Tải bản đầy đủ (.pdf) (56 trang)

Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ ở trường mầm non

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.06 MB, 56 trang )

Chương 3

Tổ chức các hoạt động giáo dục
cho trẻ ở trường mầm non
(LT: 8; Tự học: 20)

3.1. Tổ chức chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ
3.1.1. Nguyên tắc thực hiện
Khi tổ chức thực hiện chế độ sinh hoạt, cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
3.1.1.1. Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu chăm sócgiáo dục trẻ mầm non
Mục tiêu giáo dục mầm non được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ giáo
dục và yêu cầu cần đạt ở từng độ tuổi. Nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động
chăm sóc – giáo dục trẻ. Ở mỗi độ tuổi cụ thể cần có chế độ sinh hoạt thích
hợp. Vì vậy, khi xây dựng chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ và tổ chức thực
hiện nó cần phải dựa vào mục tiêu giáo dục.
3.1.1.2. Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo phù hợp với sự tăng trưởng và phát
triển của độ tuổi
Trẻ mầm non là giai đoạn có tốc độ tăng trưởng và phát triển diễn ra cực
kì nhanh chóng. Mỗi giai đoạn độ tuổi, nhu cầu về vật chất và tinh thần cũng
thay đổi theo, có sự khác biệt khá lớn ở từng độ tuổi. Vì vậy, chế độ sinh hoạt
hàng ngày cần phải phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển của từng độ tuổi.
Cần tránh áp đặt trẻ thực hiện chế độ quá sức của nó.
3.1.1.3. Chế độ sinh hoạt hàng ngày phải đảm bảo sự cân đối hài hoà giữa
nuôi và dạy (chăm sóc – giáo dục)
Với tốc độ tăng trưởng và phát triển diễn ra rất nhanh nhưng cơ thể trẻ
còn non yếu, mọi quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ chưa định hình nên
hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của người lớn. Sự
mất cân đối giữa nuôi và dạy sẽ dẫn đến sự mất cân đối trong quá trình tăng
trưởng và phát triển của trẻ. Vì vậy, để nuôi dạy trẻ trở thành một con người
phát triển cân đối hài hoà về mọi mặt thì người lớn cần phải xây dựng và thực
hiện được một chế độ sinh hoạt hợp lí.


3.1.1.4. Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo sự điều hoà giữa hoạt động và nghỉ
ngơi
Trẻ mầm non rất hiếu động song cơ thể còn non nớt, hoạt động thần
kinh, cơ bắp còn hạn chế, trẻ dễ bị mệt mỏi, đuối sức khi tham gia vào các hoạt
động đòi hỏi phải vận động thần kinh cơ bắp nhiều. Do vậy, việc đảm bảo sự
điều hoà giáo dục hoạt động và nghỉ ngơi, giữa thức và ngủ, giữa hoạt động có
tính chất động và hoạt động có tính chất tĩnh cần được tính đến khi xây dựng
chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ.
3.1.1.5. Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo trình tự hoạt động ổn định, tránh xáo
trộn nhằm hình thành nề nếp, thói quen cho trẻ. Chế độ sinh hoạt phải phù hợp
với độ tuổi và cần phải ổn định ở mỗi độ tuổi cụ thể.

68


3.1.1.6. Chế độ sinh hoạt phải phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và khí
hậu từng vùng, từng mùa
Khi xây dựng chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ cần tính đến điều kiện
thực tế của địa phương, tính đến khí hậu của từng vùng, miền, và từng mùa
trong năm. Cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, khi xây dựng chế độ sinh hoạt cho
phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, địa phương.
3.1.2. Tổ chức và thực hiện chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ ở các nhóm
lứa tuổi
3.1.2.1. Những nội dung thường có trong chế độ sinh hoạt của trẻ dưới 3 tuổi
3.1.2.1.1. Tổ chức đón trẻ
Để việc đón trẻ diễn ra một cách thuận lợi, cô giáo mầm non cần thực
hiện những yêu cầu sau:
- Chuẩn bị đón trẻ:
+ Làm vệ sinh, thông thoáng phòng, nhóm (nhóm 3 – 12 tháng cần sắp
xếp) giường chiếu vì trẻ đến là ngủ ngay)

+ Chuẩn bị đồ dùng, quần áo hoặc tã lót, nước uống, nước sinh hoạt
trong ngày
+ Chuẩn bị đồ chơi và góc chơi cho trẻ
+ Chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón trẻ
- Trong giờ đón trẻ: cần bố trí 2 cô
+ Cô đón trẻ đứng đúng nơi quy định, thái độ vui vẻ, niềm nở. Đối với
trẻ từ 7 – 8 tháng tuổi trở lên cô tập cho trẻ “ạ”, trẻ lớn hơn tập cho trẻ chào cô,
chào bố mẹ.
+ Cô trao đổi nhanh với phụ huynh về tình hình sức khoẻ của trẻ hoặc về
thói quen của những trẻ mới đến nhà trẻ hoặc thông báo những điều cần thiết,
nhắc nhở những quy định chung của nhà trẻ.
+ Nếu trẻ sốt hoặc đang mắc các bệnh lây (hoặc nghi ngờ trẻ đang mắc
các bệnh lây như sởi, thuỷ đậu, quai bị...) cần trả trẻ lại gia đình để chăm sóc
và cách li đủ thời gian theo quy định mới nhận trẻ trở lại nhóm
+ Cô cần bao quát được tất cả trẻ đã nhận vào nhóm
+ Thời gian đầu, trẻ mới đi nhà trẻ, trẻ thường hay khóc vì chưa quen cô,
quen bạn. Vì vậy, một vài ngày đầu cô gần gũi, tiếp xúc, làm quen với trẻ khi
có cả cha mẹ trẻ, sau đó đón dần trẻ vào nhóm. Khi trẻ vào nhóm cô cần phải
nhẹ nhàng, tươi cười, dỗ dành và lấy đồ chơi mà trẻ thích
+ Đối với trẻ 18 – 36 tháng cô thu dọn phòng nhóm gọn gàng để cho trẻ
tập thể dục sáng, tạo điều kiện cho trẻ tắm nắng, tắm không khí trong lành. Có
thể cho trẻ tập ở trong nhà, hành lang, hoặc ngoài sân tuỳ thuộc vào điều kiện
cụ thể của phòng nhóm và thời tiết. Nên cho trẻ tập theo nhạc là tốt nhất.
+ Cô cần nắm đúng số lượng trẻ đến trong ngày để báo số lượng suất ăn
của nhóm với bộ phận cấp dưỡng.
3.1.2.1.2. Tổ chức cho trẻ ăn uống

69



Việc tổ chức ăn uống hợp lý, khoa học là một yêu cầu cực kỳ quan trọng
cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ vì khả năng hoạt động của dạ dày,
ruột... của trẻ còn kém. Nếu thức ăn không khoa học trẻ nhiễm bệnh ngay.
+ Tốc độ tăng trưởng, phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng chia theo
trọng lượng với nhu cầu thức ăn rất lớn, giúp trẻ phục hồi sức lực và những
năng lượng bị tiêu hao. Vì vậy, cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết
cho trẻ trong bữa ăn.
+ Ngoài ra cần chú ý vệ sinh an toàn tuyệt đối : ăn sữa bột, cháo 36 - 370
C, chế biến thức ăn phù hợp (từ thức ăn lỏng đến đặc dần, từ mềm đến rắn...),
đủ chất và lượng, đảm bảo vệ sinh. Cần cho trẻ ăn nhiều thức ăn hoa quả tươi,
rau tươi, sữa và các loại thức ăn bằng sữa, uống đủ nước...
+ Cần cho trẻ ăn uống hợp lý, ăn đúng giờ, tạo cho trẻ cảm giác muốn ăn
và cảm giác ăn ngon miệng. Nếu trẻ không muốn ăn, người lớn cần tìm hiểu
nguyên nhân và có những biện pháp xử lý kịp thời. Tránh quát mắng, doạ nạt
trẻ khi ăn, không bịt mũi trẻ để cho ăn bột, ăn cháo. Không được cưỡng bức trẻ
ăn, uống khi trẻ không muốn, sự cưỡng ép trẻ khi ăn uống thường dẫn đến cảm
giác sợ ăn uống
+ Trước khi ăn không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, cần tập cho trẻ văn
hoá vệ sinh khi ăn uống...
+ Mỗi độ tuổi có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, do vậy cần có chế độ
ăn uống phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Lứa tuổi

Chế độ ăn

Nhu cầu cả ngày

3 – 6 tháng
6 – 12 tháng

12 – 18 tháng
18 – 24 tháng
24 – 36 tháng

Bú mẹ hoàn toàn
Bú mẹ + ăn bột
Bú mẹ + ăn cháo
Ăn cơm nát
Ăn cơm thường

600 – 800 Kcal
800 – 900 Kcal
900 – 1100 Kcal
1100 – 1300 Kcal
1100 – 1300 Kcal

Nhu cầu tại nhà trẻ
(chiếm 60% - 70%
nhu cầu cả ngày)
360 – 560 Kcal
480 – 630 Kcal
540 – 770 Kcal
660 – 910 Kcal
660 – 910 Kcal

Khi cần thay đổi chế độ ăn uống thì nên thay đổi dần dần, từ ít đến
nhiều, từ loãng đến đặc, nên tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Hàng ngày
trẻ cần ăn nhiều loại thức ăn khác nhau với đủ các chất dinh dưỡng: đạm, béo,
đường, vitamin và muối khoáng.
3.1.2.1.3. Tổ chức cho trẻ ngủ

Đối với trẻ nhỏ, khả năng hoạt động của hệ thần kinh yếu, quá trình
hưng phấn cao hơn ức chế, nếu không ngủ thì mệt mỏi, thần kinh căng thẳng,
quá trình hưng phấn sẽ cao hơn. Mặt khác, giấc ngủ được ví như liều thuốc bổ
não, sau giấc ngủ tốt não sẽ được phục hồi khả năng hoạt động của mình.
Những trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sâu thường vui vẻ, hoạt bát; nếu mất ngủ thì cáu
bẳn, hờn dỗi... Do vậy, khi tổ chức giấc ngủ cho trẻ cần chú ý một số vấn đề
su:

