Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

.ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI ĐẾN MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA LỖ TẤN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (166.68 KB, 12 trang )

ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI ĐẾN
MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA LỖ TẤN
TRẦN LÊ HOA TRANH
Lỗ Tấn là một dịch giả tiên phong trong việc dịch văn học nước ngoài ra
tiếng Trung Quốc. Khi còn là sinh viên ở Nhật trong thập niên đầu tiên của thế kỷ
XX, ông đã dịch nhiều truyện từ Nga và các nước Đông Au từ tiếng Nhật và tiếng
Đức, in hai tập truyện dịch, và rõ ràng nó có ảnh hưởng đến cách ông viết truyện.
Ông viết:
“Tôi bắt đầu viết truyện ngắn không phải vì tôi cảm thấy mình có tài như là môt
nhà viết truyện ngắn. Đơn giản chỉ là khi sống trong một hội quán ở Bắc Kinh và
chẳng có cuốn sách nào để đọc hay dịch, tôi viết một điều gì đó đại khái như là
nhân vật tiểu thuyết. Đó là Nhật ký người điên. Tôi dựa trên nhiều cuốn sách nước
ngoài tôi đã đọc và kiến thức về y khoa. Ngoài ra tôi không có một tài liệu nào
hết.”(1)
Lỗ Tấn là nhà văn Trung Hoa của giai đoạn ông gần gũi nhất với các trào lưu tư
tưởng phương Tây hiện đại, đặc biệt là những lĩnh vực mà ông nghĩ rằng nó có thể
giải quyết những vấn đề xã hội.
Điều đầu tiên mà chúng tôi muốn khẳng định, đó là Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng nhiều
nhất ở các nhà văn Nga. Có thể thấy văn học Nga, văn học của các dân tộc bị áp
bức vùng Đông Âu và Balcan là một nhân tố quan trọng trong sáng tác của ông (và
về tư tưởng còn hướng ông đến chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn sau). Ông viết: “Văn
học Nga là người dẫn đường và là người bạn của tôi. Từ văn học Nga, tôi có thể
thấy ngọn lửa nhân đạo của những người bị áp bức… và cuộc đấu tranh của họ.
Đọc văn học Nga có thể tôi sẽ buồn, nhưng nhen nhóm tia hy vọng…” (2). Nước
Nga lại rất gần Trung Quốc về mặt địa lý, lúc này lãnh thổ của Nga đã lan ra đến
tận Trung Á, có đường biên giới gần Trung Quốc và Nhật Bản. Nền chính trị-xã
hội của Nga cũng khá giống Trung Quốc: cùng trải qua thời phong kiến, cùng có
những biến động, thăng trầm, va đập văn hóa Đông- Tây. Một lý do quan trọng
nữa là vào khoảng giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, văn học hiện thực Nga phát
triển rất sớm, có những tên tuổi ảnh hưởng đến cả phương Tây: Pushkin,
Lermontov, Dostoievsky, L.Tolstol, Tsekhov, Andreyev…


Về mặt lý luận, Lỗ Tấn rất khâm phục Plekhanov, ông gọi Plekhanov là “người
Nga Marxist tiên phong, người thầy đánh thức giai cấp vô sản”. Rất tiếc là vì lòng
yêu nước và ý muốn đánh bại người Đức trong Chiến tranh thế giới I, nên ông đã


thỏa hiệp với giai cấp tư sản và phong kiến Nga, trở thành lãnh tụ của Menshevik.
Từ đó, ảnh hưởng của ông giảm dần. Dù sao, Lỗ Tấn cũng đánh giá đóng góp của
ông ở việc đặt nền tảng cho lý luận Marxist về nghệ thuật.
Lỗ Tấn cũng khâm phục Lunacharsky ở thái độ chống đối truyền thống và phong
cách trưởng giả. Về nghề nghiệp, ông khâm phục sự say mê văn chương, nhiệt tình
dồi dào, tư tưởng thẳng thắn, kiến thức uyên bác… Lunacharsky tự nhận mình là
“nhà thơ của cách mạng”, “ người trí thức Bolshevik”, Lỗ Tấn thì chưa bao giờ gia
nhập Đảng Cộng sản, trong khi Lunacharsky là lãnh đạo cục quân nhu giáo dục và
nghệ thuật dưới chính quyền Xô viết từ năm 1917-1929, đóng vai trò quan trọng
trong việc định hướng giáo dục và nghệ thuật Xô viết. Lỗ Tấn thì chưa bao giờ
phục vụ cho chế độ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (vì ông mất trước đó), nhưng cả
hai đều có những điểm giống nhau: tôn trọng cá nhân và sáng tạo, cổ vũ giáo dục,
nghệ thuật, nhiệt tình với chủ nghĩa nhân đạo, đều có ý muốn thay đổi xã hội, cổ
vũ văn học vô sản…Lỗ Tấn cũng có dịch một tác phẩm của Lunacharsky.
Hướng nghiên cứu của chúng tôi trong bài viết này là tìm những dẫn chứng cụ thể
(case studies) mà Lỗ Tấn đã chịu ảnh hưởng của các nhà văn Nga và các nhà văn
khác trong một số truyện ngắn của ông.
1. Trường hợp tác phẩm Trường minh đăng (Đèn sáng mãi)
Theo nhà nghiên cứu Vương Nhuận Hoa, thủ pháp thể hiện và kết cấu nghệ thuật
của Đèn sáng mãi chịu ảnh hưởng bút pháp chủ nghĩa tượng trưng do tác giả người
Nhật Trù Xuyên Bạch Thôn trong tác phẩm Biểu tượng buồn khổ và Trong tháp
ngà mà Lỗ Tấn đã dịch trong cùng năm đó. Ngoài ra ông còn ảnh hưởng bút pháp
tượng trưng của nhà văn Nga Andreyev. Tựu trung đặc điểm của hai nhà văn này
là sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa hiện thực. Lỗ Tấn
đã từng nhận định phong cách của Andreyev: “Sáng tác của An đặc thái phu (tức

