Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

SKKN sử dụng những bài văn mẫu trong việc dạy học ngữ văn ở trường THCS

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (178.26 KB, 20 trang )

Phần 1: MỞ ĐẦU
1. Mục đích của sáng kiến
Phải nói rằng, một trong những sáng kiến kì diệu của loài người, đó là ngôn
ngữ. Nhưng sử dụng ngôn ngữ như thế nào để đạt được mục đích giao tiếp? Bày tỏ
thái độ, ý kiến của mình sao cho người khác hiểu một cách chính xác, khoa học?
Đó chính là nhiệm vụ cơ bản của môn Ngữ văn. Nó có trách nhiệm dạy học sinh
nắm vững tiếng Việt, công cụ giao tiếp quan trọng nhất với mỗi người Việt Nam.
Không phải đơn giản dạy một số tri thức tiếng Việt mà dạy kỹ năng sử dụng thành
thạo công cụ đó. Đó là bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Bốn kỹ năng này sẽ được
hình thành và phát triển ở học sinh thông qua việc học ba phân môn trong bộ môn
Ngữ văn: Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn. Tiếng là công cụ, là hình thức; Văn
là nội dung, mục đích... Tập làm văn là thực hành tổng hợp, là kết quả học của cả
hai phân môn Văn và Tiếng. Mỗi bài Tập làm văn là một sản phẩm tổng hợp, là
tấm gương phản ánh năng lực của học sinh, bao gồm năng lực tư duy, giao tiếp,
vốn sống, vốn văn học, văn hoá, sự thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ và sự
sáng tạo cá nhân... Cho nên, có thể thấy cùng với hai phân môn kia, việc dạy và học
Tập làm văn cho học sinh trong nhà trường phổ thông là vô cùng quan trọng và cần
thiết.
Hiện nay, nhiều em có thiên hướng học các khối tự nhiên, khoa học kĩ thuật,
ngân hàng, thương mại...lại nghĩ rằng làm văn không cần thiết bằng làm toán, lý,
hóa...Đó là quan niệm chưa đúng. Thực tế làm văn là rất cần thiết cho mỗi người,
dù ta có học nghề gì trong tương lai. Bởi làm văn cũng là một cách để rèn luyện tư
duy bằng ngôn ngữ, cách diễn đạt chính xác, cách dùng từ đúng chỗ, cách thuyết
phục người khác. Thiếu năng lực thuyết phục thì khó mà thành đạt trong cuộc sống.
Nói đến việc làm văn trong nhà trường, học sinh thường ngại ngùng, thấy
khó, khô khan và có ít hứng thú. Tâm lý đó khiến các em học văn ít có hiệu quả. Có
nhiều em đã tìm đến những cuốn văn mẫu với hy vọng sẽ “kiếm” được điểm cao.
Nhưng bản thân các em lại không biết nên sử dụng văn mẫu thế nào cho đúng và
mang lại hiệu quả như mình mong muốn.
1



Thêm nữa, việc giảng dạy phương pháp làm văn đối với giáo viên cũng khó
hơn so với việc dạy các môn học khác. Nhiều băn khoăn trăn trở đặt ra: Giáo viên
cần dạy như thế nào để học sinh làm được bài văn hay và sáng tạo? Học sinh học
cách nào để viết bài văn nghị luận đúng và hay? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra với thầy
và trò xung quanh vấn đề phương pháp làm văn nghị luận.
Để giúp các em học sinh và các đồng nghiệp có thể có thêm một phương
pháp khi dạy và học môn Ngữ văn, tôi lựa chọn đề tài “Sử dụng những bài văn
mẫu trong việc dạy học Ngữ văn ở trường THCS” . Hy vọng với đề tài này sẽ
phần nào giúp cho môn Ngữ văn ở trường THCS không còn là “nỗi ám ảnh” của
các em học sinh.
2. Những đóng góp của sáng kiến
Việc sử dụng những bài văn mẫu trong việc dạy học môn Ngữ văn ở trường
THCS sẽ giúp cho giờ giảng của giáo viên thêm phong phú, sinh động. Trên cơ sở
đó, kiến thức về văn của học sinh được mở rộng hơn, các em có thể nhanh nhạy,
chủ động sáng tạo trong việc tiếp thu phương pháp làm các kiểu văn bản.Từ đó có
thể tạo ra sự ham thích của các em đối môn Ngữ văn.

