ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ TRANG
TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH HỒ QUÝ LY VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
CỦA NÓ
LUẬN VĂN THẠC SỸ
Hà Nội – 2015
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ TRANG
TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH HỒ QUÝ LY VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
CỦA NÓ
LUẬN VĂN THẠC SỸ
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 03 01
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Bình Yên
Hà Nội – 2015
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh giành, giữ, xây dựng và bảo vệ độc
lập dân tộc. Tư tưởng chủ đạo của dân tộc Việt Nam là tư tưởng yêu nước. Sự
hình thành và phát triển của tư tưởng yêu nước Việt Nam đi đôi với sự hình thành
và phát triển của quốc gia dân tộc. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, dân tộc
Việt Nam đã chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ là tình
cảm đơn thuần đối với non sông, đất nước mà còn là hệ thống tiêu chuẩn để nhận
định đúng - sai, tốt - xấu; là kim chỉ nam cho hành động của mọi thành viên, gia
đình, dòng tộc và dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử. Lòng yêu nước của dân tộc
Việt Nam bao giờ cũng gắn với hành động vì đất nước, vì sự phát triển và phồn
vinh của dân tộc; không chỉ thể hiện trong các cuộc chống quân xâm lược, mà còn
thể hiện trong lao động sản xuất xây dựng quê hương; trong việc tìm ra những
phương hướng, những bước đi mới làm cho đất nước phát triển mà đỉnh cao là
những tư tưởng, hành động canh tân, cải cách.
Tư tưởng canh tân, cải cách tìm đường phát triển đất nước có một vị trí hết
sức đặc biệt và đó cũng là một biểu hiện đặc biệt của tinh thần yêu nước Việt
Nam. Trên đường phát triển của dân tộc, mỗi thời kỳ lịch sử đều có những tư
tưởng, những cuộc cải cách do Nhà nước chủ trương hoặc cá nhân đề xướng như
cải cách của Khúc Hạo ở thế kỷ thứ X, của Hồ Quý Ly cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ
XV, của Lê Thánh Tông vào nửa cuối thế kỷ XV, của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn
Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ… cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đặc biệt là công cuộc
đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo diễn ra từ những
năm 80 của thế kỷ XX cho đến nay đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện
chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Trong số những tư tưởng cải cách trước đây, tư
tưởng cải cách của Hồ Quý Ly có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam thời kỳ
trung đại, mở đầu cho bước phát triển mới của Nhà nước trung ương tập quyền và
sau đó được hoàn thiện dưới triều Lê Thánh Tông.
Tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ
XV, đúng vào lúc lịch sử nước ta đứng trước ba đòi hỏi lớn: Một là phải loại bỏ
vai trò của quý tộc Trần đã suy thoái trên vũ đài chính trị và tư tưởng; hai là, mở
đường cho đất nước tiến lên theo một hướng mới hơn, tiến bộ hơn; ba là, xây dựng
lực lượng chống lại âm mưu xâm lược của nhà Minh.
Tư tưởng và công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly đã tấn công mạnh mẽ vào
toàn bộ cở sở chính trị, kinh tế, xã hội đang trong khủng hoảng của nhà Trần.
Song, chừng ấy là chưa đủ đáp ứng yêu cầu của lịch sử, cải cách thất bại. Nguyên
nhân là ở chỗ: Tư tưởng, cách thức tiến hành cải cách của Hồ Quý Ly có những
điểm chưa hợp lý; công cuộc cải cách mới diễn ra trong một khoảng thời gian
ngắn thì đất nước phải chịu cuộc chiến tranh xâm lược do nhà Minh phát động nên
chưa có được những thành tựu cần thiết minh chứng cho sự tiến bộ của mình;
những hạn chế của cải cách là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc triều Hồ
đã không thể tập hợp, huy động được sức mạnh, trí tuệ của toàn dân vào sự nghiệp
chống giặc Minh xâm lược.