Andreyev), bao hàm tính hiện thực nghiêm túc và sự sâu sắc tinh tế làm cho chủ
nghĩa ấn tượng tượng trưng và chủ nghĩa tả thực hài hòa với nhau. Trong các tác
giả Nga, không ai có thể xóa nhòa được sự khác biệt giữa thê giới bên trong và sự
biểu hiện bên ngoài mà vẫn làm hiện ra những hoàn cảnh khổ nhục như ông. Tác
phẩm của ông mang hơi thở tượng trưng mà vẫn không mất đi tính hiện thực.”(3)
Ngoài Vương Nhuận Hoa, chúng ta còn thấy một loạt các nhà nghiên cứu cũng
đồng ý với ý kiến này. Có thể kể Nghiêm Gia Đàm trong bài Địa vị lịch sử của
truyện Lỗ Tấn (Văn tập kỷ niệm 100 năm sinh Lỗ Tấn của Đại học Bắc Kinh), Ôn
Nho Mẫn: Trù Xuyên Bạch Thôn và tư tưởng mỹ học thời kỳ đầu của Lỗ Tấn…
(Muốn xem thêm về phần này, xin đọc bài Từ Khẩu hiệu đến tượng trưng: Thảo
luận mới về Trường minh đăng của Lỗ Tấn- Vương Nhuận Hoa- Đại học Quốc gia
Singapore)


Nhân vật người điên và Đèn sáng mãi không chỉ chịu ảnh hưởng bút pháp tượng
trưng của Trù Xuyên Bạch Thôn và Andreyev mà còn ảnh hưởng truyện ngắnHoa
đỏ của người điên của một nhà văn Nga khác là Garshine (1855-1888). Đó là
truyện ngắn viết về một người điên vào một bệnh viện tâm thần (được xem là một
phần tự truyện của Garshine, nhà văn này có một thời gian bị bệnh tâm thần phải
vào bệnh viện- Xem chú thích về các tác giả Nga mà Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng).
Người điên trong truyện ngắn cho rằng những bông hoa anh túc màu đỏ trong bệnh
viện là nguồn gốc của mọi tội ác trên đời. Vì thế ban đêm, dù sức khỏe rất yếu, anh
ta vẫn lẻn ra ngoài hái bông hoa đó, kiệt sức mà chết, trong tay vẫn còn cầm hoa.
Gương mặt mỉm môt nụ cười mãn nguyện.
Học giả các nước khi nhắc đến người điên có âm mưu thổi tắt ngọn đèn thần
trong Đèn sáng mãi đều đem truyện người điên hái hoa của Garshine ra so sánh.
(Xem: Lỗ Tấn và ảnh hưởng của văn học Nga- Douwe Fokkema, Kỹ thuật hư cấu
của Lỗ Tấn- Patrick Hanna…). Bản thân Lỗ Tấn cũng rất thích Garshine, ông từng
dịch Bốn ngày và Một truyện truyền kỳ rất ngắn của Garshine. Ông nhận xét
Garshine là: “ dưới sự áp bức của chính phủ Nga hoàng Á Lịch Sơn Đệ tam

(Alechxandre III), đây là tiểu thuyết gia đầu tiên dám kêu la, lấy thân mình gánh
vác nỗi thống khổ của nhân gian” (4). Lỗ Tấn còn cho Hoa đỏ của người điên là
một kiệt tác, ông không dịch vì đã được dịch sang tiếng Trung rồi.
Có thể thấy việc khơi mở, thậm chí là ảnh hưởng của Hoa đỏ… đối với Đèn sáng
mãi là hoàn toàn có thể. Chúng tôi đã đọc kỹ truyện Hoa đỏ…, rất tiếc là không có
tiếng Việt, phải đọc qua bản tiếng Anh, và chúng tôi nhận thấy chúng có những chi
tiết tương đồng :
1. Nhân vật chính của hai truyện đều không có tên, đều là người bị bệnh tâm
thần, bị người ta xem là người điên. Nhưng cả hai đều không nhận ra điều này.
Ngược lại, họ tự xem mình là người “đi trước”, “biết trước” (tiên giác).
2. Cả hai đều bị phát bệnh lần thứ hai. Người điên của Garshine một năm trước
cũng đưa vào chữa trị ở bệnh viện này. người điên của Lỗ Tấn nhiều năm trước
cũng phát bệnh, đòi thổi tắt ngọn đèn.
3. Cả hai người điên đều cố gắng diệt trừ căn nguyên của tội ác trong xã hội.
Người điên trong Hoa đỏ… xem hoa anh túc là cội nguồn của tội lỗi. Người điên
của Lỗ Tấn thì xem trường minh đăng là tai họa, thổi tắt thì sẽ không còn “hoàng
trùng, dịch bệnh” nữa.
4. Cả hai đều xem việc hái hoa và thổi tắt đèn là việc nghĩa không thể từ bỏ, là
hành động anh hùng nên luôn tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ đây là
điểm mà chúng tôi nghĩ Garshine và Lỗ Tấn gặp nhau: cả hai đều cho mình là
người gánh vác sứ mệnh của quốc gia, của nhân loại, rất gần với tư tưởng nổi loạn


và chủ nghĩa siêu nhân của Nietzsche. Đây là điểm giống nhau quan trọng nhất,
làm nên chủ đề và cảm hứng chủ đạo của hai tác phẩm.
5. Garshine miêu tả bệnh viện chật chội, đông đúc, dơ bẩn, trì trệ… là một hình
ảnh khái quát cho nước Nga lúc bấy giờ; Lỗ Tấn miêu tả làng Cát Quang lạc hậu,
tăm tối, u mê, ngu dốt… cũng giống một nước Trung Quốc thời phong kiến.
6. Cả hai trước lời dụ dỗ, lừa bịp của người khác đều rất tỉnh táo, kiên định,
không chịu để người khác làm thay.

