Tải bản đầy đủ (.pdf) (202 trang)

Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.23 MB, 202 trang )

1

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐỖ THÀNH ĐÔ

GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP LUẬT
CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Ở CÁC TỈNH TRUNG TRUNG BỘ
TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Chuyên ngành : CNDVBC và CNDVLS
Mã số

:

62 22 03 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

NGHIÊN CỨU SINH:

PGS.TS. NGUYỄN VĂN HÒA

ĐỖ THÀNH ĐÔ

HÀ NỘI - năm 2016



2
LỜI CAM ĐOAN
Luận án là công trình khoa học độc lập của tác giả, mọi trích dẫn đều có xuất
xứ rõ ràng. Tác giả xin chịu mọi trách nhiệm về công trình của mình !

Hà Nội, ngày

tháng 05 năm 2016

TÁC GIẢ

Đỗ Thành Đô


3
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa………………………………………………………………..

1

Lời cam đoan………………………………………………………………..

2

Mục lục……………………………………………………………………...

3


Danh mục các chữ viết tắt trong luận án…………………………………….

4

MỞ ĐẦU……………………………………………………………………

5

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI………….

12

Chương 2. Ý THỨC PHÁP LUẬT VÀ GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP
LUẬT CHO SINH VIÊN TRƯỚC YÊU CẦU HIỆN NAY Ở NƯỚC TA...

30

2.1. Ý thức pháp luật………………………………………………………...

30

2.2. Giáo dục ý thức pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên…

56

2.3. Tăng cường công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên trước yêu
cầu hiện nay....................................................................................................

71


Chương 3. THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG
GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG
ĐẠI HỌC Ở CÁC TỈNH TRUNG TRUNG BỘ............................................

79

3.1. Những yếu tố tác động đến giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các
trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ.....................................................

79

3.2. Thực trạng giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên trong các trường
đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ.................................................................

84

3.3. Những vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh
viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ hiện nay………………

111

Chương 4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT
LƯỢNG GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN CÁC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở CÁC TỈNH TRUNG TRUNG BỘ………………..

121

4.1. Phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục ý thức pháp luật cho sinh
viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ………………………...


121

4.2. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên
các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ……………………………...

124

KẾT LUẬN………………………………………………………………….

154

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ…………

157

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………

158

PHỤ LỤC…………………………………………………………………...

168


4
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
CNH,HĐH

:


Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

CNXH

:

Chủ nghĩa xã hội

CSHT

:

Cơ sở hạ tầng

KTTT

:

Kiến trúc thượng tầng

KT-XH

:

Kinh tế - xã hội

NNPQ

:


Nhà nước pháp quyền

LLSX

:

Lực lượng sản xuất

PTSX

:

Phương thức sản xuất

QHSX

:

Quan hệ sản xuất

TTB

:

Trung Trung Bộ

TTXH

:


Tồn tại xã hội

XHCN

:

Xã hội chủ nghĩa

YTPL

:

Ý thức pháp luật

YTPQ

:

Ý thức pháp quyền

YTXH

:

Ý thức xã hội


5
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài

Với tính cách là một hình thái ý thức xã hội ra đời và tồn tại cùng với xã hội
có giai cấp, ý thức pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển
của xã hội. Ý thức pháp luật phản ánh trực tiếp các quan hệ kinh tế của xã hội, trước
hết là các quan hệ sản xuất được thể hiện trong hệ thống pháp luật. Thông qua sự
duy trì, điều hành của nhà nước mà ý thức pháp luật tác động mạnh mẽ đến cơ sở
kinh tế và các hình thái ý thức xã hội khác. Mức độ và hiệu quả sự tác động của ý
thức pháp luật đối với đời sống xã hội phụ thuộc vào sự truyền bá và xâm nhập của
ý thức pháp luật cả về bề rộng và bề sâu vào mọi người trong xã hội nói chung và
sinh viên nói riêng. Vì vậy, việc tổ chức giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người
trong xã hội nói chung và sinh viên nói riêng là đòi hỏi khách quan trong quá trình
đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Nói cách khác, muốn xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền thì việc ban hành
pháp luật là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn còn là việc giải thích, hướng
dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi Hiến pháp và pháp luật. Cần phải
xác định rõ: “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành một cách
thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết
và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp
quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[2, tr.1].
Trong xã hội có giai cấp thì các cơ sở giáo dục đại học đều phải tiến hành giáo
dục ý thức pháp luật: “Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống
quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ
đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ
thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học"[88, tr.6]. Giáo dục ý thức pháp luật
cho sinh viên trong các trường đại học không chuyên luật ở nước ta hiện nay để góp
phần đào tạo ra những sinh viên có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; có kiến thức
chuyên môn toàn diện; có kỹ năng thực hành cơ bản; có khả năng làm việc độc lập,
sáng tạo; biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để đáp ứng yêu cầu


6

phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Các tỉnh Trung Trung Bộ nước ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát
triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tuy
nhiên, đây vẫn là khu vực còn chậm phát triển so với các khu vực khác, đời sống
của các tầng lớp nhân dân còn thấp và nhiều khó khăn, sự hiểu biết về Hiến pháp và
pháp luật của các tầng lớp nhân dân nói chung và sinh viên đang học tập trong các
trường đại học ở khu vực này nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, công
tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung
Trung Bộ mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chưa được
quan tâm đúng mức. Hơn lúc nào hết, vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh
viên trong các trường đại học ở các tỉnh khu vực này cần phải được chú trọng quan
tâm nhằm hướng tới mục tiêu: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý
thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của nhà giáo, cán bộ quản
lý cơ sở giáo dục và người học, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao
chất lượng giáo dục toàn diện”[99, tr.1] để góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất
lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các
tỉnh Trung Trung Bộ nói riêng.
Từ những đặc điểm như trên, nghiên cứu vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho
sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay có
ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Vì lẽ đó, tác giả lựa chọn đề tài: “Giáo dục
ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong
giai đoạn hiện nay” làm đề tài luận án tiến sỹ triết học với hi vọng nghiên cứu
chuyên sâu về vấn đề ý thức pháp luật, có thể cung cấp những giải pháp góp phần
nâng cao công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các
tỉnh Trung Trung Bộ trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, cụ thể hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở nước ta
hiện nay và đáp ứng sự phát triển của các tỉnh Trung Trung Bộ thời gian tới.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích



7
Làm rõ ý thức pháp luật và mối quan hệ của nó với các hình thái ý thức xã hội
khác; làm rõ giáo dục ý thức pháp luật và tầm quan trọng của nó đối với sinh viên;
làm rõ thực trạng, những vấn đề đặt ra, phương hướng, giải pháp và khuyến nghị
nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh
viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ
Để thực hiện mục đích nêu trên, luận án sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Thứ nhất, phân tích làm rõ khái niệm, nội dung, cấu trúc, chức năng và vai
trò của ý thức pháp luật; mối quan hệ của ý thức pháp luật với các hình thái ý thức
xã hội khác trong việc giáo dục ý thức pháp luật; nội dung, phương pháp, hình thức
và yêu cầu của việc tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường
đại học ở Việt Nam hiện nay.
- Thứ hai, phân tích, đánh giá những yếu tố tác động, những kết quả đạt được,
những bất cập, những nguyên nhân hạn chế trong thời gian qua; nêu lên những yêu
cầu cần thiết trong công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên trong các
trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong thời gian tới.
- Thứ ba, đề xuất phương hướng, giải pháp đồng bộ và khuyến nghị đến các
bên liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục ý thức pháp
luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ đáp ứng yêu cầu
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục đại học hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là nghiên cứu ý thức pháp luật với tư cách
là hình thái ý thức xã hội trong xã hội có giai cấp; ý thức pháp luật là một thuộc tính
cơ bản trong năng lực và phẩm chất của sinh viên; giáo dục ý thức pháp luật cho
sinh viên các trường đại học trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

ở các tỉnh Trung Trung Bộ dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ,
kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.
3.2. Phạm vi nghiên cứu


8
- Ý thức pháp luật dưới giác độ của chủ nghĩa duy vật lịch sử và giáo dục ý
thức pháp luật cho sinh viên chính quy trong các trường đại học ở các tỉnh Trung
Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay.
- Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên có liên quan đến nhiều yếu tố như
kinh tế - xã hội, các nguồn lực, nội dung giáo dục, chương trình giáo dục, phương
pháp và hình thức giáo dục, chủ thể giáo dục.v.v...Các yếu tố đó tồn tại trong mối
quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó đội ngũ giảng viên luật; nội dung, chương
trình, phương pháp giảng dạy và học tập môn luật đóng vai trò chủ đạo trong việc
giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên. Vì thế, do khuôn khổ của mình, luận án sẽ
tập trung đi sâu vào phân tích những yếu tố đóng vai trò chủ đạo đó.
- Trên cơ sở khảo sát kết quả của giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên
chính quy trong các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ, rút ra những nhận
xét có tính chất tổng quát, những nhận định này sẽ là cơ sở cho việc đề xuất phương
hướng và giải pháp.
- Số liệu nghiên cứu lấy từ 13 trường đại học, trong đó có 2 đại học vùng (Đại
học Huế và Đại học Đà Nẵng). Số liệu chủ yếu được cập nhật đến hết năm 2013,
giai đoạn nghiên cứu chủ yếu từ năm 2010 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Cơ sở lý luận
- Cơ sở lý luận của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy
vật lịch sử với hạt nhân là phương pháp luận duy vật biện chứng của triết học MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về ý thức
pháp luật và công tác giáo dục ý thức pháp luật. Đặc biệt, luận án dựa trên quan
điểm của triết học Mác - Lênin về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý
thức xã hội, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, các hình thái ý thức xã hội và

sự tác động qua lại của ý thức xã hội với tồn tại xã hội, vai trò của ý thức pháp luật
trong đời sống xã hội để phân tích làm rõ các nội dung liên quan trong luận án.
- Kế thừa những kết quả, tư tưởng, quan điểm của các công trình nghiên cứu
đã được công bố có liên quan đến luận án.
3.2. Phương pháp nghiên cứu


9
Để thực hiện mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra, chúng tôi sử dụng
nhất quán và có hệ thống các phương pháp nghiên cứu khoa học phổ biến là:
- Phương pháp lôgíc và lịch sử: phương pháp này được sử dụng trong luận án
để nhằm phân tích, luận giải làm rõ khái niệm, nội dung, cấu trúc, chức năng và vai
trò của ý thức pháp luật; vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác giáo dục ý thức pháp
luật ở Việt Nam hiện nay. Việc sử dụng phương pháp lôgíc và lịch sử còn giúp làm
rõ bản chất của ý thức pháp luật trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là lực
lượng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội, quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của
kinh tế tri thức, trong thể chế kinh tế thị trường, việc đề cao và phát triển nhân tố
con người trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: là phương pháp được chúng tôi sử phổ biến
trong luận án, đặc biệt là chương 3 và chương 4. Việc sử dụng phương pháp này
giúp chỉ ra những nét đặc thù về đối tượng, nội dung, phương pháp và hình thức
giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên trong các trường đại học ở các tỉnh Trung
Trung Bộ; làm rõ những yếu tố tác động đến đối với công tác giáo dục ý thức pháp
luật cho sinh viên ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: là phương pháp phổ biến trong nghiên
cứu khoa học, việc sử dụng phương pháp phân tích giúp cho chúng tôi làm rõ được
các nội dung của đối tượng nghiên cứu; sử dụng phương pháp tổng hợp sẽ giúp khái
quát lại được các vấn đề đã phân tích trước đó, từ đó xây dựng các kết luận của quá
trình nghiên cứu. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của phương pháp nghiên cứu khoa

học này, khi triển khai luận án, chúng tôi thường xuyên sử dụng phương pháp phân
tích và tổng hợp để triển khai và thâu tóm các nội dung nghiên cứu trong luận án.
- Phương pháp điều tra xã hội học: để có cơ sở thực tiễn, chúng tôi đã tiến
hành điều tra, khảo sát thực trạng về công tác giáo dục ý thức pháp luật đối với đội
ngũ giảng viên luật và sinh viên đại học hệ chính quy đang học tập trong các trường
đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ. Sử dụng phương pháp này giúp chúng tôi làm
rõ được thực trạng và nguyên nhân của thực trạng giáo dục ý thức pháp luật cho
sinh viên thời gian qua; đồng thời còn là cơ sở để đề xuất phương hướng, giải pháp