70


- Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc và sâu. Thời gian ngủ của trẻ phụ thuộc
vào độ tuổi:
+ Trẻ sơ sinh ngủ hầu như suốt ngày đêm
+ 2 – 5 tháng cần ngủ 16 –18 h/ ngày
+ 6 –12 tháng cần ngủ 14 –16 h/ ngày
+ 1 –2 tuổi cần ngủ 12 – 14 h/ ngày
+ 2 – 3 tuổi cần ngủ 10 – 12 h/ ngày
Trường hợp nếu trẻ ngủ li bì suốt ngày hoặc không chịu ngủ thì cần quan
tâm theo dõi. Nếu thấy trẻ gầy còm, ốm yếu cần đưa đến bác sĩ để khám bệnh.
Lưu ý đối với trẻ dưới 3 tuổi:
- Đảm bảo thời gian ngủ quy chuẩn
- Không nên cho trẻ thức quá 8h tối
- Tập cho trẻ ngủ đúng giờ, tạo tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái, vui vẻ
trước khi đi ngủ. Tạo cho trẻ thói quen lên giường là ngủ ngay. Đặc biệt không
để trẻ nô đùa quá mức trước lúc ngủ hoặc người lớn không được dọa nạt trẻ
khiến trẻ giật mình.
- Tạo cho trẻ cảm giác được an tâm, được âu yếm, được an toàn trong
giấc ngủ.
- Cho trẻ ngủ trên giường có khung chắn, có đủ chiếu, màn, chăn, gối

khô ráo sạch sẽ, thơm tho
- Trước khi ngủ, cho trẻ đi vệ sinh, lau rửa mặt mũi, chân tay, quần áo
rộng rãi, thoải mái
- Cần chú ý đến đặc điểm riêng của từng trẻ. Đối với trẻ có nhu cầu ngủ
nhiều nên cho trẻ ngủ sớm hơn và dậy muộn hơn. Đối với trẻ khó ngủ hay quấy
khóc cần vỗ về, ru ngủ hoặc cho trẻ ngủ riêng để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ
của trẻ khác
- Đối với trẻ nhỏ cần vỗ về ru ngủ bằng những khúc hát ru, những bài
thơ giàu âm điệu.
- Trẻ dưới 4 tháng nên đặt trẻ nằm nghiêng về một phía hoặc nằm ngửa,
tránh nằm sấp và ngoẹo đầu gây ngạt thở và ứ đờm dãi. Trẻ lớn ngủ trong tư
thế thoải mái
- Trẻ 12 – 24 tháng, cô nên động viên khuyến khích, tập cho trẻ làm
quen với nơi ngủ và tập cho trẻ tự đi vào chỗ ngủ
- Trẻ 24 – 36 tháng đã có những thói quen về nề nếp sinh hoạt, thói quen
tự phục vụ nên đến giờ ngủ cô hướng dẫn cùng cô chuẩn bị ngủ (trẻ tự bê gối,
tự chuẩn bị chỗ ngủ...), nhắc trẻ tự đi vệ sinh, đến đúng chỗ của mình, tự trèo
lên giường nhắm mắt ngủ ngay, không nói chuyện, không trêu chọc bạn...
- Khi trẻ ngủ, cô phải có mặt thường xuyên trong phòng ngủ để theo dõi
giấc ngủ và sửa tư thế ngủ của trẻ, xử lí các sự cố như đái dầm, chăn trùm kín
mặt, sặc nước miếng...
- Khi trẻ thức dậy, nên để trẻ nằm chơi một lúc, sau đó cho trẻ đi vệ sinh,
lau mặt cho trẻ tỉnh ngủ. Tránh tình trạng dậy đồng loạt một lúc ảnh hưởng đến
giấc ngủ của trẻ và sinh hoạt của lớp.

71


3.1.2.1.4. Tổ chức vệ sinh cho trẻ
- Tập cho trẻ dưới 3 tuổi biết giữ gìn vệ sinh cá nhân là một việc làm hết

sức khó khăn, phức tạp đối với người lớn nhưng nó có ý nghĩa vô cùng to lớn
đối với trẻ, giúp trẻ quen dần với nếp sống vệ sinh, sạch sẽ. Việc tập giữ vệ
sinh cho trẻ dưới 3 tuổi có một vai trò quan trọng trong việc hình thành tính
cách của trẻ.
- Người lớn cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ, vệ sinh răng
miệng, mắt mũi, tai, vệ sinh quần áo cho trẻ, luyện tập cho trẻ có thói quen đi
đại tiểu tiện đúng giờ, đúng nơi quy định.
+ Vệ sinh thân thể: da trẻ rất mỏng, dễ bị xây xát và nhiễm trùng gây
mụn nhọt, lở ngứa... Do đó cần tắm rửa sạch sẽ hàng ngày cho trẻ, nhất là mùa
hè.
Tập cho trẻ 2 – 3 tuổi có thói quen rửa tay, rửa mặt trước khi ăn và sau
khi đi vệ sinh. Trong khi chăm sóc vệ sinh cho trẻ cô vừa làm vừa giải thích để
trẻ hiểu tại sao phải rửa tay sạch
+ Vệ sinh răng miệng: Hàng ngày cho trẻ súc miệng bằng nước muối và
khi trẻ có 4 răng hàm nên tập cho trẻ đánh răng buổi sáng và buổi tối.
Để răng trẻ phát triển bình thường, cần cho trẻ ăn thức ăn đủ chất, nhất
là thức ăn có nhiều can xi, ăn rau quả nhiều sinh tố C... Không nên cho trẻ ăn
thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, quá cứng...
Phối hợp tuyên truyền với phụ huynh tập cho trẻ 3 tuổi tập đánh răng,
không nên cho trẻ ăn quà vặt nhất là kẹo, bánh ngọt
Khám định kỳ để phát hiện sớm sâu răng và chữa trị kịp thời. Dạy trẻ có
thói quen ngậm miệng khi ngủ, thở bằng mũi để răng miệng không bị khô, nếu
răng luôn được ngâm trong nước bọt sẽ khó bị sâu.
+ Vệ sinh tai – mũi – họng: Viêm họng, viêm phế quản, viêm tai là
những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, làm ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và
phát triển của trẻ, thậm chí còn gây nguy hại lớn sau này. Để bảo vệ tai, mũi,
họng người lớn cần: Giữ ấm cổ, ngực và đôi chân cho trẻ về mùa đông. Không
dùng vật cứng để ngoáy tai, mũi cho trẻ. Cần thường xuyên tiêm chủng, phòng
bệnh cho trẻ. Nếu phát hiện ra trẻ bị nghễnh ngãng không có phản ứng với âm
thanh thì cần phải cho trẻ đi khám kịp thời để tránh hậu quả câm điếc về sau.

+ Vệ sinh mắt: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, vì vậy cần giữ gìn cho đôi
mắt của trẻ thật lành lặn và trong sáng. Trẻ nhỏ thường đau mắt hột, đau mắt
đỏ do vệ sinh không tốt hoặc dùng chung khăn bẩn với người bị đau mắt. Vì
vậy cần rửa mặt, lau mắt cho trẻ bằng khăn, nước sạch. Cho trẻ ăn rau xanh, cà
rốt, lòng đỏ trứng gà..., uống vitamin A đúng liều để phòng bệnh quáng gà, khô
mắt.
Phòng và chữa dứt điểm bệnh đau mắt đỏ, mắt hột..., nên cho trẻ chơi
dưới ánh sáng tự nhiên. Không cho trẻ ngồi gần màn hình vô tuyến, máy vi
tính, hạn chế thời gian xem vô tuyến.
+ Vệ sinh quần áo: quần áo là lớp da bảo vệ thân thể trẻ khỏi bị xây
xước, khỏi bị bụi bặm và điều hoà nhiệt độ thân thể. Quần áo trẻ mặc phải phù

72


hợp theo mùa, sạch sẽ, thay giặt hàng ngày, phơi nắng khô ráo. Không được
cho trẻ mặc quần áo, tã lót ẩm ướt.
Chất liệu vải phải phù hợp với khí hậu trong năm, kiểu may đơn giản dễ
mặc, dễ cởi... không nên cho trẻ mặc vải khó thoát mồ hôi.
Ngoài ra cần chú ý đến thói quen đi giày, dép. Giày, dép phải mềm mại,
vừa chân, thoải mái khi cử động...
+ Luyện tập cho trẻ thói quen đi đại tiện, tiểu tiện đúng giờ, đúng nơi
quy định. Việc luyện tập này đòi hỏi người lớn phải kiên trì, khi trẻ biết ngồi
vững có thể tập cho trẻ ngồi bô. Tránh để trẻ ngồi bô lâu quá, như vậy sẽ ức
chế và có hại cho cột sống. Không nên đánh mắng khi trẻ đái dầm hay ỉa đùn.
Chỉ cho trẻ ngồi bô khi trẻ cần đại tiện hay tiểu tiện, không cho trẻ ngồi
bô rồi đi làm việc khác, cần quan sát để đảm bảo trẻ không bị ngã.
Sau khi trẻ đi bô cần rửa ngay cho trẻ và dùng khăn khô lau cho trẻ. Rửa
sạch tay cô và trẻ bằng xà phòng rồi mới đi làm việc khác.
3.1.2.1.5. Tổ chức chế độ chơi - tập cho trẻ

Tổ chức hoạt động chơi - tập cho trẻ là một nội dung quan trọng trong
chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường mầm non. Tổ chức chơi – tập hợp
lí không những làm cho sự tăng trưởng của trẻ diễn ra thuận lợi mà còn giúp
cho sự phát triển tâm lí của trẻ diễn ra một cách tích cực. Để tổ chức chế độ
chơi - tập cho trẻ có hiệu quả, cô giáo mầm non cần thực hiện một số yêu cầu
sau:
- Chuẩn bị cơ sở vật chất để trẻ chơi – tập
+ Bố trí chỗ chơi rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ, phù hợp với nhu cầu
hoạt động của trẻ
+ Chuẩn bị đủ đồ chơi cho trẻ. Đồ chơi phải phù hợp với mục tiêu yêu
cầu của giờ chơi – tập và hấp dẫn đối với trẻ (đồ chơi phải có màu sắc tươi
sáng, có thể phát ra âm thanh, phong phú, đa dạng, sạch sẽ, an toàn...). Đối với
trẻ cuối 3 tuổi cần tăng cường những đồ chơi nhằm giúp đỡ tham gia vào các
trò chơi thao tác vai.
- Hướng dẫn trẻ chơi – tập
+ Người lớn là cầu nối trẻ với thế giới đồ vật. Cô giáo cần hướng dẫn tỉ
mỉ để trẻ sử dụng được đồ vật, cô vừa làm mẫu vừa nói để trẻ hiểu hoặc hát
khuyến khích trẻ chơi. Những giờ chơi – tập với đồ chơi mới cô cần cùng chơi
với trẻ. Đối với trẻ nhỏ, cô cần hướng sự chú ý của trẻ vào những đồ chơi cần
thiết, dạy cho trẻ những thao tác đúng
+ Khi hướng dẫn trẻ chơi – tập, cô không chỉ dạy trẻ biết thực hiện các
thao tác với đồ vật mà cần dạy trẻ biết tên gọi của đồ vật, nhận biết được
những thuộc tính của nó, tập cho trẻ biết sử dụng một số đồ dùng đơn giản
trong sinh hoạt hàng ngày...
+ Nhịp độ chơi – tập, mức độ yêu cầu, thời gian chơi – tập phải phù hợp
với độ tuổi và phù hợp với từng trẻ. Đối với những trẻ khoẻ mạnh có thể cho
trẻ hoạt động “động” nhiều hơn là hoạt động “tĩnh”, đối với trẻ yếu ớt thì cho

73



trẻ hoạt động “tĩnh” nhiều hơn. Tuy nhiên, dù là trường hợp nào cũng nên tổ
chức đan xen, nhịp nhàng giữa hoạt động cơ bắp với hoạt động thần kinh
+ Cần động viên, khuyến khích trẻ kịp thời, tạo cho trẻ có trạng thái vui
tươi, thoải mái trong khi chơi – tập. Đối với trẻ nhỏ, ban đầu những thao tác
còn rất vụng về và phạm nhiều sai sót, cô không nên sốt ruột mà làm thay hoặc
khiển trách trẻ. Cần an ủi, động viên, hướng dẫn lại cho trẻ tập nhiều lần mới
thành quen.
+ Cần có chế độ chơi – tập riêng cho những trẻ mệt hoặc bị ốm. Tránh
tình trạng trẻ hoạt động quá sức bệnh sẽ nặng thêm.
- Kết thuc giờ chơi – tập: cô cần dạy trẻ biết thu dọn đồ dùng, đồ chơi
đúng nơi quy định. Đây là việc làm cần thiết để rèn luyện cho trẻ thói quen gọn
gàng, ngăn nắp, giờ nào việc nấy...
3.12.1.6. Trả trẻ
- Trước khi ra về, cô cho trẻ vệ sinh cá nhân: quần áo, đầu tóc trẻ gọn
gàng, sạch sẽ. Trong thời gian chờ đợi bố mẹ đi đón cho trẻ chơi với một số đồ
chơi nhẹ nhàng, cô đọc thơ, kể chuyện, cho trẻ xem tranh hoặc chơi các trò
chơi dân gian. Nên tạo cho trẻ những ấn tượng tốt với lớp với cô để hôm sau
trẻ lại thích đến nhà trẻ, không nên để trẻ ngồi một chỗ chờ bố mẹ đến đón.
- Khi gặp bố mẹ, cô hướng dẫn chào bố mẹ, chào cô giáo, chào các bạn
khi ra về. Đối với cha mẹ cô nên trao đổi một số thông tin cần thiết trong ngày
về cá nhân trẻ cũng như một số hoạt động của lớp cần có sự phối hợp với gia
đình.
3.1.2.2. Tổ chức thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ mẫu giáo
Phân phối thời gian trong chế độ sinh hoạt của trẻ mẫu giáo (Theo
“Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non” các giai đoạn
độ tuổi - NXB GD Việt Nam 2011)
Thời gian
Mùa hè
Mùa đông

