Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

TU QUAN DIEM GIAO DUC CUA LEV TOLSTOI BAN VE BAI HOC KINH NGHIEM CHO GDVN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (159.05 KB, 9 trang )

TỪ QUAN NIỆM GIÁO DỤC CỦA LEV TOLSTOI BÀN VỀ BÀI HỌC KINH
NGHIỆM CHO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI
VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Đồng Thủy Thảo, Trần Thị Nâu
1. Đặt vấn đề
Giáo dục là một hiện tượng xã hội được nảy sinh, biến đổi và phát triển cùng
với sự hình thành, phát triển của xã hội loài người. Cùng với thực tiễn giáo dục ngày
càng đa dạng, phong phú thì những tư tưởng, quan điểm, lí luận giáo dục cũng ngày
càng phát triển phong phú và đa dạng. Có thể điểm qua những tư tưởng giáo dục vĩ đại
của nhân loại qua các thời kì lịch sử như: Khổng Tử, J.Locke, J.A.Comenxki, Lev
Tolstoi, Petxtalogi, Rutxô, Mác – Ăngghen – Lênin, J.Dewey…. Trong những tư
tưởng giáo dục vĩ đại đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với quan điểm giáo dục của Lev
Tolstoi: triết lí giáo dục tự do - triết lý giáo dục của lòng yêu thương. Bởi lẽ, chúng tôi
nhận thấy ở quan điểm của Lev Tolstoi có những nội dung khá thiết thực, phù hợp với
truyền thống đạo đức của người Việt Nam và mục tiêu, triết lí giáo dục của Việt Nam
thời hội nhập.
Trong nhiều năm qua, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Nhà nước
và xã hội đã quan tâm đầu tư để phát triển giáo dục và đem lại được một số thành quả
nhất định. Nhưng nhìn chung, giáo dục Việt Nam vẫn chưa kiến tạo ra được những
con người Việt Nam đủ sức phát triển đất nước và hội nhập. Việc vận dụng quan điểm
giáo dục của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã được tiến hành ở
nước ta từ nhiều thập kỉ trước. Hàng loạt các mô hình giáo dục của Nga (Liên Xô cũ),
Hà Lan, Singapore, Mỹ…được áp dụng nhưng có vẻ kết quả vẫn còn nhiều bất cập.
Chúng tôi thiết nghĩ, với đặc điểm một quốc gia còn đang phát triển như ở Việt Nam,
tuy đổi mới là rất cần thiết nhưng phải có mục tiêu, chiến lược phù hợp, thiết thực hơn.
Việc vận dụng một quan điểm giáo dục nào cho phù hợp cần có cả một quá trình
nghiên cứu, khảo nghiệm. Trong bài viết này, chúng tôi không nhằm khẳng định tính
tối ưu của một quan điểm giáo dục, mà chỉ nhằm đề xuất một vài kinh nghiệm từ thực
tiễn giáo dục Việt Nam qua việc đánh giá triết lý giáo dục của Lev Tolstoi, ngỏ hầu
góp phần vào việc luận bàn, đánh giá và định hướng có thể áp dụng trong thực tiễn
giáo dục.


2. Nội dung triết lý giáo dục của Lev Tolstoi – triết lý giáo dục tự do, triết lí giáo
dục của lòng yêu thương.
Lev Nikolaivich Tolstoi (1828-1910) không chỉ là nhà văn, nhà tư tưởng vĩ đại
mà còn là một nhà sư phạm lỗi lạc. Triết lý giáo dục tự do đầy nhân bản của Tolstoi
được xây dựng trên nền tảng những tư tưởng xã hội, tôn giáo, đạo đức đầy tính nhân
văn được thể hiện trong toàn bộ di sản của ông. L. Tolstoi cống hiến cho hoạt động
giáo dục gần 61 năm, từ lần thử nghiệm đầu tiên vào đứng lớp năm 1849 đến cuối đời.
Trong 61 năm đó, ông liên tục viết các bài lý luận giáo dục, biên soạn sách giáo khoa,
xây dựng và điều hành hơn 20 trường phổ thông, mở các lớp huấn luyện phương pháp
sư phạm cho giáo viên, đích thân giảng dạy nhiều thế hệ con em nông dân. Chính ông,
cũng tự đánh giá rằng đóng góp lớn nhất của ông cho đời không phải là văn chương
mà là sự nghiệp giáo dục. Triết lí giáo dục của ông có tác động đến “việc phát triển
giáo dục học chẳng những ở Nga, mà còn trên toàn thế giới” ” [4, Tr. 48]. Tuy nhiên,
ở Việt Nam đa số độc giả đều chỉ biết L.Tolstoi với tư cách là một nhà văn, nhà tư

