Tải bản đầy đủ (.doc) (175 trang)

LUẬN án tiến sĩ - tư TƯỞNG hồ CHÍ MINH về CON NGƯỜI và PHÁT HUY NHÂN tố CON NGƯỜI TRONG THỜI kỳ CÔNG NGHIỆP hóa, HIỆN đại hóa đất nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (742.49 KB, 175 trang )

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay đang làm nổi bật vai trò động lực con người
trong quá trình phát triển. Vài thập kỷ trở lại đây, vấn đề con người đã trở thành trung tâm chú ý của
các lý thuyết xã hội hiện đại: xây dựng chiến lược con người, phát triển nguồn nhân lực, lý thuyết
tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững… đang là những vấn đề mang tính thời sự và được thảo
luận rộng rãi trên các diễn đàn quốc tế. Tiến trình phát triển của các nước đã chứng minh về mặt lý
luận và thực tiễn vai trò nhân tố con người có ý nghĩa quyết định cho xu hướng vận động của thế
giới đương đại.
Ở nước ta, muốn thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH,HĐH, thì một trong những yêu cầu cấp
bách là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chuẩn bị con người thật tốt cho thế kỷ XXI.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII đã chỉ rõ: “lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố
cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững” [24,tr 85], “nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy
nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc
CNH,HĐH” [24, tr 21]. Đây là nguồn lực của mọi nguồn lực, tài nguyên của mọi tài nguyên, là nội
lực quan trọng nhất bảo đảm đưa nước ta trở thành một nước CNH,HĐH.
Thực tiễn nước ta đã chứng minh rằng: mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền
với sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người để định hướng cho sự phát triển của đất nước
trong thời kỳ CNH,HĐH là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Trong thời kỳ đó, trước yêu
cầu của sự nghiệp CNH,HĐH, sự tác động của cơ chế thị trường đang bộc lộ nhiều bất cập về con
người cho sự phát triển của đất nước. Làm thế nào để phát huy có hiệu quả vai trò nhân tố con người
trong CNH,HĐH ở Việt Nam hiện nay? Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng đang được
nghiên cứu một cách hệ thống, cơ bản, kịp thời nhằm tìm kiếm những giải pháp phù hợp. Do đó, vấn
đề phát huy nhân tố con người trong quá trình CNH,HĐH ở nước ta phải dựa trên những giá trị tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con ngườì. Đúng như đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “ Vấn đề


cấp bách hiện nay là dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin chúng ta cần phải phát triển sáng tạo
tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng được một chiến lược con người, coi đó là vấn đề trung tâm của
chiến lược kinh tế - xã hội [32, tr. 104].
2. Tình hình nghiên cứu đề tài


Trước hết, xin lược qua quá trình phát triển tư tưởng của Đảng ta về con người. Đại hội
Đảng III (1960) đã khẳng định: “con người là vốn quý nhất”. Đại hội IV(1976) đưa ra luận điểm:
“con người mới – con người làm chủ tập thể”. Đại hội V(1981) phát triển luận điểm “con người
mới”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của CNXH trong việc phát huy nhân tố con người. Đại hội
VI(1986) khẳng định vai trò quan trọng của “nhân tố con người” và nhân cách XHCN trong sự phát
triển kinh tế - xã hội. Tư tưởng xuất phát điểm của cương lĩnh xây dựng đất nước trong TKQĐ lên
CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng VII(1991) thông qua
đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội. Cương lĩnh ghi: “Nguồn lực lớn
nhất, quý báu nhất của chúng ta là tiềm lực con người Việt Nam”. Theo tinh thần đó, Hội nghị
BCHTƯ 4, khoá VII, đã nâng cao thêm vai trò của con người coi sự phát triển người quyết định mọi
sự phát triển. Tại Hội nghị này, đồng chí Đỗ Mười nói: “Chúng ta cần hiểu sâu sắc những giá trị lớn
lao và có ý nghĩa quyết định của nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật
chất và văn hoá, mọi nền văn minh của các quốc gia” [129, tr 307-309]. Đến Đại hội Đảng VIII
(1996), Đảng ta đã hoàn chỉnh nhiều nội dung về CNH,HĐH, về vai trò của con người trong mối
quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội. Xác định mục tiêu, phương hướng, các giải pháp cơ bản để
phát huy nhân tố con người. Bên cạnh đó là các tác phẩm, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng
và Nhà nước ta như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn
Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu… về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở lý luận quan trọng nhất cho
sự triển khai nghiên cứu của đề tài.
Liên quan đến vấn đề chung về con người đã có nhiều công trình trong nước và ngoài nước
nghiên cứu. Có thể nói vấn đề con người phát triển liên tục trong dòng chảy lịch sử tư tưởng triết


học. Với sự ra đời của triết học mácxít vấn đề con người đã được giải thích dựa trên một cơ sở khoa
học. Tuy nhiên, trước sự phát triển mới của lịch sử, vấn đề lý luận con người cũng có bước phát
triển mới. Chẳng hạn, từ những năm 80, ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã có những đổi
mới nhận thức về con người, thể hiện trong sách: “Con người - những ý kiến mới về một đề tài cũ”,
gồm 2 tập, Nxb Sự thật 1987, do tập thể tác giả Liên Xô và CHDC Đức (cũ) biên soạn. Ở nước ta, từ
năm 1987, Viện triết học có công trình: “Về vấn đề xây dựng con người mới” do Phạm Như Cương
chủ biên, Nxb Khoa học xã hội 1978, nghiên cứu có hệ thống vấn đề con người trong lịch sử triết

học và đã xác lập cơ sở lý luận xây dựng con người mới XHCN theo tinh thần nghị quyết Đại hội
Đảng IV. Từ sau Đại hội Đảng VI, có bước phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu về con người,
nhưng phải đến Đại hội Đảng VIII, vấn đề con người gắn liền với yêu cầu sự phát triển trong thời kỳ
CNH,HĐH. Ví dụ, Nguyễn Trọng Bảo: “Con người, nguồn nhân lực, sự nghiệp giáo dục đào tạo với
quá trình CNH,HĐH đất nước”, tạp chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp số 3- 1996…, một số
luận án như: “Về con người trong nho học sơ kỳ” của Nguyễn Tài Thư, H 1996; “Tích cực hoá nhân
tố con người của đội ngũ sỹ quan trong xây dựng QĐND Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Tài,
H 1998…Đặc biệt chương trình KX-07: “Con người Việt Nam - mục tiêu và động lực của sự phát
triển kinh tế - xã hội” do Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm, kết quả nghiên cứu được chuyển tải trong
sách: “Vấn đề con người trong sự nghiệp CNH,HĐH” , Nxb Chính trị quốc gia 1996, là một bước
tiến mới về lý luận và thực tiễn, “đặt viên gạch đầu tiên cho ngành khoa học về con người ở nước
ta” [129, tr 335].
Đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con người có nhiều công trình, sách, tạp
chí, bài báo, phản ánh kết quả của nhiều nhà khoa học. Năm 1990, Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm
100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra kỷ yếu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải
phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” và Hội thảo quốc gia, có: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải
phóng dân tộc- danh nhân văn hoá”, Nxb Khoa học xã hội, H., 1990; Vũ Kỳ: “Đầu tiên là công việc
đối với con người”, Đại đoàn kết số 35- 1989; Vũ Khiêu: “Trồng cây và trồng người”, Tạp chí Triết


học 1990; Phùng Hữu Phú: “Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH”, Tạp chí Thông tin
lý luận 7- 1992; Bùi Đình Phong: “Giải phóng con người và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người là tư
tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh”, Tạp chí Lịch sử Đảng 3-1994; Nguyễn Dũng: “Bác Hồ với tư duy
CNH,HĐH đất nước”, Tuần tin tức số 20-1994; Nguyễn Văn Huyên: “Cội nguồn và bản chất tư
tưởng nhân văn Hồ Chí Minh”, Tạp chí Triết học 4-1996; Trần Thành: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về
con người và chiến lược trồng người”, Tạp chí Công tác khoa giáo 12-1997… Nhiều cuốn sách
chuyên đề rất có giá trị như: Võ Nguyên Giáp: “Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và phát
triển”, Nxb Sự thật, H 1993; Đỗ Huy: “Tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị quốc gia, H
1997, Song Thành: “Hồ Chí Minh nhà văn hoá kiệt xuất”, Nxb Chính trị quốc gia, H1999…Khái
quát, có thể chia thành 3 mảng chính:

