A. MỞ ĐẦU
I. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết
1. Khái niệm
1.1. Văn học dân gian
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: Văn học dân gian là sáng tác tập thể, truyền
miệng của nhân dân lao động, ra đời từ thời kỳ công xã nguyên thuỷ, trải qua các thời
kỳ phát triển lâu dài trong các chế độ xã hội có giai cấp, tiếp tục tồn tại trong thời đại
hiện nay. Văn học dân gian ở Việt Nam còn được gọi là văn chương bình dân (hoặc
văn học truyền khẩu, văn chương hoặc văn học truyền miệng), văn nghệ dân gian,
sáng tác dân gian…
Văn học dân gian là tất cả các hình thức, các thể loại khác nhau của sáng tác dân
gian mà thuật ngữ quốc tế gọi là folklore. Văn học dân gian là tất cả hình thức và thể
loại sáng tác dân gian có thành phần nghệ thuật ngôn từ kết hợp với các thành phần
nghệ thuật khác (nhạc, vũ,…), thường gọi chung là nghệ thuật biểu diễn dân gian
mang tính chất tổng hợp. Với nghĩa này thuật ngữ văn học dân gian đồng nghĩa với
thuật ngữ folklore ngôn từ. Folklore ngôn từ gồm những sáng tác sử dụng ngôn ngữ
làm phương tiện để xây dựng hình tượng nghệ thuật nhằm biểu đạt, ghi lại những tri
thức, kinh nghiệm về cuộc sống, tư tưởng và tình cảm của nhân dân về thiên nhiên, xã
hội và con người.
Từ cách hiểu về văn học dân gian như trên, chúng tôi tán thành định nghĩa về văn
học dân gian của PGS.TS Vũ Anh Tuấn : “Văn học dân gian cổ truyền là sáng tác
nghệ thuật ngôn từ truyền miệng theo phương thức tập thể, nhiều đời chọn lọc và gọt
giũa của người dân, là thành tố quan trọng hợp thành chỉnh thể văn hóa dân gian có
tính nguyên hợp”
1.2. Văn học viết
Văn học viết ra đời muộn hơn văn học dân gian. Văn học viết không còn là
những sáng tác truyền miệng mà tồn tại dưới dạng văn bản cố định và mang dấu ấn
của cá nhân - dấu ấn tác giả.
1
2. Lịch sử nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết
Vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết là mối
quan tâm của tất cả các nền văn học trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nó có tính
phổ biến nhưng cũng có tính quy luật riêng, tùy thuộc vào sự khác biệt văn hóa và
nguồn gốc lịch sử của từng dân tộc.
Khác với Trung Quốc, ở Việt Nam văn học dân gian có vị trí độc tôn cả hàng
ngàn năm trước cả thời trung đại. Khác với Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam cuối
thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đã chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ và nền văn học Việt
Nam hiện đại có sự cách tân, phát triển đột biến cả về ngôn ngữ và phương diện nghệ
thuật. Văn học dân gian Việt Nam từ thơi tiền sử và sơ sử đã có ảnh hưởng và gắn bó
sâu sắc với lịch sử dân tộc. Do đó, nghiên cứu mối quan hệ của văn học dân gia và
văn học viết vừa có ý nghĩa phổ biến, vừa phải chú ý đến sự tác động đa văn hóa
trong quá trình phát triển văn học dân gian và văn học viết.
Nghiên cứu quan hệ của văn học dân gian và văn học viết nhận được sự quan
tâm của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt từ thập kỉ 60 của thế kỉ XX đến nay. Có thể
điểm qua một số bài viết của các nhà nghiên cứu: Chu Xuân Diên viết “Nhà văn và
sáng tác dân gian” (Tạp chí văn học, số 1 /1960); Xuân Diện viết bài “Nhà thơ học
tập những gì ở ca dao” (Tạp chí văn học, số 1/ 1967); Nguyễn Phú Trọng viết
“Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” (Tạp chí văn học, số 11/ 1968); Lê Kinh
Khiên viết “Một số vấn đề lý thuyết chung về về mối quan hệ giữa văn học dân gian
và văn học viết”; Đặng Thanh Lê viết “Từ một kiệt tác văn học suy nghĩ về mối quan
hệ giữa văn học dân gian và văn học viết” (Tạp chí văn học, số 5/ 1983); Bùi Công
Hùng vcó bài “Vài ý kiến sơ bộ về mối quan hệ giữa văn học với văn học dân gian”
(Tạp chí văn học, số 1/ 1989)...
Gần đây, mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết thu hút được sự
nghiên cứu sinh viên, học viên cao học. Ta có thể điểm qua một số đề tài: Thơ triết lý
Nguyễn Bỉnh Khiêm: Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết (Luận văn
Thạc sĩ, Lê Văn Hậu, 1997); Yếu tố dân gian trong thơ Tố Hữu (Luận văn Thạc sĩ,
Thái Thị Thu Hằng, 2006); Yếu tố dân gian trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn
2
Dữ (Luận văn Thạc sĩ); Một số phương thức biểu đạt truyền thống của ca dao trữ tình
trong thơ Nguyễn Bính (Luận văn Thạc sĩ)....
3. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết
Một nền văn học chỉ có tính chất hoàn chỉnh khi gồm hai dòng văn học: văn học
dân gian và văn học viết. Trong hai dòng này thì văn học dân gian là cội nguồn, là
điểm xuất phát, là cơ sở vững chắc để dòng văn học viết tiếp thu và phát triển.Văn
học dân gian và văn học viết tuy là hai loại khác nhau của nghệ thuật ngôn từ nhưng
giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết. Đó là mối quan hệ sáng tạo và có tính
quy luật. Văn học dân gian là ngọn nguồn của nghệ thuật ngôn từ nói chung, là cái nôi
thơ ca của nền văn học sơ sinh mọi dân tộc.
Nếu văn học dân gian ra đời do yêu cầu xã hội thì văn học viết ra đời bởi lí do
nghệ thuật. Văn học dân gian phản ánh hệ tâm lí xã hội thì văn học viết lại là kết quả
của hệ tư tưởng. Văn học dân gian là kết quả của vốn sống và sự nhạy cảm đời thường
thì văn học viết là kết quả của vốn chữ và hiểu biết hàn lâm. Văn học dân gian đặt cái
ích dụng lên hàng đầu, lên trên cái đẹp, cái thẩm mĩ còn văn học viết thì các nhà nghệ
sĩ lại chủ tâm sáng tạo cái đẹp. Vậy nên, văn học dân gian tạo ra văn hóa diễn xướng
còn văn học viết lại tạo ra văn hóa đọc.
Văn học dân gian và văn học viết là hai hệ thống thẩm mĩ độc lập nhưng không
đối lập bởi lẽ: Thi pháp văn học dân gian cũng có những điểm tương đồng với thi
pháp của văn học viết ở những đặc điểm của cấu trúc tác phẩm; hệ thống những
phương tiện phản ánh; những chức năng tư tưởng - thẩm mỹ của cấu trúc tác phẩm và
những chức năng tư tưởng - thẩm mỹ của các phương tiện thể hiện tác phẩm. Nhưng
bên cạnh những điểm tương đồng chung mà khi nghiên cứu bất cứ thi pháp một tác
phẩm văn học nào ta cũng có thể vận dụng được thì có những điểm khác biệt làm nên
đặc điểm riêng của thi pháp văn học dân gian.
Điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt giữa thi pháp văn học dân gian và thi pháp
văn học viết là do nguyên tắc sáng tác có tính lặp lại của văn học dân gian, lặp lại
nhưng không nhàm chán, quen thuộc mà vẫn hấp dẫn. Văn học viết ngược lại được
sáng tác ra bởi một cá nhân nên mang phong cách riêng, có sự mới mẻ và sáng tạo.
3
Bởi vậy nên khi nghiên cứu thi pháp văn học dân gian là nghiên cứu thi pháp thể loại
văn học dân gian. Văn học dân gian chỉ có thi pháp thể loại chứ không có thi pháp về
tác giả, trào lưu, khuynh hướng văn học, tác phẩm cụ thể… như thi pháp văn học viết.