1


tưởng chứ ít ai biết ông trong cương vị một nhà sư phạm, cũng như càng ít biết hơn về
quan điểm giáo dục tự do lỗi lạc của ông.
2.1 Triết lý giáo dục tự do.
2.1.1. Giáo dục tự do là gì?
Cội nguồn của “Giáo dục tự do” được tìm thấy trong tư tưởng nhân văn của các
triết gia Hy Lạp cổ đại. Được hình thành và phát triển như một phong trào sư phạm
độc lập từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Khảo lược qua nhiều khái niệm khác nhau
từ Socrates (469 - 399 tr. CN) với quan niệm là sự tự ý thức, tự hoàn thiện [2, Tr. 55];
Jean-Jacques Rousseau (1712 – 1778) với quan niệm mục tiêu giáo dục trẻ phải thuận
theo tự nhiên (theo Rousseau tôn trọng tự nhiên của trẻ bao hàm sự tự do) [2, Tr.
111]; Jonh Dewey (1859 – 1952) nhấn mạnh hành động của cá nhân, nhấn mạnh giá
trị tự do cá nhân [2, Tr. 176]…, nhà nghiên cứu Phạm Thị Phương định nghĩa khái

niệm “Giáo dục tự do là một khuynh hướng trong lí thuyết và thực tiễn giáo dục, nhìn
nhận giáo dục như sự trợ giúp năng lực cho trẻ em, để chúng được phát triển tự nhiên
trong quá trình mở mang hiểu biết về thế giới xung quanh, được tự do quyết định
trong thế giới ấy” [4 ; 101].
Theo Vũ Thế Khôi, mô hình giáo dục tự do đã được L. Tolstoi xây dựng và tiến
hành thành công cách đây hơn 150 năm. Mô hình này được cho là “bước dự cảm của
học thuyết tâm lý giáo dục nhân cách – nhằm hình thành những nhân cách phát triển
toàn diện, hài hòa tâm hồn và trí tuệ, biết tư duy độc lập, sáng tạo và tự mình xử lí
mọi tình huống” [3, Tr. 41].
2.2.2 Triết lý giáo dục tự do của L.Tolstoi.
Giáo dục tự do của L. Tolstoi thực chất là sự đối nghịch với xu hướng “Giáo
dục áp chế”. Từ việc chống lại mọi hình thức cưỡng bức, phương châm của L.Tolstoi
là giáo dục phải đem lại lợi ích thiết thực cho chính người được hưởng thụ nó. Với
mục đích được đóng góp lâu dài cho sự nghiệp giáo dục, L.Tolstoi đã làm chuyến du
khảo các trường phổ thông Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Bỉ…Tuy nhiên, sau chuyến trực
tiếp mục sở thị môi trường giáo dục Tây Âu, ông thất vọng về nền giáo dục áp chế mà
ông gọi là “giáo dục trại lính”, “lỗ mảng”. L.Tolstoi quyết tâm xây dựng một triết lý
giáo dục nhân bản và dân chủ hơn. Với cái nhìn thông tuệ của một nhà sư phạm xuất
chúng, L.Tolstoi xác định mục tiêu của giáo dục là giải quyết hàng loạt vấn đề phức
tạp liên quan đến cá tính, đạo đức và năng lực con người – những phương diện chưa
được chú trọng trong các nền giáo dục trước đó. Trên cơ sở đó, ông xác lập triết lí giáo
dục của mình – “Nguyên lý tự do”.
Trên cơ sở nguyên lý tự do trong giáo dục, L.Tolstoi đã xây dựng một hệ thống
các nguyên tắc giáo dục học với phương châm xem người học là trung tâm của quá
trình đào tạo và giáo dục. Các nguyên tắc đó là:
(1) Nguyên tắc tính ý thức và tính tích cực.
Theo Tolstoi, giáo dục là quá trình đa phương, chứ không phải chỉ là sự tác
động đơn phương lên trí tuệ đứa trẻ; đó là quá trình hoạt động tích cực, chứ không
phải là sự thụ động tiêu hóa những kiến thức mà người ta thông tin tới nó. Học tập đối
với đứa trẻ là quá trình năng động có kiến tạo. Ông nhấn mạnh đến sự phát triển tự

chủ, tư duy sáng tạo của học sinh và tầm quan trọng của chúng trong sự trưởng thành
của trẻ. Bởi vì theo ông, nếu học sinh ở trường mà không học tự sáng tạo, thì vào đời
nó sẽ chỉ luôn luôn bắt chước, sao chép…Trong mỗi đứa trẻ hiện hữu cái khát khao