10
và khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục ý thức pháp luật cho
sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong thời gian tới.
- Ngoài các phương pháp trên, chúng tôi còn sử dụng phương pháp đánh giá
và phân tích tài liệu (tiếng Việt và ngoại văn) phù hợp đối với từng nội dung nghiên
cứu của luận án.
5. Đóng góp khoa học của luận án
- Luận án góp phần làm rõ lý luận của ý thức pháp luật, mối quan hệ giữa ý
thức pháp luật với ý thức pháp quyền; công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh
viên và tính cấp thiết tăng cường công tác này trước yêu cầu hiện nay ở nước ta.
- Luận án góp phần làm rõ những yếu tố tác động, thực trạng giáo dục ý thức
pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ thời gian qua
và những vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên ở khu
vực này trong giai đoạn hiện nay.
- Luận án đề xuất phương hướng, giải pháp và khuyến nghị đến các bên liên
quan nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục ý thức pháp luật cho
sinh viên các trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ trong thời gian tới.
6. Ý nghĩa của luận án
6.1. Ý nghĩa khoa học của luận án
Một là, luận án góp phần làm sâu sắc và phong phú lý luận về các hình thái ý

thức xã hội của triết học Mác - Lênin. Đặc biệt là khái niệm, nội dung, kết cấu và
vai trò của ý thức pháp luật; mối quan hệ giữa ý thức pháp luật với các hình thái ý
thức xã hội khác.
Hai là, luận án góp phần làm sâu sắc thêm quan điểm lý luận của Đảng Cộng
sản Việt Nam về tăng cường giáo dục ý thức pháp luật trước yêu cầu xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học
hiện nay.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Một là, luận án cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn, phương hướng, giải pháp và
nêu lên các khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý giáo dục có liên quan và các


11
trường đại học ở các tỉnh Trung Trung Bộ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả
giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, luận án được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những người làm
công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học, luật học, các môn khoa học xã hội và
nhân văn; tài liệu tham khảo cho cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên các trường
đại học và những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, danh mục công trình khoa
học đã công bố, danh mục các chữ viết tắt, phụ lục, nội dung chính của luận án gồm
4 chương, 11 tiết.


12
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Ý thức pháp luật và công tác giáo dục YTPL cho sinh viên trong các trường
đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề rộng lớn, có tính thời sự và rất phức tạp.

YTPL và giáo dục YTPL cho sinh viên được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu
dưới nhiều giác độ khác nhau, các công trình có liên quan trực tiếp hay gián tiếp
đến đề tài “Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh
Trung Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay” bao gồm:
1.1. Các công trình liên quan đến ý thức pháp luật và giáo dục ý thức
pháp luật cho sinh viên trước yêu cầu hiện nay ở nước ta
- “Sự hình thành ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa của cá nhân” của
K.I.Belxki (1982). Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về các vấn đề
xã hội, đặc biệt là sự tác động qua lại của TTXH và YTXH, sự tương tác qua lại của
các hình thái YTXH, tác giả đã phân tích quá trình hình thành, sự tác động của điều
kiện KT-XH và các nhân tố ảnh hưởng đến YTPL XHCN. Cuốn sách được viết
trước công cuộc đổi mới ở nước ta và dựa trên những lý giải về điều kiện KT-XH
của các nước XHCN ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu trước đây. Tuy nhiên,
những lý giải của K.I.Belxki về quá trình hình thành và các nhân tố ảnh hưởng đến
YTPL XHCN vẫn còn giá trị trong giai đoạn hiện nay, là cơ sở lý luận để chúng tôi
lý giải về YTPL và vai trò của YTPL trong đời sống xã hội.
- “Cơ sở khoa học cho việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật”
(Chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX.07.17, Viện nghiên cứu Nhà
nước và Pháp luật, 1995). Đề tài đã đi sâu nghiên cứu làm rõ những nhân tố cơ bản
quy định YTPL và lối sống pháp luật là do TTXH và đời sống pháp luật của xã hội
quy định; những căn cứ khoa học của việc xây dựng pháp luật và thực hiện pháp
luật; những hạn chế, yếu kém của công tác giáo dục YTPL. Những nội dung này
chính là cơ sở để chúng tôi tham khảo khi phân tích cơ sở lý luận của YTPL và cơ
sở thực tiễn của công tác giáo dục YTPL cho sinh viên đại học ở nước ta hiện nay.


13
- “Pháp luật, chính trị, đạo đức và ý thức pháp luật xã hội” (in chung trong
tác phẩm sách chuyên khảo “Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và Pháp luật”, Nhà
xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1996) của I.V. Diuriagin. Bài viết có đề cập đến những

