Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Dạy học văn gắn với đời sống giúp học sinh tiếp nhận các vấn đề thời sự trong một số tác phẩm văn học ở trung học phổ thông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (554.61 KB, 15 trang )

A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiều năm dạy văn, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: Văn chương là một
loại hình nghệ thuật, mà nghệ thuật thì ai cũng thích nhưng tại sao hiện nay có
một thực trạng đáng báo động, học sinh lười, ngại, thậm chí chán ghét môn văn?
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, căn cứ số liệu thống kê thì môn Ngữ văn đang bị tuyệt đại
đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Gần 100% học sinh Trung học phổ thông chỉ
cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp, thậm chí tránh điểm liệt mà thôi. Không thích
học văn trong khi các em vẫn thích đọc truyện tranh, say mê, hứng thú với
Doremon, Harry Porter...; có em còn lén đọc truyện, đọc báo trong giờ học, ngay
cả giờ học văn. Có nhiều cách giải thích khác nhau về thực trạng trên như do xu
hướng lựa chọn nghề nghiệp, do định hướng của gia đình, do đặc thù bộ môn, do
chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn quá tải, còn nhiều điểm bất cập trong việc
xây dựng và lựa chọn nội dung, tác phẩm... Tuy nhiên, với tư cách là một giáo
viên đứng lớp, lại trực tiếp dạy văn, tôi thiết nghĩ: tác phẩm văn học là tấm
gương phản chiếu hiện thực xã hội bằng hình tượng nghệ thuật. Môn văn có
nhiều ưu thế so với các môn học khác ở sự sinh động, tính hấp dẫn; giúp các em
nhận thức, lý giải hiện thực cuộc sống quanh mình, hiểu những vấn đề môn thuở
của con người, hiểu chính mình và cả những vấn đề nhạy cảm của đời sống hiện
đại, qua đó giáo dục học sinh, hướng các em tới chân - thiện - mỹ. Thế nhưng
giờ dạy văn trong trường phổ thông đã thực sự phát huy được những ưu thế đó
chưa? Bởi vậy, theo tôi một trong những nguyên nhân quan trọng là giờ học văn
chưa thực sự gắn kết với đời sống của các em. Các em chưa thấy rung động thực
sự trước vẻ đẹp của các tác phẩm văn chương, trước tài năng của nhà văn.
Học sinh hiện nay cũng ít có những chiêm nghiệm sâu sắc về các vấn đề
nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Kiến thức xã hội non kém. Các em thờ ơ, vô cảm
với mọi vấn đề của đời sống xã hội quanh mình, thiếu ý thức cộng đồng. Từ
những trải nghiệm của bản thân, tôi mạnh dạn chia sẻ với đồng nghiệp một kinh
nghiệm nhỏ trong dạy các giờ đọc văn: “Dạy học văn gắn với đời sống giúp
học sinh tiếp nhận các vấn đề thời sự trong một số tác phẩm văn học ở
Trung học phổ thông”.



1


B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lý luận của vấn đề
1. Một số khái niệm cần làm rõ
1.1. Dạy học văn gắn với đời sống
Đời sống ở đây có thể hiểu là đời sống tâm hồn, tâm tư, tình cảm của
học sinh, rộng hơn là thực tiễn những gì xảy ra xung quanh các em.
Dạy học văn gắn với đời sống là từ cuộc sống con người trong tác phẩm
làm cho học sinh hiểu rõ con người thực tế bên ngoài, trong quá khứ, hiện tại
cũng như trương lai, lấy cái mới soi cái cũ, lấy cái cũ soi cái mới. Đồng thời có
thể vận dụng những hiểu biết bên ngoài xã hội để cảm thụ, lý giải đời sống trong
tác phẩm văn học. Mức độ cao hơn của dạy học văn gắn với thực tế đời sống là
hướng tới mục tiêu ứng dụng, đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn. Hiểu nhân
vật, hiểu con người, hiểu tâm sự của tác giả trong tác phẩm giúp học sinh hiểu
hơn về chính mình, để phát triển tâm hồn, cá tính, để định hướng hành vi, để
giao tiếp hiệu quả với nhiều người vì những mục tiêu khác nhau. Nói cách khác
để học sinh có được những kỹ năng sống trong cộng đồng, tự khẳng định mình
theo bốn mục tiêu của giáo dục mà UNESSCO đề ra “Học để biết, học để làm,
học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình”
1.2. Vấn đề thời sự: là những vấn đề nóng hổi, đang diễn ra hàng ngày
và tác động đến đời sống của mỗi con người trong cộng đồng xã hội.
2. Cơ sở lý luận của phương pháp Dạy học văn gắn với đời sống
2.1. Dạy học văn gắn với thực tế đời sống cũng là cách thức thực hiện
phương pháp dạy học tích cực, giúp học sinh có hứng thú với môn văn đồng thời
phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo ở học sinh; rèn luyện
thói quen, khả năng tự học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào những
tình huống khác nhau của thực tiễn đời sống.