6h45 – 8h00
7h00 – 8h20
8h00 – 8h 40
8h20 – 9h00
8h40 – 9h20
9h00 – 9h40
9h20 – 10h00
9h40 – 10h20
10h00 – 11h10
10h20 – 11h40
11h10 – 14h00
11h40 – 14h00
14h00 – 14h40
11h40 – 14h00
14h40 – 15h40
14h40 – 15h40
15h40 – 17h00
15h40 – 17h00

Hoạt động
Đón trẻ, chơi, thể dục sáng
Học
Chơi, hoạt động ở các góc
Chơi ngoài trời
Ăn bữa chính
Ngủ
Ăn bữa phụ
Chơi, hoạt động theo ý thích
Trẻ chuẩn bị ra về và trả trẻ


3.1.2.2.1. Đón trẻ, hoạt động tự chọn, thể dục sáng, điểm danh
- Đón trẻ. Tiến hành cơ bản như ở các lứa tuổi trước, song cô giáo, cô
cần chú ý rèn cho trẻ thói quen tự phục vụ (lấy, cất đồ dùng cá nhân đúng nơi
quy định, gọn gàng, ngăn nắp), thói quen vệ sinh…

74


Trong giờ đón, cô cần quan tâm tới từng trẻ về mọi mặt (sức khoẻ, tâm
trạng…) để có biện pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp trong ngày.
- Hoạt động tự chọn. Khi trẻ được đón vào lớp, cô cho trẻ tự lấy đồ chơi
và chơi theo ý thích của mình. Cô cũng có thể gợi ý, nêu tên một số trò chơi
học tâp, lắp ghép hoặc trò chơi dân gian nhẹ nhàng mà trẻ đã biết để trẻ chơi
với nhau. Đối với lớp nhỡ và lớp lớn, cô có thể gợi ý cho một số trẻ tham gia
làm công việc trực nhật hoặc cùng cô chuẩn bị cho giờ học tới. Trong khi trẻ tự
chơi cô luôn quan sát, nhắc nhở trẻ chơi vui, đoàn kết. Gần hết giờ chơi cô
nhắc nhở trẻ thu dọn đồ chơi gọn gàng để chuẩn bị tập thể dục buổi sáng.
- Thể dục buổi sáng: Thể dục buổi sáng cần được thực hiện thường
xuyên và tiến hành trong 5 – 7 phút (lớp bé), 6 -8 phút (lớp nhỡ), 8 – 10 phút
(lớp lớn), cho trẻ tập dưới sân là tốt nhất. Những nơi có điều kiện có thể cho trẻ
theo hiệu lệnh chung của trường. Riêng những ngày có tiết thể dục thì thể dục
buổi sáng được thực hiện dưới hình thức trò chơi, bài hát kết hợp với vận động
hoặc số lần tập ít hơn.
- Điểm danh: Sau khi tập thể dục buổi sáng cho trẻ điểm danh. Điểm
danh nhằm giúp cô nắm được sĩ số của lớp và cô có điều kiện tập cho trẻ biết
quan tâm lẫn nhau. Tuỳ từng mục đích điểm danh mà chọn những hình thức
điểm danh phù hợp để trẻ đỡ chán. Chằng hạn, đầu năm trẻ chưa nhớ tên các
bạn trong lớp, trong tổ thì gọi tên theo danh sách của lớp, khi trẻ đã thân quen
nhau cô có thể hỏi sĩ số của tổ, lớp, tạo điều kiện cho trẻ quan tâm đến nhau.
Thứ hai đầu tuần, cô nên dành 5- 7 phút (họp mặt) để trẻ trò chuyện với nhau

về công việc của mình, của gia đình trong những ngày cuối tuần, tạo không khí
thân mật. Trong thời gian này cô có thể nhắc nhở một số nề nếp cần thiết trong
ngày, đưa ra hoặc nhắc lại một số tiêu chuẩn thi đua nhằm khích lệ trẻ bước
vào một tuần học mới hào hứng hơn, có nề nếp hơn.
3.1.2.2.2. Các tiết học
Hoạt động học tập chưa phải là hoạt động chủ yếu của trẻ, do đó các tiết
học của trẻ rất ít, nhưng nó có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển trí
tuệ của trẻ và góp phần chuẩn bị cho trẻ vào học ở trường tiều học được tốt.
Nội dung các tiết học được quy định chặt chẽ trong chương trình giáo dục trẻ.
Thời gian học trên tiết và số tiết phụ thuộc vào từng độ tuổi. Các tiết học đều
được bố trí vào buổi sáng, thuận lợi hơn cho hoạt đọng trí tuệ của trẻ.
Trong ngày cần bố trí các tiết học theo nguyên tắc động – tĩnh (một tiết
tĩnh, một tiết động).
Trong tuần, ngày đầu tuần và cuối tuần không nên bố trí những tiết học
đòi hỏi hoạt động trí tuệ nhiều như toán, làm quen với môi trường xung quanh,
có thể bố trí ngày thứ năm không có tiết học.
Để các tiết học mang lại hiệu quả cao, cô chuẩn bị chu đáo về nội dung,
về phương tiện dạy học, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ
chức dạy học sao cho phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, mang màu sắc của hoạt
động chủ đạo, giúp cho trẻ tiếp thu tri thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú tránh
áp đặt, gò bó làm trẻ mệt.

75


3.1.2.2.3. Hoạt động ngoài trời
Đây là một trong hoạt động bổ ích và lí thú đối với trẻ. Ra ngoài trời, trẻ
được tận hưởng những điều kiện của tự nhiên như nước, ánh nắng mặt trời,
không khí trong lành, được vận động tự do thoải mái, đáp ứng nhu cầu vận
động của trẻ. Nhờ đó mà cơ thể được rèn luyện, sức khoẻ được tăng cường. Ra

ngoài trời trẻ còn được tiếp xúc với các hiện tuợng tự nhiên, xã hội phong phú,
giúp trẻ mở rộng vốn hiều biết về thế giói xung quanh, phát triển tính tò mò
ham hiều biết, phát triển những cảm xúc thẩm mĩ. Cô có điều kiện giáo dục
cho trẻ những hành vi văn minh trong môi trường xung quanh.
* Nội dung hoạt động ngoài trời gồm 3 phần
- Hoạt động có mục đích, gồm:
+ Quan sát, phát hiện ra những thay đổi của các sự vật, hiện tượng trong
thiên nhiên xã hội.
+ Tổ chức củng cố hoặc làm quen với các nội dung giáo dục.
+ Tổ chức cho trẻ chăm sóc vật nuôi, cây trồng.
- Trò chơi vận động.
- Chơi tự do (theo ý thích của trẻ).
* Hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoài trời
- Trước khi ra ngoài trời cô cần nói rõ địa điểm, nội dung, mục đích của
buổi đi dạo.
Nhắc trẻ sửa sang đầu tóc, quần áo, giày dép cho gọn gàng phù hợp với
thời tiết ngày hôm đó.
Nhắc trẻ chơi đúng nơi quy định, không bẻ cây, hái hoa; khi có hiệụ lệnh
của cô, trẻ phải tập trung ngay.
Quan tâm tới sức khoẻ của trẻ, cháu nào yếu mệt không nên cho đi dạo.
- Khi ra ngoài trời:
+ Cô tổ chức cho trẻ hoạt động theo ba nội dung trên. Song các nội
dung trên cần được thực hiện một cách linh hoạt chứ không theo một trình tự
nhất định. Việc thực hiện nội dung nào trước, nội dung nào sau là căn cứ vào
hoạt động ở trong nhà trước đó, sao cho đảm bảo nguyên tắc động – tĩnh. Thời
gian dành cho từng nội dung là phụ thuộc vào khả năng của cô và cháu, song
cần dành thời gian cho trẻ quan sát và chơi tự do nhiều hơn.
Với phần hoạt động có mục đích: Cô dùng những câu hỏi gợi ý cho trẻ
quan sát các sự vật hiện tượng tự nhiên, xã hội để tự trẻ phát hiện những thay
đổi của chúng, làm giàu tri thức cho trẻ. Cô cũng có thể gợi ý cho trẻ vận dụng

những hiểu biết của mình vào hoàn cảnh tự nhiên sẵn có để dạy trẻ, củng cố
kiến thức cho trẻ dưới hình thức vui chơi… Giáo viên có thể thu hút từng
nhóm trẻ vào hoạt động có mục đích chứ không nhất thiết cả lớp phải tập trung
như một tiết học ngoài trời.
Với phần tổ chức trò chơi vận động: Mỗi buổi hoạt động ngoài trời nên
cho trẻ chơi 1 – 2 trò chơi vận động, mỗi trò chơi, chơi từ 2 – 3 lần.
Phần chơi tự do: Cô không để trẻ chạy nhảy, la hét quá nhiều, hoặc chỉ
chơi với đồ chơi có sẵn ngoài trời mà có thể gợi ý cho trẻ mang đồ chơi từ

76


trong lớp ra chơi như vòng, bóng, ôtô đẩy – kéo, phấn vẽ… hoặc tận dụng
những nguyên liệu trong thiên nhiên như sỏi, đá, hột, hạt, hoa rụng, lá cây
hướng dẫn trẻ làm đồ chơi, chơi hứng thú.
+ Việc chuyển tiếp giữa các phần trên, cô cần khéo léo linh hoạt, nhẹ
nhàng không để trẻ bị hẫng hoặc không bị gò ép cứng nhắc.
+ Cô phải quan sát, xử lí nhanh những tình huống xảy ra để đảm bảo
an toàn cho trẻ cũng như trả lời kịp những câu hỏi trẻ đặt ra nhằm phát triển
lòng ham hiểu biết cho trẻ.
+ Mỗi buổi cô nên có trọng tâm giáo dục một số trẻ về một mặt nào đó.
+ Không nhất thiết ngày nào cô cũng phải thực hiện các nội dung mà
cần linh hoạt tổ chức cho trẻ tiếp xúc với tự nhiên, xã hội tạo ra nguồn ấn
tượng, cảm xúc cho trẻ lao động ngoài thiên nhiên, làm đồ chơi phục vụ cho
trò chơi sáng tạo…
+ Khi về lớp nghỉ ngơi 1 – 2 phút, cô cho trẻ rửa tay (nếu trẻ tiếp xúc
đất cát), uống nước.
3.1.2.2.4. Trò chơi sáng tạo
Trong thời điểm này cô chủ yếu tôe chức cho trẻ chơi các đồ chơi đóng
vai có chủ đề, trò chơi xây dựng, lắp ghép, nhằm giúp trẻ phản ánh lại cuộc