7. Hành động hái hoa của người điên trong Hoa đỏ… sau khi bị phát hiện, anh ta
bị bắt nhốt, trói trong phòng bệnh. Người điên của Lỗ Tấn sau khi tỏ rõ ý định
muốn thổi tắt trường minh đăng cũng bị bắt nhốt vào gian phòng trong ngôi miếu.
8. Trong Hoa đỏ…, những đóa hoa bao giờ cũng rực rỡ, đỏ thắm; ánh đèn
trong Đèn sáng mãi lúc nào cũng “xanh lè lè” trong mắt mọi người.
9. Ngôn ngữ của hai người điên đều giống nhau: trong Hoa đỏ…: “mi sẽ đi đứt.
Ta thấy đóa thứ ba đang nở rồi. Đây là lúc để ta hoàn thành nhiệm vụ của ta! Ta sẽ
hái nó! Dẫm chết nó! Có như thế thiên hạ mới thái bình, mọi người mới an toàn.
Ta sẽ hái mi, công việc này phải do ta đích thân hoàn thành mới được.” (5). Còn
trong Đèn sáng mãi: “Thổi tắt đi thì sẽ không còn hoàng trùng nữa, không còn dịch
miệng lợn nữa… (…)…Không thể được. Không cần các anh thổi tắt. Để tôi thổi
lấy cho tắt ngay bây giờ.”( 6)
Đương nhiên, đằng sau một số điểm tương đồng về chủ đề, tư tưởng, phản ánh
hiện thực xã hội, còn có vấn đề truyền thống mỗi nước. Trong Hoa đỏ, người điên
có thể hoàn thành sứ mệnh hái ba bông hoa đỏ, kết thúc truyện, anh ta chết mà
trong tay còn nắm chặt bông hoa anh túc thứ ba, mọi người đem chôn anh ta và
hoa, trên môi nở môt nụ cười mãn nguyện. Còn người điên trong Đèn sáng mãi lại
bị giam trong buồng tối, chỉ có thể hét to khẩu hiệu: “Tao đốt hết”. Người điên
trong Hoa đỏ vì hoàn thành sứ mệnh mà hy sinh, vận mệnh người điên trong Đèn
sáng mãi không biết sẽ ra sao vì ngọn đèn vẫn sáng ”xanh lè lè”. Thôn Cát Quang
vẫn bình yên như chưa có chuyện gì xảy ra. Xem ra Lỗ Tấn còn bi quan hơn cả
Garshine.
2. Trường hợp Nhật ký người điên
Trong Nhật ký người điên, ảnh hưởng của phương Tây rất dễ nhận biết, tựa thì lấy
từ truyện cùng tên của Gogol, viết năm 1834. Còn cấu trúc truyện thì từng đoạn
văn, cách chia đoạn là giống với Zarathustra đã nói như thế của Nietzsche. Sau
này năm 1935 Lỗ Tấn cũng có nói:
“Năm 1834 Gogol viết Nhật ký người điên, năm 1883 Nietzsche đặt vào miệng
Zarathustra những lời tuyên ngôn của ông. Nhưng sau đó Nhật ký người điên của



tôi đặt ra mục tiêu là phơi bày những tội ác của chế độ gia đình và Học thuyết về
chữ Lễ, nó có âm hưởng cay đắng hơn Gogol. Và nó cũng không mơ hồ như người
hùng siêu nhân của Nietzsche.” (7)
Cả truyện của Gogol và Lỗ Tấn, đều là tập nhật ký của một người điên. Đều viết
dưới dạng nhật ký. Đều dùng ngôn ngữ của một kẻ điên để phê phán xã hội. Những
khía cạnh này của hai truyện tương đối giống nhau, ngoài ra còn có những tương
đồng khác, ví dụ những dòng kêu cứu của Gogol: mẹ ơi hãy cứu lấy con trai, giống
như Lỗ Tấn: hãy cứu lấy các em…, hay cách đề cập đến những con chó, mà người
điên nghĩ rằng giống với hành vi con người… Thế nhưng một nhà văn vĩ đại như
Lỗ Tấn phải có những sáng tạo riêng. Những điểm khác nhau giữa hai tác phẩm có
thể thấy rất rõ:
-Nhật ký người điên của Gogol là một câu chuyện hiện thực về một anh chàng
nhân viên bàn giấy, một nhân vật điển hình thường thấy trong truyện của Gogol
khi ông viết về St.Peterburg. Độc giả theo dõi tình trạng bệnh tật của anh ta từ cảm
giác mặc cảm và ghen tuông của anh thông qua việc bị giam hãm trong viện cứu tế.
Trong nhật ký, người điên của Gogol có vài cuộc tấn công vào nhân viên cấp cao
của St.Peterburg. Gogol hy vọng rằng bằng cách đặt vào miệng của người điên
những ý tưởng đó, ông sẽ tránh được việc bị kiểm duyệt. Nhưng chính điều đó làm
cho tác phẩm không có gì khác hơn là một nghiên cứu về bệnh loạn thần kinh, chứ
không phải là mong muốn của Gogol là kết án chính quyền lúc bấy giờ. Sự phê
bình xã hội phải là từ người trần thuật, và nó ấn tượng hơn là diễn đạt trực tiếp.
-Ngược lại, Lỗ Tấn không trực tiếp nói đến tình trạng khủng hoảng về tâm lý.
Chúng ta cũng không tìm thấy chân dung hiện thực của một người bất hạnh như
chúng ta tìm thấy trong những truyện sau này. Người điên của ông mang một tính
cách mờ ảo hơn là nhân viên văn phòng St. Peterburg. Ý định của Lỗ Tấn là sử
dụng người điên như là một hình ảnh tượng trưng cho sự tấn công trực tiếp vào xã
hội truyền thống. Ông không hạn chế tấn công vào một khía cạnh của xã hội, mà là
kết án cả hệ thống gia đình và đạo đức chính thống. Vì vậy, ông cung cấp cho
những lời nói của người điên một nghĩa kép: do đó câu chuyện trở thành một ngụ