Dạy học văn gắn với đời sống chú trọng khai thác kinh nghiệm vốn có của
học sinh, tạo cơ hội cho các em phát triển khả năng tự khám phá, tự trải nghiệm.
Tôn trọng, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của các em, tạo điều kiện cho các em
thích ứng, hoà nhập với cuộc sống xung quanh, đặc biệt là những vấn đề có tính
thời sự, nhạy cảm của xã hội hiện đại
2.2. Xuất phát từ đặc thù riêng về phương thức phản ánh của văn học.
Văn học phản ánh cuộc sống bằng những hình tượng nghệ thuật. Do đó, nhà văn
khi sáng tác phải xây dựng những hình tượng điển hình để khái quát bản chất
của hiện thực, phản ánh những vấn đề cơ bản của đời sống. Vì vậy khi dạy học
văn chúng ta nên đưa văn về với đời, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với
thực tiễn đời sống để học sinh dễ tiếp nhận.
2.3. Xuất phát từ lý thuyết tiếp nhận văn học. Tác phẩm văn học chỉ trở
thành một sinh thể nghệ thuật, có đời sống riêng khi được người đọc tiếp nhận
và trong giờ học văn đối tượng đó là học sinh. Bản chất của tiếp nhận văn học là
một hoạt động mang tính cá nhân sâu sắc, gắn với tình cảm, thị hiếu của mỗi
người. Vì vậy tiếp nhận văn học luôn mang tính sáng tạo. Những tác phẩm văn
học lớn thường không đứng yên, không đồng nhất với dự đồ ban đầu, không
2


đồng nhất với chính nó. Nó luôn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau,
trong những thời đại, bởi những cá nhân khác nhau. Vì vậy có những tác phẩm
dù đã ra đời từ rất lâu nhưng nó luôn có tính thời sự, luôn mới mẻ, để lại dư âm
trong lòng người đọc. Vậy trong giờ học văn hãy coi học sinh là bạn đọc sáng tạo.
2.4. Căn cứ vào một trong những lý thuyết dạy học hiện đại của một số
nước tiên tiến trên thế giới, đó là lý thuyết ứng đáp của người đọc. Thuyết này
ra đời ở Mỹ vào thế kỷ XIX. Ứng đáp của người đọc nói một cách ngắn gọn là
sự phản ứng, đối đáp, hưởng ứng của người đọc đối với văn bản mà họ đọc dựa
trên vốn tri thức, cảm xúc, sự trải nghiệm, niềm tin và hệ giá trị của chính họ.
2.5 Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh THPT. Lứa

tuổi học sinh THPT là giai đoạn một nhân cách đang hoàn thiện với tốc độ phát
triển rất nhanh để chuyển từ trẻ em sang tuổi trưởng thành. Mỗi học sinh là một
cá thể đang phát triển với những đặc điểm riêng về tâm sinh lý, là một cá thể
đang được lớn lên trong các mối quan hệ xã hội vì vậy chúng ta cũng cần trang
bị cho các em những hiểu biết về đời sống xã hội, những kỹ năng sống để thích
ứng, hòa nhập với cộng đồng.
II. Thực trạng của vấn đề
Dạy học văn gắn với đời sống không phải là một phương pháp mới mẻ.
Ngay từ đợt cải cách chương trình, sách giáo khoa lần thứ hai của Bộ giáo dục
và Đào tạo Việt Nam vào năm 1956 - khi đất nước ta đang tiến hành cuộc kháng
chiến chống Mỹ thì quan niệm Dạy học văn gắn với đời sống là quan niệm cơ
bản chi phối hoạt động dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường. Nhưng
thời điểm này việc ứng dụng phương pháp Dạy học văn gắn với đời sống còn
nhiều cứng nhắc, bất cập. Phương pháp này được coi là độc tôn, phủ nhận tất cả
mọi phương pháp và hình thức tiếp cận khác trong giờ dạy văn. Tác phẩm văn
học trở thành sự minh hoạ đơn giản cho những gì diễn ra ngoài cuộc đời. Những
liên hệ thực tế của giáo viên thậm chí trở nên khiên cưỡng. Giờ văn trở thành
giờ đạo đức giáo điều.
Trong sáng kiến kinh nghiệm của mình, tôi vẫn đề cập đến phương
pháp dạy học văn này nhưng muốn phương pháp này được áp dụng một cách
linh hoạt, theo lý thuyết dạy học hiện đại, nhấn mạnh hơn nữa đến nguyên tắc
dạy học văn:
- Chú trọng khai thác kinh nghiệm vốn có của học sinh. Kinh nghiệm đó
là tư tưởng, tình cảm, là vốn hiểu biết...
- Chú trọng đến tính ứng dụng
III. Giải pháp và tổ chức thực hiện
Phương pháp Dạy học văn gắn với đời sống có thể tiến hành theo nhiều cách
thức tổ chức như lồng ghép với các hoạt động ngoại khoá, giáo dục ngoài giờ lên
lớp....nhưng trong giới hạn của đề tài chúng tôi chỉ tập trung thể nghiệm trong những
tiết học cụ thể với một số tác phẩm văn học hấp dẫn, mang tính thời sự sâu sắc. Cụ thể

là: Chương trình Ngữ văn 11: Bài Về luân lý xã hội ở nước ta - Phan Châu Trinh,
Người trong bao - Sê khốp. Chương trình Ngữ văn 12: Bài Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu, trích đoạn vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ
3