sống của người lớn – qua đó trẻ học làm người. Để vui chơi thực sự là một
phương tiện cơ bản để giáo dục trẻ ở độ tuổi (vấn đê này đã trình bày ở
chương trình: hoạt động vui chơi ).
3.1.2.2.5. Vệ sinh- ăn trưa
Trẻ mẫu giáo đã có khả năng tự phục vụ, do đó đến giờ ăn, cô cùng trẻ
chuẩn bị bữa ăn như kê bàn ghế sao cho thuận tiện hợp lí. Sau đó, cô cho trẻ
rửa tay theo từng bàn để khỏi chờ đợi lâu. Khi rửa tay co hướng dẫn, nhắc nhở
cách rửa tay dưới vòi nước chảy hoặc dội nước, tránh để trẻ rửa chung vào
chậu nước.
Đối với lớp nhỡ và lớp lớn có thể cho trẻ trực nhật lấy bát, thìa, đĩa và bê
cơm cho các bạn. Trước khi chia cơm, cô nên giới thiệu các món ăn để trẻ tiết
dịch vị và giúp trẻ hiểu biết về một số món ăn. Đồng thời rèn luyện cho trẻ thói
quen mời cô và các bạn ăn cơm.
Khi trẻ ăn cô bao quát, hướng dẫn nhắc nhỡ trẻ cách ăn hợp vệ sinh (như
ăn từ tốn, không làm rơi vãi, không nói chuyện đùa nghịch khi ăn, hò hét hoặc
hắt hơi phải biết che miệng…), hướng dẫn trẻ nhặt cơm rơi vãi vào đĩa, động
viên trẻ ăn hết suất. Đặc biệt cô quan tâm hơn đến những trẻ yếu, ăn chậm, có
thể tiế xúc cho trẻ ăn với những trường hợp cá biệt.
Sau khi trẻ ăn xong: cô nhắc nhở trẻ tự cất bát thìa vào nơi quy định, tự
cất ghế, lau miệng, uống nước, đi vệ sinh, chơi nhẹ nhàng rồi vào chỗ ngủ.
3.1.2.2.6. Ngủ trưa
Đến giờ ngủ trưa, co cùng trẻ chuẩn bị chỗ ngủ, trẻ tự lấy gối. Nơi có
điều kiện, cô hướng dẫn cho trẻ tự chuẩn bị ngủ (tự trải chiếu, lấy gối khi ngủ
va cất sau khi ngủ dậy). Cô chú ý tạo chỗ ngủ sạch sẽ, ấm áp về mùa đông,

77


thoán mát về mùa hè, có ánh sáng dịu. Tuyệt đối không cho trẻ nằm trực tiếp
xuống đất ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Sắp xếp chỗ ngủ hợp lí, có thể xếp trẻ dễ ngủ cạnh trẻ khó ngủ, để trẻ
khó ngủ đi nhanh vào giấc ngủ hơn. Khi trẻ đã nằm ổn định, cô có thể hát ru
hoặc cho trẻ nghe nhạc dân ca để trẻ vào giấc ngủ nhanh, ngủ ngon giấc.
Khi trẻ ngủ cô luôn có mặt ở phòng ngủ để giữ yên tĩnh cho trẻ ngủ,
nhắc nhở trẻ ít ngủ không nói chuyện, không đi lại trong phòng để khỏi làm
ảnh hưởng đến giấc ngủ của các bạn.
Đến giờ dậy, cô mở dần cửa cho trẻ dạy theo trình tự giấc ngủ của trẻ.
Trẻ nào thức trước cho dậy làm vệ sinh trước. Sau khi đa số trẻ đã dậy, có thể
cho trẻ hát bài “ Dậy đi thôi” đế đánh thức các bạn khác dậy. Tránh đánh thức
trẻ một cách đột ngột và mở cửa ngay một lúc vì nếu trời lạnh trẻ dễ bị cảm
lạnh. Khi dậy cô nhắc trẻ thu dọn chỗ ngủ, đi vệ sinh.
3.1.2.2.7. Vận động nhẹ, ăn quà chiều
Khi trẻ ngủ dậy, cô cho trẻ vận động nhẹ hoặc chơi trò chơi vận động để
mau tỉnh. Sau đó cho trẻ ngồi vào chỗ để ăn quà chiều.
3.1.2.2.8. Sinh hoạt chiều
* Hoạt động tự chọn
Thời điểm này giáo viên tự lên kế hoạch cho phù hợp với tình hình của
lớp mình.
Nội dung sinh hoạt chiều gồm:
+ Hướng dẫn trò chơi mới (trò chơi có luật)
+ Ôn trò chơi cũ
+ Ôn tập kiến thức đã học
+ Tổ chức trẻ lao động
Mỗi buổi chiều chi rnên đưa ra một số nội dung hoạt động, không nên ôn
dồn làm trẻ mệt. Thời gian còn lại nên cho trẻ chơi với đồ chơi, hoặc trò chơi
theo ý thích.
Lưu ý hằng tuần chỉ dành một buổi chiều hướng dẫn trò chơi mới ( học
tập hoặc vận động). Chiều thứ 6 nên tổ chức cho trẻ lao động ( lớp lớn).
Cô cũng có thể tổ chức hoạt động tự chọn cho trẻ ngoài trời.
* Nêu gương bé ngoan

Hằng ngày trong sinh hoạt cô dùng hình thức nêu gương bé ngoan để kịp
thời động viên những hành vi tốt của trẻ, kích thích trẻ hào hứng tham gia vào
các hoạt động.
Thường nêu gương bé ngoan ở ba thời điểm: sau giờ học, sau buổi chơi
sáng toạ, sau sinh hoạt chiều. Cô có thể dùng các hình thức khác để động viên,
khen thưởng kịp thời những hành vi tốt của trẻ như dùng lời khen, cử chỉ âu
yếm hay tặng vật phẩm nhỏ (lá cờ, bông hoa,..) để trẻ dính vào bảng bé ngoan.
Khi khen không nên nói chung chung, cháu A ngoan, cháu B chưa ngoan mà
phải nói rõ “ Ngoan vì sao?”, “ Không ngoan vì sao?” để trẻ có thể điều chỉnh
hành vi của mình cho phù hợp. Với lớp lớn cô tổ chức nêu gương cuối ngày.
Trong giờ nêu gương cô gợi cho trẻ nhắc lại tiêu chuẩn thi đua, rồi cho trẻ tự

78


nhận, tự nêu lên những ưu điểm của mình. Sau đó có thể cho các bạn trong tổ,
lớp nhận xét lẫn nhau. Hướng cho trẻ nhận xét vào những điểm tốt của bạn là
chính, không nên biến giờ nêu gương thành giờ “ tố cáo” nhau. Vì thế, khi cô
nhận xét hoặc nghe những lời nhận xét của trẻ phải thật chính xác công bằng,
như vậy mới tạo được long tin ở trẻ và có ý nghĩa giáo dục.
Cuối tuần, cô tặng phiếu ngoan cho trẻ. Đối với lớp lớn cô cho trẻ nhận
xét để tặng phiếu bé ngoan.
3.1.2.2.9. Trả trẻ
Trước khi trả trẻ về với gia đình cô cho trẻ vệ sinh các nhân: lau mặt,
chải đầu, sửa sang quần áo ngay ngắn gọn gàng. Trong khi chờ bố mẹ đến đón
cô nên cho trẻ chơi với những đồ chơi dễ lấy, dễ chơi, các trò chơi dân gian
nhẹ nhàng hoặc cô kể chuyện, đọc thơ cho trẻ em nghe nhằm gây cho trẻ sự
quyến luyến với cô với lớp.
Khi phụ huynh đến đón, cô giao đến tận tay phụ huynh (tuyệt đối không
giao cho người lạ mặt, trẻ em dưới 10 tuổi) để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trong những trường hợp cần thiết có thể trao nhanh với phụ huynh về
tình hình của trẻ trong ngày để phối hợp với hợp với gia đình trong việc chăm
sóc giáo dục trẻ. Tuyệt đối cô không được bỏ mặc trẻ, lo đi làm vệ sinh lớp học
để chuẩn bị ra về.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Phân tích các nguyên tắc tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ lứa tuổi mầm non.
Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng sự quán triệt các nguyên tắc này ở một số
trường mầm non trên địa bàn.
2. Làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chế độ sinh hoạt hàng ngày cho
trẻ ở trường mầm non.
3. Vai trò của giáo viên trong vấn đề tổ chức chế độ sinh hoạt hang ngày của
trẻ ở trường mầm non?
4. Trình bày những nội dung cơ bản của chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ ở
trường mầm non (các giai đoạn độ tuổi).
5. Nêu một số yêu cầu khi tổ chức chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ ở trường
mầm non. Liên hệ thực tế.
3.2. Tổ chức hoạt động với đồ vật, đồ chơi
3.2.1. Hoạt động với đồ vật và ý nghĩa của nó đối với trẻ mầm non
Ngay từ thời kỳ hài nhi, trẻ đã thực hiện những hành động khá phức tạp
đối với đồ vật, nhưng những hành động đó chỉ là vu vơ, tình cờ chứ chưa nhằm
vào việc khám phá chức năng và phương thức sử dụng đồ vật. Sang tuổi ấu nhi,
đồ vật lúc này không đơn thuần là cái để nghịch, để chơi mà chứa đựng trong
nó chức năng nhất định và phương thức sử dụng nó. Nhờ sự hướng dẫn của
người lớn, đứa trẻ đã hướng hoạt động của mình vào việc nắm chức năng và
phương thức sử dụng đồ vật. Cứ như vậy, trẻ lĩnh hội được kinh nghiệm xã hội
– lịch sử được ẩn tàng trong thế giới đồ vật, làm cho đời sống tâm lí của trẻ

79



phát triển mạnh mẽ. Hoạt động với đồ vật trở thành hoạt động chủ đạo của tuổi
ấu nhi nói riêng và trẻ nhà trẻ nói chung.
Nhờ có hoạt động với đồ vật mà chức năng của đồ vật lần đầu tiên được
bộc lộ ra trước đứa trẻ và đồ vật xung quanh trở thành đối tượng thu hút sự chú
ý của trẻ, khiến trẻ hăng hái tìm kiếm, tháo lắp cái nọ cái kia...Vì vậy mà tâm lí
của trẻ phát triển mạnh, đặc biệt là trí tuệ.
Thông qua hoạt động với đồ vật mà các giác quan của trẻ, đặc biệt là thị
giác, thính giác và xúc giác phát triển, khả năng phối hợp thị giác và thính giác
của trẻ ngày càng tốt hơn. Sự phong phú về màu sắc, hình dạng, kích thước, âm
thanh của đồ vật, đồ chơi là đối tượng thu hút sự chú ý của trẻ, kích thích trẻ
gần gũi, ngắm nghía, sờ mó, thao tác... với đồ vật. Được sự hướng dẫn của
người lớn, những chuẩn cảm giác ở trẻ được hình thành trong quá trình hoạt
động với đồ vật.
Thông qua hoạt động với đồ vật, trẻ biết được tên gọi của đồ vật, biết
được đặc điểm, tính chất (màu sắc, hình dạng, kích thước, mùi vị...) và công
dụng của đồ vật (dùng để làm gì)... Điều đặc biệt quan trọng hơn cả là thông
qua quá trình hoạt động với đồ vật, trẻ nắm được phương thức hoạt động với
đồ vật theo kiểu người. Lúc đầu, có thể trẻ còn hành động lung tung như gõ
thìa vào mâm cơm, ném cốc bát xuống nền nhà..., ngay lập tức sau đó trẻ tỏ vẻ
bối rối, sợ hãi vì nó hiểu rằng như vậy đã phạm đến quy tắc đối xử với đồ vật
mà mọi người phải tuân theo. Ở giai đoạn này, nếu được tập luyện thường
xuyên, trẻ sẽ biết cách sử dụng một số loại công cụ và trẻ có khả năng thực
hiện cả những động tác phức tạp. Thông qua thế giới đồ vật dưới sự giúp đỡ
của người lớn, đứa trẻ chiếm lĩnh được “cái” và “cách”, có nghĩa là trẻ chiếm
lĩnh được những kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người chứa đựng trong thế
giới đồ vật. Trên cơ sở đó, trẻ biết so sánh, phân biệt đồ vật này với đồ vật
khác, biết khái quát những đồ vật cùng loại... tức là tư duy của trẻ được phát
triển.
Mặt khác, nhờ sự phong phú, đa dạng về màu sắc, hình dạng, kích
thước, âm thanh và đặc biệt là sự khám phá ra chức năng và phương thức sử

