Những điểm mới của Basel 3 và liên hệ đối với Việt Nam
10:18-08/03/2011
Sau cuộc họp ngày 12/9/2010 của Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel, các thành viên đã đạt
được thỏa thuận về những chuẩn mới trong Basel 3. Trong phạm vi bài viết này, xin nêu
những điểm mới cơ bản nhất trong Basel 3, lộ trình dự kiến áp dụng do BIS đưa ra và liên hệ
đối với Việt Nam trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
1. Những điểm mới cơ bản của Basel 3
Theo bài phát biểu của Ông Stefan Walter, Tổng thư ký Ủy ban Basel trong hội thảo
lần thứ năm về Giám sát và quản lý rủi ro tại Basel, Basel 3 có những điểm mới hết
sức cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng vốn. Trước hết, Basel 3 sẽ giúp nâng cao chất
lượng vốn của các ngân hàng một cách đáng kể. Đây là đặc điểm chính của Basel
3. Theo BIS, nội dung của định nghĩa về vốn rất quan trọng và cần phải được định
nghĩa đầy đủ trước khi xác định mức vốn phù hợp. Chất lượng vốn tốt hơn đồng
nghĩa với việc khả năng bù đắp các khoản lỗ tốt hơn, điều này giúp cho ngân hàng
“khỏe” hơn, do đó có khả năng chống đỡ tốt hơn trong thời kì khó khăn.
Theo quy định này, vốn cổ phần thông thường được quy định chặt chẽ hơn. Theo
quy định hiện tại, những tài sản có chất lượng kém sẽ phải khấu trừ vào vốn (vốn
cấp 1 + vốn cấp 2). Theo Basel 3, việc khấu trừ sẽ nghiêm ngặt hơn,khấu trừ thẳng
vào vốn cổ phần thông thường. Hơn nữa, định nghĩa vốn cấp 1 cũng quy định chặt
chẽ hơn bao gồm vốn thường và các công cụ tài chính có chất lượng theo những
tiêu chuẩn chặt chẽ.
Thứ hai, yêu cầu các ngân hàng bổ sung thêm vốn. Theo quan điểm của Basel,
chất lượng vốn tốt hơn vẫn chưa đủ. Rút kinh nghiệm từ bài học của cuộc khủng
hoảng tài chính, Ủy ban Basel cho rằng khu vực ngân hàng cần nhiều vốn hơn nữa.
Do đó, những tiêu chuẩn về hạn mức tối thiểu về vốn của các ngân hàng sẽ tăng
mạnh trong những năm tới. Theo quy định này, các ngân hàng phải duy trì mức vốn
phù hợp trên mức vốn tối thiểu tùy vào mức độ rủi ro, mô hình kinh doanh, điều kiện
kinh tế. Khả năng đưa ra các quy định chặt chẽ về vốn của cơ quan giám sát quốc
gia sẽ là yếu tố quan trọng trong các nguyên tắc của Basel 3.
Theo Basel 3, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn là 8%, nhưng tỷ lệ của loại vốn có chất
lượng cao được nâng lên, cụ thể: tỷ lệ Vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6%
trong Basel 3, đồng thời tỷ lệ Vốn của cổ đông thường (common equity) cũng được
tăng từ 2% lên 4,5%. Bên cạnh đó, những tài sản “Có” với chất lượng vốn có vấn đề
cũng sẽ được loại trừ dần khỏi vốn cấp 1 và vốn cấp 2, như các khoản đầu tư vượt
quá giới hạn 15% vào các tổ chức tài chính. Đặc biệt, Basel 3 yêu cầu áp dụng bổ
sung tỷ lệ đòn bẩy tối thiểu thử nghiệm ở mức 3%. Đây là tỷ lệ của vốn cấp 1 so với
tổng tài sản có cộng với các khoản mục ngoại bảng. Việc áp dụng thử nghiệm tỷ lệ
này cho phép Ủy ban Basel theo dõi biến động tỷ lệ đòn bẩy thực của các ngân
hàng theo chu kỳ kinh tế và mối quan hệ giữa các yêu cầu về vốn với tỷ lệ đòn bẩy.
Thứ ba, giới thiệu phương pháp giám sát an toàn vĩ mô hệ thống để các ngân hàng
áp dụng. Yếu tố quan trọng thứ 3 của quy định mới về vốn là phương pháp giám sát
an toàn vĩ mô đề cập tới rủi ro hệ thống. Theo BIS, có hai việc cần làm để hạn chế
rủi ro hệ thống hiệu quả. Thứ nhất là giảm mức độ khuyếch đại của khủng hoảng
theo chu kỳ kinh tế. Đó là xu hướng hệ thống tài chính có thể làm khuyếch đại giai
đoạn thăng trầm của nền kinh tế thực. Việc thứ hai là mối quan hệ phụ thuộc và
những rủi ro chung của các tổ chức tài chính, đặc biệt đối với những ngân hàng có
vai trò quan trọng trong hệ thống. Như vậy, Basel 3 là một bước ngoặt trong việc xây
dựng các quy định tài chính. Lần đầu tiên trong các quy định tài chính đề cập tới các
thước đo giám sát an toàn vĩ mô được sử dụng để bổ sung cho phương pháp giám
sát an toàn vi mô của từng tổ chức tín dụng. Ủy ban Basel đang nghiên cứu các
thước đo đối với những tổ chức có tầm quan trọng đối với hệ thống.