2


Phần 2: NỘI DUNG
Chương 1: Cơ sở khoa học của sáng kiến
1. Cơ sở lý luận của sáng kiến
Đối với học sinh THCS, việc học văn trong giai đoạn này đòi hỏi các em
phải học cách tổng – phân – hợp(tổng hợp, phân tích và khái quát)vấn đề và quan
trọng hơn là tìm, phát hiện ra cái hay của tác phẩm mà có thể thầy cô không nói
đến. Chính vì thế, việc sử dụng sách văn mẫu cũng là một cách học văn tốt và góp
phần bổ trợ kiến thức cho học sinh.
Cũng giống như một tờ báo hay một tạp chí, văn mẫu chính là tuyển tập

những bài văn chọn lọc mà học sinh có thể dễ dàng tìm thấy trong bất cứ nhà sách
nào. Văn mẫu cũng có từng loại. Có những đề văn mẫu theo dạng chung của Bộ
GD & ĐTnhư: Phân tích tâm lý nhân vật, bình giảng một khổ thơ... Nhưng cũng có
sách văn mẫu gợi ý cả cách mở bài, thân bài và kết luận. Vậy một vấn đề được đặt
ra đó là nên chọn cuốn nào và sử dụng như thế nào để có thể mang lại kết quả học
tập cao nhất?
2. Cơ sở thực tiễn
Văn mẫu hiện nay có rất nhiều loại. Có những cuốn được biên soạn một cách
tâm huyết, đầy đủ và sáng tạo, giúp các em học sinh có thể rèn luyện được kĩ năng
viết văn và kĩ năng cảm thụ văn học. Nhưng vẫn có không ít những cuốn văn mẫu
được biên soạn một cách vội vàng, chỉ nhằm mục đích thương mại. Những cuốn
sách ấy không những không giúp cho các em có thể làm văn tốt hơn, học văn giỏi
hơn mà khiến các em dần trở thành những học sinh lười suy nghĩ, ỷ lại vào người
khác.
Hiện nay trong các trường THCS, việc học sinh sử dụng văn mẫu là rất phổ
biến. Có những học sinh có đến vài ba quyển, đủ các loại. Và khi có bài kiểm tra,
những cuốn sách ấy trở thành “cứu tinh” của các em. Chẳng cần suy nghĩ nhiều,
thầy cô chép đề bài xong, học sinh chỉ cần đọc lướt qua, thấy đề ấy có trong văn
mẫu là giở ra chép “nhiệt tình”. Thời gian làm bài là chín mươi phút, nhưng có khi
3


chỉ cần chưa đầy bốn mươi lăm phút là các em đã làm xong. Và khi trả bài, các em
có thể tự hào là mình làm văn rất giỏi. Nhưng chỉ cần thầy cô coi nghiêm, văn mẫu
không thể hoạt động được thì ngay lập tức các em cũng không biết phải làm thế
nào, có em còn nộp giấy trắng.
Chính vì vậy, theo tôi việc hướng dẫn cho các em sử dụng văn mẫu sao cho
hiệu quả là một vấn đề quan trọng mà mỗi giáo viên dạy văn cần chú ý đến.

4



Chương 2: THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ
Việc giảng dạy môn Ngữ văn ở cấp THCS là một hoạt động rất quan trọng.
Đây hoàn toàn không phải là việc minh hoạ lý thuyết một cách đơn thuần mà thực
sự là những hoạt động rèn luyện kỹ năng nhằm góp phần phát triển toàn diện người
học sinh.
Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn đã có các rất nhiều bài văn mẫu nhằm
giúp học sinh có thể rút ra được phương pháp làm văn cho bản thân mình. Tuy vậy,
xung quanh việc sử dụng các bài văn mẫu có những ý kiến bàn cãi khác nhau. Tiêu
biểu là vấn đề: nên chăng sử dụng bài văn mẫu trong giảng dạy bộ môn Ngữ văn
THCS?
Để học tốt các môn, tài liệu tham khảo thật sự rất cần thiết. Bởi những tài
liệu này giúp học sinh mở rộng vốn kiến thức mà do thời gian eo hẹp ở trường, giáo
viên không có điều kiện giảng dạy. Những cuốn văn mẫu cũng không nằm ngoài
mục đích đó. Hiện nay có rất nhiều cuốn văn mẫu do các tác giả có uy tín biên
soạn. Phần lớn các cuốn sách này được viết ra với mục đích giúp các em học sinh
học môn Ngữ văn tốt hơn. Ta có thể kể tên một số cuốn như: Hướng dẫn làm bài
văn nghị luận xã hội (NXB GD, 2010), Tuyển tập đề và bài văn nghị luận xã hội
tập 1, 2(NXB GD, 2013), Nâng cao ngữ văn 6, 7, 8, 9(NXB Hà Nội, 2004)...
Thế nhưng tài liệu tham khảo môn văn hiện nay không dừng lại đó. Bên cạnh
những đầu sách thuộc dạng nghiên cứu, mở rộng kiến thức như những cuốn kể
trên(mà ít học sinh nào chịu mua để đọc) là vô số tài liệu kiểu những bài văn mẫu.
Đến nhà sách nào cũng thấy bạt ngàn sách tham khảo môn văn, chủ yếu là sách các
bài văn mẫu. Số lượng tuyển tập văn mẫu có vẻ như ngày càng phong phú, mỗi
khối lớp có hàng chục đầu sách và nội dung thì “bình mới, rượu cũ”. Chẳng hạn
như các cuốn 162 bài tập làm văn chọn lọc, Tuyển chọn 171 bài văn hay, 270 đề và
bài văn mẫu...Phần lớn học sinh mua những cuốn sách này để rồi phụ thuộc hoàn
toàn vào văn mẫu, dẫn đến tình trạng bài của học sinh hầu như na ná nhau, không
có tính phát hiện.