- Mảng nghiên cứu về bản thân con người Hồ Chí Minh, qua đó rút ra những tư tưởng về
con người, theo quan niệm rằng, bản thân Hồ Chí Minh một tấm gương tiêu biểu về con người Việt
Nam mới và những tư tưởng về con người Việt Nam đã được kết tinh ở cuộc đời , sự nghiệp của Hồ
Chí Minh.
- Mảng nghiên cứu lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm đối tượng nghiên cứu nhằm mục đích qua
các bài viết, nói của Hồ Chí Minh để hệ thống hoá, tìm ra hệ quan điểm của Hồ Chí Minh về con
người, lấy đó làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc nghiên cứu con người Việt
Nam hiện nay.
- Mảng nghiên cứu thứ ba là sự kết hợp giữa hai mảng trên, lấy sự thống nhất giữa cuộc đời,
sự nghiệp và tư tưởng của Hồ Chí Minh làm đối tượng nghiên cứu, chú trọng những vấn đề về : đạo
đức, văn hoá, chính trị, kinh tế … qua đó rút ra những kinh nghiệm về con người. Trong chương
trình khoa học- công nghệ KX-02 chủ nhiệm là Đặng Xuân Kỳ, gồm 13 đề tài, có đề tài: “Tư tưởng
Hồ Chí Minh về con người và CNXH đối với con người” do Lê Sỹ Thắng làm chủ nhiệm, nghiệm
thu năm 1996. Những công trình nghiên cứu khoa học nói trên đã đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ
Chí Minh nói chung và về con người nói riêng. Tuy nhiên, chưa đề tài nào nghiên cứu: tư tưởng Hồ


Chí Minh về con người với việc phát huy nhân tố con người trong CNH,HĐH ở Việt Nam hiện nay,
dưới góc độ triết học một cách cơ bản, hệ thống.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên với nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau, đã
tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả luận án tham khảo, trên cơ sở đó tìm ra một hướng đi mới, nhằm
giải quyết những vấn đề mới mà luận án đề ra.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
Mục đích của luận án là tiến hành nghiên cứu cơ bản, có hệ thống và sâu hơn tư tưởng Hồ
Chí Minh về con người. Từ đó vận dụng những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào làm sáng tỏ một số
vấn đề có tính quy luật nhằm phát huy nhân tố con người trong CNH,HĐH ở Việt Nam hiện nay.
Để đạt được mục đích trên, luận án có các nhiệm vụ sau:
3.1. Hệ thống hoá và làm sâu sắc thêm các khái niệm con người, nhân tố con người, phát huy
nhân tố con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3.2. Trình bày rõ thêm nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về

con người.
3.3. Phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về con người.
3.4. Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát huy nhân tố con người trong thời gian qua theo yêu
cầu CNH, HĐH, vạch ra phương hướng và một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy nhân tố con
người trong quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
4.1. Hệ thống hoá, xác định rõ các khái niệm: con người, nhân tố con người, phát huy nhân tố con
người và một số khái niệm công cụ khác, từ đó, khái quát giá trị lý luận thực tiễn tư tưởng Hồ Chí
Minh về con người.


4.2. Kế thừa những kết quả của các tác giả đi trước, đi sâu thêm vào một số nội dung trong tư
tưởng Hồ Chí Minh về con người, giá trị chủ yếu nhất là phát huy nhân tố con người trong cách
mạng Việt Nam.
4.3. Khẳng định tính quy luật, ý nghĩa phương pháp luận của những vấn đề nhằm phát huy nhân tố
con người trong CNH,HĐH dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, các quan điểm
của Đảng, Nhà nước ta và thành tựu của khoa học hiện đại về vai trò con người trong CNH,HĐH.
5.2. Vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, các phương pháp cơ bản: lôgíc – lịch sử,
quy nạp - diễn dịch; phân tích - tổng hợp… các phương pháp cụ thể như: thống kê, so sánh, nghiên
cứu tiểu sử, đặc biệt coi trọng phương pháp tiếp cận hoạt động - giá trị - nhân cách được sử dụng để
phục vụ cho sự nghiên cứu.
6. Ý nghĩa của luận án
Với những kết quả đạt được, luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu và
giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh ở bậc đại học và cao đẳng.
7.Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục các tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, 8 tiết.



Chương 1
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI - NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH
THÀNH, PHÁT TRIỂN
1.1.Khái niệm con người, nhân tố con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh
1.1.1. Khái niệm con người
Con người, ngay từ khi ra đời, đã không ngừng nhận thức, tiến hành cải tạo tự nhiên và xã hội.
Nhưng chỉ đến một thời kỳ nhất định, trong những điều kiện vật chất, tinh thần nhất định, con người
mới biết tư duy về mình như một con người, với tư cách là chủ thể và mục đích của lịch sử.
Con người là gì? Đó là câu hỏi lớn xuất hiện ở nhiều hệ thống triết học, từ thời cổ đại đến hiện
đại, từ phương Đông sang phương Tây. Tuỳ thuộc vào thế giới quan và phương pháp luận khác nhau
mà hình thành nên những quan điểm duy vật hay duy tâm và cuộc đấu tranh giữa các quan điểm ấy
cũng là một vấn đề trung tâm của lịch sử tư tưởng triết học.
Triết học cổ đại khi quan niệm về con người, thường tập trung tìm hiểu xem con người có nguồn
gốc từ đâu, cấu tạo như thế nào, theo hai xu hướng: đi tìm cái bản nguyên đầu tiên cấu tạo nên con
người và thế giới; hoặc là định nghĩa con người trong mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác. Do trình
độ sản xuất kém, con người bất lực trước các lực lượng đang khống chế họ gần như tuyệt đối, quan
niệm về con người mang nặng tính chất thần bí và huyền hoặc. Nếu CNDT nhấn mạnh mặt tinh
thần, tư tưởng của con người, thì CNDV do ảnh hưởng của “CNDV chất phác, ngây thơ và PBC tự
phát”, quan niệm về con người hướng vào cái bản nguyên đầu tiên, vì vậy thường tuyệt đối hoá một
mặt, một yếu tố vật chất nào đó.
Bước sang thời kỳ phong kiến, ở phương Tây khi triết học trở thành “tôi tớ” của thần học, các
quan niệm về con người mất hết ý nghĩa tích cực của nó. Con người được hiểu như là sự sáng tạo
của Thượng đế, của Đức chúa trời, con người mắc tội tổ tông truyền, phải chuộc tội, sống theo định
mệnh và tin tưởng vô điều kiện vào Chúa.


