏ rơi” than phiền về sự lầy lội và bẩn thỉu
ở Hàng Kênh có đông dân cư [6,tr.166]. Địa bàn quận Lê Chân còn có đường Thiên
Lôi, con đường gắn liền với các huyền thoại về Phạm Tử Nghi cũng như con số các di
tích thờ ông có mật độ khá dày trên khu vực này. Đường Thiên Lôi trước kia khá nổi
tiếng bởi nó là một trong những con đường xuống cấp nhất nhì trong nội đô Hải Phòng,
mặt đường ghồ ghề, đến lúc mưa thì nước đọng thành vũng, ảnh hưởng đến đời sống
nhân dân hai bên đường. Nay đường đã được làm mới phần nền, rải nhựa, vừa phục vụ
tốt hơn cho giao thông đi lại của người dân, vừa tạo mỹ quan đô thị.
1.1.4 Đời sống văn hóa xã hội
Mảnh đất Lê Chân xưa vốn có những dấu ấn được ghi lại trên các văn bia. Bia

“Văn hội bi ký” tạo năm Cảnh Hưng 43 (1782) ở Niệm Nghĩa cho biết sự đóng góp
của nhân dân ở đây đối với việc xây dựng văn từ - nơi sinh hoạt văn hóa giáo dục…
Một bia khác, tạo năm Cảnh Hưng 25 (1764) dựng ở Dư Hàng cho biết những hoạt
động của hội Tư văn. Ở Hàng Kênh còn có một văn bia ghi tên và chức vụ của những
người học hành đỗ đạt của địa phương từ năm Quang Thuận (1460) đến năm Chính
Hòa 14 (1693) [6,tr.166].
Khi nhắc đến cái tên Lê Chân là người Hải Phòng liên tưởng ngay đến vùng đất
có bề dày về văn hóa. Nhân vật nữ tướng Lê Chân và việc lập làng cổ An Biên, tiền
thân của Hải Phòng sau này là câu chuyện luôn gắn bó với nhân dân quận Lê Chân từ
bao đời nay. Lê Chân cũng là nơi có rất nhiều các di tích danh thắng ghi dấu những giá
trị vật chất và tinh thần của con người ở đây qua những giai đoạn lịch sử như Đền
Nghè, Đình An Biên thờ Bà Lê Chân, Chùa Dư Hàng, Đình Hàng Kênh thờ Ngô
Quyền, Từ Nghĩa Xá thờ Phạm Tử Nghi…Cùng với các di tích này là hệ thống lễ hội,
10


phong tục tập quán đặc sắc được nhân dân lưu giữ, truyền tụng từ thế hệ này sang thế
hệ khác.
Người dân Lê Chân hiện nay có đời sống tinh thần, tâm linh khá đa dạng, phần
lớn vẫn là người theo tôn giáo dân tộc như thờ tổ tiên, thờ Mẫu, ngoài ra cũng có người
theo đạo Phật, đạo Ki-tô hoặc đạo Tin Lành. Cùng với những thiết chế tín ngưỡng
truyền thống đã kể trên như đình, đền, chùa…ở Lê Chân cũng có một số nhà thờ của
các tôn giáo thờ Chúa Giê su như nhà thờ An Tân, Hội thánh Tin Lành ở Hải Phòng.
Trước giải phóng, tình trạng văn hóa xã hội ở Lê Chân tồn tại nhiều bất cập. Sau
ngày Hải Phòng, giải phóng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền thành phố, các
hoạt động văn hóa, giáo dục đã có nhiều bước phát triển. Lê Chân tự hào là nơi có
trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - một trong những trường thuộc bậc học phổ
thông đầu tiên của Việt Nam. Trường có bề dày truyền thống đã gần một thế kỉ đào tạo
nhiều lớp học sinh ưu tú cho thành phố và cho đất nước. Nhiều nhân vật tiêu biểu của
Việt Nam như tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn

Cao…đã từng là học sinh của nhà trường.
1.2 Quá trình đô thị hóa và việc phân chia lại địa giới hành chính nơi có các
di tích thờ Phạm Tử Nghi ở quận Lê Chân
Quận Lê Chân qua năm tháng đã có sự thay đổi rõ nét từng ngày từ kinh tế đến
văn hóa xã hội. Bộ mặt đô thị Lê Chân đang hình thành và ngày càng khang trang hơn.
Đường sá được mở rộng, xuất hiện thêm các cụm phát triển công nghiệp. Có được điều
này một phần nhờ sự quan tâm của thành phố và của Chính Phủ. Ngày 20/12/2002 Thủ
tướng Chính Phủ đã ban hành nghị định số 106/2002/NĐ-CP trong đó có việc mở rộng
và thành lập phường thuộc quận Lê Chân. Sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và
dân số của 2 xã Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh thuộc huyện An Hải vào quận Lê Chân
và thành lập phường Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh thuộc quận Lê Chân [20].
Việc điều chỉnh địa giới hành chính có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển
của quận Lê Chân nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Từ đây, quận đã có
11