5


Mặc dù thị trường văn mẫu đa dạng như vậy nhưng ở rất nhiều trường, giáo
viên đã có những định hướng đúng đắn, giúp học sinh của mình có thể lựa chọn
được những cuốn văn mẫu hay và có ích. Từ đó nâng cao kết quả học và làm văn
của các em. Nhưng cũng có một số giáo viên có suy nghĩ sử dụng văn mẫu là sai, vì
nó khiến cho học sinh không có thói quen tự giác làm bài, bị lệ thuộc hoàn toàn vào
mẫu. Cho nên họ kiên quyết cấm học sinh đọc văn mẫu. Ngược lại, có một số giáo
viên lại rất thích văn mẫu và thường xuyên đọc văn mẫu cho học sinh chép. Trên
thực tế phương pháp sử dụng văn mẫu của giáo viên như vậy sẽ làm cho học sinh
ngày càng lệ thuộc vào mẫu mà quên đi sự sáng tạo của bản thân
Theo tôi, dạy văn khuôn sáo, công thức là sai, nhưng dạy văn không cần bài
văn mẫu cũng là không đúng. Học làm văn, viết thơ, cũng như học bất kỳ cái gì
cũng phải bắt đầu từ sự hiểu biết đến kỹ năng thao tác một quy trình kiến tạo. Bài
mẫu, đoạn mẫu giúp học sinh đi nhanh một cách có ý thức, một quy trình làm văn,
học văn có hiệu quả. Đó là việc làm có tính khoa học và quy phạm. Cung cấp mẫu
cho học sinh rèn luyện là chuyện cần thiết. Cần phải làm như thế để học sinh biết
sáng tạo một cách có ý thức, có tự giác.
Tôi có thể dẫn ra đây một bài văn mẫu như thế:
Đề bài: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ
Nương.
Trong văn học trung đại đã có nhiều tác giả viết về đề tài người phụ nữ Việt
Nam trong xã hội phong kiến. Ví như Nguyễn Dữ với tác phẩm Chuyện người con
gái Nam Xương đã khắc hoạ nhân vật Vũ Nương – một đại diện cho hình ảnh người
phụ nữ trong xã hội phong kiến với những phẩm chất tốt đẹp nhưng lại gặp nhiều
đau khổ.
Vũ Nương là một người phụ nữ xuất thân bình dân, có “tư dung tốt đẹp”.
Nàng được Trương Sinh con trai nhà hào phú trong làng “mang trăm lạng vàng”
cưới về làm vợ. Nhưng chính sự không bình đẳng trong quan hệ gia đình, đồng tiền

đã phát huy “sức mạnh” của nó khiến cho Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm
6


“con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”. Biết chồng bản tính đa nghi, nàng luôn gìn
giữ khuôn phép, không để vợ chồng có mối thất hoà. Cuộc sum vầy cha được bao
lâu, Trương Sinh bị bắt đi lính. Khi tiễn chồng ra trận, nàng rót chén rượu đầy và
nói những lời dặn dò đượm tình thuỷ chung: “Thiếp chẳng dám mong đeo được ấn
phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình
yên, thế là đủ...”. Điều ao ước lớn nhất của nàng không phải là danh vọng, tiền bạc
mà là cuộc sống gia đình đầm ấm yên vui. Trong những ngày tháng chồng đi xa,
một mình nàng phải chèo lái con thuyền gia đình. Nàng chăm sóc thuốc thang cho
mẹ chồng đau ốm, bệnh tật nh đối với cha mẹ đẻ. Sự hiếu thảo của nàng khiến bà
hết sức cảm động, trước khi qua đời bà đã nhắn nhủ: “Sau này trời xét lòng lành,
ban cho phúc đức, giống nòi tơi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ
con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ...”. Không chỉ vậy nàng còn phải chăm lo cho
đứa con thơ vừa lọt lòng. Vì thương con, lo cho con thiếu thốn hình bóng người cha
và cũng để nàng gửi gắm nỗi nhớ thương, mong mỏi chồng, Vũ Nương đã nghĩ ra
trò cái bóng. Đêm đêm, nàng chỉ vào cái bóng của mình trên tường và nói với đứa
con nhỏ rằng đó là cha nó. Xã hội phong kiến trong buổi suy tàn khiến con người
luôn cảm thấy bất an: chỉ một trò đùa, một vật vô tri, vô giác như cái bóng cũng
khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Qua năm sau, việc quân kết thúc, Trương Sinh trở
về nhà. Nghe lời của đứa con, chàng chẳng thèm suy nghĩ dù đó là lời nói của một
đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ và quá mập mờ. Trương Sinh mắng nhiếc vợ rồi đánh
đuổi nàng đi, không cho nàng giải thích. Nàng thật sự thất vọng. Hạnh phúc gia
đình tan vỡ. Tình yêu, lòng tin không còn. Thất vọng đến tột cùng, chán chường vô
hạn, nàng đã tìm đến cái chết để thanh minh cho bản thân. Niềm tin vào cuộc sống
đã mất khiến cho Vũ Nương không thể trở về với cuộc sống trần gian dù điều kiện
có thể.
Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng đều giống như Vũ

