Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

tiểu luận cao học môn bình luận báo chí cách học tập và rèn luyện của sinh viên trường học viện báo chí và tuyên truyền

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (221.12 KB, 11 trang )

TIỂU LUẬN
MÔN: BÌNH LUẬN BÁO CHÍ

Hà Nội _ 12/2012


MỤC LỤC
1. Viết một bài bình luận theo đề tài: “Cách học tập và rèn luyện của
sinh viên trường Học viện báo chí và tuyên truyền”
2. Chọn một bài bình luận mà sinh viên cho là hay. Phân tích cái hay
và khiếm khuyết của bài bình luận đó.


1. Viết một bài bình luận theo đề tài: “Cách học tập và rèn luyện của sinh
viên trường Học viện báo chí và tuyên truyền”

Điểm danh - lợi bất cập hại
Điểm danh - hai chữ có lẽ đã quá quen thuộc đối với bất kì ai từng đặt chân
vào cánh cổng của trường đại học. Tuy nhiên chắc hẳn chẳng mấy sinh viên
thích thú với điều này bởi theo họ, việc điểm danh còn quá nhiều bất cập.
Giống như các trường đại học khác, Học viện báo chí - tuyền truyền điểm danh
nhằm giúp cho sinh viên đi học đầy đủ, chuyên cần để từ đó nắm được nhiều
kiến thức hơn. Theo quy chế của trường cũng như Bộ Giáo dục - Đào tạo thì
sinh viên nếu nghỉ quá 20% số tiết sẽ bị cấm thi và học lại. Song có phải điểm
danh lúc nào cũng thực sự tốt và cần thiết?
Điểm danh và những tồn tại
Có thể nói, nhờ vào điểm danh mà các buổi học không thưa vắng, sinh viên đến
lớp đầy đủ và đúng giờ hơn. Nhưng điều đó có phản ánh đúng thực trạng của
vấn đề, sinh viên có vì thế mà chuyên cần, học tập tốt hơn như mong muốn ban
đầu của các thầy cô giáo?


Việc điểm danh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập (ảnh minh hoạ).


Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết phần lớn sinh viên đến lớp cũng chỉ vì
điểm danh; dù cho giảng viên ở Học viện có đưa ra bao nhiêu cách (điểm danh
đầu giờ, cuối giờ, từng tiết một, gọi tên bất kỳ lên phát biểu…) thì sinh viên
không sớm thì muộn vẫn đối phó được hết. Hơn nữa, có không ít giảng viên
quá nguyên tắc, khắt khe khiến cho các tệ nạn về điểm danh trong học đường
ngày càng gia tăng.
Thầy H. dạy Nhập môn phát thanh ở một lớp báo K29 tại Học viện báo chí và
tuyên truyền trong suốt 9 buổi học chưa bao giờ quên điểm danh, mỗi hôm thầy
lại điểm danh một kiểu để hạn chế học sinh vắng mặt. Nếu như sinh viên nào
chẳng may đến muộn lúc điểm danh thì dù có bất cứ lý do gì cũng không được
chấp nhận, mà chỉ cần nghỉ quá hai buổi là không được thi. Vì vậy, tất cả sinh
viên lớp đó đều cố gắng bằng mọi cách có tên trong cuốn sổ của thầy; nào là
nhờ người điểm danh hộ, hô tên khống, nào là đến điểm danh rồi về hay bao
giờ điểm danh thì đến…
Như vậy, việc điểm danh đã không còn đúng với ý nghĩa ban đầu của nó, không
những thế, chính nhờ điểm danh mà các cô cậu học trò vốn đã “lắm chiêu” giờ
lại được tôi luyện ngày càng ma quái. Thực tế, nhiều sinh viên mặc dù rất có ý
thức, chăm học nhưng cũng gặp không ít khổ sở. Các thầy cô giáo cũng vì thế
mà mệt mỏi, đau đầu hơn, phải nghĩ ra nhiều cách “điều trị” sinh viên của
mình.
Ngày nào cũng học 5 tiết một môn đã đủ ngán ngẩm, lại còn bị điểm danh quá
ngặt rất dễ khiến cho sinh viên Học viện có tâm lý ngày càng chán học, đến lớp
không thoải mái, thậm chí là cảm thấy ức chế. Bạn Nguyễn Thuỳ Dương, lớp
Báo ảnh K31 chia sẻ: “Đi học bây giờ cứ như để đối phó, thầy cô nhiều khi
nguyên tắc quá làm cho bọn mình chán ngán, khó chịu và không muốn học nữa.
Điểm danh cũng chỉ là hình thức thôi mà”.
Cần hướng đi mới hơn