1. Giáo viên (GV) đưa ra những câu hỏi gợi dẫn giúp học sinh (HS) liên hệ
những vấn đề tác giả đề cập trong tác phẩm với thực tế đời sống, đặc biệt là
những vấn đề thời sự của xã hội hiện đại.
1.1. Dạy bài Về luân lí xã hội ở nước ta (Trích Đạo đức và luân lí Đông
Tây) của Phan Châu Trinh.
GV lần lượt thực hiện các bước của một giờ dạy đọc văn như thông
thường trong đó biết chọn những chi tiết đắt giá để gợi dẫn HS liên hệ thực tế.
GV lần lượt hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung từng phần của văn bản
Sau khi hướng dẫn HS đọc - hiểu phần 2 của đoạn trích SGK (Phần 2:
Phan Châu Trinh chứng minh bằng cách nêu những biểu hiện cụ thể của xã hội
Việt Nam không có luân lý trong sự đối sánh với bên Âu châu và lý giải nguyên
nhân) và HS hiểu được: Nguyên tắc cốt yếu của luân lý xã hội là sự bình đẳng, ý
thức, trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân, GV gợi dẫn
(?) Điều Phan Châu Trinh nói về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ “Phải ai tai nấy,
ai chết mặc ai” có xa lạ với xã hội hiện đại ngày nay không? Đặc biệt với môi
trường học đường, nó gợi cho em nghĩ đến điều gì?
- HS: liên hệ đến tình trạng bạo lực học đường. Hiện nay đó là vấn đề đang gây
nhức nhối trong xã hội. HS đánh nhau, tổ chức đánh hội đồng nhưng các học
sinh khác đi qua thờ ơ, vô cảm. Ai tò mò thì đứng lại xem. Ai hài hước thì lấy
điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Cộng đồng mạng không phản ứng đôi khi
còn tham gia bình luận rất nhiệt tình.
(?) Theo em, xã hội ngày nay có còn lũ ăn cướp có giấy phép không? Nếu còn
chúng là ai?
HS thảo luận sôi nổi và mỗi em có thể kể ra một hạng người trong xã hội:
- HS1: Xã hội ngày nay vẫn còn lũ ăn cướp có giấy phép. Chúng là những người

có chức, có quyền nhưng tham ô hay gây nhiễu dân lành, bòn rút tiền của dân.
Bọn quan lại ấy không có tài, cũng chẳng có đức. Chúng chạy bằng cấp, chạy
chức quyền, ham bả vinh hoa phú quý.
- HS2: Chúng là những công an giao thông phạt những người vi phạm để lấy
tiền bỏ túi riêng.
- HS 3: Chúng là những bác sĩ thiếu ý đức nghề nghiệp, phải có tiền bỗi dưỡng
của bệnh nhân mới chạy chữa chu đáo.
- HS 4: Chúng là những nhân viên hành chính phải có tiền lót tay mới giải quyết
thủ tục nhanh chóng cho dân.
- HS 5: Theo em tất cả những người của nhà nước nhưng lợi dụng chức quyền để
bòn rút tiền của dân, tham ô, tham nhũng đều là những kẻ ăn cướp có giấy phép.
1.2. Dạy bài Người trong bao của A.P.Sê-khốp
Sau khi hướng dẫn HS tìm hiểu nhân vật Bê-li-cốp, kết luận về tính
cách người trong bao, tìm hiểu những suy nghĩ, đánh giá của HS về nhân vật
này GV có thể gợi dẫn để HS liên hệ thực tế:
(?) Em hãy lấy ví dụ về những biểu hiện của người trong bao trong cuộc sống
hiện nay?

4


- HS có thể liên hệ đến việc một số người muốn giữ chức vị trong cơ quan tổ chức...cố
gắng mua những thứ bao như bằng cấp, ô dù để che đậy sự dốt nát của mình.
- HS có thể liên hệ đến một số kẻ doạ báo cáo các việc làm không theo quy định
của đồng nghiệp lên cấp trên.
- HS có thể liên hệ đến chính những bạn bè cùng trang lứa với mình. Trong giờ
học có những bạn biết mà không dám giơ tay phát biểu. Trong lớp có những bạn
có năng lực nhưng không dám đảm nhận công việc của tập thể vì nhút nhát,
thiếu tự tin nhỡ lại xảy ra chuyện gì, có những bạn không dám đấu tranh bảo vệ
cái đúng, phê phán cái sai một cách thẳng thắn....

1.3. Dạy bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Khi dạy HS về hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ánh Phùng, GV có
thể gợi dẫn
(?) Trong thực tế cuộc sống, các em đã bao giờ thấy một sự vật, hiện tượng hay
một con người mà vẻ bề ngoài và nội dung bên trong hoàn toàn trái ngược nhau
không? Hãy dẫn chứng.
- HS: Có những nhà từ thiện vẻ bề ngoài là những người có tấm lòng nhân hậu,
vì cộng đồng, sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Nhưng thực chất bên
trong là một đứa con bất hiếu, đuổi mẹ ra đường, không nuôi nấng, chăm sóc.
Hoặc đó là một kẻ buôn lậu, chuyên làm ăn phi pháp. Hành động từ thiện kia chỉ
là cái vỏ che đậy bên ngoài.
- HS: Có những người vẻ bề ngoài là tri thức, đạo mạo nhưng thực chất lại là kẻ
có lối sống sa đoạ, nghiện ngập, không phù hợp với những chuẩn mực văn hoá,
đạo đức của xã hội.
- HS: Có những công ty bỏ ra hàng tỉ đồng để tổ chức và ủng hộ công tác tuyên
truyền về bảo vệ môi trường, giữ màu xanh cho hành tinh nhưng thực chất chính
công ty ấy đang trực tiếp xả nước thải công nghiệp ra những dòng sông, xả khí
độc ra môi trường khiến dân cư quanh vùng bị mắc bệnh, tổn hại đến sức khoẻ,
nguy hiểm đến tính mạng.
- HS: Có những người đi ăn xin, vẻ bề ngoài nghèo khổ, rách rưới, tật nguyền
nhưng họ lại là những kẻ khoẻ mạnh, lành lặn, siêng ăn, nhác làm đang lừa đảo,
lợi dụng lòng trắc ẩn của những người hảo tâm.
Khi GV cho HS cảm nhận về câu chuyện cuộc đời của người đàn bà hàng
chài, có thể lồng ghép liên hệ thực tế đời sống
(?) Tình cảnh của người đàn bà hàng chài giúp em có liên hệ gì với cuộc sống
quanh mình?
- HS liên hệ với tình trạng bạo lực gia đình đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra
trong đời sống.
(?) Từ cách ứng xử của thằng Phác với cha nó, em nhận thấy tình trạng bạo lực
gia đình ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