Nương. Số phận của họ như đã được định đoạt từ trước. Sinh ra mang kiếp đàn bà
thì dù giàu nghèo sang hèn không trừ một ai, lời “bạc mệnh” cũng đã trở thành “lời
chung” – như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
7


Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến với những điều luật hà khắc, bất công
với nữ nhi. Ở đó sinh mạng người phụ nữ không được coi trọng, họ bị mua bán, trả
giá một cách công khai. Ở xã hội ấy, họ chỉ như một thứ đồ vật vô tri, không được
có ý kiến hay thanh minh cho bản thân. Vũ Nương chết đi mang theo nỗi oan tột
cùng, nhưng người gây ra tất cả những bi kịch trên là Trương Sinh lại không bị xã
hội lên án và cũng không mặc cảm với bản thân. Ngay cả khi nỗi oan ức ấy được
giải thoát, Trương Sinh cũng không bị lương tâm cắn rứt, coi đó là việc đã qua rồi,
không còn đáng nhắc lại làm gì nữa. Xã hội phong kiến đã dung túng cho những kẻ
như Trương Sinh, để người phụ nữ phải chịu những đau khổ không gì sánh được.
Trong ca dao cũng nhắc đến người phụ nữ với sự đau khổ tương tự:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Dù ca dao có xuất xứ từ nhân dân lao động, nhưng nó vẫn phản ánh đúng số
phận của người phụ nữ - “những hạt mưa sa”. “Hạt mưa ấy” không biết mình sẽ rơi
vào đâu: một nơi “đài các” hay ra “ruộng cày”? Dù đó là đâu, dù muốn hay không
họ cũng phải chấp nhận.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng là một người phụ nữ phong kiến, bà cũng hiểu
số phận của mình sẽ bị xã hội đa đẩy như thế nào. Bà đã viết
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Bà không cam chịu cuộc sống bất công như vậy. Bà đã khẳng định người
phụ nữ phải có một vị trí khác trong xã hội. Nhưng sự cố gắng của bà chỉ như một

tia sáng hiếm hoi trong chuỗi đời u tối của người phụ nữ. Xét cho cùng, những đau
khổ ấy đến với họ cũng là do sống quá cam chịu, quá dễ dàng thoả hiệp. Nếu như
họ biết đấu tranh tới cùng, nếu như họ không chọn cái chết để thanh minh thì
những bất công ấy sẽ không có điều kiện để phát triển.
8


Chúng ta đều xót thương và cảm thông cho số phận người phụ nữ trong xã
hội phong kiến. Là một con người sống trong thời đại mới, ta thật hạnh phúc khi
không phải bó buộc vào những luật lệ, lề thói xấu ấy.
(Phan Hồ Thuý Hằng, lớp 9A1, Trường THCS Trưng Vương, Quận Hoàn Kiếm,
Hà Nội)
* Nhận xét:
Bài viết đã đi vào hai ý chính là nhân vật Vũ Nương và thân phận người phụ
nữ trong xã hội phong kiến. Về thân phận của Vũ Nương, người viết chủ yếu mới
thuật lại câu chuyện về nỗi oan trái của nàng chứ chưa bàn sâu về thân phận. Có lẽ
để dành cho phần khái quát về thân phận được khái quát thông qua một số tác
phẩm khác nữa chăng? Về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến,
người viết đã cố gắng dẫn ra ca dao, thơ Hồ Xuân Hương, tác phẩm của Nguyễn
Du. Tuy nhiên sự phân tích và khái quát vẫn còn hạn chế.
Chi tiết Trương Sinh “đem trăng lạng vàng cưới về” chỉ để gián tiếp khẳng
định phẩm giá của Vũ Nương. Trong tác phẩm không hề nói chuyện hôn nhân
không đăng đối làm Vũ Nương mặc cảm. Nhận xét về Trương Sinh cũng chưa thật
xác đáng. Một con người “không có học” như Trương Sinh lại “có tính đa nghi” thì
xử sự gia trưởng như thế là phù hợp với tính cách. Có một vài chỗ hành văn chưa
thật mạch lạc. Ví dụ: Dù ca dao có xuất xứ từ nhân dân lao động, nhưng nó vẫn
phản ánh đúng số phận của người phụ nữ - “những hạt mưa sa”.
(Hướng dẫn Tập làm văn 9 - Vũ Nho chủ biên, NXB Giáo dục 2006)
Như vậy, nếu có quan niệm đúng cộng phương pháp đúng trong sử dụng bài
văn mẫu sẽ đem lại hiệu quả trong dạy và học làm văn THCS. Điều cơ bản là phải

tránh các quan niệm sai lệch khi sử dụng.