Không thể phủ nhận điểm danh giúp cho các sinh viên đại học có kỉ luật hơn
song không nên quá phụ thuộc vào nó. Thay vì phải đau đầu nghĩ ra đủ cách để
sinh viên không vắng mặt thì có lẽ giảng viên nên dành thời gian đó cho việc
soạn thảo giáo trình dạy học của mình. Bởi thực tế có nhiều môn học dù thầy cô
không điểm danh nhưng vì chất lượng thực sự của nó, sinh viên vẫn đến lớp


nhiệt tình và đầy đủ.
Có thể kể đến môn Điều tra của cô T.L.T, buổi học nào của cô cũng khá đông
đủ, sinh viên luôn giành nhau những hàng ghế đầu tiên. Thậm chí, còn có một
vài sinh viên không ở Học viện báo chí - tuyên truyền nhưng vẫn tham gia lớp
vì “nghe nói cô T dạy cho nhiều kiến thức nghề bổ ích, tính lại thoải mái” - bạn
Đặng Hoàng Lân, sinh viên trường Đại học Thăng Long chia sẻ. Còn theo
chính các sinh viên ở Học viện cho biết thì môn học này rất thú vị, không quá
nặng về lý thuyết; cô giáo không bao giờ câu nệ chuyện điểm danh mà chỉ cần
bài viết điều tra cuối kì tốt và đúng sự thật.
Không giống các trường đại học khác, cũng bởi đặc trưng của nghề nghiệp mà
sinh viên trường báo thường rất năng động và không thích bị quá gò bó. Đa số
sinh viên đều cố gắng đi viết tin bài, lấy kinh nghiệm nếu như sau này muốn
kiếm được việc làm tốt. Các sự kiện, vấn đề xảy ra thì bất chợt, không báo
trước, vì vậy để làm nghề đôi lúc sinh viên không tránh khỏi việc đến lớp
muộn. Dĩ nhiên việc học rất quan trọng nhưng nhiều khi cũng cần linh động,
thoáng hơn, tạo điều kiện để cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc, trải nghề. Bởi
thực tế âu cũng là bài học vô cùng cần thiết cho người làm báo.
Vấn đề mà chúng ta cần quan tâm hơn có lẽ là chất lượng của các buổi học, cần
học thật, làm thật thay vì việc điểm danh hào nhoáng. Các giảng viên Học viện
báo chí - tuyên truyền nên chăng không ngừng đổi mới bài giảng, gần gũi hơn
với sinh viên? Bài thi cuối kì cần sát với chương trình học tại lớp, đánh giá
được đúng thực lực của người học. Có như vậy thì sinh viên mới có ý thức tự
giác, chuyên cần đến lớp nghe giảng, đồng thời biết tự tìm tòi, học hỏi các kiến

thức nếu như muốn có một kết quả cao.
Có thể thấy, điểm danh chỉ là hình thức; muốn nâng cao chất lượng học tập
trong nhà trường cần có những hướng đi mới hơn, phải đánh được vào đúng
bản chất, cốt lõi của vấn đề.


2. Chọn một bài bình luận mà sinh viên cho là hay. Phân tích cái hay và
khiếm khuyết của bài bình luận đó.

Nghĩ từ chuyện nhà thờ họ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Việt Hưng
(10:09:00, 31/12/2012 trên Dân trí)
Cách đây không lâu, trên các trang mạng thi nhau đăng một loạt bài của Trần
Huỳnh Trí Thức và một số cây bút nặc danh dựng chuyện xuyên tạc đường lối
lãnh đạo của Đảng và dựng chuyện bôi đen một số đồng chí lãnh đạo Đảng và
Nhà nước ta qua các thời kỳ - nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
đương chức, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mới đây, những ai đã
đọc bài “Sự thật về nhà thờ của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên
Giang” vừa được đăng tải trên NB&CL, sau đó được nhiều tờ báo đăng lại
trong mấy ngày vừa qua, thì sự thật phần nào sáng tỏ.

