Tải bản đầy đủ (.doc) (318 trang)

Lich su dang bo hoi nong dan thua thien hue

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.25 MB, 318 trang )

PHẦN MỞ ĐẦU
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nông dân Việt Nam đã sớm hình thành
một truyền thống yêu nước thiết tha, cần cù trong lao động sản xuất và kiên
cường trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Cùng với các thành phần cư
dân khác, nông dân nước ta đã lập nên những thành tích vẻ vang trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước để ngày hôm nay có được một non sông
thống nhất và tươi đẹp. Trên vùng đất Thừa Thiên Huế - vùng đất kể từ năm
1306 là một bộ phận của nước ta, biết bao thế hệ nông dân đã gắn bó chặt chẽ
với những thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nông dân Thừa Thiên Huế đã
cùng với cả tỉnh và cả nước phát huy cao độ những truyền thống quý báu của mình,
tin theo Đảng và từng bước đánh thắng giặc ngoại xâm và giặc đói nghèo. Trên quê
hương Thừa Thiên Huế, một nông thôn mới với sức sống mới đã và đang hình
thành ngày một vững chắc.
Công trình “Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh
Thừa Thiên Huế” đặt ra nhiệm vụ là biên soạn một cách có hệ thống những chặng
đường mà nông dân và Hội Nông dân trong tỉnh đã trải qua, phản ánh cụ thể lịch sử
xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của những người dân gắn bó với nông
thôn, ruộng đồng, tập trung vào thời kỳ 1930 - 2005. Từ đó, công trình nhằm mục
đích cung cấp cho người đọc, trước hết là nông dân, hội viên Hội Nông dân trong
tỉnh những hiểu biết về chính mình, nhận thức đầy đủ hơn vai trò của mình trong
quá khứ cũng như hiện tại. Trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống
yêu nước, đem hết trí tuệ và công sức của bản thân để phục vụ cho sự nghiệp xây
dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.
Căn cứ vào diễn biến cụ thể của lịch sử, công trình được thể hiện qua 6
chương và phần kết luận với các mốc phân kỳ phản ánh thực tế của phong trào
nông dân và Hội Nông dân trong tỉnh. Công trình được 5 thành viên cùng thực hiện
với sự phân công cụ thể như sau: Nguyễn Văn Hoa (chương III, mục I chương V và


kết luận), Lưu Thị Thanh Bình (chương II và mục II chương V), Cao Huy Hùng


(chương I và mục I, II chương IV), Huỳnh Ngọc Thanh (mục III, IV và V chương
IV) và Trần Văn Lập (chương VI).
Ban Biên soạn công trình trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện
thuận lợi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội
Nông dân Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Chân thành cảm ơn những ý kiến đóng
góp, xây dựng của các vị lão thành cách mạng đã gắn bó với nông dân và Hội Nông
dân qua các thời kỳ lịch sử. Chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu chuyên môn đã
có những ý kiến nhận xét về nội dung của công trình.
Mặc dù Ban Biên soạn đã rất cố gắng, nhưng những khiếm khuyết của công
trình là khó tránh khỏi. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên,
nông dân và bạn đọc để công trình được hoàn chỉnh hơn.
Huế, tháng 01 năm 2008
Chủ biên
TS.Sử học Nguyễn Văn Hoa


CHƯƠNG I
NÔNG DÂN THỪA THIÊN HUẾ TRONG LỊCH SỬ
(TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI)
I. VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI THỪA THIÊN HUẾ TRƯỚC NĂM 1306
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được khá nhiều dấu tích văn hóa thời
tiền sử trên đất Thừa Thiên Huế. Đó là những chiếc rìu, bôn đá tìm thấy ở các
xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Bắc Sơn, Hồng Bắc và Hồng Hạ (A Lưới), Lộc An
và Lộc Thủy (Phú Lộc), Hương Chữ (Hương Trà) và Phong Thu (Phong
Điền). Sưu tập công cụ rìu, bôn đá nói trên có niên đại cách ngày nay từ 3.500
năm đến 4.000 năm.
Bấy giờ, một bộ phận cư dân nguyên thủy trên đất Thừa Thiên Huế tiếp tục ở
lại địa bàn cũ ở vùng thung lũng, chân núi, bìa rừng, một bộ phận lớn khác dần dần
lan tỏa xuống khai phá vùng đồng bằng trước núi, ven sông. Do nhu cầu của việc
khai phá đất hoang và sản xuất nông nghiệp mà công cụ lao động không ngừng

được cải tiến, bổ sung. Bên cạnh công cụ đá, lúc bấy giờ cư dân ở đây còn dùng
xương thú và tre, gỗ để chế tác công cụ. Nhờ có sự tham gia của các công cụ tiến
bộ mà việc sản xuất không ngừng phát triển. Bên cạnh cây lúa, họ còn trồng các
cây lấy củ, cây ăn quả và rau dưa, bầu, bí v.v.. Trên cơ sở đó, nền nông nghiệp sơ
khai đã tiến dần lên nền nông nghiệp trồng lúa nước và hình thành nên những xóm
làng tiểu nông. Người nông dân từng bước cải biến những vùng đất hoang thành
ruộng lúa, nương khoai từ miền núi, thung lũng đến gò đồi và đồng bằng ven sông,
ven biển.
Tiến lên một bước, dân cư Thừa Thiên Huế thời kim khí đã có một cuộc sống
nông nghiệp định cư lâu dài. Công cụ lao động chủ yếu được chế tạo bằng sắt với
các loại rìu, cuốc, cày, liềm, dao, thuổng... Nhờ thế mà năng suất trong nông nghiệp
được tăng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của con người thuở ấy được cải thiện
và phong phú hơn.


Đến những năm đầu công nguyên, vùng đất Thừa Thiên Huế là một phần của
quận Nhật Nam, quận ở cực nam của bộ Giao Chỉ lệ thuộc các triều đại phong kiến
Trung Quốc. Trong hai thế kỷ đầu công nguyên, nhân dân quận Nhật Nam đã nhiều
lần nổi dậy trong các năm 39-43, 100, 137-138, 144, 155, tạo điều kiện thuận lợi để
người dân huyện Tượng Lâm - huyện ở cực nam của quận Nhật Nam (nay thuộc
Quảng Nam) đánh đuổi quan binh đô hộ, hình thành nước Lâm Ấp, tiền thân của
vương quốc Chăm Pa vào khoảng năm 190-193.
Năm 248, khi nổ ra cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống quân Ngô, Lâm Ấp
đã đưa quân tiến đánh huyện Thọ Lãnh, và nước Lâm Ấp về phía bắc đã ra đến
sông Gianh (Quảng Bình). Nhiều thế kỷ sau đó, tuy có lúc xảy ra chiến tranh nhưng
tình hình chung là vùng đất Thừa Thiên Huế trong lòng vương quốc Chăm Pa có
điều kiện phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Đến năm 1069, vùng đất từ sông
Gianh vào đến Cửa Việt thuộc về Đại Việt, Thừa Thiên Huế và một phần của
Quảng Trị trở thành vùng cực bắc của Chăm Pa. Khoảng thời gian sau đó, tuy còn
phải trải qua một quá trình tranh chấp dai dẳng giữa Chăm Pa và Đại Việt, nhưng

kể từ năm 1306, vùng đất nay là Thừa Thiên Huế đã trở thành một bộ phận của
nước Đại Việt.
II. NÔNG DÂN THỪA THIÊN HUẾ TỪ NĂM 1306 ĐẾN TRƯỚC
NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
1. Nông dân Thừa Thiên Huế dưới thời phong kiến
Mùa hè 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân xin dâng châu Ô và châu Lý để
làm lễ vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân, một dải đất từ bờ nam sông Thạch Hãn
đến bờ bắc sông Thu Bồn được sáp nhập vào lãnh thổ nước Đại Việt một cách hoà
bình. Qua đầu năm 1307, vua Trần cử Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào vùng đất mới
này tuyên dương đức ý của triều đình, đổi tên châu Ô làm châu Thuận, châu Lý làm
châu Hóa với ý nghĩa biến đổi bằng giáo hóa một cách thuận hòa. Đoàn Nhữ Hài đã
chọn cử người địa phương làm quan cai trị, chia cấp ruộng đất và tha tô thuế cho
dân 3 năm.


