A - ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, cùng với sự phát triển và đi lên của xã hội, mỗi chúng ta được
sống trong môi trường văn minh hơn, hiện đại hơn, nhưng kéo theo đó cũng có
nhiều vấn đề nảy sinh làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống xã hội. Một trong
những vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là đạo đức học đường của một bộ phận học
sinh đang bị xuống cấp, dẫn đến tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng
phổ biến. Mặc dù dư luận xã hội đã bất bình và lên án nhiều về tình trạng bạo lực
xảy ra trong học đường, nhưng thời gian gần đây, hiện tượng này không những
không thuyên giảm mà thậm chí còn gia tăng với những hành vi và mức độ bạo lực
nguy hiểm hơn trước. Đó là những biểu hiện lệch lạc trong hành vi, nhân cách đạo
đức như: thiếu lễ độ với người lớn, tụ tập gây gỗ đánh nhau, thói lười học, ham
chơi, sống đua đòi, …
“Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai” - đó là câu nói được nhiều người
biết đến. Nhưng đối diện với thực tế thì ai cũng thấy lo lắng cho tương lai ấy.
Liệu nó có tốt đẹp như người ta tưởng không? Cứ như thực tế hiện nay thì
nhân loại sẽ đi tới đâu, khi giới trẻ sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị
vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần?
Qua thực tế giảng dạy ở trường THPT Thường Xuân 2 nhiều năm, tôi nhận
thấy việc giáo dục học sinh nói chung và giáo dục học sinh chưa ngoan nói riêng
vô cùng khó khăn. Tôi luôn băn khoăn, trăn trở: Do đâu mà số học sinh chưa ngoan
ở các lớp có chiều hướng tăng? Các kinh nghiệm, các biện pháp tôi và nhà trường
đã và đang áp dụng để giáo dục học sinh đã thực sự hiệu quả chưa? Với tình hình
phát triển chung hiện nay, phải xử trí thế nào để đạt được mục tiêu hình thành
nhân cách học sinh toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ?
Những năm gần đây, về lý luận cũng như thực tế đã có nhiều nghiên cứu về
vấn đề giáo dục học sinh chưa ngoan. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có sự nghiên
cứu đầy đủ để tạo ra sự định hướng thống nhất về hình thức, biện pháp giáo dục có
hiệu quả.
1
Xuất phát từ tình hình thực tế của nhà trường nói chung, của các lớp tôi dạy
nói riêng, tôi chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp nâng cao hiệu
quả công tác giáo dục đạo đức cho học sinh chưa ngoan ở trường THPT”.
B - GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
2
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ:
“Học sinh Trung học phổ thông” chỉ nhóm học sinh ở giai đoạn đầu lứa tuổi
thanh niên (từ 15 đến 19 tuổi). Đây là giai đoạn có những biến đổi mới và phức tạp
về mặt sinh lí và tâm lí trong quá trình phát triển của các em. Các em không còn
nhỏ nữa nhưng vẫn chưa phải là người lớn, ở các em đã có những nét trẻ thơ tồn tại
trong ý thức đặc trưng của người thanh niên. Chính đặc điểm này đã gây ra các
mâu thuẫn trong thế giới nội tâm của các em làm cho việc giáo dục học sinh nói
chung và học sinh cá biệt trở nên phức tạp hơn vì các em cảm thấy rằng bản thân
có khả năng hành động độc lập không cần có sự giúp đỡ của người lớn (trong đó
phần lớn là cha mẹ và thầy cô) trong khi thực tế các em lại không tự mình làm hiệu
quả được việc gì. Lí do này đã gây ra mâu thuẫn giữa các em với cha mẹ và thầy
cô.
Đồng thời ở giai đoạn phát triển này các hoóc môn của tuyến nội tiết tăng
cường ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên sự cân bằng giữa các quá trình hưng phấn
và ức chế ở vỏ bán cầu đại não của các em bị phá vỡ. Điều này làm cho hành vi
của các em mất cân đối, do vậy các em rất dễ bị kích động, tâm trạng cũng dễ bị
thay đổi, năng lực học tập cũng theo đó mà lên xuống thất thường, hoặc là các em
rất tích cực tới mức có thể “rời non lấp biển” hoặc là các em rất tiêu cực tới mức
không muốn làm gì. Các em rất dễ bị xúc động nhưng khả năng làm chủ cảm xúc
lại không cao, những biểu hiện cảm xúc hay gặp ở các em đó là: giận dữ, bực tức,
quậy phá, nghịch ngợm, trêu chọc người khác, làm theo ý mình, …
Do có những đặc điểm phát triển về tâm lí trên mà học sinh dễ bị tự ái và dễ
bị tổn thương dẫn đến các em dễ bị mắc phải sai phạm.
