Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

NGHIÊN cứu TRANH cổ ĐỘNG VIỆT NAM GIAI đoạn 1945 1975 NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO SINH VIÊN, đáp ỨNG đổi mới GIÁO dục mỹ THUẬT tại các TRƯỜNG sư PHẠM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (382.33 KB, 5 trang )

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

NGHIÊN CỨU TRANH CỔ ĐỘNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945-1975
NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO SINH VIÊN,
ĐÁP ỨNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC MỸ THUẬT TẠI CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM
ThS. Trần Văn Đức
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội
Tóm tắt: Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục- đào tạo đang đặt ra những thách
thức, yêu cầu mới cho các cở đào tạo trong việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng
giáo dục. Với ý nghĩa đó, việc nghiên cứu, phân tích các tác phẩm trong bài viết nhằm
nâng cao nhận thức cho sinh viên mỹ thuật tại các trường sư phạm, hướng tới yêu cầu
đổi mới giáo dục hiện nay.
Abstract: Apparently nowadays the fundamental and profound innovation in
education and training is a pressing issue for all the education institutes in order to
improve teaching and learning quality. This also poses new challenges and
requyrements for all the concerned parties. To make a small contribution to this
educational course, this study aims at researching and and analysing some works of art
with the hope that its findings can help broaden students' knowledge on fine art in
pedagogical colleges and universities.
Tranh cổ động đúng nghĩa chỉ thực sự hình thành rõ nét trong khoảng từ năm
1880 đến năm 1895 ở một số nước châu Âu. Qua thời gian và những biến đổi xã hội,
chính trị trong và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tranh cổ động phát triển mạnh mẽ,
rộng khắp và trở thành phương tiện tuyên truyền chính trị, xã hội quan trọng trên toàn
thế giới.
Ở Việt Nam, tranh cổ động xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20. Với đặc trưng
ngôn ngữ của mình, tranh cổ động là một phần quan trọng của đời sống chính trị, xã
hội từ những ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm tuyên
truyền đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những bức tranh cổ động nhạy bén về đề tài,
phong phú về bút pháp của các họa sỹ sáng tác ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp
bùng nổ đã cổ vũ tinh thần yêu nước, niềm tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ, kịp
thời phản ánh chủ trương, chiến lược, sách lược của Đảng. Những bức tranh địch vận


hẳn đã có sức mạnh thực tiễn làm thức tỉnh hoàng loạt binh sĩ trong quân đội Pháp rời
bỏ hàng ngũ. Hiện thực cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc giúp người nghệ sĩ thay đổi
cái nhìn, cách nghĩ về quan niệm nghệ thuật. Họ tham gia vào tuyên truyền, đem tri
thức, nghệ thuật phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Nhiều họa sĩ đã cho ra đời
những tác phẩm tranh cổ động mang tính lịch sử như Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân,

79


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ… Chính những sáng tác tranh cổ động thời kỳ kháng
chiến chống Pháp đã hình thành tiếng nói tự thân của tranh cổ động Việt Nam và
khẳng định dòng thẩm mỹ riêng mang đậm truyền thống mỹ thuật dân tộc. Từ đó tranh
cổ động đã khẳng định được vị trí trong đời sống xã hội Việt Nam nói chung và trong
nền mỹ thuật nước nhà nói riêng. Tranh cổ động không những có mặt trong mọi mặt
của xã hội, tác động khích lệ, động viên, chăm lo…và định hướng xã hội mà còn bổ
sung ngôn ngữ biểu đạt đa dạng, phong phú, súc tích, hàm chứa tính triết lý cao, góp
phần phát triển ngôn ngữ tạo hình mới trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Với độ bao phủ rộng, gần như không giới hạn, mọi khía cạnh của cuộc sống, có
thể thấy đề tài trong tranh cổ động được chia thành những mảng như: cổ vũ tinh thần
chiến đấu bảo vệ tổ quốc, lao động sản xuất xây dựng đất nước, thực hiện các chính
sách, đường lối chính trị, văn hóa nghệ thuật của Đảng, Chính phủ, đấu tranh vì hòa
bình, phát triển con người … Mỗi mảng nội dung trên đều được biểu hiện bằng những
hình thức mang tính đặc thù riêng. Tuy nhiên, có thể nói tranh cổ động giai đoạn 1945
– 1975 chủ yếu mang nội dung, chủ đề nhằm tuyên truyền, cổ động tinh thần đấu tranh
chống đế quốc hướng tới thống nhất đất nước. Nội dung được thể hiện với những hình
ảnh cô đọng, đơn giản, khúc triết có tính triết lý, đả phá, châm biếm… được các họa sĩ