Buổi đầu cư dân Chiêm Thành vẫn là lực lượng chủ yếu sinh sống tại đây. Họ
sống rải rác ở vùng đồng bằng sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, vùng đầm phá
và ven biển, thành thạo nghề nông với các giống lúa Chiêm thích nghi chất đất
chua mặn. Ở các đầu nguồn và thung lũng phía tây là cư dân Pa Kô, Tà Ôi, Kơ Tu
chuyên về nương rẫy và săn bắt, thu hái sản phẩm của núi rừng.
Quá trình nhập cư của người Việt tại vùng đất mới Hóa châu diễn ra rải rác
trong thế kỷ XIV trong tình trạng cộng cư với dân Chiêm Thành bản địa, và đến
cuối thế kỷ, triều đình nhà Trần đã thành lập tại đây 7 huyện là Trà Kệ, Lợi Bồng,
Sạ Lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh với khoảng 40 làng, ấp, thôn,
trại, sách.
Trên 7 huyện dân cư còn thưa thớt và đất hoang vẫn nhiều hơn đất canh
tác, và cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn bởi cuộc chiến giành giật
đất đai do các vị vua Chiêm sau Chế Mân phát động. Cho đến năm 1391, khi
vua Trần Thuận Tông cử Lê Quý Ly đi tuần châu Hóa, xét định quân ngũ, sửa chữa
thành trì, vùng đất này mới ổn định. Vào năm 1402, Hồ Hán Thương cho sửa chữa

đường thiên lý từ Tây Đô (Thanh Hóa) đến châu Hóa, việc di dân từ phía bắc vào
Hóa châu lại tiếp tục, nhưng sau đó trong quá trình xâm lược nước ta, vào năm
1413 giặc Minh đã chiếm được Hóa châu, một ách đô hộ khắc nghiệt được áp đặt
lên toàn cõi Đại Việt. Chúng đặt ra đủ loại sắc thuế nhằm vơ vét tài sản của nhân
dân. Riêng về tô thuế ruộng đất, chúng nâng lên gấp 3 lần, do định 3 sào thành 1
mẫu. Xóm làng suy kiệt cả về nhân lực lẫn vật lực. Hai châu Thuận, Hóa bị sáp
nhập làm một châu Thụân Hóa, gồm 79 làng, 1.470 hộ và 5.662 khẩu dân đinh.
Trong hoàn cảnh đó, nhân dân Hóa châu đã tích cực hưởng ứng khởi nghĩa
Lam Sơn, giải phóng quê hương (1425). Bình Định Vương Lê Lợi trong bài dụ
tướng sĩ, quân lính Tân Bình, Thuận Hóa đã chỉ rõ:
“Giặc Minh vô đạo, trái mệnh trời, hung hăng hiếu chiến, hòng mở rộng mãi
đất đai, khiến cho sinh dân lầm than đã hơn hai chục năm rồi. Ngay ở kinh lộ của ta
cũng chưa thấy có ai dốc lòng hết sức, lập công nêu danh mà bọn các ngươi là bề


tôi ở chốn phên giậu biên cương lại biết nghĩ tới công sức của ông cha ngày trước,
hết lòng với vua mà đánh giặc, lập công trước. Lòng trung thành đó, thực đáng ngợi
khen” [1].
Sau khi lên ngôi năm 1428, vua Lê Thái Tổ đã cử các trọng thần vào trấn thủ
châu Hóa với nhiệm vụ bảo vệ vùng đất phía nam, ổn định đời sống nhân dân, tăng
cường việc di dân khai hoang và thành lập làng xã mới. Có thể xác định những
làng được thành lập vào đầu thế kỷ XV như Đa Cảm (nay là Mỹ Xuyên, Phong
Điền), Thanh Cần (Quảng Vinh, Quảng Điền), Triều Sơn (nay nằm trên địa bàn
các xã Hương Sơ, Hương Vinh, Hương Toàn thuộc huyện Hương Trà)...
Tháng 5-1469, vua Lê Thánh Tông định bản đồ các thừa tuyên trong cả nước.
Thừa tuyên Thuận Hóa được tổ chức thành phủ Tân Bình và phủ Triệu Phong.
Phần đất Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc 3 huyện Kim Trà, Đan Điền và Tư Vinh
nằm trong phủ Triệu Phong.
Sau chuyến chuyến bình định phương nam thắng lợi của vua Lê Thánh Tông
(tháng 2-1471), hưởng ứng chủ trương di dân của triều đình, một số quan quân

nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con từ các vùng quê phía bắc mà đa số là
Thanh Hóa, Nghệ An vào khai khẩn đất đai, lập thành những làng ấp
mới. Theo Hồng Đức bản đồ soạn năm 1490, 3 huyện thuộc phần đất Thừa Thiên
ngày nay gồm có: Kim Trà (22 làng, 20 thôn, 3 nguồn), Đan Điền (60 làng, 14
thôn, 4 sách, 1 nguồn) và Tư Vinh (69 làng, 1 thôn, 4 sách).
Làng mạc tăng trưởng, ruộng đồng mở mang, nhà cửa tài sản của dân được
gầy dựng và bảo vệ. Một sức sống mới đã nảy nở trên chặng đường tiến lên phía
trước của châu Hóa.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, kéo theo hàng loạt biến động
khắp cả nước. Một số gia tộc từ phía bắc lại di cư vào châu Hóa lập nghiệp. Đến
năm 1533, khi Lê Trang Tông mở đầu sự nghiệp trung hưng, ở Hóa châu đã có
khoảng 180 làng và 50 thôn, sách, nguồn, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu các
sông Bồ, sông Hương, sông Phù Bài, sông Nong, sông Truồi, sông La Ỷ và ven


đầm phá cũng như dọc theo đồi cát ven biển. Dân cư đại đa số làm ruộng mỗi năm
2 vụ (hè và thu). Ngoài ra, hầu như làng nông nghiệp nào cũng có nghề đánh cá ở
sông, đầm, bàu, ruộng. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm hơn hai vạn hecta là
một ngư trường tôm cá nước lợ thuận lợi cho dân ven bờ đánh bắt thủy sản. Rải rác
năm, ba làng thường có một chợ nhỏ để nông dân bán hàng tự sản, tự tiêu, chưa có
hoạt động mua bán tấp nập, chỉ trừ một vài chợ lớn như chợ Thế Lại, Lại Thị, Địa
Linh, Tây Thành, Đan Lương, Phò Trạch, Lại Ân. Hầu hết là những chợ dọc theo
ven sông, lợi dụng đường sông làm phương tiện chuyên chở. Nhìn chung nhịp sống
của nhân dân bình lặng, đơn sơ và đạm bạc.
Dương Văn An trong tác phẩm Ô châu cận lục viết năm 1555 đã viết về
vùng đất Thuận Hóa: “Đồng bằng làm ruộng nuôi tằm, miền biển làm nghề mắm
muối. Tôm cá đánh ở biển, hồ, không đâu không có. Gỗ củi lấy ở núi rừng, tùy
nhà dùng đủ. Xóm làng đông đúc, tiếng gà gáy chó sủa cùng nghe. Cỏ nước đầy
đủ, bầy trâu chăn thả khắp đồng. Trồng lúa thì vụ hè thường nhiều, vụ thu vẫn
ít. Trong ruộng công còn có ruộng khẩn riêng, ngoài thuế ruộng còn nhiều thuế

khác. Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc. Hạ tới mở tiệc tàng quy, ca
múa tưng bừng. Tháng tư, tháng năm, dưỡng lúa ngoài ruộng, quá kỳ vẫn chưa
thu hoạch. Tháng sáu, tháng bảy thả trâu giữa đồng, trải cả tuần không chăn
dắt. Mua bán thì tùy nơi đong lấy, tuy ba hộc lúa vẫn chẳng quá hai tiền. Gà gáy
lần ba, người người đi chợ. Mới đầu canh năm nơi nơi ra đồng. Cày thì kết cả đôi
trâu, mà cái cày đặt giữa. Bừa thì có dáng cái giường, mà người đứng ở trên. Nhà
tuy có nhiều thóc lúa, trong túi cũng không chút bạc vàng” [2].
Đáng quý nhất là đông đảo nhân dân, lúc bình thường thì sống chất phác,
thuận hòa, vui với cuộc sống nông nghiệp bình dị, nhưng lúc có biến cố thì anh
dũng, kiên cường, quyết hy sinh vì nghĩa lớn. Họ là những thế hệ tiên phong trong
xu thế mở cõi về phương nam, đã nỗ lực không ngừng làm chuyển biến vùng đất
biên cương trở thành làng mạc, đồng ruộng thanh bình. Đó là những nhân tố thuận
lợi cho Nguyễn Hoàng năm 1558 vào trấn thủ xứ Thuận Hóa có điều kiện để


