BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
ĐẶNG THỊ BÍCH HỒNG
PHẢN TRINH THÁM
TRONG BỘ BA NEW YORK CỦA PAUL AUSTER
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 62.22.01.20
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn
GS.TS. LÊ HUY BẮC
HÀ NỘI - 2016
i
LỜI CAM ĐOAN
Đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn
của GS.TS. Lê Huy Bắc và sự góp ý của các nhà khoa học.
Những vấn đề được trình bày trong luận án là trung thực và
chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào.
Tác giả luận án
Đặng Thị Bích Hồng
ii
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi đã nhận được
sự động viên, giúp đỡ về mọi mặt của thầy cô, gia đình,
bạn bè, đồng nghiệp.
Lời đầu tiên, cho phép tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới
GS.TS. Lê Huy Bắc, người Thầy đã tận tình hướng dẫn,
chỉ bảo tôi những kiến thức quý giá trong suốt thời gian
học tập, nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội đã truyền đạt cho tôi nhiều kiến thức và
phương pháp nghiên cứu trong quá trình học tập và thực
hiện luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Trường Đại học
Hùng Vương, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn đã tạo
những điều kiện thuận lợi nhất để tôi học tập, nghiên cứu.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè,
đồng nghiệp đã luôn giúp đỡ, ủng hộ, động viên tôi
trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
Hà Nội, tháng 8 năm 2016
Tác giả luận án
Đặng Thị Bích Hồng
iii
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài .............................................................................................. 1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .................................................................... 3
3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu ....................................................................... 3
4. Phương pháp nghiên cứu.................................................................................. 4
5. Những đóng góp mới của luận án ................................................................... 5
6. Cấu trúc của luận án ........................................................................................ 5
Chương 1. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ...................................... 6
1.1. Những nghiên cứu về truyện phản trinh thám .............................................. 6
1.1.1. Tư liệu tiếng Việt ................................................................................. 6
1.1.2. Tư liệu tiếng Anh .................................................................................. 8
1.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Paul Auster ........................................... 12
1.2.1. Tư liệu tiếng Việt ............................................................................... 12
1.2.2. Tư liệu tiếng Anh ............................................................................... 14
1.3. Những nghiên cứu về Bộ ba New York ...................................................... 19
1.3.1. Tư liệu tiếng Việt ............................................................................... 20
1.3.2. Tư liệu tiếng Anh ............................................................................... 21
1.4. Những vấn đề đặt ra ................................................................................... 30
Chương 2. TRUYỆN PHẢN TRINH THÁM TRONG TIẾN TRÌNH THỂ LOẠI .. 32
2.1. Các hình thái truyện trinh thám .................................................................. 33
2.1.1. Truyện trinh thám cổ điển (The Classic Detective Fiction) .............. 33
2.1.2. Truyện trinh thám đen (The Hard– Boiled Detective Fiction) .......... 37
2.1.3. Truyện trinh thám chính trị (The Political Detective Fiction) .......... 40
2.1.4. Truyện trinh thám tâm lý (The Psychological Detective Fiction) ..... 43
2.2. Truyện phản trinh thám: bước phát triển mới của thể loại trinh thám ........ 45
2.2.1. Thuật ngữ phản trinh thám (anti–detective) ..................................... 45
2.2.2. Một số tác gia phản trinh thám tiêu biểu .......................................... 48
2.3. Từ trinh thám đến phản trinh thám: những vận động trong truyện kể ........ 56
iv
2.3.1. Những vận động trong bình diện nhân vật ....................................... 57
2.3.2. Những vận động trong bình diện cốt truyện ..................................... 62
Chương 3. HÌNH TƯỢNG THÁM TỬ ĐA DIỆN TRONG BỘ BA NEW YORK... 71
3.1. Thám tử trên hành trình giải mã điều bí ẩn ................................................ 71
3.1.1. Thám tử và các mối quan hệ đặc thù ................................................. 72
3.1.2. Mê cung trí tuệ – tính chất trò chơi trinh thám ................................ 80
3.2. Thám tử trên hành trình kiếm tìm bản ngã ................................................ 92
3.2.1. Bản ngã trong thế giới ngẫu nhiên ................................................... 92
3.2.2. Bản ngã qua gương chiếu tha nhân ................................................ 102
Chương 4. CỐT TRUYỆN PHẢN TRINH THÁM TRONG BỘ BA NEW YORK... 111
4.1. Siêu hư cấu như là nghệ thuật mờ hóa cốt truyện trinh thám .................. 112
4.1.1. Mô hình người kể chuyện nhiều tầng bậc ........................................ 112
4.1.2. Cấu trúc mở trong truyện kể ........................................................... 116
4.1.3. Quan hệ tác giả – tác phẩm và vấn đề tác quyền truyện kể ........... 122
4.2. Liên văn bản như là nghệ thuật đa tuyến cốt truyện ................................ 130
4.2.1. “Bộ ba New York” và câu chuyện ngôn ngữ .................................. 132
4.2.2. “Bộ ba New York” và câu chuyện văn hóa Mỹ .............................. 139
KẾT LUẬN ........................................................................................................... 147
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ .............................................. 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 152
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
i. Barry Lewis khi bàn về “Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương” đã
nhận định rằng: thể loại trinh thám là một trong những ứng viên cho tư cách
bạn đồng hành đúng nghĩa của hậu hiện đại bởi việc truy tầm những manh
mối, cám dỗ đứng song song, gần gũi với việc độc giả săn tìm ý nghĩa văn
bản. Các “luật lệ” của truyện trinh thám có khi trở thành chất liệu để nhà văn
viết nên những tác phẩm phản trinh thám. Spanos, người đầu tiên đề xuất
thuật ngữ phản trinh thám, nhận thấy mối quan hệ rõ ràng giữa hình thái văn
học này với lối tư duy hậu hiện đại. Cả chủ nghĩa hậu hiện đại và tiểu thuyết
phản trinh thám đều không đủ cơ sở để lý giải những sự việc xảy ra trong
cuộc đời theo mối quan hệ nhân quả.
