Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật
tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (Khảo sát
tại hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh)
Ngô Thị Bích Phượng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Công tác xã hội: 60 90 01 01
Người hướng dẫn : TS. Nguyễn Thế Huệ
Năm bảo vệ: 2013
97 tr .
Abstract. Trình bày những đặc điểm của người khuyết tật như độ tuổi, giới tính, tình
trạng hôn nhân, tình trạng khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Đó là những yếu tố
ảnh hưởng đến đến quá trình học nghề và tìm kiếm việc làm của người khuyết tật tại
hai cơ sở tư nhân trên địa bàn xã Yên Thắng và Khánh Thịnh huyện Yên Mô. Qua việc
khảo sát 100% số người khuyết tật bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu tại hai cơ sở tư
nhân trên địa bàn xã Yên Thắng và Khánh Thịnh, đi sâu nghiên cứu cách thức, phương
pháp dạy nghề và tạo việc làm của hai cơ sở tư nhân trên hai xã khác nhau. Mỗi một
cơ sở tư nhân có một cách thức cũng như hướng đi khác nhau trong quá trình dạy nghề
và tạo việc làm nhưng đều đem lại những hiệu quả nhất định. Cơ sơ Yên Thắng
chuyên về một nghề may mặc trong khi đó cơ sở tại Khánh Thịnh nhận nhiều loại hình
công việc hơn cho người khuyết tật. Tuy nhiên đó lại là những công việc không ổn
định và thu nhập của người khuyết tật còn khả năng lao động còn thấp. Từ thực trạng
trên, luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động tạo việc
làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình mà cụ thể là tại hai cơ sở
tư nhân Yên Thắng và Khánh Thịnh. Đề tài đã chỉ ra được vai trò vô cùng quan trọng
của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật hiện
nay đặc biệt là ứng dụng trong hai cơ sở tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện
Yên Mô.
Keywords.Công tác xã hội; Người khuyết tật; Việc làm
Content.
1. Lý do chọn đề tài
Nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu
bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt
động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội, Thủ tướng Chính Phủ
đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020. Theo đó mục tiêu
đề ra đến năm 2020, cả nước ta có 300.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn
khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Các hoạt động chủ yếu của
đề án để thực hiện mục tiêu trên là nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy,
học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật; dạy nghề/tạo việc làm phù
hợp cho người khuyết tật. Đề án thực sự đã đáp ứng được nhu cầu có việc làm của
đông đảo người khuyết tật Việt Nam.
“Được lao động, được có việc làm” không chỉ là một trong những nhu cầu cơ
bản mà còn là quyền của mỗi người. Việc làm cho người khuyết tật ngoài đem lại thu
nhập, tự chủ về kinh tế mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người khuyết tật.
Họ được tự khẳng định mình, hòa nhập cộng đồng, lạc quan, xóa tự ti và mặc cảm.Tại
nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật là một nhiệm vụ
không thể thiếu trong quá trình phục hồi chức năng và góp phần quan trọng giúp phục
hồi toàn diện cho bản thân người khuyết tật. Tạo việc làm là cả một quá trình cần được
xem xét kỹ từ khâu hướng nghiệp, dạy nghề, sắp xếp việc làm phù hợp với dạng tật và
khả năng lao động của người khuyết tật.
Yên Mô là huyện thuần nông, toàn huyện có 3.800 người khuyết tật, trong đó
độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm 63,8% trong tổng số người khuyết tật. Số lượng người
khuyết tật nhiều hầu hết nằm trong độ tuổi lao động, trong khi những hoạt động tạo
việc làm để đáp ứng nhu cầu cho người khuyết tật chưa nhiều và mới có một số cơ sở
tư nhân đứng ra tạo việc làm cho người khuyết tật. Hoạt động tạo việc làm cho người
khuyết tật ở huyện Yên Mô đang trở thành vấn đề rất cần thiết trong tình hình hiện
nay.