Khi phương thức sản xuất TBCN được xác lập, đang dần dần thắng thế ở Châu Âu, thì cũng bắt
đầu thời kỳ mới, thời kỳ Phục hưng và Khai sáng. Quan niệm về con người có những thay đổi. Một
mặt, nó kế thừa những yếu tố duy vật của triết học Hy lạp – La mã cổ đại, mặt khác, nó định hướng
vào những giá trị mới về con người mà thời đại các cuộc CMTS đặt ra. Vì vậy, các khái niệm về con

người thường gắn với vai trò con người trong xã hội, hướng tới nhu cầu giải phóng con người khỏi
thần học, khỏi các điều kiện áp bức, nô dịch xã hội. Nó khẳng định con người cá nhân – cái tôi như
một chủ thể, một chủ thể với chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của
CNDV siêu hình, các quan niệm về con người chỉ phản ánh những khía cạnh hạn hẹp, thiếu tính hệ
thống. Có ý kiến cho rằng, thời kỳ lịch sử cho phép nảy sinh và tạo điều kiện cho khái niệm con
người ra đời là thời kỳ có nền sản xuất hàng hoá tương đối phát triển, giai cấp tư sản là người đề
xướng và sở hữu khái niệm đó [36, tr 93-94], nhưng “cho đến giữa thế kỷ XIX vẫn chưa có được
một nhận thức khoa học” về khái niệm con người [16, tr 14].
Triết học mácxít đã đem lại một hệ thống các quan điểm có ý nghĩa thế giới quan và phương pháp
luận làm sáng tỏ khái niệm ấy. Mác-Ăngghen, ngay trong các tác phẩm viết trước năm 1844, là năm
đánh dấu sự thay đổi về chất từ lập trưởng dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản, đã đặt nền
móng cho những quan điểm duy vật về con người. Mác-Ăngghen dùng các khái niệm “con người là
một sinh vật xã hội”, “là một sinh vật có tính loài”, “con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã
hội”… thể hiện tư tưởng coi con người là một chỉnh thể thống nhất giữa yếu tố sinh vật và yếu tố xã
hội. Sau này, ở giai đoạn chín muồi về lý luận, các tác phẩm của Ăngghen tiếp tục khẳng định và
vạch ra một cách toàn diện những quan điểm duy vật của mình: tự nhiên là cái có trước, con người
là sản phẩm của quá trình tiến hoá tự nhiên. Mác viết: “ cũng như sự tồn tại của con người là kết quả
của một quá trình trước đó mà cuộc sống hữu cơ đã qua đi. Chỉ đến một giai đoạn nào đó của quá
trình này, con người mới trở thành người” [69, tr 690], “ con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế
nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể và với nó con người phải duy trì một quá
trình thường xuyên để tồn tại” [70, tr 117]. Ăngghen dựa theo những tư liệu đã có, chứng minh con


người là kết quả tất nhiên của quá trình tiến hoá. Con người bước ra khỏi giới động vật như thế nào
thì cũng bước vào lịch sử như thế. Con người bước vào lịch sử trong những điều kiện cho sự tồn tại
không có sẵn như ở động vật, con người phải lao động để sáng tạo ra. Như vậy, bản thân cái sự kiện
là con người từ động vật mà ra, cũng quyết định việc con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly
khỏi những đặc tính vốn có của con vật, thành thử bao giờ cũng chỉ nói đến việc những đặc tính ấy
có nhiều đến sự chênh lệch về mức độ thú tính và tính người mà thôi [64, tr 146]. Thừa nhận yếu tố
sinh vật của con người, nghĩa là thừa nhận những quy luật sinh học chung của con người, những đặc

điểm về cơ cấu và chức năng của cơ thể, đời sống sinh lý, đặc tính di truyền… các nhân tố này ảnh
hưởng đến năng lực và phẩm chất của con người. Quá trình sinh học diễn ra trước khi có sự tiến hoá
về xã hội. Yếu tố sinh vật của con người chính là sự chuẩn bị về một chương trình di truyền sinh học
tất yếu tiếp thu hình thái xã hội của vận động vật chất. Khác với con vật, con người ngoài chương
trình di truyền sinh học còn có chương trình kế thừa về mặt xã hội giữa các thế hệ. Đó là văn hoá
theo nghĩa là các giá trị vật chất và tinh thần, mà con người đã sáng tạo ra. Do đó, quá trình sinh học
diễn ra bên trong quá trình tiến hoá xã hội và chịu sự chế ước của nó. Sự tiến hoá sinh học đặt cơ sở
cho tiến hoá về mặt xã hội, đến một giai đoạn nào đó – quá trình người hoá để trở thành người, thì
yếu tố sinh học chuyển sang sự phụ thuộc vào yếu tố xã hội, do yếu tố xã hội quyết định. Xét theo
một phương diện nào đó, quá trình tiến hoá sinh học dẫn tới bộ óc người với hệ thần kinh trung
ương đặc biệt phức tạp – là khí quan vật chất của ý thức, đánh dấu sự chậm lại của quá trình tiến hoa
sinh học, thì sự tiến hoá ấy lại nảy sinh theo một hướng hoàn toàn mới, không còn là đi tới cái mới
về cấu trúc nữa, mà là đi tới sự phong phú hơn về tinh thần. “Nhờ hệ thần kinh trung ương, con
người đã trở thành tác nhân tiến hoá của bản thân nó, trong khi động vật vẫn tiếp tục phụ thuộc vào
môi trường” [11, tr 334]. Nói theo cách của Mác, một khi con người đã tồn tại thì con người, với tư
cách là sản phẩm và kết quả của bản thân nó [69, tr 690]. Do đó, con người khác con vật chỉ là ở chỗ
trong con người, ý thức thay thế bản năng, hoặc bản năng của con người là bản năng đã được ý thức.
Ở con người, cái sinh vật đã được cải tạo nhưng không thể bị xoá bỏ, nó vẫn tác động tới toàn bộ
đời sống của con người. Quá trình người hoá là quá trình duy nhất diễn ra trong sự tương tác giữa


yếu tố sinh vật và yếu tố xã hội. Việc nhận thức đúng đắn vai trò của yếu tố sinh vật trong mối quan
hệ biện chứng với yếu tố xã hội theo quan điểm mácxít cho phép đánh giá đúng mặt tích cực và tiêu
cực của thuyết Nhân loại học triết học sinh vật của Arnold Gehlen (1904-1976) và thuyết Phân tâm
học của Sigmind Freud (1856-1939). Mặt tích cực của các thuyết này là di sản làm rõ vai trò chủ
yếu của yếu tố sinh vật trong các hoạt động của con người. Mặt tiêu cực của nó là đề cao thái quá và
tách rời yếu tố sinh vật khỏi yếu tố xã hội, dẫn tới phủ nhận vai trò quyết định của các yếu tố xã hội
đối với con người, tách con người khỏi những quy luật xã hội. Đó là con người có bản năng sinh vật,
bất biến, không lệ thuộc vào các điều kiện lịch sử.
Bản chất con người là gì? Mác viết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà

những quan hệ xã hội” [61, Tr 11].
Mác – Ăngghen phê phán nhà triết học thế kỷ XVIII noi “Trạng thái tự nhiên là trạng thái chân
chính của bản tính con người”. Hoặc có người coi “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ gắn liền với bản chất
con người” (Tomat Hôpxơ); “bản chất con người là nhận thức” (B.Xpinôda); là “bản chất sinh vật”
(S.Môngtexkiơ) hay “bản chất tự do” (G. Rutxô). Các nhà triết học cổ điển Đức khẳng định “bản
chất xã hội”của con người, nhưng đó là bản chất trừu tượng, hư ảo, không tồn tại hiện thực. MácĂngghen bắt đầu có sự phân biệt giữa người và động vật từ hành vi lao động sản xuất. Những tiền
đề hiện thực cho việc nghiên cứu “Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những
điều kiện sinh hoạt của họ” [70,tr 267]. Con người nhờ có lao động sản xuất để tạo ra tư liệu sinh
hoạt nhằm duy trì sự tồn tại của mình và của xã hội, thông qua đó người là giống vật duy nhất thoát
khỏi trạng thái thuần tuý là loài vật và có thể in dấu ấn của mình lên giới tự nhiên. Đây là một hành
vi mang tính xã hội, nó chỉ ra tính chất đồng quy, tính chất cộng đồng của con người, nhờ đó con
người được giải phóng khỏi tự nhiên, tách khỏi loài vật và xây dựng cho mình một môi trường xã
hội. Do đó con người nằm trong sự tác động của một hệ thống các quy luật khác về chất so với các
quy luật tự nhiên, đó là các quy luật xã hội, qua đó mà sáng tạo ra bản thân mình. Đời sống tinh
thần, tư tưởng của con người dù có phong phú, phức tạp đến đâu, cũng chỉ là phản ánh cái môi


