Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Hình tượng người phụ nữ trong văn học 18 19

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.83 KB, 21 trang )

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ THẾ KỈ XVIII – NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX
MỞ ĐẦU
“Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”
Từ lâu hình ảnh người phụ nữ đã rất tự nhiên bước vào văn học như một định mệnh
nghệ thuật tất yếu. Hình ảnh của một “nửa thế giới” ấy đã sớm phập phồng trong trái tim
của người nghệ sĩ, hiện diện khắp nơi trong đứa con tinh thần của họ.Từ buổi hồng hoang
của lịch sử với văn học dân gian cho đến khi văn học viết ra đời, nguồn mạch đó tựa dòng
thủy lưu chưa bao giờ đứt mạch. Đến với đề tài hôm nay, xin được hòa mình vào hứng
cảm bất tận ấy để tìm hiểu về những cuộc đời, những số phận mà hình tượng người phụ
nữ trong văn học giai đoạn thế kỉ XVIII-XIX mang lại.
CHƯƠNG 1:NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ
THẾ KỈ XVIII – NỬA ĐẦU THẾ KỈXIX
1.1 Cơ sở lý luận về hình tượng nghệ thuật
Hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức
những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình,... Nhân vật ấy phải có những nét chung
nhất của tầng lớp, giai cấp... mà mình đại diện vào một thời điểm lịch sử nhất định.
Hình tượng nhân vật trong văn học là nhân vật điển hình trong tác phẩm văn học, mang
đậm nét khái quát của tầng lớp, giai cấp của nhân vật ấy, đồng thời là nhân vật có những
nét riêng đặc biệt, xuất hiện trong bối cảnh điển hình mà tác phẩm văn học ấy thể hiện.
1.2. Bối cảnh ra đời hình tượng người phụ nữ thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉXIX
1.2.1. Bối cảnh xã hội
1.2.1.1. Thời đại đầy biến động
Nước Việt đi vào một trong những thời kì đen tối nhất của lịch sử.
- Vua chúa chỉ mải mê trong giấc mộng quyền quý mà quên đi trách nhiệm với nhân dân
của mình.


- Thuế cao sưu nặng, mất mùa hạn hán, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực
- Số phận con người mỏng mang chao đảo như một trò tạp kĩ trên không giữa lằn ranh của
sống-chết.


- Những phong trào nông dân nổi dậy tất yếu. Những cuộc đàn áp diễn ra trong máu của
người ra trận và nước mắt của gia quyến ở hậu phương. Chưa bao giờ vấn đề thân phận
con người, bi kịch của cá nhân được đặt ra riết róng như thế. Có lẽ chính điều ấy chính
chất xúc tác mạnh mẽ nhất để chuyển lay ngòi bút của tác giả để từ hình tượng người phụ
nữ ra đời trong thấm đẫm tình người xót xa.
1.2.1.2. Xã hội nam quyền
- Trong các mối quan hệ với vua (quân), cha(phụ), chồng (phu), con (tử), người phụ nữ
luôn là kẻ phụ thuộc và phục tùng, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân của sự
chuyên quyền độc đoán của đàn ông.
- Nho giáo đề cao hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ là liệt nữ. Song, những “tiêu
chuẩn” đạt được bậc liệt nữ được ghi vào sổ sách nhiều khi đi đến mức phản nhân đạo.
- “Tam thê tứ thiếp” đã là điều quá bình thường cho mong muốn của một người đàn ông
trong xã hội phong kiến.Song chẳng mấy ai hiểu được nỗi đơn lẻ đến khôn cùng của
người thiếp lẽ mọn.
- Những người đẹp người xưa chỉ là công cụ phụ vụ cho ham muốn nhục dục và tham
vọng về chính trị cho giới chức quyền, trước hết là vua chúa. Chỉ vài trong con số hàng
trăm mỹ nhân được kén vào cung mỗi năm hóa phượng hoàng, còn lại sống cuộc đời bẽ
bang nơi hậu cung cô quạnh.
1.2.1.3. Sự manh nha hệ ý thức mới mẻ trong xã hội.
Sự sụp đổ của giai cấp thống trị phong kiến kéo theo sự phá sản ý thức hệ phong kiến, con
người tiếp nhận luồng tư tưởng mới từ tư tưởng dân chủ với sự xuất hiện của tầng lớp thị
dân.
- Các nhà Nho đã thoát khỏi tư tưởng chính thống để xem người phụ nữ như đối tượng
chính của ngòi bút của mình.


- Con người đặc biệt là người phụ nữ ý thức được và muốn khẳng định giá trị cá nhân của
mình. Họ đứng dậy nêu lên mong muốn về những gì mình xứng đáng nhận được, thẳng
thừng phê phán mặt tối của xã hội. Đó là nét mới mẻ tạo nên sức hấp dẫn ở người phụ nữ
thời đại này.

1.2.2. Bối cảnh nền văn học
1.2.2.1. Sự phát triển của đề tài người phụ nữ
Đề tài người phụ nữ là đề tài lớn trong văn học Việt Nam. Nó đã từng xuất hiện nhưng
chưa trở thành đối tượng trọng tâm của văn học mà chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong văn xuôi lịch
sử, trong thần phả, điếu vịnh, văn học dân gian…
Đến XVI, đặc biệt là thế kỉ XVIII, phụ nữ đã trở thành một trong những đề tài lớn của văn
học, người phụ nữ hiện lên một cách khá đầy đủ và toàn diện trên nhiều bình diện. Về
Truyện Nôm có “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Hoa tiên” của Nguyễn Huy Tự,…Thơ
ca viết về về phụ nữ là thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm khúc”
của Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm hay “Cung oán ngâm” của
Nguyễn Gia Thiều…
1.2.2.2. Sự phát triển của chủ nghĩa nhân đạo
Tư tưởng này xuyên suốt chảy cùng năm tháng như một mạch nước ngầm trong văn học.
Chỉ cho đến khi đến với thế kỉ XVIII-XIX với những yếu tố nhất định thúc đẩy tư tưởng
này đã được nâng cao, phát triển thành chủ nghĩa nhân đạo với đầy đủ các biểu hiện của
nó. Đó là sự xót thương đồng cảm với số phận con người,lên án, đả phá những thế lực
làm hại con người, và đặt niềm tin đồng thời khẳng định giá trị tốt đẹp của con người.
1.2.2.3. Sự phát triển về mặt thi pháp của thể loại, ngôn ngữ của nền văn học
Văn học trung đại thế kỉ XVIII –nửa đầu thế kỉXIX có sự phát triển về các thể loại văn
học.
- Sự góp mặt đầy đủ của trữ tình, tự sự và ca vũ nhạc kịch trong đời sống văn học.
- Về mỗi thể loại, ta có thể nhận thấy sự phát triển về thi pháp được biểu hiện cụ thể ở cấu
tứ, nhịp điệu, hình ảnh, sự lựa chọn đề tài,…Vốn từ ngữ được phong phú hóa từ nguồn


chữ Nôm.Ý thức làm mới thể loại văn học bằng màu sắc dân tộc đã kích thích sức sáng
tạo của lực lượng sáng tác tạo nên sức đột phát mới, khẳng định giá trị riêng biệt của văn
chương Việt.
CHƯƠNG 2: NỘI DUNG PHẢN ÁNH TRONG HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ
THẾ KỈ XVIII – NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX

2.1. Người phụ nữ-hiện thân của cái Đẹp
Thần thoại Hi Lạp kể rằng: “Thượng đế đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn cong
của loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa,... nặn thành người phụ nữ”. Người phụ
nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp.
2.1.1. Vẻ đẹp tài và sắc của người phụ nữ.
2.1.1.1.Về nhan sắc
Nhắc đến vẻ đẹp của người phụ nữ hãy cùng thưởng lãm đến những đoạn tuyệt bút của
Nguyễn Du khi viết về nhan sắc của Thúy Kiều và Thúy Vân. Có thể nói nét đẹp ấy với
bút pháp ước lệ đã trở thành những chuẩn mực cho khuôn khổ ngoại hình của người con
gái phong kiến:…………………….
Vân mới đẹp làm sao! Con người nàng toát lên vẻ trang trọng khác vời, từng đường nét
dường như đều là một kỳ công của tạo hoá.
Kiều đến với người đọc bằng ấn tượng đầu tiên: “sắc sảo mặn mà”. Các từ mang ý nghĩa
so sánh:“càng”, “so bề”,“phần hơn”cho thấy nàng không chỉ có vẻ đẹp như Thuý Vân mà
nàng còn đẹp hơn thế nữa.
Tác giả chỉ tập trung đặc tả đôi mắt. Đôi mắt đẹp như làn nước mùa thu được điểm tô
bằng đôi mày thanh nhẹ, tươi tắn như dáng núi mùa xuân. Phải chăng khi miêu tả đôi mắt
của Thuý Kiều Nguyễn Du muốn người đọc hiểu rằng: đằng sau đôi mắt trong veo ấy là
một tâm hồn đa cảm? Kiều đã thật sự hiện ra trước mắt người đọc với đầy đủ vẻ đẹp lộng
lẫy của một trang quốc sắc thiên hương.


Trong cuộc tao ngộ các giai nhân của văn học giai đoạn này, bên cạnh những “quốc sắc
thiên hương” mẫu mực đúng chuẩn e ấp phong kiến thì đâu đấy trong thơ Xuân Hương
vẫn có những cô gái với ngoại hình ngời ngời sức sống, trẻ trung mơn mởn:
“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc biếng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên suối chửa thông”.
Quả là một vẻ đẹp đầy tự nhiên mà tạo hóa vốn đã ban tặng cho người phụ nữ!
2.1.1.2.Về tài năng
Hình tượng người phụ nữ không chỉ được khắc họa qua nhan sắc bề ngoài mà còn gắn với
tài năng hơn người. Đúng chuẩn phong kiến món nghề tài nghệ của người bậc nữ nhân
gồm bốn mặt sau đây: cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), họa (vẽ). Và Thúy Kiều xứng đáng với
danh hiệu kì nữ khi thông làu tất cả các lĩnh vực ấy nhất là chơi đàn. Tiếng đàn của nàng
làm cho Kim trọng phải “ngơ ngẩn sầu”, làm cho Thúc Sinh “cũng tan nát lòng” và làm
cho Hồ Tôn Hiến “nhăn mày, rơi châu
Cung thường làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương!”
Thanh âm vi diệu ấy của tài nữ đánh đàn cũng có lần Nguyễn Du nhắc đến trong “Long
Thành cầm giả ca”:
(Học được trong cung triều xưa khúc Cung Phụng
Tưởng như trên trời dưới thế tuyệt vời âm thanh)
Bên cạnh đó tài văn không còn là đặc hữu của đấng tu mi nam tử, nó đã trở thành một tài
năng các ả hồng quần.Tài văn chương tuyệt vời dường như thiên phú như trong “Phương


Hoa tân truyện”. Lúc bình thường các cô chăm chỉ “công dung ngôn hạnh”, nhưng khi
cần thiết, các cô rất tự tin, sẵn sàng trổ tài nhả ngọc phun châu.
Sử kinh làu giở hôm mai,
Văn chương phú lục mọi bài làu thông”
Phun châu nhả ngọc nức lòng
Đã tường kinh sử, lại thông truyện ngoài.
2.1.2. Vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ
Trong không khí của trào lưu nhân văn chủ nghĩa, người nghệ sĩ đã quan tâm đặc biệt đến
hình ảnh người phụ nữ. Đó không chỉ là chút hời hợt cho tài sắc bên ngoài mà với một cái
nhìn thấu suốt, văn thi nhân còn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn với những phẩm chất tốt đẹp.
2.1.2.1. Những phẩm chất tốt đẹp

Phẩm chất trước hết rất dễ thấy ở người phụ nữ trong văn học giai đoạn này là lòng thủy
chung son sắt. Tấm lòng son trước sau như một đã hiện hữu những vần thơ rất đỗi dung dị
của Xuân Hương:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Cô gái ấy dù trải qua bao thăng trầm “bảy đổi ba chìm” vẫn giữ tấm lòng son. Sự son sắt
hay tấm lòng trong sáng không bị vẩn đục làm cô gái không chỉ đẹp vẻ đẹp bên ngoài mà
còn quyến rũ hơn nhờ phẩm chất của tấm lòng son luôn tỏa rạng.
Họ còn có những phẩm chất đạo đức khác rất đáng quý như sự đảm đang, tháo vát, hi
sinh, hiếu thuận, vị tha…
Người ca nữ trong "Ngộ gia đệ cựu ca cơ" của Nguyễn Du thì vẫn một lòng chăm lo cho
chồng và ba con khi cuộc sống còn rất nhiều khó khăn trong buổi loạn lạc, nàng phải mặc
lại chiếc áo cũ từ ngày xa xưa, nhưng vẫn không thấy một lời oán than.


