NHẬP, TÁCH VỤ ÁN DÂN SỰ – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ
THỰC TIỄN
THS. TRẦN ANH TUẤN – Khoa Pháp luật Dân sự – ĐH Luật Hà Nội
Có thể thấy rằng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự phải nhằm đảm bảo cho việc giải quyết các
vụ án một cách nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ một cách tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của các bên
đương sự. Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự cho thấy một vụ án dân sự nảy sinh có thể có nhiều
quan hệ pháp luật cần phải giải quyết, có nhiều đương sự tham gia tố tụng. Để có thể giải quyết nhanh
chóng và đúng đắn các yêu cầu của đương sự, trong nhiều trường hợp đòi hỏi Toà án phải nhập các
quan hệ pháp luật để giải quyết trong cùng một vụ án hoặc tách các quan hệ pháp luật để giải quyết
trong các vụ án khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định đúng đắn cơ sở của việc nhập, tách vụ án dân sự
cũng như những trường hợp cần phải nhập, tách vụ án có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong phạm
vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề sau đây:
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nhập, tách vụ án
Lý luận và thực tiễn về việc nhập, tách vụ án đã chỉ ra rằng việc nhập, tách vụ án không đúng có thể gây kéo
dài thời gian giải quyết các yêu cầu của đương sự, không bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của họ hoặc
không đảm bảo được sự công bằng trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trên thực tế. Do
vậy, việc nhập, tách vụ án cũng như việc xây dựng các quy định về nhập, tách vụ án phải nhằm giải quyết
nhanh chóng, đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đảm bảo được sự
công bằng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Hiện nay việc nhập, tách vụ án đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004. Theo Điều 38 Bộ
luật Tố tụng Dân sự thì Toà án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Toà án đó đã thụ lý riêng biệt thành một
vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. Toà án có
thể tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các
vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật. Như vậy, Điều 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng chỉ định ra những
nguyên tắc chung cho việc nhập nhiều vụ án mà Toà án đã thụ lý để giải quyết trong cùng một vụ án mà
không đề cập đến việc nhập các quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc nhiều yêu cầu của đương sự để giải quyết
trong cùng một vụ án khi xem xét thụ lý các yêu cầu của đương sự. Do vậy, khi thụ lý vụ án Toà án cần vận
dụng các quy định khác của Bộ luật Tố tụng Dân sự có liên quan đến vấn đề này để quyết định nhập các quan
hệ pháp luật tranh chấp, các yêu cầu của đương sự để thụ lý giải quyết trong cùng một vụ án hay thụ lý làm
nhiều vụ án riêng biệt để giải quyết.
Xét về lý luận và thực tiễn, việc nhập, tách vụ án phải được tiến hành trên những cơ sở sau đây:
Việc tách vụ án chỉ thực hiện trong trường hợp vụ án có nhiều quan hệ pháp luật có thể giải quyết một cách
độc lập mà không ảnh hưởng tới việc giải quyết các quan hệ pháp luật khác. Việc tách vụ án phải đảm bảo
việc giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật các yêu cầu của đương sự.
Việc nhập vụ án chỉ thực hiện trong trường hợp có nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau cần phải
giải quyết và việc nhập các quan hệ pháp luật để giải quyết trong cùng một vụ án vẫn đảm bảo đúng pháp luật
và không ảnh hưởng tới kết quả giải quyết các quan hệ pháp luật đó.
Ngoài ra, việc nhập các quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc các yêu cầu của đương sự khi thụ lý để giải quyết
trong cùng một vụ án hoặc tách các yêu cầu, các quan hệ pháp luật khác nhau để thụ lý giải quyết trong nhiều
vụ án khác nhau cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 163 và Điều 176 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Theo các quy định này, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức
khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng
một vụ án. Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức
khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng
một vụ án.
Các yêu cầu phản tố của bị đơn được giải quyết cùng với yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án nếu
thoả mãn một trong những dấu hiệu sau đây:
- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;
- Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên
đơn.
- Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng
một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng việc tách, nhập vụ án phải đảm bảo được việc giải quyết nhanh
chóng, đúng đắn vụ án, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Do vậy, việc nhập, tách vụ án
cũng như việc xây dựng các quy định về việc nhập, tách vụ án phải được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với
các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, đặc biệt là các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán tài sản
thi hành án.