thể hiện qua những hình thể, mảng màu sắc chắc khỏe, chứa đựng những thông điệp
cần và đủ để công chúng tiếp nhận một cách nhanh nhất, dễ nhất. Đây là giai đoạn mà
nhiều hình tượng đã được xây dựng, sử dụng trong tranh cổ động một cách hết sức độc
đáo; nhiều câu chuyện, sự việc được phản ánh sắc xảo, thông minh qua sự đơn giản,
súc tích về hình, màu và bố cục. Ví như những thành tích, tấm gương tiêu biểu trong
thời chiến, hay hình ảnh quen thuộc của anh bộ đội Cụ Hồ trên đường hành quân,
những hình ảnh máy bay B52 bị bắn rơi..., tất cả đều được bàn tay tài hoa cùng với
lòng yêu nước của các họa sỹ với thủ pháp nghệ thuật tạo hình độc lập, sáng tạo thành
hình tượng điển hình để qua đó cổ vũ, tuyên truyền, khích lệ lòng yêu nước, căm thù
giặc của toàn thể nhân dân.
Bằng những hình tượng cô đọng, giàu ý nghĩa, tranh cổ động đã lan tỏa, khơi
dậy làn sóng các phong chào thi đua rèn luyện, tinh thần quật khởi, góp sức góp công
cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhiều bức tranh cổ động đã trở thành
những bản hùng ca theo chân các tầng lớp người dân, chiến sĩ bộ đội, các đoàn dân
công trên mọi mặt trận. Trong số đó không ít tác phẩm đã ghi dấu trên dòng lịch sử mỹ
thuật nước ta như: “ Nước Việt Nam của người Việt Nam” (Trần Văn Cẩn – 1945);
“Tại sao? Và chết cho ai?” (Lương Xuân Nhị - 1946); “ Giặc giết! hiếp”, “ Hà Nội
vùng đứng lên” (Tô Ngọc Vân – 1946); hay các sáng tác vào những năm 1960, 1970
như: “Thừa thắng xông lên đánh giặc Mỹ xâm lược” của Huỳnh Văn Gấm, “Bảo vệ
hòa bình” của Nguyễn Đỗ Cung, “ Khải hoàn môn của học thuyết Níchxơn” của

80


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

Trường Sinh; “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” của Lê Thanh Đức, “Địch phá ta
cứ đi” của Đào Đức.
Tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Nguyễn Thụ và Huy
Oánh là một bài ca hào sảng về tinh thần bộ đội cụ Hồ. Bằng những đường nét đen tạo