Một người con hiếu thảo bán thân mình chuộc cha với tấm lòng đáng trân trọng:
“Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành”
Thuý Kiều là người chí tình chí nghĩa “Ơn ai một chút chẳng quên”. Khi có điều kiện,
nàng đã trả ơn, hậu tạ những người cưu mang mình.
Rồi đến khi báo oán Hoạn Thư, Kiều không xem Hoạn Thư là kẻ thù của mình mà chỉ
xem là tình địch của mình về mặt giới tính, không còn ở vị trí quan tòa – tội phạm nữa mà
ở vị trí hai người đàn bà với nhau. Xét theo mặt logic tình cảm cùng lòng vị tha của mình,
Kiều đã tha bổng cho Hoạn Thư.
2.1.2.3. Khát vọng về tình yêu và hạnh phúc
Khát vọng tình yêu tự do đậm màu sắc lãng mạn được thể hiện qua mối quan hệ Thuý
Kiều- Kim Trọng. Mới gặp lần đầu, hai bên chưa tiện nói với nhau một lời, mà mối tình
không lời ấy đã như một chén rượu nồng. Trong câu chuyện tình yêu với Kim Trọng,

Kiều là người luôn luôn chủ động.
Bắt đầu từ giây phút ban đầu lưu luyến cho đến khi chàng Kim lên ngựa rồi nàng Kiều
“còn ghé theo”, nhìn hút bóng chàng… rồi gót chân nàng thoăn thoắt “Xăm xăm băng
nẻo vườn khuya một mình”. Từ góc nhìn nhân văn đối với tình yêu, có thể nói đây không
phải là hành vi nàng Kiều tự hủy nhân cách mình mà đó là một sự khẳng định sức mạnh
tình yêu của mình.
Tận đến những năm 70-80 của thế kỷ XX, nhân loại mới nhận thức rõ hơn vai trò trung
tâm của phụ nữ trong tình yêu và hôn nhân, vậy mà ở thế kỷ XVIII Nguyễn Du thông qua
quá trình tái hiện tâm lý nhân vật Kim – Kiều trong cuộc tình nồng thắm yêu đương đã
cấp cho nữ giới cái quyền được quyết định việc lựa chọn giữa đồng ý/ không đồng ý trong
chuyện ái ân. Và phải chăng hôn nhân muốn có tình yêu và giữ gìn được tình yêu vĩnh
cửu thì sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa đàn ông và đàn bà đòi hỏi phải được xây
dựng hài hòa trên cả yếu tố tinh thần và thể xác?
Kim Trọng đối với Kiều là một mối tình trong sáng, thánh thiện. Nhưng chúng ta cũng
không thể phủ nhận tình yêu giữa Kiều và Thúc Sinh. Kiều còn bảo Thúc Sinh về hỏi vợ


chính trước khi cùng kết duyên tức là nàng luôn khao khát có được một tình yêu, một
cuộc hôn nhân đích thực. Ta cũng càng không thể phủ nhận mối tình giữa Từ Hải và
Kiều, một mối tình không chỉ là tình yêu mà còn là ân nghĩa. Khát vọng về một hạnh
phúc trọn vẹn, về một tình yêu chân thành không bao giờ bị vùi lấp trong Kiều nên nàng
không ngừng kiếm tìm và trân trọng những mối tình đã qua dù kết cục có như thế nào.
Người cung nữ bị thất sủng, phải đối mặt với một thực tại chua xót, bẽ bàng, đối mặt với
bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu uất ức đã bắt đầu phản tỉnh. Nàng hiểu ra rằng hạnh phúc
không phải được tạo nên từ lầu vàng điện ngọc, từ phù phiếm, xa hoa. Hạnh phúc chỉ đến
từ tình yêu chân thành, chung thủy. Cuộc sống êm đẹp nhất là cuộc sống vui vẻ sum vầy,
có chồng có vợ.
“Kìa điểu thú là loài vạn vật
Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng
Có âm dương có vợ chồng

Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”
Nàng đã phải trải qua một quá trình tự nhận thức từ chỗ ảo tưởng, ngộ nhận đến sụp đổ
niềm tin với những giá trị cũ và tìm đến với những giá trị mới nhân văn, nhân bản hơn.
Nếu không phải là một con người có tâm hồn biết sống và khao khát sống và hạnh phúc
đúng nghĩa thì không có những trăn trở đến thế.
2.1.2.4. Ý thức khẳng định giá trị cá nhân
Để có thể duy trì được những phẩm chất tốt đẹp của mình giữa xã hội phong kiến đang cố
chà đạp mình, để không ngừng nuôi những khát vọng về một tình yêu, hạnh phúc thật sự,
người phụ nữ ắt hẳn rất có ý thức về giá trị của mình, cho rằng mình đáng được hưởng
hạnh phúc đích thực ấy. Càng ý thức rõ được điều đó, người phụ nữ càng ý thức được
việc phải khẳng định giá trị cá nhân của mình. Xã hội ấy đã muốn gạt tên mình thì đừng
trông mong chờ đợi cơ hội chứng minh, chỉ còn cách những người phụ nữ phải tự tạo ra
cơ hội, đứng lên, vươn lên khỏi kiếp đoạn trường để khẳng định giá trị của mình.
Phải là một phụ nữ có ý thức rất rõ giá trị của bản thân mình – đó là giá trị về nhân vị (giá
trị về vị trí và phẩm giá con người trong cộng đồng nhân loại và vũ trụ) mà không phải


người phụ nữ nào, đặc biệt là những người phụ nữ sống trong sự hà khắc của xã hội
phong kiến có được nên Kiều mới bản lĩnh, dám vượt mọi rào cản để lựa chọn tình yêu
cho chính mình, sống thật với lòng mình.
Giữa cảnh nhơ nhớt chốn lầu xanh, Kiều cũng đã có cái "giật mình" đầy nhân bản:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa. (Truyện Kiều)
Đó là cái giật mình từ cảm xúc bên trong, vì nhận ra sự tàn phá thảm hại về thể xác và
phẩm cách của mình ở chốn lầu xanh, sự cô đơn lẻ loi của mình và sự yếu đuối bất lực
của mình trước bao nhiêu sự xấu xa, cạm bẫy đang bủa vây mình mà không thể chống đỡ.
Điệp từ “mình’’ lặp lại ba lần trong một câu thơ như tiếng nấc nghẹn ngào, tha thiết của
Thúy Kiều ý thức được về phẩm giá, nhân cách, quyền sống bản thân đó cũng là ý thức cá
nhân và quyền sống của con người trong lịch sử phong kiến mà Nguyễn Du muốn truyền
tải đến người đọc. Vì thương mình chính là đỉnh cao nhất của sự tự ý thức cá nhân.