ii. Paul Auster là một trong những nhà văn đương đại tiêu biểu trên văn
đàn Âu – Mỹ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Paul Auster đã thử bút trên
nhiều thể loại. Tuy nhiên, ở lĩnh vực tiểu thuyết, nhà văn thu được nhiều
thành công hơn cả. Ông là tác giả của các cuốn tiểu thuyết Bộ ba New York
(The New York Trilogy – 1987), Xứ sở của những vật cuối cùng (In the
Country of Last Things –1987), Moon Palace (Moon Palace – 1989), Nhạc
đời may rủi (The Music of Chance – 1990), Levithan (Leviathan – 1992), Ông
Vertigo (Mr. Vertigo – 1994), Vùng xa (Timbuktu – 1999), Sách của những
ảo giác (The Book of Illusions – 2002), Đêm sấm truyền (Oracle Night –
2003), Những hành động điên rồ ở Brooklyn (The Brooklyn Follies – 2005),
Lang thang trong phòng viết (Travels in the Scriptorium – 2006), Người trong
bóng tối (Man in the Dark – 2008), Vô hình (Invisible – 2009) và Công viên
Sunset (Sunset Park – 2010). Trong 14 tiểu thuyết này thì tác phẩm đầu tay là
sự hội tụ của 3 tiểu thuyết riêng lẻ: Thành phố thủy tinh (City of Glass –
1985), Những bóng ma (Ghosts – 1986) và Căn phòng khóa kín (The Locked
2
Room – 1986). Cũng từ bộ ba tiểu thuyết này, tên tuổi Paul Auster ngay lập
tức trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc Âu – Mỹ. Tác phẩm của Paul
Auster đã được dịch sang hơn 30 thứ tiếng khác nhau và thế giới vinh danh
ông bằng nhiều giải thưởng uy tín, trong đó giải thưởng văn học Price Asturia
mà Paul Auster đón nhận năm 2006 trước đó từng được trao cho Gunter Grass
(1999), Doris Lessing (2001), Arthur Miller (2002)... Riêng Bộ ba New York,
hai năm sau khi ra mắt độc giả, tác phẩm dành giải thưởng France Culture về
lĩnh vực văn học nước ngoài.
iii. Cũng trong bài viết “Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương”, Barry
Lewis khẳng định, cùng với Tên của đóa hồng (Umberto Eco) và Thám tử
Hawksmoor (Peter Ackroyd), Bộ ba New York (Paul Auster) là một trong ba
tác phẩm hư cấu trinh thám hậu hiện đại phổ biến nhất. Sau khi ra mắt công
chúng, bộ ba tiểu thuyết này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả
cũng như giới nghiên cứu phê bình. Họ gọi nó là “phản trinh thám”, là “tiểu
thuyết trinh thám siêu hình”, là “một biến tấu lạ lùng của thể loại trinh thám”,
một “hỗn hợp của trinh thám và tân lãng mạn”, “một trò chơi chắp hình bằng
thủy tinh”…
iv. Ở Việt Nam, những sáng tác của Paul Auster đang ngày một gần gũi
với độc giả. Từ năm 2007 đến nay, đã có 4 trong số 10 tiểu thuyết của ông
được dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên việc nghiên cứu về Paul Auster vẫn còn sơ
sài, đặc biệt, chưa có công trình khoa học nào đề cập đến nhà văn này với tư
cách một tác giả văn học trinh thám hậu hiện đại. Vì thế, chúng tôi lựa chọn
đề tài “Phản trinh thám trong Bộ ba New York của Paul Auster”.
v. Thực hiện đề tài, chúng tôi hướng đến xác lập cơ sở lý thuyết để phân
tích những độc đáo trong nghệ thuật tự sự phản trinh thám của Paul Auster, từ
đó khẳng định xu thế vận động của văn học trinh thám trong thời kỳ hậu hiện
đại. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng đề tài sẽ góp phần đưa tác phẩm của nhà
văn từng nhận nhiều giải thưởng danh giá của Mỹ và quốc tế cũng như
3
khuynh hướng sáng tác đang ngày một “bành trướng” văn đàn thế giới này
đến gần hơn với đời sống văn chương Việt.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những khía cạnh, biểu hiện phản trinh
thám trong Bộ ba New York của Paul Auster.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tiểu thuyết Bộ ba New York. Những
trích dẫn tác phẩm đưa vào luận án được chúng tôi trực tiếp dịch từ cuốn The
New York Trilogy của Paul Auster (Penguin Books, 2006), tham khảo bản
dịch Trần trụi với văn chương của Trịnh Lữ (NXB Phụ nữ, 2007). Ngoài ra,
đề tài mở rộng phạm vi tư liệu khảo sát đến những tác phẩm khác trong
trường hợp cần thiết.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
Đặt vấn đề “phản trinh thám trong Bộ ba New York”, chúng tôi khẳng
định truyện phản trinh thám là một bước nối tiếp, phát triển của thể loại văn
học trinh thám và hướng đến làm rõ những đặc trưng độc đáo trong nghệ
thuật phản trinh thám của Paul Auster. So sánh với những tiểu thuyết được
viết sau đó, luận án đồng thời cho thấy vai trò của Bộ ba New York trong việc
định hình phong cách sáng tạo của nhà văn.
Để đạt được mục tiêu này, luận án xác định ba nhiệm vụ cơ bản:
Thứ nhất, hệ thống hóa, giới thiệu tiến trình vận động, phát triển của thể
loại văn học trinh thám. Xuất phát từ thực tế bộ phận văn học phản trinh thám
hầu như chưa được dịch thuật, nghiên cứu ở Việt Nam, chúng tôi nỗ lực khái
quát diện mạo văn học trinh thám, nhấn mạnh sự khác biệt giữa trinh thám và
phản trinh thám qua những tác gia, tác phẩm tiêu biểu.
Thứ hai, khẳng định cách thức xây dựng hình tượng nhân vật thám tử
trong Bộ ba New York là một minh chứng rõ ràng của nghệ thuật phản trinh
thám. Các thám tử của Paul Auster lần lượt làm đổ vỡ những ảo tưởng của
độc giả về một người hùng bất khả chiến bại. Thám tử dịch chuyển từ hành
4
trình kiếm tìm thủ phạm sang hành trình kiếm tìm chính cái tôi của mình
trong một thế giới đầy rẫy sự ngẫu nhiên và bất định. Đây cũng sẽ là những
chủ đề sẽ trở đi trở lại trong nhiều tiểu thuyết của Paul Auster sau này.
Thứ ba, chỉ rõ nghệ thuật xây dựng cốt truyện phản trinh thám trong Bộ
ba New York như một chiến lược phủ định những nguyên tắc tưởng chừng bất
di bất dịch của cốt truyện trinh thám. Siêu hư cấu, liên văn bản là hai thủ pháp
nghệ thuật hữu hiệu giúp Paul Auster mờ hóa cốt truyện dramatic và gài vào
tiểu thuyết những câu chuyện bên ngoài khuôn khổ truyện trinh thám. Những
câu chuyện này đồng thời định hình phong cách tiểu thuyết Paul Auster trong
các sáng tác tiếp theo.
4. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài, chúng tôi phối hợp sử dụng các phương pháp cơ bản sau:
– Phương pháp loại hình: từ quá trình nhận diện sáng tác của các tác giả
văn học trinh thám tiêu biểu, luận án mô hình hóa các hình thái truyện trinh
thám trong tiến trình vận động thể loại, qua đó thấy được những đổi mới trong
cách thức tổ chức truyện kể từ trinh thám đến phản trinh thám.