một vùng phát triển công nghiệp riêng đó là Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm. Nơi đây với
hệ thống công xưởng, bến bãi, trụ sở của hàng loạt công ty công nghiệp, đã góp phần
nâng cao tỉ trọng kinh tế của quận so với trước kia và là một bộ phận tạo nên diện mạo
kinh tế của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập hai xã Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh của An Hải cũ
cũng là một bước chuyển cho văn hóa xã hội của quận Lê Chân. Bởi trong vấn đề văn
hóa, Lê Chân là quận có những di tích căn bản thờ vị danh tướng Phạm Tử Nghi triều
Mạc, vị anh hùng có công với làng xóm, quê hương khi còn sống và lúc mất đi được
nhân dân tôn thờ. Khi đã nói đến vấn đề thờ Phạm Tử Nghi thì khó có thể bỏ qua các di
tích nằm trên địa bàn quận Lê Chân, đó là Từ Nghĩa Xá thuộc phường Nghĩa Xá, ngôi
Từ được xây dựng trên nền gốc là căn nhà Phạm Tử Nghi ngày trước, được coi là nơi
thờ chính, để quy tụ về mỗi dịp lễ hội. Tiếp đến là hai nơi cũng linh thiêng và quan
trọng không kém đó là Lăng miếu Đôn Nghĩa và Đình Niệm Nghĩa thuộc xã Vĩnh
Niệm, huyện An Hải cũ nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Lăng miếu là nơi an

nghỉ ngàn thu của Đức Thánh Niệm – một cách gọi dân dã của người dân địa phương,
Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng của làng xưa kia và vị thánh được suy tôn đó không
phải ai khác chính là Phạm Tử Nghi. Từ đó có thể thấy rằng việc sáp nhập về mặt hành
chính này đã góp phần kết nối các di tích quan trọng gắn với Phạm Tử Nghi cũng như
nối kết lại mối thâm giao, hữu hảo từ bao đời nay của nhân dân các làng có thờ Đức
Thánh Niệm. Một điều đặc biệt phải kể đến đó là vị trí của các di tích quan trọng này là
đều nằm trên đường Thiên Lôi – con đường mang dấu ấn của vị anh hùng thưở trước.
Trước kia, đường vốn lầy lội nay đã được trải nhựa khang trang trở thành một nơi buôn
bán sầm uất của các hộ dân sống hai bên đường. Chợ Đôn nằm ở điểm đầu con đường
từ đường Trần Nguyên Hãn rẽ vào là một ví dụ điển hình của sự đô thị hóa và nhu cầu
về kinh doanh buôn bán của người dân. Chợ họp cả ngày, bán các mặt hàng thực phẩm
phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của người dân sống xung quanh đó. Đồng thời không
chỉ bán cho người sống gần chợ mà những người sống xa hơn nhưng phải đi qua
12


đường Thiên Lôi mới về được nhà nên để tiện lợi họ cũng dừng xe ghé lại mua. Đối
lập với sự sầm uất nhộn nhịp và có phần xô bồ của cảnh buôn bán, chợ búa tập nập ở
bên ngoài như vậy, những di tích thờ Phạm Tử Nghi vẫn nằm im lìm trên con đường
Thiên Lôi như một minh chứng cho sức sống lâu bền của niềm tin tâm linh của con
người nơi đây. Nếu đi ngang đường Thiên Lôi mà không chú ý quan sát, chưa chắc
người ta đã nhìn ra di tích Từ Nghĩa Xá vì ngay trước lối dẫn vào Từ người dân tiến
hành buôn bán khá nhộn nhịp. Chỉ đến dịp lễ hội hay ngày Tết người dân tự nguyện trả
lại vẻ phong quang cho lối vào Từ Nghĩa Xá, góp phần làm nên sự trang nghiêm, linh
thiêng cho dịp lễ tế Thánh. Xuôi theo hướng Từ Nghĩa Xá đi xuống ta bắt gặp đường
Phạm Tử Nghi, rẽ vào đây chính là Lăng miếu Đôn Nghĩa.
Nếu Từ Nghĩa xá nằm giữa khu chợ sầm uất nhất nhì Hải Phòng thì Lăng Đôn
nằm ở một vị trí yên tĩnh hơn – trong khu dân cư. Cùng với Đình Niệm Nghĩa trước
thuộc đất An Dương nay về với Lê Chân, các làng cũ xưa cùng thờ Thánh Phạm Tử
Nghi nay lại đoàn tụ với nhau. Câu ca dao xưa được nhân dân vùng này lưu truyền nói

về việc ba làng Đôn, Niệm, Nghĩa Xá chia nhau phụng thờ Đức Thánh vẫn còn được
nhắc đến.
Bể dâu thay đổi cuộc đời,
Làng xưa Vĩnh Niệm sau dời làm ba.
Làng Nghĩa Xá, đấy là nhà,
Dựng ngôi đền chính một tòa khang trang.
Làng Đôn, lăng, miếu, đèn hương.
Còn làng Niệm Nghĩa phụ vương mộ phần.
Ba làng vẫn một tình thân,
Ấm no, hạnh phúc nhờ ân đức Người.[11,tr.14]

13


1.3 Tổng quan về việc thờ Phạm Tử Nghi ở quận Lê Chân
1.3.1 Khái quát về thân thế sự nghiệp của Phạm Tử Nghi
Nhân vật Phạm Tử Nghi được sử sách đề cập tới phải kể đến trong Đại Việt sử
kí toàn thư – bộ chính sử xa xưa của nước ta còn nguyên vẹn cho đến nay. Toàn thư
chép rằng nhân vật Phạm Tử Nghi là tướng nhà Mạc. Bối cảnh khi dòng họ đế vương
này xuất hiện là lúc đất nước ta đang trong thời kì rối ren, hai chính thể vua Lê – chúa
Trịnh cùng tồn tại. Họ Mạc nhân thời cơ đó mà nổi lên tiếm quyền.
Các tài liệu ghi chép về Phạm Tử Nghi ở Hải Phòng hiện nay chủ yếu do Bảo
tàng Hải Phòng sưu tập và lưu giữ. Ngoài việc tham khảo các tư liệu do các sử gia
phong kiến cung cấp trong các cuốn sử như Đại Việt sử kí toàn thư, Lê triều thông sử,
Việt sử thông giám cương mục và các sách địa chí thì lấy làm căn cứ để tìm hiểu về
nguồn gốc, thân thế, sự nghiệp của nhân vật Phạm Tử Nghi còn phải kể đến bản Nam
Hải Đại Vương ngọc phả bằng chữ Hán do người dân quê ông sao chép ngày 6/9 năm
Tự Đức thứ 22 (1869). Văn bản tiếng Hán này đã được ông Hoàng Khắc Nhượng,
nguyên là cộng tác viên của Bảo tàng Hải Phòng, đọc và dịch trong đợt kiểm kê di tích
lịch sử năm 1976, 1977. Bên cạnh đó còn một văn bản quý giá không kém được lưu tại