Khi tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết các nhà nghiên
cứu đều khẳng định vai trò nền tảng của văn học dân gian. Văn học dân gian không
những ra đời trước văn học viết mà còn là cội nguồn tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ,
kinh nghiệm sáng tác của văn học viết.
Do hoàn cảnh đặc biệt của văn học nước nhà, văn học viết ra đời, phát triển tiếp
thu nền văn học dân gian và ảnh hưởng của văn học phương Bắc. Văn học phương
Bắc tác động tới văn học dân tộc từ ý thức hệ tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ đến các
yếu tố thể loại, ngôn ngữ… Song nguồn tiếp thu quan trọng của văn học viết vẫn là
văn học dân gian. Văn học dân gian là cơ sở của nền văn học viết dân tộc, là bộ phận
cấu thành có giá trị đặc biệt của nền văn học. Cốt lõi của giá trị ấy là tính nhân dân,
tính dân tộc. Ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết thể hiện ở hình thức
ngôn ngữ, ở nội dung phản ánh, biểu hiện, ở thị hiếu nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ,
lý tưởng xã hội, nguyện vọng và ước mơ của nhân dân.
Khi văn học Nôm ra đời thì mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết
càng trở nên chặt chẽ và có nhiều thuận lợi và cả hai dòng văn học này đều sử dụng
ngôn ngữ của dân tộc. Văn học dân gian đã cung cấp những tư liệu cho văn học Nôm
để dòng văn học này chiếm ưư thế trên văn đàn. Những sáng tác chữ Nôm của
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… đều chịu ảnh
hưởng của văn học dân gian.
Văn học dân gian cung cấp những kinh nghiệm quý giá cho văn học viết: Thứ
nhất là cách chọn đề tài. Đề tài trong văn học dân gian rộng, đủ màu sắc, trên mọi
bình diện của cuộc sống, không bị giới hạn bởi những quan niệm đề tài sang, hèn,
cao, thấp. Trong văn học dân gian có những bài ca về tình yêu lứa đôi, bài ca lao
động, bài ca về tình cảm gia đình… bài ca chống áp bức, bóc lột. Văn học viết sinh
thành, phát triển, lĩnh hội và tiếp thu đề tài từ nguồn văn học dân gian. Thứ hai là
nghệ thuật phản ánh của tác phẩm trước đời sống. Nghệ thuật phản ánh của các tác
4
phẩm văn học dân gian trước hiện thực đời sống phong phú, sinh động, nhiều khía
cạnh, giàu sức thuyết phục, bao hàm ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Thứ ba là cách dùng từ
cô đọng, hàm xúc, cách diễn đạt bình dị, trong sáng, lối tư duy khúc triết, rành mạch,
các biện pháp tu từ… là kinh nghiệm nổi bật hơn cả mà văn học viết luôn lấy đó làm
“khuôn mẫu” cho mình trên bước đường phát triển và phản ánh cuộc sống.
Văn học dân gian ra đời từ lâu nhưng nó vẫn phát huy mạnh mẽ mọi giá trị quý
giá của nó đối với mỗi con người Việt Nam, đóng góp không nhỏ cho nền văn học
viết phát triển ngày càng phong phú, sinh động hơn. Văn học dân gian đã cung cấp
không chỉ đầy đủ những kinh nghiệm nghệ thuật cho văn học viết mà còn là cội
nguồn, luôn bồi đắp cho văn học viết trên bước đường phát triển. Sự xuất hiện của
văn học viết không những góp phần làm cho diện mạo và tính chất của văn học dân
tộc trở nên hoàn chỉnh mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của văn học gian dân.
Hai dòng văn học này trong cấu trúc của nền văn học dân tộc tác động qua lại, quan
hệ biện chứng với nhau, chúng bổ sung cho nhau để cùng tồn tại và phát triển, làm
giàu đẹp thêm cho nền văn học nước nhà.
II. Yếu tố dân gian trong sự phát triển của nền văn học
Từ thế kỉ X đến nay, kho tàng văn học dân gian (đặc biệt là truyện cổ dân
gian) luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các thể loại tự
sự văn học. Nó mở ra những chân trời hư cấu nghệ thuật mới, đáp ứng những mục
đích sáng tạo mới trong việc giữ vai trò nền móng về tư tưởng thẩm mỹ cho các hình
thức sáng tạo nghệ thuật.
Các truyện cổ dân gian có vai trò nền tảng cho sự phát triển các thể loại tự sự
trong văn học viết (những tác phẩm thành văn đầu tiên đều ghi chép các truyện cổ dân
gian như: “Ngoại sử ký” của Đỗ Thiện, “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, “Lĩnh
nam chích quái”…). Tiếp đến là việc sử dụng các chất liệu nội dung các câu chuyện
cổ, sử dụng các phương pháp và hình thức của dân gian để bắt chước mô phỏng (thể
loại truyền kỳ : “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ), nhuần nhuyễn hơn là sự thêm
5
thắt, sáng tạo ở thể loại truyện thơ viết bằng chữ Nôm ( Thoại Khanh - Châu Tuấn,
Tống Trân - Cúc Hoa…)
Ảnh hưởng của văn học dân gian và văn học viết giai đoạn 1930 - 1945 không có
mới. Điểm căn bản của văn học giai đoạn này là hồn dân gian thấm đẫm trong thơ ca.
Nổi bật là thơ ca của Nguyễn Bính với thể loại sáng tác chính là thể thơ lục bát cổ
điển và chất dân gian đan quyện vào nhau. Đó là sự vận dụng một cách linh hoạt khéo
léo những chất liệu (“trầu”, “cau”, “bướm”, “trăng”...), những thủ pháp nghệ thuật (so
sánh, ẩn dụ, hoán dụ...) của ca dao.
Văn học 45 - 75 vận dụng yếu tố dân gian ở hai cấp độ: Thứ nhất, dựa vào cốt
truyện để viết lại trên sơ sở chế tạo, gia công thêm. Ví dụ như “Trê Cóc”, “Chuyện
ông Gióng”…(Tô Hoài), “Con cóc là cậu ông giời” (Nguyễn Huy Tưởng)…Thứ hai,
không hoàn toàn dựa vào cốt truyện cổ mà chỉ sử dụng các yếu tố thi pháp dân gian
để sang tạo ra chuyện cổ tích thời nay. Ví dụ như: “Đám cưới chuột”, “ Chú cuội
ngồi gốc cây đa” (Tô Hoài)…
Sau 1975, văn học có xu hướng quay trở lại văn học dân gian một cách mạnh mẽ.
Giai đoạn này, quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết tồn tại chủ yếu qua ba
hình thức: “Nhại” văn học dân gian; truyện cổ viết lại; truyện lồng truyện. Những tác
phẩm viết dưới hình thức “nhại” văn học dân gian (“nhại” huyền thoại, “nhại” cổ tích)
như: Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát (Nguyễn Huy Thiệp); Thiên sứ
(Phạm Thị Hoài); Đêm bướm ma, Hồn trinh nữ (Võ Thị Hảo)...Các tác phẩm viết
dưới hình thức truyện cổ viết lại: Trương Chi (Nguyễn Huy Thiệp); Sự tích những
ngày đẹp trời (Hòa Vang); Lầu hạc vàng (Lê Đạt); Ngày xưa cô Tấm, An Dương
Vương, Gióng (Lê Minh Hà)...Tác phẩm được viết dưới hình thức truyện lồng truyện:
Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh)...Có những tác phẩm vừa viết dưới hình thức truyện cổ
viết lại, vừa viết dưới hình thức truyện lồng truyện như “Mẫu thượng ngàn” của
Nguyễn Xuân Khánh.
Trở về dân gian chính là sự đối thoại với dân gian, cao hơn nữa là sự giễu nhại
dân gian. Quay lại dân gian để phản ánh hiện thực cuộc sống ở một chiều sâu mới, trở
về với dân gian là trở về với những vấn đề vĩnh cửu của con người và cuộc sống. Trở
6
về với dân gian là hành động cần thiết để con người chống lại những “cú sốc” thời
đại, đánh thức những bản chất nguyên sơ của con người. Nó tạo ra “độ lùi” cần thiết,
tạo khoảng cách khách quan để người đọc suy ngẫm về những vấn đề thực tại.