9


Chương 3: MỘT SỐ BIỆN PHÁP SỬ DỤNG NHỮNG BÀI VĂN MẪU
TRONG VIỆC DẠY HỌC NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG THCS
Như đã nói ở trên, hiện nay có quá nhiều sách văn mẫu, khiến cho học sinh
như rơi vào “ma trận”, không biết nên chọn cuốn nào và sử dụng ra sao. Chính vì
thế, tôi nghĩ, để giúp các em có thể học văn tốt hơn khi sử dụng văn mẫu, giáo viên
cần phải là người định hướng cho các em từ việc nên mua những cuốn sách văn
mẫu nào cho đến việc sử dụng chúng ra sao để có kết quả tốt nhất. Có như vậy mới
giúp các em tự tư duy, sáng tạo, không còn hiện tượng học sinh chép y nguyên văn
mẫu vào bài kiểm tra như trước đây.
Sau đây tôi xin giới thiệu một số cách hướng dẫn học sinh chọn lựa và sử
dụng sách văn mẫu:
1. Chọn những cuốn sách có hướng dẫn lập dàn ý.
Khi làm văn, lập dàn ý là bước vô cùng quan trọng. Lập dàn ý là cách sắp
xếp cái gì kể trước, cái gì kể sau để người đọc theo dõi được văn bản và hiểu được
ý định của người viết. Nếu như học sinh biết cách lập dàn ý thì chắc chắn các em sẽ
thấy được vấn đề mình cầm phải làm bật lên khi phân tích và sẽ không bao giờ bỏ
sót ý.
Chính vì vậy, giáo viên nên định hướng cho học sinh sử dụng những cuốn
văn mẫu có nội dung chính là hướng dẫn các em cách lập dàn ý. Bởi bên cạnh
những kiến thức do thầy cô dạy trên lớp, thì khi đọc nhiều văn mẫu, các em cũng sẽ
dần dần hình thành cho mình một tư duy là với kiểu bài này, mình sẽ phải làm
những ý nào và sắp xếp bố cục ra sao cho hiệu quả.
Đây là một bài văn mẫu trong cuốn Những bài làm văn tự sự và miêu tả (NXB
GD, 2008).
Đề bài: Hãy tả cảnh dòng sông quê hương.

Hướng dẫn lập dàn bài:
* Mở bài: giới thiệu về dòng sông quê hương:
- Tên dòng sông
- Hình ảnh chung về dòng sông
10


* Thân bài:
- Lai lịch dòng sông:
+ Dòng sông có từ bao giờ?
+ Bắt nguồn từ đâu, chảy về đâu?
+ Những truyền thuyết về dòng sông (nếu có)?
- Hình ảnh cụ thể về dòng sông:
+ Nước sông.
+ Cảnh sắc hai bên bờ sông.
+ Con người sống bên dòng sông.
+ Những hình ảnh khác
- Sự gắn bó của bản thân với dòng sông:
+ Những ngày hè bơi lội trên sông
+ Những buổi học bài bên bờ sông.
+ Những buổi câu cá, đi thuyền trên sông.
* Kết bài: Cảm nghĩ của em về dòng sông
Như vậy, người biên soạn đã hướng dẫn cho học sinh những ý chính cần phải
có của đề bài này. Dựa vào đó học sinh cần suy nghĩ xem với ý này mình sẽ phải
viết như thế nào, sử dụng từ ngữ ra sao cho phù hợp...Từ đó giúp các em có thể tự
mình viết được một bài văn tả dòng sông quê hương vừa đủ ý, vừa hay lại vừa sáng
tạo.
2. Chọn những cuốn văn mẫu có kiểu đề truyền thống
Những kiểu đề truyền thống như: Phân tích tâm lý nhân vật, bình giảng khổ
thơ hay nghị luận xã hội...là những dạng đề cơ bản trong chương trình Ngữ văn

THCS cũng như các cấp học khác. Khi đọc dạng văn mẫu này, học sinh sẽ học hỏi
được cách phân tích dẫn chứng, bình giảng ngôn từ và cảm nhận rung động của văn
chương. Nếu như thành thạo kĩ năng này là các em đã thành công khi viết một bài
văn.

11


Một số cuốn sách có những kiểu đề truyền thống như trên là: Hướng dẫn
làm bài văn nghị luận xã hội (NXB GD, 2010), Tuyển tập đề và bài văn nghị luận
xã hội tập 1, 2(NXB GD, 2013), Nâng cao ngữ văn 6, 7, 8, 9(NXB Hà Nội, 2004),
Tôi xin dẫn ra đây một bài văn mẫu thuộc kiểu bài nghị luận xã hội trong
cuốn Hướng dẫn làm bài văn nghị luận xã hội(NXB GD, 2010) để mọi người tham
khảo.
Đề bài: Quan niệm của anh (chị) về lối sống giản dị của con người.
Bài làm:
Phẩm chất là một trong những điều quý giá nhất của con người. Từ khi có
được nhận thức cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người luôn phải học hỏi tích
lũy, trau dồi đạo đức cho mình. Giản dị cũng là một trong những phẩm chất đạo
đức mà con người cần phải rèn luyện, trau dồi cho bản thân. Chính vì thế giản dị là
một nét đáng trân trọng của mỗi con người, đem lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Thế nào là giản dị? Giản dị là một cách sống phù hợp với điều kiện của gia
đình và xã hội, không cầu kì, kiểu cách, không xa hoa, lãng phí, sống đúng với bản
thân và những giá trị đích thực của mình trong cuộc sống
Giản dị chính là sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm
hồn. giản dị không chỉ biểu hiện ở lời nói, cách ăn mặc, việc làm mà còn biểu hiện
qua suy nghĩ, hành động của mỗi người trong cuộc sống và trong những hoàn cảnh
nhất định. Nhưng giản dị không đồng nhất với lối sống cẩu thả, luộm thuộm, sống
buông tuồng, bừa bãi, nói năng cộc lốc...
Tại sao chúng ta phải sống giản dị? giản dị là một đức tính tốt đẹp của con