– Phương pháp tự sự học: sử dụng những khái niệm công cụ của tự sự
học, chúng tôi đi vào phân loại, miêu tả, phân tích những phương diện cơ bản
của tự sự phản trinh thám trong Bộ ba New York. Từ đó, chúng tôi đánh giá
tác phẩm như một chỉnh thể của thế giới nghệ thuật mang tính quan niệm.
– Phương pháp so sánh: triển khai đề tài trong thế đối sánh giữa Bộ ba
New York với các tác phẩm trinh thám của những thời kỳ trước đó để chỉ ra
đặc thù của văn chương hậu hiện đại, với các tiểu thuyết sau này của Paul
Auster để chỉ ra phong cách nghệ thuật của nhà văn.
– Phương pháp nghiên cứu lịch sử – văn hóa: đặt Bộ ba New York trong
bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung để
chỉ ra tính dân tộc, tính nhân loại của tác phẩm, từ đó nhấn mạnh khả năng
phát triển của tiểu thuyết phản trinh thám trong thời kỳ hậu hiện đại.
5
5. Những đóng góp mới của luận án
Luận án giới thiệu, hệ thống hóa những nghiên cứu về thể loại văn học
trinh thám trong tiến trình vận động từ truyện trinh thám đến phản trinh thám.
Đặc biệt, trước luận án này, bộ phận văn học phản trinh thám hầu như chưa
được dịch thuật, nghiên cứu ở Việt Nam. Nỗ lực khái quát diện mạo văn học
trinh thám có thể trở thành tài liệu tham khảo cho những đối tượng quan tâm
đến thể loại văn học này.
Trên cơ sở lý thuyết, luận án thể nghiệm nghiên cứu một hiện tượng văn
học đương đại tiêu biểu và đa trị: tiểu thuyết phản trinh thám của Paul Auster.
Chúng tôi đưa ra một góc nhìn khác khi tiếp cận tính chất phản trinh thám
trong Bộ ba New York, đó là những phương diện cơ bản của tự sự học với các
thủ pháp thuộc về hư cấu hậu hiện đại, từ đó chỉ ra thế giới nghệ thuật đặc thù
trong sáng tác phản trinh thám của Paul Auster.
Qua sự khái quát lý thuyết và liên hệ mở rộng trong quá trình thể nghiệm
lý thuyết, chúng tôi khẳng định sự chuyển dịch vị thế của văn học phản trinh
thám từ khu vực văn chương đại chúng sang khu vực văn chương bác học
đồng thời chỉ ra khả năng phát triển của thể loại văn học này trong bối cảnh
hậu hiện đại.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận án được cấu trúc
thành bốn chương:
Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Chương 2. Truyện phản trinh thám trong tiến trình thể loại
Chương 3. Hình tượng thám tử đa diện trong Bộ ba New York
Chương 4. Cốt truyện phản trinh thám trong Bộ ba New York
6
Chương 1
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Những nghiên cứu về truyện phản trinh thám
Truyện trinh thám khởi nguồn từ Edgar Allan Poe nhưng mãi đến thế kỉ
XX các nhà phê bình mới thực sự chú ý đến thể loại này. Theo nhiều nhà
nghiên cứu, sự “lập thuyết” về thể loại văn học trinh thám được khởi đầu từ
năm 1928 với công trình của Van Dine: Hai mươi quy tắc xây dựng truyện
trinh thám (Twenty Rules for Writing Detective Stories). Đến năm 1972,
William Spanos đề xuất thuật ngữ “phản trinh thám” trong bài viết Thám tử và
giới hạn: vài lưu ý về hư cấu văn chương hậu hiện đại (The Detective and the
Boundary: Some Notes on the Postmodern Literary Imagination). Từ đó đến
nay, việc nghiên cứu về truyện phản trinh thám đã thu hút được sự quan tâm
của không ít học giả. Ở đây, chúng tôi tổng thuật tình hình nghiên cứu về
truyện phản trinh thám từ hai nguồn tư liệu tiếng Việt và tiếng Anh, tập trung
vào hai nội dung lớn: quan niệm về truyện phản trinh thám và đặc trưng cơ bản
của hình thái văn học này.
1.1.1. Tư liệu tiếng Việt
Tìm hiểu về truyện trinh thám trong diễn ngôn phê bình văn học Việt
Nam, chúng tôi thấy thể loại này chiếm một vị thế đáng kể. Nhiều công trình
nghiên cứu kinh điển về truyện trinh thám của các học giả nổi tiếng thế giới
đã được chuyển dịch sang tiếng Việt. Ngoài ra, không ít tác giả Việt Nam đã
trực tiếp đưa ra những luận bàn sâu sắc về văn học trinh thám. Tuy nhiên, hầu
như chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu hình thái truyện phản trinh
thám. Lê Huy Bắc là người duy nhất đề cập đến một nhánh phát triển của thể
loại văn học trinh thám trong bối cảnh hậu hiện đại với khái niệm giả trinh
thám (pseudo detective).
7
Bàn về giả trinh thám như một trong năm khuynh hướng chính của
văn chương hậu hiện đại, Lê Huy Bắc lập luận: các nhà văn hậu hiện đại nỗ
lực chống lại nguy cơ đại tự sự của những trạng thái tĩnh, vì vậy, họ
“thường đặt nhân vật của mình trên hành trình. Đối với con người hậu hiện
đại, mục đích của hành trình không bao giờ quan trọng bằng chính hành
trình. Do vậy, hành trình là tiêu chí tối thượng trong hành động nhân vật.
Nếu dừng lại, con người sẽ thỏa mãn và như thế ứng với mỗi chặng dừng
trên hành trình, rất có thể một đại tự sự được thiết lập. Do vậy, “đi” đồng
nghĩa với tạo lập những tiểu tự sự trên đời” [13,89-90]. Trong khi đó,
“Truyện trinh thám đặt nền tảng trên “hành trình”, trên một tình huống một
sự việc li kì, bí ẩn nào đó, thường liên quan đến một vụ án” [13,90]. Khi
nhà văn hậu hiện đại sáng tạo bằng con đường giả trinh thám, theo Lê Huy
Bắc, “thực chất họ ‘giả cốt truyện’ hoặc ‘giả nhân vật trinh thám’. Họ giữ
nguyên mục đích truy tìm vốn là bản chất của truyện trinh thám, nhưng lại
thay đổi mục đích truy tìm bằng cách đan cài vào đó nhiều chủ đề, nhiều
tuyến cốt truyện. Mục đích là tái hiện sự hỗn độn của cuộc sống, sự mù mịt
không có lối thoát khi thám tử tham gia vào cuộc truy tìm, và trong đa số
trường hợp, trinh thám hậu hiện đại đặt mục tiêu là trinh thám ngay chính
cái tôi bản thể con người” [13,90].