Thêm vào đó là thực trạng những mặt trái của sự phát triển xã hội; sự thiếu
quan tâm của gia đình; những éo le trong hoàn cảnh sống,… dẫn tới việc giới trẻ
ngày nay nói chung sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã
và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông đã
liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Các em lôi kéo bè
3
cánh để đánh nhau (cả trai lẫn gái), thậm chí hành hung cả thầy cô giáo, rồi
con đánh cha, anh em ruột sát phạt nhau, …. Những hành vi tàn bạo này
được đăng trên mặt báo chỉ là tảng băng nổi, thực tế còn nhiều hơn nữa. Cách
đây không lâu người ta choáng váng vì một đoạn video clip nữ sinh đánh bạn
đăng tải trên Internet. Trong clip này, một cô bé đang bị một nữ sinh tóc ngắn
vừa đánh tới tấp vào mặt vừa chửi tục với kiểu "dạy dỗ" rất “anh chị”. Trong
khi đó, nhiều học sinh khác ngồi chễm chệ ở ghế đá và thản nhiên nhìn vụ
đánh hội đồng này, một số khác tranh thủ lấy điện thoại ra quay. Thái độ vô cảm
không thể ngờ được!... Dư luận đang vô cùng đau lòng và kinh hãi trước tình
trạng gia tăng bạo lực học đường, đặc biệt là đối với nữ sinh … Từ những thay
đổi về tâm sinh lí kết hợp với mặt trái của sự phát triển xã hội mà nhiều em đang
tự đánh mất đi những truyền thống tốt đẹp của người Á Đông, đó là: tôn trọng
lễ nghĩa gia phong, nam nữ thọ thọ bất tương thân, nét đẹp của người con gái
là thùy mị nết na, là “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”….. Hiện nay, cả nước có hơn
5% em gái sinh con trước 18 tuổi và khoảng 15% sinh con trước 20 tuổi”. Ở
thành phố, vào những đêm cuối tuần, còn có các bạn trẻ hầu hết ở độ tuổi học
sinh THPT tụ tập đua xe gây mất trật tự an toàn giao thông…
Khi đạo đức yếu kém thì học lực cũng tỉ lệ thuận với nó. Điều này sẽ dẫn
đến hệ quả tất yếu là các em bị mất kiến thức căn bản; điểm kiểm tra thấp hơn so
với các bạn cùng lớp làm các em mặc cảm dẫn đến các em sợ bị kiểm tra, tiếp theo
là chán học và cuối cùng nảy sinh bỏ học, sống tiêu cực. Điểm tiêu biểu của các em
thích ăn chơi phá phách hơn là học hành tử tế này là khéo léo và nhanh trí trong
việc giở những trò tinh nghịch để đối phó với thầy cô, bạn bè.
Nhìn chung, cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực của học sinh
vô cùng khó khăn và phức tạp, nó đòi hỏi người giáo viên ngoài việc có các biện
pháp giải quyết tích cực còn cần phải đảm bảo một số phẩm chất nhất định.
II. THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ:
1. Thực trạng chung:
4
Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Nho giáo với
những lễ nghi, phép tắc và chuẩn mực đạo đức. Chính nhờ những lễ nghi, phép tắc
đó mà xã hội luôn được ổn dịnh. Những nét văn hóa ấy đã ăn sâu vào trong tâm
thức của mỗi người dân Việt với sự tôn trọng lễ nghĩa giữa cha con, anh em, thầy
trò, bằng hữu. Thế nhưng, kể từ khi đất nước chuyển hướng theo cơ chế kinh tế thị
trường, cùng với đó là xu thế toàn cầu hóa, đất nước mở cửa hội nhập thì những
nét văn hóa truyền thống đã dần thay đổi. Những chuẩn mực đạo đức quý giá ấy đã
dần bị phai nhạt, thay vào đó là những nét văn hóa hiện đại, lai căng. Sự tiếp biến
văn hóa là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng phải biết tiếp thu một cách có chọn
lọc để những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp không bị lu mờ trước sự hội nhập.
Nhiều học sinh đã không nhận ra được điều đó nên giờ đây, có những học trò
ngang nhiên cãi lại thầy, thậm chí đánh thầy ngay trên bục giảng đến mức ngất xỉu;
bạn bè đánh đấm, đâm chém nhau xảy ra khá thường xuyên … và còn nhiều hành
động tiêu cực khác mà ta có thể dễ dàng tìm kiếm ở bất kì phương tiện thông tin
đại chúng nào. Chính những hành động ấy đã làm lu mờ những nét văn hóa truyền
thống tốt đẹp của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về
mặt hành vi một cách đáng báo động.
2. Thực trạng ở trường THPT:
Trường THPT Thường Xuân 2 là một ngôi trường trẻ (được thành lập từ
tháng 7/ 2003) thuộc khu vực miền núi tỉnh Thanh Hoá. Hầu hết học sinh trong
trường là con em dân tộc Mường và Thái thuộc 6 xã của huyện Thường Xuân.
Trong số 6 xã này có tới 4 xã thuộc vùng khó khăn 135. Các em thuộc những xã
khó khăn này thường phải vượt chặng đường trung bình khoảng 15 km để tới
trường, có những em ở vùng sâu, vùng xa còn phải đi tới hơn 30 km. Chính vì
đường xá xa xôi, đi lại vất vả khó khăn nên nhiều phụ huynh đã tạo điều kiện cho
con em trọ học gần trường. Tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng tổng số học sinh
toàn trường trong những năm học gần đây luôn đạt khoảng 1000 em mỗi năm. Đa
số các em đều là những học sinh ham học và chăm ngoan, luôn có ý thức rèn luyện
5
để trở thành con ngoan trò giỏi. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận
không nhỏ học sinh chưa ngoan, biểu hiện của sự chưa ngoan ở các em vô cùng
phức tạp và đa dạng, trước mắt chưa có gì nguy hiểm nhưng càng để lâu về sau
chắc chắn mức độ nguy hiểm càng gia tăng, nên ngăn chặn càng sớm càng tốt.
Những biểu hiện chung của học sinh cá biệt mà tôi đã từng gặp như: các em hay có
những bất thường về tính cách, không có động cơ học tập, tâm lý không ổn định.
Chẳng hạn khi ở lớp học đang yên lặng làm bài tập thì em đó bỗng la lớn lên khi
làm bài được, thích học thì học, không thích thì đùa giỡn, quậy phá các bạn kế bên,
chọc cho bạn đùa giỡn, nói chuyện lại với mình, tâm trạng thì "mưa nắng thất
thường" hoặc thầy cô đang giảng về vấn đề này lại hỏi vấn đề khác, nghỉ học vô lí
do, đánh nhau, trộm cắp tài sản của nhau ….