Té ra chuyện về nhà thờ họ của gia đình Thủ tướng không như người ta đồn
thổi, không như các trang mạng dấm dúi đã viết. Nhà báo kia đã đi đến tận nơi,
mắt thấy, tai nghe, tay chụp hình ghi lại người thực, cảnh thực, việc thực. Nhà
thờ họ của gia đình ông Thủ tướng hoá ra cũng chỉ như hầu hết những nơi thờ
tự bình dị của các gia đình Việt Nam, cốt quý ở sự thanh tao, tôn kính anh linh
tiền nhân, chứ không hề to tát hay xa hoa như người ta đồn thổi.


Lại nhớ một dạo cách đây chưa lâu, có ai đó đưa lên mạng hình ảnh một lâu đài

nguy nga tráng lệ rồi chú thích đấy là biệt thự của gia đình ông Thủ tướng.
Nhiều người không khỏi sững sờ, bán tín, bán nghi. Mãi đến khi có người chỉ ra
rằng hình ảnh đó đích thị một nghìn phần nghìn là lâu đài của Thủ tướng
Paskitan, Benazir Bhutto, thì mọi người mới vỡ lẽ “hoá ra là như vậy”, ông Thủ
tướng đã bị người ta gán ghép trắng trợn.
Còn nữa, vừa qua trong một hội nghị có một vị cao niên đã nói liều: Thủ tướng
khi còn làm bí thư huyện uỷ Phú Quốc đã để xảy ra những vụ buôn lậu ở
huyện, mà tỉnh không xử lý. Tôi tìm hiểu mới biết sự thật thì ông Thủ tướng
không có làm bí thư Phú Quốc. Thời đó ông làm bí thư huyện uỷ Hà Tiên và
trong huyện không xảy ra vụ buôn lậu nào. Vị cao niên này cũng nói vài việc
nữa nhưng sự thật thì… chẳng có tí sự thật nào cả, hay đúng hơn đó là “sự thật”
giống như lâu đài của bà Bhutto nói ở trên mà thôi.

Nhà thờ họ bình dị của gia đình Thủ tướng (Ảnh: Nhà báo & Công luận).

Tôi là một trong số nhiều người chưa hài lòng với những gì mà ông Thủ tướng
đã làm được ở cương vị lãnh đạo Chính phủ. Đất nước vẫn còn nhiều khó khăn,
ổn định kinh tế chưa bền vững; nợ xấu chưa giải quyết được; hàng tồn kho còn
nhiều, nhất là nhà đất; nạn tham nhũng vẫn còn gây nhức nhối lòng người…
Những người ngay thẳng có thể và có quyền phê bình, góp ý ông, nhưng chẳng
ai vì thế mà lại đi bịa đặt trắng trợn để bôi đen uy tín của ông. Những người
đàng hoàng đã thẳng thắn chất vấn ông trước Quốc hội, trước thanh thiên bạch
nhật để cả bàn dân, thiên hạ cùng quan tâm theo dõi. Còn ông thì đã chân thành


nhận trách nhiệm, nhận hết yếu kém về mình và trình bày rõ ràng, thuyết phục
về kế hoạch lãnh đạo Chính phủ đưa đất nước vượt qua thử thách khó khăn.
Ông đã nói lên sự thật với tất cả lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm trước
Đảng, trước dân và rồi ông, từng bước làm như đã hứa, làm thật. Tôi rất tâm
đắc điều mà Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nói đại ý đó