phát triển dân sinh, củng cố thế lực, đưa vùng đất này tiến lên một giai đoạn phát
triển mới.
Tháng 11-1558, Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa. Nhân dân
các làng mạc ở huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) cùng một số quan lại, binh lính ở hai
tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã đi theo Nguyễn Hoàng lập nghiệp ở vùng đất mới.
Thừa Thiên Huế - Thuận Hóa trở thành đất dựng nghiệp của họ Nguyễn.
Công cuộc khai thác Thuận Hóa một cách quy mô được khẩn trương xúc tiến.
Quân dân Thanh Hóa, Nghệ An theo phò Nguyễn Hoàng cũng như đông đảo dân
nghèo ở phía bắc tự di cư vào Thuận Hóa từ nửa sau thế kỷ XVI cộng với lực lượng
dân cư tại chỗ đã trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện chính sách khai hoang
lập làng và làm nòng cốt trong xây dựng quân đội, chính quyền ở vùng đất mới.
Nhân dân được chia thành từng đoàn, được cấp lương thực và nông cụ, cho đi
các nơi khai phá đất hoang, lập thành những làng ấp mới. Theo quy định, ruộng đất
khai khẩn đặt thành ruộng đất công của làng ấp mới thành lập và dưới quyền sở
hữu tối cao của chúa Nguyễn. Hiện tượng tách lập làng mới trên cơ sở làng cũ diễn

ra khá phổ biến tại vùng đồng bằng, gò đồi, ven biển và đầm phá.
So với thời Lê - Mạc, diện tích ruộng đất và số lượng làng xã tăng lên khá
nhanh. Lê Quý Đôn trong tác phẩm Ô châu cận lục cho biết xứ Thuận Hoá vào nửa
sau thế kỷ XVIII có 2 phủ, 8 huyện, 1 châu với 882 xã, thôn, phường, giáp với 126.
857 người và 153.181 mẫu ruộng. Thừa Thiên Huế bấy giờ là ba huyện Hương Trà,
Phú Vang và Quảng Điền thuộc phủ Triệu Phong có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77
phường, 1 giáp, 1 châu và 3 sách.
Từ nửa sau thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, kinh tế nông nghiệp Thừa Thiên
Huế phát triển khá nhanh. Đầu thế kỷ XVII, giáo sĩ Bori vào đây đã nhận xét: “đất
đai màu mỡ và sinh lợi... hàng năm họ gặt lúa 3 lần”, và Lê Quý Đôn cũng cho biết,
trên các cánh đồng Đàng Trong nhân dân đã cấy đến 26 giống lúa nếp và 23 giống
lúa tẻ, nhiều loại lúa cấy được ở ruộng nước ngọt lẫn ruộng nước mặn; riêng “xứ


Thuận Hóa có nhiều ruộng mùa hạ, ít ruộng mùa thu; lúa mùa hạ gọi lúa mùa chính
(mùa mùa), lúa mùa thu gọi là lúa mùa trái” [3].
Năm 1669, sau khi đo đạc ruộng đất, chúa Nguyễn chính thức ban hành phép
thu thuế. Ruộng công, ruộng tư đều được chia làm ba hạng, đánh thuế ngang nhau:
mỗi mẫu ruộng hạng nhất nộp 40 thăng thóc (1 thăng = 20 lít), ruộng hạng nhì 30
thăng thóc và ruộng hạng ba 20 thăng thóc. Ruộng mùa thu và đất khô thì không
chia hạng, mỗi mẫu nộp 3 tiền.
Tháng 4 năm Bính Thân (1716), chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan huyện sức
cho các tổng, xã kê khai số mẫu, sào, thước, tấc ruộng đất công tư, ruộng chùa, đất
bãi, quan điền trang, quan đồn điền, ruộng tư các họ, bỏ hoang chưa khẩn... Tính cả
một xứ Thuận Hóa, thực ruộng được 153.181 mẫu 1 sào 5 thước 3 tấc. Riêng ở 3
huyện nay là Thừa Thiên Huế thì cụ thể như sau:
Huyện Hương Trà, ruộng đất cộng 33.287 mẫu 12 thước 4 tấc, trong đó trừ bỏ
hoang, rừng núi, cồn gò, tha ma 13.845 mẫu 5 sào 8 thước 8 tấc, thực còn ruộng đất
19.442 mẫu 1 sào 3 thước 6 tấc.
Huyện Quảng Điền, ruộng đất cộng 14.020 mẫu 4 sào 4 thước 1 tấc, trong đó

trừ bỏ hoang, tha ma, ruộng khô, đầm hồ 3.600 mẫu 8 sào 3 thước 3 tấc, thực còn
ruộng đất 10.419 mẫu 6 sào 8 tấc.
Huyện Phú Vang, ruộng đất cộng 39.574 mẫu 6 sào 4 thước 6 tấc, trong đó trừ
bỏ hoang, tha ma 11.540 mẫu 4 sào 4 thước 8 tấc 1 phân, thực còn ruộng đất
28.034 mẫu 2 sào 7 tấc 9 phân [4].
Kinh tế nông nghiệp vùng Thuận Hoá phát triển nhanh, chính sách thuế khoá
buổi đầu còn tương đối nhẹ nhàng nên đời sống nhân dân được đảm bảo. “Chợ
không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng”. Đó là
do chính sách cai trị nới sức dân của Nguyễn Hoàng và các đời chúa Nguyễn kế vị
đã thực hiện.
Từ năm 1765, khi quyền hành thực tế rơi vào tay Trương Phúc Loan, kẻ “bán
quan, buôn ngục, hình phạt và thuế má nặng nề” thì mâu thuẫn xã hội trở nên gay


gắt, cảnh thanh bình không còn nữa. Lê Quý Đôn cho biết riêng việc thuế khóa thì
“pháp lệnh rất phiền, nhân viên thu thúc rất nhiều, nên dân cùng nhà nghèo thường
khổ vì nộp gấp bội, mà trong thì ty lại, ngoài thì quan bản đường, bớt xén không
thể kiểm xét được” [5].
Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở đất Quy Nhơn. Dưới sự lãnh đạo
của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, nghĩa quân Tây Sơn đã nhanh
chóng phát triển, chiếm cứ gần một nửa đất Đàng Trong và cô lập Thuận Hoá. Năm
1774, quân Trịnh vượt sông Gianh và ngày 30-1-1775, chiếm Đô thành Phú Xuân.
Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng thân binh vượt biển vào Gia Định. Việp quận công
Hoàng Ngũ Phúc được kiêm lĩnh chức Trấn thủ xứ Thuận Hoá, bắt đầu thực hiện
chính sách để bình ổn tình hình như “chở thóc gạo đi đường biển và đường kênh để
cấp lương cho quân, cấm đoán cướp bóc, khoan miễn tô thuế, xét hỏi tật khổ, tìm
dùng người giỏi, tạm lấy người Thuận Hoá làm huyện lệnh”, thế nhưng họ Trịnh
vẫn không cải thiện được tình hình ở Phú Xuân bấy giờ. Đời sống của các tầng lớp
nhân dân cơ cực, kinh tế nông nghiệp sa sút. Mọi người dân đều hướng về phong
trào Tây Sơn với hy vọng sẽ thay đổi số phận của mình.