dụng đồ vật làm cho xúc cảm nói chung và xúc cảm trí tuệ được hình thành.
Thông qua hoạt động với đồ vật, khả năng định hướng với môi trường
xung quanh của trẻ được mở rộng, đồng thời ngôn ngữ của trẻ cũng được phát
triển. Vì thế có thể nói, hoạt động với đồ vật đã tạo ra những nét tâm lí mới đặc
trưng cho trẻ ở độ tuổi ấu nhi.
Hoạt động với đồ vật còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển vận động,
đặc biệt là sự khéo léo, linh hoạt của bàn tay, ngón tay.
Trong quá trình hoạt động với đồ vật, trẻ có được các biểu tượng về thế
giới đồ vật xung quanh cùng với các kĩ năng thao tác với đồ vật đó. Khi chơi
các giác quan của trẻ được luyện tập và phát triển, hình thành và phát triển quá
trình tư duy và óc tưởng tượng, khi chơi trẻ sử dụng một số kĩ năng và bắt
chước một số hành động thường ngày của người lớn – điều này rất cần cho trẻ

80


nhập vai chơi trong trò chơi đóng vai theo chủ đề ở giai đoạn mẫu giáo. Có thể
nói hoạt động với đồ vật là tiền đề cho trò chơi đóng vai ở tuổi mẫu giáo.
Như vậy, hoạt động với đồ vật là hoạt động cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt
đối với sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ.
3.2.2. Hướng dẫn tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ ở trường mầm non
3.2.2.1. Một số yêu cầu khi tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ
Khi cho trẻ hoạt động với đồ vật cần tuân thủ một số yêu cầu sau:
- Không nên cấm đoán trẻ chơi với đồ chơi không gây nguy hiểm, để
cho trẻ tự do hành động với đồ vật theo nhu cầu và hứng thú của trẻ, không áp
đặt theo ý muốn chủ quan của người lớn và hướng dẫn trẻ các thao tác với đồ
vật. Cần tôn trọng trẻ, coi trẻ là chủ thể, là trung tâm trong hoạt động với đồ
vật. Không nên rút ngắn thời gian hoạt động của trẻ hoặc đưa ra quá nhiều sự
lựa chọn cùng một lúc cho trẻ. Không được yêu cầu quá cao so với sự phát
triển của trẻ nếu trẻ chưa sẵn sàng. Quan sát trẻ trong lúc trẻ chơ để nắm được

tốc độ phát triển, khả năng thực của trẻ sau đó mới đưa ra thêm tình huống,
nhiệm vụ khi cần thiết đối với trẻ nói chung va từng cá nhân trẻ nói riêng.
- Cần phải xây dựng môi trường hoạt động với đồ vật, đồ chơi đa dạng,
phong phú, hấp dẫn với trẻ. Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có trong thiên nhiên,
của địa phương
+ Tạo cho trẻ có không gian để hoạt động thuận tiện, an toàn, vệ sinh
+ Đồ chơi phải đa dạng, phong phú về mằu sắc, đảm bảo những yêu cầu
về vệ sinh, không gây nguy hiểm cho trẻ
+ Cần lưu ý tới các loại đồ chơi xếp hình, lắp ráp, trò chơi dân gian...
+ Đồ chơi phải bày biện, sắp xếp trong trạng thái “mở”, vừa tầm tay với
của trẻ để trẻ dễ lấy và dễ cất vào nơi quy định
+ Không nên bày quá nhiều đồ chơi gây sự phân tâm ở trẻ, cần thường
xuyên thay đổi đồ chơi, trò chơi tránh nhàm chán cho trẻ
- Cô là người tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ được hoạt
động với đồ vật, đồ chơi
+ Dạy cho trẻ biết thao tác với đồ vật, đồ chơi. Cô cần làm mẫu cho trẻ
kết hợp với lời nói rõ ràng, mạch lạc sau đó cho trẻ thực hành theo mẫu của cô.
Nếu trẻ chưa có khả năng làm cô giúp trẻ từng động tác
+ Trẻ 15 tháng trở lên, cần dạy trẻ biết cách sử dụng một số đồ dùng
quen thuộc: cầm cốc uống nước, cầm thìa xúc cơm, cầm bát... thông qua một
số trò chơi đơn giản như cho em bé ăn bột, uống nước...
+ Dạy trẻ biết bảo quản đồ chơi, không quăng ném đồ chơi, rèn cho trẻ
thói quen cất dọn đồ chơi mỗi khi chơi xong...
+ Sau khi trẻ đã biết cách sử dụng đồ vật, cần cho trẻ được tự học, tự
chơi, cô chỉ cần theo dõi, đưa thêm các điều kiện mới, tạo tình huống để trẻ tìm
cách giải quyết vấn đề
+ Khi hướng dẫn trẻ hoạt động không nên nôn nóng, vội vàng làm thay
khi thấy trẻ còn lóng ngóng, vụng về khi sử dụng các công cụ. Giáo viên cần

81



tinh tế khi hướng dẫn, phải nhận ra khi nào đứa trẻ không đủ sức giải quyết vấn
đề và tìm cách giúp đỡ kịp thời khi trẻ cần sự trợ giúp.
3.2.2.2. Phương pháp tổ chức hướng dẫn trẻ hoạt động với đồ vật ở trường
mầm non
Khi tổ chức hướng dẫn trẻ hoạt động với đồ vật ở trường mầm non
thường sử dụng kết hợp các nhóm phương pháp sau:
- Phương pháp trực quan: giai đoạn này trẻ lĩnh hội tri thức thông qua
các giác quan. Vì vậy cần đưa ra nhiều đồ vật, đồ chơi kích thích các giác quan
của trẻ nhằm giúp trẻ tích cực thao tác với đồ vật, đồ chơi. Người lớn cần chơi
với đồ vật, đồ chơi trước, làm mẫu cho trẻ quan sát và bắt chước. Cần kết hợp
với lời nói, cử chỉ điệu bộ, nét mặt khi hướng dẫn trẻ thao tác với đồ vật, đồ
chơi.
- Phương pháp thực hành, luyện tập: Trẻ thích được thực hành, thao tác,
hành động với đồ vật đồ chơi nhiều lần. Lúc đầu là những thao tác đơn giản,
ngộ nghĩnh, sau phức tạp hơn, khó hơn khi trẻ nắm được thông tin, sử dụng cơ
thể và phản ứng với môi trường xung quanh. Hãy để cho trẻ được luyện tập,
thực hành hoạt động với đồ vật ở mọi lúc, mọi nơi, cho trẻ được thử sức và cô
giúp đỡ khi cần thiết.
- Tạo tình huống: để cuốn hút trẻ vào hoạt động với đồ vật, cô giáo cần
tạo ra những tình huống cụ thể, đơn giản và hấp dẫn, khéo léo đề ra nhiệm vụ
để trẻ tự giải quyết.
- Phương pháp dùng lời: Trẻ học qua ngôn ngữ, hãy nói chuyện với trẻ
trong khi chơi, giải thích cho trẻ các hoạt động đang làm và lí do tại sao. Việc
giải thích mục đích, cách thao tác, cách chơi với đồ vật, đồ chơi là một thói
quen rất tốt cho trẻ. Trẻ rất thích trò chơi ngôn ngữ, vì thế hãy đưa ngôn ngữ
vào như một phần trong hoạt động chơi với đồ vật của trẻ.
- Phương pháp động viên, khuyến khích: việc khen ngợi, khuyến khích
trẻ trong hoạt động với đồ vật giúp trẻ thêm tự tin và mong muốn làm tốt hơn,

cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
- Đánh giá sản phẩm của trẻ: cô cần nhận xét, đánh giá các sản phẩm của
trẻ tạo ra nhằm hình thành ở trẻ niềm vui từ những sản phẩm đó và cố gắng tạo
ra nhiều sản phẩm hơn nữa.
3.2.2.3. Tiến trình tổ chức hướng dẫn hoạt động với đồ vật cho trẻ ở trường
mầm non
3.2.2.3.1. Chuẩn bị cho trẻ hoạt động với đồ vật
- Lập kế hoạch tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ: kế hoạch tổ chức
hoạt động với đồ vật cho trẻ ấu nhi chính là những dự kiến, ý tưởng về nội
dung, cách tiến hành và hình thức tổ chức hoạt động này trong một khoảng thời
gian nhất định.
Có nhiều loại kế hoạch tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ ấu nhi ở
trường mầm non: kế hoạch trong ngày, kế hoạch trong tuần, kế hoạch theo cả
chủ đề lớn.

82


Việc lập kế hoạch giúp cho giáo viên chủ động từ đó góp phần nâng cao
hiệu quả giáo dục trẻ ấu nhi ở trường mầm non.
Ví dụ lập một bản kế hoạch:
Hình thức: Hoạt động với đồ vật có chủ đích / Hoạt động tự do với đồ vật
Độ tuổi:
Chủ đề:
I. Mục tiêu giáo dục
- Kiến thức
- Kỹ năng
- Thái độ
II. Lựa chọn nội dung hoạt động với đồ vật / Nội dung hoạt động tự do với đồ
vật

III. Chuẩn bị môi trường hoạt động với đồ vật / Chuẩn bị môi trường hoạt
động tự do với đồ vật
- Không gian (địa điểm hoạt động) / Tạo góc cho trẻ hoạt động
- Chuẩn bị đồ vật, đồ chơi
- Sắp xếp, bày biện đồ vật, đồ chơi, vật liệu chơi
- Phương tiện kỹ thuật (nếu có)
- Chuẩn bị tâm thế cho trẻ
IV. Dự kiến các phương pháp, biện pháp sẽ sử dụng
V. Tiến hành hoạt động
Hoạt động của cô
Hoạt động của trẻ

- Chuẩn bị môi trường hoạt động với đồ vật cho trẻ
Môi trường hoạt động với đồ vật của trẻ ấu nhi chính là toàn bộ không
gian trong lớp học và các mối quan hệ giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ. Chuẩn
bị môi trường hoạt động với đồ vật cho trẻ ấu nhi ở trường mầm non cần chú ý:
+ Tạo không gian cho trẻ (tạo các góc, các khu vực hoạt động với đồ
vật)
+ Chuẩn bị, sắp xếp, bố trí đồ vật, đồ chơi tại các góc, khu vực hoạt
động
+ Tạo dựng mối quan hệ thân tình giữa giáo viên với trẻ, giữa trẻ với trẻ
3.2.2.3.2. Tiến hành thực hiện hoạt động với đồ vật cho trẻ ấu nhi
Vận dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp, biện pháp hướng dẫn trẻ
ấu nhi hoạt động với đồ vật dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau (hoạt
động tự do, hoạt động hướng dẫn có chủ đích, hoạt động theo nhóm nhỏ, nhóm
vừa, cả tập thể lớp, hoạt động trong phòng, ngoài sân...) nhằm phát huy tính
tích cực, sáng tạo của trẻ, giúp trẻ lĩnh hội được “cái” và “cách”.
3.2.2.3.3. Đánh giá kết quả hoạt động với đồ vật của trẻ
Khi đánh giá kết quả hoạt động với đồ vật, giáo viên cần đánh giá về
nhận thức, kỹ năng, thái độ của trẻ trong quá trình hoạt động với đồ vật.


