Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

học kì tố tụng dân sự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.99 KB, 9 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Do ngày càng mở rộng các quyền chủ quan của các chủ thể pháp luật; việc bảo
vệ, kiểm tra pháp luật hiện nay so với giai đoạn trước đây đã chuyển sang một bước
mới về chất. Bất kỳ hoạt động có mục đích nào muốn đạt được kết quả đòi hỏi những
người tham gia hoạt động phải xác định được các nguyên tắc hoạt động và tuân thủ
triệt để nó. Hoạt động tố tụng dân sự là một dạng của hoạt động thực tiễn có tính khoa
học, do vậy cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Một trong những nguyên
tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam là nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người
tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.

NỘI DUNG
I – Một vài vấn đề lí luận về nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến
hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
1. Sự cần thiết phải ban hành nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến
hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
 Đối với thực tiễn:
Đặc thù của tố tụng dân sự là những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố
tụng cùng nhau lập lại bức tranh toàn cảnh về vụ án một cách trung thực, khách quan,
toàn diện. Vì vậy, việc xác định sự thật khách quan về vụ án về bản chất là một quá
trình nhận thức và tư duy của các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự trên
cơ sở xem xét đánh giá các chứng cứ, tài liệu, tình tiết khác nhau của vụ án trên cơ sở
các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để có thể tìm ra chân lý, xác định sự thật
khách quan về vụ án thì các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự phải cung
cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết liên quan một
cách chính xác, khách quan, vô tư và đầy đủ để giải quyết vụ án. Sự vô tư của người
tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng chính là yếu tố công bằng nhất để tiếp cận
đến chân lý khách quan của vụ án.
1


 Đối với hệ thống pháp luật:


Là một nguyên tắc của luật tố tụng dân sự, nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của
người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng là những tư tưởng pháp lí, chỉ đạo.
Trong xây dựng pháp luật tố tụng dân sự, phải dựa vào nguyên tắc để xây dựng các
quy phạm pháp luật cụ thể, phù hợp, tránh được sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các
quy phạm pháp luật hoặc thiếu sự nhất quán giữa các văn bản pháp luật. Ngoài ra, dựa
vào các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự cũng có thể tìm ra những mâu thuẫn, khiếm
khuyết của các quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện
các quy phạm pháp luật đó. Việc thực hiện đúng nguyên tắc tạo điều kiện cho việc
giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được thuận lợi, ngăn chặn được những
tiêu cực nảy sinh trong quá trình tố tụng, bảo đảm cho các đương sự có thể bảo vệ
được quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước tòa án. Nguyên tắc này còn giúp cho Tòa
án áp dụng đúng đắn các quy phạm pháp luật trong khi giải quyết các vụ việc cụ thể
cũng như tạo điều kiện để kiểm tra tính đúng đắn trong các phán quyết của mình, xác
định được phương hướng giải quyết các vụ việc cụ thể trên thực tế. Tuy trong pháp
luật tố tụng không quy định cụ thể nhưng căn cứ vào nội dung các quy định của Bộ
luật tố tụng dân sự (BLTTDS) thì việc vi phạm các nguyên tắc được coi là vi phạm
nghiêm trọng thủ tục tố tụng và dẫn đến hậu quả vụ việc dân sự phải được xét lại, kể
cả khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp
luật.
2. Nội dung của nguyên tắc.
Theo nghĩa chung, nguyên tắc được hiểu là “điều cơ bản định ra, nhất thiết phải
tuân theo trong một loạt việc làm” (1). Nguyên tắc của luật tố tụng dân sự Việt Nam là
những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật
tố tụng dân sự và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự. Nguyên
tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng là một trong
những nguyên tắc xây dựng, mang tính định hướng của ngành luật tố tụng dân sự Việt

1

Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2003.