hình phóng khoáng, các tác giả đã xây dựng được hình ảnh chân dung bác Hồ với đầy
đủ tính cách của vị lãnh tụ gần gũi mà vĩ đại cùng với những đoàn quân trùng điệp có
sức gợi vô cùng lớn. Vào thời điểm đó bức tranh này như điểm tựa niềm tin để những
đoàn quân giải phóng vững chân bước, chắc tay súng. Hình ảnh “Bác vẫn cùng chúng
cháu hành quân” đã được nhân lên ở khắp các thành phố, làng mạc và đến tận những
nẻo đường hành quân theo dải Trường Sơn hướng về phía Nam. Đặc biệt, tranh cổ
động “Níchxơn phải trả nợ máu” được họa sĩ Trường Sinh vẽ ngay trong đêm 26-21972 tại một góc phố Khâm Thiên, bên xác đồng bào la liệt khắp nơi cùng những tiếng
than khóc sau đợt ném bom rải thảm của không lực Hoa Kỳ. Ngay sáng hôm sau, 272-1972, bức tranh của ông đã nhanh chóng được phóng khổ lớn đặt tại nhiều vị trí ở
các thành phố miền Bắc. Khi ấy bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh như một
thông điệp mạnh phát đi không chỉ đến nhân dân Việt Nam, mà lan tỏa toàn cầu để
vạch trần tội ác của giặc Mỹ. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của
Bác trong “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Nguyễn Thụ và Huy Oánh. Hay
những thông điệp về tội ác của giặc Mỹ “Níchxơn phải trả nợ máu” của Trường Sinh.
Với những biểu đạt khá phong phú mảng đề tài này còn có những tác phẩm mang tính
triết lý, đối lập như “Địch phá ta cứ đi” của Đào Đức, “Bảo vệ hòa bình” của Nguyễn
Đỗ Cung. Tác giả đã sử dụng thủ pháp tương phản, tượng trưng để làm tăng ý nghĩa
của tác phẩm với thông điệp cảm thụ thị giác. Nguyễn Đỗ Cung sáng tác năm 1959 với
tác phẩm “Bảo vệ hòa bình” ông thật tài tình khi kết hợp sự tương phản với hình ảnh
tượng trưng giữa độ sáng và tối của màu, chắc khỏe của hình. Tác phẩm mang đến cho
người xem thấy sức mạnh, độ nóng rắn chắc của ba bàn tay thể hiện sự kiên quyết.
Hình ảnh chim bồ câu bay trên bầu trời tượng trưng cho hòa bình, được bảo vệ trên
bàn tay mà không đạn bom nào ngăn chặn được.
Bên cạnh chủ đề có nội dung đề cập đến tính chiến đấu hay chân lý cuộc
chiến… thì mảng đề tài về lao động sản xuất cũng là chủ đề lớn trong giai đoạn này.
Tranh về mảng đề tài lao động sản xuất thường có khối hình đẹp, màu sắc đậm chất
thơ, chất chữ tình trong sáng tạo hình tượng, độc đáo trong bố cục. Động viên toàn dân
thi đua sản xuất, nhiều họa sỹ sáng tác những hình ảnh cảm động đi sâu vào tâm tư,
tình cảm của người xem theo các chủ đề về đổi mới trên quê hương, những thành quả
của lao động sản xuất, chăn nuôi, hình ảnh những tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua
các phong trào tăng gia sản xuất. Lương thực là một phần quan trọng trong chiến tranh

vì vậy đẩy mạnh sản xuất lương thực là một trong những phong trào lớn của nhân dân

81


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

miền Bắc. Ở đề tài lao động sản xuất có các tranh cổ động đặc sắc, tiêu biểu như:
“Giồng thêm khoai để tiết kiệm gạo”, “Cải tiến canh tác” (Nguyễn Minh Mỹ - 1958);
“Phát triển chăn nuôi gà” (Thái Sơn - 1968); “Thực hiện di chúc Hồ Chủ Tịch” và “
Cá Tây hồ” (Nguyễn Tiến Chung – 1969), v.v… Ở đề tài này bên cạnh những hình
ảnh đẹp hấp dẫn thì phần chữ cũng khá đặc biệt. Phần chữ trong tranh cổ động không
chỉ là những câu khẩu hiệu động viên, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, tham gia
kháng chiến mà còn có những vần thơ dễ nhớ, dễ hiểu, dân dã được gieo vần theo thể
thơ lục bát, trong tác phẩm “Giồng thêm khoai để tiết kiệm gạo” như:
“ Còn trời còn nước, còn non
Còn một tấc đất ta còn tăng gia
Thêm khoai thì thóc để ra
Không lo đói kém cả nhà phởn phơ”
Hay trong tranh của Minh Phương – sáng tác năm1970:
“ Lúa tốt lợn béo gà đàn
Góp phần thắng Mỹ xóm làng ấm no”
Sản xuất lương thực với những sáng kiến mới trong lao động được phổ biến
thông qua tranh cổ động như cải tiến canh tác tăng vụ như tác phẩm: “Cải tiến canh
tác” (Nguyễn Minh Mỹ - 1958); Tác giả sử dụng màu vàng cho không gian trong tranh
tượng trưng cho một vụ mùa chín vàng, bội thu. Với tạo hình bố cục chắc khỏe,
đường nét thanh thoát… Hình ảnh cô gái Thái trong trang phục truyền thống đã gây
sức hút đến người xem và truyền tải thông điệp cải tiến canh tác đẩy mạnh sản xuất.