2


được độc lập, cái khát vọng mà sẽ dễ bị tiêu diệt trong mọi hình thức truyền thụ kiểu
sao chép các mẫu có sẵn.
(2) Nguyên tắc gắn liền giáo dục với cuộc sống
Từ việc phân tích hệ thống giáo dục nhà trường kiểu cũ vốn mang nặng tính hàn
lâm, giáo điều và thiếu tính thực tiễn L.Tolstoi đã chỉ ra rằng kinh nghiệm sống càng
phong phú và đa dạng, thì người học càng có nhiều cơ hội thành công, càng dễ dàng
hơn trong việc thiết lập và kết nối tri thức liên ngành và tăng động lực học tập.
Chính vì thế, trong dạy học ông thường đặt ra nhiều tình huống, kể lại những
sự kiện xảy ra trong ngày để trẻ tập trao đổi, bình luận về cách ứng xử; ông lập ra
những lớp học nghề và dạy trẻ trồng cây trái, tự thu hoạch trên mảnh đất dành riêng
cho nhà trường; ông chú trọng tạo không gian học tập một cách linh hoạt và tự nhiên,
học như chơi, nhiều tiết diễn ra ở ngoài trời.
(3) Nguyên tắc phù hợp với khả năng tiếp cận
Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc giáo dục gắn liền với thực tiễn cuộc
sống. Sự phù hợp thể hiện ở chỗ, việc truyền tải thông tin giáo khoa phức tạp phải
trong một hình thức vừa tầm nhận thức của đối tượng. Tolstoi không tán đồng việc
truyền thụ cơ học những định nghĩa, định lí, khái niệm trừu tượng vào đầu đứa trẻ,
nhất là những kiến thức khái quát, khó hiểu hoặc chưa được thực tế kiểm chứng, theo
Tolstoi, là điều tai hại, phá vỡ quá trình tự nhiên của tư duy.
(4) Nguyên tắc kiến thức chắc chắn
Tính vững chắc của kiến thức là sự hiểu biết thực chất vấn đề, khả năng biết
liên hệ với kiến thức trong một hệ thống, nhìn ra được mối quan hệ nhân – quả của các
hiện tượng ấy cũng như khả năng ứng dụng chúng.

Để ngăn chặn việc học một cách hình thức, L.Tolstoi đặt ra một loạt yêu cầu
sau:
- Cung cấp cho trẻ em cơ hội tự học và tự nhận thức, dưới sự hướng dẫn kín
đáo của giáo viên.
- Tạo ra một môi trường giáo dục tự nhiên, lành mạnh, vui vẻ và thân thiện, đáp
ứng được bản chất tự nhiên, tính tò mò của trẻ và nhu cầu tự do phát triển.
- Linh hoạt sử dụng một loạt các phương pháp, biện pháp giáo dục phù hợp với
đặc điểm của tâm lý trẻ em. Kết nối giữa các hoạt động nhận thức trong giờ học với
giờ ngoại khóa của trẻ em; Hệ thống hóa kiến thức bằng thao tác lặp lại, khái quát
những kiến thức đã học.
(5) Nguyên tắc phát triển tự nhiên và hài hòa
Có thể xem đây là nguyên tắc chủ đạo bởi nó chi phối và có liên quan đến bốn
nguyên tắc vừa nêu. Tất cả tri thức, kĩ năng, ý thức học tập... là bắt nguồn từ mong
muốn phát triển tự nhiên và hài hòa với thế giới xung quanh.
Là một trong những trí thức uyên bác nhất của châu Âu thế kỷ XIX, L.Tolstoi
hiểu về con người và quy luật của tự nhiên, quy luật của quá trình giáo dục: con người
sinh ra là một cá thể tự do với thiện tính bản năng (“Nhân chi sơ tính bản thiện” Khổng Tử) và một năng lực sống hài hòa. Vậy nên, mục tiêu giáo dục là tạo ra những
điều kiện thuận lợi và phù hợp để con người phát huy toàn bộ những phẩm chất ấy.
Tóm lại, triết lí Giáo dục tự do của Tolstoi được xây dựng trên cở sở thức tỉnh
lòng yêu thương bẩm sinh ở trẻ, giúp nó phát triển hài hòa các năng lực trí tuệ. Đó là
nền tảng vững chắc nhất, nhân bản nhất, một thứ “tôn giáo” của tâm hồn giúp nuôi
dưỡng và tôn tạo những giá trị bền vững trong hành trình giáo dục con người.

3


2.2. Bài học kinh nghiệm cho giáo dục Việt Nam trong quá trình đổi mới.
2.2.1. Thành tựu, hạn chế của nền giáo dục Việt Nam
Từ năm 1945 đến nay Việt Nam đã tiến hành 4 cuộc cải cách và đổi mới giáo
dục vào những mốc thời gian: đầu những năm 1950, 1956, 1979, 2002. Tất cả các