Trong thực tiễn, tuỳ thuộc vào tính phức tạp của vụ án hoặc vì các lý do khác nhau mà thời hạn giải quyết các
vụ án trên thực tế là khác nhau. Do vậy, trong nhiều trường hợp, nếu các yêu cầu của đương sự không được
giải quyết trong cùng một vụ án có thể dẫn tới tình trạng không đảm bảo sự công bằng giữa những người cùng
khởi kiện. Cụ thể là có những người khởi kiện, sau khi có bản án, quyết định của Toà án đã nhận được tài sản
thi hành án từ người phải thi hành án và ngược lại cũng có những người khởi kiện chỉ được bảo vệ về mặt
pháp lý bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án mà không được đảm bảo về mặt thực tế
vì bản án, quyết định không được thi hành trên thực tế, tài sản của người phải thi hành án đã được thi hành
cho người được thi hành án có bản án, quyết định trước đó. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền
phải có một sự nghiên cứu tổng thể các quy định về thủ tục tố tụng trong việc tách, nhập vụ án và các quy
định về thi hành án để có những văn bản hướng dẫn cho phù hợp. Hiện nay, các quy định về nhập, tách vụ án
dân sự trong Bộ luật Tố tụng Dân sự là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nhập, tách vụ án. Trên cơ sở các
quy định mang tính chất định hướng này, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng những văn bản hướng dẫn
áp dụng cho những trường hợp cụ thể nảy sinh từ thực tiễn để đảm bảo việc áp dụng thống nhất trong toàn
quốc về nhập, tách vụ án dân sự, tránh việc hiểu và vận dụng khác nhau gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp
pháp của đương sự.
2. Nhập, tách vụ án trong một số trường hợp cụ thể
Việc nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn vận dụng pháp luật để giải quyết đối
với các vụ án dân sự có nhiều yêu cầu, nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp cho thấy việc nhập, tách vụ án
được tiến hành trong những trường hợp cụ thể sau đây
- Đối với các yêu cầu kiện tụng cùng một loại:
Theo chúng tôi, trường hợp bị đơn có nghĩa vụ riêng biệt với nhiều nguyên đơn về cùng một loại quan hệ
pháp luật thì Toà án chỉ nên nhập các vụ án nếu các quan hệ pháp luật tranh chấp cần giải quyết có liên quan
với nhau và việc nhập vụ án không gây khó khăn cho việc Toà án giải quyết nhanh chóng, đúng đắn vụ án.
Chẳng hạn, người vay tiền sử dụng một bất động sản thuộc sở hữu của mình để thế chấp cho nhiều người cho
vay, nay những người cho vay cùng khởi kiện đòi nợ. Trong trường hợp việc nhập các quan hệ pháp luật để
giải quyết trong cùng một vụ án sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án thì Toà án nên tách các quan hệ
pháp luật để giải quyết trong các vụ án khác nhau. Chẳng hạn, Toà án không nên nhập vụ án nếu nhiều người
khởi kiện đòi nợ đối với một người về những khoản nợ riêng biệt được vay vào những thời điểm khác nhau,
trong đó có những khoản nợ có chứng cứ rõ ràng, có khoản nợ thì chứng cứ, tài liệu còn mâu thuẫn cần phải
có thời gian để điều tra, xác minh mới có thể giải quyết được .
Đối với loại vụ án mà bị đơn có yêu cầu phản tố và có sự đối trừ nghĩa vụ cùng loại, theo chúng tôi, Toà án
chỉ nên nhập các yêu cầu của đương sự để giải quyết trong các trường hợp sau đây:
+ Đối với các yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà cả hai bên cùng bị thiệt hại khi sự kiện xảy ra.
Thông thường, Toà án nên nhập các yêu cầu của đương sự để giải quyết trong cùng vụ án đối với các trường
hợp các bên đều yêu cầu bồi thường thiệt hại trong cùng một vụ tai nạn giao thông hoặc trong vụ gây thương
tích mà chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Toà án nên nhập các yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn để giải quyết trong cùng vụ án đối với tranh chấp về
hợp đồng mà bị đơn có yêu cầu phản tố về cùng loại quan hệ và việc nhập các yêu cầu này không gây khó
khăn cho việc giải quyết. Chẳng hạn, Toà án nên nhập các yêu cầu của đương sự để giải quyết trong cùng một
vụ án nếu nguyên đơn đòi nợ bị đơn và ngược lại bị đơn cũng có yêu cầu đòi nợ nguyên đơn trong cùng một
vụ án.