Sau khi quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân ngày 20-6-1786, nhân dân Thuận Hóa
đã phấn khởi đem hết sức mình xây dựng quê hương trong giai đoạn mới, trước hết
là tham gia quân đội “áo vải cờ đào” để lật đổ chính quyền phong kiến đã mục nát
ở Bắc Hà và đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh. Ngày 22-12-1788,
Nguyễn Huệ tổ chức lễ Tế Trời tại núi Bân, công bố chiếu lên ngôi, lấy niên hiệu là
Quang Trung, điểm binh và tiến ra bắc. Chỉ 40 ngày sau, Quang Trung đã oanh liệt
đại phá quân Thanh, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Nhà Tây Sơn trải qua hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh, nhưng hầu hết các
chính sách xây dựng đất nước đều do vua Quang Trung vạch ra và tổ chức thực hiện.
Chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn vẫn xây dựng trên căn bản “trọng nông”.
Ngô Thì Nhậm (1746-1803) đã thay mặt hoàng đế viết Khuyến nông chiếu, nêu rõ:
“những ruộng công tư trót đã bỏ hoang, dân lưu tán phải trở về nhận lấy để cày cấy,


không được để hoang, khiến cho những người thực cày cấy ruộng khác phải chịu thuế
khống. Các sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng phải xét số đinh hiện có bao nhiêu suất,
số điền hiện có bao nhiêu mẫu, ruộng hoang mới khai khẩn bao nhiêu mẫu, hạn trung
tuần tháng chín phải làm sổ xếp loại, đem nộp cho các quan; các viên này chuyển đệ
lên, đợi quan Khâm sai xét thực, sẽ châm chước mà đánh thuế cho công bằng. Xã nào
có ruộng bỏ hoang đã lâu mà không ai nhận, nếu là ruộng công, thì trách cứ vào các
viên chức sắc, các chủ hộ xã ấy, phải chiếu nguyên ngạch thuế ruộng mà nộp gấp đôi;
nếu là ruộng tư thì sung công, ngạch thuế cũng như ruộng công” [6].
Thời Tây Sơn, ngoài thuế, người nông dân không phải đóng thêm một khoản
nào nữa nên dốc sức làm ăn, lại nhờ công cuộc chiêu tập dân lưu tán, đẩy mạnh
việc khai hoang phục hóa mà xã hội dần dần ổn định, đời sống nhân dân dần dần
được cải thiện.
Năm 1792, vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn lâm vào suy yếu. Không lâu
sau, ngày 31-5-1802, Nguyễn Phúc Ánh lập đàn tế cáo trời đất ở cánh đồng làng
An Ninh về việc đặt niên hiệu Gia Long, mở đầu triều Nguyễn. Ngày 15-7-1802,
vua Gia Long chiếm được Thăng Long nhưng vẫn quyết định lấy Phú Xuân làm

Kinh đô cuả nước Việt Nam. Theo cách nhìn của vua quan triều Nguyễn, Phú Xuân
là “nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền nam miền bắc, đất đai cao
ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm;
đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn; sông lớn ngăn phía trước, núi
cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi”.
Kiến trúc Kinh thành Huế là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Đây là trí tuệ và công sức của cả dân tộc Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX. Hàng vạn
người lao động và thợ thủ công đã được điều từ nhiều nơi đến Huế trong năm 1805 để
xây đắp Kinh thành, trong đó đông nhất là người địa phương (4.421 người).
Năm 1831, vua Minh Mạng chia đặt từ Quảng Trị ra bắc thành 18 tỉnh, qua
năm 1832 tiếp tục chia đặt từ Quảng Nam vào nam thành 12 tỉnh. Cả nước bấy giờ
có 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Đầu năm 1835, triều đình đặt thêm 3 huyện ở phủ


Thừa Thiên là Phong Điền, Hương Thuỷ và Phú Lộc. Như vậy, đến thời điểm đó,
phủ Thừa Thiên có tất cả 6 huyện, kể từ phía bắc vào là: Phong Điền, Quảng Điền,
Hương Trà, Phú Vang, Hương Thuỷ và Phú Lộc.
Theo Đại Nam nhất thống chí được biên soạn dưới thời Tự Đức, huyện Phong
Điền có 5 tổng, 40 xã, thôn; huyện Quảng Điền có 5 tổng, 58 xã, thôn; huyện
Hương Trà có 6 tổng, 98 xã, thôn; huyện Phú Vang có 6 tổng, 90 xã, thôn; huyện
Hương Thủy có 5 tổng, 58 xã, thôn và huyện Phú Lộc có 4 tổng, 87 xã, thôn. Sáu
huyện có tất cả 31 tổng, gồm 431 xã, thôn, phường, ấp, giáp. Dân đinh ở Thừa
Thiên có 68.540 người, ruộng đất trong toàn phủ là 126.150 mẫu.
Trong phạm vi mỗi làng xã, đất đai được chia thành hai loại:
Công điền (ruộng làng) và công thổ (đất thổ trạch, tức là đất chiếm cứ bởi nhà
cửa và các loại đất dùng để trồng những loại cây khác cây lúa). Ruộng đất này triều
đình giao cho xã thôn sử dụng, là của công, xã thôn không được phép bán đi [7].
Phần lớn công điền công thổ thuộc vào hạng khẩu phân điền, theo định kỳ 3 năm
một lần chiếu sổ đinh trong làng mà phân cấp cho dân. Sự phân cấp này được thực
hiện bởi các hương chức, chiếu theo sổ đinh của làng, theo thứ tự ngôi thứ. Tất cả

mọi dân đinh trong xã, từ quan viên cho đến các hạng thấp nhất của bậc thang xã
hội đều được chia ruộng đất [8].
Tư điền tư thổ là đất riêng của tư nhân, do tư nhân trồng cấy và nộp thuế. Đất
đai này có thể được truyền lại cho con cháu, có thể đem mua bán, cầm cố.
Về thuế ruộng, vua Minh Mạng chia cả nước ra làm 3 khu vực, trong đó khu
vực I gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với mức thuế công điền, tư điền
như nhau: hạng nhất 40 thăng thóc/mẫu, hạng nhì 30 thăng thóc/mẫu và hạng ba 20
thăng thóc/mẫu.
Thuế ruộng đất phải nộp bằng hiện vật, nhưng triều đình cũng cho phép nộp
tiền thay thóc lúa vào những trường hợp như vận chuyển khó khăn và lâu, hay mất
mùa không đủ thóc [9].


Giá gạo biến đổi rất nhiều từ năm này qua năm khác. Thường thường những
lúc giao mùa là lúc nông dân gặp khó khăn, khi mà số gạo gặt được trong mùa
trước đã tiêu thụ hết, và phải chờ đợi số thu hoạch của mùa vụ sắp tới; lúc này là
lúc giá gạo lên cao. Nhưng nếu gặp thời tiết bất thường, giá gạo còn nhảy vọt cao
thêm, có thể lên đến gấp rưỡi hay hơn nữa từ tháng này qua tháng sau.
Nông dân khốn khổ phải đi vay, và phải vay với một phân lãi rất cao. Suất lãi
quá nặng chồng chất tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác, rút cục
nông dân không những mất ruộng mà còn bắt buộc phải cày cấy ruộng của mình và
hằng năm phải trả cho chủ nợ một khoảng địa tô.
Thừa Thiên Huế bao gồm cả Kinh đô nên thường được triều đình Huế chú ý
an dân, phát triển các mặt để tạo chỗ đứng chân vững chắc cho vương triều. Ở
đây các vua Nguyễn đã có những chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp, như
quân cấp khẩu phần lương điền cho quan quân, cấm mua bán ruộng đất công, ban
hành phép quân điền, cho lập địa bạ, lập kho Thường bình, lập Sở Tịch điền, đặt Sở
Diễn canh, lập Kho Bình thiếu, lập Sở Đồn điền và lập Đàn Tiên nông, giảm miễn
thuế mỗi khi mất mùa để dân có điều kiện sản xuất.
Lễ Tịch điền là một trong những cuộc lễ quan trọng có liên quan đến quốc kế

dân sinh dưới triều Nguyễn, qua đó nhằm khuyến khích nông dân chăm lo cày cấy.
Khi ban chỉ dụ về việc xây dựng khu Tịch điền, vua Minh Mạng đã nói: đời vua
xưa cày ruộng Tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao miếu, nhân thể để xét thời tiết
làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Hàng năm cứ
đến mùa hạ vào tháng thứ hai thì tiến hành lễ Tịch điền. Tại buổi lễ, nhà vua quay
về hướng nam, nhận chiếc cày từ quan Bộ Lễ và nhận roi cày từ quan đứng đầu phủ
Thừa Thiên, tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, có bốn vị bô lão chức sắc phụ tá. Đi
theo cày sau nhà vua có hoàng tử và quan Thượng thư Bộ Hộ mang thúng thóc vừa
đi vừa vãi giống. Sau nhà vua, các hoàng thân và quan chức tiếp tục cày. Đến khi
lúa chín, quan phủ Thừa Thiên trông coi việc gặt hái cùng với một viên quan Bộ


