PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
- Truyện kể là một trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, nó có ý nghĩa quan
trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Thông qua hoạt động kể truyện, đóng
kịch, tạo cho trẻ được hoạt động nhiều giúp trẻ có khả năng phát triển trí nhớ, tư
duy và ngôn ngữ, khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái tốt cái xấu của mọi vật
xung quanh trẻ, giúp trẻ mở mang kiến thức về xã hội. Các tác phẩm chuyện
còn là phương tiện trong việc giáo dục trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, tình
yêu mến bạn bè, và những người thân, biết được việc làm tốt, việc xấu, biết yêu
cái đẹp, cái thiện, ghét cái ác độc , hình thành các phẩm chất đạo đức trong sáng
cho trẻ. Đặc biệt thông qua các tác phẩm chuyện giúp cho ngôn ngữ của trẻ phát
triển mạnh mẽ trẻ nói mạch lạc, nói rõ ràng, nói hay, nói đúng câu, đúng từ và
đúng ngữ pháp.
- Trong trường mầm non môn văn học nói chung và kể chuyện nói riêng
là môn học trẻ yêu thích nhất với các đồ dùng như dối tay, dối dẹt, dối bóng,
tranh ảnh, băng đĩa hình, với hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc đẹp, trẻ được đóng
kịch, thể hiện các vai diễn ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, vui tươi và hồn nhiên và trẻ
được kể chuyện sáng tạo theo ngôn ngữ riêng của mình.
- Việc mang các tác phẩm văn học đến với trẻ có ý nghĩa vô cùng quan
trọng nên đã được các đồng chí giáo viên quan tâm thực hiện. Song trong quá
trình lựa chọn và cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học của đội ngũ giáo
viên nói chung và bản thân tôi nói riêng còn rất nhiều mặt hạn chế. Chính vì vậy
trong năm học 2011 - 2012 tôi đã lựa chọn đề tài “ Một số biện pháp nâng cao
chất lượng cho trẻ 4-5 tuổi làm quen với tác phẩm chuyện” nhằm khắc phục
những mặt còn tồn tại hạn chế và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn.
II. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu.
- Lớp mẫu giáo nhỡ A2 trường mầm non Tân Phong- Thị xã Lai ChâuTỉnh Lai Châu.
III. Mục đích nghiên cứu.
- Giúp cho giáo viên có nhiều kinh nghiệm, nhiều biện pháp hay trong quá
trình tổ chức cho trẻ làm quen với tác phẩm truyện.
- Thông qua việc cho trẻ làm quen với các tác phẩm truyện giúp trẻ phát
triển một cách toàn diện. Nâng cao tỷ lệ bé kể chuyện diễn cảm và kể chuyện
sáng tạo.
IV. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu.
- Công tác phối kết hợp với phụ huynh, với đồng nghiệp
- Phương pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo của trẻ, dạy trẻ kể lại
chuyện, đóng kịch và kể chuyện sáng tạo.
PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn
- Môn học kể chuyện là môn học mà trẻ yêu thích vì kể chuyện sẽ giúp trẻ
phát triển lời nói, trình bày ý kiến, suy nghĩ, biết kể về sự vật nào đó bằng lời
nói.
- Khi trẻ tham gia vào hoạt động kể chuyện sẽ giúp trẻ phát triển về mọi
mặt, trẻ cảm thụ được nhiều cảm xúc, hình thành tình yêu trong cuộc sống, phát
triển tư duy và sự sáng tạo của trẻ. Ngôn ngữ của trẻ được phát triển, trẻ nói năng
lưu loát diễn đạt gẫy gọn và biết sử dụng từ đúng lúc, đúng chỗ, không những thế
mà việc cho trẻ làm quen với những từ ngữ nghệ thuật giúp trẻ phát triển trí tưởng
tượng, óc quan sát, khả năng tư duy độc lập trong suy nghĩ.