Chính vì lý do trên đã gợi mở cho chúng tôi thực hiện đề tài: “Hoạt động tạo
việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình” qua đó đưa ra
khuyến nghị và giải pháp giúp hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật đạt hiệu
quả cao hơn nữa.Luận văn giới hạn việc nghiên cứu hoạt động tạo việc làm cho người
khuyết tật tại 2 cơ sở tư nhân trên địa bàn hai xã Yên Thắng và Khánh Thịnh của
Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
2. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Để có được việc làm trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt và
nhiều áp lực với người bình thường đã khó nhưng với người khuyết tật - một trong
những nhóm người “yếu thế” của xã hội điều đó càng trở nên khó khăn hơn. Bởi yếu tố
khiến người khuyết tật không thể cạnh tranh trong quá trình tìm kiếm việc làm lại nằm
ở chính những khiếm khuyết mà họ đang mang trong mình. Nhưng hơn ai hết, người
khuyết tật là người có mong muốn được hoà nhập với cộng đồng để đóng góp vào sự
phát triển của xã hội một cách mạnh mẽ. Điều đầu tiên họ cần có việc làm, có thu nhập
để nuôi sống bản thân, giảm áp lực cho gia đình và xã hội. Việc làm không chỉ đem lại
niềm vui, thu nhập cho người khuyết tật mà còn là cầu nối giúp họ tự tin, hòa nhập với
cuộc sống. Vì vậy, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật luôn là vấn đề mang tính
thời sự và cần được sự quan tâm của tất cả các Quốc gia, dân tộc và mọi công dân trên
thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo điều tra của Tổ chức Lao Động Quốc Tế, ở Việt Nam, rất ít người khuyết
tật có việc làm và thu nhập ổn định, rất nhiều người vẫn phải làm những công việc phi
chính thức. So với các nhóm lao động khác, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm khuyết tật cao
hơn nhiều, lên tới 30%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội, tỉ lệ người
khuyết tật ở nông thôn là 87,27% trong tổng số người khuyết tật. Đa số người khuyết
tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo. Số người khuyết tật còn lại
trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động, nhưng trong số
này chỉ còn 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, chủ
yếu làm các nghề nông – lâm – ngư nghiệp có thu nhập thấp so với các công việc khác.
Từ thực trạng trên cho thấy vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết
tật cần được quan tâm nhiều hơn nữa để có thể giảm bớt áp lực cho gia đình, cộng
đồng và xã hội. Đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề này nên từ lâu dạy nghề/ tạo
việc làm cho người khuyết tật được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Bộ luật Lao động năm 1994 đã ban hành văn bản dành một mục riêng với bốn điều
quy định về lao động là người khuyết tật. Luật dạy nghề ban hành năm 2006 dành toàn
bộ Chương VII quy định dạy nghề cho người khuyết tật, với mục tiêu giúp họ có năng
lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm và tìm
được việc làm, ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề kỳ thị người khuyết tật vẫn diễn ra phổ biến trong
xã hội, nhiều người khuyết tật bằng nghị lực đã vươn lên, bằng mọi cách mong tìm
được công việc phù hợp nhưng cũng khó có việc làm ổn định.
Điều này cản trở việc hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật, do vậy cần phải có
những biện pháp để có thể giúp người khuyết tật được học nghề và có được việc làm,
tìm được chỗ đứng và khẳng định bản thân trong xã hội.
Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhau về vấn
đề việc làm cho người khuyết tật. Đặc biệt, vấn đề việc làm cho người khuyết tật đang
nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức trong và ngoài
nước. Qua những nghiên cứu, những hội thảo đã tập trung đưa ra nhiều vấn đề khác
nhau về việc làm cho người khuyết tật như việc thực hiện chính sách việc làm cho
người khuyết tật, hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật, các giải
pháp tạo việc làm cho người khuyết tật… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá
trình thực hiện vấn đề việc làm cho người khuyết tật như Luận án phó tiến sĩ khoa học
kinh tế của Đàm Hữu Đắc “Những biện pháp chủ yếu tạo việc làm cho người tàn tật ở
Việt Nam”. Luận án có cái nhìn cụ thể về sự cần thiết của việc làm đối với người
khuyết tật, nhu cầu được có việc làm của người khuyết tật, thực trạng việc làm của
người khuyết tật, đồng thời luận án chỉ ra những quan điểm cơ bản để tạo việc làm
hiệu quả phù hợp với sức khỏe, dạng tật và khả năng lao động của người khuyết tật.