Hộ lựa chọn hạt giống tốt để chuẩn bị cho lễ Tịch điền năm sau, số lúa thu hoạch
được dùng cho các lễ tế.
Nhà nước còn coi trọng việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, đắp đập ngăn
mặn, đào kênh, khơi vét sông hói. Năm 1808, Gia Long đích thân xem xét việc đào
sông Dương Xuân. Năm 1814, Gia Long đến làng Thanh Thủy (Hương Thủy), thấy
ruộng đất bị nhiễm mặn liền cho gọi bô lão đến hỏi việc đào sông. Có người tâu:
“Đời xưa có ngòi lạch để phòng nắng lụt mà chứa lại hay tháo đi. Nay khai sông
này, thực lợi cho nông dân lắm”, vua bèn quyết định cho đào sông dẫn nước ngọt
về và làm thêm cửa đập Thần Phù để ngăn mặn. Lúc mới đào sông mang tên An
Cựu, đến năm 1821, Minh Mạng đổi thành sông Lợi Nông để nhắc lại mục đích
đào sông. Năm 1835, Minh Mạng cho đào sông Phổ Lợi (Phú Vang), từ sông
Hương theo đường sông này đến cửa biển Thuận An là 25 dặm, so với đường cũ có
thể bớt được 7-8 dặm. Sông được đào sâu, vừa có nước ngọt cho ruộng đồng, vừa
tiện cho việc đi lại của thuyền bè.
Sách Đại Nam nhất thống chí đã cho biết nhiều kênh mương và đê đập được
nạo vét và xây dựng dưới thời Gia Long và Minh Mạng, nhờ đó, diện tích canh tác
được mở rộng và sản lượng tăng lên đáng kể. Dẫu vậy, cho đến nửa đầu thế kỷ
XIX, công cụ chưa có những tiến bộ quan trọng và năng suất cây trồng vẫn còn

thấp. Kỹ thuật sản xuất phổ biến là dùng trâu, bò để kéo cày bừa. Để đưa nước vào
ruộng, nông dân dùng các nông cụ thô sơ, dùng gàu tát nước bằng tay hoặc xe đạp
nước bằng chân.
Thừa Thiên Huế ở nửa đầu thế kỉ XIX là đất Kinh sư nên thường được triều đình
ưu ái mỗi khi có hoạn nạn. Năm 1808, cư dân ở đây được giảm thuế vì gặp đại hạn.
Năm 1816, nông dân được triều đình cho mượn thóc vì giá gạo lên cao. Cũng vào năm
ấy, Thừa Thiên cùng một số tỉnh lân cận được giảm thuế thân và thuế ruộng 50%. Đến
tháng 11 âm lịch năm đó, vào lúc giá gạo lên cao, vua Gia Long đã truyền phát lúa
trong kho để bán cho dân. Năm 1833, vua Minh Mạng lệnh cho Phủ Doãn Thừa Thiên
là Trần Tú Dĩnh: “Kinh sư là nơi thủ thiện, người biết hiếu nghĩa. Nhưng người giàu


thường do các tai ương mà trục lợi”. Từ đó, việc đầu cơ gạo ở Thừa Thiên cũng bị hạn
chế, giá gạo cũng giảm. Năm 1836, vua Minh Mạng lại ra lệnh thuê dân đào vét các
dòng kênh để dân có công ăn việc làm và lệnh cho Phủ Doãn Thừa Thiên cho dân làm
việc đúng với giờ quy định, không được làm quá sức, trong khi xây công trình nếu có
phạm vào ruộng đất của dân đều phải đền bù v.v..
Đất Kinh sư mặc dù được ưu đãi hơn so với các địa phương khác nhưng đời
sống của cư dân vẫn cơ cực, vẫn phải chịu gánh nặng của thuế má, phu phen. Sự
phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc cùng với việc hình thành tầng lớp quý tộc và
tầng lớp bình dân, và trên đất Thừa Thiên Huế, người dân cảm nhận rõ rệt hơn sự
đè nặng của trật tự, đẳng cấp phong kiến.
Lên nắm chính quyền, Gia Long bắt nhân dân trả lại cho chủ cũ ruộng đất mà
trước đây phong trào Tây Sơn đã chia cho dân. Tô thuế quá nặng. Ruộng công mỗi
mẫu nộp từ 20 đến 40 thăng (1 thăng = 2 lít). Người dân đến tuổi trưởng thành còn
phải nộp thuế thân và đi lao dịch nặng nề. Trong khi vua chúa, quan lại sống xa hoa
thì nhân dân lao động lại thường thiếu đói, nhất là vào những năm xảy ra thiên tai,
dịch bệnh. Năm Giáp Thìn (1844), toàn tỉnh Thừa Thiên bị một trận bão lụt lớn.
Hàng nghìn người bị nước và gió cuốn trôi. Nông dân chết đói khắp đầu đường xó
chợ. Mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến ngày càng sâu sắc, dẫn đến

sự bùng nổ của hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân ngay từ thời vua Gia Long.
Năm 1805, người dân thiểu số nổi dậy đánh phá miền Tả Trạch, triều đình
phải cử Thống chế Phan Văn Đức và Lưu thủ Nguyễn Công Hoà đi đàn áp. Sáu
mươi người tham gia khởi nghĩa bị bắt, người cầm đầu bị giết chết, nhiều người
tham gia khởi nghĩa bị lưu đày. Năm 1810, dân tộc ít người ở Thừa Thiên lại nổi
dậy nhưng cũng bị triều đình đàn áp. Ngoài ra, triều Nguyễn còn đàn áp nhiều cuộc
nổi dậy của nông dân, như cuộc đàn áp ở Hương Trà năm 1832.
Nhìn chung, xã hội Thừa Thiên Huế vào nửa đầu thế kỷ XIX tuy có nhiều biến
đổi đi lên vì là vùng đất Kinh sư của nhà Nguyễn, nhưng vẫn bộc lộ những dấu hiệu
bất ổn chung của xã hội Việt Nam trước nguy cơ bị thế lực phương Tây xâm lược.


Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến
tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam. Nằm sát ở phía nam, sự chuẩn
bị cho cuộc kháng chiến của nhân dân Thừa Thiên và triều đình Huế ngày càng tích
cực và khẩn trương hơn.
Tháng 9-1858, triều đình Huế điều hai chiến thuyền và 150 lính về đóng giữ
cửa Tư Hiền (Phú Lộc) để phòng giặc, còn ở cửa biển Thuận An (Phú Vang), triều
đình Huế cho quân lấy xích sắt và dây sắt chắn ngang đề phòng quân Pháp tấn công
Kinh đô Huế. Một loạt các lũy đất được xây đắp ở Hy Du, Lộ Châu, Hải Trình,
Cồn Sơn, Hoà Duân v.v.. Đối với mặt đường bộ, ngoài Hải Vân Quan đã được tăng
cường phòng bị, triều đình Huế cho đắp thêm đồn ở hệ thống ải Hải Vân để ngăn
giặc Pháp, bảo vệ Kinh đô.
Trong khoảng thời gian này, kinh tế ở Thừa Thiên Huế cũng có những chuyển
biến quan trọng. Từ năm 1860, do thực dân Pháp đánh chiếm miền Nam mà việc
vận chuyển lúa gạo ra miền Trung gặp khó khăn, Thừa Thiên lại hay mất mùa,
thiên tai liên tục xảy ra nên dân chúng thường bị đói kém. Trước tình hình đó, triều
đình Huế đã lệnh cho các xã thôn trong phủ Thừa Thiên cứ 100 mẫu ruộng công
trích lấy 10 mẫu, giao cho xã dân cày cấy, thu hoạch làm kho chứa riêng gọi là “Xã
thương” để dành khi thiếu đem ra ban phát cho dân. Ngoài ra, công tác thủy lợi,

khơi sông, đắp đập ngăn mặn được triều đình chú ý và tiến hành liên tục trong
nhiều năm.
Tháng 2-1865, triều đình huy động hơn 600 người dân ở ba tổng Phú Ốc, An
Ninh, Long Hồ (Hương Trà) để khơi con sông cũ An Vân, mỗi dân công hàng ngày
được cấp một bát gạo và 40 đồng [10]. Tháng 3-1865, triều đình cho dân các xã An
Lưu, Sư Lỗ khơi vét dòng sông từ An Lưu đến sông Lợi Nông để lấy nước tưới
ruộng và tiện đường vận tải. Tháng 4-1867, việc khơi sông được tổ chức rầm rộ
trong toàn phủ. Triều đình cho đào vét sông Hương từ phía ngoài đến cầu Gia Hội
cùng các cửa cống ở Bao Vinh, vét sông Lợi Nông và sông Thuận Trực thuộc địa
phận xã Nghi Giang (Phú Lộc). Đến tháng 10-1868, tại các xã An Phú (Hương Trà),