Sử dụng các nhân vật trong truyện cổ, các yếu tố thi pháp, phong cách dân gian
của các nhà văn hiện đại không còn đơn thuần là việc bảo lưu, phát triển các đề tài,
các hình thức nghệ thuật truyền thống mà đó là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nội
dung của tác phẩm chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống với tất cả sự
hỗn tạp của nó, thậm chí chạm đến phần sâu sắc nhất trong tâm hồn con người.
III. Yếu tố dân gian trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học của những năm 90 cho đến tận
hiện nay. Những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thực sự mới lạ, lôi cuốn người đọc.
Ông đưa ra những kinh nghiệm viết mà chưa có một nhà văn nào trước đó đụng chạm
đến. Sáng tác của ông dường như phá huỷ những gì được gọi là truyền thống. Điều đó
gây sự chú ý của dư luận bạn đọc và giới phê bình. Vấn đề tranh cãi nhiều nhất có lẽ
là ở những truyện giả lịch sử và truyện nhại cổ tích. Ở đây chỉ xin bàn đến yếu tố nhại
cổ tích trong chùm truyện "Những ngọn gió Hua Tát"
Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Khi viết văn tôi luôn luôn tìm thấy lại những giá
trị truyền thống”. Điều đó thể hiện rõ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà
nghiên cứu người Nga T.N.Philonova nhận định một cách tổng quát trong bài viết
"Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu trong truyền
thuyết văn học”: “Yếu tố dân gian chiếm một vị trí to lớn trong sáng tác của Nguyễn
Huy Thiệp … anh rất hay sử dụng các tư liệu dân gian, truyền thuyết, ca dao, tuạc
ngữ và đó không đơn giản là cách trích đoạn riêng rẽ hay mượn nhập các mô típ…
mà là sự ảnh hưởng, cách điệu hoá chúng”. “Mượn nhập” là sự tiếp thu văn học dân
gian còn “ cách điệu hoá” chính là sự sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp.
Văn Tâm qua bài viết “ Đọc Nguyễn Huy Thiệp” khẳng định nhà văn tiếp thu các
hình thức thể loại dân gian một cách rõ rệt khi chia truyện ngắn của ông thành bốn
loại: cổ tích, huyền thoại, thế sự, lịch sử.
7
Diệp Minh Tuyền thì cho rằng: “Sự kết hợp giữa hiện thực và huyền thoại cũng
là một nét mới trong cách dựng của anh… Anh có lối tư duy huyền thoại thuần thục
trong "Những ngọn gió Hua Tát". Điều đó thể hiện qua những mô típ, cấu trúc yếu tố
phép lạ trong truyện”.
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu ở trên, ta có thể khẳng định, "Những ngọn
gió Hua Tát" chịu ảnh hưởng của truyện cổ dân gian, đặc biệt là truyện cổ tích.
Nhưng các yếu tố dân gian đi vào truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại mang màu sắc
hiện đại rõ rệt, tạo nên ý vị sâu xa cho tác phẩm. Có thể nhận ra sự sáng tạo dân gian
chứ không đơn thuần là sự mượn nhập dân gian. “Kể cả các truyền thuyết, Nguyễn
Huy Thiệp cũng hiện đại hoá chúng như phép phân tích đặc trưng của con người hiện
đại và rất hiều thi pháp khác nhau, anh nêu bật vấn đề vĩnh cửu về cái thiện và cái
ác, về số phận… đang dằn vặt con ngưòi hiện đại”. ( T.N.Philonova)
Trong bài viết này, người viết xin được trình bày những suy nghĩ của mình về
mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết thông qua tìm hiểu tác giả Nguyễn
Huy Thiệp với chùm truyện ngắn "Những ngọn gió Hua Tát". Vấn đề nghiên cứu này
không phải là mới nhưng với sự nghiên cứu, thống kê chi tiết, cụ thể, người viết xin
đóng góp một phần nhỏ bé trong việc nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
thông qua đề tài: YẾU TỐ NHẠI CỔ TÍCH TRONG “NHỮNG NGỌN GIÓ HUA
TÁT”.
8
B. NỘI DUNG
I. Các khái niệm
1. Truyện cổ tích
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học: Truyện cổ tích là bộ phận quan trọng nhất
trong các thể loại tự sự dân gian. Truyện cổ tích nảy sinh từ xã hội nguyên thuỷ nhưng
chủ yếu phát triển trong xã hội có giai cấp với chức năng chủ yếu là phản ánh và lý
giải những vấn đề xã hội, những số phận khác nhau của con người trong cuộc sống
muôn màu, muôn vẻ khi đã có chế độ tư hữu, tư sản, có mâu thuẫn giai cấp và đấu
tranh xã hội quyết liệt. Truyện cổ tích có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều loại truyện
khác nhau về đặc trưng, đặc điểm nghệ thuật…
Truyện cổ tích được phân thành ba loại chính: Truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ
tích sinh hoạt, truyện cổ tích loài vật. Truyện cổ tích có những phần đồng nhất và dị
biệt với những thể loại truyện dân gian khác, và trong khi phân loại thì không nên
quên sự thâm nhập chuyển hoá giữa chúng với nhau.
2. Truyện nhại cổ tích
Truyện nhại cổ tích (mô phỏng cổ tích) là truyện được sáng tác dựa vào đặc
điểm, đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích. Nó sử dụng những yếu
tố, những mô típ của truyện cổ tích để phản ánh cuộc sống hiện tại theo lý tưởng thẩm
mỹ của nhà văn. Truyện nhại cổ tích dùng nhiều yếu tố cổ tích nhưng thông điệp lại
hướng về xã hội hiện đại, là sản phẩm hư cấu có chủ đích của nhà văn.
II. Yếu tố nhại cổ tích trong "Những ngọn gió Hua Tát"
* Khái quát: Những chi tiết kỳ ảo là yếu tố đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của
truyện cổ tích dân gian. Kỳ ảo dân gian gắn với những yếu tố thần kỳ ( người thần,
vật thần) và thường đem lại điều tốt lành, thể hiện ước mơ chính nghĩa, lý tưởng hạnh
phúc của nhân dân. Chùm truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát” (Mười truyện
trong bản nhỏ) của Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh những yếu tố kỳ ảo, huyền diệu như
cổ tích còn phản ánh cuộc sống của xã hội hiện đại. Kết thúc truyện cổ tích, đặc biệt
9
là truyện cổ tích sinh hoạt thường là những cái kết có hậu, người hiền gặp lành, được
hưởng hạnh phúc; làm điều ác sẽ bị trừng phạt nhưng mười truyện ngắn của Nguyễn
Huy Thiệp trong "Những ngọn gió Hua Tát" thì có tới 07 truyện kết thúc không có
hậu. Không gian trong truyện là những địa danh cụ thể nhưng thời gian không xác
định nên không gian cũng chỉ là một thứ ảo ảnh không xác định. "Những ngọn gió
Hua Tát" có kết cấu sự kiện theo tuyến thẳng ( lối kết cấu truyện dân gian). Nhân vật
đi từ điểm xuất phát đến kết thúc tác phẩm một cách tuần tự. Các sự kiện được sắp
xếp theo trật tự có vẻ như định sẵn, sự kiện diễn ra từ nơi này đến nơi khác theo
hướng tịnh tiến (hướng thẳng). Truyện còn sử dụng nhiều yếu tố hoang đường kỳ ảo.
Đó là chuyện một cô gái nhờ nhấc được hòn đá thiêng mà trở nên sinh đẹp, lấy được
hoàng đế ( Nàng Sinh), là chuyện chiếc tù và bỏ quên chỉ cần thổi lên một tiếng là tiêu
diệt được nạn dịch sâu đen (Chiếc tù và bị bỏ quên)…Nguyễn Huy Thiệp viết truyện
theo lối giả cổ tích không đơn giản để tạo không khí huyền thoại, hấp dẫn cho tác
phẩm, cũng không phải để gửi gắm ước mơ mà là những tâm sự sâu xa nhằm nhắc
nhớ, cảnh tỉnh con người.