người. Người có lối sống giản dị luôn thể hiện sự tôn trọng người khác, tôn trọng
chính mình, sống gần gũi, hòa nhã với mọi người. Hơn thế nữa, lối sống giản dị còn
là tiền đề để tạo ra nhiều đức tính quý báu khác của con người như: tính tiết kiệm,
sự thân thiện, tính tập thể...ở mỗi cá nhân. Người sống giản dị sẽ được mọi người
tôn trọng, quý mến, cảm thông và chia sẻ. Còn những người thích sống phô trương
thanh thế, cầu kì, thiếu sự gần gũi với mọi người thì sẽ khó nhận được tình cảm yêu
mến của mọi người.
12


Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương có lối sống giản dị mà điển hình là
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ở cương vị chủ tịch nước, Người có quyền chọn cho
mình những tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, sang trọng và đắt tiền; thế nhưng Bác đã
không chọn như vậy. Bác đã chọn chỗ ở của mình là một ngôi nhà sàn làm bằng gỗ
với hai phòng nhỏ. Căn nhà nhỏ, thấp, đôi dép cao su, chiếc quạt làm từ lá cọ, bộ
quần áo ka ki đã sờn và cả những bữa cơm thanh đạm ... là cả một bài học lớn về
đạo đức cho mọi thế hệ. Đó là một lối sống giản dị - một lối sống giản dị ở một
nhân cách vĩ đại làm xúc động trái tim triệu người mỗi khi nhắc đến Bác. Đúng như
một người bạn quốc tế đã nhận xét: “Có được vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng như
vậy là cái phúc cho nước nhà”.
Ở Hồ Chí Minh, giản dị đã trở thành một lối sống rất tự nhiên, một phong
cách rất Á đông mà ta đã từng gặp trong trang thơ của các bậc đại Nho xưa, như thi
nhân Nguyễn Trãi:
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Hay trong áng thơ của Trạng Trình với cái thú “sống nhàn”:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Lối sống giản dị quay về gần gũi với thiên nhiên là cuộc sống thanh đạm,
đơn sơ, nghèo về vật chất nhưng giàu có về tâm hồn. Đó là cái đích cuối cùng của

lối sống giản dị.
Giản dị không chỉ là lối sống hòa mình vào thiên nhiên mà còn là lối sống
gắn bó với những gì bình dị nhất:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Chàng trai trong bài ca dao xưa, khi xa quê, nhớ về quê hương, chàng nhớ về
những món ăn thanh đạm của quê nhà. Món ăn ấy được làm từ bàn tay thơm thảo
của người thương...
13


Trái với lối sống giản dị là lối sống xa hoa, lãng phí, phô trương thanh thế.
Trong xã hội hiện nay, không hiếm người cậy mình có quyền lực mà ra sức phô
trương thanh thế, mua nhà lầu, xe hơi, sắm quần áo xa xỉ, đắt tiền để khẳng định
“đẳng cấp” của mình. Họ khinh bỉ, coi thường những người địa vị thấp kém hơn,
nghèo hơn mình. Chính điều đó đã đẩy họ sống tách biệt với xã hội, với mọi người
xung quanh. Buồn hơn nữa, có người lại cố tình che đậy mình bằng lối sống “giản
dị”. Họ tự khoác lên mình hai chữ giản dị, hoặc cố làm ra vẻ giản dị để che đậy
những hành vi mờ ám của mình. Lại có những người sống “giản dị” đến mức trở
nên hà tiện, không dám ăn, không dám mặc. Và đến lúc nào đó họ trở nên cẩu thả,
không tôn trọng chính mình và người khác. Tất cả những biểu hiện ấy không những
đi ngược lại lối sống giản dị mà còn bóp méo ý nghĩa thực sự của hai từ “giản dị”.
Giản dị phải là sự tự tu thân từ bên trong chứ không phải là cái danh tiếng, cái vỏ
bề ngoài, nó phải là “tôt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Hiểu được tác dụng của lối sống giản dị và biểu hiện của nó trong cuộc sống,
ta phải thường xuyên trau dồi cho mình lối sống giản dị, phù hợp với hoàn cảnh gia
đình, với xã hội và mọi người xung quanh.
Giản dị là một lối sống đẹp. Trong hành trang cuộc sống, mỗi người chọn cho
mình một lối sống riêng, nhưng xin đừng quên lối sống giản dị. Bởi chính nó sẽ tôn
lên vẻ đẹp của mỗi người.