Lương Điền (Phú Lộc) ruộng đất nhiều nhưng địa thế hơi trũng thấp, trước có dòng
sông chảy qua nhưng đã bị lấp, triều đình Huế bèn chi 1.500 quan cho dân phu khai
đào, lại đắp ụ đất, đặt cống để tùy lúc chứa nước hoặc tháo nước. Sau đó, triều đình
Huế còn tổ chức khai đào vét đường sông huyện Hương Trà từ cửa biển Nham Biều
đến xã Vân Cù, khai đường sông các xã Kim Đôi, Vân Trình (Phong Điền) thẳng ra
sông Vĩnh Định (Quảng Trị), vét sông Lợi Nông ở hai giáp Thanh Thuỷ Chánh và
Thanh Thuỷ Thượng (Hương Thủy), khơi đường sông ở các xã đoạn Thanh Hương
để tưới tiêu, đắp lại bờ biển ở Vinh Hiền (Phú Lộc) để ngăn mặn v.v..
Nói chung, “công tác thủy lợi ở Thừa Thiên Huế rất được chú trọng, triều đình
Huế phạt nặng các quan lại bê trễ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của
nhân dân. Như vào tháng 8-1874, đường sông ở Bao Vinh, Kim Đôi nhiều chỗ
nông cạn, triều đình Huế cho là quan địa phương không chịu thường xuyên xem xét
khơi đào, nên hai viên Tri huyện Hương Trà và Hương Thủy đều bị giáng một cấp
lưu lại làm việc, 3 viên quan ở phủ Thừa Thiên đều bị phạt 9 tháng lương” [11].
Việc khai hoang cũng được triều đình quan tâm. Tháng 5-1863, nhà vua cho
phép Biện lý bộ Hình Trần Đình Túc mộ người khai khẩn ruộng bỏ hoang ở phủ
Thừa Thiên và phong ông làm Doanh điền sứ phụ trách việc khai hoang. Đến tháng
4-1864, Trần Đình Túc cho mộ dân khai khẩn ruộng hoang ở địa phận xã Lương

Điền (Phú Lộc). Mỗi suất đinh được vay trước 20 quan tiền, khai hoang xong 6
năm sau mới bắt đầu tính thuế. Các ấp mới nhờ khai hoang mà được thành lập là
Quý Lộc, Mỹ Thuận, Lương Tri và Lương Sơn Tây. Tháng 7-1871, triều đình lệnh
cho quan phủ Thừa Thiên xem xét những đất bồi ở bên sông, coi chỗ nào cày cấy
được thì khuyến khích dân chúng khai khẩn cày cấy, người nào không đủ vốn thì
cho vay tiền công để khai khẩn nhằm đem lại mối lợi chung. Ngoài ra, triều đình
còn phổ biến cách thức chế xe nước bằng trâu kéo phỏng theo kiểu phương Tây để
tưới ruộng bị hạn vào tháng 2-1865.


Những biện pháp nói trên tuy phần nào đã góp phần cải thiện đời sống của đại
bộ phận cư dân là nông dân nhưng do phải liên tục gánh chịu nhiều thiên tai và dịch
bệnh trầm trọng mà cuộc sống của họ phải lâm vào cảnh cơ cực.
Từ đầu năm 1858, dịch bệnh phát ra ở Thừa Thiên và một số tỉnh miền Trung,
kéo dài đến gần giữa năm vẫn chưa chấm dứt khiến nhiều người dân bị chết, dân
tình hoang mang sợ hãi. Trước tình cảnh ấy, triều đình Huế đã cho các vùng bị dịch
được hoãn các thuế lệ và nghĩa vụ về ruộng đất. Qua năm 1859, bệnh dịch lại bùng
phát, kéo từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, thêm nhiều người dân bị chết. Đến năm
1862, ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị bị bệnh lệ khí kéo dài rất lâu, nhân dân
nhiều người bị nhiễm nặng. Tính đến tháng 7-1863, triều đình đã cấp tiền tuất cho
hơn 3.600 người chết vì bệnh lệ khí.
Cùng với dịch bệnh là thiên tai xảy ra dồn dập. Tháng 4-1859, mưa rét kéo dài
làm tổn hại gần 50% diện tích lúa, chỉ có lúa trổ muộn vào lúc khí trời tạnh ráo mới
không bị mất, làm cho giá gạo lên cao và nhiều người phải bỏ làng xiêu dạt đi nơi
khác kiếm sống. Năm 1864, mới tháng hai âm lịch mà ở Thừa Thiên đã bị bão tràn
vào, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân, và triều đình Huế đã tổ chức
quyên góp được 4.481 hộc thóc (1 hộc = 60 lít), đồng thời trích ở kho thóc thêm
5.368 hộc, chiếu theo số dân bị nạn mà cấp phát hoặc cho vay. Đến tháng 9 âm lịch
cùng năm, Thừa Thiên Huế lại bị gió bão mưa lụt rất lớn, nhà cửa đổ nát, dân
chúng bị chết rất nhiều. Triều đình cử quan lại đi phát chẩn cho dân và cho những

bần nông vay tiền và thóc (cứ mỗi mẫu ruộng được vay 1 quan tiền, một hộc
thóc). Đầu năm 1865, nạn đói lại xuất hiện, nặng nhất là vùng núi và đồng bằng
ven biển. Triều đình Huế đã lệnh cho quan phủ Thừa Thiên xuất 7.000 phương gạo
trong kho (1 phương = 30 lít), đem cho các hộ dân nghèo đói vùng ven núi và ven
biển vay tạm để qua cơn ngặt nghèo. Vào tháng 1-1868, nhiều xã thôn trong phủ bị
bão lụt tàn phá mùa màng nên dân chúng nộp thiếu tiền thuế cả năm là 985 quan
tiền, thiếu tiền vay của công là 1.860 quan. Phủ Thừa Thiên phải làm bản tấu trình


lên bộ Công và triều đình Huế, cuối cùng dân thiếu tiền thuế ở Thừa Thiên được
xét giảm bớt 50%.
Đã khổ sở vì thiên tai, dịch bệnh, nhân dân Thừa Thiên Huế còn phải gánh
chịu sự nhũng nhiễu, áp bức của một số quan lại, hoàng thân nhà Nguyễn và tay
chân của Sứ quán Pháp đóng tại bờ nam sông Hương. Chẳng hạn vào đầu năm
1871 triều đình Huế đã trừng trị hàng loạt các quan đứng đầu phủ Thừa Thiên vì tội
danh gây xáo động dân chúng trong hạt, để xảy ra nhiều vụ trộm cướp, kiện tụng,
thiếu sâu sát phong tục và đời sống của nhân dân, xảo trá, không chính trực.
Trong hoàn cảnh đó, làn sóng chống đối triều đình ngày càng dâng cao, tạo
nên nhiều cuộc khởi nghĩa trong cả nước, và riêng ở Kinh đô là cuộc khởi nghĩa
“Chày Vôi” (1866) bất thành.
Sau đó, trong ba ngày (từ 18-8 đến 20-8-1883), quân Pháp nổ súng tấn công
Thuận An, chiếm Trấn Hải, Hoà Duân, Cồn Sơn và Hạp Châu. Vua Hiệp Hòa
quyết định hòa nghị, ký với Pháp Hiệp ước Harmand ngày 25-8-1883, công nhận
sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam và người Pháp có quyền kiểm soát về
mặt ngoại giao của triều đình Huế. Từ đây, Việt Nam chính thức bị chia làm 3 kỳ
với chế độ lệ thuộc khác nhau. Thừa Thiên thuộc Trung Kỳ là đất bảo trợ, do triều
đình Huế trực tiếp cai trị.
Sau 4 tháng ở trên ngai vàng, vua Hiệp Hoà bị phế truất vì đi chệch đường lối
giữ nước của những người chủ chiến và nguyện vọng của nhân dân. Ngày 2-121883, hoàng tử Ưng Đăng làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Bộ
máy lãnh đạo triều đình Huế lại ngả về phía những người thuộc phái chủ chiến.

Đến ngày 6-6-1884, đại diện triều đình Huế và Patenôtre ký hiệp ước gồm 19
khoản. Theo đó, nước Đại Nam chịu nhận sự bảo trợ của nước Pháp. Các tỉnh Bình
Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá được sáp nhập trở lại Trung Kỳ… Hiệp ước
Patenôtre đánh dấu sự công nhận địa vị thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam
và chủ quyền của triều đình Huế chuẩn bị mất vào tay thực dân Pháp.