chính là điều ta trân trọng một nhân cách, tôn trọng ông.
Trở lại với bài của nhà báo Ngọc Niên nói ở trên, đọc xong tôi bỗng không khỏi
nhói lên cảm giác lo âu. Tôi không ngạc nhiên vì sao ông Thủ tướng có người
chỉ trích. Thủ tướng ở quốc gia nào chả bị xăm soi, chả bị người ta xét nét về
năng lực, về gia đình và tư cách. Chính khách thường phải đối diện với thực tế
nghiệt ngã ấy. Nhưng tôi quá ngỡ ngàng là vì sao những chuyện bịa đặt trắng
trợn về ông như vậy cứ lan truyền râm ran cho đến trước khi bài báo kia ra đời,
chẳng ai chịu đi tìm sự thật. Hàng mấy trăm tờ báo chân chính, hàng ngàn Nhà
báo chính danh của đất nước tốt đẹp này ở đâu, sao lại im lặng để cho nhân dân
hoang mang, không biết đâu thực, đâu giả mà lần. Gơ ben, một trong những
trùm phát xít đã ra ma từ lâu, nhưng cái thủ đoạn chiến tranh tâm lý: “Sự thật là
điều dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần”, có vẻ như vẫn còn nguyên sự độc hại,
như những loạt súng hoa cải chết người nấp trong bóng tối nã đạn tâm lý vào
cuộc sống.
Tôi bỗng ớn da gà, ông Thủ tướng mà còn bị người ta nửa tin nửa ngờ, thậm chí
chẳng ai lên tiếng nói lên sự thật bảo vệ ông trước những điều bịa đặt như thế,
thì cái thiệt của cá nhân ông thật sự chưa đáng lo bằng cái thiệt của chính thể
khi nguy cơ văn hoá bôi nhọ, văn hoá “gắp lửa bỏ bàn tay người khác” sẽ trở
thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nếu bạn bị vu oan, bôi đen, tâm hồn bạn
và người thân của bạn sẽ thế nào?
Có một nhà văn nước ngoài nào đó đã cảnh báo chúng ta rằng: Loài người hãy
cảnh giác đối với thói vô cảm, thờ ơ trước cái xấu, cái ác. Gieo rắc những thông
tin mù mờ, sai sự thật để thoả mãn những mục đích thấp hèn chính là cái xấu,
cái ác, không thể nhân nhượng. Cái ác hôm nay đánh vào được một người, nó
sẽ đánh vào được một tập thể, nếu không được ngăn chặn kịp thời, ngày mai nó
sẽ làm cho cả xã hội hoang mang, mất lòng tin, rồi trở nên bấn loạn, rối ren. Và
sự đổ vỡ bắt đầu từ đó.


Nhận xét:

- Nhan đề của bài bình luận: “Nghĩ từ chuyện nhà thờ họ của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng” cho thấy đây là bài bình luận về sự kiện. Tác giả bài báo
đã đưa ra những ý kiến bình luận thông qua việc đồn thổi về nhà thờ họ của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thời gian gần đây trên nhiều bài báo.
Tuy tít bài viết gồm 12 chữ khá dài nhưng lại phù hợp, bởi đã nêu rõ được vấn
đề cần bình luận cũng như nguyên nhân có bài viết này. Từ chuyện bàn luận
không hay của nhiều người về nhà thờ họ của Thủ tướng, tác giả đã nêu ra
những ý kiến bình luận của riêng mình. Nhờ vậy, bài viết hấp dẫn hơn, thu hút
được nhiều quan tâm của độc giả, đặc biệt là những người thường quan tâm đến
Đảng, Nhà nước, đến Thủ tướng và thực hư của vấn đề này.
- Bài báo được viết dưới hình thức quen thuộc của bình luận, thể hiện khá hiệu
quả dụng ý của tác giả. Đó là nêu lên vấn đề, thực trạng (nhiều trang mạng viết
về nhà thờ họ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự thật về nó), rồi đưa ra một
vài luận chứng về thực tế, nêu ra một số ý kiến, sau đó đánh giá.
- Như vấn đề được đặt ra ngay ở tít, nội dung chính của bài báo chủ yếu xoay
quanh chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều về nhà thờ họ của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng. Ngay từ sapô của bài, tác giả đã dẫn ngay lý do viết bài: đó là trên
các trang mạng đăng một loạt các bài của Trần Huỳnh Trí Thức và một số cây
bút nặc danh dựng chuyện xuyên tạc đường lối của Đảng cũng như một số cán
bộ Đảng - Nhà nước, nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; bên cạnh đó, lại có
bài “Sự thật về nhà thờ của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên
Giang” trên Nhà báo và Công luận.
Bài bình luận này đã nêu rõ được quan điểm cũng như luận điểm chính của tác
giả, đó là sự thật về nhà thờ họ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không như
các trang mạng, mọi người bấy lâu nay đồn thổi, mà thực chất nhà thờ họ của
Thủ tướng chỉ bình dị như các nhà thờ họ của các gia đình khác ở Việt Nam. Từ
đó, tác giả bắt đầu bình luận và đưa ra những ý kiến đánh giá của riêng mình.
- Nhờ có một luận điểm chính hết sức rõ ràng, vì vậy các luận cứ, luận chứng
trong bài đều được thống nhất, phục vụ cần thiết cho luận điểm. Bài viết rất