vấn đề lớn như: mối quan hệ giữa chính trị, đạo đức và pháp luật; vai trò của YTPL
trong đời sống xã hội.v.v...Đây là bài viết chuyên khảo có giá trị khoa học, là tài
liệu tham khảo để chúng tôi giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận của
YTPL, mối quan hệ giữa YTPL với các hình thái YTXH khác.
- “Tinh thần pháp luật” của Môngtéxkiơ (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội,
1996) và “Bàn về khế ước xã hội” của Rútxô (Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà
Nội, 2004). Các công trình này, ở khía cạnh nào đó đã đề cập đến nội dung và vai
trò của YTPL. Có thể nói tác phẩm “Tinh thần pháp luật” và “Bàn về khế ước xã
hội” chính là bộ đôi tác phẩm khai sáng về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng
xây dựng xã hội công dân và NNPQ. Đây là những tài liệu tham khảo có giá trị để
chúng tôi luận giải về cơ sở lý luận của YTPL và mối quan hệ giữa YTPL với
YTPQ.
- “Lôgic khách quan của quá trình hình thành và phát triển ý thức pháp luật ở
Việt Nam” (Luận án tiến sỹ triết học của Nguyễn Thúy Vân, 2001). Luận án dựa
trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về các hình thái YTXH và sự phản ánh
của YTXH đối với TTXH cũng như sự phản ánh của YTPL đối với đời sống pháp
luật của xã hội. Theo tác giả, để có được nhận thức đầy đủ, toàn diện về YTPL của
một dân tộc thì cần đi sâu phân tích thực trạng xã hội, các đặc điểm KT-XH quyết
định sự hành thành và phát triển của YTPL qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc đó.
Với cách tiếp cận này, luận án đã đi sâu phân tích một số đặc điểm cơ bản của
YTPL ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Về mặt khách quan, nguồn gốc sâu xa
của YTPL Việt Nam trước hết xuất phát từ điều kiện lịch sử của đất nước, từ PTSX
chủ yếu là nền sản xuất nhỏ, tiểu nông đã quy định các quan hệ xã hội không đa
dạng và phức tạp nên người dân dường như không có nhu cầu điều chỉnh pháp luật.
Điều này làm cho hệ thống pháp luật kém phát triển, thiếu đồng bộ. Mặt khác, do sự
ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo coi trọng đạo đức hơn pháp
luật, nên trong thời gian dài, xã hội Việt Nam đã duy trì ổn định và trật tự bằng các


14

quy phạm đạo đức nhiều hơn các quy phạm pháp luật. Luận án cũng khẳng định:
trước yêu cầu đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới với sự thay đổi nhanh
chóng của LLSX và QHSX, ứng dụng khoa học kỹ thuật.v.v...thì đòi hỏi YTPL với
tư cách là hình thái YTXH cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế khách quan
của TTXH. Công trình này đã cung cấp cho chúng tôi những căn cứ và định hướng
khi phân tích YTPL và vai trò của YTPL trong đời sống xã hội hiện nay.
- “Mấy suy nghĩ về việc đổi mới ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay” của
Nguyễn Thúy Vân (Tạp chí Triết học, số 10, 2006). Từ cách tiếp cận cho rằng các
đặc điểm KT-XH quyết định sự hình thành và phát triển của YTPL qua các thời kỳ
lịch sử của dân tộc, bài viết này cũng nêu bật những đặc điểm của YTPL Việt Nam.
Tác giả còn khẳng định, công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN ở
nước ta hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh CNH,HĐH
với những thời cơ và thách thức lớn. Toàn cầu hóa và phát triển nền kinh tế tri thức
đang tạo ra những thay đổi căn bản trên phạm vi toàn thế giới cũng như trong đời
sống xã hội của mỗi quốc gia bởi sự tác động đa chiều và phức tạp của nó. Chính vì
thế, trong công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng NNPQ XHCN hiện nay, đổi mới
và nâng cao YTPL đóng vai trò quan trọng, tạo ra những thay đổi tích cực trong đời
sống pháp luật của xã hội. Từ những đặc điểm của YTPL của con người Việt Nam
giúp cho chúng tôi có thêm cơ sở để nhìn nhận, phân tích và đánh giá về đối tượng
sinh viên, sự cần thiết phải tăng cường công tác giáo dục YTPL cho sinh viên trong
giai đoạn hiện nay.
- “Sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật của nhân dân đồng bằng sông
Cửu Long trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam hiện nay” (Luận án tiến sĩ luật học
của Hồ Việt Tiệp, 2002). Luận án khẳng định, sau 15 năm đổi mới với việc chuyển
đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN, đặt ra yêu cầu cấp bách là cần tăng cường quản lý nhà
nước bằng pháp luật và xây dựng NNPQ XHCN. Yêu cầu đó ngày càng khẳng định
vai trò, giá trị to lớn của pháp luật và sự cần thiết phải nhanh chóng nâng cao YTPL
cho mọi người, trong đó có đối tượng nông dân ở khu vực nông thôn. Dưới góc độ
luật học, tác giả nêu lên sự phát triển YTPL của nông dân đồng bằng sông Cửu



15
Long qua các giai đoạn lịch sử; thực trạng phát triển YTPL của nhân dân đồng bằng
sông Cửu Long thời kỳ đổi mới còn hết sức thấp kém, nhiều vấn đề bất cập; cần
phải có những giải pháp đồng bộ để nâng cao YTPL ở khu vực này. Luận án này đã

cung cấp tư liệu để chúng tôi làm rõ chức năng và vai trò của YTPL trong đời sống
xã hội. Tuy nhiên, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án này bàn về giáo
dục YTPL dưới giác độ luật học và hướng đến đối tượng là nhân dân ở đồng bằng
sông Cửu Long, luận án cũng chưa đề cập đến công tác giáo dục YTPL cho sinh
viên trong các trường đại học ở nước ta hiện nay.
- “Về cấu trúc, vai trò và chức năng của văn hóa pháp luật” của Ngọ Văn
Nhân (Tạp chí Triết học, số 7, 2010). Tác giả đã đi sâu phân tích cấu trúc của văn
hóa pháp luật, bao gồm YTPL, hệ thống pháp luật và các thiết chế pháp luật. Bài
viết cũng góp phần làm rõ vai trò của văn hóa pháp luật trong việc tạo dựng môi
trường xã hội, môi trường pháp lý lành mạnh, cũng như định hướng hành vi của con
người trong xã hội phù hợp với các nguyên tắc và quy định của pháp luật. Ngoài ra,
bài viết còn trình bày các chức năng của văn hóa pháp luật trong đời sống xã hội.
Chúng tôi thống nhất với những nhận định của tác giả về cấu trúc, vai trò và chức
năng của văn hóa pháp luật. Bài viết này là nguồn tài liệu tham khảo để chúng tôi
giải quyết những vấn đề liên quan đến kết cấu, chức năng và vai trò của YTPL trong
đời sống xã hội ở nước ta hiện nay.
- “Bản chất đích thực của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức” của Hoàng
Thị Kim Quế (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1, 2010). Bài viết dưới góc độ luật
học bàn về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật, bản chất của mối quan hệ này
được tác giả khẳng định, vấn đề mang tính nguyên tắc là đạo đức là cơ sở của pháp
luật; đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn. Dù ở bất cứ thời đại nào thì đạo đức và
pháp luật cũng là một thể thống nhất biện chứng, tác động qua lại và tương trợ lẫn
nhau. Bài viết là cơ sở để chúng tôi làm rõ nội dung trong giáo dục YTPL cho sinh

viên phải gắn với giáo dục đạo đức. Tuy nhiên, những vấn đề về mối quan hệ giữa
giáo dục YTPL và các hình thái YTXH khác ngoài ý thức đạo đức như mối quan hệ
giữa YTPL với ý thức chính trị, YTPQ, ý thức thẩm mỹ chưa được tác giả đề cập