cuộc cải cách và đổi mới này đều xuất phát từ những chuyển biến lớn về xã hội, chính
trị. Mỗi lần cải cách và đổi mới giáo dục cũng có những kết quả nhất định
Có thể đánh giá khái quát về thành tựu và yếu kém của giáo dục đào tạo nước ta:
Về thành tựu: quy mô giáo dục phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu học tập
của nhân dân. Xây dựng được một hệ thống giáo dục đa dạng về cấp học, hệ đào tạo,
đối tượng và trường lớp. Giáo dục được Nhà nước và xã hội đầu tư nhiều hơn, cơ sở
vật chất tốt hơn và hiện đại hơn. Chất lượng giáo dục cũng được cải thiện, có những
điểm sáng nhất định. Công tác quản lý giáo dục cũng có những chuyển biến tích cực:
dân chủ hơn, tôn trọng cơ sở đào tạo hơn và tôn trọng người học hơn. Nguồn nhân lực
mà nhà trường Việt Nam đào tạo ra đã góp phần quan trọng khắc phục cuộc khủng
hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 1980, và vào đầu những năm 2000 đã kịp đưa
nước ta thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo.
Về những hạn chế yếu kém: mặc dù chất lượng giáo dục đã có chuyển biến
nhưng nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước và hội
nhập. Quản lý giáo dục còn lúng túng, thiếu tầm nhìn tổng quát, thiếu triết lý giáo dục
chủ đạo phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đầu tư cho giáo dục còn mang tính chất
cào bằng, không hợp lý, chưa đồng đều giữa các vùng miền. Đào tạo nhân lực thì chạy
theo số lượng, sự sàng lọc qua các cấp học rất hạn chế, trình độ số đông không tương
xứng với bằng cấp. Giáo dục không phát huy được thế mạnh của kinh tế thị trường là
cạnh tranh, trong khi đó lại chịu nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, để
những hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây mất niềm tin trong xã hội.
Mặc dù đổi mới giáo dục được lựa chọn là quốc sách hàng đầu và công cuộc
đổi mới đã bắt đầu từ lâu nhưng vẫn chưa thành công như mong đợi. Có thể thấy nhiều
nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ người dạy, người học, người quản lý giáo
dục và cả xã hội. Lãnh đạo Nhà nước vẫn luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu,
nhưng thực tế giáo dục có được coi trọng như vậy không? Chúng ta thử so sánh xem
mỗi năm một thành phố/tỉnh cấp đất cho bao nhiêu doanh nghiệp, nhà hàng, khách
sạn, sân gôn và bao nhiêu trường học thì biết ngay giáo dục ở thứ hạng nào. Vì vậy, để
giáo dục – đào tạo thực sự là quốc sách, thì cần có sự quan tâm thật sự của các cấp ủy,
chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Phải xác định khâu đột phá của giáo dục đào tạo

là gì để xác lập hành động cho nhiệm vụ đổi mới, cải cách. Điều quan trọng nhất trong
giáo dục là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thầy có giỏi thì mới dạy ra
được những học trò giỏi. Đồng thời, cần áp dụng một triết lý giáo dục cho phù hợp với
nền giáo dục, với đặc điểm kinh tế, xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới để có thể
phát triển, đổi mới và hội nhập.
2.2.2. Bài học kinh nghiệm từ triết lí giáo dục của L. Tolstoi
Có thể thấy quan niệm Giáo dục tự do của L.Tolstoi có những ưu điểm có thể
vận dụng tốt trong điều kiện cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay. Đó là một triết lý
giáo dục có tính chất định hướng cho một nền giáo dục tiên tiến, hội nhập. Thiết nghĩ,
dù ở cương vị nào trong ngành giáo dục nhưng nếu nghiêm túc nghiên cứu triết lí giáo
dục của Tolstoi, mỗi người trong chúng ta đều có thể suy ngẫm và đúc kết những bài
học kinh nghiệm bổ ích. Dưới đây, chúng tôi lần lượt phân tích một số bài học kinh

4


nghiệm, dựa trên 5 nguyên tắc giáo dục của Tolstoi và một số biểu hiện của giáo dục
nước ta:
- Thứ nhất, cần xác định được giáo dục là quá trình đa phương, chứ không
phải chỉ là sự tác động đơn phương lên trí tuệ của đứa trẻ; là quá trình hoạt động
tích cực, chứ không phải là sự thụ động tiêu hóa những kiến thức mà người ta thông
tin tới nó.
Nhìn lại phương pháp dạy học tồn tại ở Việt Nam từ mấy thập niên, chúng ta đễ dàng
nhận thấy vì sao đổi mới nhiều lần mà nền giáo dục nước nhà vẫn không thể phát triển
hội nhập với nền giáo dục thế giới. Phương pháp dạy học truyền thống được duy trì
qua nhiều thế hệ. Phương pháp dạy học này lấy hoạt động của người thầy là trung tâm,
giáo viên là người thuyết trình, diễn giảng, là "kho tri thức" sống, học sinh là người
nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo; giáo viên là chủ thể, là tâm điểm, học sinh là
khách thể, là quỹ đạo. Chính cách dạy đó đã tiêu diệt dần cái khát khao được độc lập,
được sáng tạo của người học. Những năm gần đây, việc áp dụng phương pháp dạy học