Khi học sinh đọc bài văn mẫu này, các em sẽ học được: cách lấy dẫn chứng
cho bài văn nghị luận, cách phân tích các dẫn chứng đó để chứng minh cho ý kiến
của mình, cách sắp xếp dẫn chứng, cách viết đoạn, tách đoạn...Và khi gặp một đề
bài tương tự, các em sẽ không còn thấy “hoảng” mà sẽ tự tin hơn khi viết bài.
3. Chọn sách văn mẫu có nhiều dạng đề và nhiều bài viết
Những cuốn văn mẫu thuộc loại này sẽ giúp các em khai thác được các khía
cạnh của văn học, có cái nhìn đa dạng, đa chiều để bình giảng và học hỏi thêm
được cách chuyển ý, chuyển đoạn sao cho mượt mà, cuốn hút. Việc dùng bút đỏ
gạch chân phần mình cho là quan trọng nhất, hay nhất và ghi lại vào vở để nhớ
cũng là một cách giúp các em nhớ lâu và ấn tượng hơn với tác phẩm.
14


4. Chọn những cuốn sách nâng cao
Không phải với học sinh nào giáo viên cũng định hướng cho các em mua
sách nâng cao. Đối tượng chính của sách nâng cao là các em học sinh khá và giỏi.
Bởi các đề bài trong sách nâng cao thường khó, buộc các em phải tư duy, suy nghĩ
và đánh giá tổng hợp vấn đề. Các em sẽ có thêm quan điểm mới nhìn nhận tác
phẩm, đồng thời cũng biết nhiều hơn về những bình luận, phân tích của các nhà
nghiên cứu văn học, phê bình văn học được trích dẫn trong sách, nâng cao trình độ
cho các em trong cách lập luận và chứng minh.
Chẳng hạn trong cuốn Đọc – hiểu văn bản Ngữ văn 6, ngoài việc trình bày
những khái quát về văn bản như: đại ý, tóm tắt, phân tích, bình giảng nội dung
chính...thì sách thường có một mục “liên hệ” – là các lời bình, lời nhận xét, đánh
giá về văn bản, hay có thể là những mẩu chuyện liên quan đến sự ra đời của văn
bản...Vì vậy, khi có trong tay cuốn sách này, học sinh không những có thể nắm
được những kiến thức cơ bản của văn bản mà còn có những hiểu biết rộng hơn về
văn bản đó.
Ví dụ, văn bản Thầy bói xem voi bên cạnh việc trình bày những kiến thức
chung thì người viết còn đưa vào phần “liên hệ” hai phần đánh giá của hai tác giả

về văn bản này, cụ thể:
- “Thầy bói xem voi là một ẩn dụ rất hay về người chủ quan, phiến diện.
Thầy nào cũng căn cứ vào bộ phận tự tay mình sờ mó mà biết, rồi cho đó là toàn bộ
con voi. Con voi có nhiều bộ phận, mỗi thầy chỉ sờ có một bộ phận. Các thầy chủ
quan và phiến diện như thế thì dù có đánh nhau toạc đầu chảy máu cũng vẫn cứ
tưởng chỉ có mình là biết sự thật về con voi.”
(Trương Chính, Bình giảng truyện ngụ ngôn Việt Nam, NXB GD, 1999)
- “Thầy bói xem voi là câu chuyện giàu kịch tính, có kết cấu khá mạch lạc.
Nghệ thuật của truyện ngụ ngôn dân gian ở đây đạt tới đỉnh cao. Tác giả đã rất
khéo chọn lựa một con vật đồ sộ như voi để cho các thầy bói cùng một lúc có thể
“xem” bằng tay, và từ đó sẽ thuận lợi cho việc tưởng tượng, hư cấu nhằm rút ra
những điều bổ ích cho con người về việc nhận xét, bình giá và ứng xử trong mọi
15


quan hệ ở đời. Rõ ràng đây là một tấn bi hài kịch về một cách nhận thức, một bài
học quý để người đời cùng học. Bài học ấy nhắc chúng ta rằng muốn hiểu biết đầy
đủ về một sự vật, một hiện tượng hay một con người nào đó thì phải nhìn nhận thật
toàn diện, không nên mới chỉ biết có một ít đã suy nghĩ quá nhiều hay phán đoán
mò mẫm.
Đến đây, ta càng thấy nhan đề “Thầy bói xem voi” hàm chứa đầy tính hài
hước. Nhan đề này cũng đã đi vào vốn ngôn ngữ thông thường của đời sống mỗi
khi nhận xét hoặc bình giá một sự việc nào đó chưa đến đầu đến đũa hoặc còn
phiến diện.
Truyện Thầy bói xem voi mang đậm tính phê phán, có ý nghĩa triết học sâu
sắc, nó như một bài học quý không chỉ cho ngày xưa mà còn cho ngày nay và cả
mai sau...”
(Cao Đức Tiến, Ngụ ngôn – Truyện cười, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh,
1998)
Ngoài cuốn sách kể trên, giáo viên có thể giới thiệu thêm cho học sinh một

số cuốn sách nâng cao khác như: Một số kiến thức – kĩ năng và bài tập nâng cao
Ngữ văn 6, 7, 8, 9(NXB GD, 2008); Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn THCS quyển
1, 2, 3, 4, 5 (NXB GD, 2009)...