83


Sử dụng các phương pháp như quan sát kết hợp với ghi chép, chụp ảnh,
quay băng hình về quá trình trẻ hoạt động với đồ vật, đàm thoại cùng trẻ, phân
tích sản phẩm của trẻ, đưa ra các bài tập, các tình huống để thu thập thông tin.
Đánh giá kết quả hoạt động với đồ vật của trẻ một cách thường xuyên
trong từng ngày và cả một giai đoạn. So sánh kết quả đánh giá thu được với
những mục tiêu đã đặt ra để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao
chất lượng hoạt động với đồ vật của trẻ ấu nhi ở giai đoạn tiếp theo.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Phân tích ý nghĩa của hoạt động với đồ vật đối với trẻ lứa tuổi nhà trẻ.
2. Trình bày các hình thức tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ em lứa tuổi nhà
trẻ.
3. Nêu những đặc thù cho việc tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ em theo
các độ tuổi.
4. So sánh hình thức tổ chức hoạt động với đồ vật có sự hướng dẫn chủ đích
của giáo viên và hoạt động tự do với đồ vật cho trẻ ấu nhi ở trường mầm non.
5. Vai trò của giáo viên trong việc tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ ở
trường mầm non?
6. Lập kế hoạch tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ ấu nhi ở trường mầm
non. (Tự chọn chủ đề)
3.3. Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo
3.3.1. Ý nghĩa của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển của trẻ mẫu giáo
Chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Hoạt động vui chơi nếu
được tổ chức tốt thì có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân
cách cho trẻ mẫu giáo, trò chơi trở thành phương tiện giáo dục toàn diện và
chuẩn bị cho trẻ đến trường phổ thông.
Khi bàn về vai trò, vị trí của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển và

giáo dục trẻ mẫu giáo, N.K.Crúpxcaia cho rằng: “Đối với trẻ em trước tuổi học
thì trò chơi có một ý nghĩa cực kì quan trọng, trò chơi đối với trẻ là học tập, là
lao động động và là một hình thức giáo dục nghiêm túc”. A.S. Macarencô thì
cho rằng: “ Trò chơi có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống của trẻ em, có
một ý nghĩa giống như ý nghĩa của hoạt động, công tác và sự phục vụ của
người lớn vậy. Trong khi chơi trẻ như thế nào thì sau này khi lớn lên trong
công tác phần lớn trẻ sẽ như thế ấy. Do đó, việc giáo dục những nhà hoạt động
tương lai bắt đầu trước tiên từ trò chơi”.
Chơi là phương tiện giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo.
Điều này được thể hiện ở các mặt sau sau đây:
3.3.1.1. Chơi là phương tiện giáo dục và phát triển trí tuệ
- Hoạt động vui chơi góp phần củng cố, chính xác hoá và làm giàu vốn
tri thức của trẻ về cuộc sống xung quanh.
Nội dung chính của các trò chơi là cuộc sống xung quanh trẻ. Nhờ có trò
chơi mà trẻ hiểu sâu sắc hơn cuộc sống xung quanh. Tất cả những gì mà trẻ

84


lĩnh hội trước lúc chơi thông qua các hoạt động khác nhau sẽ được làm chính
xác, phong phú hơn trong quá trình chơi nhờ sự phát triển về dự định chơi, nhờ
sự cụ thể hoá các động tác trò chơi, vào các vai trong trò chơi... Thông qua trò
chơi, những tri thức nắm được trước kia bắt đầu tham gia vào những mối liên
hệ mới và trẻ tập điều khiển, tập vận dụng những tri thức ấy.
- Hoạt động vui chơi không chỉ có tác dụng củng cố những biểu tượng
đã có ở trẻ mà còn là một hình thức hoạt động nhận thức tích cực, độc đáo.
Trong quá trình chơi, đôi khi các biểu tượng của trẻ về con người, các hành
động và mối quan hệ tương hỗ của họ chưa đủ để thể hiện vai chơi, từ đó nảy
sinh nhu cầu có tri thức mới (thể hiện ở những câu hỏi của trẻ). Trẻ muốn biết
nhiều hơn để tái tạo các hành động và quan hệ của người lớn đúng hơn, giống

hơn. Rõ ràng trong trò chơi, không phải trẻ chỉ vận dụng những hiểu biết đã có
để khái quát hoá thành kiến thức của mình mà chính trò chơi còn thúc đẩy trẻ
vươn tới lĩnh hội những kiến thức mới. Trò chơi trực tiếp tác động để phát triển
nhu cầu ham hiểu biết của trẻ (nhu cầu nhận thức), một cơ sở quan trọng để
giáo dục trí tuệ.
- Hoạt động vui chơi góp phần phát triển các quá trình tâm lý nhận thức
của trẻ như tư duy, trí nhớ, chú ý, đặc biệt là tưởng tượng và ngôn ngữ. Các
quá trình tâm lý trên vừa là thành phần của hoạt động trò chơi, đồng thời chúng
lại được phát triển trực tiếp nhất trong hoạt động này.
3.3.1.2. Chơi là phương tiện giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo
Việc xác lập trong trò chơi một thái độ đối với điều mình thể hiện chứng
tỏ rằng trò chơi không những là phương tiện nhận thức và giáo dục trí tuệ mà
còn là phương tiện giáo dục đạo đức cho trẻ.
- Trong trò chơi trẻ tích cực nắm vững qui tắc đạo đức, chuẩn mực hành
vi của con người, nắm vững thái độ của con người đối với lao động, nắm được
quan hệ tương hỗ giữa con người với con người, góp phần hình thành hành vi
xã hội của bản thân trẻ, hình thành thái độ của trẻ đối với cuộc sống và đối với
nhau. Cũng trong trò chơi trẻ hiểu cụ thể hơn điều tốt, điều xấu, khuyết khích
trẻ bắt chước việc làm, hành vi đạo đức tốt phù hợp với khuynh hướng đạo đức
xã hội.
- Trong khi chơi, thông qua vai chơi hấp dẫn, trẻ dễ dàng hướng tới cái
đẹp trong hành vi của các bạn mình, dễ tiếp thu cái đẹp trong quan hệ giữa
người với người. Khi đóng các vai chơi, trẻ dễ dàng phục tùng các qui tắc đạo
đức ẩn kín sau các vai đó. Ví dụ: Khi đóng vai bác sỹ, trẻ phải thực hiện những
qui tắc như bác sỹ phải ân cần, chu đáo, thận trọng, ôn hoà, nhẹ nhàng khi
khám cho bệnh nhân. Dần dần sau nhiều lần đóng vai bác sỹ và thực hiện qui
tắc đó đã hình thành ở trẻ một số phẩm chất tốt như đối xử nhẹ nhàng với bạn
bè, thân thiện ân cần với các em nhỏ... Như vậy, các qui tắc đạo đức ứng xử
bên ngoài đã trở thành các phẩm chất đạo đức bên trong của trẻ thông qua vai
chơi bác sỹ, và biểu tượng đạo đức như lòng nhân ái, sự tốt bụng, ân cần chăm

sóc người khác được cụ thể hoá qua các hành động của bác sỹ đối với bệnh
nhân, làm cho sự ngăn cách biểu tượng đạo đức và hành động không còn nữa.

85


Có thể nói rằng vui chơi là một mắt xích nối liền giữa trẻ với qui tắc đạo đức,
vì nó giúp cho quá trình hình thành phẩm chất đạo đức diễn ra dễ dàng hơn.
- Trong trò chơi, thông qua trò chơi cô giáo giúp trẻ hình thành và rèn
luyện các phẩm chất đạo đức quí ở trẻ như lòng nhân ái, tốt bụng, ân cần với
người khác, tính thật thà, lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn, tinh thần chịu đựng
gian khổ.
Tuổi mẫu giáo là thời điểm thuận lợi nhất để giáo dục lòng nhân ái, vì ở
tuổi này trái tim trẻ rất nhạy cảm, tâm hồn trẻ dễ xúc động, dễ dàng đồng cảm
với nỗi khổ đau của người khác. Sự đồng cảm này của trẻ có thể được củng cố
và phát triển thành lòng nhân ái nếu nó được trải nghiệm nhiều lần. Không có
một hoạt động nào ở trẻ mẫu giáo lại có thể giúp trẻ bộc lộ xúc cảm, thái độ
của mình như ở trò chơi, đặc biệt là trò chơi đóng vai theo chủ đề. Trẻ xúc
động, sung sướng hay đau khổ theo vai mình đóng, chúng trải nghiệm số phận
nhân vật của mình (khi trẻ đóng vai mẹ có con bị ốm, trẻ tỏ ra buồn rầu lo
lắng, xót xa như thật). Như vậy qua các vai chơi trẻ biết đặt mình vào vị trí của
người khác và đối xử với người khác như đối xử với bản thân mình, từ đó trẻ
biết yêu thương người khác.
- Qua trò chơi, các nét tính cách của trẻ bộc lộ rõ, giúp giáo viên kịp thời
phát hiện, uốn nắn, giáo dục để hình thành những nét tính cách tốt.
Vì vậy, khi bàn về vai trò của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển
nhân cách của trẻ, L.V. Vưgôtxki cho rằng: “Trong trò chơi trẻ nên người”, còn
D.V. Encônhin nhấn mạnh: “ Trò chơi là trường học về hành vi, là trường học
về đạo đức trong hành động”.
3.3.1.3. Chơi là phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo

-Trò chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên góp phần đẩy mạnh sự phát
triển thể lực chung của trẻ. Khi chơi tinh thần của trẻ phấn khởi, thoải mái,
hoạt bát, đây chính là yếu tố quan trọng đẩy mạnh sự phát triển thể lực và tinh
thần của trẻ.
- Khi trẻ tham gia vào trò chơi, các cơ quan trong cơ thể được vận động,
thức đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường hô hấp và tuần hoàn, góp phần
tăng cường sức khoẻ của trẻ. Đặc biệt là những trò chơi vận động góp phần
phát triển vận động cơ bản, phát triển tố chất như nhanh, mạnh, bền bỉ ở trẻ.
3.3.1.4. Chơi là phương tiện giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo
Trẻ cảm thụ được cái đẹp trước hết là ở đồ chơi (màu sắc, kích thước hài
hoà, hình dáng), cái đẹp trong hành vi, cư xử, lời nói đẹp trong các vai chơi.
Mặt khác trong các trò chơi xây dựng, lắp ghép trẻ tự mình tạo ra cái đẹp, phát
triển tình cảm thẩm mỹ cho trẻ.
3.3.1.5. Chơi là phương tiện giáo dục lao động cho trẻ mẫu giáo
Trong trò chơi, đặc biệt là trò chơi sáng tạo hình thành một số kỹ năng
lao động đơn giản ở trẻ: kỹ năng sử dụng một số đồ chơi, một số vật liệu tạo
nên sản phẩm.
- Trò chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chuẩn bị những phẩm chất
cần thiết cho người lao động trong tương lai như tính mục đích, tính tổ chức,

86


tính sáng tạo, kiên trì, vượt khó... Ngoài ra, những tình cảm tích cực trong quá
trình chơi có ý nghĩa quan trọng để giáo dục lòng yêu lao động và thói quen lao
động. Vì vậy N.K.Crúpxkaia đã cho rằng: “trò chơi- đó chính là lao động, là
một hình thức giáo dục nghiêm túc”.
Tóm lại, hoạt động vui chơi là phương tiện quan trọng nhất để giáo dục
toàn diện cho trẻ mẫu giáo. Trong trò chơi, nhân cách của trẻ được hình thành
và phát triển. Đồng thời, trong trò chơi các phẩm chất tâm lý cần thiết cho hoạt