Trong cổ tích các nhân vật là những khối nguyên liệu nguyên chất, không có sự
pha trộn. Mỗi nhân vật là hiện thân của một nét tính cách nào đó không thay đổi trong
suốt cuộc đời từ đầu đến cuối truyện. Người tốt, kẻ xấu, người hiền lành, kẻ bạc ác,
người thật thà, kẻ xảo trá, người thông minh, kẻ ngốc nghếch…tất cả đều phân minh,
rạch ròi với nhau, chúng trung thành đến cùng với tính cách của mình. Nhân vật văn
học không còn “nguyên chất” như nhân vật cổ tích nhưng bản chất của chúng cũng
bao gồm những nét tính cách gần gũi nhau.
Thế giới cổ tích với nguyên tắc tồn tại của nó: “Người tốt được thưởng, kẻ xấu bị
trừng phạt”. Nó được tạo nên từ ước mơ của con người. “Ảo tưởng cổ tích” xuất hiện
trong tâm lý người đọc không chỉ khi họ tiếp xúc với truyện cổ tích mà với cả các tác
phẩm văn học. “Ảo tưởng cổ tích” trong người đọc bị phá vỡ với sự xuất hiện của các
nhân vật “ phản cổ tích”, “giả cổ tích” hay “nhại cổ tích” của Nguyễn Huy Thiệp. Số
phận của các nhân vật thiện ( Nàng Bua, chàng Khó…) có kết thúc bi đát, khác hẳn
với số phận hạnh phúc, sung sướng của các nhân vật thiện (Cô Tấm, anh Khoai...)
10
trong truyện cổ tích. Nguyễn Huy Thiệp không đưa ra một liều thuốc xoa dịu những
nỗi bất hạnh làm người ta yên tâm ngồi chờ những điều tốt đẹp mà vị thuốc của
Nguyễn Huy Thiệp có vị đắng chát làm cho người ta sực tỉnh khỏi những ảo tưởng
đẹp đẽ, nhìn thấy những mặt trái của cuộc đời, thúc giục con người tìm ra những biện
pháp để giải quyết các vấn đề của cuộc sống, không chờ cho phép màu từ trên trời rơi
xuống.
Nguyễn Huy Thiệp đã đưa người đọc vào một thế giới tưởng như cổ tích: con hổ
có trái tim kỳ lạ, hòn đá thiêng, chiếc tù và thần kỳ… và khi bước vào thế giới ấy với
những “ảo tưởng cổ tích” thì đột ngột họ nhận ra mình đang đứng trước thế giới hiện
đại và những vấn đề của nó. Tình huống mà tác giả đặt ra cho người đọc đòi hỏi
những cách giải quyết thực tế chứ không phải trở lại với quá khứ, với một thế giới
tưởng tượng và những cách giải quyết tốt đẹp như mơ ước chủ quan của con người.
1. Kết thúc truyện trong "Những ngọn gió Hua Tát"
1.1. Kết thúc có hậu giống truyện cổ tích
Truyện cổ tích thường có kết thúc có hậu. Những người hiền lành, ăn ở có trước
có sau bao giờ cũng được hưởng hạnh phúc còn ngược lại những kẻ ăn ở bạc ác, làm
nhiều điều thất đức sẽ gặp báo ứng. Chàng Thạch Sanh (Thạch Sanh) , cô Tấm ( Tấm
Cám), người em (Cây khế), anh Khoai (Cây tre trăm đốt) … ở hiền gặp lành. Họ phải
vượt qua nhiều khó khăn thử thách để có được cuộc sống giàu có, hạnh phúc. Còn
ngược lại, mẹ con nhà Cám (Tấm Cám), Lý Thông (Thạch Sanh), người anh (Cây
khế), hai cô chị (Sọ Dừa)…đều bị trừng phạt thích đáng. Lý Thông bị sét đánh chết
rồi phải hoá kiếp thành bọ hung, suốt đời sống trong nhơ bẩn. Hai mẹ con nhà Cám
đều phải nhận sự trừng phạt là cái chết. Hai cô chị phải bỏ đi phiêu bạt vì việc làm
xấu xa của mình đối với người em. Đó là những kết thúc phản ánh ước mơ về công lý
của nhân dân lao động.
"Những ngọn gió Hua Tát" có 3 truyện có kết thúc có hậu là: “Tiệc xoè vui
nhất”, “Chiếc tù và bị bỏ quên” và “Nàng Sinh”. Ở “Tiệc xoè vui nhất”, chàng trai
tên Hặc, mồ côi cha mẹ, sống côi cút một mình đã chứng minh được lòng trung thực
của mình bằng cách cầu Then cho mưa xuống bản Hua Tát nên được trưởng bản Hà
11
Văn Nó gả con gái. Đó là một kết thúc thật tốt đẹp: “Người ta xoè hết một tuần trăng
để mừng đám cưới của Hặc với con gái trưởng bản. Đây là tiệc xoè vui nhất của bản
Hua Tát”. Truyện “ Chiếc tù và bị bỏ quên” kể về nạn dịch sâu đen hoành hành làm
bản Hua Tát “tiêu điều như có dịch hạch”. Cả bản đã làm mọi cách nhưng không sao
đuổi diệt được sâu. Họ đã phải thu dọn đồ đạc, rời bỏ làng bản để ra đi. Nhưng may
mắn, nhờ chiếc tù và bỏ quên trên gác xép được con trai trưởng bản là Hà Văn Mao
thổi lên, đẩy lùi nạn dịch, trả lại cuộc sống yên bình cho bản Hua Tát. Cả bản mở tiệc
ăn mừng rộn rã. Nàng Sinh trong truyện ngắn cùng tên, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại gầy
gò, xấu xí nhưng nhờ nhấc được tảng đá trong miếu thờ chàng Khó nên trở nên xinh
đẹp, lấy đuợc người chồng giàu có mà “người ta đồn rằng ông ta là một vị hoàng đế
cải trang vi hành”.
Các nhân vật được hưởng hạnh phúc đều là những người có thân phận tội nghiệp
đáng thương, ăn ở hiền lành (Tiệc xoè vui nhất, Nàng sinh). Chàng Hặc, nàng Sinh
đều mồ côi, đều mang thân phận thấp bé. Nàng Sinh “gầy gò, bé nhỏ trông rất đáng
thương”, nàng mang thân phận “côn hươn” (đẳng cấp thấp nhất), “nàng không bao
giờ được ăn miếng ngon, mặc váy áo đẹp”, “nàng sống thui thủi như con chim cút”.
Hặc cũng mồ côi, sống thui thủi một mình nên khi đến cuộc thi kén rể làm mọi người
xôn xao, trưởng bản “thét lên”, “gầm lên” và cho câu trả lời của Hặc là “điên rồ”.
Rốt cuộc, cả hai người được hưởng hạnh phúc.
1.2. Kết thúc không giống truyện cổ tích
Bảy truyện ngắn còn lại trong chùm truyện ngắn "Những ngọn gió Hua Tát" đều
là những truyện ngắn có kết thúc không có hậu, đi ngược lại với kết thúc của truyện
cổ tích. Các nhân vật dù hiền lành, tốt bụng (nàng Bua, chàng Khó), hay gây ra lỗi
lầm (lão thợ săn già, Hà Văn Nhân), nhân vật ban đầu gặp may mắn nhưng kết cục
đều bi kịch, đều đi đến cái chết. Khó - chàng trai tuy xấu xí nhưng tốt bụng, tìm giết
hổ lấy trái tim không phải để chữa bệnh cho mình mà chữa bênh cho Pùa - người con
gái đẹp nhất bản. Vượt qua nhiều nguy hiểm, Khó giết được hổ nhưng lại bị người
khác cướp mất. Trái tim hổ bị cướp mất đã làm “hai người nữa chết dần sau chuyện
ấy” (hai người ấy là Khó và Pùa). Nàng Bua vất vả, cực nhọc, một mình phải nuôi
12
chín đứa con, bị cả bản xa lánh. Khi trở nên giàu có, tìm được một người đàn ông
thực sự yêu thương mình thì lại chết khi trở dạ sinh con. Hoàng Văn Nhân (Sói trả
thù) mất đi đứa con trai đẹp như tiên đồng, đứa con duy nhất vì bị chó sói cắn tại
chân cầu thang nhà mình. Lù ( Nạn dịch) may mắn thắng bạc “mười ngày liền vận đỏ
không rời anh lấy một khắc, thậm chí cả đi đái Lù cũng bắt được tiền” nên có được
“một nải đầy bạc hoa xoè”. Nhưng dù có nhiều tiền thì Lù cũng không cứu được
người vợ thân yêu của mình. Hai người chết bên nhau. Pành (Đất quên), chết vì vỡ
tim do chinh phục đỉnh Phu Luông. Các nhân vật kể trên đều đã trải qua may mắn
nhưng sau đó lại là bất hạnh. Nguyễn Huy Thiệp muốn chứng minh cuộc đời này đầy
rẫy những biến cố, hôm nay có thể là may mắn nhưng ngày mai thì không biết thế
nào. Cuộc đời đầy rẫy những may rủi mà con người phải chấp nhận.