Bảo tàng Hải Phòng là nguyên bản sắc phong đề ngày 10/8 năm Vĩnh Thịnh thứ 6
(1710) triều vua Lê Dụ Tông cho Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi người xã Vĩnh Niệm,
huyện An Dương, trấn Hải Dương.
Phạm Tử Nghi sinh ngày 2 tháng 2 năm Hồng Thuận (1590), mất ngày 14 tháng
9 năm Lê Quang Hưng (1578), ông tên húy là Thành, tên chữ là Tử Nghi [5,tr.3]. Ông
nguyên là người Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn
Hải Dương (nay thuộc địa bàn liên quan giữa hai phường Nghĩa Xá và Vĩnh Niệm
quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất là người thông
minh, ham học hỏi đặc biệt nhân vật này được mô tả là có sức vóc hơn người. Chứng
tích còn lại của việc Phạm Tử Nghi rèn luyện võ nghệ chính là việc ông đắp con đường
Thiên Lôi không những thế nó còn là con đê ngăn nước mặn xâm nhập vào trong nội
14


đô, đê dài khoảng 3 dặm (trên 2km), vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hàng năm người dân
sở tại vẫn bồi đắp. Sở dĩ con đường do Phạm Tử Nghi đắp có tên là Thiên Lôi vì khi
tập võ ông dùng gậy thét lên một tiếng vang trời và quật nát những đống đất đắp hai
bên đường. Người làng lúc bấy giờ cho rằng ông là ông tướng Thiên Lôi trên trời hóa
xuống, cho nên gọi đường ấy là đường Thiên Lôi, đặt theo danh hiệu của ông. Ngày
trước con đường Thiên Lôi ở Hải Phòng khá lầy lội, xuống cấp, do vậy người dân sống
hai bên đường mới lưu truyền câu chuyện đường xấu như bị Thiên Lôi giáng sét
xuống. Ngày nay đường đã được sữa chữa, rải nhựa lại vô cùng khang trang.
Con người Phạm Tử Nghi hội tụ những phẩm chất những điểm ưu việt để sau
này được triều đình trọng dụng. Lúc bấy giờ ở vùng Cổ Trai, Kiến Thụy ngày nay nổi
lên nhân vật Mạc Đăng Dung, người mà sau đó đã lập ra vương triều Mạc, thay thế
triều Lê trong một thời gian ngắn. Phạm Tử Nghi ra giúp nhà Mạc vào giai đoạn hưng
thịnh. Ông đã trở thành một tướng cao cấp của vương triều Mạc với tước Tứ Dương
hầu. Tuy vậy tên tuổi của ông và sự nghiệp cầm binh của ông lại ít được nhắc đến
trong sách sử. Mãi đến năm 1547 trong Đại Việt sử kí toàn thư mới thấy nhắc đến ông.
Vào năm 1547 sau khi Mạc Phúc Hải chết, Mạc Phúc Nguyên nối ngôi. Lúc này triều

đình Mạc muốn lập Mạc Phúc Nguyên làm vua dù còn rất nhỏ tuổi, Phạm Tử Nghi cho
rằng điều này là không nên, do đó ông mới mưu lập Mạc Chính Trung lên ngôi. Theo
nhận định của Phạm Tử Nghi thì Hoằng vương Chính Trung đã đứng tuổi đồng thời có
kinh nghiệm trận mạc, có vậy mới đủ khả năng gánh vác công việc giang sơn trong lúc
rối ren bấy giờ. Ngược lại Mạc Phúc Nguyên tuổi còn nhỏ, phải có sự giúp sức từ Phụ
chính Mạc Kính Điển, chưa thể tự mình lãnh đạo đất nước. Hành động của Phạm Tử
Nghi trong thời điểm này có thể xem như một hành động chống đối, gây mâu thuẫn
trong chính nội bộ nhà Mạc, điều đó khiến cho người đời sau cũng khó khăn hơn trong
việc đánh giá vai trò của ông. Do nội bộ nhà Mạc lục đục dẫn đến những cuộc đánh
nhau để xem ai là người giành được vị thế, gây hậu quả là làm suy yếu quân nhà Mạc
trước triều đình nhà Lê.
15


Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép rằng “Tướng Mạc là Tứ Dương hầu Phạm
Tử Nghi mưu lập người họ Mạc là Hoằng Vương Chính Trung làm chúa, không xong,
bèn nổi loạn, bức dời Chính Trung về xã Hoa Dương, huyện Ngự Thiên. Họ Mạc sai
Khiêm Vương Kính Điển cùng bọn Tây quận công Nguyễn Kính đem quân đi bắt, bị
Tử Nghi đánh bại. Sau Tử Nghi nhiều lần đánh không được, mới ép Chính Trung ra
chiếm cứ vùng Yên Quảng. Dân hạt Hải Dương bị nạn binh lửa luôn luôn, nhiều người
phải lưu vong” [2,tr.601]. Sách sử ghi chép là vậy, công hay tội cũng đã thuộc về lịch
sử, nhưng xét tình thế lúc bấy giờ những nhận định và hành động của tướng Phạm Tử
Nghi cho thấy nhân vật này là người có chính kiến rõ ràng, tích cách bộc trực khảng
khái. Trong giai đoạn lịch sử đầy những biến động như vậy, việc xuất hiện một con
người dám nghĩ dám làm là điều hiếm có.
Sau khi mưu sự không thành, quân Phạm Tử Nghi tiến vào đất của người Minh
và có hành động cướp phá tại đây. Đại Việt sử kí toàn thư có ghi lại sự việc này như
sau “Tử Nghi lại chạy vào đất nhà Minh, thả quân đi bắt người cướp của Quảng Đông,
Quảng Tây. Người Minh không kiềm chế nổi” [2,tr.601]. Việc làm của tướng Phạm Tử
Nghi trên đất ngoại quốc phải chăng là hành động phản kháng vì lòng yêu nước? Chỉ

biết rằng người đời sau cũng nhìn nhận sự việc này với tấm lòng khâm phục, biết ơn
người anh hùng với khí phách hiên ngang dám xông pha vào chốn quân thù. Trong bản
ngọc phả Nam Hải đại vương sao năm Tự Đức 22 (1869), soạn giả đã mô tả những
hoạt động của Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi trên đất Minh như sau: “…Chiếm cứ
Lưỡng Quảng rồi tiến thẳng đến Nam Kinh. Anh hào các nước đều phải bó tay, một
trận toàn thắng lại giơ gươm chém cây cột đồng Mã Viện dựng lên thuở trước đến nay
vết kiếm vẫn còn” [4,tr.5-6]. Bản kỷ trong Đại Việt sử kí toàn thư viết: Trước kia,
Phạm Tử Nghi vẫn định lập Hoằng Vương Chính Trung làm người nối ngôi họ Mạc,
nhưng các thân vương trong họ và đại thần của họ Mạc lại mưu lập Phúc Nguyên.
Chính Trung không được lập, mới cùng với Tử Nghi nổi loạn, và cướp bên nước Minh,
người Minh bị nhiều tai hoạ. Đến đấy, nhà Minh trách họ Mạc là phiên thần vô lễ, dung
16


túng bọn cướp nước sang cướp bóc đại quốc, sẽ phải đem quân sang, họ Mạc rất sợ,
liền ngầm sai kẻ tiểu tốt đi bắt được Tử Nghi, chém đầu sai người đưa sang nhà Minh.
Nhưng hễ đi tới đâu là hay sinh ôn dịch ở đó, làm chết hại nhiều người và súc vật, nên
người Minh phải trả lại [2,tr.602-603]. Với tinh thần và chí khí của người anh hùng yêu
nước, hành động của tướng Phạm Tử Nghi trên đất Minh đã làm đối phương phải nể
phục và khiếp sợ, dám thẳng tay chém vào cây cột đồng Mã Viện - biểu tượng của ách
độ hộ của người phương Bắc đối với phương Nam, đồng thời còn làm cho người Minh
phải hoang mang, sợ hãi cả khi sống lẫn khi thác. Hơn hết, những sự việc này đều được
xác nhận trong ghi chép của cả hai nước. Minh chứng cho một điều rằng nhân vật này
tuy xuất hiện trong một thời điểm, một giai đoạn biến loạn của lịch sử nhưng cũng đã
để lại những dấu ấn nhất định, những oai danh không thể phủ nhận. Để sau này dân
gian đã tiếp tục làm công việc phủ lên lớp màn kì ảo để có được vị Thánh Phạm Tử
Nghi hay còn gọi là Đức Thánh Niệm – theo cách gọi của người địa phương, như ngày
hôm nay. Mà cùng với việc thờ phụng Thánh còn có các sinh hoạt văn hóa như phong
tục, tập quán và lễ hội dân gian gắn với vị thần được thờ trong cộng đồng nhân dân ở
quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

1.3.2 Cơ sở hình thành tục thờ Phạm Tử Nghi ở Lê Chân, Hải Phòng
1.3.2.1 Tính địa phương của vị thần được thờ
Thánh Phạm Tử Nghi là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà ngày nay thuộc
địa bàn quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Theo địa giới hành chính trước kia thì nó
thuộc về huyện An Dương, thành phố Hải Phòng hiện nay. Bởi xưa kia vùng An Dương
là cả một tổng rất rộng lớn với nhiều làng xã. Theo sách địa chí Hải Phòng, xuất bản
năm 1990, tổng An Dương cũ gồm 8 xã là: An Dương, Đôn Nghĩa, Vĩnh Niệm, Tê
Chữ, Hoàng Nai, Hoàng Mai, Niệm Nghĩa, Trang Quán. Trong đó cư dân Vĩnh Niệm,
Đôn Nghĩa, Niệm Nghĩa thậm chí cả An Dương đều có truyền thống tôn thờ Phạm Tử
Nghi làm phúc thần [4,tr.2]. Sau này theo nhịp điệu của quá trình đô thị hóa thì các
làng Vĩnh Niệm, Đôn Nghĩa, Niệm Nghĩa, An Dương xưa kia được sáp nhập vào quận
17