Để thuận lợi cho việc giáo dục những đối tượng học sinh này tôi chia các em
thành hai nhóm:
Nhóm 1: Học sinh cá biệt về học tập.
Nhóm 2: Học sinh cá biệt về đạo đức, lối sống .
Học sinh cá biệt về học tập là những học sinh lười nhác trong học tập, những
học sinh thuộc loại này thường rất lười biếng, hay quay cóp trong học tập kết quả
học tập thất thường, sút kém, luôn xếp “đội sổ”, dẫn đến chán học. Còn nhóm học
sinh cá biệt về đạo đức, lối sống là những học sinh hư về đạo đức biểu hiện qua các
hành động như: lừa dối cha mẹ, thầy cô; dọa nạt bạn bè; lảng tránh các hoạt động
tập thể; tiêu xài các khoản phí của bố mẹ cho để đóng góp với nhà trường; giả mạo
chữ kí của bố mẹ trong sổ liên lạc hoặc giấy xin phép nghỉ; càn quấy, ý thức tổ
chức kỷ luật kém, thích “chơi trội” theo kiểu đối lập với tập thể lớp. Hay xem
thường, trêu ngươi, khiêu khích trước thầy cô, bạn bè nhằm thỏa mãn những nhu
cầu tinh nghịch được sắp sẵn trong đầu. Có cách nói năng, ăn mặc, đi đứng hành
động khác thường để gây sự chú ý. Ở những học sinh này uy tín của bố mẹ, thầy cô
thường bị thay thế bởi những kẻ cầm đầu, côn đồ hung hãn, liều lĩnh, những anh
6
chị “Đại ca” nên rất dễ dàng rơi vào những cạm bẫy, sai khiến xúi giục của các
“đàn anh, đàn chị”.
Qua những tìm hiểu về hồ sơ học sinh, qua trao đổi trực tiếp với đồng
nghiệp, gia đình học sinh và bản thân các em tôi thấy có rất nhiều nguyên
nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng học sinh có
những hành động và biểu hiện chưa ngoan, tôi rút ra được nêu ra một số nguyên
nhân cơ bản sau:
Một là, trường THPT Thường Xuân 2 là ngôi trường thuộc địa bàn nông thôn
miền núi còn nhiều khó khăn, đa số gia đình học sinh sống bằng nghề nông - lâm
nghiệp, kinh tế chậm phát triển, nhiều cha mẹ học sinh phải đi làm ăn xa, để con
em tự quản lý gia đình.
Hai là, sự phát triển của mạng Internet về nông thôn, nhiều điểm chat, chơi
game online mọc lên ở lân cận trường và trên đường đi học của nhiều học sinh.
Ba là, nhiều bậc cha mẹ hoặc phải lo làm ăn do kinh tế còn khó khăn hoặc
mãi lo làm giàu mà vô tình quên đi việc giáo dục đạo đức cho con, đẩy hết trách
nhiệm về phía nhà trường.
Bốn là, một số ít gia đình phụ huynh có điều kiện nhưng lại thờ ơ, thiếu quan
tâm trong việc giáo dục con cái.
Năm là, một số học sinh chỉ có hoặc cha, hoặc mẹ.
Sáu là, một số học sinh kết bạn và đi chơi với các thanh thiếu niên hư hỏng ở
bên ngoài nhà trường cộng với sự tác động của những tiêu cực xã hội.
Bảy là, do bản thân có nhận thức chưa cao nên nhiều em sống theo lối
buông thả, đua đòi; đặc biệt nhiều em lợi dụng việc đi học xa nhà để làm những
chuyện không đúng như: ham chơi, nói dối cha mẹ để xin thêm tiền phục vụ cho
mục đích không chính đáng, có những mối quan hệ không lành mạnh, …
Tám là, cần phải nói tới trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ giáo viên là những người quan tâm tới việc dạy kiến thức hơn là dạy đạo đức, lối sống cho
7
các em. Nhìn chung, lực lượng tham gia thường xuyên nhất để giáo dục đạo đức
cho học sinh chủ yếu vẫn là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và Ban giám hiệu. Còn
các lực lượng khác có tham gia công tác giáo dục đạo đức cho học sinh nhưng
không thường xuyên như là: giáo viên bộ môn, các tổ chức đoàn thể trong trường
và hầu như không quan tâm tới việc này là các nhân viên trong trường. Chính vì
thế có thể nói sự phối hợp giữa các lực lượng trong nhà trường để giáo dục đạo đức
cho học sinh chưa có sự đồng bộ và thiếu tính chặt chẽ.
Cuối cùng, việc phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng ngoài nhà
trường hầu hết là chưa tốt. Về hình thức phối hợp của các lực lượng ngoài nhà
trường tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường chủ yếu là mời phụ
huynh đến để trao đổi hành vi vi phạm đạo đức của học sinh, mà phụ huynh học sinh
thì đa số có tư tưởng “ Trăm sự nhờ thầy…”
Mục tiêu xuyên suốt trong các năm học của trường THPT Thường Xuân 2
chúng tôi là: không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục để có những sản phẩm
giáo dục vừa hồng, vừa chuyên. Lấy cái Đức làm nền tảng, nhà trường luôn quan
tâm đến vấn đề giáo dục ý thức cho học sinh. Là một giáo viên công tác tại trường
từ năm đầu thành lập nên về văn hoá tôi cũng hiểu được khá nhiều phong tục tập
quán và thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, về công tác tôi cũng có cơ
hội được trải nghiệm qua các công tác giảng dạy bộ môn, công tác chủ nhiệm lớp
và các công tác khác. Những trải nghiệm thực tế này đã giúp tôi phát hiện kịp thời
và giải quyết khá hiệu quả các vấn đề tiêu cực của một số học sinh trong trường.