Không đặt vấn đề thuật ngữ nhưng trong bài viết của mình, Lê Huy Bắc
đã kiến giải sự gần nhau giữa truyện giả trinh thám và văn chương hậu hiện
đại. Tác giả nhấn mạnh các biểu hiện của giả trinh thám trong thực tiễn sáng
tạo. Về bản chất, “giả trinh thám” đồng nhất với “phản trinh thám”. Các học
giả phương Tây sử dụng đồng thời hai thuật ngữ này khi bàn về một xu hướng
vận động mới của văn học trinh thám. Ở đây, chúng tôi lựa chọn thuật ngữ
“phản trinh thám” vì nó đã được các nhà nghiên cứu sử dụng rộng rãi khi nói
về bộ ba tiểu thuyết đầu tay của Paul Auster.
8
1.1.2. Tư liệu tiếng Anh
Truyện trinh thám trong sáng tạo và phê bình văn học phương Tây vẫn
đang trong quá trình vận động và trở thành một bộ phận không thể tách rời của
văn chương hậu hiện đại. Tổng quan tình hình nghiên cứu về truyện trinh thám
ở mảng tư liệu tiếng Anh, chúng tôi thấy những quan điểm luận bàn về thể loại
văn học này vẫn không ngừng được bổ sung, mở rộng theo những biến đổi của
thực tiễn sáng tạo. Theo đó, những nghiên cứu về truyện phản trinh thám đã tạo
ra sự biện giải mới về thể loại trong lịch sử phát triển của nó.
Trong công trình Tự quy chiếu như là siêu hư cấu trong tiểu thuyết trinh
thám (Self–Referentiality as Metafictionality in Detective Fiction), Malcah
Effron xác định: minh chứng quan trọng của sự tự quy chiếu trong tác phẩm
trinh thám nằm ở nghệ thuật tự sự. Nó khám phá mối quan hệ giữa giới hạn
hiện thực và giới hạn hư cấu. Về bản chất của hiện thực, tác giả quan niệm:
“Hình thức tự quy chiếu phát lộ bản chất của hiện thực là một điều bí ẩn mà
thể loại văn học trinh thám không (và có lẽ không thể) lý giải” [106,ii]. Công
trình của Malcah Effron không đề cập đến thuật ngữ “phản trinh thám” nhưng
chúng tôi cho rằng, quan niệm về hiện thực như vậy cũng tức là đặt truyện
trinh thám ra ngoài truyền thống vốn có của thể loại. Nói cách khác, truyện
trinh thám được tác giả soi ngắm từ bối cảnh văn chương hậu hiện đại.
Trong cuốn “Chủ nghĩa hậu hiện đại quốc tế: lý thuyết và thực tiễn văn
học” (International Postmodernism: Theory and Literary Practice), Hans
Bertens công bố bài viết Trinh thám (The Detective). Thực tế, công trình này
là sự lược thuật của Hans Bertens về những nghiên cứu phản trinh thám. Kết
nối tên cuốn sách, tên bài viết và nội dung bài viết, có thể khẳng định, Hans
Bertens đồng nhất khái niệm “phản trinh thám” với “trinh thám hậu hiện đại”.
Tác giả đặt vấn đề bằng cách dẫn lại quan điểm của Brian McHale về sự
phân biệt tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại. Trong công trình Tiểu thuyết
9
hậu hiện đại (Postmodernist Fiction), Brian McHale cho rằng: tiểu thuyết hiện
đại chủ yếu liên quan đến những vấn đề nhận thức luận thông qua sự truy vấn
ráo riết các câu hỏi “Làm thế nào tôi có thể giải thích thế giới mà bản thân tôi
là một phần trong đó? Và tôi là gì trong chính cái thế giới ấy?” [93,195], tiểu
thuyết hậu hiện đại hướng sự quan tâm tới những vấn đề có tính chất bản thể
học và cái chủ đề gần như là duy nhất ấy xoay quanh các câu hỏi: “Đó là thế
giới nào? Những gì sẽ được thực hiện trong thế giới ấy? Cái tôi nào của tôi sẽ
tham dự vào đó?” [93,195]. Tác giả tuyên bố tiểu thuyết khoa học – thể loại
bản thể học tiêu biểu là đại diện của chủ nghĩa hậu hiện đại và tiểu thuyết
trinh thám – thể loại nhận thức luận tiêu biểu là đại diện của chủ nghĩa hiện
đại. Tuyên bố của McHale đồng thời hé lộ một phả hệ làm nên mối quan hệ
giữa tiểu thuyết trinh thám và chủ nghĩa hiện đại.
Năm 1971, Michael Holquist chỉ ra rằng, cái gọi là thời kỳ hoàng kim của
văn học trinh thám với nghĩa “những câu chuyện trò chơi thuần túy, suy luận
thuần túy, được nối tiếp bởi Edgar Poe, Conan Doyle, Agatha Christie”
[93,196] lại trùng khớp một cách kỳ lạ với thời kỳ cực thịnh của chủ nghĩa hiện
đại. Tuy nhiên, nếu McHale nhìn thấy mối quan hệ trực tiếp giữa tiểu thuyết
hiện đại và tiểu thuyết trinh thám thì Holquist lại tuyên bố một mối quan hệ
ngược: tiểu thuyết hiện đại thuộc về khu vực văn học bậc cao và ngược lại, tiểu
thuyết trinh thám thuộc về khu vực văn học bậc thấp. Trong bối cảnh chủ nghĩa
duy lý đứng trước những đe dọa nghiêm trọng, người trí thức – đối tượng trải
nghiệm đầu tiên và sâu sắc nhất những đổ vỡ của thế giới – sử dụng thời gian
của mình cho các tác phẩm của cả James Joyce lẫn Agatha Christie. Lập luận
của Holquist hướng tới mục đích lật đổ sự hợp lý ưu việt và vị trí tối thượng
của thể loại văn học trinh thám. Ông đưa ra thuật ngữ truyện trinh thám siêu
hình (metaphysical detective story) và nhận diện điểm khác biệt của tiểu thuyết
trinh thám hậu hiện đại là sự giảm thiểu khả năng nhận thức luận của thể loại
10
bằng việc áp dụng thái độ phi mục đích luận. Nó từ chối “có một kết thúc gọn
gàng, nơi tất cả các vấn đề đều được giải đáp” [93,197].
Một năm sau khi Holquist công bố quan điểm của mình về sự hoán vị
hậu hiện đại của tiểu thuyết trinh thám, William Spanos tiếp tục chủ đề này
qua bài viết Thám tử và giới hạn: vài lưu ý về hư cấu văn chương hậu hiện
đại (The Detective and the Boundary: Some Notes on the Postmodern
Literary Imagination). Cũng ở đây, tác giả khai sinh thuật ngữ truyện phản
trinh thám (anti–detective story). Phản trinh thám thể hiện tập trung ở sự từ
chối xây dựng tác phẩm theo quan hệ nhân quả với mô hình mở đầu, trung
tâm, kết thúc.