Lê Chân, trở thành các phường, tên gọi vẫn như cũ. Như vậy cho đến tận bây giờ các
tên địa danh xưa vẫn không hề bị thay đổi mà chỉ là thay đổi về mặt hành chính, giấy
tờ, vì vậy mà truyền thống văn hóa của người dân nơi đây vẫn giữ được nếp cũ của cha
ông truyền lại.
Địa bàn quận Lê Chân là nơi tập trung các di tích chính thờ Đức Thánh Niệm
với mật độ dày đặc. Nếu chỉ tính riêng theo trục đường Thiên Lôi đã có đến 3 di tích
quan trọng nhất là Từ Nghĩa Xá, Lăng Đôn Nghĩa và Đình Niệm Nghĩa. Trên đường
Trần Nguyên Hãn – con đường kéo dài từ chân cầu Niệm đến điểm tiếp giáp phố
Nguyễn Đức Cảnh, có ngôi miếu An Dương cũng thờ Phạm Tử Nghi. Ngôi miếu nhỏ
bé nằm sau một gốc đa cổ thụ nhưng cứ đến mùng một, ngày rằm là nhân dân lại vào
nhang khói đều đặn. Nói đến con đường Trần Nguyên Hãn, cũng trong sách địa chí Hải
Phòng, phần phụ lục tên các đường, phố chính nội thành có ghi chép về tên đường này.
Năm 1954 đường cũng mang tên Trần Nguyên Hãn, nhưng năm 1951 về trước gọi là
đại lộ Phạm Tử Nghi [6,tr.244]. Trên con đường này, còn phải kể đến bến xe khách
Niệm Nghĩa, là một trong những điểm chung chuyển chính của hoạt động vận tải hành
khách đường dài ở Hải Phòng. Đồng thời, đình An Dương, nằm trên địa bàn phường

An Dương thuộc quận Lê Chân trong đó Thánh Phạm Tử Nghi cũng được coi là vị
thần bản mệnh của người dân ở đây. Như vậy, trải qua năm tháng, uy danh của thần đã
gắn với tên xóm tên làng nay trở thành tên phường, xã, tên đường phố, với những cầu
Niệm, đường Thiên Lôi, đình Niệm, Lăng miếu Đôn, Từ Nghĩa Xá…trở thành những
tên địa danh quen thuộc với người dân thành phố Hoa phượng đỏ.
1.3.2.2 Lòng biết ơn của thế hệ sau với người có công
Phạm Tử Nghi – vị tướng, người anh hùng, vị Thánh vừa xuất thân từ địa
phương, nhưng đồng thời còn là người có nhiều công lao đóng góp cho xóm làng, cho
quê hương, đất nước. Truyền thuyết địa phương đã kể về Phạm Tử Nghi - con người tài
giỏi có sức khỏe phi thường đắp con đê dài chừng hai dặm vừa để ngăn không cho

18


ruộng đồng quê hương bị thâm nhập mặn, vừa để luyện tập võ nghệ. Con đê này nay
vẫn còn tồn tại và hàng năm nhân dân tiếp tục bồi đắp để bảo vệ đời sống và sản xuất.
Nói đến sức mạnh phi thường của Thánh Phạm Tử Nghi dân gian còn truyền
tụng một số câu chuyện. Có lần làng giao cho Người mang một trăm quan tiền thuế lên
kinh đô nộp thuế, xong xuôi, Người dạo chơi qua bến cửa Đông thấy quân đội quây
quần chung sức kéo một cây gỗ lim. Người tủm tỉm cười và nói nhỏ, những đồ giá áo
túi cơm ấy thì làm sao tròn được trách nhiệm nặng nề. Có người nghe thấy mách với
quan Khâm sai...Sau quan lại vào tâu với vua để bắt tội vô lễ. Vua truyền rằng nếu một
mình làm được sẽ trọng thưởng. Người vâng lệnh đến bên bờ sông, vác thốc cây gỗ đó
lên, đến trước nhà vua mà ném xuống. Nhà vua liền ban thưởng. Sau đấy vì văn võ bá
quan còn chưa phục, nhà vua lại tiếp tục giao cho Ngài trị ba con voi dữ ở cánh đồng
Đồng Nhân, bảo vệ sự bình yên cho xóm làng. Ngài xin phép luyện tập võ nghệ trong
ba tháng rồi mới đi đánh voi…Một trận đánh lớn diễn ra tưởng như quang cảnh trời sa
đất thụt, sông cạn núi tan. Phút chốc cả ba con voi, con thì chết, con thì què gãy
[5,tr.3].
Cùng với việc trừ họa, đắp đê bảo vệ xóm làng, Đức Thánh Niệm còn được coi

là vị anh hùng đánh giặc giúp nước, bảo vệ bờ cõi. Dân gian đã “làm mềm” các chi tiết,
sự kiện lịch sử đi, ở đây không còn thấy đề cập đến việc quân Phạm Tử Nghi tiến vào
bờ cõi nhà Minh, cướp bóc hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây như phần trên chúng tôi
đã trích dẫn từ các cứ liệu lịch sử xác thực nữa. Mà chỉ còn thấy câu chuyện tướng
Phạm Tử Nghi xin với vua đem quân thu phục lại lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng
Tây), lấy lại đất cũ của nhà nước, để rửa cái hổ thẹn trăm năm [5,tr.4]. Ngài đã cho sửa
soạn thuyền bè, khí giới, người ngựa lên đường, quân đến không ai địch nổi. Cuộc bình
định yên ngay. Sau vì trúng mưu kế của người phương Bắc, về quê lừa bắt mẫu thân để
Ngài phải quy hàng, khiến Ngài bỏ mạng trên đất quân thù.
Xuất phát từ những công lao to lớn đó của tướng Phạm Tử Nghi với dân với
nước nói riêng và lòng biết ơn, sự tri ân của người đời sau với cha ông thế hệ trước nói
19