Kiều luôn có những phản ứng quyết liệt nhất để có thể thoát khỏi lầu xanh. Hễ thấy có hy
vọng, dù là một con đường rất mong manh, nàng cũng cố bấu víu. Ngay khi vào lầu Lâm
– Tri, nàng đã biết mình bị lừa gạt nên đã cố tìm đến cái chết nhưng không thành. Kiều đi
cùng Thúc Sinh để mong có được một cuộc sống yên ổn, chấp nhận là vợ bé thì lại bị
Hoạn Thư đánh đập. Nàng làm vợ Từ Hải cũng là từ khát khao thoát khỏi lầu xanh. Lúc
nào nàng cũng muốn thoát khỏi cái nơi ấy, khỏi cái nghề ấy.
Người cung nữ trong “Cung oán ngâm” đã rất mạnh mẽ muốn bứt thoát để sống là chính
mình, khẳng định giá trị của cá nhân mình:
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!
2.2. Hình tượng người phụ nữ - những mảnh đời bất hạnh
Cái đẹp của người phụ nữ cũng là cái mong manh phút chốc khi trót hiện sinh trong một
xã hội vốn đầy rẫy những định kiến, luật lệ hà khắc phong kiến, những hủ tục bất công
như thế kỉ XVIII-XIX. Nhiều tấn bi kịch xót xa đã can tâm giáng xuống đôi vai bé nhỏ


của người phụ nữ khiến những con người thấp cổ bé họng chịu cảnh đắng cay muôn
phần...
2.2.1. Bi kịch tình yêu – hôn nhân
Có lẽ những câu chuyện tình dang dở sẽ để lại vết thương lòng khôn nguôi đối với bất cứ
một ai.Và với tâm hồn nhạy cảm của mỗi người phụ nữ thì ắt hẳn đó là nỗi đớn đau bội
phần. Đọc bài thơ “Tự tình 2” ta nghe rõ tiếng lòng thở than, ngao ngán không thể kìm
giữ mà trực tiếp lên tiếng.
Câu phá đề ứng với nỗi đau chợt vỡ oà, tức tưởi. Câu thừa đề nhấn mạnh sự khuyết thiếu
người tri âm. Nỗi xót xa buồn tủi không thể giấu được.Nụ cười ngạo nghễ thách thức ẩn
đi, nhường chỗ cho giọt nước mắt đầy vơi. Cả câu thơ dâng đầy niềm cô quạnh. Câu thơ
thứ ba tê tái và thấm thía hơn. Cuộc say ngắn ngủi, giấc mộng tan mau, con người muốn
trốn chạy hiện thực phũ phàng rốt cuộc vẫn phải đối mặt với nó, sống trong nó. Chén
rượu không đủ nồng nàn; hương rượu ở đâu thoảng lại, người thơ chuếnh choáng chốc lát.
Thế là cuộc trốn chạy kia đứt gẫy dở dang.

Phụ nữ vốn nhạy cảm. Với hạnh phúc tình yêu hôn nhân, đó là tất cả đối với họ, làm sao
có thể chịu cảnh sớt chia “Chồng chung đâu dễ ai nhường cho ai”. Dù chỉ là một giả
thuyết về cuộc đời nữ sĩ nhưng xin được mượn điều còn tạm bợ ấy để hiểu cho tâm trạng
của người đàn bà chịu cảnh “Làm lẽ”:
“ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Tương truyền Xuân Hương là con của một người vợ lẽ. Rồi chính bà lấy chồng hai lần, cả
hai lần đều làm lẽ. Tất cả những thảm cảnh làm lẽ của mẹ bà, của bà và của bao người
đàn bà bất hạnh khác trong chế độ đa thê đáng nguyền rủa dưới chế độ phong kiến đã dồn
nén lại thành một khối thuốc nổ: bài thơ “LÀM LẼ”. Bài thơ có sức công phá ghê gớm
vào chế độ đa thê, lớn tiếng đòi quyền sống , đòi hạnh phúc lứa đôi cho người phụ nữ.
Câu thơ mở đầu rơi thẳng vào sự bất công trong hôn nhân, trong tình cảm “ Kẻ đắp chăn
bông, kẻ lạnh lùng” thì thật là tài tình. Hình tượng thơ gợi ngay đến chuyện buồng the,
chăn gối, hạnh phúc lứa đôi vợ chồng.Và sự bất công giữa vợ cả, vợ lẽ hiện ra như núi đôi


và vực thẳm. Vợ lẽ chẳng qua là một người “làm mướn”, một người ở, mà còn tệ hơn
người làm mướn là “mướn không công”.
Với một thời đại có quá nhiều biến động, đấy không chỉ là những chuyện tình dở dang bởi
những bi kịch đời thường mà còn do gặp phải buổi chiến tranh loạn lạc. Cảnh tình lẻ loi
của người chinh phụ đợi chờ chinh phu cũng chính là một trong những nét đặc sắc trong
hình tượng người phụ nữ ở giai đoạn này.
Nhắc đến bi kịch lẻ bóng ắt hẳn “Chinh phụ ngâm” chính là một minh chứng xuất sắc
nhất. Nàng tự hỏi vì sao đôi lứa phải chia cắt? Vì sao phải lâm vào tinh cảnh éo le một
mình nuôi mẹ già con dại? Vì sao có chổng mà lại phải chịu cảnh phòng không chiếc
bóng.
Trong chừng mực nàng đã suy ra được nguyên nhân gây nên nỗi chia rẽ này, hiểu được vì
ai mà có những cuộc chiến như vậy. Người ta bảo rằng bi kịch đỉnh điểm khi chính người
trong cuộc nhận ra cuộc đời mình bất hạnh. Có lẽ điều ấy đã đúng. Một người phụ nữ
xuân xanh vời vợi nay sống trong cảnh chờ đợi muộn màng, không biết bao giờ mới dừng