tích cực từng bước được vận dụng trong giảng dạy, nhằm góp phần thay đổi chất
lượng giáo dục. Thế nhưng, đó chỉ là sự đổi mới mang tính hình thức vì phần lớn
người dạy vẫn còn bị áp lực bởi hàng loạt các vấn đề: thời lượng kiến thức, nội dung
chương trình, yêu cầu đầu ra, vấn đề kiểm tra đánh giá…nên phương pháp truyền
thống vẫn tiếp tục phổ biến.
Trước yêu cầu chung của thời đại, cần thay đổi phương pháp dạy học sao cho
đảm bảo phát huy được ý thức và tính tích cực của người học. Dù vận dụng phương
pháp dạy học nào cũng cần tránh lối dạy thụ động một chiều, cần tạo cho học sinh có
điều kiện phát huy tích cực, ý thức tự học và sự sáng tạo. Có như vậy, việc học của
học sinh mới thực sự là niềm hứng thú say mê. Và một khi tạo được tâm lý hứng khởi,
các em sẽ có niềm tin vào cuộc sống, có sự yêu thích việc học, kết quả học tập sẽ
mang lại lợi ích thực sự cho bản thân người học.
- Thứ hai, cần gắn liền giáo dục với cuộc sống.
Giáo dục Việt Nam cần xác định mục tiêu của giáo dục là con người phải được
đào tạo để chuẩn bị cho cuộc sống, cho lao động, đặc biệt là kĩ năng sống, kĩ năng ứng
xử với mọi người và kĩ năng giải quyết vấn đề.
Nhìn vào thực tế, có thể thấy giáo dục Việt Nam đang chú trọng tính hình thức
và mang nặng tính hàn lâm, chỉ tập trung dạy những điều triết lý, trừu tượng, xa rời
cuộc sống thực tế của trẻ. Các em phải học quá nhiều những định nghĩa, những tư
tưởng giáo điều mà ít được trang bị những kiến thức thực tế cần thiết cho cuộc sống
sau này. Trong khi đó, sống giữa một thế giới phẳng như hiện nay, con người không
chỉ cần có kiến thức mà còn phải có kĩ năng sống phù hợp. Nhận thức được điều này
nên việc chú ý dạy học “Kĩ năng sống” cho học sinh ở nước ta những năm gần đây bắt
đầu được vận dụng. Tuy nhiên, việc triển khai cũng chưa hiệu quả vì phần lớn cũng là
giáo dục kỹ năng trên tính lý thuyết. Giờ học quá nhiều, học sinh phải chạy theo
chương trình, kì thi, điểm số, các em gần như phải chạy sô, vật lộn với con chữ, kĩ
năng sống trở thành một điều gì xa lạ. Nội dung học tập còn nặng nề về kiến thức,
thiếu tính thực hành. Còn nhiều trường học trên toàn quốc chỉ dạy học lý thuyết chứ
chưa có điều kiện để tạo cho người học có thể thực nghiệm. Những thuyết lý, công
thức trừu tượng, xa rời thực tế càng lúc càng tăng cao theo cấp học. Môi trường giáo

dục Việt Nam, biến người học thành một công cụ ghi nhớ máy móc.

5


Hiện tượng sinh viên ra trường có bằng cấp giỏi, khá nhưng khi xin việc lại
không được thu nhận dù chỉ ở công việc phổ thông, nhất là ở các công ty nước ngoài,
ngày càng trở nên phổ biến. Vì thực tế các em thiếu kĩ năng thực hành, kĩ năng sống,
cho nên, hầu hết các cơ sở tuyển dụng ngại phải đào tạo lại kĩ năng lao động cho họ.
Hoặc đơn thuần, có thể thấy, chương trình giáo dục phổ thông mặc dù mục tiêu là giáo
dục cho người học những kiến thức phổ thông. Thế nhưng, rất ít học sinh đã học xong
THPT có thể thực hiện được những vấn đề được học vào thực tế đời sống hàng ngày
dù chỉ là những kiến thức đơn giản: nối một bóng đèn, một dây điện, phân biệt một
cây cỏ và một cây lúa, hay đơn giản là trồng được một cây rau, cây hoa, thậm chí nấu
một bữa cơm, vá lại một đường sứt chỉ…cái gì các em cũng không biết. Vậy thì các
em học được điều gì? Học để làm gì? Có lẽ chúng ta cần phải nhận thức rõ hơn vấn đề
này. Trong khi đó, cách xa chúng ta hơn 150 năm, L.Tolstoi đã nhận thức rõ vai trò
của giáo dục kĩ năng sống cho trẻ. Ông đã tạo ra môi trường học thật linh hoạt và tự
nhiên. Trẻ không chỉ được tự do phát triển ý thức, sáng tạo mà còn được tự do trao đổi,
luyện tập ứng xử từ những tình huống thực tế; ông lập ra những lớp học nghề và dạy
trẻ trồng cây trái, tự thu hoạch; trẻ được học trực tiếp từ trong cuộc sống và trong công
việc. Đó là bài học hết sức thiết thực cho sự phát triển kĩ năng sống của người học mà
chúng ta cần quan tâm.
- Thứ ba, cần xây dựng một chương trình học phù hợp với khả năng tiếp cận
của người học. Tránh việc truyền thụ cơ học những định nghĩa, định lí, khái niệm trừu
tượng vào đầu đứa trẻ, nhất là những kiến thức khái quát khó hiểu hoặc chưa được
thực tế kiểm chứng vì đây chính là điều tai hại, phá vỡ quá trình tự nhiên của tư duy.
Ở Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng
như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến
chương trình từng môn học; không có một tổng chủ biên chương trình SGK từ lớp 1