chung mà ra đời tục thờ Thánh Phạm Tử Nghi ở ngay chính quê ông. Người Việt Nam
từ bao đời nay đã có câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”, những
đạo lý ấy đã được chắt lọc, đúc kết qua thời gian trở thành tinh hoa văn hóa dân tộc.
1.3.2.3 Sự kính nể uy linh vị thần được thờ của nhân dân
Bên cạnh các cơ sở như xuất phát từ lòng biết ơn, từ nguồn gốc xuất thân của vị
thần mà hình thành nên tục thờ Thánh Phạm Tử Nghi ở Lê Chân, Hải Phòng, còn phải
đề cập đến vấn đề cơ sở tâm linh cho tục thờ cúng này. Trong mục Bản kỷ của cuốn
Đại Việt sử kí toàn thư có nói đến một chi tiết mang màu sắc tâm linh mà theo chúng
tôi là một trong những xuất phát điểm cho ra đời tục thờ Thánh Phạm Tử Nghi. Khi bị
bức hại, Phạm Tử Nghi đã bị nhà Mạc ngầm sai kẻ tiểu tốt đến bắt và chém đầu rồi
đem sang cho nhà Minh. Nhưng hễ cứ đi đến đâu là sinh ôn dịch ở đó, làm chết nhiều
người và súc vật, nên người Minh phải trả lại [2,tr.603]. Vị tướng khi sống thì làm kẻ
thù phải kính nể, đến khi thác mà anh linh vẫn còn gây được tai họa khiến người đời
phải khiếp sợ. Điều này cho thấy nhân dân đã vừa tôn kính vừa nể sợ thần mà nếu
không thờ cúng có thể mang họa. Tuy sử sách ghi chép như vậy thì dân gian lại một lần
nữa kể câu chuyện khác ở một vài chi tiết. Ở đây người dân đã không để ông vua nước

Nam chém đầu vị tướng của mình mà do người phương Bắc sát hại ông, triều đình có
thể đớn hèn nhưng nhân dân thì không. Theo ngọc phả Phạm Tử Nghi chết do mắc
phải mưu gian của giặc, vì thế trước lúc ngã ngựa ông còn lớn tiếng mắng nhiếc bọn
phản bội lời ước: “Chúng bay là lũ tiểu nhân, lòng chó má, ta thề sống chưa báo thù
cho nước thì thác sẽ rửa hận cho nhà”. Người Minh cho đao phủ chém đầu ông đem
bêu ở chợ còn xác thì đốt rắc tro cho gió thổi bay. Tương truyền rằng, ngay hôm ấy
trên đất nhà Minh dân mắc dịch lớn, súc vật chết hại rất nhiều, cả phương Bắc đều xáo
động. Trước oai linh của Phạm Tử Nghi nhà Minh phải hạ lệnh làm một hòm đá trong
quan ngoài quách, đặt thủ cấp của ông vào trong rồi làm lễ công hầu mà tế đưa. Đặt
chiếc hòm đá trên chiếc bè nhỏ trên che một chiếc lọng xanh thả trôi theo dòng nước
về phương Nam đến bến sông Niệm thì bè dừng lại. Dân làng quê hương ra đón rước
20


rồi lập lăng, miếu, đền, từ tôn thờ từ bấy đến nay[4,tr.6]. Hẳn nhiên ở đây chúng ta thấy
oai linh của vị thần đã có tác động như thế nào đến tâm thức của nhân dân. Không
những vậy dù lúc còn sống, Phạm Tử Nghi làm quan triều Mạc, tuy vậy khi thác vẫn
được triều Lê ban sắc phong. Cho dù trước kia là người ở thế đối nghịch với vương
triều Lê, hay trong lịch sử còn gọi nhà Mạc là ngụy triều thì với những công lao đóng
cho đất nước cho xóm làng của Đức Thánh Niệm mà triều đại sau này vẫn ghi nhận.
Theo ngọc phả Nam Hải đại vương, đời Lê Chính Hòa lập bia ký (1676 - 1705), đời Lê
Vĩnh Thịnh (1710) ban phong mỹ tự:
Anh danh vũ liệt
Anh hùng khởi nghĩa
Danh hương Bắc quốc
Văn võ thánh thần [4,tr.6]
Từ đây về sau, nhân dân vùng Vĩnh Niệm, Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, Đôn Nghĩa
đều lập các di tích thờ Thánh Phạm Tử Nghi. Ngọc phả còn cho biết, phàm hai bên bến
bờ sông thuộc cả địa phận hai nước, chỗ nào mà hòm thủ cấp của Ngài đi qua, đều có
đền thờ [4,tr.7]. Hàng năm nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh

Phạm Tử Nghi vào tháng 2 và tháng 9 âm lịch, trùng vào các ngày sinh và ngày hóa
của Thánh. Theo lệ thì ngày 14 tháng 9 cả tổng hợp tế, ngày hôm sau (15-9) cả huyện
hợp tế, các xã thôn có đình miếu ven sông thì cúng tế riêng [5,tr.5].
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Quận Lê Chân ngày nay là kết quả của một quá trình biến đổi lâu dài với việc
sáp nhập rất nhiều phần đất từ các làng cũ thuộc ngoại thành Hải Phòng. Từ một vùng
ven đô đến một quận nội thành phát triển như ngày nay là nhờ vào kinh tế phát triển và
đô thị hóa là những yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi của Lê Chân. Đây cũng là nơi có
bề dày văn hóa của thành phố với nhiều di tích, lễ hội còn tồn tại, trong đó là tục thờ
nhân vật Phạm Tử Nghi, một người tướng tài xuất thân từ địa phương.
21