Tiểu kết: Ba truyện có kết thúc có hậu đặc biệt gần gũi với cổ tích thần kỳ ở chỗ
nó có những yếu tố thần kỳ (lời cầu mưa và trận mưa đột ngột) hay sử dụng mô típ
vật thần kì quen thuộc của truyện cổ tích (chiếc tù và kỳ diệu, hòn đá thiêng). Kết thúc
truyện người tốt ( Hặc, nàng Sinh) được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Những truyện
còn lại tuy có thể xảy ra sự kịên lạ, bất ngờ nhưng nó hoàn toàn thực tế, không có tính
chất kỳ ảo, hoang đường. Kết thúc thường bi thảm (trừ chuyện “Sạ”, những nhân vật
thiện hoặc lẫn lộn thiện - ác) đều có kết thúc là cái chết. Đặc biệt một số nhân vật
không rạch ròi thiện - ác như lão thợ săn trong “Con thú lớn nhất” lạnh lùng khi chĩa
súng vào tự nhiên, vô tình giết vợ rồi đau đớn tột cùng nằm “úp mặt vào vũng máu”,
“hộc lên như tiếng lợn lòi”. Ông Nhân, tay thợ săn cự phách nhẫn tâm giết sói mẹ khi
nó che chở cho đàn con mình. Lúc con sói nuôi cắn chết con trai duy nhất của ông, ai
cũng dự đoán ông sẽ giết sói nuôi nhưng thật bất ngờ, tay thợ săn lão luyện “đốn
ngộ” trong khoảng khắc nhận ra rằng phạm vào tự nhiên sẽ bị thiên nhiên trừng phạt.
Ông trả con sói về môi trường của nó. Lù say mê đỏ đen, đi theo những cuộc chơi
quên cả về nhà. Nhưng bên cạnh đó anh có tình yêu vợ tha thiết, thuỷ chung tuyệt vời.
Đó không phải cổ tích mà là cuộc đời thực xung quanh ta, là thứ hiện thực bình
thường và giản dị không phải theo mô típ cổ tích. Nó day dứt bạn đọc về cách ứng xử,
về nhân sinh.
13
Xây dựng những kết thúc đi ngược lại với quy luật cổ tích, Nguyễn Huy Thiệp
không ru con người trong cảm giác ngọt ngào, ông giúp người đọc “sực tỉnh” sau
những “giấc mơ cổ tích”, người đọc tự bứt ra những ảo tưởng để tìm ra những
phương pháp giải quyết các vấn đề cuộc sống, suy ngẫm để sống như thế nào cho tốt
hơn, hợp quy luật hơn. Con người không thể ngồi chờ những phép màu vô hình từ
trên trời rơi xuống cho mình. Khi cái “ảo tưởng” của cổ tích biến mất, tan đi có thể
gây hụt hẫng nhưng đó chính là khoảng trống buộc ta phải suy nghĩ, trăn trở để biết
cách sống cho tốt hơn.
2. Mô típ trong "Những ngọn gió Hua Tát"
2.1. Khái niệm
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: Mô típ tiếng Hán - Việt gọi là “mẫu đề” (do
người Trung Quốc phiên âm motif trong tiếng Pháp), có thể chuyển thành các
“khuôn”, “dạng” hoặc “kiểu” trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, những bộ
phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần
trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian.
Khái niệm mô típ là một công cụ rất cần thiết và hữu ích đối với những người
làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn nghệ dân gian.
2.2. Chùm truyện "Những ngọn gió Hua Tát" sử dụng hàng loạt các môtíp dân
gian. Đó là mô típ giết quái vật cứu người đẹp (ta gặp mô típ này trong truyện “Thạch
Sanh”, Thạch Sanh giết chết chằn tinh để cứu công chúa), mô típ nhân quả (ta gặp mô
típ này trong “Cây khế” , “Ba người con gái”, “Sọ Dừa”, “Tấm Cám”, “Cán cân
thuỷ ngân”…), mô típ vật báu có khả năng kỳ lạ ( cây đàn, niêu cơm trong truyện
“Thạch Sanh”, đôi gà trống trong truyện “Sọ Dừa”…), mô típ kén rể ( ai làm phú
ông giận thì được gả con gái trong “Phú ông kén rể”, ai làm cả nhà sợ thì sẽ gã con
gái “Cô con gái phú ông”…), mô típ tai hoạ xuất hiện bất ngờ
( Thạch Sanh)...
Mô típ giết quái vật cứu người đẹp trong truyện “Trái tim hổ”. Mô típ này
phảng phất truyện Thạch Sanh giết chằn tinh để cứu công chúa. Khó “săn hổ không
phải vì để lấy bùa may mắn cho mình mà để lấy thuốc về chữa cho Pùa”. Việc săn hổ
hết sự khó khăn, có mười người bị hổ cắn chết. Người ta nản chí và bỏ cuộc, cuối
14
cùng chỉ còn mình Khó. Khó kiên trì lần theo dấu vết con hổ từng ngày, từng giờ và
“một đêm, người ta đang ngồi kể chuyện ở nhà sàn nhà Pùa thì nghe tiếng súng nổ”,
“có tiếng hổ gầm dữ dội vang trong khe núi”. Khó giết được hổ. Cả bản reo mừng,
trai bản đốt đuốc đi tìm Khó.
Mô típ nhân - quả: Mô típ này ta gặp trong các truyện “Con thú lớn nhất”. “Sói
trả thù”, “ Nàng Bua”, “Nàng Sinh”. Nàng Bua, nàng Sinh là hai phụ nữ nghèo, bị
mọi người trong bản coi thường. Nàng Bua, không có chồng nhưng có chín đứa con
nên tất cả mọi người đều coi thường và muốn đuổi nàng ra khỏi bản. Những người
đàn ông trong bản từng ngủ với nàng để sinh ra những đứa con cũng không đếm xỉa gì
đến nàng bởi họ sợ dư luận, sợ những lời đàm tiếu và nhất là sợ cuộc sống nghèo
túng. Họ phó mặc số phận của nàng và các con. Nàng Sinh thì mồ côi, lại xấu xí nên
sống côi cút. Hai người phụ nữ, hai mảnh đời bất hạnh, có lẽ được sự cảm thông của
ông trời nhờ vào sự cần cù, chăm chỉ nên “phép màu” đến, đem niềm vui, hạnh phúc
cho họ. Nàng Bua cùng các con vào rừng đào củ mài thì tình cờ đào được chiếc chum
sứt mẻ chứa đầy vàng, bạc. Nàng trở thành người giàu có nhất bản, nhất Mường.
Nàng Sinh thì nhấc được tảng đá thiêng bỗng trở nên xinh đẹp, được kết duyên cùng
người đi buôn giàu có mà nghe đồn là một hoàng đế cải trang đi vi hành. Hai người
phụ nữ nhờ những điều kỳ lạ nên được hưởng sung sướng. Tuy vậy, đây không phải
là câu chuyện cổ tích của dân gian nên nàng Bua có được may mắn nhưng không bao
lâu sau khi kết hôn với người thực sự thương yêu mình thì chết vì trở dạ sinh con.