đến lớp 12. Việc thực hiện chương trình SGK ở các địa phương nặng tính hành chính
(giám sát theo phân phối chương trình, không theo chuẩn kiến thức, kỹ năng) nặng
tính hàn lâm, thiếu thực tiễn. Chương trình chưa chú trọng đến tính liên thông giữa
giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Chính từ thực trạng đó, để có thể đổi mới được giáo dục cần đổi mới căn bản từ
chương trình sách giáo khoa hiện hành. Đây cũng là điều đang được Nhà nước quan
tâm và tiến hành thay đổi. Việc xây dựng một chương trình sách giáo khoa mới cho
công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay liệu có khả thi hay không chúng ta chưa thể kết
luận. Tuy nhiên, những người biên soạn bộ sách mới có lẽ cần chú ý nhiều hơn đến nội
dung chất lượng của chương trình. Cần xây dựng được một chương trình phù hợp với
khả năng tiếp cận của người học; một chương trình cho phép cả trò lẫn thầy tự do lựa
chọn những tri thức phù hợp để phát triển năng lực, trí tuệ, bồi đắp sự hài hòa tinh thần
của người học. Muốn vậy, những điều đem dạy học sinh phải vừa sức, tạo được hứng
thú và tự do sáng tạo của người học, kích thích ý thức tự học cho học sinh.
- Thứ tư, cần xây dựng kiến thức chắc chắc. Tính chắc chắn của kiến thức thể
hiện ở tính chính xác, độ tin cậy trong thiết kế nội dung từng bài; sự liên kết, tích hợp
những kiến thức trong nội môn, liên môn và khả năng ứng dụng trong thực tiễn.
Để ngăn chặn việc học một cách hình thức, đuổi theo kiến thức hời hợt cần thực
hiện các yêu cầu sau:
Một là, cung cấp cho người học cơ hội tự học và tự nhận thức, dưới sự hướng
dẫn kín đáo của giáo viên. Người thầy chịu trách nhiệm chính cho quá trình giáo dục,

6


có nhiệm vụ cung cấp một môi trường thuận lợi học tập, nhưng không can thiệp vào
quá trình nhận thức của người học. Không can thiệp không có nghĩa là gạt bỏ hoàn
toàn ảnh hưởng của người thầy. Có điều, sự ảnh hưởng ấy giống như sự trợ giúp, sự
tương tác tự nhiên mà ở đó trò được đóng vai trò chủ động và thầy là “bạn đồng hành”.
Hai là, tạo ra một môi trường giáo dục tự nhiên, lành mạnh, vui vẻ và thân