Đặc biệt, luận án đã đưa ra những biện pháp chủ yếu để chăm sóc sức khỏe, phục hồi
chức năng lao động cho người khuyết tật, đào tạo, dạy nghề cho người khuyết tật trên
cơ sở quan điểm chung tay: Nhà nước/cộng đồng/gia đình cùng chăm lo đời sống, việc
làm cho người khuyết tật. Tạo việc làm cho người khuyết tật phải xã hội hóa, đa dạng
hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như sắp xếp việc làm cho người khuyết tật ở các
cơ quan hành chính sự nghiệp và ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ổn định và
phát triển các cơ sở kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật. Hỗ trợ, tạo điều kiện
cho người khuyết tật tự hành nghề. Ở cấp độ vĩ mô, luận án khuyến nghị Nhà nước
hoàn thiện luật pháp và chương trình, chính sách liên quan đến người khuyết tật. Xây
dựng và phát triển hệ thống tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật,
nâng cao nhận thức của xã hội về việc làm, đời sống cho người khuyết tật. Luận án đưa
ra một quy trình đồng bộ để giải bài toán việc làm cho người khuyết tật, mỗi một biện
pháp đều dựa trên quan điểm và cách nhìn nhận đúng đắn, thống nhất về vai trò, vị thế
của người khuyết tật trong xã hội vì vậy mỗi một giải pháp đều liên quan chặt chẽ với
nhau; để tạo việc làm thành công thì trước hết cần phải chăm sóc sức khỏe, phục hồi
chức năng rồi sau đó mới dạy nghề, những cơ sở sản xuất kinh doanh được tạo điều
kiện tốt nhất để có thể đáp ứng nhu cầu được học nghề của người khuyết tật. Sau khi
người khuyết tật được trang bị những kiến thức, kỹ năng hành nghề thì sẽ được sắp
xếp, bố trí việc làm phù hợp với dạng nghề được học. Luận án đã chỉ ra tỉ mỉ và chi tiết
những cách thức tạo việc làm cho người khuyết tật nước ta trên quan điểm đồng bộ
chung tay của Nhà nước, cộng đồng, gia đình và bản thân của người khuyết tật. Tuy
nhiên, đó là những giải pháp chung nhất để tạo việc làm cho người khuyết tật ở nước
ta. Trên thực tế của đời sống xã hội, ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền trên cả nước
đều có những đặc điểm khác nhau về địa lý, tự nhiên, về trình độ phát triển kinh tế,
văn hóa xã hội, về tập tục làm ăn, sinh sống. Bao nhiêu tỉnh thành là bấy nhiêu nền văn
hóa, bấy nhiêu phong tục tập quán, lối sống qua hàng nghìn đời nây, vì vậy việc áp
dụng mỗi giải pháp đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất lại phụ thuộc vào rất nhiều
yếu tố, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay. Nhưng việc thực thi chính sách, sự
quan tâm của mỗi cộng đồng, gia đình hoặc thậm chí ngay cả bản thân của những
người khuyết tật lại khác nhau. Trong giới hạn của đề tài, luận án đã đưa ra những giải
pháp rất cụ thể dành cho người khuyết tật ở nước ta nhưng những hoạt động cụ thể về
dạy nghề/ tạo việc làm ở từng địa phương có người khuyết tật được nghiên cứu lại
chưa được đề cập đến.