16
đến trong bài viết. Khắc phục điểm này, chúng tôi sẽ làm rõ mối quan hệ giữa giáo
dục YTPL cho sinh viên phải gắn với giáo dục chính trị, giáo dục thẩm mỹ.
- “Đổi mới căn bản, toàn diện về đào tạo ở các trường đại học đáp ứng nhu
cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Đặng Văn Mỹ (Kỷ yếu Hội thảo Phát triển
nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, 2011). Tác giả tập trung
phân tích thực trạng đổi mới giáo dục ở các trường đại học và đề xuất mô hình đổi
mới giáo dục đại học tại các trường đại học trên phạm vi cả nước nói chung và khu
vực kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng. Chúng tôi khai thác tư liệu của bài
viết này để phân tích làm rõ vai trò của giáo dục YTPL cho sinh viên trước yêu cầu
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học hiện nay.
- “Quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam” (Tác giả Trần Ngọc Đường, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2011). Tác phẩm trình bày hệ thống quan niệm về quyền con người, quyền
công dân trong NNPQ XHCN ở Việt Nam; việc thể hiện các quyền con người,
quyền công dân qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. Tác giả còn nhấn
mạnh các khía cạnh pháp lý để thực hiện các quyền con người, quyền công dân,
định hướng xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam vì con người và coi con người là giá
trị, mục tiêu cao nhất trong giai đoạn hiện nay. Công trình này là tài liệu tham khảo
để: “Có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn pháp lý nghiên cứu học tập và tìm hiểu vấn
đề quyền con người và quyền công dân dưới ánh sáng xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[45, tr.6], đồng thời chính là nguồn tư liệu để
giúp chúng tôi đánh giá về yêu cầu cần đẩy mạnh giáo dục YTPL cho sinh viên
trong điều kiện xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta hiện nay.
- “Giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trong điều

kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Tác giả Nguyễn
Quốc Sửu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011). Tác giả đã phân tích
tương đối toàn diện, có hệ thống về giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức hành
chính trong điều kiện xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam trên cả phương diện lý
luận và thực tiễn. Tác giả đã làm rõ khái niệm, mục đích, mục tiêu của giáo dục
pháp luật, phân biệt rõ phương pháp với hình thức giáo dục pháp luật. Đặc biệt, tác


17
giả đã đề xuất và luận chứng tính khả thi của các giải pháp nâng cao chất lượng giáo
dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính dựa trên kết quả khảo sát
và điều tra xã hội học có độ tin cậy cao, “cuốn sách đã phân tích, làm rõ cả về
phương diện lý luận lẫn thực tiễn vấn đề giáo dục ý thức pháp luật, thực trạng và
nguyên nhân của thực trạng, đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất
lượng giáo dục pháo luật”[94, tr.6]. Mặc dù đối tượng nghiên cứu công trình này
khác với đối tượng nghiên cứu của luận án, nhưng những kết quả nghiên cứu về cơ
sở lý luận của giáo dục pháp luật, quan điểm, giải pháp, phương pháp khảo sát và
điều tra xã hội học của công trình này là những gợi ý cần thiết để chúng tôi tham
khảo trong quá trình phân tích những vấn đề về chủ thể và đối tượng, đặc điểm, mục
tiêu, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại
học ở các tỉnh TTB.
- “Tư tưởng pháp luật Hồ Chí Minh với việc tăng cường pháp chế xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Thị Nga (Tạp chí Triết học, số 1, 2012).
Bài viết trình bày và phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về
pháp luật, vai trò tối thượng của pháp luật, tính chất dân chủ triệt để và tính nhân
dân rộng rãi của pháp luật được xây dựng và thực thi với sự ra đời của Nhà nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa, yêu cầu thực hiện nghiêm minh và có hiệu lực nhằm
đảm bảo vai trò của pháp luật. Tác giả cũng trình bày ý nghĩa của việc phát huy tư
tưởng pháp luật Hồ Chí Minh trong việc tăng cường pháp chế XHCN ở nước ta hiện
nay. Công trình này đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng tôi luận giải về

tính cấp thiết tăng cường giáo dục YTPL cho sinh viên trước yêu cầu xây dựng
NNPQ XHCN ở nước ta hiện nay.
- “Giáo dục pháp luật hay giáo dục ý thức pháp luật” của Ngọ Văn Nhân
(Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12, 2012). Xung quanh các tên gọi về khái niệm
giáo dục pháp luật và giáo dục YTPL còn nhiều cách tiếp cận khác nhau, đang đặt
ra nhiều vấn đề như: Chỉ có giáo dục pháp luật mà không có giáo dục YTPL? Chỉ
có giáo dục YTPL mà không có giáo dục pháp luật? Vừa có giáo dục pháp luật lại
vừa có giáo dục YTPL? Dựa trên việc phân tích nội hàm của các khái niệm, tác giả
đã phân tích sự khác nhau về mục đích, mục tiêu, chủ thể, đối tượng, nội dung,