Trải qua nhiều thay đổi nhưng nhân dân địa phương vẫn lưu giữ truyền thống
thờ cúng, tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến Đức Thánh Niệm – Phạm Tử Nghi, người có
công với làng xóm quê hương, đất nước. Sinh hoạt lễ hội định kì này góp phần làm
phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lê Chân nói riêng và người
dân Hải Phòng nói chung.
Quá trình người dân mở hội sau này đang gặp phải nhiều yếu tố tác động xuất
phát từ sự biến động của các điều kiện kinh tế xã hội, dân cư, giao thông đi lại…Những
sự tác động này phần nào sẽ làm biến đổi các nội dung có trong lễ hội mà trong chương
2, chương 3 sẽ đi sâu phân tích, làm rõ.

CHƯƠNG 2
DI TÍCH VÀ LỄ HỘI THỜ PHẠM TỬ NGHI Ở TỪ NGHĨA XÁ,
PHƯỜNG NGHĨA XÁ, QUẬN LÊ CHÂN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
2.1 Khái quát về di tích Từ Nghĩa Xá thờ Phạm Tử Nghi ở quận Lê Chân
2.1.1 Vị trí cảnh quan di tích
Quận Lê Chân là nơi tập trung các di tích quan trọng tôn thờ Thánh Phạm Tử
Nghi ở thành phố Hải Phòng, trong đó Từ Nghĩa Xá được coi là nơi thờ chính của

Ngài, là một trong Tứ Linh Từ của vùng đất An Dương xưa. Công trình được xây dựng
trên mảnh đất quê hương Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi là làng Nghĩa Xá, xã Vĩnh
Niệm, huyện An Dương trước kia. Tương truyền Từ Nghĩa Xá dược xây dựng trên khu
đất trung tâm, đắc địa nhất của làng và không mấy xa cách với con đường Thiên Lôi
nơi Phạm Tử Nghi luyện tập võ nghệ lúc sinh thời. Nhân dân địa phương được truyền
ngôn lại Từ được khởi dựng ngay trên mảnh đất của gia đình ông dưới vương triều nhà
Mạc (1427-1592). Trải qua bao biến thiên của lịch sử quê hương, đất nước Từ đã
22


nhiều lần thay đổi hình dạng để cuối cùng định hình với dáng vẻ hiện nay, một dấu vết
của nền nghệ thuật kiến trúc dân tộc thế kỉ 19 – 20 [5,tr.8].
Dần dần theo nhịp sống hiện đại, cảnh quan làng quê biến mất để nhường chỗ
cho kiến trúc đô thị, làng trở thành phố. Làng Nghĩa Xá xưa sớm hòa nhập để trở thành
phường Niệm Nghĩa, nay là phường Nghĩa Xá quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Tuy làng cũ không còn nhưng ngôi Từ Nghĩa Xá linh thiêng nổi tiếng trong vùng thì
vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, tọa lạc tại ngõ 22 đường Thiên Lôi, phường Nghĩa
Xá, quận Lê Chân. Nếu trước kia bao quanh các không gian linh thiêng là khung cảnh
tĩnh mịch, yên ắng thì ngày nay sự chật chội, ồn ào của nhịp sống thành thị đã biến các
di tích trở nên khiêm nhường hơn, nép mình hơn. Trước lối dẫn vào Từ giờ là chợ Đôn
ồn ào náo nhiệt, với quang cảnh buôn bán tập nập từ sáng sớm đến chiều tối. Do nằm
ngay trên đường Thiên Lôi, một trong những tuyến đường đông đúc người qua lại của
Hải Phòng, nên chợ Đôn có lưu lượng người mua bán khá cao, vô hình chung cái náo
nhiệt bên ngoài đã làm mờ bớt chất linh thiêng của ngôi Từ gần đó. Có dịp vào Từ
Nghĩa Xá, chúng ta sẽ thấy rõ sự đối lập độc đáo đặc biệt này, vì thế mà người dân Lê
Chân nói riêng và người Hải Phòng nói chung vẫn ngày ngày trân trọng những giá giá
mà các di tích này đem lại cho cuộc sống hiện đại.
2.1.2 Kiến trúc
Nhìn chung, do không có được không gian rộng rãi như nhiều công trình kiến
trúc cổ khác nên ngôi Từ khá nhỏ bé giữa lòng đô thị. Từ đường Thiên Lôi dẫn vào Từ

Nghĩa Xá là một ngõ hẹp, đi chung với một hai hộ dân sống bên trong. Cổng vào Từ
xây theo kiểu ngôi nhà lầu quen thuộc khá bề thế…từ kiểu dáng đến phong cách trang
trí kiến trúc đều đậm đà màu sắc cổ truyền [5,tr.8]. Qua chiếc cổng này mà người ta
nhận ra ranh giới giữa không gian thiêng bên phía trong và quang cảnh đời thường, có
phần xô bồ của khu chợ bên ngoài.
Kiến trúc chính của Từ quay hướng Tây Nam, trước có hồ nước rộng, vết tích
của một nhánh sông cổ. Năm 1999, hồ đã được cải tạo lại như ngày nay. Nhà chính Từ
23