III. CÁC BIỆN PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Lập danh sách học sinh chưa ngoan và tìm hiểu về những học sinh đó.
Công việc này không chỉ dành cho giáo viên chủ nhiệm mà ngay cả giáo
viên bộ môn cũng nên làm để giáo dục học sinh hiệu quả hơn. Để có danh sách học
sinh chưa ngoan giáo viên cần phải tham khảo qua sơ yếu lí lịch học sinh, qua
đồng nghiệp và qua chính các học sinh khác trong lớp. Sau khi đã có danh sách cụ
8
thể giáo viên cần tìm hiểu kỹ và phân loại học sinh chưa ngoan đầy đủ và chính
xác về:
- Hoàn cảnh sống từng học sinh, điều kiện kinh tế gia đình của học sinh, sự
quan tâm của cha mẹ, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình,…
- Những đặc điểm thể chất, sinh lý của từng học sinh. Thể trạng và biểu
hiện bình thường hay bất thường.
- Những đặc điểm về tâm lý: khả năng nhận thức, nhu cầu giao tiếp, tình
cảm như: cởi mở hay lầm lì, ưu tư, nóng nảy, luôn nghĩ mình bị mọi người “cô
lập”, “bỏ rơi”,…
- Nắm được tính cách và hành vi đạo đức từng học sinh: lười học, ba hoa,
không trung thực, cách ứng xử với mọi người xung quanh…
- Nắm được sở trường và sở thích của học sinh: khả năng ca hát, bóng đá,
bơi lội, chơi game, yêu thích thơ văn,…
- Đặc biệt cần chú trọng đến mối quan hệ của học sinh với những thanh
thiếu niên bên ngoài và học sinh chưa ngoan khác trong nhà trường. GV cũng cần
tìm hiểu ai là bạn thân, hay ai là người có ảnh hưởng lớn tới những học sinh này.
Sau khi đã có danh sách và nắm được một số đặc điểm cơ bản của học sinh
chưa ngoan ta sang bước tiếp theo: kết hợp một cách linh hoạt giữa gia đình – nhà
trường – xã hội.
2. Cần kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã
hội.
2.1. Về gia đình: Thường xuyên gặp gỡ và trao đổi cùng phụ huynh bằng
nhiều hình thức như: đến thăm nhà học sinh, mời phụ huynh đến trường dự họp,
gửi sổ liên lạc giữa gia đình với nhà trường, thậm chí liên lạc qua điện thoại để
thông báo mức độ vi phạm, những biểu hiện sai lệch cần được uốn nắn, khắc phục.
Nhưng cần lưu ý rằng phải giao tiếp ở một góc độ cởi mở, tâm lý, tế nhị nhưng
chân tình, tránh sự dồn dập, gay gắt. Có như vậy giáo viên chủ nhiệm mới tạo được
với phụ huynh sự tin tưởng và tận tâm hợp tác để giáo dục con em họ tốt hơn.
9
2.2. Về nhà trường:
- Với Ban giám hiệu: Tham mưu thường xuyên, nhờ sự “trợ giúp” kịp thời
của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng khi cần thiết nhằm có những giải pháp thiết
thực, phù hợp từng thời điểm hoặc nhờ Ban giám hiệu trao đổi riêng với các học
sinh chưa ngoan. Có thể xem như là “đưa lên cấp cao hơn” đối với những trường
hợp thường xuyên tái phạm lại lỗi cũ sau nhiều lần đã được xử lý ở lớp.
Nhà trường nên có các hình thức giáo dục phong phú, sinh động và hấp
dẫn, giáo dục đạo đức không chỉ thông qua giảng dạy môn GDCD, qua tiết
sinh hoạt GVCN, thông qua sinh hoạt tập thể mà còn nên có các hình thức
khác như: thông qua sinh hoạt truyền thống nhân các lễ lớn trong năm, thông
qua việc giảng dạy các môn văn hóa.
Hơn nữa, việc giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua học tập về tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh là hình thức mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân,
cán bộ - công nhân viên, học sinh đang phát động thực hiện nên được nhà
trường quan tâm, chú trọng hơn nữa.
Bên cạnh đó nhà trường cũng nên có kế hoạch củng cố và phối hợp với Tư
pháp của địa phương. Hiệu trưởng có ý kiến đề xuất với UBND xã, các đoàn thể
địa phương cần có sự phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức
cho HS thông qua kế hoạch tháng, học kỳ và năm học. Phối hợp tốt với nhà trường
tiếp xúc với phụ huynh khi cần thiết.
- Với tổ chức Đoàn: Đoàn trường nên có các hoạt động phong phú,
thường xuyên để các em có điều kiện vui chơi bổ ích sau những giờ học căng
thẳng. Các hoạt động vui chơi, giải trí này còn giúp các em có tinh thần tập thể,
biết tương trợ lẫn nhau. Qua các hoạt động này, giáo viên và học sinh có điều kiện
giao tiếp thân mật với nhau, từ đó giáo viên phát hiện ra năng lực bản thân của
nhiều học sinh, trong đó có cả học sinh chưa ngoan. Qua đó có thể tùy theo khả
năng từng đối tượng mà giao nhiệm vụ, và phân công công việc để các em chưa
10
ngoan cùng tham gia với tập thể. Từ đó, cảm giác bị “cô lập”, bị bỏ rơi của các em
chưa ngoan sẽ được xóa dần.