Truyện “Nàng Bua” còn cho ta thấy cách sống của con người thời hiện đại. Họ coi rẻ
người nghèo khổ, xa lánh những con người bất hạnh nhưng lại ca tụng người giàu có.
Dân bản gần gũi với mẹ con nàng Bua, những người cha nhận lại con mình không
phải vì tình nghĩa mà vì tiền bạc.
“Sói trả thù” và “Con thú lớn nhất” là câu chuyện có kết thúc bi thảm. Đó chính
là báo ứng mà con người phải nhận khi quá bạo tàn. Hà Văn Nhân và ông lão là tay
thợ săn cự phách. Cả hai đã tàn sát không biết bao nhiêu muông thú trong rừng. Họ
giết cả những con công đang múa, những con sói mẹ đang nuôi cả một đàn con nhỏ.
Kết cục, lão thợ săn đã tìm ra “con thú lớn nhất” là “vợ mình” còn Hà Văn Nhân thì
15
đứa con trai bị sói cắn chết trong ngày cúng ma 13 tuổi. Gieo nhân nào ắt gặp quả ấy.
Đó là điều ta thường gặp trong chuyện cổ tích. Nhưng câu chuyện không chỉ nói về
việc nhân - quả mà nó còn nói lên sự cảnh tỉnh với con người. Con người cần sống
hoà hợp hơn với tự nhiên nếu không sẽ phải trả giá.
Ta nhận thấy mô típ kén rể quên thuộc trong truyện cổ tích ở “Tiệc xoè vui
nhất”. Trưởng bản Hà Văn Nó có người con gái xinh đẹp, đức hạnh ít người bì kịp.
Cả bản đều mong nàng tìm được người chồng xứng đáng bởi lẽ “nàng là niềm tự hào
của người Hua Tát”. Các bô lão phải thức trắng một đêm, uống hết năm vò rượu cần
mới nghĩ ra hình thức thi kén rể cho trưởng bản. Điều đó chứng tỏ, cuộc thi kén rể này
không phải điều dễ dàng. Thử thách đươc đặt ra là câu hỏi: “Đức tính quý nhất và
khó kiếm nhất của con người là gì”? Và phải chứng minh mình có đức tính ấy.
Các chàng trai trẻ không biết thức bao đêm suy nghĩ nhưng chưa ai tìm ra câu trả
lời. Bốn chàng trai đã đến để chứng minh đức tính quý nhất của mình. Một chàng cho
rằng đó là sự dũng cảm, một chàng cho rằng đó là sự khôn ngoan, chàng khác lại cho
rằng đó là sự giàu có. Tất cả những điều trên đều là những đức tính đáng quý nhưng
không phải là khó khó kiếm. Hà Văn Nó vẫn chưa chọn được chàng rể ưng ý. Có vẻ
như đây là một câu hỏi quá khó? Nhưng người tìm ra câu trả lời này lại làm cho người
đọc và cả dân bản ngạc nhiên. Đức tính ấy chính là trung thực. Bằng sự trung thực
của mình, Hặc - một chàng trai nghèo khổ đã được Then giúp đỡ chứng minh đức tính
đó bằng cách cho mưa xuống bản Hua Tát. Cuộc kén rể kết thúc. Những câu chuyện
kén rể như thế này chỉ còn có trong cổ tích còn trong cuộc sống này nó không đơn
thuần là một cuộc kén rể mà là cuộc vật lộn để đi tìm bản tính của con người. Trung
thực là đức tính mà ta cứ tưởng nó có trong hầu hết mỗi con người nhưng hoá ra
không phải thế. Đức tính ấy trong thời hiện đại trở thành một đức tính khó kiếm nhất,
quý nhất của con người.
Mô típ những tai hoạ bất ngờ, xuất hiện đột ngột của tự nhiên mà con người
bình thường không thể giải quyết được. Đó là bầy côn trùng màu đen làm cả khu rừng
trụi lá trong một đêm (Chiếc tù và bị bỏ quên). “Từ lá lúa, lá tre, cả lá của những cây
song, cây mây đầy gai cũng bị chúng nhai ngấu nghiến.” Cả bản tìm mọi cách diệt
16
loài sâu ấy, “rung cây, đốt lửa, hun khói, dội nước nóng và nước lá ngón” nhưng tất
cả đều vô hiệu. Loài sâu ấy vẫn sinh nở nhanh chóng một cách lạ thường. Con người
không thể tiêu diệt được loài sâu này. Chỉ khi chiếc tù và bị bỏ quên trên gác xép nhà
trưởng bản Hà Văn Nó cất lên thì loài sâu này mới bị tiêu diệt. Chiếc tù và vốn là
phương tiện truyền tin của nhiều làng bản nhưng không hiểu vì sao đã bị lãng quên.
Đôi khi những thứ mà ta không nghĩ tới, ta bỏ đi lại là những thứ quan trọng giúp ta
qua được những đoạn đường gian khó nhất, những lúc nguy nan nhất.
Mô típ những vật báu, vật lạ làm thay đổi cuộc đời, số phận con người. Đó
là hũ sành nàng Bua và các con đào được đã làm cho mẹ con nàng từ nghèo khó, bị
khinh rẻ trở nên giàu có nhất bản, nhất Mường. Đó là hòn đá thần kỳ trong miếu thờ
chàng Khó đã làm nàng Sinh trở nên xinh đẹp, lấy đượcngười chồng giàu sang, hứa
hẹn một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Chiếc tù và bị bỏ quên trên gác xép bỗng
nhiên trở thành vật thiêng, cứu giúp cả bản Hua Tát qua khỏi nạn dịch sâu đen.
Nguyễn Huy Thiệp sử dụng nhiều mô típ dân gian làm cho các câu chuyện mang
dáng dấp cổ tích. Nhưng những câu chuyện “cổ tích” này lại phản ánh thế giới hiện
đại với những mặt trái của nó. Vật báu, vật thần kỳ vẫn như trong cổ tích là đem đến
niềm vui, hạnh phúc cho con người nhưng cái hạnh phúc đó có thể trọn vẹn (Nàng
Sinh) hoặc dang dở (Nàng Bua, Khó). Cuộc thi kén rể mục đích không chỉ là kén được
chàng rể như ý mà còn là lời cảnh tỉnh về phẩm chất của con người.
3. Những yếu tố kỳ lạ
Yếu tố kì ảo, những chi tiết huyền bí là thủ pháp nghệ thuật ta hay gặp trong
truyện cổ tích. Tác giả dân gian cũng như thính giả dân gian để cho trí tưởng tượng
bay bổng theo những chi tiết kỳ diệu ở trong truyện không hẳn vì thực tâm tin những
sự kiện ấy là có thực nhưng chủ yếu là vì những sự kiện ấy cần thiết cho việc giải
quyết những vấn đề mà thực tế cuộc sống trong xã hội cũ chưa cho phép giải quyết
hoàn toàn như ý muốn, như ước vọng của nhân dân. Yếu tố kỳ ảo trong truyện cổ tích
là phương tiện cần thiết để tác giả dân gian có thể đưa tình tiết theo ý muốn của mình.