ngôn, nghĩa ẩn dụ là thông điệp mà Lỗ Tấn muốn chuyên chở. Đó là sự quan trọng
của thành tố ngụ ngôn làm cho Lỗ Tấn và Gogol khác nhau. Mặc dù câu chuyện có
cùng tên cũng như những thành phần như nhau, mô hình của họ thì khác nhau.
-Lỗ Tấn nói rằng ông sử dụng nhiều kiến thức y khoa trong Nhật ký người
điên (học y khoa từ 1904-1906, ông cũng học tiếng Đức trong thời gian này và đọc
khá nhiều sách tiếng Đức về khoa học) . Truyện này cho thấy dù đã bỏ học y để
chọn văn chương, nhưng ông vẫn tiếp tục hứng thú với tâm lý học và những lĩnh
vực tương tự. Bản thân câu chuyện là một chứng cứ cho thấy kiến thức về y khoa


của ông là một nguồn quan trọng. Và nó cũng là một ý nghĩa bề mặt quan trọng
của câu chuyện.
Người anh hùng là một người đàn ông khá trẻ bị bệnh ảo giác. Anh ta tưởng tượng
người ta sẽ ăn thịt mình. Người anh nhốt anh ta vào một cái phòng tối. Khi anh ta
ra đường mọi người nhìn anh ta và bàn tán. Một ông thầy lang già thăm bệnh và
viết đơn thuốc. Anh ta kêu gọi mọi người đừng ăn thịt người nhưng họ không
nghe. Tác giả, một người bạn học cũ, nhìn thấy cuốn nhật ký và cho đăng lại.
Đó là bề mặt ý nghĩa của ngụ ngôn Nhật ký người điên. Chúng ta không có một
thống kê đầy đủ những tác phẩm mà Lỗ Tấn đọc về lĩnh vực tâm lý, và do đó
chúng ta không thể chắc chắn mức độ mà người điên phản ánh kiến thức của Lỗ
Tấn về lý thuyết y học đương đại. Nhưng ít nhất đó cũng là những triệu chứng
được mô tả trong các sách y khoa về bệnh tâm thần. Người ta gọi là chứng hoang
tưởng, sách y học gọi là một loại loạn thần kinh. Nó bao gồm việc nghi ngờ người
ta ám sát mình. Trong sách Y khoa người ta có viết: “Nghi ngờ là một thái độ
thường trực trong óc họ, và họ thường nghi ngờ cả những hành vi của những người
thân thiết, gần gũi nhất với mình. Những đoạn đối thoại của người khác làm cho
người bệnh hiểu theo một ý nghĩa ẩn giấu nào đó…” (Encyclopedia Britannica)
Đoạn mô tả này rất gần với hành vi của người điên của Lỗ Tấn. Cách anh ta liên
tưởng đến con chó nhà họ Triệu, cách người đàn bà mắng con, đánh con, thầy lang,
và ngay cả ông anh của anh ta… anh ta nghi ngờ tất cả mọi người sẽ giết và ăn thịt

anh ta, và anh ta diễn giải những ý nghĩa theo suy nghĩ riêng của mình.
Từ đó, người điên liên hệ đến một hệ thống phát triển cao hơn giúp anh ta nghĩ
rằng phần lớn xã hội là ăn thịt người.
- Cách miêu tả người điên của Lỗ Tấn đóng góp thành công không nhỏ cho tác
phẩm còn xuất phát từ một kinh nghiệm cá nhân. Trong thời gian sống ở Bắc Kinh,
Lỗ Tấn có một người anh họ làm nhân viên văn phòng ở miền Tây Bắc Trung
Quốc. Sau đó anh này bị bệnh và Lỗ Tấn phải đưa anh ta về quê. Nguyên mẫu này
chắc cũng giúp ông ít nhiều trong tác phẩm.
-Nhật ký người điên của Gogol cũng được ông kể lại rằng đó là một kinh nghiệm
khi ông còn trẻ ở St. Peterburg và cũng là một phần hiểu biết của ông. Cái làm cho
người điên của Lỗ Tấn, truyện của Lỗ Tấn thành công, đó là sự kết hợp giữa lý
thuyết và quan sát, khiến tác phẩm là một tiên phong của tâm lý học hiện đại Trung
Quốc trong văn học Trung Quốc, cách sử dụng những lời nói của người điên để
chuyên chở thông điệp. Lỗ Tấn phát hiện là sự tồn tại tự nhiên thuộc về bản chất
của hệ thống ảo giác của ca bệnh loạn thần kinh này, và khả năng bộc lộ trên bề
mặt câu chuyện là cách nhìn xã hội. Đó là chủ đề trung tâm của câu chuyện.