18
phương pháp và hình thức của hai khái niệm này. Chúng tôi cho rằng giáo dục pháp
luật và giáo dục YTPL có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng không hoàn toàn
đồng nhất với nhau. Điều này sẽ được làm rõ trong luận án khi chúng tôi kế thừa
những kết luận khoa học của bài viết này để phân tích nội hàm khái niệm giáo dục
YTPL và khái niệm giáo dục YTPL cho sinh viên.
Liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa giáo dục YTPL và xây dựng NNPQ
XHCN và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, có
nhiều công trình đã được các nhà khoa học, các học giả trong nước bàn tới như: cơ
sở lý luận và thực tiễn của xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam hiện nay, vai trò
của YTPL trong xây dựng NNPQ XHCN, thể chế hóa quyền lực của nhân dân trong
xây dựng NNPQ XHCN, quyền và nghĩa vụ của công dân trong xây dựng NNPQ
XHCN, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hiện
nay.v.v...Có thể kể đến các công trình lớn như: “Bàn về giáo dục pháp luật” của
Trần Ngọc Đường và Dương Thanh Mai (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1995); “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân - Lý luận và thực tiễn” của
GS.VS. Nguyễn Duy Quý và PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn đồng chủ biên (Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008); “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản
của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa

trong giai đoạn từ nay đến năm 2020” (Đề tài CT 09.16.03 của TS. Bùi Nguyên
Khánh và PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh, 2010); “Khái niệm Nhà nước pháp quyền nhìn
từ góc độ triết học” của Trần Ngọc Liêu (Tạp chí Triết học, số 11, 2009); “Tiếp tục
thể chế hóa quyền lực của nhân dân thành pháp luật trong quá trình xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Trần Ngọc Liêu (Tạp chí Triết
học, số 11, 2010); “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp
ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” của Hoàng Thị Hạnh (Tạp chí Triết học, số 9, 2010);
“Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức thực hiện quyền lực nhà nước với việc xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của Mai Thị Thanh (Tạp
chí Triết học, số 10, 2010); “Định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền và cơ chế
quyền lực trong Văn kiện Đảng XI” của Hà Thị Mai Hiên và Nguyễn Thị Việt
Hương (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11, 2010); “Nâng cao tính pháp quyền


19
của Nhà nước vì mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Nguyễn Như Phát và Phạm
Hữu Nghị (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11, 2010); “Một số rào cản đối với
việc phát huy tính sáng tạo của con người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập kinh tế
quốc tế” của Nguyễn Văn Hòa (Tạp chí Triết học, số 2, 2010); “Quyền con người
trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” của Tường Duy
Kiên (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6, 2010); “Một số điểm mới về xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua Văn kiện Đại hội XI của
Đảng” của Ngọ Văn Nhân (Tạp chí Triết học, số 3, 2011); “Nhà nước pháp quyền
và vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” của Nguyễn Như Phát (Tạp
chí Triết học, số 8, 2011).v.v...Đây là những cơ sở lý luận, là nguồn tài liệu quan
trọng để chúng tôi lý giải về vai trò của giáo dục YTPL và ý nghĩa của giáo dục
YTPL cho sinh viên trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng NNPQ XHCN và đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, các công trình trên đã đề cập tương đối đầy đủ về cơ sở lý luận của

YTPL; khái niệm, kết cấu, chức năng, vai trò của YTPL với tính cách là một hình
thái YTXH trong xã hội có giai cấp; mối quan hệ giữa YTPL với các hình thái
YTXH khác; cơ sở khoa học của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật,
đặc điểm của quá trình hình thành YTPL ở Việt Nam; mối quan hệ giữa YTPL với
xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam hiện nay; vai trò của YTPL, thể chế hóa quyền
lực của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của công dân trong xây dựng NNPQ
XHCN.v.v...Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề liên quan đến YTPL và giáo dục
YTPL cần tiếp tục làm rõ trước yêu cầu hiện nay. Trên cơ sở kế thừa các công trình
trên, tác giả luận án sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất, khái niệm, cấu trúc, chức năng và vai trò của YTPL; mối quan hệ
giữa YTPL và các hình thái YTXH, đặc biệt là làm rõ mối quan hệ giữa YTPL và
YTPQ; mối quan hệ giữa tri thức pháp luật, tình cảm pháp luật và các hành vi phù
hợp với yêu cầu của hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ hai, làm rõ khái niệm giáo dục YTPL và giáo dục YTPL cho sinh viên;
chủ thể, đối tượng, đặc điểm, mục tiêu, nội dung, hình thức và phương pháp giáo


20
dục YTPL cho sinh viên trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, vai trò của giáo dục YTPL cho sinh viên trước yêu cầu xây dựng
NNPQ XHCN và đổi mới giáo dục đại học ở nước ta hiện nay.
1.2. Các công trình liên quan đến thực trạng và những vấn đề đặt ra
trong giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh
Trung Trung Bộ
- “Pháp luật và sự quản lý nhà nước” của Minogue Martin (1993), tác phẩm
đã đề cập đến một số vấn đề của YTPL như khái niệm, cấu trúc, chức năng của
YTPL; vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước.v.v...Những lý giải của tác giả
trong tác phẩm này mặc dù dựa trên điều kiện KT-XH ở phương Tây và bối cảnh
thế giới giai đoạn trước khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới. Tuy nhiên,
những vấn đề mà Minogue Martin đề cập về mối quan hệ giữa pháp luật với vai trò

quản lý của nhà nước vẫn còn tính thời sự trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam. Kế
thừa công trình này, chúng tôi phân tích làm rõ thêm về nội dung giáo dục YTPL
cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB hiện nay phải bám sát vào cơ chế,
chính sách, pháp luật của nhà nước.
- “Chính sách pháp luật và ý thức pháp luật Việt Nam” của Nguyễn Như Phát
(Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, 1993). Bài viết đề cập đến chiều sâu cơ sở
cho chính sách pháp luật và YTPL ở Việt Nam phải xuất phát từ nhu cầu đời sống
xã hội, đời sống pháp luật và từ điều kiện KT-XH. Vì vậy, không thể lấy quan điểm
chủ quan duy ý chí để áp đặt cho những chính sách và hệ thống pháp luật XHCN.
Bài viết cũng phân tích chỉ rõ thực trạng và nguyên nhân của tình trạng bất cập, yếu
kém của hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời chỉ ra hệ thống giải pháp để đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao YTPL cho
mọi người dân Việt Nam trong giai đoạn mới. Bài viết này mặc dù chưa chỉ ra
những nét đặc thù về giáo dục YTPL đối với sinh viên, nhưng là cơ sở để chúng tôi
phân tích chỉ ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong công tác
giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB thời gian qua.
- “Xây dựng lối sống theo pháp luật nhìn từ góc độ lịch sử truyền thống, xây
dựng ý thức và lối sống theo pháp luật” (Chương trình Khoa học công nghệ cấp