Mặc dù tư tưởng cải cách của ông có những hạn chế, sai lầm, công cuộc cải
cách do ông lãnh đạo không thành công nhưng chúng có vai trò đặc biệt, mở đầu
cho một giai đoạn mới trong đó dân tộc ta không ngừng tìm tòi đổi mới để phát
triển. Nhiều tư tưởng cải cách do Hồ Quý Ly nêu ra nhưng chưa được thực hiện
trong thời đại của mình thì đã được nhà Lê sơ cơ bản hoàn thành trong thời gian
sau đó không lâu. Những bài học lịch sử quý báu đúc kết từ chính sự thành bại
trong cải cách của Hồ Quý Ly ít nhiều còn giúp cho các thế hệ người Việt Nam
hiện nay có thêm những điều kiện để nhận thức, đẩy nhanh công cuộc đổi mới đất
nước đồng thời tránh được những vấp váp, sai lầm mà tiền nhân mắc phải. Do vậy,
việc quay lại nghiên cứu tư tưởng Hồ Quý Ly có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu
sắc, không chỉ nâng cao hiểu biết về tư tưởng cải cách Hồ Quý Ly cùng như lịch
sử tư tưởng Việt Nam mà còn góp phần nâng cao nhận thức về đường lối đổi mới
đất nước của Đảng ta hiện nay, gợi mở cho chúng ta con đường phát triển để đưa
đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Từ những lý do đó, tôi chọn đề
tài “Tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly và ý nghĩa lịch sử của nó” làm đề tài
luận văn thạc sĩ triết học của mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly cùng thân thế, sự nghiệp của ông đã và
đang là đề tài được nhiều người quan tâm nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau;
vấn đề này được chú trọng hơn trong quá trình đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo
của Đảng ta. Tính từ năm 1945 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về đề
tài này, tiêu biểu là những công trình sau đây:
“Chính trị Hồ Quý Ly” của Chu Thiên, NXB Đại La, Hà Nội, 1945. Điểm
nổi bật của công trình này là sau khi phân tích tư tưởng và hoạt động chính trị của
Hồ Quý Ly, Chu Thiên đã đi đến kết luận rằng công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly
là không hiệu quả, không có ảnh hưởng trực tiếp và lớn lao gì trong quần chúng;
Hồ Quý Ly là nhà cải cách chính trị không tròn phận sự.
Trong chuyên khảo “Hồ Quý Ly – Mạc Đăng Dung” của Lê Văn Hòe, do
Quốc học thư xã Hà Nội xuất bản vào năm 1952, đã khảo cứu những nguyên nhân
đi đến thất bại của Hồ Quý Ly trong cải cách và trong kháng chiến chống quân
xâm lược Minh. Tác giả nhận định: “Hồ Quý Ly là một nhà chính trị quá ư cấp
tiến, nên hóa vô chính trị. Thật vậy, bắt dân phải nộp vàng, bạc thật vào kho nhà
vua, phát hành giấy bạc buộc dân tiêu, buộc dân khai tên vào sổ hộ tịch, buộc dân
nêu tên họ và diện tích từng thửa ruộng, những việc đó đều là những việc mới mẻ,
văn minh thật đấy, nhưng xét theo tình trạng nước nhà thời bấy giờ thì những việc
đó sao khỏi quá trớn, không sát với tình trạng xã hội” [12, tr.135].
Trong cuốn “Việt Nam sử lược”, Quyển 1, Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn,
1971, ở chương XI: Nhà Hồ, tác giả Trần Trọng Kim cho rằng: “Công việc của Hồ
Quý Ly làm thì không phải một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có
tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp cho nhà Trần cho có thủy có chung thì dẫu
giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ cướp được nước Nam,
mà mình lại được tiếng thơm đề lại nghìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến
hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền cướp nước. Bởi thế làm sự
thoán đoạt và nhà Minh mới có cớ sang đánh lấy nước An Nam, cái tội làm mất
nước ai gánh vác cho Quý Ly” [14, tr.197].
Nhìn chung, các công trình trên do hạn chế lịch sử và lập trường giai cấp
nên cách nhìn nhận, đánh giá Hồ Quý Ly còn phiến diện, không thấy được hoặc
không đánh giá được một cách đầy đủ giá trị tư tưởng cải cách cũng như vai trò
tích cực của ông đối với đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Khác với các công trình đã nêu trên, tác giả Quốc Ấn (1974) trong cuốn
“Hồ Quý Ly, nhân vật lỗi lạc nhất thời đại từ Đông sang Tây, tác giả xuất bản, in
tại Tân Sanh ấn quán, Sài Gòn đã có cách tiếp cận khác: Tác giả đánh giá rất cao
những tư tưởng và nội dung cải cách của Hồ Quý Ly; xem ông là một nhà chính trị
có tư tưởng cải cách tiến bộ, táo bạo; đặc biệt tác giả đánh giá Hồ Quý Ly là nhân
vật lỗi lạc nhất thời đại.