- Khi làm quen với tác phẩm truyện cô giáo hướng dẫn trẻ cảm nhận những
giá trị nội dung, nghệ thuật phong phú trong tác phẩm, khêu gợi ở trẻ sự rung
động hứng thú và có ấn tượng với hình tượng nghệ thuật, cái hay cái đẹp của tác
phẩm và thể hiện sự sáng tạo khi trẻ tự kể chuyện theo tưởng tượng của mình.
- Truyện kể giúp trẻ nhận ra, nhớ được sắc thái, giọng kể, lời thuật, phân
biệt được ngữ điệu , lời nói của các nhân vật giúp trẻ nhận ra ngôn ngữ đời thường.
Khi cho trẻ làm quen với tác phẩm truyện là góp phần mở rộng nhận thức, phát
triển nhận thức, giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mĩ, phát triển ngôn ngữ và phát
triển ở trẻ sự hứng thú kể chuyện và đóng kịch.
- Cho trẻ làm quen với các tác phẩm truyện phải được tổ chức bằng
cách: kết hợp linh hoạt nhuần nhuyễn giữa trực quan đàm thoại và trò chơi đóng
kịch, giáo viên sử dụng kỹ năng đọc và kể tác phẩm, bằng sức mạnh của hình
tượng, sự biểu cảm của ngôn ngữ, những hình tượng con người, con vật, bức tranh
thiên nhiên được khêu gợi bằng ngôn ngữ đã tác động mạnh mẽ đến trẻ em. Ấn
tượng khi trẻ thu nhận được từ các tác phẩm truyện khi nghe, đọc, kể, đóng kịch
về tác phẩm, phụ thuộc vào trình độ và phát triển nhận thức thẩm mĩ của trẻ, phụ
thuộc vào khả năng cảm nhận truyện trong sự thống nhất giữa nội dung và hình
thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Để giàu ý tưởng của trẻ về kể chuyện, và tạo hứng thú khi trẻ đóng kịch,
giáo viên cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với các đối tượng trong chuyện thông
qua xem tranh ảnh, băng đĩa hình, mô hình rối tay, rối bóng và giọng kể.
- Để phát huy tính tích cực của trẻ thông qua giờ kể chuyện giáo viên cần
tạo điều kiện để trẻ vận dụng những kiến thức mà trẻ đã được làm quen ở các
môn học khác vào giờ học. Với những kiến thức, nội dung câu chuyện mà trẻ
chưa nắm vững thì cô giáo cần kể lại để trẻ nhớ lại câu chuyện nhưng phải dựa
trên khả năng của từng trẻ.
- Cô giáo kể chuyện cho trẻ nghe cần thực hiện đầy đủ các nội dung, các
thể loại của chuyện kể theo chủ điểm, chủ đề và đưa các nội dung tích hợp lồng
ghép sao cho phù hợp với từng câu chuyện một cách lô gíc và sinh động, có như
vậy giờ kể chuyện mới có chất lượng và trẻ mới nắm vững nội dung câu chuyện
- Khi tổ chức cho trẻ tham gia vào kể chuyện giáo viên cần linh hoạt vận
dụng các hình thức như dùng đồ dùng trực quan, mô hình rối que, rối bóng, trang
phục và sân khấu.
II. Thực trạng
1. Đối với giáo viên
- Tổ chức các giờ hoạt động chung còn gò bó, chưa có sự sáng tạo, chưa
gây được sự hứng thú cho trẻ, chưa biết cách hướng cho trẻ thể hiện cách kể
chuyện hay, diễn cảm, và sáng tạo, chưa biết tận dụng mô hình, rối tay, rối bóng,
công nghệ thông tin khi cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học
- Chưa có sự sáng tạo trong việc chuyển thể từ chuyện kể sang kịch bản
sân khấu. lời thoại còn dài khó hiểu làm cho kịch bản kém hấp dẫn, sử dùng đồ
dùng dạy học chưa có khoa học nên dẫn đến giờ học kết quả chưa cao
- Công tác phối kết hợp với phụ huynh học sinh trong việc cho trẻ làm quen với
các tác phẩm văn học còn nhiều hạn chế
2. Đối với học sinh
- Tổng số học sinh trong lớp là 35 cháu, tỷ lệ trẻ ra lớp thường xuyên đạt trên
90%
- Khả năng kể chuyện của trẻ còn nhiều hạn chế như: Việc kể chuyện chưa
hay, chưa diễn cảm trẻ đóng vai các nhân vật còn chậm, lóng ngóng, trẻ chưa tích
cực sáng tạo, hoá thân vào các nhân vật theo nội dung chuyện. trẻ chưa hứng thú
với việc kể chuyện sáng tạo
3. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị
- Các học liệu cho trẻ sử dụng trong hoạt động kể chuyện còn ít, chưa được
phong phú đa dạng ( Tranh ảnh, băng đĩa hình, rối tay, rối bóng, nhạc nghệ
thuật...)