trường xã hội luôn biến đổi ấy. Việc con người biến đổi tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất, trực tiếp
nhất đối với việc hình thành, phát triển của ý thức và con người đã biến đổi song song với việc con
người cải biến tự nhiên. Như vậy, chính con người là kẻ sản xuất ra những quan niệm, ý niệm của
mình. Ý thức không thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại đã được ý thức. Không phải ý thức quyết
định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức và ý thức ngay từ đầu đã là một sản phẩm xã hội.
Như vậy, bản chất con người chỉ có thể được hình thành, được nhận thức thông qua các quan hệ xã
hội của nó. Bản chất con người không phải là thần bí, trừu tượng, bất biến, tách rời khỏi những mối
quan hệ xã hội khách quan như các nhà duy tâm hay duy vật siêu hình quan niệm. Nó có thể nhận
thức được thông qua các tổ chức, thể chế chính trị, các mối quan hệ xã hội hiện thực, xác định. Bản
chất con người không phải là cái vốn có, hình thành một lần là xong, mà là một đại lượng biến đổi,
là một quá trình mang tính lịch sử - cụ thể, thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Khi đó bản
chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội, nghĩa là tất cả các quan hệ xã hội vật chất – tinh thần,
đều góp phần vào việc hình thành bản chất con người, chứ không riêng một quan hệ nào. Trong đó,

quan hệ sản xuất đóng vai trò quyết định nhất. Muốn thay đổi bản chất con người thì không thể đóng
vai trò quyết định nhất. Muốn thay đổi bản chất con người thì không thể không thay đổi những mối
quan hệ xã hội của họ.
Quan điểm mácxít coi lịch sử như là một quá trình tự sinh của con người do con người thực hiện
trong quá trình thực tiễn cải tạo thế giới. Thực tiễn không chỉ là quá trình con người biến đổi thế
giới khách quan, mà còn là quá trình biến đổi chính bản thân mình. Điều đó cho thấy bản chất con
người chỉ có thể hình thành trong thực tiễn cải tạo tự nhiên và xã hội. Đưa quan điểm thực tiễn vào
nghiên cứu con người, lần đầu tiên trong lịch sử triết học mácxít đã chuyển từ vấn đề con người từ
cách giải đáp tư biện sang cơ sở vững chắc của đời sống thực tiễn, từ “thế giới bên kia”, hay trong
bản thân con người, sang thực tiễn sản xuất và trong đời sống xã hội.
Có nhiều quan niệm khác nhau về con người [16], [36]. Ở đây chúng ta đưa ra một quan niệm về
con người - Viện sĩ Phrôlốp (Liên xô cũ):


Con người là chủ thể của quá trình phát triển xã hội- lịch sử của nền văn hoá vật chất và tinh thần
trên trái đất; đó là một thực thể sinh vật – xã hội, gắn liền một cách di truyền với những hình thức
khác của sự sống mà con người đã tự giải thoát khỏi đấy nhờ có khả năng sản xuất ra được các dụng
cụ, và nhờ có một ngôn ngữ nói và một ý thức [36, tr.96].
Quan niệm này đã vạch ra được những nội dung cơ bản nhất về khái niệm con người; khẳng
định sự thống nhất cái sinh vật – xã hội của con người. Bản chất con người mang tính xã hội – lịch
sử. Con người là chủ thể của hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức. Sự phân biệt giữa con
người và động vật ở chỗ nó có ý thức, ngôn ngữ và lao động sản xuất.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là gì? Đây là một vấn đề khó. Đã có nhiều công trình
nghiên cứu về vấn đề này, dưới những góc độ tiếp cận khác nhau [110 và 111]. Để tiến tới một khái
niệm con người đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần chú ý ở một số điểm sáng tạo chủ yếu sau:
Hồ Chí Minh không có bài viết chuyên luận về con người, khái niệm con người được Người
sử dụng ở từng hoàn cảnh, điều kiện, khía cạnh khác nhau Hồ Chí Minh có lần đưa ra một quan
niệm về chữ Người: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là
đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” [85, tr644]. Tuy nhiên, quan niệm đó chưa bao quát
hết tư tưởng Hồ Chí Minh về con người.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, Người có sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để nói về con
người như: người, con người, người ta, quần chúng, dân chúng, dân, nhân dân, đồng bào… theo
nhiều nghĩa khác nhau. Do đó, phải theo tinh thần biện chứng, trên cơ sở những đặc điểm về
phương pháp tư duy Hồ Chí Minh, thì mới có cách hiểu đúng đắn quan niệm Hồ Chí Minh về con
người.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh thường dùng các từ: nhân dân, dân, quần chúng, đồng bào, cán bộ,
đảng viên… là tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện, nội dung cụ thể của chủ nghĩa Mác, được sử dụng khi
nói về con người trong lĩnh vực chính trị xã hội. Còn khi nói tới những vấn đề của con người trong
văn hoá, đạo đức, triết học… thì Hồ Chí Minh thường dùng các từ: con người, người. Thứ hai, quan


niệm về con người của Hồ Chí Minh vừa thể hiện rõ tính chất giai cấp, tính chất lịch sử của khái
niệm đó, vừa hướng vào những giá trị chung của con người; tự do, hạnh phúc, dân chủ để vươn tới
những cái chân, thiện, mỹ, đạt tới những lý tưởng nhân bản, nhân đạo của con người. Nó khắc phục
những hạn chế về tính giai cấp , tính lịch sử - xét theo một khía cạnh nào đó – trong các quan niệm
nào đó, để hướng tới những giá trị phổ biến của con người, nhằm đạt tới cơ sở cho sự đoàn kết dân
tộc và quốc tế vì sự nghiệp chung là giải phóng con người. Đây là một sáng tạo, sự minh triết của
Hồ Chí Minh. Theo nghĩa đó, khái niệm con người theo Hồ Chí Minh là khái niệm chung nhất, bao
trùm lên các khái niệm riêng như: quần chúng, dân, đồng bào… nhưng đó không phải là “con người
trừu tượng” mà là con người cụ thể, hiện thực, cảm tính, khách quan. Cho nên Hồ Chí Minh nói về
con người thường là được biểu hiện qua: quần chúng, dân, đồng bào và ngược lại, khi nói về quần
chúng, dân, đồng bào… cũng tức là đang nói về con người. Nếu không đặt vấn đề như vậy, có thể sẽ
hiểu không đúng quan niệm của Hồ Chí Minh về con người. Một sự tách bạch có tính chất học
thuật, giáo điều, siêu hình sẽ không đạt tới chiều sâu trong quan niệm Hồ Chí Minh về con người.
Đây vừa là sự sáng tạo, vừa là biểu hiện một trí tuệ uyên bác, một nhân cách đạo đức cao thượng
của Hồ Chí Minh: hiểu con người theo nghĩa rộng rãi nhất, cách mạng nhất, biện chứng nhất, cho
phép tư tưởng Hồ Chí Minh về con người dung hợp những giá trị tích cực của các chủ thuyết về con
người trong lịch sử thành một “hệ thống mở” cho sự phát triển các quan niệm về con người của thế
giới đương đại.
Con người trong quan niệm Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất về thể lực, tâm lực, trí

lực và sự hoạt động. Nói cách khác, con người, bản thân nó là một hệ thống - cấu trúc bao gồm
nhiều yếu tố: sức khoẻ, đời sống tâm linh, tinh thần và vai trò chủ đạo của tri thức được thể hiện
trong hoạt động. Các yếu tố này từng vai trò của mỗi yếu tố không ngang bằng nhau. Một người
khoẻ mạnh thì sẽ có một đời sống tinh thần khoẻ mạnh. Hồ Chí Minh nhìn nhận con người trong sự
thống nhất của hai mặt đối lập: người đời không phải là thánh thần, ai cũng có chỗ hay chỗ dở, ai
cũng có tính tốt tính xấu, có thiện có ác… Các mặt đối lập đó không đơn thuần có nguồn gốc từ xã