Sang thập niên 90 của thế kỷ XX xuất hiện thêm một số sách chuyên khảo
về Hồ Quý Ly như: “Cải cách Hồ Quý Ly” của Phan Đăng Thanh, Trương Thị
Hoà (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996). Các tác giả đã chỉ ra vị trí nổi bật
của nhà Hồ trong dòng lịch sử văn học Việt Nam “Nhà Hồ chỉ tồn tại được có hơn
7 năm nhưng đã tích tụ và hình thành được bao nhiêu kinh nghiệm trị nước trọng
đại, cải cách Hồ Quý Ly đã mở ra một bước phát triển mới trong lịch sử chính trị
Việt Nam, có thề đó là tiền đề của công cuộc kháng chiến và cải cách thành công
của Bình Định vương Lê Lợi và nhà Lê cuối thế kỷ XV” [35, tr.214].
“Hồ Quý Ly” của Nguyễn Danh Phiệt (1997) (Viện sử học và Nxb. Văn
hoá Thông tin, Hà Nội) đã đánh giá rằng, bên cạnh những mặt hạn chế của con
người Hồ Quý Ly, thì ông là “một nhân vật lịch sử có tầm cỡ”, “một nhân cách
đặc biệt”, “một gương mặt cải cách lớn” song cũng là một chiếc “âu vàng bị
khuyết mẻ”.
Các công trình nêu trên đã đề cao nội dung tư tưởng cải cách của Hồ
Quý Ly, khẳng định mặt tích cực, tiến bộ trong những cải cách đồng thời cũng nêu
lên những hạn chế của nó. Đáng chú là: Mối quan hệ giữa công cuộc cải cách
nhằm giải quyết những yêu cầu phát triển của xã hội và cuộc kháng chiến chống
quân Minh xâm lược, bảo vệ đất nước được các tác giả quan tâm nhiều hơn. Với
tinh thần khách quan, khoa học, các tác giả trên đã cho rằng, không thể đơn thuần
quy nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống quân Minh do Hồ Quý Ly
lãnh đạo vào những sai lầm trong cải cách của ông để rồi từ đó phủ nhận mặt tích
cực, tiến bộ của cải cách.
Bên cạnh những sách chuyên khảo, những bài viết vừa kể trên, trong các
bộ giáo khoa, giáo trình lịch sử đã có những chương bàn về vấn đề Hồ Quý Ly:
Năm 1976, cuốn “Lịch sử Việt Nam” quyển 1, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, của
Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Đức Nghinh [30, tr.337] đã có một chương nói về
chính sách cải cách, hạn điền, hạn nô của Hồ Quý Ly. Các cuốn: “Lịch sử Việt
Nam” của Đào Duy Anh (1958), (NXB Văn Hoá, Hà Nội), [1]; các giáo trình về
lịch sử Việt Nam thời phong kiến được viết bởi các nhà sử học như: Phan Huy Lê
và Phan Đại Doãn (1997) với cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn”, (Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội); Trương Hữu Quýnh (1982) với cuốn “Chế độ sở hữu ruộng đất ở
Việt Nam thế kỷ XI – XVIII”, tập 1, (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội); Hà Văn Tấn
và Trần Quốc Vượng (1968) với “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, tập 1
(Nxb. Giáo dục, Hà Nội); Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn (1993) với cuốn
“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1858”, tập 1 (Trường Đại học sư phạm thành
phố Hồ Chí Minh), trong chương III có đánh giá về Hồ Quý Ly và công cuộc cải
cách của ông: “Hồ Quý Ly là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử, với nhiều tài trí
và có khả năng làm những việc táo bạo. Một số chính sách cải cách cũng như thái
độ chống giặc đến cùng chứng tỏ Hồ Quý Ly có tinh thần thực tiễn và có ý thức
dân tộc. Tuy nhiên, trước sau Quý Ly vẫn là người của tầng lớp quý tộc và đã thực
hiện những chính sách mà mục tiêu của chúng trước hết vì quyền lợi của tầng lớp
này. Do đó nếu như một số chủ trương cải cách về văn hóa, giáo dục của Hồ Quý
Ly có những yếu tố tích cực, thì một số chính sách kinh tế lại chủ yếu quyết định
quyền lợi kinh tế của một tầng lớp này hay tầng lớp khác… Quý Ly chưa đáp ứng
được yêu cầu xã hội lúc bấy giờ. Dẫu có nhiều mưu trí và mạnh bạo trong cải
cách, kiên quyết chống giặc ngoại xâm, Hồ Quý Ly vẫn bị cô lập trước nhân dân,
cuối cùng thất bại thảm hại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh” [25,
tr.152].