Gần với cách tiếp cận của Holquist và Spanos, Stefano Tani trong Thám
tử bị kết tội: đóng góp của tiểu thuyết trinh thám vào văn xuôi hậu hiện đại
Mỹ và Ý (The Doomed Detective: The Contribution of the Detective Novel to
Postmodern American and Italian Fiction) quan niệm tiểu thuyết phản trinh
thám “đi ngược lại những mong đợi của độc giả và thay thế nhân vật thám tử
như những hình tượng trung tâm bằng việc gia tăng sự giải tâm và hỗn độn
vào điều bí ẩn” [93,197]. Đặt trong mối quan hệ với truyền thống thể loại văn
học trinh thám, Tani chỉ ra sự phá vỡ cấu trúc thể loại của một nhánh tiểu
thuyết mà ông gọi là phản trinh thám siêu hư cấu (metafictional anti–
detective novel). Điểm nhấn trong ý tưởng của Tani là truyện trinh thám với
một giải pháp không phải dựa trên công lý.
Không nằm trong sự lược thuật của Hans Bertens về nghiên cứu thể loại
văn học trinh thám nhưng ở bài viết Cấu trúc bất biến và linh hoạt của Major
và truyền thống phản trinh thám (Major’s Reflex and Bone Structure and the
Anti–Detective Tradition), Larry McCaffery và Sinda Gregory trước khi bàn
về tác phẩm của Major đã luận giải khái quát tiến trình vận động thể loại từ
truyện trinh thám cổ điển đến phản trinh thám. Truyện trinh thám cổ điển tạo
11
ra công thức quen thuộc: “Có một tội ác, có vô số những manh mối, có một
thám tử với năng lực suy luận logic và lý trí để làm sáng tỏ các manh mối và
cuối cùng, có một kết cục tất yếu là sáng rõ con đường tội ác và lý giải động
cơ của nó” [131,39], trong đó, “vai trò quan trọng thuộc về cả bạn đọc và tác
giả – vai trò nhận thức hiện thực, nhận thức bản chất bắt chước của hư cấu và
quan trọng hơn, nhận thức quy luật vận động tự thân của hiện thực” [131,39].
Mô hình này được tạo thành từ các nhà văn trinh thám thế kỷ XIX và tiếp tục
được kế thừa trong sáng tác của một số cây bút tên tuổi trong thế kỷ XX. Tuy
nhiên, thế kỷ XX với sự hoài nghi nhận thức, với nguyên tắc không xác định,
không chắc chắn và nguyên tắc tương đối, với sự xuyên tạc nhận thức về ranh
giới của suy luận diễn dịch và quy nạp đã thay đổi những cơ chế của truyện
trinh thám. Đến những năm 20, 30 của thế kỷ này, sự đổi thay đó dẫn tới xu
hướng vô cảm trong tiểu thuyết trinh thám – một biểu hiện mới của thể loại
được mô tả bởi sự thô bạo dữ dội, một sự pha trộn độc đáo giữa thuyết hoài
nghi và chủ nghĩa lãng mạn, và trên tất cả, một sự phủ nhận tính có lý do.
Khung cốt truyện về cuộc điều tra thậm chí trở thành mô hình yêu thích của
các nhà văn hậu hiện đại khi họ đưa nhân vật vào tình huống đối mặt với bản
chất của tồn tại. Phản trinh thám, theo đó, kế thừa những quy tắc cơ bản của
chủ nghĩa hoài nghi siêu hình để phát triển thành loại tiểu thuyết “vận dụng,
phỏng nhại những hình thức, nguyên tắc của tiểu thuyết trinh thám (…) và
khái niệm đầy đủ về nhân vật thám tử với tư cách là người siêu lí luận để phát
lộ mọi trật tự và ý nghĩa không những bị phủ nhận mà còn thường xuyên bị
giễu nhại” [131,39–40].
Có thể thấy, truyện trinh thám trong lịch sử nghiên cứu phê bình văn học
phương Tây vẫn liên tục phát triển, thậm chí, phản biện nhau theo sự vận
động của thực tiễn sáng tạo. Không ít công trình đã hướng sự quan tâm đến
hình thái truyện phản trinh thám – một biểu hiện của sự đổi thay thể loại gắn
12
liền với sự đổi thay bối cảnh lịch sử xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa có một công
trình nào khái quát trọn vẹn tiến trình của thể loại văn học này.
1.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Paul Auster
Paul Auster tên đầy đủ là Paul Benjamin Auster, sinh ngày 3 tháng 2
năm 1947 tại Newark, New Jersey trong một gia đình Do Thái gốc Ba Lan.
Gia đình Paul Auster thuộc hàng trung lưu nhưng cuộc hôn nhân của cha mẹ
ông không suôn sẻ. Ông lớn lên ở vùng ngoại ô Newark, thuộc South Orange
và tốt nghiệp trung học Columbia ở Maplewood. Năm 1970, sau khi tốt
nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh và văn học so sánh tại Trường Đại học
Columbia, Paul Auster đến Paris và kiếm sống bằng việc dịch các tác phẩm
văn học Pháp. Bốn năm sau trở về Mỹ, bên cạnh việc tiếp tục dịch văn của
Stesphane Mallarmé, Joseph Joubert,… Paul Auster bắt đầu con đường sáng
tác văn học bằng thơ ca, tiểu luận và tiểu thuyết.
Đến nay, việc nghiên cứu về Paul Auster đã thu được nhiều thành tựu
đáng kể. Cũng như cách tiếp cận tổng quan về truyện phản trinh thám, chúng
tôi sẽ tổng thuật tình hình nghiên cứu về Paul Auster từ hai nguồn: tư liệu
tiếng Việt và tư liệu tiếng Anh.
1.2.1. Tư liệu tiếng Việt
Năm 2007, tiểu thuyết của Paul Auster lần đầu tiên được giới thiệu ở
Việt Nam với hai tác phẩm Trần trụi với văn chương (The New York Trilogy)
và Nhạc đời may rủi (The Music of Chance). Tiếp đó, một số tiểu thuyết khác
của Paul Auster đã được dịch và giới thiệu như Người trong bóng tối (2008),
Moon Palace (2009). Năm 2013, Khởi sinh của cô độc (The Invention of
Solitude) – sáng tác văn xuôi đầu tay mang màu sắc tự truyện của Paul Auster
cũng được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có thể thấy, đời sống văn học Việt
đang ngày càng tiệm cận với sự nghiệp của một tác giả tầm vóc quốc tế.