III. Biện pháp giải quyết
1. Tăng cường công tác tham mưu, công tác tuyên truyền, phối kết hợp
- Để thực hiện tốt chuyên đề ngay từ đầu năm học tôi đã trực tiếp tham mưu
với nhà trường trang cấp đầy đủ các tài liệu liên quan để nghiên cứu nhằm nắm
chắc về nội dung, hình thức, phương pháp, mục tiêu cần đạt đối với trẻ tuổi mẫu
giáo nhỡ theo trương trình giáo dục mầm non.
- Phối hợp với phụ huynh, đồng nghiệp nghiên cứu, sưu tầm và lựa chọn
các câu truyện phù hợp với từng chủ đề và phù hợp với khả năng nhận thức của
trẻ
- Xây dựng kế hoạch làm đồ dùng cho từng câu truyện một cách cụ thể về
thời gian và nội dung cần làm để tranh thủ sự giúp đỡ của phụ huynh và đồng
nghiệp ( Vận động phụ huynh hỗ trợ về tranh, ảnh để trẻ kể chuyện sáng tạo; phối
hợp với đồng nghiệp làm rối tay, mô hình, làm băng đĩa ...để kể chuyện cho trẻ
nghe và dạy trẻ kể lại chuyện)
- Xây dựng kế hoạch tổ chức một số giờ cho trẻ làm quen với tác phẩm
truyện, mời ban giám hiệu và các đồng chí tổ trưởng, tổ phó chuyên môn xuống
dự và rút kinh nghiệm.
2. Đổi mới hình thức, phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm
truyện, dạy trẻ kể lại chuyện, đóng kịch và dạy trẻ kể chuyện sáng tạo
Để trẻ có được những kỹ năng kể chuyện hay, diễn cảm, có sự hứng thú,
tích cực tham gia vào các giờ hoạt động nghe, kể, đóng kịch và kể chuyện sáng
tạo tôi đã thực hiện một số biện pháp sau:
* Làm giàu các biểu tượng cho trẻ để giúp trẻ kể chuyện sáng tạo:
- Tạo tình huống có thật để trẻ quan sát, phán đoán, suy đoán và đưa ra các
kết luận về các sự vật hiện tượng mà trẻ được quan sát
Ví dụ 1: Chuẩn bị một chậu nước bên trong đã thả sẵn một chú kiến sau đó
cho trẻ quan sát, trong quá trình cho trẻ quan sát, đặt một số câu hỏi như: các con
thấy gì trong chậu nước? chú kiến bị làm sao? Các con có biết cảm giác của chú
kiến lúc này như thế nào không? nếu chú kiến không thoát khỏi chậu nước thì
điều gì sẽ sẩy ra? Sau đó cô thả một chiếc que nhỏ để chú kiến bám vào và bò ra
khỏi chậu nước. Cô đặt tiếp câu hỏi nhờ có gì mà chú kiến đã thoát khỏi sự nguy
hiểm?. Sau khi đã cho trẻ quan sát sự việc như vậy, tôi mới hướng cho trẻ kể
truyện về chú kiến này theo trình tự sự việc mà trẻ đã nhìn thấy và gợi ý để trẻ
đặt tên cho câu truyện của mình
Ví dụ 2: Để giúp trẻ có thể kể chuyện về cây đỗ trước đó tôi cho trẻ mang
hạt đỗ ra ươm vào một ô đất nhỏ, hàng ngày cho trẻ tưới nước và hướng trẻ quan
sát xem được chăm sóc như vậy thì điều gì sẽ đến với hạt đỗ. Qua vài ngày quan
sát đến khi hạt đỗ nẩy mầm và ra lá, tôi gợi hỏi trẻ một số câu hỏi như: Hàng
ngày các con chăm sóc hạt đỗ như thế nào? Được tưới nước hàng ngày hạt đỗ đã
như thế nào? Tiếp đó tôi mới hướng cho trẻ kể chuyện về cây đỗ...