Hồ Quý Ly và tư tưởng cải cách của ông cũng đã được một số học giả
nước ngoài quan tâm nghiên cứu: John K.Whitmore (1985) với “Viet Nam, Ho
Quy Ly and the Ming (1371–1421)”, (Yale Southeast Asia Studies) đã đề cập đến
tư tưởng cải cách của ông. Nhà sử học Nga A, B. Pôliacốp với “Sự phục hưng của
nước Đại Việt thế kỷ X đến thế kỷ XIV”, đã nhận xét rằng: “Mặc dù về nguyên
tắc, sự phát triển của tư hữu ruộng đất mà Hồ Quý Ly đã chống lại là một biểu
hiện tiến bộ, kích thích các quan hệ hàng hóa, tiền tệ mở rộng, nhưng ở giai đoạn
đầu điều đó có thể dẫn đến tình trạng cát cứ phong kiến trên lãnh thổ quốc gia nhỏ
bé này. Trong điều kiện phải tồn tại bên cạnh một đế quốc hùng mạnh ở phía Bắc
và các quốc gia láng giềng hiếu chiến (Chămpa, Ăngkor…), tình trạnh cát cứ
phong kiến có thể là nguyên nhân đưa đất nước này vào ách nô dịch mới, trong
một thời gian dài” [3, tr.279]. Tuy cách tiếp cận khác nhau, nhưng cả 3 tác giả trên
đều muốn vạch ra mối quan hệ giữa cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối triều
Trần với những cố gắng giải quyết bằng những biện pháp cải cách của Hồ Quý Ly
và khuynh hướng phát triển của triều Lê sau đó.
Tóm lại, về Hồ Quý Ly và tư tưởng cải cách của ông đã và đang được nhiều
nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, song chủ yếu là bình diện sử học, luật học,
văn học, chính trị học; chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào được thực
hiện dưới góc độ triết học. Các công trình trên đã đưa lại không chỉ nhiều tri thức
quý báu mà còn cả phương pháp tiếp cận về Hồ Quý Ly đồng thời tiếp tục gợi mở
những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới về vấn đề phức tạp này. Do vậy, có thể khẳng
định rằng, việc nghiên cứu để làm rõ thêm về tư tưởng và hoạt động cải cách của
Hồ Quý Ly để từ đó rút ra những giá trị lịch sử, những bài học kinh nghiệm cần
thiết cho ngày nay trên bình diện triết học vẫn là nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa lý
luận và thực tiễn sâu sắc.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
3.1. Mục tiêu
Làm rõ những nội dung tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly; xác định những
giá trị, ý nghĩa lịch sử, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm có thể tham khảo
trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thứ nhất, làm rõ những điều kiện kinh tế - xã hội, tiền đề tư tưởng của tư
tưởng cải cách Hồ Quý Ly.
Thứ hai, làm rõ nội dung tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly.
Thứ ba, đánh giá ý nghĩa lịch sử của cải cách Hồ Quý Ly và rút ra những
bài học kinh nghiệm cần thiết.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly
trong khoảng từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, khi mà xã hội lúc bấy giờ Nhà
Trần lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng một cách sâu
sắc.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trên bình diện triết học, luận văn tập trung nghiên cứu tư tưởng cải cách
của Hồ Quý Ly trong 30 năm tham chính của ông, bắt đầu từ năm 1370 -1400.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam về nghiên
cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa đồng thời kế thừa những kết quả đã đạt được của
các công trình nghiên cứu đã công bố có liên quan đến đề tài này.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; vận dụng tổng hợp các nguyên tắc thống nhất
giữa lý luận và thực tiễn, khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể…
Luận văn sử dụng kết hợp các phương pháp nhận thức như: lịch sử và
logic, phân tích và tổng hợp; phương pháp so sánh…