Gogol đóng góp quan trọng vào hình thức và nội dung của tác phẩm, những điều
đó đã được chuyển hóa vào tác phẩm dưới bàn tay tài hoa của tác giả, và nó khác
xa so với cái mà nó ảnh hưởng. Tuy nhiên còn một yếu tố nữa mà chúng ta chưa đề
cập đến đó là sự liên hệ giữa tác phẩm và truyền thống văn học Trung Quốc .
Cái cách Lỗ Tấn cách biệt với xã hội vào thời điểm ông viết Nhật ký người
điên cũng giống như người điên bị nhốt vào trong một căn phòng nhỏ (ngôi nhà
bằng sắt không có lối ra..). Trong suốt cách mạng Tân Hợi, Lỗ Tấn không tham gia
gì cả như những nhà nho truyền thống từ chối hoàn toàn hợp tác với chính phủ.
Việc Lỗ Tấn làm ở Bộ Giáo dục thật ra cũng không nói lên gì nhiều việc hợp tác vì
đó là một chức vụ nhàn hạ mà lương cao. Ông gần như tách biệt khỏi đời sống văn
học Trung Quốc lúc bấy giờ. Giờ đây ông muốn phá vỡ bức tường ngục tối lâu nay
bao quanh ông bằng cách cầm bút viết.

Việc kết án đối lập giữa cá nhân và xã hội thật ra là một vấn đề phổ biến trong văn
học truyền thống. Ví dụ những nho sĩ ngày xưa khi không có điều kiện để hành
động thực sự, các nhà nho thường rơi vào tình trạng cô lập. Trong văn học, tình
trạng này rất phổ biến, ví dụ Khuất Nguyên cũng nói:
“Cả thế gian này đục chỉ mình ta trong,
Mọi người đều say chỉ mình ta tỉnh”
Khái niệm “cuồng nhân” trong văn học truyền thống Trung Quốc cũng được nói
đến nhiều. Mặc dù ý tưởng viết nhật ký của một người điên là xuất phát từ một nhà
văn châu Âu, nhưng truyền thống chống Khổng giáo của người điên thì tồn tại ở
Trung Quốc từ lâu rồi. Sớm nhất là người điên của Khuất Nguyên, ngoài ra trong
một truyện của Nguyên Chẩn cũng có nói đến một người điên, miêu tả thái độ
chung của những người muốn hồi phục Đạo Lão (chúng ta nhớ rằng Lỗ Tấn rất am
hiểu giai đoạn này trong Văn học Trung Quốc). Lúc ở Nhật, ông có tham gia một
cua học của Chương Bỉnh Lân (nhà triết học và cách mạng), ông rất thích văn
chương thời Ngụy- Tấn. Ông biên tập thơ của Kê Khang và biên soạn cuốn Kê
Khang tập, thích tác gia này vì ông ta chống Khổng giáo, nhất là bài “Chín lý do
không ra làm quan” của Kê Khang.
Rõ ràng, Nhật ký người điên của Lỗ Tấn có ý tưởng là những hiểu biết của ông về
văn học và khoa học phương Tây. Tuy nhiên, là một nhà văn giàu sáng tạo, những
yếu tố quyết định thành công của Nhật ký người điên là phát triển từ hoàn cảnh xã
hội và chính trị lúc bấy giờ, có cả truyền thống Trung Quốc trong đó.
3. Ảnh hưởng của nhà thơ mù Nga Eroshenko với những truyện đồng thoại
mà Lỗ Tấn đã viết:
Trong suốt giai đoạn viết Hát tuồng ngày rước thần(và môt số truyện khác (19211922): Thỏ và Mèo, Chuyện vui về đàn vịt), Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng từ Vasily


Eroshenko, một nhà thơ Nga mù, sinh ra ở Ucraina, cũng là một chuyên gia quốc tế
ngữ, nhạc sĩ và kể chuyện đồng thoại trẻ em. Trước khi đến Trung Quốc, ông đã
sống ở Ấn Độ, Burma và Nhật Bản. Bị trục xuất khỏi Nhật Bản năm 1921 (vì bị
nghi ngờ là một gián điệp, nhưng có lẽ ông là một người vô chính phủ thì đúng

hơn), ông đến Trung Quốc. Ông được giới thiệu với Thái Nguyên Bồi, hiệu trưởng
Đại học Bắc Kinh, và Thái Nguyên Bồi mời ông dạy môn quốc tế ngữ. Vì
Eroshenko không biết nói tiếng Trung Quốc, nên Thái lo lắng không biết ông ta
xoay xở ra sao ở Bắc Kinh. Phát hiện là ông rất giỏi tiếng Nhật, Thái quyết định
nhà họ Chu sẽ là nơi cư ngụ lý tưởng cho Eroshenko, vì với Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân
và vợ (Habuto Nobuko), Chu Kiến Nhân và vợ (em gái Habuto), tiếng Nhật gần
như là tiếng mẹ đẻ. Mùa xuân năm 1922, Eroshenko đến ở với họ, vào ngày 3.7,
ông đi du lịch ở Nga, tham dự một hôị thảo về quốc tế ngữ ở Phần Lan, ngày 4.11
ông về lại Bắc Kinh và ở đây đến tháng 4.1923
Khi Eroshenko bắt đầu khóa dạy, sinh viên tham dự rất đông (Lỗ Tấn đã dịch từ
tiếng Nhật vở kịch đồng thoại của Eroshenko Những đám mây hồng và đăng
trênBưu điện buổi sáng, Eroshenko vì vậy rất nổi tiếng ở Bắc Kinh). Ông này nói
quốc tế ngữ, rồi Chu Tác Nhân dịch ra tiếng Trung Quốc. Ba truyện trong Gào
thét: Chuyện vui về đàn vịt, Thỏ và mèo và Hát tuồng ngày rước thần đươc viết
vào tháng 10.1922. Dường như cảm thức lãng mạn không có nhân vật của Hát
tuồng ngày rước thần và hai truyện kia là kết quả của sự trữ tình Nga đã có âm
hưởng đọng lại trong trái tim Lỗ Tấn, và nó cũng tiếp tục một ít ở những truyện
đầu tậpBàng hoàng. Eroshenko dường như có khuynh hướng chuyển Lỗ Tấn từ
việc rút lui tạm thời khỏi hiện thực Trung Quốc những năm đầu thập niên 1920
trong một tâm trạng buồn bã sang môt hướng khác, xoa dịu bởi thiên nhiên và trẻ
em. Ví dụ đoạn miêu tả trong Hát tuồng ngày rước thần: “Chiếc thuyền như một
con cá lớn cõng một bầy trẻ con vượt sóng. Mấy ông già đánh cá đêm cũng dừng
xuồng lại, nhìn thuyền chúng tôi lướt qua, ngợi khen…”
4. Ảnh hưởng phong cách những truyện ngắn của Leonid Andreyev và
Artsybashev: như Im lặng, Nụ cười đỏ (của Andreev), Tumanov (của
Artsybashev) mang phong cách cô độc, ngập tràn hình ảnh cái chết, bệnh hoạn,
tâm thần, loạn trí… Văn phong hoang vắng, cằn cỗi, khô khan… sự cự tuyệt một
cách kiên định của các tác giả khi bình luận về hành động của nhân vật… đã được
Lỗ Tấn tiếp thu và thể hiện trong nhiều truyện ngắn của mình. Ví dụ như hình ảnh,
không khí rùng rợn trong Thuốc, đây là câu chuyện thấm đẫm chủ nghĩa tượng