- Sưu tầm và làm các tranh có các hình ảnh đẹp, nghộ nghĩnh cho trẻ quan
sát và trả lời các câu hỏi gợi mở của cô, sau đó hướng cho trẻ kể một câu chuyện
theo các bức tranh cô đã chuẩn bị
Ví dụ : Chuẩn bị 3 bức tranh
+ Tranh 1: Một chú thỏ con đang trồng cây chuối
+ Tranh 2: Thỏ con đang tưới cây
+ Tranh 3: Thỏ con đang đứng ngắm cây chuối đã ra buồng
Cô cho trẻ quan sát từng tranh và đặt các câu hỏi như: Thỏ con đang làm
gì? Tại sao thỏ con lại phải tưới nước cho cây? Cây chuối lên xanh tốt và ra buồng
là nhờ có ai?... sau đó gợi ý để trẻ kể một câu chuyện theo nội dung của 3 bức
tranh.
- Tích cực cho trẻ hoạt động tại phòng học Kitsmat: Trong giờ hoạt động,
qua việc trẻ quan sát các bức tranh sống động trên màn hình, tôi đặt câu hỏi và
hướng cho trẻ trả lời theo nội dung các bức tranh, sau đó gợi ý để trẻ ghép các
câu trả lời thành một câu chuyện.
* Đổi mới hình thức làm đồ dùng dạy học:
- Để phát huy tính sáng tạo và gây hứng thú cho trẻ trong các giờ cho trẻ
làm quen với các tác phẩm văn học và còn khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ tôi đã
xây dựng kế hoạch tự làm đồ dùng dạy học, cụ thể:
Để tạo tâm trạng phấn khởi, háo hức cho trẻ, giáo viên trò chuyện với trẻ
về việc làm đồ dùng cho câu chuyện (cô nói rõ tên chuyện) của ngày hôm sau,
sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng trẻ hoặc cho trẻ tự nhận mang nguyên
vật liệu để thực hiện những công việc mà cô và trẻ đã bàn và thống nhất. Cho trẻ
được làm đồ dùng cùng cô vào các buổi chiều thứ sáu của tuần 2 và tuần 4 hàng
tháng, như: cho trẻ in hình nhân vật trên giấy; cắt, dán tranh ảnh; tô màu tranh
với những họa tiết đơn giản...Trong quá trình cô và trẻ cùng làm đồ dùng, cô kết
hợp khơi gợi thêm những ý tưởng sáng tạo của trẻ, trò chuyện về nội dung bức
tranh hay đồ dùng đang làm.
* Đổi mới phương pháp dạy trẻ kể lại chuyện, dạy trẻ đóng kịch
Để giúp trẻ nhớ được trình tự câu truyện, kể chuyện diễn cảm, và hóa thân
vào các nhân vật khi trẻ đóng kịch, trong các giờ hoạt động chung tôi đã luôn chú
ý tới hệ thống câu hỏi, câu gợi ý và đồ dùng trực quan để tạo sự hứng thú và
khuyến khích trẻ thể hiện các sắc thái tình cảm, ngữ điệu giọng của các nhân vật
trong từng câu truyện.
Ví dụ: trong câu truyện chú dê đen
+ Hệ thống câu hỏi về nhân vật chó sói, cần đặt các câu hỏi như: chó sói là
con vật như thế nào? Vậy khi bắt trước chó sói nói thì phải thể hiện giọng nói như
thế nào? cả lớp mình hãy chú ý xem bạn giả giọng của chó sói có giống không
nhé! Với con con sẽ thể hiện như thế nào?...