thiện, đáp ứng được bản chất tự nhiên, tính tò mò của trẻ và nhu cầu tự do phát triển.
Điều này đòi hỏi ở người thầy lòng yêu trẻ và ý thức tự hoàn thiện. Yêu trẻ là phẩm
chất hàng đầu của nhà sư phạm, thậm chí quan trọng hơn kiến thức và lòng nhiệt tình.
Từ thực tế của nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây, với hàng loạt những
vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em ở các trường mầm non, những hành động xâm
hại, xúc phạm con trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Quan điểm giáo điều, thương cho
roi cho vọt, đã biến trường học thành một nơi áp chế với những hình thức kỉ luật, roi
đòn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam từ xưa và nó vẫn còn âm ỉ tồn tại
trong môi trường giáo dục. Trường trở thành “thiết chế” đối với trẻ em, nhà trường
không phải là nơi trẻ em thoải mái học tập mà là nơi để thầy giáo thuận tiện giảng dạy.
Chúng ta với những nội quy, quy định hà khắc bó buộc trẻ theo một quy tắc ứng xử
phù hợp với chuẩn mực đạo đức của người lớn mà quên rằng tâm lý lứa tuổi của chúng
hoàn toàn khác với chúng ta. Chúng ta cấm chúng đùa nghịch, nói chuyện, bắt chúng
ngồi im như một ông cụ…lâu dần, chúng trở nên trì trệ, năng lực trí tuệ chậm phát
triển, và quen dần với thói đạo đức giả, chúng mất dần đi chính kiến, tư tưởng, và chỉ
biết rập khuôn theo những gì người khác truyền thụ…Kết quả là bao thế hệ học trò khi
ra trường thiếu tính năng động, sáng tạo, thiếu cả sự tự tin, tự chủ…Và đây chính là
vấn đề mà cả xã hội đều quan ngại khi hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, cái mà xã hội cần là
nguồn nhân lực, nhưng đó không chỉ đơn thuần là con người với vốn kiến thức lý
thuyết giáo điều mà là những con người thích nghi với điều kiện sống của xã hội có
thể năng động, sáng tạo, hội nhập với thế giới.
Muốn đào tạo được lớp người như thế, có lẽ phải thay đổi từ phía người thầy.
Muốn vậy, trước hết Nhà nước cần chú ý hơn ở khâu đào tạo, chuẩn hóa, thay đổi từ
cách nghĩ, cách làm của cả bộ phận cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Điều
này không thể chỉ ngày một ngày hai có thể thấy được kết quả. Tuy nhiên, có thể chú ý
đầu tư vào đối tượng sinh ngành sư phạm, những con người sẽ trực tiếp gánh vác vai
trò trọng trách trong sự nghiệp đổi mới sắp tới của nước nhà.
Ba là, linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để người
học có thể học tập bằng phương pháp học tập chủ động. Phương pháp dạy học phải
phù hợp tâm lý học sinh. Kết hợp giữa các biện pháp thảo luận, tương tác, trao đổi,

phản hồi, bài tập dự án…làm thế nào để có thể phát huy được tính tự học của người
học, kích thích được hứng thú tìm hiểu, học tập. Một khi học sinh yêu thích việc học,
kiến thức sẽ dần được hình thành và khắc sâu vào trí não, chứ không chỉ là cách học
vẹt, học tủ như hiện nay.
- Thứ năm, giáo dục phải dựa trên sự phát triển tự nhiên và hài hòa.
L. Tolstoi xem đây là nguyên tắc chủ đạo và bao trùm vì mục đích sau cùng của
giáo dục là đào tạo những con người hội tụ đủ tố chất tốt đẹp: có kiến thức, kĩ năng và
quan trọng là có đạo đức. Trong mỗi con người đều chứa đựng một bản năng sống,
một nhân cách thiện tâm, và giáo dục là môi trường giúp phát triển tốt các bản năng
ấy. Hồ Chí Minh từng nói “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn – Phần nhiều do giáo dục mà

7


nên”. Điều đó cũng khẳng định, nếu môi trường giáo dục tốt chắc chắn sẽ tạo ra được
những nhân cách tốt và ngược lại.
Vì sao chúng ta cứ hay than phiền, học sinh bây giờ thiếu đạo đức? Hay cứ day
dứt vì sao bạo lực học đường cứ diễn ra khắp nơi với chiều hướng ngày càng gia tăng?
Vì sao học sinh lại mất đi ý thức cá nhân trong cuộc sống trong ứng xử, trong giao
tiếp?... Có lẽ, chúng ta phải tự nhìn lại phải chăng chính chúng ta đã góp phần tạo nên
những điều thay đổi như thế. Với một môi trường giáo dục chỉ chạy đua với kiến thức,
thiếu những sân chơi lành mạnh, thiếu môi trường sinh hoạt phù hợp, trẻ chỉ biết đến
trường học, và học.. Thầy thì phải chạy theo nội dung quá tải, phân phối chương trình
chưa phù hợp, thời lượng lên lớp phải đảm bảo cho các bước hợp lý…nên cũng chẳng
còn giờ đâu mà tích hợp, mà giáo dục đạo đức. Hơn thế cả mấy thế hệ nhà giáo ra đời
trong hoàn cảnh kinh tế thị trường của thời mở cửa, bản thân họ ít nhiều cũng bị tác
động, ảnh hưởng với lối sống thực dụng thiếu tình người, sống chạy theo lợi nhuận,
vật chất ít chú ý tự rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nhân cách…Thì thử hỏi, thầy như
thế, sẽ dạy trò ra sao? Người ta vốn hay nói thầy nào trò nấy đấy thôi….
Chúng tôi thiết nghĩ, để trẻ phát triển tự nhiên và hài hòa chính là cách tốt nhất