- Với tập thể giáo viên, công nhân viên trong trường: luôn nêu cao tinh
thần đoàn kết, nên đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân vì vai trò của tập thể
luôn giúp cho công tác của mỗi cá nhân đạt kết quả cao. Một giáo viên cho dù có
nhiều năng lực đến đâu đi chăng nữa cũng không thể thành công trong việc giáo
dục học sinh nếu như không có sự trợ giúp của tập thể vì giáo viên đó là người có
nhiều năng lực chứ không phải là có tất cả các năng lực. Ngược lại, một người có
thể năng lực sư phạm không nhiều nhưng vẫn thành công trong việc giáo dục học
sinh nếu như người đó có được sự giúp đỡ của tập thể. Giáo dục học sinh nói
chung và học sinh chưa ngoan nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của một giáo viên
hay tập thể cụ thể nào trong trường mà nó là nhiệm vụ chung của cả nhà trường.
- Với ban cán sự và các học sinh khác trong lớp: Bằng kinh nghiệm và
sự nhạy cảm, ngay từ đầu GVCN cần chọn lựa và đào tạo cho lớp một ban cán sự
tinh nhuệ và trách nhiệm. Sau đó nên có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban cán
sự lớp: quan sát, quan tâm, theo dõi, giúp đỡ…và đặc biệt GVCN phải biết cách
khai thác triệt để vai trò của “cánh tay đắc lực” này. Vì cán sự lớp là những người
có cùng độ tuổi và có thời gian gần gũi, tiếp xúc với các học sinh chưa ngoan trong
lớp nhiều nhất, thông qua ban cán sự lớp GVCN nắm được tình hình của lớp nói
chung và việc rèn luyện của học sinh chưa ngoan nói riêng. GVCN nên có những
quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng với nhóm ban cán sự này. GVCN cũng cần biết
cách dựa vào tập thể lớp để tác động tới những học sinh chưa ngoan.
2.3. Về xã hội (cụ thể là đối với chính quyền địa phương)
Quá trình giáo dục nhân cách cho học trò nói chung rất cần tình thương yêu.
Điều này lại càng quan trọng đối với học sinh cá biệt. Thực tế, chẳng thầy cô giáo
và bậc phụ huynh nào lại muốn đưa con em mình tới vòng lao lý, tuy nhiên như
các cụ ta từng dạy: “thương cho roi cho vọt“ hay “đòn đau nhớ đời”. Nhà trường
nên kết hợp với chính quyền địa phương trong việc giáo dục những học sinh
11
thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật như: lấy trộm tài sản của người khác,
đánh nhau, xâm phạm tới danh dự, thân thể của giáo viên,…Theo tôi, những đối
tượng này cần phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật pháp nhà nước, hoặc đưa
vào trường giáo dưỡng, dù phạm tội lúc dưới 16 tuổi, nhưng đã đủ 14 tuổi. Trong
trường hợp, dù phạm tội ở mức chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự, hay đưa vào
các trường giáo dưỡng thì cũng cần phải có những biện pháp bổ sung như: giam
giữ có thời hạn để giáo dục hay phạt làm lao động công ích... Hình thức kỷ luật
phù hợp để các em hiểu chính các em phải chịu trách nhiệm và trả giá về hành vi
thiếu văn hóa của mình.
Trên đây là một số biện pháp để giáo dục học sinh, tuy nhiên những biện
pháp này chỉ thật sự có hiệu quả khi nó được sử dụng kết hợp với sự khéo xử sư
phạm và các phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Những phẩm chất đó tạo nên
uy tín - một ảnh hưởng quan trọng trong việc giáo dục các em.
3. Sự khéo xử sư phạm và uy tín của người giáo viên.
3.1. Sự khéo xử sư phạm:
Theo tôi, khéo xử sư phạm cần được xem là một thuộc tính nhân cách mà tất
cả các giáo viên cần phải có. Đó là kỹ năng duy trì những mối quan hệ tốt với học
sinh của người giáo viên, kỹ năng bộc lộ thái độ ân cần, chu đáo, quan tâm, lịch sự,
có giọng nói cần thiết và đúng đắn khi giao tiếp với học sinh. Người giáo viên cần
có thái độ đối xử tế nhị, khéo léo với học sinh, khi đối xử cần chú ý tới các đặc
điểm tâm lý của các em nói chung và trong từng thời điểm cụ thể nói riêng. Tôi xin
nêu ra ví dụ cụ thể thể hiện sự ân cần, quan tâm tới học sinh của tôi mà được học
sinh rất ủng hộ đó là việc sử dụng quỹ lớp. Trong nhiều khoản chi có thể sử dụng
khoản chi của quỹ lớp, tôi luôn dành một phần để thăm hỏi cha mẹ các em khi bị
ốm, hay chia sẻ những khó khăn về vật chất mà gia đình các em gặp phải; một
phần khác là để dành cho mỗi lần sinh nhật của các em. Mỗi món quà nhỏ phục vụ
cho việc học tặng đến mỗi học sinh đều có mức chi phí như nhau, tức là trích từ
quỹ lớp hai phần và một phần giáo viên góp thêm để mua quà tặng cho các em.