Nhờ những yếu tố này mà câu chuyện thêm hấp dẫn hơn. Những chi tiết kỳ lạ với ông
17
Tiên, ông Bụt …đã trở thành một đặc điểm để nhận dạng truyện cổ tích. Đó là chiếc
đàn thần kỳ biết phát ra những âm thanh nỉ non, oán trách của lòng người: “Đàn kêu
nhân nghĩa thuỷ chung / Ai mang công chúa dưới cung trở về”, là niêu cơm thần cả
18 vạn quân chư hầu ăn không bao giờ hết (Thạch Sanh), là những bông hoa biến mọi
điều ước thành hiện thực (Ba bông hoa, ba điều ước), là sự hoá kiếp của cô Tấm từ
con chim vành khuyên đến cây xoan đào, khung cửi và cuối cùng bước ra thành người
từ quả thị (Tấm Cám )…Những chi tiết thần kỳ đó góp phần giúp đỡ những người
hiền lành và trừng phạt những kẻ bạc ác. Thạch Sanh có cây đàn, niêu cơm thần còn
Lý Thông bị sét đánh chết hoá thành bọ hung…
Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng nhiều chi tiết mang tính kì lạ, huyền ảo trong
"Những ngọn gió Hua Tát". Đó là một trái tim hổ kỳ lạ, có khả năng chữa bệnh (Trái
tim hổ). Đó là năm động rừng, chưa bao giờ bản Hua Tát có nhiều củ mài như vậy, mẹ
con nàng Bua đi đào củ mài đã đào được một hũ vàng trong cái chum sứt mẻ. Nhờ
vậy mà Nàng Bua trở thành người giàu có nhất bản, nhất Mường. Hoặc nạn dịnh sâu
đen hoành hành làm cả bản tiêu điều cho đến khi con trai trưởng bản - Hà Văn Mao
vô tình thổi chiếc tù và bị bỏ quên trên gác xép thì nạn dịch mới được đẩy lùi (Chiế tù
và bị bỏ quên). Gần giống như nạn dịch trong “Chiếc tù và bị bỏ quên” là dịch tả ở
Mường La, Mai Sơn tràn đến Hua Tát chỉ “trong nửa tuần trăng cả bản Hua Tát có
ba chục người bị chết”. Ta gặp sự kiện kỳ lạ như: Sinh - cô gái mồ côi nhỏ bé, nhấc
được hòn đá mà cả làng không ai nhấc được. “Sinh bóp khẽ vào ngẫu vật thiêng liêng.
Hòn đá bỗng tan thành nước trước mắt mọi người. Những giọt nước ấy trong như
nước mắt, chảy qua tay nàng rơi xuống mặt đất, in hình trên đó như những ngôi sao”.
Sinh bỗng trở nên xinh đẹp. Rồi cuộc kén rể của trưởng bản mà Hặc là người chiến
thắng bởi cầu được Then làm mưa xuống bản Hua Tát.
Nguyễn Huy Thiệp chọn những chi tiết bất thường nhằm thúc đẩy sự phát triển
của truyện, diễn biến cuộc đời của nhân vật. Những câu chuyện bất thường ấy thường
xuất phát từ thiên nhiên - nguồn cung cấp vật dụng, thức ăn cho con người. Những
hành động của bất kỳ ai chống đối thiên nhiên đều phải trả giá.
4. Kết cấu, cốt truyện "Những ngọn gió Hua Tát"
18
4.1. Để thoả mãn được yêu cầu truyền miệng, truyện cổ tích thường cấu tạo theo
đường thẳng. Cốt truyện được xây dựng theo trật tự thông thường, việc gì trước thì kể
trước, việc gì sau thì kể sau, trình tự không gian cũng được tuân thủ như trình tự thời
gian. Cốt truyện phát triển theo một mạch tình tiết: nhân vật chính dẫn ta đi từ giai
đoạn này sang giai đoạn khác của truyện. Ví dụ như truyện “Tấm Cám”, tất cả các chi
tiết, sự kiện được kể đều liên quan đến cuộc đời Tấm. Tấm dẫn người đọc đi tìm hiểu
cuộc đời mình từ khi đang ở nhà, phải chăn trâu cắt cỏ, bị đối xử bạc ác thế nào, vào
cung làm hoàng hậu bị mẹ con Cám hãm hại như thế nào. Tấm đã phải hoá kiếp nhiều
lần để được quay trở lại làm người, về bên hoàng tử và trừng phạt mẹ con Cám.
Hầu hết các truyện trong "Những ngọn gió Hua Tát" cũng được xây dựng theo
trục thẳng. Các chi tiết, sự kiện diễn biến tuần tự trước sau, không có sự xáo trộn về
thời gian, sự kiện. Kiểu kết cấu này giống kết cấu của hầu hết các truyện cổ tích.
Truyện “Tiệc xoè vui nhất” kể về cuộc kén rể của trưởng bản Hà Văn Nó. Cả câu
chuyện chỉ xoay quanh chuyện kén rể. Đầu tiên là kế hoạch kén rể của trưởng bản với
câu hỏi thử thách được đưa ra. Tiếp đến, là sự kiện các chàng trai đến cầu hôn. Chàng
thì chứng minh đức tính dũng cảm, chàng chứng minh đức tính khôn ngoan, chàng thì
khoe sự giàu có. Các chàng trai đều không đạt được nguyện vọng của mình. Câu
chuyện tiếp tục với chàng trai mồ côi của bản Hua Tát tên Hặc. Hặc chứng minh được
đức tính trung thực của mình nên trở thành người thắng cuộc. Truyện được kể theo
trục thời gian tuyến tính trước sau. Kết thúc truyện là cả bản xoè suốt một tuần trăng
để mừng đám cưới của Hặc và con gái trưởng bản.
Truyện “Nạn dịch” kể về cuộc đời, sự gắn bó của cặp vợ chồng Lù và Hếnh. Câu
chuyện bắt đầu từ việc kể về mối thân tình của hai vợ chồng từ lúc nhỏ và lớn lên lấy
nhau thi họ không bao giờ rời xa nhau. Dịch tả bắt đầu hoành hành. Khi có nạn dịch
thì Lù xa nhà bởi thói ham mê cờ bạc. Lù mải đỏ đen và may mắn nên thắng được rất
nhiều bạc. Lù vội vàng về bản thì nghe tin vợ chết. Đau đớn, Lù ra mộ vợ kêu khóc và
nhận ra sự bạc bẽo, vô tình của mình. Lù phát hiện ra vợ mình đang còn sống nên đặt
vợ lên lưng ngựa đi tìm thầy thuốc. Lù bỏ hết số tiền trúng bạc để mời thầy chữa cho
Hếnh nhưng không được. Cuối cùng Lù bị nhiễm dịch tả, hai vợ chồng chết bên nhau.
19
Người Hua Tát gọi đó là “mộ tình thuỷ chung”. Câu chuyện mang tựa đề là “Nạn
dịch” nhưng nội dung chủ yếu là nói về sự gắn bó của vợ chồng Lù. Từ đầu đến cuối
truyện, các chi tiết đều nói lên sự gắn bó đó. Lù tuy có say mê cờ bạc nhưng khi thắng
bạc liền về với vợ con, ân hận khi vợ chết không có mình bên cạnh, tìm mọi cách
chữa bệnh cho vợ.
"Những ngọn gió Hua Tát" tuy được kể theo trục thẳng, cốt truyện đều đơn giản,
dễ nhớ, không có nhiều chi tiết phức tạp nhưng nó vẫn mang hơi thở của cuộc sống
hiện đại. Mở cuộc thi kén rể chỉ có trong truyện cổ tích, chàng trai nghèo khổ có được
cô vợ xinh đẹp, đức hạnh cũng là những mô típ quên thuộc của cổ tích. Nhưng chứng
minh đức tính quý nhất, khó kiếm nhất là “trung thực” thì lại là câu chuyện của hôm
nay. Hay như “Chiếc tù và bị bỏ quên”, trưởng bản mặc dù quyết định đi rửa xương
của tổ tiên mình để cứu dân làng thoát khỏi nạn dịnh sâu đen nhưng không phải ông
quyết định ngay, không đắn đo cân nhắc như trong truyện cổ tích. Khi nghe đến việc
mà thầy mo phán, trưởng bản “giật mình” và “nghĩ ngợi” rồi mới đi đến quyết định
rửa xương cốt tổ tiên. Bởi lẽ nếu làm điều đó mà kẻ thù biết được thì dòng họ có thể
bị hại đến diệt vong. Hà Văn Nó đã trăn trở, băn khoăn trước lợi ích của cá nhân, của
dòng họ với lợi ích của dân bản. Điều đó không có ở các nhân vật cổ tích. Các nhân
vật trong truyện cổ tích có thể sẵn sàng hi sinh thân mình, hi sinh người thân… để
phục vụ lợi ích cộng đồng.