- HS: Những đứa trẻ sống trong tình cảnh bạo lực sẽ thiếu sự chăm sóc, yêu
thương; hành vi, nhân cách không đuợc định hướng phát triển theo hướng tích
cực; dễ sa vào các tệ nạn xã hội, có lối sống, cách hành xử ngang ngược, hay
thích dùng vũ lực để giải quyết vấn đề và ứng xử với người xung quanh.
5


1.4. Dạy trích đoạn vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu
Quang Vũ
(?) Trong thực tế tình trạng con người không làm chủ được bản thân
mình, không được sống là chính mình không phải hiếm hoi. Em hãy lấy những
dẫn chứng trong thực tế cuộc sống mà em biết?
- HS: Có những người vì cơm áo, gạo tiền, vì sự nghiệp, danh vọng, quyền lực
đã đánh mất chính mình trở thành kẻ cơ hội, nịnh bợ, luồn cúi; chạy bằng cấp,
chức quyền...
- HS: Có những người ham làm giàu và đã làm giàu bằng mọi giá, kể cả bằng
những thủ đoạn hèn hạ, kể cả đi buôn lậu, làm những việc phi pháp.
- HS: Có những bạn trẻ vì quá tính toán trong tình yêu đã chấp nhận đánh đổi,
yêu người mình không có tình cảm để có tiền bạc, nhà cửa, công việc...phụ tình
yêu đích thực của mình.
- HS: HS hiện nay có nhiều bạn bị bàn bè xấu rủ rê, ham chơi điện tử cuối cùng
bỏ bê học tập, thậm chí rơi vào các tệ nạn xã hội như trộm cắp...trượt dài trên
con đường tội lỗi.
- HS: Hiện nay có tình trạng nhiều bạn học sinh vì ham mê thần tượng một cách
mù quáng đã sống theo vẻ bề ngoài hoặc tính cách của một thần tượng nào đó
mà đánh mất đi chính bản thân mình.
(?) Trương Ba rơi vào cảnh sống trớ trêu là do sự tắc trách, gạch tên nhầm của
quan thiên đình, còn ở hạ giới tình trạng ấy có xảy ra không? Hãy nêu dẫn chứng?
- HS: Ở hạ giới tình trạng quan liêu, tắc trách của những người cầm quyền, nắm
luật đã đẩy nhiều con người vào vòng tội lỗi, nhiều gia đình ly tán, tan nát. Ví dụ:

xử không đúng người, đúng tội, nhiều người đi tù oan khiến họ tuyệt vọng, bế tắc,
không còn tin vào công lý nữa. Có người vì thế mà rơi vào vũng bùn tội lỗi.
2. GV đưa ra những câu hỏi mở để tìm hiểu suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của
học sinh.
2.1. Dạy bài Về luân lí xã hội ở nước ta - Phan Châu Trinh
Kết thúc bài học, GV có thể mở rộng vấn đề
(?) Theo em việc xây dựng xã hội luân lý trong thời đại ngày nay có cần thiết
không? Vì sao?
- HS: cần thiết vì nền luân lí xã hội luôn có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự
tồn vinh của một quốc gia, dân tộc. Gây dựng nền luân lý xã hội sẽ giữ vững và
nâng cao nền dân chủ nước nhà, đồng thời đẩy lui được nhiều vấn nạn trong xã
hội hiện đại.
(?) Mỗi cá nhân cần phải làm gì để xây dựng và phát triển nền luân lý xã hội?
- HS: mỗi cá nhân cần phải nâng cao tinh thần dân chủ, công khai, đoàn kết;
luôn phê và tự phê một cách chân thành, nghiêm khắc....Làm như vậy mối quan
hệ giữa người với người mới trở nên tốt đẹp
2.1. Dạy bài Người trong bao - A.P.Sê-khốp
Sau khi phân tích xong nhân vật Bê-li-cốp về chân dung, suy nghĩ, lối
sống... và kết luận về tính cách người trong bao, GV đưa ra câu hỏi:

6


(?) Suy nghĩ của em về nhân vật Bê-li-cốp? Em có đồng tình với cách sống của
nhân vật không?
(GV gợi dẫn: Có ý kiến cho rằng: Lối sống của Bê-li-cốp thật đáng ghét, người
khác lại cho rằng thật đáng thương? Ý kiến của em thế nào?)
HS có thể đưa ra những suy nghĩ của mình, GV không áp đặt, điều quan
trọng là các em có những lý luận để bảo vệ chính kiến.
- HS có thể trả lời: kiểu sống trong bao của Bê-li-cốp là đáng ghét và không