Ngày 2-8-1884, Ưng Lịch lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hàm Nghi.
Người Pháp đã phản ứng quyết liệt sự việc trên và cuối cùng dẫn đến sự kiện phái
chủ chiến trong triều đình Huế mở cuộc tấn công quân Pháp ở Kinh thành. Một giờ
sáng ngày 5-7-1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), quân triều đình bắt đầu tấn công và
đến 9 giờ sáng thì quân Pháp làm chủ tình thế, Kinh thành bị thất thủ. Binh lính và
dân chúng trong thành hoảng loạn tìm đường chạy trốn. Quân Pháp xông vào gặp ai
giết nấy, đốt phá khắp nơi, tiếng kêu khóc vang trời dậy đất. Chúng tự do cướp giật,
hãm hiếp, phá phách suốt 48 giờ. Toàn bộ kho tàng, báu vật trong cung điện bị
chúng thu giữ.
Từ ngày 18-8-1883 đến ngày 5-7-1885 là giai đoạn nhân dân Thừa Thiên Huế
trực tiếp đối đầu với quân đội xâm lược Pháp ngay trên Kinh đô Huế. Tuy chỉ rất
ngắn ngủi về mặt thời gian, song đây là giai đoạn kết thúc sự tồn vong của nền độc
lập dân tộc nói chung, của Thừa Thiên Huế nói riêng vào cuối thế kỷ XIX.
Sự biến ngày 5-7-1885 (23-5 năm Ất Dậu) là bản hùng ca bi tráng mà cha ông
ta viết lên trong quá khứ, mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh của mảnh đất Thừa
Thiên Huế nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung như là một cái mốc đau
thương về nỗi hận mất nước. Vì thế mà cho đến hôm nay nhiều người dân Thừa
Thiên Huế cũng như trong cả nước vẫn gọi đó là ngày “Quốc hận”, và lễ cúng “Âm
hồn” diễn ra phổ biến ở Huế (từ ngày 23 đến cuối tháng 5 âm lịch hàng năm) vẫn
còn lắng đọng âm hưởng của nỗi buồn mất nước ngày xưa [12].
2. Nông dân Thừa Thiên Huế dưới thời thực dân Pháp thống trị
Sáng ngày 7-5-1885, vua Hàm Nghi phải ra dần phía bắc. Hơn hai tháng sau,
ngày 19-9-1885 thực dân Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi vua. Tháng 3-1886, vị

vua bù nhìn này ra một đạo dụ và một bản cáo thị ca ngợi công lao của Pháp và lên
án nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Từ đây nhân dân Thừa Thiên Huế chịu sự thống
trị hà khắc của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai.
Ở thôn xã, việc điều hành tuy do quan lại Nam triều của phủ Thừa Thiên đảm
trách, nhưng thực dân Pháp cũng tìm cách can thiệp. Ngày 19-12-1935, vua Bảo


Đại ra đạo dụ về việc tổ chức cơ quan quản trị làng xã ở Trung Kỳ, quy định việc
bầu lý trưởng và các chức sắc khác của làng xã trong khuôn khổ “cải lương hương
chính” của Pháp.
Đồng bạc Đông Dương được lưu hành thay cho hệ thống tiền tệ cũ. Từ ngày
1-1-1899, tiền thuế từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận đều phải nộp bằng đồng bạc
Đông Dương. Vừa chịu sưu cao thuế nặng, người nông dân Thừa Thiên còn phải
chịu cảnh bất công trong quân cấp ruộng đất.
“Đại bộ phận ruộng đất trong vùng chúng tôi là ruộng đất công. Mặc dầu theo
quy định từ xưa thì ruộng đất phải được chia đều cho dân trong từng xã. Nhưng
những người có quyền thế ở nông thôn có cách chia đều mà lại rất có lợi cho họ. Đó
là chia đều về diện tích, tốt theo tốt, xấu theo xấu. Những người có quyền thế có địa
vị nhận phần trước, những người ít quyền thế hoặc không có quyền thế nhận sau và
người nhận sau cùng là dân thường được gọi là bạch đinh. Cứ như vậy, bao nhiêu
ruộng đất tốt, thuận lợi đều bị những người có quyền thế chọn hết, đến lượt dân
thường, chỉ còn lại ruộng đất cằn cỗi. Giá cho thuê một phần ruộng của quan viên
chức sắc lúc bấy giờ cao gấp hàng trăm lần phần ruộng đất của dân thường” [13].
Theo báo Tiếng Dân, vào năm 1916, “gặp lúc đói rét” [14], làng Vĩnh An
(Phong Điền) buộc phải đem 7 mẫu 6 sào ruộng công cầm cố cho ấp Khúc Lý lấy
950 đồng để cứu tế cho dân. Cũng theo báo này, dân làng Phù Ninh cũng điêu đứng
vì tình trạng “ruộng xấu thuế cao”: “Nguyên chúng tôi nghèo không có ruộng đất,
trong làng có xứ Trằm Việt và xứ Chiền Chiện có đôi vạt đất hoang, xin làng canh
tác làm ăn. Từ trước đến nay ai canh được ruộng trên núi, làng cũng chiếu lệ khai
vào tứ hạng điền cả. Năm 1932, nhân việc làm địa bộ, làng cho chúng tôi đứng khai

nghiệp chủ người một mẫu, kẻ năm ba sào. Nay phát trích lục, thấy ruộng của
chúng tôi liệt vào nhì hạng. Ở miền núi ruộng xấu mà thuế cao, làm không đủ bồi
thuế, nên không dám lãnh trích lục. Rất mong nhà nước xét lại”.
Bên cạnh việc nộp thuế quá cao cho địa chủ khi buộc phải làm rẽ vì thiếu ruộng
(phải nộp đến 50% sản phẩm thu hoạch được), người nông dân còn phải chịu thêm


cảnh đục khoét của một số lý trưởng cậy quyền cậy thế ức hiếp dân nghèo. Mười ba
người làng Phú Nông năm 1936 ký tên và điểm chỉ vào đơn kiện gửi cấp trên vì lý
trưởng làm trái phép, không cấp ruộng để canh tác nhưng vẫn bắt dân nộp thuế.
Từ sự bất công và cảnh sống cơ cực, nông dân Thừa Thiên đã nhiều lần vùng
lên tranh đấu. Một số cường hào ở Phù Ninh và Đông Dạ do mua chuộc được nhân
viên đạc điền đã chuyển ruộng công thành ruộng tư hoặc ruộng họ. Nhân dân trong
làng đồng lòng làm đơn kêu kiện lên huyện, lên tỉnh và cả Toà Khâm. Sau gần 8
tháng kiên trì, cuộc đấu tranh chống chiếm ruộng đất công giành được thắng lợi,
bọn cường hào phải trả lại ruộng cho làng.
Nông dân Thừa Thiên không chỉ kêu kiện lên trên mà còn tham gia tích cực
các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và chính quyền tay sai.
Sau khi Kinh thành Huế rơi vào tay quân Pháp, phái chủ chiến phò vua Hàm
Nghi ra dần phía bắc, ngày 13-7-1885 tại Sơn phòng Quảng Trị, vị vua yêu nước ra
dụ Cần Vương, làm bùng lên khắp cả nước nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp do
các văn thân, sĩ phu lãnh đạo.
Tại Thừa Thiên, tháng 8-1885, quan phủ thúc hối huyện Quảng Điền bắt dân đi
lính cho triều đình bù nhìn. Dưới tác động từ lời kêu gọi Cần Vương của vua Hàm
Nghi, Đặng Huy Cát đã phất cờ khởi nghĩa, nhanh chóng tập hợp các nghĩa sĩ ở hai
huyện Hương Trà và Quảng Điền, rồi cùng cháu là Đặng Hữu Bác đem quân ngăn
chặn việc bắt lính của triều đình, bắt giam luôn phái viên của huyện Quảng Điền.
Tiếp đó, con của Đặng Huy Cát là Đặng Hữu Phổ lại dẫn hơn 30 nghĩa quân
tập kích vào huyện nha Quảng Điền đóng tại làng Hạ Lang (Quảng Điền), phá nhà
ngục thả tất cả tù nhân bị giam ở đó, rồi truy bắt viên Bang biện huyện Quảng Điền

đem về nhốt tại đình làng Bác Vọng Đông. Nhân dân quanh vùng thuộc hai huyện
Quảng Điền và Hương Trà lập tức ủng hộ cuộc nổi dậy của cha con Đặng Huy Cát,
Đặng Hữu Phổ. Đến giữa tháng 8-1885, cha con Đặng Huy Cát và nhiều chỉ huy
nghĩa quân khác bị rơi vào tay giặc, lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng tan rã[15].