mạch lạc, ban đầu tác giả nhắc lại câu chuyện không có thật của trước kia về
biệt thự Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thực ra những gì đồn thổi, hình ảnh
được mọi người đưa lên mạng về ngôi biêt thự này thực chất không phải của
Thủ tướng, mà là lâu đài của Thủ tướng Paskitan, Benazir Bhutto. Rồi tác giả
lại dẫn về việc không đúng khi nói Thủ tướng hồi trước có buôn lậu… Chính
nhờ những dẫn chứng này mà bài báo tăng thêm sức thuyết phục, cho độc giả
thấy được tất cả những bình luận trước đây và kể cả vấn đề nhà thờ họ của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng bây giờ đều không có cơ sở, đều được những người
có ý đồ không tốt, muốn phá hoại Đảng - Nhà nước cũng như những cán bộ cấp
cao của đất nước ta dựng chuyện lên.
Sau đó, để tăng tính khách quan cho bài viết của mình, tác giả đưa thêm ý kiến
của một vị cao niên và nhà Sử học Dương Trung Quốc. Không chỉ có thế, bài
bình luận còn có thêm tính chính xác, đúng đắn khi nhà báo đã thể hiện được
tầm hiểu biết của mình. Nhà báo đã cho thấy tất cả những gì mình viết trong bài
không phải là tự nghĩ ra, không có cơ sở mà là kết quả của quá trình tìm hiểu,
điều tra thông tin (tác giả đã đi đến huyện đảo Phú Quốc - nơi Thủ tướng bị cho
là đã buôn lậu…).
- Bài bình luận càng thuyết phục và hấp dẫn độc giả hơn khi người viết liên tục
đưa ra những lý lẽ hết sức hợp lý của mình. Tác giả đã cho thấy không phải
mình bao che, ca ngợi những việc làm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà
mình viết rất công bằng, đúng sự thật. Không phải là người thân, yêu mến, luôn
ủng hộ Thủ tướng mà ngay chính người viết nhiều việc cũng cảm thấy không
hài lòng với ông khi ở cương vị lãnh đạo, rồi từ đó nêu lên những mặt tốt của
Thủ tướng (biết nhận trách nhiệm và luôn cố gắng đưa đất nước vươn lên, phát
triển).
- Càng về cuối bài báo, tác giả càng bình nhiều hơn. Tác giả cho rằng, các
thông tin sai lệch về Thủ tướng ngày càng nhiều và lan tràn trên mạng với tốc
độ nhanh nhưng chẳng ai quan tâm, hay đi tìm công lý cả, chỉ đến khi bài báo
“Sự thật về nhà thờ của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang”

ra đời thì mọi chuyện mới được vỡ lẽ.
- Điểm hay thực sự của bài bình luận này là ở chỗ: cả bài không có bất kỳ câu
hỏi nào, tác giả làm gì, viết gì cũng rất rõ ràng, rành mạch, không bao giờ bắt


độc giả phải tự đi tìm câu trả lời; mà chính người viết đã dùng những lý lẽ, luận
chứng của mình, đánh giá trực tiếp, không vòng vo và rất logic để chứng minh
cho luận điểm chính của bài viết, thuyết phục người đọc, đưa cho họ những
thông tin cần thiết và bổ ích. Điều này rất phù hợp khi viết ở thể loại bình luận.
Ngoài ra, thông qua sự việc về nhà thờ họ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
tác giả đã bàn về cái cao hơn, hướng mọi người đến mục đích chính của bài
viết. Đó là văn hoá bôi nhọ, văn hoá “gắp lửa bỏ bàn tay người khác” sẽ trở
thành “chuyện thường ngày ở huyện” và nếu như ai đó bị vu oan, bôi đen, tâm
hồn họ và người thân sẽ ra sao? Đến kết bài, tác giả cũng vẫn bàn luận, đưa ra
lời kêu gọi mọi người không nên vô cảm, thờ ơ trước cái xấu bởi những tác hại
khôn lường của nó.
- Nhìn chung đây là một bài bình luận hay, hợp lý, tác giả đã biết cách viết,
bình luận thu hút cũng như thuyết phục được độc giả tin vào luận điểm chính
của bài từ một sự kiện. Cả bài báo cho thấy được rõ nét cái tôi lý lẽ của tác giả đặc trưng cơ bản của thể loại bình luận báo chí.
- Tuy nhiên nếu như bài viết có thêm tít xen, để từ đó thể hiện luận cứ, luận
chứng một cách rõ ràng thì sẽ tăng tính thuyết phục hơn nữa.



×