“Đất quên” kể về ông Lò Văn Pành đến cuối đời mới tìm được tình yêu đích
thực của mình. Ông quyết định vượt qua thử thách để giành được người ông thương
yêu. Nhưng ông chạm đến được đích, “trèo lên được đỉnh Phu Luông, bập được nhát
rùi đầu tiên vào cây lim thì ông bị kiệt sức mà chết”. Câu chuyện không đơn thuần kể
về những việc làm của ông Pành mà nó còn khẳng định, có những điều con người
không thể nào vươn tới bởi nó vượt ra ngoài khả năng. Cố gắng cũng chỉ vô ích mà
điều cốt yếu con người cần nhận ra được giới hạn của bản thân mình.
Cái chết của lão thợ săn, của đứa con trai Hà Văn Nhân không chỉ là câu chuyện
ác giả ác báo mà còn là câu chuyện về sự gây hấn của con người với thiên nhiên. Con
20
người nên sống dung hoà với tự nhiên, không xâm phạm đến tự nhiên thì con người
mới có thể sồng hạnh phúc bởi lẽ tự nhiên chính là nguồn sống con người.
4.2. Không gian - thời gian
Mọi sự vât, mọi hiện tượng đều tồn tại trong một thời gian và không gian nhất
định. Khi được đưa vào tác phẩm nghệ thuật, các sự vật, hiện tượng đó cũng được đặt
trong một trường không - thời gian nghệ thuật. Không gian, thời gian trong truyện cổ
tích (đặc biệt là cổ tích thế sự) thường phiếm chỉ, thời gian của quá khứ. Thời gian
thường là: “ngày xửa, ngày xưa”, “ngày xưa”, “năm ấy”, “tháng ấy”…, không gian
thương là “ở một làng kia”, “ở một nhà nọ”, “trong khu rừng nọ”…Tạo dựng không
gian, thời gian phiếm chỉ, tác giả dân gian cũng như người nghe muốn hiểu đây là một
trong những sự việc, hoàn cảnh phổ biến. Như vậy, việc hiểu nội dung, chia sẻ nội
dung của câu chuyện trở nên dễ dàng hơn.
Không gian trong “Những ngọn gió Hua Tát” là những không gian có vẻ như
xác định: bản Hua Tát, bản Mường Lưm, đỉnh Phu Luông… nhưng đi cùng với nó là
thời gian “ngày ấy”, “một đêm”, “năm ấy”… (Trái tim hổ); “ngày ấy”, “cuối năm ấy”
(Con thú lớn nhất); “năm ấy”, “một bữa”, “ cuối năm ấy” (Nàng Bua); “một bữa kia”,
“lần ấy” (Tiệc xoè vui nhất); “lần ấy”, “hôm ấy” (Sói trả thù); “năm ấy” (Chiếc tù và
bị bỏ quên); “từ nhỏ”, “năm tháng qua đi” (Sạ); “một bận”, “một bữa” (Nàng Sinh)
nên không gian cũng trở thành không gian huyền ảo không xác định.
4.3. Mở đầu chùm truyện là lời giới thiệu về Hua Tát - địa danh ở tên truyện
"Những ngọn gió Hua Tát": “Ở đây quanh năm chỉ lung bung một thứ sương mù
bàng bạc nên nhìn người và vật chỉ thấy những nét nhoà nhoà đại thể mà thôi. Đây là
thứ không khí huyền thoại". Bản thân không khí ở bản nhỏ này đã mang hơi hướng cổ
tích, chưa nói đến trong đó có chứa đầy những câu chuyện cổ như thế giới cổ tích: “Ở
Hua Tát, những chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo,
điểm đâu đó quanh hàng rào trong các ngõ nhỏ. Đàn ông ngậm hoa này trong miệng,
uống rượu không bao giờ say. Nó cũng giống như những viên đá cuội trắng, có gân
đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm kín đáo nơi lòng suối. Phụ nữ thích những viên sỏi này. Họ
nhặt về ủ trong áo lót đủ một trăm ngày. Khi làm đệm cho chồng, họ giấu viên sỏi ấy
21
vào trong. Có lời nguyền rằng, người chồng nằm trên đệm ấy sẽ không bao giờ mơ
tưởng đến những phụ nữ khác.”
Lời giới thiệu ẩn chứa những bí ẩn, hứa hẹn những câu chuyện cổ tích về Hua
Tát. Người Hua Tát mến khách sẽ mời khách nghe một câu chuyện cổ nhưng “cổ” mà
rất gần chúng ta - người hiện đại. “Có thể nói những truyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi
đau khổ của con người nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà trong ta nảy nở sự
sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tính người”. Kết thúc bằng lời khẳng định: “
Những người sống trong truyện cổ bây giờ đều không còn nữa, Ở Hua Tát họ đã
biến thành đất bụi và tro than cả. Tuy vậy, linh hồn của họ vẫn bay thấp thoáng trên
các khau cút nhà sàn”.
22
C. KẾT LUẬN
Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng các yếu tố của truyện cổ dân gian và đặc biệt là
truyện cổ tích để viết "Những ngọn gió Hua Tát". Ngay từ lời giới thiệu đã tạo không
khí huyền ảo với sương mù lững đững trôi. Không khí cổ tích ấy được Nguyễn Huy
Thiệp phát triển bằng cách sử dụng nhiều mô típ, nhiều chi tiết kỳ lạ. Diễn biến - kết
cấu truyện cũng được nhà văn viết theo thủ pháp nghệ thuật của truyện cổ tích.
Nguyễn Huy Thiệp đã “mượn nhập” những yếu tố cổ tích để đưa vào sáng tác của
mình.
Tuy nhiên, nếu chỉ “mượn nhập” không thì "Những ngọn gió Hua Tát" sẽ không
được chú ý nhiều đến vậy. Nguyễn Huy Thiệp không chỉ “mượn nhập” mà còn sáng
tạo để tạo thành những câu chuyện “cổ tích” phản ánh cuộc sống hiện tại.
Với hơn mười năm công tác ở vùng cao, Nguyễn Huy Thiệp có một vốn sống
không nhỏ để viết thật sâu sắc về những phong tục, tập quán của người dân vùng cao.
Viết về họ, Nguyễn Huy Thiệp đã chọn một cách viết thật độc đáo là viết những câu
chuyện “nhại cổ tích”. Đọc "Những ngọn gió Hua Tát" ta có cảm tưởng như lọt vào
một thế giới cổ tích thực sự nhưng đó chỉ là cảm giác ban đầu. Ngẫm cho kỹ, cho sâu
thì đây không phải là những câu chuyện phản ánh ước mơ của nhân dân lao động,
không phải là tiếng nói khẳng định “ở hiền gặp lành” mà đó là tiếng nói của cuộc
sống hôm nay.
"Những ngọn gió Hua Tát" đưa đến cho người đọc một cái nhìn mới về thực tại
qua lăng kính “nhại cổ tích”. Thực tại là một thế giới hỗn loạn với không ít những
điều xấu. Con người đang dần đánh mất đi bản tính NGƯỜI trong mình. Qua "Những
ngọn gió Hua Tát", Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi lời cảnh tỉnh đến con người trong
xã hội hiện đại.
23
D. TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.Sách:
- Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, 2004, Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, H, 1974
- Bùi Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản
Văn hoá thông tin, H, 2001
- Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản giáo dục, 2008
- Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản hội nhà văn,
2008
- Nhiều tác giả, Giáo trình Văn học dân gian, Đại học Sư pạm Hà Nội, 2005
2. Các công trình nghiên cứu:
- Khoá luận tốt nghiệp, 2006, Chất huyền thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp
- Luận văn Thạc sĩ, Những đổi mới nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
- Luận văn thạc sĩ, Đặc trưng phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp
3. Tạp chí
- Kiều Thu Hoạch, Vai trò của truyện kể dân gian đối với sự hình thành thể loại tự
sự trong Văn học Việt Nam
- Đặng Thanh Lê, Từ một kiệt tác văn học suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn học dân
gian và văn học viết, Tạp chí văn học, số 1/ 1982
- Lê Kinh Khiên, Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian và
văn học viết, Tạp chí văn học, số 1/ 1980
24
25