Chung tay với Nhà nước, cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, chương
trình trợ giúp người khuyết tật, năm 2006 với sự tài trợ của quỹ Ford, Viện Nghiên cứu
Phát triển Xã hội đã tiến hành một dự án nghiên cứu nhằm phân tích tình hình người
khuyết tật ở một số tỉnh có số người khuyết tật cao ở Việt Nam đó là: Thái Bình,
Quảng Nam, Đà Nẵng và Đồng Nai. Về mặt địa lý những địa phương này trải dài từ
miền Bắc qua miền Trung rồi đến miền Nam để tăng thêm tính đa dạng của chủ đề
nghiên cứu. Mục đích của dự án nghiên cứu này chính là đánh giá tình hình kinh tế- xã
hội mà người khuyết tật bao gồm cả những người có thể bị ảnh hưởng của chất độc da
cam. Nghiên cứu xác định những khó khăn và nhu cầu cần trợ giúp của họ đồng thời
cung cấp thông tin giúp cho việc hoàn thiện chính sách cũng như thiết kế những
chương trình hỗ trợ hiệu quả. Như vậy, dự án nghiên cứu đã cụ thể hơn, chi tiết hơn về
đời sống của người khuyết tật Việt Nam ở cả ba miền đồng thời tìm hiểu được những
nhu cầu của người khuyết tật. Dự án cũng chỉ ra tình trạng khuyết tật ảnh hưởng đến
việc có việc làm của người khuyết tật, tỷ lệ người khuyết tật không có việc làm ở 4 địa
bàn nghiên cứu. Tuy nhiên, dự án nghiên cứu mới đưa ra những kết quả chung nhất về
những khó khăn của người khuyết tật trong lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục,
dạy nghề và việc làm, chưa thực sự đi sâu vào một địa phương hay một lĩnh vực cụ thể
như tạo việc làm cho người khuyết tật.
Như vậy, những vấn đề nghiên cứu, dự án nghiên cứu về việc làm cho người
khuyết tật còn dừng ở cấp độ vĩ mô chưa có nhiều bài viết đi sâu vào những hoạt động
cụ thể về dạy nghề/tạo việc làm tại một địa phương có người khuyết tật. Chính vì thế,
luận văn tập trung đi sâu, làm rõ hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại hai cơ
sở của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
3.Ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn
3.1 Ý nghĩa khoa học
Nghiên cứu này đi sâu vào phân tích cho các lý thuyết xã hội học như: lý thuyết
hệ thống, lý thuyết nhu cầu để từ đó tìm ra cơ sở thực tiễn giải thích cho các lý thuyết.
Việc kiểm định những lý thuyết này sẽ góp phần đem lại một cái nhìn thực tiễn, đầy đủ
hơn với hệ thống tri thức của chuyên ngành công tác xã hội.
3.2 Ý nghĩa thực tiễn
Câu hỏi làm thế nào để người khuyết tật tự nuôi sống bản thân, tự tin hòa nhập
cộng đồng trong bối cảnh hiện nay luôn cần được cả cộng đồng tìm lời giải. Sự hỗ trợ
của cộng đồng thông qua các quỹ, các phong trào dường như mới dừng ở việc “cho
con cá” chưa phải “cho cần câu” do vậy vẫn chưa thực sự tìm được lời giải bền vững
nhất, lâu dài nhất. Người khuyết tật cần phải được dạy nghề và tạo việc làm để phát
huy hết khả năng và sự sáng tạo. Giai đoạn hiện nay, Yên Mô đang có những hoạt
động tạo việc làm cho người khuyết tật bước đầu đem đến những kết quả tích cực để
nhằm khắc phục tình trạng người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động, còn khả năng
lao động nhưng không có việc làm.
Nghiên cứu hướng đến tìm hiểu thực trạng hoạt động tạo việc làm cho người
khuyết tật tại huyện Yên Mô của chủ hai cơ sở tư nhân tại xã Yên Thắng và Khánh
Thịnh, từ đó giúp cho các cơ sở tư nhân đang có xu hướng tạo việc làm cho người
khuyết tật có thêm một số dữ liệu và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng những
hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật đồng thời chỉ ra vai trò của nhân viên
công tác xã hội trong hoạt động thực tiễn cụ thể nhất.