2


Nam. Do vậy, việc xác định rõ nội dung của nguyên tắc có ý nghĩa vô cùng quan
trọng.
 Về chủ thể thực hiện nguyên tắc:
• Người tiến hành tố tụng dân sự là người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong
việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp
luật trong tố tụng dân sự. Theo Điều 16 BLTTDS năm 2004, người tiến hành tố tụng
dân sự là chủ thể của nguyên tắc bao gồm Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm
nhân dân, Thư kí tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên.
• Người tham gia tố tụng dân sự tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự và thi
hành án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác hoặc
hỗ trợ tòa án, cơ quan thi hành án trong việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án
dân sự. Theo Điều 16 BLTTDS, người tham gia tố tụng dân sự là chủ thể của nguyên
tắc gồm người phiên dịch, người giám định. Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều
của BLTTDS người tham gia tố tụng là chủ thể của nguyên tắc này còn bao gồm cả
thành viên Hội đồng định giá.
Việc quy định các chủ thể trên phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo sự vô tư là cần
thiết trong quá trình tiến hành tố tụng bởi những người tiến hành tố tụng và những
người tham gia tố tụng giúp Tòa án làm rõ các vấn đề của vụ việc dân sự, có trách
nhiệm thực thi công lý; nếu họ không vô tư trong việc tiến hành tố tụng hoặc tham gia
tố tụng thì việc giải quyết vụ việc dân sự sẽ bị thiên lệch.
 Về nội dung của nguyên tắc.
Các vấn đề liên quan đến nguyên tắc này trước đây cũng đã được quy định trong
các văn bản pháp luật tố tụng như Bản hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về dân sự
ban hành kèm theo thông tư số 96/NCPL ngày 8/2/1977 của Tòa án nhân dân tối cao,
Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (Điều 17)…Tuy nhiên các quy định này
còn chưa có tính hệ thống.

Hiện nay, nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham
gia tố tụng được quy định tại Điều 16 BLTTDS “Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội
thẩm nhân dân, Thư kí Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Người phiên
3


dịch, Người giám định không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác
đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của
mình”. “Vô tư” là không vì lợi ích riêng tư nào, không thiên vị ai cả (2). Nội dung của
điều luật đã thể hiện được một phần nội dung cơ bản của nguyên tắc như phải tiến
hành những biện pháp cần thiết để đảm bảo sự vô tư trong việc tiến hành tố tụng,
tham gia tố tụng; trường hợp có căn cứ cho thấy người tiến hành tố tụng, người tham
gia tố tụng có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ thì phải thay đổi.
Không chỉ tuân thủ các quy phạm pháp luật nêu trên; người tiến hành tố tụng,
người tham gia tố tụng phải áp dụng nguyên tắc đó trong thực tiễn. Bản thân các chủ
thể quy định tại Điều 16 BLTTDS phải tiến hành các hoạt động chuyên môn một cách
vô tư khách quan, không bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ thông
gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế…, không thiên vị bất cứ ai.
3. Ý nghĩa của nguyên tắc.
Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố
tụng góp phần giải quyết đúng đắn vụ án dân sự, xét xử hợp lý, đúng người, đúng tội;
làm cho các quá trình, giai đoạn tố tụng diễn ra thật minh bạch, khách quan, toàn diện
và đầy đủ; làm trong sạch ngành tư pháp nói chung, nâng cao chất lượng tố tụng,
thanh lọc những cá nhân không có phẩm chất, đạo đức. Nguyên tắc này cũng có mối
liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau với các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật tố tụng dân
sự; là cơ sở, yếu tố bảo đảm việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản khác như Nguyên
tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8), Nguyên tắc trách
nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự (Điều 13), Nguyên tắc thẩm phán
và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (điều 12)…
II – Biểu hiện của Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng,

người tham gia tố tụng qua các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn
áp dụng.
1. Biểu hiện của nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng,
người tham gia tố tụng qua các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự.
2