bố cục theo kiểu chữ "đinh" gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói
vẩy rồng, rêu phong. Bờ nóc để trơn, hai đầu có 2 con "kìm". Chính giữa có mâm ngũ
quả và dãy hoa đổ hai bên [10,tr1-2]. Sân Từ trước kia chỉ láng vôi xỉ nay đã được đổ
xi măng chắc chắn, dùng làm sân để tế lễ dịp lễ Thánh hàng năm. Bên tay phải là tòa
nhà giải vũ, nơi làm việc của ban quản lí di tích. Nối tiếp nhà giải vũ là điện Mẫu, đây
là hai công trình kiến trúc mới tôn tạo trong chục năm trở lại đây. Phía bên trái là hai
gian nhà đã mua lại của các hộ dân trước kia sinh sống trong khuôn viên di tích, nay sử
dụng làm nơi sửa soạn đồ lễ, chuẩn bị lễ vật dâng lên Đức Thánh Phạm Tử Nghi trong
dịp lễ hội. Ngoài ra bên cạnh hồ nước tạo thế phong thủy cho Từ Nghĩa Xá còn đắp
thêm một số bia đá ghi công đức xây dựng Từ của nhân dân trong vùng.
Tòa nhà chính có kiến trúc chữ Đinh đơn giản, nhỏ gọn, không có nhiều các
trang trí đắp nổi như những công trình tín ngưỡng, tâm linh thường thấy ở nước ta.
Phải chăng kiểu cách đơn giản bình dị này phần nào gợi lên cho người tới chiêm bái
cảm giác đây là một ngôi nhà hơn là một điện thờ một vị thần cao siêu, thần thánh.
Phía bên trong, bộ khung chống đỡ của tòa tiền đường được làm hoàn toàn bằng gỗ lim
gồm bốn vì kèo gỗ và hai tường hồi đốc, kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng
[5,tr.9]. Dù không có nhiều các trang trí được sử dụng nhưng không vì thế mà làm
giảm đi tính thẩm mỹ của công trình vẫn kiến trúc cổ. Tiếp nối tòa tiền đường là tòa
hậu cung ba gian theo kiểu chuôi vồ. Kích thước tòa hậu cung bằng bằng gian trung
tâm và một phần hai của tả gian, hữu gian tòa tiền đường [5,tr.10].

Nhìn chung, do diện tích của di tích không lớn nên quy mô kiến trúc của Từ
Nghĩa Xá khá nhỏ gọn, ít trang trí. So với một số công trình cũng thờ Đức Thánh Phạm
Tử Nghi trên địa bàn quận Lê Chân thì Từ Nghĩa Xá có phần nhỏ bé, khiêm nhường
hơn. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm của các ban ngành, chính quyền và nhân
dân địa phương.

24


2.1.3 Trang trí bên trong và di vật quan trọng
Từ xưa, Từ Nghĩa Xá đã được liệt vào hàng Tứ Linh Từ của vùng đất An Dương
cùng với Từ Lương Xâm thờ Ngô Quyền, Đền Phú Xá thờ Hưng Đạo Vương, Phủ
Thượng Đoạn thờ Mẫu Liễu Hạnh. Tứ Linh Từ có nghĩa là bốn ngôi đền thờ linh
thiêng. Cũng giống như các di tích khác, Từ Nghĩa Xá có một hệ thống các di vật còn
lại đến ngày nay mà trong đó có những di vật có niên đại lâu đời và có giá trị cao.
Đầu tiên phải kể đến cỗ kiệu bát cống. Xưa kia, mỗi dịp hội hè đình đám thì
kiệu bát cống là vật không thể thiếu trong cuộc rước xách. Kiệu bát cống đặt trong Từ
Nghĩa Xá được cấu tạo bởi tám tay đòn rồng và một cỗ ỷ ngai (hay còn gọi là ngự
bành). Ở mỗi đầu tay đòn dọc được tạo dáng một con rồng hoàn chỉnh với những tạo
hình sắc nét trên đầu rồng từ mắt, mũi, miệng đến ria mép…Các con rồng trang trí trên
tay đòn đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Dựa trên cách thức trang trí đồ án hình
rồng trên kiệu bát cống ở Từ Nghĩa Xá, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Hải Phòng
nhận định kiệu có niên đại thế kỉ 13, thời Hậu Lê. Đặt trên kiệu là cỗ ỷ ngai, nơi ngự
của tượng Thánh hoặc bài vị. Ỷ ngai gồm hai phần đế và thân. Đế được làm theo kiểu
“chân quỳ dạ cá”, với bốn chân là bốn đầu rồng nhìn thẳng, ván dạ chạm nổi các trang
trí hoa lá. Thân ỷ ngai gồm có vách tay ngai và lưng ngai, vách ngai chạm nổi rồng
phượng. Lưng ngai chạm lưỡng long chầu nguyệt. Đồ án rồng thể hiện trên cỗ ỷ ngai
mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỉ 19, thời Nguyễn. Chứng tỏ nó không được làm
cùng thời với các tay đòn [5,tr.13]. Như vậy, qua khảo sát dựa trên các di tích hiện còn
trên địa bàn thì Bảo tàng Hải Phòng đánh giá đây là một trong số ít kiệu bát cống có

niên đại thuộc thế kỉ 18 tồn tại đến ngày nay ở Hải Phòng.
Thứ hai, ngoài cỗ kiệu bát cống có niên đại lâu năm thì bức tượng Tứ Dương
hầu Phạm Tử Nghi đặt trong tòa hậu cung cũng mang các giá trị thẩm mỹ. Bức tượng
Ngài được đặt ở tòa cung cấm, nơi sâu và cao nhất. Tượng thể hiện ngồi trên ngai rồng
trong tư thế thiết triều, đầu đội mũ cánh chuồn, thân mũ phía trước thêu mặt nguyệt ở
giữa, hai bên là hoa cúc mãn khai. Mặt tượng vuông chữ điền, thon và thanh thoát,
25


×