đồng tình vì hắn có lối sống ích kỷ, hèn nhát...và luôn muốn mọi người cũng
phải vậy.
- HS có thể trả lời: không đồng tình và thấy kiểu sống ấy là đáng thương vì đó là
cách sống vô nghĩa. Bê-li-cốp không dám sống với cảm xúc thực của mình trở
thành một kẻ không suy nghĩ, không tư duy, không dám yêu, chỉ biết làm theo
chỉ thị, quy định.
- HS cũng có thể trả lời kiểu sống trong bao của Bê-li-cốp vừa đáng thương, vừa
đáng ghét......
Trong lúc HS thảo luận tuỳ tình hình cụ thể GV có thể gợi dẫn tiếp:
(?) Cách sống của Bê-li-cốp có điểm nào cho em học tập không?
- HS có thể trả lời: em không đồng tình hoàn toàn với lối sống trong bao một
cách cực đoan như Bê-li-cốp nhưng em nghĩ mỗi người trong chúng ta nên có
một chút tư tưởng, suy nghĩ của lối sống trong bao. Chúng ta dè dặt sợ lại xảy ra
chuyện gì khi quyết định bắt đầu một công việc nào đó để mà suy nghĩ thật chín
chắn, tránh hậu quả khó lường. Chúng ta có ý thức chấp hành những nội quy của
tập thể, những quy định của pháp luật, hệ chuẩn mực văn hoá, đạo đức của cộng
đồng và tuyên truyền mọi người thực hiện nghiêm túc là điều tốt .....
(?) Theo em làm thế nào để thanh trừ lối sống trong bao cực đoan?
(GV gợi dẫn: Có ý kiến cho rằng để không phải sống như Bê-li-cốp thì hãy cứ
sống tự nhiên, thoải mái theo ý thích của mình, không cần tuân theo bất cứ nội
quy, quy định, chuẩn mực gì của cộng đồng xã hội? Ý kiến của em? )
- HS có thể có nhiều giải pháp khác nhau nhưng đối với bản thân mỗi cá nhân
trong cộng đồng cần phải luôn tự ý thức được mục đích, cách sống của mình,
hoà đồng và thống nhất với các hệ chuẩn mực văn hoá, đạo đức của cộng đồng.
2.2. Dạy bài Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu
Sau khi liên hệ thực tế về sự không thống nhất, đối lập giữa bên trong
và bên ngoài, GV gợi dẫn:
(?) Sự không thống nhất, đôi khi đối lập giữa nội dung và hình thức, bên trong và
bên ngoài phổ biến trong xã hội chúng ta hiện nay hay chỉ là những hiện tượng cá
biệt, hạn hữu? Qua đó em hãy rút ra thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.

- HS: Hiện tượng trên trong xã hội Việt Nam hiện nay còn khá phổ biến. Thông
điệp: Cuộc đời vốn chứa đựng nhiều nghịch lý, mâu thuẫn; không thể đánh giá
con người, cuộc sống ở dáng vẻ bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu phát hiện bản
chất bên trong.
Khi cho HS tìm hiểu về câu chuyện người đàn bà hàng chài, trước khi
liên hệ thực tế, GV có thể hỏi:
7


(?) Người đàn bà hàng chài nói : Người phụ nữ hàng chài chúng tôi không như
những người phụ nữ trên bờ. Chúng tôi chỉ có thể sống vì con, không thể sống vì
mình. Em có đồng tình với suy nghĩ của người đàn bà không? Tại sao?
- HS: Đồng tình vì những người phụ nữ hàng chài sinh ra đã khổ, không được
học hành, họ không còn cách nào khác, đành chấp nhận số phận đã an bài.
- HS: Không đồng tình vì ai cũng là con người, phải có quyền được sống như
một con người đích thực. Người phụ nữ với thiên chức làm mẹ luôn hy sinh cho
con cái, luôn sống vì con nhưng cũng phải nên sống vì mình nữa, nhiều khi cũng
phải biết vùng lên đấu tranh, không nên quá nhẫn nhục chịu đựng.
(?) Theo em người đàn bà hàng chài là một người phụ nữ như thế nào?
- HS: + Là người phụ nữ lam lũ, nghèo khổ, sống nhẫn nhục
+ Kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời
+ Tâm hồn đẹp đẽ, giàu đức hy sinh và lòng vị tha
(?) Thấy người đàn bà bị bạo hành chánh án Đẩu đã khuyên người đàn bà bỏ
chồng? Theo em điều đó có nên không?
- HS: Nên, vì những hành động vũ phu ấy là không thể chấp nhận. Bỏ chồng là
cách để người đàn bà tự giải thoát cho mình.
- HS: Không nên bởi dù làm cách gì thì mục đích cuối cùng cũng là mang lại
hạnh phúc cho người đàn bà. Vì vậy chánh án Đẩu cần phải tìm hiểu nguyên
nhân sâu sa của tình trạng bạo hành ấy, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người đàn
bà sau đó mới có những giải pháp thích hợp. Phương án khuyên người đàn bà bỏ

chồng là phương án cuối cùng, phương án bất đắc dĩ.
Nếu HS trả lời là nên thì GV có thể dẫn dắt tiếp để các em có những suy
nghĩ sâu sắc hơn.
(?) Suy nghĩ của em về chánh án Đẩu?
- HS: Chánh án Đẩu là người tốt, hiểu pháp luật, sẵn sàng bảo vệ công lý nhưng
kinh nghiệm sống chưa nhiều. (GV nhấn mạnh: và đây cũng là điều nghệ sĩ Phùng
nhận ra về người bạn của mình sau câu chuyện của người đàn bà hàng chài)
(?) Sau khi học xong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu
em rút ra bài học gì?
- HS: + Cuộc sống vốn phức tạp và đầy nghịch lý.
+ Phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều khi đánh giá một sự vật hiện
tượng, một con người.
- HS cũng có thể nêu bài học: là phụ nữ hiện đại thì phải luôn bản lĩnh, mạnh
mẽ, chủ động, hiểu biết để không rơi vào tình trạng bạo lực gia đình, rơi vào tình
cảnh bế tắc không lối thoát.
2.4. Dạy trích đoạn vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt - Lưu
Quang Vũ
Sau khi cho học sinh tìm hiểu màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác
anh hàng thịt để thấy được Hồn Trương Ba đã luôn luôn day dứt, dằn vặt, dù
biết mình đang có một cuộc sống đáng hổ thẹn nhưng Trương Ba không có cách
gì cưỡng lại được và đã bị sự dung tục đồng hoá, GV có thể tìm hiểu đời sống
tâm hồn của HS:
8