Những tiểu thuyết của Paul Auster được dịch ra tiếng Việt không chỉ được
13
nhắc tới trong những trang điểm sách, những bài báo khoa học mà còn trở
thành đối tượng nghiên cứu của các công trình khoa học ở nhiều cấp khác
nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình nghiên cứu về Paul Auster ở
Việt Nam nhìn chung vẫn chưa xứng tầm với tài năng, đóng góp của nhà văn.
Tổng quan tình hình nghiên cứu về Paul Auster ở Việt Nam, chúng tôi chú ý
tới một số ý kiến của Lê Huy Bắc, Nguyễn Thị Thanh Hiếu thông qua những
bài báo và công trình luận án đã được bảo vệ.
Lê Huy Bắc khi bàn về “Paul Auster và Nhạc đời may rủi” đã dành một
dung lượng tương đối lớn để khái quát tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác của
Paul Auster. Tác giả khẳng định, dưới ảnh hưởng những học thuyết triết học của
Nathaniel Hawthorne, Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau, Lacan,…
Auster đã thiết lập được một hệ đề tài riêng trong sự nghiệp sáng tác của mình,
đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên (coincidence), cảm giác về thảm hoạ sắp xảy ra (a
sense of imminent disaster), sự đánh mất khả năng nhận thức (loss of the ability
to understand), đánh mất ngôn ngữ (loss of language), khai thác cuộc sống đời
thường (depiction of daily and ordinary life), tính liên văn bản (intertextuality)
và metafiction – một thể loại văn xuôi hư cấu hướng việc viết lách vào nội dung
viết lách, khiến người đọc bao giờ cũng ý thức về việc mình đang theo dõi cách
thức một cuốn tiểu thuyết được hình thành như thế nào… Xếp Paul Auster vào
vị thế bậc thầy trong những cây bút hậu hiện đại thế giới, tác giả chỉ ra “lối trần
thuật mang đậm tính triết học, chuyển tải cái nhìn hài hước, có lúc mỉa mai đầy
chua xót về cuộc đời và con người trong thời kỳ các giá trị vật chất lên ngôi, và
tinh thần của nhân loại cùng quẫn…” [11,74].
Tiếp tục minh chứng vị thế của Paul Auster trong bối cảnh văn chương
đương đại, công trình Đặc trưng bút pháp hậu hiện đại trong tiểu thuyết Paul
Auster của Nguyễn Thị Thanh Hiếu luận bàn chi tiết một số đặc trưng chính
yếu trong tiểu thuyết Paul Auster, từ cảm quan về đời sống, nghệ thuật đến
14
chiến lược siêu hư cấu, liên văn bản. Tác giả nhận định: “Paul Auster cảm
nhận đời sống trong tính chất ngẫu nhiên, hỗn độn, hài hước mà cũng đầy bi
đát. Đối với nghệ thuật, nhà văn giữ một cái nhìn dân chủ khi đánh giá sứ
mệnh của nó cũng như khi hành xử với ngôn ngữ. Tâm thức hậu hiện đại này
đã soi rọi mọi đường hướng sáng tạo của nhà văn mà siêu hư cấu và liên văn
bản được xem là hai chiến lược quan trọng nhất” [43,148].
1.2.2. Tư liệu tiếng Anh
Trên văn đàn thế giới, Paul Auster đã khẳng định được vị thế của mình
từ những năm 80 của thế kỷ XX và các công trình nghiên cứu về tác phẩm
của ông cũng đã tạo thành một hệ thống khá phong phú. Năm 1995, Dennis
Barone trong Paul Auster và tiểu thuyết hậu hiện đại Mỹ (Paul Auster and the
Postmodern American Novels) đã tiên đoán rằng, nghiên cứu học thuật
chuyên sâu về Paul Auster sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm cuối
thập niên 1990. Quả đúng như thế. Sáng tác của Paul Auster đã trở thành đối
tượng của những cuốn sách chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, bài báo
khoa học… Ở đây, chúng tôi không tiếp cận tư liệu nghiên cứu về Paul Auster
theo chủ đề mà tiếp cận theo nhóm tư liệu bởi mỗi tư liệu gần như đặt ra một
khía cạnh khác nhau trong việc “đọc” Paul Auster. Theo đó, chúng tôi phân
loại các tư liệu thành hai nhóm: sách chuyên khảo và các bài báo, công trình
luận án đã công bố.
Ở nhóm thứ nhất, chúng tôi đặc biệt chú ý đến ba cuốn chuyên khảo đã
nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng về sự nghiệp văn chương của Paul Auster, đó là
Một nghệ thuật của ước vọng: đọc Paul Auster (An Art of Desire: Reading
Paul Auster) của Bernd Herzogenzath, Thế giới như là cuốn sách – tiểu thuyết
của Paul Auster (The world that is the book – Paul Auster’s fiction) của Aliki
Varvogli và Tính chất hậu hiện đại của Paul Auster (Paul Auster’s
postmodenity) của Brendan Martin.
15
Ở nhóm thứ hai, chúng tôi chú ý tới luận án Tiểu thuyết hậu hiện đại của
Paul Auster: Giải cấu trúc “Thi pháp học” của Aristotle (Paul Auster's
Postmodernist Fiction: Deconstructing Aristotle's Poetics) của Dragana và bài
báo Cái ngẫu nhiên trong tự sự đương đại: Trường hợp Paul Auster (Chance in
Contemporary Narrative: The Example of Paul Auster) của Stephen E.Alford.
Năm 1999, Herzogenrath ra mắt cuốn sách Một nghệ thuật của ước
vọng: đọc Paul Auster. Với niềm tin thi pháp Paul Auster có sự gặp gỡ quan
trọng với lý thuyết hậu cấu trúc của Jacques Lacan và Jacques Derrida –
Lacan với thuyết phân tâm học chủ thể (psychoanalytical theory of the
subject) và Derrida với giải cấu trúc tính siêu hình của sự hiện diện
(deconstruction of the metaphysics of presence) – Herzogenrath đề xuất lối
đọc Lacanian/Derridean cho bốn tiểu thuyết của Paul Auster. Tác giả khám
phá mối quan hệ giữa Thành phố thủy tinh, Xứ sở của những vật cuối cùng,
Moon Palace và Nhạc đời may rủi với sự giải cấu trúc công thức thể loại cũng
như mối quan hệ giữa những tiểu thuyết này với các khái niệm: lý thuyết thảm
họa (catastrophy theory), đi vào cõi chết (death drive), nghĩa kép may rủi
(double meaning of chance), cái cao cả (the sublime), phép biện chứng chủ/tớ
(master/slave dialectics), hội chứng tự mê (narcissism), khải huyền
(apocalypse), ngôn ngữ trước/sau sa ngã (prelapsarian/postlapsarian
language). Tuy nhiên, trọng tâm của nghiên cứu tập trung ở khái niệm ước
vọng (desire) – jouissance – một khái niệm quan trọng trong tác phẩm của cả
Paul Auster và Lacan cùng những biểu hiện cụ thể của khái niệm này trong
sáng tạo của Paul Auster. Theo đó, công trình 245 trang của Herzogenrath
gồm bốn chương cốt lõi ứng với bốn tiểu thuyết được dùng làm đối tượng
khảo sát. Những phân tích văn bản trong mỗi chương được định hướng bởi sự
khái quát nguyên tắc thể loại như một cái “khung” mà tác phẩm khuôn vào và
từ đó, Herzogenrath kết luận: Thành phố thủy tinh là sự giải cấu trúc tiểu
16
thuyết trinh thám (detective novel), Xứ sở của những vật cuối cùng là sự giải
cấu trúc tiểu thuyết sầu bi (dystopia novel), Moon Palace là sự giải cấu trúc
tiểu thuyết giang hồ (picaresque novel) và Nhạc đời may rủi là sự giải cấu
trúc tiểu thuyết đường phố (road novel). Tác giả đồng thời đề xuất hai cách
đọc tiểu thuyết của Paul Auster. Một cách đọc “sẽ xem xét những dữ liệu tiểu
sử như là nguồn gốc tiểu thuyết Paul Auster” [115,113] và một cách mà chính
Herzogenrath đã vận dụng: “tập trung vào những câu chuyện, cách kể hơn là
người kể” [115,113].