trưng, từ máu của kẻ tử tù đến con quạ ở kết thúc, giống với hình ảnh con diều hâu
kết thúc Moby Dick, là một biểu tượng vô thức của sự áp đặt của con người lên
thiên nhiên. Lỗ Tấn đan dệt khéo léo hai chủ đề song song của tình trạng bệnh
hoạn về tinh thần và cơ thể bệnh hoạn qua phương thuốc lạc hậu mê tín. Tâm trạng
buồn bã, bi quan trong Lễ cầu phúc, Con người cô độc… Đó là lý do mà nhà


nghiên cứu Hạ Tế An đã nhận xét về văn phong Lỗ Tấn: “Lỗ Tấn là một thiên tài
bệnh hoạn… trong tác phẩm của ông, hy vọng và linh cảm cùng tồn tại với tối tăm.
Xem ra Lỗ Tấn rất giỏi mô tả sự chết chóc… Tang ma, nghĩa địa, hành hình, nhất
là chém đầu, lại còn cả ốm đau, bệnh tật, những đề mục ấy đều thu hút trí tưởng
tượng sáng tạo của ông” (8)
Semanov cho rằng việc Lỗ Tấn thích Andreyev là một điều thú vị và lạ lùng, vì ở
Nga, nhà văn này không được ưa thích lắm. Có lẽ Lỗ Tấn cảm thấy khuynh hướng
bi quan của Andreyev thích hợp với việc miêu tả tình cảnh một nước Trung Quốc
“không có lối ra”.
5.Tử Quân trong Tiếc thương những ngày đã mất: là một sự “tiếp bút” của nhân
vât Nora trong vở kịch Ngôi nhà búp bê của Henrik Ibsen (1828-1906), nhà viết
kịch nổi tiếng người Na Uy. Ngôi nhà búp bê là vở diễn thứ 16 của ông, được xem
là thành công nhất. Vở kịch đã gây tiếng vang rất rộng rãi thời bấy giờ, tạo nên môt
sự rung động mãnh liệt khi công diễn; Huneker nhận xét: “Âm thanh dội lại của
cánh cửa bị đẩy ra (của Nora) đã vượt lên mái nhà của thế giới” (9). Vở kịch đã
làm một cuộc du lịch ngoạn mục, vượt biên giới Na Uy, sang các nước như Đức, Ý
Pháp, Mỹ…
Ngôi nhà búp bê khi sang Trung Quốc được dịch là Gia đình búp bê. Vở kịch này
được người Trung Quốc diễn và gây chấn động không nhỏ đối với thanh niên
Trung Quốc thế hệ mới lúc bấy giờ. Trong bộ tiểu thuyết Gia đình (1931), Ba Kim
có nhắc đến chuyện vở kịch này khi công diễn được hoan nghênh nhiệt liệt ra sao,
và thanh niên nam nữ đua nhau học theo tinh thần của vở kịch, là thoát khỏi cái
lồng ràng buộc của gia đình phong kiến, tìm tự do. Tư tưởng của vở kịch, theo

quan điểm của Ibsen về sự hòa hợp tinh thần của hai thành viên quan trọng nhất
trong gia đình, về trách nhiệm đối với bản thân… đã thay đổi do tình hình xã hội
Trung Quốc lúc bấy giờ. Xã hội Trung Quốc thời sau Ngũ Tứ đang yêu cầu thay
đổi, cải cách quyền con người, đặc biệt là vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Vở
kịch đã đánh đúng tâm lý, tư tưởng người Trung Quốc, vì vậy mà nó được tán
thưởng, trước hết là ở tính xã hội của nó.
Nhưng cứ đua nhau đòi thoát ly gia đình mà không chuẩn bị cho bản thân một
hành trang sự nghiệp, kinh tế nhất định, hay xã hội chỉ hô hào đổi mới về hình thức
mà không tạo cho người phụ nữ một vị trí độc lập nào về kinh tế thì hoàn toàn vô
ích, cũng chỉ là từ một cái lồng này sang một cái lồng khác mà thôi. Đứng trước
tình hình đó, Lỗ Tấn đã bức xúc viết một bài tạp văn có tựa là Nora đi rồi thì ra
sao? (1923). Trong đó ông phân tích, Nora ra đi không nghề nghiệp, không tiền
bạc, thì chỉ có hai con đường, hoặc là truỵ lạc, vào nhà thổ, hoặc là chết đói. Ông
nhấn mạnh: “để chuẩn bị đừng làm con búp bê, thì trong xã hội hiện nay, điều
quan trọng bậc nhất là phải có quyền kinh tế. Một là, trong nhà trước hết phải