12
Việc làm này được phụ huynh và học sinh rất ủng hộ, chính vì thế khi tôi cần sự hỗ
trợ từ phía gia đình trong việc giáo dục học sinh và thu các khoản quỹ đều được
phụ huynh giúp đỡ nhiệt tình. Một cách thể hiện sự quan tâm khác cũng được các
em rất thích đó là lắng nghe và cùng tìm cách giải quyết vấn đề cho các em. Điều
đáng nói ở đây là khi nghe tôi đã thể hiện được sự chăm chú, tôn trọng và tuyệt đối
bí mật đối với vấn đề của các em, điều này đã tạo được sự thân thiết, tin tưởng và
gần gũi giữa giáo viên và học sinh. Còn khi giải quyết vấn đề tôi luôn đặt mình vào
tình huống để đưa ra những góp ý sát thực nhất. Mặc dù gần gũi, thân thiết nhưng
tôi cũng luôn giữ khoảng cách giáo viên - học sinh để tránh các em hiểu nhầm giáo
viên “bằng vai phải lứa” với các em, đồng thời cũng để làm tăng giá trị lời nói và
uy tín mỗi khi tôi muốn nhắc nhở các em.
Sự khéo xử sư phạm được thể hiện dưới mọi hình thức hoạt động sư phạm
khác nhau, ta có thể vận dụng các hình thức: đề nghị, đòi hỏi, khuyên răn, thuyết
phục, yêu cầu, nhận xét, cảnh cáo, phê phán, cưỡng bức, ra lệnh, quở trách, trừng
phạt và khuyến khích. Bất kỳ một hình thức tác động đến học sinh nào trong số các
hình thức kể trên đều có thể vận dụng vào hoàn cảnh sư phạm thích hợp, nhưng
nhất thiết cần phải có mức độ. Có thể yêu cầu hay quở mắng học sinh nhưng chỉ
trong một giới hạn nhất định, giới hạn đó thể hiện trong tài khéo xử sư phạm của
người giáo viên. Ý thức được sự quan trọng trong việc vận dụng các hình thức giáo
dục một cách hợp lí sẽ giúp người giáo viên tìm ra được giọng nói cần thiết để tiếp
xúc cũng như giáo dục học sinh cả ở trong và ngoài lớp. Tôi đã sử dụng các hình
thức hoạt động sư phạm nói trên không phải chỉ khi làm công tác chủ nhiệm, mà
ngay cả những lớp chỉ là giáo viên bộ môn tôi cũng áp dụng. Có những đối tượng
khi vi phạm nội quy tôi chỉ nhắc nhở, thậm chí là chia sẻ, thông cảm. Nhưng cũng
có những đối tượng tôi buộc phải cảnh cáo, phê bình ngay trong lần phạm lỗi thứ
hai. Để áp dụng các hình thức giáo dục đúng đối tượng tôi đã phải tìm hiểu và quan
sát học sinh qua các buổi lên lớp và qua cách đối xử với thầy cô, bạn bè.
13
Khéo xử sư phạm cũng thể hiện ở sự công bằng trong việc nhận xét, đánh
giá học sinh. Từ bản thân mình tôi có thể suy ra được mong muốn có được sự công
bằng của học sinh. Việc đánh giá chính xác sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của
học sinh một cách tự nhiên, thoải mái. Nó làm cho những học sinh chưa đạt yêu
cầu cố gắng trở nên đạt yêu cầu, còn những học sinh đã đạt trở nên tiến bộ hơn
nữa. Tôi nghĩ rằng việc đánh giá học sinh chính xác là vấn đề không khó với mỗi
giáo viên chúng ta, vì qua các giờ lên lớp, qua thái độ học tập ta có thể nhận ra
được học sinh tiếp thu thế nào. Dù là ở cương vị chủ nhiệm hay bộ môn tôi cũng
đều nghiêm khắc với tất cả học sinh trong lớp, nhưng cách xử sự lại thể hiện sự tôn
trọng học sinh, xử lý mọi việc một cách công bằng cho dù là cán bộ lớp hay học
sinh chưa ngoan vi phạm. Chính vì thế những học sinh chưa ngoan ở những lớp tôi
dạy đều thấy giáo viên tôn trọng mọi học sinh như nhau, không thiên vị, không hề
“ghét bỏ” mình. Khi được đối xử công bằng các em đã chấp nhận kết quả rèn luyện
của mình một cách thoải mái và sẽ có những chuyển biến tích cực trong rèn luyện
ở thời gian tới.
Khéo xử sư phạm còn tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh qua nề
nếp, tác phong hàng ngày của người giáo viên, chẳng hạn qua trang phục, giao tiếp,
giảng dạy, ... học sinh có thể nhận ra các tính cách đặc trưng của người giáo viên:
tính điềm đạm, nề nếp, ngăn nắp, ... giáo viên càng có những ấn tượng tích cực
càng dễ tạo uy tín với học sinh.
Điều kiện quan trọng để người giáo viên có được tính khéo xử sư phạm là
cần phải có các phẩm chất như: tính điềm đạm, óc quan sát và lòng yêu nghề.
3.2. Uy tín của người giáo viên.
Uy tín của người giáo viên được căn cứ vào tài nghệ giáo dục học sinh và
những phẩm chất tốt đẹp của họ. Cùng một hành vi như nhau của các giáo viên
nhưng lại được học sinh đánh giá và đối xử theo các cách khác nhau, chẳng hạn
cũng là hành động quở trách nhưng có giáo viên trấn áp được hoạt động nghịch
ngợm của các em trong khi đó có giáo viên không những không yêu cầu học sinh
14
hoạt động theo ý mình mà còn làm tăng thêm căng thẳng hay sự “trêu ngươi” của
các em. Tóm lại, cách thể hiện khác nhau của các em phần lớn là do uy tín của
người giáo viên mang lại. Chính vì thế mỗi người giáo viên cần tạo cho mình uy
tín trước học sinh vì nó là yếu tố vô cùng quan trọng trong công việc giáo dục.