- Đối với vụ án có nhiều quan hệ pháp luật hoàn toàn khác nhau:
Theo chúng tôi, Toà án nên nhập vụ án nếu các quan hệ pháp luật này có liên quan tới nhau và việc nhập vụ
án không gây khó khăn cho việc giải quyết hoặc việc nhập vụ án đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của
các đương sự. Việc nghiên cứu thực tiễn cho thấy Toà án nên nhập vụ án đối với trường hợp đương sự có yêu
cầu Toà án xác định một người mất tích và xin ly hôn với người đó hoặc người cho vay nợ có yêu cầu giải
quyết khoản nợ của vợ chồng trong vụ án ly hôn. Toà án sẽ tách vụ án nếu đương sự có yêu cầu hoặc đồng ý
giải quyết bằng một vụ án khác. Chẳng hạn, chủ nợ đồng ý không đòi nợ vợ chồng trong vụ án ly hôn hoặc vợ
chồng cùng đồng ý không buộc người vay nợ phải trả nợ cho họ trong vụ án ly hôn đó. Việc tách vụ án trong
những trường hợp này là dựa trên cơ sở quyền tự định đoạt của các đương sự trong tố tụng dân sự.
Đối với các vụ án có nhiều quan hệ pháp luật hoàn toàn khác nhau mà việc giải quyết quan hệ pháp luật này là
tiền đề, cơ sở cho việc giải quyết quan hệ pháp luật tranh chấp sau đó thì Toà án không nên nhập vụ án. Qua
nghiên cứu thực tiễn giải quyết các vụ án có nhiều yêu cầu, nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp, chúng tôi cho
rằng Toà án không nên nhập các yêu cầu khác nhau để giải quyết trong cùng một vụ án trong hai trường hợp
sau đây: Đương sự yêu cầu Toà án xác định một người là đã chết và chia di sản thừa kế của người đó hoặc
những người thừa kế yêu cầu Toà án xác nhận tài sản đang có tranh chấp về quyền sở hữu với người khác là
di sản thừa kế của người chết để lại và yêu cầu chia di sản thừa kế đó.
Trong trường hợp thứ nhất, về nguyên tắc thời điểm mở thừa kế trong trường hợp Toà án tuyên bố một người
là đã chết là ngày chết của người đó được xác định trong quyết định của Toà án, nếu không xác định được
ngày đó thì thời điểm mở thừa kế là ngày quyết định của Toà án tuyên bố người đó chết có hiệu lực pháp luật
(Điều 91 và Điều 636 Bộ luật Dân sự). Do vậy, trong trường hợp này những người thừa kế chỉ có quyền yêu
cầu chia di sản thừa kế và Toà án chỉ có thể thụ lý giải quyết khi đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của
Toà án tuyên bố người để lại di sản đã chết.
Đối với trường hợp những người thừa kế yêu cầu Toà án xác nhận tài sản đang có tranh chấp về quyền sở hữu
với người khác là di sản thừa kế của người chết để lại đồng thời yêu cầu chia di sản thừa kế đó thì Toà án
không nên nhập các yêu cầu của đương sự để giải quyết trong cùng một vụ án. Bởi lẽ, theo Điều 637 Bộ luật
Dân sự thì di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản
chung với người khác. Do vậy, Toà án sẽ chia thừa kế nếu có cơ sở khẳng định tài sản để lại là tài sản thuộc
sở hữu riêng của người chết hoặc đó là phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Trong
trường hợp này, tài sản thừa kế đang có tranh chấp về quyền sở hữu, do vậy, chưa có cơ sở pháp lý để khẳng
định tài sản đó có phải là di sản thừa kế của người chết để lại hay không. Toà án chỉ có thể chia thừa kế khi đã
có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án khẳng định tài sản đang tranh chấp về quyền sở hữu
đó là di sản của người chết để lại.
Như vậy, việc xác định đúng đắn cơ sở nhập, tách vụ án cũng như việc xây dựng các quy định cụ thể về nhập,
tách vụ án để đảm bảo việc áp dụng thống nhất, tránh cách hiểu và vận dụng khác nhau gây thiệt hại cho
quyền lợi chính đáng của các đương sự là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề phức tạp đòi
hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu trong mối quan hệ tổng thể với các quy định khác của pháp luật
dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và pháp luật tố tụng dân sự. Rất mong rằng
những trăn trở của tác giả sẽ được các bậc cao minh lưu tâm chỉ giáo và hy vọng rằng việc nghiên cứu, trao
đổi này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về việc nhập, tách vụ án
dân sự.
SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN SỐ 3, 2/2005