Vào những năm đầu của thể kỷ XX, Thừa Thiên Huế từng bước chuyển mình
bởi hoạt động của các sĩ phu yêu nước tiến bộ. Đây cũng là khoảng thời gian vùng
đất này gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do điều kiện học tập và
làm việc của thân sinh Nguyễn Sinh Sắc mà Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất
Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) có dịp sinh sống và học tập ở chốn Kinh thành.
Năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội nhưng không đỗ. Để
chuẩn bị cho kỳ thi sau, ông xin vào học trường Quốc tử Giám rồi trở về quê bàn
với gia đình, đưa vợ con vào để tiện việc học hành. Nguyễn Sinh Cung lúc đó mới
5 tuổi cùng với anh theo cha mẹ vào Huế.
Năm 1898, do thi Hội lần thứ hai vẫn không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc đã về
Dương Nỗ (Phú Vang) dạy học trong nhà ông Nguyễn Sĩ Độ. Ông mang theo hai
con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung để trực tiếp dạy dỗ và đỡ gánh
nặng cho người vợ (bà Hoàng Thị Loan vẫn ở tại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan).
Tại Dương Nỗ, Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán, chứng kiến cảnh lao động
của những người nông dân ở một làng quê chỉ cách Kinh thành chưa đầy 7 kilômét,
chuyên về làm ruộng tuy rất cần cù, chịu khó, một nắng hai sương nhưng cuộc sống
vẫn còn quá lam lũ. “Ba cha con ông Cử Sắc được gia đình ông Độ cùng bà con cô
bác chăm sóc chu đáo. Ông Cử Nghệ rất bận bịu với các học trò của nhiều lứa tuổi
và trình độ khác nhau. Tuy vậy, ông vẫn tranh thủ những lúc đêm khuya thanh
vắng để ôn luyện sách vở, quyết đi thi Hội lần nữa” [16].
Kỳ thi Hội khoa Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng.
Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành (tên mới từ tháng 9-1901) lại theo cha vào
Huế sinh sống và học tập. Triều đình cấp cho ông Phó bảng một căn hộ trong Dãy
trại để ở (nay thuộc số nhà 47 Mai Thúc Loan). Vài tháng sau, Nguyễn Tất Thành

bấy giờ đã 16 tuổi vào học lớp nhì niên khóa 1906-1907 và lớp nhất niên khoá
1907-1908 tại trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Kỳ thi Primaire năm 1908,
Nguyễn Tất Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất của trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba được thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học niên khoá 1908-


1909 tại trường Quốc học. Chính trong thời gian học tại Quốc học, Nguyễn Tất
Thành đã tích cực tham gia phong trào chống thuế của đồng bào Thừa Thiên Huế.
Phong trào chống thuế Trung Kỳ khởi sự từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vào
đầu tháng 3-1908 chẳng mấy chốc đã phát triển theo kế hoạch ra khắp tỉnh. Từ
Quảng Nam, phong trào tiếp tục phát triển ra phía bắc đến Thanh Hóa và xuống
phía nam đến Phú Yên.
Tại Thừa Thiên, phong trào bắt đầu khởi phát từ tháng 4-1908 tại một số làng
thuộc huyện Phú Vang và Hương Thủy.
Theo Châu bản triều Duy Tân, Nguyễn Hàng Chi (thường gọi là Khóa Nối),
người xã Ích Hậu, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), là người có quan hệ
với lãnh đạo phong trào chống thuế ở Quảng Nam đã lãnh nhiệm vụ đi phát động
phong trào ở các tỉnh từ Thừa Thiên trở ra. Trong vụ chống thuế, ông viết thông tri
gửi đi các nơi và đến Huế để cùng giới sĩ phu tiến bộ ở đây phát động phong trào.
Thông tri của Nguyễn Hàng Chi có đoạn như sau:
“Giặc Pháp mượn tiếng bảo hộ, ngược đãi dân ta thật đã quá lắm. Hàng năm
nộp xong sưu thuế rồi, mình không còn chiếc áo lành, bụng không được ăn cơm no,
đi nơi khác tìm ăn, khổ hết chỗ nói. Nếu không một phen đứng dậy tỏ tình kêu nài
thì sưu thuế hẳn còn tăng mãi. Dân ta mười nhà đã chín nhà rỗng không, khó lòng
gánh chịu được. Nếu cứ ngồi mà đợi chết, chi bằng vùng dậy để tìm lối sống” [17].
Những lời lẽ kích động như thế được viết và dán ở đình chợ Hôm và am miếu
dọc hai bên bờ sông Vân Dương.
Cũng như ở các tỉnh khác, kế hoạch của phong trào chống thuế ở Thừa Thiên
là tụ tập dân chúng kéo lên huyện rồi từ đó tiến vào Huế, biểu tình trước Tòa Khâm
sứ và Phủ Thừa Thiên.
Tuy nhiên, sự phát triển của phong trào ở Thừa Thiên không thuận lợi như ở

Quảng Nam vì Huế là trung tâm chính trị của Trung Kỳ. Chính quyền bảo hộ và
Nam triều không thể để cho biến động ở Huế kéo dài, ảnh hưởng đến uy thế chính
trị và có thể khuyến khích nhân dân các tỉnh khác đấu tranh mạnh hơn. Phong trào


ở Huế lại phát khởi sau Quảng Nam gần một tháng nên chính quyền ở Huế đã
chuẩn bị kế hoạch để đối phó ngay từ lúc mới khởi sự.
Ngày 9-4-1908, tại bãi cát Sa Trung thuộc làng Diên Đại, nằm giữa hai huyện
Phú Vang và Hương Thủy, nơi thuận tiện cho việc tập hợp nhân dân các làng Dạ
Lê Chánh, Vân Thê, Dưỡng Mong, Hà Trung, Mộc Trụ, đoàn người đã kéo lên Huế
theo đường chợ Sam và được dân chúng các làng lân cận tham gia ngày càng đông.
Hay tin nhân dân nhiều làng tụ họp và kéo nhau lên huyện, một đoàn quan
quân do Phủ doãn Trần Trạm, Tri huyện Phú Vang Bùi Hữu Chí và Phó quản Trần
Phán cùng một số lính tập liền đi hiểu dụ. Đoàn quan quân đến chợ Hôm thuộc làng
Công Lương thì gặp nhân dân. Tại đây, đoàn quan quân đã bị bao vây và Phó quản
Trần Phán, Tri huyện Bùi Hữu Chí ra lệnh đàn áp. Một xã dân tên là Nguyễn
Cưỡng trúng đạn chết. Dân chúng dùng đất đá đáp trả và xông lên bắt Phủ doãn
Trần Trạm để buộc cùng dân đi xin xâu. Tri huyện Hương Thủy vừa đến thì Phạm
Toản hô dân bắt trói. Đoàn Thuận cũng huy động dân trói Phó quản và Tri huyện
Bùi Hữu Trí, trong khi Lý trưởng Trương Hữu Hoàn cùng Đào Đa chặn đường
quan quân ở Vĩ Dạ không cho thoát lên Huế. Trần Phán suýt bị dân đem dìm nước.
Sự việc xảy ra ở làng Công Lương (làng quê của Ấm sanh Lê Đình Mộng, có
Lý trưởng Trương Hữu Hoàn rất tích cực và là nơi Khóa Nối Nguyễn Hàng Chi đã
nói chuyện về phong trào chống thuế ở Quảng Nam) lập tức lan truyền khắp tỉnh.
Ngay đêm mồng 10 rạng ngày 11-4-1908, nhân dân vùng phụ cận đã tụ họp ở các
làng Đốc Sơ, Dương Xuân, Đốc Bưu, An Hòa, An Cựu, Diên Đại và vùng sau núi
Ngự Bình để tờ mờ sáng tiến vào Huế theo từng nhóm nhỏ. Địa điểm tập hợp là
trước Tòa Khâm sứ. Hộ lý Bộ Lại De la Susse yêu cầu dân chúng hãy giải tán để
chờ Khâm sứ cùng Nam triều có thời gian thẩm xét các yêu cầu của dân chúng và
nếu không chịu giải tán, triều đình sẽ dùng biện pháp mạnh để đối phó, nhưng đoàn

biểu tình vẫn cương quyết ở lại để chờ quyết định của Tòa Khâm sứ. Thế là cuộc
đàn áp bằng gậy gộc bắt đầu. Vào lúc đó, một toán dân làng Công Lương đã gánh
Phủ doãn Trần Trạm trả về tỉnh. Thế là đoàn biểu tình kéo về phía Phủ Thừa Thiên.


×