Dạy học là một trong những cách tạo ra uy tín của giáo viên để giáo dục học
sinh. Giáo viên có thể tạo ra ấn tượng tốt đẹp với học sinh qua các bài giảng. Để
bài giảng thực sự thu hút học sinh trước hết người giáo viên cần phải có chuyên
môn vững vàng, phải hệ thống hoá được tài liệu, phân biệt được cái cơ bản trong
bài, nhấn mạnh đến cái chủ yếu nhưng đồng thời cũng biết bổ sung để tài liệu thêm
sinh động, rõ ràng, sinh động, dễ hiểu và phù hợp với học sinh. Làm được như vậy
giáo viên sẽ thu hút được phần lớn sự chú ý của học sinh trong lớp, điều này đồng
nghĩa với việc những học sinh hay quậy phá trong lớp sẽ không còn điều kiện và
môi trường hoạt động. Lúc này tập thể lớp đứng về phía giáo viên và sẽ sẵn sàng
phản ứng mạnh với những học sinh quấy phá. Không phải chỉ trong giờ học mà
ngoài giờ học những học sinh cá biệt cũng phải nể những giáo viên này.
Để hạn chế tới mức tối đa số lượng học sinh cá biệt thì ngay từ đầu người
giáo viên nên gần gũi với các em, không đứng trên bục cao của người thầy để nhìn
nhận các em, chẳng hạn giáo viên cần phải có óc khôi hài, luôn vui vẻ với mọi
người, kể cả học sinh chưa ngoan. Điều này giúp cho học sinh có cảm giác dễ gần
với giáo viên, dễ sẻ chia tâm sự, mối quan hệ giữa thầy - trò tránh được sự căng
thẳng. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà suồng sã với các em theo kiểu “bằng vai
phải lứa” như anh em trong gia đình vì như thế sẽ làm giảm uy tín của người thầy.
Người giáo viên nào càng quan tâm tới việc xây dựng một tập thể học sinh
có kỷ luật và nâng cao uy tín của tập thể đó thì bản thân người giáo viên đó càng
được các em kính trọng nhiều hơn.
Người giáo viên cũng có thể tạo uy tín với học sinh và đồng nghiệp qua cách
tổ chức đúng đắn công tác dạy học, khéo léo giáo dục học sinh qua môn học của
15
mình, tức là dựa vào tài liệu môn học đang dạy mà dần dần đưa học sinh tới chỗ
nắm được thế giới quan duy vật.
Tóm lại, những giáo viên có kiến thức về bộ môn vững vàng, có trình độ văn
hoá phổ thông cao, biết phát huy các tính tích cực của học sinh như: óc sáng tạo,
tính độc lập, say mê học tập, … đồng thời biết gắn liền lý luận với thực tiễn, có
lòng yêu nghề, mến trẻ, có cách đối xử công bằng đối với học sinh, tính tình cởi
mở, yêu đời, … - toàn bộ những nét đó là những điều kiện vô cùng quan trọng để
người giáo viên có được uy tín sư phạm.
IV. KIỂM NGHIỆM:
Kết quả đạt được:
Thực tế trong công tác phối hợp với GVCN để giáo dục học sinh chưa ngoan
ở các lớp được phân công giảng dạy, tôi thấy việc áp dụng các biện pháp trên đã
mang lại cho nhà trường những hiệu quả giáo dục có triển vọng: Đa số học sinh
chăm ngoan, lễ phép, vâng lời thầy cô giáo, thực hiện tốt nội quy học sinh.
Năm học 2013 – 2014, tôi đã được phân công chủ nhiệm lớp 12A4, tôi được
thừa kế chủ nhiệm lớp này từ một cô giáo nghỉ sinh. Nhũng thông tin ban đầu tôi
có được ở lớp chủ nhiệm mới này đó là một lớp có nhiều học sinh cá biệt (hay vi
phạm nội quy về trang phục, về vệ sinh lớp học, về nghỉ học nhiều, về không
chuẩn bị bài trước khi đến lớp, ..), hay chậm trễ trong việc nạp quỹ và không có
thành tích cá nhân, tập thể. Kết quả rèn luyện năm học 2012-2013 của lớp như sau:
* Về học lực:
Lớp SS
Giỏi (%)
11B4 39
0
* Về hạnh kiểm:
Khá (%)
5 (12,8)
TB (%)
27 (69,3)
Yếu (%)
7 (17,9)
Lớp
11B4
Khá (%)
19 (48,7)
TB (%)
9 (23,1)
Yếu (%)
3 (7,7)
SS
39
Tốt (%)
7 (17,9)
Sau khi nhận lớp tôi đã tìm hiểu và sử dụng kinh nghiệm như đã trình bày ở
trên và đạt được kết quả giáo dục hai mặt chất lượng năm học 2013-2014 như sau:
* Về học lực:
16
Lớp SS
Giỏi (%)
12A4 42
0
* Về hạnh kiểm:
Lớp
12A4
Khá (%)
11 (26,2)
TB (%)
29 (69,0)
Yếu (%)
2 (4,8)
SS
Tốt (%)
Khá (%)
TB (%)
Yếu (%)
42
21 (50,0)
20 (47,6)
1 (2,4)
0
Ngoài kết quả hai mặt học lực và hạnh kiểm nói trên, tập thể lớp còn đạt
được những thành tích về tập thể như:
- Văn nghệ chào mừng 20/ 11: giải khuyến khích.