4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân thuộc huyện
Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
4.2. Khách thể nghiên cứu
Cơ sở tư nhân tạo việc làm cho người khuyết tật và người khuyết tật tại hai cơ
sở thuộc xã Khánh Thịnh và Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
5. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: Khảo sát được tiến hành tại hai cơ sở tư nhân trên địa bàn xã
Yên Thắng và Khánh Thịnh
Về thời gian: Khảo sát được tiến hành từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 11 năm
2013.
Về lĩnh vực nghiên cứu: Tìm hiểu thực trạng những hoạt động tạo việc làm cho
người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân Yên Thắng và Khánh Thịnh.
6. Câu hỏi nghiên cứu
- Thực trạng hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân
trên địa bàn hai xã?
- Những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động tạo việc làm cho người khuyết
tật tại hai cơ sở trên?
- Giải pháp nào cho hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên
Mô tỉnh Ninh Bình?
- Công tác xã hội có vai trò như thế nào trong cải thiện và thay đổi tình hình
hiện tại?
7. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
7.1 Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài nhằm tìm hiểu thực trạng của hoạt động tạo việc làm cho
người khuyết tật tại hai cơ sở tư nhân trên địa bàn huyện Yên Mô.
Trên cơ sở đó đề tài góp phần đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả
tạo việc làm cho người khuyết tật.
Đồng thời đưa ra vai trò cần thiết của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động
dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.
7.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Tìm hiểu về tình hình người khuyết tật tại hai cơ sở trên địa bàn xã Yên Thắng
và Khánh Thịnh
Tìm hiểu về thực trạng hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại hai cơ sở
trên địa bàn hai xã.
Từ đó tìm ra những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động tạo việc làm.
Đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tạo
việc làm cho người khuyết tật đặc biệt là vai trò của nhân viên công tác xã hội.
8. Giả thuyết nghiên cứu
-Hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật của hai xã được triển khai bằng
những cách thức khác nhau, ngành nghề khác nhau
-Phần lớn những người khuyết tật cho rằng hoạt động tạo việc làm tại hai cơ sở
có nhiều tác động tích cực và mang đến những kết quảtốt
- Khó khăn khi thực hiện hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật tại đây:
thị trường đầu ra cho sản phẩm, thiếu cơ sở hạ tầng, thời gian dạy nghề dài.
9. Phương pháp nghiên cứu
9.1. Phương pháp luận nghiên cứu
9.1.1 Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin
Chủ nghĩa Mác – Lênin giúp chúng ta có cách nhìn đúng đắn và toàn diện về
thế giới khách quan. Trong đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch
sử đã phát hiện những quy luật cơ bản thể hiện sự luận giải và là nguyên tắc cho nhiều
khoa học nói chung. Con người là một thực thể thống nhất giữa các yếu tố sinh vật và
xã hội, đồng thời: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá
nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những
quan hệ xã hội”. Bản chất con người theo quan điểm của Mác được hình thành và thể
hiện ở những con người hiện thực. Là những con người cụ thể sống trong những điều
kiện cụ thể, những mặt khác nhau tạo nên bản chất con người. Ngoài ra tất cả các mối
quan hệ xã hội đều góp phần hình thành nên bản chất con người. Các quan hệ này có vị
trí vai trò khác nhau nhưng không tách rời nhau mà tác động qua lại lẫn nhau. Từ đó
phát triển con người là một điểm mấu chốt để phát triển kinh tế xã hội.