giành cho được sự phân phối bình quân giữa con trai và con gái; hai là, ngoài xã
hội, phải giành cho được thế lực ngang nhau giữa nam và nữ.” (10)
Chừng như chưa hài lòng với bài tạp văn này, và để làm rõ hơn quan điểm mà
mình kêu gọi phụ nữ Trung Quốc nhìn ra thực chất của vấn đề giải phóng phụ nữ,
Lỗ Tấn đã viết Tiếc thương những ngày đã mất (nguyên tác Thương thệ) không lâu
sau đó (1924). Trong truyện ngắn này, Lỗ Tấn đã đề cập đến khá nhiều vấn đề
mang tính thời đại: đặc điểm và vai trò người trí thức trong cơn biến động của quá
trình lột xác của một nước Trung Hoa muốn đổi thay để hiện đại hơn, tiến bộ hơn;
vị trí và yêu cầu của người phụ nữ đòi hỏi được nhìn nhận khác với trước đó…
Không chỉ là những vấn đề có tính thời đại, Lỗ Tấn còn đưa ra những vấn đề có
tính muôn thuở, vĩnh cửu: tình yêu nam-nữ, trách nhiệm của từng thành viên trong
tình yêu, trong gia đình, trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân. Tiếc thương…
được xem như một tác phẩm “tiếp bút” của Ngôi nhà búp bê.

Khi phân tích “bi kịch tình yêu” tan vỡ giữa Tử Quân và Quyên Sinh, chúng ta
thấy rằng Tử Quân là một hình tượng trí thức “sống thừa” trong truyện ngắn Lỗ
Tấn. Qua đó ông cho thấy nguyên nhân xã hội và đặc biệt là nguyên nhân nội tại
trong bi kịch cuộc đời họ. Tử Quân là một thành viên trong xã hội mà ở đó con
người vừa là nạn nhân- bị tha hóa trên con đường phát triển của chính mình, vừa là
thủ phạm gây ra bi kịch cho mình mà không hề ý thức được. Cô muốn vươn lên,
tách khỏi, thoát ly những định kiến xã hội để sống đúng với bản chất, nguyện vọng
chính đáng của mình. Cô không bằng lòng với hiện thực nhưng cách chống đối của
cô là thoát ly gia đình, lao vào một cuộc sống gia đình khác cũng chật hẹp và giam
cầm như vậy mà thôi. Cũng giống như Nora, ở nhà là con búp bê của cha, về nhà
chồng là búp bê của chồng. Lý tưởng của cô thiếu phương hướng cụ thể, và đặc
biệt là Tử Quân không còn dũng khí và lòng quyết tâm để theo đuổi đến cùng. Tử
Quân và Nora đều là nạn nhân của xã hội, nhưng họ cũng là thủ phạm của chính
mình. Họ tự giam mình trong cái lồng son tù túng đó. Nora thì hết lòng vì chồng
con quên cả bạn bè, Tử Quân thì suốt ngày chúi mũi vô chuyện cơm nước, chăn
nuôi, cãi cọ với chủ nhà… Tử Quân và Nora đều muốn thoát ly gia đình ra xã hội,
với yêu cầu tự do phát triển như một thành viên độc lập và hữu trách. Đó là quá
trình “người trí thức bung mình khỏi nề nếp tư duy cổ truyền” (11), nhưng vấn đề
chưa hẳn đã được giải quyết vì họ không có một chút địa vị kinh tế độc lập nào, thì
con đường phát triển không thể rộng thênh thang. Nếu trong Ngôi nhà búp bê,
Nora bỏ nhà đi, câu chuyện kết thúc, sân khấu hạ màn, thì vận mệnh bi thảm của
Tử Quân sau khi ra đi xây dựng một gia đình mới đã nói rõ cho chúng ta, cho
thanh niên trí thức tiểu tư sản thời đó mọi sự thật cay đắng. Nói Lỗ Tấn “tiếp bút”
cho chỗ “dừng bút” của Ibsen chính là vì vậy.
Lỗ Tấn cũng là người nhìn thấy khía cạnh vĩnh cửu trong Ngôi nhà búp bê của
Ibsen, đó là cách chiếu ứng quan hệ người- người, mà ở đây là trong tình yêu-


trong vấn đề quan niệm trách nhiệm của hai thành viên trong gia đình với nhau và
với bản thân. Ở đây, quan niệm về hôn nhân của Lỗ Tấn và Ibsen khá giống nhau.