+ Đồ dùng trực quan: sử dụng rối tay, băng hình đã được tách lời để tạo
hình ảnh sống động thu hút sự chú ý của trẻ và giúp trẻ ghi nhớ, khắc sâu về nội
dung, diễn biến của câu chuyện.
Với từng câu chuyện, thể loại tôi đưa ra hệ thống câu hỏi đã chuẩn bị có
tính lô gíc để đàm thoại với trẻ với phương trâm “ lấy trẻ làm trung tâm” để phát
huy trí tưởng tượng, cảm xúc của trẻ phù hợp với nội dung của bài mà trẻ không
bị áp đặt, gò bó.
Bên cạnh các biện pháp nói trên trong các giờ dạy trẻ đóng kịch tôi còn sưu
tầm các bản nhạc phù hợp với câu truyện để làm phụ họa khi trẻ thể hiện các vai
trong kịch bản
- Tổ chức hội thi bé kể chuyện hay của lớp: Mỗi tháng tổ chức 1
lần vào tuần cuối của tháng. Trong mỗi lần tổ chức thi tôi đều mời một số giáo
viên trong trường, ban giám hiệu và một số phụ huynh của lớp tới dự. Qua hình
thức này đã tạo được hứng thú cho trẻ và sự quan tâm, phấn khởi, sự tin tưởng
của các bậc phụ huynh đối với việc chăm sóc giáo dục của giáo viên trong lớp.
IV. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm.
- Qua quá trình thực hiện sáng kiến kinh nghiệm tại lớp mẫu giáo nhỡ A2
tôi đã đạt được nhiều kết quả cao cụ thể
1. Đối với trẻ:
- Đa số trẻ tích cực, hứng thú, thoải mái tham gia vào hoạt động kể chuyện,
ngôn ngữ của trẻ phát triển mạch lạc, trẻ có các biểu tượng về tác phẩm. Các câu
chuyện trẻ kể đã có sự diễn cảm thể hiện được các sắc thái tình cảm về lời nói,
hành động, nét mặt, cử chỉ. Đặc biệt trẻ đã tích cực tham gia đóng kịch, biết thể
hiện nhập vai nhân vật một cách say sưa, hào hứng , đồng thời tích cực tham gia
vào kể chuyện sáng tạo. Kết quả đạt được cụ thể như sau:
- Số trẻ kể chuyện diễn cảm là 80%
- Số trẻ thuộc chuyện nhanh 85%
- Số trẻ diễn đạt bằng ngôn ngữ tốt 90%
- Số trẻ biết tham gia đóng kịch nhập vai các nhân vật 75%
- Số trẻ biết kể chuyện sáng tạo 60 %
2. Đối với giáo viên.
- Giáo viên đã có nhiều hình thức, phương pháp, biện pháp tốt để giúp trẻ
làm quen với các tác phẩm truyện, sáng tạo trong tiết dạy, tạo được môi trường
học tập cho trẻ. Đặc biệt đã tạo được niềm tin và sự quan tâm hỗ trợ của các bậc
phụ huynh, các tiết dạy về chuyên đề luôn đạt loại giỏi.
3. Đối với phụ huynh học sinh
- Đã có sự quan tâm và phối kết hợp với giáo viên trong việc rèn các kỹ
năng dạy trẻ kể lại truyện, kể truyện sáng tạo, cung cấp học liệu cho giáo viên tổ
chức các hoạt động cho trẻ làm quen với các tác phẩm truyện và cả trong quá
trình chăm sóc giáo dục trẻ của lớp cũng như của nhà trường.
PHẦN KẾT LUẬN
I. Những bài học kinh nghiệm.
- Giáo viên cần tìm tòi nghiên cứu tài liệu, biết lựa chọn những tác phẩm
có ngôn ngữ biểu cảm phù hợp với lứa tuổi. Tích cực học hỏi đồng nghiệp để nắm
vững về nội dung, phương pháp và có nhiều kinh nghiệm trong việc cho trẻ làm
quen với hoạt động kể chuyện
- Giáo viên cần chú ý tận dụng mọi tình huống và tạo ra tình huống để trẻ
có thể tái tạo khi kể chuyện sáng tạo.