động học tập và lao động sau này cũng được hình thành.
3.3.2. Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ Mầm non
3.3.2.1. Trò chơi đóng vai theo chủ đề
3.3.2.1.1. Khái niệm: trò chơi đóng vai theo chủ đề là loại trò chơi cơ bản, đặc
trưng cho trẻ mẫu giáo. Trong loại trò chơi này, trẻ thường đóng một vai chơi
nào đó để tái tạo những ấn tượng, những cảm xúc mà trẻ thu nhận được ở môi
trường xung quanh với sự tham gia tích cực của trí tưởng tượng.
3.3.2.1.2. Đặc trưng của trò chơi đóng vai theo chủ đề
- Trò chơi đóng vai theo chủ đề là do trẻ tự nghĩ ra (trẻ tự nghĩ ra chủ đề
chơi, chọn bạn chơi, phân vai chơi, tìm đồ chơi thay thế để tiến hành chơi), trẻ
luôn đứng ở vị trí của chủ thể để hành động.
- Trò chơi đóng vai theo chủ đề mang tính tự nguyện, tính sáng tạo, tính
tự lập cao hơn so với một số trò chơi khác.
- Mỗi trò chơi đóng vai theo chủ đề có các thành phần cấu trúc như sau:
+ Chủ đề chơi: Là thành phần cơ bản của trò chơi, nhờ có chủ đề chơi
chung nên khi tham gia vào trò chơi trẻ không những biết vị trí của mình mà
còn biết cả vị trí của từng bạn và hiểu được mối quan hệ giữa bạn như thế nào
trong trò chơi chung. Chủ đề chơi thường xuất phát từ các lĩnh vực của đời
sống gần gũi với trẻ. Ví dụ: mẫu giáo bé thường thích các chủ đề như “gia
đình”, “nấu ăn”; đến các lớp nhỡ và lớn trẻ đã biết nhiều lĩnh vực hoạt động
của người lớn nên chủ đề chơi đa dạng và phong phú hơn như “bác sỹ khám
bệnh”, “ cửa hàng”... Vì vậy trẻ càng được tiếp xúc nhiều, được quan sát nhiều
thực tế cuộc sống thì chủ đề chơi càng phong phú, đa dạng.
+ Vai chơi: Trẻ nhập vai, ướm thử vào vị trí của người lớn, tạo lại quan
hệ xã hội của người lớn, tái tạo lại lao động của người lớn qua một số ngành
nghề quen thuộc, gần gũi.
Đặc điểm vai chơi: ở mẫu giáo bé, trẻ thường hay đóng cùng loại vai (ví
dụ: tất cả trẻ gái thích đóng vai mẹ, còn trẻ trai thích đóng vai bố hoặc vai chú
lái xe, chúng thường thực hiện các hành động chơi giống nhau). Đến lớp nhỡ
và lớp lớn, sự phụ thuộc vào các vai chơi rất rõ. Chẳng hạn không thể chơi vai

bác sỹ nếu không có vai bệnh nhân, bán hàng phải có người mua.
+ Nội dung chơi: Trong trò chơi, trẻ tái tạo các hành động và các quan hệ
xã hội giữa người với người. Kinh nghiệm sống của trẻ càng phong phú thì nội
dung chơi được mở rộng bấy nhiêu.
+ Luật chơi: Luật chơi gắn với vai chơi và nó không qui định hành vi của
trẻ “từ bên ngoài” mà do nhu cầu của đứa trẻ khi thực hiện một vai chơi nào đó

87


để cho giống như thật. Do vậy mà với luật chơi trong trò chơi phân vai theo
chủ đề trẻ cảm thấy không bị áp đặt, là một sự cần thiết” từ bên trong” gắn với
mong muốn đóng tốt vai chơi giống hơn, tái tạo đúng hơn, đầy đủ hơn cuộc
sống của người lớn.
Luật chơi ở đây không được xác định trước mà được ẩn dấu sau các vai
chơi. Ở lớp bé luật chơi thường hướng vào cách thức hành động (bác sỹ có biết
khám bệnh không, y tá có biết tiêm thuốc không). Còn ở lớp lớn hơn thì luật
chơi thường hướng vào việc tái tạo đúng các quan hệ qua lại và các chuẩn mực
đạo đức xã hội (bác sỹ khám bệnh có cẩn thận không, có ôn hoà với bệnh nhân
không).
Tất cả các thành phần này liên quan mật thiết với nhau, bổ sung và chi
phối lẫn nhau. Nếu thiếu một trong các thành phần trên thì không còn là trò
chơi đóng vai theo chủ đề nữa.
3.3.2.1.3. Ý nghĩa của trò chơi đóng vai theo chủ đề
Trò chơi đóng vai theo chủ đề có ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ mẫu giáo,
trong khi chơi trẻ từng bước học làm người.
- Trong trò chơi trẻ tái tạo lại các mối quan hệ xã hội của người lớn, cách
giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người trong xã hội. Do đó, thông qua
các vai chơi mà trẻ học được cách ứng xử tốt đẹp giữa con người với con
người, hình thành các hành vi xã hội cho trẻ. Trong trò chơi giúp trẻ hình thành

“cái tôi” của mình, trẻ xác định được vai trò, vị trí của mình trong tập thể, phân
biệt mình với các bạn khác và biết nhận xét, đánh giá bạn và đánh giá chính
bản thâm mình. Nếu không có loại trò chơi này, việc học làm người lớn của trẻ
sẽ rất khó khăn.
- Mặt khác, trong trò chơi trẻ tái tạo lại lao động của người lớn qua một
số ngành nghề quen thuộc, gần gũi. Qua đó trẻ dần dần nắm được một số kĩ
năng lao động giản đơn và có cảm tình với nghề nghiệp của họ, giúp trẻ thêm
kính trọng người lao động. Như vậy, trò chơi đóng vai theo chủ đề chuẩn bị
cho trẻ đến với lao động sau này.
Như vậy, trò chơi đóng vai theo chủ đề là trò chơi tiêu biểu, đặc trưng của trẻ
mẫu giáo, nó góp phần giải quyết mâu thuận giữa nhu cầu bắt chước người lớn
và khả năng chưa cho phép của trẻ, tạo động lực phát triển các mặt tâm lí, xã
hội của trẻ mẫu giáo.
3.3.2.1.4. Sự phát triển của trò chơi đóng vai theo chủ đề
- Ở lứa tuổi nhà trẻ, trò chơi thao tác với đồ vật, đồ chơi là chủ yếu. Đến
cuối tuổi nhà trẻ bắt đầu xuất hiện trò chơi mô phỏng, trẻ bắt chước một số
hành động của người lớn như giặt quần áo, bế con, cho con ăn, ru con ngủ...Tất
cả các hành động mô phỏng này được diễn ra trong hoàn cảnh tưởng tượng nhờ
các đồ chơi thay thế. Đây làgiai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của trò chơi đóng
vai ở lứa tuổi mẫu giáo.
- Vào tuổi mẫu giáo bé (3 tuổi), trò chơi đóng vai theo chủ đề xuất hiện.
Ở giai đoạn đầu tiên có khi trẻ chơi có vai, có khi không có vai. Trẻ bước đầu

88


đã biết đóng vai và hành động phù hợp với vai chơi. Trẻ chưa thể chơi lâu với
một vai nào mà thường bị lôi cuốn bởi các đồ chơi hấp dẫn. Vì vậy, trong một
buổi chơi trẻ thường đóng một số vai. Hình thức chơi ở giai đoạn này vẫn là
chơi cá nhân hoặc chơi bên cạnh như ở giai đoạn trước.

- Vào cuối năm thứ ba, trò chơi đóng vai theo chủ đề của trẻ có bước
tiến nhảy vọt, trẻ đã biết xác định vai bằng lời (là mẹ, là bác sĩ v.v...) và hành
động tương ứng với vai chơi. Cùng với nhập vai, trẻ biết chuyển hành động
chơi từ vật này sang vật khác, biết sử dụng vật thay thế trong khi chơi. Nội
dung chơi vẫn là những hành động với đồ vật gắn liền với việc trải nghiệm tình
cảm của vai chơi (ví dụ mẹ nấu bột cho con, mẹ ru con ngủ, bác sĩ khám bệnh
cho búp bê...). Trẻ chủ yếu là chơi cạnh nhau, các hành động chơi của trẻ
không phụ thuộc vào nhau, trẻ chưa biết thoả thuận cùng chơi. Tuy nhiên, ở lứa
tuổi này bắt đầu xuất hiện nhóm chơi nhỏ (từ 1-2 trẻ), nhưng còn rất lỏng lẻo,
dễ tan vỡ bởi sự thu hút của các nhóm chơi khác hoặc bởi sự hấp dẫn của đồ
chơi.
- Đến lứa tuổi mẫu giáo nhỡ các nhóm chơi nhỏ (2-3 trẻ) dần dần được
củng cố và mở rộng thành những nhóm chơi đông hơn (4,5 trẻ), nhóm chơi ổn
định và bền vững hơn. Các thành viên trong nhóm đã biết thoả thuận cùng
nhau, biết thiết lập các mối quan hệ trong khi chơi. Nội dung chơi cũng phong
phú hơn và chủ đề chơi cũng được mở rộng hơn. Trẻ không chỉ biết thể hiện
vai qua các hành động với đồ vật, đồ chơi mà trẻ còn phản ánh đời sống tình
cảm của vai chơi, phản ánh mối quan hệ xã hội của vai mà mình nhận, đặc biệt
là trẻ thể hiện được một số tiêu chuẩn đạo đức đặc trưng của vai chơi.
- Đến cuối tuổi mẫu giáo nhỡ thì một số nhóm chơi đã biết liên kết và
phối hợp cùng nhau theo một chủ đề chung. Ở lứa tuổi này, trò chơi đóng vai
theo chủ đề đã bắt đầu hoàn thiện. Trẻ biết tự điều khiển trò chơi của mình.
- Vào tuổi mẫu giáo lớn các nhóm chơi ổn định và bền vững trên cơ sở
các nhóm chơi từ lớp nhỡ chuyển lên, dần dần xuất hiện nhiều trò chơi tập thể
với thời gian lâu hơn, số lượng vai chơi đông hơn, nội dung chơi đa dạng và
phong phú hơn. Trẻ tự tổ chức và điều khiển trò chơi không cần có sự hỗ trợ
trực tiếp của người lớn, tự phân vai chơi, tự chọn “thủ lĩnh” điều khiển trò
chơi. Trong khi chơi, trẻ tích cực trao đổi, cùng nhau thoả thuận, bàn bạc về dự
định chơi, bổ sung phương tiện chơi, dự kiến đưa thêm trò chơi mới... Giữa các
nhóm chơi có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phối hợp cùng nhau hướng theo

một chủ đề chơi chung dưới sự điều khiển của “thủ lĩnh”. Trong quá trình chơi
trẻ biết nhận xét và đánh giá các bạn khác cũng như biết nhận xét về bản thân
mình. Đây là giai đoạn phát triển cao nhất của trò chơi đóng vai theo chủ đề.
Lúc này tính tự nguyện, tính độc lập và sáng tạo của trẻ trong khi chơi được thể
hiện rõ nét hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó.
3.3.2.1.5. Tổ chức, hướng dẫn trò chơi đóng vai theo chủ đề
a. Phương pháp chung: Tổ chức, hướng dẫn trò chơi cho trẻ mẫu giáo luôn gắn
với lứa tuổi (bé, nhỡ, lớn), mỗi lứa tuổi lại gắn với 3 giai đoạn phát triển và

89


thông thường việc hướng dẫn trò chơi đóng vai theo chủ đề được tiến hành
theo 3 bước sau:
Bước 1: Thoả thuận trước khi chơi.
- Với trường hợp chủ đề chơi mới thì việc thoả thuận trước khi chơi
nhằm:
+ Chọn chủ đề chơi (chơi gì?)
+ Phân các nhóm chơi
+ Xác định nội dung trò chơi và phân vai chơi.
- Nếu trò chơi cũ thì trẻ đã chơi rồi thì thoả thuận trước khi chơi chủ yếu
hướng vào việc:
+ Luân đổi vai chơi
+ Làm giàu nội dung chơi: bằng cách đưa thêm các nhóm chơi mới.
Thoả thuận trước khi chơi là một hình thức để điều chỉnh các nhóm chơi.
Một trong những chức năng quan trọng nhất của việc thoả thuận trước
khi chơi là thay đổi cấu trúc nhóm chơi nhỏ, sao cho mỗi trẻ đều có một vị trí
thuận lợi trong nhóm chơi mà không mất đi tính chất tự nguyện, tự tin và tự lực
của trẻ. Cô giáo phải luôn luôn chú ý đến các nhóm chơi, nắm được cá tính,
đặc điểm và năng lực của từng trẻ một.