(?) Trong mỗi chúng ta hiện nay, có khi nào ta phải đấu tranh giữa lý trí, tâm
hồn và thể xác hay không? Kết quả như thế nào?
- HS: rất nhiều. Đó là khi thể xác muốn đi ngủ, muốn được đi chơi, đi xem phim
nhưng ta con rất nhiều bài tập, ngày mai có giờ, cô sẽ kiểm tra. Nhiều khi trong
cuộc đấu tranh đó đòi hỏi của thể xác đã thắng thế.

- HS: Đôi khi muốn có một bộ quần áo đẹp, muốn được đi chơi với bạn bè
thưởng thức những thú vui, những món ăn nhưng gia đình nghèo, bố mẹ không
có tiền, nhiều bạn đã biết thông cảm cho bố mẹ, dẹp đi những sở thích cá nhân
nhưng cũng có những bạn đã bị đòi hỏi của thể xác chi phối và rồi đành phải nói
dối bố mẹ để có tiền.
GV cũng có thể hỏi cách khác
(?) Câu chuyện của Trương Ba có gợi cho em kỷ niệm nào đáng nhớ trong cuộc
đời không? (GV gợi ý: Những lần bị những ham muốn tầm thường cám dỗ,
những lần phạm sai lầm và đã đấu tranh để luôn là chính mình...)
- HS: Một lần nói dối bố mẹ để đi chơi hoặc đi đánh điện tử
- HS: Một lần không may trót ăn trộm máy tính của bạn nhưng rồi sau đó đã dằn
vặt, đấu tranh với chính mình và lén trả lại (hoặc mang đến đưa cô giáo cùng với
lời xin lỗi. Cô đã giữ kín câu chuyện trên và trả lại cho người mất.)
Qua đó giúp HS rút ra thông điệp Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm.
(?) Qua vở kịch, em rút ra bài học gì cho bản thân?
- HS: Chúng ta phải luôn luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với chính mình để
hoàn thiện nhân cách, để được sống đúng là mình. Cuộc sống ấy mới là cuộc
sống hạnh phúc, ý nghĩa.
3. GV đưa ra những tình huống giả định để HS thực sự hoà mình vào tác
phẩm, rèn luyện kỹ năng sống, chuẩn bị hành trang bước vào đời.
3.1. Dạy bài Người trong bao - A.P.Sê-Khốp
Ra bài về nhà để HS viết bài luận hoặc sử dụng làm đề kiểm tra 15 phút.
(?) Nếu em là một nhà văn, hãy viết lại đoạn kết khác cho truyện ngắn Người
trong bao?
HS có quyền tưởng tượng và có những cách kết chuyện khác nhau.
Điều quan trọng những suy nghĩ đó phải được đúc rút ra từ bản thân truyện
Người trong bao như một bài học, một quan niệm sống...có thể phê phán, có thể
đồng tình, có thể biện minh...tuỳ hoàn cảnh, cách cảm nhận của mỗi người.
3.2. Dạy bài Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu.
Sau khi hỏi câu: Thấy người đàn bà bị bạo hành chánh án Đẩu đã

khuyên người đàn bà bỏ chồng? Theo em điều đó có nên không? Nếu HS bảo
nên, GV dẫn dắt tiếp để các em có suy nghĩ chín chắn và sâu sắc hơn
(?) Em thử tưởng tượng, sau khi người đàn bà bỏ chồng tình cảnh bà ta sẽ ra
sao?
- HS: + Không bị những trận đánh dã man của chồng
+ Con cái nheo nhóc, phải chia đôi, đứa theo cha, đứa theo mẹ
+ Không thể tiếp tục đi biển vì phong ba bão táp.
+ Nếu người đàn bà lên cạn thì làm việc gì để kiếm sống, nơi đâu mà ở....
9


Như vậy, người đàn bà sẽ đi từ bất hạnh này đến bất hạnh khác, bi kịch này
đến bi kịch khác và không biết bi kịch nào sẽ đau đớn hơn.
Kết thúc bài học ở phần luyện tập, hoặc ở phần giao bài về nhà GV có
thể ra đề để HS viết bài luận:
(?) Nếu em là chánh án Đẩu, em sẽ làm gì để chấm dứt nạn bạo hành trong gia
đình hàng chài ấy nói riêng và trong đời sống nói chung?
- HS có thể đưa ra nhiều phương án
+ Giáo dục người đàn ông để ông ta hiểu hơn về pháp luật, ông ta biết được
hành động của mình là sai trái, là vi phạm pháp luật.
+ Giúp người đàn bà hiểu quyền sống, quyền hạnh phúc của mỗi người, nhất là
người phụ nữ trong gia đình.
+ Làm cho người đàn ông và người đàn bà hiểu hậu quả mà bạo hành gia đình
gây ra cho thế hệ trẻ, đặc biệt thằng Phác đã có những suy nghĩ, hành vi không
tích cực với người bố của mình. Sau này tương lai nó sẽ ra sao khi có những ý
nghĩ, hành vi lệch lạc.
+ Khuyên người đàn bà nên đẻ ít đi để cuộc sống đỡ đói khổ
+ Đề xuất với những người có thẩm quyền để cho họ vay vốn mua một chiếc
thuyền to hơn để có thể đánh bắt xa bờ, để cuộc sống đỡ đói khổ.
+ Hay đề xuất với các cấp có thẩm quyền cấp đất để họ lên bờ sống, dạy nghề