16


Chương 4: KIỂM CHỨNG CÁC GIẢI PHÁP ĐÃ TRIỂN KHAI
CỦA SÁNG KIẾN
Trong năm học 2013 – 2014, tôi đã mạnh dạn áp dụng một số giải pháp trên
vào thực tiễn dạy học ở trường. Kết quả đạt được như sau:
Kết quả bài viết văn số 1 – văn tả cảnh
6A
Xếp loại
Giỏi
Khá
TB
Yếu

Số lượng
9
27
4
0

%
22,5
67,5
1
0


6C
Xếp loại
Giỏi
Khá
TB
Yếu

Số lượng
7
28
6
0

%
17,1
68,3
14,6
0

Số lượng
10
26
5
0

%
24,4
63,4
12,2

0

Kết quả bài Tập làm văn số 2 – văn tả người
6A
Xếp loại
Giỏi
Khá
TB
Yếu

Số lượng
10
28
2
0

%
25
70
5
0

6C
Xếp loại
Giỏi
Khá
TB
Yếu

Kết quả bài Tập làm văn số 3 – Văn miêu tả sáng tạo

6A
6C
Xếp loại
Số lượng %
Xếp loại
Số lượng
%
Giỏi
10
25
Giỏi
10
24,4
Khá
28
70
Khá
26
63,4
TB
2
5
TB
5
12,2
Yếu
0
0
Yếu
0

0
Nhìn vào bảng tổng hợp trên có thể thấy kết quả các bài kiểm tra văn miêu tả
của học sinh khá ổn định và đồng đều. Dù là văn tả người, tả cảnh hay miêu tả sáng
tạo thì việc tham khảo thêm các bài văn mẫu đều là một bước đệm quan trọng để
học sinh có cái nhìn mở rộng cũng như cách làm khoa học. Mặt khác, do vốn từ của
học sinh còn hạn chế nên đây cũng là một trong những phương pháp để học sinh
trau dồi và mở rộng vốn từ, tham khảo thêm những cách diễn đạt lưu loát khi viết

17


văn. Phương pháp này đặc biệt quan trọng với các học sinh còn kém trong cách
cảm thụ văn.

Phần 3: KẾT LUẬN
Việc giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THCS nhằm đạt hiệu quả cuối cùng
là học sinh biết tự luận – tức là biết cách làm một bài văn trên cơ sở tổng hợp mọi
kiến thức của các bộ môn. Để làm được việc đó, học sinh ngoài việc cần nắm được
18


đầy đủ các bước cần thiết như: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý...thì còn cần có kĩ
năng sử dụng những bài làm văn mẫu sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.
Ranh giới giữa ưu điểm và nhược điểm của văn mẫu là rất mong manh. Đọc
văn mẫu, nếu biết cách chọn lọc, học sinh có thể học được nhiều điều từ bố cục bài
văn, cho đến cách sử dụng ngôn từ, ý tưởng có định hướng, từ đó sàng lọc và vận
dụng vào bài văn của mình. Đọc văn mẫu là cách tham khảo được điều hay từ “văn
của bạn” chứ không phải là việc chìm khuất vào bài văn mẫu. Học để biết phương
pháp chứ không phải để thuộc lòng và ghi lại. Sách văn mẫu có nhiều loại nên việc
làm thế nào để định hướng cho học sinh cách chọn được những cuốn hay và bổ ích

là điều mà giáo viên dạy văn nào cũng cần phải quan tâm.
Chính vì vậy, tôi lựa chọn đề tài Sử dụng những bài văn mẫu trong việc
dạy học Ngữ văn ở trường THCS với mong muốn sẽ mang lại một cái nhìn mới
mẻ về tác dụng của văn mẫu đối với học sinh khi học môn Ngữ văn ở THCS.

Phần 4: PHỤ LỤC
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Hoàn, Đọc – hiểu văn bản Ngữ văn 6, 7, 8, 9, NXB GD, 2008
2. Bộ SGK Ngữ văn lớp 6, 7, 8, 9. NXB Giáo dục, Hà Nội 2014.
19


3. Nguyễn Viết Chữ: Phương pháp dạy học Văn. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội
2006.
4. Một số kiến thức – kỹ năng và bài tập nâng cao Ngữ văn 6, 7 – NXB Giáo dục,
Hà Nội 2008.
5. Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội, NXB GD, 2013.
6. Lê Đĩnh Mai: Để làm tốt các kiểu văn nghị luận. NXB Giáo dục, Hà Nội 2006.
7. Cao Bích Xuân: Các dạng bài tập làm văn và cảm thụ thơ văn lớp 7 (năm 2004)
và Các dạng bài tập làm văn và cảm thụ thơ văn lớp 8 (2005). NXB Giáo dục.
8. Vũ Nho (chủ biên): Hướng dẫn Tập làm văn 7 (năm 2004) và Hướng dẫn Tập
làm văn 9 (năm 2006). NXB Giáo dục.
9. Tạp chí Văn học và tuổi trẻ – Bộ Giáo dục và Đào tạo.
10. Các tài liệu khác có liên quan.

20




×