9.1.2 Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta
Nhà nước luôn có những chính sách, chế độ tạo điều kiện thuận lợi cho người
khuyết tật có cơ hội có được việc làm thể hiện trong hiến pháp năm 1959, 1980 và
1992. Chính phủ cũng đã ban hành thông tư 51/Ttg ngày 17/5/1965, thông tư 202/CP
ngày 26/11/1966; nghị quyết 196/CP ngày 16/10/1972, quyết định 284/CP ngày
23/12/1974 và sau đó liên Bộ đã có nhiều thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể các
ngành, các cấp, các chính quyền địa phương về trợ giúp và tạo việc làm cho người
khuyết tật trong các nhà máy, cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, trong các hợp tác xã
và các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật. Chính sách đã đề
cập đến các vấn đề ưu tiên, ưu đãi cụ thể như: cấp đất đai nơi thuận lợi, việc hỗ trợ vốn
của Nhà nước để dạy văn hóa, dạy nghề; xây dựng nhà xưởng; mua sắm trang thiết bị,
máy móc; ưu tiên cung cấp vật tư, nguyên liệu; tiêu thụ sản phẩm; dành tặng mặt hàng
phù hợp; ưu tiên vay vốn Nhà nước với lãi xuất thấp; miễn giảm các loại thuế…Nhìn
chung người khuyết tật ở Việt Nam vào những năm trước 1990 về cơ bản mọi người
khuyết tật đều có việc làm trong cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, hoặc được sắp xếp
công việc thích hợp trong các loại hình hợp tác xã tập trung hay trong các cơ sở dành
riêng được Nhà nước bảo trợ; một số ít ở nhà giúp việc gia đình khi khó khăn được
Nhà nước hỗ trợ thêm.
9.2 Phương pháp nghiên cứu cụ thể
9.2.1 Phương pháp phân tích tài liệu
Là phương pháp thu thập thông tin qua những tài liệu sơ cấp và thứ cấp. Đây là
phương pháp đầu tiên tôi sử dụng trong luận văn nhằm nắm bắt được những thông tin
liên quan đến vấn đề, từ đó thấy được tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài. Nguồn
tài liệu như các công trình nghiên cứu, bài tạp chí, sách và các bài viết có liên quan
trên mạng internet.
9.2.2 Phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân
Phương pháp phỏng vấn sâu giúp chúng ta hiểu sâu về bản chất của những hoạt
động tạo việc làm cho người khuyết tật tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; những
thuận lợi, khó khăn trong hoạt động này tại hai cơ sở tư nhân.
Trong đề tài này, tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu 9 người khuyết tật tại 2 cơ sở
trên địa bàn xã Khánh Thịnh và Yên Thắng; 2 chủ sử dụng lao động khuyết tật, 2 cán
bộ Phòng lao động thương binh và xã hội huyện, từ đó làm rõ hơn vấn đề đang nghiên
cứu.
9.2.3. Phương pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi.
Cũng tuân theo những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng bảng hỏi, tuy nhiên
phương pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi có những yêu cầu tỉ mỉ và chi tiết hơn
như: tất cả các câu hỏi cần phải được diễn đạt sao cho khi đọc lên ai cũng hiểu được ý
nghĩ của nó và sẵn sàng cung cấp thông tin, việc trình bày cũng phải rõ ràng, sạch đẹp
để thể hiện sự tôn trọng đối với người được nghiên cứu.
Luận văn sử dụng phương pháp điều tra khảo sát qua phiếu trưng cầu ý kiến với
kích thước mẫu là 76 mẫu.
9.2.4 Phương pháp quan sát
Quan sát rất có giá trị khi nghiên cứu bản chất sâu lắng của hiện tượng, nghiên
cứu về những nguyên nhân, động cơ của những hoạt động, nghiên cứu về cơ cấu của
các mối quan hệ trong nhóm xã hội.
Trong luận văn, phương pháp quan sát được sử dụng để ghi lại những nguyện
vọng, mong muốn, mức độ hài lòng từ bản thân của người khuyết tật và của người sử
dụng lao động khuyết tật tại hai cơ sở Yên Thắng và Khánh Thịnh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đàm Hữu Đắc (1996), Những biện pháp chủ yếu tạo việc làm cho người tàn tật
ở Việt Nam, Luận án phó tiến sỹ khoa học kinh tế.
2. Eric Rosenthal và Viện quốc tế bảo vệ người khuyết tật tâm thần (12/2009),
“Quyền của trẻ em khuyết tật tại Việt Nam: Đưa luật pháp Việt Nam phù hợp
với công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật, UNICEF guidelines”
3. Vũ Thị Bích Hạnh, Nguyễn Thị Thúy Hành (2005), Tổ chức của người khuyết
tật- một phương thức góp phần phát triển chương trình phục hồi dựa vào cộng
đồng, Hà Nội.
4. Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội (2011), Báo cáo kết quả thực hiện Đề án
trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 – 2010
5. Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội (2013), “Tạo việc làm bền vững cho lao
động là đối tượng yếu thế”, Nhà xuất bản Lao động-Xã hội
6. Nguyễn Văn Đại –Trần Văn Luận (1997), Tạo việc làm thông qua khôi phục và
phát triển làng nghề truyền thống, Nhà xuất bản nông nghiệp
7. Trần Đức Lương (2001), “Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm chăm
sóc đến người tàn tật”, Tạp chí Lao động-xã hội.
8. Bùi Thị Xuân Mai, (2012), Nhập môn công tác xã hội, Trường Đại học Lao
động xã hội.
9. Hoàng Văn Nghĩa (2000), Thực hiện quyền có việc làm trong thời kỳ đổi mới,
Nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội.
10. Quốc hội, số 51/2010/QH12, Luật người khuyết tật, Cổng thông tin chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
/>1&mode=detail&document_id=29435
11. Phạm Văn Quyết – Nguyễn Quý Thanh (2011), Phương pháp nghiên cứu xã hội
học, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
12. Tổ chức Lao động quốc tế (2006) - Toàn cảnh về luật pháp và chính sách việc
làm cho người khuyết tật – Văn phòng Lao động quốc tế.
13. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) – Khuyến nghị số 111 về tái ứng nghề nghiệp
và vấn đề việc làm cho người khuyết tật.
14. Mai Thị Kim Thanh (2011), Giáo trình Nhập môn công tác xã hội, Nhà Xuất
Bản Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội
15. Trần Đình Tuấn (2010), Công tác xã hội lý thuyết và thực hành, Nhà xuất bản
Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
16. Nguyễn Quang Trạch (2005), Dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật,
Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
17. Liên Hiệp Quốc, Nghị quyết 3447 (XXXX) – Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
thông qua 9/12/1975 (2001), Tuyên bố về quyền của những người khuyết tật,
Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
18. Nguyễn Thị Hải Vân (2009), Tình hình thực hiện pháp luật và chính sách về
việc làm cho người khuyết tật, Cục việc làm- Bộ Lao động Thương Binh và Xã
Hội.
19. Dạy nghề/việc làm cho người khuyết tật Việt Nam (2008), Nhà xuất bản
Lao động xã hội.
20. Hồng Minh (2005), Tạo việc làm cho người khuyết tật – kinh nghiệm từ một dự
án quốc tế, Tạp chí Lao động- xã hội, số 264, tr.32-33
21. Tuấn Cường (2004), Định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách tạo việc làm cho người
khuyết tật tại Việt Nam, Tạp chí Lao động-xã hội, số 237, tr.32-37.
22. Ngô Thị Bích Phượng (2013), Người khuyết tật huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình,
Tạp chí Người cao tuổi, số 60, tr.26-27-28.
23. Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, (2008), Người khuyết tật ở Việt Nam, kết
quả điều tra xã hội tại Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng và Đồng Nai”, NXB
Chính trị quốc gia.
24. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội khóa XI (2006), Báo cáo kết quả giám
sát thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi, người tàn tật, dân số, Nhà
xuất bản Lao động-Xã hội, Hà Nội.
25. Văn phòng tư vấn hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (ODTA) (2007) – Việc làm cho
người khuyết tật, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Hà Nội.
26. Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009/10 (2010), Viện Khoa học Lao
động - Xã hội, Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG NƯỚC NGOÀI
27. Disaled-word.com/disability/statistics/,
“World
Facts
and
Statistics
on
Disability Issues”
28. Peter G.Szilagyi Peter G, (2005), “Health Insurance and Children with
Disabilities”
29. Who.int/topic/disabilities/en
30. http: //www.who.int/bullentin/archives/80(12)981.pdf
31. World Health Organization (2011) “World report on disability”
32. Wikipedia.org