21
Nhà nước KX.07.17 của tác giả Vũ Minh Giang chủ biên, Trường Đại học Luật Hà
Nội, 1995). Đề tài đã tập trung nghiên cứu quá trình hình thành nhu cầu đời sống
pháp luật, sự cần thiết xây dựng lối sống theo pháp luật trong thời kỳ mới, những
hạn chế của cơ chế kinh tế thị trường đang mâu thuẫn gay gắt với sự bảo tồn và phát
huy những giá trị truyền thống của lịch sử dân tộc. Mặt khác, đề tài cũng đánh giá
thực trạng YTPL và lối sống theo pháp luật của nhân dân ta bên cạnh những mặt
tích cực, đáng ghi nhận thì vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập chưa đáp ứng
được yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Chúng tôi tiếp nhận
những kết luận, đề xuất của công trình này để phân tích những tác động của điều

kiện văn hóa - xã hội đối với giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở các
tỉnh TTB trong giai đoạn hiện nay.
- “Nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính” (Tác
giả Lê Đình Khiên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002). Từ việc phân
tích làm rõ nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước đòi hỏi mọi người dân phải sống
và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Tác giả khẳng định, nâng cao hiệu quả
quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước chỉ có thể thực hiện được khi đội ngũ
cán bộ lãnh đạo và quản lý có trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật. Do vậy,
nâng cao YTPL cho đội ngũ cán bộ quản lý hành chính nhà nước là khâu quan
trọng, tạo điều kiện để thúc đẩy việc nâng cao YTPL trong xã hội, xây dựng và
củng cố các quan hệ xã hội dựa trên cơ sở pháp luật. Chúng tôi kế thừa công trình
này để phân tích những yêu cầu đối với chủ thể và đối tượng của giáo dục YTPL,
đặc biệt là yêu cầu nâng cao trình độ đối với đội ngũ giảng viên làm công tác giáo
dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB hiện nay.
- “Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội” của N.M Voskresenskaia và N.B
Davletshina (2009) do Phạm Nguyên Trường dịch, Nhà xuất bản Hệ thống giáo dục
của Cộng hòa Liên bang Nga phát hành. Tác giả đã nghiên cứu và có những quan
niệm mới về dân chủ, các giá trị của dân chủ, quyền con người trong xã hội dân
chủ, nhà nước và chính quyền, bầu cử - cơ chế thực thi dân chủ quan trọng, chế độ
liên bang và các hình thức nhà nước khác, các đảng chính trị và tổ chức xã hội, văn
hóa, pháp luật và dân chủ, nước Nga quá khứ và tương lai. Cuốn sách được trình


22
bày mạch lạc, dễ hiểu, kèm theo những minh họa hấp dẫn, được coi là tài liệu tham
khảo dùng cho các trường phổ thông, thể hiện như là “thử nghiệm đầu tiên trong
soạn thảo sách giáo khoa về dân chủ và pháp luật”. Công trình này là tài liệu tham
khảo để chúng tôi phân tích những tác động của điều kiện chính trị - xã hội trong
giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB.
- “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi

mới” (Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp,
2009). Dựa trên kết quả khảo sát, phân tích hiện trạng giáo dục pháp luật ở một số
địa phương, đề tài khẳng định công tác giáo dục pháp luật ở nước ta trong thời kỳ
đổi mới còn nhiều hạn chế yếu kém, nội dung và phương thức giáo dục còn chậm
đổi mới, nặng về hình thức nên hiệu quả giáo dục pháp luật không cao. Chính vì
vậy, các cơ quan xây dựng pháp luật và cơ quan pháp luật cần phải chú trọng nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp luật, đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền
giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng, chú trọng địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng
xa, vùng cư trú của đồng bào dân tộc ít người. Công trình này là một trong những
chỉ dẫn quan trọng trong việc phân tích, đánh giá thực trạng công tác giáo dục
YTPL cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB hiện nay.
- “Ý thức pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện
nay” (Luận án tiến sỹ triết học của tác giả Lê Xuân Huy, 2010). Luận án phân tích
thực trạng và tầm quan trọng của việc nâng cao YTPL với việc thực hiện dân chủ ở
nông thôn Việt Nam trong thời kỳ CNH,HĐH. Đồng thời luận án đã đề ra hệ thống
những giải pháp nâng cao YTPL nhằm thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam.
Những vấn đề mà luận án đề cập có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay, đặc
biệt là trong giai đoạn Quốc hội Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong
các tầng lớp nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Luận án này đã góp phần
làm rõ tính cấp thiết của việc nâng cao YTPL trong mối quan hệ với thực hiện dân
chủ ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ CNH,HĐH đất nước, “góp phần làm sáng
tỏ quan điểm mác-xít về YTPL và thực hiện dân chủ; nêu ra những luận cứ khoa
học về sự cần thiết phát huy vai trò YTPL đối với việc thực hiện dân chủ ở nông
thôn Việt Nam hiện nay”[55, tr.5]. Những nội dung của luận án này bàn về thực


23
trạng công tác giáo dục YTPL ở nông thôn hiện nay là tài liệu tham khảo để chúng
tôi phân tích thực trạng công tác giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở
các tỉnh TTB thời gian qua.