Hai năm sau khi Herzogenzath cho xuất bản cuốn sách của mình, Aliki
Varvogli tiếp tục giới thiệu nghiên cứu về tiểu thuyết Paul Auster với công
trình Thế giới như là cuốn sách – tiểu thuyết của Paul Auster. Qua gần 200
trang sách, tác giả đưa ra cái nhìn độc đáo về tiểu thuyết Paul Auster. Sử dụng
nguồn tư liệu phong phú về văn hóa, văn học, Paul Auster đã hư cấu nên
những tác phẩm đầy lôi cuốn về hành trình sáng tỏ bản chất ngôn ngữ, về con
đường vận động của cái ngẫu nhiên, về mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân và
thế giới rộng lớn… Aliki Varvogli soi chiếu nền tảng triết học đã tạo ra tính
xuyên suốt trong sự sáng tạo của Paul Auster, đó là câu hỏi về ranh giới tách
bạch giữa hư cấu và hiện thực, giữa thực tế và tưởng tượng. Điểm nhấn của
công trình tập trung ở ba nội dung, thứ nhất: nối tiếp truyền thống (legacies),
chỉ ra sự kế thừa của Paul Auster trước những thành tựu văn chương tiền bối
như văn học lãng mạn Mỹ thế kỷ XIX với Thoreau, Melville, Whitman; văn
học phi lí với Kafka, Beckett…, thứ hai: đặc tính Paul Auster (Austerities),
bàn về những đặc sắc trong sáng tạo mà trọng tâm là các chủ đề xuyên suốt
của tiểu thuyết Paul Auster và cuối cùng: tính hiện thực (realities), nhận diện
những vấn đề của đời sống hiện thực được tái hiện trong tiểu thuyết của ông.
Những tác phẩm của Paul Auster mà Aliki Varvogli sử dụng làm cứ liệu minh
chứng gồm: Bộ ba New York, Xứ sở của những vật cuối cùng, Moon Palace,
17
Nhạc đời may rủi và Levithan. Tác giả dẫn lại ý kiến của nhà phê bình Gérard
de Cortanze trong một bài báo đăng trên Tạp chí văn học của Pháp về 10 từ
khóa có thể sử dụng để nhận diện sự nghiệp sáng tác của Paul Auster gồm: sự
sa ngã (the fall), nước Mỹ (America), người cha (the father), Brooklyn
(Brooklyn), căn phòng (the room), biên giới (the frontier), con người mất
Chúa (man without God), trùng lặp ngẫu nhiên (coincidence), kế thừa
(inheritance) và bức tường (the wall). Bản thân Paul Auster thừa nhận rằng
“tất cả những cuốn sách của ông thực chất đều chỉ là một cuốn sách”
[148,88]. Và cuốn sách ấy dù hướng tới đa dạng những thể loại nhà văn đã
viết, những nhân vật nhà văn đã kiến tạo, những câu chuyện nhà văn đã kể thì
vẫn có những chủ đề nhất định bao quát toàn bộ sự nghiệp của Paul Auster,
chẳng hạn: cái đói (hunger), sự chết đói (starvation), cuộc khám phá
(discovery), bay lên cao (levitation)…
Cuốn chuyên khảo Tính chất hậu hiện đại của Paul Auster, như cái tiêu
đề của nó, là sự nghiên cứu công phu của Brendan Martin về tính chất hậu
hiện đại trong sáng tác Paul Auster. Tác giả cuốn sách tập trung vào một số
vấn đề vốn được nói tới nhiều trong kỷ nguyên hậu hiện đại như tính đa dạng
tập thể, sự ngẫu nhiên, sự tự nhận thức, tự khám phá, nỗi cô đơn… Ngay từ
lời tựa của cuốn sách, Brendan Martin đã xác định: “Auster thường xuyên mờ
hóa những yếu tố hiện thực và hư cấu trong truyện kể, và nhiều đặc điểm của
nhân vật hư cấu lại là một sự mô phỏng về Auster. Ở khía cạnh này, Auster
cấu trúc những tự truyện hậu hiện đại, ở đó, nhân vật chia sẻ sự trải nghiệm
của chính tác giả” [129,ix]. Ngoài hai chương bàn sâu về Bộ ba New York và
Levithan, Brendan Martin dành bốn chương sách để kiến giải những nét đặc
sắc trong tiểu thuyết Paul Auster từ quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Khảo sát dấu ấn hiện đại còn lưu lại trong tính hậu hiện đại của tiểu thuyết
Paul Auster, Brendan Martin đi vào ba khía cạnh: viết lách (writing), tự khám
18
phá (self–invention) và ký ức (memory). Tác giả cho rằng: cuộc sống của
chúng ta là phép cộng của những điều ngẫu nhiên đa dạng, mỗi người là tác
giả cuộc sống của chính mình như chủ thuyết hậu hiện đại của Paul Auster.
Cùng với đó, ký ức thành thị, sự chệch hướng, nỗi cô đơn xa lạ và sự đa dạng
tập thể là những đặc điểm xã hội trong mô hình tiểu thuyết hậu hiện đại của
nhà văn này.