Trong một cuộc sống chung, cần trách nhiệm vun đắp của cả hai thành viên để
cùng phát triển, hòa hợp với nhau.
Nora ra đời năm 1879, Tử Quân năm 1924, hai người phụ nữ này cách nhau 45
năm. Vấn đề mà hai xã hội Na Uy và Trung Quốc đối mặt cũng khá trùng hợp- đó
là yêu cầu đánh giá và trân trọng vị trí đích thực của người phụ nữ- môt tiêu chuẩn
đo lường mức độ văn minh phát triển của một xã hội hiện đại. Đồng thời, qua số
phận hai nhân vật này, chúng ta thấy rằng Ibsen và Lỗ Tấn đều đưa ra những vấn
đề không cũ: quan niệm của con người về một tình yêu, một cuộc hôn nhân, một
gia đình đúng nghĩa; về trách nhiệm cao cả đối với bản thân trước khi bước vào
đời; về ý thức xây dựng và vun đắp cho cuộc sống chung vững bền, sâu đậm…
Không chỉ có ảnh hưởng ở Lỗ Tấn, nhân vật Nora trong kịch của Ibsen còn được
chuyển hóa trong văn học Trung Quốc hiện đại bằng cách sử dụng lý thuyết về
người nữ anh hùng phiêu lưu kiểu như người nữ anh hùng của Carol Pearson và
Katherine Pope ở Mỹ và trong văn học Anh như Maureen Murdock … để miêu tả
tiến trình tự do, độc lập, tự giải phóng của phụ nữ trong thời kỳ Ngũ Tứ. Bằng cách
áp dụng lý thuyết Nora như là một mô típ huyền thoại, chúng ta có thể thấy những
nhà văn Trung Hoa áp dụng mẫu nữ anh hùng phương Tây vào hoàn cảnh chính trị
và xã hội Trung Quốc. Có thể kể tiêu biểu là các nữ nhân vật khác như Mỹ
trong Cầu vồng của Mao Thuẫn: rời bỏ gia đình đi tìm sự tự do bằng cách tham gia
những hoạt động xã hôị, nhưng điều này mâu thuẫn với nhận định, đánh giá của xã
hội, vì vậy hành động anh hùng của họ rốt cuộc cũng thất bại; Nhật ký của
Sophie của Đinh Linh miêu tả một người phụ nữ đấu tranh giữa tình yêu và giới
tính…
6. KẾT LUẬN
1.Qua những dẫn chứng cụ thể trên đây, chúng ta thấy rằng ảnh hưởng của văn học
phương Tây, đặc biệt là văn học Nga, khá rõ nét trong các tác phẩm Lỗ Tấn. Điều
đó xác nhận một thực tế: Trung Quốc giai đoạn này là một đất nước đã mở cửa đón
nhận (dù miễn cưỡng hay tự nguyện) luồng văn hóa phương Tây. Những trí thức
giao thời như Lỗ Tấn, được đào tạo ở cả hai giai đoạn cũ và mới của giáo dục
Trung Quốc đã ý thức về việc tiếp thu cái mới, cái hay của nước ngoài (điều này sẽ

không bao giờ xảy ra ở cách đó chừng 30 năm). Tuy nhiên cũng thấy rằng việc vận
dụng và tiếp thu phương Tây của Lỗ Tấn (cả về tư tưởng lẫn văn học) là một quá
trình có chọn lọc và có mục đích.
2.Vận dụng rõ ràng nhất của Lỗ Tấn đó là những mô týp trong văn học phương
Tây nói về con người nổi loạn, người điên để kết án xã hội. Nó bắt nguồn từ việc
đồng cảm của cá nhân Lỗ Tấn – một con người luôn có tâm thức cô đơn, không ai


hiểu mình nhưng lại ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình, nó phù hợp với việc
chọn lựa mô týp người điên, bệnh tâm thần của văn họ phương Tây. Cũng giống
như vậy, là không khí, tình điệu u buồn, bi quan của các tác giả phương Tây trong
các tác phẩm của họ cũng được Lỗ Tấn tiếp thu đưa vào trong tác phẩm của ông.
Có điều, Lỗ Tấn không hề bị bệnh tâm thần như Gôgol, Garshin, không sống lưu
vong bỏ Tổ quốc như Andreev, Gogol… Lỗ Tấn không hề gắn cảm thức bi quan
của cá nhân mình vào tác phẩm như những nhà văn đó mà ông nhìn về một xã hội
Trung Quốc bi quan. Có thể thấy Lỗ Tấn tỉnh táo hơn họ, âu đó cũng là bản tính
của một trí thức phương Đông: lo cái lo trước thiên hạ, vui cái vui sau thiên hạ, ít
nghĩ về bản thân mình (còn phương Tây tôn trọng con người cá nhân)
3.Và những điều đó, ít ra cũng làm cho tác phẩm Lỗ Tấn có ý nghĩa xã hội và trách
nhiệm hơnr
1.Lỗ Tấn toàn tập, tập 4, Bắc Kinh 1957, chuyển dẫn từ J.D.Chinnery. Ảnh hưởng
của văn chương phương Tây đến Nhật ký người điên của Lỗ Tấn, Tập san Nghiên
cứu Châu Phi và Phương Đông, trường Đại học London, Vol 23, số 2, 1960 (Bản
tiếng Anh).
2.Chuyển dẫn từ William A. Lyell, Lu Hsun’s vision of reality (Cái nhìn về hiện
thực của Lỗ Tấn), Berkeley: Nxb ĐH California, 1976
3. Phụ lục truyện dịch Trong sương mù ảm đạm do Lỗ Tấn dịch trong Tuyển tập
truyện dịch hiện đại, Lỗ Tấn toàn tập, q.11,tr. 260.
4.Lỗ Tấn toàn tập, q.16.
5.Dịch từ Red flower of the madman- Garshine.

6.Bản dịch Truyện ngắn Lỗ Tấn của Trương Chính, NXB Văn hóa 1994- Tất cả
những trích dẫn truyện ngắn của Lỗ Tấn đều được NV sử dụng từ bản dịch này.
7.Lỗ Tấn toàn tập, q. 6.
8.Hạ Tế An, Mặt tối tăm trong sáng tác của Lỗ Tấn- ĐH Michigan?.
9.Introduction in Six Plays by H.Ibsen, Modern Library College Editions, NY.
1978.
10.Tạp văn Lỗ Tấn, Trương Chính dịch, NXB Giáo dục 1998.
11.Hemmer (Bjorn), Nhà soạn kịch Henrik Ibsen nổi tiếng của Na Uy, TCVH số
12.1997, tr.19.



×