Thứ tư, quy định về tiêu chuẩn thanh khoản đối với các ngân hàng. Basel 3 đưa ra
tiêu chuẩn về thanh khoản. Đây là điều đặc biệt quan trọngchưa có tiêu chuẩn quốc
tế nào quy định về vấn đề này. Tỷ lệ thanh khoản sẽ được ban hành vào 1/1/2015,
giúp ngân hàng có khả năng chống đỡ ngắn hạn tốt hơn với những căng thẳng
thanh khoản. Quy định này yêu cầu ngân hàng nắm giữ các tài sản có tính thanh
khoản cao và có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu chi trả trong những trường
hợp khó khăn. Thực tế, việc quản lý rủi ro thanh khoản rất khác nhau tại từng quốc
gia. Ủy ban Basel sẽ sử dụng nhiều quy trình báo cáo để theo dõi các tỷ lệ trong quá
trình chuyển đổi để đảm bảo các tiêu chuẩn được tính toán như dự kiến.
2. Lộ trình áp dụng Basel 3
Basel 3 với những quy định mới về khái niệm và các tiêu chuẩn tối thiểu cao hơn
cùng với phương pháp giám sát an toàn vĩ mô là sự thay đổi lịch sử trong quy định
về hoạt động ngân hàng. Ủy ban Basel cùng các nhà lãnh đạo của các nước G20 đã
thống nhất rằng cuộc cải tổ này sẽ được triển khai sao cho không ảnh hưởng tới tốc
độ phục hồi kinh tế của các nước. Ngoài ra, sẽ cần có thời gian để đưa những tiêu
chuẩn quốc tế mới vào những quy định riêng của các quốc gia. Theo tinh thần như
vậy, BIS đã đưa ra một lộ trình để thực hiện bất đầu từ tháng 1/2013 và hoàn thành
vào cuối năm 2018.
Lộ trình cụ thể:
-Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% vẫn được giữ nguyên.
-Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 tối thiểu được bắt đầu áp dụng vào 1/1/2013 với mức 4,5%,
và phải đạt được mức 6% trước 1/1/2019.
-Tỷ lệ an toàn vốn cổ phần thường tối thiểu cũng được bắt đầu áp dụng từ 1/1/2013
với mức 3,5%, và phải đạt được mức 4,5% trước 1/1/2019.
-Tỷ lệ dự phòng bảo toàn vốn được bắt đầu tính từ 01/01/2016 với mức 0,625%, và
hoàn thành mức 2,5% trước 1/1/2019.
-Lộ trình loại bỏ các khoản giảm trừ khỏi vốn cấp 1 được áp dụng từ 1/1/2014 với
mức 20%, và đến trước 1/1/2019 sẽ loại bỏ được 100%.
-Tỷ lệ đòn bẩy được thử nghiệm áp dụng trong khoảng thời gian từ 1/1/2013 đến
31/12/2016 với tỷ lệ 3%.
3. Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam
Hiện nay, khi các ngân hàng trên thế giới đã đề cập tới việc áp dụng chuẩn mực
Basel 3 thì các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa chính thức đề cập tới việc áp dụng
một chuẩn mực nào của Basel. Mặc dù các quy định trong những năm gần đây của
Ngâ hàng Nhà nước (NHNN) như Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định
457/2005/QĐ-NHNN, Thông tư số 13, 19 năm 2010 cũng đã đề cập tới một số vấn
đề liên quan tới các điều khoản trong hiệp định Basel nhưng vẫn ở mức rất hạn chế.
Việc các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chưa áp dụng các chuẩn mực của
Basel môôt cách chính thức nhằm nâng cao chất lượng quản lý rủi ro trong khi các
ngân hàng trên thế giới đã có những bước phát triển cao hơn sẽ làm giảm khả năng
cạnh tranh của các ngân hàng thương mạiViệt Nam.
Việc tiếp cận với các chuẩn mực của Basel, đặc biệt là Basel 2 đòi hỏi kỹ thuật phức
tạp và chi phí khá cao. Đối với một nước có hệ thống ngân hàng mới đang ở giai
đoạn phát triển ban đầu như Việt Nam, việc áp dụng Basel 2 gặp nhiều khó khăn,
thách thức và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và mở cửa thị
trường dịch vụ tài chính – ngân hàng với nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng mới, việc
từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm
tăng cường năng lực hoạt động, giảm thiểu rủi ro đối với các ngân hàng thương mại
và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường tài chính quốc tế, tạo điều kiện cho
các ngân hàng Việt Nam có thể mở rộng thị trường trong thời gian tới.