Từ điển Tiếng việt

4


Từ nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố
tụng nhà lập pháp đã tiến hành xây dựng nên các quy phạm pháp luật chuyên biệt
nhằm cụ thể hóa nội dung nguyên tắc trên các lĩnh vực cụ thể của tố tụng dân sự, bảo
đảm cho nguyên tắc được thực hiện trên thực tế.
Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
được thể hiện qua một số các quy phạm tố tụng dân sự:
- Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự: Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi
người tiến hành tố tụng;
- Điều 47 BLTTDS: Thay đổi Thẩm phán,Hội thẩm nhân dân;
- Điều 48 BLTTDS: Thay đổi Kiểm sát viên;
- Điều 49 BLTTDS: Thay đổi Thư ký Tòa án;
- Khoản 3 Điều 68 BLTTDS: Quy định những trường hợp Người giám định phải từ
chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi.
- Khoản 3 Điều 70 BLTTDS: Quy định những trường hợp Người phiên dịch phải từ
chối hoặc bị thay đổi.
Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTDS, Khoản 3 Điều 90 được sửa
đổi, bổ sung dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tham gia tố tụng “Trong
trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp
luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định giám

định bổ sung hoặc giám định lại. Người đã thực hiện việc giám định trước đó không
được thực hiện giám định lại. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy
định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 46 của Bộ luật này không được thực hiện việc giám
định.”
Luật sửa đổi bổ sung đã bổ sung vào Khoản 2 Điều 92 BLTTDS“Người đã tiến
hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 46 của Bộ
luật này không được tham gia Hội đồng định giá”.
Những trường hợp cho rằng người tiến hành tố tụng có thể không vô tư trong khi
làm nhiệm vụ được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2 Mục 2 Nghị quyết của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 3 năm 2005
5


Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “ Những quy định chung”
của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
Như vậy, có thể thấy các quy phạm pháp luật nêu trên là sự cụ thể hóa, dựa trên
tinh thần của nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham
gia tố tụng. Sự không vô tư đó được biểu hiện trong những trường hợp cụ thể mà pháp
luật dự liệu như người tiến hành tố tụng đồng thời là đương sự (Khoản 1 Điều 46);
Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là người thân thích (Khoản 2 Điều 47)…
2. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng,
người tham gia tố tụng.
Mục tiêu cao nhất của hoạt động xét xử là đúng pháp luật, không oan sai, không
bỏ lọt tội phạm, ngành Tòa án nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung trong hơn
60 năm qua đã nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu ấy, nhưng vẫn luôn còn một tỷ lệ
không nhỏ án oan sai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi giữ cương vị Chủ tịch
Quốc hội từng nhấn mạnh: Không thể nói đến một nhà nước pháp quyền thực sự của
dân, do dân và vì dân nếu vẫn còn nhiều người dân phải chịu oan ức, bất công, hoặc
tính mạng, tài sản và danh dự của họ bị xâm hại bởi những quyết định không công
bằng, trái luật của cơ quan tư pháp, trong đó có các bản án, quyết định của Tòa án (3).

Vậy vì sao mà còn oan sai? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có một
nguyên nhân không nhỏ, đó là do người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
không chí công, vô tư trong suốt quá trình tố tụng. Khi những người có chức năng làm
sáng tỏ các vấn đề của vụ việc dân sự, những người giữ quyền phán xử mà không còn
công tâm, đã bị lợi ích vật chất nào đó chi phối thì không thể có bản án khách quan,
công bằng và đúng pháp luật. Trong một bài phỏng vấn mới đây, Chánh án TANDTC
Trương Hòa Bình trăn trở: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Tòa án chúng
tôi vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đặc biệt,
một số cán bộ công chức của ngành có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, vi
phạm kỷ luật của ngành, thậm chí có trường hợp bị xử lý hình sự” (4).

3, 4

Báo Công lý – congly.com.vn

6


III – Việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến
hành tố tụng, người tham gia tố tụng trên thực tiễn.
Các nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thực tiễn lập pháp, áp
dụng và nâng cao ý thức pháp luật. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả
của việc áp dụng các nguyên tắc trên lĩnh vực hoạt động nêu trên.
Hiệu quả của việc áp dụng nguyên tắc trên trong thực tiễn phụ thuộc vào các
yếu tố chủ quan và khách quan nhất định. Trước hết phụ thuộc vào mức độ cụ thể hóa
của nguyên tắc đó trong các quy phạm của pháp luật tố tụng; vào mức độ giải thích,
làm sáng tỏ các nguyên tắc đó về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Để có thể tuân thủ
và áp dụng đúng nguyên tắc cần nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết về nguyên tắc
cũng như pháp luật tố tụng dân sự nói chung (về nội dung, mục đích, ý nghĩa, vai trò,
yêu cầu của nguyên tắc); ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa; khả năng áp dụng các