Bên cạnh các tác phẩm về thi đua sản xuất lương thực còn có những bức tranh nuôi
trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp như: “ Vâng lời
Bác chăm học chăm làm” ( Trần Nguyên Đán - 1970); “ Bò trâu béo khỏe” (Tô Giang
– 1973); “ Gương mẫu trong sản xuất” ( Trần Việt Sơn - 1973) “Nhân nhiều bèo dâu” (
Thái Sơn - 1975); “ Điện cơ giới phục vụ nông nghiệp” ( Đỗ Mạnh Cương - 1975);
“Toàn dân trồng rừng” (Công Mỹ - 1975)… Một mảng đề tài khác cũng không thể
không nhắc tới đó là chủ đề ca ngợi chiến thắng và sự tài ba của Quân đội nhân dân
Việt Nam. Tiêu biểu là các tác Phẩm với nội dung tuyên truyền: Miền Bắc bắn rơi
4000 máy bay Mỹ. Nội dung này được thể hiện qua các tác phẩm: “ 4000 máy bay bắn
rơi” ( Minh Trí - 1972); “ 4000 máy bay rơi trên miền Bắc” ( Lê Văn Hiệp- 1972) hay
tác phẩm: “4000 máy bay Mỹ tan xác ” ( Trường Sinh - 1972). Ngoài ra còn có rất
nhiều tác phẩm mang khí thế chiến thắng “ Tự hào” ( Huỳnh Văn Thuận - 1973); “
Kính chào Hà Nội anh hùng” ( Phạm Lung - 1973) ; “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” (
Phan Anh Toàn -1975)…

82


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

Nội dung của tranh cổ động không chỉ thấy rõ mặt tích cực trong tuyên truyền,
quảng bá nội dung tư tưởng mà còn thấy được tinh thần, truyền thống trống giặc ngoại
sâm được tiếp nối qua các thế hệ. Có thể nói tranh cổ động giai đoạn 1945 – 1975 đã
đánh dấu một chặng đường phát triển của mỹ thuật Việt Nam nói riêng, lịch sử dân tộc
nói chung. Sự kế thừa những yếu tố của nghệ thuật tạo hình, phương pháp và kỹ thuật
tạo hình, thủ pháp truyền thông tới công chúng đã làm nên sức sống riêng biệt của thể
loại đồ họa này. Bởi vậy tranh cổ động giai đoạn này đã có một vị thế đặc biệt trong
lịch sử phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Nó đánh dấu sự chuyển biến và ghi nhận
những thành công của lớp họa sĩ ngay từ những ngày đầu kháng chiến về quan điểm
nghệ thuật, quan điểm sống… Nó thể hiện được một diện mạo mới của mỹ thuật với

đầy đủ những yếu tố nghệ thuật tạo hình đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền
vững. Với mục đích tuyên truyền, tranh cổ động đã tìm và hình thành tiếng nói riêng
cho thể loại. Tranh cổ động giai đoạn này đã có một vị trí quan trọng trong đời sống
đất nước, có mặt ở mọi nơi, tác động đến nhiều mặt của cuộc sống lao động và chiến
đấu của một thời đạn bom bằng ngôn ngữ đồ họa khúc chiết, mạnh mẽ tính thời đại và
mặn mà tinh thần dân tộc, dung hòa trong tinh thần nhân văn, lãng mạn, lạc quan
không hề thấy ở các nền nghệ thuật tranh cổ động khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đặng Bích Ngân ( 2001), Từ điển thuật ngữ mỹ thuật phổ thông, NXB Giáo dục.
Nguyễn Trân ( 2005), Các thể loại và loại hình mỹ thuật, NXB Mỹ thuật.
Vụ Mỹ Thuật( 1977), Tranh cổ động Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Bộ văn hóa thông tin, cục văn hóa thông tin cơ sở ( 2001), Tranh cổ động Việt
Nam 1945 – 2000, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội .
[5]. Bộ văn hóa thông tin, cục văn hóa thông tin cơ sở ( 2006), 60 năm tranh cổ động
Việt Nam 1945 – 2005, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[6]. Hội Mỹ thuật Việt Nam (2002), Mỹ thuật với Bác Hồ, NXB Mỹ thuật.
[1].
[2].
[3].
[4].

83



×