- Trong quá trình cho trẻ tham gia hoạt động kể chuyện trong giờ hoạt động
chung giáo viên cần phải lựa chọn và xây dựng hệ thống câu hỏi mở phù hợp với
khả năng, nhận thức và phải có tác dụng phát huy tính chủ động, tích cực của trẻ,
trong quá trình tổ chức hoạt động chung phải có các câu hỏi buộc mọi trẻ phải tập
chung chú ý quan sát và ghi nhớ.
- Không dừng lại ở những việc đã làm được, giáo viên cần tích cực đổi mới,
sáng tạo tìm tòi những điều mới để đưa vào hoạt động của trẻ để ngày càng nâng
cao chất lượng cho trẻ làm quen với truyện kể cũng như tham gia vào các hoạt
động khác
- Làm tốt công tác phối kết hợp với phụ huynh để có được sự hỗ trợ và kết hợp
của phụ huynh trong quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với các tác
phẩm truyện và trong mọi hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.
II. Ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm
Qua việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm đã mang lại cho tôi nhiều kinh
nghiệm trong việc tổ chức cho trẻ làm quen với hoạt động kể chuyện cũng như
trong quá trình tổ chức các hoạt động khác cho trẻ
Sáng kiến kinh nghiệm đã góp phần giúp trẻ phát triển một cách toàn diện
hơn, trẻ mạnh dạn, tự tin, và tích cực tham gia vào các hoạt động. Đồng thời
tạo được sự tin tưởng sự quan tâm giúp đỡ của ban giám hiệu và các bậc phụ
huynh.
III. Khả năng ứng dụng và triển khai.
Chuyên đề này tôi đã thực hiện tại Lớp Mẫu Giáo Nhỡ A2 - Trường Mầm
Non Tân Phong và có thể áp dụng trong các trường mầm non trong toàn tỉnh.
IV. Những kiến nghị và đề xuất.
- Ban giám hiệu tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho
giáo viên, tổ chức cho giáo viên dự giờ kiến tập chuyên đề.
- Tổ chức cho giáo viên đi tham quan dự giờ các trường điểm để học hỏi giáo
viên dạy giỏi chuyên đề
Trên đây là toàn bộ nội dung sáng kiến kinh nghiệm về một số biện pháp
nâng cao chất lượng cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi làm quen với tác phẩm truyện mà
tôi đã thực hiện tại lớp mẫu giáo nhỡ A2 trường mầm non Tân Phong trong năm
học 2011 - 2012. Rất mong được sự tham gia góp ý của hội đồng khoa học các
cấp.
Xin trân trọng cảm ơn!
NGƯỜI
VIẾT SKKN
Nguyễn Thị Mỵ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm học 20102011 – trang 52- 57
2. Phạm Thi Việt - Nguyễn Công Đức. Tiếng việt dành cho trẻ mẫu giáo
Trường Cao Đẳng Mẫu Giáo Trung Ương I. Trang 104-108
3. Hướng dẫn thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo. Nhà
xuất bản Hà Nội. Trang 16- 17
4. Thạc sĩ. Hồ Lam Hồng. Tài liệu bồi dưỡng thường xuyện chu kỳ II quyển
2. Nhà xuất bản Hà Nội. Trang 38- 42
MỤC LỤC
NỘI DUNG
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
II. Đối tượng phạm vi nghiên cứu
III. Mục đích nghiên cứu
IV. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận và thực tiễn
II. Thực trạng của vấn đề
III. Các biện pháp giải quyết vấn đề
IV. Hiệu quả của SKKN
PHẦN KẾT LUẬN
I. Những bài học kinh nghiệm
II. Ý nghĩa của sáng liến kinh nghiệm
III. Khả năng ứng dụng và triển khai
IV. Những kiến nghị đề xuất
* Tài liệu tham khảo
* Mục lục
TRANG
1
1
2
2
2-3
4
4-7
8
9
9
10
10
11
12