lại.
Nỗi buồn- cảm xúc trữ tình của bài thơ vì thế càng thấm đẫm, mọi không gian dù hướng
đến mọi chiều kích nào cũng đều quay về cái tâm duy nhất là khát khao hạnh phúc lứa đôi
của người thiếu phụ.
2.2.2. Bi kịch tâm hồn - nhân phẩm bị vùi dập
Tài sắc mà chi mà nên nỗi bạc mệnh, những Thúy Kiều, những Tiểu Thanh phải chịu kiếp
đời bạc bẽo. Người ta truy vấn ở thiên mệnh và thế gian hai chữ công bằng nhưng mãi
không tìm được lời đáp giải. Như người cung nữ trong “Cung oán ngâm” kia cũng ý thức
lắm giá trị của bản thân nhưng rồi đổi lại họ được những gì ngoài sự thờ ơ phũ phàng.
Đọc hai chữ cung oán ta thấy được nỗi ngậm ngùi của cung tần mỹ nữ mà mỗi khi được
tiến cử vào cung vua. Sự hiến dâng đó có được trọng đãi dài lâu hay chỉ một cuộc giải
quyết nhất thời của đấng quân vương và rồi đây hóa thân kiếp đời chim lồng cá chậu ở
cửu trùng?
“Hoa này bướm nỡ thờ ơ,


Để gầy bông thắm để xơ nhụy vàng”
Chữ trinh của Kiều được đem ra mua bán cân đo, tài năng được sử dụng để mua vui, một
tình yêu cao đẹp bị chà đạp cho đến tàn tạ. Để rồi Nguyễn Du phải xót xa, không chỉ vì
thiên mệnh mà cũng vì nhân thế, vì cái xã hội đã đẻ ra bao nhiêu cái bất công để con
người sống không bằng sống khi thiếu đi cái quyền căn bản nhất: quyền làm chủ chính
mình:
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời.
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.”
Còn biết bao nhiêu mảnh đời với những số phận khác nhau, trên đây xin đươc khái lược
một số bi kịch điển hình để từ đó góp mình trong việc khắc họa hình tượng người phụ nữ
trong văn học giai đoạn này.
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ THẾ

KỈ XVIII – ĐẦU THẾ KỈ XIX
3.1. Thể loại
Ở đề tài hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại XVIII-XIX, tác giả đã có sự lựa
chọn phong phú về thể loại, từ những thể loại của dân tộc như lục bát, song thất lục bát
(trong khúc ngâm) cho đến các thể thơ Đường luật đã gần như được Việt hóa,.... Vì vậy,
lòng cảm thương cho số phận người phụ nữ hay sự trân trọng, đề cao những phẩm chất tốt
đẹp của học hay cả thái độ tố cáo các thế lực tàn bạo từ trái tim người nghệ sĩ lại có cơ hội
được bộc lộ rõ nét và tinh tế hơn.
Khúc ngâm là thể loại viết bằng thể song thất lục bát, thuần chất Việt Nam với khả năng
ngắt nhịp linh hoạt và chỉ có một nhân vật-nhân vật cảm nghĩ, nhân vật tâm trạng- nhân
vật cất tiếng nói tự tình từ đầu đến cuối. Như vậy, sự lựa chọn thể loại ngâm khúc cho đề
tài hình tượng người phụ nữ trong văn học giai đoạn này, tái hiện một chuỗi tâm trạng của
nhân vật trữ tình là phù hợp hơn cả.


Tiêu biểu cho quá trình Việt hóa các thể loại, ta thấy đại diện rõ nét nhất là thể thơ thất
ngôn bát cú và tuyệt cú Đường luật trong tập Xuân Hương thi tập của Hồ Xuân Hương.
Nàng đã thay các chất liệu điển tích, từ Hán Việt bằng cách nói nôm na, cửa miệng, nhịp
thơ biến hóa linh hoạt, để Xuân Hương khẳng định giá trị của bản thân của mình cũng
như làm nổi bật lên ý thức về giá trị bản thân, về con người cá nhân của hình tượng người
phụ nữ trong thơ bà. Chúng ta không thể nào vượt qua rào cản của lề lối phong kiến, áp
đặt và nhấn chìm người phụ nữ nếu chính tư duy của tác giả trong việc chọn thể loại thơ,
hình thức thơ vẫn còn bị ràng buộc, rập khuôn. Tác giả không dám vượt thì làm sao người
đọc tin rằng nhân vật người phụ nữ của họ có thề vượt lên?
3.2. Ngôn ngữ
Ở giai đoạn này, các tác giả thường sử dụng kết hợp ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình
dân một cách hài hòa, khiến cho hình tượng người phụ nữ hiện lên đẹp một cách vừa có
chút gì đó mẫu mực nhưng cũng vừa rất gần gũi. Ngôn ngữ được làm giàu qua thành ngữ,
tục ngữ, lối ví von của văn học dân gian đồng thời chú ý khai thác nhiều biện pháp tu từ
nhằm tăng tính nhạc, tính biểu tượng cho ngôn ngữ Việt Nam.

Với sự vận dụng khéo léo các điển tích, điển cố, bản dịch Chinh phụ ngâm đã để lại
những câu thơ thấm thía , gây xúc động về hình tượng người chinh phu.Điều này cũng
diễn ra tương tự với nàng Kiều trong Nguyễn Du. Bên cạnh đó Nguyễn Du khẳng định
giá trị của mình qua cách sử dụng ngôn ngữ đến mức điêu luyện.Có những câu thơ chỉ có
vài từ hay chỉ một từ tác giả đã thể hiện được cái thần của cảnh vật, cái hồn sự vật sự
việc.Và với Hồ Xuân Hương “bà chúa thơ Nôm” nàng đã ghi dấu ấn bằng cách sử dụng
ngôn ngữ một cách hiểm hóc, cánh nói lái, nói ỡm ờ. Điều này có sức tạo nên một nhân
vật trữ tình nữ trong thơ Xuân Hương có sức sống riêng biệt, khẳng khái thể hiện ý thức
cá nhân của mình.
3.3. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Văn học ý thức được người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp.Và, để thể hiện vẻ đẹp của
người phụ nữ, bút pháp chủ yếu của văn học trung đại là bút pháp ước lệ, song ta cũng
không phủ nhận những biểu hiện manh nha của bút pháp tả thực. Ta có thể thấy tính ước
lệ thể hiện ở phương diện “tính uyên bác, cách điệu hóa cao độ”. Giai đoạn này các nhà