cho họ, cho họ vay vốn làm ăn, con cái được đi học. Như vậy đến đời thế hệ trẻ
tương lai tình trạng đói nghèo, kém hiểu biết sẽ không còn tiếp diễn, tình trạng
bạo lực gia đình sẽ không còn diễn ra nữa....
Từ những phương án trên các em có thể thấy giải quyết nạn bạo hành
gia đình không phải là công việc của riêng ai mà của toàn xã hội.
3.3. Dạy trích đoạn vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt - Lưu
Quang Vũ
Ra đề về nhà viết bài luận, hoặc có thời gian trên lớp GV cho HS thảo luận
(?) Giả sử Đế Thích cho Trương Ba được quyền sống lại nhưng lại nhập vào cu
Tị, Trương Ba đồng ý. Theo em cuộc sống Trương Ba sau đó sẽ như thế nào?
Nếu là bài tập về nhà: GV có thể yêu cầu HS trình bày ý tưởng về những
rắc rối sẽ đến với Trương Ba khi trong thân xác cu Tị bằng một lớp kịch ngắn.
Việc đưa ra những tình huống giả định sẽ phát huy được trí tưởng tượng,
khả năng tư duy và giải quyết tình huống trong thực tế đời sống của các em.
Như vậy, tuỳ từng văn bản, tuỳ đối tượng HS, GV có thể phối kết hợp
cả ba hoặc một trong ba cách thức trên khi Dạy học văn từ thực tế đời sống. Lưu
ý cần phải vận dụng phối hợp phương pháp này với các phương pháp khác để có
giờ dạy hoàn chỉnh. Khi vận dụng phương pháp GV phải có vốn hiểu biết xã hội
sâu rộng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm vững vàng để dẫn dắt, gợi
dẫn cho HS tiếp nhận tri thức, giúp HS có hứng thú tìm hiểu những vấn đề trong
tác phẩm văn học và xã hội quanh mình. Từ đó một cách tự nhiên giờ văn sẽ
nâng cao được nhận thức, giáo dục ý thức, định hướng hành vi cho các em. Việc
liên hệ với thực tế đời sống xã hội bên ngoài, tìm hiểu suy nghĩ, tâm tư học sinh
không được làm mờ mà ngược lại phải làm sáng tỏ hơn nữa hệ thống tri thức
10


cần đạt khi dạy văn bản vì vậy giáo viên cần tinh tường khi chọn lựa chi tiết để
liện hệ, tránh hiện tượng lan man, không trọng tâm.
IV. Kiểm nghiệm

Năm học 2011 - 2012 tôi chưa vận dụng phương pháp Dạy học văn gắn
với đời sống, nếu có cũng chỉ rất ít và chỉ bằng một vài câu hỏi đơn lẻ suy nghĩ
của em về nhân vật này, nhân vật kia trong tác phẩm. Năm học 2012 - 2013 tôi
đã vận dụng phương pháp Dạy học văn gắn với đời sống một cách có hệ thống, có
ý thức, có mục đích rõ ràng. Tôi chọn dạy các lớp khối A. Các lớp này vốn không
thích thậm chí chán học văn nhưng ưu điểm thông minh, tư duy lô gíc.
Lớp

Năm học

Lớp

Năm học

11 B2

2011 - 2012

11 B4

2012 - 2013

11 B3

2011 - 2012

11 B5

2012 - 2013


12 C2

2011 - 2012

12 C4

2012 - 2013

12 C3

2011 - 2012

12 C5

2012 - 2013

Văn bản
Về luân lý xã hội ở nước
ta - Phan Châu Trinh
Người trong bao - Sêkhốp
Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu
Hồn Trương Ba da hàng
thịt - Lưu Quang Vũ

V. Kết quả cụ thể.
1. Bằng quan sát trực tiếp
Không khí lớp học rất sôi nổi.
Học sinh hứng thú với tiết học, tham gia thảo luận nhiệt tình và có hiệu quả
Sau khi học xong, hình tượng trong tác phẩm văn học đi vào cả trong đời
sống của các em. Các em hay gọi trêu nhau là Bê-li-cốp, chánh án Đẩu, Trương

Ba, anh hàng thịt...
Các em quan tâm và có ý thức tìm hiểu những vấn đề xã hội quanh mình để
suy ngẫm, liên hệ với những vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm.
Bài học nhớ nhanh hơn, học hiểu không còn học vẹt như trước.
2. Kiểm tra theo hình thức tự luận .
* Khối 11: Kiểm tra 15 phút
Đề bài: Ý nghĩa thời sự của truyện ngắn Người trong bao của Sê-Khốp.
* Khối 12: Kiểm tra 45 phút
Đề bài: Nhân vật nào trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn
Minh Châu để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Suy nghĩ của em về nhân vật
đó?
Kết quả cho thấy, ở cả hai khối hơn 90% đạt yêu cầu.
3. Bằng phiếu điều tra:

11


Lớp

Năm học

HS hứng thú với tiết học

HS chưa hứng thú với tiết
học

11 B2

2011 - 2012


80%

20%

11 B3

2011 - 2012

90%

10%

11 B4

2012 - 2013

100%

0%

11 B5

2012 - 2013

100%

0%

Lớp


Năm học

HS hứng thú với tiết học

HS chưa hứng thú với tiết
học

12 C2

2011 - 2012

85%

15%

12 C3

2011 - 2012

80%

20%

12 C4

2012 - 2013

100%

0%


12 C5

2012 - 2013

100%

0%

4. Áp dụng trong tổ bộ môn.
100% giáo viên tổ Ngữ văn trường THPT Hàm Rồng đã áp dụng phương
pháp Dạy học văn gắn với đời sống trong các giờ đọc văn, trên tất cả các khối
lớp và nhận thấy hiệu quả rõ rệt trong giờ dạy.
VI. Bài học kinh nghiệm
Để phát huy được tối ưu hiệu quả của phương pháp Dạy học văn gắn với
đời sống giáo viên cần có những lưu ý sau:
- Khi áp dụng phương pháp GV cần căn cứ thực tế giảng dạy, bài dạy, đối tượng
HS, phải đảm bảo nguyên tắc dạy học lấy HS làm trung tâm.
- Không coi đây là phương pháp độc tôn và duy nhất trong giờ dạy học văn mà
tuỳ theo bài dạy, đối tượng học sinh cần phải biết phối kết hợp với các phương
pháp khác.
- Tất cả những câu hỏi liên hệ thực tế; tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của
học sinh hay những tình huống giả định giáo viên đưa ra đều phải nhằm mục
đích hướng tới mục tiêu cần đạt của bài dạy, để học sinh hiểu rõ tác phẩm, hiểu
rõ con người, xã hội và hiểu rõ chính bản thân các em, hướng học sinh tới chânthiện-mỹ, rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
- Giáo viên không quá lạm dụng phương pháp này, phải tinh khi chọn những chi
tiết cần liên hệ thực tế đời sống, tinh khi đưa ra tình huống giả định hoặc những
12



câu hỏi phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của HS.
Tránh hiện tượng liên hệ tràn lan, hoặc đưa ra những tình huống khiên cưỡng, áp
đặt, tránh hiện tượng xã hội học dung tục khi sử dụng phương pháp Dạy học văn
gắn với đời sống.
- Sử dụng phương pháp này giáo viên phải tôn trọng ngữ cảnh khi học sinh tiếp
nhận tác phẩm văn học nhưng cũng không thể không coi trọng ngữ cảnh khi tác
phẩm ra đời. Bởi vậy, học sinh có quyền đưa ra những suy nghĩ của bản thân
nhưng nếu những nhận xét, đánh giá ấy chưa đúng giáo viên phải linh hoạt tìm
cách định hướng cho các em có cách hiểu đúng đắn hơn bằng những câu hỏi gợi
dẫn để những kiến thức HS tiếp nhận được là quá trình các em khám phá, tìm
hiểu, khai mở, không phải là sự áp đặt.

13


C. KẾT LUẬN
Văn học là nhân học, học văn là học cách làm người nhưng con đường
dạy học Ngữ văn nói chung và dạy học các giờ đọc văn nói riêng còn nhiều khó
khăn. Điều đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi giáo viên dạy văn luôn
không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng nhu cầu thực
tiễn, tạo hứng thú học cho học sinh, để văn thực sự là đời, không phải những
kiến thức lý thuyết hàn lâm, chết cứng. Mỗi giáo viên dạy văn cần nhận thức rõ
tác dụng, tầm quan trọng của việc Dạy học văn gắn với đời sống để áp dụng một
cách linh hoạt, có hiệu quả.
Phương pháp là cái riêng của cá nhân, phụ thuộc vào bản thân giáo viên,
đối tượng học sinh và nội dung bài dạy vì vậy để phương pháp này được áp
dụng rộng rãi, hiệu quả, mỗi giáo viên phải luôn trau dồi, nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là những hiểu biết xã hội phải thật sâu rộng.
Mặt khác, chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn Trung học phổ thông cần phải
tuyển chọn những tác phẩm văn học thực sự hay, hấp dẫn và những vấn đề tác

phẩm đề cập đến luôn có tính thời sự.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hoá, ngày 01 tháng 5 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là SKKN
của mình viết, không sao chép nội
dung của người khác.

Nguyễn Thị Thanh Thuý

14


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Kim Anh, “Đề văn mang tính thời sự sẽ giúp thấy giá trị tích cực của
việc học văn” (Trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học Ngữ
văn ở trường phổ thông Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, 2012).
2. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nam, Võ Huy Bình, “Đôi nét về chương trình,
cách dạy, cách đánh giá môn Văn của một số nước” (Trong cuốn Kỷ yếu Hội
thảo Khoa học Quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam, Nxb
Đại học Sư phạm, 2012).
3. Hoàng Thị Mai, “Lý thuyết ứng đáp của người đọc và việc đổi mới phương
pháp dạy đọc văn ở nhà trường phổ thông” (Trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo Khoa
học Quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam, Nxb Đại học
Sư phạm, 2012)
4. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hoà,
Thành Thế Thái Bình (2002), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Sách Ngữ văn 11- chương trình chuẩn - NXBGD 2009, Tâp2.
6. Sách Ngữ văn 11- chương trình Nâng cao - NXBGD 2009, Tâp2.
7. Sách Ngữ văn 12- chương trình chuẩn - NXBGD 2009, Tâp2.

8. Sách Ngữ văn 12- chương trình Nâng cao - NXBGD 2009, Tâp2.

15



×