- Thi đội hình - đội ngũ chào mừng 22/ 12: giải 3 (tập thể), giải KK (cá
nhân)
- Thể thao chào mừng 26/ 3: giải ba (tung còn).
- Văn nghệ 26/ 3: giải KK.
Tuy nhiên, điều làm tôi vui thật sự trong năm chủ nhiệm này không phải là
kết quả tôi đã nêu trên mà là ở công tác giáo dục học sinh cá biệt. Hai trường hợp
cá biệt đặc trung của lớp 12A4 mà tôi xem là giáo dục thành công đó là các trường
hợp sau đây: Trường hợp 1 (con của bác hội trưởng hội phụ huynh của nhà
trường), năm học trước học sinh này xếp loại hạnh kiểm trung bình vì hay vi phạm
nội quy trường, lớp. Được bàn giao lớp ngay từ khi chuẩn bị vào năm học, tôi biết
tới học sinh này với vi phạm đặc biệt là không làm trực nhật, học sinh này đã tuyên
bố trước lớp ngay từ khi vào lớp 10: không làm trực nhật trong ba năm học. Theo
các học sinh khác trong lớp thì trong các buổi lao động của những năm học trước
học sinh này chỉ đến để chơi. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, khi đã kết thúc năm học
tôi mới dám kết luận rằng: học sinh này đã thật sự thay đổi theo chiều hướng tích
cực, cụ thể: em đã biết lo lắng và tất bật cho những phiên trực nhật của mình, em
đã tham gia đầy đủ và tích cực các buổi lao động mà nhà trường phân công, khi đi
lao động có mang theo dụng cụ. Cuối năm học, các bạn bình bầu hạnh kiểm cho
em loại tốt, nhưng em đã khiêm tốn nhận loại khá. Trường hợp 2 là một học sinh
có tiền sử hay vi phạm về trang phục và chậm trễ trong các khoản đóng góp. Qua
tìm hiểu các học sinh khác trong lớp tôi được biết đồng phục của học sinh này
thường bị đứt khuy và hay bị vo tròn nhét vào gầm bàn, gần như đồng phục của
17
học sinh này không được mang về nhà và không được giặt giũ. Từ chỗ ân cần đơm
lại cúc áo giúp em cho tới đôi lần phải phê bình trước lớp thì em này đã thay đổi,
đến nửa cuối của học kì I thì tôi hoàn toàn không phải nhắc nhở về trang phục của
học sinh này. Em cũng là một trong những học sinh có hạnh kiểm trung bình năm
học trước (năm lớp 11) nhưng năm nay em đã đạt hạnh kiểm khá cả năm.
Những thành tích đạt được trong năm học qua của lớp 12A4 tuy chưa phải là
cao nhưng nó có sự chuyển biến tích cực, điều này thể hiện phần nào hiệu quả của
sáng kiến mà tôi đã nêu trên. Tôi mong rằng khi tham khảo đề tài này quý thầy cô
sẽ có thêm kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy. Đồng thời cũng có
thêm những đóng góp hay cho sáng kiến này hoàn thiện hơn nữa.
C - KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
I. Kết luận:
18
Sáng kiến kinh nghiệm này nhằm định hướng về những hình thức, những biện
pháp giáo dục có hiệu quả các đối tượng học sinh chưa ngoan. Giúp các em hình
thành và phát triển nhân cách con người mới, trở thành người có ích cho xã hội.
Qua thực tế áp dụng, tôi nhận thấy để giáo dục học sinh chưa ngoan mỗi giáo
viên cần phải:
- Hiểu rõ từng đối tượng học sinh.
- Xây dựng kế hoạch giáo dục rõ ràng, cụ thể.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp.
- Kết hợp tốt ba môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội.
- Bản thân giáo viên có uy tín về chuyên môn nghiệp vụ lẫn uy tín về đạo
đức.
- Sự khéo xử sư phạm của người giáo viên.
II. Đề xuất :
Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp chịu trách nhiệm đồng thời là người
tiên phong trong giáo dục đạo đức học sinh chưa ngoan của lớp. Để thực hiện tốt
vai trò, chức năng giáo viên chủ nhiệm rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức và
cá nhân trong nhà trường. Vậy nên, bản thân tôi có một số đề xuất sau:
- Với Ban giám hiệu: Cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa trong việc giúp đỡ,
hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm xử lý học sinh chưa ngoan vi phạm nhiều lần, có nhiều
cuộc trò chuyện, trao đổi riêng với các học sinh chưa ngoan.
- Với phụ huynh học sinh: cần quan tâm nhiều hơn nữa đời sống tình cảm,
có hiểu biết rõ về diễn biến phát triển tâm sinh lý của con em, thường xuyên liên
lạc với nhà trường, nhất là với giáo viên chủ nhiệm.
- Với giáo viên bộ môn và các tổ chức đoàn thể: Tạo cơ hội để các em
được thể hiện mình, được trở nên tốt hơn trước tập thể. Cần động viên, khích lệ
kịp thời các học sinh chưa ngoan khi thấy các em có sự chuyển biến tích cực.
Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tập thể, xây dựng môi trường thân thiện,
xây dựng CSVC, khu vui chơi giải trí, thể thao. Tổ chức các buổi hoạt động tham
19
quan dã ngoại để lôi cuốn các em đến trường, làm cho các em thực sự thấy “ Mỗi
ngày đến trường là một ngày vui”.
Qua đề tài nghiên cứu này, tôi mong quí đồng nghiệp cùng tham khảo, chia sẻ
và đóng góp ý kiến để tìm ra các biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan hữu hiệu
nhất.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Thanh Hóa, ngày 25 tháng 4 năm 2015
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung của
người khác.
Vũ Thị Hồng
20