trí thức Hán học thường dùng sáo ngữ, công thức trong trần thuật, miêu tả, định danh, sử
dụng chất liệu ngôn ngữ cao quý, đầy hoán dụ, ví von.
Lấy thiên nhiên làm thước đo chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người là một trong biểu hiện
rõ nhất của tính ước lệ. Điều này được thể hiện rõ qua cách Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp chị
em Thúy Kiều. Ta thấy có sự lặp đi lặp của những hình ảnh thiên nhiên nhất đinh như hoa
mai, lan, cúc, trúc, liễu, hoa phù dung, mây, trăng. Mai sẽ biểu hiện cho cốt cách, liễu sẽ
biểu hiện cho sự yểu điệu, nữ tính, mặt trăng sẽ biểu hiện cho khuôn mặt, hoa biểu hiện
nét tươi tắn hay nụ cười,....
Ngoài ra tính chất ước lệ còn được tác giả thể hiện qua việc tác giả sử dụng nhiều điển
tích, điển cố. Như miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều Nguyễn Du sử dụng điển tích “nghiêng
nước, nghiêng thành”, miêu tả nhan sắc người cung nữ tác giả cũng nhắc đến những nhân
vật quen thuộc trong điển tích, điển cố như Tây Thi hay Hằng Nga: “Tây Thi mất vía
Hằng Nga giật mình”.
Bút pháp tả thực ở giai đoạn XVIII-XIX được đề cao và xuât hiện với tần suất dày hơn

trong các tác phẩm.Đại diện như thi phẩm “Thiếu nữ ngủ ngày” của Hồ Xuân Hương:
“Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chưa thông”
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Miêu tả về hình dáng, vẻ đẹp của một người thiếu nữ Hồ Xuân Hương không e ấp, kín
đáo mà liên tưởng rất thật và trần tục. Hình ảnh liên tưởng thực tế trần tục nhưng không
dung tục.
3.4. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật
Xoay quanh hình tượng người phụ nữ thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, tác giả tập trung
xoáy sâu nội dung thiên về tâm trạng, cảm xúc mà ít nói về biến cố, sự kiện.Tác giả miêu
tả nội tâm nhân vật thông qua hai cách trực tiếp và gián tiếp.


Về cách miêu tả nội tâm trực tiếp, tác giả thường dùng
- những từ ngữ trực tiếp bộc lộ trạng thái, cảm xúc của người phụ nữ như buồn, sầu, nhớ,
trông, giận, bực mình,..., đặc biệt là những từ láy hay dùng lối tự thuật. Ở Chinh phụ
ngâm, biện pháp trùng điệp cùng những từ ngữ trực tiếp bộc lộ trạng thái, cảm xúc được
sử dụng rất phong phú, đa dạng, trong việc khắc họa diễn biến tâm trạng, miêu tả cảm xúc
của người chinh phụ.
“Sầu ôm nặng, hãy chồng làm gối
Muộn chứa đầy, hãy thổi làm cơm
Mượn hoa, mượn rượu giải buồn
Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi”
(241-244)
Sự lặp lại từ “sầu” và “muộn”, tác giả để cho nhân vật của mình tự ý thức được sự đau
khổ. Nó diễn tả như một sự chia cắt kéo dài, nỗi buồn được tăng thêm gấp bội và một nỗi
sầukhông thể nguôi ngoai được.
- Tâm trạng của nhân vật còn được miêu tả trực tiếp bằng hình thức tự thuật. Ta có thể

thấy được những lời tự thoại đậm màu sắc trữ tình qua chùm thơ tự tình của Hồ Xuân
Hương. Còn đối với Truyện Nôm thì tác phẩm có “tự thoại” là phải nhắc đến “Truyện
Kiều” của Nguyễn Du. Lời tự thoại trong thể loại tự sự bằng thơ không chỉ giúp người
đọc đồng cảm mà còn kích thích khả năng hóa thân thành nhân vật trong truyện một cách
vô thức.
Giữa cảnh nhơ nhớt trong thanh lâu, chúng ta thấy rõ phẩm giá và sực hịu đựng đáng
thương của Kiều qua cái "giật mình" đầy nhân bản:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
(Truyện Kiều)
Điệp từ “mình’’ lặp lại ba lần trong một câu thơ như tiếng nấc nghẹn ngào, tha thiết của
Thúy Kiều ý thức được về phẩm giá, nhân cách, quyền sống bản thân đó cũng là ý thức cá


nhân và quyền sống của con người trong lịch sử phong kiến mà Nguyễn Du muốn truyền
tải đến người đọc.
Về cách miêu tả nội tâm gián tiếp, các tác giả thường đặt để nội tâm người phụ nữ đằng
sau thời gian và không gian nghệ thuật, đằng sau những bức tranh tả cảnh thiên nhiên,
tạo vật.
Ở “Chinh phụ ngâm”, sự xa vời cách trở của chinh phu- chinh phụ được đo bằng chiều
kích của không gian vũ trụ bao la rộng lớn. Đó là hình ảnh của mây, của núi:……………
Theo quy luật tâm lí, không gian của sự xa cách càng lớn thì tâm tình của con người li
biệt cũng theo đó mà càng đau đáu khắc khoải. Hình ảnh mây thể hiện chiều cao của
không gian, còn núi thì biểu thị độ xa. Một không gian ngút ngàn bất tận hiện ra khiến
cho người chinh phụ chỉ còn biết “nhìn”, “trông” mà dậy lên bao nỗi xót xa.
Ở giai đoạn trước, thời gian trong thơ thường có cả quá khứ-hiện tại-tương lai. Tuy nhiên
trung tâm của tác phẩm vẫn là quãng thời gian hiện tại, lúc con người đối diện với chính
lòng mình, đang tự “độc bạch”.
Như ta đã nói trong vòng tuần hoàn thời gian thể hiện nỗi buồn triền miên của người
chinh phụ là thời gian buổi chiều và ban đêm.Trong hơn 400 câu thơ của Chinh phụngâm,

nếu như có đến mười lần thời gian chiều và đêm được lặp lại thì thời gian sớm và trưa chỉ
có bốn lần.Tuy ít ỏi nhưng qua đó, chúng ta sẽ nhận ra tâm trạng nhớ thương của người
chinh phụ là một tâm trạng thường trực. Bất kể vào thời gian nào đi chăng nữa dù đó là
sáng – trưa hay chiều, tối thì nỗi nhớ thương chồng của người chinh phụ vẫn cứ ngập tràn.
Còn để miêu tả nội tâm nhân vật, Nguyễn Du tả cảnh mà thâm ý luôn luôn đem cái cảm
xúc của người đối cảnh cho chi phối lên cảnh vật.
“Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,


Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”
Chị em Kiều du xuân ra về thì trời vừa ngả bóng hoàng hôn. Nguyễn Du dùng hai chữ “tà
tà “ chỉ một hành động chậm rãi, có thể là chị em Kiều thong thả bước chân ra về, mà
cũng có thể chỉ sự xuống chầm chậm của mặt trời chiều. Đây không chỉ là hoàng hôn của
cảnh vật. Dường như con người cũng chìm trong một cảm xúc bâng khuâng khó tả. “Nao
nao” chỉ sự ngập ngừng lãng đãng của dòng nước trôi dưới chân cầu, nhưng cũng chỉ tâm
sự con người. Nguyễn Du khi lấy đà để chuyển ý của câu chuyện sang một cảnh mới với
mối tâm trạng mới của nhân vật: Cảnh chị em Kiều sẽ gặp nấm mồ Đạm Tiên sau đó.
CHƯƠNG 4: SO SÁNH, ĐÁNH GIÁ CHUNG HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ
NỮTHẾ KỈ XVIII – NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX
4.1. Sự tiếp thu và phát triển hình tượng người phụ nữ từ các giai đoạn văn học
trước
Trong văn học dân gian, Chỉ tính riêng trong cổ tích, nhân vật nữ đã xuất hiện trong nhiều
motif khác nhau: motif cô gái tốt bụng nghèo khổ, motif cô con gái nhà giàu lấy anh
chàng nhà nghèo, motif người em út, con riêng, con mồ côi mẹ,…Ca dao cũng có hẳn một
loạt bài mở đầu bằng motif “Thân em…”; cũng có hẳn một loạt những biểu tượng về phụ
nữ như con cò, cái bống, chiếc bách hoa, con tằm, đào tơ, liễu, vườn hồng, bèo,…

Còn văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XVII, các tác phẩm mà nhân vật nữ xuất
hiện ở vị trí trung tâm thường rất ít. Có Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi) và Truyền kì mạn
lục (Nguyễn Dữ).
Từ những người phụ nữ đó cho đến người chinh phụ, cung phi, Thúy Kiều, Thúy Vân,
Đạm Tiên, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương,… đều là những hiện thân cho cái
đẹp từ ngoại hình, tâm hồn đến tài năng nhưng lại có một số phận đầy bi kịch, bất hạnh.
Trong những tác phẩm xuất hiện nữ nhi xuất hiện trước thì được nói đến một cách rất mơ
hồ, ngầm ẩn hoặc chỉ là những điển tích, điển cố, hoặc là những motif quen thuộc trong
dân gian kết hợp với kiểu mẫu điển hình của Nho gia nhằm mục đích giáo dục đạo đức.
Các nhân vật nữ đơn điệu về phương diện loại hình và sự miêu tả cũng còn nghèo nàn,
công thức, đơn giản hóa. Các nhân vật nữ thời kì này chưa thoát ra khỏi những khái niệm


công thức của Nho giáo của một thời kì lịch sử gắn với vấn đề “tề gia, trị quốc, bình thiên
hạ” của đáng nam nhi, chưa có được đời sống riêng về măt tâm lí.
Đến thế kỉ XVIII, hình tượng người phụ nữ hiện lên một cách khá đầy đủ và toàn diện
trên nhiều bình diện.
Vấn đề người phụ nữ ý thức về con người cá nhân như ý thức khẳng định vẻ đẹp và tài
năng của mình, nhu cầu bộc lộ tình cảm riêng tư, tâm sự u ẩn, con người với khát vọng tự
do, bình đẳng, khát vọng tình yêu và hạnh phúc, cảm hứng hành lạc và khát vọng nhu cầu
trần thế đã manh nha từ văn học những thế kỉ trước. Công chúa Tiên Dung bất chấp luật
lệnh của vua cha, tự ý kết duyên cùng chàng đánh cá Chử Đồng Tử nghèo khó không một
mảnh khố che thân. Nguyễn Dữ dù đã để những nhân vật nữ của mình (đặc biệt là những
ma nữ) có những hành động, phát ngôn vi phạm đến những vùng “cấm kị” của Nho giáo,
xây dựng họ với những nét khá tự do và phóng túng, mang tính nổi loạn và táo bạo nhưng
không có ý định xây dựng họ với những nét của con người cá nhân, cáng không cố ý xúy
cho những phát ngôn chống lại sự “tu thân khắc kỷ”.
Đến giai đoạn này, nó mới thật sự phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Nhiều nhân vật nữ
trong giai đoạn này mạnh mẽ thể hiện sự phản kháng, sự tố cáo xã hội cũ, nêu lên nhiều
suy nghĩ, nhiều quan điểm chống đối lại quan điểm của xã hội phong kiến (tiêu biểu hơn

cả là thơ Hồ Xuân Hương). Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm” đã miêu tả cảnh
hành dục không như một tội lỗi kiểu Truyền kỳ mạn lục mà như một niềm kiêu hãnh,
sung sướng. Cả ở đây con người cá nhân cũng xuất hiện như một phát hiện lại, đi ngược
giáo lý.
Đặc biệt, văn học đã chú ý khám phá nội tâm nhân vật hơn. Các tác giả Nguyễn Du, Đoàn
Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương… khi miêu tả người phụ nữ, thường để
cho nhân vật bộc bạch trực tiếp những nỗi đau khổ, những niềm riêng tư (sự tự ý thức về
mình)
Bút pháp miêu tả thì kết hợp được bút pháp tượng trưng ước lệ vốn đậm đặc trong văn
học trung đại giai đoạn trước đó với bút pháp tả thực gần với hiện đại hơn. Ngôn ngữ
cũng có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học.Tất cả tạo
ra một hình tượng người phụ nữ trong thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX tuy quen mà lạ.