hội, nó còn có căn nguyên từ yếu tố sinh vật của con người. Loại trừ yếu tố sinh vật của con người
trong việc đánh giá giá trị, sẽ dẫn đến tới sự phiến diện, thiếu cơ sở khoa học. Trong lịch sử tư tưởng
triết học, có một xu hướng đi tìm căn nguyên hành vi con người từ bản năng tình dục, từ dục vọng
nhục thể: tham, sân, si. Xu hướng khác đi tìm các căn nguyên con người từ trong xã hội: do sự áp
bức, bóc lột, ngu dốt do thiếu giáo dục… Hồ Chí Minh vừa thấy được các căn nguyên sinh vật, vừa
thấy được cái căn nguyên xã hội ảnh hưởng tới hành vi và đời sống con người. Đây là một sự kết
hợp sáng tạo, khi đòi hỏi quá trình cải tạo xã hội, phải đồng thời và trước hết là cải tạo bản thân mỗi
con người, hai quá trình này vừa là điều kiện, vừa là kết quả của nhau.
Hồ Chí Minh nói: “Con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi và chết” [90, tr469]. Đó là quy
luật sinh học của con người, cho nên “người ta ai cũng ham muốn sung sướng mạnh khoẻ” [85, tr
106]. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh, sức khoẻ là điều kiện rất quan trọng để làm việc có hiệu quả và có
năng suất cao; “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần sức
khoẻ mới thành công” [84, tr 212].
Nói đến con người là nói đến tâm lực, trí lực là mức biểu hiện của đời sống tinh thần của con
người trong hoạt động. Con người tự phân biệt mình với động vật ở chỗ có ý thức. Theo cách diễn
đạt của Phơbách con người có đời sống kép, đời sống bên trong và đời sống bên ngoài, con vật thì
chỉ đời sống đơn [70, tr117-119]. Con người không những coi thế giới bên ngoài mà ngay bản thân
mình làm đối tượng. Chính từ tính chất “kép” ở con người, mà người ta có thể phân biệt được tính
độc lập tương đối giữa thế giới tinh thần với thế giới vật chất khách quan. Do đó, cần phải thấy được
vai trò cực kỳ quan trọng của đời sống tinh thần con người. Điểm đặc sắc của tư tưởng triết học
phương Đông là hướng vào việc nghiên cứu thế giới tâm linh, tinh thần theo những quy luật lôgic
của nó. Nếu gạt bỏ đi những yếu tố thần bí, duy tâm, siêu hình thì cũng thấy được hạt nhân của phép

biện chứng. Đó là những quy luật tình cảm và sức mạnh của nhân tố tinh thần đối với con người.
Sức mạnh của nhân tố tinh thần không chỉ thể hiện ở trình độ ý thức lý luận, hệ tư tưởng mà còn thể
hiện trong lĩnh vực ý thức thông thường, tri thức kinh nghiệm và đời sống cảm xúc, tình cảm. Chính


vì con người sống gắn chặt với điều kiện, hoàn cảnh sống hàng ngày với tất cả tính chất phong phú,
phức tạp của nó. Trong cuộc đời và tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh luôn nhận thấy vai trò hết sức
quan trọng của nhân tố tinh thần, tôn trọng và làm cho đời sống tinh thần con người ngày càng
phong phú. Hồ Chí Minh nói: “Con người dù là xấu, tốt, văn minh hay dã man đều có tình” [87,tr
60]. Chữ tình đó không chỉ là tình cảm anh em, vợ chồng, bạn bè, cha con, trên dưới mà đó có tình
người. Tình người theo nghĩa rộng nhất đó là đời sống tinh thần của con người, biểu hiện tập trung ở
mặt văn hoá- đạo đức. Đó là nhân tính, nó đối lập với thú tính của loài vật, chính nhân tính dẫn con
người tới văn hoá. Đã là con người đều yêu sự lành, ghét sự dữ; yêu cái thiện, cái tốt, ghét cái ác, cái
xấu. Sức mạnh của ý thức cuối cùng phải được biểu hiện qua hoạt động thực tiễn của con người và
cách thức tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng nó. Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của ý thức lý luận,
hệ tư tưởng phụ thuộc vào mức độ thâm nhập vào đời sống thực tiễn cuả quần chúng trở thành
phong tục tập quán, tâm trạng, tình cảm. Vì vậy mà “Bất cứ việc to và việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ
và làm cho hợp với trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu,
lòng tham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng, do đó mà cách làm việc, cách tổ chức” [85,
tr 248].
Đứng vững trên quan điểm duy vật mácxít, Hồ Chí Minh cũng khẳng định bản chất con
người mang tính xã hội – lịch sử, coi con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của lịch sử, con
người vừa là động lực, là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng: con người ta
muốn sống thì phải có ăn, mặc, ở, đi lại, muốn như vậy thì phải lao động làm ra. Muốn lao động sản
xuất thì con người phải liên kết với nhau trong tập thể, cộng đồng. Sự phát triển của lịch sử là quy
luật không ngăn trở được. Cách sản xuất và sức sản xuất phát triển biến đổi mãi, do đó mà tư tưởng
của con người, chế độ xã hội cũng biến đổi và phát triển, ý thức và nhận thức của con người cũng
vậy. Do sự sản xuất vật chất mà người ta hiểu biết dần các hiện tượng, các tính chất, các quy luật và
mối quan hệ người với tự nhiên. Lại do hoạt động sản xuất mà dần dần hiểu rõ mối quan hệ giữa
người này với người khác [86, tr247-248]. Tóm lại “xã hội có cơm ăn, áo mặc, là nhờ lao động. Xây



nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Tri thức mở mang cũng nhờ lao động. Vì vậy, lao
động là sức chính của tiến bộ loài người” [85, tr420]. Con người là sản phẩm lịch sử - cụ thể, do đó
muốn nhận thức đúng về con người thì phải nhận thức đúng những điều kiện xã hội mà họ đang
sống.
Nói đến bản sắc con người Việt Nam, không chỉ đơn giản xem xét từ các giá trị truyền
thống, mà còn dựa trên những điều kiện xã hội hiện thực, đáp ứng xu thế vận động của lịch sử. Hồ
Chí Minh trong khi tìm câu giải đáp cho những vấn đề lớn của thời đại, đã biết kết hợp nhuần
nhuyễn yếu tố dân tộc và quốc tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng. Sống
trên một mảnh đất có lịch sử phát triển lâu dài, đặc trưng cơ bản của văn hoá Việt Nam là nền kinh
tế nông nghiệp, sản xuất nhỏ là phổ biến, xã hội nông thôn, dân cư đa số là nông dân, thì con người
Việt Nam mang bản tính nông dân là cơ bản. Thuộc tính này bị biến dạng bởi các quan hệ giai cấp
trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Do đó, cải tạo xã hội cũ, con người cũ sang một xã hội
mới, con người mới là một quá trình lâu dài, khó khăn. Quá trình cải tạo tư tưởng phải dựa trên quá
trình cải tạo và xây dựng xã hội mới thông qua hoạt động tích cực, sáng tạo của hàng triệu người.
Do đó, vấn đề giải phóng con người, theo Hồ Chí Minh, gắn liền với vấn đề giải phóng dân tộc và
giải phóng giai cấp. Nói cách khác, chỉ có thể thực hiện sự giải phóng con người trên cơ sở giải
quyết những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá của xã hội hiện tại. Thước đo về sự giải phóng con
người là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nói như Mác, cũng là trình độ phát triển các lực
lượng bản chất con người [68, tr 168]. Trong một bức thư gửi ông Nguyễn Sơn vào tháng 3-1948,
Hồ Chí Minh viết: “Tặng chú Sơn: Cái gan cần phải to lớn, (nhưng) cái tâm thì nên tế nhị, chín
chắn, cái trí phải suy nghĩ cho toàn diện, và đức hạnh thì phải vuông vắn, ngay thẳng” [74, tr186].
Đây có thể là một cơ sở cho việc tìm hiểu quan niệm Hồ Chí Minh về con người.
Từ sự phân tích trên, có thể đưa ra một định nghĩa về con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh:
Con người là một chỉnh thể thống nhất về thể lực, tâm trí lực và hoạt động, mang bản chất xã hội –
lịch sử, là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị vật chất tinh thần trong xã hội.