nguyên tắc đó trong thực tiễn nói chung và trong từng vụ án cụ thể nói riêng, nghiệp
vụ chuyên môn và kinh nghiệm của chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng theo
quy định tại Điều 16 BLTTDS.
Cần xây dựng những cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho những người tiến hành tố
tụng của Viện kiểm sát có thể thực hiện tốt chức năng kiểm sát, giám sát các hoạt
động của các cá nhân, cơ quan tham gia quá trình tố tụng. Sự giám sát này sẽ phần nào
đảm bảo tính đúng đắn trong giải quyết các vụ việc dân sự, bảo đảm được sự vô tư,
khách quan của các chủ thể của nguyên tắc theo Điều 16 BLTTDS. Luật sửa đổi bổ
sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 đã mở rộng phạm vi tham gia
tố tụng dân sự của Viện kiểm sát, Điều 21 BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung quyền
hạn của Viện kiểm sát, cụ thể: Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm
đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến
hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng,
quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người
có nhược điểm về thể chất, tâm thần (Khoản 2); Viện kiểm sát nhân dân tham gia
phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (Khoản 3).

7


Cần xây dựng cơ chế pháp lý về khen thưởng, kỷ luật đối với chủ thể của
nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
Việc áp dụng hình thức kỷ luật phải thật hiệu quả, minh bạch và bình đẳng. Bên cạnh
đó, đối với những chủ thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cần khen
thưởng để tạo tiền đề, động lực cho họ tiếp tục đóng góp công sức xây dựng và phát
triển ngành tư pháp.
Các Tòa án cần tổ chức những cuộc họp tổng kết chuyên đề, triển khai các lớp
tập huấn để nâng cao trình độ và xây dựng phương châm làm việc chính xác, khoa
học, loại bỏ những trì trệ, quan liêu, bao cấp trong đội ngũ những người làm công tác
xét xử, kiên quyết xử lý thích đáng đối với cán bộ Thẩm phán vi phạm kỷ luật hoặc có

biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thi hành nhiệm vụ được giao. Cần bổ
sung Thẩm phán cho đủ biên chế để giải quyết kịp thời, khách quan và góp phần nâng
cao chất lượng xét xử, tránh tình trạng vì Thẩm phán ít mà phải xét xử lại nhiều lần
làm cho chất lượng xét xử không bảo đảm.
Nhà nước cần quy định về việc người tiến hành tố tụng nói chung và người tiến
hành tố tụng dân sự nói riêng được pháp luật bảo vệ bằng một số điều khoản về việc
giữ bí mật danh tính, địa chỉ nhà riêng…và khi gặp rủi ro, phải được hưởng chế độ
như chế độ dành cho lực lượng vũ trang.
Trong lĩnh vực giám định và định giá tài sản, cần phải tiếp tục hoàn thiện bổ
sung chế định này theo hướng quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng định
giá, nguyên tắc xác định giá.

LỜI KẾT
Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố
tụng là một trong những nguyên tắc quan trọng, chủ đạo trong luật tố tụng dân sự.
Việc nghiên cứu về nguyên tắc này góp phần quan trọng trong việc giải quyết vụ án
được thuận lợi, ngăn chặn được những tiêu cực nảy sinh trong quá trình tố tụng, bảo
đảm cho đương sự có thể bảo vệ được quyền, lợi ích của họ trước Tòa án.
8


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb.CAND. Hà
Nội, 2009.
2. Học viện tư pháp, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb.CAND, Hà Nội, 2007.
3. Đinh Trung Dũng “Các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam”,
Tạp chí TAND, đặc san chuyên đề về BLTTDS, số 8/2004.
4. Nguyễn Ngọc Khánh “Những nguyên tắc tố tụng đặc trưng trong BLTTDS”, Tạp
chí kiểm sát, số 1/2005.

5. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2005 ngày
31 tháng 3 năm 2005 Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “
Những quy định chung” của BLTTDS năm 2005.
7. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011.
8. Trang web: www.thuvienphapluat.vn
www.congly.com.vn
www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com

9



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×