Bước 2: Tiến hành chơi.
Cô giáo theo dõi và hướng dẫn cho trẻ chơi, bảo đảm nguyên tác hứng
thú, tự nguyện và bảo đảm tính phát triển của trò chơi. Cụ thể:
+ Lúc đầu cô giáo đóng một vai chơi cụ thể cùng chơi với trẻ, dạy trẻ
các thao tác chơi, phản ánh hành động giống như hành động của vai đó. Ví dụ:
đóng vai mẹ thì phải biết nấu ăn, cho con ăn, ru con ngủ; bác sĩ thì phải biết
khám bệnh...
+ Khi trẻ biết tự điều khiển trò chơi thì cô không đóng vai chơi nữa mà
chỉ giúp trẻ bằng các câu hỏi gợi ý khi trẻ gặp khó khăn.
+ Dạy trẻ biết chơi cùng nhau và chơi theo nhóm, giải quyết các mâu
thuẫn của trẻ trong quá trình chơi.
Bước 3: Nhận xét sau khi chơi:
- Chủ yếu là hướng vào điểm tốt để động viên và khuyến khích trẻ. Cô
mở rộng nội dung chơi và nhận xét vai chơi( ví dụ: hôm nay bạn Thuỷ làm cô
giáo rất giỏi, đã cho các bạn học toán, tập thể dục, ngày mai bạn Thuỷ sẽ cho
các bạn ăn cơm, ngủ, dạo chơi nữa..). Đặc biệt lưu ý khi nhận xét tránh tình
trạng làm mất hứng thú chơi của trẻ.
- Nhận xét sau khi chơi chỉ đạt kết quả khi không tách rời khỏi nội dung
chơi,vai chơi, luật chơi cũng như không tách rời khỏi toàn bộ quá trình chơi.
- Hình thức nhận xét ở độ tuổi khác nhau cũng khác nhau. Ví dụ:
+ Đối với trẻ mẫu giáo bé nhận xét chỉ có tính chất xác nhận. Nhận xét
cũng như thoả thuận trước khi chơi được tiến hành ngay trong quá trình chơi,
không tách thành các khâu riêng biệt. Cô cùng chơi với trẻ như người bạn, nếu
thấy trẻ có biểu hiện tốt, cô động viên khuyến khích trẻ.

90


+ Đối với trẻ 4-5 tuổi: Trẻ đã có kỹ năng chơi, biết thoả thuận trước khi
chơi theo nhóm, do đó nhận xét sau khi chơi cũng được tiến hành theo nhóm

chơi và theo các yêu cầu đã đề ra khi thỏa thuận. Cô giáo tham gia cùng trẻ
nhận xét, nhận xét được tách ra thành khâu riêng sau khi chơi và chủ yếu
hướng vào nhận xét vị trí của từng trẻ trong nhóm chơi.
+ Đối với trẻ 5 - 6 tuổi: Trẻ đã biết chơi thành tập thể, biết tự thoả thuận
với nhau trước khi chơi, tự tổ chức, điều khiển trò chơi và trẻ cũng tự tổ chức,
nhận xét sau khi chơi. Khi nhận xét hành vi của trẻ, thái độ của cô rất quan
trọng vì dựa vào đó các quan hệ qua lại giữa trẻ trong trò chơi tiếp theo sẽ tốt
lên hướng nào.
Cần lưu ý rằng việc thoả thuận trước khi chơi, tiến hành chơi cũng như
nhận xét sau khi chơi ở các độ tuổi, thậm chí ở các giai đoạn phát triển trò chơi
hoàn toàn khác nhau về hình thức cũng như nội dung.
b. Phương pháp tổ chức trò chơi đóng vai theo chủ đề cho từng độ tuổi.
Do qui luật phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo và qui luật tiến triển của
trò chơi nên việc hướng dẫn trò chơi đóng vai theo chủ đề ở các lứa tuổi (mẫu
giáo bé, mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn) có sự khác nhau. Trong mỗi nhóm lứa
tuổi, trò chơi được tổ chức theo 3 mức độ phát triển của 3 giai đoạn.
Đối với trẻ mẫu giáo bé (3-4 tuổi)
* Yêu cầu:
- Biết sử dụng đồ chơi đúng ý nghĩa, không quăng ném đồ chơi, lấy cất
đồ chơi đúng nơi qui định.
- Biết vai chơi của mình, biết phản ánh một vài hành động đặc trưng của
vai chơi; không tranh giành đồ chơi của bạn, không cản trở bạn chơi.
- Chơi lâu với vai chơi đã nhận, phản ánh một vài hành động với vai
chơi; biết cùng chơi với nhau trong nhóm nhỏ 2-3 trẻ và bước đầu thể hiện
được mối quan hệ qua lại với nhau trong trò chơi.
* Tổ chức, hướng dẫn: Dựa vào 3 giai đoạn phản ánh 3 mức độ phát triển của
trò chơi.
Giai đoạn 1: Đặc trưng của giai đoạn này là các cháu nhà trẻ chuyển lên
và chủ yếu là các hành động đối với đồ vật, đồ chơi ( trẻ thường chơi một mình
với đồ chơi hay một đồ vật nào đó, cầm nắm, phá tung đồ chơi như tháo chân

tay búp bê, tháo các bộ phận của ôtô...).
- Cô giáo đóng vai trò là người bạn lớn cùng chơi với trẻ, dạy trẻ biết
cách chơi với đồ chơi đúng ý nghĩa của nó (chơi búp bê thì phải biết bế búp bê,
cho búp bê ăn, chơi ôtô phải đẩy cho nó chạy...). Ví dụ: khi trẻ chơi búp bê, cô
cũng bế một con búp bê ngồi cùng trẻ, vừa bế vừa giải thích: Mẹ bế con ngay
ngắn lên còn ăn bột nhé, bột còn nóng, cô làm động tác thổi bột cho nguội rồi
làm động tác đút cho búp bê ăn ... Cô làm như vậy là hình thức làm mẫu, trẻ
làm theo cô mà không mất đi sự hứng thú.
- Việc thoả thuận trước khi chơi và nhận xét sau khi chơi chưa tách ra
thành các thời điểm riêng biệt mà được tiến hành trong quá trình cô chơi cùng

91


trẻ. Cô và trẻ cùng chơi, động viên trẻ khi trẻ có biểu hiện tốt. Nhận xét của cô
chủ yếu hướng vào việc thực hiện các hành động với đồ chơi.
- Trong giai đoạn này, mâu thuẫn chủ yếu là tranh giành đồ chơi. Mỗi trẻ
muốn có một đồ chơi riêng vì trẻ chưa biết chơi thành nhóm. Vì vậy cần phải
có nhiều đồ chơi cùng loại để tránh tình trạng trẻ tranh giành đồ chơi lẫn nhau.
Khi trẻ biết chơi theo đúng nghĩa của nó thì trò chơi của trẻ sẽ phát triển
đến giai đoạn cao hơn, từ các hành động với đồ vật chuyển sang các hành động
theo vai chơi.
Giai đoạn 2: Đặc trưng của giai đoạn này là xuất hiện các hành động vai.
Trò chơi ở đây không đơn thuần là chơi búp bê, chơi ôtô nữa, mà khi hỏi
trẻ: “cháu chơi gì thế”? thì trẻ trả lời: “cháu là mẹ”; “cháu là chú lái xe... (tức
là trẻ đóng các vai trên.
Cô giáo là người bạn lớn cùng chơi với trẻ, giúp trẻ nhận vai chơi, chọn
chỗ chơi và dạy trẻ các hành động phù hợp với vai chơi.
Thông thường trẻ chỉ phản ảnh lại những hành động gây ấn tượng chứ
chưa phản ánh các hành động vai theo trật tự nhất định (ví dụ: lái xe chỉ cầm

vô lăng quay và kêu bim bim; mẹ chỉ bế con cho ăn, đi chơi...). Vì vậy cô giáo
cùng chơi với trẻ để giúp trẻ thực hiện một số hành động phù hợp với vai chơi.
- Ở giai đoạn này dần dần các hành động vai đã gắn với các luật chơi
đơn giản ẩn sau các vai chơi, vì luật chơi đó làm cho các trò chơi giống thật
hơn.
- Việc thoả thuận trước khi chơi chủ yếu vẫn tiến hành riêng lẻ với từng
trẻ, giúp trẻ nhận vai chơi, biết hành động theo các luật chơi đơn giản. Nhận
xét sau khi chơi vẫn mang tính chất xác nhận, động viên những trẻ đã biết nhận
vai chơi, biết hành động theo thứ tự vai chơi và đặc biệt chú ý động viên các
nhóm chơi mới hình thành chưa bền vững. Khi trẻ biết phản ánh các hành động
tuần tự của một vai chơi nào đó thì trò chơi riêng lẻ cá nhân không làm thoả
mãn nhu cầu của chúng nữa và xuất hiện nhóm chơi 2-3 trẻ với nhau.
Giai đoạn 3: Đặc trưng của giai đoạn này là hành động vai theo nhóm 23 trẻ trên cơ sở thiện cảm và hứng thú chung đối với trò chơi (2-3 trẻ thích chơi
trò chơi gia đình: 1 cháu đóng vai bố, 1 cháu đóng vai mẹ, 1 cháu đóng vai
con). Các nhóm chơi này có nội dung đơn giản, mang tính chất tình huống,
không cố định, ý đồ chơi hay bị thay đổi, thậm chí quên cả vai chơi, bỏ nhóm
chơi của mình chạy sang chơi chỗ khác vì thích trò chơi đó hơn. Nhóm chơi dễ
tan vỡ, hành động vai còn đơn giản, thường chỉ liên hệ trong phạm vi hai trẻ.
- Cô giáo vẫn đóng vai trò người bạn lớn cùng chơi với trẻ để hướng trẻ
vào nhóm chơi, khuyến khích trẻ chơi với nhau để hình thành các mối quan hệ
qua lại, giúp trẻ biết chơi cùng nhau trong nhóm, không tranh giành đồ chơi.
- Việc thoả thuận trước khi chơi được tiến hành trong các nhóm chơi
nhỏ, hướng vào việc phân vai, tập đưa ra ý đồ chơi chung.
- Nhận xét sau khi chơi chủ yếu hướng vào việc thực hiện vai chơi trong
nhóm như thế nào, động viên các cháu biết chơi thành nhóm, bộc lộ thái độ
thiện cảm với bạn và biết nhường nhịn nhau.

92



×