4.2. Gíá trị của hình tượng người phụ nữ trong văn học thế kỉ XVIII – nửa đầu thế
kỉ XIX
4.2.1. Giá trị hiện thực
Hình tượng người phụ nữ không làm nên muôn mặt, toàn diện xã hội giai đoạn này nhưng
nếu muốn biết được hiện thực xã hội bấy giờ thì không thể không tìm hiểu hình tượng
người phụ nữ. Hình tượng người phụ nữ trong văn học giai đoạn này đã giúp cho các tác
giả phản ánh được tập trung nhất những nét tiêu biểu về hiện thực xã hội đương thời.
Người phụ nữ phải sống trong một chế độ xã hội phong kiến lạc hậu, trọng nam khinh nữ,
người phụ nữ không có chỗ đứng và địa vị trong xã hội, đã thế còn vô cùng long đong, lận
đận. Từ đó ta thấy được những thế lực đã chà đạp lên vẻ đẹp, quyền sống, phẩm giá của
người phụ nữ, ngăn chặn và phá hủy mọi ước mơ, khát vọng tốt đẹp của họ và cấm tuyệt
mọi tiếng nói cá nhân. Đó là giai cấp thống trị: vua chúa xa đoạ, tàn ác, quan lại bỉ ổi, tay
sai bất lương. Đó là lễ giáo phong kiến hà khắc, định kiến bất công hẹp. Cũng từ việc đặt
người phụ nữ vào trong bối cảnh xã hội đương thời với biết bao thế lực tàn bạo mà số
phận người phụ nữ vốn đã bất hạnh lại càng bi kịch hơn, những vẻ đẹp tài năng, ngoại
hình lẫn tâm hồn vốn đã tiềm ẩn nay lại được phát hiện, khai thác và bộc lộ sâu sắc hơn.

Càng đẹp, số phận càng bi thảm và bộ mặt của cái xã hội ấy càng lồ lộ ra một cách tòan
diện
4.2.2. Gíá trị nhân đạo
Viết về hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy sự bất công này, các tác
giả trong văn học thế kỉ XVIII – đầu XIX đã bước đầu xâu dựng được tiếng nói nhân đạo
trong các tác phẩm của mình. Mà không chỉ có một mà rất nhiều tác giả, không chỉ viết
mà còn viết rất hay về hình tượng này thì nó đã dần trở thành nội dung chủ yếu của chủ
nghĩa nhân đạo trong văn học giai đoạn này.
Cũng qua hình tượng này mà các tác giả đã thể hiện được cái nhìn và tấm lòng đầy nhân
đạo của mình và còn làm lay động được cả trái tim của bạn đọc. Không chỉ phản ánh,
miêu tả mà các tác giả còn bày tỏ lỏng cảm thương cho số phận của người phụ nữ; trân
trọng, khẳng định và đề cao những vẻ đẹp của họ, mạnh mẽ lên án, tố cáo, đả kích các thế
lực xã hội tàn bạo, hắc ám. Đặc biệt, cũng nhờ hình tượng người phụ nữ này mà các tác


giả đả có cơ hội đề cao, khẳng định tiếng nói cá nhân, lòng khát khao tình yêu tự do và
quyền sống một cách chính đáng, đáng được hường sự công bằng và hạnh phúc của một
con người. Nếu con người ấy là phụ nữ, là một bộ phận vốn bị xã hội trọng nam, khinh nữ
đương thời quên lãng, chà đạp, nay lên tiếng phản kháng, vươn lên thì tiếng nói cá nhân,
khát vọng chân chính đó càng đáng được quan tâm, trân quý hơn.
4.2.3. Gíá trị thẩm mỹ
Giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể đem đến cho con người những rung động
trước cái đẹp (cái đẹp của cuộc sống và cái đẹp của chính tác phẩm). Hình tượng người
phụ nữ trong văn học giai đoạn này không chỉ được tôn lên đến mức “thẩm mĩ” nhờ
những vẻ đẹp nội tại của họ mà cái đẹp đó còn liên quan chặt chẽ đến cái bi, đến vẻ đẹp
trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người phụ nữ.
Người phụ nữ hiện lên với một vẻ đẹp hoàn hảo về cả ngoại hình, tài năng và tâm hồn. Nó
không chỉ là hình tượng được xây dựng nên để gửi gắm một tư tưởng quan điểm nào đó
mà còn trở thành “thần tượng”, một mẫu hình đẹp mà người phụ nữ xưa và nay đều phấn
đấu học hỏi, rèn giũa mình. Dù họ có đau khổ, bất hạnh nhưng cái đau khổ, bất hạnh đó

lại là điều kiện quan trọng kết hợp với vẻ đẹp của họ để biến cái thảm thành cái bi – một
phạm trù thẩm mĩ quan trọng.
4.3. Cơ sở phát triển cho hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam các giai
đoạn sau
Hình tượng người phụ nữ thế kỉ XVIII- nửa đầu XIX đã góp phần tạo nên cơ sở cho sự
phát triển hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam các giai đoạn sauHình tượng
người phụ nữ trong thời đại đã mở lối cho các hướng tiếp cận mới mẻ cho người phụ
nữ.Đó chính sự khám phá tổng hòa của hình tượng, không chỉ chú trọng phẩm chất mà
còn là vẻ đẹp ngoại hình, đi sâu mở toang những bí ẩn thầm kín bên trong tâm hồn để
hiểu những tâm hồn phụ nữ cuồng nhiệt yêu và thiết tha sống một cuộc đời xứng đáng.Có
lẽ chính vì thế, mà về sau này ta mới có những hình tượng người phụ nữ đặc sắc trong
văn học như chị Dậu, Thị Nở, người vợ nhặt, Mị,…


KẾT LUẬN
Thiết nghĩ nếu thiếu đi những tác phẩm văn học ấy thì liệu rằng hình ảnh về người
phụ nữ với những số phận và cuộc đời riêng có hiện diện đủ đầy trong chính sử?Văn học
không sao chép nguyên bản hiện thực, dùng nhãn quan và tâm hồn nghệ sĩ đa cảm để ôm
trọn cuộc đời vào lòng, tựa như một người bằng hữu đi bên cạnh cuộc đời để mà dìu dắt
những thân phận. Người phụ nữ với mối ràng buộc “sắc-tài -mệnh”giãy giụa trong lề thói
phong kiến, long đong chịu những bất công giữa cuộc đời phù thế đảo điên. Nảy sinh và
phát triển trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, văn học thế kỉ XVIII – nửa đầu XIX
đã bắt nhịp với tinh thần của thời đại đồng thời chuyên chở những giá trị hết sức nhân
bản. Với việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ thành công về cả nội dung và nghệ thuật,
những nghệ sĩ đã góp thêm mảnh ghép để hoàn thiện bức chân dung văn học về người
phụ nữ tự cổ chí kim. Dòng chảy nhân đạo trong truyền thống dân tộc cũng vì thế mà
không đứt đoạn, chứng tỏ hơi thở của văn học với hiện thực chưa bao giờ là ngừng đập,
người nghệ sĩ văn chương chưa bao giờ là hết nợ duyên với cuộc sống vậy.




×