- “Tình hình và giải pháp ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật của học
sinh, sinh viên” của Đặng Trần Thanh Ngọc (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2,
2010). Tác giả đã phân tích thực trạng vi phạm pháp luật của tầng lớp học sinh, sinh
viên từ năm 2009 đến nay như một bức tranh với sắc màu ảm đạm. Nguyên nhân
của tình trạng đó theo tác giả bắt nguồn từ: tâm lý tuổi mới lớn, nhân cách chưa
hoàn chỉnh, môi trường sống, tác động của văn hóa phẩm độc hại.v.v...Bài viết cũng
nêu lên các kiến nghị nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh,
sinh viên: xây dựng đời sống lành mạnh trong gia đình và ngoài xã hội; đổi mới
chương trình giáo dục đạo đức và pháp luật trong nhà trường; có chế tài xử lý vi
phạm; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội. Bài viết
này là cơ sở để chúng tôi phân tích thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi
phạm pháp luật của sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB thời gian qua.
- “Mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật” (Hoàng Chí Bảo và Tống Đức
Thảo đồng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Hành chính, Hà Nội, 2011). Các tác giả
tập trung phân tích khái niệm, bản chất, nội dung, mối quan hệ giữa dân chủ và văn
hóa pháp luật, nhấn mạnh đặc điểm của văn hóa pháp luật Việt Nam trong tiến trình
đổi mới dưới các khía cạnh bản chất, mục tiêu và định hướng xây dựng phát triển.
Đồng thời, các tác giả cũng nêu lên hệ thống các giải pháp để đảm bảo dân chủ và
nâng cao văn hóa pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Những phân tích của các tác giả
về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa dân chủ và văn hóa pháp luật, các
đặc điểm của văn hóa pháp luật là cơ sở để chúng tôi bàn về tác động của điều kiện
văn hóa - xã hội trong giáo dục YTPL cho sinh viên các tỉnh TTB hiện nay.
- “Tổng quan kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” của Đỗ
Thanh Phương, “Tổng quan kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” của
Nguyên Chương và Trần Như Quỳnh (Kỷ yếu Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực
cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, 2011). Những bài viết này đã phân tích
tổng thể về các đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.v.v...của các tỉnh thuộc


24

khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây chính là nguồn tài liệu giúp tác giả
luận án khái quát những yếu tố tác động của điều kiện tự nhiên, điều kiện KT-XH
đối với công tác giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB.
- “Vai trò của pháp luật trong xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo
chính trị ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Thị Thu Hường (Tạp chí Triết học, số
6, 2012). Tác giả bài viết khẳng định pháp luật là yếu tố có vai trò quan trọng trong
xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính trị ở Việt Nam hiện nay như:
pháp luật củng cố những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, làm cho các giá
trị đó thấm sâu và phát huy mạnh mẽ trong hệ giá trị đạo đức của người cán bộ lãnh
đạo chính trị; pháp luật xây dựng, củng cố và bảo vệ các giá trị đạo đức của người
cán bộ lãnh đạo chính trị, góp phần hình thành và hoàn thiện những giá trị đạo đức
mới, tiến bộ hơn cho đội ngũ này; pháp luật giúp cán bộ lãnh đạo chính trị loại trừ
quan niệm, tư tưởng đạo đức lạc hậu, lỗi thời; pháp luật góp phần ngăn chặn sự
thoái hóa, xuống cấp đạo đức ở cán bộ lãnh đạo chính trị. Bài viết là tư liệu để
chúng tôi phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục YTPL cho sinh
viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục YTPL
cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB trong thời gian tới.
Ngoài ra, còn có các công trình khác liên quan đến chương 3 của luận án được
chúng tôi tham khảo khi phân tích từng nội dung cụ thể về những yếu tố tác động,
thực trạng và những vấn đề đặt ra trong giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại
học ở các tỉnh TTB, cụ thể như: “Xã hội và pháp luật” của Viện nghiên cứu Nhà
nước và pháp luật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994); “Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề cấp bách của khoa học về Nhà nước và
pháp luật của Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật” (Nhà xuất bản Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 1997); “Tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật của
đội ngũ cán bộ cấp cơ sở” của Trần Thị Hồng Thúy chủ biên (Nhà xuất bản Tư
pháp, Hà Nội, 2004); “Văn hóa pháp lý Việt Nam” của Lê Đức Tiết chủ biên (Nhà
xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2005).v.v...Trong các công trình này, các tác giả đã đề
cập đến những vấn đề cơ bản như: ý thức và lối sống theo pháp luật, thực trạng hiểu



25
biết YTPL và thái độ đối với pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong đó có tầng
lớp sinh viên, giáo dục YTPL và những vấn đề mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Tóm lại, những công trình trên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về
phản ánh về công tác giáo dục YTPL ở nước ta, là nguồn tài liệu có giá trị để chúng
tôi làm rõ thêm những khía cạnh sau:
Thứ nhất, phân tích làm rõ những điều kiện của các tỉnh TTB tác động đến
công tác giáo dục YTPL cho sinh viên các trường đại học ở khu vực này.
Thứ hai, phân tích và đánh giá làm rõ thực trạng công tác giáo dục YTPL
trong các trường đại học ở các tỉnh TTB thời gian qua.
Thứ ba, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục YTPL
cho sinh viên các trường đại học ở các tỉnh TTB trong giai đoạn hiện nay.
1.3. Các công trình liên quan đến phương hướng và giải pháp nâng cao
chất lượng giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở các
tỉnh Trung Trung Bộ
- “Giáo dục ý thức pháp luật trong các trường đại học, trung học chuyên
nghiệp và dạy nghề (không chuyên luật) ở nước ta hiện nay” (Luận án Phó tiến sỹ
khoa học của Đinh Xuân Thảo, 1996). Trên cơ sở phân tích đặc điểm của nền kinh
tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN ở Việt Nam giai đoạn đầu
của quá trình đổi mới đất nước, đời sống pháp luật của xã hội có những biến động
mạnh, bộc lộ nhiều mâu thuẫn giữa tốc độ, sự đầu tư xây dựng, ban hành các văn
bản pháp luật với sự hạn chế trong tổ chức thực hiện pháp luật và trình độ văn hóa
pháp lý, YTPL của các tầng lớp nhân dân lao động còn nhiều thấp kém. Tác giả
luận án khẳng định, để giải quyết mâu thuẫn ấy thì việc đổi mới và tăng cường công
tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng để “góp
phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn giáo dục pháp luật nó chung, giáo dục
pháp luật trong nhà trường nói riêng, đề xuất nhằm góp phần tăng cường giáo dục
pháp luật trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ở nước
ta”. Chúng tôi kế thừa những phương hướng và giải pháp mà tác giả đưa ra trong
luận án này để đề xuất nhóm giải pháp đối với đối tượng của giáo dục YTPL - sinh

viên các trường đại học ở các tỉnh TTB.


×