để hình thành những nhân cách tốt đẹp ở người học. Mang tình yêu thương con người
vạn vật, giúp cho trẻ cảm nhận bằng cảm xúc nhân văn, đánh thức ở trẻ bản năng thiện
mỹ đó mới là môi trường giáo dục cần thiết trong hoàn cảnh đổi mới, hội nhập hiện
nay. Và khi nền tảng giáo dục được xây dựng vững chắc thì càng lên cao, “ngôi nhà
giáo dục” chắc chắn sẽ vững bền.
Ngày nay nhìn lại, có thể nói rằng từ giữa thế kỷ XIX nhà sư phạm L. Tolstoi
đã xây dựng triết lí giáo dục giàu tính nhân văn với 5 nguyên tắc phù hợp; các nguyên
tắc đó tiếp tục được kế thừa, bổ sung qua nhiều thế hệ các nhà giáo dục thế giới . Như
một quy luật mang tính ngẫu nhiên nhưng tất yếu, hơn một trăm năm sau vào thập niên
cuối thế kỉ XX, Chủ tịch Hội đồng quốc tế về Giáo dục của UNESCO Jacque Delors –
một nhà giáo dục có uy tín, đã tổng kết thành 4 cột trụ (Four Pillar) nổi tiếng cho nền
giáo dục của thế kỉ XXI: 1) Học để biết (Learning to know), 2) Học để làm việc
(Learning to do), 3) Học để làm người (Learning to be) và 4) Học để biết cách cùng
chung sống (Learning to live together). Bốn trụ cột giáo dục này, thực ra, đã có nền
móng từ trong triết lí giáo dục của L. Tolstoi.
3. Kết luận
Mặc dù được hình thành cách chúng ta hơn 150 năm, nhưng những gì L.Tolstoi
tâm huyết, gửi gắm trong triết lý giáo dục của mình vẫn luôn luôn là thiết thực, nhất là
trong giai đoạn đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta có thể thấy, quan
điểm triết lí giáo dục tự do- giáo dục của lòng yêu thương mà L. Tolstoi sáng lập đã và
đang được vận dụng và phát huy ở nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Các
phương pháp và phương châm giáo dục tưởng như mới: lấy người học làm trung tâm,
đào tạo con người có năng lực, phát triển kĩ năng sống cho học sinh, nguyên tắc về sự
hài hòa…đã được ông tiến hành từ hơn hai thế kỉ trước và đạt được thành công hết sức
to lớn. Điều đó, khiến chúng tôi tin, với một đất nước có truyền thống nhân đạo như
Việt Nam, thì phương pháp giáo dục của L.Tolstoi hoàn toàn phù hợp có thể cho
chúng ta vận dụng được trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh hội nhập hiện
nay. Một khi giáo dục đi đúng hướng thì nó không chỉ cung cấp điều kiện để thế hệ trẻ
thích nghi với xã hội, mà còn cung cấp cho họ phương tiện để biến cải xã hội theo
hướng tốt đẹp hơn. Đó chính là điều chúng ta đều mong chờ, kì vọng và tin tưởng vào


8


viễn cảnh tươi sáng của nền giáo dục nước nhà trên hành trình đổi mới và hội nhập
quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Minh Hạc (2003), Về giáo dục, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
2. Bùi Minh Hiền (2013), Lịch sử giáo dục thế giới, NXB Đại học Sư phạm.
3. Vũ Thế Khôi (2010), “Triết lí giáo dục của lòng yêu thương”, in trong Tạp chí
Nghiên cứu Văn học, số 12
4. Phạm Thị Phương (2014), Nguyên lý tự do của L. Tolstoi như một đổi mới cho
giáo dục Việt Nam; Kỷ yếu hội thảo khoa học Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Trường Đại học Sư phạm Tp.
Hồ Chí Minh (12/2014), (trang 100-112).
5. L.Tolstoi (2010), “Về giáo dục quốc dân”, in trong Đường sống, NXB Tri thức,
Hà Nội.
Tóm tắt:
Lev Tolstoi không chỉ là nhà nghệ sĩ, nhà tư tưởng vĩ đại mà còn là một nhà sư
phạm lỗi lạc. Ông đã xây dựng nên và thực hành triết lí giáo dục tự do và triết lí ấy có
giá trị trường cữu. Trong bài viết này, chúng tôi không nhằm khẳng định tính tối ưu
của một quan điểm giáo dục, mà chỉ nhằm đề xuất một vài kinh nghiệm từ thực tiễn
giáo dục Việt Nam qua việc đánh giá triết lý giáo dục của Lev Tolstoi, ngỏ hầu góp
phần vào việc luận bàn, đánh giá và định hướng có thể áp dụng trong thực tiễn giáo
dục nước nhà.
Tác giả:
Đồng Thủy Thảo – Giáo viên trường THPT Vĩnh Thuận, Thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh
Thuận, tỉnh Kiên Giang; Học viên cao học ngành Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn
Văn và Tiếng Việt (Khóa 2015-2017).
Email: ĐT: 0919718794

Trần Thị Nâu – Bộ môn SP. Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ.

9



×