Như vậy, chữ “người” trong quan niệm Hồ Chí Minh được biểu hiện là một con người cá

thể, cụ thể, vừa là một cộng đồng gia đình, giai cấp, xã hội, con người nói chung. Đó là con người
gắn liền với hoạt động thực tiễn đấu tranh xã hội, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ, hiện tại
và tương lai. Con người vừa là sản phẩm của chủ thể tích cực của hoàn cảnh. Con người vừa là động
lực vừa là mục tiêu của sự phát triển lịch sử, chủ thể sáng tạo và hưởng các giá trị văn hoá vật chất,
tinh thần trong xã hội. Đó là con người Việt Nam cùng khổ, bị áp bức, bóc lột đang vùng dậy để tự
giải phóng mình, từng bước làm chủ bản thân.
1.1.2. Khái niệm nhân tố con người
Trong lịch sử triết học, quan niệm về vai trò của nhân tố con người cũng có mầm mống từ
sớm. Trong các truyền thuyết, sử thi, hội hoạ… của Hy lạp- La mã cổ đại, bên cạnh việc tìm kiếm sự
giúp đỡ vào thần thánh, hoặc giải thích sức mạnh của mình bằng sức mạnh của thần thánh, con
người đã đặt niềm tin vào sức mạnh của mình. Protago (420-490 TCN) tuyên bố: “Con người thước
đo của mọi vật”. Ở Trung Quốc chữ “nhân” nguyên nghĩa chỉ nguyên tố người, tức là một đặc trưng
đặc biệt của bản tính chính con người [47, tr 146]. Theo Tống sử, các nhà triết học thời kỳ này như
Chu Đôn Di (1017-1073) cho rằng “Nhân là lực lượng sinh ra mọi vật”. Trình Hạo (1032-1085) coi
“tình cảm, nghĩa, lễ, trí, tín – cũng như nhân” tức là “nguyên tố người có sẵn cho mọi vật”, mọi vật
và con người đều có linh hồn, tuy rằng con người là linh thiêng nhất. Đây là bước thụt lùi so với
Hàn Dũ là người đầu tiên đề xuất luận điểm: con người là chủ trong tất cả cái gì tồn tại và nguyên tố
người là tình thương đối với tất cả. Theo ông, khái niệm “nhân tố người” một mặt chỉ một đặc tính
chỉ có con người là thể hiện ở mức cao nhất và bổn phận con người phải có trách nhiệm đối với các
sự vật như thế nào. Đây thực chất là quan điểm duy tâm chủ quan tuy nó đem lại ý tưởng về sự
khẳng định vai trò của con người trong thế giới. Như vậy, mặc dù chưa thống nhất và chưa đưa ra
được một khái niệm hoàn chỉnh về nhân tố con người, nhưng các nhà triết học trước Mác đã có công
trong việc đi sâu nghiên cứu từng khía cạnh của nhân tố con người: mặt hoạt động, vai trò của đạo
đức, tinh thần, ý chí… coi con người là giá trị cao nhất, là thước đo của mọi giá trị và là chủ thể duy


nhất sáng tạo ra tất cả. Khuyết điểm lớn nhất của triết học trước Mác là không xuất phát từ con
người hiện thực, cụ thể, cảm tính, con người hoạt động thực tiễn. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn các
nhà triết học rơi vào lập trường duy tâm, thần bí và siêu hình trong các quan niệm về con người.
Tiền đề xuất phát của triết học Mácxít là con người hiện thực, từ đó dẫn tới các quan điểm:

con người là một thực thể thống nhất giữa yếu tố sinh vật và yếu tố xã hội. Bản chất con người
không phải là thần bí, trừu tượng, bất biến, mà là tổng hoà các quan hệ xã hội hiện thực. Con người
vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của lịch sử. Vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với lịch
sử… Những quan điểm đó đã đặt con người vào vị trí trung tâm của lịch sử, là chủ thể tích cực, sáng
tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần, mọi nền văn minh trên thế giới: “Lịch sử chẳng qua chỉ là
hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình” [60,tr 141]. Sự khác nhau căn bản
giữa lịch sử phát triển của xã hội với quá trình tiến hoá của tự nhiên là “trong lịch sử của xã hội,
nhân tố hoạt động hoàn toàn chỉ là những con người có ý thức, hành động có suy nghĩ, hay có nhiệt
tình và theo đuổi những mục đích nhất định, thì không có gì xảy ra mà lại không có ý định tự giác,
không có mục đích mong muốn” [65,tr 435]. Đây là cơ sở lý luận cho phương pháp tiếp cận về nhân
tố con người của chủ nghĩa Mác- Lênin.
Tuy nhiên, do mục đích và phương pháp nghiên cứu khác nhau mà hiện nay có rất nhiều
quan niệm khác nhau về nhân tố con người. Có thể đưa ra một số quan niệm sau:
- Nhấn mạnh vào mặt hoạt động của nhân tố con người, vào sự thể hiện của phẩm chất, đặc
trưng bản chất của nó trong hoạt động có định hướng và biến đổi.
- Nhấn mạnh vào các đặc trưng phẩm chất cá nhân của con người được thể hiện trong các
hoạt động. Coi nhân tố con người như là một tổng hoà các phẩm chất, thuộc tính, đặc trưng, năng
lực đa dạng của con người, tiềm năng chung (tự nhiên và xã hội) biểu hiện trong các dạng thức hoạt
động khác nhau. Coi nhân tố con người như là nhân tố cấu thành của nhân cách [113].
Như vậy. cái chung trong các quan niệm này là coi nhân tố con người về bản chất là nhân tố
xã hội, quy định vai trò chủ thể của con người. Nhưng sự khác nhau là, quan niệm thứ nhất lấy hoạt


động làm đặc trưng cơ bản, còn phẩm chất, năng lực được thể hiện trong hoạt động. Quan niệm thứ
hai, lấy đặc trưng cơ bản là những phẩm chất, năng lực,còn hoạt động là sự thể hiện của nó. Cách
hiểu như vậy là chưa toàn diện và đúng đắn. Nếu nhấn mạnh vào mặt hoạt động thì sẽ không thấy
được vai trò quan trọng của tiềm năng sáng tạo, tích cực, chủ động của con người. Con người hoạt
động luôn có sự tham gia của nhận thức, các phẩm chất và năng lực nhất định. Hoạt động của con
người không tách rời mà nằm trong cùng quá trình biến đổi của nhận thức. Phẩm chất xã hội của con
người không chỉ là kết quả được hình thành và biểu hiện trong hoạt động mà còn là nền tảng tinh

thần cho mọi hoạt động của con người. Nếu giới hạn nhân tố con người trong lĩnh vực tinh thần thì
chưa nói lên được vai trò cực kỳ quan trọng của đặc trưng hoạt động, coi như là cơ sở quyết định
hình thành và phát triển, sự biểu hiện các phẩm chất, năng lực con người.
Để tiến tới một khái niệm về nhân tố con người nói chung, cần phải có phương pháp tiếp cận
cho phù hợp. Dựa theo kết quả của chương trình khoa học KX-07 “Con người Việt Nam - mục tiêu
và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, Phương pháp tiếp cận hoạt động – giá trị - nhân
cách lựa chọn là phương pháp quan trọng để xác định đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp này xem xét nhân tố con người như một chỉnh thế thống nhất của hai quá
trình: một mặt, từ hoạt động con người thông qua các hệ thống giá trị mà hình thành nên nhân cách
với tư cách là thước đo giá trị của chủ thể. Mặt khác, nhân cách với tư cách là thước đo mức độ phù
hợp giữa giá trị của chủ thể với giá trị xã hội, là cơ sở, điều kiện cho mọi hoạt động của chủ thể
tiếp tục sáng tạo ra các giá trị xã hội. Có thể biểu diễn bằng sơ đồ:
Hệ thống giá trị