Tiếp cận tiểu thuyết Paul Auster từ lí luận của Aristotle, Nikolic
Dragana trong Tiểu thuyết hậu hiện đại của Paul Auster: Giải cấu trúc
“Thi pháp học” của Aristotle chú ý đến sự phá vỡ cấu trúc mà Aristotle
đưa ra trong Thi pháp học trên ba phương diện: câu chuyện (story), nhân
vật (character) và ý nghĩa (meaning). Từ sự so sánh những khái niệm cốt
truyện (plot), nhân vật (character), văn bản thơ (poetic text) trong Thi pháp
học của Aristotle với các đặc điểm của tiểu thuyết Paul Auster như sự may
rủi (chance), ký ức (memory), người cha vắng mặt (the absent father), cái
đói (hunger), cái tôi bất khả thấu (unknowable self),… Dragana khẳng
định, Paul Auster đã phủ nhận và thách thức những nguyên tắc của nghệ
thuật cổ điển. Trong trả lời phỏng vấn với Stephen Rodefer, nhà văn lặp lại
lời của Aristotle khi thừa nhận sự ưu tiên hàng đầu cho câu chuyện (story),
tuy nhiên, chủ đích ông hướng đến không liên quan tới việc sắp xếp các
trật tự (ordering) hay giải thích nó mà là vấn đề kết hợp những thứ hỗn độn
(chaos) của thế giới không thể hiểu trong tiểu thuyết. Giống như Beckett đã
chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Những gì mà tôi đang nói ở đây
không có nghĩa là nó sẽ không trở thành một hình thức trong nghệ thuật.
Nó chỉ có nghĩa rằng sẽ có một hình thức mới và cái hình thức mới ấy sẽ
chấp nhận sự hỗn độn và không cố gắng để nói rằng sự hỗn độn là một cái
gì đó khác. Tìm thấy một hình thức mới phù hợp với tình trạng lộn xộn (the
mess), đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ lúc này” [104].
19
Khai thác chủ đề cái ngẫu nhiên, Stephen E.Alford đặt vấn đề Cái ngẫu
nhiên trong tự sự đương đại: Trường hợp Paul Auster. Tác giả nhận định:
“Các tác phẩm của Paul Auster là những minh chứng về diễn trình của cái
ngẫu nhiên” [82,114]. Bài viết được cấu trúc bằng hai nội dung lớn, thứ nhất,
quan niệm của Paul Auster về cái ngẫu nhiên (Paul Auster on Chance), thứ
hai, cái ngẫu nhiên trong tiểu thuyết của Paul Auster (Chance in Auster’s
fiction). Luận điểm về cái ngẫu nhiên được Alford minh chứng qua một số
tiểu thuyết tiêu biểu của Paul Auster như Bộ ba New York, Moon Palace,
Nhạc đời may rủi và triển khai trên các khía cạnh: cái ngẫu nhiên như là sự
trùng hợp tình cờ phản ánh kinh nghiệm sống (Chance as Coincidence
reflecting lived experience), cái ngẫu nhiên như là sự đồng bộ siêu hình
(Chance as metaphysical synchronicity), sự trùng hợp tình cờ như là mối
quan hệ tương giao siêu hình (Coincidence as metaphysical correspondance),
cái ngẫu nhiên như là sự khẳng định tính vô nghĩa của vũ trụ (Chance as an
affirmation of the universe’s meaninglessness), trò chơi ngẫu nhiên như là sự
phản ánh cấu trúc của vũ trụ (Games of chance as reflections of the
universe’s tructure), Ngẫu nhiên và định mệnh (Chance and Fate), Thời gian
và mối quan hệ của nó với định mệnh, nguyên cớ và cái ngẫu nhiên (Time
and its connection to the fated, the caused, and chance). Kết luận bài viết,
Alford đưa ra hai ý tưởng về khả năng diễn giải thế giới rằng: “cuộc sống là
vô nghĩa (ví dụ, những sự kiện của nó như là kinh nghiệm của cái ngẫu nhiên)
và khả năng thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống có thể được thực hiện thông qua
phân tích chuỗi hoạt động của ký ức” [82,130].
1.3. Những nghiên cứu về Bộ ba New York
Bên cạnh những nghiên cứu bao quát tương đối đầy đủ sự nghiệp văn
chương của Paul Auster, bàn riêng về Bộ ba New York, chúng tôi thấy, các kiến
giải dù xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau nhưng nhìn chung đều thống nhất ở
20
tính chất hậu hiện đại phía sau cái vỏ tiểu thuyết trinh thám của bộ ba tác phẩm.
Nó thể hiện ở cấu trúc truyện kể, ở thế giới nhân vật, ở bản chất cuộc điều tra, ở
những quan niệm nghệ thuật, nhân sinh mà nhà văn gửi vào trang sách...
1.3.1. Tư liệu tiếng Việt
Ở Việt Nam, một vài nghiên cứu về Bộ ba New York cũng đã ít nhiều đề
cập tới tính chất phản trinh thám trong bộ ba tiểu thuyết này.
Trong lời giới thiệu cho Trần trụi với văn chương (chuyển ngữ nhan đề
The New York Trilogy), Trịnh Lữ đã chắt lọc nhiều ý kiến đánh giá của các
nhà phê bình Âu – Mỹ. Họ gọi tác phẩm này là tiểu thuyết trinh thám siêu
hình, là giả tưởng phản trinh thám, là một biến tấu lạ lùng của thể loại trinh
thám… “Tất cả những cái đó khiến Paul Auster được liệt vào hàng văn sĩ hậu
hiện đại. Tuy nhiên, khác với những văn phẩm hậu hiện đại điển hình vốn
mang nặng phẩm chất “giả tưởng siêu hình” cùng các “yếu tố phản kháng”,
New York Trilogy vẫn nhất quán trong lối kể chuyện, có cách nhìn tân hiện
thực và bộc lộ nỗi ưu tư đầy trách nhiệm của tác giả đối với những vấn đề xã
hội và đạo đức” [6,5]. Bên lề trang sách, dịch giả dẫn lại ý kiến của Stephen
Schiff in trên báo New York Times có nội dung: “Với những người mê truyện
trinh thám có thú vui chắp nối những mẩu nhỏ vô lý lại thành chuyện, những
mẩu thủy tinh thách đố của Paul Auster thật hấp dẫn. Cốt truyện của ông được
tô điểm với những đe dọa giết người, những người đàn bà “mắt huyền” và đủ
thứ phụ tùng trinh thám khác – lôi cuốn người ta chẳng khác gì một cuốn trinh
thám ly kì. Nhưng khi cửa đã đóng sập lại rồi, độc giả đang đánh hơi tìm đầu
mối sẽ thấy mình đang đứng trong một buồng thang máy chạy rất nhanh lên
một tầng cao chót vót hơn nhiều. Chẳng mấy chốc, độc giả sẽ được thả vào
những độ cao chóng mặt của giả tưởng siêu hình, nơi câu hỏi “Ai là thủ
phạm?” đã biến thành “Ai đang hỏi thế?” và rốt cuộc thì câu hỏi “Ai là thủ
phạm nghĩa là gì?” Paul Auster đã phát hiện ra một cái gì đó. Khi biến đổi bản