Hoạt động

Thang giá trị
hước đo giá trị
Định hướng giá trị

Nhân cách


Hình 1.1: Phương pháp tiếp cận Hoạt động – giá trị - nhân cách

Phương pháp này cho phép tiếp cận nhân tố con người như một hệ thống - cấu trúc phức tạp
trong quá trình vận động, phát triển, bao quát được những đặc trưng bản chất nói lên con người vừa
là chủ thể hoạt động, chủ thể mang những đặc trưng về phẩm chất năng lực, đồng thời là chủ thể tiếp
thu và sáng tạo giá trị xã hội. Nó nêu bật vai trò chủ thể tích cực, tự giác, sáng tạo của con người,
khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Từ đó, có quan niệm: Nhân

tố con người là hệ thống các yếu tố, các đặc trưng quy định vai trò chủ thể tích cực, tự giác, sáng
tạo của con người, bao gồm một chỉnh thể thống nhất giữa mặt hoạt động với tổng hoà các đặc
trưng về phẩm chất, năng lực của con người trong một quá trình biến đổi và phát triển xã hội nhất
định. [105, tr120].
Xét về cấu trúc, nhân tố con người xác định ở ba phương diện: phương diện thứ nhất, chỉ
hoạt động của con người, bao gồm hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hay hoạt động vật chất
và hoạt động tinh thần. Thông qua hoạt động, con người được coi là động lực quyết định sự vận
động, phát triển xã hội. Phương diện thứ hai, chỉ tổng hoà những đặc trưng về phẩm chất và năng
lực của con người. Đây là hai yếu tố cơ bản trong cấu trúc nhân cách. Phương diện thứ ba, như là sự
thống nhất của tính cá nhân (cá thể) và tính xã hội (cộng đồng). Ba phương diện này thống nhất biện
chứng với nhau trong sự vận động và phát triển. Trong mối quan hệ đó thì “nhân tố hoạt động” giữ
vị trí “tính thứ nhất”, còn phẩm chất, năng lực là “tính thứ hai”. Bởi vì, hoạt động của con người gắn
liền với phẩm chất và năng lực, nó còn dựa trên cơ sở, điều kiện những phẩm chất, năng lực nhất
định mới thực hiện được. Sự thống nhất giữa tính cá nhân và xã hội, cá thể và cộng đồng chỉ ra vị
trí, đặc trưng của nhân tố con người so với các nhân tố vật chất khác trong thế giới hiện thực.
Xét về nội dung, khái niệm nhân tố con người bao gồm: Một là, những đặc trưng của con
người với tư cách là chủ thể hoạt động nhằm thực hiện các mục đích, nhu cầu, nhiệm vụ xã hội, giữ
vai trò là tác nhân trực tiếp tạo ra sự biến đổi lịch sử. Hoạt động là quá trình hiện thực hoá những


đặc trưng bản chất của con người, thể hiện năng lực thực tiễn nhằm thoả mãn các nhu cầu, lợi ích
của con người. Hoạt động là cơ sở hình thành và phát triển những phẩm chất của con người. Mọi
yếu tố tạo nên động lực phát triển xã hội đều được thực hiện và thể hiện qua con người. Hai là,
những đặc trưng của con người với tư cách là một nhân cách, phản ánh những giá trị xã hội trong
một điều kiện lịch sử cụ thể. Các tác phẩm xã hội: đạo đức, chính trị hình thành nên con người ở thế
giới quan, lý tưởng, niềm tin, lập trường, thái độ, quan hệ ứng xử… các năng lực nhận thức, tổ chức
quản lý, hành động… nó phản ánh sự hoàn thiện của chủ thể trong các hoạt động, các quan hệ của
con người. Bởi vì con người vốn sinh ra chưa có nhân cách. Nhân cách là “các cấu tạo hoá các thể”.
Ba là, chỉ ra những đặc trưng của con người với tư cách là chủ thể mang giá trị xã hội và là giá trị
cao nhất, thước đo của sự phát triển xã hội. Mặt chất lượng của nhân tố con người được phản ánh ở

cấp độ phẩm giá con người làm cho hoạt động của con người mang tính nhân đạo, nhân văn. Nói
cách khác, nó biểu hiện yếu tố nhân tính, yếu tố văn hoá trong các dạng thức hoạt động khác nhau
của con người. Đó là tính toàn vẹn, là năng lực tự ý thức, tự nhận thức, tự đánh giá và tự điều khiển
hành vi trong hoạt động mang tính chủ thể.
Tóm lại, nội dung của nhân tố con người bao gồm những quá trình, những yếu tố cấu thành
một chỉnh thể thống nhất giữa mặt hoạt động và nhân cách với trình độ phát triển về chất của các
quá trình, các yếu tố đó.
Kết quả phân tích trên là cơ sở để tiến tới một khái niệm khoa học về nhân tố con người theo
quan niệm Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không dùng từ “nhân tố con người” mà thường dùng các từ
như: “sức dân”, “sức người”, “tài dân”, “lực lượng của dân”… nhưng về thực chất trong tư tưởng
Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò nhân tố con người trong cách mạng Việt Nam, có thể khái quát một
số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, nhân tố con người không chỉ là vai trò tích cực, chủ động sáng
tạo của mỗi cá nhân, cá thể, mà còn là vai trò của các giai cấp, các tầng lớp người trong xã hội. Nói
đến nhân tố con người trong điều kiện cuộc CMVS, xét đến cùng là sức mạnh của mỗi cá nhân phải


dựa vào sức mạnh tập thể. Ăngghen cho rằng, con người làm ra lịch sử của mình bằng cách là mỗi
người làm ra một mục đích riêng, chính kết quả chung của vô số những ý muốn, những hoạt động
khác nhau đó đã tạo nên lịch sử [65,tr 436]. Lênin cũng lưu ý tới hoạt động của các cá nhân đang
sống muôn hình, muôn vẻ vô chừng và hình như không thể nào hệ thống hóa nổi, được quy vào hoạt
động của các giai cấp và cuộc đấu tranh của các giai cấp ấy đã quyết định sự phát triển của xã hội
[52, tr539]. Hồ Chí Minh trong khi khẳng định vai trò cá nhân, coi mỗi người là một bộ phận của tập
thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội [89,tr 291], cũng nhấn
mạnh rằng, sự nghiệp cách mạng là công việc của hàng triệu người chứ không phải chỉ bằng một vài
việc của một số cá nhân anh hùng [92, tr550-551].
Thứ hai, xét theo phương diện nhân tố con người với tư cách là chủ thể hoạt động, Hồ Chí
Minh coi trọng hoạt động tự giác của con người, có tổ chức, có lãnh đạo của Đảng cộng sản thông
qua các phong trào thi đua của quần chúng. Đây là một dạng thức hoạt động đặc biệt của con người
trong CMVS. Nó không còn là những hoạt động của cá nhân riêng biệt, tự phát mà là hoạt động có

tính chất xã hội rộng rãi, lay chuyển cả một tầng lớp người, một dân tộc, để giải phóng dân tộc và
xây dựng đất nước.
Thứ ba: đặc biệt đề cao vai trò của phẩm chất chính trị - tinh thần coi như điều kiện tiên
quyết, được ưu tiên hơn so với các đặc trưng khác trong cấu thành nhân cách con người. Hồ Chí
Minh coi trọng công tác giáo dục – chính trị, tư tưởng đạo đức, để xác lập lý tưởng, niềm tin, các
nhu cầu, động cơ, qua đó nâng cao các năng lực hoạt động của con người. Theo Hồ Chí Minh, muốn
có CNXH, trước hết phải có con người XHCN, Muốn có con người XHCN phải có tư tưởng XHCN.
Con người mới khác con người cũ là ở tư tưởng [75, tr397]. Mọi hành động đúng đắn của con người
phải bắt nguồn từ sự nhận thức đúng đắn. “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới
đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình” [87, tr231].
Thứ tư: nhân tố con người là những tiêu chí về nhân cách, một kiểu mẫu con người mới với
những đặc trưng về phẩm chất, năng lực được hình thành trong hoạt động thực tiễn. Do đó, theo Hồ


Chí Minh, nhân tố con người không chỉ là chủ thể của hoạt động mà còn là khách thể của quá trình
đó, hiểu theo nghĩa là những nhu cầu xã hội đối với con người, sự cần thiết phải giáo dục - đào tạo
để hình thành nên các phẩm chất, năng lực, sự hưởng thụ các giá trị vật chất – tinh thần trong quá
trình xây dựng CNXH.
Từ đó, theo tư tưởng Hồ Chí Minh có thể đưa ra một định nghĩa: nhân cách con người là hệ
thống các thuộc tính, đặc trưng quy định vai trò chủ thể ( cá nhân, tập thể, cộng đồng) tích cực, chủ
động, sáng tạo của con người bao gồm một chỉnh thể thống nhất giữa mặt hoạt động với tổng hoà
các đặc trưng và phẩm chất, năng lực của con người mới XHCN trong quá trình cách mạng Việt
Nam.
1.2.

Nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về con người

Việc xác định nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về con người
có ý nghĩa quan trọng để hiểu bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với những tinh hoa
giá trị của dân tộc và nhân loại. Bởi vì mọi học thuyết ra đời đều kế thừa những tư tưởng trước đó và

phát sinh, phát triển trên mảnh đất hiện thực, phản ánh lợi ích của giai cấp, dân tộc và là kết quả hoạt
động nhận thức của một con người, một tập đoàn nhất định.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là sự tích hợp của nhiều nền văn hoá. Những giá trị tư
tưởng về con người của phương Đông và phương Tây được thể hiện nhuần nhuyễn trong quá trình
khai thác, sử dụng những giá trị truyền thống dân tộc. Nó phản ánh những cuộc vận động lớn của
dân tộc, những quy luật phát triển của thời đại nhằm giải phóng con người. Đó là kết quả tất yếu đối
với Hồ Chí Minh, một con người đi nhiều, hiểu rộng, tiếp xúc với nhiều nền văn minh và sử dụng
thành thạo nhiều ngôn ngữ lớn trên thế giới. Đặc biệt là cuộc đời của một vĩ nhân “anh hùng giải
phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” đã gắn kết với những sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc và nhân loại
trong thế kỷ XX.
1.2.1. Từ truyền thống con người Việt Nam


Điểm chủ yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về con người chính là phát huy những giá trị truyền
thống con người Việt Nam trong CMVS. Có nhiều quan niệm khác nhau về truyền thống, có thể
hiểu: truyền thống là tập hợp những tư tưởng tình cảm, tập quán, thói quen trong tư duy, lối sống và
ứng xử của một cộng đồng người nhất định, được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định,
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác [129, tr 11]. Truyền thống được thể hiện trong các
chế định xã hội, chuẩn mực hành vi, các giá trị tư tưởng, phong tục, tập quán và lối sống… có tác
dụng “khống chế vô hình” đến hành vi con người. Nó là sức mạnh “nội sinh” tiềm năng, là “bản
sắc” của dân tộc, của con người Việt Nam.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về truyền thống dân tộc nói chung và truyền thống con người
Việt Nam nói riêng. Có thể khái quát trên một số nội dung cơ bản về truyền thống con người Việt
Nam : tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý chí tự lực tự cường; lao động cần cù sáng tạo, nhạy
cảm với cái mới, biết đối phó linh hoạt, ứng xử mềm mỏng, biết thích nghi và hội nhập để tồn tại và
phát triển; tinh thần cộng đồng, truyền thống đoàn kết, nhân ái, lòng bao dung, độ lượng, hiếu thảo,
coi trọng tình nghĩa; tinh thần thực tế, coi trọng kinh nghiệm, tôn trọng người già; hiếu học, tôn sư
trọng đạo, có tinh thần khoan dung tôn giáo; có tài nghệ quân sự, anh hùng, mưu trí, dũng cảm,
trung thực, giản dị…Bên cạnh những giá trị tích cực, còn tồn tại những mặt hạn chế như: tính cục
bộ, địa phương, tâm lý bình quân chủ nghĩa; tác phong lề mề, luộm thuộm, qua loa đại khái; thiếu ý

thức kỷ luật, tự do tuỳ tiện; lối làm ăn nhỏ, lẻ, kém hoạch toán, thiển cận, hẹp hòi; tâm lý cầu an,
cầu may, ăn xổi; tư duy phân tích, thực nghiệm và lý luận yếu…
Những mặt tích cực và hạn chế của con người truyền thống Việt Nam có nguyên nhân từ đặc
điểm kinh tế - xã hội – văn hoá trong lịch sử. Người Việt Nam hay là cộng đồng người Việt là sự
cộng cư giữa người Việt cổ, thời đại văn hoá Hoà bình, với người Việt di cư từ phương Bắc xuống,
đó là một cộng đồng thống nhất trong sự dị biệt giữa các bộ lạc, hình thành nên dân tộc với một lịch
sử lâu dài hơn mấy nghìn năm. Nền văn minh Việt Nam là văn minh nông nghiệp, kết hợp giữa
trồng lúa nước, chăn nuôi cùng với tiểu công nghiệp và nghề chài lưới, kinh tế tiểu nông làm nền


tảng với những thiết chế cộng đồng bền vững: gia đình – làng, xã và quốc gia – dân tộc. Vì vậy,
kinh tế nông nghiệp, cư dân nông nghiệp, xã hội nông thôn là ba chỉ số quan trọng để nhận diện con
người Việt Nam. Mác viết: “tiểu nông là một khối quần chúng đông đảo mà tất cả các thành viên
đều sống trong một hoàn cảnh như nhau, nhưng lại không nằm trong mối quan hệ nhiều mặt với
nhau… đại khái cũng giống như một cái bao tải đựng những củ khoai tây” [62, tr 264]. Đây là thực
chất địa vị, tư tưởng tâm lý của giai cấp tiểu nông. Tuy nhiên, khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam còn
thấy có những đặc trưng khác. Đó là vai trò của làng, xã, gia đình trong các thiết chế xã hội. Làng,
xã Việt Nam là tâm điểm của văn minh nông nghiệp, là tổ chức cơ bản của xã hội, là môi trường
nhân văn tổng hợp các quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá, địa vị, huyết thống, giai cấp… Người Việt,
trong lịch sử có thể mất nước nhưng không mất làng. Làng xã là nơi bảo tồn các giá trị truyền thống
dân tộc, là bàn lọc văn hoá ngoại lai, là cơ sở cố kết dân tộc. Chế độ ruộng công và nền dân chủ làng
mạc với “hương ước”, “lệ làng” là những đặc trưng cơ bản của dân tộc. Nếp sống của làng, xã là nếp
sống dân tộc. Người tiểu nông là người đại diện cho tâm lý, truyền thống dân tộc. Đối với người
Việt, gia đình là một tế bào của xã hội, là một đơn vị kinh tế - xã hội hết sức quan trọng. Tình cảm
gia đình là tình cảm cao quý. Đối với người dân An nam, cái có tính truyền thống nhất và thiêng
liêng nhất chính là đạo thờ cúng tổ tiên. Người Việt coi trọng các mối quan hệ cộng đồng, gia đình,
dòng họ [129, tr 24-25]. Đây là cơ sở kinh tế - xã hội hình thành lòng nhân ái, tinh thần cộng đồng,
đoàn kết, lòng hiếu thảo… đồng thời nó cũng bộc lộ những hạn chế, tiêu cực như: tư tưởng cục bộ,
dòng họ, phe giáp, gia trưởng, dân chủ phường hội, lối làm nhỏ lẻ… trong con người Việt Nam.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử vẻ vang đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Trong lịch sử

mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước từ thời đại Hồng Bàng đến thời đại Hồ Chí Minh (2879
TCN- nay), nếu tính từ nước Âu Lạc đến nay thì có hơn 13 thế kỷ chiến tranh với 37 cuộc chiến
tranh chống xâm lược qui mô lớn và hàng trăm cuộc khởi nghĩa trong nội bộ đất nước [1]. Nó đã
hình thành nên truyền thống cực kỳ quý báu, đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý
chí quật cường, niềm tự tôn dân tộc, tài nghệ quân sự của người Việt Nam. Các dân tộc thuộc địa,


×